7. Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế
Tại sao hiện nay Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế?
Sau hơn 25 năm đổi mới từ một quốc gia nghèo và chậm phát triển, Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành.
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 20,6%, công nghiệp và xây dựng chiếm 41%, dịch vụ chiếm xấp xỉ 40% GDP. Kết quả này là do thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, thành tựu đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng: nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm…
Nhiều năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế, Việt Nam đã phải trả giá không nhỏ cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nền kinh tế Việt Nam phát triển dựa vào khai thác tài nguyên là chính, trong khi việc phân bổ và sử dụng “nguồn vốn tự nhiên” lại kém hiệu quả và lãng phí. Chất thải gây ô nhiễm môi trường không được quản lý và xử lý tốt, tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính ở vào hàng cao nhất trên thế giới.
Ngoài ra, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới nên tiêu tốn nhiều năng lượng, kéo theo năng suất chất lượng thấp. Nghiêm trọng hơn, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang suy giảm mạnh, diện tích các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp, tài nguyên không tái tạo dần cạn kiệt, nguồn lợi thủy sản giảm dần… Hơn nữa, Việt Nam bị xếp vào danh sách một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Từ năm 2007 đến nay, trước những biến đổi của thế giới và trong nước, nền kinh tế Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém cần được khắc phục. Mô hình tăng trưởng hướng tới xuất khẩu chủ yếu dựa vào các yếu tố theo chiều rộng sử dụng nhiều vốn và lao động đã đến giới hạn, áp dụng kinh tế thị trường chưa đầy đủ, chưa hình thành cơ chế cạnh tranh tích cực phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế, các động lực của tăng trưởng theo chiều sâu (gồm năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực) chưa được cải thiện để trở thành động lực phát triển; cơ cấu kinh tế chậm đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cho đến nay, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn.
Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người lao động ở các đô thị, khu công nghiệp, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa còn nhiều bất cập. Tai nạn và ùn tắc giao thông chưa giảm, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng; khiếu kiện đông người, đình công xảy ra ở nhiều nơi; số vụ tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Hội Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (10/10/11) đã chỉ rõ nguyên nhân của tình hình trên là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; đồng thời do những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục...
Về quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường; xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; đồng thời có biện pháp tích cực ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường. Ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực bảo đảm thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược mà Đại hội XI đã xác định; chú trọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Theo quan điểm của Chính phủ, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm. Trong 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đang mở ra cơ hội cho Việt Nam xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top