KTe TT (k/n, đặc trưng)
1- Kinh tế thị trường:
1.1. Đặc trưng của kinh tế thị trường
a- Khái niệm kinh tế thị trường.
Kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, ở đó thị trường quyết định về sản xuất và phân phối.
Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế, mà trong đó, cá nhân người tiêu dùng và các nhà sản xuất-kinh doanh tác động lẫn nhau thông qua thị trường để xác định những vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế: sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai? Trong nền kinh tế thị trường, thị trường quyết định phân phối tài nguyên cho nền sản xuất xã hội.
b- Đặc trưng của kinh tế thị trường.
- Một là, quá trình lưu thông những sản phẩm vật chất và phi vật chất từ sản xuất đến tiêu dùng phải được thực hiện chủ yếu bằng phương thức mua-bán.
Sở dĩ có sự luân chuyển vật chất trong nền kinh tế là do có sự phân công chuyên môn hoá trong việc sản xuất ra sản phẩm xã hội ngày càng cao, cho nên sản phẩm trước khi trở thành hữu ích trong đời sống xã hội cần được gia công qua nhiều khâu chuyển tiếp nhau. Bên cạnh đó, có những người, có những doanh nghiệp, có những ngành, những vùng sản xuất dư thừa sản phẩm này nhưng lại thiếu những sản phẩm khác, do đó giữa chúng cũng cần có sự trao đổi cho nhau.
Sự luân chuyển vật chất trong quá trình sản xuất có thể được thực hiện bằng nhiều cách: Luân chuyển nội bộ, luân chuyển qua mua-bán. Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm được sản xuất ra chủ yếu để trao đổi thông qua thị trường.
- Hai là: Người trao đổi hàng hoá phải có quyền tự do nhất định khi tham gia trao đổi trên thị trường ở ba mặt sau đây:
+ Tự do lựa chọn nội dung sản xuất và trao đổi
+ Từ do chọn đối tác trao đổi
+ Tự do thoả thuận giá cả trao đổi
+ Tự do cạnh tranh
- Ba là: Hoạt động mua bán được thực hiện thường xuyên rộng khắp, trên cơ sở một kết cấu hạ tầng tối thiểu, đủ để việc mua-bán diễn ra được thuận lợi, an toàn với một hệ thống thị trường ngày càng đầy đủ.
- Bốn là: Các đối tác hoạt động trong nền kinh tế thị trường đều theo đuổi lợi ích của mình. Lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp của sự phát triển kinh tế.
- Năm là: Tự do cạnh tranh là thuộc tính của kinh tế thị trường, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, có lợi cho cả người sản xuất và ngjười tiêu dùng.
- Sáu là: Sự vận động của các quy luật khách quan của thị trường dẫn dắt hành vi, thái độ ứng xử của các chủ thể kinh tế tham gia thị trường, nhờ đó hình thành một trật tự nhất định của thị trường từ sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng.
Một nền kinh tế có được những đặc trưng cơ bản trên đây được gọi là nền kinh tế thị trường. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sức sản xuất trong từng quốc gia và sự hội nhập kinh tế mang tính toàn cầu đã tạo điều kiện và khả năng vô cùng to lớn để phát triển nền kinh tế thị trường đặt đến trình độ cao-kinh tế thị trường hiện đại.
Kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế có đầy đủ các đặc trưng của một nền kinh tế thị trường, đồng thời nó còn có các đặc trưng sau đây:
- Một là, có sự thống nhất mục tiêu kinh tế với các mục tiêu chính trị-xã hội.
- Hai là, có sự quản lý của Nhà nước, đặc trưng này mới hình thành ở các nền kinh tế thị trường trong vài thập kỷ gần đây, do nhu cầu không chỉ của Nhà nước-đại diện cho lợi ích của giai cấp cầm quyền, mà còn do nhu cầu của chính các thành viên, những người tham gia kinh tế thị trường.
- Ba là, có sự chi phối mạnh mẽ của phân công và hợp tác quốc tế, tạo ra một nền kinh tế thị trường mang tính quốc tế. vượt ra khỏi biên giới quốc gia động và mở, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giữa các quốc gia đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, tốc độ ngày càng tăng làm cho nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên một chính thể thống nhất, trong đó mỗi quốc gia là một bộ phận gắn bó hữu cơ với các bộ phận khác.
1.2. Các loại kinh tế thị trường:
Tuỳ theo cách tiếp cận, người ta có thể phân loại kinh tế thị trường theo các tiêu chí khác nhau:
- Theo trình độ phát triển, có:
+ Nền kinh tế hàng hoá giản đơn, kinh tế thị trường phát triển ở trình độ thấp
+ Nền kinh tế thị trường hiện đại
- Theo hình thức hàng hóa, có:
+ Nền kinh tế thị trường với hàng hoá truyền thống: Thị trường lương thực, sắt thép, xăng dầu...
+ Nền kinh tế thị trường với hàng hoá hiện đại: Thị trường vốn, thị trường sức lao động, thị trường công nghệ...
- Theo mức độ tự do, có:
+ Nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh
+ Nền kinh tế thị trường có điều tiết của nhà nước
+ Nền kinh tế thị trường hỗn hợp: Kết hợp sự điều tiết của Nhà nước với điều tiết của "Bàn tay vô hình" là cơ chế thị trường
- Theo mức độ nhân văn, nhân đạo của nền kinh tế
+ Nền kinh tế thị trường thuần tuý kinh tế
+ Nền kinh tế thị trường xã hội
2- Đặc trưng chủ yếu của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có các đặcc trưng sau đây:
2.1- Về hệ thống mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế-xã hội quy định quá trình phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tổng quát "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" cụ thể là:
aVề mục tiêu kinh tế-xã hội-văn hoá
- Làm cho dân giàu, mà nội dung căn bản của dân giàu là mức bình quân đóng góp GDP/đầu người tăng nhanh trong một thời gian ngắn và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ta ngày càng được thu hẹp.
- Làm cho nước mạnh thể hiện ở mức đóng góp to lớn vào ngân sách quốc gia, ở sự gia tăng ngành kinh tế mũi nhọn, ở sự sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên quốc gia, ở sự bảo vệ môi sinh, môi trường, tạo mọi điều kiện cho khoa học, công nghệ phát triển, ở khả năng thích ứng của nền kinh tế trong mọi tình huống bất trắc.
- Làm cho xã hội công bằng, văn minh thể hiện ở cách xử lý các quan hệ lợi ích ngay trong nội bộ kinh tế thị trường đó, ở việc góp phần to lớn vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, ở việc cung ứng các hàng hoá và dịch vụ có giá trị không chỉ về kinh tề mà còn có giá trị cao về văn hoá.
b- Về mục tiêu chính trị
Làm cho xã hội dân chủ, biểu hiện ở chỗ dân chủ hoá nền kinh tế, mọi nguời, mọi thành phần kinh tế có quyền tham gia vào hoạt động kinh tế, vào sản xuất-kinh doanh, có quyền sở hữu về tài sản của mình: quyền của người sản xuất và tiêudùng được bảo về trên cơ sở pháp luật của Nhà nước.
2.2. Về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có cấu trúc từ nhiều loại hình, hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Trong đó: chế độ sở hữu công cộng (công hữu) về tư liệu sản xuất chủ yếu từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi CNXH được xây dựng xong về cơ bản " (Văn kiện Đại hôị IX của Đảng, tr 96). "Từ các hinh thức sở hữu đó hình thành nên nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân "(Văn kiện Đại học IX của Đảng, tr 87).
2.3. Về cơ chế vận hành kinh tế
Cơ chế vận hành nền kinh tế trước hết phải là cơ chế thị trường để đảm bảo phân bổ hợp lý các lợi ích và nguồn lực, kích thích phát triển các tiềm năng kinh doanh và các lực lượng sản xuất, tăng hiệu quả và tăng năng suất lao động xã hội. Đồng thời, không thể phủ nhận vai trò của Nhà nước XHCN-đại diện lợi ích chính đáng của nhân dân lao động và xã hội thực hiện việc quản lý vĩ mô đối với kinh tế thị trường trên cơ sở học tập, vận dụng kinh nghiệm có chọn lọc cách quản lý kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa, điều chỉnh cơ chế kinh tế. giáo dục đạo đức kinh doanh phù hợp; thống nhất điều hành, điều tiết và hướng dẫn sự vận hành nền kinh tế cả nước theo đúng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
2.4. Về hình thức phân phối.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức phân phối đan xen, vừa thực hiện theo nguyên tấc phân phối của kinh tế thị trường và nguyên tắc phân phối của CNXH. Trong đó, các ưu tiên phân phối theo lao động, theo vốn, theo tài năng và hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự phân phối công bằng và hạn chế bất bình đẳng xã hội. điều này vừa khác với phân phối theo tư bản của kinh tế thị trường thông thường, lại vừa khác với phân phối theo lao động mang tính bình quân trong CNXH cũ.
2.5- Về nguyên tắc giải quyết các mặt, các mối quan hệ chủ yếu:
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải kết hợp ngay từ đầu giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, bảo đảm giải phóng lực lượng sản xuất, xây dựng lực lượng sản xuất mới kết hợp với củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, quan hệ quản lý tiên tiến của nền kinh tế thị trường nhằm phục vụ cho phát triển sản xuất và công nghiệp hoá-hiện đại hoá, đất nước; giữa phát triển sản xuất với từng nước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết với các vấn đề xã hội và công bằng xã hội, việc làm, nghèo đói, vấn đề bảo đảm y tế và giáo dục, vấn đề ngăn chặn các tệ nạn xã hội; đóng góp giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị, xã hội, môi trường tạo sự phát triển bền vững.
2.6. Về tính cộng đồng, tính dân tộc:
Kinh tế thị trường định hướng XHCN mang tính cộng đồng cao theo truyền thống của xã hội Việt Nam, phát triển có sự tham gia của cộng đồng và có lợi ích của cộng đồng, gắn bó máu thìt với cộng đồng trên cơ sở hài hoà lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng, chăm lo sự làm giàu không chỉ chú trọng cho một số ít người mà cho cả cộng đồng, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội giàu có, đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, công bằng, dân chủ, văn minh, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.
2.7. Về quan hệ quốc tế
Kinh tế thị trường định hướng XHCN dựa vào sự phát huy tối đa nguồn lực trong nước và triệt để tranh thủ nguồn lực ngoài nước theo phương châm "Kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại" và sử dụng chúng một cách hợp lý-đạt hiệu quả cao nhất, để phát triển nền kinh tế đất nước với tốc độ nhanh, hiện đại và bền vững.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top