HỒI THỨ CHÍN

TIẾC TÀI HOA,

LẦM BẤT LƯƠNG THÀNH LƯƠNG THIỆN

CHÔN MỆNH BẠC,

VỜ HÒA HIỆP ĐỂ XOAY TIỀN

      Thúy Kiều xưa nay làm việc gì cũng sáng suốt, sao lại không biết Sở Khanh gian trá? Chao ôi, cái lòng khát khao mong được mau thoát đã làm rối loạn tinh thần đó mà thôi! Chẳng khác gì đói quá không chọn món ăn, sắp chết đuối không chọn người cứu. Phương chi kẻ kia ăn nói thi thư, đầu đội mũ nho giả, thì ngờ đâu lại là chó săn chim mồi cho đám mụ dầu kia ư? Đó là tội của phe danh giáo, chớ không phải là lỗi của Thúy Kiều dù có nhận lầm Áp Nha, cũng chỉ là ở trong hố lửa, bất đắc dĩ phải làm điều nguy hiểm để cầu may đó thôi, chớ không hề tự phụ là Hồng Phất biết anh hùng!

Trong lúc chim đương ở lồng, vượn còn bị trói, mà muốn cứ ung dung ăn uống để chờ cuộc giải phóng hoàn toàn thì trong chốn bình khang, e rằng không có thiên lí nhân tình nào như thế! Than ôi! Tự xử mới biết là khó, trách người thì vẫn dễ dàng. Giả sử đặt mình vào cảnh ngộ ấy mà nghĩ đến cái cảnh hoa trôi bèo giạt, đây đó phiêu lưu, thì mới biết thương cho sự bất đắc dĩ của Thúy Kiều, mà đôi hàng lệ sẽ dầm dề như vậy...

Lại nói, Thúy Kiều trông thấy bộ dạng Sở Khanh ra vẻ con nhà thi lễ, bất giác nảy ra tư tưởng phân vân, nên nhất thời ý định lung lay.

Lại một ngày kia, Thúy Kiều bỗng lại nghe tiếng Sở Khanh ngâm nga bên kia lầu, liền tựa cửa số ghé mắt trông kĩ. Ban đầu Sở Khanh giả vờ như không thấy, đợi khi Thúy Kiều nhìn mình mới ngoảnh đầu lại ngó sang phía Thúy Kiều vái dài một cái. Thúy Kiều đáp lại một câu "vạn phúc", rồi vội vã rụt mình lui vào. Sở Khanh dậm chân nói một mình:

Chao ôi sắc nước hương trời như thế, mà sao lạc lõng chốn bình khang, thật khiến ai ai cũng mày râu dựng đứng, tức giận đầy lòng. Giá được cùng nhau thương lượng, tất ta phải đóng vai Côn Lôn Nô cứu ả Hồng Tiêucho nàng được một ngựa một yên, âu cũng thoả tấm nhiệt tình này! Hiềm vì không được gặp nàng hỏi rõ nguyên do, mà nàng thì hiện ở trong lồng, không thể hiểu thấu lòng ta, làm thế nào mà đưa nàng ra khỏi hố lửa được? Còn biết làm thế nào nữa đây? Đáng tiếc bữa nay gặp mặt, nhưng lại bỏ qua mất rồi.

Nói đoạn, khép cửa đi vào, tiếng than thở vẫn còn lầm rầm không ngớt.

Thì ra Thúy Kiều tuy lui vào, song vẫn chưa xa mấy nên những lời Sở Khanh vừa nói, đều nghe được rõ ràng, bất giác mừng thầm, bụng bảo dạ: "Ta cứ tưởng chàng chỉ là một văn nhân, hay đâu lại là tay hiệp khách. Chỉ tiếc là vừa rồi ta không kêu van cùng chàng...". Rồi lại nghĩ: "Nếu ta kêu van cùng chàng, thì lại e cách tường nói riêng, người ngoài trông thấy sẽ xấu hổ bất tiện. Chi bằng viết một phong thư ném qua bên kia cửa sổ, trong thư tỏ hết sự tình đau khổ, hẳn chàng sẽ thương ta. Nếu như có thể cứu ta khỏi chốn này thì dù có theo chàng làm thân lẽ mọn đi nữa, còn hơn là làm đĩ nhiều".

Thúy Kiều nghĩ định thế rồi, bèn viết một phong thư.

Thư rằng:

"Thúy Kiều thiếp không may gặp gia biến, rơi vào chổn yên hoa, đau nỗi hồng nhan trụy lạc, thương mình bạc mệnh chơ vơ, vẫn tưởng chút thân gió bụi mong gì quân tử đoái thương. Ngỡ đâu hiệp sĩ cao nhân lại vi khách quần thoa mà động lòng. Tiếng tiếng sổ lồng, lời lời cứu khổ, lời vàng còn văng vẳng bên tai, nghĩa cảm đã ghi trong tấc dạ, vẫn muốn khóc tỏ trước chàng, khốn nỗi mình không lông cánh. Điều thiếp hy vọng là, chàng đầy lòng nghĩa khí, hơn đời cơ mưu, tất có thể bày ra mưu sâu chước lạ, đưa được rồng tù ra ngoài biển khổ. Cái đau đớn của kẻ vướng mình trong chốn bình khang này, coi một khắc như một năm. Được giải thoát sớm một khắc, ấy là đội ơn thêm một khắc. Đức của chàng ở đó, mà nguyện vọng của thiếp cũng ở đó. Kính cẩn ngóc đầu vẫy đuôi trông cậy ân nhân, mong lắm, mong lắm!"

Thúy Kiều viết xong muốn ném qua bên kia cửa sổ, nhưng lại sợ thư không rơi trúng, bị người ngoài nhặt được không tiện, mà muốn gửi đi lại không biết nhờ ai. Còn đang ngần ngại trù trừ, trong khi vô tâm bước xuống lầu, ra ngoài dạo chơi, bỗng thấy một tiểu đồng đi gánh nước. Thúy Kiều liền hỏi:

- Em là chú bé nhà nào?

Tiểu đồng giơ tay trỏ lên miệng ra hiệu là không nói được. Thúy Kiều thấy cậu nhỏ câm, ngờ là người nhà họ Sở bèn hỏi:

- Có phải em là chú bé nhà họ Sở không?

Tiểu đồng liền gật đầu lia lịa. Thúy Kiều sẽ bảo nhỏ:

-Chị có phong thư gửi cho chủ nhân của em, muốn phiền em đưa về giúp, cẩn thận nhé!

Tiểu đồng gật đầu, giơ tay cầm lấy. Thúy Kiều đưa phong thư vào tay tiểu đồng, lại dặn cất cho cẩn thận. Tiểu đồng nhét thư vào túi áo trong, rồi gánh nước về nhà.

Hôm sau tiểu đổng lại ra vục nước. Thúy Kiều tới nơi đón, hỏi:

- Thế nào? Chủ nhân em có thư trả lời không?

Tiểu đồng gật đầu, moi ra một phong thư đưa cho Thúy Kiều rồi vội vã gánh nước trở về. Thúy Kiều cầm thư, quay mình lên lầu, mở ra xem, thì thấy trong thư chỉ có hai chữ: "Tích việt", lật qua lật lại không hiểu nghĩa ra sao. Ngẫm nghĩ hồi lâu, chợt hiểu ra, bụng bảo dạ: "Thôi phải rồi! Phải rồi! Chàng hẹn ta giờ tuất ngày hai mươi mốt sẽ vượt tường gặp nhau. Bữa nay chính là ngày hai mươi mốt, vậy buổi tối thế nào chàng cũng đến, ta phải đợi chàng".

Đến chập tối, bỗng Tú Bà đem rượu và đồ nhắm lên cùng Thúy Kiều uống và nói chuyện phiếm mãi đến khuya mới thôi, Thúy Kiều rất bồn chồn nóng ruột, đợi tiễn Tú bà về khỏi, liền đóng cửa lên lầu. Mở song nhòm ra, thấy đã có một chiếc thang đặt dựa vào chỗ cửa sổ, thì nửa sợ nửa mừng, đằng hắng lên một tiếng, nghe phía ngoài cũng có tiếng đằng hắng đáp lại. Liền sau đó có người leo thang lên, chui qua cửa song nhảy vào. Thúy Kiều trông ra, quả là Sở Khanh, thì hết sức mừng rở, liền sụp lạy, nói:

-Thúy Kiều này mệnh bạc, lưu lạc chốn yên hoa, mong được ân nhân cứu thoát nơi cạm bẫy, thì sống xin ngậm vành, chết xin cắn cỏ!

Sở Khanh vội vã đáp lễ:

-Bấy lâu mến tiếng cô em, hiếu nghĩa hơn người, mà lại bị giam hãm trong chốn lầu xanh, tiểu sinh xiết bao tức giận. Bữa qua lại tiếp được tờ hoa gửi tới, biết rõ nỗi khổ của cô em, tiểu sinh xin hết sức cứu vớt ra khỏi nơi nước sôi lửa bỏng này, nhất định không phụ tấm lòng trông cậy của cô em đâu.

Thúy Kiều ứa nước mắt, ngỏ lời cảm tạ. Hai người nhìn nhau có vẻ rất vui. Sở Khanh nói:

-Nàng ở thanh lâu mà khư khư giữ tấm lòng thanh bạch của riêng mình, há chẳng cũng buồn tẻ lắm ru?

Thúy Kiều nói:

-Lòng thiếp trong trẻo hồn nhiên, mặc cho mây bay qua lại, không thể làm nhuốm đục được!

Sở Khanh nói:

Chỉ sợ cũng bị nhuốm chàm một phần. Thúy Kiều nói:

-Mặc dầu muốn nhuốm cũng không đen....

Sở Khanh nói:

-Người chứ có phải cây đâu mà vô tình được? Rồi ghé mình lại gần sát và nói:

-Cái đêm phong quang đẹp đẽ này, chúng ta gặp nhau, há chẳng nên hờ hững bỏ qua. Huống chi ta đương tính kế cứu nàng, thì nàng há không có gì để tạ ơn ta hay sao?

Thúy Kiều nói:

Thân này không chết, ắt có ngày khác. Sở Khanh nói:

Gặp nhau buổi đầu, nếu không có sự hoà hợp, e công việc sau này không lợi!

Thúy Kiều đương muốn lấy lòng hắn ta để mong sự cứu vớt và nghĩ mình đã mất trinh rồi, không còn như xưa, liền trả lời:

-Xin chàng cứu vớt, dám đâu tiếc việc hầu hạ gối chăn. Nhưng xin chàng thuỷ chung như nhất, chớ để thiếp phải có lời than "đầu bạc".

Sở Khanh liền quỳ gối thề rằng:

-Sở Khanh này nếu phụ tình bữa nay của Vương Thúy Kiều thì xin bị kẻ cướp phanh thây trăm đoạn, cả nhà gặp nạn lửa binh...

Thúy Kiều vội vừa đỡ dậy, vừa nói:

- Chúc ai gặp vạ nên lành!

Rồi đó, trai tham gái mến dắt tay nhau lên giường cùng chung giấc mộng Vu Sơn, tới chừng mây tan mưa tạnh, thì đồng hồ đã chỉ canh tư. Thúy Kiều nói:

Thiếp cảm lòng chàng nghĩa hiệp, đã đành theo viết Thôi Trương, mong chàng mau định kế giải thoát cho thiếp để được suốt đời hầu hạ người quân tử, ấy là tâm nguyện của thiếp!

Sở Khanh nói:

Bây giờ là việc của tôi rồi. Trong ba ngày, tất có mưa lạ để giải thoát cho nàng!

Thuý Kiều ân cần cảm tạ mãi. Đến canh năm, Sở Khanh từ biệt lui về.

Đêm hôm sau Sở Khanh lại sang, nói với Thúy Kiều:

Tôi đã nhờ người dò la khẩu khí mụ Tú, xét ra mụ không có ý cho nàng tòng lương, chỉ đợi khi nàng thân thể thật khoẻ mạnh sẽ lại đem bán cho kẻ khác. Đã có người hứa trả bảy trăm lạng, nhưng mụ chưa ưng, đòi đủ một nghìn. Trong một lúc tôi không xoay xoả đủ số tiền lớn ấy, mà người kia đã có đủ bảy trăm. Nếu hắn bỏ thêm chừng trăm lượng nữa mà mua đi, há chẳng phụ tấm lòng nghĩa khí của nàng và khối nhiệt tình của tôi ư? Bây giờ đây, tôi định sẵn một kế rồi!.

Thúy Kiều vội hỏi kế gì. Sở Khanh nói:

-Tôi tính ba mươi sáu chước, chỉ có chước bỏ chạy là hơn cả.

Thúy Kiều nói:

-Thế không phải là thượng sách. Vạn nhất bị họ bắt được, chàng thoát đi rồi, chừng ấy bảo thiếp chối cãi làm sao? Tự dưng đến nỗi chết không thể chết, sống không thể sống, thì rồi ra làm sao? Mưu ấy nghe chừng không ổn.

Sở Khanh nói:

Không ngại mà! Tôi có một con ngựa tốt, ngày đi ngàn dặm, lại có một tên phu ngựa khoẻ mạnh, vũ dũng hơn người, một đêm có thể chạy xa hàng ba trăm dặm. Vậy đêm nay tôi sẽ đưa nàng leo tường xuống cưỡi ngựa đi liền, đến sáng là ra khỏi địa giới của vùng này, chừng ấy ta thuê xe lừa, cũng đi về Kinh, dọc đường nhận nàng là thân quyến của tôi, còn ai dám cản trở?

Thúy Kiều nghe nói trong lòng lo ngại, không muốn theo song nghĩ mình đã chót ăn nằm với hắn, sợ hắn giở mặt thì rất có hại. Nếu nghe theo, lại sợ chạy không thoát, bị bắt lôi về, tất nhiên sẽ bị hành hạ khổ sở, vì thế nghĩ ngợi miên man, tới lui đều khó, bụng bảo dạ: "Khổ cho tôi lại gặp phải ma rồi! Cứ tưởng nó là tay hiệp nghĩa, hay đâu lại là kẻ tiểu nhân liều lĩnh. Việc đã thế này, tất phải làm theo. Thôi, thôi liều chết cầu sống, nhắm mắt theo trời, đành phải dựa vào hắn mà thôi". Bèn ứa nước mắt ra nói với Sở Khanh:

Ra đi đây là việc liều mạng cầu may, lành ít dữ nhiều chàng phải toàn thuỷ vẹn chung. Nếu nửa chừng bỏ thiếp thì dù thiếp chết xuống suối vàng cũng không thể tha thứ cho chàng được!

Sở Khanh nói:

Nàng chớ lo quá! Dù có lộ chuyện ra nữa thì đã có tôi đây đứng ra chịu đựng, chỉ đến trả số tiền trước cho mụ là xong, chớ còn sợ mụ nỗi gì? .

Thúy Kiều nói:

-Chàng mà quả quyết được như thế, thì thiếp còn phải lo sợ nỗi gì?

Đêm hôm sau, chừng canh khuya, Sở Khanh lại vượt qua cửa sổ vào nói với Thúy Kiều:

-Mọi việc đều đã chuẩn bị xong xuôi, mời nàng ra đi.

Thúy Kiều vẫn còn nghi ngại, ngần ngừ chưa quyết. Sở Khanh lại thề rằng:

Nếu việc hỏng mà tôi không ra mặt cáng đáng để nàng chịu nhục, thì tôi sẽ chết cho dòi bọ đục xác.

Chừng ấy Thúy Kiều mới quả quyết xuống lầu, lên ngựa. Sở Khanh cũng lên ngựa. Thúy Kiều thấy có một phu ngựa cầm chiếc dù cùng đi theo.

Lúc bấy giờ vào khoảng tháng chín, trong kì sương giáng,

Thúy Kiều cảm thấy hơi lạnh rợn người, lại không có trăng, cảnh vật thật là thê thảm. Tâm tình chán nản, đành cứ để mặc ngựa đưa đi. Bỗng nghe tiếng gà gáy rộn, trời dần dần hửng sáng, lại nghe phía sau có tiếng reo hò ầm lên, đoán chừng là việc không hay, bèn nói với Sở Khanh:

Phía sau tiếng cười ồn ào, tất là bọn đuổi theo ta. Thôi chàng làm hại thiếp rồi!

Sở Khanh nói:

- Tôi đây một mình đảm đương, sợ cóc gì chúng!

Hồi lâu, coi chừng bọn người đuổi theo đã dần dần kịp, Sở Khanh nói với Thúy Kiều:

-Để tôi quay lại đối phó với bọn này!

Nói đoạn, liền quay ngựa trở lại. Lúc này trời chưa thật sáng rõ, Thúy Kiểu còn tưởng là Sở Khanh quay lại nói chuyện với bọn đuổi theo, nên cũng dừng ngựa lại chờ đợi. Chẳng ngờ bọn đuổi theo thừa thế ào đến, đồng thanh reo: "Bắt được đây rồi! Bắt được đây rồi!".

Thì ra bọn người này chính là Mã Quy, Tú bà và mấy người hàng xóm.

Tú Bà quát mắng om sòm:

-Con đĩ này giỏi thật! Không chịu tiếp khách mà lại biết trốn đi theo trai! Các hạ trói lấy nó cho tôi.

Bọn thủ hạ nhất tề ra tay bắt trói Thúy Kiều. Lúc này Thúy Kiều muốn chết, chết không được, mà hối thì việc đã rồi, song vẫn còn trông mong Sở Khanh đến cứu. Có ngờ đâu bọn chúng chỉ là một cốt một đồng, không biết chạy đi đâu mất rồi.

Tú bà nói với bọn thủ hạ:

Con đĩ không thể đi một mình được, tất phảicó đứagian phu nào nữa, các hạ thử tìm xem.

Mọi người lùng sục trong đám cây rậm, quả tìm ra được mộtngười hầu trong nhà Tú bà, tên gọi Đô Trá. Tú bà mắng:

Thằng khốn nạn này! Mày đến ở nhà tao, nhà tao không hề bạc đãi mày, cớ sao mày dám dụ dỗ người nhà tao trốn đi như vậy hử?

Vừa nói vừa xấn đến túm đầu Đô Trá, đánh luôn mấy roi túi bụi. Đô Trá cứ im thin thít, không dám hé răng. Tú bà lại quay sang mắng Thúy Kiều:

-Cái mặt đẹp chưa kìa! Khách tử tế không chịu tiếp, lại đi tằng tịu với cái thằng đày tớ. Con đĩ bẩn thỉu đến nỗi này, lôi cổ mày về nhà, rồi tao sẽ nói chuyện!

Rồi đó mọi người áp điệu Thúy Kiều và Đô Trá cùng quay về, chừng giờ tỵ mới gần đến nhà. Những người trông thấy đều ái ngại thở than:

-Cô gái xinh đẹp thế kia mà lại đi theo một tên đầy tớ! Lại có người nói:

Đừng có nói chuyện mập mờ làm mất thanh giá của cô ta. Việc này chắc lại do lão Sở dẫn dụ đấy...

Thúy Kiều nghe được câu ấy, mới biết Sở Khanh với Tú bà là một bà sắp đặt cơ mưu để lừa gạt mình, nên nghiến răng cắn lợi, thở than oán hận luôn miệng.

Khi về tới nhà, Tú bà bảo tên Oa-biên-tú lột hết quần áo Thúy Kiều, cả mảnh vải bó chân cũng cởi ra hết, đoạn dùng thừng quấn từ bụng quanh hai cánh tay, buộc vào hai ngón tay cái, rồi treo lên dầm nhà, lủng lẳng cách mặt đất một tấc, chỉ để cho mấy đầu ngón chân chạm đất và không cởi quần lót.

Thúy Kiều lúc này thân thể loã lồ, thẹn thùng không biết lẩn tránh vào đâu. Và đã đến nước này, sống chết cầm ở tay người, nên chỉ nhắm nghiền đôi mắt, mặc cho nó làm gì thì làm. Tú bà quát mắng:

Con đĩ dâm dục này! Tao bảo mày tiếp khách, mày liền cầm dao đâm cổ, tao đã cố chữa cho mày khỏi chết, lại tha tội cho mày mà nay mày lại theo tên hầu đi trốn, thế là xứng đáng à? Mày nói mày là con gái nhà tử tế không chịu làm đĩ, tao rất kính nể mày, không ép đón khách làng chơi nữa và ngày ngày đi tìm người tử tế để gả chồng cho mày. Có ngờ đâu mày lại giả bộ, mới có mấy ngày mà đã ngứa nghề không chịu nổi, thầm vụng theo
trai. Theo người khác còn coi được, tại sao nóng vội đến nỗi đi theo thằng đầy tớ? Cái đồ đốn mạt này! Không đánh mày, mày có sợ đâu!

Nói đoạn, vung chiếc roi da lên vụt luôn một hơi đến hai ba mươi roi.

Ái ngại cho Thúy Kiều bị trận khảo đả, hai tay bị treo mất rồi chỉ còn mười đầu ngón chân xoay trên mặt đất, mỗi khi bị đánh một roi lại xoay một cái, cứ xoay lông lốc không ngớt, đành van lớn:

-Mẹ ơi! Không chịu đòn được nữa đâu, để con chết đi thôi!

Tú bà quát:

-Mày muốn chết à, thì tao đánh cho mày chết!

Lại đánh luôn hàng hai ba mươi roi. Thúy Kiều kinh hồn khiếp vía, liền van:

-Mẹ ơi! Con thật không chịu đòn được nữa, mặc cho mẹ bán đi thôi.

Tú bà nói:

-Mày muốn bán à? Chính là tao đánh mày về cái chỗ muốn bán này nữa...

Lại đánh tiếp luôn hai ba mươi roi nữa. Lần này Thúy Kiều nghẹn cả hơi thở, rên van:

Mẹ ơi! Thật con không chịu đòn được nữa! Từ giờ nếu mẹ cần con tiếp khách, con sẽ xin vâng!

Tú bà quát:

Mày lại muốn lừa để giết tao à? Tao mà tha mày, thì mày lại tác quái, chi bằng đánh mày chết quách đi cho rồi!

Thúy Kiều nghe nói lại năn nỉ van xin.

Không biết tính mệnh Thúy Kiều ra sao, xin xem hồi sau phân giải.


Nguồn poster: Hẻm Radio (làm kịch truyền thanh tác phẩm này) được Book Online edit poster lại.

Ủng hộ càng nhiều thì sẽ đổi lịch up nhiều hơn
Nhấn theo dõi và yêu thích book online để theo dõi truyện nhanh nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top