kinh binh mai 3 (24-26)

Hồi 24

Người đầy tớ may mắn

&nb­sp;

&nb­sp;&nb­sp; Một hôm vào cuối đông sang xuân, thời tiết rất đẹp, Tây Môn Khánh đi ăn tiệc ở ngoài, Nguyệt nương cũng tới thăm Ngô đại cữu, Ngọc Lâu và Kim Liên tới phòng Bình Nhi đánh cờ cho tới trưa. Ngọc Lâu nói:

- Chúng mình phải đánh cờ ăn tiền để tổ chức cái gì vui mới được.

Kim Liên bảo:

- Bây giờ đánh một ván, ai thua thì phải bỏ ra năm tiền để làm tiệc rượu đãi mọi người. Ba tiền dùng để mua rượu Kim Hoa, còn hai tiền để mua một thủ lợn nhỏ, bảo vợ Lai Vượng quay thật ngon để chúng mình ăn.

Ngọc Lâu đáp:

- Đại nương không có nhà, tính sao cho tiện ?

Kim Liên bảo:

- Khó gì, để lại một phần, đem vào phòng chờ Đại nương về thì mời ăn.

Nói xong, ba người bày bàn cờ mới, Ngọc Lâu và Kim Liên một phe, Bình Nhi thua luôn ba ván, phải bỏ ra năm tiền. Kim Liên sai Tú Xuân gọi Lai Hưng tới bảo:

- Tiền đây, ngươi mua một vò rượu Kim Hoa và một đầu lợn nhỏ cùng các đồ gia vị, đem xuống bảo Huệ Liên quay lên rồi dọn tiệc tại phòng Tam nương, chúng ta sẽ tới.

Ngọc Lâu bảo:

- Ngũ thư thư à, mình cứ bảo chúng nó dọn tiệc tại đây thì tiện hơn. Chứ ăn uống ở phòng tôi mà không mời Kiều Nhi và Tuyết Nga thì cũng phiền.

Kim Liên khen phải, Lai Hưng cầm tiền đi ra.

Lát sau, sai Hưng mua rượu và thủ lợn về. Huệ Liên đang ngồi nói chuyện với Ngọc Tiêu. Lai Hưng tìm tới bảo:

- Chị Huệ Liên à, Tam nương và Ngũ nương sai tôi mua thủ lợn đây, bảo chị đem xuống bếp quay lên, rồi dọn tiệc tại phòng Lục nương.

Huệ Liên bảo:

- Tôi không rảnh, vì còn đang phải làm hài cho Đại nương đi, anh nhờ ai làm giùm cũng được.

Lai Hưng nói:

- Chị làm hay không làm thì tôi không biết, gi­ao cho chị thì tôi cứ gi­ao, nếu chị bận thì lên nói lại với các nương nương.

Ngọc Tiêu bảo:

- Thôi chị cứ đi làm giùm đi, chứ cái miệng Ngũ nương gớm lắm, lại chuyện này chuyện kia rắc rối lắm.

Huệ Liên cười bảo:

- Ngũ nương đâu biết làm ăn gì, nhưng lại muốn ăn ngon nên mới phải nhờ đến tôi.

Nói xong vào bếp, lấy thủ lợn, làm sạch sẽ rồi quay thật ngon, mùi thơm ngào ngạt, gia vị đầy đủ, rồi để trên một cái đĩa lớn, bỏ trong cái quả, đem lên phòng Bình Nhi. Ngọc Lâu đã chuẩn bị sẵn sàng, chia ra một phần thịt, sớt rượu sang một cái bình nhỏ rồi sai a hoàn đem tới phòng Nguyệt nương. Sau đó ba người nhập tiệc, chén tạc chén thù, chuyện trò vui vẻ. Đang lúc ăn uống thì Huệ Liên bước tới cười hỏi:

- Các nương nương thấy thủ lợn quay như vậy có ngon hay không ?

Kim Liên bảo:

- Tam nương vừa mới khen ngươi đó, quay như thế này là nhất rồi, ngươi khéo lắm.

Ngọc Lâu bảo:

- Tú Xuân, ngươi rót một chung rượu mời Huệ Liên gọi là thưởng công.

Bình Nhi cũng chọn một miếng thịt ngon đưa cho Huệ Liên mà bảo:

- Ngươi làm thì ngươi cũng phải ăn thử một miếng chứ. Ngươi ngồi xuống đây đi.

Huệ Liên lạy tạ ba lạy rồi ngồi ghé vào một bên, cùng mọi người ăn uống.

Tới gần tối tiệc mới tan, Nguyệt nương cũng vừa về. Mấy người tiểu thiếp kéo nhau tới thăm, Tiểu Ngọc bưng rượu thịt ra, Ngọc Lâu cười:

- Hôm nay chúng tôi đánh cờ, Lục thư thư thua phải bỏ tiền ra mua rượu thịt, chúng tôi để phần Đại nương đó.

Nguyệt nương bảo:

- Làm như thế này chỉ người nào thua là chịu thiệt. Tôi nghĩ rằng bây giờ đang là thời tiết đẹp, muốn cho công bằng vui vẻ thì mấy chị em mình đây chia phiên nhau, mỗi người đứng ra làm tiệc một ngày để đãi những người khác. Tôi tính như vậy có được không ?

Mọi người đáp:

- Đại nương dạy phải lắm.

Nguyệt nương bảo:

- Ngày mai là mồng năm, tôi xin đứng ra làm trước hết. Rồi mồng sáu thì Kiều Nhi, mồng bảy thì Ngọc Lâu, mồng tám thì Kim Liên...

Kim Liên ngắt lời cười bảo:

- Chỉ có tôi là lợi nhất, hôm đó đúng là ngày sinh nhật của tôi, thật nhất cử lưỡng tiện. Còn Tuyết Nga thì ngày nào ?

Tuyết Nga im lặng, Nguyệt nương bảo:

- Thôi, Tuyết Nga thì khỏi tính.

Ngọc Lâu nói:

- Mồng chín nhà mình không rảnh, thôi Bình Nhi thì để tới mồng mười.

Mọi người bàn định xong, cứ thế mà thi hành.

Suốt từ ngày mồng năm, đám thê thiếp trong nhà vui vẻ ăn uống, nghe đàn hát. Cho tới mồng mười là đến lượt Bình Nhi. Bình Nhi sai Tú Xuân tới mời Tuyết Nga. Mời lần đầu Tuyết Nga từ chối, mời lần thứ nhì Tuyết Nga nhận lời, nhưng lại không chịu tới. Ngọc Lâu bảo:

- Tôi đã biết trước là Tuyết Nga không tới đâu, mời đi mời lại làm gì cho phiền phức.

Nguyệt nương bảo:

- Thôi, không đến thì thôi, mình cũng chẳng nên để ý. Nói xong mời Ngô đại tẩu và Tây Môn đại thư cùng mọi người vào tiệc. Đám Xuân Mai cũng được gọi tới đàn hát giúp vui Nguyệt nương bảo:

Gia gia không có nhà, cứ để bao giờ về thì mời vào cũng được.

Mọi người vui vẻ ăn uống..

Tới trưa thì Tây Môn Khánh về tới nhà. Ngọc Tiêu hầu hạ, đem quần áo cho chủ thay. Tây Môn Khánh hỏi:

- Đại nương đâu ?

Ngọc Tiêu đáp:

- Đại nương đang cùng các nương nương và Phan bà, Ngô đại cữu mẫu và Đại thư thư ăn tiệc tại phòng Lục nương nương.

Tây Môn Khánh hỏi:

- Có chuyện gì mà tiệc tùng vậy ?

Ngọc Tiêu đáp:

- Các nương nương thay phiên nhau tổ chức cho vui mà thôi.

Tây Môn Khánh lại hỏi:

- Các nương nương uống rượu gì ?

Ngọc Tiêu đáp:

- Rượu Kim Hoa.

Tây Môn Khánh bảo:

Trong nhà còn rượu Mạt Lỵ do Ứng nhị gia biếu đó, lấy ra đem đến cho các nương nương uống.

Ngọc Tiêu vào lấy rượu rồi đem tới phòng Bình Nhi. Huệ Liên đang đứng cạnh Nguyệt nương để hầu rượu, thấy Ngọc Tiêu đem rượu vào thì chạy tới đỡ. Ngọc Tiêu đưa mắt, Huệ Liên hiểu ý ngay, Nguyệt nương hỏi:

- Rượu ở đâu vậy ?

Ngọc Tiêu đáp:

- Gia gia sai đem tới để các nương nương dùng.

Nguyệt nương hỏi:

- Gia gia về lúc nào vậy ?

Ngọc Tiêu thưa:

- Gia gia vừa mới về, hỏi tôi là các nương nương uống rượu gì, rồi sai tôi đem vò rượu Mạt Lỵ này tới để các nương nương dùng.

Nguyệt nương bảo:

- Thôi, chẳng nên mời gia gia tới đây làm gì, ngươi có thể dọn rượu và thức ăn cho gia gia ăn uống một mình cũng được.

Ngọc Tiêu vâng lời lui ra. Huệ Liên đứng hầu rượu thêm một lát rồi nói:

- Để tôi xuống lo trà sẵn.

Nguyệt nương bảo:

- Phải đấy, trên phòng ta còn trà Lục An, ngươi lên lấy xuống mà pha.

Lúc đó Tây Môn Khánh đang Ở trong phòng Nguyệt nương, Ngọc Tiêu đứng đợi Huệ Liên trên thềm. Huệ Liên đang đi tới thì Đại An đã vào trước thưa:

- Có các vị Ứng, Tạ, Chúc, Thường tới.

Tây Môn Khánh bảo:

- Mời họ vào phòng khách rồi dọn rượu tại đó.

Tây Môn Khánh nói xong bước ra phòng khách tiếp bạn. Chủ khách an tọa, Ứng Bá Tước nói:

- Mấy hôm nay không gặp đại ca nên tới thăm, nào ngờ giữa đường gặp mấy anh em đây, tôi liền rủ họ cùng tới.

Tạ Hy Đại nói:

- Xin đại ca bỏ lỗi cho, mấy ngày tết vừa qua đáng lẽ là phải tới chúc tết đại ca, nhưng rồi cứ bận chuyện này chuyện kia thành thử hôm nay mới tới được.

Tây Môn Khánh cười:

- Chẳng lẽ tôi không có rượu mời các anh em trong mấy ngày tết hay sao ?

Chúc Thật Niệm nói:

- Đại ca ở đây thì ngày giờ nào mà chẳng có rượu cho anh em chúng tôi, còn mấy người họ hàng thân thuộc của chúng tôi thì cả năm mới có rượu uống trong mấy ngày tết nên mới mời, chúng tôi không từ chối được.

Chủ khách trò chuyện một hồi, rồi vào tiệc. Lúc đó cũng gần tối, Đại An thắp đèn,lên bữa tiệc rất vui vẻ.

Rượu được vài tuần, Ứng Bá Tước nói:

- Có lẽ chúng mình nên dùng tửu lệnh cho vui.

Tạ Hy Đại nói:

- Ứng nhị gia có tài kể chuyện cười, mấy lần kể chuyện nhà Quế Thư khiến mọi người cười nghiêng ngửa, hôm nay nhị ca nên kể chuyện cho anh em cười vui là nhất rồi, không cần tửu lệnh.

Tây Môn Khánh bảo Hy Đại:

- Tạ ca cũng giỏi khôi hài lắm, chẳng lẽ không kể chuyện cười được sao ?

Ứng Bá Tước nói:

- Kể chuyện cười cũng là dùng tửu lệnh vậy. Bây giờ anh em mình, mỗi người phải kể một chuyện cười, kể xong mà không ai cười thì bị phạt ba chung rượu lớn. Chúc Thật Niệm nói:

- Nếu vậy để tôi kể trước.

Thường Trĩ Tiết bảo:

- Tôi không biết kể chuyện cười, xin chịu phạt ba chung rượu là xong.

Chúc Thật Niệm bắt đẩu kể:

- Ai cũng biết Khổng Tử có bảy mươi hai người học trò giỏi là thất thập nhị hiền chứ gì, nhưng quá nửa thật ra là những người chẳng ra gì cả.

Thường Trĩ Tiết chặn lại hỏi:

Sao vậy ?

Chúc Thật Niệm nhân việc Thường Trĩ Tiết đã lớn tuổi mà chưa từng lấy vợ lần nào bèn bảo:

- Yên trí, tôi nói có sách mách có chứng, trong sách có câu "bất hữu quan giả lục ngũ nhân, đồng tử lục thất nhân"... trong câu đó, người đã có vợ gọi là "quan", người chưa có vợ gọi là "đồng ", năm sáu ba mươi, sáu bảy bốn hai, cộng lại không phải bảy mươi hai người hay sao ?...

Mọi người cười ầm cả lên. Đến lượt Ứng Bá Tước kể:

- Tôi cũng nói chuyện sách vở thánh hiền. Các ca ca có biết. tại sao con gái của Khổng Tử không lấy người chồng học vấn uyên thâm, mà lại lấy anh phạm nhân Công Dã Trường ? Ấy là tại trong đám cao đệ của Khổng Tử, thì Nhan Uyên là người vắn số, sợ rằng con gái mình ở góa không nổi. Mẫn Tử Khiên thì có mẹ già, sợ hành hạ con gái mình, Nhiễm Bá Ngưu thì bệnh tật, Trọng Cung thì có người cha không ra gì, sợ làm điều vô liêm sỉ với con dâu, còn Tề Ngã thì có tài ăn nói nhưng lại phải cái tật cứ ngủ suốt ngày...

Tây Môn Khánh nghe tới đây thì hơi chạnh lòng, bèn bảo:

- Thôi, khỏi cần kể nữa, mới chỉ kể ra năm người mà cũng đủ buồn cười lắm rồi.

Mọi người cùng cười. Tạ Hy Đại trầm ngâm hỏi:

- Đại ca à, tôi có phải kể hay không ?

Tây Môn Khánh bảo:

- Thì cứ kể đi, nếu không ai cười thì chịu phạt chứ sao.

Tạ Hy Đại nói:

- Đại ca đây làm chuyện gì cũng đúng sách thánh hiền, đại ca có nhiều vợ, nhưng lại không chịu đến với họ, để họ Ở không, như vậy là hợp với câu "Hồi dã, kỳ thứ hồ lũ không, thứ giả, tiểu thiếp chi vị dã".

Tây Môn Khánh cười, đập lên đầu Hy Đại mà bảo:

- Chỉ được cái miệng giỏi ăn nói hàm hồ thôi. Trong khi đó, tại bàn tiệc trong phòng Bình Nhi, Kim Liên thấy Huệ Liên tự ý đi pha trà thì nghi rằng Huệ Liên kiếm cớ để lên tình tự với Tây Môn Khánh trên phòng Nguyệt nương, bèn giả vờ ra ngoài rồi đi thẳng tới phòng Nguyệt nương, nhưng nghe a hoàn nói là Tây Môn Khánh đang uống rượu với khách tại phòng khách, Kim Liên lại rón rén ra phòng khách, núp ở sau rèm mà nghe, nghe tới câu chuyện của Tạ Hy Đại thì có ý thẹn thùng, liền trở về phòng riêng. Về phần Huệ Liên, biết Tây Môn Khánh phải tiếp bạn, thì quay xuống lo pha trà. Đang loay hoay ở đằng sau thì Tiểu Ngọc tới bảo:

- Đại nương nói sao chị pha trà lâu quá vậy ?

Huệ Liên đáp:

- Xong rồi đây. để tôi đem lên.

Nói xong bưng trà lên phòng tiệc. Nguyệt nương hỏi:

- Sao giờ này trà mới xong ?

Huệ Liên đáp:

- Gia gia đang cùng khách khứa uống rượu, nhà bếp bận làm đồ ăn, bây giờ mới có bếp trống.

Mọi người uống trà rồi lại tiếp tục bừa tiệc. Huệ Liên lại được ngồi bên cạnh cùng ăn, thỉnh thoảng lại nói xen vài câu. Ngọc Lâu khó chịu bảo:

- Chúng ta đông đủ ở đây trò chuyện mà sao ngươi cứ nói leo vậy ?

Huệ Liên xấu hổ quá, đứng dậy lui ra sau.

Đám thê thiếp ăn uống tới lúc lên đèn thì thấy Tây Môn Khánh vén rèm bước vào, cười bảo:

- Mọi người vui vẻ quá nhỉ.

Ngô cữu mẫu đứng dậy chào:

- Quan nhân đã tới.

Rồi vội kéo ghế mời ngồi. Nguyệt nương hỏi:

- Chàng uống rượu với bạn xong rồi hay sao ? Chỗ này toàn đàn là con gái, tới đây làm gì ?

Tây Môn Khánh đã ngà ngà say, nghe vậy cười bảo:

- Nếu vậy thì tôi đi.

Nói xong sang phòng Kim Liê, Kim Liên hỏi:

- Hồi nãy Tạ Hy Đại kể chuyện cười như vậy là ngụ ý gì ?

- Tây Môn Khánh bảo:

- Hơi đâu mà để ý đến những chuyện bông lơn đó. Tôi có chuyện muốn bàn với nàng đây. Tôi muốn gặp Huệ Liên một đêm nhưng chẳng có chỗ nào thuận tiện. Nếu nàng dung được nó thì cho tôi mượn nơi này của nàng một đêm.

Kim Liên đáp:

- Tôi thì lúc nào cũng nghe theo chàng, nhưng không phải là tôi không dung được Huệ Liên, mà chỉ sợ Xuân Mai nó không chịu, chàng thủ hỏi qua nó một câu xem.

Tây Môn Khánh bảo:

- Nếu vậy thì thôi, để tôi báo a hoàn nó đem chăn nệm ra căn nhà mát trong hoa viên vậy.

Nói xong bước ra. Lát sau Huệ Liên theo ra tới nơi, nhìn vào thấy đèn sáng. Huệ Liên nói:

- Bộ nhà hết chỗ rồi hay sao mà phải đưa tôi ra chỗ trống trải lạnh lùng như thế này ? Lạnh quá làm sao ngủ được. Chàng không thấy đôi bàn chân nhỏ xíu của tôi muốn tê di vì lạnh hay sao ? Vậy mà tôi vẫn không có nổi một đôi hài mà đi, trong khi mọi người thì ai cũng thừa mứa.

Tây Môn Khánh bảo:

- Được rồi, để mai ta bảo lấy tiền mua cho nàng đủ thứ hài đẹp và ấm.

Đoạn ngắm bàn chân của Huệ Liên mà bảo:

- Thật không ngờ bàn chân nàng lại có thể nhỏ hơn của Kim Liên như thế này.

Huệ Liên nói:

- Tôi làm sao so được với Ngũ nương, nhưng hôm qua tôi có thử mang một đôi hài của Ngũ nương thì thấy rộng mông mênh, tuy nhiên có mua hài cho tôi thì phải mua đúng như của Ngũ nương cơ.

Kim Liên đứng ngoài nghiến răng nhủ thầm:

"Con nô tài dâm phụ này gớm thật, dám chê bai ta".

Đoạn lại nghe tiếp Huệ Liên hỏi:

- Chàng cưới Ngũ nương về lâu chưa, Ngũ nương là người thế nào mà có vẻ hợm mình như vậy ?

Tây Môn Khánh đáp:

- Ờ cũng lâu rồi, nó cũng là người chẳng ra gì, được về đây là phúc lắm.

Kim Liên đứng ngoài nghiến răng căm hận, nghĩ thầm:

"Con nô tài dâm phụ này quá lắm rồi để ta phải tìm cách trả thù mới được, sau này rồi nó sẽ biết ta". Nghĩ xong đứng lặng giây lâu, rồi rút chiếc trâm trên đầu xuống, cài vào hai cái khoen cửa, sau đó nuốt hận về phòng.

Sáng sớm hôm sau Huệ Liên dậy mở cửa để ra nhưng cửa bị cài chặt bên ngoài, không mở được.

Tây Môn Khánh phải lên tiếng gọi Nghênh Xuân tới mở, Huệ Liên thấy cây trâm thì biết là đêm qua Kim Liên đã rình nghe ở ngoài, trong lòng vừa giận vừa sợ, vừa hổ thẹn, vội bước ra khỏi hoa viên. Đi được một quãng thì gặp Bình An từ trong đi ra, cứ nhìn mình mà cười. Huệ Liên chột dạ hỏi:

- Cười gì mà cứ nhe răng ra vậy ?

Bình An đáp:

- Tôi cười gì kệ tôi, chị hỏi làm gì ?

Huệ Liên bảo:

- Phải có cái gì mới cười được chứ, nói vậy nghe sao được ?

Bình An đáp:

- Tôi cười chị đó, cả đêm qua chị đi đâu ?

Huệ Liên đỏ bừng mặt:

- Thằng ông mãnh, tao đi đâu mặc kệ tao, việc gì đến mày ?

Bình An bảo:

- Ngũ nương nói là chị nên cúng vái sám hối đi là vừa.

Huệ Liên giật mình, sợ cuống lên, nhưng mắng át đi:

- Thằng khốn đừng có ăn nói hàm hồ bịa đặt, rồi mày biết tao.

Nói xong đuổi Bình An định đánh. Vừa lúc đó Đại An đi tới, vội hỏi:

- Sao chị đánh nó ?

Huệ Liên đáp:

- Còn sao nữa, nó làm tôi tức muốn chết đây này.

Bình An bỏ đi. Đại An bảo:

- Chị cũng chẳng nên giận làm gì, vào trong mà lo việc đi.

Huệ Liên lấy ra ít tiền, nhờ Đại An mua cháo thịt về, hai người cùng ăn. Sau đó Huệ Liên vào phòng Nguyệt nương dọn dẹp rồi tới phòng Kim Liên. Kim Liên đang trang điểm trước gương. Huệ Liên nhẹ nhàng vào phòng dọn dẹp đồ đạc lau chùi bàn ghế, rồi lấy nước nóng cho Kim Liên rửa tay. Kim Liên không thèm ngó tới Huệ Liên. Lát sau Huệ Liên nói:

- Đôi hài ngủ của nương nương đâu để tôi đi giặt.

Kim Liên bảo:

- Kệ nó.

Đoạn gọi:

- Thu Cúc đâu, con khốn này đi đâu mất mặt vậy?

Huệ Liên nói:

- Thu Cúc đang quét dọn ở ngoài, còn Xuân Mai thì đang chải đầu.

Kim Liên bảo:

- Để đó rồi chúng nó vào dọn dẹp, ngươi đừng làm gì cả sợ bẩn tay ngươi. Ngươi nên tới săn sóc hầu hạ cho gia gia thì hơn. Gia gia có người như ngươi hầu hạ là nhất rồi, chúng ta là người chẳng ra gì, chỉ có ngươi xứng đáng là chính thất của gia gia mà thôi.

Huệ Liên biết ngay là Kim Liên muốn nhắc lại chuyện đêm qua, bèn quỳ ngay xuống mà nói:

- Nương nương là chủ của tôi, nếu nương nương không thương tình thì làm sao tôi sống được. Nếu nương nương không khoan dung thì đêm qua tôi đâu dám nghe lời gia gia. Tôi lúc nào cũng mang ơn nương nương không bao giờ dám nghĩ khác. Xin nương nương cứ hỏi gia gia, nếu tôi có điều gì vô lễ với nương nương thì sau này tôi chết không yên.

Kim Liên bảo:

- Thôi, xin đừng nói vậy mà tôi thêm mang tội. Gia gia đã yêu mến thư thư, chúng tôi đâu có tranh chấp gì, chỉ xin thư thư khi kề cận gia gia thì đừng nói xấu hạ nhục chúng tôi, từ đây trở đi nên bớt cái thói đó.

Huệ Liên nói:

- Xin nương nương cứ hỏi lại gia gia, tôi quả không bao giờ dám vậy. Có thể là đêm qua nương nương nghe lầm điều gì chăng?

Kim Liên dằn giọng:

- Đứng có già hàm, ta nói cho ngươi biết là trong nhà này, gia gia không bao giờ giấu ta chuyện gì hết, kể cả những chuyện gia gia xích mích với Đại nương. Chuyện với Đại nương mà gia gia còn kể cho ta nghe thì chuyện của ngươi, gia gia lại giấu ta sao ? Ngươi liệu có so được với Đại nương hay không. Cho nên chuyện gì của ngươi, ngươi nói câu gì, ta đều biết hết. Huệ Liên đứng lặng một hồi rồi bước ra. Đi được một quãng thì gặp Tây Môn Khánh, bèn chặn lại mà bảo:

- Đêm qua tôi nói với gia gia những gì, gia gia đem kể hết cho người ta nghe, người ta vừa mắng tôi như tát nước. Những điều tôi nói với gia gia, gia gia nói lại với người ta làm gì ?

Tây Môn Khánh ngạc nhiên:

- Chuyện gì vậy ? Ta có nói gì với ai đâu.

Huệ Liên vùng vằng bỏ di.

- Từ đó, cậy được Tây Môn Khánh yêu quý, Huệ Liên ngày càng tỏ ra kiêu căng, quên hẳn mình là phận tôi đòi, khinh miệt tất cả gia nhân trong nhà, coi thường cả từ viên quản lý tiệm thuốc tới con rể Tây Môn Khánh là Trần Kính Tế. Viên quản lý họ Phó là người có tuổi bị Huệ Liên gọi là Phó đại lang thì lấy làm lạ lắm. Huệ Liên thường nhờ Phó quản lý mua giùm son phấn. Một hôm Phó quản lý mua son phấn, nhờ Đại An mang vào. Đại An đứng ngoài réo gọi:

- Chị Huệ Liên ơi, mua son phấn thì ra đây mà lấy, mang vào thoa đánh cho nó đẹp.

Huệ Liên bước ra xỉa xói:

- Thằng khốn, làm gì mà ồn ào lên vậy? Đây là Ngũ nương sai tao mua, chứ có phải tao mua cho tao đâu, mày dám bảo Ngũ nương là mua son phấn làm đẹp phải không ? Để tao mách Ngũ nương cho mà coi.

Đại An bảo:

- Việc gì chị cứ phải đem Ngũ nương ra dọa tôi vậy? Này. tử tế thì muốn mua bán gì tôi còn giúp, chứ không thì từ nay đừng có hòng mà nhờ tôi. Huệ Liên dịu giọng gọi Đại An vào, nhờ mua các vật dụng khác, rồi đưa ra một thỏi bạc nặng bảy tiền năm phân. Đại An cầm bạc, cứ lật qua lật lại mà coi, Huệ Liên bảo:

- Thằng khỉ, cầm bạc rồi không chạy đi lo việc cho người ta, còn đứng đó mà nhìn ngắm cái gì ? Coi cái mắt mày nhìn tiền nhìn bạc cũng đủ biết mày tham lam, cỡ mày ban đêm ban hôm chó má nó ngủ quên là mày dám vào nhà người ta ăn trộm lắm.

Đại An bảo:

- Ăn trộm hay không thì kệ tôi, có điều là thoi bạc này tôi thấy quen quá, giống như bạc của gia gia vậy. Hôm nọ sau khi mua bán, còn thừa ít bạc, bảo tôi đếm rồi cất đi, tôi nhớ đúng là thứ bạc này chớ không thể sai.

Huệ Liên mắng át:

- Này thằng khốn chớ nói bậy, tiền bạc thế gi­an thiếu gì, bạc nào chẳng giống bạc nào, bộ chỉ mình gia gia có thứ này thôi hay sao. Mà bạc của gia gia làm sao ta lại có được.

Đại An bảo:

- À, cái đó thì tôi đâu có biết.

Huệ Liên định sấn tới đánh, Đại An cầm bạc chạy ra đưa cho gia nhân khác lo mua bán, tiền dư thì giữ lại mà không trả, Huệ Liên gọi và bảo:

- Tiền thừa đâu sao không trả cho tao ?

Đại An cười:

- Tiền này không phải tiền của chị, còn thừa thì chị cũng nên để tôi mua bánh ăn chứ.

Huệ Liên bảo:

- Cứ đưa đây cho tao coi còn bao nhiêu rồi tao cho.

Đại An đưa tiền, Huệ Liên cầm lấy đếm rồi lấy ra một ít cho Đại An, còn bao nhiêu thì giắt vào lưng.

Từ đó Huệ Liên luôn luôn có nhiều tiền, thường sắm mua quần áo, đồ trang sức quan trọng, lại thường đứng ở cổng chờ các hàng quà đi ngang mua ăn, không nể nang e dè gì cả, nhiều khi còn mua thật nhiều, chia cho các gia nhân cùng ăn. Huệ Liên ăn mặc chải chuốt, áo tay rộng như chủ nhà, quần dài lết phết, thoa son dồi phấn, cài trâm vàng thoa bạc, ăn xài rộng rãi, mỗi ngày tốn cả hai ba tiền. Tất cả đều do Tây Môn Khánh lén lút đưa cho. Huệ Liên lại khôn ngoan, biết Kim Liên hiểu rõ chuyện riêng của mình thì ngày ngày quanh quẩn bên Kim Liên, hầu hạ từng ly từng tý, nịnh hót đủ điều. Hàng ngày thường cùng Kim Liên và Bình Nhi đánh cờ, đánh bài giải trí. Thảng hoặc Tây Môn Khánh tình cờ tới thi Kim Liên cho Huệ Liên ngồi cạnh uống rượu chuyện trò. Phận sự chính của Huệ Liên là cùng Ngọc Tiêu hầu hạ Nguyệt nương, nhưng mỗi ngày chỉ đảo qua cho Nguyệt nương thấy mặt rồi lại sang với Kim Liên...

Hồi 25

Nữ gia nhân kiêu lộng

&nb­sp;

&nb­sp;&nb­sp; Lúc đó là tiết Nguyên tiêu, dân gi­an vui chơi suốt đêm, đèn đuốc rực cả một huyện. Tây Môn Khánh cũng cho treo đèn, chưng dọn trong nhà. Sang ngày mười sáu thì cho dọn tiệc lớn để cả nhà cùng vui say. Tây Môn Khánh và Nguyệt nương ngồi trên, đám tiểu thiếp và con gái là Tây Môn đại thư phân ngôi thứ ngồi bên dưới. Bọn Xuân Mai bốn người đàn hát giúp vui. Mọi người đều ăn mặc áo gấm thêu, trang điểm rực rỡ, đèn nến lung linh muôn sắc, cảnh nhà lộng lẫy, đàn hát tưng bừng. Con rể là Trần Kính Tế cũng được ngồi cuối bàn tiệc. Trên bàn, rượu ngon đủ loại, món ăn sơn hào hải vị không thiếu thứ gì. Huệ Liên và đám a hoàn chạy như đèn cù xung quanh để rót rượu. Mấy gia nhân như Lai An, Họa Đồng... đứng ngoài hâm rượu hoặc túc trực khi được gọi đến. Trên bàn, qua mấy tuần rượu, các bình rượu đã hơi vơi, Huệ Liên chạy ra gọi rượu, nhưng không thấy gia nhân nào, bèn lớn tiếng:

- Lai An đâu, Họa Đồng đâu, mau đem rượu nóng lên, mấy thằng chết đâm không biết đi đâu mất rồi, chẳng thấy đứa nào ở đây cả thế này.

Lát sau Họa Đồng mới hâm rượu đem lên. Tây Môn Khánh mắng:

- Đồ khốn kiếp, sao không túc trực ở ngoài, đi đâu hết cả vậy Họa Đồng lui ra gây sự với Huệ Liên:

- Chúng tôi ở ngoài này chứ đi đâu mà cái miệng chị cứ ong óng lên để gia gia chửi chúng tôi ?

Huệ Liên đáp.

- Trên tiệc cần rượu sao không hâm sẵn để gọi đến là có ngay ? Gia gia không chửi bọn bay thì chửi ai ?

Họa Đồng lại nói:

- Hành lang người ta đã quét sạch sẽ như thế, mà chị vừa hầu việc, vừa cắn hạt dưa rồi bỏ vỏ đầy ra đây, gia gia thấy lại chửi chúng tôi.

Huệ Liên bảo:

- Đằng nào thì lát nữa tiệc xong mới phải quét, mày muốn sạch thì mày quét đi, không quét thì bảo đứa khác nó quét, chết chóc gì. Mà gia gia lỡ có chửi thì mày ráng mà chịu chứ sao.

Họa Đồng nói:

- Thôi đi, chúng tôi biết chị bây giờ ghê lắm rồi.

Nói xong im lặng cầm chổi quét vỏ hạt dưa ngoài hành lang.

Trên bàn tiệc, Tây Môn Khánh thấy chung rượu của Kính Tế đã cạn, liền bảo Kim Liên rót Kim Liên bước tới cầm bình rượu rót vào chung của Kính Tế, liếc mắt mỉm cười mà bảo:

- Hiền tế à, theo lời gia gia, tôi xin rót mời, xin uống cạn.

Kính Tế kín đáo liếc lại Kim Liên mà nói:

- Xin Ngũ nương cứ để tự nhiên, từ từ cháu sẽ uống.

Kim Liên nâng chung rượu lên, Kính Tế đưa tay ra tiếp. Kim Liên cố ý bấm nhẹ vào bàn tay Kính Tế. Kính Tế một mặt tiếp chung rượu, một mặt nhìn mọi người rồi lấy chân đạp nhẹ vào chân Kim Liên.

Kim Liên mỉm cười cúi xuống gắt nhỏ:

- Đồ quỷ, không sợ mọi người thấy hay sao ?

Mọi người trên bàn tiệc mải nói cười, không ai để ý, chỉ có Huệ Liên đứng cắn hạt dưa ở ngoài, là nhìn thấy rõ ràng, bèn nghĩ thầm:

"Gớm thật, thế mà bây giờ mình mới biết. Được rồi, để ngày mai mình sẽ tính".

Lát sau, gia nhân vào thưa là Ứng Bá Tước sai người tới mời Tây Môn Khánh ra phố thưởng ngoạn hội hoa đăng. Tây Môn Khánh bảo Nguyệt nương:

- Các nàng cứ vui vẻ, ta đến nhà Ứng nhị ca dự tiệc. Nói xong gọi Đại An và Bình Nhi đi theo.

Mọi người tiếp tục ăn uống vui vẻ. Ngoài trời, một giải ngân hà lấp lánh, tinh tú rực rỡ trên nền trời trong xanh, vừng trăng tròn và sáng nhô lên từ phương đông, rọi ánh sáng bàng bạc vào phòng tiệc.

Lát sau te­ic tàn. Nguyệt nương và Kiều Nhi, Tuyết Nga, Tây Môn đại thư ai về phòng nấy. Ngoài này, Kim Liên bảo Ngọc Lâu và Bình Nhi:

- Hôm nay gia gia chắc không về đâu, chúng mình xin phép Đại nương ra phố ngắm cảnh hoa đăng.

Huệ Liên đứng cạnh nói:

- Các nương nương có đi xin cho tôi theo với.

Kim Liên bảo:

- Nếu ngươi muốn đi thì vào xin phép Đại nương, rồi hỏi xem Nhị nương có muốn đi không. Chúng ta đứng đợi ngoài này.

Huệ Liên vội quay vào. Ngọc Lâu bảo:

- Nó ăn nói không ra gì đâu, để tôi vào xin phép cho tử tế.

Bình Nhi nói:

- Tôi thì phải chạy về phòng lấy thêm áo kẻo sợ lạnh.

Kim Liên dặn:

- Lục thư thư có áo lạnh cho tôi mượn một cái, tôi khỏi phải về phòng.

Bình Nhi gật đầu bước ra. Chỉ còn lại mình Kim Liên, trong khi dó Kính Tế đang ngắm hoa ở ngoài.

Kim Liên nhìn một vòng thấy vắng vẻ không người, bèn bước tới gần, để tay lên vai Kính Tế mà bảo:

- Mặc có mỗi cái áo như thế này mà không sợ lạnh hay sao ?

Kính Tế cười:

- Ngũ nương có thương tôi lạnh thì ban cho tôi một tấm áo đi.

Kim Liên cũng cười:

- Đồ quỷ, lúc nãy đạp cả vào chân người ta, người ta chưa nói gì, bây giờ cả gan xin quần áo nữa.

Tôi không phải là người này người nọ của hiền tế thì làm sao tôi cho quần áo được.

Kính Tế nói:

- Ngũ nương không cho thì thôi, việc gì phải nói như vậy ?

Kim Liên hỏi:

- Nói như vậy rồi có sao không ?

Kính Tế đáp:

- Ngũ nương nói như vậy làm cho tôi sợ chứ sao. Kim Liên nguýt dài:

- Đồ yêu đồ quỷ như vậy mà biết sợ gì, chỉ giả vờ.

Hai người đang nói chuyện thì Ngọc Lâu và Huệ Liên bước ra. Ngọc Lâu nói:

- Đại nương uống rượu hơi nhiều nên không đi, bảo chúng mình cứ đi, rồi nhớ về sớm. Kiều Nhi hơi mệt, nên không đi. Tuyết Nga thấy Đại nương không đi thì sợ mà ở nhà. Như vậy là chỉ có ba chúng mình đi mà thôi.

Kim Liên bảo:

- Ba chúng mình đi cũng được chứ sao. gia gia về có mắng cũng chịu. Bây giờ thì bảo Xuân Mai, Ngọc Tiêu, Nghênh Xuân và Lan Hương đi theo bọn mình cho vui.

Tiểu Ngọc từ trong chạy ra nói:

- Đại nương không đi, các nương nương cho tôi đi với.

Ngọc Tiêu bảo:

- Cũng phải vào thưa một câu chứ. Mau lên, chúng tôi đợi.

Tiểu Ngọc chạy bay vào trong xin phép rồi tươi cười đi ra. Huệ Liên ăn mặc sang trọng, trang điểm cực kỳ lộng lẫy, bước ra gặp Kính Tế liền bảo:

- Cô phu nên ở nhà, đợi tôi, tôi đi một lát về ngay.

Kính Tế bảo:

- Tôi cũng đi theo chứ.

Huệ Liên có ý trêu tức Kim Liên bèn bảo:

- Không nghe lời tôi thì tôi giận cho mà xem.

Lai An và Họa Đồng được gọi ra đem đèn đi theo. Kính Tế cũng cỡi ngựa cùng đi. Trăng lên cao, ánh sáng vàng vặc, mọi người kéo nhau ra đường. Ngoài đường, đèn hoa đủ loại treo trước cửa nhà hai bên đưòng lấp lánh như sao sa, người đi đường đông như nước chảy, trai thanh gái lịch dập dìu, xe ngựa nối đuôi, tiếng đàn hát. tiếng cười nói huyên náo cả một vùng, quang cảnh đêm xuân trăng sáng thật muôn phần náo nhiệt. Người đi đường thấy một đoàn mỹ nhân dạo phố, xung quanh có các a hoàn, trước sau có gia nhân, thì tưởng đâu là gia quyến của bậc công hầu. Dân chúng không dám nhìn thẳng, lại nhường đường cho đi.

Huệ Liên luôn luôn đi cạnh Kính Tế, luôn miệng nói:

- Cô phu đốt pháo bông cho tôi coi đi.

Hoặc là:

- Cô phu, đốt một cây pháo thăng thiên cho tôi xem đi.

Hoặc là:

- Cô phu, đốt thử một bánh pháo Nguyên tiêu để tôi nghe xem có nổ lớn hay không...

Thôi thì đủ chuyện, nhiều lúc Huệ Liên còn đi sát vào người Kính Tế. Ngọc Lâu hơi khó chịu. Lát sau Huệ Liên bảo lại:

- Kìa cô phu, coi chừng lấm hài tôi bây giờ.

Ngọc Lâu bực mình hỏi:

- Hài gì mà quý giá vậy ?

Ngọc Tiêu đáp thay:

- Huệ Liên mang hài của Ngũ nương nên sợ bẩn.

Ngọc Lâu bảo:

- Gọi nó lại đây cho ta coi có phải là hài của Ngũ nương thật không.

Kim Liên bảo:

- Hôm qua nó có hỏi xem mấy đôi hài của tôi, ngờ đâu dám hỗn láo lấy mang bao giờ không cơ chứ.

Huệ Liên tới, im lặng nhẹ kéo ống quần lên, Ngọc Lâu thấy đó là một đôi hài màu hồng thêu kim tuyết rất mới, không phải là của Kim Liên, thì cũng im lặng không nói gì.

Lát sau mọi người tới chợ đèn ở đường Sư Tử. Kim Liên bảo:

- Chúng mình ghé vào nhà của Lục thư thư chơi đi. Gia nhân đi trước rẽ vào gọi cửa. Phùng ma ma đã nghe gọi, lật đật ra cổng mời mọi người vào, một mặt cho đốt đèn lồng, đun nước pha trà, một mặt cho a hoàn đem bình ra ngoài phố mua rượu. Ngọc Lâu thấy vậy bảo:

- Lão Phùng khỏi sai người đi mua rượu làm gì, chúng tôi ở nhà đã ăn uống no say cả rồi, bây giờ lão có trà cho uống thì tốt.

Kim Liên bảo:

- Mà muốn mời uống rượu thì phải có đồ ăn ngon mới được chứ.

Bình Nhi nói:

- Được rồi, để tôi bảo mua rượu ngon rồi mua cả đồ ăn thật ngon nữa.

Ngọc Lâu cười bảo Bình Nhi:

- Đừng nghe lời Ngũ nương, Ngũ nương nói đùa đấy mà, có trà cho uống là được rồi.

Phùng ma ma từ nãy vẫn đứng yên chờ quyết định của mọi người. Bình Nhi bảo:

- Không đi đi còn đứng đây làm gì ?

Phùng ma ma nói:

- Để tôi bảo hai con khốn kia nó lo.

Ngọc Lâu hỏi:

- Hai đứa là do nhà nào bán vậy ?

Phùng ma ma nói:

- Một đứa là của nhà phía bắc gần đây, năm nay mười ba tuổi, chỉ cần bán với giá năm lạng. Đứa kia vốn là vợ gia nhân của nhà họ Uông, tên gia nhân đó trốn đi, nó bị đánh chửi rồi nhờ bán đi, nói giá là mười lạng.

Ngọc Lâu bảo:

- Có người muốn mua, chịu thưởng cho lão ít tiền, lão bán không ?

Phùng ma ma mừng rỡ:

- Tất nhiên, nhưng ai muốn mùa vậy ? Xin mách cho tôi với. Ngọc Lâu bảo:

- Nhị nương ở nhà hiện chỉ có con Nguyên Tiêu không đủ để sai bảo, đang cần một đứa lớn hơn biết làm ăn, lão có thể đem bán đứa lớn kia cho Nhị nương. Mà nó bao nhiêu tuổi vậy ?

Phùng ma ma đáp:

- Năm nay nó mười bảy.

Nói xong chay vào đem trà ra mời mọi người. Trong khi đó Xuân Mai, Ngọc Tiêu và Huệ Liên lên lầu mở cửa bao lơn nhìn xuống. Kính Tế đứng dưới đường bảo:

- Muộn rồi, nên về nhà thôi.

Kim Liên dưới nhà nghe được bảo:

- Cái thằng thật, cứ giục về hoài, thôi cũng nên về thì hơn.

Nói xong gọi bọn Xuân Mai uống rồi cùng mọi người đứng dậy bước ra. Phùng ma ma tiễn mọi người ra cổng. Bình Nhi quay lại hỏi:

- Hôm nay đến lượt Bìn­hAn phải coi nhà, sao không thấy nó đâu ?

Phùng ma ma đáp:

- Giờ này vẫn chưa thấy tới. Nhiều hôm nó đến muộn lắm, nửa đêm nửa hôm cũng phải ra mở cổng.

Lai An nói:

- Hôm nay Bình An theo gia gia tới nhà Ứng nhị gia mà.

Bình Nhi bảo:

- Vậy thì chắc hôm nay nó không tới đâu, ma ma đóng cửa đi ngủ sớm đi rồi sáng mai đem con nhỏ đó tới gặp nhị nương.

Nói xong bước ra cùng mọi người về nhà. Về tới cổng thì nghe tiếng lão bộc Hàn bà đang mắng con dâu:

- Chồng nó phải lo chăn ngựa, nó theo người ta đi chơi, uống rượu say rồi về nhà bảo là có người vào phòng ăn cắp đồ dạc của nó, bây giờ rượu say ngồi đầu gió mà mắng chửi ai đây ?

Mọi người đều ngừng lại. Kim Liên bảo Lai An:

- Ngươi vào gọi con dâu cua mụ Hàn ra đây. Lai An chạy vào, Hàn tẩu tẩu bước ra vái dài mọi người:

- Kính xin ba vị nương nương nghe tôi thưa rõ đầu đuôi.

Thế là mồm năm miệng mười kê lể con cà con kê. Ngọc Lâu cùng mọi người cho ít tiền rồi bảo Lai An đưa vào nhà. Trong khi đó Kính Tế và Huệ Liên đứng xa xa cười giỡn với nhau. Hàn tẩu tẩu vái chào.

Kim Liên bảo:

- Được rồi cứ vào nhà đi, để mai ta nói lại với gia gia cho.

Mọi người vào tới trong thì vợ của Bôn Tứ, là người lo việc mua bán các thứ trong nhà, chạy ra vái chào rồi cười thưa:

- Ba vị nương nương mới đi chơi về, nếu các nương nương không chê thì xin ghé nhà chúng tôi dùng chung trà.

Ngọc Lâu bảo:

- Thôi cũng muộn rồi, cảm ơn tẩu tẩu, để khi khác.

Vợ Bôn Tứ thưa:

- Các nương nương là chủ, nhưng chẳng lẽ lại chê lòng thành của gia nhân hay sao ?

Đoạn nhất định mời bằng được. Ba người bước vào nhà Bôn Tứ được mời ngồi tại phòng ngoài, trước bàn thờ Quan Âm Bát tiên vàbàn thờ Quan Công. Vợ Bôn Tứ gọi đứa con gái lớn mười bốn tuổi ra lạy chào ba người rồi đem trà lên. Ba người đều cho tiền. Vợ Bôn Tứ cảm tạ không ngớt. Mỗi người uống một chung trà rồi đứng dậy bước ra. Lai Hưng đem đèn ra rước vào. Kim Liên hỏi:

- Gia gia về chưa ?

Lai Hưng đáp:

- Thưa chưa.

Mọi người ai về phòng nấy. Kính Tế còn nói đùa với Huệ Liên mấy câu rồi mới chia tay. Hôm đó mãi tới canh tư, Tây Môn Khánh mới về nhà.

Hôm sau, Kính Tế dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, nhưng không ra tiệm thuốc, mà lại vào nhà lấy cớ là thỉnh an Nguyệt nương. Nguyệt nương đang thắp hương trên phòng thờ Phật, Kim Liên và Kiều Nhi đang ngồi uống trà. Kim Liên thấy Kính Tế thì bảo:

- Trần hiền tế gớm quá, tối qua chỉ theo sát cười đùa với con gia nhân đó, để rồi Đại nương lễ phật xong, tôi sẽ thưa chuyện để xem hiền tế trả lời ra sao.

Kính Tế nói:

- Tối qua thì cháu cũng như gia nhân theo Ngũ nương mà thôi, lúc Ngũ nương vào căn nhà ở đường Sư Tử thì cháu phải đứng ngoài, cũng cực khổ lắm chứ, vui vẻ gì mà đùa giỡn.

Đang nói thì Nguyệt nương bước vào. Kính Tế đứng dậy vái chào. Nguyệt nương hỏi:

- Tối qua tại sao Hàn tẩu tẩu say rượu chửi mắng lung tung vậy ?

Kính Tế đáp:

- Nghe đâu là Hàn tẩu tẩu đi chơi uống rượu, lúc về nhà thì nói là mất đồ đạc cho nên mới ra giữa trời khóc lóc chửi mắng vu vơ. Sáng nay ông chồng về đánh cho một trận rồi. Giờ này cũng chưa chịu dậy.

Kim Liên nói tiếp:

- Nếu chúng tôi không cho tiền rồi bảo vào nhà thì lúc gia gia về bắt gặp có phải lại lôi thôi không.

Ngọc Lâu, Bình Nhi, Tây Môn đại thư cùng tới uống trà. Lát sau, Tây Môn đại thư gọi chồng vào phòng riêng mắng:

- Đồ vô liêm sỉ ở đâu ấy, cả buổi tối hôm qua cợt nhả với con gia nhân vợ thằng Lai Vượng. Gia gia mà biết thì con dâm phụ đó nó không việc gì đâu, còn chàng thì không có đất mà chôn, tôi nói trước cho mà biết.

Kính Tế im lặng.

- Tối hôm trước, khi về nhà khuya, Tây Môn Khánh vào nghỉ tại phòng Bình Nhi, mới thức dậy thì gia nhân vào thưa là có Kinh Thiên hộ, mới được thăng chức Binh mã Đô giám, tới thăm. Tây Môn Khánh vội khăn áo chỉnh tề ra phòng khách tiếp chuyện Kinh Đô giám. Trong khi đó Tiểu Ngọc và Ngọc Tiêu đang chơi trò búng hạt dưa ở nhà sau, cãi nhau ầm ỹ rồi gọi Huệ Liên tới phân giải. Đang lúc đó thì Bình An được Tây Môn Khánh sai lấy trà đãi khách. Bình An chạy xuống bảo Huệ Liên pha trà. Huệ Liên bảo:

- Tôi ở đây chỉ có phận sự trà nước Đại nương mà thôi, còn trà nước cho khách khứa thì anh phải xuống bảo nhà bếp lo. Bình An chạy xuống bảo nhà bếp pha trà. Đầu bếp là Huệ Tường, vợ Lai Bảo, đáp rằng:

- Lạ chưa, tôi ở đây chỉ có phận sự làm cơm và thức ăn, còn việc trà nước đãi khách thì phải bảo các a hoàn của Đại nương lo chứ.

Bình An nói:

- Tôi có nói với họ rồi, nhưng chị Huệ Liên bảo là phận sự của nhà bếp.

Huệ Tường mắng:

- Con khốn đó gớm thật, nó nhận nó là gia nhân của Đại nương thì phải lo trà nước đãi khách của đại gia chứ sao lại bắt tao. Tao hàng ngày làm cơm cho bao nhiêu người ăn, còn tay chân nào mà lo trà với nước. Ngươi đi bảo nó lo, ở đây tao không lo được.

Bình An nói:

- Kinh lão gia tới chơi từ nãy tới giờ mà chưa có trà, chậm trễ thì tránh sao khỏi bị gia gia chửi mắng.

Huệ Tường bảo:

- Mặc kệ, tao không biết.

Đôi bên cứ đẩy qua đẩy lại, Ngọc Tiêu phải vào phòng Nguyệt nương rót trà cho Bình An đem ra.

Tây Môn Khánh thấy quá lâu, lúc đem ra thì trà nguội không uống được, bèn mắng Bình An:

- Trà nguội thế này mà mày dám đem lên hay sao ? Có đem xuống đổi trà nóng không ?

Bình An lui ra thì Kinh Đô giám cũng cáo từ ra về. Tây Môn Khánh hầm hầm bước vào hỏi:

- Hôm nay đứa nào lo trà nước ?

Bình An thưa:

- Chị Ngọc Tiêu đem ra, không biết nơi nào lo.

Tây Môn Khánh vào bảo Nguyệt nương:

- Nàng tra hỏi xem đứa nào dưới bếp lo trà nước hôm nay, kêu nó ra đánh cho nó một trận.

Tiểu Ngọc đứng bên thưa:

- Hôm nay chị Huệ Tường lo nhà bếp.

Nguyệt nương ngạc nhiên:

- Sao nó lại làm ăn như vậy ? Trà như thế này mà dám đem lên sao ? Ngươi gọi nó lên đây cho ta.

Huệ Tường bước lên quỳ ngoài thềm. Nguyệt nương quát:

- Ngươi muốn ăn bao nhiêu roi đòn ?

Huệ Tường khóc lóc:

- Hôm nay tôi bận quá, bao nhiêu việc phải làm nên quả là không rảnh.

Nguyệt nương mắng mấy câu rồi bảo:

- Thôi hôm nay ta tha cho, nhà bếp bận nhiều việc thì từ nay ta ấn định rõ là khi có khách. Ngọc Tiêu và Huệ Liên phải lo trà nưóoc, còn nhà bếp thì chỉ lo cơm nước mà thôi.

Huệ Tường lạy tạ rồi vào bếp. Sau đó chờ cho Tây Môn Khánh có việc đi khỏi nhà. Huệ Tường liền tìm gặp Huệ Liên, chỉ thẳng vào mặt mà mắng:

- Con dâm phụ khốn kiếp kia, mày cũng là hạng tôi đòi trong nhà này, nhưng mày có thời có vận nên được làm những việc nhẹ nhàng sạch sẽ ở nhà trên, tao không may phải làm việc nặng nhọc dơ dáy ở nhà bếp. Mỗi người một việc rõ ràng, tại sao mày lại bảo tao phải nấu trà đãi khách ? Mày cậy mày mỹ miều nõn nường chăng ? Hay là mày muốn làm bà chủ ? Mà dù mày có là gì chăng cữa thì tao cũng chẳng sợ mày.

Huệ Liên nói:

- Chị việc gì phải ồn ào lên vậy ? Chuyện đâu còn có đó, gia gia và Đại nương rầy mắng chị, sao chị lại vặc tôi ?

Huệ Tường xỉa xói:

- Việc đó là việc của mày mà mày lại sai tao. Tao có lầm lỗi gì đâu, hay là mày muốn tao phải bị đánh đòn thì mày mới hả dạ ? Tao nói cho mày biết, cái thứ mày không ai còn lạ gì đâu, được vào đây đừng có làm phách. Mày xấu tốt thế nào, ai cũng biết hết cả rồi.

Huệ Liên Bảo:

- Chuyện của tôi lúc trước nay bây giờ thế nào cũng mặc tôi, không ăn thua gì đến chị, chị cũng nên vừa vừa thôi chứ.

Huệ Tường nói:

- Tao chẳng việc gì phải vừa vừa với thứ mày, mày đâu có hơn tao cái gì đâu, vậy mà mày ỏn thót với các nương nương, rồi lên mặt với mọi người. Huệ Liên bảo:

- Tôi chẳng ỏn thót, chẳng lên mặt gì cả, chị muốn ghét tôi thì ghét, tôi không sợ chị đâu.

Huệ Tường bảo:

- Phải mà, chủ nhà mà mày không sợ thì mày còn sợ ai.

Hai người đang đấu khẩu thì Tiếu Ngọc mời Nguyệt nương tới. Nguyệt nương mắng:

- Hai con khốn kia làm gì mà ầm lên vậy ? Nhà này có phải là nơi chúng bây muốn làm gì thì làm đâu. Còn cái con Huệ Tường kia nữa, hồi nãy đã tha không đánh mày, bây giờ mày muốn ăn đòn hay sao ?

Huệ Tường nói:

- Tôi có chịu đòn cũng bằng lòng, nhưng tôi không chịu thua con khốn kiếp dâm phụ này.

Đoạn quay sang Huệ Liên mà mắng:

- Tao không sợ mày đâu, tao dám chết để ăn thua với mày đó, cùng lắm là ra khỏi nhà này mà thôi.

Sau lần đấu khẩu đó, Huệ Liên cậy được Tây Môn Khánh yêu quý, lại càng kiêu lộng, lớn bé trong nhà đều không coi ra gì. Hàng ngày thường cùng Kim Liên, Ngọc Lâu, Bình Nhi. Tây Môn đại thư và bọn Xuân Mai vui chơi đùa giỡn.

Hồi 26

Người chồng trở về&nb­sp;

&nb­sp;

&nb­sp;&nb­sp; Tiết hoa đăng đã qua, tiết thanh minh sắp tới, Tây Môn Khánh được bọn ứng Bá Tước, Tôn Thiên Hóa rủ đi chơi. Trước đó Nguyệt nương đã cho dựng một cây đu tại hoa viên để những lúc Tây Môn Khánh không có nhà thì cùng đám tiểu thiếp ra đu chơi nhân tiết xuân ấm áp. Hôm đó Tây Môn Khánh đi khỏi nhà thì Nguyệt nương cùng đám tiểu thiếp kéo nhau ra hoa viên. Nguyệt nương và Ngọc Lâu lên đu một hồi rồi bảo Kiều Nhi và Kim Liên lên đu. Kiều Nhi từ chối, nói là trong người không khỏe. Nguyệt nương lại bảo Bình Nhi và Kim Liên lên đu Ngọc Lâu bảo:

- Để tôi cùng lên cho vui.

Ba người leo lên cây đu. Nguyệt nương sai Xuân Mai và Huệ Liên đẩy vài cái cho có đà. Kim Liên vui thích cười khanh khách. Nguyệt nương bảo:

- Đừng cười vội, lát nữa đu bổng chóng mặt, chưa biết rơi vào nơi nào, lúc đó tha hồ mà cười.

Kim Liên vẫn cười mà nhún nhảy lấy đà. Không ngờ miếng gỗ dưới chân quá trơn, Kim Liên lại đi giầy cao, nên trượt chân ngã xuống, may là còn nắm chắc được cái dây. Mọi người hoảng hốt kìm đu lại.

Ngọc Lâu bảo:

- May quá, chưa việc gì.

Nguyệt nương bảo:

- Tôi đã nói mà, cười là không được. Phàm đánh đu không bao giờ được cười, cười thì chân mình nó mềm đi rất dễ trượt chân. Hồi tôi còn con gái ở nhà, vườn bên cạnh của Chu đại quan cũng có một cây đu như thế này, hôm đó vào tiết tháng ba. Chu tiểu thư rủ tôi cùng vài người bạn gái tới đu chơi. Chu tiểu thư bước lên cây đu cũng cười khanh khách, rồi trượt chân ngã ngồi xuống thanh gỗ dưới chân, hai chân xoạc ra hai bên. Về sau Chu tiểu thư lấy chồng, bị chồng chê là không còn con gái nữa, rồi trở về nhà cha mẹ. Đấy đánh đu mà cười nguy hiểm như thế đó. Cho nên từ nay về sau có đánh đu thì kỵ nhất là cười vậy.

Kim Liên gật đầu rồi nói:

- Hồi nãy tại Tam nương đó, bây giờ để tôi và Lục nương đu thôi.

Nguyệt nương bảo:

- Được rồi, lần này thì nhớ cẩn thận, để bảo Xuân Mai và Ngọc Tiêu nó đẩy cho.

Hai người đang đánh đu thì Trần Kính Tế từ ngoài vào cười bảo:

- Đánh đu vui vẻ quá nhỉ.

Nguyệt nương bảo:

- Hiền tế đến thật đúng lúc. Mấy đứa a hoàn nó yếu sức lắm, hiền tế lại đẩy cho hai nương nương đi.

Kính Tế ngần ngừ một lát rồi bảo:

- Được rồi, để tôi đẩy cho.

Nói xong cởi áo ngoài, bước tới cây đu, kéo nhẹ Ống quần Kim Liên mà bảo:

- Nương nương đứng cho vững, tôi đẩy nhé.

Đoạn lấy hết sức mà đẩy, chỉ chốc lát là bàn đu bay bổng lên, Bình Nhị sợ quá kêu lên:

- Cao quá rồi, đừng đẩy nữa, tôi sợ lắm.

Kính Tế đứng dưới ngửa mặt lên, những ống quần rộng của Bình Nhi và Kim Liên bay phấp phới, để lộ những bắp chân trắng nõn, Kính Tế nhìn một chút rồi bảo:

- Đừng sợ, đừng hoảng hốt, khuỵu chân xuống bây giờ, để tôi hãm bớt lại.

Bình Nhi kêu lên:

- Chân tôi muốn xụm rồi đây này.

Kính Tế bảo:

- Làm gì mà cuống lên vậy.

Nói xong hãm dây đu lại. Kim Liên và Bình Nhi bước xuống sửa lại xiêm y. Ngọc Tiêu và Huệ Liên bước lên cây đu. Huệ Liên hai tay nắm chắc dây đu hai chân nhịp nhàng nhún theo nhịp đu. Bàn đu bổng dần, bổng dần, cao tít. Xiêm y, dây lưng bay phần phật, trông chẳng khác nào nàng tiên bay lượn trên không. Nguyệt nương ngắm một lúc rồi bảo mọi người:

- Đó như nó mới là biết đánh đu.

Mọi người thay phiên nhau đánh đu, cuộc giải trí vô cùng vui vẻ.

Lại nói về Lai Vượng sau khi tới Hàng Châu, gặp Viên Chức Tạo, lo mua vải lụa, may đủ các loại quần áo, đóng vào rương rồi mướn thuyền chở về Thanh Hà. Tới nơi, Lai Vượng về ngay nhà, vào trong chẳng thấy ai, chỉ thấy Tuyết Nga đang chỉ huy đám a hoàn làm bếp. Lai Vượng bèn vái chào. Tuyết Nga mỉm cười:

- Ngươi đã về đấy à ? Bấy lâu đường trường gi­an khổ, thật tội nghiệp.

Lai Vượng hỏi:

- Chẳng hay gia gia và Đại nương đâu ?

Tuyết Nga đáp:

- Gia gia thì Ứng nhị gia mời đi rồi, còn Đại nương và các nương nương thì đang đánh đu trong hoa viên.

Nói xong sai a hoàn rót một chung trà nóng mời Lai Vượng rồi hỏi:

- Ngươi đã ăn uống gì chưa ?

Lai Vượng tiếp lấy chung trà đáp:

- Tôi cũng chưa cần ăn uống gì, chỉ vào chào nương nương rồi đi tắm cho khỏe. À, vợ tôi đâu sao không thấy giúp nương nương làm bếp ?

Tuyết Nga cười nhạt:

- Vợ ngươi bây giờ không như lúc trước đâu. Bây giờ vợ ngươi hàng ngày chỉ cùng các nương nương đánh cờ đánh bài đánh đu hoặc uống rượu vui chơi chứ đâu còn đầu tắt mặt tối trong bếp như trước nữa.

Lúc đó Tiểu Ngọc đã ra hoa viên báo cho Nguyệt nương biết. Nguyệt nương trở về phòng, Lai Vượng hay tin bèn tới lạy chào. Nguyệt nương hỏi qua công việc và chuyện đi dường, rồi sai rót rượu thưởng. Huệ Liên cũng vào, đứng hầu bên cạnh. Lai Vượng uống rượu xong, Nguyệt nương bảo:

- Thôi, ngươi mệt nhọc cần phải nghỉ ngơi, bây giờ tắm rửa cho khỏe rồi cứ nằm trong phòng mà nghỉ ngơi, chừng nào gia gia về hãy hay.

Lai Vượng vái chào, lui về phòng riêng. Huệ Liên đi theo mở cửa phòng lấy nước cho chồng tắm rửa. Sau đó xếp dọn hành lý quần áo cho chồng. Lai Vượng tắm xong cởi trần bước ra. Huệ Liên bảo:

- Đi ít lâu ăn gì mà mập ra vậy.

Đoạn xuống dọn cơm, hai vợ chồng cùng ăn. Ăn xong Lai Vượng ngủ một giấc, lúc thức dậy thì trời đã chiều. Lát sau Tây Môn Khánh về nhà. Lai Vượng lên lạy chào rồi nói:

- Các loại quần áo đều đã may xong, và đúng như lời gia gia dặn, hiện đóng thành bốn rương dùng thuyền chở về.

Tây Môn Khánh vui vẻ lắm, thưởng cho năm lạng bạc, Lai Vượng trở về phòng, soạn đồ đạc mua riêng để tặng Tuyết Nga gồm các thứ vải lụa quý, các thứ son phấn sản xuất tại Hàng Châu. Lai Vượng mang quà tới phòng Tuyết Nga mà tặng. Tuyết Nga hết lời cảm ơn, rồi nói hết cho Lai Vượng nghe về chuyện Huệ Liên ở nhà, đoạn nói thêm:

- Nhờ a hoàn Ngọc Tiêu làm liên lạc, có Ngũ nương dung dưỡng, bây giờ vợ ngươi không thiếu gì quần áo giày dép, đồ nữ trang và tiền bạc. Vợ ngươi thường sai gia nhân mua quà ăn, lại cho cả các gia nhân đó ăn, mỗi ngày tiêu phí cả hai ba tiền.

Lai vượng bảo:

- Hèn gì hồi nãy tôi thấy trong rương của nó toàn xiêm y tốt và rất nhiều đồ nữ trang, tôi có hỏi thì nó nói là Đại nương cho nó.

Tuyết Nga cười khảy:

- Đại nương nào mà sẵn của cho nó, gia gia cho nó chứ ai.

Lai Vượng cám ơn rồi lui ra. Tối hôm đó, sau khi uống vài chung rượu, Lai Vượng mở rương của vợ ra, thấy nhiều lụa quý và nữ trang, bèn rũ tung ra rồi hỏi:

- Những thứ này ở đâu vậy ? Ai cho nàng, nàng phải nói thật ra.

Huệ Liên cười giả lả:

- Từ hồi được lên hầu hạ Đại nương, Đại nương thấy tôi không có quần áo nên mới cho tôi đó. Chứ còn ai mà chịu cho tôi bây giờ.

Lai Vượng trợn mắt quát:

- Con dâm phụ giờ này còn dám nói dối hay sao ? Đại nương nào cho mày, Đại nương cũng cho mày cả những đồ trang sức này nữa hay sao ?

Huệ Liên cãi:

- Bộ tất cả những thứ này chỉ do một Đại nương cho tôi hay sao ? Bộ tôi không còn bà con thân thích gì nữa hay sao ? Mấy thứ đó là do bà dì tôi cho tôi đó.

Huệ Liên vừa dứt lời thì Lai Vượng sấn tới giáng cho một đấm mà bảo:

- Bà dì bà cô nào, chỉ có con Ngọc Tiêu nó đem lụa cho mày mà thôi, nó là dì mày phải không ? Này, có người đã nói hết chuyện với tao rồi, đừng hòng chối cãi gì nữa.

Huệ Liên ăn đòn đau điếng, bèn bù lu bù loa:

- Đồ vũ phu, đồ khốn nạn, vừa mới về tới nhà đã kiếm chuyện đánh tao, tao làm nên tội tình gì mà nghe lời những quân khốn nạn ở ngoài bịa đặt, ăn không nói có, rồi không hỏi không han, đánh chửi tao thế này ? Rồi người ngoài bảo mày giết ai, mày cũng nhắm mắt mà giết hay sao ? Tao có phải là hạng người để cho chúng nó coi thường đâu.

Lai Vượng hầm hầm không nói gì. Huệ Liên dịu giọng:

- Còn xấp lụa hoa kia thì tôi đã có nói cho anh biết rồi chứ có phải không đâu. Anh có nhớ là hồi tháng mười một năm ngoái, tôi không có quần, phải mượn quần của Ngọc Tiêu mặc hay không. Đại nương thấy tôi quần áo thiếu thốn mới sai Ngọc Tiêu đem cho tôi để tôi may mặc. Vậy mà anh quên, anh bày đặt chuyện để hành hạ tôi để tôi thưa với gia gia xem gia gia xử anh ra sao.

Lai Vượng bảo:

- Được rồi, chuyện của nàng cứ để đó, bây giờ dọn giường cho tôi ngủ.

Huệ Liên dọn giường màn chăn chiếu rồi leo lên tỉ tê cùng chồng. Lai Vượng nghe một lát thì bao nhiêu tức giận tan biến hết. Cho hay đàn bà ghê gớm đến thế là cùng, mà người đàn ông thì lúc nào cũng bị khuất phục bởi miệng lưỡi đàn bà. Sáng hôm sau Huệ Liên xuống nhà sau bảo Ngọc Tiêu:

- Không biết kẻ nào đã tiết lộ chuyện này khiến thằng khốn nhà tôi hôm qua nó làm ầm lên, mắng chửi tôi nữa chứ. Ngọc Tiêu cũng thắc mắc lắm. Lát sau Nguyệt nương sai Ngọc Tiêu gọi Tuyết Nga tới nói chuyện, Ngọc Tiêu tìm không thấy nhưng chợt thấy Tuyết Nga từ trong phòng Lai Vượng đi ra, thì đoán là chính Tuyết Nga đã tiết lộ cho Lai Vượng về chuyện Huệ Liên, Tuyết Nga xuống bếp thì thấy Huệ Liên đang ngồi thái thịt. Hai người cùng im lặng. Trong khi đó Tây Môn Khánh đang tiếp chuyện Kiều Đại hộ Ở phòng khách. Đại hộ tới để nói với Tây Môn Khánh, nhờ chạy với Thái Thái sư cho tên buôn muối Vương Tứ Phong, người của Dương Phủ, bị quan An phủ sứ tống gi­am. Kiều Đại hộ đưa hai ngàn lạng nhờ Tây Môn Khánh chạy giùm. Tây Môn Khánh cho gọi Lai Vượng lên để lo việc. Ngọc Tiêu để ý thấy Lai Vượng từ trong phòng bước ra, thì càng thêm chắc chắn là vừa rồi Tuyết Nga đã trò chuyện cùng Lai Vượng, bèn nói lại cho Kim Liên và Huệ Liên biết.

Một hôm, Lai Vượng uống rượu say, tụ họp mấy gia nhân lại mà mắng Tây Môn Khánh, rồi nói:

- Trong lúc tôi vắng nhà, Tây Môn Khánh đã sai Ngọc Tiêu dùng tiền bạc lụa là quyến rũ vợ tôi, lại hẹn vợ tôi ra sau hòn giả sơn trong hoa viên, rồi Phan Kim Liên lại đứng ra dung dưỡng. Tôi nói thật, tôi mà ra tay thì chỉ một lưỡi dao, giết con vợ khốn nạn của tôi, giết luôn cả con dâm phụ họ Phan, rồi thì muốn ra sao thì ra, đến chết là cùng. Tôi tưởng cũng chẳng cần nói ra, vì ai cũng biết rằng, khi con dâm phu Kim Liên giết chồng là Võ Đại, em chồng là Võ Tòng kiện, thử hỏi nhờ ai lặn lội lên tận Đông Kinh chạy chọt để Võ Tòng phải chịu đày làm lính thú ở Mạnh Châu ? Nhờ ai mà nó được yên lành như ngày nay ? Vậy mà bây giờ nỡ lòng nào dẫn dụ vợ tôi như vậy. Thù này là tôi phải báo. Người ta thường nói, một vừa hai phải thì thôi chứ quá lắm thì không ai chịu nổi.

Đám gia nhân vì đều hiểu rõ chuyện từ lâu, nên không nói gì, vả lại Lai Vượng cũng đang say. Chỉ riêng có Lai Hưng là để bụng. Từ trước, Lai Hưng vẫn giữ chân mãi biện, chuyên lo mua thực phẩm cung cấp trong nhà, nhờ đó kiếm chác được ít nhiều. Nhưng từ khi Lai Vượng về nhà, Tây Môn Khánh vì tằng tịu với vợ Lai Vượng, muốn vuốt ve Lai Vượng, nên gi­ao chân mãi biện của Lai Hưng lại cho Lai Vượng. Do đó Lai Hưng có ý thù ghét Lai Vượng. Nghe được những lời vừa rồi của Lai Vượng, Lai Hưng bèn ngầm tới để thuật lại cho Kim Liên. Lúc đó Kim Liên đang ngồi nói chuyện với Ngọc Lâu, thấy Lai Hưng vén mành thò đầu vào thì hỏi:

- Lai Hưng đấy hả ? Có chuyện gì vậy ? Gia gia hôm nay đến nhà ai uống rượu rồi ?

Lai Hưng đáp:

- Hôm nay gia gia cùng Ứng nhị gia ra ngoại thành chơi. Còn tôi tới đây là có chuyện cần thưa với nương nương, nhưng nương nương đừng tiết lộ cho ai biết là tôi nói mới được.

Kim Liên hơi ngạc nhiên:

- Chuyện gì vậy ? Cứ nói đi, không sao đâu.

Lai Hưng thưa:

- Chẳng hiểu Lai Vượng đi uống rượu ở đâu về, rồi ngồi ngay chỗ đông người chửi bới om xòm, sau đó lại còn mắng cả gia gia và nương nưong nữa.

Kim Liên hỏi:

- Thằng chết đâm đó nó mắng ta những gì vậy ?

Lai Hưng nói:

- Tam nương đây cũng không phải ai xa lạ nên tôi mới dám nói, Lai Vượng bảo là gia gia sai nó đi xa là để chiếm đoạt vợ nó. Nó lại bảo Ngũ nương dung dưỡng chuyện này, cho mượn phòng để gia gia và vợ nó gặp nhau. Nó dọa rằng sẽ dùng dao giết gia gia và nương nương. Nó còn nói lúc trước nương nương dùng độc dược giết chồng, nhờ nó lặn lội đi Đông Kinh chạy chọt nên nương nương mới yên lành như ngày nay, vậy mà nương nương lấy oán đền ơn, khuyến khích vợ nó vào đường nhơ nhuốc. Tôi là người ăn người ở, thấy vậy thì có bổn phận báo cho nương nương để nương nương đề phòng kẻ tiểu nhân ám hại.

Ngọc Lâu nghe xong kinh ngạc sững sờ, không nói được tiếng nào. Còn Kim Liên thì mặt mũi đỏ bừng nghiến răng bảo:

- Ta với thằng ôn dịch đó xưa không oán nay không thù, sao nó lại hạ nhục và đe dọa ta ? Chủ nó lăng nhăng với vợ nó thì nó làm gì thì làm chứ sao lại nói động tới ta. Nó không biết ta là người thế nào hay sao mà bảo rằng phải nhờ nó cứu mạng. Lại dặn Lai Hưng.

- Được rồi, ngươi cứ ra ngoài, gia gia có về thì ngươi cứ vậy mà nói:

Lai Hưng nói:

- Vâng, nếu gia gia có hỏi thì tôi sẽ thưa.

Nói xong lui ra, Ngọc Lâu hỏi:

- Có thật là gia gia lăng nhăng với vợ thằng Lai Vượng không ?

Kim Liên đáp:

- Thì thật chứ sao không thật. Chủ nhà đã vô liêm sỉ lại gặp con đày tớ gớm ghê. Con đó trước là a hoàn của gia đình Thái Thông phán, sau đó bị đuổi ra rồi làm vợ Tương Thông, chồng chết rồi lấy Lai Vượng, nó cũng là hạng thập thành rồi. Về nhà này chẳng hiểu nó ra vào yểu điệu thế nào mà lão già nhà này lại sai Ngọc Tiêu đem cho nó xếp lụa để may quần áo. Rồi cái ngày mà Đại nương sang ăn tiệc bên nhà Kiều Đại hộ, chúng mình thì hợp nhau đánh cờ, lão già đi đâu về, tôi mới vào nhà trong, gặp Tiểu Ngọc đứng ở hành lang lắc đầu chỉ tay ra hoa viên. Tôi ra hoa viên thì gặp Ngọc Tiêu ngăn cản, bảo là gia gia đang ở sau ngọn giả sơn. Tôi nghi ngờ lắm mắng Ngọc Tiêu rồi bước vòng ra sau ngọn giả sơn thì thấy lão già với con khốn nạn trong hốc đá. Con khốn thấy tôi thì lỉnh mất, còn lão già thì bị tôi mắng cho một trận.

Sau đó thì con khốn tìm đến phòng tôi quỳ lạy van xin tôi đừng nói lại với Đại nương. Rồi lão già lại xin tôi cho mượn phòng để vui với con khốn, nhưng tôi và Xuân Mai đâu có chịu, thế là hai người mới vào trong ngôi đình ở hoa viên mà ở với nhau suốt một đêm. Rồi chuyện đó cứ tiếp tục cho tới nay.

Ngọc Lâu bảo:

- Con khốn đó trước mặt chúng mình thì quỵ luỵ hầu hạ như thế mà bề trong lại gớm ghê. Nói cho cùng, gia gia việc gì phải chiếu cố đến thứ kẻ ăn người ở như vậy, tìm đâu chẳng có người đẹp. Làm vậy thì còn ra cái gì nữa, như vậy là đám gia nhân trong nhà này biết hết rồi còn gì.

Kim Liên bảo:

- Nói vậy đâu được, một đàng là gia gia thèm muốn nó vì nó cũng có nhan sắc chứ có phải không đâu, một đàng là nó cũng muốn trở thành bà chủ, hai đằng hợp lại thì ai mà ngăn nổi. Còn chuyện đó thì bây giờ ai không biết, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra nữa là.

Ngọc Lâu nói:

- Chuyện này bây giờ mình phải tính thế nào chứ thằng Lai Vượng đã nói như vậy, mình biết mà mình không dám nói ra, lỡ nó hạ độc thủ thì làm sao. Ngũ thư thư à, có lẽ mình phải nói mới được.

Kim Liên bảo:

- Chứ sao, trừ phi thằng nô tài khốn kiếp đó là cha tôi thì tôi mới tha cho nó.

Chiều hôm đó Tây Môn Khánh về nhà, tới phòng Kim Liên, thấy Kim Liên mặt hoa thiểu não tóc mây rối bời, hai mắt khóc tới đỏ lên, bèn hỏi căn nguyên. Kim Liên khóc lóc kể hết đầu đuôi về vụ Lai vượng hồi sáng, rồi nói thêm:

- Hiện Lai Hưng đã nghe rõ ràng những lời đó. Xét cho kỹ, chàng mưu cướp vợ nó thì nó mưu giết chàng, cái đó là đúng rồi. Chàng hành động gi­an tà có chết cũng đáng đời, nhưng tôi có liên can gì mà nó cũng đòi giết cả tôi ? Bây giờ chàng không sớm lo đề phòng rồi gặp lúc đêm hôm xuất kỳ bất ý nó hạ độc thủ thì sao ?

Tây Môn Khánh hỏi:

- Ai đã nói cho thằng LaiVượng biết chuyện này ?

Kim Liên đáp:

- Đừng có hỏi tôi, cứ hỏi con Tiểu Ngọc thì rõ. Tôi không muốn nói gì nữa. Thằng khốn đó còn bảo là tôi dùng độc dược giết chồng, chàng là người bày mưu, không nhờ nó chạy chọt thì cả tôi và chàng đâu còn đến ngày nay. Nó đã nói đến như thế cho cả dám gia nhân nhà này biết, chàng tính sao thì tính.

Tây Môn Khánh bước ra, tìm Lai Hưng, dẫn vào thư phòng, đóng cửa lại mà hỏi rõ đầu đuôi. Lai Hưng kể không sót lời nào. Tây Môn Khánh cho Lai Hưng ra rồi gọi Tiểu Ngọc vào hỏi. Tiểu Ngọc cũng nói đúng như lời Kim Liên. Cho gọi Ngọc Tiêu vào, Ngọc Tiêu nói là chính mắt nhìn thấy Tuyết Nga vào phòng Lai Vượng kể chuyện cho Lai Vượng nghe. Tây Môn Khánh giận lắm, tới phòng Tuyết Nga, lột xiêm y ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, may là có Nguyệt nương tới can. Tây Môn Khánh ra lệnh từ nay Tuyết Nga chỉ được ở dưới bếp, cấm lên nhà trên. Sau đó Tây Môn Khánh sai Ngọc Tiêu ngầm gọi Huệ Liên lên phòng riêng hỏi về thái độ Lai Vượng. Huệ Liên đáp:

- Chết, gia gia đừng nghe lời người khác. Lai Vượng quả là không có ý gì hết, tôi có thể thề giùm cho hắn như vậy. Chẳng qua là trong lúc rượu say nói bậy nói bạ mà thôi. Nhưng tôi xin hỏi gia gia là ai đã nói là Lai Vượng nhục mạ và đòi giết gia gia cùng Ngũ nương vậy?

Tây Môn Khánh im lặng không đáp, Huệ Liên nhất định gặng hỏi, mãi sau Tây Môn Khánh mới nói:

- Lai Hưng có thuật lại như vậy.

Huệ Liên cười khảy:

- Tưởng ai, hóa ra thằng Lai Hưng, nó không được làm mãi biện trong nhà rồi bảo là Lai Vượng đã đoạt của nó, do đó mới sinh thù oán muốn hại Lai Vượng mà thôi. Nếu gia gia tin lời nó tức là đã bị nó lừa dối, nó còn khinh thường gia gia nữa. Thôi, gia gia nên cho nó mấy lạng bạc làm vốn rồi đuổi nó khỏi huyện này là yên, nó đi xa rồi thì gia gia và tôi mới có thể dễ dàng được.

Tây Môn Khánh im lặng suy nghĩ. Huệ Liên lại nói:

- Thôi, hay là tìm cách nào để Lai Vượng đi xa khỏi nơi này thì tốt hơn cả, tôi cũng chán nó lắm rồi.

Tây Môn Khánh vui mừng bảo:

- Ngươi nói vậy mới là dúng, Ta cũng có ý dó, nhưng sợ Lai Vượng mới vừa từ Hàng Châu về, chưa để cho nó nghỉ ngơi đã vội sai đi e không tiện. Thôi, nếu ngươi đã nói vậy, thì để ta sai nó đi Đông Kinh chạy chọt cho Vương Tứ Phong. Rồi khi nó trở về thì ta sẽ đưa cho nó một ngàn lạng, bảo nó đi Hàng Châu mà buôn bán vải lụa. Ngươi nghĩ thế nào ?

Huệ Liên mừng rỡ bảo:

- Gia gia tính như vậy là nhất. À mà gia gia hứa cho tôi một cái trâm cài tóc thật đẹp đâu, sao mãi chẳng có gì cả, cứ để tôi phải dùng những thứ tầm thường này chán quá.

Tây Môn Khánh nói:

- Cứ yên trí, để mai lấy tám lạng bạc ra bảo thợ bạc nó làm cho thì xong ngay chứ gì ?

Huệ Liên hài lòng lắm, liếc Tây Môn Khánh mà cười. Tây Môn Khánh chợt hỏi:

- Nhưng Đại nương hỏi thì sao ?

Huệ Liên đáp:

- Không sao, Đại nương có hỏi thì tôi sẽ có cách trả lời, chẳng hạn tôi nói đó là của bà dì tôi mượn về cài ít ngày không được sao sợ gì mà sợ. Hai người nói chuyện một lúc nữa rồi Huệ Liên trở ra nhà sau. Sáng hôm sau, Tây Môn Khánh cho gọi Lai Vượng lên phòng khách mà bảo:

- Ngươi thu dọn hành lý ngay để ngày mai là hai mươi tám tháng Ba, lên Đông Kinh tới phủ Thái sư lo chuyện. Chừng nào ngươi về thì ta lại nhờ ngươi đi Hàng Châu mua bán. Lai Vượng nghe xong, trong bụng mừng lắm, bèn vâng dạ rồi về phòng chuẩn bị hành lý ngay. Lai Hưng theo dõi tin tức xong, vội tới báo cho Kim Liên biết. Kim Liên bèn lên phòng khách để nói chuyện với Tây Môn Khánh nhưng chỉ thấy Kính Tế đang chuẩn bị các lễ vật để Lai Vương đem đi Đông Kinh, bèn hỏi:

- Gia gia đâu ? Mà hiền tế đang làm gì đó ?

Kính Tế đáp:

- Gia gia vừa mới ở đây, có lẽ mới vào nói chuyện với Đại nương về vụ Vương Tứ Phong nhờ chạy chọt. Còn nhưng lễ vật này là để đem tới phủ Thái sư ở Đông Kinh.

Kim Liên lại hỏi:

- Gia gia sai ai đi Đông Kinh vậy ?

Kính Tế đáp:

- Nghe đâu gia gia sai Lai Vượng đi thì phải.

Kim Liên hơi yên tâm, trở ra tới hoa viên thì gặp Tây Môn Khánh đang ôm mấy gói bạc, bèn gọi vào phòng mình mà hỏi:

- Ngày mai chàng sai đứa nào đi Đông Kinh vậy ?

Tây Môn Khánh đáp:

- Lai Vượng cùng đi với Ngô Chủ quản, vì vụ này cần đem theo cả ngàn lạng bạc nên phải sai người đi.

Kim Liên bảo:

- Chàng tính sao thì tính, nhưng đừng nghe lời con nô tài dâm phụ, nó tính làm lợi cho thằng chồng nó đó. Thằng Lai Vượng rất có thể ôm bạc của chàng trốn đi nơi xa lập nghiệp, bỏ luôn cả vợ của nó lại đây cho mà xem. Nó chỉ cần bỏ trốn là trở thành người giàu có, trong tay cả ngàn lạng bạc chứ đâu phải ít. Tiền đó là của người ta nhờ chàng chạy việc, tiền mất thì chàng không đền người ta có được không ? Theo tôi thì đừng nên sai nó là hơn. Để nó ở nhà thì không được, vì chàng còn muốn con vợ nó, mà sai đi buôn bán thì nó ôm vốn liếng của chàng mà đi luôn. Chi bằng đuổi nó ra khỏi nhà là hơn. Tôi nói vậy nghe hay không là tùy chàng. Người ta thường nói nhổ cỏ phải nhổ cả rễ, còn dùng thằng Lai Vượng tức là còn để cho nó bén rễ tại nhà này mà gây khó khăn. Chàng tính sao thì tính.

Tây Môn Khánh trầm ngâm không nói...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: