HỒI THỨ NĂM

HIẾU NỮ CAM LÒNG THEO SỐ MỆNH,

SỐNG CHẾT ĐÀNH LIỀU

THÂN NHÂN NGHĨ CẢNH SẮP CHIA PHÔI,

RUỘT GAN ĐỨT ĐOẠN

      Ở đời, cái làm rối lòng người nhất, ấy là mối tình, mà ở trong mối tình làm rối lòng người thì cái khó dàn xếp nhất, ấy là mối chí tình. Chỉ một mối thôi, đã khó chịu đựng thay. Huống chi, nào tình nghĩa đối với Kim Trọng, nào tình hiếu đối với cha mẹ, nào tình chân tay đối với các em, nào tình đau khổ bán mình theo người không xứng đáng, nào tình li biệt phải bỏ nước lìa nhà. Sau nữa, nào tình đời phải đút tiền mà gỡ được oan, bấy nhiêu thứ tình trong một lúc lục đục rối rít cả ở trong Thúy Kiều, thì cái người là Thúy Kiều ấy há dễ dàng đối phó được sao?

Vô luận Thúy Kiều khó bề đối phó, mà ngay người mô tả chuyện Thúy Kiều ở trong tình cảnh ấy cũng không khỏi chân tay lúng túng, không biết hạ bút từ đâu. Thế mà cuốn sách này một nét thẳng, một nét cong, một nét ngang, một nét dọc, đem hết những mối tình nghĩa khó rời đối với Kim Trọng, tình hiếu muốn gấp rút cứu mẹ cha, tình chân tay thương nhớ và uỷ thác các em, tình đau khổ sắp phải liều mình truỵ lạc, tình li biệt không biết đi đâu, sau nữa đến tình đời bắt bắt, tha tha,... tả ra hết cả như vẽ vào cát, như đốt sừng tê, khiến người ta đọc qua một lượt, tưởng tương như trông thấy Thúy Kiều ở trong mớ rối bòng bong ấy đã đối phó như thế nào vậy. Thật là ngọn sử bút của ông Tư Mã. Mong rằng người đọc tập này nên nghiền ngẫm cho kĩ mới thấy được cái khổ tâm của tác giả...

Lại nói, Thúy Kiều ngồi mãi tới khi gần sáng. Thúy Vân thức dậy hỏi:

Chị dậy từ bao giờ? Thúy Kiều nói:

-Chừng khoảng nửa đêm, chị nằm mơ thấy một cơn ác mộng, đại khái đời chị tất nhiên sẽ phải lưu lạc. Ấy là số mệnh trời sinh chị như thế, chị cũng không dám oán thán gì. Tám bài “Kinh mộng giác” chị viết đây, khi nào chàng Kim về, em sẽ đưa cho chàng xem và bảo đây là bút tích của chị lúc sắp đi!

Thúy Vân hỏi:

Chị nằm mơ thấy ác mộng gì thế? Thúy Kiều nói:

Kể lại ác mộng, càng thêm đau khổ, đành chịu im hơi lặng tiếng thôi vậy.

Thúy Vân cầm lấy thơ, vừa toan đọc kĩ, bỗng có tiếng gõ cửa. liền ra xem, thì là bà Vương về. Bà Vương nói với Thúy Kiều:

-Con ơi! Cha con nói rằng sống chết có số, đành để mặc trời.Nếu không thể thoát được, thì cả nhà cùng liều chết, thế mà lại rảnh rang, nào nỡ để một mình con trôi dạt cho cả nhà hưởng phúc.

Thúy Kiều rưng rưng nước mắt, nói:

-Thưa mẹ! Cha con dạy là lời của bậc từ phụ, song mắt con thấy cha bị vạ gió tai bay, dù có phải chết để gỡ tội cho cha, con cũng không tiếc. Huống chi bán mình, vị tất đã đến nỗi phải chết. Con nghĩ, nếu không liều một thân này, thế tất cha và em phải chết cả ở trong tù. Chừng ấy mẹ góa con côi, tứ cố vô thân, tiền không lương cạn, e lại chẳng lưu lạc đi làm tì thiếp cho người ta ư? Để đến khi nhà tan người chết rồi đi làm tì thiếp, chi bằng nay liều mình cứu lấy mạng cha, may ra trời chẳng phụ lòng, lại được nơi tử tế yên thân cũng chưa biết chừng. Xin cha mẹ chớ lo lắng quá vì con.

Vương bà khóc to lên và nói:

-Con ơi! Con thử nghĩ mẹ cha sinh con như thế nào, nuôi nấng con như thế nào, nỡ nào đem bán con đi làm lẽ mọn cho người! Con chưa biết cái khổ làm thân lẽ mọn... Giờ đây người ta yêu thích, người ta cưới con về, cả lẽ chung đụng mới sinh ra nhiều chuyện rắc rối; lúc ấy anh chàng dầu có yêu con đến mười hai phần chăng nữa, nhưng bị mọi người nói ra nói vào cũng sẽ nhạt mất tám chín phần. Gia dĩ con lại lạ người lạ mặt, thì còn ai thương xót đến con! Tới lúc đó, đánh mắng sống chết đều thuộc quyền người ta, con ơi! Mẹ e rằng, con không thể chịu được nỗi lầm than như thế. Huống chi, con từ nhỏ vẫn được nâng niu, ăn ngon mặc đẹp, mà giờ làm lẽ mọn, ở nhà người ta sẽ phải dậy sớm thức khuya như người già cả... Nghĩ tới nông nỗi ấy, mẹ đau đớn đến chết mất thôi.

Nói đoạn, khóc nấc lên, rồi nằm lăn ra chết ngất. Thúy Kiều vội vã ôm chầm lấy mẹ và nói:

-Mẹ ơi mẹ! Mau mau tỉnh lại! Con chẳng qua chỉ là bán mình chứ đã chết đâu mà mẹ phải đau khổ chết trước đi thế này? Mẹ mà chết thì, cha và các em con trông cậy vào ai? Mẹ ơi! Mẹ cần phải chèo chống, giữ gìn tính mạng để trông nom cha và các em con, cho được hết thảy vẹn toàn, thì con dù có phải chết ở nơi đất khách cũng cam lòng. Chớ mẹ có mệnh hệ nào, thì đừng nói sống, dù là chết nữa, con cũng không thể nhắm mắt được.

Thúy Vân vội vàng rót một chén rượu nóng đổ vào miệng cho Vương bà hai ngụm. Vương bà mới dần dần tỉnh lại và nói:

-Con ơi! Mẹ nghĩ con không đi thì cha không thể thoát chết, mà cha con sống thì con không thể không đi. Tử biệt sinh li đều là đau đớn, mẹ thực không nỡ trông thấy cái cảnh ấy. Chi bằng mẹ chết trước đi, mắt không nhìn thấy gì nữa, mặc các con thôi.

Nói đoạn, đập đầu vào cột. Chị em Thúy Kiều vội vã nhất tề ôm lấy và nói:

- Mẹ chết bây giờ thì cả hai việc càng nguy cấp!

Nói đến chỗ thương tâm, ba mẹ con ôm lấy nhau cùng khóc lớn, mãi không thôi. Chợt phía ngoài có tiếng người rầm rĩ. Thuý Kiều nói:

- Thôi! Mẹ đừng khóc nữa, cha con về đây rồi.

Mọi người im tiếng, ra mở cửa, quả thấy Vương Viên ngoại, Vương Quan, Chung Sự, mụ Hàm, người khách họ Mã cũng đến cả. Vương Viên ngoại thoạt trông thấy Thúy Kiều, liền nắm ngay lấy và khóc thảm thiết. Thúy Kiều nói:

- Cha đừng khóc nữa, bàn việc chính đã, rồi sẽ hay!

Mọi người nhất tề tìm lời an ủi, Vương Viên ngoại mới chịu im. Thúy Kiều nói với Chung Sự:

Thưa ông! Giờ đây cháu có tiền, dám hỏi ông làm cách nào cứu thoát cha và em cháu? Phải có bằng cứ cho cháu, để cháu tiện trao tiền cho ông, rồi đi theo Mã lão gia. Nếu tiền mất mà việc kiện cáo không xong, thì tội gì mà đem thân ra bêu xấu, chi bằng liều chết cả cho rồi!

Chung Sự nói:

-Già Chung này tuy làm việc chốn quan nha, nhưng suất đời ăn chay, việc làm được mới làm, việc gì không làm được thì nhất định không dám làm xằng. Vì thế quan trên biết già là người trung hậu, xưa nay vẫn tín nhiệm. Bạn bè biết già có tính ngay thẳng thường hay cậy nhờ. Đồng tiền của cô bán mình vì cha là đồng tiền thế nào mà tôi dám phung phí. Ba trăm lạng này hãy để ở nhà tôi, tôi đưa hai ông con nhà đến tận mặt quan, xin giấy chiếu làm chứng cho nhà cô được vô can, rồi sau mới đem tiền đến, gặp mấy tên cướp, tôi sẽ bảo rõ không được vướng đến nhà cô, rồi cho chúng một số bạc. Còn bọn chúng tôi có mười người, tôi sẽ chia bạc cho họ, và bảo cho họ biết công việc nhà họ Vương do tôi đảm bảo, nêu có hơi tăm gì ở nha môn thì nhờ họ che giấu. Tôi lại mời các ông chức trách trong thôn xóm làm một tờ giấy công cứ, xin dấu quan nói việc này không can gì nhà cô. Sau cùng, tôi lại viết một tờ chứng thư cho ông nhà đảm bảo thuỷ chung vô sự, thế thì cô còn sợ gì nữa?

Thúy Kiều gật đầu, nói:

-Nếu làm được thoả đáng như thế thì cháu không còn lo gì nữa.

Chung sự nói với người họ Mã:

Ông trao tiền đi, đôi bên làm giấy, để tôi giúp nhà họ Vương kết thúc việc quan nha, rồi cho cô em đi theo ông.

Người họ Mã có vẻ ngần ngại. Chung Sự nói:

Không hề chi! Ông Vương đây là người trung hậu, tôi có thể đảm bảo được. Nếu xảy có việc gì, xin trách cứ ở tôi. Tôi xin biên giấy nhận tiền với ông.

Người họ Mã nói:

- Nếu được như thế, tôi xin giao tiền.

Chung Sự liền cầm bút viết giấy nhận tiền như sau:

Tôi" Chung Sự, xin lập giấy nhận tiền này. Nay có thiếu nữ Vương Thúy Kiều vì cha bán mình làm thiếp ông họ Mã, được số tiền lễ là bốn trăm năm mươi lạng. Hẹn trong ba ngày, kết thúc việc quan tư, sẽ theo về nhà chồng, không dám chậm trễ. Sợ lòng người bất trắc nên biên giấy thừa nhận này làm bằng.

Ngày rằm tháng 4, năm Gia Tĩnh thứ 11. Người biên giấy thừa nhận, kí tên: Chung Sự. Người làm chứng, kí tên: Hàm mối nương"

Chung Sự viết xong, trao cho người họ Mã. Người họ Mã nhận giấy, xem xong rồi lại nói:

-Ông đã đảm đương việc này, cố nhiên tôi phải tuân mệnh. Nhưng xin viết luôn cả tờ hôn thú nữa, để tôi tiện trao tiền.

Chung Sự quay sang nói với Vương Viên ngoại:

-Việc không nên chậm, ông mau viết hôn thư, nhận tiền, để tiện thu xếp đi lo liệu việc chính.

Vương Vĩên ngoại thoạt nghe, cất tiếng khóc lớn, nức nở nói không ra tiếng. Vương bà, Vương Quan và Thúy Vân cũng đều khóc sướt mướt. Thúy Kiều thấy quang cảnh như vậy, không thể cầm nổi nước mắt, bèn nói vói Chung Sự:

Thưa ông, cha cháu nỡ nào viết giấy bán con. Ý kiến này tự cháu đề ra, thì cháu xin tự tay biên nhận lấy hôn thư.

Chung sự nói:

- Cô nói cũng có lí.

Thúy Kiều mài mực vuốt giấy, toan cầm bút viết, nghĩ đến Kim Trọng, bỗng nước mắt trào ra chan hoà, nhưng lại sợ gây nẽn sầu não cho cha mẹ, nên phải cố nén lòng, hạ bút viết hôn thư:

Người" lập hôn thư là Vương Thúy Kiều, nhân vì cha bị vướng vòng lụy tiết, không biết lấy gì cứu vãn. Vậy tình nguyện nhờ mối gả minh làm vợ lẽ cho nhà họ Mã, lấy số tiền lễ bốn trăm năm mươi lạng. Ngày nay nhận đủ, sau khi về nhà chồng, hoặc ở hoặc đi, tuỳ theo thuận tiện. Sợ sau không lấy gì làm bằng, xin lập hôn thư này để chấp chiếu.

Ngày rằm tháng 4, năm Gia Tĩnh thứ 11.

Người lập hôn thư: Vương Thúy Kiều;

Người làm chứng: Chung Sự;

Người mối: Hàm thị;

Cha: Vương Tử Trinh; Mẹ: Hà Thị; Em: Vương Quan, cùng kí tên.”

Thúy Kiều viết xong, liền kí tên luôn, rồi trao cho mụ Hàm. Mụ Hàm kí rồi trao giấy cho Chung Sự. Chung Sự kí, đoạn đưa cho Vương Viên ngoại:

-Ông Vương, ông cũng kí đi, để tiện nhận tiền.

Vương Viên ngoại khóc và nói:

-Ông chung ơi! Tôi làm cha không thể che chở cho con gái, tìm nơi xứng đáng cho con đẹp lứa xứng đôi. Bây giờ để nó bán mình cứu tôi, thì bảo tôi yên lòng kí làm sao được!

Thúy Kiều nói:

- Thưa cha. Xin cha cứ kí cho đi. Coi như là không sinh đứa con gái này.

Vương Viên ngoại nghe nói câu ấy, như dầu nóng tưới đầu dao găm đâm ruột, chạy đến ôm chầm lấy Thúy Kiều, nói:

-Con khổ mệnh của cha ơi! Con sinh trưởng từ đâu, mà bây giờ gả bán đi đâu? Cha vẫn tính gả chồng cho con phong quang như thế nào, bây giờ phong quang ở đâu? Chẳng phong quang thì chớ, lại còn phải bán con để cứu mạng cha, thì ta còn cần cái mạng khốn nạn này làm gì? Mà ích gì?

Nói xong lao đầu vào tường, may có Chung Sự cản giữ lại được. Thúy Kiều vội vã ôm chầm lấy cha và nói:

Cha ơi! Cả nhà đều chăm chú trông vào cha làm chủ, sao cha lại nghĩ quẩn như vậy? Nếu cha mà chết thì mẹ con trông cậy vào ai, các em con trông cậy vào ai? Không nói riêng mình con lưu lạc trôi nổi sống chết quê người đất khách, mà cả ba mẹ con cùng trôi dạt phiêu lưu nữa. Sao cha không nghĩ kĩ, một mình quan hệ rất lớn sao lại tự mình liều lĩnh cho đành? Nay tuy gặp bước hoạn nạn nhưng còn có núi thì còn có chỗ đốn củi, lần lữa qua khỏi nạn cấp bách này, tất có ngày trời ngoảnh mặt lại. Em con học tập, há không có ngày nên nổi hay sao? Tới lúc nhà cửa yên vui, giầu sang thịnh vượng, nếu không quên con, sẽ sai người tìm, cha cùng em đến gặp con một chút, ấy là ơn tái sinh của cha đó. Chớ bây giờ cha liều chết, phỏng có ích gì? Phỏng được việc gì?

Vương viên ngoại nói:

-Con nói tuy phải, nhưng cha nỡ nào bỏ con?

Thúy Kiều nói:

-Việc đã đến nước này, không còn cách gì để giải nguy, cha là bậc đàn ông cương thường, tưởng nên bỏ những điểu bất nhẫn nhỏ nhặt, cho vẹn việc lớn, chớ đâu lại bắt chước thói thường nhi nữ, mà mất cả khí khái anh hùng! Như vậy cha đã làm được một bậc trượng phu sáng suốt giữ mình à? Người xưa có câu: “Nuôi con phòng lúc tuổi già”, lại có câu: “Nhà nghèo thấy con có hiếu”. Con nay gặp cảnh nước vỗ đầu ghềnh này, cần đứng chân cho vững để việc bất hủ, lưu lại cho đời sau truyền tụng, tuy là không may mà thực là rất may. Phương chi phúc mệnh của con mỏng manh, không nghèo khó thì cũng chết non, giả sử con mang bệnh mà chết, dù có lòng hiếu, ai người thương xót đến? Nay không may cha gặp nạn, nhà gặp tai ương, thế là lại làm cho con được cái danh thơm hiếu nữ, há chẳng phải việc rất hay rất đẹp đó ư? Con đã cam lòng làm việc thì cha cũng nên bớt chút lo phiền, vì thời giờ đã muộn, không nên trì hoãn nghi ngờ nữa. Xin cha kí cho một chữ để ông Mã trao tiền, ta lo cho xong việc chính.

Mọi người đều khuyên:

Cô em nói phải đấy! Sinh gái là con người ta, đằng nào rồi cũng phải gả chồng. Phương chi, đây với Lâm Thanh, cách nhau có bao xa. Nay mai công việc thu xếp xong xuôi, ông đến thăm con, có can ngại gì. Phải đâu như Văn Cơ lấy chồng xa, Chiêu Quân ra ải bắc, chẳng qua cũng ở trong nước Đại Minh, cần gì mà đau thương mãi, để phụ cả một tấm lòng hiếu thảo của cô em. Vả, ông Mã đã nói là vợ cả ông hiếm hoi, nếu cô tốt số, về nhà ông, sinh được mụn con, gặp khi vợ cả mất sẽ được phò làm vợ cả, chồng mà đỗ đạt, sẽ là bà quan, đường đường ngôi mệnh phụ, nuôi con khôn lớn sẽ là cụ bà, ai còn dám khinh cô nữa! Nếu không tốt số, có đi lấy chồng làm cả đi nữa, sinh con không được, xài hết gia tài, ăn không có mặc không có, đói rách quanh năm, buồn rầu hết kiếp thì sao bì kịp thời với người làm lẻ tốt số? Tôi tưởng ông Mã bỏ ra mấy trăm lạng bạc để cưới cô, tất không phải là thấp kém, mà cô em đã có lòng hiếu như thế, sau này tất sẽ được báo ứng. Biết đâu sau không phải là quan bà hay cụ bà? Thôi! Ông bất tất quá lo phiền, mau mau kí đi là phải.

Mấy câu nói ấy làm cho Vương Viên ngoại cúi đầu im lặng.

Không biết Vương Viên ngoại có chịu kí hay không? Xin xem hồi sau phân giải.

Nguồn poster: Hẻm Radio (làm kịch truyền thanh tác phẩm này) được Book Online edit poster lại.

Ủng hộ càng nhiều thì sẽ đổi lịch up nhiều hơn
Nhấn theo dõi và yêu thích book online để theo dõi truyện nhanh nhất.

- Các [số] trong truyện sẽ nằm ở chương chú thích. Mọi người vào đó để xem nghĩa.















Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top