kinh gong vang
Những ngày cuối tháng 11-1894. Buổi tối thật buồn. Holmes đang dùng kính lúp để cố đọc những gì còn sót lại của một câu văn viết trên da cừu, trong lúc tôi say mê đọc một cuốn chuyên luận về phẫu thuật. Bên ngoài gió gào rú, mưa dông mạnh. Tôi tới bên cửa số nhìn xuống đường phố vắng tanh. Những ngọn đèn đường chiếu sáng một mặt đường bùn lầy. Một chiếc xe ngựa chạy tới, làm nước văng tung toé. Holmes đặt kính lúp xuống và gấp mảnh da cừu lại:
- Thật may mắn là bọn mình không phải đi ra ngoài. Tôi đã ngán cái trò tìm đoán này: thật tội nghiệp cho đôi mắt! Ồ, có chuyện gì thế?
Nổi bật trên tiếng gió vù vù, tiếng móng ngựa đập đôm đốp dọc theo nhà rồi tiếng bánh xe ngừng lại, kêu cọt kẹt khi cọ vào vỉa hè. Chiếu xe ngựa đậu lại trước nhà chúng tôi.
- Ông này muốn gì đây? - Tôi kêu lên khi thấy một người đàn ông từ trên xe bước xuống.
- Muốn gì à? Người đó muốn chúng ta. Và chúng ta muốn những cái áo choàng ngoài, những khăn choàng cổ, những đôi giày cao su và tất cả những gì mà loài người đã phát minh ra để bảo vệ trước thời tiết xấu. Hãy chạy xuống dưới, và mở cửa ra mau, bởi vì vào giờ này tất cả những người có đạo đức đều đi ngủ cả rồi!
Khi ánh sáng ngọn đèn trong gian tiền sảnh chiếu rõ người khách, tôi nhận ra ngay đó là Stanley Hopkins, một thanh tra trẻ tuổi.
- Ông ấy có nhà không? - Anh ta ném cho tôi câu hỏi khi đi ngang qua.
- Hãy lên đi! - Holmes trả lời từ phía trên - Chắc đêm nay anh không ấp ủ những ý đồ đen tối chống lại chúng tôi?
Viên thanh tra leo vội lên cầu thang, từng bốn bậc một. Nước trên áo mưa của anh ta chảy ròng ròng. Tôi giúp anh ta cởi nó ra, trong lúc Holmes khơi cao ngọn lửa.
- Hãy đến gần ngọn lửa mà sưởi ấm đôi chân. Đây là một điếu xì-gà. Bác sĩ sẽ sẵn lòng làm một chén thuốc, trong có nước sôi và một quả chanh. Có chuyện gì quan trọng lắm nên luồng gió độc địa này mới thổi anh tới đây?
- Ông đã đọc tin giờ chót của các báo chưa? Về vụ án Yoxley đó mà.
- Anh nói đi!
- Được. Đó là bản tin vắn, đầy rẫy những sai lầm. Chuyện đó xảy ra trong vùng Kent, cách Chatham 7 dặm và cách đường xe lửa 3 dặm. Người ta báo cho tôi bằng điện tín vào lúc 3 giờ 15, tôi tới Yoxley Old Place vào hồi 5 giờ. Tôi đã mở cuộc điều tra, rồi quay trở về Charing Cross bằng chuyến xe lửa cuối cùng và đi thẳng tới đây.
- Vậy là anh chưa thấy rõ vụ này? - Holmes hỏi.
- Đây là vụ rối rắm nhất trong tất cả những vụ mà tôi đã đảm trách. Không có động cơ gây ra tội ác; có người bị chết, nhưng không sao hiểu được tại sao có người muốn giết anh ta?
Holmes mồi một điếu xì-gà và ngồi nép vào trong ghế bành.
- Chúng tôi nghe anh đây.
- Cách đây vài năm, một người đứng tuổi, giáo sư Coram đến mua một căn nhà ở vùng quê Yoxley Old Place. Ông ta đau ốm, tàn tật, một nửa thời gian nằm liệt trên giường, nửa thời gian còn lại chống gậy đi quanh nhà. Ông được láng giềng yêu quý. Họ thường tới thăm ông và coi ông như nhà thông thái. Đám gia nhân gồm có người quản gia lớn tuổi, bà Marker, và người hầu gái Susan Tarlton. Đó là hai phụ nữ trung hậu. Ông giáo sư khởi công viết một cuốn sách. Năm vừa qua, ông thuê một thư ký. Hai người đầu không làm được việc, người thứ ba là một thanh niên tốt nghiệp đại học, đã đáp ứng được những mong muốn của giáo sư. Mỗi sáng, anh ghi chép lại những gì ông chủ đọc; và buổi chiều, anh đọc kỹ những câu trích dẫn có quan hệ với công việc ngày hôm sau. Không thể nào tìm ra được một điều gì đó chống lại anh chàng Willoughby Smith này, hoặc là lúc anh ta hãy còn nhỏ, hoặc là lúc anh ta theo học ở đại học. Tôi đã xem các bằng cấp và những lá thư tiến cử. Anh ta luôn luôn là người trầm tĩnh, siêng năng, thật thà và đứng đắn. Ấy thế mà anh đã bị giết sáng nay trong văn phòng của giáo sư và những tình huống đã chỉ dẫn một cách dứt khoát rằng đây là một vụ ám sát.
Gió vẫn gào thét bên cửa sổ. Chúng tôi ngồi sát gần ngọn cửa, trong lúc viên thanh tra khai triển câu chuyện.
- Trong khắp nước Anh, chúng ta sẽ không gặp một ngôi nhà nào cách biệt và thoát ra khỏi những ảnh hưởng bên ngoài như căn nhà đó. Nhiều tuần lễ đã qua mà không một người lạ nào vượt qua hàng rào sắt quanh nhà. Ông giáo sư bị cuốn hút vào trong công việc Chàng thanh niên không quen biết ai trong lối xóm, nghĩa là anh ta sống y như ông chủ. Hai người đàn bà không bị một mối quan hệ nào lôi họ ra khỏi nhà. Người làm vườn là một quân nhân về hưu tên là Mortimer. Ông ta không ở trong nhà, nhưng sống trong một căn nhà nhỏ ba gian ở đầu đằng kia khu vườn.
Người hầu gái khai rằng, sáng nay, trong khoảng từ 11 đến 12 giờ, bà đang treo những tấm màn trong căn phòng ở trên cao, mé trước nhà. Giáo sư còn ngủ. Bà quản gia thì đang bận rộn tận cuối căn nhà. Willoughby Smith đã đi tới phòng ngủ mà anh dùng như là văn phòng riêng. Nhưng bà ta lại nghe tiếng bước chân anh đi ra, bước dọc theo hành lang và đi xuống văn phòng ở ngay mé dưới, nơi bà đang làm việc. Bà không trông thấy anh, không nghe thấy tiếng cánh cửa văn phòng đóng lại, nhưng ít lâu sau, một tiếng kêu kinh hoàng đã vang lên trong căn phòng phía dưới. Một tiếng thét chói tai và quá khác thường khiến cho bà không phân biệt được là tiếng của đàn ông hay đàn bà. Cùng lúc đó có tiếng té ngã vang lên, làm rung chuyển cả ngôi nhà, rồi sau đó hoàn toàn im lặng. Bà ta sững người, nhưng sau đó lấy lại can đảm và chạy xuống nhà dưới. Cánh cửa văn phòng đóng kín. Bà mở ra. Anh chàng Willoughby Smith nằm sóng sượt dưới đất. Thoạt tiên bà không thấy một vết thương nào; nhưng khi bà thử đỡ ông lên thì có máu chảy ở dưới cổ. Vết thương thật nhỏ nhưng cái động mạch nhánh đã bị cắt đứt. Hung khí là một con dao nhíp loại nhỏ, dùng để cắt xi gắn niêm phong, một loại dùi mà thỉnh thoảng người ta còn bắt gặp trong những căn phòng cổ xưa có cán bằng ngà và một cái lưỡi sắc. Nó là một trong những vật dụng văn phòng của giáo sư. Thoạt đầu bà ta tưởng Willoughby Smith đã chết, nhưng khi bà lấy nước trong một cái bình rưới lên đầu anh thì anh mở mắt ra; anh thì thào: "Giáo sư! Chính là bà ta đó!". Nói xong, anh chết. Bà hầu phòng quả quyết rằng chính tai bà nghe rõ câu nói đó.
Giữa lúc ấy, bà quản gia cũng tới nơi xảy ra tội ác. Bà này đã để người hầu gái ở lại bên cạnh xác chết và bà vội vàng chạy lên phòng ông chủ để báo tin. Ông giáo sư đang ở trong phòng, ngồi dậy, bị dao động một cách khủng khiếp. Bà Marker làm chứng rằng giáo sư vẫn còn mặc quần áo ngủ và ông không thể mặc quần áo được, nếu không có sự phụ giúp của người làm vườn. Ông giáo sư khai rằng ông đã nghe thấy tiếng kêu, nhưng ông không biết gì khác. Ông không thể nào giải thích được những lời nói sau cùng của người thư ký trẻ: "Giáo sư! Chính là bà ta đó!". Ông cho rằng đó là do tác dụng của sự mê sảng. Ông tin rằng chàng thanh niên không có kẻ thù nào. Giáo sư phái người làm vườn đi trình cảnh sát địa phương.
Một lát sau, viên cảnh sát trưởng đã triệu tôi tới. Không có cái gì bị dời chỗ. Những mệnh lệnh nghiêm ngặt đã được ban ra để không cho một ai đi lại trên những lối đi trong vườn dẫn tới nhà. Thưa ông Holmes, đây là cơ hội mơ ước để ông đem ứng dụng những lý thuyết của ông, nó tuyệt đối không thiếu một thứ gì...
- Chỉ thiếu có ông Sherlock Holmes. - Bạn tôi nói trong một nụ cười gần có phần chua chát - Được, chúng tôi xin nghe phần tiếp theo. Vậy anh đã làm gì?
- Trước hết, tôi mong ông liếc qua cái sơ đồ này.
Anh ta mở bản phác họa và trải nó ra trên đầu gối Holmes. Tôi đứng lên và quan sát nó qua bạn tôi.
- Nó rất sơ sài. Sau này ông sẽ tự mắt quan sát phần còn lại. Giờ đây, điểm thứ nhất: Nếu kẻ sát nhân đã vào trong nhà, thì y đi qua lối nào? Chắc là đi qua lối vào trong vườn (A) và qua cánh cửa dành cho người giúp việc (B), từ đó đi thẳng tới văn phòng (C). Tất cả mọi ngả đường khác đều đưa ra những khó khăn lớn. Lối y bỏ trốn cũng được thực hiện qua ngả đó, bởi vì trên hai lối ra khác của căn phòng, một bị chặn bởi Susan đang chạy tới (D) và lối kia dẫn thẳng vào phòng của giáo sư (E). Vậy là tôi chú tâm vào lối đi trong vườn, bị làm nhão bởi một cơn mưa. Tôi không tìm thấy một dấu chân nào trên lối đi. Ngược lại, có ai đó đã men theo lối đi bằng cách bước trên cỏ khiến cho không để lại những dấu vết. Tôi đã không thế tìm ra một dấu chân rõ ràng nào, nhưng cỏ bị rạp xuống: hẳn là cỏ bị bàn chân của kẻ sát nhân đạp lên, bởi vì người làm vườn cũng như hai bà già kia, không ai đi dạo trong vườn vào buổi sáng và còn ban đêm thì trời đã đổ mưa.
- Lối đi này dẫn tới đâu? - Holmes hỏi.
- Tới con đường.
- Chiều dài là bao nhiêu?
- Gần 100 yard.
- Ở cái chỗ mà lối đi đụng vào hàng rào, ắt hẳn anh thu thập được những dấu vết?
- Ở đó, lối đi lại được lát đá.
- Thế còn trên con đường, phía bên kia hàng rào?
- Đúng là một vũng bùn.
- Tốt. Hãy trở lại với những dấu vết trên cỏ: chúng đi về hướng nào?
- Không thể nói được. Không có những đường viền.
- Một bàn chân lớn hay một bàn chân nhỏ?
- Không thể nào xác định được!
Holmes thở dài, mất kiên nhẫn:
- Vấn đề này còn khó hiểu hơn là đọc trên miếng da cừu! Thế rồi, anh đã làm gì?
- Tôi biết chắc là có một ai đó từ bên ngoài đã vào trong nhà. Sau đó tôi quan sát cái hành lang (F) có lót một tấm lác đan bằng sợi dừa: không một dấu vết nào. Cuộc khám xét đó đã đưa tôi vào ngay trong căn phòng. Đồ đạc chính là một cái bàn lớn đặt trên hai chồng ngăn kéo được nói liền với nhau bằng một thứ như tủ buýp-phê. Các ngăn kéo đều mở, cái tủ buýp-phê bi khoá. Dường như những ngăn kéo không bao giờ đóng lại và chúng không chứa những đồ vật đáng giá nào. Trong tủ buýp-phê có vài tờ giấy quan trọng, nhưng dường như người ta đã không đụng tới và ông giáo sư khai với tôi là không một giấy tờ nào bị mất cả. Chắc chắn là không có vụ trộm nào xảy ra. Thi hài của chàng trai gần bên cái tủ. Vết thương ở bên tay phải gần cổ và trổ từ sau ra trước; khó mà kết luận rằng đây là một vụ tự tử.
- Ngoại trừ trường hợp mà anh ta bị ngã xuống trúng con dao. - Holmes nói.
- Rất đúng! Nhưng chúng tôi lại tìm thấy con dao ở cách thi hài khá xa, vậy là giả thiết đó không đứng vững. Vả lại còn có những lời trăn trối của nạn nhân. Và sau chót, đây là bằng chứng rất quan trọng mà người chết đã nắm chắc trong bàn tay phải co quắp lại.
Stanley Hopkins rút từ trong túi ra một cái hộp nhỏ. Anh ta mở rộng tờ giấy và trưng ra một cái kính kẹp mũi bằng vàng với hai mẩu dây bằng lụa đen đang đong đưa. Anh nói thêm:
- Willoughby Smith có một thị lực hoàn hảo! Vậy cái kính kẹp mũi này đã được giật ra từ trên mặt hoặc trên người của kẻ sát nhân.
Holmes cầm lấy và quan sát nó chăm chú. Anh đặt kính lên mũi, thử đọc, đi tới bên cửa sổ và nhìn xuống đường phố, đoạn anh gỡ nó ra và đặt dưới ánh đèn. Sau cùng, anh bật ra một tiếng cười nhỏ, đến ngồi vào bàn và viết vài hàng trên một tờ giấy rồi dưa cho Stanley Hopkins.
- Đây là cái mà tôi có thể làm cho anh. Chúng ta sẽ thấy là nó có ích hay không.
Viên thanh tra ngạc nhiên, cất cao giọng, đọc tờ giấy:
"Người ta tìm kiếm một bà có dáng vẻ lịch thiệp, ăn vận thanh lịch. Bà có cái mũi dày một cách dị thường và hai mắt ở sát gần hai bên mũi. Bà có vầng trán nhăn, hai bờ vai đã còng. Chắc chắn là trong những tháng gần đây bà đã đến hiệu kính ít nhất hai lần. Vì những tiệm kính không nhiều lắm, ắt hẳn không khó khăn gì dể tìm ra dấu vết của bà".
Holmes cười trước cái vẻ ngơ ngác của Hopkins. Anh nói:
- Cặp kính kẹp mũi rất dễ cho ta suy diễn. Về việc cái kính là của một phụ nữ, tôi suy diễn từ sự mảnh dẻ của cái kính và từ những lời nói sau cùng của nạn nhân. Về điều dáng vẻ thanh tao và lịch thiệp: cái kính này làm bằng vàng, cho thấy chủ nó giầu sang, tất nhiên bà phải ăn mặc thanh lịch. Hai cái kẹp của kính quá rộng, chứng tỏ rằng cái mũi của bà này rất nở ở dưới đáy. Tôi có một khuôn mặt hẹp, dài, ấy thế mà tôi không thể nhìn vào chính giữa hoặc gần trung tâm những tròng mắt này. Vậy thì đôi mắt của bà ta được đặt sát bên sống mũi. Một phụ nữ mà thị lực đã bị suy giảm đến như thế suốt đời, thì chắc chắn có chăng nét đặc trưng về cơ thể hợp với thị lực đó, như là một vầng trán nhăn, và những bờ vai bị còng.
- Đúng! Tôi theo dõi rất sát những suy diễn của anh, ngoại trừ một điều: làm thế nào mà anh biết bà ta đã hai lần đi tới tiệm kính? - Tôi hỏi.
Holmes cầm cặp kính kẹp mũi trong bàn tay.
- Những cái kẹp được viền bằng những vòng nhỏ xíu bằng bần, ngõ hầu làm dịu sức ép trên mũi. Một trong những cái vòng đó bị phai mầu và hơi cũ, nhưng cái kia thì mới. Vậy là một cái đã bị rơi và bà đã thay cái khác. Theo ý tôi, cái vòng cũ hơn cũng không lâu tới quá vài ba tháng. Và bởi chúng giống y như nhau, tôi suy luận ra rằng bà đó đã trở lại lần thứ hai ở cùng một nơi.
- Ông thật tuyệt vời! - Hopkins kêu lên, miệng há hốc vì khâm phục - Tôi có trong tay tất cả những sự hiển nhiên đó mà tôi chẳng hề suy luận ra một điều nhỏ.
- Bạn thân mến, bạn còn có điều gì khác để nói với chúng tôi không?
- Không. Ông cũng đã biết như tôi... Và có thể còn nhiều hơn tôi nữa. Chúng tôi đã điều tra về sự có mặt có thể có của một người đàn ông hoặc một người đàn bà xa lạ; hoặc ở trên con đường, hoặc ở tại nhà ga: không có kết quả! Điều làm tôi băn khoăn là sự thiếu những động cơ gây ra tội ác.
- À! Chỗ đó, tôi không có khả năng giúp được anh. Nhưng ngày mai, chúng ta gặp nhau tại hiện trường, được không?
- Ta tới Yoxley Old Place từ 8 đến 9 giờ.
- Chúng ta sẽ đáp chuyến tàu đó. Này, Hopkins, cũng gần một giờ sáng rồi. Cái trường kỷ kê trước lò sưởi thuộc quyền sử dụng của anh đó.
Sáng hôm sau chúng tôi xuống tàu ở một ga xép cách Chatham vài cây số. Thời gian thắng một con ngựa vào đôi càng xe độc mã đủ để chúng tôi quất một bữa điểm tâm xoàng xĩnh. Khi tới Yoxley Old Place chúng tôi làm việc ngay. Một cảnh sát viên đón chúng tôi ở hàng rào quanh vườn.
- Thế nào, có gì mới không Wilson?
- Không, thưa ông.
- Người ta vẫn chưa báo gì về một người lạ trong xứ à?
- Không, thưa ông. Ở dưới ga, họ tin chắc là không có một người lạ nào đã tới hoặc đã đi.
- Anh đã điều tra trong các quán ăn và các nhà trọ?
- Tất cả mọi người đều theo đúng luật lệ với những lý do vắng mặt đều chấp nhận được và đã kiểm tra.
- Từ đây đi Chatham không xa lắm. Bất cứ ai cũng có thể xuống đó và đáp tàu mà chẳng bị ai để ý tới... Đây là lối đi trong vườn mà tôi đã nói với ông, thưa ông Holmes
- Ở phía nào có những dấu vết ở trên cỏ?
- Qua đây! Trong cái dải chật hẹp giữa lối đi và những khoảng đất trồng hoa trong vườn.
- Đúng, đúng! Có một ai đó đã đi qua ngả này. Người đàn bà xa lạ của chúng ta hẳn đã bước đi rất thận trọng, bởi vì phía này bà hẳn để lại một dấu vết trên lối đi và trên phía bên kia một dấu vết còn rõ hơn nữa, trên khoảng đất trồng hoa thật mềm, phải không?
- Bà ta phải là người điềm tĩnh một cách khác thường.
Bất thình lình Holmes tập trung tư tưởng.
- Anh nói là bà ta đã đi ra qua ngả này?
- Vâng, không có một lối đi nào khác.
- Trên cái dải cỏ này à?
- Chắc chắn rồi.
- Hừm! Vậy đúng là một kỳ tích rất đáng chú ý... Rất đáng chú ý! Thôi! Chúng ta hãy đi xa hơn. Cái cánh cửa vườn này thường được mở rộng, tôi đoán thế. Vậy là bà khách chỉ có việc vào. Vì nghĩ về một vụ ám sát không có trong đầu bà ta; nếu không, thì bà đã mang theo một vũ khí nào đó thay vì sử dụng con dao nhíp trên bàn giấy. Bà ta đã đi trong hành lang, không để lại dấu vết khi đi qua trên cái chiếu dệt bằng sợi dừa. Rồi thì bà ta tới trong văn phòng này... Bà ta đã ở nơi đây bao lâu?
- Chừng 15 phút thôi. Bà Marker khẳng định như vậy.
- Người đàn bà xa lạ đi vào trong văn phòng này và làm gì? Bà ta đi tới cái tủ. Tại sao? Không phải để tìm một cái gì đó trong những ngăn kéo. Nếu trong ngăn kéo mà có một cái gì quan trọng thì ắt hẳn chúng đã được khóa lại. Không, bà ta đã tìm một cái gì đó trong tủ buýp-phê bằng gỗ này. Coi này, thế còn cái vết xước này, đây này. Này Watson, hãy đánh cho tôi một que diêm. Tại sao anh lại không nói với tôi về cái vết xước này, Hopkins?
Cái vết mà Holmes quan sát bắt đầu từ mặt đồng hồ bên mé phải có khóa và nó kéo dài khoảng 4 inch trên nước véc-ni.
- Tôi đã thấy nó. Nhưng luôn luôn chúng ta thấy chung quanh một có khóa có những vết xước giống như vết này.
- Vết này hoàn toàn mới... Rất mới. Anh hãy nhìn xem chỗ bị cào xước này, màu đồng mới bóng làm sao. Một vết xước cũ hẳn đã lấy lại màu của mặt có khóa. Hãy dùng kính lúp của tôi mà coi. Chúng ta nhận thấy lớp véc-ni ở chỗ này, giống như đất ở mỗi bên của một luống cày. Bà Marker có ở đây không nhỉ?
Một bà đứng tuổi, có nét mặt ủ ê, bước vào.
- Sáng hôm qua bà có quét bụi cái bàn giấy này không?
- Có.
- Bà có để ý thấy cái vết xước này không?
- Không, tôi không thấy nó.
- Ai giữ chìa khoá tủ này?
- Ông giáo sư gắn nó trong sợi dây đeo đồng hồ của ông.
- Đó có phải là một cái chìa thông thường không?
- Không, chìa khóa hiệu Chubb.
- Tốt lắm bà Marker, bà có thể về. Thế là chúng ta đã tiến được chút đỉnh. Người nữ khách của chúng ta vào trong phòng, tiến lại gần bàn giấy, và mở ra hoặc thử tìm cách mở tủ ra. Trong lúc vội vã rút cái chìa khoá ra, bà đã gây nên vết xước trên cánh cửa. Willoughby Smith tóm lấy bà, nhưng bà quơ lấy món đồ đầu tiên nằm trong tầm tay, tình cờ lại là con dao nhíp, và đâm vào anh ta để anh buông bà ra. Không ngờ cú đâm lại làm chết người. Willoughby Smith gục xuống và bà bỏ trốn: có thể bà đã lấy được món đồ hoặc chưa lấy được. Thế còn bà hầu phòng Susan có ở đấy không? Bà Susan ơi, có thể nào có ai đó lại có thể ra khỏi cửa này sau khi bà đã nghe thấy tiếng kêu không?
- Không thể nào được. Khi họ xuống cầu thang, tôi ắt hẳn đã trông thấy ai đó trong hành lang. Hơn nữa, người ta đã không mở cửa ra, nếu mở cửa ra thì tôi đã nghe thấy rồi.
- Thế là giải quyết dứt một điểm. Không còn nghi ngờ chút nào về việc người đàn bà đó đã bỏ đi bằng cùng một con đường mà bà ta đã vào. Cánh cửa dẫn thẳng tới phòng của giáo sư à? Không có lối nào qua ngả phòng của giáo sư sao?
- Không, thưa ông.
- Vậy thì chúng ta hãy theo lối đó và tới làm quen với ông giáo sư. Ồ, Hopkins! Đây là điều rất quan trọng: Hành lang dẫn vào phòng giáo sư cũng được trải chiếu đan bằng sợi dừa phải không?
- Phải, nhưng có gì là quan trọng.
- Tôi thấy chi tiết đó rất là đáng chú ý. Anh hãy vào và giới thiệu tôi.
Đằng cuối của dãy hành lang có vài bậc thềm dẫn đến một cánh cửa. Người hướng dẫn chúng tôi gõ cửa, rồi chúng tôi đẩy nhau vào trong phòng của ông giáo sư.
Đây là một căn phòng rất lớn, sách chất đầy trên các kệ và nằm chồng đống trong tất cả mọi xó góc, hoặc xếp chồng dưới những tầng giá dọc theo căn phòng. Cái giường kê chính giữa. Chủ nhà ngồi dựa lên những cái gối. Một bộ mặt trơ xương, nhìn nghiêng như chim đại bàng hướng về chúng tôi, cặp mắt đen sắc sảo nép mình trong những hốc mắt sâu và được che chở bởi đôi lông mày rậm sệ xuống. Mái tóc và bộ râu ông đều bạc phơ như tuyết, chỉ khác là râu chung quanh miệng bị vàng khè một cách kỳ lạ. Một điếu thuốc lá đang tàn dần giữa cái mớ lông trắng đó và không khí trong phòng thật ngột ngạt vì khói thuốc. Ông chìa một bàn tay ra bắt tay Holmes: những ngón tay ông cũng bám đầy chất nicotine.
- Ông hút thuốc chứ, thưa ông Holmes? - ông nói bằng một thứ tiếng Anh không chê vào đâu được dẫu rằng có ẩn tàng một âm tiết xa lạ - Tôi xin mời ông hút một điếu. Còn ông, thưa ông? Thuốc hút và công việc, đó là tất cả những gì còn nơi tôi.
Holmes đã mồi điếu thuốc và anh ném những tia nhìn lén qua khắp căn phòng.
- Thuốc hút và công việc của tôi, nhưng giờ đây chỉ còn lại có thuốc hút. Than ôi, sự đứt đoạn mới nguy hại làm sao! Nào ai có thể ngờ một tai họa như vậy? Một thanh niên xứng đáng được quý mến đến thế! Tôi đoán chắc với ông là chỉ sau vài tháng khởi công, anh ấy đã trở thành một cộng sự viên đáng phục. Ông nghĩ sao về chuyện này, thưa ông Holmes?
- Tôi chưa nghĩ gì.
- Tôi sẽ mang ơn ông rất nhiều, nếu như ông làm sáng tỏ được vụ này. Với một người tàn phế ham chuộng sách như tôi, vụ này làm tôi bị tê liệt luôn: tôi tin rằng tôi đã bị mất ngay cả đến năng lực suy nghĩ. Nhưng ông là chuyên gia phá án những vụ bí mật, ông có khả năng giữ được thế quân bình trong bất kỳ tình huống nào. Chúng tôi thật may mắn có ông ở gần bên!
Trong lúc ông giáo sư nói, Holmes đi đi lại trong một phần căn phòng. Tôi nhận thấy anh hút thuốc nhanh chóng khác thường.
- Đây là một vố quá nặng nề! - ông nói tiếp - Đây là tác phẩm lớn của đời tôi, cái chồng giấy mà ông trông thấy xếp trên mặt bàn cạnh đó, tôi đã phân tích những tài liệu tìm thấy trong các tu viện giáo phái Coptic ở Syrie và ở Ai Cập; tác phẩm của tôi sẽ làm đảo lộn các nền móng của tôn giáo đã được phát hiện. Giờ đây, xét vì sức khoẻ suy nhược và sự mất mát người cộng sự, tôi tự hỏi không biết rồi ra tôi có thể hoàn tất được nó hay chăng. Chúa ơi, ông Holmes, thế là ông hút thuốc còn nhiều hơn tôi nữa?
- Tôi là một người sành điệu! - Holmes nói, khi lấy một điếu thuốc thứ tư trong hộp và nối vào cái mẩu còn cháy của điếu thuốc trước - Thưa giáo sư, tôi tin rằng vào giờ xảy ra tội ác, ông đang nằm trên giường và rằng ông không biết gì cả. Tôi chỉ muốn nêu ra với ông một câu hỏi: theo ý ông, người thanh niên đã muốn nói gì trước khi trút hơi thở cuối cùng qua câu: Giáo sư... Chính là bà ta đó.
Ông giáo sư lắc đầu.
- Susan là một người đàn bà quê mùa và ông thừa biết sự ngốc nghếch của loại người đó. Tôi nghĩ rằng trong cơn mê sảng, anh chàng tội nghiệp đã thì thầm vài từ rời rạc và rằng chị ta đã dựa vào đó mà tạo ra một câu chẳng có ý nghĩa gì cả.
- Ông không có một lời giải thích riêng tư nào để đề xuất với chúng tôi hay sao?
- Có thể là một tai nạn. Có thể là... Có thể là một vụ tự tử. Mấy người trẻ tuổi giữ kín những mối lo âu và những nỗi khổ đau của họ... Một chuyện yêu đương lỡ làng.
- Nhưng còn cặp kính kẹp mũi?
- A! Tôi chỉ là một nhà trí thức. Một người chỉ biết nghiên cứu và mơ mộng. Tôi không có khả năng giải thích những sự việc thực tiễn của đời sống. Nhưng ít ra chúng ta cũng biết rõ rằng những bằng chứng của tình yêu có thể có những hiện tượng bề ngoài thật lạ lùng. Dù thế nào đi nữa, xin ông hãy dùng thêm điếu thuốc nữa. Thật là thích thú khi gặp người biết thưởng thức chúng đến thế. Một cây quạt, một đôi găng tay, cặp kính đeo mắt... Ai biết được là một người sắp chấm dứt cuộc sống ràng buộc cho món đồ nào một giá trị tượng trưng? Ông đây đã xác nhận với tôi là có những dấu chân trên cỏ: dù sao, trên một chi tiết tương tự, một sự nhầm lẫn luôn luôn là điều có thể xảy ra! Còn về con dao nhíp, nó có thể bị kẻ bất hạnh ném đi, khi anh ta ngã xuống. Có thể là các ông thấy tôi là ấu trĩ, nhưng cứ theo tôi thấy, thì Willoughby Smith đã tự sát.
Holmes dường như bị ngạc nhiên về cái lý thuyết mà anh vừa nghe. Anh tiếp tục sải bước trong gian phòng, vừa suy nghĩ vừa hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Sau cùng, anh nói:
- Thưa giáo sư, xin cho tôi biết ông cất giữ cái gì trong phần chính giữa bàn giấy ông?
- Chẳng có gì có thể gợi lòng tham của kẻ trộm. Những giấy tờ của gia đình, những lá thư của bà vợ... Những bằng cấp mà nhiều viện Đại học đã trao tặng cho tôi. Đây là chìa khoá, ông hãy tự mình xem lấy.
Holmes đón lấy cái chìa khoá và quan sát nó trong một lát. Đoạn anh giao trả cho người giữ.
- Không! Tôi không tin là nó có thể giúp ích cho tôi được điều gì nhiều. Tôi ưa thích được xuống dưới vườn một cách bình thản để suy nghĩ về tất cả nội vụ, ngõ hầu có thể rút ra được một điều gì từ cái lý thuyết về sự tự sát mà ông đã triển khai. Tới hai giờ trưa, chúng tôi sẽ quay lại và chúng tôi sẽ tường trình với ông về tất cả những gì có thể xảy ra.
Holmes tập trung tư tưởng một cách lạ lùng. Chúng tôi im lặng đi bách bộ trong vườn, rồi thì tôi không thể ngăn mình hỏi xem anh có một hướng điều tra nào không.
- Cái đó tuỳ thuộc vào những điếu thuốc lá mà tôi vừa hút. Có thể là tôi bị lầm.
- Làm thế nào mà...?
- Rồi anh sẽ thấy. Nếu tôi bị lầm thì cũng chẳng có gì là tai hại lắm. Đương nhiên, chúng ta vẫn còn cái hướng tiệm kính, nhưng tôi theo những hướng đi tắt, mỗi khi tôi thấy có con đường đó. A! Đây là bà Marker tốt bụng Chúng ta hãy nói chuyện với bà.
Không đầy hai phút, anh đã chinh phục được người đàn bà này, anh tán chuyện với bà cứ y như anh đã quen biết bà từ nhiều năm qua.
- Vâng, đúng như ông nói đó. Cụ chủ hút thuốc thật là kinh khủng Suốt ngày và đôi khi suốt đêm. Buổi sáng, tôi đã thấy phòng cụ... Tội nghiệp ông Smith đáng thương, ông cũng là một người hay hút thuốc nhưng không hút nhiều như giáo sư. Sức khoẻ của cụ.... Nói thật, tôi không biết là cụ khoẻ hay yếu hơn!
- Nhưng hút thuốc nhiều thì đâu còn ăn ngon miệng được?
- Vậy thì tôi chẳng hiểu gì hết.
- Tôi đoán chừng rằng ông giáo sư ăn ít?
- Ồ, cái đó cũng còn tùy?
- Tôi cam đoan là sáng nay cụ đã không dùng bữa điểm tâm và cụ cũng chẳng ăn thật thà trong bữa, sau những điếu thuốc mà tôi thấy cụ đã hút.
- Ông bị lầm rồi! Sáng nay, cụ đã ăn rất nhiều, cụ dặn bữa trưa dọn một dĩa lớn món sườn non! Tôi là người đầu tiên ngạc nhiên, bởi vì kể từ hôm qua, sau lúc tôi trông thấy ông Smith nằm sóng soài trên đất, thì tôi không đụng tới bất cứ nón ăn nào. Úi cha, thế gian phải có người thế này người thế khác chứ, đúng vậy không? Cho nên cụ giáo sư đã không vì thế mà ăn mất ngon.
Suốt buổi sáng, chúng tôi đi thơ thẩn trong vườn. Stanley Hopkins xuống dưới làng để kiểm tra một lời đồn đại về một người đàn bà lạ mặt mà sáng nay lũ trẻ đã trông thấy trên con đường từ Chatham tới. Về phần Holmes, tôi chưa bao giờ thấy anh thờ ơ trước một vụ như vụ này. Ngay cả cái tin mà Hopkins đem về cho biết rằng cảnh sát đã thẩm vấn những đứa trẻ và rằng mấy em đó đã trông thấy một người đàn bà có nhận dạng giống hệt với người mà Holmes đã miêu tả, cũng không lôi anh ra khỏi sự lãnh đạm. Ngược lại, anh dỏng tai lên nghe bà Susan, trong lúc hầu bàn, báo cho anh biết rằng buổi sáng trước ông Smith đã đi ra khỏi nhà và chỉ trở về chừng nửa tiếng đồng hồ trước khi xảy ra thảm trạng. Bất thình anh, Holmes đứng lên và xem đồng hồ, rồi nói:
- Hai giờ rồi! Chúng ta phải lên gặp giáo sư.
Ông già vừa dùng xong bữa trưa và cái đĩa đựng thức ăn trống trơn, chứng tỏ sự ngon miệng mà bà Marker đã ghi nhận. Điếu thuốc lá đang phì phèo trong miệng ông. Ông đã thay quần áo và ngồi trong ghế bành ở một góc bên ngọn lửa.
- Thế nào, ông Holmes, ông đã làm sáng tỏ được sự bí ẩn được chưa?
Ông đẩy cái hộp thuốc lá lại phía Holmes. Cùng lúc đó, Holmes cũng duỗi tay ra. Hai tay của hai người đã làm đổ tung cái hộp. Trong một lúc lâu, tất cả chúng tôi đều quỳ xuống đất để nhặt những điếu thuốc lá đã văng vào trong những xó góc rất khó tìm. Khi đứng lên, tôi thấy đôi mắt Holmes long lanh và cặp má anh đã hồng lên: anh đang giương ra lá cờ quyết đấu. Anh trả lời câu hỏi của ông chủ nhà:
- Có, tôi đã làm sáng tỏ được điều bí ẩn.
Stanley Hopkins và tôi chăm chú nhìn anh với vẻ ngạc nhiên. Trên những nét khổ hạnh của ông giáo sư có thoáng qua một cái gì như một nét cười ngạo.
- Đúng vậy ư? Trong vườn à?
- Không, ở đây.
- Ở đây? Bao giờ?
- Ngay lúc này!
- Chắc chắn là ông đang đùa cợt rồi, vụ này quá nghiêm trọng, nên không hợp với sự đùa cợt.
- Tôi đã rèn và đã thử từng mắt một trong sợi xích của tôi, thưa giáo sư; và tôi tin chắc rằng sợi xích đó vững chắc. Vì động cơ nào mà giáo sư tuân theo, hoặc giáo sư thủ một vai trò nào trong tấn thảm kịch này, thì tôi chưa có khả năng để nói rõ. Trong vài phút nữa, chắc chắn là tôi sẽ được chính miệng giáo sư nói ra. Trong khí chờ đợi, tôi sẽ lặp lại những sự việc theo ý giáo sư, để giáo sư biết là tôi còn cần được chỉ bảo thêm điều nào.
Ngày hôm qua, một người đàn bà đã vào trong văn phòng giáo sư, Bà ấy đã tới với ý định lấy một số tài liệu ở trong bàn giấy. Bà ấy có một chìa khoá riêng. Cái chìa khoá của giáo sư không phải là chiếc chìa khóa dã tạo ra một vết xước trên mặt đánh véc-ni của ổ khóa. Vậy giáo sư không phải là một tòng phạm. Bà nọ đã tới để đánh cắp tài liệu của ông và ông không hay biết gì về những ý định của bà ta.
Ông giáo sư thả khỏi cặp môi một đám mây khói thật dày:
- Điều đó cũng là lý thú như là bổ ích! Ông không có gì để thêm vào sao? Bởi vì ông đã theo dõi người đàn bà tới đó, ông có thể nào cho chúng tôi biết là bà ta đã ra sao không?
- Thoạt đầu, bà ta bị người thư ký của ông tóm bắt và bà ta đã đâm anh ta để bỏ trốn. Tôi nghiêng về việc coi cái thảm hoạ này như một việc rủi ro, bởi vì tôi tin chắc rằng người đàn bà này không có ý định gây ra một vết thương trầm trọng đến thế. Nếu là kẻ sát nhân thì họ phải có khí giới. Kinh hoàng về việc mà bà đã làm, bà bỏ trốn như một người điên. Nhưng trong lúc giành giật, bà ta bị mất cái kính kẹp mũi. Vì bị cận thị quá nặng, bà đã đi lầm đường. Bà đi theo một hành lang mà cứ tưởng rằng đó là hành lang đã đưa bà vào đây. Cả hai hành lang đều được lót chiếu đan bằng sợi dừa. Và khi bà nhận ra sự sai lầm thì đã quá muộn và bà hiểu rằng lối rút lui của bà đã bị chặn. Bà không thể quay gót trở lại. Bà cũng không thể đứng mãi một chỗ. Bà phải tiếp tục tiến lên phía trước, tiến lên trong hành lang, leo lên một cầu thang đẩy một cánh cửa ra: bà thấy mình lọt vào trong phòng ông.
Ông già miệng há hốc nhìn Holmes. Sự sửng sốt và sự sợ hãi trộn lẫn trên gương mặt. ông cố gắng buông ra một tràng cười lớn và nhún vai.
- Hoàn hảo, thưa ông thầy bói! Nhưng rất lấy làm tiếc, bên trong cái "mu rùa" của ông có một khuyết tật nhỏ: tôi ở trong phòng này suốt cả ngày.
- Tôi biết điều đó, thưa giáo sư. - Holmes đáp.
- Và ông muốn hỏi vì sao tôi nằm ở đây mà không nhận thấy người đàn bà đã bước vào phòng tôi?
- Giáo sư đã nói chuyện với người đàn bà đó. Ngài đã nhận ra bà ta. Ngài đã giúp bà ta ẩn mặt.
Lần nữa, ông giáo sư lại phá ra cười. Ông đã đứng hẳn lên. Đôi mắt lấp lánh như hai cục than hồng, kêu lớn lên:
- Ông Sherlock Holmes, ông điên rồi! Ông nói toàn những điều tầm bậy tầm bạ! Tôi mà lại giúp cho bà ta trốn thoát ư? Thế thì bây giờ bà ta ở đâu?
- Bà ấy ở đây này! - Holmes nói, tay chỉ vào một tủ sách cao kê trong một góc phòng.
Tôi thấy ông già giơ hai cánh tay lên. Một sự co giật kinh khủng làm cho mặt ông ta biến dạng. Ông buông mình xuống ghế bành. Cùng lúc đó, cái tủ sách mở tung và một người đàn bà từ bên trong vọt ra.
- Ông đã có lý! - Bà ta kêu lên với một âm tiết xa lạ - Ông đã nói đúng! Tôi đây!
Mặt bà dơ dáy. Nhưng, trông bà ta có một cái gì đó nó toát lên sự kính trọng và sự cảm phục! Stanley Hopkins đã đặt một bàn tay lên cánh tay bà ta và bắt giữ bà, nhưng bà gạt anh ta ra một cách nhẹ nhàng với vẻ mặt nghiêm khắc khác thường. Ông già ngồi khuỵu xuống trong ghế bành, nhìn bà với đôi mắt tuyệt vọng. Bà già nói:
- Thưa ông, tôi là tù nhân của ông! Từ chỗ ẩn nấp, tôi đã nghe tất cả và tôi biết là quý ông đã hiểu được sự thật. Chính tôi đã giết chàng trai đó. Nhưng như ông đã nói, đó là do rủi ro. Tôi còn không biết là trong tay mình có một con dao, bởi vì trong lúc tuyệt vọng, tôi đã chốp lấy vật đầu tiên mà tôi thấy trên bàn.
- Thưa bà, tôi tin chắc sự việc là như vậy. Tôi thấy bà không được khoẻ trong người.
Bà ta đã tái xanh, dưới lớp bụi bặm, mặt bà trắng bệch. Bà ngồi xuống trên mép giường, trở lại bình tĩnh:
- Tôi chỉ còn có một chút thời gian. Nhưng tôi muốn cho quý ông biết rõ sự thật. Tôi là vợ của người đàn ông này. Ông ta không phải là người Anh. Ông ta là người Nga. Nhưng tôi sẽ không nói tên ông ta.
Lần đầu tiên ông già cựa quậy, kêu lên:
- Chúa sẽ ban phước lành cho em, Anna!
Bà nhìn ông, khinh bỉ:
- Tại sao phải bám víu cuộc đời khốn khổ hả Sergey. Nó đã làm hại những người tốt, chứ đâu chỉ riêng ông? Tôi không làm thay đổi được gì, nhưng tôi đã có được sự thanh thản khi tôi bắt đầu bước quá ngưỡng cửa của cái nhà đáng ghét này. Nhưng tôi sẽ nói hoặc sẽ là quá muộn. Tôi chính là vợ của người đàn ông này. Khi chúng tôi lấy nhau, ông ta đã 50 tuổi, còn tôi là một thiếu nữ xuẩn ngốc. Chuyện đó xảy ra bên nước Nga, trong một trường đại học... Mà tôi sẽ không nêu tên ra!
- Chúa ban phước lành cho em, Anna! - Lão già lặp lại trong một tiếng thì thầm.
- Lúc đó, chúng tôi là những nhà cách mạng: ông ấy, tôi và nhiều người khác nữa. Khi một sĩ quan cảnh sát đã bị giết chết thì liền đó có nhiều vụ bắt bớ. Để cứu mạng mình và để lĩnh một món tiền thưởng lớn, chồng tôi đã phản bội ngay chính vợ mình và các đồng chí của mình. Vậy là tất cả chúng tôi đã bị bắt theo sự chỉ điểm của chồng tôi. Một vài người trong chúng tôi bị đưa lên đoạn đầu đài và nhiều người khác bị đày sang Sibérie. Tôi ở trong đám những người đó, nhưng tôi không bị tù chung thân. Chồng tôi tới định cư tại nước Anh với số tiền dơ bẩn. Nhưng ông ta biết rõ rằng nếu tổ chức của chúng tôi biết nơi cư trú của ông thì công lý sẽ được thực thi ngay.
Ông lão vươn tay ra, rút lấy một điếu thuốc:
- Em tùy ý sử dụng số phận đời anh đó, Anna! Em luôn luôn tốt với anh mà!
- Trong số các đồng chí thuộc tổ chức, có một người đã từng là bạn trai tôi. Anh ấy cao thượng, vô tư và gắn bó: tất cả những cái mà chồng tôi không được như thế. Anh ấy ghét bỏ bạo lực. Anh ấy đã viết thư cho tôi để thuyết phục tôi đứng về "phe ôn hòa". Chồng tôi đánh cắp lấy những lá thư của anh ấy và cuốn sổ nhật ký của tôi.ông đã đem giấu chúng đi, tìm cách làm cho chàng trai đó bị xử bắn. Nhưng Alexey chỉ bị lưu đầy sang Sibérie, hiện đang lao động trong một hầm muối. Hãy nghĩ tới việc đó, tên hèn nhát! Ngày hôm nay, vào cái giờ mà ta đang nói đây, con người cao đẹp kia đang sống như một nô lệ. Còn ta, ta là người nắm giữ mệnh mi trong tay, thế mà ta lại để cho mi được sống.
- Em luôn luôn là một tâm hồn cao thượng, Anna! - Lão già kêu lên, khi rít trên điếu thuốc lá.
Bà đứng lên, nhưng lại ngã về phía sau với một tiếng kêu đau đớn nhỏ:
- Tôi cần phải nói cho xong. Khi mãn hạn tù, tôi bắt đầu đi tìm cuốn sổ tay và những lá thư mà một khi nó tới được chính phủ Nga, chắc chắn anh ấy sẽ được trả tự do. Tôi đã biết lão già này sang nước Anh. Sau nhiều tháng truy lùng, tôi tìm ra nơi trốn tránh của y. Tôi đã biết là y vẫn còn giữ cuốn sổ tay, bởi vì trong lúc tôi còn bị lưu đày ở Sibérie, tôi đã nhận được một lá thư của y đầy những lời trách móc và những câu trích dẫn rút ra từ trong cuốn nhật ký. Nhưng y là một người hèn hạ, chắc sẽ không trả lại cho tôi. Vậy thì tôi phải đích thân đi lấy lại thôi. Với mục đích đó, tôi thuê một thám tử tư vào trong nhà này làm thư ký riêng. Đó là người thư ký thứ hai của mi đó, tên tồi? Cái người đã rời bỏ mi thật vội vã. Anh ta đã biết những giấy tờ đó được cất giữ trong phần giữa của bàn giấy mi và anh đã lấy cái dấu chìa khoá. Anh ta không muốn đi xa hơn. Anh ta thông báo cho ta biết sơ đồ căn nhà và bảo ta rằng buổi sáng, trước lúc giữa trưa, văn phòng luôn luôn trống vắng vì người thư ký sẽ phải làm việc tại trong phòng này cùng với mi.
Tôi đã thu hết can đảm đi lấy lại cuốn sổ. Tôi vừa lấy lại được những giấy tờ và đóng cái tủ lại thì người thanh niên nắm lấy tay tôi. Tôi đã từng gặp anh ta buổi sáng. Chúng tôi đã gặp nhau trên đường và tôi đã xin anh cho biết giáo sư ở đâu. Lúc đó tôi không biết anh ta làm việc ở đây.
- Đúng thế! - Holmes nói - Người thư ký đã quay về nhà và đã nói với ông chủ về người đàn bà mà anh vừa gặp. Rồi thì, trong hơi thở sau cùng, anh đã cố đưa tin rằng chính bà là người đàn bà mà anh ta vừa nói với ông chủ.
- Hãy để cho tôi nói hết! - Bà ta nói với một giọng khẩn thiết trong lúc mặt bà co lại một cách đau đớn - Tôi vùng vẫy và anh ta ngã xuống, lập tức tôi vội chạy ra khỏi phòng, nhưng tôi đã đi lạc vào trong phòng của tên hèn này. Y đe doạ là sẽ tố giác tôi. Tôi nói nếu y làm thế, mạng sống của y sẽ bị chấm dứt. Nếu y bỏ rơi tôi lại cho luật pháp thì tôi sẽ bỏ rơi y cho tổ chức. Y buộc lòng phải che chở cho tôi. Y ném tôi vào trong cái chỗ trốn lánh tối tăm này. Y dùng bữa trưa trong phòng, ngõ hầu có thể nuôi tôi. Y thoả thuận rằng khi cảnh sát rời khỏi nhà, thì y sẽ để cho tôi trốn đi trong ban đêm với điều kiện là tôi không trở lại nữa. Nhưng ông Holmes đã ngăn trở dự định của chúng tôi... - Bà rút từ trong vạt áo ra một gói nhỏ và nói thêm: - ...Và giờ đây, đây là cái sẽ cứu Alexey. Tôi xin gởi gắm gói này vào lòng tôn trọng danh dự và lòng yêu công lý của ông. Hãy cầm lấy, và trao lại cho toà Đại sứ nước Nga. Giờ đây, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, và...
- Ngưng lại! - Holmes kêu lên. Anh đã nhảy chồm tới và giật ra một cái lọ nhỏ.
-Muộn quá rồi! - Bà thì thầm khi lăn xuống giường - Quá muộn rồi! Tôi đã uống thuốc độc trước khi ra khỏi nơi trú ẩn. Đầu tôi quay cuồng! Tôi chết đây! Hãy nhớ đến cái gói.
Trên đường về London, Holmes giải thích cho chúng tôi biết rằng nếu chàng trai không tóm bắt được cái kính kẹp mũi thì không biết bao giờ chúng tôi mới tìm ra đáp số. Anh nói:
- Nhìn những tròng kính, tôi biết chủ cặp kính bị cận thị nặng, như thế khi mất kính thì bà ta dễ lạc đường. Khi anh bảo tôi hãy tin là bà đã đi trên một dải cỏ hẹp mà không để lại dấu chân, tôi trả lời rằng việc đó hẳn là một kỳ tích. Tôi thật sự nghĩ rằng kỳ tích đó không thể nào thực hiện nổi; nếu không, thì bà ta phải có một cặp kính thứ hai. Vậy là tôi phải xem xét nghiêm túc cái giả thiết theo đó bà ta chưa ra khỏi nhà. Khi nhận thấy hai dãy hành lang giống hệt nhau, tôi nghi bà có thể bị lầm đường và trong trường hợp này bà đã vào phòng ông giáo sư. Do đó tôi đi theo giả thiết này.
Tôi đã kiểm tra rất kỹ căn phòng khi hy vọng tìm ra một nơi trú ẩn. Tấm thảm được chải kỹ và liền một tấm nên tôi đã bỏ ý nghĩ về một cánh cửa mở xuống hầm. Có thể có một nơi kín đáo đằng sau các cuốn sách. Như các anh đều biết, điều đó thường gặp trong những thư viện xưa. Mặt khác, tôi thấy những cuốn sách được xếp thành đống trên sàn gác, ngoại trừ trước một tủ sách. Sự dọn dẹp gọn ghẽ đó có thể tạo ra một lối đi vào. Tôi không thấy một dấu vết nào để hướng dẫn tôi, nhưng tấm thảm màu sẫm nên tôi đã hút thật nhiều thuốc lá rồi vung vẩy tàn thuốc xuống trước cái tủ sách bị nghi ngờ. Đó là một mánh khoé đơn giản nhưng lại tỏ ra hữu hiệu. Tôi đi xuống dưới nhà, tìm cách thu thập tin tức. Thật may bà giúp việc cho tôi biết giáo sư đã ăn rất nhiều, đó là điều phải nghi ngờ trong trường hợp ông nuôi một người thứ hai. Sau đó chúng ta lên phòng và sau khi lật đổ cái hộp đựng thuốc lá, tôi có cơ hội khám xét cái sàn ván. Lúc đó, căn cứ theo những dấu vết để lại trên tàn thuốc lá, tôi nhận thấy rõ, rằng trong lúc chúng ta vắng mặt, người nữ tù đã ra khỏi nơi trú ẩn... Vậy thì, Hopkins, chúng ta đã tới ga công trường Charing Cross và tôi có lời khen anh đã thành công trong vụ án này. Chắc hẳn là anh về Scotland Yard? Này Watson, về phần chúng ta, chúng ta hãy thuê xe ngựa đi tới toà đại sứ Nga.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top