kinh tạp a hàm 1

TẠP A-HÀM QUYỂN 11

KINH 273. THỦ THANH DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình lặng lẽ tư duy: “Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Cái gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?” Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, Tỳ-kheo này đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: ‘Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Cái gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì ngươi mà nói hai pháp[2]. Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Thế nào là hai? Mắt và sắc là hai. Tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là hai pháp.

“Này Tỳ-kheo, nếu có người bảo rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm nói hai pháp, nhưng đó chẳng phải là hai. Nay tôi sẽ bỏ cái này để lập hai pháp khác.’ Người kia chỉ nói suông[3], nhưng nếu gạn hỏi thì không biết và càng tăng thêm nghi hoặc, vì chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Vì duyên mắt và sắc nên sanh ra nhãn thức.

“Này Tỳ-kheo, mắt này là hình thịt[4], là bên trong, là nhân duyên, là cứng[5], là thọ[6]. Đó gọi là nội địa giới, hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, chất dịch từ mắt tiết ra, là thọ. Đó gọi là nội thủy giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, phát ra ánh sáng ấm nóng, là thọ. Đó gọi là nội hỏa giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc ở trong, hoặc nhân duyên, dao động nhẹ nhàng, là thọ. Đó là nội phong giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, thí như hai tay chập lại tạo thành âm thanh, cũng vậy duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức. Ba sự này hòa hợp sanh ra xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này chẳng phải ngã, chẳng phải thường, mà đó là cái ngã vô thường; chẳng phải lâu bền, chẳng phải an ổn, đó là cái ngã biến dịch. Vì sao? Này Tỳ-kheo, vì nó là pháp thọ sanh có sanh, già, chết, tiêu mất.

“Này Tỳ-kheo, các hành như huyễn, như sóng nắng, trong khoảnh sát na, tàn lụi, không thật đến không thật đi. Cho nên Tỳ-kheo, đối với các hành vốn không, nên biết, nên hoan hỷ, nên suy niệm rằng, trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống không không có ngã, không có ngã sở.

“Ví như người mắt sáng tay cầm đèn sáng vào trong nhà trống, xem xét cái nhà trống ấy. Cũng vậy, Tỳ-kheo, đối với tất cả hành trống không, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng trống không là các hành. Trống không, không ngã và ngã sở, là các pháp (được coi là) thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch. Cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp thành xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này vô ngã, vô thường, chi tiết cho đến không, vô ngã và ngã sở. Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào? Mắt là thường hay là vô thường?”

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy đa văn Thánh đệ tử đối với mắt sanh nhàm tởm; nhàm tởm nên không ưa thích, không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Tỳ-kheo ấy nghe Phật thuyết về kinh thí dụ hai tay hợp lại phát tiếng, một mình đi đến chỗ vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung, … tự biết không còn thọ thân sau, thành A-la-hán.

*

KINH 274. KHÍ XẢ[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Những gì không phải là của các ông có, cần phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ hết pháp đó rồi, thì được an vui lâu dài. Này các Tỳ-kheo, ý các ông thế nào? Ở trong rừng Kỳ-hoàn này, các thứ cỏ cây, cành lá, nếu có người mang đi, thì các ông có nghĩ rằng: ‘Những vật này là tôi, là của tôi, người kia sao lại đem đi?’”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì những vật này chẳng phải ta, chẳng phải của ta.”

“Tỳ-kheo, các ông cũng lại như vậy, đối với vật không phải của mình, phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ những pháp này rồi, thì được an vui lâu dài. Những gì không phải sở hữu của các ông? Mắt, không phải của các ông, nên xả bỏ; khi đã xả bỏ rồi, thì được an vui lâu dài. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào, Tỳ-kheo, mắt là thường hay là vô thường?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu là vô thường thì khổ phải không?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử đối với sáu nhập xứ này, nên quán sát chẳng phải ta, chẳng phải của ta. Khi quán sát rồi, đối với các pháp thế gian không chấp thủ. Vì không chấp thủ nên không đắm trước, do không đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 275. NAN-ĐÀ[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có người nói: ‘Người có sức mạnh nhất chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói chính xác. Có người nói: ‘Người đẹp trai nhất cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Có người lại nói: ‘Người ái dục nặng cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Này các Tỳ-kheo, nhưng hiện tại Nan-đà đã đóng cửa các căn, ăn uống điều độ, đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập, thành tựu chánh trí, có thể suốt đời Phạm hạnh thanh bạch, thuần nhất viên mãn.

“Tỳ-kheo Nan-đà này đã đóng cửa các căn. Nếu mắt thấy sắc, thì không còn chấp giữ tướng dạng của sắc, không chấp giữ vẻ đẹp riêng[9]. Nếu những gì khiến nhãn căn không được phòng hộ[10], bị ngăn che bởi vô minh, tham ái thế gian; Tỳ-kheo khởi tâm phòng hộ[11], không để các pháp ác bất thiện ấy tiết lậu vào tâm. Tỳ-kheo sanh các luật nghi để phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý[12]. Đó gọi là Tỳ-kheo Nan-đà đóng cửa các căn[13].

“Thế nào là ăn uống có điều độ? Tỳ-kheo Nan-đà đối với sự ăn có hệ số[14], không vì tự cao, không vì buông lung, không vì sắc đẹp, không vì trang nghiêm, vừa đủ nuôi thân mà thôi, không kể ngon dở, cốt trừ đói khát để tu phạm hạnh; vì để đối với những cảm giác khổ đã khởi lên trước đây, liền làm cho dập tắt, những cảm giác khổ chưa khởi khiến cho không khởi; vì để thành tựu được ý chí hướng thượng[15]; vì để khí lực an lạc, sống một mình không cần ai biết đến[16]. Như người đi xe phải bôi dầu, không vì tự cao, (chi tiết như trên, cho đến)không vì trang điểm, mà vì để vận tải. Cũng giống như xức ghẻ, không vì tham vị thuốc mà vì muốn hết đau. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà biết ăn uống có điều độ,… cho đến, sống một mình không cần ai biết đến. Đó gọi là Nan-đà biết ăn uống có điều độ.

“Thiện nam tử Nan-đà đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập. Nan-đà ban ngày kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh; đầu đêm kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh[17]; nửa đêm ra ngoài phòng rửa chân, rồi vào trong phòng nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng, nghĩ tưởng đến sự tỉnh dậy; cuối đêm từ từ tỉnh dậy, kinh hành, tọa thiền. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà, đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập.

“Thiện gia nam tử Nan-đà kia có thắng niệm, chánh tri[18]. Thiện nam tử Nan-đà quán sát phương Đông, nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát. Quán sát phương Nam, phương Tây, phương Bắc lại cũng như vậy. Nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát; người nào quán sát như vậy, thì các pháp bất thiện, tham ưu ở thế gian không lọt vào tâm được.

“Thiện nam tử Nan-đà kia tỉnh giác khi các thọ sanh khởi, tỉnh giác khi các thọ đình trú, tỉnh giác khi các thọ diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn; tỉnh giác khi các tưởng sanh khởi, tỉnh giác khi các tưởng đình trú, tỉnh giác khi các tưởng diệt; tỉnh giác khi các giác[19] sanh khởi, tỉnh giác khi các giác trú, tỉnh giác khi các giác diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà thành tựu chánh niệm, chánh trí.

“Cho nên, các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Đóng kín cửa các căn như thiện nam tử Nan-đà; ăn uống có điều độ như thiện nam tử Nan-đà; đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập như thiện nam tử Nan-đà; thành tựu chánh niệm, chánh trí như thiện nam tử Nan-đà.’ Như pháp truyền dạy cho Nan-đà cũng nên được đem dạy cho người khác.”

Khi ấy có Tỳ-kheo nọ nói kệ:

Khéo đóng cửa các căn,

Nhiếp tâm, trú chánh niệm,

Ăn uống biết điều độ,

Giác biết các tướng tâm,

Thiện nam tử Nan-đà,

Được Thế Tôn khen ngợi.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 276. NAN-ĐÀ THUYẾT PHÁP[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có chúng Đại Thanh văn ni ở trong vườn vua nước Xá-vệ. Tên các Tỳ-kheo-ni này là Thuần-đà Tỳ-kheo-ni, Dân-đà Tỳ-kheo-ni, Ma-la-bà Tỳ-kheo-ni, Ba-la-giá-la Tỳ-kheo-ni, Đà-la-tỳ-ca Tỳ-kheo-ni, Sai-ma Tỳ-kheo-ni, Nan-ma Tỳ-kheo-ni, Cáo-nan-xá Cù-đàm-di Tỳ-kheo-ni, Ưu-bát-la-sắc Tỳ-kheo-ni, Ma-ha Ba-xà-ba-đề Tỳ-kheo-ni. Những vị này cùng một số Tỳ-kheo-ni khác đều ở trong vườn vua.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề[21] cùng với năm trăm Tỳ-kheo-ni lần lượt trước sau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Thế Tôn vì Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề mà thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ [22]. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, Ngài khiến họ lui về, bảo rằng:

“Tỳ-kheo-ni, thời gian thích hợp, nên đi!”

Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe những điều Phật dạy, vui vẻ làm lễ mà lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, mới bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nay tuổi đã già yếu, không còn có thể vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp được. Tỳ-kheo Tăng các người, từ nay các Thượng tọa tôn đức giáo thọ các Tỳ-kheo-ni.”

Các Tỳ-kheo vâng lời Đức Thế Tôn, tuần tự theo thứ lớp giáo thọ các Tỳ-kheo-ni. Theo thứ tự, đến phiên Nan-đà.

Bấy giờ, theo thứ tự, Nan-đà nên đi nhưng không muốn đi giáo thọ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, cho đến… xin được nghe pháp. Nghe xong họ vui vẻ, đảnh lễ rồi ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, liền hỏi Tôn giả A-nan:

“Hôm nay đến phiên ai giáo thọ các Tỳ-kheo-ni?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Thượng tọa đã lần lượt giáo thọ Tỳ-kheo-ni rồi, nay tới phiên Nan-đà, nhưng Nan-đà không muốn giáo thọ.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan-đà:

“Ngươi hãy giáo thọ các Tỳ-kheo-ni, vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp. Vì sao? Vì Ta đã đích thân dạy dỗ các Tỳ-kheo-ni, nên ngươi cũng phải như vậy. Ta đã vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp, thì ngươi cũng nên như vậy.”

Bấy giờ, Nan-đà im lặng vâng lời.

Sáng sớm hôm sau, Nan-đà đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, thu cất y bát, rửa chân xong vào thất tọa thiền. Rồi tỉnh giác thiền tịnh, Nan-đà đắp y Tăng-già-lê và dẫn theo một Tỳ-kheo đi đến vườn vua. Các Tỳ-kheo-ni từ xa trông thấy Tôn giả Nan-đà đến, vội vàng trải chỗ ngồi và mời ngồi. Tôn giả Nan-đà an tọa xong, các Tỳ-kheo-ni cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Nan-đà nói với các Tỳ-kheo-ni:

“Này các cô! Các cô có điều gì xin hỏi tôi, tôi sẽ vì các cô mà nói pháp. Các cô nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu thì nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại, tôi sẽ sẵn sàng nói lại.”

Các Tỳ-kheo-ni bạch Tôn giả Nan-đà:

“Ngày nay chúng con nghe Tôn giả dạy, cho phép chúng con hỏi, bảo chúng con rằng: ‘Các cô nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, thì nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại.’ Chúng con nghe được điều này, lòng rất vui mừng. Bây giờ, chúng con xin hỏi về những nghĩa lý chưa được hiểu.”

Lúc đó Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Thế nào các cô, khi quán sát về nội nhập xứ của mắt có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Khi quán sát về nội nhập xứ của tai mũi, lưỡi, thân, ý có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Bạch Tôn giả Nan-đà, vì đối với pháp này chúng con đã từng thấy biết như thật. Đối với sáu nội nhập xứ quán sát là vô ngã, chúng con từng hiểu ý như vầy: sáu nội nhập xứ là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Các cô nên hiểu như vậy. Sáu nội nhập xứ nên quán sát là vô ngã.

“Này các Tỳ-kheo-ni, ngoại nhập xứ của sắc có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Ngoại nhập xứ của thanh, hương, vị, xúc, pháp, có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ngoại nhập xứ này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ngoại nhập xứ như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà khen ngợi các Tỳ-kheo-ni:

“Tốt lắm! Các cô đối với nghĩa này nên quán sát như vầy: ‘Sáu ngoại nhập xứ là vô ngã. Nếu duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, vậy thì nhãn thức này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, vậy thì ý thức này có phải là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thức thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thức thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thức thân như thật là vô ngã; duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu xúc này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý như vầy: Sáu xúc như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu xúc thân như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thọ thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thọ thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà lại bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thọ thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tưởng thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu tưởng thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tưởng thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tư thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu tư thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tư thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ái thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ái thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu ái thân này như thật là vô ngã.’

“Này các Tỳ-kheo-ni, ví như nhờ vào có dầu và nhờ vào tim đèn nên đèn được cháy sáng. Dầu này là vô thường, tim đèn là vô thường, lửa là vô thường, cây đèn cũng là vô thường. Nếu có người bảo rằng không dầu, không tim, không lửa, không đèn mà có ánh sáng thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Tôn giả Nan-đà nói:

“Vì sao? Vì nhờ vào có dầu, tim, cây đèn, nên đèn cháy sáng. Dầu, tim và cây đèn này đều là vô thường. Nếu không dầu, không tim, không đèn thì ánh sáng của cây đèn cũng theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật. Như vậy, này các cô, sáu nội nhập xứ này là vô thường. Nếu có người bảo rằng ‘Hỷ lạc do nhân duyên sáu nội nhập xứ này mà sanh; nó thường hằng, thường trụ, không biến đổi, an ổn’, thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì chúng con đã từng quán sát như thật rằng vì những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: Do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; những pháp làm duyên kia nếu diệt đi, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật.”

“Này các Tỳ-kheo-ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá. Gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường. Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh, không lá, thì cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không.”

Hỏi tiếp:

“Này các cô, duyên vào ngoại lục nhập xứ vô thường. Nếu bảo rằng ‘hỷ lạc do nhân duyên sáu ngoại nhập xứ mà sanh là thường trụ mãi mãi, không biến đổi và an ổn,’ thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả, không. Vì sao? Vì đối với nghĩa này chúng con đã quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Các Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này nên quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.

“Các cô hãy nghe tôi nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà hiểu rõ. Như người đồ tể mổ trâu một cách thiện nghệ, hay người học trò của ông ta, tay cầm dao bén để lột da con trâu, bằng cách lòn lách vào giữa da và thịt mà không phạm vào phần thịt bên trong, cũng không rách phần da ở bên ngoài, kể cả viêïc mổ lột chân cẳng gân cốt con trâu, sau đó dùng tấm da ấy phủ lên nó trở lại. Nếu có người bảo rằng: ‘Da thịt của con trâu này hoàn toàn không bị cắt rời.’ Vậy, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì người đồ tể thiện nghệ này và học trò của ông ta tay cầm dao bén, lòn lách vào giữa da và thịt, để lột da mà không chạm đến da thịt của nó, kể cả chân cẳng gân xương, tất cả đều đứt hết, sau đó trùm lại con trâu ấy. Nhưng da thịt đã bị cắt rời, không phải là không bị cắt rời.”

“Này các cô, tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của thí dụ này: Con trâu dụ cho sắc thô của thân người, như được nói chi tiết trong kinh Giỏ rắn độc. Thịt là chỉ cho nội lục nhập xứ. Da ngoài chỉ cho ngoại lục nhập xứ. Người đồ tể chỉ cho bậc hữu học thấy dấu[23]. Gân xương ở khoảng giữa da thịt chỉ cho sự câu hữu của hai món tham-hỷ. Dao bén chỉ cho trí tuệ sắc bén. Đa văn Thánh đệ tử dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những kết sử, triền phược, tùy miên, phiền não, tùy phiền não. Cho nên, các cô nên học như vậy. Đối với những pháp đáng yêu thích, tâm không nên đắm trước, vì đểø đoạn trừ tham vậy. Đối với những pháp đáng sân hận, cũng không nên sanh tâm sân hận, vì để đoạn trừ sân vậy. Đối với những pháp đáng si, không nên sanh tâm si, vì để đoạn trừ si vậy. Đối với năm thọ ấm phải quán sát sanh diệt. Đối với sáu xúc nhập xứ phải quán sát về sự tập khởi và sự diệt tận. Đối với bốn Niệm xứ nên khéo buộc tâm. An trú nơi bảy giác phần; khi tu bảy giác phần rồi, thì đối với dục lậu kia tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với hữu lậu, tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với vô minh lậu, tâm không duyên đắm, tâm được giải thoát. Các cô nên học như vậy.”

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà, vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng đi với năm trăm Tỳ-kheo-ni quyến thuộc lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui đứng qua một bên, … cho đến đảnh lễ Phật rồi trở về.

Bấy giờ Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã ra về, Ngài mới bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăng sáng đêm mười bốn, có nhiều người ngắm trăng; trăng đã tròn hay chưa tròn? Nên biết vầng trăng ấy chưa tròn lắm. Cũng vậy, thiện nam tử Nan-đà vì năm trăm Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ, chân chánh thuyết, đối với sự giải thoát của họ, vẫn chưa phải là rốt ráo. Nhưng những Tỳ-kheo-ni này khi mạng chung không một kết sử nào là không đoạn, để có thể khiến cho họ sanh trở lại đời này.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:

“Hãy vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp.”

Lúc ấy, Tôn giả Nan-đà im lặng vâng lời. Sáng hôm sau, Tôn giả mang bát vào thành khất thực. Thọ trai xong, Tôn giả đi tới vườn vua, rồi ngồi xuống chỗ ngồi vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy ra về.

Một hôm, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật,… cho đến đảnh lễ ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã đi rồi, bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng trăng tròn hay không tròn, nhưng vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà, đã vì các Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát. Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ.”

Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ-kheo-ni chứng quả thứ nhất[24].

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 277. LUẬT NGHI BẤT LUẬT NGHI[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bất luật nghi và luật nghi[26], các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thế nào là bất luật nghi? Nếu nhãn căn không được luật nghi thâu giữ[27], thì nhãn thức bị đắm sắc. Vì bị đắm sắc nên sanh ra khổ thọ. Vì khổ thọ nên không được nhất tâm[28]. Vì không nhất tâm nên không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên không lìa nghi hoặc. Vì không lìa nghi hoặc nên bị chúng làm mê lầm chịu khổ mãi mãi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là bất luật nghi.

“Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ; khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm không nhiễm trước[29]. Khi tâm đã không nhiễm trước thì thường trụ an vui. Vì tâm đã trụ trong an vui nên thường được nhất tâm. Vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật. Vì đã thấy biết như thật nên lìa nghi hoặc. Vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm và thường trụ trong an vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là luật nghi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 278. THOÁI BẤT THOÁI[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có pháp thoái chuyển, không thoái chuyển và sáu xúc nhập xứ.[31] Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là pháp thoái chuyển? Khi mắt biết sắc, tri giác dục vọng phát sanh[32], Tỳ-kheo đó vui mừng, khen ngợi, chấp lấy, dính mắc, thuận theo sự xoay chuyển của pháp này, nên biết Tỳ-kheo này đã thoái chuyển các pháp lành[33]. Thế Tôn nói đó là pháp thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là pháp không thoái chuyển? Khi mắt biết sắc mà kết buộc của tri giác dục vọng không sanh, Tỳ-kheo đó không vui mừng, không khen ngợi, không chấp lấy, không dính mắc và đối với pháp này không thuận theo sự xoay chuyển, nên biết Tỳ-kheo này không thoái chuyển các pháp lành. Thế Tôn nói đó là pháp không thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là sáu thắng nhập xứ[34]? Khi nhãn thức duyên sắc, mà không sanh tri giác dục vọng dẫn đến kết buộc ô nhiễm, thì nên biết Tỳ-kheo này đã thắng được nhập xứ kia[35]. Thế Tôn nói đó là thắng được nhập xứ kia. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sáu thắng nhập xứ đã thắng được rồi, thì sẽ đoạn trừ được kết sử tham dục và sẽ đoạn trừ được kết sử ngu si, sân hận. Giống như ông vua đánh thắng oán địch và được tôn là ‘Ông vua chiến thắng’, người đã đoạn trừ các kết sử rồi được gọi là ‘Bà-la-môn chiến thắng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 279. ĐIỀU PHỤC[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sáu căn này[37] mà không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, thì đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Sáu căn là những gì? Nhãn căn không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, thì ở đời vị lai sẽ chịu báo khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc, chấp thủ tướng chung, chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, đều an trụ với bất luật nghi được chấp thọ[38]; các ác pháp bất thiện tham ái của thế gian lọt vào tâm, những điều như thế đều do không thể chấp trì luật nghi, phòng hộ nhãn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như thế đối với sáu căn, không điều phục, không đóng kín, không giữ gìn, không chấp trì, không tu tập thì ở đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Thế nào là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập thì ở đời vị lai sẽ được an vui? Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc không chấp thủ tướng chung, không chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, vẫn thường an trú với luật nghi. Những pháp ác, bất thiện tham ái ở thế gian không lọt vào tâm, có thể sanh ra các luật nghi, khéo thủ hộ nhãn căn[39]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, thì ở đời vị lai sẽ được an vui.

Đức Phật liền nói bài kệ:

Nơi sáu xúc nhập xứ,

Trú vào không luật nghi;

Những Tỳ-kheo như vậy,

Mãi mãi chịu khổ lớn.

Đối với các luật nghi,

Luôn tinh cần tu tập,

Chánh tín, tâm không hai,

Các lậu chẳng vào tâm.

Mắt thấy những sắc kia,

Vừa ý không vừa ý;

Vừa ý, không sanh muốn,

Không vừa ý, chẳng ghét.

Tai nghe những âm thanh,

Có niệm và không niệm;

Đối niệm, không ưa đắm,

Không niệm, không khởi ác.

Mũi ngửi đến các mùi,

Hoặc thơm, hoặc là hôi;

Đối thơm, hôi, bình đẳng,

Không muốn, cũng không trái.

Đối các vị để ăn,

Chúng cũng có ngon, dở;

Vị ngon không khởi tham,

Vị dở không kén chọn.

Thân xúc tạo vui sướng,

mà chẳng sanh buông lung;

Xúc chạm bị khổ đau,

Không sanh tưởng oán ghét.

Khổ vui đều buông hết,

Chưa diệt khiến cho diệt.

Phải quán sát tâm ý,

Các tướng, các tướng kia,

Giả dối mà phân biệt,

Dục tham càng rộng lớn.

Giác ngộ các ác kia,

An trú tâm lìa dục.

Khéo nhiếp sáu căn này,

Sáu cảnh xúc không động,

Dẹp sạch các ma oán,

Vượt qua bờ sống chết.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 280. TẦN-ĐẦU THÀNH[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Thân-thứ[41], phía bắc thành Tần-đầu[42].

Bấy giờ các Bà-la-môn, trưởng giả trong thành Tần-đầu đều nghe Thế Tôn đang ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ, phía bắc thành Tần-đầu. Họ nghe vậy rồi, tất cả đều ra khỏi thành, đến rừng Thân-thứ, chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật nói với các Bà-la-môn, trưởng giả thành Tần-đầu:

“Nếu có người hỏi các ông: ‘Những hạng Sa-môn, Bà-la-môn nào không đáng cung kính, lễ bái, thừa sự, cúng dường?’ thì các ông nên đáp là: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mắt thấy sắc mà chưa lìa được tham, chưa lìa được dục, chưa lìa ái, chưa lìa khao khát, chưa lìa niệm, nội tâm không tịch tịnh, việc làm phi pháp, hành vi thô tháo. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng Tỳ-kheo như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, thừa sự, cúng dường.’ Nói như vậy xong, lại có người khác hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn này không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các ông nên trả lời: ‘Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn kia, khi mắt thấy sắc cũng không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm họ không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Chúng tôi tìm sự sai biệt ở đây, nhưng không thấy họ khác biệt chúng tôi chỗ nào. Vì vậy, chúng tôi không cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các hạng Sa-môm, Bà-la-môn như vậy.’

“Nếu có người hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các ông nên trả lời: ‘Nếu những vị ấy mắt thấy sắc mà lìa dục, lìa tham, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, trong tâm tịch tịnh, không hành động phi pháp, làm những hạnh bình đẳng, việc làm không lôi thôi và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng Sa-môn, Bà-la-môn như vậy đáng được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường.’

“Nếu lại hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn, Bà-la-môn này được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các ông nên trả lời: ‘Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, nội tâm tịch tịnh, hành động đúng pháp, hành động không thô tháo; và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Ở đây, chúng tôi tìm sự khác biệt và thấy và những vị ấy có chỗ khác chúng tôi. Vì thấy có sự sai biệt, nên chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn ấy.’

“Đã trả lời như vậy, nếu có người lại hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi gì, có hình mạo thế nào và có dấu hiệu nào để khiến cho các ông biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si?’ Các ông nên trả lời rằng: ‘Chúng tôi thấy Sa-môn, Bà-la-môn này có những biểu hiện như thế này: Ở trong rừng vắng, dưới bóng cây, giường thấp, hoặc nơi nệm cỏ, tu hạnh viễn ly, xa lìa người nữ, ưa gần người độc cư để cùng thiền định tư duy; nếu ở những chỗ đó mà không có sắc được thấy bởi mắt có thể sanh tâm tham đắm; và không có tiếng được nghe bởi tai có thể sanh tâm tham đắm; mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, có thể sanh tâm tham đắm. Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi như vậy, có hình mạo như vậy và có dấu hiệu như vậy để khiến cho các chúng tôi biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si.”

Khi ấy, các Sa-môn và gia chủ Bà-la-môn, bạch Phật:

“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Không tự khen mình, không chê người, mà chỉ nói ý nghĩa. Mỗi người nơi các nhập xứ tự mình phân biệt nhiễm ô hay thanh tịnh, nói rộng duyên khởi đúng lời nói của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Giống như người cứu được kẻ chết chìm, như mở chỗ bít kín, như chỉ lối cho kẻ lầm đường, như thắp đèn nơi tối. Cũng vậy, Thế Tôn không khen mình, chê người, mà chỉ nói ý nghĩa… cho đến, như lời Như Lai nói.”

Các gia chủ Bà-la-môn ở thành Tần-đầu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã nói, vui vẻ, làm lễ ra về.

KINH 281. OANH PHÁT MỤC-KIỀN-LIÊN[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá.

Bấy giờ có Mục-kiền-liên búi tóc[44] xuất gia, đi đến chỗ Phật, cùng nhau hỏi thăm xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Mục-kiền-liên búi tóc:

“Ông từ đâu đến?”

Mục-liên liền bạch Phật:

“Tôi theo chúng ngoại đạo, Sa-môn, Bà-la-môn Giá-la-ca[45] xuất gia, vừa hội họp ở giảng đường Vị tằng[46] để nghe pháp và từ rừng đó đến đây.”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Ông vì những phước lực[47] gì mà nghe thuyết pháp từ các chúng Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia kia?”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch:

“Tôi thử nghe phước lợi mà họ luận nghị tranh hơn nhau, nghe phước lợi mà họ phản bác luận nghị nhau.”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Từ xưa tới nay, các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia, luận nghị tranh hơn nhau, phản bác luận nghị nhau về phước lợi, phá hoại lẫn nhau.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Cù-đàm vì phước lợi mà nói những pháp gì cho các đệ tử, để cho các đệ tử nói lại cho người khác nghe mà không phỉ báng Như Lai, không thêm, không bớt; nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng theo thuận thứ của pháp, để không một người nào có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Vì phước lợi quả báo của minh, giải thoát, mà nói lại cho người nghe, thì không phỉ báng Như Lai, không trái đạo lý, nói đúng pháp, đúng thuận thứ của pháp, không ai có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, có pháp nào mà các đệ tử tu tập, thường xuyên tu tập, thì sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh[48], giải thoát chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Có bảy giác phần, tu tập và thường xuyên tu tập, thì sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh, giải thoát.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bảy giác phần đầy đủ chăng?”

Phật bảo:

“Có bốn Niệm xứ, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến bảy giác phần được đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc búi lại bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Có ba diệu hành, tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ.”

Mục-kiền-liên bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập, thì sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Có luật nghi của sáu xúc nhập xứ[49], tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến ba diệu hạnh đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Thế nào là luật nghi của sáu xúc nhập xứ mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Nếu sắc được nhận thức bởi mắt, vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, có khả năng nuôi lớn dục lạc, khiến cho người hệ lụy; Tỳ-kheo kia, khi thấy sắc này, không hoan hỷ, không tán thán, không duyên theo, không đắm trước, không trụ vào. Hoặc sắc được nhận thức bởi mắt, không vừa ý, không đáng ưa, không đáng nhớ, đưa đến cảm giác khổ; các Tỳ-kheo này khi thấy, không sợ, không ghét, không hiềm, không tức tối. Đối với sắc đẹp kia, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm. Đối với sắc không đẹp, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm, nội tâm an trụ bất động, khéo tu giải thoát, tâm không lười mỏi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thức pháp lại cũng như vậy. Như vậy, đối với sáu xúc nhập mà tu tập, tu tập nhiều, thì đầy đủ ba diệu hành.

“Thế nào là tu ba diệu hành khiến đầy đủ bốn Niệm xứ? Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: ‘Ác hành của thân này, đời này và đời sau phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nản, hối hận, bị người khác chê trách, Đại Sư cũng chê trách, những người phạm hạnh[50] cũng đúng pháp mà chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung thì sẽ rơi vào địa ngục.’ Đối với ác hành của thân, thấy quả báo đời này, đời sau như vậy, cho nên phải dứt trừ ác hành của thân, phải tu thân diệu hành. Đối với ác hành của miệng, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là đã tu tập ba diệu hành. Được bốn Niệm xứ thanh tịnh đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bốn Niệm xứ để được bảy giác phần đầy đủ? Này Mục-kiền-liên, như vậy, an trụ với quán thân trên toàn thân. Khi an trụ với quán thân trên toàn thân, nhiếp niệm an trú không xao lãng; bấy giờ, phương tiện[51] tu tập niệm giác phần. Khi đã phương tiện tu tập niệm giác phần rồi, được niệm giác phần đầy đủ, ở nơi tâm niệm kia mà chọn lựa pháp, rồi suy tầm, suy tưởng, tư lường; bấy giờ, phương tiện tu tập trạch pháp giác phần. Khi phương tiện tu tập trạch pháp giác phần rồi, được trạch pháp giác phần đầy đủ, chọn lựa pháp này, suy tầm, suy tưởng, tư lường, phương tiện tu tập tinh tấn giác phần. Khi đã phương tiện tu tập tinh tấn giác phần rồi, được tinh tấn giác phần đầy đủ, nhờ siêng năng tinh tấn nên sanh tâm hoan hỷ; bây giờ, phương tiện tu tập hoan hỷ giác phần. Khi phương tiện tu tập hoan hỷ giác phần rồi, được hoan hỷ giác phần đầy đủ; do tâm hoan hỷ, thân tâm tịch tĩnh; bây giờ, tu tập ỷ tức[52] giác phần. Khi đã tu tập ỷ tức giác phần rồi, được ỷ giác phần đầy đủ, thân tâm tịch tĩnh, được tam-ma-đề[53]; bây giờ, tu tập định giác phần. Khi đã tu tập định giác phần rồi, được định giác phần đầy đủ. Tức là tâm chuyên nhất, tham ưu đình chỉ, nội tâm hành xả[54]; phương tiện tu tập xả giác phần. Khi đã phương tiện tu tập xả giác phần, được xả giác phần thanh tịnh đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Tu tập bốn Niệm xứ như vậy, bảy giác phần được đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bảy giác phần để đầy đủ minh, giải thoát? Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo tu tập niệm giác phần, y viễn ly[55], y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả[56], tiến đến tu niệm giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. (Chi tiết, cho đến) tu tập xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi là tu tập bảy giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. Như vậy, Mục-kiền-liên, pháp pháp nương nhau từ bờ này mà đến bờ kia.”

Sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, Mục-kiền-liên tóc búi xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Lúc này, Mục-kiền-liên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, hết những nghi ngờ mê hoặc, không do ai khác mang đến. Ở trong Chánh pháp luật, tâm đạt được sự không sợ hãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, chắp tay bạch rằng:

“Nay con có được xuất gia, thọ cụ túc ở trong Chánh pháp luật không?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Nay ông đã được[57] xuất gia, được thọ Cụ túc giới trong Chánh pháp luật.”

Sau khi được xuất gia rồi, Mục-kiền-liên chuyên cần tư duy, không buông lung, cho đến thành A-la-hán.

KINH 282. CHƯ CĂN TU[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ca-vi-già-la Mâu-chân-lân-đà[59].

Bấy giờ có một niên thiếu tên là Uất-đa-la[60], là đệ tử của Ba-la-xa-na[61], đi đến chỗ Phật, cung kính hỏi thăm, rồi lui ngồi một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi Uất-đa-la:

“Thầy con là Ba-la-xà-na có dạy cho các con tu tập các căn không?”

Uất-đa-la trả lời:

“Bạch Cù-đàm, đã có dạy.”

Đức Phật bảo Uất-đa-la:

“Thầy con dạy tu về các căn như thế nào?”

Uất-đa-la bạch Phật:

“Thầy con nói, mắt không nhìn thấy sắc, tai không nghe tiếng[62]; đó là tu về căn.

Phật bảo Uất-đa-la:

“Nếu như lời thầy con nói thì những người mù tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới không thấy sắc bằng mắt.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Tôn giả nói với Uất-đa-la:

“Như lời của Ba-la-xà-na nói, thì người điếc tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người điếc tai mới không nghe tiếng.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan:

“Khác sự tu căn vô thượng[63] trong pháp luật của Hiền thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về sự tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh, để cho các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành theo.”

Phật bảo A-nan:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, thấy sắc vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, vừa không vừa ý, muốn tu lìa bỏ cả hai, sự nhàm tởm và không nhàm tởm của Như Lai, an trụ xả tâm, với chánh niệm chánh trí.[64]

“Như vậy, A-nan, nếu có người nào đối với năm trường hợp[65] này, tâm khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo thủ hộ, khéo nhiếp trì, khéo tu tập, thì đó là ở nơi mắt và sắc mà tu tập căn vô thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng lại như vậy.

“Này A-nan, đó gọi là tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên và sắc, nhãn thức sanh; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia cũng phải biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đấy là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm[66]. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay; cũng vậy, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, trong chốc lát như vậy đều diệt hết, đạt đến chỗ lìa bỏ nhàm tởm và không nhàm tởm, an trụ xả.’

“Cũng vậy duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, nhĩ thức nghe tiếng, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đấy là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay ra tiếng liền mất; cũng vậy, duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận, đó là xả. Đạt được xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Thí như hoa sen ở dưới nước không nhiễm bùn; cũng vậy, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt hết. Có nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Có nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Như người lực sĩ nhổ hết vị ra không còn gì nữa; cũng vậy, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, xa lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên thân và thức, sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như viên sắt đốt thật nóng, rưới vào một giọt nước, giọt nước liền tiêu mất; cũng vậy, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, đó là tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như người lực sĩ chặt ngọn cây ta-la, cũng vậy, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Này A-nan, đó là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh.

“Thế nào là vị hữu học thấy đạo[67] trong pháp luật Hiền thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên nhau sanh ra ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Này A-nan, đó gọi là hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền thánh.

“Này A-nan, đó gọi là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh.

“Ta đã nói về sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh; đã nói hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền thánh.

“Này A-nan, Ta vì các Thanh văn đã làm việc cần làm. Các ông cũng hãy làm những việc cần làm. Nói chi tiết như kinh Giỏ rắn độc.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

TẠP A-HÀM QUYỂN 12

KINH 283. CHỦNG THỌ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với pháp kết sử hệ phược mà tùy thuận nếm vị, rồi đoái tưởng, tâm hệ lụy, thì ái sanh[2]; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy. Như người trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ yếu mềm, cần yêu quí bảo vệ làm cho nó an ổn, vun bồi dất, tùy thời tưới nước, nóng lạnh điều hòa. Nhờ những nhân duyên này nên cây mới lớn dần. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà nếm vị, chăm sóc cho lớn, thì ân ái sanh; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Nếu đối với các pháp kết sử ràng buộc mà thùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, thì ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và khối khổ lớn đã tụ tập thuần thành cũng diệt. Cũng giống trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ, mềm yếu, mà không yêu quý bảo vệ, không làm cho nó an ổn, không vun bồi phân đất, không tưới nước theo thời, không tạo sự thích hợp nóng lạnh, thì cây ấy sẽ không thể tăng trưởng. Lại còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, thì này các Tỳ-kheo, ý các ông thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt gốc rễ cây này, cho đến thiêu đốt khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, thì ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và khối khổ lớn đã tụ tập thuần thành cũng diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 284. ĐẠI THỌ[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruổi, đuổi theo danh sắc[4]; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành một khối khổ lớn như vậy. Thí như gốc cây lớn, có rễ, có cành, nhánh, lá, hoa, quả; rễ nó được trồng sâu, bền chắc, được vun đắp phân tro, dùng nước để tưới, thì cây ấy vững chắc, trọn đời không bị mục hư. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruổi, đuổi theo danh sắc; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành một khối khổ lớn như vậy.

“Nếu đối với pháp bị chấp thủ, mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruổi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não sẽ diệt và như vậy thuần khối khổ lớn đã tụ tập cũng sẽ diệt. Giống như trồng cây, nếu không tùy thời bảo vệ để cho cây an ổn, không bón phân đất, không tùy thời tưới nước, để cho lạnh nóng bất thường, thì cây sẽ không tăng trưởng được. Lại còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, thì này các Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt cây này, cho đến thiêu đốt khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruổi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não sẽ diệt và như vậy thuần khối khổ lớn đã tụ tập cũng sẽ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 285. PHẬT PHƯỢC[5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ về kiếp trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy, khởi nghĩ như vầy: ‘Thế gian bị hãm nhập tai họa[6]; đó là sanh, già, bệnh, chết, đổi dời, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại không biết như thật về bên trên và sở y[7] của sanh, già, bệnh, chết.’

“Ta nghĩ rằng: ‘Do có pháp gì nên có sanh, do pháp gì làm duyên nên có sanh?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức[8]: ‘Do có hữu nên có sanh, duyên hữu nên có sanh.’

“Ta lại tư duy: ‘Do có pháp gì nên có hữu, do pháp gì làm duyên nên có hữu?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Do có thủ nên có hữu, duyên thủ nên có hữu.’

“Ta lại nghĩ rằng: ‘Thủ lại do duyên gì và vì có pháp gì nên có thủ, vì duyên pháp gì nên có thủ?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Đối với pháp bị chấp thủ mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Vì ái kia có nên có thủ. Do ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.’

“Này các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ sao? Giống như nhờ dầu, tim đèn, nên đèn được đốt sáng, vậy khi thường xuyên dầu và tim được thêm lên, thì ánh sáng ngọn đèn này có tồn tại lâu không?”

“Bạch Thế Tôn, tồn tại lâu vậy.”

“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Vì ái kia có nên có thủ. Do ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thành thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Lúc ấy Ta lại nghĩ: ‘Do không có pháp gì mà không có lão, bệnh, tử này? Vì pháp gì diệt mà lão, bệnh, tử bị diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có sanh nên không có lão, bệnh, tử; và vì sanh diệt nên lão, bêïnh, tử diệt.’

“Ta lại suy nghĩ như vầy:‘Vì không có pháp gì mà không có sanh? Do pháp gì diệt mà sanh diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có hữu nên không có sanh; vì hữu diệt nên sanh diệt.’

“Ta lại tư duy: ‘Vì không có pháp gì nên không có hữu? Vì pháp gì diệt nên hữu diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Pháp bị chấp thủ là vô thường, là sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì diệt ái. Vì diệt ái nên thủ bị diệt; vì diệt thủ nên hữu bị diệt; vì diệt hữu nên sanh bị diệt; vì diệt sanh nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt.’

“Này các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ sao? Thí như dầu, tim đèn, nếu không châm thêm dầu và sửa tim, thì phải chăng ánh sáng của cây đèn này trong vị lai không còn nữa và nó sẽ bị tắt mất chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, cho đến luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 286. THỦ[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy. Nói đầy đủ như kinh trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:

“Ví như vác mười bó củi, hai mươi bó, ba mươi bó, bốn mươi bó, năm mươi bó, trăm bó, ngàn bó, trăm ngàn bó, gom chất lại thành một đống, đốt lên thành một đống lửa lớn. Nếu có người nào cho thêm củi và cỏ khô vào, thì các Tỳ-kheo, các ông nghĩ sao, lửa này có tiếp tục cháy mãi được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, thì ái dục tăng trưởng. Ái này lấy thủ làm duyên. Thủ duyên hữu và cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đống lửa đang cháy kia mà không thêm củi và cỏ khô vào, thì các Tỳ-kheo nghĩ sao, lửa kia có bị tắt không?”

“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, thì ái diệt. Ái diệt thì thủ diệt; nói đầy đủ như vậy cho đến, khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập kia cũng diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 287. THÀNH ẤP[10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng, tinh tấn chuyên cần thiền định tư duy, khởi nghĩ như vầy: ‘Do có pháp gì nên có già chết; duyên pháp gì nên có già chết?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức[11]: ‘Vì có sanh nên có già chết; vì duyên sanh nên có già chết; và đối với hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc cũng như vậy.

“Do có pháp gì nên có danh sắc, vì duyên pháp gì nên có danh sắc?’Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Vì có thức nên có danh sắc, vì duyên thức nên có danh sắc.’ Khi Ta tư duy như vậy, ngang đến thức thì quay trở lại, không thể vượt qua nó được[12]. Nghĩa là duyên thức nên có danh sắc. Duyên danh sắc nên có lục nhập. Duyên lục nhập nên có xúc. Duyên xúc nên có thọ. Duyên thọ nên có ái. Duyên ái nên có thủ. Duyên thủ nên có hữu. Duyên hữu nên có sanh. Duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Bấy giờ, Ta suy nghĩ: ‘Do không có pháp gì nên không có già chết; do pháp gì diệt nên già chết diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có sanh nên không già chết; vì sanh diệt nên già chết diệt.’ Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành cũng như vậy. Nói đầy đủ như kinh trên.

“Ta lại tư duy: ‘Do không có pháp gì, nên không có hành; do pháp gì diệt nên hành diệt?” Ta liền tư duy chân chánh và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có vô minh nên không có hành; vì vô minh diệt nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt; thức diệt nên danh sắc diệt; danh sắc diệt nên lục nhập diệt; lục nhập diệt nên xúc diệt; xúc diệt nên thọ diệt; thọ nên ái diệt; ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.’

“Bấy giờ, Ta nghĩ rằng: ‘Ta đã gặp được con đường của cổ Tiên nhân, lối mòn của cổ Tiên nhân; dấu chân của cổ Tiên nhân. Cổ Tiên nhân đã từng đi theo dấu này, nay Ta cũng đi theo[13].’ Ví như có người đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, người kia liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, rừng cây sạch sẽ, người ấy nghĩ rằng: ‘Bây giờ ta nên đến tâu cho vua biết.’ Người ấy vội vàng đi đến quốc vương tâu: ‘Đại vương biết cho, tôi đang đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, người kia liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, suối rừng sạch trong. Đại vương có thể đến đó nghỉ ngơi.’ Quốc vương liền đến đó, cư trú nơi đó, rất an lạc, yên ổn và nhân dân cũng được phồn thịnh.

“Nay Ta cũng như vậy, gặp được con đường của cổ Tiên nhân, lối mòn của cổ Tiên nhân; dấu chân của cổ Tiên nhân; chỗ Tiên nhân xưa đã đi, nay Ta cũng đi theo. Con đường đó là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Ta từ nơi đạo này mà thấy được lão, bệnh, tử; sự tập khởi của lão, bệnh, tử; sự diệt tận của lão, bệnh, tử; con đường đưa đến sự diệt tận của lão, bệnh, tử; thấy được về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, thấy sự tập khởi của hành, sự diệt tạân của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Ta đối với pháp này tự biết, tự giác ngộ, thành tựu Đẳng chánh giác. Rồi khai thị, hiển phát, vì an lạc và lợi ích của các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di và các Sa-môn, ngoại đạo, Bà-la-môn, tại gia, xuất gia, cả bốn chúng, được nghe, chân chánh hướng theo, khởi lòng tin ưa, biết pháp lành, khiến cho phạm hạnh thêm rộng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 288. LÔ[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ là buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, cùng nhau hỏi thăm, chúc tụng, rồi ngồi xuống xuống một bên, bạch Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả có rảnh để giải đáp cho không?”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đáp lời Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nhân giả cứ hỏi, điều gì biết được tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, thế nào, có sự già không?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, có.”

Lại hỏi:

“Có sự chết không?”

Đáp:

“Có.”

Lại hỏi:

"Thế nào, già chết là tự tác hay tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự chẳng phải tha mà vô nhân tác chăng?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, già chết chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng do duyên sanh nên có già chết.”

“Như vậy, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng danh sắc này do duyên thức mà sanh.”

Lại hỏi:

“Thức này có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác mà vô nhân tác chăng?”

Đáp:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, thức này chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác mà vô nhân tác. Nhưng thức này do duyên danh sắc mà sanh.”

Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, trước đây Hiền giả nói danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, chẳng phải chẳng tự và tha, vô nhân tác, nhưng danh sắc này duyên thức mà sanh ra. Bây giờ, lại nói danh sắc duyên thức, vậy nghĩa này là thế nào?”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đáp:

“Nay tôi sẽ nói thí dụ, nếu là người trí thì nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như ba cây lau được dựng lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững; nếu lấy ra một cây thì hai cây kia cũng không đứng được; nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vững, vì chúng phải nương vào nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa lẫn nhau mới sanh trưởng được.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, Tôn giả Câu-hi-la là người trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lộ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lộ. Nghĩa là Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la có nghĩa biện tài[15] sâu xa như vậy, thì có thể giải đáp tất cả các nạn vấn. Như ngọc quý vô giá, mà thế gian đội trên đầu; nay tôi cũng xin đội Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la trên đầu.

“Bạch Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, hôm nay tôi rất vui mừng vì đã được nhiều lợi ích từ nơi Tôn giả. Còn những người phạm hạnh khác nhiều lần gặp được Tôn giả thì chắc chắn cũng được thiện lợi, vì Tôn giả khéo thuyết pháp. Nay tôi sẽ đem những điều được nghe từ Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la thuyết pháp, dùng ba mươi cách tán thán mà khen ngợi, tùy hỷ.

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, nói già, chết là đáng ghê tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Pháp sư. Hay nói rằng: Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức là đáng chán chê, ly dục, diệt tận, thì đó cũng gọi là Pháp sư. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với già, chết mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, thì đó cũng gọi là Pháp sư. Nếu Tỳ-kheo nào, đối với già chết mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, thì đó gọi là Pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, thì đó gọi là Pháp sư.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, người có trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lộ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lộ. Vì Tôn giả Xá-lợi-phất là người có khả năng hỏi những điều sâu xa của chánh trí. Giống như hạt châu vô giá được người thế gian đội trên đầu. Ngày nay Tôn giả cũng vậy, được tất cả phạm hạnh cung kính, phụng sự một cách trân trọng. Hôm nay tôi rất vui mừng, vì được nhiều lợi ích nhờ cuộc đàm luận với Tôn giả về diệu nghĩa.”

Hai vị Chánh sĩ tùy hỷ lẫn nhau, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

*

KINH 289. VÔ VĂN (1)[16]

Tôi nghe như vầy:

Môt thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm phu ngu si vô học[17], đối với thân bốn đại mà ghê tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ. Nhưng không phải là đối với thức. Vì sao? Vì họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối với tâm, ý, thức, thì kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì sao? Vì họ từ lâu đời ở nơi đây[18] mà ấp ủ, nâng niu, hệ lụy ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng ‘Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau[19].’ Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây này mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ được. Kẻ phàm phu ngu si thà ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không thể ở nơi thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Vì thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm rồi thì tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc, trong từng thoáng chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thoáng chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ, biết như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Người ấy tư duy rằng: ‘Thọ này sanh bởi xúc, lạc do xúc, hệ lụy xúc. Do có lạc bởi xúc thế này thế kia mà có lạc bởi thọ thế này thế kia. Khi lạc do xúc chạm thế này thế kia ấy diệt thì lạc do cảm thọ thế này thế kia ấy cũng diệt, mát mẻ, tịch tĩnh. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử đối với sắc sanh ra nhàm tởm; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm tởm. Vì nhàm tởm nên không ưa thích. Vì không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 290. VÔ VĂN (2)[20]

Tôi nghe như vầy:

Môt thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm phu ngu si vô học, đối với thân bốn đại mà ghê tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ. Nhưng không phải là đối với thức. Vì sao? Vì họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối với tâm, ý, thức, thì kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì họ từ lâu đời ở nơi đây mà ấp ủ, nâng niu, hệ lụy ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng ‘Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau.’ Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng xả bỏ được.

“Kẻ phàm phu ngu si thà ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không thể ở nơi thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Vì thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm rồi thì tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc, trong từng thoáng chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thoáng chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ thì biết như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.

“Ví như hai thanh gỗ cọ xát vào nhau, hòa hợp sanh ra lửa. Nếu hai thanh gỗ rời nhau, thì lửa cũng theo đó mà diệt mất. Cũng vậy, các thọ duyên xúc mà tập khởi, do xúc mà sanh, do xúc mà tập khởi; nếu khi sự xúc chạm thế này thế kia mà tập khởi, thì những cảm thọ thế này thế kia cũng tập khởi. Khi sự tập khởi của sự xúc chạm thế này thế kia diệt, thì sự tập khởi của cảm thọ thế này thế kia cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.

“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối với sắc được giải thoát; và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát; đối với sanh già bệnh chết ưu bi não khổ cũng được giải thoát. Ta nói người này đối với khổ đã được giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 291. XÚC[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta đã nói về nội xúc pháp[22], các ông có bắt nắm[23] không?”

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ dưới chân Phật, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, pháp nội xúc được nói, con đã bắt nắm rồi.”

Lúc Tỳ-kheo này ở trước Phật tự mình xác nhận như vậy, nhưng dù là như vậy Thế Tôn vẫn tỏ vẻ không hài lòng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Phật bảo A-nan:

“Nội xúc pháp theo như pháp luật của bậc Thánh, khác với những điều Tỳ-kheo này nói.”

A-nan, bạch Phật:

“Nay thật đúng lúc, cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói về nội xúc pháp trong pháp luật của Hiền thánh. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ lãnh thọ, thực hành.”

Phật bảo A-nan:

“Này, A-nan, lành thay! Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên tư duy như vầy: ‘Có nhiều loại khổ khác nhau của chúng sanh; khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc[24]? Lúc nắm bắt như vậy, nên biết cái khổ này do nhân là ức-ba-đề[25], tập là ức-ba-đề, sanh bởi ức-ba-đề, chuyển hiện[26] ức-ba-đề.’

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, với nội xúc pháp, lại nữa, ức-ba-đề do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện[27]? Vị ấy, trong khi nắm bắt, biết rằng, ức-ba-đề do ái là nhân, ái là tập, do ái mà sanh, do ái mà chuyển hiện. Lại nữa này các Tỳ-kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên biết ái do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện? Khi nắm như vậy, thì nên biết rằng sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ[28]; ở nơi sắc này, ái sanh khi sanh nơi đó, ái hệ lụy khi hệ lụy nơi đó, ái cư trú khi cư trú nơi đó[29].

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh; tưởng là ngã, là ngã sở, thì ở nơi sắc này ái càng tăng trưởng. Khi ái đã tăng trưởng thì ức-ba-đề tăng trưởng; ức-ba-đề tăng trưởng thì khổ tăng trưởng. Nếu khổ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Ta nói người này đối với khổ không giải thoát.

“Ví như ao nước trong mát ở bên đường, đầy đủ hương vị, có người lén lấy chất độc bỏ vào ao. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống nước. Có người nói rằng: ‘Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu, nhưng trong ấy có chất độc, các anh chớ uống; nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như sắp chết.’ Những người khát nước này không tin lời, cứ uống; tuy được vị ngon, nhưng trong chốc lát lại bị chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh; tưởng là ngã, là ngã sở, (chi tiết như trên, cho đến) sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc đẹp đẽ được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, thì đối với ái này chắc chắn được dứt lìa. Vì ái lìa nên ức-ba-đề lìa, ức-ba-đề lìa nên khổ lìa, khổ đã lìa nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não lìa.

“Ví như bên đường có ao nước trong mát, đầy đủ hương vị, có kẻ lén dùng chất độc bỏ vào trong nước. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống nước. Có người nói rằng: ‘Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu, nhưng trong ấy có chất độc, các anh chớ uống; nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như sắp chết.’ Những người kia nghĩ thầm: ‘Nước này có chất độc, nếu ta uống vào thì sẽ chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Thôi ta cố chịu khát, ăn đỡ cơm khô, không dám uống nước.’

“Cũng như vậy, Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, cho đến… sẽ giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Vì vậy, này A-nan, đối với pháp này thấy như vậy, nghe như vậy, cảm nhận như vậy, nhận thức như vậy; đối với quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng theo như đạo lý này nên quán sát như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 292. TƯ LƯƠNG[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tư lương quán sát như thế để chân chánh diệt tận khổ, đạt đến nơi tột cùng của mé khổ? Khi tư lương về tất cả những cái khổ khác nhau của chúng sanh; các khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc[31]? Khi suy nghĩ thì biết rằng, do thủ làm nhân, thủ tập, thủ sanh, thủ xúc. Nếu thủ này diệt, không còn sót, thì chắc chắn các khổ này cũng sẽ diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp[32]; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thủ đã diệt.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đạt đến nơi tột cùng của mé khổ; khi ấy, tư duy thủ kia do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Tư duy, thủ này do ái làm nhân, ái tập, ái sanh, ái xúc. Khi ái này vĩnh viễn diệt, không còn, thì thủ cũng theo đó mà diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là ái đã diệt.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy quán sát, để chân chánh diệt khổ và đạt đến nơi tột cùng của mé khổ; khi ấy, tư duy ái này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Tư lương ái là do thọ làm nhân, thọ tập, thọ sanh, thọ xúc. Khi thọ này vĩnh viễn diệt, không còn, thì ái cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thọ diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ; tư duy thọ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết thọ này do xúc làm nhân, xúc tập, xúc sanh, xúc duyên. Khi xúc này vĩnh viễn diệt mất, không còn sót, thì thọ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ; tư duy xúc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết xúc này do sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ xúc. Khi sáu nhập xứ này diệt, không còn sót, thì xúc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ; tư duy sáu nhập xứ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết sáu nhập xứ này là do danh sắc làm nhân, danh sắc tập, danh sắc sanh, danh sắc xúc; nên khi danh sắc này diệt hết, không còn sót, thì sáu nhập xứ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là danh sắc diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ; tư duy danh sắc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết danh sắc là do thức làm nhân, thức tập, thức sanh, thức xúc; khi thức này diệt không còn, thì danh sắc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thức diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ; tư duy thức này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết thức này là do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc. Khi làm các phước hành[33], thì thiện thức sanh; làm những hành không phước, không thiện thì thức bất thiện sanh; làm hành vô sở hữu[34], thì thức vô sở hữu sanh. Vì cái thức này do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc; nên khi hành kia diệt, không còn thì thức cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là hành diệt.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ và đến nơi tột cùng của mé khổ; tư duy hành này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Nên biết hành này do vô minh làm nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc. Phước hành này do vô minh làm duyên, phi phước hành cũng do vô minh làm duyên, phi phước phi phi phước hành cũng do vô minh làm duyên. Nên biết hành này do vô minh là nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc. Khi vô minh này hoàn toàn bị diệt không còn, thì hành này cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là vô minh diệt.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ý các ông nghĩ sao? Nếu không ái nhiễm vô minh mà sanh minh[35] thì người ấy còn duyên vô minh này làm các phước hành, phi phước hạnh, hoặc làm vô sở hữu hành chăng[36]?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không vậy. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử không ái nhiễm vô minh thì sanh minh; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, như vậy cho đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng diệt.”

Phật nói:

“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, Ta cũng nói như vậy, các Tỳ-kheo cũng biết như vậy. Ở nơi pháp này pháp kia mà khởi lên pháp này pháp kia; sanh pháp này pháp kia, diệt pháp này pháp kia, diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh. Đa văn Thánh đệ tử nếu ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào[37], thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, thì ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.

“Ví như người lực sĩ lấy món đồ gốm vừa mới nung, còn nóng, đặt trên đất, chỉ trong chốc lát vật này bị tan hoại, sức nóng cũng tan mất. Cũng vậy, Tỳ-kheo ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, thì biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, thì ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 293. THẬM THÂM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta đã vượt nghi, dứt trừ do dự, nhổ sạch gai tà kiến, không còn thoái chuyển, tâm không chấp trước nữa, thì nơi nào có ngã? Ta vì các Tỳ-kheo thuyết pháp, Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận duyên khởi xuất thế của bậc Hiền thánh tương ưng với Không. Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có lục nhập xứ, duyên lục nhập xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy, (chi tiết ….) cho đến, thuần khối khổ lớn tụ tập như vậy bị diệt.

“Thuyết pháp như vậy, nhưng Tỳ-kheo kia vẫn còn nghi hoặc, còn do dự. Trước chẳng đắc mà tưởng đắc, chẳng đạt mà tưởng đạt, chẳng chứng mà tưởng chứng. Nay nghe pháp xong tâm sanh lo khổ, hối hận, mê mờ, chướng ngại. Vì sao? Vì đây là chỗ sâu xa, tức là pháp duyên khởi. Lại càng sâu xa, khó thấy gấp bội, đó là lìa tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh, Niết-bàn. Như hai pháp này, là pháp hữu vi và vô vi. Hữu vi, hoặc sanh. hoặc trụ, hoặc dị, hoặc diệt. Vô vi, là chẳng sanh, chẳng trụ, chẳng dị, chẳng diệt. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là các hành là khổ; Niết-bàn là tịch diệt. Nhân tập nên khổ tập; nhân diệt nên khổ diệt; cắt đứt các nẻo, diệt hẳn tương tục. Tương tục diệt[38], đây gọi là khổ biên. Này các Tỳ-kheo, cái gì diệt? Đó là khổ hữu dư. Cái ấy nếu diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh, nghĩa là đã diệt hết tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tịnh, Niết-bàn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 294. NGU SI HIỆT TUỆ[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Kẻ phàm phu ngu si không học bị vô minh che lấp, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân[40] này. Bên trong thân có thức này, ngoài thân có danh sắc. Hai nhân duyên này sanh ra xúc. Bị xúc chạm sáu xúc nhập[41] này, phàm phu ngu si không học cảm nghiệm các cảm thọ khổ lạc, nhân đây khởi lên các thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.

“Người có trí thông bác, bị vô minh che mờ, ái duyên ràng buộc nên có được thức thân này. Như vậy, bên trong có thức thân, ngoài có danh sắc. Hai duyên này sanh ra sáu xúc nhập xứ. Bị xúc chạm bởi sáu xúc, người trí cảm nghiệm các cảm thọ khổ và lạc, nhân đây khởi lên những thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.

“Người ngu tối và người trí tuệ, hai hạng người này ở nơi Ta tu các phạm hạnh, có cái gì sai khác không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, cúi xin diễn nói, các Tỳ-kheo nghe xong, sẽ lãnh thọ và thực hành.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, đối với kẻ phàm phu ngu si không học vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân này. Vô minh chẳng dứt, ái duyên chẳng hết, nên sau khi chết rồi lại tái sanh. Vì trở lại thọ thân nên không được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Vì sao? Vì kẻ phàm phu ngu si vốn chẳng tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết trở lại tái sanh. Bởi thọ thân trở lại nên không giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não.

“Người trí tuệ vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân này. Kia vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch. Do vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch, nên sau khi chết không còn tái sanh nữa. Vì chẳng thọ sanh trở lại nên giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì sao? Vì người này trước đây đã tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết không tái sanh trở lại. Bởi không thọ thân nên giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Đó là chỗ sai khác giữa phàm phu và người trí tuệ khi ở nơi Ta tu các phạm hạnh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 295. PHI NHỮ SỞ HỮU[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, nơi thành Vương xá Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thân này chẳng phải sở hữu của các ông, chẳng phải là sở hữu của người khác. Nghĩa là sáu xúc nhập xứ, vốn do ước nguyện mà tu hành trước kia[43] nên thọ được thân này. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi mà khéo tư duy, quán sát chân chánh là có sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân này. Nghĩa là vì cái này có nên sẽ có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong tương lai và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Đó gọi là có nhân có duyên để tập khởi thế gian. Trái lại, nếu cái này không, thì sáu thức thân không; sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng không. Nghĩa là vì cái này không, nên không có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong tương lai, thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử, nếu đối với sự tập khởi của thế gian, sự diệt tận của thế gian, mà chánh trí như thật, khéo léo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập, thì đó gọi là Thánh đệ tử chiêu cảm được pháp lành này, đạt được pháp lành này, biết pháp lành này, nhập pháp lành này; giác ngộ biết, giác ngộ thấy được sự sanh diệt của thế gian; thành tựu được sự xuất ly của Hiền thánh, dứt sạch khổ và đến nơi tận cùng của mé khổ một cách chân chánh. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử đã biết như thật về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận của thế gian, nên khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 296. NHÂN DUYÊN[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói pháp nhân duyên và pháp duyên sanh.

“Thế nào là pháp nhân duyên[45]? Là cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, cho đến, tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Thế nào là pháp duyên sanh[46]? Là vô minh, hành,... dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới[47]. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Các pháp này, pháp trụ, pháp không[48], pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo. Tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp duyên sanh[49]. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó gọi là pháp duyên sanh.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh này bằng chánh tri mà thấy rõ như thật, không truy tìm về đời trước[50] mà nói rằng: ‘Tôi trong đời quá khứ hoặc có, hay không có? Tôi trong quá khứ là loài gì, tôi trong quá khứ như thế nào[51]?’ Không truy tìm tương lai mà nói rằng: ‘Tôi ở đời vị lai hoặc có, hay không có? Tôi là loài gì, tôi sẽ như thế nào?’ Bên trong chẳng do dự[52]: ‘Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này? Trước đây chúng là cái gì? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Ở đây mất rồi sẽ đi về đâu[53]?’

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào khởi các kết sử kiến[54] phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến, kết sử của chúng sanh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu[55]. Khi tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa-la, ở đời vị lai thành pháp bất sanh. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 297. ĐẠI KHÔNG PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[56], Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng sau cùng đều thiện; thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch; đó gọi là kinh Đại không pháp. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, khéo tư duy. Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là kinh Đại không pháp? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức,… cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Vì duyên sanh nên có già chết. Nếu có người hỏi: ‘Ai già chết, già chết thuộc về ai?’ Người ấy sẽ đáp: ‘Ngã chính là già chết, nay già chết thuộc về ngã, già chết là ngã.’ Điều được nói rằng: ‘Mệnh tức là thân,’ hoặc nói ‘Mệnh khác, thân khác,’ thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại. Nếu thấy rằng ‘Mệnh tức là thân’, với người tu phạm hạnh, điều này không có. Hoặc lại thấy rằng ‘Mệnh khác, thân khác’, với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng Trung đạo. Hiền thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là duyên sanh nên có già chết…

“Cũng vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, damh sắc, thức, hành; do duyên vô minh nên có hành. Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là hành, hành thuộc về ai?’ Người này sẽ đáp: ‘Hành là ngã, hành là của ngã.’ Điều được nói rằng: ‘Mệnh tức là thân,’ hoặc nói ‘Mệnh khác, thân khác,’ thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại. Nếu thấy rằng ‘Mệnh tức là thân’, với người tu phạm hạnh, điều này không có. Hoặc lại thấy rằng ‘Mệnh khác, thân khác’, với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng Trung đạo. Hiền thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là vô minh duyên hành. Nếu các Tỳ-kheo, ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai già chết, già chết thuộc về ai? Khi già chết đã dứt trừ, thì biết là đã dứt hẳn cội gốc của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đời vị lai không thể tái sanh.

“Nếu Tỳ-kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai sanh, sự sanh thuộc về ai, cho đến ai hành, hành thuộc về ai? Khi hành đã chắc chắn dứt trừ, thì biết là đã dứt cội gốc của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đời sau không thể tái sanh.

“Nếu Tỳ-kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thời khi vô minh này diệt, hành cũng diệt, cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn cũng bị diệt. Đó gọi là kinh Đại không pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 298. PHÁP THUYẾT NGHĨA THUYẾT[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ thuyết pháp, thuyết nghĩa[58] về pháp duyên khởi, các ông hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là thuyết pháp về pháp duyên khởi? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành… cho đến thuần một khối khổ lớn. Đó gọi là pháp thuyết về pháp duyên khởi.

“Thế nào là thuyết nghĩa? Tức là, duyên vô minh nên có hành. Thế nào là vô minh? Nếu chẳng biết tiền tế, chẳng biết hậu tế, chẳng biết cả tiền hậu tế; chẳng biết trong, chẳng biết ngoài, chẳng biết cả trong lẫn ngoài; chẳng biết nghiệp, chẳng biết báo, chẳng biết nghiệp báo; chẳng biết Phật, chẳng biết Pháp, chẳng biết Tăng; chẳng biết Khổ, chẳng biết Tập, chẳng biết Diệt, chẳng biết Đạo; chẳng biết nhân, chẳng biết pháp sanh khởi bởi nhân; chẳng biết thiện, bất thiện, có tội, không tội, tập, không tập; hoặc kém, hoặc hơn; nhiễm ô, hoặc thanh tịnh; phân biệt duyên khởi, tất cả đều chẳng biết; đối với sáu xúc nhập xứ không giác tri như thật, đối với các pháp này không thấy không biết, không hiện quán[59], bị si ám, không có minh, tối mù mịt, đó gọi là vô minh.

“Duyên vô minh nên có hành. Thế nào là hành? Hành gồm có thân hành, miệng hành, ý hành.

“Duyên hành nên có thức. Thế nào là thức? Chỉ sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.

“Duyên thức có danh sắc; thế nào là danh? Chỉ bốn ấm vô sắc: thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. Thế nào là sắc? Chỉ bốn đại, sắc do bốn đại tạo thành. Sắc này hợp cùng với danh đã nói ở trên, gọi là danh sắc.

“Duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ. Thế nào là sáu nhập xứ? Sáu nội nhập xứ; nhãn nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ.

“Duyên sáu nhập xứ nên có xúc. Thế nào là xúc? Chỉ sáu xúc thân: nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.

“Duyên xúc nên có thọ. Thế nào là thọ? Ba thọ: thọ khổ, thọ vui, thọ chẳng khổ chẳng vui.

“Duyên thọ nên có ái. Thế nào là ái? Ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái.

“Duyên ái nên có thủ. Thế nào là thủ? Bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ.

“Duyên vào thủ nên có hữu. Thế nào là hữu? Ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

“Duyên hữu nên có sanh. Thế nào là sanh? Nếu mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia[60], siêu việt, hòa hợp, xuất sanh[61], được ấm, được giới, được nhập xứ, được mệnh căn. Đó gọi là sanh.

“Duyên sanh nên có già chết. Thế nào là già? Như tóc bạc đầu hói, da nhăn, các căn suy sụp, tay chân yếu ớt, lưng còm, đầu cúi, rên rỉ, hơi thở ngắn, mệt nhọc, chống gậy đi, thân thể đen sạm, tay chân nổ ban đốm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn, kém cỏi. Đó gọi là già. Thế nào là chết? Là mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia chết đi, tuổi thọ chấm dứt, thân hoại, đổi dời, hơi ấm lìa thân, mệnh sống kết thúc, là đã đến lúc từ bỏ cái ấm thân. Đó gọi là chết. Chết này cùng già đã nói trước, gọi chung là già chết. Đó là thuyết nghĩa duyên khởi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 299. DUYÊN KHỞI PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra hay do người khác làm ra?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành, … cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 300. THA[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ có một Bà-la-môn đến chỗ Phật; cùng Đức Thế Tôn đón chào vui vẻ. Sau khi vui vẻ chào hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng[63]?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta nói điều này không khẳng định. Tự mình làm và tự mình cảm thọ, điều này không được khẳng định[64].”

Bà-la-môn hỏi:

“Bạch Cù-đàm, người khác làm và người khác cảm thọ chăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Người khác làm và người khác cảm thọ; điều này không khẳng định[65].”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Tôi hỏi, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định. Tôi hỏi, người khác làm và người khác cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định, nghĩa này như thế nào?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu tự mình làm và tự mình cảm thọ thì sẽ rơi vào thường kiến. Nếu người khác làm và người khác cảm thọ thì sẽ rơi vào đoạn kiến. Thuyết nghĩa, thuyết pháp là lìa hai bên này, Ta thuyết pháp ở nơi Trung đạo. Tức là nói rằng: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, duyên vô minh nên có hành… cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tập. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến việc thuần một khối khổ lớn bị diệt.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 301. CA-CHIÊN-DIÊN[66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nhà khách trong rừng sâu, xóm Na-lê[67]. Bấy giờ Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên[68] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Ngài nói ‘Chánh kiến.’ Vậy thế nào là chánh kiến? Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn thi thiết chánh kiến?”

Phật bảo Tán-đà Ca-chiên-diên:

“Thế gian có hai sở y, hoặc có hoặc không[69], bị xúc chạm bởi thủ. Do bị xúc chạm bởi thủ nên hoặc y có hoặc y không. Nếu không có chấp thủ này vốn là kết sử hệ lụy của tâm và cảnh[70]; nếu không thủ, không trụ, không còn chấp ngã, thì khi khổ sanh là sanh, khổ diệt là diệt, đối với việc này không nghi, không hoặc, không do người khác mà tự biết; đó gọi là chánh kiến. Đó gọi là chánh kiến do Như Lai thi thiết. Vì sao? Thế gian tập khởi, bằng chánh trí mà quán sát như thật, thì thế gian này không phải là không[71]. Thế gian diệt, bằng chánh trí mà thấy như thật, thế gian này không phải là có. Đó gọi là lìa hai bên, nói pháp theo Trung đạo. Nghĩa là, ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là, duyên vô minh nên có hành,… cho đến, thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành diệt,… cho đến, thuần một khối khổ lớn diệt.’”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên nghe những gì Phật đã dạy, chẳng khởi các lậu, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.

*

KINH 302. A-CHI-LA[72]

Tôi nghe như vầy:

Khi Đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương xá khất thực. Bấy giờ, A-chi-la Ca-diếp[73] có chút việc đi ra khỏi thành Vương xá, hướng về núi Kỳ-xà-quật, từ xa trông thấy Đức Phật, vọâi vàng đi đến, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho không?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nay không phải là lúc để bàn luận. Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Ca-diếp lại bạch lần thứ ba.

“Bạch Cù-đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này?[74] Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho[75].”

Phật bảo A-chi-la Ca-diếp:

“Vậy thì tùy ý ông hỏi.”

A-chi-la Ca-diếp bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ, lạc có phải do tự tác không?”

Phật đáp:

“Nói khổ, lạc do tự tác, điều này Ta không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào khổ, lạc là do người khác làm ra chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nói khổ do ngưới khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Khổ, lạc do tự mình và người khác làm ra chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nói khổ do tự mình và người khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, tôi hỏi khổ tự tác chăng? Ngài đáp không ký thuyết. Tôi hỏi khổ tha tác, tự tha tác chăng? Chẳng phải tự, tha, vô nhân tác chăng? Ngài cũng đáp là không ký thuyết. Vậy, nay không có cái khổ này chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Chẳng phải không có cái khổ này, mà thật có cái khổ này.”

Ca-diếp bạch Phật:

“Lành thay, bạch Cù-đàm! Ngài nói có cái khổ này. Vậy xin vì tôi thuyết pháp khiến cho tôi biết khổ, thấy khổ.”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nếu thọ tức là tự cảm thọ[76], thì Ta mới có thể nói nói khổ do tự tạo. Nếu người khác thọ người khác tức là thọ giả[77], thì Ta nói là tha tạo. Nhưng nếu nói thọ, vừa tự thọ vừa cái khác cảm thọ rồi mang lại khổ, như thế thì tự làm vừa do người khác làm, nhưng Ta cũng chẳng nói như vậy. Hoặc chẳng phải nhân tự, tha, mà là vô nhân sanh ra khổ, Ta cũng chẳng nói như vậy. Như Lai thuyết pháp lìa hai bên này mà nói Trung đạo; tức là ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành,… cho đến thuần một khối khổ lớn. Nếu vô minh diệt thì hành diệt,… cho đến thuần một khối khổ lớn bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, A-chi-la Ca-diếp liền lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, A-chi-la Ca-diếp thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua mọi hồ nghi, không do người khác mà biết, chẳng do người khác độ thoát, đối với Chánh pháp luật, tâm được không sợ hãi.

Ca-diếp chắp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, nay con đã được Phật hóa độ, từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời làm Ưu-bà-tắc, xin Ngài chứng tri cho con.”

A-chi-la Ca-diếp nghe Phật dạy xong, vui mừng, hài lòng làm lễ mà đi.

A-chi-la Ca-diếp sau khi từ giã Phật đi không lâu, thì bị một con nghé đực húc chết. Lúc mạng chung, các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Bấy giờ, Thế Tôn vào thành khất thực. Lúc ấy cũng có nhiều Tỳ-kheo vào thành Vương xá khất thực, nghe đồn A-chi-la Ca-diếp được nghe pháp từ Thế Tôn; sau khi từ giã Phật chẳng bao lâu bị một con nghé đực húc chết, khi mạng chung các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Các Tỳ-kheo khất thực xong trở về, thu cất y bát, rửa chân, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay nhiều Tỳ-kheo vào thành khất thực, nghe chuyện A-chi-la Ca-diếp, sau khi được nghe pháp luật, ra về chẳng bao lâu bị tai nạn một con nghé đực húc chết. Lúc từ trần các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Bạch Thế Tôn, A-chi-la Ca-diếp sanh vào loài nào, thọ sanh nơi đâu và có sở đắc gì?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và thứ pháp[78], không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bát-niết-bàn. Các ông nên đến cúng dường thân A-chi-la Ca-diếp.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thọ ký A-chi-la Ca-diếp bậc nhất.

*

KINH 303. ĐIẾM-MÂU-LƯU[79]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, dọc đường gặp tu sĩ ngoại đạo tên là Điếm-mâu-lưu[80], có chút việc đi đến núi Kỳ-xà-quật, từ xa trông thấy liền đi đến chỗ Thế Tôn; hai bên chào đón ân cần xong, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi có vài điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho chăng?”

“Nay không phải là lúc để bàn luận; Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Điếm-mâu-lưu lại bạch lần thứ ba.

“Bạch Cù-đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này? Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho.”

Phật bảo Điếm-mâu-lưu:

“Vậy thì tùy ý ông hỏi.”

Xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu liền hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Bạch Ngài, khổ, lạc do tự tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Bảo khổ, lạc do tự tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Khổ, lạc có phải do người khác tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói khổ, lạc do người khác tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Khổ, lạc tự người khác tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói khổ, lạc do tự người khác tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Cù-đàm:

“Khổ, lạc chẳng phải do tự, chẳng phải do người khác, vô nhân tác chăng?

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói rằng khổ, lạc chẳng phải tự, chẳng phải người khác, vô nhân tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Phật dạy đầy đủ như kinh A-chi-la Ca-diếp ở trên, cho đến Thế Tôn thọ ký cho xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu đầu tiên.

*

TẠP A-HÀM QUYỂN 13

KINH 304. LỤC LỤC[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[2], Câu-lưu-sấu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Có sáu pháp sáu[3]. Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.

“Sáu nội nhập xứ[4] là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ, thân nhập xứ, ý nhập xứ.

“Sáu ngoại nhập xứ[5] là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ. Sáu thức thân[6] là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Sáu xúc thân[7] là những gì? Đó là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân. Sáu thọ thân[8] là những gì? Đó là, nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc sanh thọ. Sáu ái thân[9] là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.

“Nếu có người nói rằng ‘mắt là ta’[10], điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu mắt là ta thì ta này phải chịu sanh tử[11]. Cho nên nói mắt là ta, điều này chẳng đúng. Cũng vậy, hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ta, thì điều này cũng chẳng đúng. Vì sao? Vì thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu thọ do mắt tiếp xúc sanh ra là ta, thì ta này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sanh ra là ta, thì điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta. Cũng vậy, thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải ta. Vì sao? Vì thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt; nếu là ta thì ta này phải chịu sanh tử, cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sanh ra là ta, thì điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ta.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết-bàn. Thế nào là thấy biết như thật về cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết-bàn?”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, mắt chẳng phải ta. Nếu sắc, nhãn thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc[12]; kia cũng quán sát là chẳng phải ta. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật về sự tác thành do mắt, cho đến chánh hướng Niết-bàn. Đó gọi là kinh nói về Sáu pháp sáu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 305. LỤC NHẬP XỨ[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[14], Câu-lưu-sấu, bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hôm nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Ở nơi nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối, tương ưng, luyến tiếc, kết buộc tâm, năm thọ ấm được tăng trưởng[15]; và tham ái hữu đương lai[16] câu hữu với hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc[17], thân tâm thiêu đốt, thân tâm hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sanh ra cảm giác khổ. Vì thân sanh ra cảm giác khổ nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với mắt thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, thấy biết như thật; vì thấy rồi, nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp[18], không ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thọ ấm và tham ái hữu tương lai câu hữu tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc, tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai đều bị tiêu diệt và thuần một khối khổ ấm lớn cũng bị diệt.

“Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh đầy đủ, thì đó gọi là tu tập tám Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ rồi, thì bốn Niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ-đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập[19].

“Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. Những pháp nào cần phải biết, cần phải dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát. Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chánh quán.

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; thì đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, thật sự chứng đắc vô gián đẳng[20], đạt đến cứu cánh của mé khổ.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 306. NHÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: “Tỳ-kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo nên biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?’”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên[21] cho đến)... những thứ chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu[22], phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu[23].

“Lại nói như vầy: ‘Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.’ Kia giả lập rồi nói như vầy: ‘Vị Tôn giả này tên như vậy, sanh như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng như vậy.’ Này Tỳ-kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết[24]; tất cả các pháp này đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, thì chúng là khổ. Khổ này phát sanh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh mà các khổ khác không tiếp nối, không phát sanh nữa; thì đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,… thân, xúc làm duyên sanh thức thân, cả ba hòa hợp sanh ra xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Duyên ý và pháp sanh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, vàø bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Nếu có người nào, đối với các pháp này, tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển, đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, thì đó là thấy pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 307. KIẾN PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: “Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi là thấy pháp?” Suy nghĩ xong, từ nơi thiền tọa đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?’ Hôm nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải thích cho.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức… Nói đầy đủ như trên.”

Tỳ-kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ:

“Mắt, sắc, hai thứ duyên,

Sanh tâm và tâm pháp,

Thức, xúc cùng câu sanh,

Thọ, tưởng… đều có nhân.

Chẳng ngã, chẳng của ngã,

Chẳng phải phước-già-la,

Chẳng phải ma-nậu-xà,

Cũng chẳng ma-na-bà.

Đây là pháp sanh diệt,

Khổ ấm, pháp biến dịch,

Nơi pháp này giả tưởng,

Giả lập là chúng sanh.

Na-la, ma-nậu-xà,

Cùng với ma-na-bà,

Cũng còn nhiều tưởng khác,

Đều từ khổ ấm sanh.

Các nghiệp ái vô minh,

Ấm tích lũy đời khác.

Sa-môn các đạo khác,

Nói về hai pháp khác.

Nếu họ nói như vậy,

Nghe rồi càng nghi hoặc.

Tham ái dứt không còn,

Vô minh lặng, diệt hẳn,

Ái sạch, các khổ dứt,

Vô thượng, Phật nói rõ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 308. BẤT NHIỄM TRƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chư Thiên, người thế gian, đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời và người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với âm thanh, mùi, vị, xúc, pháp cũng yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời, người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật. Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết như thật thì không còn ưa thích, đắn nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, nên sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh. Ách ngại bị diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh ra xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi, pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại và khi đã hết trở ngại rồi thì gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

“Nơi sắc, thanh, hương, vị,

Xúc, pháp, sáu cảnh giới,

Một hướng sanh vui thích,

Ái nhiễm, vui đắm sâu.

Chư Thiên và Người thế,

Chỉ vì cái vui này,

Khi biến đổi, diệt mất,

Họ sanh ra khổ đau.

Chỉ có bậc Hiền thánh,

Thấy chúng diệt, an vui,

Cái vui của thế gian,

Quán sát đều là oán.

Hiền thánh thấy là khổ,

Thế gian cho là vui,

Cái khổ của thế gian,

Đối với Thánh là vui.

Pháp sâu xa khó hiểu,

Thế gian sanh nghi hoặc,

Chìm đắm trong tối tăm,

Mờ mịt chẳng thấy gì.

Chỉ có người trí tuệ,

Mở bày sự sáng tỏ,

Lời sâu xa như vậy,

Phi Thánh nào ai biết?

Không lại thọ thân sau,

Đạt xa lẽ chân thật.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 309. LỘC NỮU (1)[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già[26] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu[27], đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Đức Thế Tôn đã dạy, “Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn độc một mình[28].” Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này.”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Nếu sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục[29]. Nếu Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại[30]. Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với người thứ hai [31]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào giống như vậy, thì dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ, cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Vì hỷ ái không đoạn, không diệt. Ái dục không được đoạn trừ, không được biến tri, chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.

“Nếu có Tỳ-kheo nào đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ. Do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; được gọi là sống đơn độc một mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào giống như vậy, thì dù ở nơi lầu các, gác cao, cũng vẫn là sống đơn độc một mình. Vì sao? Vì tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã biến tri, chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình.”

Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ, đảnh lễ mà đi.

*

KINH 310. LỘC NỮU (2)[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già[33] tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc Nữu, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo:

“Lành thay! Lành thay! Lộc Nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”

Phật bảo Lộc Nữu:

“Nếu có Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Lộc Nữu, nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp lại cũng nói như vậy.”

Tôn giả Lộc Nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

*

KINH 311. PHÚ-LAN-NA[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Phú-lan-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa.”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Nếu có Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ,ï càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.

“Này Phú-lan-na, nếu Tỳ-kheo nào, mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy rồi, không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ,ï nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại; cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy.”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Ta đã tóm lược giáo pháp, vậy Phú-lan-na muốn an trú chỗ nào?”

Tôn giả Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian đi về xứ Thâu-lô-na ở phương Tây[35].”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Người ở Thâu-lô-na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa chưởi bới. Phú-lan-na, nếu ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, thì ngươi sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu-lô-na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na ở phương Tây này vẫn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họï ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục, ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Người Thâu-lô-na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối với ngươi, ngươi có thể tránh được. Nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, thì ngươi như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu-lô-na ở phương Tây dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi nữa, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng tay đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, thì sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, thì con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết ta.’”

Phật bảo Phú-lan-na:

“Giả sử những người này giết ngươi, thì sẽ như thế nào?”

Phú-lan-na bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu-lô-na phương Tây giết con, thì con nghĩ rằng: ‘Các đệ tử của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu-lô-na phương Tây này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải thoát.’”

Phật bảo:

“Lành thay! Phú-lan-na! Ông khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay ngươi có thể đến ở lại Thâu-lô-na. Ngươi nên đến độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn.”

Bấy giờ, Tôn giả Phú-lan-na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi đi.

Sáng hôm sau Tôn giả Phú-lan-na đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, trở ra, giao lại ngọa cụ, đem y bát du hành đến nước Thâu-lô-na phương Tây và an cư tại đó. Tôn giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu-bà-tắc và kiến lập năm trăm Tăng-già-lam, cúng dường các thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ. Trải qua ba tháng hạ, đầy đủ Tam minh, liền ở nơi ấy nhập Vô dư Niết-bàn.

*

KINH 312. MA-LA-CA-CỮU[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Ma-la-ca-cữu[37] đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: không còn tái sanh đời sau nữa.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp luật của Ta còn không biếng nhác; huống chi là ngày nay tuổi của ngươi đã già, các căn đã suy yếu, mà đối với pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt.”

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Ma-la-ca-cữu bạch như vậy ba lần.

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Hãy thôi đi!”

Ba lần nói như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:

“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà đáp lời của Ta.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Nếu đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?”

Ma-la-ca-cữu đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai đối với âm thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng nói như vậy.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Lành thay! Này Ma-la-ca-cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn[38]; cảm giác, do cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn.”

Và Phật nói bài kệ:

Nếu ngươi chẳng phải kia,

Kia cũng chẳng phải đây,

Cũng chẳng giữa hai bên,

Thì đây là mé khổ[39].

Ma-la-ca-cữu bạch Phật:

“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?”

Ma-la-ca-cữu trình lên Phật bài kệ:

“Nếu mắt đã thấy sắc,

Mà mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Giữ lấy tướng yêu nhớ.

Người giữ tướng yêu thích,

Tâm thường bị vướng mắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng sắc tập sanh.

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Khiến tâm mình sụt giảm,

Nuôi lớn thêm các khổ,

Vĩnh viễn lìa Niết-bàn.

Thấy sắc chẳng chấp tướng,

Tâm mình theo chánh niệm,

Không nhiễm ái, ác tâm,

Cũng chẳng sanh hệ lụy.

Không khởi lên các ái,

Vô lượng sắc tập sinh,

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Chẳng thể hại tâm mình.

Ít nuôi lớn các khổ,

Lần lượt gần Niết-bàn.

Đấng Nhật Tôn đã nói,

Lìa ái, đạt Niết-bàn.

Nếu tai nghe các tiếng,

Tâm mất đi chánh niệm,

Cứ giữ tướng âm thanh,

Giữ chặt mà không xả.

Mũi, hương, lưỡi thưởng vị,

Thân, xúc, ý nhớ pháp,

Quên mất đi chánh niệm,

Giữ tướng cũng như vậy;

Tâm mình sanh yêu thích,

Buộc đắm bám vững chắc,

Khởi lên các thứ ái,

Vô lượng pháp tập sanh,

Tham dục, nhuế, hại, giác,

Sụt giảm hại tâm mình,

Nuôi lớn các tụ khổ,

Vĩnh viễn lìa Niết-bàn.

Chẳng nhiễm nơi các pháp,

Chánh trí, trụ chánh niệm,

Tâm mình chẳng nhiễm ô,

Lại cũng không thích đắm,

Chẳng khởi lên các ái,

Vô lượng pháp tập sanh,

Tham, sân, nhuế, hại, giác,

Chẳng lui giảm tâm mình,

Các khổ theo đó giảm,

Dần dần gần Niết-bàn.

Ái tận, Bát-niết-bàn,

Thế Tôn đã nói thế.

“Đó gọi là giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói.”

Phật bảo Ma-la-ca-cữu:

“Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Vì như ngươi đã nói kệ:

Nếu mắt thấy các sắc,

Quên mất đi chánh niệm,

Thì đối sắc được thấy,

Giữ lấy tướng ái niệm.

Như trên, nói đầy đủ chi tiết.

Tôn giả Ma-la-ca-cữu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, làm lễ rồi đi.

Sau khi, Tôn giả Ma-la-ca-cữu đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến thành A-la-hán, tâm được giải thoát.

*

KINH 313. KINH PHÁP[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có kinh pháp, mà các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới; tuy đối với kinh pháp, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả[41], nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe kỹ và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, khi mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.’ Nếu Tỳ-kheo nào mắt đã thấy sắc rồi, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham đối với sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham đối với sắc được nhận thức bởi mắt.’ Các ông nghĩ sao? Ở đây, người này có tín, có sở thích, có sở văn, có tư duy sở hành, có kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?[42]”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, có như vậy[43].”

“Quy hướng trên pháp này, thì có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng nói như vậy.”

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới. Tuy đối với kinh pháp này, khác tín tâm, khác sở thích, khác sở văn, khác tư duy sở hành, khác kiến giải thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 314. ĐOẠN DỤC[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 315. NHÃN SANH[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu mắt sanh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, thì khổ sanh khởi, bệnh đình trú, già, chết xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, thì khổ sanh cũng diệt, bệnh dứt, (già) chết biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 316. NHÃN VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và cũng có thể nói: ‘Đối với con mắt ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.’ Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra và đối với mắt không thể muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 317. NHÃN KHỔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 318. NHÃN PHI NGÃ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như ba kinh Nội lục nhập xứ, ba kinh Ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.

*

KINH 319. NHẤT THIẾT[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nói rằng ‘tất cả’, vậy thế nào là tất cả?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói rằng: ‘Đó không phải là tất cả, mà Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập riêng tất cả khác,’ thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Bà-la-môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 320. NHẤT THIẾT HỮU[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài nói tất cả đều có[48], vậy thế nào là tất cả đều có?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà-la-môn, ý ông thế nào, mắt là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Sắc là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Này Bà-la-môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên từ giã.

*

KINH 321. NHẤT THIẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả pháp. Nếu có người lại nói: ‘Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,’ thì người ấy chỉ nói trên ngôn thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như ba kinh Bà-la-môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ-kheo khác hỏi và ba kinh Tôn giả A-nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.

*

KINH 322. NHÃN NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ, Thế Tôn chỉ nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo này:

“Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại[49]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy.”

Lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế nào ý là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại, thì đó gọi là ý nội nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Như lời Đức Thế Tôn đã dạy về sắc ngoại nhập xứ, Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi Phật:

“Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Như thanh, mùi vị cũng như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế Tôn đã nói về xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ, vậy thế nào là xúc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do tứ đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là xúc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể thấy, không đối ngại. Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 323. LỤC NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 324. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp ngoại nhập xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 325. LỤC THỨC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 326. LỤC XÚC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xúc thân. Đó là nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân. Đó là sáu xúc thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 327. LỤC THỌ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thọ thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó gọi là sáu thọ thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 328. LỤC TƯỞNG THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu tưởng thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 329. LỤC TƯ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu tư thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra tư và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tư. Đó gọi là sáu tư thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 330. LỤC ÁI THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu ái thân. Đó là mắt tiếp xúc sanh ra ái và tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra ái. Đó gọi là sáu ái thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 331. LỤC CỐ NIỆM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ luyến nhớ[50]. Đó là luyến nhớ sắc, luyến nhớ thanh, luyến nhớ hương, luyến nhớ vị, luyến nhớ xúc, luyến nhớ pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 332. LỤC PHÚ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ che đậy[51]. Đó là sắc hữu lậu giữ tâm che đậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu giữ tâm che đậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 333. VÔ THƯỜNG[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh ra nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Như vô thường, thì khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.

Như bốn kinh Nội nhập xứ, bốn kinh Ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.

*

KINH 334. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ-kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.

“Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Đó là, nghiệp là nhân, nghiệp là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.

“Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.

“Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.

“Vô minh có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy đúng là hệ phược của vô minh.

“Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng? là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư duy đúng nên sanh ra si mê. Sự ngu si ấy là vô minh. Dục cầu si mê gọi là ái. Hành vi do ái tạo tác nên gọi là nghiệp.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh. Vô minh là nhân của ái. Ái là nhân của nghiệp. Nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 335. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ vì các ông mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Đệ nhất nghĩa không. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số[53]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.

“Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Đệ nhất nghĩa không.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 336. LỤC HỶ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu hỷ hành[54]. Đó là: Này các Tỳ-kheo, nếu ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ-kheo gọi đó là sáu hỷ hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 337. LỤC ƯU HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ưu hành[55]. Đó là, này các Tỳ-kheo, nếu mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến hành nơi pháp xứ này, các Tỳ-kheo gọi đó là sáu ưu hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 338. LỤC XẢ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xả hành[56]. Đó là, này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến hành nơi pháp xứ này, thì đó gọi là sáu hành xả của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 339. LỤC THƯỜNG HÀNH (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành[57]. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí, thì đó gọi là sáu thường hành của Tỳ-kheo.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 340. LỤC THƯỜNG HÀNH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu sáu thường hành này, là điều thế gian khó làm được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 341. LỤC THƯỜNG HÀNH (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu sáu pháp thường hành này, là điều thế gian khó làm được, thì người này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 342. LỤC THƯỜNG HÀNH (4)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành. Đó là, nếu Tỳ-kheo mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu được sáu pháp thường hành này, thì nên biết đó là Xá-lợi-phất v.v… Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

TẠP A-HÀM QUYỂN 14

KINH 343. PHÙ-DI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Tỳ-kheo Phù-di[2] ở tại núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả Phù-di, cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chào hỏi và chúc tụng nhau, rồi ngồi qua một bên, nói với Tôn giả Phù-di:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh thì giờ giải đáp cho không?”

Tôn giả Phù-di bảo các xuất gia ngoại đạo:

“Tùy theo những gì các vị hỏi, tôi sẽ trả lời các vị.”

Lúc ấy, chúng xuất gia ngoại đạo hỏi Tôn giả Phù-di:

“Khổ lạc có phải là do tự tác không?”[3]

Tôn giả Phù-di đáp:

“Này các vị xuất gia ngoại đạo, nói ‘khổ lạc là do tự tác’; điều này Đức Thế Tôn bảo, ‘Ta không khẳng định[4] ’.”

Lại hỏi:

“Khổ lạc có phải là do tha nhân tác không?”

Đáp:

“Khổ lạc là do tha nhân tác; điều này Đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định’.”

Lại hỏi:

“Khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác không?”

Đáp:

“Khổ lạc là do vừa tự vừa tha nhân tác; những điều này Đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định’.”

Lại hỏi:

“Khổ lạc có phải là chẳng phải vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo không?”

Đáp:

“Khổ lạc là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, những điều này Đức Thế Tôn bảo ‘Ta không khẳng định.’”

Chúng xuất gia ngoại đạo lại hỏi:

“Thế nào, Tôn giả Phù-di, khi chúng tôi hỏi có phải khổ lạc là do tự tác; thì bảo là không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải do tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là do vừa tự vừa tha nhân tác, thì bảo rằng không khẳng định. Khi hỏi khổ lạc có phải là chẳng vừa tự vừa tha nhân tác, mà vô nhân tạo, thì bảo rằng không khẳng định. Vậy hiện tại Sa-môn Cù-đàm nói khổ lạc được sanh ra như thế nào?”

Tôn giả Phù-di đáp:

“Này chúng xuất gia ngoại đạo, Đức Thế Tôn bảo khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi.”

Lúc ấy chúng xuất gia ngoại đạo nghe những gì Tôn giả Phù-di nói, tâm không hoan hỷ, chỉ trích, rồi bỏ ra đi.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở cách chỗ Tôn giả Phù-di không xa, đang ngồi dưới bóng cây. Lúc ấy Tôn giả Phù-di biết chúng xuất gia ngoại đạo đã đi rồi, mới đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hai vị cùng chào hỏi và chúc tụng nhau. Sau khi chúc tụng rồi, Tôn giả đem những câu hỏi của chúng xuất gia ngoại đạo trình lại đầy đủ cho Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi đã giải đáp như vậy, không mắc tội hủy báng Đức Thế Tôn chăng? Nói như thuyết chăng? Nói như pháp chăng? Nói tùy thuận pháp, hành pháp chăng? Không bị những người khác nhân nơi luận pháp đến nạn vấn chỉ trích chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Này Tôn giả Phù-di, những điều thầy nói là đúng như lời Phật dạy, không hủy báng Như Lai, nói như những gì Phật đã nói, nói như pháp, pháp hành, pháp thuyết, không bị những người khác nhân nơi luận nghĩa, mà đến cật vấn, quở trách. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn dạy khổ lạc được sanh ra từ duyên khởi.

“Tôn giả Phù-di, những gì các Sa-môn, Bà-la-môn kia hỏi về khổ lạc là do tự tác, điều này cũng sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo rằng chúng không sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, hay bảo là vô duyên tạo, chúng cũng đều sanh ra từ duyên khởi. Nếu bảo không phải sanh ra từ duyên khởi, điều này không thể có được.

“Tôn giả Phù-di, những gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói về khổ lạc là do tự tác, chúng cũng duyên xúc mà sanh ra; nếu bảo là chúng không sanh ra từ xúc, điều này không thể có được. Khổ lạc là do tha tạo, là do tự tha nhân tác, do tự tha tác, cũng chẳng phải do tự chẳng phải do tha tác, vô nhân tác, chúng cũng duyên vào xúc mà sanh ra. Nếu bảo không phải sanh ra từ xúc, điều này không thể có được.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang ngồi dưới bóng cây cách Tôn giả Xá-lợi-phất không xa, nghe Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tôn giả Phù-di bàn luận những việc như vậy. Sau khi nghe, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem những lời bàn luận giữa Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tôn giả Phù-di bạch một cách đầy đủ lên Đức Thế Tôn.

Phật bảo A-nan:

“Lành thay! Lành thay! A-nan, Tôn giả Xá-lợi-phất có người đến hỏi, đã có thể tùy thời mà đáp. Lành thay! Vì Xá-lợi-phất là người có trí ứng phó kịp thời, nên có người đến hỏi, liền có thể tùy thời mà giải đáp. Hàng Thanh văn của Ta nếu gặp có người hỏi, thì cũng nên tùy thời mà đáp như cách Xá-lợi-phất đã nói.

“Này A-nan, trước đây khi Ta ở trong núi tại Tiên nhân trú xứ, thành Vương xá, bấy giờ có chúng xuất gia ngoại đạo đã đem ý vị như vậy, văn cú như vậy, nghĩa lý như vậy đến hỏi Ta. Ta vì họ mà đem ý vị thế này, văn cú thế này, nghĩa lý thế này nói cho họ, giống như những gì Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói.

“A-nan, nếu các Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng khổ lạc là do tự tác, Ta liền đến hỏi họ: ‘Thật sự các vị có nói khổ lạc là do tự tác không?’ Họ đáp: ‘Tôi nói như vậy’ Ta liền nói với họ: ‘Các vị có thể chấp chặt lấy nghĩa này cho đây là chân thật, còn những gì khác đều là ngu dối. Ta không chấp nhận như vậy. Vì sao? Vì Ta nói sự sanh khởi của khổ lạc khác hẳn với điều này.’ Nếu họ hỏi Ta: ‘Cù-đàm nói sự sanh khởi của khổ lạc là khác như thế nào?’ Ta đáp: ‘Khổ lạc sanh ra từ duyên khởi.’ Cũng vậy nếu họ nói: ‘Khổ lạc là do tha nhân tác, do tự tha tác, chẳng phải do tự, chẳng phải do tha, vô nhân tạo, Ta cũng đến chỗ họ nói như trên.’”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Như nghĩa lý Thế Tôn vừa nói, con đã hiểu. Có sanh nên có già chết, chẳng phải duyên nào khác mà có sanh nên có già chết. Cho đến vì vô minh nên có hành, chẳng phải duyên nào khác mà có vô minh nên có hành. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sanh diệt thì già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não cũng diệt; và thuần một khối khổ lớn diệt.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 344. CÂU-HI-LA[5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đang ở tại núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Câu-hi-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau chào hỏi. Sau khi chào hỏi, ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi. Tôn giả có rảnh để giải đáp cho không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Nhân giả cứ hỏi. Nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đa văn Thánh đệ tử, ở trong pháp luật này, thành tựu pháp nào để gọi là có đầy đủ chánh kiến[6], thành tựu được trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật[7], thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với pháp bất thiện, biết như thật bất thiện căn, biết như thật thiện pháp, biết như thật thiện căn.

“Thế nào là biết như thật pháp bất thiện? Các nghiệp chẳng lành của thân, miệng, ý; đó gọi là pháp bất thiện. Biết như thật pháp bất thiện là như vậy.

“Thế nào là biết như thật bất thiện căn? Ba căn chẳng lành, tham là gốc (căn) chẳng lành, sân là gốc chẳng lành, si là gốc chẳng lành; đó gọi là bất thiện căn. Biết như thật bất thiện căn là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về thiện pháp? Các nghiệp lành của thân, miệng, ý; đó gọi là thiện pháp. Biết như thật về thiện pháp là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về thiện căn? Ba căn lành không tham, không sân, không si; đó gọi là ba thiêïn căn. Biết như thật về thiện căn là như vậy.

“Này Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, như vậy, đa văn Thánh đệ tử biết như thật pháp bất thiện, biết như thật pháp thiện, biết như thật căn bất thiện, biết như thật về thiện pháp, biết như thật về thiện căn; cho nên ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thật chỉ có những pháp này, hay ngoài ra còn có pháp nào khác?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, về sự diệt tận của thức ăn, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn.

“Thế nào là biết như thật về thức ăn? Có bốn loại thức ăn; đó là: Một là thức ăn nắm thô, hai là thức ăn tế xúc, ba là thức ăn bởi ý tư và bốn là thức ăn của thức[8]; đó gọi là thức ăn. Biết như thật về thực là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia[9]; đó gọi là sự tập khởi của thức ăn. Biết như thật về sự tập khởi của thực là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức ăn? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều dứt bỏ không còn sót, xả bỏ, nhả ra, đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về sự diệt tận của thức ăn là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn? Tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định; đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn là như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về thức ăn, biết như thật về sự tập khởi của thức ăn, biết như thật về sự diệt tận của thức ăn, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức ăn; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”

Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Lại còn có những pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về lậu[10], biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu.

“Thế nào là biết như thật về lậu? Có ba thứ lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu[11], đó gọi là lậu. Phải biết như thật về sự hiện hữu của lậu là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của lậu? Vô minh tập khởi là lậu tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của lậu là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của lậu? Vô minh diệt là lậu diệt. Biết như thật về sự diệt tận của lậu là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu? Tám Thánh đạo (nói như trên). Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu là như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về lậu, biết như thật về sự tập khởi của lậu, biết như thật về sự diệt tận của lậu, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của lậu; cho nên đa văn Thánh đệ tử ở trong pháp luật này, có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thật chỉ có những pháp này, hay còn có những pháp nào khác?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Cũng có những pháp khác nữa. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ.

“Thế nào là biết như thật về khổ? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái xa lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, mong muốn không được là khổ. Như vậy, nói tóm, năm thọ ấm là khổ; đó gọi là khổ. Biết như thật về khổ là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia; đó gọi là sự tập khởi của khổ. Biết như thật về sự tập khởi của khổ là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của khổ? Khát ái đối với hữu tương lai, đi đôi với hỷ tham, tham đắm hệ lụy nơi này nơi kia, thảy đều đoạn trừ, không còn sót, cho đến, tịch tĩnh; đó gọi là sự diệt tận của khổ. Biết như thật về sự diệt tận của khổ là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ? Tám Thánh đạo như đã nói ở trên. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ là như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử như vậy là biết như thật về khổ, biết như thật về sự tập khởi của khổ, biết như thật về sự diệt tận của khổ, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này[12], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”

Lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thật chỉ có pháp này, còn có pháp nào khác nữa không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Còn có pháp khác. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về già chết, biết như thật về sự tập khởi của già chết, biết như thật về sự diệt tận của già chết, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như kinh Phân biệt đã nói ở trước.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, sanh diệt tận thì già chết diệt tận… Con đường đưa đến sự diệt tận của già chết là gồm tám Thánh đạo như trước đã nói. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật đối với già chết này… cho đến, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy Thánh đệ tử ở trong pháp luật này[13], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”

“Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành. Thánh đệ tử biết như thật về hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành.

“Thế nào là biết như thật về hành? Hành có ba thứ: thân hành, khẩu hành và ý hành. Biết như thật về sự hiện hữu của hành là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Biết như thật về sự tập khởi của hành là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt tận thì hành diệt tận. Biết như thật về sự diệt tận của hành là như vậy.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo như trước đã nói.

“Này Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đó gọi là Thánh đệ tử biết như thật về hành, biết như thật về sự tập khởi của hành, biết như thật về sự diệt tận của hành, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành; trong pháp luật này[14], có đầy đủ chánh kiến, thành tựu trực kiến; thành tựu bất hoại tín đối với Phật, thâm nhập Chánh pháp, đạt được Chánh pháp này, tỏ ngộ Chánh pháp này.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Chỉ có những pháp này, hay còn có pháp nào khác không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, thầy đuổi theo cái gì vậy, rốt cuộc rồi Thầy cũng không thể đến chỗ tột cùng của các luận thuyết, đạt đến biên tế của chúng được! Nếu Thánh đệ tử đã đoạn trừ vô minh và phát sanh minh trí, thì đâu cần tìm cầu gì nữa!”

Sau khi đàm đạo xong, hai vị Chánh sĩ mỗi người trở về trú xứ của mình.

*

KINH 345. TẬP SANH[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Như những gì Ta đã nói về những câu hỏi của A-dật-đa trong Ba-la-diên-da[16] bằng bài kệ:

Người đã thông pháp số[17],

Người thành các môn học[18],

Oai nghi, hạnh đầy đủ,

Vì con phân biệt nói.

“Này Xá-lợi-phất, học những gì? Những gì là pháp số[19]?”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng, không đáp; lần thứ hai, lần thứ ba cũng im lặng.

Phật bảo:

“Xá-lợi-phất, thực thể[20]!”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo đối với thực thể[21] mà nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Nó sanh khởi do tập khởi của thức ăn. Tỳ-kheo đối với thức ăn mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận; đó gọi là thực thể diệt tận. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi, Tỳ-kheo này nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đó gọi là học.

“Lại nữa, Xá-lợi-phất, thực thể!”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Thế Tôn, thực thể! Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo đối với thực thể mà nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát. Nó sanh khởi do tập khởi của thức ăn. Vị ấy, thức ăn diệt nên thực thể diệt, đã giác tri rồi, Tỳ-kheo này nhàm tởm, ly dục, diệt tận, chẳng khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát. Đó gọi là pháp số.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Đúng thế, đúng thế! Như Xá-lợi-phất nói, Tỳ-kheo đối với thực thể mà sanh ra nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đây gọi là pháp số.”

Nói như vậy rồi, Thế Tôn đứng lên đi vào thất tọa thiền. Tôn giả Xá-lợi-phất biết Đức Thế Tôn đã đi, sau đó không lâu nói với các Tỳ-kheo:

“Chư vị, vì tôi không thể hiểu rõ câu hỏi đầu tiên của Đức Thế Tôn nên tôi im lặng. Sau một hồi, Đức Thế Tôn lại vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được nghĩa của nó như vậy. Giả sử Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm hay cho đến bảy ngày đêm lại hỏi nghĩa này với những văn cú khác, ý vị khác thì tôi cũng có thể giải thích, nói rộng nghĩa này với những văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm.”

Bây giờ, có một số Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui đứng qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất đã nói những điều kỳ đặc chưa từng có. Ở trong đại chúng đã nói lên tiếng rống con sư tử: ‘Đối với câu hỏi đầu tiên của Đức Thế Tôn, tôi đã không thể trả lời, vì không thể hiểu rõ, nên cho đến ba lần Ngài hỏi tôi đều im lặng, không đáp được. Sau đó Đức Thế Tôn lại đã vì tôi hoan hỷ hỏi lại, tôi liền giải thích được. Giả sử Đức Thế Tôn trong một ngày một đêm, hay cho đến suốt bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý vị khác, thì tôi có thể giải thích với văn cú khác, ý vị khác suốt bảy ngày đêm.’”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Quả thật, nếu Ta một ngày một đêm, cho đến bảy ngày đêm, lại hỏi nghĩa lý của nó với những văn cú khác, ý vị khác, thì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, trong ý nghĩa những điều được hỏi, cũng có thể giải thích với câu khác, ý vị khác cho đến bảy ngày đêm. Vì sao? Vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khéo nhập vào pháp giới.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 346. TAM PHÁP[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có ba pháp mà thế gian không yêu thích, không nhớ nghĩ, không vừa ý. Những gì là ba? Đó là già, bệnh, chết. Thế gian nếu không có ba pháp không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ, không vừa ý này thì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian; thế gian cũng không biết có Chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Vì thế gian có ba pháp già, bệnh, chết, không đáng yêu thích, không đáng nhớ nghĩ và không vừa ý này, cho nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác mới xuất hiện ở thế gian; thế gian biết có Chánh pháp luật được tri kiến và được tuyên thuyết bởi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.

“Vì ba pháp chưa đoạn nên không thể thoát khỏi già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. Ba pháp đó là thất niệm[23], không chánh tri, loạn tâm.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó là dao động[24], không luật nghi, chẳng học giới.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa dao động, không luật nghi, chẳng học giới. Ba pháp đó là không tin, khó dạy, lười biếng.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa không tin, khó dạy, lười biếng. Ba pháp đó là không muốn thấy bậc Thánh, chẳng muốn nghe pháp, thường hay tìm điều dở của người.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể xa lìa không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, ưa tìm cầu điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu.

“Lại vì có ba pháp chưa đoạn nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quý, buông lung. Vì ba pháp này không đoạn trừ nên không thể lìa được không cung kính, nói năng ngang trái, quen bạn xấu. Vì sao? Vì do không tàm, không quí nên buông lung; vì buông lung nên không cung kính; vì không cung kính nên quen theo bạn xấu; vì quen theo bạn xấu nên không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, hay ưa tìm điều dở của người; vì ưa tìm điều dở của người nên không tin, khó dạy, nói năng ngang trái, lười biếng; vì lười biếng nên dao động, không luật nghi, không học giới; vì không học giới nên thất niệm, không chánh tri, loạn tâm; vì loạn tâm nên không chánh tư duy, thân cận tà đạo, tâm biếng nhác; vì tâm biếng nhác nên thân kiến, giới thủ, nghi; vì nghi nên không lìa tham, nhuế, si; vì không lìa tham, nhuế, si nên không thể lìa được già, bệnh, chết.

“Nếu dứt được ba pháp này thì mới có thể lìa được già, bệnh, chết. Ba pháp đó là tham, nhuế, si. Ba pháp này dứt rồi mới có thể lìa già, bệnh, chết.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tham, nhuế, si. Ba pháp đó là thân kiến, giới thủ, nghi. Vì dứt được ba pháp này nên có thể lìa được tham, sân, si.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa thân kiến, giới thủ, nghi. Ba pháp đó là không chánh tư duy, thân cận tà đạo, khởi tâm biếng nhác. Vì dứt ba pháp này nên lìa thân kiến, giới thủ, nghi.

“Lại vì dứt ba pháp nên có lìa không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác. Ba pháp đó là thất niệm, không chánh tri, loạn tâm. Vì dứt ba pháp này nên lìa được không chánh tư duy, thân cận tà đạo và tâm biếng nhác.

“Lại vì dứt được ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm. Ba pháp đó là dao động, không luật nghi, phạm giới. Vì dứt ba pháp này nên lìa được thất niệm, tâm không chánh tri, loạn tâm.

“Lại vì dứt ba pháp nên lìa được dao động, chẳng luật nghi, phạm giới. Ba pháp đó là không tin, khó dạy, biếng nhác. Vì dứt được ba pháp này nên lìa được dao động, không luật nghi, phạm giới.

“Lại vì dứt được ba pháp nên lìa được chẳng tin, khó dạy, biếng nhác. Ba pháp đó là không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Vì dứt ba pháp này nên có thể lìa được không tin, khó dạy, biếng nhác.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa được tâm không muốn thấy bậc Thánh, không ưa nghe pháp, ưa tìm điều dở của người. Ba pháp đó là không cung kính, nói năng ngang trái, quen theo bạn xấu. Vì dứt được ba pháp này nên lìa sự không muốn thấy bậc Thánh, không muốn nghe pháp, ưa tìm điều dở của người.

“Lại vì dứt ba pháp nên có thể lìa chẳng cung kính, nói năng ngang ngược, tập theo bạn xấu. Ba pháp đó là không tàm, không quí, buông lung. Vì sao? Vì do tàm quí nên không buông lung. Vì không buông lung nên tâm cung kính, nói năng hòa nhã, làm thiện tri thức. Vì là thiện tri thức nên ưa thấy Hiền thánh, ưa nghe Chánh pháp, chẳng tìm điều dở của người. Vì chẳng ưa tìm điều dở của người nên sanh lòng tin, nói năng hòa nhã và tinh tấn. Vì tinh tấn nên không dao động, an trú trong luật nghi, học giới. Nhờ học giới nên không thất niệm, an trú chánh tri, chẳng loạn tâm. Nhờ không loạn tâm nên chánh tư duy, gần gũi chánh đạo, tâm không biếng nhác. Nhờ tâm không biếng nhác nên không chấp trước thân kiến, không chấp trước giới thủ, vượt khỏi nghi hoặc. Nhờ chẳng nghi nên chẳng khởi tham, nhuế, si. Nhờ lìa tham, nhuế, si nên có thể dứt già, bệnh, chết.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 347. TU-THÂM[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có các quốc vương, đại thần, gia chủ, Bà-la-môn, cư sĩ và những người khác ở thế gian, cung kính tôn trọng, cúng dường; Phật và chúng Thanh văn được nhiều lợi dưỡng: y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men. Còn đối với các ngoại đạo tà giáo, họ hoàn toàn chẳng cung kính, tôn trọng, cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men.

Bấy giờ, các ngoại đạo tụ tập tại giảng đường Vị tằng, bàn luận như vầy: ‘Chúng ta từ trước đến nay, thường được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và tất cả những người khác phụng sự, cung kính, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men mà ngày nay lại bị dứt tuyệt. Họ chỉ cung kính, cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Nay trong chúng này, ai là người có trí tuệ, là bậc đại sĩ, có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm, xuất gia, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm, rồi trở về nói lại đầy đủ. Chúng ta sẽ dùng pháp được nghe đó để giáo hóa quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ khiến cho họ tin ưa, có thể họ sẽ trở lại cúng dường chúng ta như trước?’ Lúc ấy có người lên tiếng:

“Có một thiếu niên tên là Tu-thâm[26], thông minh, có trí tuệ, có thể lén vào trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, nghe pháp Cù-đàm xong rồi trở về trình bày lại.”

Bấy giờ, các ngoại đạo đi đến chỗ Tu-thâm bảo rằng:

“Hôm nay chúng tôi tập hợp đại chúng tại giảng đường Vị tằng bàn luận như vầy: ‘Từ trước đến nay chúng ta được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và những người khác cung kính, phụng sự, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, nhưng ngày nay bỗng bị dứt tuyệt. Nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và mọi người đều đua nhau phụng sự Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Trong đại chúng này ai là người thông minh, trí tuệ có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, học đạo, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm rồi trở về nói lại và đem ra giáo hóa quốc vương, các đại thần, gia chủ, cư sĩ để chúng của ta trở lại được cung kính, tôn trọng cúng dường?’ Trong chúng có người nói rằng: ‘Chỉ có Tu-thâm thông minh trí tuệ, có thể lén đến trong pháp của Cù-đàm xuất gia học đạo, nghe Cù-đàm thuyết pháp chắc chắn có thể lãnh hội được để trở về nói lại.’ Cho nên chúng tôi cùng nhau đến đây mời Nhân giả nên nhận lời đi.”

Bấy giờ, Tu-thâm im lặng nhận lời, đi đến trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo ra khỏi phòng, đi kinh hành ngoài đất trống. Tu-thâm liền đi đến chỗ các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch các Tôn giả, nay con có thể được ở trong Chánh pháp xuất gia, thọ giới Cụ túc, tu phạm hạnh không?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đưa Tu-thâm đi đến chỗ Đức Thế Tôn, thành kính đảnh lễ dưới chân Phật, rồi lui ngồi một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay ngoại đạo Tu-thâm muốn cầu xin được ở trong Chánh pháp xuất gia, thọ giới Cụ túc, tu phạm hạnh.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của Tu-thâm, nên bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông nên độ cho ngoại đạo Tu-thâm này được xuất gia.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo giúp cho Tu-thâm xuất gia, trải qua được nửa tháng. Một hôm có vị Tỳ-kheo nói với Tu-thâm[27]:

“Tu-thâm nên biết, chúng tôi đã chấm dứt sanh tử, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”

Tu-thâm bạch Tỳ-kheo:

“Bạch Tôn giả, thế nào, có phải học ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu Sơ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không phải vậy, Tu-thâm!”

Lại hỏi:

“Thế nào, có phải lìa có giác, lìa có quán, nội tịnh nhất tâm, không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu Nhị thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Tỳ-kheo đáp:

“Không phải vậy, Tu-thâm!”

Lại hỏi:

“Thế nào, có phải lìa hỷ, an trụ tâm xả, có chánh niệm, chánh tri, thân tâm thọ lạc, điều mà Thánh nói đến là xả[28], thành tựu Tam thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Đáp:

“Không phải vậy, Tu-thâm!”

Lại hỏi:

“Bạch Tôn giả, thế nào, có phải là lìa khổ dứt lạc, đoạn trừ ưu, hỷ từ trước, không khổ, không lạc, xả tịnh, niệm nhất tâm[29], thành tựu đệ Tứ thiền, là không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát?”

Đáp:

“Không phải vậy, Tu-thâm!”

Lại hỏi:

“Chứng tịch tĩnh giải thoát[30], vượt sắc, vô sắc, tự thân tác chứng và thành tựu, phải chăng là không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?”

Đáp:

“Không phải vậy, Tu-thâm!”

Lại hỏi:

“Thế nào, bạch Tôn giả, lời nói của Tôn giả chẳng đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Tại sao không đắc thiền định nhưng lại tuyên bố như vậy[31]?”

Tỳ-kheo đáp:

“Tôi được tuệ giải thoát[32].”

Khi nói vậy rồi, các Tỳ-kheo đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Sau khi các Tỳ-kheo đi rồi, Tu-thâm suy nghĩ: ‘Những gì các Tôn giả này nói không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, đã nói không chứng đắc chánh thọ[33], mà lại tuyên bố là tự thân tác chứng.’ Suy nghĩ xong, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo kia ở trước mặt con đã tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Con liền hỏi Tôn giả kia: ‘Có phải được ly dục và pháp ác bất thiện… cho đến tự tri tự tác chứng, thì không còn khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát chăng?’ Vị ấy trả lời con: ‘Không phải vậy, Tu-thâm.’ Con liền hỏi: ‘Những gì Tôn giả nói là bất đồng, trước sau mâu thuẫn, đã nói không nhập chánh thọ mà lại tuyên bố là tự tri tự tác chứng?’ Vị ấy đáp với con rằng: ‘Tôi được tuệ giải thoát.’ Nói như vậy xong, mỗi người đều từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi. Hôm nay, con xin hỏi Thế Tôn, vì sao những lời nói của họ không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn, không đắc chánh định mà lại nói tự biết tác chứng?”

Phật bảo Tu-thâm:

“Trước hết họ biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn[34]. Các thiện nam ấy một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”

Tu-thâm bạch Phật:

“Nay con không hiểu, trước hết phải biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn. Các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Không luận là ngươi biết hay không biết, mà trước hết phải tự biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn, như các thiện nam tử kia một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, tâm khéo giải thoát đã.”

Tu-thâm bạch Phật:

“Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con biết được trí pháp trụ, thấy được trí pháp trụ.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Nay Ta hỏi ngươi, tùy ý mà đáp cho Ta. Tu-thâm nghĩ thế nào? Có phải vì có sanh nên có già, chết; không phải lìa sanh mà có già, chết chăng?”

Tu-thâm đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có sanh nên có già, chết; không thể lìa sanh mà có già, chết được.”

Phật bảo:

“Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng vậy. Có phải vì có vô minh nên có hành; không phải lìa vô minh mà có hành chăng?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì có vô minh nên có hành; không thể lìa vô minh mà có hành được.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Có phải vì không sanh nên không có già, chết; không thể lìa cái diệt của sanh, mà già, chết diệt chăng?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không sanh nên không già chết và không thể lìa cái diệt của sanh mà già chết diệt được.”

“Như vậy cho đến không có vô minh, nên không có hành và không thể lìa cái diệt của vô minh mà hành diệt chăng?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì không có vô minh nên không có hành và không thể lìa cái diệt của vô minh mà hành diệt được.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Người biết như vậy, thấy như vậy, có phải là ly dục và pháp ác bất thiện, cho đến tự thân tác chứng an trụ đầy đủ chăng?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Đó gọi là trước hết biết pháp trụ, sau đến biết Niết-bàn, mà các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tu-thâm xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, Tu-thâm thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp, thoát khỏi nghi, được niềm tin không do ai khác, được độ không do người khác, ở trong Chánh pháp tâm được vô sở úy, cúi đầu lễ dưới chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, nay con xin sám hối. Con đã ở trong Chánh pháp trộm lén xuất gia, cho nên con xin sám hối.”

Phật bảo Tu-thâm:

“Thế nào là ở trong Chánh pháp trộm lén xuất gia?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có nhiều người ngoại đạo đến chỗ con nói với con: ‘Tu-thâm nên biết, chúng ta trước đây được quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ và người thế gian đều cung kính, cúng dường, mà nay bị đoạn tuyệt. Bởi vì họ đều cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Ngày nay ông hãy lén đến trong chúng Thanh văn của Sa-môn Cù-đàm xuất gia, thọ giới pháp; khi đã thông đạt pháp của họ rồi, trở về nói cho chúng tôi nghe và đem giáo pháp đã nghe đó giáo hóa thế gian khiến họ trở lại cung kính, cúng dường như trước.’ Bạch Thế Tôn vì vậy nên con đã ở trong Chánh pháp luật trộm lén xuất gia, hôm nay con xin sám hối. Xin Thế Tôn thương xót cho phép con được sám hối.”

Vì lòng từ bi nên Phật bảo Tu-thâm:

“Ta nhận sự sám hối của ngươi. Ngươi nên nói đầy đủ: ‘Ngày xưa vì con ngu si, bất thiện, vô trí nên ở trong Chánh pháp luật trộm lén xuất gia. Ngày nay ăn năn lỗi lầm, tự thấy tội, tự biết tội, trong đời sau sẽ thành tựu luật nghi, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm.’ Vì sao? Vì người có tội tự thấy, tự biết và ăn năn lỗi lầm nên ở đời sau luật nghi sẽ thành tựu, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm.”

Phật lại bảo Tu-thâm:

“Hôm nay Ta sẽ nói thí dụ, người trí tuệ nhờ thí dụ sẽ được hiểu. Ví như nhà vua có người tuần canh, bắt được giặc cướp trói lại, đưa đến chỗ nhà vua tâu rằng: ‘Bạch Đại vương, người này là trộm cướp, xin Đại vương xử tội.’ Vua ra lệnh: ‘Đem tội nhân đi, trói ngược hai tay và hãy công bố tiếng xấu khắp nước; sau đó đem tội nhân đến chỗ hành phạt ở ngoài kinh thành, dùng trăm mũi giáo đâm khắp thân thể tội nhân.’ Người đứng ra hành hình theo lệnh vua, bắt tội nhân này trói ngược hai tay, loan tin xấu khắp thành ấp; sau đó đem tội nhân đến chỗ thọ hình ở ngoài thành và dùng trăm mũi giáo nhọn đâm khắp thân thể tội nhân. Đến trưa vua hỏi: ‘Tội nhân còn sống không?’ Các quan đáp: ‘Còn sống.’ Vua lại ra lệnh các quan đâm thêm một trăm mũi giáo nữa; đến chiều lại đâm thêm trăm mũi giáo nữa, mà người kia vẫn không chết.”

Phật hỏi Tu-thâm:

“Nhà vua trị tội dùng ba trăm mũi giáo đâm vào thân người tội này, vậy có còn chỗ nào toàn vẹn bằng lòng bàn tay chăng?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Lại hỏi Tu-thâm:

“Khi tội nhân này vì nhân duyên bị ba trăm mũi giáo đâm vào thân, người ấy phải chịu khổ cùng cực phải không?”

Tu-thâm bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, khổ tột cùng! Nếu bị một mũi giáo đâm vào cũng đã là đau đớn, không chịu nổi, huống chi là ba trăm mũi giáo mà có thể cam chịu được sao!”

Phật bảo Tu-thâm:

“Việc này còn có thể chịu đựng được, nhưng nếu như ở nơi Chánh pháp luật mà có kẻ trộm lén xuất gia, trộm thọ trì giới pháp rồi đem nói lại cho người, sẽ phải chịu thống khổ gấp bội hơn cả người kia.”

Trong lúc Phật nói pháp ấy rồi, ngoại đạo Tu-thâm nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 348. THẬP LỰC[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như Lai thành tựu mười lực, được bốn vô úy, biết trú xứ của Phật trước kia[36], thường chuyển Phạm luân[37], ở trong đại chúng phát lên tiếng gầm sư tử: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, có nghĩa là duyên vô minh nên có hành. Nói đầy đủ cho đến tập khởi thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn bị diệt.’ Này các Tỳ-kheo, đây là giáo pháp chân thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử; cho đến[38], người ấy tất khéo hiển hiện. Giáo pháp chân thật được hiển hiện, cắt đứt dòng sanh tử như vậy, đủ khiến cho người thiện nam phát lòng tin, chân chánh xuất gia, phương tiện tu tập, sống không buông lung. Ở trong Chánh pháp luật, tinh tấn chuyên cần khổ hạnh, dù da bọc xương, máu thịt khô kiệt, nếu chưa đạt được điều cần phải đạt, thì không xả bỏ phương tiện ân cần tinh tấn, cứng rắn chịu đựng. Vì sao? Vì biếng nhác thì an trụ với khổ, hay sanh ra các ác pháp bất thiện, nên kết sử hữu tương lai[39] bừng bừng, làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; nghĩa lớn bị thoái giảm[40]. Người tinh tấn vui đời sống cô độc, không sanh các ác pháp bất thiện đưa đến kết sử hữu tương lai, quả báo khổ bừøng bừng; không làm tăng trưởng sự sanh, già, bệnh, chết, ở trong đời sau; đây đủ nghĩa lớn, đạt thành trường giáo pháp bậc nhất[41]. Đó là những người ở trước Đại sư, tự thân được nghe nói pháp, tịch diệt, Niết-bàn, chánh hướng Bồ-đề, chánh giác của Thiện Thệ[42]. Cho nên các Tỳ-kheo phải quán sát tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi, nên siêng năng tu học; rằng ‘Ta nay xuất gia không ngu, không mê, có quả có lạc[43]; những ai cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, tất đều được quả báo lớn, phước lợi lớn’. Các ông nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 349. THÁNH XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thiện lai Tỳ-kheo! Nếu khéo xuất gia, khéo được lợi mình, thì trong thời gian lâu dài lúc nào cũng được sanh ra chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ, không ngu, không si, không câm ngọng[44]; nói hay, nói dở đều có khả năng hiểu nghĩa.

“Ta nay trong đời này là Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, nói pháp tịch diệt, Niết-bàn, chánh hướng đúng Bồ-đề, khéo đến Đẳng chánh giác[45]. Tức là, ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức… cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn; vô minh diệt thì hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn diệt.’

“Này các Tỳ-kheo, các ông chỗ khó được đã được, sanh chỗ có bậc Thánh, các căn đầy đủ… cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt. Cho nên các Tỳ-kheo phải học như vậy: Tự lợi, lợi tha, tự tha đều lợi; sự xuất gia như vậy, không ngu, không si, có quả, có lạc, có quả báo lạc. Và người cúng dường y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men, chắc chắn sẽ được quả báo tốt, phước lớn và lợi ích rộng lớn. Các Tỳ-kheo nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 350. THÁNH ĐỆ TỬ[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đa văn Thánh đệ tử không nên nghĩ rằng: ‘Vì cái gì có nên cái này có, vì cái gì khởi nên cái này khởi[47]; vì cái gì không nên cái này không; vì cái gì diệt nên cái này diệt.’ Nhưng đa văn Thánh đệ tử nên biết rằng: ‘Vì cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, tức là duyên vô minh nên có hành… cho đến tập khởi thành thuần một khối khổ lớn; vô minh diệt nên hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn diệt.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 351. MẬU-SƯ-LA[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Na-la, Tôn giả Mậu-sư-la, Tôn giả Thù Thắng và Tôn giả A-nan[49] đang ở bên ao Tượng nhĩ tại nước Xá-vệ[50]. Bấy giờ Tôn giả Na-la nói với Tôn giả Mậu-sư-la:

“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh không, tức là nói ‘Do sanh nên có già chết; không lìa sanh mà có già chết[51]’?”

Tôn giả Mậu-sư-la nói:

“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Vì có sanh nên có già, chết, không thể ngoại trừ sanh mà có già, chết.’ Có thuyết như vậy[52].”

“Bạch Tôn giả Mậu-sư-la, có tin tưởng khác… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn[53]’ chăng?”

Tôn giả Mậu-sư-la đáp:

“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn.’”

Tôn giả Na-la lại hỏi Tôn giả Mậu-sư-la:

“Nói rằng ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn;’ vậy thì thầy có phải là A-la-hán đã dứt các lậu chăng?’”

Tôn giả Mậu-sư-la im lặng, không đáp. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, cũng không đáp. Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Mậu-sư-la:

“Thôi, Tôn giả cứ im lặng, tôi sẽ thay Tôn giả trả lời Tôn giả Na-la.”

Tôn giả Mậu-sư-la nói:

“Tôi xin dừng nơi đây, Tôn giả hãy giải đáp giúp tôi.”

Khi ấy Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:

“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn.’”

Bấy giờ, Tôn giả Na-la hỏi Tôn giả Thù Thắng:

“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn; vậy nay Tôn giả là A-la-hán lậu tận’ chăng?”

Tôn giả Thù Thắng nói:

“Tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn,’ nhưng tôi chẳng phải là A-la-hán sạch hết các lậu.”

Tôn giả Na-la nói:

“Lời nói của Tôn giả không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Như Tôn giả nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn;’ nhưng lại nói không phải là A-la-hán sạch hết các lậu, như vậy là thế nào?”

Tôn giả Thù Thắng nói với Tôn giả Na-la:

“Bây giờ sẽ nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu liền. Như giữa cánh đồng vắng bên đường có giếng nước, nhưng không có dây cũng không có gàu để lấy nước. Người đi đường lúc ấy bị cơn khát bức bách, đi quanh giếng tìm nhưng không có dây, cũng không có gàu. Người ấy xem xét kỹ nước giếng thấy biết như thật mà chẳng chạm vào thân. Cũng như thế tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn,’ nhưng tự mình chưa được là bậc A-la-hán sạch hết các lậu.”

Khi ấy Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Na-la:

“Tôn giả Na-la nghĩ thế nào về điều Tôn giả Thù Thắng nói.”

Tôn giả Na-la trả lời Tôn giả A-nan:

“Tôn giả Thù Thắng khéo nói và biết như thật, đâu còn gì để nói nữa.”

Sau khi đàm đạo xong, các vị Chánh sĩ rời chỗ ngồi đứng lên, rồi ra đi.

*

KINH 352. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (1)[54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào, ở nơi pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn. Người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn hay Bà-la-môn[55], ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Thế nào là chẳng biết như thật về pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự tập khởi của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự diệt tận của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp? Là đối với pháp già chết mà không biết như thật; và không biết như thật về sự tập khởi đối với già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, không biết như thật đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ,… không biết như thật về sự tập khởi của lục nhập xứ, về sự diệt tận của lục nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của lục nhập xứ. Như vậy là không biết như thật về các pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì Sa-môn, Bà-la-môn này được kể vào hàng Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh, đúng với nghĩa Sa-môn, Bà-la-môn, ngay trong đời này mà tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Biết như thật những pháp gì? Biết như thật những pháp gì, sự tập khởi của pháp gì, sự diệt tận của pháp gì, con đường đưa đến sự diệt tận của pháp gì? Đó là pháp già chết nên biết như thật. Nên biết như thật về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ nên biết như thật. Nên biết như thật về sự tập khởi của lục nhập xứ, về sự diệt tận của lục nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của lục nhập xứ. Đó là biết như thật về các pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 353. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2)[56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào, ở nơi pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, thì người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn, hay Bà-la-môn, ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Không biết như thật về những pháp nào, không biết như thật về sự tập khởi của những pháp nào, về sự diệt tận của những pháp nào, về con đường đưa đến sự diệt tận của những pháp nào? Không biết như thật về pháp sáu nhập xứ; không biết như thật về sự tập khởi của sáu nhập xứ, về sự diệt tận của sáu nhập xứ diệt, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ. Nhưng nếu đối với xúc mà vị này lại biết như thật thì không thể được; đối với sự tập khởi của xúc, về sự diệt tận của xúc, về con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà biết như thật, thì không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà biết như thật thì cũng không thể có được.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật về của sáu nhập xứ; biết như thật về sự tập khởi của sáu nhập xứ, về sự diệt tận của sáu nhập xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ, thì việc biết như thật về sự hiện hữu của xúc, điều này có thể có được. Cũng vậy, biết như thật đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết…, điều này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 354. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (3)[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

Nói như trên, chỉ có một vài điểm sai biệt như:

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về sáu nhập xứ mà muốn vượt thoát khỏi xúc, thì không thể có được; đối với sự tập khởi của xúc, sự diệt tận của xúc, con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà muốn vượt thoát, thì cũng không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà muốn vượt thoát khỏi chúng, điều này cũng không thể có được. Và muốn vượt thoát khỏi sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này không thể có được.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật sáu nhập xứ; biết như thật đối với sự tập khởi của sáu nhập xứ, đối với sự diệt tận của sáu nhập xứ, đối với con đường đưa đến sự diệt tận của sáu nhập xứ, thì vượt thoát khỏi sự hiện hữu của xúc; điều này có thể có được. Cũng vậy, muốn vượt thoát khỏi thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, điều này có thể có được,… muốn vượt thoát khỏi con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng vậy, từ già chết… lục nhập xứ có ba kinh, từ già chết đến hành có ba kinh cũng nói như vậy.

*

KINH 355. LÃO TỬ[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy giác tri về già chết[59], giác tri về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy, cho đến giác tri về hành, về sự tập khởi của hành, về sự diệt tận của hành, về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.

“Thế nào là hãy giác tri thế nào về già chết? Giác tri rằng duyên sanh nên có già chết, như vậy gọi là giác tri về già chết.

“Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi, như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của già chết.

“Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự diệt tận của già chết? Sanh diệt đi thì già chết cũng diệt, như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của già chết.

“Thế nào là hãy giác tri thế nào về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết? Tám Thánh đạo, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, như vậy gọi là giác tri lão về con đường đưa đến sự diệt tận của tử.

“Cho đến, thế nào là hãy giác tri thế nào về hành? Có ba hành: thân hành, khẩu hành, ý hành; như vậy gọi là giác tri về sự hiện hữu của hành.

“Thế nào là hãy giác tri về sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi; như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của hành.

“Thế nào là hãy giác tri thế nào về sự diệt tận của hành? Vô minh diệt đi thì hành cũng diệt, như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của hành.

“Thế nào là hãy giác tri thế nào về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Tám Thánh đạo, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của hành, như vậy gọi là giác tri về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 356. CHỦNG TRÍ[60]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn mươi bốn thứ trí[61], hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Bốn mươi bốn thứ trí là gì? Đó là trí về già chết, trí về sự tập khởi của già chết, trí về sự diệt tận của già chết, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với trí sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về sự tập khởi của hành, trí về sự diệt tận của hành, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Đây gọi là bốn mươi bốn trí.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 357. VÔ MINH TĂNG (1)[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bảy mươi bảy thứ trí, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thế nào là bảy mươi bảy thứ trí? Đó là trí về sanh duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh làm duyên mà có già chết[63]; trí về sanh quá khứ làm duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh quá khứ làm duyên mà có già chết; trí về sanh vị lai làm duyên nên có già chết; cùng với trí về pháp trụ, là trí về vô thường, hữu vi, tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri[64]. Cũng vậy, trí về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về vô minh duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh làm duyên mà có hành; trí về vô minh quá khứ làm duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh quá khứ làm duyên mà có hành; trí về vô minh vị lai làm duyên nên có hành, trí về sự chẳng phải ngoài vô minh vị lai làm duyên mà có hành; cùng với trí pháp trụ là trí về vô thường, hữu vi, tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri. Đó gọi là bảy mươi bảy thứ trí.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 358. VÔ MINH TĂNG (2)[65]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có pháp tăng, pháp giảm, hãy lắng nghe, khéo tư duy, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là pháp tăng? Vì cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi, là do duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức… cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tậpï. Đó gọi là pháp tăng.

“Thế nào là pháp giảm? Vì cái này không nên cái kia không, do cái này diệt nên cái kia diệt, là vì vô minh diệt nên hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn diệt. Đó gọi là pháp giảm.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như pháp tăng và pháp giảm. Cũng vậy, pháp sanh, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp diệt tận cũng nói như trên.

Như ba kinh đang nói, nên biết có ba kinh cũng nói như trên.

*

KINH 359. TƯ LƯƠNG (1)[66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu để cho suy lường, để cho vọng tưởng sanh khởi, để cho kia sai sử, thì thức duyên níu mà tồn tại[67]. Vì có chỗ duyên níu cho thức trụ nên trong đời vị lai có sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Nếu không suy lường, không vọng tưởng, không để cho kia sai sử thì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại. Vì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 360. TƯ LƯƠNG (2)[68]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử[69] khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nhập vào danh sắc nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và tập hợp thuần một khối khổ lớn.

“Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 361. TƯ LƯƠNG (3)[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc[71]. Vì nhập vào danh sắc nên có qua lại. Vì có qua lại nên có sanh tử. Vì có sanh tử nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và tập hợp thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc. Vì không nhập vào danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sanh tử. Vì không sanh tử nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 362. ĐA VĂN ĐỆ TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có Tỳ-kheo đa văn. Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo đa văn?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào nghe pháp già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Đó là Như Lai tuyên bố về Tỳ-kheo đa văn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 363. THUYẾT PHÁP TỲ-KHEO (1)[72]

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là Tỳ-kheo thuyết pháp[73]. Thế nào là Tỳ-kheo thuyết pháp? Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo thuyết pháp?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào nói về già, bệnh, chết, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó là Tỳ-kheo thuyết pháp. Cũng vậy, nói các pháp sanh, thủ, hữu, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là Tỳ-kheo nói pháp. Các Tỳ-kheo, đó là Như Lai nói về Tỳ-kheo nói pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 364. THUYẾT PHÁP TỲ-KHEO (2)[74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là hướng đến pháp thứ pháp[75], vậy này các Tỳ-kheo, thế nào là hướng đến pháp thứ pháp?”

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với già, bệnh, chết mà sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, thì đó gọi là hướng đến pháp thứ pháp. Cũng vậy, từ sanh cho đến hành, mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận, thì đó gọi là hướng đến pháp thứ pháp. Đây cũng gọi là Như Lai thi thiết sự hướng đến pháp thứ pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

TẠP A-HÀM QUYỂN 15

KINH 365. THUYẾT PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là ‘Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại[2].’ Vậy thế nào là Như Lai nói về Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì chúng con mà nói về Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Nếu có Tỳ-kheo đối với già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 366. TỲ-BÀ-THI[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đức Phật Tỳ-bà-thi[4] khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn thiền định tư duy và nghĩ như vầy: ‘Tất cả thế gian đều nhập vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín, tự diệt và tự chìm mất[5], nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật về con đường xuất thế gian, vượt qua khỏi già chết.’ Ngài liền tự quán sát: ‘Do duyên gì mà có già chết này?’ Ngài quán sát tư duy chân chánh như vậy, đạt được hiện quán như thật[6], khởi lên biết: ‘Vì có sanh nên có già chết này, vì duyên vào sanh nên có già chết.’ Ngài lại chân chánh tư duy: ‘Do duyên gì nên có sanh này?’ Ngài lại chân chánh tư duy nên đạt được hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do duyên hữu nên có sanh.’ Ngài lại chân chánh tư duy: ‘Vì duyên gì nên có hữu?’ Ngài lại chân chánh tư duy, phát khởi hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có thủ nên có hữu.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có thủ?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, quán sát thấy chấp thủ pháp, đắm trước vị, tham luyến, ái được tăng trưởng do duyên xúc. Nên biết, duyên ái nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Ví như nhờ vào dầu và tim đèn nên đèn sáng. Nếu người kia lúc nào cũng châm thêm dầu và khơi tim, thì đèn kia luôn sáng, thắp sáng không ngừng.’ Chi tiết như thí dụ về cái thành trước đây[7].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tỳ-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca Mâu-ni, Phật Ca-diếp[8] đều nói chi tiết như trên.

*

KINH 367. TU TẬP[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện tu tập thiền định, tư duy, nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ-kheo cần phải tinh tấn siêng năng phương tiện thiền định, tư duy, khiến nội tâm tĩnh lặng, hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết được hiển hiện như thật[10], sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết được hiển hiện như thật. Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành được hiển hiện như thật; sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành được hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 368. TAM-MA-ĐỀ[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên tu vô lượng tam-ma-đề, chuyên cần tinh tấn cột niệm tu vô lượng Tam-ma-đề, khi đã chuyên cần tinh tấn cột niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết hiển hiện như thật, cho đến hành hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 369. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (1)[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa Đức Phật Tỳ-bà-thi khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ-đề[13] không bao lâu thì thành Phật. Rồi đến dưới cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: ‘Do cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành… cho đến, duyên sanh nên có già chết và tụ tập thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt.”

Đức Phật Tỳ-bà-thi sau đúng bảy ngày tịnh tọa, từ tam-muội tỉnh giác nói kệ này:

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết pháp nhân duyên sanh.

Nếu biết nhân sanh khổ,

Biết các thọ diệt tận,

Biết pháp nhân duyên hết,

Thì biết hữu lậu hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết có nhân sanh khổ.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết các thọ diệt hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết pháp nhân duyên hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết hết các hữu lậu.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Chiếu sáng khắp thế gian,

Như mặt trời giữa không,

Phá tan các quân ma,

Biết các kết giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tỳ-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-ba-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca ­Mâu-ni, Phật Ca-diếp[14] cũng nói như vậy.

*

KINH 370. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tòa đại Bồ-đề[15], bên bờ sông Ni-liên-thiền, tại Uất-tỳ-la[16], thì sau đó một thời gian ngắn Ngài thành Chánh giác. Ngài đến dưới bóng cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, chánh thân, chánh niệm. Nói đầy đủ như trên.

*

KINH 371. THỰC[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức[18]. Bốn loại thức ăn này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc[19] gì? Bốn loại thức ăn này do ái là nhân, ái là tập, ái là sanh, ái là xúc. Ái này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Ái do thọ là nhân, thọ là tập, thọ là sanh, thọ là xúc. Thọ này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Thọ do xúc là nhân, xúc là tập, xúc là sanh, xúc là xúc. Xúc này do nhân là gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Xúc do sáu nhập xứ là nhân, sáu nhập xứ là tập, sáu nhập xứ là sanh, sáu nhập xứ là xúc. Khi sáu nhập xứ tụ tập thì xúc tụ tập, xúc tụ tập thì thọ tụ tập, thọ tụ tập thì ái tụ tập, ái tụ tập thì thức ăn tụ tập. Vì thức ăn tụ tập nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai tụ tập và thuần một khối khổ lớn tụ tập như vậy. Ngược lại nếu sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thức ăn diệt. Vì thức ăn diệt nên sanh, lão, bêïnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai cũng diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập cũng bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 372. PHẢ-CẦU-NA[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Khi ấy, có Tỳ-kheo tên là Phả-cầu-na[21] đang đứng sau, quạt hầu, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn ai ăn thức này[22]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ăn thức[23]. Nếu Ta nói có người ăn thức, thì ngươi nên hỏi câu ấy. Ở đây Ta nói thức là thức ăn, vậy ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà có thức ăn của thức?’ Ta sẽ đáp: ‘Thức ăn của thức, có thể chiêu cảm hữu trong vị lai khiến cho nó tiếp tục sanh; do có hữu nên có sáu nhập xứ; do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc.’”

Phả-cầu-na lại hỏi:

“Ai xúc?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người xúc. Nếu Ta nói có người xúc thì ngươi nên hỏi câu này: ‘Ai xúc?’ Ở đây ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà sanh xúc?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do sáu nhập xứ làm duyên nên sanh xúc; do xúc làm duyên nên sanh thọ.’”

Lại hỏi:

“Ai thọ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thọ. Nếu Ta nói có người thọ, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai thọ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có thọ?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do xúc làm duyên nên có thọ; thọ làm duyên nên có ái.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai ái[24]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có người ái, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai ái?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có ái?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do duyên thọ nên có ái; do ái làm duyên nên có thủ.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai thủ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thủ. Nếu Ta nói có người thủ thì ngươi nên hỏi: ‘Ai thủ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Vì duyên gì nên có thủ?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên ái nên có thủ; do thủ làm duyên nên có hữu.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai hữu[25]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người hữu. Nếu Ta nói có người hữu thì ngươi nên hỏi: ‘Ai hữu?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì nên có hữu?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên thủ nên có hữu; có thể chiêu cảm sự chuyện hiện của hữu[26] trong vị lai.’ Đó gọi là do có hữu nên có sáu nhập xứ; sáu nhập xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và thuần một khối khổ tụ tập như vậy. Ngược lại nếu lục nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 373. TỬ NHỤC[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn từng nắm như thế nào?

“Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con để thương yêu nuôi nấng. Họ muốn vượt qua con đường hiểm trong hoang mạc, chỗ có tai nạn. Lương thực thì đã hết sạch, đói khát cùng cực, không còn kế sách nào để cứu vãn, họ bàn nhau: ‘Chúng ta có một đứa con rất mực là thương yêu; nếu ăn thịt con thì mới có thể thoát qua cơn hiểm nạn này. Chớ để cả ba ở đây cùng chịu chết!’ Suy tính như vậy xong, họ ngậm ngùi thương xót rơi lệ, liền giết chết con, gượng ăn thịt con để đi qua khỏi hoang mạc. Thế nào, các Tỳ-kheo, vợ chồng người kia cùng nhau ăn thịt con há vì để nhận vị ngọt hay vì ham thích ngon sướng mà ăn?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy!”

Lại hỏi:

“Này các Tỳ-kheo, có phải vợ chồng người kia gượng ăn thịt con để vượt qua khỏi đường hiểm trong hoang mạc chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm ăn thức ăn vo nắm nên quán như vậy. Khi quán như vậy thì thức ăn vo nắm được đoạn, được biết; thức ăn vo nắm được đoạn, được biết[28] rồi, đối với năm công đức của dục, tâm tham ái sẽ đoạn trừ. Đối với ngũ dục tâm tham ái đã đoạn trừ, Ta không thấy đa văn Thánh đệ tử kia trên năm công đức của dục còn có một kết sử nào mà không dứt. Bởi vì còn có một kết sử trói buộc thì sẽ tái sanh lại cõi đời này.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn bằng xúc chạm như thế nào? Ví như con bò bị lột da sống, khắp mọi nơi trên thân bị các sâu bọ rút rỉa, đất cát, bụi bặm, cây cỏ châm chích. Nếu như nằm nơi đất thì bị trùng ở đất ăn, nếu nằm nơi nước thì bị trùng ở nước ăn, nếu ở nơi hư không thì bị phi trùng ăn; nằm xuống đứng lên thường bị đau đớn thân mình. Như vậy, Tỳ-kheo đối với xúc thực nên quán như thế. Khi quán như thế thì xúc thực được đoạn, được biết. Người đã đoạn đã biết xúc thực, thì ba thọ ắt sẽ đoạn trừ. Ba thọ đã được đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn bằng ý chí như thế nào? Ví như ven làng xóm hay thành ấp bốc lửa, nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Bấy giờ có người thông minh, có trí tuệ, xả bỏ khổ, hướng đến an vui, chán chết, thích sống, liền nghĩ như vầy: ‘Nơi kia có lửa lớn, nhưng không khói, không ngọn, người đi qua phải tránh, chớ để bị lạc vào trong đó, chắc chắn sẽ chết, không nghi gì nữa.’ Suy nghĩ như vậy rồi người này thường mong ước phải bỏ đi xa. Quán ý tư thực cũng như vậy. Người nào quán như vậy thì ý tư thực được đoạn; người trừ được ý tư thực thì ba ái chắc chắn sẽ dứt. Ba ái đã đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn của thức như thế nào? Ví như quốc vương có quân lính tuần phòng bắt được trộm cướp, trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trong kinh Tu-thâm đã nói ở trước). Vì nhân duyên này nên phải chịu ba trăm mũi giáo, bị đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức thực cũng lại như vậy. Người nào quán như vậy thì thức thực được đoạn, được biết. Thức thực đã đoạn, đã biết rồi thì danh sắc sẽ được đoạn, được biết. Danh sắc đã đoạn, đã biết, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 374. HỮU THAM (1)[29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn cách ăn này mà có hỷ, có tham thì thức ăn sẽ trụ và tăng trưởng. Do thức trụ và tăng trưởng nó nên nhập vào danh sắc[30]. Vì nó nhập vào danh sắc nên các hành tăng trưởng. Vì hành tăng trưởng nên hữu đời sau sẽ tăng trưởng. Vì hữu đời sau tăng trưởng nên tụ tập sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ thì vì không tham không hỷ nên thức ăn không trụ, không tăng trưởng; vì thức ăn không trụ, không tăng trưởng nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên hành không tăng trưởng; vì hành không tăng trưởng nên hữu đời sau không sanh, không lớn; vì hữu đời sau không sanh không lớn nên không khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và thuần một khối khổ đã tụ tập sẽ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 375. HỮU THAM (2)[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời, đó là: một đoàn thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì ắt phải có ưu bi, có trần cấu. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì ắt không có ưu bi, cũng không có trần cấu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 376. HỮU THAM (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông, ánh sáng chiếu trên vách phía Tây. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ (như đã nói rộng ở trước cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn). Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ… (như đã nói rộng ở trước cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tập diệt đi).

“Các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu vào đâu?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Rọi vào vách phía Tây.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu không có vách phía Tây, thì mặt trời sẽ chiếu vào đâu?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Mặt trời sẽ chiếu sáng hư không, không có chỗ duyên vào.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì thức không có chỗ trụ, cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 377. HỮU THAM (4)[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

Này các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu sáng hướng nào?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Sẽ chiếu sáng ở vách phía Tây.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng vậy, đối với bốn loại thức ăn mà có tham, có hỷ, thời thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì thức cũng không trụ, tăng trưởng; cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.

“Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư và học trò của họa sư, gom các màu sắc muốn tô điểm vẽ vời giữa hư không, thì có thể vẽ được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch không thể được. Vì sao? Vì hư không này không phải sắc, không có đối ngại, không thể thấy. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 378. HỮU THAM (5)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trừ và tăng trưởng cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, thí như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, muốn trang trí vẽ vời những hình ảnh trên sắc chất. Các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ sao? Họa sư này hoặc đệ tử của ông này có thể dùng màu sắc trang trí vẽ vời trên sắc chất được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy, họ có thể trang trí vẽ vời trên sắc chất.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng… cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn. Này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt. Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, mà muốn không cần sắc chất để trang trí vẽ vời các hình ảnh, thì có thể vẽ vời được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 379. CHUYỂN PHÁP LUÂN[33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Đây là Khổ Thánh đế, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác[34]. Đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là vốn pháp chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, thì phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ Thánh đế đã biết, cần phải biết[35], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, cần phải đoạn, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, cần phải tác chứng; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, cần phải tu, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, đây là Khổ Thánh đế đã biết, đã xuất[36], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn[37], đã xuất; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã tác chứng, đã xuất[38]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, đã tu, đã xuất[39]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Này các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành[40], Ta nếu không sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp[41], Ta không bao giờ được coi là đã giải thoát, đã xuất ly và cũng không tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành, Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác; do đó, ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, Ta đã đã giải thoát, đã xuất ly và tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này, Tôn giả Kiều-trần-như[42] cùng tám vạn chư Thiên xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Kiều-trần-như:

“Biết pháp chưa?”

Kiều-trần-như bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đã biết.”

Lại hỏi Tôn giả Kiều-trần-như[43]:

“Biết pháp chưa?”

Câu-lân bạch Phật:

“Bạch Thiện Thệ, đã biết.”

Vì Tôn giả Câu-lân đã biết pháp cho nên gọi là A-nhã Câu-lân[44].

Sau khi Tôn giả A-nhã Câu-lân đã biết pháp, Địa thần xướng lên rằng:

“Các Nhân giả, Đức Thế Tôn ở trong trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại, đã ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho Trời, Người, làm tăng thêm số chúng cõi Trời, giảm bớt chúng A-tu-la.”

Địa thần xướng lên xong, vọng đến các thần hư không, vua trời Tứ thiên, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, lần lượt truyền xướng, trong khoảnh khắc, lại vọng đến cõi Phạm thiên, nghe truyền vang âm thanh rằng:

“Các Nhân giả, Đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại đã ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho trời, người, làm tăng thêm số chúng cõi trời, giảm bớt chúng A-tu-la.”

Vì Thế Tôn ở trong trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại chuyển pháp luân, cho nên kinh này được gọi là kinh Chuyển pháp luân[45].

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 380. TỨ ĐẾ (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 381. TỨ ĐẾ (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu Tỳ-kheo nào đối với bốn Thánh đế mà chưa hiện quán[46], thì phải nên tu tập hiện quán, khởi ý muốn tăng thượng, nỗ lực tìm phương tiện, chánh niệm, chánh tri, cần phải học[47].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 382. ĐƯƠNG TRI[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế nên biết, nên hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế nên biết, nên đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế nên biết, nên chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của khổ Thánh đế nên biết, nên tu[49].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 383. DĨ TRI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu[50]. Như vậy, Tỳ-kheo đoạn ái dục, cởi bỏ các kết sử, đối với mạn, chứng đắc hiện quán[51], đến nơi tột cùng của mé khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 384. LẬU TẬN[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu[53]. Như vậy, Tỳ-kheo này được gọi là A-la-hán, các lậu đã hết, việc làm đã xong, lìa các gánh nặng, đã đạt được mục đích mình[54], hết sạch các kết sử, chánh trí, khéo giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 385. BIÊN TẾ[55]

Tôi nghe như vầy:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu[56]. Như vậy, Tỳ-kheo này đạt đến tận cùng cứu cánh, tận cùng lìa hết cấu nhiễm, tận cùng phạm hạnh đã hoàn thành, thuần nhất trong sạch, được gọi là Thượng sĩ[57].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 386. HIỀN THÁNH (1)

Tôi nghe như vầy:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ-kheo không còn then khóa, san bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng ngọn cờ Thánh[58].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 387. HIỀN THÁNH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ-kheo không còn then khóa, san bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng ngọn cờ Thánh[59].”

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là không còn then khóa[60]? Năm hạ phần kết sử[61] đã lìa, đã biết; đó gọi là không còn then khóa.

“Thế nào là san bằng thành hào[62]? Hào sâu vô minh đã đoạn, đã biết; đó gọi là san bằng thành hào[63].

“Thế nào là vượt qua các hiểm nạn[64]? Giải thoát sanh tử, tận cùng mé khổ[65]; đó gọi là vượt qua các hiểm nạn.

“Thế nào là cởi mở các ràng buộc[66]? Ái đã đoạn, đã biết[67].

“Thế nào là dựng ngọn cờ Thánh đạo[68]? Ngã mạn đã đoạn[69], đã biết; đó gọi là dựng ngọn cờ Thánh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 388. NGŨ CHI LỤC PHẦN[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn năm chi, thành sáu phần, thủ hộ một, nương dựa vào bốn, trừ bỏ các đế, lìa các đường ngả tư, chứng các giác tưởng, tự chính mình tạo tác, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, thuần nhất trong sạch, đó gọi là Thượng sĩ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 389. LƯƠNG Y

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn pháp, nếu thành tựu thì được gọi là bậc Đại y vương, đầy đủ các chi phần cần phải có. Những gì là bốn? Một là khéo biết bệnh; hai là khéo biết nguyên nhân của bệnh; ba là khéo biết cách đối trị bệnh; bốn là khéo biết trị bệnh để về sau bệnh không còn tái phát nữa.

“Thế nào gọi là lương y khéo biết bệnh? Lương y biết rành các chủng loại bệnh như vậy, như vậy; đó gọi là lương y khéo biết bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh? Lương y biết rành bệnh này do gió gây nên, do đàm ấm gây nên, nước nhớt nước dãi gây nên, khí lạnh gây nên, do các sự việc hiện tại gây nên, do thời tiết gây nên; đó gọi là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết cách đối trị bệnh? Lương y biết rành các loại bệnh, nên thoa thuốc, nên cho mửa, cho xổ, nên nhỏ mũi, nên xông, nên cho ra mồ hôi; và những cách đối trị đại loại như vậy; đó gọi là lương y khéo biết cách đối trị.

“Thế nào là lương y khéo biết trị bệnh rồi về sau bệnh không còn tái phát nữa? Lương y khéo trị tất cả các chứng bệnh, khiến dứt trừ hoàn toàn, vĩnh viễn không tái phát trở lại sau này nữa; đó gọi là lương y khéo biết trị bệnh không còn tái phát nữa.

“Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác là Bậc Đại Y vương đã thành tựu bốn đức, chữa lành bệnh chúng sanh cũng lại như vậy. Bốn đức là gì? là Như Lai biết như thật đây là Khổ Thánh đế; biết như thật đây là Khổ tập Thánh đế; đã biết như thật đây là Khổ diệt Thánh đế, biết như thật đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

“Này các Tỳ-kheo, các lương y thế gian không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác là vị Đại Y vương, biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì thế nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác được gọi là Đại Y vương.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 390. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (1)[71]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chẳng phải là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn. Những người ấy, đối với nghĩa của Sa-môn, nghĩa Bà-la-môn, không thể trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng[72] ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, thì nên biết các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chính là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn; những người ấy, đối với nghĩa của Sa-môn, nghĩa Bà-la-môn, trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế hiện quán, nên khởi lòng mong muốn hơn lên, tinh cần, nỗ lực, phương tiện tu học. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 391. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2)[73]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

Nói rộng như trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:

“Nếu không biết như thật bốn Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này chẳng phải Sa-môn số, chẳng phải Bà-la-môn số[74]. Nếu biết như thật đối với Thánh đế, thì Sa-môn, Bà-la-môn này…” cho đến…

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 392. NHƯ THẬT TRI[75]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không thoát được khổ.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thoát được khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như đối với Khổ không giải thoát và giải thoát, chi tiết như trên; cũng vậy: [76]

-         Đối với (xả) đường ác không giải thoát và giải thoát.

-         Có thể xả giới thoái giảm và không xả giới thoái giảm.

-         Có thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân và không thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân.

-         Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt.

-         Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu bậc Đại sư và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu Đại sư.

-         Không thể vượt qua khỏi khổ và có thể vượt qua khỏi khổ.

-         Không thể thoát khổ và có thể thoát khổ.

Như những kinh trên đều lập lại tiếp theo bằng kệ:

“Nếu không biết cái khổ

Và nhân các khổ này;

Và tất cả pháp khổ

Tịch diệt trọn không còn;

Nếu không biết dấu đạo,

Tư duy[77] tất cả khổ;

Không có tâm giải thoát,

Tuệ giải thoát cũng không,

Không thể vượt các khổ,

Để cứu cánh thoát khổ.

Nếu biết khổ như thật;

Cùng biết nhân các khổ;

Và tất cả các khổ

Tịch diệt hết không còn;

Nếu lại biết như thật,

Dấu đạo của dứt khổ,

Ý giải thoát đầy đủ,

Tuệ giải thoát cũng vậy,

Có thể vượt các khổ,

Cứu cánh được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 393. THIỆN NAM TỬ[78]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có thiện nam tử, chánh tín, không gia đình, xuất gia học đạo[79], thì tất cả điều cần làm là cần biết pháp bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện tu tập hiện quán.”

Cũng như chương cú này, tất cả kinh bốn Thánh đế, đều nên nói đầy đủ như vậy.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Các kinh với nội dung: Biết như vậy, thấy như vậy, hiện quán như vậy, cũng nói như trên.[80]

Lại nữa, cũng như kinh trên, với nội dung thêm bớt như sau:

“Đoạn tận ba kết, đắc quả Tu-đà-hoàn. Tất cả nên biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy[81]. Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

(...)

“Nếu ba kết sử đã đoạn tận, tham, nhuế, si mỏng, chứng đắc Tư-đà-hàm. Tất cả đều biết như thật đối với bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)”[82] cũng nói như trên.

(...)

“Nếu năm hạ phần kết đã đoạn tận, chứng đắc A-na-hàm hạng Sanh Bát-niết-bàn[83], không còn tái sanh vào cõi thế gian này nữa. Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu tất cả lậu đã đoạn tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời, tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu chứng được đạo Bích-chi-phật, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

“Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

*

KINH 394. NHẬT NGUYỆT (1)[84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời mọc, ánh sáng hiện trước. Cũng vậy, chân chánh diệt tận khổ cũng có dấu hiệu xuất hiện trước[85]; tức là biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 395. NHẬT NGUYỆT (2)[86]

Tôi nghe như vầy:

Khi Đức Phật ở trong vườn Nai, chỗ ở của Tiên nhân, nước Ba-la-nại, thì bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu mặt trời, mặt trăng không xuất hiện giữa thế gian, tất cả các vì tinh tú cũng không xuất hiện giữa thế gian này, thì ngày và đêm, nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều không xuất hiện. Như thế, thế gian sẽ luôn luôn tối tăm, không có ánh sáng, chỉ có đêm dài, thuần là một khối mù tối lớn hiện ra ở thế gian.

“Nếu Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian, không nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thế gian này sẽ mù tối, không có ánh sáng chiếu rọi, như thế đêm dài thuần là bóng tối trùm khắp thế gian.

“Nếu mặt trời, mặt trăng xuất hiện ở thế gian, các tinh tú cũng xuất hiện, ngày và đêm nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều xuất hiện ở thế gian. Cũng thế, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì thế gian không còn tối tăm và đêm dài được soi sáng, thuần nhất, trí tuệ sẽ hiện ra ở thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 396. THÁNH ĐỆ TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời xuất hiện, đi vòng khắp giữa không trung, phá tan mọi tăm tối, ánh sáng chiếu rõ. Cũng vậy, Thánh đệ tử, có những pháp tập khởi, tất cả đều diệt hết rồi, xa lìa các trần cấu, sanh được mắt pháp cùng sanh với hiện quán, đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết này đoạn tận, gọi là Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường ác pháp, chắc chắn hướng đến Chánh giác, bảy lần qua lại cõi trời, cõi người, rồi giải thoát được khổ. Thánh đệ tử kia, trong lúc đó tuy có khởi lên ưu, khổ, chỉ nghe nói Thánh đệ tử kia ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, đầy đủ an trụ Sơ thiền; chứ không thấy Thánh đệ tử kia có một pháp không đoạn, để có thể khiến tái sanh vào đời này. Ở đây, đệ tử của bậc Thánh này được nghĩa lớn của mắt pháp. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế này nếu chưa hiện quán thì nên siêng năng, tinh cần tìm phương tiện, khởi ý muốn tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 397. KHƯ-ĐỀ-LA[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu ai nói như vầy ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán,’ mà lại nói ‘Tôi sẽ đạt được hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’.[88] Lời nói này không đúng. Vì sao? Vì không có điều này. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này không thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi muốn lấy lá khư-đề-la[89] kết lại làm thành món đồ đựng nước để mang đi.’ Điều này không thể có được. Vì sao? Vì không có điều này. Hay nói như vầy: ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế chưa hiện quán’, điều này cũng không thể có được.

“Nếu lại nói: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, sẽ chứng đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì việc này có thể có được. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã được hiện quán rồi, mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi lấy lá bát-đàm-ma[90], lá ma-lâu-ca[91] kết lại thành đồ đựng nước mang đi’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Như vậy, nếu nói rằng: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt[92] Thánh đế, nay muốn đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Nếu đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã hiện quán và muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 398. NHÂN-ĐÀ-LA TRỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như một cục bông gòn nhỏ, hay cục bông kiếp-bối, đặt ở ngã tư đường, khi bốn phương gió thổi, thì tùy theo chiều gió mà bông bay về một hướng. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thường hay nhìn mặt người và thường hay nói theo người[93]. Vì không biết như thật, nên nghe người khác nói, hướng theo lời nói đó mà thọ nhận, nên biết người này đời trước không tu tập trí tuệ.

“Giống như cây trụ nhân-đà-la[94] dùng đồng, thiếc làm nên, rồi đem cắm sâu xuống đất, dù bốn phương gió mạnh cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Khổ Thánh đế; biết như thật biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không xem mặt người, không nói theo người; vì Sa-môn, Bà-la-môn này là người có trí tuệ vững chắc. Vì người này trước kia đã tùy tu tập nên không theo lời nói của người. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 399. LUẬN XỨ[95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Giống như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, được cắm sâu xuống đất tám khuỷu tay, dù bốn phương có gió thổi cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật Khổ Thánh đế; biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, Sa-môn, Bà-la-môn này có đến các chỗ luận nghị mà không thể bị khuất phục, tâm người này giải thoát, tuệ giải thoát, có thể khiến cho Sa-môn, Bà-la-môn khác ngược lại sanh ra lo khổ. Biết như thật, thấy như thật như vậy đều là do tập hành của đời trước nên khiến trí tuệ không thể khuynh động. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 400. THIÊU Y[96]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Giống như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, liền khởi ý muốn mãnh liệt[97], khẩn cấp dập tắt[98].”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chớ nên nói như vậy[99]! Hãy gác qua việc đầu và áo. Đối với bốn Thánh đế phải khởi ý muốn mãnh liệt, tinh tấn, siêng năng tìm phương tiện, tu tập hiện quán. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, tu tập hiện quán. Vì sao?

“Này Tỳ-kheo, vì ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, luôn luôn bị thiêu đốt mà các Tỳ-kheo không thấy đó là khổ cùng cực. Nếu như Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà chưa được hiện quán, Tỳ-kheo này nên nhẫn chịu khổ, lạc, ưu, bi; đối với bốn Thánh đế lại càng siêng năng tinh tấn tìm phương tiện, tu tập hiện quán, cần nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 401. BÁCH THƯƠNG[100]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với cácTỳ-kheo:

“Giống như có người sống lâu trăm tuổi, có người nói với người ấy rằng: ‘Ông nếu muốn nghe pháp thì mỗi ngày ba thời phải chịu khổ: Sáng sớm chịu khổ của trăm mũi thương đâm vào; trưa, chiều lại cũng như vậy. Trong một ngày, chịu khổ ba trăm mũi thương đâm; như vậy ngày nào cũng tiếp tục cho đến trăm năm rồi sau đó nghe pháp, được hiện quán. Ông có thể chịu như vậy được không?’ Bấy giờ, người này vì muốn nghe pháp nên có thể chịu đựng tất cả. Vì sao? Vì con người sanh ra ở thế gian luôn luôn chịu khổ ở trong ba đường ác, khi thì địa ngục, khi thì súc sanh, khi thì ngạ quỷ, mà không cảm nhận các thứ khổ, cũng không nghe pháp. Cho nên nay vì muốn được hiện quán, nên chẳng cho rằng cái khổ ba trăm mũi thương đâm vào người trọn đời là cái khổ lớn. Thế nên các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiẹân quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 402. BÌNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC[101]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với bốn Thánh đế mà bình đẳng giác ngộ[102], thì gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Những gì là bốn? Đó là Khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế, khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đối với bốn Thánh đế này, mà bình đẳng giác ngộ thì gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 403. NHƯ THẬT TRI[103]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhân gian. Giữa Vương xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc[104]; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta cùng với các ông, đối với bốn Thánh đế mà không biết, không thấy, không tùy thuận giác[105], không tùy thuận lãnh thọ[106], cho nên phải dong ruổi trường kỳ trong sanh tử. Những gì là bốn? Đó là Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

“Nhưng vì Ta cùng các ông đối với Khổ Thánh đế này đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập[107], nên dứt các dòng hữu[108], đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập, nên dứt các dòng hữu, đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa. Cho nên, các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu tập hiện quán.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Ta thường cùng các ông,

Trường kỳ lội sanh tử;

Vì không thấy Thánh đế,

Khổ lớn ngày càng tăng.

Nếu thấy bốn Thánh đế,

Dứt dòng biển hữu lớn,

Sanh tử đã trừ hết,

Không tái sanh đời sau.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 404. THÂN-THỨ[109]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhân gian. Giữ Vương xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông hãy cùng Ta đi đến rừng Thân-thứ[110].”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến rừng Thân-thứ, rồi ngồi dưới bóng cây. Khi ấy, Đức Thế Tôn tay cầm nắm lá cây, hỏi các Tỳ-kheo:

“Lá cây trong nắm tay này nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít, còn lá cây trong rừng thì nhiều vô lượng, gấp trăm, ngàn, vạn, ức lần cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta thành Đẳng chánh giác, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết[111] cho mọi người như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp này[112] có lợi ích cho nghĩa[113], có ích lợi cho pháp, ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cũng nhiều như lá cây trong rừng lớn, chánh pháp mà Ta tự mình chứng tri, thành Đẳng chánh giác, không được Ta nói ra, cũng nhiều như thế. Vì sao? Vì những pháp ấy[114] không lợi ích cho nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 405. KHỔNG[115]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, sáng sớm đắp y, mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực. Sáng sớm hôm ấy có đám đông thiếu niên Ly-xa[116] từ trong thành đi ra đến cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá[117]. Tất cả các mũi tên đêàu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Tôn giả A-nan thấy vậy, lấy làm lạ, thắc mắc “Các thiếu niên Ly-xa này có thể làm được một việc khó khăn như vậy!”

Sau khi Tôn giả vào thành khất thực trở về, cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, con đắp y mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực, gặp có đám đông thiếu niên Ly-xa từ trong thành đi ra đến trước cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá. Tất cả các mũi tên đêàu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Con nghĩ thầm ‘Kỳ diệu thật, các thiếu niên Ly-xa này, có thể làm được một việc khó khăn như vậy!’”

Phật bảo A-nan:

“Ngươi nghĩ thế nào? các thiếu niên Ly-xa tranh nhau bắn tên vào lỗ cửa và tất cả những mũi tên đó đều trúng vào. Việc này là khó hay chẻ một sợi lông thành trăm phần, rồi bắn trúng vào một phần sợi lông và tất cả những mũi tên đó đều trúng, là khó?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Nếu chẻ sợi lông thành trăm phần, rồi bắn vào một phần sợi lông, mỗi một phát đều trúng, điều này rất là khó.”

Phật bảo A-nan:

“Chưa bằng đối với Khổ Thánh đế mà biết như thật, thì điều này mới thật là khó hơn. Cũng vậy, đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà thấy biết như thật, điều này mới thật sự là khó.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:

Sợi lông chẻ trăm phần,

Khó bắn trúng một phần.

Quán mỗi một khổ ấm,

Là phi ngã, khó hơn!

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 406. MANH[118]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ví như đất liền đều biến thành biển lớn, có một con rùa mù, sống vô lượng kiếp; trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng nước theo gió trôi nổi Đông Tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp được cái lỗ hổng này không?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì con rùa mù này, nếu đến biển phía Đông, thì khúc gỗ có thể theo gió, hoặc đến biển phía Tây, Nam, Bắc. Cũng vậy, bốn phía xung quanh không dễ gì gặp được.”

Phật bảo A-nan:

“Con rùa mù và khúc gỗ nổi tuy trái chiều nhau, nhưng có thể gặp được. Phàm phu ngu si phiêu lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì những chúng sanh này không thực hành nghĩa này, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không thực hành chân thật, lần lượt sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh lấn áp người yếu, tạo ra vô lượng điều ác. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

TẠP A-HÀM QUYỂN 16

KINH 407. TƯ DUY (1)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, tư duy những điều thế gian tư duy[2]. Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, đi đến nhà ăn, trải tòa ngồi, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tư duy những điều thế gian tư duy. Vì sao? Vì những điều tư duy của thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn[3]. Các ông nên chân chánh tư duy, ‘Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Vì tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn.

“Vào thời quá khứ có một người ra khỏi thành Vương xá, đến bên bờ ao Câu-hy-la[4], ngồi tư duy về sự tư duy của thế gian. Trong lúc đang tư duy bỗng thấy một đoàn quân gồm bốn quân chủng: voi, ngựa, xe, bộ binh, vô lượng vô số, tất cả đều vào trong một cái lỗ của ngó sen[5]. Thấy vậy, người đó liền nghĩ: ‘Ta đã điên cuồng, mất tâm tính; điều thế gian không có mà nay ta thấy có.’

“Bấy giờ, cách ao này không xa, có nhiều người tụ tập lại một chỗ. Người này liền đi đến chỗ đám đông, nói rằng: ‘Các vị, nay tôi đã phát cuồng, tôi đã mất tâm tính, điều thế gian không có mà tôi thấy có.’ Người này kể đầy đủ như trên. Khi ấy mọi người đều bảo người này đã phát điên, mất tâm tính, những điều thế gian không có mà người này thấy có.”

Phật nói các Tỳ-kheo:

“Nhưng người này không phải điên cuồng mất tâm tính, mà là thấy chân thật. Vì sao? Vì lúc ấy cách ao Câu-hy-la không xa có các vị trời và A-tu-la khởi bốn thứ quân chủng chiến đấu giữa hư không. Lúc ấy, các vị trời đắc thắng, quân A-tu-la bại trận, nhập vào trong một cái lỗ ngó sen trong hồ này.

“Cho nên, Tỳ-kheo, các ông hãy cẩn thận chớ nên suy nghĩ về thế gian. Vì sao? Vì tư duy thế gian chẳng lợi ích gì cho nghĩa[6], chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Mà nên tư duy về bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 408. TƯ DUY (2)[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô thường, thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi Thiền tịnh ở một chỗ, bằng thiên nhĩ, nên nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo đang tụ tập ở nhà ăn. Nghe xong, đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:

“Các Tỳ-kheo ở đây tụ tập để bàn nói việc gì vậy?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con tụ tập ở nhà ăn này bàn luận, ‘Hoặc nói hữu thường, hoặc nói vô thường.’ Nói đầy đủ như trên.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông chớ bàn luận nghĩa như vậy.[8] Vì sao? Vì sự bàn luận này chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận hướng Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, nên luận nghị như thế này, ‘Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Vì luận nghị này có lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 409. GIÁC (1)[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, có người có giác tưởng tham giác, có người có giác tưởng sân giác, hoặc có người có giác tưởng hại giác[10]. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, nên đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông chớ khởi giác tưởng về tham giác, chớ khởi giác tưởng về nhuế giác, chớ khởi giác tưởng về hại giác[11]. Vì sao? Vì những giác tưởng này chẳng lợi ích gì cho nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải chánh trí, chẳng phải chánh giác, không chánh hướng Niết-bàn. Các ông nên khởi giác tưởng về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì sự giác tưởng đối với bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, chánh trí, chánh niệm, tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 410. GIÁC (2)[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời… nói đầy đủ như trên, chỉ có sự sai biệt là:

“Khởi giác tưởng về bà con thân thuộc; khởi giác tưởng về quốc thổ nhân dân; khởi giác tưởng về không chết, cho đến nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

*

KINH 411. LUẬN THUYẾT[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận những đề tài như vầy[14]: hoặc là bàn luận việc vua, việc giặc cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả. Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, các ông tụ tập để bàn luận việc gì?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chúng con tụ tập ở đây bàn nói về việc vua…” Nói đầy đủ như trên.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông chớ bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua… cho đến, không hướng đến Niết-bàn. Nếu có bàn luận thì nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 412. TRANH[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, nói với nhau như vầy: ‘Tôi biết pháp luật, các ông không biết; những gì tôi nói là thành tựu, những gì tôi nói là hợp lý; những gì các ông nói là không thành tựu, không hợp lý; cái đáng nói trước thì lại nói sau, cái đáng nói sau thì nói trước. Thế rồi tranh luận nhau. Luận của tôi đúng; luận của các ông không bằng. Ai trả lời được thì trả lời đi!’

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng các Tỳ-kheo tranh luận… Nói đầy đủ như trên cho đến, “bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 413. VƯƠNG LỰC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Vua Ba-tư-nặc và vua Tần-bà-sa-la[16], vua nào có thế lực lớn, vua nào giàu có hơn?’

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ông đang bàn luận việc gì?”

Bấy giờ các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ với Thế Tôn.

Phật nói với các Tỳ-kheo:

“Các ông bàn những việc về thế lực lớn, về sự giàu sang của các vua làm gì? Này các Tỳ-kheo, chớ luận bàn như vậy. Vì sao? Vì việc này không đem lại lợi ích gì cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, cũng chẳng phải trí, chẳng phải chánh giác, chẳng đưa đến Niết-bàn[17]. Các ông nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 414. TÚC MẠNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Đời trước các ông làm những thứ nghề nghiệp gì, công xảo gì và lấy gì để tự sống?’

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ông đang nói những gì?”

Lúc ấy, các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, các ông chớ bàn những việc đã làm đời trước. Vì sao? Vì việc này không đem lại nhiều lợi ích cho nghĩa, pháp, phạm hạnh[18], cũng chẳng phải trí, chẳng phải giác, chẳng đưa đến Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, các ông nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 415. ĐÀN-VIỆT[19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Đàn-việt mỗ giáp kia làm thức ăn thô sơ, chúng ta ăn xong không thấy ngon, không thấy khỏe. Chi bằng chúng ta bỏ thức ăn thô này mà đi khất thực. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo đi khất thực thường được thức ăn ngon, lại thấy sắc đẹp, có lúc lại nghe tiếng hay, có nhiều người quen biết, cũng được y phục, ngọa cụ, thuốc men.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền đi đến nhà ăn… Nói đầy đủ như vậy, cho đến, “hướng đúng Niết-bàn.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 416. THỌ TRÌ (1)[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thọ trì bốn Thánh đế mà Ta đã dạy không?”

Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đã thọ trì.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ngươi thọ trì bốn Thánh đế đó như thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Như lời Thế Tôn đã dạy: ‘Đây là Khổ Thánh đế’, con liền thọ trì; ‘đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy như vậy, con liền thọ trì.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Ta đã dạy về Khổ Thánh đế, ngươi đã thọ trì chân thật. Ta dạy Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, ngươi đều thọ trì chân thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 417. NHƯ NHƯ[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?”

Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai phải, vì Phật mà làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:

“Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ngươi đã thọ trì như thế nào về bốn Thánh đế mà Ta đã dạy?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn nói khổ Thánh đế, con đều đã thọ trì, là như như, không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh[22]. Đó là Khổ Thánh đế. Thế Tôn dạy về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là như như, không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh. Đó gọi là bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đều đã thọ trì.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã thọ trì chân thật về bốn Thánh đế mà Ta đã dạy là như như, không lìa như, không khác như, chân thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo. Đó gọi là Tỳ-kheo thọ trì chân thật bốn Thánh đế của Ta.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 418. THỌ TRÌ (2)[23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?”

Khi ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật mà làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:

“Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì. Bốn đế là gì? Như Thế Tôn đã dạy là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, con cũng đều đã thọ trì.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Như những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế, ngươi đều đã thọ trì.

“Này các Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như vầy: ‘Như những gì mà Sa-môn Cù-đàm đã nói về Khổ Thánh đế, ta sẽ bỏ đi và sẽ lập lại Khổ Thánh đế khác.’ Điều đó chỉ có trên ngôn thuyết, nếu gạn hỏi đến thì họ sẽ không biết và càng làm tăng thêm sự nghi hoặc, vì đó không phải là cảnh giới. ‘Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế này ta sẽ bỏ đi, rồi sẽ lập lại bốn Thánh đế khác.’ Điều đó cũng chỉ có trên ngôn thuyết, nếu gạn hỏi đến thì họ chẳng biết và càng tăng thêm nghi hoặc cho họ, vì đó không phải là cảnh giới của họ.

“Cho nên, Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 419. NGHI (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với Phật có nghi, đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi. Nếu đối với Pháp, Tăng có nghi thì đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi. Nếu người nào đối với Phật không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế cũng không nghi hoặc; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng không nghi hoặc. Nếu người nào đối với Pháp, Tăng không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế cũng không nghi hoặc; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng không nghi hoặc.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 420. NGHI (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với Khổ Thánh đế có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối với Pháp, Tăng có nghi. Đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối với Pháp, Tăng có nghi. Nếu đối với Khổ Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi. Người đối với Tập, Diệt, Đạo Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 421. THÂM HIỂM[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông hãy đi cùng Ta đi đến vách núi sâu nguy hiểm[25].”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa vâng Thế Tôn.”

Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng đến vách núi sâu nguy hiểm[26], trải tòa ngồi, sau khi đi quan sát chung quanh hang núi sâu hiểm trở xong, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Hang núi này thật là sâu và nguy hiểm.”

Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, vách núi này thật là sâu hiểm, nhưng còn có thứ gì sâu hiểm cùng cực và đáng sợ hơn nó không?”

Phật biết ý của Tỳ-kheo này nên đáp liền:

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, vách núi này rất sâu hiểm, nhưng đối với nó còn có thứ sâu hiểm đáng sợ hơn nữa, đó là Sa-môn, Bà-la-môn không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Những vị này hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự sanh[27]; hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, mà tạo tác các hành này, khiến cho các hành lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não càng ngày càng tăng trưởng, để rơi vào chỗ sâu hiểm của lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như vậy, Tỳ-kheo, cái này rất sâu hiểm; nguy hiểm hơn cả cái kia. Cho nên Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 422. ĐẠI NHIỆT[28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có địa ngục Đại nhiệt[29]. nếu chúng sanh nào sanh vào địa ngục này thì chỉ một mực chịu nóng cháy.”

Bấy giờ có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Như Thế Tôn đã dạy, địa ngục Đại nhiệt này vô cùng nóng bức. Bạch Thế Tôn, chỉ có đây là cực kỳ nóng, hay còn có thứ nóng bức nào đáng sợ hơn, không còn đâu hơn?”

“Như vầy, Tỳ-kheo, địa ngục này tuy thật là nóng bức, nhưng cũng có thứ nóng bức đáng sợ hơn địa ngục ấy và không còn gì hơn. Những gì được gọi là thứ nóng bức đáng sợ hãi hơn địa ngục Đại nhiệt? Đó là Sa-môn, Bà-la-môn không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Như vậy, cho đến sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não là sự nóng bức thiêu đốt bừng bừng. Này Tỳ-kheo, đó gọi là sự nóng bức thiêu đốt bừng bừng thật đáng sợ, không còn gì hơn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 423. ĐẠI ÁM[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có địa ngục vô cùng tối tăm, các chúng sanh sanh ra nơi đó không thấy được các phần thân thể của mình[31].”

Bấy giờ, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật làm lễ, rồi chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, địa ngục này vô cùng tối tăm. Chỉ có nơi này tối tăm hay còn có chỗ nào tối tăm hơn, đáng sợ hơn địa ngục này nữa?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Như vầy, còn có sự tối tăm đáng sợ hơn địa ngục này nữa. Đó là Sa-môn, Bà-la-môn đối với bốn Thánh đế không biết như thật, cho đến, rơi vào sự tối tăm cùng cực của sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Cho nên, các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 424. MINH ÁM (1)[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời vận hành chiếu sáng các thế giới. Cho đến cả ngàn mặt trời, ngàn mặt trăng, chiếu sáng ngàn thế giới, ngàn núi Tu di, ngàn Phất-bà-đề, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Câu-da-ni, ngàn Uất-đơn-việt, ngàn Tứ thiên vương, ngàn cõi Tam thập tam thiên, ngàn Diệm-ma thiên, ngàn Đâu-suất thiên, ngàn Hóa lạc thiên, ngàn Tha hóa tự tại thiên, ngàn Phạm thiên. Đó gọi là Tiểu thiên thế giới. Khoảng giữa một ngàn thế giới này có chỗ tối tăm, dù có ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, có sức oai đức lớn cũng không thấy được. Những chúng sanh sanh ra những nơi này không thấy các phần thân thể của mình[33].”

Bấy giờ, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật làm lễ, rồi chắp tay, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói, chỗ này vô cùng tối tăm. Chỉ có nơi này tối tăm hay còn có chỗ nào tối tăm hơn, đáng sợ hơn địa ngục này nữa?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Như vầy, còn có sự tối tăm đáng sợ hơn địa ngục này nữa. Đó là Sa-môn, Bà-la-môn đối với bốn Thánh đế không biết như thật, cho đến, rơi vào sự tối tăm cùng cực của sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Cho nên, các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 425. MINH ÁM (2)[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Từ Tiểu thiên thế giới, con số được nhân lên đến một ngàn, thì đó gọi là Trung thiên thế giới. Khoảng giữa Trung thiên thế giới có chỗ tối tăm…” như trên đã nói, cho đến, “đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 426. MINH ÁM (3)[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Từ Trung thiên thế giới, con số được nhân lên đến một ngàn, thì đó gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Khoảng giữa các thế giới này là chỗ tối tăm. Dù có mặt trời, mặt trăng vận hành, chiếu khắp thế giới đi nữa, nhưng những chúng sanh kia vẫn không thấy,...” cho đến “... rơi vào chỗ tối tăm của sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Cho nên các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 427. THÁNH ĐẾ[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về bốn Thánh đế. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Bốn đế là gì? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đó gọi là bốn Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh “Đương thuyết” (Ta sẽ nói) trên, cũng vậy, các kinh:

-   Có (bốn Thánh đế);

-   Nên biết (bốn Thánh đế).

Cũng nói như trên.

*

KINH 428. THIỀN TƯ[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

 “Nên chuyên cần thiền định tư duy[38], phát khởi chánh phương tiện[39], để nội tâm tịch tĩnh. Vì sao? Vì Tỳ-kheo nào thiền định tư duy, nội tâm tịch tĩnh đã thành tựu rồi, thì sẽ hiển hiện như thật[40]. Hiển hiện như thật những gì? Hiển hiện như thật Khổ Thánh đế; hiển hiện như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 429. TAM-MA-ĐỀ[41]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nên tu vô lượng Tam-ma-đề[42], chuyên tâm chánh niệm. Vì sao? Vì khi tu vô lượng Tam-ma-đề, chuyên tâm chánh niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Hiển hiện như thật những gì? Hiển hiện như thật Khổ Thánh đế; hiển hiện như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 430. TRƯỢNG (1)[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như người ném gậy lên giữa hư không, gậy liền rơi trở xuống, hoặc gốc chạm đất, hoặc thân chạm đất, hoặc đầu chạm đất. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật về Khổ Thánh đế; không biết như thật về Khổ tậïp Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết, Sa-môn, Bà-la-môn này, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 431. TRƯỢNG (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như người ném gậy lên giữa hư không, gậy liền rơi trở xuống, hoặc rơi xuống đất sạch, hoặc rơi xuống đất không sạch. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật về Khổ Thánh đế; không biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, vì không biết như thật, cho nên hoặc sanh vào đường lành, hoặc sanh vào đường ác. Thế nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 432. NGŨ TIẾT LUÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như cái bánh xe có năm tiết liên tục[44]. Một người đại lực sĩ có thể quay nhanh bánh xe này. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về Khổ Thánh đế, không biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, sẽ bị luân hồi trong năm đường, xoay vần một cách nhanh chóng; hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc Trời, hoặc Người, rồi lại đọa vào đường ác, trường kỳ luân chuyển. Cho nên Tỳ-kheo nào đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 433. TĂNG THƯỢNG THUYẾT PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác thuyết pháp tăng thượng[45]; nghĩa là bốn Thánh đế được khai thị, được thi thiết, được kiến lập, được phân biệt, được diễn giải, bày hiển hiện, được biểu lộ[46]. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 434. HIỆT TUỆ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thế nào là hiệt tuệ[47]? Có phải là biết như thật về Khổ Thánh đế, về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, hay không biết?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, theo như sự hiểu biết của chúng con về những lời dạy của Phật, đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, thì đó gọi là hiệt tuệ.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Nếu đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, đó gọi là hiệt tuệ. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 435. TU-ĐẠT[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, gia chủ Tu-đạt-đa[49] đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp hay phải hiện quán tức thời[50]?”

Phật bảo gia chủ:

“Bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời.”

Phật bảo gia chủ:

“Nếu có người bảo: ‘Đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán’, lời nói này không đúng. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế nếu chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán thì điều này không thể có được. Cũng giống như người lấy hai lá cây nhỏ[51] xếp lại làm đồ đựng nước mang đi thời không thể có được. Cũng vậy, đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán,’ thì điều này không thể có được.

“Như có người lấy lá sen kết lại làm đồ chứa nước đem đi, thì việc này có thể có được. Cũng vậy, này gia chủ, đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán,’ điều này có thể có được. Cho nên, gia chủ, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 436. ĐIỆN ĐƯỜNG (1)[52]

Như điều trưởng giả Tu-đạt đã hỏi ở kinh trên, có Tỳ-kheo khác hỏi Đức Phật, cũng được nói như vậy. Chỉ có sai biệt nơi thí dụ:

“Như có con đường bốn bậc thềm đi lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần lên bậc thứ nhất mà lên ngay bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư, lên điện đường,’ thì điều này không thể có được. Vì sao? Phải do bậc đầu tiên rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư để lên được đến điện đường. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán’, thì điều này không thể có được.

“Này Tỳ-kheo, nếu có người nói: ‘Bằng bốn bậc thềm đưa lên điện đường, nhưng phải do từ bậc thềm đầu, rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư mới lên được điện đường,’ nói như vậy thì mới đúng. Vì sao? Vì phải do bậc thềm đầu tiên, sau đó mới leo lên bậc thềm thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên được điện đường, việc này có thể có được. Cũng vậy Tỳ-kheo, nếu đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán,’ nên nói như vậy. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán, sau đó theo thứ lớp đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế hiện quán, việc này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 437. ĐIỆN ĐƯỜNG (2)

Như Tỳ-kheo đã hỏi ở kinh trên, những điều Tôn giả A-nan hỏi, Đức Phật cũng dạy như vậy, chỉ có thí dụ là sai khác, Phật bảo A-nan:

“Như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần nhờ vào bậc ban đầu mà lên ngay bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư là lên được diện đường,’ thì không thể có được. Cũng vậy A-nan, nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán,’ điều này không thể có được. Vì sao? Vì nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế muốn hiện quán thì không thể có được.

“Này A-nan, như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường, nếu có người nói: ‘Phải do bậc đầu tiên, sau đó mới lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên tới điện đường,’ nói như vậy mới đúng. Vì sao? Vì phải do vào bậc đầu tiên, tuần tự lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi mới tới điện đường, thì điều này có thể có được. Cũng vậy, A-nan đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế có thể hiện quán;’ điều này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 438. CHÚNG SANH[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như lấy hết cây cỏ trên quả đất này, dùng làm cây thương[54] và xâu hết tất cả các loài thủy vật trong biển lớn; có thể xuyên suốt được tất cả không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì những con vật ở trong biển lớn đủ các hình tướng, chủng loại, hoặc có loài nhỏ quá, không thể xâu được, hoặc lớn quá, cũng không thể xâu được.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đúng vậy, đúng vậy! Chúng sanh giới vô số vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 439. TUYẾT SƠN[55]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn cầm một cục sạn[56], rồi hỏi các Tỳ-kheo:

“Các ông nghĩ sao? Sạn trong tay Ta đây là nhiều hay sạn ở núi Tuyết lớn nhiều?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sạn trong tay của Thế Tôn rất ít, còn sạn ở núi Tuyết thì nhiều trăm, muôn ngàn, ức, vô lượng, không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì ít như sạn ở trong tay Ta đang cầm. Còn những chúng sanh kia mà không biết như thật đối với Khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì nhiều như sạn ở núi Tuyết, nhiều đến vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 440. HỒ TRÌ ĐẲNG[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như ao hồ, sâu rộng năm mươi do tuần, nước đầy tràn. Nếu có người dùng một sợi tóc, hoặc sợi lông, hoặc đầu ngón tay thấm vào nước hồ này cho đến ba lần, thì thế nào, này các Tỳ-kheo, giọt nước thấm của người kia nhiều hay nước trong hồ nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nước trên sợi tóc, sợi lông, hay dầu ngón tay của người này rất ít, còn nước trong hồ thì nhiều vô lượng, vô số cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nhiều như nước trong hồ lớn, nhiều vô lượng, là gốc rễ khổ bị cắt đứt như cây đa la bị chặt ngọn, thành các pháp không tái sanh trong tương lai, mà đa văn Thánh đệ tử đoạn trừ khi thành tựu kiến đế[58], đắc Thánh đạo quả. Những gì còn sót chưa đoạn tận, chỉ ít như nước đầu sợi tóc, sợi lông, ngón tay của người kia mà thôi. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như ví dụ hồ nước lớn, cũng vậy những ví dụ về hồ Tát-la-đa-tra-ca, Hằng-già, Da-phù-na, Tát-la-du, Y-la-bạt-đề, Ma-hê[59], cùng bốn biển lớn cũng nói như trên.

*

KINH 441. THỔ[60]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn tay cầm một hòn đất, lớn bằng trái lê[61], bảo các Tỳ-kheo:

“Thế nào, các Tỳ-kheo, hòn đất trong tay Ta nhiều hay đất trong núi Tuyết nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa, hòn đất trong tay Thế Tôn rất ít, còn đất tại núi chúa Tuyết thì thật nhiều, nhiều đến trăm ngàn ức na do tha, cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng ít như hòn đất Ta đang cầm ở trong tay. Những chúng sanh mà không biết như thật khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nhiều hơn đất ở núi chúa Tuyết. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như núi chúa Tuyết. Cũng vậy các ví dụ về núi Ni-dân-đà-la, Tỳ-na-đa-ca, Mã-nhĩ, Thiện kiến, Khư-đề-la-ca, Y-sa-đà-la, Du-kiền-đà-la, Tu-di sơn vương[62] và đất đai trên đại địa cũng lại như vậy. Như dụ trái lê, cũng vậy các ví dụ trái A-ma-lặc-ca, Bạt-đà-la, Ca-la-ca, quả đậu, cho đến ví dụ tép tỏi cũng nói như vậy.

*

KINH 442. TRẢO GIÁP[63]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng trong móng tay khự một ít đất, rồi nói với các Tỳ-kheo:

“Các ông nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa này nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn đất ở đại địa thì nhiều vô lượng, cho đến không thể dùng toán số, hay thí dụ để so sánh được.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng như vậy, thân hình các chúng sanh mà có thể thấy được thì như đất trên móng tay; còn thân hình của chúng sanh vi tế không thể thấy được nhiều như đất trên đại địa. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như đất liền nói trên, về thủy tánh cũng lại như vậy.

Các kinh khác tương tợ:[64]

-“Ít như đất trên móng tay, cũng vậy, những chúng sanh được sanh ra trong cõi người;

-“Loại không được làm người cũng như đất đại địa.

-“Những chúng sanh được sanh ra nơi có văn minh (đô thị) cũng như đất dính trên móng tay;

-“Được sanh ra nơi biên địa cũng như đất trên đại địa.

-“Người thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất trên móng tay;

-“Người không thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh biết được pháp luật này, cũng như đất dính trên móng tay;

-“Chúng sanh không biết pháp luật cũng như đất ở đại địa.

-“Như biết, cũng vậy: biết bình đẳng, biết khắp tất cả, chánh tưởng, chánh giác, chánh giải, pháp hiện quán cũng như vậy.

-“Những chúng sanh biết có cha mẹ, thì cũng như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh không biết đến có mẹ cha cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn và làm những điều cần làm phước đời này, đời khác, sợ tội thường bố thí, ăn chay giữ giới thì cũng như đất dính trên đầu móng tay;

-“Số chúng sanh không biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn, làm những điều phước cần ở đời này, đời khác, sợ tọâi lỗi thường bố thí, ăn chay, giữ giới thì cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt thì cũng như đất trên móng tay;

-“Số chúng sanh không giữ gìn giới luật thì cũng như đất ở đại địa.

-“Cũng vậy, những chúng sanh lìa tham nhuế, tà kiến và chúng sanh không lìa tham nhuế, tà kiến cũng nói như vậy.

-“Những chúng sanh không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, ít như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh không giữ gìn năm giới nhiều như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh giữ gìn tám giới thì cũng như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh không giữ gìn tám giới thì cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh giữ gìn mười điều lành thì cũng như đất trên móng tay;

-“Số chúng sanh không giữ mười điều lành thì cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh từ địa ngục, sau khi chết rồi được sanh làm người thì cũng như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh từ địa ngục sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ thì cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh từ địa ngục sau khi chết được sanh lên cõi trời thì cũng như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh từ địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh ở loài người sau khi chết rồi sanh trở lại làm người thì cũng như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh ở loài người sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.

-“Những chúng sanh từ cõi trời sau khi chết trở lại sanh vào cõi Trời thì cũng như đất dính trên móng tay;

-“Số chúng sanh ở cõi Trời sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.”

*

KINH 443. TỨ THÁNH ĐẾ DĨ SANH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Trước kia, khi Ta chưa nghe pháp, đã có được chánh tư duy rằng, ‘Đây là Khổ Thánh đế’, chánh kiến đã phát sanh; ‘Đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, chánh kiến đã phát sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh nói về đã sanh. Cũng vậy, đang sanh, sẽ sanh; kinh nói về khởi, tập, cận (gần), tu, tu nhiều, xúc, tác chứng cũng như vậy.[65]

*

KINH 444. NHÃN DƯỢC HOÀN[66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như viên thuốc chữa mắt, rộng sâu một do tuần[67]. Nếu có người nào lấy viên thuốc này đặt vào trong mỗi mỗi giới[68], có thể khiến cho hết nhanh chóng[69], nhưng đối với các giới kia cũng không thể cùng biên tế của nó được. Nên biết, số lượng các giới nhiều đến vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học giới loại thiện. Đối với chủng loại sai biệt của giới thiện, hãy học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 445. BỈ TÂM[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[71]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội cảnh giới? Khi chúng sanh hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện[72]. Khi tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học như vậy, chủng loại sai biệt của giới thiện.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 446. KỆ (1)[73]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

Nói đầy đủ như trên, chỉ khác là nói thêm bài kệ này:

Thường hợp nên thường sanh,

Lìa nhau, thì sanh dứt.

Như người ôm gỗ nhỏ,

Mà vào trong biển lớn;

Người, gỗ đều bị chìm.

Biếng nhác cũng như vậy.

Nên lìa xa biếng nhác;

Siêng năng hạng thấp hèn.

Hiền thánh không giải đãi;

An trụ nơi viễn ly,

Thiền tinh tấn ân cần,

Vượt qua dòng sanh tử.

Như sơn gặp lụa trắng;

Lửa gặp gió cháy bừng,

Ngọc và sữa cùng sắc;

Chúng sanh cùng theo giới,

Tương tợ thì hòa hợp,

Tăng trưởng cũng như vậy.

*

KINH 447. HÀNH[74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[75]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội cảnh giới? Khi chúng sanh hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với cảnh giới bất thiện. Khi tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới.

Bấy giờ, Tôn giả Kiều-trần-như cùng với nhiều Tỳ-kheo đang đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những Đại đức, Thượng tọa, đa văn, xuất gia đã lâu, tu tập đầy đủ phạm hạnh.

Lại có Tôn giả Đại Ca-diếp cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều ít muốn, biết đủ, đầu đà, khổ hạnh, không chứa đồ dư.

Tôn giả Xá-lợi-phất cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc Đại trí biện tài.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc có sức thần thông lớn.

Tôn giả A-na-luật-đà cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều được thiên nhãn sáng suốt.

Bấy giờ, cũng có Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ, cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều dõng mãnh, tinh tấn, chuyên cần tu hành.

Lại có Tôn giả Đà-phiêu cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều vì đại chúng sửa sang các thứ cúng dường đầy đủ.

Tôn giả Ưu-ba-ly cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều thông đạt luật hạnh.

Tôn giả Phú-lâu-na cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc biện tài, thuyết pháp.

Lại có Tôn giả Ca-chiên-diên cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều có khả năng phân biệt các kinh, khéo nói pháp tướng.

Khi đó cũng có Tôn giả A-nan cùng với nhiều Tỳ-kheo đi kinh hành gần đó. Tất cả đều là những bậc tổng trì đa văn.

Lại có Tôn giả La-hầu-la cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó. Tất cả đều khéo giữ gìn luật hạnh.

Khi đó cũng có Tôn giả Đề-bà-đạt-đa cùng với nhiều Tỳ-kheo đang đi kinh hành gần đó. Tất cả đều huân tập nhiều ác hạnh.

Đó gọi là Tỳ-kheo thường cùng đi và hòa hợp với nhau. Cho nên, Tỳ-kheo, nên khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

]

KINH 448. KỆ (2)[76]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Nói đầy đủ như kinh trên. Phật liền nói kệ:

Thường hợp nên thường sanh,

Lìa nhau, thì sanh dứt.

Như người ôm gỗ nhỏ,

Mà vào trong biển lớn;

Người, gỗ đều bị chìm.

Biếng nhác cũng như vậy.

Nên lìa xa biếng nhác;

Siêng năng hạng thấp hèn.

Hiền thánh không giải đãi;

An trụ nơi viễn ly,

Thiền tinh tấn ân cần,

Vượt qua dòng sanh tử.

Như sơn gặp lụa trắng;

Lửa gặp gió cháy bừng,

Ngọc và sữa cùng sắc;

Chúng sanh lùng theo giới,

Tương tợ thì hòa hợp,

Tăng trưởng cũng như vậy.

*

KINH 449. GIỚI HÒA HỢP[77]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Nói đầy đủ như trên… cho đến,

“Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Khi sát sanh thì đi cùng giới sát sanh. Khi tâm trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu thì đi cùng giới trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu. Khi tâm không sát sanh đi cùng giới không sát sanh. Khi tâm không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu đi cùng giới không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 450. TINH TẤN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Khi bất tín thì đi cùng giới bất tín. Khi phạm giới thì đi cùng giới phạm giới. Khi không tàm không quý thì đi cùng giới không tàm không quý. Khi có lòng tín thì đi cùng giới có tín. Khi trì giới thì đi cùng giới trì giới. Khi tâm có tàm có quý thì đi cùng giới có tàm có quý. Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như tín hay bất tín. Cũng vậy: tinh tấn hay không tinh tấn, thất niệm hay không thất niệm, chánh thọ hay không chánh thọ, đa văn hay thiểu văn, xan lẫn hay bố thí, ác tuệ hay thiện tuệ, khó nuôi hay dễ nuôi, khó thỏa mãn hay dễ thỏa mãn, ham muốn nhiều hay ham muốn ít, biết đủ hay không biết đủ, điều phục hay không điều phục, tất cả đều đi cùng giới đó. Như kinh trên đã nói đầy đủ.[78]

*

KINH 451. GIỚI[79]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hôm nay Ta sẽ nói về các chủng loại sai biệt của giới[80]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là các giới? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các thứ giới.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 452. XÚC (1)[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái.

“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới… cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các chủng loại sai biệt của giới.

“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc… cho đến, thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Do duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, giới làm duyên nên sanh ra ý xúc. Do duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Do duyên ý thọ sanh ra ý ái.

“Này các Tỳ-kheo, không phải do duyên các chủng loại sai biệt của ái nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Không phải do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của xúc. Không phải do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của giới. Chính là do duyên các chủng loại sai biệt của giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt của xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là do duyên các chủng loại sai biệt của giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt của xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt của xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt của thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt của thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt của ái.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 453. XÚC (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái.

“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới,… cho đến, ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các chủng loại sai biệt của giới.

“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc; do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các thọ; do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Không phải do duyên nhãn xúc sanh ra nhãn giới, mà là duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Không phải duyên nhãn thọ sanh ra nhãn xúc, mà là duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ. Do duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Không phải duyên nhãn ái nên sanh ra nhãn thọ, mà là duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn ái. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; duyên ý giới nên sanh ra ý xúc. Không phải duyên ý xúc sanh ra ý giới, mà là duyên ý giới nên sanh ra ý xúc. Do duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Không phải duyên ý thọ sanh ra ý xúc, mà duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ. Do duyên ý thọ nên sanh ra ý ái. Không phải duyên ý ái sanh ra ý thọ, mà duyên ý thọ nên sanh ra ý ái. Cho nên, Tỳ-kheo, không phải vì sanh các chủng loại sai biệt ái sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Không phải vì duyên các thọ sanh ra các xúc, cũng không phải vì duyên các xúc sanh ra các giới, mà chỉ có vì duyên các giới nên sanh ra các xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ; vì duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt ái. Này Tỳ-kheo, đó gọi là nên khéo phân biệt các chủng loại sai biệt giới.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 454. TƯỞNG (1)[82]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc. Do duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt thọ. Do duyên các chủng loại sai biệt thọ nên sanh ra các chủng loại sai biệt tưởng. Do duyên các chủng loại sai biệt tưởng nên sanh ra các chủng loại sai biệt dục. Do duyên các chủng loại sai biệt dục nên sanh ra các giác[83]. Do duyên các chủng loại sai biệt giác nên sanh ra các chủng loại sai biệt nhiệt; vì duyên các thứ nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt cầu[84].

“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám: Nhãn giới… cho đến pháp giới.

“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc… cho đến, duyên các thứ nóng bức nên sanh ra các mong cầu? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc; duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn thọ; duyên nhãn thọ nên sanh ra nhãn tưởng; duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn dục; do duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn giác; duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn nhiệt; duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn cầu. Cũng vậy, đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; do duyên ý giới nên sanh ra ý xúc; duyên ý xúc nên sanh ra ý thọ; duyên ý thọ nên sanh ra ý tưởng; duyên ý tưởng nên sanh ra ý giác; duyên ý giác nên sanh ra ý nhiệt; do duyên ý nhiệt nên sanh ra ý cầu. Này Tỳ-kheo, đó gọi là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc… cho đến, duyên các thứ nhiệt sanh ra các thứ cầu.

“Này Tỳ-kheo, không phải do duyên các thứ mong cầu nên sanh ra các thứ nhiệt. Không phải do duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ giác. Không phải do duyên các thứ giác nên sanh ra các thứ tưởng. Không phải vì duyên các thứ tưởng nên sanh ra các thứ thọ. Không phải do duyên các thứ thọ nên sanh ra các thứ xúc. Cũng không phải vì duyên các thứ xúc nên sanh ra các thứ giới, mà chỉ có duyên các chủng loại sai biệt giới sanh các chủng loại sai biệt xúc;… cho đến, duyên các thứ nhiệt sanh ra các thứ mong cầu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 455. TƯỞNG (2)[85]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc; duyên các chủng loại sai biệt xúc nên sanh ra các chủng loại sai biệt tưởng; duyên các chủng loại sai biệt tưởng nên sanh ra các chủng loại sai biệt dục; duyên các chủng loại sai biệt dục nên sanh ra các chủng loại sai biệt giác; duyên các chủng loại sai biệt giác nên ra sanh các chủng loại sai biệt nhiệt; duyên các chủng loại sai biệt nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt mong cầu.

“Thế nào là các chủng loại sai biệt giới? Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến pháp giới.

“Thế nào là do duyên các chủng loại sai biệt giới nên sanh ra các chủng loại sai biệt xúc,… cho đến; thế nào là duyên các chủng loại sai biệt nhiệt nên sanh ra các chủng loại sai biệt mong cầu? Do duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc. Không phải vì duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn giới, mà chỉ vì duyên nhãn giới nên sanh ra nhãn xúc[86]. Duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn tưởng. Không phải vì duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn xúc, mà chỉ vì duyên nhãn xúc nên sanh ra nhãn tưởng. Duyên nhãn tưởng sanh ra nhãn dục. Không phải vì duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn tưởng, mà chỉ vì duyên nhãn tưởng nên sanh ra nhãn dục. Duyên nhãn dục sanh ra nhãn giác. Không phải vì duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn dục, mà chỉ vì duyên nhãn dục nên sanh ra nhãn giác. Duyên nhãn giác sanh ra nhãn nhiệt. Không phải vì duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn giác, mà chỉ vì duyên nhãn giác nên sanh ra nhãn nhiệt. Duyên nhãn nhiệt sanh ra nhãn cầu. Không phải vì duyên nhãn cầu nên sanh ra nhiệt, mà chỉ vì duyên nhãn nhiệt nên sanh ra nhãn cầu.

“Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, vì duyên ý giới nên sanh ra ý xúc… cho đến duyên ý nhiệt nên sanh ra ý cầu, cũng nói đầy đủ như vậy.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là duyên các chủng loại sai biệt giới sanh các chủng loại sai biệt xúc… cho đến vì duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ mong cầu, chứ không phải duyên các thứ mong cầu nên sanh ra các nhiệt,… cho đến không phải duyên các xúc nên sanh ra các giới, mà chỉ vì duyên các giới nên sanh ra các thứ xúc,… cho đến, duyên các nhiệt nên sanh ra các thứ mong cầu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

TẠP A-HÀM QUYỂN 17

KINH 456. CHÁNH THỌ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, hữu diệt giới[2].”

Khi ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ dưới chân Phật, chắp tay, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, diệt giới. Các thứ giới như vậy do nhân duyên gì để có thể biết?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Quang giới kia do duyên tối tăm mà được biết. Tịnh giới do duyên bất tịnh nên biết. Vô lượng không nhập xứ giới do duyên sắc mà biết. Vô lượng thức nhập xứ giới do không[3] mà được biết. Vô sở hữu nhập xứ giới do duyên sở hữu[4] mà được biết. Phi tưởng phi phi tưởng nhạâp xứ giới do duyên hữu đệ nhất[5] mà được biết. Diệt giới là do duyên hữu thân[6] mà được biết”.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, từ quang giới cho đến diệt giới này do vào chánh thọ[7] gì mà đạt được?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới; các cõi này ngay nơi chánh thọ đang tự hành mà đạt được[8]. Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới ở nơi chánh thọ của đệ nhất hữu[9] mà đạt được và diệt giới do chánh thọ của diệt hữu thân[10] mà đạt được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 457. THUYẾT[11]

Tôi nhge như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại giảng đường Lộc mẫu, Đông viên, nước Xá-vệ. Bấy giờ vào buổi chiều, Đức Thế Tôn sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, đến trong bóng mát giảng đường, trải tòa, ngồi trước đại chúng, nói những câu kệ Ưu-đàn-na, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Vì duyên giới mà sanh thuyết[12], chứ không phải không do giới. Duyên giới mà sanh kiến, không phải không do giới, Duyên giới mà sanh tưởng, không phải không do giới. Duyên giới hạ liệt[13], Ta nói, sanh thuyết hạ liệt[14], kiến hạ liệt, tưởng hạ liệt, tư hạ liệt[15], dục hạ liệt[16], nguyện hạ liệt, hạ sĩ phu hạ liệt[17], sở tác hạ liệt, thi thiết hạ liệt, kiến lập hạ liệt, hạ bộ phận hạ liệt, hạ hiển thị hạ liệt, hạ thọ sanh hạ liệt.

“Trung giới[18] cũng như vậy.

“Cũng vậy, đối với giới thù thắng[19]. Do duyên thắng giới, Ta nói kia sanh thuyết thù thắng, kiến thù thắng, tưởng thù thắng, nguyện thù thắng, sĩ phu thù thắng, sở tác thù thắng, thi thiết thù thắng, kiến lập thù thắng, bộ phận thù thắng, hiển thị thù thắng, thọ sanh thù thắng”.

Bấy giờ có Tỳ-kheo Bà-ca-lị[20] đang đứng sau, cầm quạt hầu Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu đối với Chánh đẳng Chánh giác, mà khởi lên kiến giải không phải Chánh đẳng Chánh giác, thì các kiến giải này cũng duyên theo giới mà sanh chăng?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đối với Chánh đẳng Chánh giác mà khởi kiến giải không phải Chánh đẳng Chánh giác[21], cũng duyên theo giới mà sanh ra, không phải không duyên giới. Vì sao? Giới của phàm phu là vô minh giới. Như trước Ta đã nói, duyên hạ giới sanh hạ thuyết, hạ kiến,… cho đến, hạ thọ sanh. Duyên trung giới cũng như vậy, đối với thắng giới, cũng sanh thắng thuyết, thắng kiến, cho đến, thắng thọ sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 458. NHÂN[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có nhân sanh ra dục tưởng, chứ không phải không có nhân; có nhân sanh ra nhuế tưởng, hại tưởng[23], chứ không phải không có nhân.

“Do nhân gì sanh dục tưởng? Do duyên dục giới. Duyên dục giới nên sanh ra dục tưởng, dục dục, dục giác, dục nhiệt, dục cầu[24]. Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên dục cầu rồi, chúng sanh này khởi lên tà vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do nhân duyên tà vạy như vậy nên hiện tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng[25], có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác. Đó gọi là nhân duyên sanh dục tưởng.

“Thế nào là nhân duyên sanh ra nhuế tưởng, hại tưởng? Đó là hại giới. Do duyên hại giới nên sanh hại tưởng, hại dục, hại giác, hại nhiệt, hại cầu. Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên sự mong muốn làm hại, chúng sanh này khởi lên tà vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do nhân duyên tà vạy như vậy nên hiện tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng, có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác.

“Này các Tỳ-kheo, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đang an trú nơi sanh như vậy mà sanh tưởng nguy hiểm[26], không tìm cách loại bỏ, không tỉnh giác[27], không nhả ra, thì hiện tại người ấy ngay trong đời hiện tại an trú khổ; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng, có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác.

“Ví như cách thành ấp, làng xóm không xa, có cánh đồng hoang, chợt bốc lửa lớn. Nếu không có ai có sức mạnh để dập tắt lửa, nên biết, những chúng sanh ở trong đồng hoang đó chắc chắn sẽ bị lửa hại. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn đang an trú nơi sanh mà sanh tưởng nguy hiểm, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào đường ác.

“Này các Tỳ-kheo, có nhân sanh tưởng xuất yếu[28], chứ không phải không có nhân.

“Thế nào là nhân sanh tưởng xuất yếu? Đó là xuất yếu giới[29]. Do duyên xuất yếu giới sanh xuất yếu tưởng, xuất yếu dục, xuất yếu giác, xuất yếu nhiệt, xuất yếu cầu. Nghĩa là người có trí kia khi tìm cầu sự xuất yếu, chúng sanh này[30] phát sanh chánh hành qua ba chỗ là thân, miệng, tâm. Kia sau khi do nhân duyên sanh chánh hành như vậy, ngay hiện tại sống an lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành. Đó gọi là nhân duyên sanh tưởng xuất yếu.

“Thế nào là nhân duyên sanh tưởng không nhuế, không hại[31]? Đó là bất nhuế, bất hại giới. Do nhân duyên bất hại giới sanh bất hại tưởng bất hại dục, bất hại giác, bất hại nhiệt, bất hại cầu không hại. Nghĩa là người có trí kia khi tìm cầu sự bất hại, chúng sanh phát sanh chánh hành qua ba chỗ là thân, miệng, tâm. Kia sau khi do nhân duyên sanh chánh hành như vậy, ngay hiện tại sống an lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành. Đó gọi là nhân duyên sanh tưởng bất hại.

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn an trụ nơi sanh mà sanh tưởng bất hại, không lìa bỏ, không loại bỏ[32], không nhả ra, ngay hiện tại sống lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành.

“Ví như ven thành ấp, làng xóm, có cánh đồng hoang chợt bốc lửa lớn. Có người có khả năng dùng tay, chân để dập tắt lửa. Nên biết, các chúng sanh sống nương cây cỏ đều không bị hại. Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn an trụ nơi sanh mà sanh tưởng bất hại, không lìa bỏ, không loại bỏ, không nhả ra, ngay hiện tại sống lạc; không khổ, không khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành.”

 Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 359. TỰ TÁC[33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn đến chỗ Phật, sau khi cùng Thế Tôn thăm hỏi, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:

“Chúng sanh không phải tự mình làm, không phải cái khác làm.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Với luận thuyết như vậy thì Ta và ông không gặp nhau. Ông nay tự mình đi đến đây mà lại nói không tự mình làm, không phải cái khác làm.”

Bà-la-môn bạch:

“Thế nào, bạch Cù-đàm, chúng sanh là tự mình làm hay cái khác làm?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Bây giờ Ta hỏi ông, tùy ý mà trả lời Ta. Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, có phương tiện giới[34] của chúng sanh, nhờ đó các chúng sanh biết tạo ra phương tiện chăng?”

Bà-la-môn bạch:

“Bạch Cù-đàm, có phương tiện giới của chúng sanh đó, khiến cho các chúng sanh biết tạo ra phương tiện.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu có phương tiêïn giới nhờ đó mà các chúng sanh biết có phương tiện, thì đó là chúng sanh tự mình làm hay là cái khác làm[35]?”

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới[36] của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác chăng?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác, thì đó là chúng tự mình làm hay là cái khác làm?”

Bà-la-môn bạch:

“Chúng sanh có việc tự mình làm, có việc người khác làm. Bạch Cù-đàm, vì ở đời có nhiều công việc, bây giờ xin phép được cáo từ.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ở đời có nhiều công việc, ông nên đúng thời.”

Sau khi nghe lời Phật dạy, Bà-la-môn hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

*

KINH 460. CÙ-SƯ-LA[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di[38]. Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la[39] đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

“Nói là nhiều chủng loại giới[40]. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?”

Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:

“Nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về hỷ xứ[41].Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp sanh xúc. Do nhân duyên hỷ xúc sanh lạc thọ. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói như vậy.

“Lại nữa, này gia chủ, có nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về ưu xứ.Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp sanh khổ xúc. Do nhân duyên khổ sanh khổ thọ. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói như vậy.

“Lại nữa này gia chủ, nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về xả xứ. Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp sanh xúc, không khổ, không lạc. Do nhân duyên xúc không khổ, không lạc sanh thọ, không khổ, không lạc. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói như vậy.”

Gia chủ Cù-sư-la sau khi nghe lời dạy của Tôn giả A-nan hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

*

KINH 461. TAM GIỚI (1)[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di[43]. Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

 “Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?”

Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:

“Có ba giới. Những gì là ba? Đó là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ:

Hiểu rõ về Dục giới,

Sắc giới cũng như vậy.

Bỏ tất cả hữu dư,

Được tịch diệt vô dư.

Nơi thân hòa hợp giới[44],

Đoạn tuyệt, chứng vô dư.

Đấng Chánh Giác[45] đã chỉ,

Dấu vô ưu, ly cấu[46].

Tôn giả A-nan nói kinh này xong, gia chủ Cù-sư-la hoan hỷ, tùy hỷ, rồi lui ra.

*

KINH 462. TAM GIỚI (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di[47]. Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

 “Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?”

Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:

“Có ba giới. Những gì là ba? Đó là Sắc giới, Vô sắc giới, Diệt giới[48].”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ:

Nếu chúng sanh Sắc giới,

Và trụ Vô sắc giới,

Mà không biết Diệt giới,

Thì lại thọ các hữu.

Nếu đoạn được sắc giới,

Không trụ vô sắc giới,

Diệt giới, tâm giải thoát,

Thì xa lìa sanh tử.

Khi Tôn giả A-nan nói kinh này xong, thì gia chủ Cù-sư-la tùy hỷ, vui mừng làm lễ mà lui.

*

KINH 463. TAM GIỚI (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

 “Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?”

Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:

 “Có ba thứ giới xuất ly, đó là xuất ly từ Dục giới cho đến Sắc giới và xuất ly từ Sắc giới cho đến Vô sắc giới. Ở đây, tất cả các hành, tất cả những tư tưởng về giới đều dứt hết. Đó gọi là ba thứ giới cần xuất ly, rồi Tôn giả nói bài kệ:

Biết xuất ly Dục giới,

Vượt luôn khỏi Sắc giới,

Tất cả hành tịch diệt,

Siêng tu, chánh phương tiện.

Đoạn trừ tất cả ái,

Tất cả hành diệt tận.

Biết tất cả hữu dư,

Không xoay chuyển lại hữu.

Khi Tôn giả A-nan nói kinh này xong, thì gia chủ Cù-sư-la tùy hỷ vui mừng làm lễ mà lui.

*

KINH 464. ĐỒNG PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan đi đến chỗ vị Thượng tọa tên là Thượng Tọa[49]. Khi đến nơi ấy, Tôn giả cung kính thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, bạch vị Thượng tọa tên là Thượng Tọa:

“Nếu có Tỳ-kheo ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, hay ở trong phòng yên tĩnh tư duy, nên dùng pháp gì để chuyên tinh tư duy?”

Thượng tọa đáp:

“Này Tôn giả A-nan, nếu người nào ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh, nên dùng hai pháp này để chuyên tinh tư duy, đó là chỉ và quán[50].

Tôn giả A-nan lại hỏi Thượng tọa:

“Tu tập chỉ, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu được pháp gì? Tu tập quán, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu được pháp gì?”

Thượng tọa trả lời Tôn giả A-nan:

“Tu tập chỉ, cuối cùng thành tựu được quán. Tu tập quán, cũng thành tựu được chỉ. Nghĩa là Thánh đệ tử tu tập gồm cả chỉ và quán, chứng đắc các giải thoát giới.”

Tôn giả A-nan lại hỏi:

“Bạch Thượng tọa, thế nào là các giải thoát giới?”

Thượng tọa đáp:

“Này Tôn giả A-nan, đoạn giới, vô dục giới, diệt giới, đó gọi là các giải thoát giới.”

Tôn giả A-nan lại hỏi Thượng tọa:

“Thế nào là đoạn giới cho đến diệt giới?”

Thượng tọa đáp:

“Này Tôn giả A-nan, đoạn tất cả hành, đó gọi là đoạn giới. Đoạn trừ ái dục, đó là vô dục giới. Tất cả hành diệt, gọi là diệt giới.”

Tôn giả A-nan, sau khi nghe Thượng tọa nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, rồi đi thẳng đến chỗ năm trăm Tỳ-kheo, cung kính hỏi thăm, rồi ngồi lui qua một bên, bạch với năm trăm vị Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào trong lúc ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh tư duy, nên dùng pháp gì để chuyên tinh tư duy?”

Bấy giờ năm trăm Tỳ-kheo trả lời Tôn giả A-nan:

“Nên dùng hai pháp chuyên tinh mà tư duy.” Chi tiết, cho đến, “diệt giới,” như vị Thượng tọa đã nói trên kia.

Khi Tôn giả A-nan nghe năm trăm vị Tỳ-kheo nói như vậy, hoan hỷ tùy hỷ, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy, nên dùng phương pháp gì để chuyên tinh tư duy?”

Phật bảo A-nan:

“Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy, nên dùng hai pháp để chuyên tinh tư duy.” Chi tiết, cho đến, “diệt giới,” như năm trăm Tỳ-kheo đã nói.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, Bậc Đạo Sư và các đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng văn cú, đồng một nghĩa, đồng một vị. Hôm nay con đến Thượng tọa có tên là Thượng Tọa hỏi nghĩa này, Tôn giả ấy cũng đem nghĩa này, văn cú này, vị này giải đáp cho con, như những gì Thế Tôn đã nói hiện tại. Con lại đến chỗ năm trăm Tỳ-kheo cũng đem nghĩa này, văn cú này, vị này hỏi năm trăm Tỳ-kheo, họ cũng đem nghĩa này, câu này, vị này mà đáp như những gì Thế Tôn đã nói hiện tại. Cho nên biết rằng, Thầy và đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng văn cú, đồng một nghĩa, đồng một vị.”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Ngươi có biết vị Thượng tọa này là Tỳ-kheo như thế nào không?”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Thượng tọa này là A-la-hán, các lậu đã giũ sạch, đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được chánh trí, tâm khéo giải thoát. Năm trăm vị Tỳ-kheo kia cũng đều như vậy.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 465. TRƯỚC SỬ[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn[52]?”

Phật bảo La-hầu-la:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Nếu Tỳ-kheo nào đối với những gì thuộc địa giới, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, mà biết như thật, thì tất cả những thứ đó đều không phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Đối với thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới, lại cũng như vậy.

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy đối với thức thân này của chính mình và tất cả những tướng thuộc cảnh giới bên ngoài, thì không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn.

“Này La hầu la, nếu Tỳ-kheo nào đối với thức thân này và tất cả những tướng của cảnh giới ở bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn, thì đó gọi là dứt sự ràng buộc của ái, dứt các kết sử, đoạn trừ ái, dừng kiêu mạn, đắc hiện quán, đến tột cùng của mé khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 466. XÚC NHÂN[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn[54]?”

Phật bảo La-hầu-la:

“Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Ba thọ này do nhân gì, tập gì, sanh gì, chuyển gì? Tức là, ba thọ này, xúc là nhân, là tập, là sanh, là chuyển. Do xúc nhân như thế này, thế kia sanh các thọ như thế này, thế kia. Nếu xúc thế này thế kia diệt, thọ thế này thế kia cũng diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh. Biết như vậy, thấy như vậy thì ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 467. KIẾM THÍCH[55]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Quán sát lạc thọ mà khởi tưởng là khổ; quán sát khổ thọ mà khởi tưởng là kiếm đâm; quán sát không khổ không lạc thọ mà khởi tưởng là vô thường. Nếu Tỳ-kheo quán sát lạc thọ mà khởi tưởng là khổ, quán sát khổ thọ mà khởi tưởng là kiếm đâm, quán sát không khổ không lạc thọ mà khởi tưởng là vô thường, hoại diệt, thì đó gọi là chánh kiến.”

Sau đó Thế Tôn nói bài kệ:

Quán vui, khởi tưởng khổ,

Khổ thọ như kiếm đâm,

Đối với không khổ vui,

Tu tưởng vô thường, diệt;

Đó gọi là Tỳ-kheo

Thành tựu được chánh kiến.

Đạo an vui tịch diệt,

Trụ nơi mé cuối cùng,

Vĩnh viễn lìa phiền não,

Dẹp tan chúng quân ma.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 468. TAM THỌ[56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?”

Phật bảo Tôn giả La-hầu-la:

“Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi quán sát lạc thọ, vì muốn dứt trừ tham sử[57] đối lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh; vì muốn dứt trừ sân nhuế sử[58] đối với khổ thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh; vì muốn dứt trừ ngu si sử[59] đối với bất khổ bất lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh.

“Này La hầu la, nếu Tỳ-kheo nào đối với kết sử tham nơi lạc thọ đã dứt trừ, đã biết; đối với kết sử sân nhuế nơi khổ thọ đã dứt trừ, đã biết; và đối với kết sử si nơi bất khổ bất lạc thọ đã dứt trừ, đã biết, thì đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ ái dục, bứt các kết buộc, diệt kiêu mạn[60], đến tột cùng của mé khổ[61].”

Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Khi cảm nhận lạc thọ,

Thì không biết lạc thọ

Bị tham sử sai khiến,

Không thấy đường xuất ly.

Lúc cảm nhận khổ thọ,

Thì không biết khổ thọ

Bị sân nhuế sai sử,

Không thấy đường xuất ly.

Thọ không vui không khổ,

Đấng Chánh Giác đã nói,

Nếu không khéo quán sát,

Quyết không qua bờ kia.

Tỳ-kheo cần tinh tấn,

Chánh tri không động chuyển[62],

Như tất cả thọ nàyï,

Người trí thường hiểu biết.

Người hiểu biết các thọ,

Hiện tại hết các lậu,

Người trí sáng mạng chung,

Không rơi vào các số[63],

Các số đã dứt tuyệt,

Thường nhập Niết-bàn lạc.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 469. THÂM HIỂM[64]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Biển lớn sâu hiểm[65]. Đó là cái sâu hiểm mà người ngu ở thế gian này thường nói, không phải là sâu hiểm được nói trong pháp luật của Hiền thánh[66]. Những gì mà thế gian nói về sự sâu hiểm thì đó chỉ là sự tích tụ số lượng nước nhiều mà thôi. Nếu các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, thì đó mới gọi là nơi sâu hiểm vô cùng của biển lớn.

“Phàm phu ngu si không học, ở nơi các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà trường kỳ chìm đắm, không chỗ dừng nghỉ.

“Đa văn Thánh đệ tử, ở nơi các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà không chìm đắm sanh tử, được chỗ dừng nghỉ.”

Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Thân sanh các khổ thọ,

Bức bách cho đến chết,

Sầu bi không chịu nổi,

Than khóc, phát cuồng loạn.

Tâm tự sanh khốn quẫn,

Chiêu tập các khổ tăng,

Mãi chìm biển sanh tử,

Nào biết chỗ dừng nghỉ.

Xả các thọ nơi thân,

Khổ não sanh từ thân,

Bức bách cho đến chết,

Không khởi tưởng buồn lo,

Không than khóc kêu gào,

Thường nhẫn thọ các khổ,

Tâm không sanh chướng ngại,

Chiêu tập các khổ tăng,

Không chìm đắm sanh tử,

Quyết được nơi an ổn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 470. TIỄN[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm phu ngu si không học sanh khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Đa văn Thánh đệ tử cũng sanh khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Này các Tỳ-kheo, như vậy giữa phàm phu và Thánh nhân có gì sai khác?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói đầy đủ, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo tiếp:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, phàm phu ngu si không học, vì thân xúc chạm sanh các thọ, tăng thêm các khổ đau, cho đến bị cướp mất mạng sống, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu gào, tâm sanh cuồng loạn. Ngay lúc đó hai thọ tăng trưởng, là thân thọ và tâm thọ. Như có người thân bị trúng hai mũi tên độc, vô cùng đau đớn. Phàm phu ngu si không học lại cũng như vậy. Hai thọ tăng trưởng: thân thọ, tâm thọ vô cùng đau đớn, khổ sở. Vì sao? Vì phàm phu ngu si không học này vì không biết rõ, nên ở nơi ngũ dục mà phát sanh cảm xúc lạc thọ, lãnh thọ năm thứ dục lạc. Do lãnh thọ năm thứ dục lạc nên bị tham sử sai khiến[68]. Vì xúc chạm cảm thọ khổ nên sanh sân nhuế. Vì nổi sân nhuế nên bị nhuế sử sai khiến[69]. Nếu đối với sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại và xuất ly của hai thọ này mà không biết như thật; vì không biết như thật nên sanh cảm thọ không khổ không lạc, bị si sử sai khiến. Nó bị lạc thọ trói buộc, mãi không thể lìa[70]; bị khổ thọ trói buộc, trọn không thể lìa; bị cảm thọ không khổ không lạc trói buộc, cuối cùng không thể lìa.

“Cái gì trói buộc? Bị tham, nhuế, si trói buộc; bị sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trói buộc.”

“Đa văn Thánh đệ tử, thân xúc sanh khổ thọ, khổ lớn bức bách… cho đến cướp mất sanh mạng, mà không khởi lo buồn, thán oán, khóc lóc, kêu gào, loạn tâm phát cuồng. Ngay lúc đó chỉ sanh một thứ thọ, đó là thân thọ, chứ không sanh tâm thọ. Như người bị một mũi tên độc, không bị mũi tên độc thứ hai, ngay khi đó chỉ sanh có một cảm thọ, đó là thân thọ mà không sanh tâm thọ. Khi xúc chạm lạc thọ, không nhiễm dục lạc. Vì không nhiễm dục lạc nên đối với lạc thọ này, tham sử không sai khiến. Khi xúc chạm khổ thọ không sanh sân nhuế. Vì không sanh sân nhuế, nên nhuế sử không thể sai khiến. Nếu đối với sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, sự xuất ly của hai sử này mà biết như thật; vì biết như thật cảm thọ không khổ không lạc, nên si sử không thể sai khiến được. Đối với lạc thọ được giải thoát, không bị trói buộc; khổ thọ, không khổ không lạc thọ cũng được giải thoát, không bị trói buộc.

“Không bị cái gì trói buộc? Tham, nhuế, si không trói buộc; sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não không trói buộc.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Đa văn đối khổ vui,

Không phải không cảm giác.

So với kẻ không học,

Người này thật xa khác[71].

Thọ lạc, không buông lung,

Gặp khổ không tăng sầu;

Khổ vui thảy đều bỏ,

Không thuận cũng không trái.

Tỳ-kheo siêng phương tiện,

Chánh trí không khuynh động[72],

Đối với các thọ nàyï,

Trí tuệ thường biết rõ.

Vì biết rõ các thọ,

Hiện tại sạch các lậu,

Khi chết không đọa lạc[73],

An trú Đại Niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 471. HƯ KHÔNG[74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như giữa hư không, gió lộng từ bốn phương thổi đến như gió có bụi bặm, gió không bụi bặm, gió tỳ-thấp-ba[75], gió tỳ-lam-bà[76], gió mỏng, gió dày, cho đến phong luân gió dậy. Gió cảm thọ trong thân cũng như vậy. Đủ các thứ thọ khởi lên như lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ. Đó là những cảm thọ lạc của thân, cảm thọ khổ của thân, cảm thọ không khổ không lạc của thân; cảm thọ lạc của tâm, cảm thọ khổ của tâm, cảm thọ không khổ không lạc của tâm; cảm thọ thực vị lạc[77], cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không khổ không lạc; cảm lạc thọ phi thực vị, cảm thọ khổ phi thực vị, cảm thọ không khổ không lạc phi thực vị; cảm thọ lạc do tham, cảm thọ khổ do tham, cảm thọ không khổ không lạc do tham; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất ly, cảm thọ không khổ không lạc xuất ly.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Như ở giữa hư không,

Các gió cuồng nổi dậy;

Gió Đông, Tây, Nam, Bắc,

Bốn phương đều như vậy.

Có bụi và không bụi,

Cho đến phong luân khởi.

Cũng vậy trong thân này,

Các thọ cũng dấy lên.

Hoặc lạc, hoặc khổ thọ,

Và không khổ không lạc,

Có ăn cùng không ăn,

Tham trước không tham trước.

Tỳ-kheo siêng phương tiện,

Chánh trí không lay động[78],

Đối với các thọ này,

Trí tuệ thường biết rõ.

Vì biết rõ các thọ,

Hiện tại sạch các lậu,

Khi chết không đọa lạc[79],

An trụ Bát-niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 472. KHÁCH XÁ[80]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như nhà khách có đủ hạng người đến ở. Hoặc Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, gia chủ, cư sĩ, người nhà quê, thợ săn, người trì giới, người phạm giới, người tại gia, người xuất gia. Tất cả đều trọ ở trong đó. Thân này cũng lại như vậy. Đủ các thứ thọ sanh khởi như khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ; thân thọ lạc, thân thọ khổ, thân thọ không khổ không lạc; tâm thọ lạc, tâm thọ khổ, tâm thọ không khổ không lạc; cảm thọ thực vị lạc[81], cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không khổ không lạc; cảm thọ phi thực vị lạc, cảm thọ phi thực vị khổ, cảm thọ phi thực vị không khổ không lạc; cảm thọ lạc do tham trước, cảm thọ khổ do tham trước, cảm thọ không khổ không lạc do tham trước; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất ly, cảm thọ không khổ không lạc xuất ly.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Như ở trong nhà khách,

Đủ hạng người ở trọ,

Sát-lợi, Bà-la-môn,

Gia chủ và cư sĩ,

Chiên-đà-la, dân quê,

Người trì giới, phạm giới,

Kẻ tại gia, xuất gia,

Nhiều hạng người như vậy.

Thân này cũng như vậy,

Các thứ cảm thọ sanh,

Hoặc vui, hoặc khổ thọ,

Và không khổ không lạc,

Thực vị, phi thực vị,

Tham đắm, không tham đắm.

Tỳ-kheo siêng phương tiện,

Chánh trí không lay động,

Đối với các thọ này,

Trí tuệ thường biết rõ,

Vì biết rõ các thọ,

Hiện tại hết các lậu,

Khi chết không đọa lạc,

An trụ Bát-niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 473. THIỀN[82]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng[83], thiền tịnh, tư duy: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?”

Tỳ-kheo này suy nghĩ như vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con ở chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh tư duy có nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ta, vì tất cả hành đều vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi nên nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Biết các hành vô thường,

Đều là pháp biến dịch,

Nên nói thọ là khổ,

Chánh Giác biết điều này.

Tỳ-kheo siêng phương tiện,

Chánh trí không lay động,

Đối với tất cả thọ,

Trí tuệ thường biết rõ.

Biết rõ tất cả thọ,

Hiện tại hết các lậu,

Khi chết không đọa lạc,

An trụ Bát-niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 474. CHỈ TỨC[84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở một mình chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?’

Suy nghĩ vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, lúc con một mình ở chỗ vắng, thiền tịnh tư duy rằng: ‘Như lời Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?”

Phật bảo A-nan:

“Ta, vì tất cả hành là vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi, nên nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Lại nữa A-nan, Ta, vì các hành tuần tự tịch diệt[85], vì các hành tuần tự tĩnh chỉ[86], nên Ta nói tất cả thọ đều là khổ.”

A-nan bạch Phật:

“Thế Tôn vì các hành tuần tự tịch diệt mà nói, là nghĩa thế nào?”

Phật bảo A-nan:

“Khi nhập[87] Sơ thiền, thì ngôn ngữ tich diệt. Nhập Nhị thiền thì giác quán[88] tịch diệt. Nhập Tam thiền, tâm hỷ tịch diệt[89]. Nhập Tứ thiền, hơi thở ra vào tịch diệt. Nhập Không nhập xứ[90], sắc tưởng tịch diệt. Nhập Thức nhập xứ[91], tưởng không nhập xứ vắng lặng. Nhập Vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập xứ tịch diệt. Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ tịch diệt. Nhập Tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tịch diệt. Đó gọi là các hành dần dần vắng lặng.”

A-nan bạch Phật:

“Thế Tôn vì các hành tuần tự tĩnh chỉ mà nói, là nghĩa thế nào?”

Phật bảo A-nan:

“Khi nhập Sơ thiền, ngôn ngữ tĩnh chỉ. Nhập Nhị thiền thì giác quán tĩnh chỉ. Nhập Tam thiền, tâm hỷ tĩnh chỉ. Nhập Tứ thiền, hơi thở ra vào tĩnh chỉ. Nhập Không nhập xứ, sắc tưởng tĩnh chỉ. Nhập Thức nhập xứ, tưởng không nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tĩnh chỉ. Đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ.”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có phải đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ?”

Phật bảo A-nan:

“Lại có sự tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được.”

A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, những gì là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được?”

Phật bảo A-nan:

“Đối với tham dục, mà tâm ly nhiễm, giải thoát; với sân nhuế, mà tâm ly nhiễm, giải thoát; đó gọi là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 475. TIÊN TRÍ[92]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Phật Tỳ-bà-thi, khi chưa thành đạo, một mình ở chỗ thanh vắng thiền tịnh tư duy, bằng quán sát thọ như vầy mà quán sát các thọ: ‘Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là sự xuất ly thọ?’ Như vậy quán sát, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt thì thọ diệt. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, không đắm nhiễm, không hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

“Giống như Phật Tỳ-bà-thi; Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca Tôn-đề, Phật Ca-na-ca Mâu-ni, Phật Ca-diếp và Ta là Phật Thích-ca Văn, khi chưa thành Phật, cũng lại tư duy quán sát các thọ như vậy.”[93]

*

KINH 476. THIỀN TƯ[94]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo, một mình ở chỗ vắng vẻ, thiền tịnh, tư duy, quán sát các thọ như vầy: Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là xuất ly thọ?

Bấy giờ, Tỳ-kheo này sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi chỗ vắng thiền tịnh, tư duy, quán sát các thọ: Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là sự xuất ly thọ?

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt tận thì thọ diệt tận. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 477. A-NAN SỞ VẤN[95]

Như kinh Tỳ-kheo hỏi ở trên, kinh này Tôn giả A-nan cũng hỏi như vậy.

*

KINH 478. TỲ-KHEO[96]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói đầy đủ, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi; khi xúc diệt tận, thọ diệt tận. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 479. GIẢI THOÁT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Ta không biết như thật đối với các thọ; không biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, thì Ta ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người, không được giải thoát, xuất thọ, thoát khỏi các điên đảo, cũng không phải Chánh Đẳng Chánh Giác[97]. Vì Ta biết như thật đối với các thọ, sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất thọ, nên ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người, Ta là Bậc Giải Thoát, là Bậc Xuất Ly, là Bậc ra khỏi các điên đảo và đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 480. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN[98]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật đối với các thọ; không biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người này không phải là Sa-môn, không phải là Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn, Bà-la-môn, cũng không phải nghĩa Sa-môn, cũng không phải nghĩa Bà-la-môn[99], ngay trong đời hiện tại không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật đối với các thọ; biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người này là Sa-môn của Sa-môn, Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn, đồng với Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, ngay trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

“Như Sa-môn, không phải Sa-môn. Cũng vậy, Sa-môn số[100] và không phải Sa-môn số cũng đều như vậy.”

*

KINH 481. NHẤT-XA-NĂNG-GIÀ-LA[101]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong rừng Nhất-xa-năng-già-la[102], nước Nhất-xa-năng-già-la. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta muốn ở lại tại đây nửa tháng để ngồi thiền. Các Tỳ-kheo, chớ đi du hành nữa[103], trừ khi đi khất thực và Bố tát.”

Rồi tọa thiền, không du hành nữa.

Bấy giờ, qua nửa tháng, Thế Tôn trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Khi Ta, bằng một ít thiền phần của thiền pháp được tư duy khi mới thành Phật, nay trong tháng này, tư duy rằng: Sự sanh khởi của tất cả cảm thọ của chúng đều có nhân duyên, không phải không có nhân duyên.

“Những gì là nhân duyên? Dục là nhân duyên, giác[104] là nhân duyên, xúc là nhân duyên. Này các Tỳ-kheo, nếu dục không được diệt tận[105], giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Nếu dục kia được diệt tận, nhưng giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, nhưng xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, xúc diệt tận; nhưng do nhân duyên kia mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh, là do nhân duyên cái kia diệt tận, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Vì nhân duyên tà kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; vì nhân duyên tà kiến không diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; vì nhân duyên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên tà trí không diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Do nhân duyên chánh kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh kiến tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát và chánh trí nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh trí tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Nếu dục này không được mà được, không thu hoạch mà thu hoạch, không chứng mà chứng, thì cũng vì nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh, vì nhân duyên cái kia tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Đó gọi là vì nhân duyên không diệt tận, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; và vì nhân duyên diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên, con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên, con đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy, thì người này không phải là Sa-môn của Sa-môn, không phải Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn của Sa-môn, không đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đúng nghĩa Sa-môn, không đúng nghĩa Bà-la-môn, đối với pháp hiện tại không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, mà biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên, con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên và con đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy, thì người này là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn của Sa-môn, đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, đối với pháp hiện tại tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 482. HỶ LẠC[106]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đang mùa hạ an cư, gia chủ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì gia chủ, bằng nhiều hình thức mà thuyết pháp, khai thị, soi sáng, chỉ dạy, làm cho hoan hỷ. Sau khi được Phật khai thị, soi sáng, chỉ giáo, làm cho hoan hỷ, gia chủ đứng dậy sửa lại y phục, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi chắp tay, bạch Phật:

“Cúi xin Thế Tôn và đại chúng từ bi thọ nhận lời thỉnh nguyện của con, trong ba tháng hạ, cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn yên lặng nhận lời. Khi ấy Cấp Cô Độc biết Phật đã im lặng nhận lời rồi, đứng dậy từ giã trở về nhà mình. Qua ba tháng, ông đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Phật bảo Cấp Cô Độc:

“Lành thay, gia chủ! Ông ba tháng qua đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do vào sự trang nghiêm tịnh trị thượng đạo[107] này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại ông không nên mặc nhiên thụ hưởngï sự an lạc này, phải tinh tấn lúc nào cũng học, để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly[108].”

Bấy giờ, gia chủ Cấp Cô Độc nghe Phật dạy như vậy, tùy hỷ hoan hỷ, đứng dậy đảnh lễ ra về.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi giữa đại chúng, biết ông Cấp Cô Độc đã về rồi, liền bạch Phật:

“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Khéo vì gia chủ Cấp Cô Độc thuyết pháp khích lệ ông Cấp Cô Độc rằng: ‘Ông ba tháng đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do vào sự tịnh trị thượng đạo này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại ông không nên mặc nhiên thụ hưởngï phước báo này, phải tinh tấn lúc nào cũng học, để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly.’

“Bạch Thế Tôn, giả sử Thánh đệ tử học để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, sở đắc viễn ly năm pháp[109] và phải tu tập viên mãn năm pháp.

“Thế nào là viễn ly năm pháp? Đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi dục, đoạn trừ ưu được nuôi lớn bởi dục, đoạn trừ xả được nuôi lớn bởi dục; đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi pháp bất thiện, đoạn trừ ưu được nuôi lớn bởi pháp bất thiện. Đó gọi là năm pháp viễn ly.

“Thế nào là tu tập viên mãn năm pháp? Đó là tùy hỷ, hoan hỷ, khinh an[110], lạc và nhất tâm.”

Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đúng thế, đúng thế! Nếu Thánh đệ tử học để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, sở đắc viễn ly năm pháp và phải tu tập viên mãn năm pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 483. VÔ THỰC LẠC[111]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có niệm có thực vị, có niệm không thực vị[112], có niệm vừa không thực vị vừa có thực vị. Có lạc có thực vị, có lạc không thực vị, có lạc vừa không thực vị vừa có thực vị. Có xả có thực vị, có niệm không thực vị, có xả vừa không thực vị vừa có thực vị. Có giải thoát có thực vị, có giải thoát không thực vị, có giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.

“Thế nào là niệm có thực vị? Niệm[113] sanh ra do năm dục làm nhân duyên.

“Thế nào là niệm không thực vị? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện; có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, thành tựu và an trụ Sơ thiền. Đó gọi là niệm không thực vị.

“Thế nào là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị?ø Tỳ-kheo có giác, có quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và trụ Nhị thiền. Đó gọi là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị.

“Thế nào là lạc có thực vị? Lạc, hỷ, do năm dục làm nhân duyên sanh ra. Đó gọi là lạc có thực vị.

“Thế nào là lạc không thực vị? Dứt có giác có quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh. Đó gọi là vô thực lạc.

“Thế nào là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo lìa hỷ, tham, an trụ xả tâm với chánh niệm, chánh tri, trụ an lạc, điều mà Thánh nói là xả. Đó gọi là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị.

“Thế nào là xả có thực vị? Xả do ngũ dục làm nhân duyên sanh ra. Đó gọi là xả có thực vị.

“Thế nào là xả không thực vị? Tỳ-kheo lìa hỷ tham, an trụ xả tâm, với chánh niệm, chánh tri, an trụ lạc, điều Thánh nói là xả, thành tựu và an trú Tam thiền. Đó gọi là xả không thực vị.

“Thế nào là xả vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo xa lìa khổ, dứt lạc; ưu và hỷ trước đã dứt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, nhất tâm, thành tựu và an trụ Tứ thiền. Đó gọi là vừa không thực vị vừa có thực vị.

“Thế nào là giải thoát có thực vị? Hành cùng đi với sắc[114].

“Thế nào là vô thực giải thoát? Hành cùng đi với vô sắc.

“Thế nào là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo kia, giải thoát với tâm không nhiễm tham dục, không nhiễm sân nhuế, ngu si. Đó gọi là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 484. BẠT-ĐÀ-LA[115]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Bạt-đà-la[116] và Tôn giả A-nan đều ở vườn Cấp cô độc rừng cây Kỳ-đà. Khi ấy Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả Bạt-đà-la. Sau khi thăm hỏi sức khỏe xong, ngồi xuống một bên, rồi Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Bạt-đà-la:

“Thế nào gọi là thấy đệ nhất[117]? Thế nào là nghe đệ nhất? Thế nào là lạc đệ nhất? Thế nào là tưởng đệ nhất? Thế nào là hữu đệ nhất[118]?”

Tôn giả Bạt-đà-la nói với Tôn giả A-nan:

“Có Phạm thiên, là đấng tự tại, tạo tác, biến hóa như ý, là cha của thế gian. Thấy được Phạm thiên thì gọi đó là cái thấy đệ nhất.

“Này A-nan, có chúng sanh có hỷ lạc do viễn ly sanh thấm nhuần khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác hân hoan, toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi hỷ lạc phát sanh do viễn ly. Chúng sanh này, sau khi xuất định, xướng lên giữa đại chúng: ‘Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sanh này! Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sanh này!’ Nghe được âm thanh này thì gọi là cái nghe đệ nhất.

“Lại nữa A-nan, nếu có chúng sanh ở nơi thân này có lạc do đã lìa hỷ thấm nhuần khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác hân hoan, toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi lạc do đã lìa hỷ này. Đó gọi là lạc đệ nhất.

“Thế nào là tưởng đệ nhất? Này A-nan, có chúng sanh vượt qua tất cả thức nhập xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ vô sở hữu nhập xứ. Nếu khởi lên tưởng này, thì gọi là tưởng đệ nhất.

“Thế nào là hữu đệ nhất? Lại nữa A-nan, có chúng sanh vượt qua tất cả Vô sở hữu nhập xứ, thành tựu và an trụ Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ. Nếu khởi hữu này, thì gọi là hữu đệ nhất.”

Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Bạt-đà-la:

“Có nhiều người thấy như vậy, nói như vậy; vậy thì Tôn giả cũng giống họ, đâu có khác gì? Tôi dùng phương tiện hỏi Tôn giả, Tôn giả hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Tôn giả mà nói. Theo như cái được quán sát này, mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái thấy đệ nhất. Theo như điều được nghe mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái nghe đệ nhất. Theo như lạc được phát sanh mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là lạc đệ nhất. Theo như điều được tưởng mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là tưởng đệ nhất. Như thực quán sát, lần lượt diệt tận các lậu, thì đó mới gọi là hữu đệ nhất.”

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ sau khi bàn luận xong, đứng dậy cáo từ.

*

KINH 485. ƯU-ĐÀ-DI[119]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ vua Bình-sa[120] đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“Đức Thế Tôn nói có bao nhiêu thọ?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Tâu Đại vương, Thế Tôn nói ba thọ: thọ khổ, thọ lạc thọ không khổ không lạc.”

Vua Bình-sa bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“Chớ nói như vậy, rằng ‘Thế Tôn nói ba thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc.’ Nhưng đúng ra phải nói có hai thọ là thọ khổ và thọ lạc. Thọ không khổ không lạc là tịch diệt.”

“Nói ba lần như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di không thể xác lập ba thọ với vua và vua cũng không thể xác lập hai thọ. Cả hai cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di bạch lại với Phật những sự việc trên một cách đầy đủ:

“Con cũng không thể xác lập được ba thọ và vua cũng không thể xác lập được hai thọ; nên nay chúng con cùng đến hỏi Thế Tôn, xin quyết định nghĩa này, là có mấy thọ?”

Phật bảo Tôn giả Ưu-đà-di:

“Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, hoặc có khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi sáu, cho đến một trăm lẻ tám thọ, hoặc có khi nói vô lượng thọ.

“Ta nói một thọ như thế nào? Như nói, ‘Những gì là thọ đều là khổ.’ Đó gọi là Ta nói có một thọ.

“Ta nói hai thọ như thế nào? Nói, ‘Thân thọ và tâm thọ.’ Đó gọi là có hai thọ.

“Thế nào là ba thọ? Thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui.

“Thế nào là bốn thọ? Thọ hệ thuộc Dục giới, thọ hệ thuộc Sắc giới, thọ hệ thuộc Vô sắc giới và thọ không hệ thuộc.

“Thế nào là nói năm thọ? Lạc căn, hỷ căn, khổ căn, ưu căn và xả căn. Đó gọi là năm thọ.

“Thế nào là sáu thọ? Thọ sanh từ nhãn xúc, thọ sanh từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Đó gọi là sáu thọ.

“Thế nào là mười tám thọ? Thọ, theo sáu hỷ hành, sáu ưu hành và sáu xả hành. Đó gọi là mười tám thọ.

“Thế nào là ba mươi sáu thọ? Hỷ y sáu tham trước, hỷ y sáu ly tham; ưu y sáu tham trước, ưu y sáu ly tham; xả y sáu tham trước, xả sáu ly tham. Đó gọi là ba mươi sáu thọ.

“Thế nào là một trăm lẻ tám thọ? Ba mươi sáu thọ quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai và ba mươi sáu thọ hiện tại. Đó gọi là một trăm lẻ tám thọ.

“Thế nào là vô lượng thọ? Như nói thọ này, thọ kia v.v… Này Tỳ-kheo, như vậy gọi là vô lượng thọ.

“Này Ưu-đà-di, Ta bằng nhiều hình thức như vậy nói như thật nghĩa của thọ. Thế gian không hiểu, nên tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau, trọn không nắm được nghĩa chân thật trong pháp luật của Ta, để tự dừng lại.

“Này Ưu-đà-di, nếu đối với nghĩa của nhiều loại thọ mà Ta đã nói đây, hiểu biết như thật, thì không khởi tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau. Với tranh luận đã khởi lên hay chưa khởi lên, có thể bằng pháp luật này mà ngăn ngừa, khiến cho nó đình chỉ.

“Nhưng này Ưu-đà-di, có hai thọ: thọ dục và thọ ly dục. Thế nào là thọ dục? Thọ do nhân duyên năm công đức của dục sanh ra, đó gọi là thọ dục. Thế nào là thọ ly dục? Tỳ-kheo ly dục và pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền, đó gọi là thọ ly dục.

“Nếu có người nói: ‘Chúng sanh nương vào Sơ thiền này, chỉ có đây là lạc, ngoài ra không còn gì khác.’ Điều này không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn cái lạc này. Đó là gì? Tỳ-kheo lìa có giác, lìa có quán, nội tĩnh, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an trụ Nhị thiền; đó gọi là lạc thù thắng. Như vậy, cho đến, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, càng lên càng thù thắng hơn.

“Nếu có người nói: ‘Chỉ có những xứ này, cho đến, Phi tưởng phi phi tưởng là cực lạc, không còn chỗ nào khác.’ Như vậy cũng lại không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn những nơi này nữa. Đó là gì? Tỳ-kheo vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng thành tựu; đó là cái lạc thù thắng hơn cái lạc trên.

“Nếu có kẻ xuất gia dị học nói: ‘Sa-môn Thích tử chỉ nói đến tưởng thọ diệt và cho là đã đến chỗ tận cùng của lạc’, điều này không đúng. Vì sao? Vì đây không phải là danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn đã nói. Danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn nói là, như nói: ‘Này Ưu-đà-di, có bốn thứ lạc. Những gì là bốn? Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt và lạc Bồ-đề.’”

Phật nói kinh này xong, Ưu-đà-di và vua Bình-sa nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 486. NHẤT PHÁP (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với một pháp, mà sanh chân chánh nhàm tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ chứng đắc lậu tận. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.

“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp. Đối với mười pháp này, thật sự nhàm tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ đến chỗ tận cùng mé khổ và giải thoát khỏi khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 488. NHẤT PHÁP (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ tận trừ các lậu hoặc. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.

“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp. Đối với mười pháp này, chân chánh quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ diệt trừ hết các lậu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 489. NHẤT PHÁP (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của mé khổ và giải thoát khỏi khổ. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.

“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là chín chỗ ở của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp. Đối với mười pháp này, chân chánh quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận,

 quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của mé khổ và giải thoát khỏi khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

TẠP A-HÀM QUYỂN 18

KINH 490. DIÊM-PHÙ-XA[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Na-la[2], nước Ma-kiệt-đề.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ở xóm Na-la, Ma-kiệt-đề.

Khi ấy, có xuất gia ngoại đạo tên là Diêm-phù-xa[3], là bạn cũ của Xá-lợi-phất[4], đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Xá-lợi-phất:

“Trong pháp luật của Hiền thánh có việc gì khó[5]?”

Xá-lợi-phất bảo Diêm-phù-xa:

“Chỉ có xuất gia là khó.”

“Xuất gia, cái gì là khó?”

Đáp:

“Ái lạc[6] khó.”

“Ái lạc, cái gì là khó?”

Đáp:

“Thường tu tập thiện pháp là khó[7].”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành[8]nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì thiện pháp tăng trưởng không?”

Đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo: chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.”

Diêm-phù-xa nói:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, thì chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận được các hữu lậu.”

Khi ấy hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Tương tự như kinh trên, với những câu hỏi của Diêm-phù-xa, gồm bốn mươi kinh[9].

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[10]

“Thế nào là vị khéo thuyết pháp? Thế nào là vị chánh hướng trong đời[11]? Thế nào là vị thiện thệ trong đời[12]?”

Xá-lợi-phất nói:

“Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; đó gọi là vị khéo thuyết pháp. Nếu hướng đến sự điều phục dục tham, hướng đến sự điều phục sân nhuế, hướng đến sự điều phục ngu si; đó gọi là chánh hướng. Nếu tham dục đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; sân nhuế và ngu si đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; đó gọi là thiện thệ.”

Lại hỏi:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì có thể phát khởi thiện thệ[13]?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[14]

“Nói là Niết-bàn; thế nào là Niết-bàn?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Niết-bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn của tham dục; sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn tận vĩnh viễn của tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết-bàn.”

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thì chứng đắc Niết-bàn chăng?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[15]

“Vì sao ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Vì để đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh[16].”

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có đoạn được tham dục, sân nhuế, ngu si không?”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[17]

“Nói là hữu lậu đã đoạn tận. Thế nào là hữu lậu đã được đoạn tận?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu lậu có ba[18]; đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu và vô minh hữu lậu. Ba thứ hữu lậu này đã trừ hết, không còn sót, nên gọi là hữu lậu đã được đoạn tận.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì các lậu trừ hết không.”

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[19]

“Nói là A-la-hán. Thế nào là A-la-hán?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Tham dục, sân nhuế, ngu si đã trừ sạch không còn sót, thì gọi là A-la-hán.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để chứng đắc A-la-hán không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[20]

“Nói là A-la-hán. Thế nào là A-la-hán?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn diệt tận không còn sót, đó gọi là A-la-hán.”

Lại hỏi:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì chứng đắc A-la-hán không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[21]

“Nói là vô minh. Thế nào là vô minh?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Nói là vô minh, là không biết tiền tế, không biết hậu tế, không biết tiền, hậu, trung tế[22]; không biết Phật, Pháp, Tăng; không biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không biết thiện, bất thiện và vô ký; không biết trong, không biết ngoài. Nếu đối với những sự này hay sự kia mà không biết, bị ám chướng, đó gọi là vô minh[23].”

Diêm-phù-xa nói với Xá-lợi-phất:

“Đây là khối u ám vĩ đại.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đoạn trừ vô minh không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[24]

“Gọi là hữu lậu. Thế nào là hữu lậu?”

Như trên đã nói.[25]

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[26]

“Nói là hữu. Thế nào là hữu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu có ba; đó là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có hướng đến nào để tu tập và khi tu tập nhiều thì có đoạn trừ những hữu này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[27]

“Nói là hữu thân[28]; thế nào là hữu thân?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Hữu thân, đó là năm thọ ấm. Thế nào là năm thọ ấm? Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào, để đoạn trừ hữu thân này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[29]

“Nói là khổ; thế nào là khổ?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Khổ là chỉ cho sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái xa cách nhau khổ, oán ghét gặp nhau khổ, những gì cầu không được khổ, lược nói về khổ của năm thọ ấm, thì đó gọi là khổ.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ những khổ này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[30]

“Nói là lưu[31]; thế nào là lưu?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những lưu này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[32]

“Nói là ách[33]; thế nào là ách?”

Ách cũng nói như lưu.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[34]

“Nói là thủ[35]; thế nào là thủ?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ và giới thủ.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những thủ này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[36]

“Nói là hệ phược[37];thế nào là hệ phược?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Phược có bốn, đó là tham dục phược, sân nhuế phược, giới thủ phược và ngã kiến phược.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những phược này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[38]

“Gọi là kết; vậy thế nào là kết?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Kết có chín[39], đó là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, tha thủ kết[40], nghi kết, tật kết và xan kết.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ những kết này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[41]

“Gọi là sử, vậy thế nào là sử?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Sử có bảy, đó là tham dục sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử và nghi sử.”[42]

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những sử này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[43]

“Gọi là dục, vậy thế nào là dục?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.

“Này Diêm-phù-xa, năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư duy.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất liền nói bài kệ:

“Tất cả sắc thế gian,

Không phải ái dục sử[44],

Duy chỉ là giác tưởng,

Đó chính là người dục[45].

Bao nhiêu hiện sắc này,

Thường ở tại thế gian,

Điều phục tâm ái dục,

Đó là người thông tuệ.”

Diêm-phù-xa hỏi lại Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, thì có thể đoạn trừ được những dục này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bà luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[46]

“Gọi là cái; thế nào là cái[47]?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Cái có năm, đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái và nghi cái.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừđược những cái này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[48]

“Gọi là sự nghỉ ngơi, vậy thế nào là sự nghỉ ngơi?”[49]

Xá-lợi-phất đáp:

“Sự nghỉ ngơi là sự đoạn trừ ba kết sử.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[50]

“Nói là đạt đến sự nghỉ ngơi; thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến sự nghỉ ngơi là ba kết sử đã bị đoạn, đã được biết.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[51]

“Gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[52], vậy thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng là đã vĩnh viễn đoạn tận tham dục, sân nhuế và ngu si[53]. Đó gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng[54].”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[55]

“Gọi là đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng[56]; thế nào là được chỗ dừng nghỉ bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng là đối với tham dục vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn; đối với sân nhuế, ngu si, vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đó gọi là chỗ dừng nghỉ bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[57]

“Nói là thanh lương[58], vậy thế nào là thanh lương?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch; tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân nhuế.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, để có thể đoạn trừ năm hạ phần kết này, để đạt đến thanh lương không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[59]

“Gọi là được thanh lương, vậy thế nào là được thanh lương?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đối với năm hạ phần kết đã đoạn tận, đã niệm tri, đó gọi là được thanh lương.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[60]

“Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Thanh lương bậc thượng là khi tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn; tất cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó gọi là thanh lương bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì đạt được thanh lương bậc thượng không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[61]

“Nói là đạt được thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là đạt được thanh lương bậc thượng?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Đạt được thanh lương bậc thượng là đối với tham dục đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn; đối với sân nhuế và ngu si đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn. Đó gọi là đạt được thanh lương bậc thượng.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì được thanh lương bậc thượng này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất[62]:

“Gọi là ái, vậy thế nào là ái?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Ái có ba, đó là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể diệt trừ được ba ái này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[63]

“Gọi là nghiệp đạo[64], vậy thế nào là nghiệp đạo?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Nghiệp đạo. đó là mười nghiệp đạo bất thiện, tức sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào để diệt trừ mười nghiệp đạo này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[65]

“Gọi là ô uế, vậy thế nào là ô uế?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Uế có ba, đó là tham dục, sân nhuế và ngu si.”

Lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì có thể trừ được ba uế này không?”

Xá-lợi-phất đáp:

“Có. Đó là tám Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giã nhau.

Như kinh Uế, cũng vậy các kinh nói về Cấu bẩn [32], Cấu ghét [33], Gai nhọn [34], Luyến [35] và Hệ phược [36] cũng như vậy.

*

KINH 491. SA-MÔN XUẤT GIA SỞ VẤN[66]

Như kinh Diêm-phù-xa hỏi, kinh Sa-môn xuất gia hỏi cũng như vậy.

*

KINH 492. NÊ THỦY[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào[68] được vô lượng tam-muội[69], thân tác chứng, thành tựuvà an trụ, nhưng đối với Niết-bàn, sự diệt tận của hữu thân[70], mà tâm không hoan hỷ[71], luyến tiếc hữu thân[72]. Giống như người tay dính keo mà nắm trên cành cây, thì tay liền bị dính trên cành không gỡ ra được. Vì sao? Vì keo dính tay.

“Nếu Tỳ-kheo tự thân đã tác chứng vô lượng Tam-ma-đề[73], nhưng tâm không hoan hỷ[74] đối với Niết-bàn, sự diệt tận của hữu thân[75]; luyến tiếc hữu thân, thì trọn không thể thoát ly, ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc mà phải sanh lại cõi này; cuối cùng rồi cũng không phá được sự si ám. Như bên cạnh làng có ao bùn; lớp bùn rất sâu. Lâu ngày trời không mưa, nước ao khô cạn, đất nứt nẻ ra[76]. Cũng vậy, Tỳ-kheo ngay trong đời này không được tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung cũng không sở đắc và sẽ trở lại đọa vào cõi này.

“Nếu có Tỳ-kheo nào được vô lượng tam-muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết-bàn, này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân. Giống như người dùng bàn tay khô ráo, sạch sẽ, vịn vào cành cây, thì tay sẽ không bị dính theo cây. Vì sao? Vì bàn tay sạch. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo nào được vô lượng tam-muội, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú, đối với sự diệt tận của hữu thân, Niết-bàn này khi hoại diệt mà tâm sanh ra tin vui, không luyến tiếc hữu thân; ngay trong đời này tùy thuận giáo pháp, cho đến khi mạng chung không còn sanh lại cõi này nữa.

“Cho nên Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh. Giống như bên cạnh làng có ao bùn, nước từ bốn phía chảy vào, trời lại hay mưa, nước thường vào ao đầy dẫy, đồ dơ bẩn chảy ra hết, ao nước này trở nên trong sạch. Cũng vậy Tỳ-kheo ngay trong đời này mà tùy thuận giáo pháp; cho đến khi mạng chung sẽ không còn sanh trở lại cõi này. Bởi vậy, Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện phá tan vô minh.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 493. THỪA THUYỀN NGHỊCH LƯU[77]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đây. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo a-luyện-nhã[78], hoặc ở giữa đất trống, trong rừng, dưới bóng cây, nên học như vầy: Quay vào bên trong mà tư duy, quán sát, tự biết trong tâm còn có dục tưởng không? Nếu không tự biết được, thì ở nơi cảnh giới hoặc ở nơi tịnh tướng, ở đó sẽ có ái dục khởi lên, trái với hạnh viễn ly[79]. Giống như người dùng sức chèo thuyền nghịch dòng đi lên, thân nếu hơi mệt mỏi, biếng nhác, thì thuyền quay trở lại, xuôi dòng đi xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo khi tư duy tịnh tưởng, trở lại sanh ra ái dục, trái với hạnh viễn ly. Tỳ-kheo này tu học, tu phương tiện thấp kém, hành không thuần tịnh. Vì vậy lại bị ái dục cuốn trôi, không được pháp lực, tâm không tĩnh lặng, tâm không chuyên nhất; đối với tịnh tướng kia theo đó mà sanh ái dục, trôi nổi lăn lóc, trái với hạnh viễn ly. Nên biết Tỳ-kheo này, không dám tự xác nhận là đối với năm phẩm chất của dục mà ly dục, giải thoát.

“Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi đất trống, trong rừng hoặc dưới bóng cây, tư duy như vầy: ‘Trong nội tâm ta đã ly dục chưa?’ Tỳ-kheo này sẽ ở nơi cảnh giới hoặc tiếp nhận tịnh tướng, mà biết tâm mình đã xa lìa tướng ấy, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy. Giống như lông chim vào lửa thì bị quắn lại, không có nở ra. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào, hoặc tiếp nhận tịnh tướng mà tùy thuận viễn ly, không tùy thuận tiến vào dòng xoáy.

“Tỳ-kheo, nên biết như vầy, đối với phương tiện thực hành tâm không biếng nhác, chứng đắc pháp, tịch tĩnh, tĩnh chỉ, an ổn, khoái lạc, thuần tịnh nhất tâm và tự nói: ‘Ta sau khi tư duy, đối với tịnh tướng, mà tùy thuận viễn ly, tùy thuận tu đạo, thì có thể tự xác nhận, đối với năm phẩm chất của dục, đã ly dục giải thoát.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả dạy, hoan hỷ, phụng hành.

*

KINH 494. KHÔ THỌ[80]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, sáng sớm, Tôn giả đắp y mang bát ra khỏi núi, vào thành Vương xá khất thực; thấy bên lề đường một cây đại thọ khô liền đến bên cây này trải tọa cụ ngồi ngay thẳng và nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào tu tập thiền tứ, đạt được thần thông, tâm được tự tại, muốn biến cây khô này thành đất, thì sẽ thành đất liền. Vì sao? Vì trong cây khô này có địa giới. Cho nên Tỳ-kheo có sức thần thông, tâm muốn tạo ra đất, tức thì thành đất không khác. Nếu có Tỳ-kheo nào đạt được sức thần thông, tự tại như ý, mà muốn khiến cây này thành nước, lửa, gió, vàng, bạc v.v… tất cả đều thành tựu không khác. Vì sao? Vì cây khô này có thủy giới. Cho nên, thiền tứ được sức thần thông, tự tại như ý; nếu muốn khiến cây khô này thành vàng, tức thì thành vàng không khác và những vật khác cũng đều thành tựu như vậy. Vì sao? Vì cây khô này có các giới. Cho nên, Tỳ-kheo thiền tứ, được sức thần thông, tự tại như ý, nến muốn làm thành các vật khác thì cũng đều thành tựu không khác. Tỳ-kheo nên biết, khi Tỳ-kheo thiền tứ, cảnh giới thần thông không thể nghĩ bàn. Cho nên, Tỳ-kheo phải tinh cần thiền tứ, học các thần thông.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 495. GIỚI[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Người phạm giới, vì phá giới nên sở y sút giảm, tâm không an trú với sự an lạc[82]. Vì tâm không an trú với sự an lạc nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam-muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật[83], sự yếm ly, ly dục, giải thoát, vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết-bàn. Giống như cây bị mục thì tất cả cành, lá, hoa, trái đều không thể thành tựu. Tỳ-kheo phạm giới lại cũng như vậy, công đức sút giảm[84], tâm không an trú với sự an lạc. Vì tâm không an trú với sự an lạc[85] nên mất hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, tam-muội tịch tĩnh; mất tri kiến như thật, sự yếm ly, ly dục, giải thoát. Do thoái thất giải thoát nên vĩnh viễn không thể đạt được Vô dư Niết-bàn.

“Tỳ-kheo trì giới, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam-muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết-bàn. Ví như gốc cây không bị mục thời cành, lá, hoa, trái đều được thành tựu. Tỳ-kheo trì giới lại cũng như vậy, căn bản đầy đủ, sở y đầy đủ, tâm được tin vui. Vì được tin vui nên tâm được hoan hỷ, tĩnh chỉ, an lạc, đạt đến tam-muội tịch tĩnh, thấy biết như thật, yếm ly, ly dục, giải thoát. Do được giải thoát, nhanh chóng đạt đến Vô dư Niết-bàn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 496. TRÁNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu các Tỳ-kheo khởi lên tranh cãi với nhau, có Tỳ-kheo phạm tội, Tỳ-kheo cử tội. Nhưng Tỳ-kheo này, nếu không bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, thì nên biết Tỳ-kheo này ngang ngạnh lâu dài, tranh cãi, kiện tụng càng tăng, chống đối nhau, nuôi hận càng ngày càng sâu. Đối với những tội lỗi đã khởi lên, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được.

“Nếu Tỳ-kheo đã khởi lên việc tranh tụng, nhưng Tỳ-kheo phạm tội, hay Tỳ-kheo cử tội, bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, chịu khiển trách, thì nên biết Tỳ-kheo này không ngang ngạnh lâu dài, không chống đối nhau và hận thù không còn tăng trưởng; đối với tội đã khởi có thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn cho dừng lại.

“Thế nào là Tỳ-kheo bằng tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát? Tỳ-kheo nên tư duy như vầy: ‘Ta thật sự không phải, không tốt, không nên tạo tội, để cho người khác bắt gặp mình. Nếu ta không tạo tội này thì người kia sẽ không bắt gặp. Vì người kia bắt gặp ta phạm tội, khiến họ không vui vẻ và hiềm trách nên cử tội. Còn những Tỳ-kheo khác nếu nghe cũng sẽ hiềm trách. Cho nên việc tranh tụng xảy ra lâu dài, tính nganh ngạnh càng tăng và tranh cãi với nhau. Đối với những tội đã khởi, không thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được. Nay ta tự biết như mình đã nộp thuế[86].’ Đó gọi là Tỳ-kheo đối với những tội đã khởi có thể tự quán sát.

“Thế nào là Tỳ-kheo cử tội có thể tự phản tỉnh quán sát? Tỳ-kheo cử tội nên nghĩ như vầy: ‘Trưởng lão Tỳ-kheo này phạm tội không tốt khiến ta bắt gặp. Nếu vị ấy không phạm tội không tốt đó thì ta đâu có bắt gặp. Vì ta đã bắt gặp tội của người này khiến không vui nên phải nói ra. Còn những Tỳ-kheo khác nếu bắt gặp thì cũng sẽ không vui và cũng sẽ nêu tội. Sự tranh tụng cứ như vậy kéo dài tăng trưởng không dừng, không thể dùng Chánh pháp luật để ngăn chặn những tội đã làm, khiến cho dừng lại. Từ ngày hôm nay ta tự mình từ bỏ nó, như mình nộp thuế.’ Như vậy Tỳ-kheo cử tội nên khéo y cứ vào tư duy đúng, để nội tĩnh quán sát.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, người có tội và người cử tội phải y cứ vào tư duy đúng, tự quán sát đừng để cho sự ngang ngạnh tăng trưởng thêm lên. Này các Tỳ-kheo, không nên tranh tụng nữa, nếu việc tranh tụng có khởi lên thì có thể dùng Chánh pháp luật ngăn chặn khiến nó dừng lại.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 497. CỬ TỘI[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo cử tội muốn cử tội người khác, khiến cho tâm an trụ, thì cần có bao nhiêu pháp để được cử tội người khác?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Nếu Tỳ-kheo nào khiến tâm an trụ, có đủ năm pháp được cử tội người khác. Năm pháp đó là: Thật, chứ không phải không thật. Đúng thời, chứ không phải phi thời. Ích lợi, chứ chẳng phải không ích lợi. Nhu nhuyến, chứ không thô bạo. Từ tâm, chứ không sân hận. Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào muốn cử tội thì phải đủ năm pháp này mới được cử tội người khác.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội, phải dùng bao nhiêu pháp để tự an được tâm mình?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội phải nhờ vào năm pháp khiến cho tâm mình được an. Phải nghĩ rằng, ‘Người này do đâu mà biết được? Hãy là sự thật chứ đừng là không thật. Mong cho đúng thời, chứ đừng khiến phi thời. Mong cho vì ích lợi chứ đừng khiến không vì ích lợi. Mong nhu nhuyến, đừng khiến thô bạo. Mong là từ tâm, đừng khiến sân hận. Này Xá-lợi-phất, người bị cử tội phải đủ năm pháp này thì mới tự an được tâm mình.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con thấy có sự cử tội người khác mà không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời, chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm. Bạch Thế Tôn, đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật đó, phải dùng bao nhiêu pháp vì lợi ích khiến cho hối cải?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo cử tội mà không đúng sự thật, phải dùng năm pháp vì lợi ích khiến cho hối cải. Nên nói với người ấy rằng, ‘Trưởng lão, hôm nay Trưởng lão cử tội, không thật chứ chẳng phải thật; Trưởng lão nên hối cải. Phi thời chứ chẳng phải đúng thời; không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi; thô bạo, chứ không nhu nhuyến; sân nhuế, chứ không có từ tâm; Trưởng lão nên hối cải.’ Này Xá-lợi-phất, đối với Tỳ-kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật, thì phải dùng năm pháp vì lợi ích này, khiến cho hối cải, cũng khiến cho Tỳ-kheo trong vị lai không vì người khác mà cử tội không đúng sự thật.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội không đúng sự thật, phải dùng bao nhiêu pháp để khiến cho không bị hối hận[88]?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội không đúng, thì phải nhờ vào năm pháp để không tự mình phải hối hận. Người này phải nghĩ như vầy, ‘Tỳ-kheo kia cử tội không thật, chứ chẳng phải thật; phi thời chứ chẳng phải thời; không vì lợi ích chứ chẳng phải vì lợi ích, thô bạo chứ chẳng phải nhu nhuyến, sân hận chứ không phải từ tâm. Ta thật sự không phải hối hận.’ Tỳ-kheo bị cử tội không thật đó phải nhờ vào năm pháp này để tự an tâm mình, không tự mình phải hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải không đúng thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận; Tỳ-kheo cử tội đúng đó nên bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo cử tội đúng sự thật, nên bằng năm pháp vì lợi ích để khiến cho không bị hối hận. Nên nói như vầy, ‘Trưởng lão, ngài đã cử tội đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải phi thời; vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; từ tâm chứ không phải sân hận.’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo nào cử tội đúng thì phải bằng năm pháp lợi ích này để khiến Tỳ-kheo đó không bị hối hận và cũng để cho Tỳ-kheo vị lai cử tội người khác đúng mà không bị hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng năm pháp lợi ích này để không bị hối hận. Nên nói như vầy, ‘Tỳ-kheo này cử tội đúng chứ không phải không đúng, ông chớ hối hận; đúng thời chứ không phải phi thời; nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, ông chớ hối hận.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con thấy Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà lại sân hận. Bạch ThếTôn, Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà sân hận, thì phải dùng bao nhiêu pháp để tự giải tỏa đối với sân hận?”

Phật dạy Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì phải dùng năm pháp để tự giải tỏa. Nên nói với người ấy rằng, ‘Trưởng lão, Tỳ-kheo cử tội ông là đúng sự thật chứ không phải không thật, ông chớ sân hận… cho đến từ tâm chứ không phải sân hận.’ Này Xá-lợi-phất, Tỳ-kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì nên dùng năm pháp này để đối với sân hận được giải tỏa.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có người cử tội đúng, có người không đúng; đối với hai người này con tự an tâm. Nếu kia đúng sự thật thì con phải tự biết. Nếu kia không đúng thì con phải tự hóa giải rằng, ‘Điều đó không đúng, nay ta tự biết là không có lỗi này.’ Bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như những gì Thế Tôn đã dạy trong kinh Thí dụ xẻ gỗ[89], dạy các Sa-môn: ‘Nếu có giặc đến bắt ông, rồi dùng cưa, cưa xẻ thân ông. Các ông đối với giặc mà khởi lên niệm ác, nói lời ác, thì tự sanh ra chướng ngại. Cho nên, Tỳ-kheo, nếu bị giặc dùng cưa, cưa xẻ thân các ông, các ông đối với giặc chớ khởi lòng ác và nói lời ác, chỉ tự làm chướng ngại mình mà thôi. Đối với những người đó nên sanh lòng từ bi, không oán hận; chứng nhập, thành tựu và trú với từ tâm cùng khắp bốn phương cảnh giới.’ Cho nên, bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như lời Thế Tôn đã dạy, đối với cái khổ thân bị cưa xẻ mà còn tự an nhẫn; huống chi những cái khổ nhỏ nhặt, hay những lời phỉ báng nhỏ nhặt mà không an nhẫn được. Vì mục đích của Sa-môn, vì ước muốn của Sa-môn, muốn đoạn trừ pháp bất thiện, muốn tu tập pháp thiện thì đối với pháp bất thiện này nên đoạn trừ; và đối với pháp thiện thì nên phương tiện tu tập tinh cần, khéo tự phòng ngừa, buộc niệm tư duy, không để buông lung. Hãy tu học như vậy.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu con cử tội Tỳ-kheo khác, đúng sự thật chứ không phải không thật; đúng thời chứ không phải không đúng thời; có nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi; nhu nhuyến chứ không phải thô bạo; có từ tâm chứ không phải sân hận, nhưng có Tỳ-kheo bị cử tội kia vẫn ôm lòng thù hận.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Tỳ-kheo loại nào khi nghe cử tội mà sanh tâm thù hận?”

Xá-lợi-phất bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo kia cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng Sa-môn, không siêng năng tu học, không tự tỉnh quán sát, vì kế sống mà xuất gia, không vì cầu Niết-bàn; những người như vậy nghe con cử tội liền sanh sân nhuế.”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Những hạng Tỳ-kheo nào nghe ông cử tội mà không sân hận?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào tâm không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, không bỏ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, tôn sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, không vì kế sống; những Tỳ-kheo như vậy nghe con cử tội thì hoan hỷ nhận lãnh như uống cam lộ. Như người nữ dòng Sát-lợi hay Bà-la-môn tắm gội sạch sẽ, được hoa đẹp đẽ, yêu thích, đội lên đầu, cài lên đầu. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo nào không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, chánh tín, có hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, siêng tu tập, tự tỉnh giác, vì pháp xuất gia, chí cầu Niết-bàn, thì Tỳ-kheo như vậy khi nghe con cử tội vui vẻ nhận lãnh như uống cam lộ.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu Tỳ-kheo nào cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng hạnh Sa-môn, không cầu Niết-bàn, vì kế sống xuất gia, thì đối với Tỳ-kheo như vậy không nên dạy dỗ và nói chuyện. Vì sao? Vì những Tỳ-kheo này phá phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không cong vạy, không giả dối, không lừa gạt, có lòng tin, hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, chí sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, thì những Tỳ-kheo như vậy phải nên dạy dỗ. Vì sao? Vì những Tỳ-kheo này thường tu phạm hạnh, có thể tự đứng vững.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 498. NA-LA-KIỀN-ĐÀ[90]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Na-la-kiền-đà, trong vườn Am-la của người bány[91]. Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ[92] của Thế Tôn, huống lại là hơn!”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Lành thay! Lành thay! Xá-lợi-phất! Lành thay những lời nói hi hữu đệnhất này, ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tự nói tin sâu xa về Thế Tôn rằng, trí tuệ có được của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng sự giác ngộ của Thế Tôn, huống lại là hơn!”

Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có thể biết rõ về tăng thượng giới của Phật quá khứ chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Đức Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết rõ tăng thượng giới của Phật vị lai, cùng pháp như vậy,tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

“Ngươi có biết rõ giới tăng thượng của Phật hiện tại, cùng pháp như vậy, tuệ như vậy, minh như vậy, giải thoát như vậy và an trụ như vậy chăng?”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu ông không biết trong tâm của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại sở hữu các pháp đó, thì tại sao ở giữa đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, tán thán như vầy: ‘Con tin sâu xa về Thế Tôn rằng: trí tuệ có được của các Sa-môn, Bà-la-môn dù là quá khứ, vị lai hay hiện tại cũng không bằng trí tuệ Thế Tôn, huống lại là hơn!’”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không biết giới hạn trong tâm[93] của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng con có thể biết giới hạn về pháp[94] của chư Phật Thế Tôn. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, càng lúc càng sâu xa, càng lúc càng thù thắng, càng lúc càng tăng thượng, càng lúc càng vi diệu. Con nghe pháp được Thế Tôn nói, khi biết một pháp tức thì đoạn một pháp, biết một pháp liền chứng một pháp, biết một pháp tức thì tu tập một pháp, cứu cánh đối với pháp. Cho nên đối với Đại Sư lòng tin được thanh tịnh và tâm được thanh tịnh. Thế Tôn là Bậc Đẳng Chánh Giác.

“Bạch Thế Tôn, như quốc vương có thành trì ở biên giới, vòng thành vây quanh vuông vức, bốn mặt kiên cố, chắc chắn, chỉ có một cửa, không có cửa thứ hai, sai người đứng giữ cửa; nhân dân ra vào đều từ cửa này. Việc đi ra hoặc đi vào, tuy người giữ cửa này không biết số người nhiều hay ít, nhưng biết nhân dân chỉ đi từ cửa này, không đi chỗ khác. Cũng vậy, con biết chư Phật, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác quá khứ, đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Chư Phật Thế Tôn đời vị lai cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Ngày nay, chư Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác hiện tại cũng đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Này Xá-lợi-phất, chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại thảy đều đã đoạn tận năm triền cái là những thứ não loạn tâm, khiến cho tuệ lực suy kém, bị rơi vào chướng ngại, không hướng đến Niết-bàn; đã an trú bốn Niệm xứ; đã tu tập bảy Giác phần; đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 499. THẠCH TRỤ[95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Khi ấy có Tỳ-kheo Nguyệt Tử[96] là đệ tử của Đề-bà-đạt-đa[97], đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, chào hỏi xong đứng qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa có thường thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo nghe không?”

Nguyệt Tử thưa:

“Thưa, có thuyết pháp.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp thế nào?”

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp như vầy: ‘Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà tu tâm[98], Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận rằng, ta đã ly dục, giải thoát khỏi năm dục công đức.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Đề-bà-đạt-đa của ông sao không thuyết pháp như vầy, ‘Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, lìa tâm dục, lìa tâm sân nhuế, lìa tâm ngu si, được pháp không tham, được pháp không sân và không si, không trở lại pháp dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu; thì Tỳ-kheo ấy có thể tự xác nhận, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’?”

Tỳ-kheo Nguyệt Tử thưa:

“Vị ấy không thể như vậy, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất.”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Nguyệt Tử:

“Nếu có Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như gần thôn ấp có núi đá lớn, không thể cắt đứt được, không thể phá nát và xuyên thủng được, nó dày đặc và kín mít. Giả sử có gió từ phương Đông thổi tới, không thể làm cho nó lay động, cũng không thể vượt qua nó để đến phương Tây. Cũng vậy, gió từ phương Nam, Tây, Bắc và bốn góc thổi đến cũng không thể làm cho nó lay động và vượt qua khỏi nó. Cũng vậy, Tỳ-kheo bằng tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như cột đồng nhân-đà[99] được cắm sâu vào trong đất, đắp đất lên chặt kín, gió bốn phía có thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, cắm vào lòng đất tám khuỷu tay, gió bốn phương thổi đến cũng không thể lay động được. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ví như người đốt lửa chưa cháy, cháy rồi thì không đốt nữa. Cũng vậy, Tỳ-kheo với tâm pháp mà khéo tu tâm, có thể xa lìa tâm tham dục, tâm sân nhuế và tâm ngu si, được pháp không tham, không nhuế và không si, thì Tỳ-kheo này có thể tự xác nhận: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe rồi, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 500. TỊNH KHẨU[100]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang ở đó.

Sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Khất thực xong, ngồi dưới bóng cây thọ trai. Trong lúc ấy có nữ ngoại đạo xuất gia Tịnh Khẩu[101] từ trong thành Vương xá đi ra có chút việc, gặp Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi ăn dưới bóng cây, bà tiến đến hỏi:

“Sa-môn đang ăn phải không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vâng, đang ăn.”

Lại hỏi:

“Sao, Sa-môn cúi mặt xuống[102] mà ăn.”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Ngửa mặt lên[103] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Xoay mặt bốn phương[104] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không”

Lại hỏi:

“Xoay mặt bốn góc[105] mà ăn chăng?”

Đáp:

“Thưa tỷ muội, không.”

Lại hỏi:

“Tôi hỏi Sa-môn đang ăn phải không, Sa-môn đáp là đang ăn. Tôi hỏi ngửa mặt lên mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không; hỏi cúi mặt xuống mà ăn chăng? Sa-môn đáp không; hỏi xoay mặt bốn phương mà ăn chăng? Sa-môn đáp là không; hỏi xoay mặt bốn góc mà ăn chăng? Sa-môn đều trả lời không. Những gì Sa-môn nói như vậy là có ý nghĩa gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

“Này tỷ muội, những Sa-môn, Bà-la-môn có kiến thức về sự vật[106], có kiến thức về hoành pháp[107], kiếm ăn một cách tà mạng; những Sa-môn, Bà-la-môn này cúi mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào ngước mặt nhìn xem hiện tượng trăng sao, kiếm ăn một cách tà mạng như vậy; Sa-môn, Bà-la-môn này ngửa mặt mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm sứ giả cho người khác, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn phương mà ăn. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh[108], kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Này tỷ muội, tôi không thuộc vào cách kiếm ăn theo bốn thứ tà mạng này, mà tôi chỉ theo đúng pháp kiếm ăn để tự nuôi sống. Cho nên, tôi nói là không phải là bốn cách ăn tà mạng đó.”

Khi xuất gia ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ từ giã, rồi bà đi đến chỗ ngã tư đường trong thành Vương xá, khen ngợi rằng: ‘Sa-môn Thích tử nuôi sống chân chính[109], tự nuôi sống rất chân chính! Nếu người nào muốn bố thí cúng dường, thì nên cúng dường cho Sa-môn Thích tử; nếu muốn tạo phước, thì nên đến Sa-môn Thích tử tạo phước.”

Lúc ấy các Sa-môn ngoại đạo nghe xuất gia nữ ngoại đạo tên là Tịnh Khẩu khen ngợi Sa-môn họ Thích, bèn khởi tâm tật đố hại bà ấy. Nữ ngoại đạo ấy bị họ hại chết, được sanh lên cõi trời Đâu-suất, nhờ sanh lòng tin đối với Tôn giả Xá-lợi-phất.

*

KINH 501. THÁNH MẶC NHIÊN[110]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

“Một thời, Thế Tôn ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà; tôi đang ở trong núi Kỳ-xà-quật này, một mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: ‘Thế nào là sự im lặng của bậc Thánh?’ Lại nghĩ tiếp: ‘Nếu có Tỳ-kheo mà giác và quán đã dứt[111], nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do đinh sanh, chứng và an trú Nhị thiền, đó gọi là sự im lặng của bậc Thánh.’ Lại nghĩ tiếp: ‘Nay ta cũng nên im lặng như bậc Thánh, với giác và quán đã dứt, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú nhiều lần.’ Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm lại khởi có giác, có quán. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, tức thì Ngài biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra trong núi Kỳ-xà-quật, trước mặt tôi. Ngài nói với tôi rằng:

“Này Mục-kiền-liên, ông nên im lặng như bậc Thánh, chớ sanh buông lung.

“Tôi nghe Đức Thế Tôn nói xong, liền xa lìa hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, chứng và an trụ Nhị thiền. Ba lần như vậy, Phật cũng dạy tôi ba lần: ‘Ngươi nên im lặng như bậc Thánh chớ buông lung.’ Tôi lại dứt hữu giác, hữu quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng và an trú Nhị[112] thiền.

“Nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp[113], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được vương pháp, không tinh cần phương tiện mà có thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.”

Sau khi Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 502. VÔ MINH[114]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

“Khi Đức Thế Tôn ở thành Vương xá, tôi ở trong núi Kỳ-xà-quật, một mình ở chỗ vắng nghĩ như vầy: ‘Thế nào gọi là Thánh trụ?’[115] Lại nghĩ tiếp: ‘Nếu có Tỳ-kheo nào không niệm tất cả tướng, vô tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm[116], thì đó gọi là Thánh trụ.’ Tôi lại nghĩ: ‘Ta nên ở nơi Thánh trụ này, không niệm tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm,’ và an trụ nhiều lần. Sau khi đã an trụ nhiều rồi, tâm chấp tướng[117] lại sanh.’ Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm tôi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, dùng sức thần thông biến mất ở tinh xá Trúc viên và hiện ra ở núi Kỳ-xà-quật, đến trước tôi, nói tôi rằng: ‘Này Mục-kiền-liên, ông nên trụ nơi sự an trụ của bậc Thánh, chớ sanh buông lung.’ Tôi nghe Đức Thế Tôn dạy xong, liền lìa tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm. Ba lần như vậy; Thế Tôn cũng ba lần đến dạy tôi: ‘Ngươi nên an trụ nơi Thánh trụ, chớ sanh buông lung.’ Tôi nghe xong, liền xa lìa tất cả tướng, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú chánh thọ vô tướng tâm.

“Các Đại đức, nếu nói chân chính, con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp[118], thì chính thân tôi là người này. Vì sao? Tôi là con của Phật sanh từ miệng Phật, hóa sanh từ pháp, thừa hưởng gia tài Phật pháp; bằng chút phương tiện mà được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Ví như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, tuy chưa làm lễ quán đảnh nhưng đã được hưởng vương pháp, không tinh cần phương tiện, mà có thể được năm dục công đức. Tôi cũng như vậy, là con của Phật, không tinh cần phương tiện, mà có thể được thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ. Trong vòng một ngày Đức Thế Tôn đã ba lần dùng thần thông đến chỗ tôi, ba lần dạy dỗ tôi, đem chỗ của bậc Đại nhân kiến lập cho tôi.”

Sau khi Tôn giả Mục-kiền-liên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 503. TỊCH DIỆT[119]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, A-nan cùng ở chung một phòng nơi vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ, vào cuối đêm, trời gần sáng[120], Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Lạ thay, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Hôm nay Tôn giả trụ trong tịch diẹât chánh thọ[121], tôi không nghe tiếng thở[122] của Tôn giả.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trả lời:

“Đó không phải là tịch diệt chánh thọ mà chỉ an trụ thô chánh thọ[123]. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đêm nay tôi đã hầu chuyện với Đức Thế Tôn.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Thế Tôn đang trú tại vườn Cấp cô độc, nước Xá-vệ, cách đây rất xa, làm sao cùng nói chuyện? Hiện tại Tôn giả đang ở Trúc viên, vậy làm sao hầu chuyện? Hay là Tôn giả đã dùng sức thần thông để đến chỗ Thế Tôn, hay Thế Tôn đã dùng sức thần thông đến chỗ Tôn giả?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi không dùng sức thần thông đến chỗ Đức Thế Tôn và Thế Tôn cũng không dùng thần thông để đến chỗ tôi. Nhưng đối với những lời Phật ở trong thành Vương xá, nước Xá-vệ, tôi vẫn nghe được; vì Thế Tôn và tôi đều có thiên nhãn và thiên nhĩ, nên tôi có thể hỏi Thế Tôn, được nói là ân cần tinh tấn. Thế nào là ân cần tinh tấn? Thế Tôn trả lời tôi: ‘Này Đại Mục-kiền-liên, ban ngày nếu Tỳ-kheo nào đi kinh hành hay ngồi thiền, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Đầu hôm hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Vào giữa đêm ra khỏi phòng, rửa chân, trở vào nằm nghiêng sang hông bên phải, hai chân xếp lên nhau, cột niệm vào tướng sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ muốn trỗi dậy. Đến cuối đêm, thức dậy từ từ, hoặc ngồi hay đi kinh hành, bằng pháp không chướng ngại, mà tự tịnh tâm mình. Này Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là Tỳ-kheo ân cần tinh tấn.’”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thật là có sức thần thông lớn, sức công đức lớn, an tọa mà ngồi. Tôi cũng có sức lớn, được cùng ở chung với Tôn giả. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, ví như núi lớn có người cầm một hòn đá nhỏ ném vào, đá cùng màu vị với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với sức lớn, đức lớn của Tôn giả, ngồi cùng chỗ ngồi. Cũng như vật đẹp đẽ tươi tốt của thế gian được mọi người tôn trọng; đức lớn, sức lớn của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cũng được những người phạm hạnh cung kính tôn trọng. Nếu ai được gặp Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, qua lại kết giao, cung kính cúng dường, người ấy được ích lớn. Nay tôi được cùng Tôn giả Đại Mục-kiền-liên kết giao qua lại, cũng được thiện lợi.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nay tôi được cùng với bậc Đại trí, Đại đức Xá-lợi-phất ngồi cùng chỗ ngồi, cũng giống như cầm hòn đá nhỏ ném vào núi lớn, thì đá cùng màu với núi. Tôi cũng như vậy, được cùng với Tôn giả Xá-lợi-phất ngồi cùng chỗ ngồi và làm bạn nhau.”

Hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ giã về chỗ của mình.

TẠP A-HÀM QUYỂN 19

KINH 504. XAN CẤU[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, trong thành Vương xá[2]. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Lúc bấy giờ, vua Thích Đề-hoàn Nhân[3] đang ở trên ngôi lầu Thượng diệu[4]. Đêm hôm đó, ông đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên. Ánh sáng của Thích Đề-hoàn Nhân chiếu rực khắp cả núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân ngồi xuống và đọc bài kệ:

Điều phục tánh keo kiệt,

Đại đức tùy lúc thí,

Là bậc hiền bố thí,

Đời sau thấy thù thắng[5].

Lúc này, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Đế Thích:

“Này Kiều-thi-ca[6], thế nào là điều phục tánh keo kiệt, để thấy nơi thù thắng mà ông nói rằng:

Điều phục tánh keo kiệt,

Đại đức tùy lúc thí,

Là bậc hiền bố thí,

Đời sau gặp thù thắng.

Khi ấy, Đế Thích đáp:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đại tánh Bà-la-môn thù thắng, đại tánh Sát-đế-lị thù thắng, đại tánh trưởng giả thù thắng, Tứ thiên vương thù thắng, Tam thập tam thiên thù thắng; tất cả đều kính lễ con. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, con được đại tánh Bà-la-môn thù thắng, đại tánh Sát-đế-lị thù thắng, đại tánh trưởng giả thù thắng, Tứ thiên vương thù thắng, Tam thập tam thiên thù thắng; tất cả đều cung kính làm lễ. Do thấy quả báo này, nên nói bài kệ đó.

“Lại nữa, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cho đến chỗ mà mặt trời đi khắp, chiếu sáng khắp chỗ, đến ngàn thế giới, ngàn mặt trăng, ngàn mặt trời, ngàn núi chúa Tu-di, ngàn Phất-bà-đề-xá, ngàn Uất-đa-la-đề-xá, ngàn Cù-đà-ni-ca, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Tứ thiên vương, ngàn Tam thập tam thiên, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, ngàn Phạm thiên gọi là tiểu thiên thế giới; và trong tiểu thiên thế giới này, không có cung điện nào sánh bằng cung điện Tỳ-xà-diên[7]. Cung điện Tỳ-xà-diên có một trăm lẻ một lầu quán; quán có bảy lớp; lớp có bảy phòng; phòng có bảy thiên hậu; mỗi thiên hậu có bảy thị nữ. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, ở tiểu thiên thế giới không có đường quán trang nghiêm như Tỳ-xà-diên. Con thấy do điều phục tánh keo kiệt, mà có được diệu quả này, nên con nói kệ đó.”

Đại Mục-kiền-liên nói với trời Đế Thích:

“Lành thay, lành thay! Kiều-thi-ca, ông nhờ thấy được quả báo thắng diệu này nên nói bài kệ vừa rồi.”

Khi ấy Thiên đế Thích nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, liền biến mất.

*

KINH 505. ÁI TẬN[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, một mình nơi chỗ vắng thiền tịnh tư duy và nghĩ rằng: Thuở xưa, có lần Thích Đề-hoàn Nhân, ở trong hang đá núi Giới cách[9], đã hỏi Thế Tôn về nghĩa ái tận giải thoát[10]. Thế Tôn đã vì ông mà nói, nghe xong ông đã tùy hỷ. Dường như ông ấy còn muốn hỏi lại nghĩa nào đó nữa[11]. Nay ta nên đi đến hỏi về ý tùy hỷ của ông. Nghĩ như vậy rồi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, Mục-kiền-liên biến khỏi núi Kỳ-xà-quật, đến cõi trời Tam thập tam và đứng không xa một cái ao Phân-đà-lợi[12] mấy. Lúc ấy, Đế Thích cùng năm trăm thể nữ đang nô đùa nơi ao tắm và có cả âm thanh mỹ diệu của các Thiên nữ. Bấy giờ Đế Thích từ xa trông thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, liền bảo các Thiên nữ:

“Đừng hát nữa! Đừng hát nữa!”

Các Thiên nữ liền im lặng. Đế Thích liền đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu lễ dưới chân Tôn giả, rồi lui đứng qua một bên.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi trời Đế Thích:

“Trước kia, ở trong núi Giới cách, ông có hỏi Đức Thế Tôn về nghĩa ái tận giải thoát, khi nghe rồi tùy hỷ, vậy thì ý ông thế nào? Vì nghe Phật nói xong tùy hỷ, hay là còn muốn hỏi nghĩa nào khác nữa, mà ông tùy hỷ?”

Thiên đế Thích đáp:

“Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cõi trời Tam thạâp tam của con, đa phần là say đắm buông lung theo dục lạc; hoặc nhớ việc trước, hoặc có khi không nhớ. Đức Thế Tôn hiện ở vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Tôn giả muốn biết những việc con hỏi khi ở trong núi Giới cách, nay xin Tôn giả có thể đến hỏi Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy sao thì Tôn giả cứ theo đó mà thọ trì. Bây giờ, ở chỗ này của con có một cung điện[13] tốt đẹp, mới làm xong chưa bao lâu, mời Tôn giả vào viếng thăm.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời, liền cùng với Thiên đế Thích đi vào cung điện. Các Thiên nữ vừa thấy Đế Thích đến, liền trổi nhạc trời, ca múa. Đồ vật trang sức bằng anh lạc trên thân họ phát ra âm thanh vi diệu hợp với ngũ nhạc, như âm thanh của những nốt nhạc được trổi hay không khác. Các Thiên nữ chợt thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tất cả đều hổ thẹn, trốn núp vào trong phòng. Khi ấy, Thiên đế Thích thưa với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tôn giả xem đất của cung điện này rất bằng phẳng; tường vách, cột kèo, lầu gác, cửa nẻo, màn lưới tất cả đều trang hoàng tốt đẹp.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Đế Thích:

“Này Kiều-thi-ca, nhờ nhân duyên phước đức đã tu thiện pháp trước đây, nên mới thành tựu được kết quả vi diệu này.”

Đế Thích ba lần tự khen ngợi như trên, rồi hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng ba lần trả lời như vậy.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nghĩ: Nay, Đế Thích này tự quá buông lung, đắm trước nơi trú xứ của giới thần[14], ca ngợi đường quán này. Ta sẽ làm cho tâm ông sanh nhàm chán xa lìa.

Tôn giả liền nhập định, dùng sức thần thông, dùng một ngón chân bấm vào ngôi đường quán này, làm cho tất cả đều chấn động. Sau đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biến mất. Các Thiên nữ thấy đường quán bị đảo lộn, rung chuyển, thì hoảng hốt sợ hãi, vội vàng chạy đến tâu với Thiên đế Thích:

“Đây là Đại Sư của Kiều-thi-ca, có sức công đức lớn như vậy ư?”

Đế Thích bảo các Thiên nữ:

“Vị ấy chẳng phải là Thầy của ta, mà là Đại Mục-kiền-liên, đệ tử của Đại Sư, là người có phạm hạnh thanh tịnh và có công đức thần lực rất lớn.”

Các Thiên nữ thưa:

“Lành thay! Kiều-thi-ca, có được người đồng học, mà có phạm hạnh, công đức, thần lực lớn lao như vậy, huống gì là công đức, thần lực của Bậc Đại Sư thì không biết thế nào nữa!”

*

KINH 506. ĐẾ THÍCH[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trên tảng đá mềm xốp màu xám[16], tại cõi trời Tam thập tam, cách cây Ba-lê-da-đa-la[17], loại cây đàn hương Câu-tỳ-đà-la[18], không xa. Phật an cư ở đó để thuyết pháp cho mẫu thân và chư Thiên cõi trời Tam thập tam. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang an cư ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, toàn thể bốn chúng cùng đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, lễ dưới chân, rồi cùng ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Mục-kiền-liên:

“Tôn giả có biết Đức Thế Tôn đang an cư ở đâu không?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:

“Tôi nghe Thế Tôn đang ở trên tảng đá mềm xốp màu xám, tại cõi trời Tam thập tam, cách cây Ba-lê-da-đa-la, loại cây đàn hương Câu-tỳ-đà-la, không xa. Phật an cư ở đó để thuyết pháp cho mẫu thân và chư Thiên cõi trời Tam thập tam.”

Sau khi nghe Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói như vậy, tất cả bốn chúng đều tùy hỷ, hoan hỷ, đứng dậy làm lễ mà lui.

Bấy giờ bốn chúng đã qua ba tháng an cư, lại cùng nhau đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cúi đầu lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vì bốn chúng mà nói pháp, khai thị, chỉ giáo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ. Sau khi khai thị, chỉ giáo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ, Tôn giả ngồi im. Khi ấy, bốn chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ và thưa với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nên biết, chúng tôi không được gặp Đức Thế Tôn đã lâu, lòng rất khao khát muốn gặp Đức Thế Tôn. Xin Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nếu không mệt mỏi, hãy vì chúng tôi mà lên cõi trời Tam thập tam, thay cho chúng tôi hầu thăm Đức Thế Tôn, có được ít bệnh ít não, đi đứng an lạc, nhẹ nhàng không? Và Tôn giả bạch với Đức Thế Tôn là bốn chúng ở Diêm-phù-đề mong muốn gặp Thế Tôn, nhưng vì không có thần lực để bay lên cõi trời Tam thập tam kính lễ Đức Thế Tôn được, còn trời Tam thập tam vì có thần lực nên họ đi xuống nhân gian! Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng thương xót trở lại cõi Diêm-phù-đề.”

Tôn giả Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Khi bốn chúng biết Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã im lặng nhận lời rồi, thì mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ ra về.

Bấy giờ Tôn giả Mục-kiền-liên biết bốn chúng đã đi, liền nhập định, trong khoảnh khắc như đại lực sĩ co duỗi cánh tay, từ nước Xá-vệ biến mất, hiện ra trên tảng đá mềm xốp màu xám, tại cõi trời Tam thập tam, cách cây Ba-lê-da-đa-la, loại cây đàn hương Câu-tỳ-đà-la, không xa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp với vô lượng quyến thuộc của Thiên chúng cõi trời Tam thập tam đang vây quanh. Tôn giả Mục-kiền-liên vừa trông thấy Đức Thế Tôn, liền hân hoan vui mừng, nghĩ rằng: ‘Nay Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng chư Thiên đang vây quanh, không khác gì chúng hội ở cõi Diêm-phù-đề.’

Khi ấy, Thế Tôn biết được ý nghĩ trong tâm của Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, bèn nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Này Đại Mục-kiền-liên, không phải là vì tự lực, mà khi Ta muốn thuyết pháp cho chư Thiên thì chư Thiên kia liền vân tập đến và muốn khiến cho họ đi, thì họ lập tức trở về. Chư Thiên kia theo tâm Ta mà đến, tùy tâm Ta mà đi.”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Mục-kiền-liên cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Có vô số đại chúng chư Thiên vân tập. Trong Thiên chúng này, phải chăng có vị đã từng nghe pháp được thuyết từ Phật Thế Tôn, đã chứng đắc bất hoại tịnh[19], nên khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này?”

Phật bảo Đại Mục-kiền-liên:

“Đúng vậy, đúng vậy! Trong hàng chư Thiên đang vân tập ở đây, có vị đời trước nghe pháp, đã chứng đắc bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới, nên khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này.

Khi ấy Thiên đế Thích thấy Thế Tôn và Tôn giả Mục-kiền-liên cùng khen ngợi, cùng nói chuyện với các Thiên chúng, liền thưa với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, trong chúng hội chư Thiên ở đây, tất cả đều từ đời trước đã từng nghe Chánh pháp, đã chứng đắc bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới, nên khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này.”

Lúc đó có một Tỳ-kheo, thấy Thế Tôn và Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng Đế Thích trao đổi những lời tốt đẹp, Tỳ-kheo ấy nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Đúng vậy, đúng vậy, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, chư Thiên đến trong pháp hội này đều là những người từ đời trước đã từng nghe chánh pháp, đã chứng đắc bất hoại tịnh đối với Phật, Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới, sau khi thân hoại mạng chung lại sanh đến cõi này.”

Lúc ấy có một Thiên tử từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên hữu, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con cũng đã thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật, nên lại sanh đến đây.”

Lại có Thiên tử nói:

“Con đã thành tựu được bất hoại tịnh đối với Pháp.”

Có vị nói:

“Đã đạt được bất hoại tịnh đối với Tăng.”

Có vị nói:

“Đã thành tựu được Thánh giới, nên lại sanh đến cõi này.”

Vô lượng ngàn số chư Thiên như vậy, đến trước Thế Tôn mỗi người tự ký thuyết là đã đạt được pháp Tu-đà-hoàn, tất cả ở trước Phật liền biến mất.

Khi ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên biết chúng chư Thiên đi chưa bao lâu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai bên hữu, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, bốn chúng ở cõi Diêm-phù-đề xin cúi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn và kính hầu thăm Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, đi, đứng an lạc, nhẹ nhàng không? Bốn chúng nhớ mong, trông gặp Thế Tôn. Lại nữa, bạch Thế Tôn, bốn chúng ở nhân gian không có thần lực để bay lên cõi trời Tam thập tam kính lễ Thế Tôn, nhưng chư Thiên có thần lực, công đức lớn nên có thể bay xuống cõi Diêm-phù-đề! Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót bốn chúng, mà trở về cõi Diêm-phù-đề.”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Ngươi hãy trở về nói với người cõi Diêm-phù-đề rằng: Sau bảy ngày nữa Thế Tôn sẽ từ cõi trời Tam thập tam trở lại cõi Diêm-phù-đề, dưới cây Ưu-đàm-bát, phía bên ngoài cổng ngoài của thành Tăng-ca-xá[20].”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên vâng lời dạy Thế Tôn, liền nhập chánh định trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi trời Tam thập tam biến mất, hiện đến Diêm-phù-đề, báo với bốn chúng:

“Các người nên biết, sau bảy ngày nữa Thế Tôn sẽ từ cõi trời Tam thập tam trở lại cõi Diêm-phù-đề, dưới cây Ưu-đàm-bát, phía bên ngoài cổng ngoài của thành Tăng-ca-xá.”

Đúng như bảy ngày đã hẹn, Đức Thế Tôn từ cõi trời Tam thập tam trở lại Diêm-phù-đề, dưới cây Ưu-đàm-bát, phía bên ngoài cổng ngoài của thành Tăng-ca-xá. Thiên long, Quỷ thần cho đến Phạm thiên, đều theo Thế Tôn xuống nơi này. Ngay lúc ấy, gọi hội này là chỗ trời xuống[21].

*

KINH 507. CHƯ THIÊN[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ có bốn mươi Thiên tử[23] đến chỗ Tôn giả Mục-kiền-liên, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Đại Tôn giả Mục-kiền-liên nói với các Thiên tử:

“Lành thay! Các Thiên tử đã thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng; thành tựu Thánh giới[24].”

Bốn mươi Thiên tử từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai bên hữu, chắp tay thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Chúng con nhờ đã thành tựu bất hoại tịnh đối với Phật; thành tựu bất hoại tịnh đối với Pháp, Tăng và Thánh giới, nên được sanh lên cõi Trời.”

Có một Thiên tử nói:

“Đối với Phật đã thành tựu bất hoại tịnh.”

Có vị nói:

“Đối với Pháp đã thành tựu bất hoại tịnh.”

Có vị nói:

“Đối với Tăng đã thành tựu bất hoại tịnh.”

Có vị nói:

“Đã được thành tựu Thánh giới, nên khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi Trời.”

Bốn mươi Thiên tử đều đến trước Tôn giả đại Mục-kiền-liên, mỗi người tự thuật lại sự thành tựu của chính mình và tự xác nhận đã được quả Tu-đà-hoàn, rồi liền biến mất.

Như bốn mươi Thiên tử cũng vậy, bốn trăm, tám trăm, mười ngàn Thiên tử cũng nói như vậy.

*

KINH 508. ĐỒ NGƯU NHI[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả Tỳ-kheo Lặc-xoa-na[26] cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Sáng sớm, Tôn giả Lặc-xoa-na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rủ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc-xoa-na thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên mỉm cười, liền hỏi:

“Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm nay Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:

“Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi mới hỏi việc này. Lúc ấy Thầy hỏi tôi sẽ trả lời Thầy.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng Tôn giả Lặc-xoa-na vào thành Vương xá khất thực xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Tôn giả Lặc-xoa-na hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Sáng nay tôi cùng với Thầy ra khỏi núi Kỳ-xà-quật để đi khất thực, đến chỗ nọ, Thầy lại vui vẻ mỉm cười. Tôi liền hỏi Thầy cười việc gì, Thầy nói tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì nhân duyên gì mà Thầy vui vẻ mỉm cười?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:

“Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, thân to lớn như lầu các, đi giữa hư không, đang khóc lóc, kêu gào, buồn lo, đau khổ. Thấy vậy, tôi chợt nghĩ chúng sanh này mang cái thân to lớn như thế mà cũng bị buồn lo, đau khổ quá như vậy, nên tôi mỉm cười.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ, chúng sanh có thân to lớn kia ở tại thành Vương xá này, làm người đồ tể giết trâu bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm. Khi ra khỏi địa ngục, vì dư báo tội giết trâu bò, nên phải chịu cái thân như vậy, thường chịu những sự buồn lo đau khổ như vậy.”

Như vậy, này các Tỳ-kheo, những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 509. ĐỒ NGƯU GIẢ[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả Tỳ-kheo Lặc-xoa-na cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Sáng sớm, Tôn giả Lặc-xoa-na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rủ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc-xoa-na thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên mỉm cười, liền hỏi:

“Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm nay, Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:

“Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi hãy hỏi việc này. Lúc ấy Thầy có thể hỏi và tôi sẽ trả lời Thầy.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng Tôn giả Lặc-xoa-na vào thành Vương xá khất thực xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Tôn giả Lặc-xoa-na hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Sáng nay, tôi cùng với Thầy ra khỏi núi Kỳ-xà-quật để đi khất thực. Đến chỗ nọ, Thầy lại vui vẻ mỉm cười. Tôi liền hỏi Thầy cười việc gì. Thầy nói, tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì nhân duyên gì mà Thầy vui vẻ mỉm cười?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trả lời Tôn giả Lặc-xoa-na:

“Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, gân với xương liền nhau, toàn thân nhơ bẩn, hôi hám đáng tởm, bị quạ, diều, két, kên kên, dã can, chó đói theo mổ ăn, hoặc moi nội tạng từ xương sườn ra ăn; cực kỳ đau đớn, kêu la, gào thét. Tôi thấy vậy tâm liền nghĩ: Chúng sanh đã mang cái thân như vậy, lại còn chịu sự thống khổ vô ích như vậy?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.

“Này các Tỳ-kheo, chúng sanh kia, thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là đệ tử của người đồ tể giết trâu bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục, trải qua trăm ngàn năm chịu vô lượng khổ. Vì dư báo tội giết trâu bò, nên ngày nay phải chịu cái thân này và phải tiếp tục chịu đau khổ vô ích như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 510. ĐỒ DƯƠNG GIẢ[28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả Lặc-xoa-na[29] cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Sáng sớm, Tôn giả Lặc-xoa-na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rủ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương xá khất thực. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc-xoa-na thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên mỉm cười, liền hỏi:

“Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm nay Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:

“Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi hãy hỏi việc này. Lúc ấy Thầy có thể hỏi và tôi sẽ trả lời Thầy.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng Tôn giả Lặc-xoa-na vào thành Vương xá khất thực xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Tôn giả Lặc-xoa-na hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Sáng nay tôi cùng với Thầy ra khỏi núi Kỳ-xà-quật để đi khất thực. Đến chỗ nọ, Thầy lại vui vẻ mỉm cười. Tôi liền hỏi Thầy cười việc gì. Thầy nói tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì nhân duyên gì mà Thầy vui vẻ mỉm cười?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Lặc-xoa-na:

“Giữa đường tôi thấy một chúng sanh to lớn, toàn thân không có da bao bọc, chỉ là một khối thịt, đi trong hư không, bị quạ, diều, két, kên kên, dã can chó đói rượt theo cấu xé để ăn, hoặc moi nội tạng ra khỏi xương sườn để ăn; thống khổ bức bách, kêu la, gào thét. Tôi liền nghĩ: ‘Chúng sanh này đã phải mang cái thân như vậy, mà còn phải chịu sự đau đớn vô ích như vậy.’”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.

“Này các Tỳ-kheo, chúng sanh kia, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, đã làm nghề giết dê. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay nó phải chịu cái thân như vậy, vì dư báo tội này, nên ngày nay phải tiếp tục chịu đau khổ như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là như thật, không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 511. ĐỒ DƯƠNG ĐỆ TỬ[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:

“Giữa đường thấy một chúng sanh thân to lớn, không có da bao bọc, giống như một đống thịt đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm đệ tử của người giết dê. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay nó phải chịu cái thân này, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 512. ĐỌA THAI[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến giữa đường thấy một chúng sanh thân to lớn không da, giống như một đống thịt đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này này thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, tự phá thai. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Vì dư báo này nên vị ấy phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 513. ĐIỀU TƯƠNG SĨ[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông; lông như cây kim lớn, mỗi cây kim đều có lửa cháy, đốt ngược lại thân thể, đau buốt tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm nghề luyện voi. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo này nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như người luyện voi, cũng vậy người luyện ngựa, luyện trâu bò, dèm siểm người và đủ các thứ khổ bức hiếp người, lại cũng như vậy.[33]

*

KINH 514. HIẾU CHIẾN[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông, lông bén nhọn như dao, rực lửa, trở lại cắt đứt chính thân thể, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, ưa thích chiến tranh, dùng đao kiếm chém giết người. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục này nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 515. LIỆP SƯ[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông, lông tua tủa như tên, tất cả đều bốc lửa, trở lại đốt cháy chính toàn thân thể, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, đã từng làm thợ săn, bắn giết cầm thú. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục này nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 516. SÁT TRƯ[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh thân thể to lớn mọc đầy lông, lông bén nhọn như chỉa như mâu, Tất cả đều bốc lửa cháy trở lại thiêu đốt chính toàn thân thể, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là kẻ đồ tể giết heo. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục này nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 517. ĐOẠN NHÂN ĐẦU[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh thân thể to lớn, không có đầu, hai bên có mắt, trước ngực có miệng, thân thể thường chảy máu, các loài trùng rúc rỉa, đau đớn tận xương tủy... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, ưa cắt đầu người. Vì tội này nên ở trong trăm ngàn năm đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

Như chặt đầu người, nắm đầu người cũng như vậy.

*

KINH 518. ĐOÀN ĐỒNG NHÂN[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh, dịch hoàn như cái lu nước[39], ngồi thì xoạc chân lên trên, đi thì phải vác lên vai... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm thợ đúc đồng, làm đồ giả, gạt người[40]. Vì tội này nên đọa vào địa ngục. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

Như người thợ đúc đồng, cũng vậy người cân lường dối trá, kẻ thôn chủ, kẻ chủ chợ cũng lại như vậy.

*

KINH 519. BỔ NGƯ SƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh lấy cái lưới đồng hoặc sắt tự quấn vào thân mình, lửa thường cháy đỏ trở lại đốt thân người đó, đau đớn tận xương tủy, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm người bắt cá. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

Như người bắt cá, cũng vậy bắt chim, lưới thỏ lại cũng như vậy[41].

*

KINH 520. BỐC CHIÊM NỮ[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh[43] trên đầu có cái cối sắt, hừng hực lửa đỏ, xoay lại nghiền tán đầu của người đó, đi giữa hư không, chịu vô lượng khổ... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, là người nữ làm thầy bói đoán tướng[44], chuyên hành nghề bói toán, dối gạt, mê hoặc người để mưu cầu tiền của. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 521. BỐC CHIÊM SƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh thân tự chuyển động xoay như gió xoáy, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, làm người bói toán mê hoặc nhiều người để mưu cầu tiền của. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 522. HÁO THA DÂM[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên giữa đường thấy một chúng sanh lưng gù đi lom khom[46], bộ dạng như sợ hãi, đồ mặc toàn thân đều bốc lửa, trở lại đốt thân, đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, ưa làm việc tà dâm. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 523. MẠI SẮC[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả Lặc-xoa-na vào buổi sáng sớm cùng vào thành Ba-la-nại khất thực. Giữa đường Tôn giả Mục-kiền-liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên vui vẻ mỉm cười. Tôn giả Lặc-xoa-na thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Thường khi Đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài vui vẻ, mỉm cười là có duyên cớ. Vậy hôm nay Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bảo Tôn giả Lặc-xoa-na:

“Câu hỏi chưa đúng lúc. Chúng ta hãy đi khất thực xong, khi trở về trước Thế Tôn sẽ hỏi việc này.”

Bấy giờ, cả hai vào thành khất thực, ăn xong, trở về rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Khi ấy, Tôn giả Lặc-xoa-na hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên:

“Sáng nay giữa đường vì lý do gì Thầy lại vui vẻ mỉm cười?”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp Tôn giả Lặc-xoa-na:

“Giữa đường tôi thấy một chúng sanh to lớn, toàn thân đầy máu mủ, hôi hám, dơ nhớp, đi giữa hư không, bị chim, quạ, chó sói, chó đói rượt theo cấu xé để ăn. Kẻ ấy khóc lóc, kêu gào. Tôi liền nghĩ: ‘Chúng sanh này phải mang cái thân như vậy, mà còn phải chịu sự thống khổ như vậy, sao mà đau đớn thay!’”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.

“Chúng sanh này, vào thời quá khứ, ở tại thành Ba-la-nại này, là người nữ buôn bán nhan sắc để sanh sống. Bấy giờ có Tỳ-kheo theo Phật Ca-diếp xuất gia. Người con gái ấy đem lòng không trong sạch mời vị Tỳ-kheo. Tỳ-kheo này trực tâm, nhận lời mời, không hiểu được ý cô. Cô gái nổi giận, lấy nước bất tịnh tạt vào mình Tỳ-kheo. Vì tội này nên đọa vào địa ngục, chịu vô lượng khổ. Nay vì dư báo tội này, nên nó phải mang thân này, tiếp tục chịu đau khổ như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

*

KINH 524. SÂN NHUẾ ĐĂNG DU SÁI[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, chỗ Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại... cho đến ta ở giữa đường thấy một chúng sanh[49] thân hình to lớn, toàn thân lửa cháy, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào, chịu đau đớn khổ não... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở thành Ba-la-nại, là đệ nhất phu nhân của Tự tại vương[50]. Khi cùng ngủ với nhà vua, bỗng nổi lòng sân hận, lấy dầu thắp đèn rưới lên người vua. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là chân thật không sai. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 525. TẮNG TẬT BÀ-LA-MÔN[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, chỗ Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói ta ở giữa đường thấy một chúng sanh toàn thân nhơ nhớp, bôi đầy phẩn uế và cũng ăn phẩn uế, đi giữa hư không, hôi hám khổ não, khóc lóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở thành Ba-la-nại, làm thầy Bà-la-môn của Tự tại vương. Vì tâm tật đố nên khi thỉnh chúng Thanh văn của Phật Ca-diếp thọ trai, ông đã lấy phẩn uế bôi lên trên thức ăn, thử xúc não chúng Tăng. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 526. BẤT PHÂN DU[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Mục-kiền-liên nói, ta ở giữa đường thấy một chúng sanh to lớn, trên đầu đội một cái vạc bằng đồng lớn sôi sùng sục, trào ra rưới khắp thân thể, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia ở chỗ Phật Ca-diếp, làm Tỳ-kheo tri sự. Có nhiều thí chủ đem dầu đến cúng cho các Tỳ-kheo. Bấy giờ, có nhiều khách Tỳ-kheo. Vị tri sự này không chia dầu đúng thời, đợi cho các Tỳ-kheo khách đi rồi mới chia. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 527. ĐẠO THỦ THẤT QUẢ[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh, thân to lớn, có hòn sắc nóng ra vào từ thân, đi trong hư không, bị đau đớn bức bách, khóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia trong pháp Phật Ca-diếp, làm Sa-đi giữ vườn trái của chúng Tăng, trộm bảy trái đem dâng cho Hòa thượng. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 528. ĐẠO THỰC THẠCH MẬT[54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh thân hình to lớn, lưỡi rộng dài, thấy có búa bén lửa đỏ rực, búa này cắt lưỡi người ấy, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Sa-di trong pháp Phật Ca-diếp, dùng búa cắt đường phèn cúng dường chúng Tăng; đường phèn dính trên lưỡi búa, lấy cắp ăn. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 529. ĐẠO THỦ NHỊ BÍNH[55]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh thân hình to lớn, có hai cái vòng sắt ở hai bên hông, bốc lửa xoay vần trở lại thiêu đốt thân họ, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Sa-di trong pháp Phật Ca-diếp, đem bánh ngọt cúng dường chúng Tăng, cắp lấy hai cái bánh kẹp vào nách. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 530. TỲ-KHEO[56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh thân hình to lớn, dùng một lá sắt quấn vào thân, áo quần, chăn mền, giường nằm đều là sắt nóng, tất cả đều bị đốt cháy hừng hực, ăn hòn sắt nóng, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào; cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở thành Xá-vệ, xuất gia làm Tỳ-kheo trong pháp Phật Ca-diếp, đi xin y áo và vật thực cho chúng Tăng; cúng dường Tăng xong, còn dư liền tự mình thọ dùng. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Tỳ-kheo, cũng vậy Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cũng lại như vậy.

*

KINH 531. GIÁ THỪA NGƯU XA[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường ta thấy một chúng sanh to lớn, mang trên cổ chiếc xe sắt đang cháy, chặt đứt gân cổ, tiếp đến chân tay, gân quấn quanh cổ họ, đi trên đất sắt nóng, đi giữa hư không, khóc lóc kêu gào cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, đánh xe bò để sanh sống. Vì tội này nên đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông cần nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 532. MA-MA-ĐẾ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh, thân to lớn, lưỡi rộng dài, bị các cây đinh sắt nóng đóng vào lưỡi, đi trong hư không, bị đau đớn bức bách, khóc kêu gào... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Tỳ-kheo trong pháp Phật Ca-diếp, làm Ma-ma-đế[58], quở trách các Tỳ-kheo rằng: ‘Này các Trưởng lão, các ông nên đi khỏi chỗ này, ở đây đạm bạc không thể cung cấp được. Mỗi người tùy ý tìm nơi sung túc, đầy đủ cơm áo, giường chiếu thuốc men, chữa bệnh, chắc có thể đầy đủ không thiếu’. Các Tỳ-kheo ở trước đó đều bỏ đi, còn khách Tăng nghe thế cũng không đến. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 533. ÁC KHẨU HÌNH DANH

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, ở giữa đường thấy một chúng sanh thân hình to lớn, hình tướng như Tỳ-kheo, quấn tấm sắt làm y phục, toàn thân bị thiêu đốt, cũng lấy bát sắt đựng viên sắt nóng để ăn... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Tỳ-kheo trong pháp Phật Ca-diếp, làm Ma-ma-đế, bằng ác khẩu hình dung tên các Tỳ-kheo, hoặc nói đây là ông trọc xấu xa, đây là ông tác phong xấu, đây là ông y phục xấu. Do những lời nói ác như vậy khiến cho các Tỳ-kheo ở trước đó bỏ đi, các Tỳ-kheo chưa đến không muốn đến. Do tọâi này cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 534. HẢO KHỞI TRANH TỤNG[59]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh này, thời quá khứ, ở nước Xá-vệ, xuất gia làm Tỳ-kheo trong pháp Phật Ca-diếp, ưa thích tranh cãi, làm rối loạn chúng tăng, lắm mồm mép, làm mất sự hòa hợp. Các Tỳ-kheo ở trước chán bỏ đi, người chưa đến không muốn đến. Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Nay vì dư báo địa ngục nên nó phải mang cái thân này, tiếp tục chịu khổ.

“Này các Tỳ-kheo, như Đại Mục-kiền-liên là thấy chân thật không sai. Các ông phải nên ghi nhớ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 535. ĐỘC NHẤT (1)[60]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm[61]. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở nơi rừng Khủng bố[62] nơi có nhiều cầm thú, trong núi Thất-thâu-ma-la[63], thôn Bạt-kỳ. Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật ở một mình chỗ vắng, thiền tịnh tư duy. Tôn giả nghĩ thầm: ‘Có nhất thừa đạo[64] khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được pháp chân như. Đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu người nào xa lìa bốn Niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo. Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa Pháp giải thoát. Người nào xa lìa Pháp giải thoát là không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu người nào ưa thích bốn Niệm xứ thì cũng tin ưa Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa Thánh đạo là tin ưa pháp cam lộ. Người nào tin ưa pháp cam lộ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.’

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên biết được ý nghĩ của Tôn giả A-na-luật, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay dùng thần lực biến khỏi rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la, thôn Bạt-kỳ và hiện ra trước Tôn giả A-na-luật, tại tinh xá Tòng lâm nơi thành Xá-vệ, bảo A-na-luật rằng:

“Phải chăng Thầy ở một mình nơi chỗ vắng, thiền tịnh, tư duy nghĩ rằng: ‘Có đạo nhất thừa khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được chân như. Đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu người nào xa lìa bốn Niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo. Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa Pháp giải thoát. Người nào xa lìa Pháp giải thoát là không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu người nào ưa thích bốn Niệm xứ thì cũng tin ưa Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa Thánh đạo là tin ưa pháp cam lộ. Người nào tin ưa pháp cam lộ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.’

Tôn giả A-na-luật nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Thưa Tôn giả.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói Tôn giả A-na-luật:

“Thế nào gọi là tin ưa bốn Niệm xứ?”

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo nào đối với niệm xứ quán thân trên thân, tâm duyên thân, an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến. Cũng vậy, đối với quán niệm xứ thọ, tâm, pháp, mà an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến. Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là Tỳ-kheo tin ưa bốn Niệm xứ.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên bằng tam-muội chánh thọ như vậy, từ cửa tinh xá Tòng lâm nước Xá-vệ, trở về rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la nơi thôn Bạt-kỳ.

*

KINH 536. ĐỘC NHẤT (2)[65]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ... cho đến Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Sao gọi là tu tập, tu tập nhiều bốn Niệm xứ?”

Tôn giả A-na-luật nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Nếu Tỳ-kheo, đối với nội thân khởi tưởng yểm ly; đối với nội thân khởi tưởng không yểm ly; tưởng yểm ly, tưởng không yểm ly đều xả, an trụ với chánh niệm, chánh tri. Cũng vậy, ngoại thân, nội ngoại thân, cảm thọ bên trong, cảm thọ bên ngoài, cảm thọ trong ngoài; tâm bên trong, tâm bên ngoài, tâm bên trong ngoài, pháp bên trong, pháp bên ngoài, pháp trong ngoài, khởi tưởng yểm ly, không khởi tưởng yểm ly, tưởng yểm ly và tưởng không yểm ly đều xả, an trụ với chánh niệm, chánh tri. Như vậy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đó gọi là tu tập, tu tập nhiều bốn Niệm xứ.”

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập tam-muội từ tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ, nhờ sức thần thông tam-muội, như lực sĩ co duỗi canh tay, trong khoảnh khắc đã trở về rừng Khủng bố đầy cầm thú trong núi Thất-thâu-ma-la tại thôn Bạt-kỳ.

*

TẠP A-HÀM QUYỂN 20

KINH 537. THỦ THÀNH DỤC TRÌ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả A-na-luật ở bên hồ tắm Thủ thành[2], nước Xá-vệ.

Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất[3] đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Hy hữu thay, A-na-luật! Có đại oai đức, đại thần lực[4], do công đức gì, tu tập, tu tập nhiều mà được như vậy?”[5]

Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; thọ trên nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là bốn Niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này.

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi đối với bốn Niệm xứ khéo tu tập, nên đối với tiểu thiên thế giới chỉ tạo ít phương tiện[6] mà có thể quán sát khắp tất cả. Như người mắt sáng ở trên lầu nhìn xuống, thấy mọi vật trên đất bằng. Cũng như vậy, tôi cũng chỉ tạo ít phương tiện mà có thể quán tiểu thiên thế giới. Như vậy, tôi đối với bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức thần lực lớn này.”

Hai vị Tôn giả cùng bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 538. MỤC-LIÊN SỞ VẤN[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan, Tôn giả A-na-luật cũng đều ở nước Xá-vệ[8].

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà đạt được oai đức, thần lực lớn như vậy?”

Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là bốn Niệm xứ được tu tập, tu tập nhiều, sẽ thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Đối với ngàn núi Tu-di, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà có thể xem xét tất cả. Như người mắt sáng leo lên đỉnh núi cao, nhìn xuống thấy ngàn rừng cây đa-la. Cũng vậy, đối với bốn Niệm xứ, tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, thần lực lớn này, tôi chỉ dùng chút phương tiện mà thấy được cả ngàn núi Tu-di. Như vậy, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, đối với bốn Niệm xứ, tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này.”

Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

*

KINH 539. A-NAN SỞ VẤN[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả A-na-luật ở bên hồ tắm Thủ thành, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nhờ công đức gì, tu tập, tu tập nhiều, mà được thành tựu oai đức, oai lực và thần thông lớn như vậy?”

Tôn giả A-na-luật trả lời Tôn giả A-nan:

“Đối với pháp bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nhờ đó nên thành tựu oai đức, thần lực lớn này. Bốn Niệm xứ là gì? Niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, niệm xứ quán thân trên ngoại thân, nội ngoại thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại tâm; nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp; tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục tham ưu thế gian. Như vậy, Tôn giả A-nan, đối với bốn Niệm xứ này tôi tu tập, tu tập nhiều, nên chỉ cần chút phương tiện, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người, xem thấy các chúng sanh lúc sanh, lúc chết, tướng mạo hoặc đẹp hoặc xấu, sắc cao quý, sắc hạ tiện, cõi lành, cõi ác, tùy theo nghiệp mà thọ sanh, tất cả đều thấy như thật. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý đều tạo việc ác, phỉ báng Hiền thánh; do nhân duyên tà kiến hủy báng Hiền thánh, nên khi thân hoại mạng chung, sanh vào trong địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thành tựu chánh kiến, do nhân duyên này nên khi chết được sanh lên cõi trời. Thí như người mắt sáng đứng nơi ngã tư đường thấy mọi người qua lại, hoặc nằm ngồi. Tôi cũng vậy, đối với bốn Niệm xứ tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực thần thông lớn này; thấy tất cả chúng sanh lúc sanh, lúc chết, cõi lành, cõi ác. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền thánh, do nhân duyên tà kiến mà sanh vào địa ngục. Chúng sanh như vậy do thân, miệng, ý làm việc lành, không phỉ báng Hiền thánh, thì vì nhân duyên chánh kiến này, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời.

“Như vậy, Tôn giả A-nan, đối với bốn Niệm xứ tôi tu tập, tu tập nhiều, nên thành tựu được oai đức, oai lực, thần thông lớn này.”

Hai vị Tôn giả bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 540. SỞ HOẠN (1)[10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm[11], nước Xá-vệ, thân bị bệnh khổ.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi đứng lui qua một bên, thưa Tôn giả A-na-luật:

“Thưa Tôn giả A-na-luật, bệnh của Tôn giả nặng hay nhẹ, có chịu đựng được không? Bệnh giảm dần dần, không tăng thêm chăng?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Bệnh tôi không yên, thật là khó chịu đựng, đau đớn toàn thân, càng lúc nặng thêm, không bớt.”

Rồi Tôn giả nói ba thí dụ như kinh Sai-ma[12] ở trên đã nói; rồi tiếp:

“Dù thân tôi bị đau đớn như thế này, nhưng tôi vẫn chịu đựng được, với chánh niệm, chánh tri.”

Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tâm an trụ ở chỗ nào mà có thể chịu đựng được cái khổ lớn như vậy với chánh niệm, chánh tri?”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

“Tâm trụ bốn Niệm xứ nên mỗi khi tôi cử động, thân thể dù có bị đau đớn, cũng có thể chịu đựng được với chánh niệm, chánh tri. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ, có thể chịu đựng tất cả mọi đau đớn nơi thân, với chánh niệm, chánh tri.”

Các Tôn giả cùng nhau bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 541. SỞ HOẠN (2)[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật đang ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ, bệnh mới vừa giảm bớt chưa bao lâu.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tôn giả có được an ổn, cảm thấy an lạc[14] không?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Tôi được an ổn, cảm thấy an lạc. Các thứ đau đớn nơi thân thể đều đã bớt dần.”

Các Tỳ-kheo lại hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Tâm trụ ở chỗ nào mà những đau nhức của thân dần dần được an ổn?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“An trụ bốn Niệm xứ, nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Đó gọi là trụ bốn Niệm xứ. Do an trụ bốn Niệm xứ này nên những đau nhức của thân dần dần được an ổn.”

Các Tôn giả bàn luận xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

*

KINH 542. HỮU HỌC LẬU TẬN[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm[16], nước Xá-vệ. Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật, cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nếu Tỳ-kheo còn ở địa vị hữu học[17] mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết-bàn an ổn; Thánh đệ tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa?’”

Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo còn ở địa vị hữu học mà hướng thượng muốn cầu an trụ Niết-bàn an ổn; Thánh đệ tử tu tập, tu tập nhiều như thế nào để ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Hãy an trụ nơi bốn Niệm xứ. Những gì là bốn Niệm xứ? Đó là, niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán thọ, tâm, pháp. Tu tập bốn Niệm xứ như vậy, tu tập nhiều, ở trong pháp luật này có thể dứt sạch các lậu, tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-na-luật nói xong, tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

*

KINH 543. A-LA-HÁN TỲ-KHEO[18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ.

Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-na-luật cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Nếu Tỳ-kheo đã dứt sạch các lậu, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, lìa các kết sử hữu[19], bằng chánh trí tâm khéo giải thoát, vị ấy cũng tu bốn Niệm xứ chăng?”

Tôn giả A-na-luật trả lời các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào, các lậu đã dứt sạch, việc làm đã xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã lìa các kết sử hữu, bằng chánh trí tâm khéo giải thoát; vị ấy cũng tu bốn Niệm xứ. Vì sao? Vì để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, hiện tại sống an lạc. Tại sao như thế? Vì tôi cũng đã lìa các hữu lậu, đã đắc quả A-la-hán, việc làm đã xong, tâm khéo giải thoát, cũng tu bốn Niệm xứ, để đắc những gì chưa đắc, chứng những gì chưa chứng, đến chỗ chưa đến,… cho đến hiện tại sống an lạc.”

Các Tôn giả bàn luận xong, đều tùy hỷ vui vẻ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy, ra đi.

*

KINH 544. HÀ CỐ XUẤT GIA[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ.

Lúc ấy, có nhiều chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả A-na-luật cùng nhau hỏi thăm sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-na-luật:

“Thưa Tôn giả, vì cớ gì Tôn giả xuất gia ở trong pháp của Sa-môn Cù-đàm?”

Tôn giả A-na-luật đáp:

“Vì để tu tập.”

Lại hỏi:

“Tu tập những gì?”

Đáp:

“Tu các căn, tu các lực, tu các giác phần, tu các niệm xứ. Các ông muốn nghe tu những gì?”

Lại hỏi:

“Căn, lực, giác phần, những danh tự ấy chúng tôi chưa biết; huống chi là lại hỏi nghĩa. Nhưng chúng tôi muốn nghe niệm xứ.”

Tôn giả A-na-luật bảo:

“Các ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, tôi sẽ vì các ông mà nói. Nếu Tỳ-kheo tu niệm xứ quán thân trên nội thân cho đến niệm xứ quán pháp trên pháp.”

Bấy giờ, chúng xuất gia ngoại đạo nghe Tôn giả A-na-luật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

*

KINH 545. HƯỚNG NIẾT-BÀN[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật ở tại tinh xá Tòng lâm, nước Xá-vệ. Khi ấy Tôn giả A-na-luật nói với các Tỳ-kheo:

“Ví như cây lớn sanh trưởng mà nghiêng xuống dưới, càng nghiêng sâu càng muốn đổ[22]. Nếu chặt rễ nó, cây sẽ phải ngã, thuận theo chiều nghiêng xuống. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu bốn Niệm xứ, lâu ngày nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến viễn ly, nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến giải thoát; nhắm thẳng tới, đào sâu, vận chuyển, hướng đến Niết-bàn[23].”

Tôn giả A-na-luật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì đã nói, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 546. THÁO QUÁN TRƯỢNG[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở bên bờ ao Ô-nê[25], xóm Bạt-lan-na[26]. Lúc ấy có Phạm chí cầm gậy tháo quán[27], đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Do nhân gì, duyên gì, vua tranh giành với vua, các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau?”

Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời Phạm chí:

“Vì do bị trói buộc bởi tham dục[28] nên vua tranh giành với vua; các Bà-la-môn, cư sĩ tranh giành với nhau.”

Phạm chí lại hỏi:

“Do nhân gì, duyên gì, những người xuất gia tranh giành nhau?”

Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Vì do bị trói buộc bởi kiến dục[29] nên người xuất gia tranh giành với người xuất gia.”

Phạm chí lại hỏi:

“Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, có người nào lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục này không?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Có, này Phạm chí, Đại Sư của tôi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, có thể lìa được sự ràng buộc của tham dục và lìa được sự ràng buộc của những kiến dục này.”

Phạm chí lại hỏi:

“Phật Thế Tôn hiện nay đang ở chỗ nào?”

Đáp:

“Đức Thế Tôn hiện tại đang ở giữa những người Ba-la-kỳ, nơi rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc, thành Xá vệ, nước Câu-tát-la.”

Bấy giờ, Phạm chí từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai áo bên hữu, gối phải quỳ sát đất, hướng về nơi ở của Phật chắp tay tán thán: ‘Nam-mô Phật! Nam-mô Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác có thể lìa mọi sự ràng buộc của tham dục, hoàn toàn xa lìa mọi sự trói buộc của tham dục và các kiến dục, sạch hết cội gốc.’

Bấy giờ, Phạm chí cầm gậy tháo quán nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

*

KINH 547. TÚC SĨ[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ca-chiên-diên đang ở bên bờ ao Ô-nê thôn Bà-la-na[31]. Bấy giờ, cùng với số đông Tỳ-kheo tụ tập ở nhà ăn, vì việc thọ trì y. Lúc ấy, có Phạm chí chống gậy[32] tuổi già, các căn suy yếu, đến chỗ nhà ăn, chống gậy đứng một bên. Sau một hồi im lặng, ông mới nói với các Tỳ-kheo:

“Này các Trưởng lão, tại sao các ông thấy người lớn tuổi, mà không chào hỏi, cung kính mời ngồi?”

Lúc đó, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cũng ngồi trong chúng. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo Phạm chí:

“Theo pháp của chúng tôi, khi có người già cả đến, đều chào hỏi cung kính, lễ bái, mời ngồi.”

Phạm chí nói:

“Tôi thấy trong chúng này, không có ai già cả hơn tôi, mà chẳng có ai cung kính chào hỏi mời ngồi. Thế sao ông nói rằng theo pháp của ông, nếu thấy có người lớn tuổi thì đều cung kính lễ bái mời ngồi?”

Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Này Phạm chí, nếu có người nào già cả đến tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng, mà chỉ thành tựu được pháp thiếu niên, thì người này chẳng phải là bậc tôn túc[33]. Ngược lại, tuy là người tuổi trẻ khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, hoàn toàn đẹp đẽ, mà thành tựu được pháp của bậc cao niên, thì được kể vào hàng tôn túc.”

Phạm chí hỏi:

“Tại sao gọi là người tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc răng rụng, lại thành tựu pháp thiếu niên, còn người trẻ tuổi khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ, lại được kể vào hàng tôn túc?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo Phạm chí:

“Có năm phẩm chất của dục, đó là sắc được nhận thức bởi mắt, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ; tiếng được nhận thức bởi tai; hương được nhận thức bởi mũi; vị được nhận thức bởi lưỡi; xúc được nhận thức bởi thân, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ. Đối với năm phẩm chất của dục này, mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa niệm tưởng, không lìa khát vọng, thì này Phạm chí, nếu người nào như vậy, thì dù tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng, cũng gọi đó là thành tựu được pháp thiếu niên. Còn người tuy tuổi mới hai mươi lăm, da trắng, tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng đối với năm phẩm chất của dục này, mà lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa niệm tưởng, lìa khát vọng. Người như vậy, tuy tuổi mới hai mươi lăm, da tắng, tóc đen, khỏe mạnh, đẹp đẽ nhưng thành tựu được pháp của bậc lão nhân thì được kể vào hàng tôn túc.”

Bấy giờ, Phạm chí mới nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Như ý nghĩa Tôn giả đã nói, nếu tự xét lại mình thì tuy tôi đã già mà lại nhỏ, còn các vị tuy trẻ tuổi mà đã thành tựu được pháp của bậc cao niên.

“Thưa Tôn giả, thế gian bận nhiều việc, tôi xin cáo từ.”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Này Phạm chí, ông tự biết đúng thời.”

Phạm chí nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ, vui mừng rồi trở về nhà mình.

*

KINH 548. MA-THÂU-LA[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong rừng rậm[35]. Lúc ấy, quốc vương nước Ma-thâu-la là Tây Phương vương tử[36] đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Người Bà-la-môn tự nói, ta là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Ta là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính con Phạm thiên[37] từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên[38], nên chúng là sở hữu của Phạm thiên. Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghĩa này thế nào?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với vua Ma-thâu-la:

“Đại vương, đây chỉ là ngôn thuyết của thế gian[39]. Người thế gian cho rằng Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Đại vương nên biết, nghiệp là chân thật; điều đó căn cứ vào nghiệp.

Vua nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Đó là những lời nói sơ lược, tôi không hiểu rõ. Xin giải thích phân biệt lại cho.”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Bây giờ, tôi sẽ hỏi Đại vương, tùy theo câu hỏi mà Đại vương trả lời.”

Tôn giả liền hỏi:

“Thưa Đại vương, ngài là vua Bà-la-môn[40], nơi đất nước của mình có bốn hạng người này là Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ, đều được gọi đến. Ngài dùng tiền của, thế lực khiến họ hầu cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và các mệnh lệnh được chấp hành, tất cả đều được như ý mình không?”

Vua đáp:

“Như ý.”

Tôn giả lại hỏi:

“Tâu Đại vương, Sát-đế-lợi là vua, cư sĩ là vua, gia chủ là vua[41]. Nếu tại đất nước của mình có bốn chủng tánh, đều được gọi đến. Nhà vua dùng của cải, thế lực, khiến họ hầu cận phòng vệ, họ dậy trước ngủ sau và vua ra lệnh làm các việc, thì có được như ý vua không?”

Vua đáp:

“Như ý.”

“Thưa Đại vương, như vậy bốn chủng tánh này, tất cả đều bình đẳng có sai biệt nào. Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này tất cả đều bình đẳng, không có sự sai biệt nào hoặc hơn hay bằng.”

Vua Ma-thâu-la bạch Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Thưa Tôn giả đúng như vậy, bốn chủng tánh này đều bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng.”

“Cho nên, Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này theo ngôn thuyết của thế gian là có sai khác, cho đến, căn cứ vào nghiệp, chân thật chứ không sai khác.”

“Lại nữa, Đại vương trong đất nước này, nếu dòng Bà-la-môn có người trộm cắp thì nên hành xử như thế nào?”

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Trong dòng Bà-la-môn nếu có người nào trộm cắp thì sẽ bị đánh bằng roi, bị trói, hoặc bị đuổi ra khỏi nước, hoặc phạt tiền của, hoặc bị chặt tay chân, xẻo tai mũi; nếu là tội nặng thì sẽ bị giết chết. Kẻ trộm đó dù là dòng Bà-la-môn cũng gọi là giặc.”

Lại hỏi:

“Thưa Đại vương, nếu trong dòng Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ có kẻ trộm cắp, thì phải làm thế nào?”

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Cũng bị phạt đánh roi, bị trói, bị đuổi ra khỏi nước, cũng phạt tiền của, bị chặt tay, chân, xẻo tai, mũi; nếu tội nặng thì bị giết chết.”

“Như vậy, thưa Đại vương, há không phải bốn chủng tánh đều bình đẳng sao? Hay có sự sai khác nào chăng?”

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Ý nghĩa của chúng là như vậy. Thật ra không có bất cứ một sai biệt nào dù là hơn hay là bằng.”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên lại nói với vua:

“Đại vương nên biết, về bốn chủng tánh này, ngôn thuyết của thế gian nói, Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Há không phải là y cứ vào nghiệp, chân thật y cứ vào nghiệp chăng?”

Lại hỏi:

“Đại vương, nếu người Bà-la-môn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời ác, hai lưỡi, nói thêu dệt, tham, nhuế, tà kiến, tạo mười nghiệp đạo bất thiện thì sẽ sanh vào cõi ác hay cõi lành? Từ nơi vị A-la-hán[42] vua đã nghe được những gì?”

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Bà-la-môn tạo mười nghiệp đạo bất thiện sẽ đọa vào đường ác. Từ nơi A-la-hán tôi nghe như vậy. Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.

Lại hỏi:

“Thưa Đại vương, nếu Bà-la-môn nào làm mười nghiệp đạo lành, xa lìa sát sanh cho đến chánh kiến thì sẽ sanh vào nơi nào? Cõi lành hay cõi ác? Từ nơi vị A-la-hán vua đã nghe được những gì?”

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Nếu Bà-la-môn làm mười nghiệp đạo lành thì sẽ sanh vào cõi lành. Từ nơi A-la-hán tôi nghe như vậy. Sát-đế-lợi, cư sĩ, gia chủ cũng nói như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế nào Đại vương, bốn chủng tánh như vậy, là có bình đẳng không, hay có gì sai biệt dù là hơn hoặc là bằng?”

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Theo nghĩa như vậy thì là bình đẳng, không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng.”

“Cho nên Đại vương nên biết, bốn chủng tánh này đều bình đẳng không có gì sai biệt dù là hơn hay là bằng. Theo ngôn thuyết thế gian mà nói, Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra; được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Nên biết là do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.

Vua thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Thật đúng như những gì đã nói đó, tất cả đều ngôn thuyết của thế gian nên nói Bà-la-môn là nhất, kẻ khác là thấp hèn. Bà-la-môn là trắng, kẻ khác là đen. Bà-la-môn là thanh tịnh, chứ không phải phi Bà-la-môn. Chính Bà-la-môn được Phạm thiên sanh, từ miệng sanh ra, được hóa sanh từ Phạm thiên, là thừa tự của Phạm thiên. Nhưng đều do nghiệp là chân thật, là y cứ vào nghiệp.”

Vua Ma-thâu-la nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ vui mừng làm lễ rồi đi.

*

KINH 549. CA-LÊ[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong tinh xá Câu-la-la-tra, nước A-bàn-đề[44].

Sáng sớm, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đắp y, mang bát, vào[45] Câu-la-la-tra, tuần tự đi khất thực, đến nhà Ưu-bà-di Ca-lê-ca[46].

Khi ấy, Ưu-bà-di trông thấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, liền sửa soạn chỗ ngồi, rồi mời ngồi, đảnh lễ dưới chân Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên xong, đứng lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Như những gì Đức Thế Tôn đã dạy, trả lời câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa[47]. Thế Tôn đã nói trong bài kệ những câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa:

Thật nghĩa ở tại tâm,

Tịch diệt mà không loạn[48].

Hàng phục quân dũng mãnh,

Sắc đẹp đẽ đáng yêu[49].

Một mình, chuyên thiền tứ,

Nếm Thiền lạc vi diệu,

Đó gọi là xa lìa,

Các bạn bè thế gian.

Các bạn bè thế gian,

Không gần gũi ta được.

“Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, bài kệ này của Thế Tôn, ý nghĩa như thế nào?

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời Ưu-bà-di:

“Này chị, có một Sa-môn Bà-la-môn nói: Biến xứ định về đất[50]; không còn gì hơn đây để cầu mong quả này[51]. Này chị, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với biến xứ định về đất, mà được thanh tịnh trong sáng, thì sẽ thấy được căn bản của nó[52], thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy được cội gốc, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận, nên đạt được nghĩa chân thật tại tâm, tuy tịch diệt nhưng không loạn.

Này chị, cũng vậy biến xứ định về nước, biến xứ định về lửa, biến xứ định về gió, biến xứ định về màu xanh, biến xứ định về màu vàng, biến xứ định về màu đỏ, biến xứ định về màu trắng; biến xứ định về hư không, biến xứ định về thức là tối thượng để cầu mong quả này.

Này chị, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào cho đến, biến xứ định về thức, mà được thanh tịnh trong sáng, thì sẽ thấy căn bản, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy được con đường đưa đến sự diệt tận. Vì thấy được căn bản, thấy được sự tai hại, thấy được sự diệt tận, thấy con đường đưa đến sự diệt tận, nên đạt được nghĩa chân tại tâm, tịch diệt mà không loạn, khéo thấy, khéo nhập. Cho nên, Thế Tôn trả lời bài kệ những câu hỏi của đồng nữ Tăng-kỳ-đa:

Thật nghĩa ở tại tâm,

Tịch diệt mà không loạn.

Hàng phục quân dũng mãnh,

Sắc đẹp đẽ đáng yêu.

Một mình, chuyên thiền tứ,

Nếm Thiền lạc vi diệu,

Đó gọi là xa lìa,

Bạn bè của thế gian.

Các bạn bè thế gian,

Không gần gũi ta được.

“Này chị, vì tôi hiểu Thế Tôn bằng ý nghĩa như vậy mà nói kệ như vậy.”

Ưu-bà-di thưa:

“Lành thay Tôn giả! Tôn giả đã nói nghĩa chân thật. Xin Tôn giả nhận lời mời thọ trai của con.”

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên im lặng nhận lời.

Ưu-bà-di Ca-lê-ca biết Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đã nhận lời mời rồi, liền sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống ngon lành, cung kính tôn trọng, tự tay dâng thức ăn. Khi Ca-lê-ca biết Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đã thọ thực, rửa bát, súc miệng xong, liền sửa soạn một chỗ ngồi thấp trước Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cung kính nghe pháp. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên vì nữ cư sĩ mà nói các pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến cho hoan hỷ, sau đó Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

*

KINH 550. LY[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cũng ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo các Tỳ-kheo:

“Phật Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, là bậc Kiến giả[54], nói sáu pháp ra khỏi chỗ khổ, đạt đến chỗ thù thắng, nói nhất thừa đạo khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa mọi sự khổ não, dứt hết lo buồn, được pháp chân như[55]. Sáu pháp ấy là gì? Đó là, Thánh đệ tử niệm tưởng pháp sở hành của Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là pháp sở hành thanh niệm[56]: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thánh đệ tử do niệm pháp sở hành của Như Lai, nên lìa giác tưởng tham dục, lìa giác tưởng sân nhuế, lìa giác tưởng não hại[57]. Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ nhất ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm tưởng Chánh pháp, niệm: Pháp luật hiện tại của Thế Tôn[58], lìa mọi nhiệt não, phi thời gian, thông suốt, thấy ngay trong hiện tại, duyên tự mình mà giác ngộ[59]. Lúc Thánh đệ tử niệm Chánh pháp, không khởi giác tưởng tham dục, giác tưởng sân nhuế, não hại. Như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ hai ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm Tăng pháp là bậc thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng, trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh tùy thuận, Đó là hướng Tu-đà-hoàn, đắc quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc quả A-la-hán. Như vậy, bốn đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước điền Vô thượng của thế gian, là nơi xứng đáng cúng dường, cung kính, lễ bái[60]. Khi Thánh đệ tử niệm Tăng, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, như vậy, Thánh đệ tử thoát khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ ba ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.

“Lại nữa, Thánh đệ tử niệm Giới đức, niệm: Giới không khuyết, giới không vỡ, giới thuần hậu, giới không lìa, giới không trộm lấy[61], giới khéo rốt ráo, giới đáng khen ngợi, giới mà bậc phạm hạnh không ghét bỏ. Nếu Thánh đệ tử khi niệm giới, tự nhớ nghĩ những giới đã được thành tựu trong thân, ngay lúc ấy không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy là Thánh đệ tử đã ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si, an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ tư ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.

“Lại nữa, Thánh đệ tử niệm Thí pháp[62], tâm tự vui mừng: Nay ta đã lìa cấu uế xan tham; dù là tại gia mà tâm bố thí với sự giải thoát, thường thí, xả thí, vui thí, thành tựu sự bố thí, bố thí bình đẳng. Nếu Thánh đệ tử khi niệm thí pháp mà tự mình bố thí, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si và an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ năm ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.

“Lại nữa, Thánh đệ tử luôn niệm Thiên đức[63], niệm: Tứ vương thiên, Tam thập tam thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên, với tín tâm thanh tịnh, khi mạng chung ở nơi nay sẽ sanh lên các cõi trời. Ta cũng như vậy, với tín, giới, thí, văn, tuệ, mạng chung ở nơi này sẽ được sanh lên các cõi trời. Như vậy, khi Thánh đệ tử niệm công đức chư Thiên, không khởi giác tưởng tham dục, sân nhuế, não hại, thì như vậy, Thánh đệ tử ra khỏi tâm nhiễm trước. Tâm nhiễm trước là gì? Đó là năm phẩm chất của dục. Nếu đối với năm phẩm chất của dục này mà lìa tham, nhuế, si và an trụ chánh niệm, chánh trí, nương theo trực đạo, tu tập niệm Phật, chân chánh hướng thẳng đến Niết-bàn. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, nói nhất thừa đạo thứ năm ra khỏi khổ, đạt đến chỗ thù thắng, khiến chúng sanh được thanh tịnh, lìa khỏi mọi khổ não, diệt hết mọi lo buồn, được pháp như thật.”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 551. HA-LÊ (1)[64]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở tại tinh xá họ Thích trong thôn Ha-lê.

Bấy giờ trưởng giả Ha-lê Tụ lạc[65] đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Như bài kệ Thế Tôn trả lời những câu hỏi của Ma-kiền-đề trong kinh Nghĩa phẩm[66]:

Đoạn tất cả các dòng,

Lấp kín nguồn nước chảy;

Sống thân cận làng xóm,

Mâu ni không khen ngợi.

Năm dục đã trống rỗng.

Quyết không đầy trở lại;

Lời tranh tụng thế gian,

Chung cuộc không xảy nữa.

Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, kệ này có ý nghĩa gì?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trả lời gia chủ:

“Con mắt là dòng chảy. Tham phát khởi bởi thức con mắt. Nương vào giới con mắt mà tham dục chảy trào ra, nên gọi là dòng chảy[67]. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là dòng chảy tham phát khởi bởi ý thức. Nương vào ý giới mà tham dục chảy trào ra, nên gọi là dòng chảy.”

Gia chủ lại hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Thế nào gọi là không chảy trào ra[68]?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

“Thức của con mắt; ái và hỷ y trên sắc được nhận thức bởi mắt mà phát sanh, nếu chúng dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diêt, thì đó gọi là không chảy trào ra. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; là ý thức; tham dục y trên pháp được nhận thức bởi ý mà phát sanh, nếu chúng dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diẹât, thì đó gọi là không chảy trào ra.”

Lại hỏi:

“Thế nào là nguồn[69]?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Duyên con mắt và sắc sanh ra thức con mắt. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh cảm thọ, hoặc thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Từ đó phát xuất dòng nhiễm trước. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý thức, ý thức pháp, cả ba hòa hợp sanh ra xúc. Duyên xúc sanh cảm thọ, hoặc thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc. Dòng ái hỷ y nơi thọ này phát xuất, đó gọi là nguồn của dòng.”

“Thế nào là lấp nguồn của dòng này?”

“Sự hệ lụy do giới con mắt tiếp nhận cảnh giới tâm pháp; nếu sự hệ lụy này dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diệt, đó gọi là lấp nguồn của dòng. Sự hệ lụy do tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp nhận cảnh giới tâm pháp; nếu sự hệ lụy này dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch tĩnh, tịch diệt, đó gọi là lấp nguồn của dòng.”

Lại hỏi:

“Thế nào là thân cận, tán thán nhau?”[70]

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đáp:

“Tại gia, xuất gia thân cận nhau, cùng mừng, cùng lo, cùng vui, cùng khổ, việc gì cũng đều làm chung; đó gọi là thân cận, tán thán nhau.”

Lại hỏi:

“Thế nào là không khen ngợi?”[71]

“Là tại gia, xuất gia không cùng thân cận, không cùng mừng, không cùng lo, không cùng khổ, không cùng vui; phàm làm việc gì cũng đều không cùng nhau vui vẻ tán thành; đó gọi là không khen ngợi.”

“Thế nào dục không trống không[72]?”

“Có năm phẩm chất của dục; sắc được nhận thức bởi mắt, đáng ưa, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, đắm trước sâu, nuôi lớn dục. Tiếng bởi tai, hương bởi mũi đối với hương, vị bởi lưỡi đối với vị, xúc bởi thân đối với xúc, đáng ưa, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, đắm trước sâu, nuôi lớn dục. Đối với năm dục này mà không lìa tham, không lìa ái, không lìa nhớ nghĩ, không lìa khao khát, thì đó gọi là dục không trống không.”

“Thế nào gọi là dục trống không?”

“Là đối với năm dục này mà lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa nhớ nghĩ, lìa khát khao, thì đó gọi là dục trống không.”

“Nói bị hệ lụy trói buộc bởi ngã, đó là khi tâm pháp trở lại đầy[73].

“Vị Tỳ-kheo A-la-hán kia, đã đoạn tận các lậu, cắt đứt gốc rễ của chúng, như chặt đứt ngọn cây đa-la, đời vị lai sẽ không sanh trở lại nữa, thì làm sao lại cùng với kẻ khác tranh tụng.

“Cho nên, Thế Tôn trả lời câu hỏi của Ma-kiền-đề trong kinh Nghĩa phẩm bằng bài kệ:

Đoạn tất cả các dòng,

Lấp kín nguồn nước chảy;

Sống thân cận làng xóm,

Mâu-ni không khen ngợi.

Năm dục đã trống rỗng,

Quyết không đầy trở lại;

Lời tranh tụng thế gian,

Chung cuộc không xảy nữa.

Đó gọi là sự phân biệt nghĩa lý bài kệ mà Như Lai đã nói.”

Bấy giờ, gia chủ Ha-lê Tụ lạc khi nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi ra về.

*

KINH 552. HA-LÊ (2)[74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở tại tinh xá của họ Thích trong thôn Ha-lê. Vị gia chủ thôn chủ Ha-lê[75] đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Như lúc Đức Thế Tôn ở trong hang đá núi Giới cách đã nói với Thiên đế Thích[76] rằng: ‘Này Kiều-thi-ca, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà giải thoát vô thượng với sự diệt tận ái[77], tâm khéo chân chánh giải thoát, rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh’. Làm thế nào mà ở trong pháp luật này đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

“Con mắt, thức con mắt, sắc được nhận thức bởi con mắt, nương nhau sanh hỷ. Nếu hỷ này đoạn tận, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ngay trong Pháp luật này sẽ đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh. Tai, mắt, lưỡi, thân, ý, ý thức; pháp được nhận thức bởi ý nhau sanh ra hỷ. Nếu hỷ này đoạn tận, vô dục, diệt tận, tịch diẹât, tĩnh chỉ, thì ngay trong Pháp luật này sẽ đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh.”

Gia chủ thôn chủ Ha-lê, sau khi nghe lời chỉ dạy của Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra về.

*

KINH 553. HA-LÊ (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở tại tinh xá của họ Thích trong thôn Ha-lê. Vị gia chủ thôn chủ Ha-lê đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Như khi Thế Tôn ở trong hang đá núi Giới cách đã nói với Đế Thích rằng: Này Kiều-thi-ca, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà giải thoát vô thượng với sự dứt sạch ái, tâm khéo chân chánh giải thoát, đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh. Làm thế nào mà ở trong Pháp luật này đạt đến rốt ráo biên tế, tốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sự hệ lụy đắm trước nơi cảnh giới của tâm pháp được tiếp nhận bởi giới con mắt; sự hệ lụy ấy nếu đã dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ở trong Pháp luật này mà đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyẹât đối thanh tịnh. Đối với sự hệ lụy đắm trước nơi cảnh giới của tâm pháp được tiếp nhận bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý giới; sự hệ lụy ấy nếu đã dứt sạch, vô dục, diệt tận, tịch diệt, tĩnh chỉ, thì ở trong Pháp luật này mà đạt đến rốt ráo biên tế, rốt ráo vô cấu, cứu cánh phạm hạnh, tuyệt đối thanh tịnh.”

Gia chủ thôn Ha-lê, nghe Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra về.

*

KINH 554. HA-LÊ (4)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Ha-lê của họ Thích. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghe gia chủ chủ thôn Ha-lê mắc bệnh khổ. Sau khi nghe, vào buổi sáng sớm, đắp y mang bát vào thôn Ha-lê khất thực, lần lượt đến nhà gia chủ thôn chủ Ha-lê. Gia chủ thôn chủ Ha-lê từ xa trông thấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, ông muốn rời chỗ nằm đứng dậy. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên thấy gia chủ muốn đứng dậy, liền bảo gia chủ:

“Gia chủ chớ đứng dậy! May còn có chỗ ngồi, tôi có thể tự ngồi nơi đó.”

Tôn giả lại nói với gia chủ:

“Thế nào gia chủ, tật bệnh có chịu đựng được không? Mọi thứ đau đớn của thân thể có thuyên giảm không? Không tăng thêm chăng?”

Gia chủ đáp:

“Thưa Tôn giả, bệnh con rất khó nhẫn chịu. Những sự đau đớn của thân thể càng tăng thêm, không bớt chút nào!”

Gia chủ liền nói ba thí dụ như kinh Xoa-ma Tỳ-kheo đã nói trước.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

“Cho nên ông nên tu tập bất hoại tịnh đối với Phật, tu tập bất hoại tịnh đối với Pháp, tu tập bất hoại tịnh đối với Tăng, tu tập và thành tựu Thánh giới. Nên học như vậy.”

Gia chủ đáp:

“Bốn Bất hoại tịnh như Đức Phật dạy con đã thành tựu được tất cả. Hiện tại con đã thành tựu Phật bất hoại tịnh, Pháp bất hoại tịnh, Tăng bất hoại tịnh và đã thành tựu Thánh giới.”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

“Ông nên nương vào bốn pháp bất hoại tịnh này mà tu tập sáu pháp niệm. Nên niẹâm công đức Phật: Ngài là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nên niệm công đức Pháp: Đối với Chánh pháp luật của Thế Tôn, ngay trong đời này, xa lìa các phiền não bức rức, pháp được thông đạt, phi thời gian, duyên tự mình mà giác ngộ. Nên niệm công đức Tăng: Bậc thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng, trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh tùy thuận, Đó là hướng Tu-đà-hoàn, đắc quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc quả A-la-hán. Như vậy, bốn đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước điền Vô thượng của thế gian, là nơi cúng dường, cung kính, lễ bái. Nên niệm công đức Giới: Tự giữ gìn chánh giới, không hủy, không khuyết, không vỡ, không nát, là giới chẳng trộm lấy[78], giới cứu cánh, giới đáng khen ngợi, giới phạm hạnh, giới không bị ghét bỏ. Nên niệm công đức Bố thí: Tự mình nghĩ đến bố thí, tự tâm cảm thấy hân hoan, xả bỏ keo kiệt, tham lam; tuy ở tại gia nhưng tâm bố thí giải thoát, thường bố thí, vui vẻ bố thí, bố thí đầy đủ, bố thí bình đẳng. Nên niệm công đức chư Thiên: Niệm trời Tứ vương, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Chư Thiên này với tín và giới thanh tịnh, khi chết ở cõi này được sanh về trong các cõi kia. Ta cũng như vậy, nhờ tín, giới, trí, văn, tuệ thanh tịnh, nên được sanh về trong các cõi trời kia.

“Này gia chủ, như vậy nên biết nương vào bốn pháp Bất hoại tịnh và thêm sáu Niệm xứ nữa.”

Gia chủ thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Bốn pháp Bất hoại tịnh và sáu Niệm xứ mà Đức Thế Tôn đã nói, ở đây, tất cả con đều thành tựu. Con đang tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

“Lành thay! Gia chủ có thể tự xác nhận là đắc quả A-na-hàm.”

Bấy giờ, gia chủ thưa:

“Mời Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên ở lại đây thọ trai.”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nhận lời mời. Gia chủ thôn chủ Ha-lê, biết Tôn giả đã nhận lời, liền sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống ngon, tự tay cúng dường. Thọ trai xong, sau khi rửa bát, súc miệng, Tôn giả vì gia chủ nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, xong Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

*

KINH 555. HA-LÊ (5)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Ha-lê của họ Thích. Lúc đó có gia chủ ở Bát thành[79] tên là Đà-thí[80] thân bị bệnh khổ. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghe gia chủ Đà-thí mắc bệnh, sáng sớm đắp y mang bát vào Bát thành khất thực, lần lượt đến nhà gia chủ Đà-thí. Như kinh gia chủ Ha-lê đã nói như vậy.

*

KINH 556. VÔ TƯỚNG TÂM TAM-MUỘI[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng An-thiền[82] tại thành Sa-kỳ[83].

Bấy giờ số đông Tỳ-kheo-ni đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn liền vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, Phật ngồi im lặng.

Các Tỳ-kheo-ni bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu vô tướng tâm tam-muội[84], không vọt lên, không chìm xuống[85], sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thì vô tướng tâm tam-muội này, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”

Phật bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì vô tướng tâm tam-muội này là trí quả, là trí công đức.”

Khi các Tỳ-kheo-ni nghe Phật dạy xong, đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau đó các Tỳ-kheo-ni đi đến Tôn giả A-nan, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Tôn giả, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả A-nan:

“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì vô tướng tâm tam-muội này là quả gì, công đức gì?”

Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Này các tỷ muội, nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát. Thế Tôn nói là trí quả, là trí công đức.”

Các Tỳ-kheo-ni đều nói:

“Lạ thay, Tôn giả A-nan! Đại Sư và đệ tử có cùng một câu nói, cùng một vị, cùng một nghĩa, tức là Đệ nhất cú nghĩa. Hôm nay các Tỳ-kheo-ni có đến chỗ Thế Tôn, đem câu nói như vậy, vị như vậy, nghĩa như vậy hỏi Thế Tôn. Thế Tôn cũng đã vì chúng con nói câu như vậy, vị như vậy và nghĩa như vậy, giống như những gì Tôn giả A-nan nói không khác. Cho nên thật là kỳ đặc, Đại Sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng vị và cùng nghĩa.”

Các Tỳ-kheo-ni sau khi nghe những gì Tôn giả A-nan nói, tất cả đều tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

*

KINH 557. XÀ-TRI-LA[86]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cù-sư-la[87], thuộc nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở tại đó.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la[88] đến chỗ Tôn giả A-nan đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả A-nan:

“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống[89], sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”

Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la:

“Nếu vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn dạy nó là trí quả, trí công đức.”

Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la khen ngợi:

“Lạ thay! Thưa Tôn giả A-nan, Đại Sư và đệ tử nói giống nhau cùng một câu, cùng một ý vị, cùng một nghĩa. Thưa Tôn giả A-nan, ngày trước, lúc Phật ở thành Sa-kỳ, trong rừng An-thiền, lúc đó, có nhiều Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ Phật hỏi nghĩa này, Thế Tôn đã nói cho các Tỳ-kheo-ni nghe nói câu như vậy, ý vị như vậy, nghĩa cũng như vậy. Cho nên biết là kỳ đặc: Đại Sư và đệ tử cùng nói một câu, cùng một vị và cùng một nghĩa. Đó gọi là Đệ nhất cú nghĩa.”

Sau khi Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la nghe những gì Tôn giả A-nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Như Tỳ-kheo-ni Xà-tri-la đã hỏi, Tỳ-kheo-ni Ca-la-bạt cũng hỏi như vậy.

*

KINH 558. A-NAN[90]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.

Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia đạt được vô tướng tâm tam-muội, nghĩ rằng: “Ta hãy đến chỗ Tôn giả A-nan, hỏi Tôn giả, nếu Tỳ-kheo đạt được vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì? Nếu Tôn giả A-nan hỏi ta: ‘Tỳ-kheo, ông đã đạt vô tướng tâm tam-muội này phải không? Đáp, tôi chưa từng có’. Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn giả A-nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe.”

Tỳ-kheo này đi theo Tôn giả A-nan suốt sáu năm, mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự hỏi Tôn giả A-nan:

“Nếu Tỳ-kheo hỏi vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”

Tôn giả A-nan hỏi Tỳ-kheo này:

“Tỳ-kheo, ông đã đạt tam-muội này chưa?”

Tỳ-kheo này im lặng. Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo này rằng:

“Nếu Tỳ-kheo đã đạt tâm vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức.”

Sau khi nghe Tôn giả A-nan nói pháp này xong, Tỳ-kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

*

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: