Thượng tướng Trần Quang Khải - Trạng Vật

Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu sở đặt trên quang, Tần lặng lẽ, chăm chỉ gieo thoi. Tiếng cút kít của con cò gật gù văng ra ngắt khúc cái tịch mịch của một đêm cuối xuân khuya khoắt liên miên và đều đặn không ngưng.

Đêm nay cũng như đêm qua, cũng như đêm kia, mà cả những đêm sau nữa, bất luận xuân, hạ, thu hay là đông, trời nực hay là trời rét, bao giờ Tần cũng dệt vải rất khuya, mãi đến cuối giờ Hợi, có khi sang nửa giờ Sửu mới chịu đi ngủ. Vậy mà, sáng sớm hôm sau, từ đầu canh tư, nàng đã lên khung, tiếng dệt cửi lại đều đặn nối tiếp như không biết mỏi.

Người thiếu phụ ấy chuyên cần dệt ngày này qua ngày khác nên những tấm vải thô sơ, thô sơ và mộc mạc như đời nàng.

Không bao giờ Tần nghĩ đến mình. Hình như tất cả nỗi buồn, vui nàng đặt ở cả người mẹ lòa mắt và đứa con nhỏ ngây thơ. Nàng cố kỉnh lo toan làm sao cho cái quãng xế chiều của mẹ được yên vui, no ấm; đứa con sau này không đến nỗi đần ngu vô dụng.

Tần vẫn chăm chỉ đưa thoi. Hai chân nhịp nhàng, đạp xuống bàn dận. Nàng nhìn đăm đăm xuống mặt vải, nghĩ ngợi lan man. Tần thấy mình tựa hồ như không nghĩ ngợi một điều gì, mà cũng tựa hồ như nghĩ ngợi một điều gì rối ren lắm. Những lúc canh trường đối bóng như thế này, nàng vẫn hay vấn chuyện mình một cách viển vông, và một nỗi buồn vô cớ lại hiu hắt trong lòng.

Mặt trăng hạ tuần đã nhô khỏi rừng cây phía trước. Ánh sáng chênh chếch xiên qua phiên nứa đan mắt cáo giãi từng ô sáng vuông nhỏ lên nền nhà. Tần lẩm bẩm: "Hai mươi mốt giấc tốt. Hai mốt nửa đêm. Giờ có dễ đến nửa đêm rồi". Tuy vậy, nàng vẫn chưa chịu đi ngủ, cố dệt cho xong mấy suốt sợi còn dở.

Rừng cây mờ sương trắng ngủ kĩ dưới ánh trăng xanh dịu, mơ hồ. Gió rì rào trong lá, và côn trùng rên rỉ dưới cỏ đưa lên họa thành một bản đàn ảo não như than vãn chuyện đời dâu biển. Từng lúc, tiếng cú vang lên giữa cái u tịch canh khuya như điềm gở. Vẻ huyền bí ngàn đời càng thêm sâu nặng.

Một cơn gió lùa qua phên nứa lọt vào phòng. Tần rùng mình khép lại thân áo. Vẻ buồn thoáng hiện trên đôi mắt đen láy. Nàng đưa tay vuốt lại những sợi tóc lòa xòa trên má.

Tần chăm chú làm việc hơn và lẩm nhẩm tính toán giá cả sợi vải phiên này để trấn áp nỗi buồn vừa xâm chiếm cõi lòng.

Bỗng thằng Sặt nằm ngủ giường bên khóc thét lên:

- Bắt đền bu đấy nào! Bắt đền bu đấy nào!...

Tần vội vã chạy lại dỗ dành:

- Nín đi Sặt! Chóng ngoan, mai đi chợ u mua cho mấy con tò he về mà chơi.

Thằng bé vẫn dẫy giụa khóc:

- Bắt đền bu đấy nào! Chúng nó cứ chế Sặt đấy nào!

Biết con mê ngủ, Tần khe khẽ vỗ vào mình con, vừa ru vừa nói nựng:

- Ơi thương! Chúng chế con gì thế?... Ngủ đi, mai u đánh chúng nó cho.

- Thằng Quynh, thằng Hỵ chúng nó chế Sặt là thằng không có bố đấy.

Dứt lời, thằng bé lại nằng nặc khóc bắt đền. Tần nín bặt. Câu nói vô tình của con trong giấc mơ đã làm cho nàng nghẹn lời. Có cái gì nặng trĩu ngực, làm nàng tức thở và chói buốt tim.

Một lúc lâu, nàng mới cất giọng đầy nước mắt dỗ dành:

- Nín đi chóng ngoan. Mai, bu gọi thầy về cho Sặt.

Nó ngây thơ hỏi:

- Gọi ở đâu?

- Ở mãi tận...

Tần mím môi im lặng, hai mắt thẫn thờ nhìn ra phía rừng...

- Ở mãi tận đâu kia hở bu? Bu lại nói dối Sặt rồi, nào nào...

Thằng bé lại òa ra khóc, lải nhải bắt đền mẹ. Tần không muốn con kể lể những lời chỉ làm đau lòng, nàng ngoảnh ra ngoài cất tiếng gọi:

- Ông ba bị đâu rồi! Thằng Sặt nó đang vòi tôi đây này.

Sặt sợ hãi, nín bặt. Bao giờ bị con hỏi cặn kẽ, không biết trả lời thế nào, Tần cũng rộ thế.

Một lát sau, Sặt đã thiu thiu ngủ. Hai cánh tay bé nhỏ, mềm yếu của nó quấn riết lấy cổ mẹ, ghì xuống ngực như tìm sự che chở.

Thỉnh thoảng nó lại thổn thức trong giấc mơ. Cái ngực bé nhỏ ấm áp ấy nấc nấc lên. Tần se cả lòng, cảm thương cho thân phận lẻ loi; cho đứa con thơ dại không cha. Những niềm oán trách người xưa phụ bạc thầm len trong ý nghĩ. Vì ai nàng cam chịu sống trong cảnh trơ trọi giữa tuổi xuân đương độ này? Tần thở dài ảo não, gục đầu lên ngực con thổn thức.

Bỗng gian phòng tối sầm lại. Ánh trăng đã lùi khỏi căn phòng từ lâu. Mà ngọn đèn lại vừa lụt bấc, Tần sẽ sàng gỡ tay con, uể oải đứng lên nhoi cao con bấc. Ánh sáng vàng khè dâng lên, bắt vào khuôn mặt trái xoan hốc hác sớm già hơn tuổi.

Nàng chậm chạp lên khung cửi dệt, tìm khuây khỏa trong công việc, nhưng Tần vẫn bối rối, thẫn thờ, làm đứt mấy con sợi liền. Nàng ngừng tay gieo thoi, thần người ra nghĩ ngợi, để mặc tư tưởng đi ngược chiều thời gian tới một kỉ niệm tê tái ngày xưa. Cái kỉ niệm đã phá tan hết hạnh phúc đời nàng đó, lần lần hiện ra trong trí óc, từng việc xảy ra một cách rất rõ rệch, rất sáng suốt. Nàng cảm giác mình đang sống lại với cảnh xưa.

Tần thở dài, nói lẩm bẩm một mình trong cơn mơ: "Thấm thoắt đã bốn năm...". Bốn năm trời đằng đẵng với bao nhiêu là thay đổi..., nhưng cũng không thể làm dịu được vết thương lòng người thiếu phụ.

Tần úp mặt vào cánh tay thổn thức.

*

Hạ tuần tháng sáu năm Thiên Ứng Chính Bình thứ bảy (1238)*, Đức Thái Tông Trần Cảnh cùng mười tên lính thị vệ đi săn ở rừng Cổ Pháp (Đình Bảng).

Trời mới lập thu, khí tiết mát mẻ dễ chịu, không còn cái oi bức "chết trâu" của mùa hạ. Tầng cao xanh ngắt, thoáng điểm những sợi mây trắng như bông, lững thững trôi từ phương này sang phương khác. Nắng vàng rực rỡ trùm lên rừng cây, nhóng nhánh sáng ngời như giát ngọc. Từng ngọn gió lướt qua, cả rừng cây lao xao reo lên những tiếng vui tai. Bản đàn tự nhiên ấy mỗi lần rung lên lại trút xuống những chiếc lá sớm già, phấp phới bay như đàn bướm vàng nô rỡn. Cảnh vật vui tươi, hớn hở tựa hồ chào đón đấng chí tôn.

__________________

(*) Trần Quang Khải (1241-1294), con thứ ba của Trần Thái Tông, là đại tướng đời nhà Trần, làm đến chức Tướng quốc, tước Chiêu Minh Đại vương đời Trần Thánh Tông. Theo Hà Ân - Trần Quốc Vượng trong Danh nhân Đất Việt thì Trần Quang Khải sinh năm 1240. Như vậy, theo chính sử và nhiều sử liệu thì sự kiện này phải xảy ra trước khi Trần Quang Khải sinh ra, tức vào khoảng hoặc năm 1239 hoặc năm 1240, không rõ tác giả căn cứ theo nguồn nào?

Tuy vậy Đức Thái Tông Trần Cảnh vẫn thấy lòng buồn rười rượi. Mặc bọn thị vệ xông xáo đi tìm chim, kiếm thỏ, ngài lỏng tay buông khấu để mặc cho con bạch mã tự do đưa bước tản dưới bóng cây râm mát, có điểm những tia nắng vàng hoe.

Từ ngày Thái sư Trần Thủ Độ ép nhà vua phải bỏ Chiêu Thánh lấy Thuận Thiên công chúa, vợ Trần Liễu, anh ngài, rồi Trần Liễu làm loạn đánh lại triều đình, nghĩ tình cốt nhục mà tương tàn như vậy, ngài lấy làm buồn lòng lắm. Bởi thế, những ngày rảnh rang việc nước, ngài thường lấy cái thú săn bắn cho khuây khỏa nỗi lòng. Lần này, thật là một sự vô tình, Đức vua về săn bắn ở đây vốn là nơi quê hương người yêu của ngài. Ngài thấy một nỗi gì như mỉa mai day dứt thâm tâm vậy.

Nhà vua rùng mình, sởn gáy khi qua lăng. Nấm mộ chung của tôn thất nhà Lí. Cái hầm của Trần Thủ Độ sai đào sẵn đánh lừa trong khi họ tế lễ(1). Ở nấm mồ xanh cỏ kia như có lời thóa mạ của oan hồn.

___________________

(1) Theo cái ý nhổ cỏ hết rễ của Trần Thủ Độ, ông chí giết tôn thất nhà Lý bèn sai ngầm đào một cái hầm rồi dựng lên trên một nếp nhà khách rất tráng lệ. Đến kỳ thu tế năm Thiên Ứng Chính Bình thứ nhất (1232), các tôn thất nhà Lý tế xong, Thủ Độ sai mời mọi người dự tiệc trong nhà mới, rồi sai người giật máy ngầm, cả ngôi nhà ấy sụp đổ. Bao nhiêu tôn thất nhà Lý đều bị chôn sống trong hầm ấy. Người ta gọi cái nấm mồ chung ấy là cái lăng. (Tài liệu của Trúc Khê trong Trần Thủ Độ - Danh nhân truyện kí)

Mặt trời ngả dần về phía Tây. Ánh nắng đã dịu và bóng cây mỗi lúc một thêm dài.

Đức Thái Tông Trần Cảnh vẫn cúi đầu yên lặng, suy nghĩ miên man. Bỗng có tiếng chim vỗ cánh phanh phách, vun vút rất mạnh. Nhà vua bừng tỉnh mộng, ngẩng lên. Một con chim to lớn mới bay tới đậu trên một cành cao. Lông trắng muốt, đuôi dài lê thê, có những chấm xanh biếc. Mỏ và chân đỏ tía. Trên đầu, một cái mào trắng dựng lên như một chiếc quạt xòe. Nhà vua ngây người ra ngắm. Hai mắt sáng lên vì mừng rỡ. Chưa bao giờ ngài trông thấy con chim đẹp đẽ và lạ lùng nhường này. "Có lẽ là con trĩ, một con bạch trĩ..., hẳn là một điềm hay". Những ý nghĩ nặng nề khi nãy biến hẳn trong đầu óc. Đức vua khoan thai rút tên, thận trọng ngắm vào vai bên tả con chim. Ngài muốn nó bị thương nhẹ để bắt sống. Con vật vẫn điềm nhiên rỉa lông rỉa cánh, không biết gì là nguy hiểm. Tiếng dây cung phựt nhỏ và mũi tên bay vút lên, sượt qua mình nó. Không trúng đích. Con chim giật mình, hốt hoảng vỗ cánh bay về phương tây bắc. Đức vua vội vã thúc ngựa đuổi theo. Bốn vó câu giòn giã xoải trên cỏ xanh, vượt qua những gò, đống mấp mô. Bóng cành lá và tia nắng trên lưng áo bào chạy xuôi xuống.

Khỏi địa phận làng Cổ Pháp, qua làng Bích Hạ rồi đến giếng Hàm Long giữa rừng Sặt. Con chim mất tăm dạng. Đức vua kìm ngựa ngẩn ngơ tìm kiếm, tiếc rẻ một con chim quý.

Bỗng tiếng hát lanh lảnh len qua cành lá bay ra ngân dài trong gió chiều. Cả rừng cây như nôn nao, xúc động, như mơ màng, say đắm. Tiếng hát trong trẻo vẫn véo von cất lên. Nhà vua thẫn thờ lắng nghe. Một lúc sau, như có một sức vô hình sai khiến, ngài khẽ thách dây cương cho con ngựa từ tốn bước một tiếng về phía có tiếng hát. Ngài ngẩn ngơ, ngó quanh ngó quẩn tìm kiếm. Nhưng chẳng có một bóng dáng nào. Và tiếng hát cũng im bặt từ lâu. Nhưng dư âm vẫn còn xao xuyến trong lòng ông vua trẻ đa tình.

    Đố ai quét sạch lá rừng

Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Tiếng hát lại bất thình lình cất lên ngay cạnh đấy. Đức vua giật mình quay lại. Qua những vòm lá xanh um, một cô gái quê mùa đang ngồi lê nhặt lá khô. Ngài sững sờ kinh ngạc trước vẻ đẹp mộc mạc, nhưng không kém đoan trang, kiều mị. Quần áo tuy nâu sồng, mà vẫn gọn gàng sạch sẽ và không đến nỗi cũn cỡn như các gái quê khác.

Chợt thấy có tiếng động, người con gái ngước cặp mắt nhung đen to đen lay láy nhìn lên. Nàng bỡ ngỡ trước cái phục sức rỡ ràng của ông khách. Đức vua bàng hoàng cả thần trí. Máu nóng chạy dồn dập trong huyết quản. Ngài hồi hộp và bối rối quá. Định nói một câu mà có cái gì chẹn lấy họng khiến ngài ngập ngừng không dám. Và tự nhiên thấy e sợ vẩn vơ. Ngài lấy làm sợ cho cái tính nhút nhát của mình. Tự hỏi: "Uy quyền của ta trùm cả thiên hạ, nói ra một lời là thần dân trong nước phải cúi đầu tuân lệnh. Vậy mà đứng trước cô gái quê mùa kia, sao ta lại sợ sệt thế này?". Một lúc lâu, ngài mới lắp bắp hỏi:

- Cô em ở đâu?... À, nhà cô em ở đâu?

Thấy mình hỏi vô lí, ngài lại lúng túng bào chữa:

- Tôi... Tôi muốn... trọ một đêm. Vì đường xa, dặm thẳm mà trời thì gần tối.

Tần ngây thơ trả lời (vì người con gái ấy là Tần):

- Thưa ông khách, nhà em ở ngay cạnh rừng này. Ông khách có muốn trọ thì để em hỏi mẹ em đã.

Đức vua đã hết ngượng nghịu. Ngài xuống ngựa lại gần hỏi trêu:

- À, cô em năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?

Tần, hai má ửng hồng, cúi xuống vân vê vỏ cây cúm, dáng thẹn thùng khả ái. Nhà vua ngây ngất say sưa, nói một hơi dài, toàn những câu văn hoa, bóng bẩy, bằng một giọng êm nhẹ:

- ...Thật ta không ngờ giữa nơi thôn dã này lại có một người con gái đẹp như em được. Thật là một hạt vàng trong bãi cát, một bông lan trong đám cỏ. Em! Em!... Ta tuy gặp em lần đầu, nhưng lòng ta rung động vì em nhiều lắm. Em ơi!...

Bỗng có tiếng vó ngựa chạy dồn dập phía sau. Nhà vua ngừng nói, quay đầu lại.

Một tên thị vệ hấp tấp xuống ngựa, cúi rạp người xuống đất vừa thở hổn hển, vừa tâu:

- Tâu bệ hạ. Xin ngài trở về hoàng cung yên nghỉ, kẻo trời đã hoàng hôn.

Dáng điệu tất tả, mệt nhọc ấy tỏ ra hắn đã mất nhiều công tìm kiếm đức vua. Tần thoáng nghe thấy, sợ tái xanh mặt đi, lắp bắp kêu:

- Đức vua! Trời ơi, Đức vua!

Đức Thái Tông Trần Cảnh vội cúi xuống đỡ người con gái, từ tốn nói:

- Việc chi mà em sợ.

Rồi ngài quay lại nghiêm nghị phán:

- Truyền cho các ngươi đêm nay tạm nghỉ ở hành cung Cổ Pháp. Đầu giờ Mão ngày mai đón ta ngoài giếng Hàm Long, nghe!

Tên thị vệ hiểu ý, vòng tay vào nhau tung hô:

- Phụng mệnh.

Rồi khúm núm đi giật lùi về phía con ngựa đứng chờ dưới gốc cây. Để cho hắn đi khuất, nhà vua mới quay lại tươi cười bảo Tần:

- Em dẫn ta về nhà thôi chứ!

Tần cúi đầu vâng theo, như vâng theo một mệnh lệnh. Hai người lặng lẽ lần theo con đường nhỏ hẹp cong queo như một con trăn trắng trườn mình trên bãi cỏ xanh, đi về phía bắc. Trong khi ấy, mặt trời đã chìm sau núi Ba Vì lam thẫm. Ánh hồng đã rực như than, cố níu lại phần sáng sắp tàn. Và phía đông bóng đêm dâng lên dần dần...

...Đầu giờ Mão hôm sau. Sương trắng còn mờ phủ rừng cây. Đức Thái Tông Trần Cảnh đã lên yên từ biệt người thôn nữ. Tần khóc nức nở. Tay quấn riết lấy áo bào đức vua, nàng nghẹn ngào nói qua nước mắt:

- Bệ hạ ơi! Tất cả... đời thiếp đã gửi trao... Không biết rằng khi bệ hạ về kinh sư, bệ hạ còn nhớ đến thân hèn mọn nơi thôn dã này chăng?

Đức vua nhẹ đặt tay lên mái tóc rối của Tần, buồn rầu an ủi:

- Em không ngại. Ta thề sẽ không quên lời hẹn ước cùng em đêm qua đâu. Ta sẽ cho đón em về kinh sư.

Tần càng khóc sướt mướt:

- Bệ hạ ơi! Biết rằng có được như lời không? Hay là năm tháng đổi thay... Chắc đâu lúc ấy bệ hạ còn nhận ra thiếp là ai nữa.

Có một vài tiếng ngựa hí phía cửa rừng như thúc giục. Biết rằng bọn lính thị vệ đã tề tựu đón chờ, đức vua có vẻ nóng ruột. Ngài rút kiếm, cắt mảnh áo bào chỗ Tần nắm, bảo nàng:

- Em nói chi điều ấy. Nếu thực lòng em chẳng tin ta... thì đây mảnh áo bào này làm tin. Mai sau dù có thế nào, cứ trông thấy mảnh bào này là chúng ta sẽ nhận được nhau. Thôi, em trở lại.

Ngài cúi xuống vuốt vội má Tần khe khẽ. Rồi ra roi phi thẳng. Tần, hai mắt đẫm lệ, mở trân trân nhìn theo cho tới khi bóng con ngựa trắng và mảnh áo vàng, khuất sau những bụi cây um tùm xanh ngắt. Lúc bấy giờ nàng mới như điên cuồng hấp tấp chạy theo lắp bắp gọi:

- Bệ hạ ơi! Bệ hạ...

Tiếng vó ngựa xa dần, rồi mất hẳn. Tần ngồi sụp xuống gốc cây ôm mặt khóc nức nở.

Sau một đêm mưa móc thấm nhuần, Tần thụ thai.

Vốn là con một nhà nho, được theo đòi đôi ba chữ thánh hiền, hiểu biết thế nào là tứ đức tam tòng, nàng càng lấy làm nhục nhã, hổ thẹn với làng nước. Nếu không nghĩ đến người mẹ mù lòa và đứa con trong bụng, nàng cũng chẳng thiết gì cõi đời nữa. Biết Tần hư hỏng, người trong làng bàn tán xôn xao. Kẻ chê, người cười nhưng xem ý, ai cũng ra ý tiếc rẻ, và lấy làm lạ: con người nết na, thuần thục thế mà lại đến "thế" được.

Ngày tháng thoi đưa, Tần đã đến ngày ở cữ. Hôm mùng tám tháng ba năm Thiên Ứng Chính Bình thứ tám (1239), nàng sinh hạ được một đứa con trai. Tần đặt tên là Sặt, lấy tên làng và cho theo họ ngoại.

Thế rồi năm tháng cứ nhạt nhẽo trôi qua. Tần cứ lặng lẽ dệt vải ngày này qua ngày khác. Và Sặt lớn dần.

Tiếng cút kít dệt vải ở cuối nghè Tây ấy vẫn đều đặn một cách chịu thương chịu khó, biết thân phận. Mà giấc mộng cung phi cũng đã chết hẳn trong lòng người thôn nữ. Chẳng bù với khi trước, gió hơi xao động rừng cây, nàng đã mơ hồ nghe tiếng ngựa xe, võng lọng.

Cuộc đời đối với Tần giờ vô vị, nhạt nhẽo quá. Đã mấy đám danh giá trong làng dạm hỏi, hứa sẽ trông nom Sặt cho đến nơi đến chốn, nhưng nàng vẫn khăng khăng một mực thủ tiết, thờ mẹ nuôi con. Thế rồi người mẹ già qua đời. Và Sặt đã lên bảy. Tần cho sang bên Cẩm Giang học cụ Thám Lê, bạn đồng song với cha nàng thuở trước.

*

Sặt rất đẹp tai, Tần vẫn nghĩ thầm trong óc: "Nó giống người ấy như đúc".

Cậu có một khuôn mặt trái xoan trắng trẻo. Chiếc mũi dọc dừa thon thon dòm xuống cặp môi đỏ hồng như son, hơi mỏng một chút. Nhất là mái tóc đen nhánh và dài chấm gót chân, khiến cậu có vẻ kiều mị như con gái. Nhưng trái lại, cặp mắt sáng quắc dưới cặp lông mày mác rậm, xếch ngược trên tảng trán dô cao, tỏ ra người cương quyết, có đảm lược và thông minh, tài trí hơn người.

Sặt tuy ít tuổi, nhưng học giỏi nhất trường, lại thêm có sức khỏe mạnh khác thường, nên bạn bè ai cũng có ý kính nể.

Làng Cẩm Giang vốn là đất vật. Sặt nhân học ở đấy nên hay cùng với mấy người bạn ra sới "tắm vật" chơi với các đô. Cụ Vệ Lẫm, một đô vật già, lão luyện môn vật, đem lòng yêu, truyền dạy các miếng bí hiểm cho Sặt. Vì có sức khỏe sẵn có, lại thêm được luyện tập cẩn thận, Sặt thành một đô vật rất tài. Cả sân Cẩm Giang đều lắc đầu lè lưỡi thán phục, không ai dám vật với cậu. Vì hễ đánh với cậu phi gãy xương thì bong gân.

Năm mười lăm tuổi, Sặt đi vật đám. Lần ấy, hội Phù Ninh, đô Trạch Khô giữ giải nhất. Đó là một đô đã ăn "giải cạn" mấy năm của vùng Đông Ngàn. Đến hội nào, va cũng chỉ đóng khố, chờ rã đám là ăn giải không. Bao nhiêu sân vật, đến ngay sân Cẩm Giang là một sân đàn anh trong vùng, cũng không có ai đánh bại.

Trạch Khô được sân sở tại hầu hạ trầu nước rất trọng vọng. Va đắc ý ngồi vênh váo trên chiếc ghế sơn son thếp vàng đã cũ dưới năm vuông nhiễu điều bay phấp phới, có vẻ coi thiên hạ bằng nửa con mắt, không có một ai địch nổi mình.

Tiếng trống cầm trịch bắt đầu nổi dậy. Đô hàng tỉnh lần lượt thi tài. Khảo xong ba keo lèo(1), đô Quắm Đen sân Cẩm Giang xin vào phá giải nhất.

Đôi bên vào vật, chưa đầy ba dịp trống. Quắm Đen bị Trạch Khô dùng miếng "quai quất", một tay khóa cánh vít gáy, một tay nắm khố mép(2) ném ra ngoài sới.

_________________

(1). Lèo: giải nhỏ, có được lèo mới được đánh giải. Những đô chưa nổi tiếng mới phải khảo lèo như thế.

(2). Khố mép: khố chỗ hai bên sườn.

Sặt đứng ngoài thấy bạn ngã tức uất lên. Mà sân mình không có ai dám vào. Cậu lên xin ông cầm chầu cho vào "theo keo". Sau một tiếng trống rắn rỏi nện mạnh nhận lời, Sặt ra giữa sới ngồi chờ. Trạch Khô thấy cậu còn bé, khinh thường kiêu ngạo:

- Chú bé con này thì đánh chác gì mà cũng đòi vào vật. Thôi đi về ăn quà mẹ, chẳng nhỡ ta quá tay thì toi mạng.

Dứt lời, y cười ha hả, Sặt điềm nhiên trả lời:

- Được, anh cứ đánh, việc gì phải lắm lời.

Trạch Khô nhìn thương hại:

- Cơ chừng chú bé con này ít tuổi không biết ta là ai hẳn?

- À hà! Ai còn lạ! Anh là Trạch Khô chứ gì?

- Ừ, đã biết tên ta, chắc hẳn biết chuyện ta vật với Vâm Lớn đấy nhỉ?

Trạch Khô có ý nhắc cho mọi người biết cái trận va vật với Vâm Lớn ở hội Tiêu Long mấy năm trước. Ngày đó, Vâm Lớn vẫn ăn giải cạn các hội vật vùng này. Trạch Khô mới nổi vào phá giải với Vâm Lớn. Đôi bên vật nhau ròng rã hai ngày không phân thắng phụ, cùng giở hết "nghệ" ra hạ nhau không nổi. Sau cùng Trạch Khô phải dùng đến miếng "tiện xương", nghĩa là lần các khớp xương kẻ địch mà tiện, làm cho người Vâm Lớn mềm ra như bún mới hạ nổi. Từ đấy, ai cũng sợ Trạch Khô, không dám vật với va nữa.

Lần này nhắc lại, Trạch Khô có ý khoe khoang và cũng có bảo cho cậu bé không biết thân phận kia nên thôi đi, va khỏi phải ra tay cho thêm bận. Nhưng trái lại với ý va tưởng. Sặt bĩu môi cười khẩy:

- Hừ! Anh có định đánh hay không mà đem cái đòn "tiện xương" ra nạt ta thế...

Trạch Khô cười giòn:

- À, đã muốn chết, ta cho chết!

Lên "đài"(1) xong rồi vào "bá tay tư"(2). Bàn tay Sặt vừa đặt lên gáy Trạch Khô, toàn thân hắn rùng hẳn lên. Biết gặp tay địch thủ ghê gớm, Trạch Khô không còn dám khinh thường, thận trọng từng miếng đánh, miếng gỡ. Một lát sau, xem chừng không thể địch lại Sặt, Trạch Khô xuống "nằm bò". Cái miếng "bò cắm"(3) này, khi nào cùng quá, y mới dùng. Đầu, bụng và chân tay như dán xuống đất. Không một ai bắt nổi. Người ta thường đồn, khi mà Trạch Khô xuống bò cắm thì dẫu lấy thuổng mà bẩy cũng không lên. Sặt loay hoay bắt bò. Đôi bên xoay xỏa bụi mù cả sới. Từ sáng cho đến đứng bóng, Sặt vẫn chưa làm gì nổi Trạch Khô. Cậu nóng ruột quá. Sau cùng vớ được "tay khố đỉnh". Cứ thế, Sặt dùng toàn lực nhấc bổng Trạch Khô lên, trước muôn ngàn tiếng hoan hô của mọi người.

___________________

(1). Lên đài: trước khi vật phải múa, múa như thế gọi là lên đài.

(2). Bá tay tư: một tay vít gáy, một tay nắm cánh tay địch thủ. Hai bên cùng dùng lối ấy gọi là bá tay tư.

(3). Bò cắm: nằm dán xuống đất, không nhấc được lên, có khi trũng sới.

Từ ấy ai cũng sợ công lực Sặt. Nghe thấy ở đâu có treo giải vật, dù xa xôi thế nào cậu cũng lần mò đến dự giải. Sặt đi vật đã nhiều nơi, mà chưa một ai đánh ngã nổi. Cậu thường phàn nàn tiếc rằng: chưa bao giờ được gặp địch thủ để thử sức, thử tài. Các đô thời bấy giờ gọi chàng là Trạng Vật. Hễ cậu giữ giải thì họ lờ đi, không dám vào phá, để Sặt ăn giải cạn. Mà nếu có đô nào mới nổi nho nhe muốn thi sức là họ vội can ngăn ngay: "Ấy chớ! Đừng vuốt râu hùm! Tôi bảo thật. Vật với ai thì vật chứ đừng vật với Trạng Sặt mà toi mạng".

*

Sau mấy năm loạn lạc, nào giặc Nguyên Nộn ở Bắc, Đoàn Thượng ở Đông, đánh đuổi quân biên cảnh nhà Tống sang quấy nhiễu, dẹp Chiêm Thành; trong nước tuy đã thái bình nhưng Thái sư Trần Thủ Độ vẫn không một lúc nào không lo toan chỉnh tu binh bị. Mỗi năm lại một lần tuyển những đinh tráng trong nước sung làm lính. Những người lính này phần nhiều là đô vật. Vì môn vật thời ấy thịnh hành không kém gì các môn võ khác trong nước. Từ kẻ chợ đến thôn quê, đâu đâu cũng náo nức tập vật. Cái tiếng tăm của hai ông đô Voi, đô Nghê thời Lí vẫn còn lừng lẫy trong nước. Thật là hai ông đô vật kì tài, vô tiền tuyệt hậu. Các bậc lão thành thời bấy giờ thường thuật lại cho bọn hậu sinh nghe để làm gương.

Truyền rằng: vua Thánh Tông nhà Lí nhân một buổi ngự về miền núi, tình cờ gặp hai người to lớn dị thường, mình trần đóng khố ung dung từ khe núi đi ra. (Có lẽ vì thế nên người thời ấy đồn hai ông nứt ở kẻ đá ra). Trên vai mỗi người đều vác một phiến đá rất lớn mà coi bộ không mệt nhọc gì. Nhà vua thấy thế bèn truyền gọi, đem về cung sung vào đội quân thị vệ. Hai ông này là anh em đẻ sinh đôi, vốn người sơn dã nên không quen mặc phẩm phục triều đình. Nên dù trời nóng hay lạnh vẫn cứ mình trần đóng khố như xưa. (Bởi thế người ta hay gọi là hai ông tướng Đá Rãi). Nhà vua cũng rộng lượng để cho được như ý. Thông thường, mỗi khi có sự vui mừng hay buồn nản trong lòng, nhà vua lại bắt hai ông vật nhau cho ngài ngự lãm. Cũng có đôi khi thách đố tất cả các đô trong nước đọ tài, nhưng không có ai địch nổi. Vì nếu hai ông mó vào người kẻ địch chỗ nào là gãy xương chỗ ấy. Nhà vua rất yêu mến, lúc nào cũng cho hầu ngay bên mình ngự.

Khi ngài đánh Chiêm Thành hay cự địch với quân nhà Tống cũng cho hai ông theo. Truyền rằng hai ông đô Nghê và đô Voi mình trần đóng khố bao, đầu đội mũ lưỡi búa, tay cầm hai cây roi, xông xáo giữa đám thiên binh vạn mã như chỗ không người. Gươm đao chém vào mình chỉ quằn lại chứ thịt da không hề sây sát.

Những năm chinh chiến ấy, hai ông lập được nhiều công trạng rất to. Uy quyền hiển hách trong triều. Vốn người sơn dã, tính tình ngay thẳng, thấy điều gì trái tai gai mắt thì dù kẻ quyền cao chức trọng đến đâu cũng không sợ. Trong triều, từ vua cho đến các quan, ai cũng kinh sợ và ghen ghét.

Thời bấy giờ, vua Thánh Tông quá tin mê đạo Phật, đem hết dân tài, dân lực dựng tháp Báo Thiên, đúc chuông chùa Sùng Khánh, đúc tượng chùa Thiên Phúc. Hai ông tướng Đá Rãi thấy quá xa xỉ có can ngăn, làm phật lòng đức vua. Nhân thế, mấy kẻ gian nịnh vẫn ghen ghét ông gièm pha: hai ông có ý thoán nghịch và quá lộng quyền, nếu không trừ sớm đi ắt mang đại họa về sau.

Thế là ngay phiên chầu hôm sau, hai ông phải mang ra pháp trường xử trảm. Nhưng băm vằm thế nào cũng chỉ quằn dao,chứ hai ông không chết. Triều đình lại cho ngựa phanh thây, cũng không xé xác nổi hai ông. Ai ai cũng sợ xanh mắt, lắc đầu lè lưỡi, cho là Lí Tồn Hiếu(*) tái sinh. Về sau có một ông vuốt râu cả cười bảo tên gian nịnh kia rằng: "Nay Thánh thượng đã nghe lời gièm pha của chúng bay muốn bắt chúng ta chết. Chúng ta xin chết để giãi lòng trung can cùng Thánh thượng. Như chúng ta, thì dù hình cụ độc địa thế nào chăng nữa cũng không thể chết được. Chỉ có một cách này, nhà ngươi vểnh tai lên mà nghe ta chỉ bảo: bay khá đem nứa vót thật sắc đằng cật, rồi tống ngược từ hậu môn là ta có thể chết được thôi".

Tên gian nịnh nghe theo. Quả nhiên hai ông chết thật. Trước khi chết, còn quay lại phía hoàng thành mà bái dài và kêu lớn lên rằng: "Chúng thần xin lấy cái chết mà tỏ lòng cùng Thánh thượng, mong ngài sớm tỉnh ngộ"(1).

Theo lời các bậc tiền bối, "vật là đầu hàng võ". Muốn thành một võ sĩ hoàn toàn phải giỏi vật đã. Cũng như trước khi tập kiếm, kích, côn, quyền, phải giỏi tấn. Vả nhà Đương quốc Trần Thủ Độ xưa kia cũng là một đô vật có tài vùng Thiên Thuộc (Tức Mặc), một làng vật giỏi nhất vùng Xuân Trường, quê hương ông. Cho nên ông rất ham chuộng, và hiểu cặn kẽ cái lợi hại của môn vật. Theo ông nhận xét, vật có nhiều đức tính con nhà binh cần phải có: can đảm, điềm tĩnh, nhanh trí, kiên nhẫn, và nhất là khỏe. (Cờ cao vật mạnh là câu châm ngôn của các đô). Bởi vậy Trần Thủ Độ luôn luôn khuyến khích môn vật, mở những cuộc vui có treo giải thưởng cho các đô vật trong nước tranh hùng. Mỗi năm một kì tuyển lính. Tinh thần thượng võ được sáp nhập với tinh thần quốc gia thành ra bành trướng mạnh mẽ vô cùng, tạo ra những quân đội tinh nhuệ và quả cảm, ghi những thành tích vẻ vang bất hủ trong quốc sử.

Năm Nguyên Phong thứ năm, Sặt cùng mấy người bạn sân Cẩm Giang, sân Ngọc Lợi được vào kinh đô vật kì tuyển lính hàng năm. Bấy giờ, cậu đã mười bảy tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu. Bằng ở cái sức mạnh tột vời Sặt có sẵn, người ta tin Sặt sẽ chiếm giải nhất, đem danh dự về cho lộ mình.

*

Trên một khoảng đất rộng ước chừng một sào ruộng đất cao, có cọc tre đóng xung quanh cho khỏi lở, dùng làm sới vật, lực sĩ các lộ thi nhau trổ tài. Ở đây toàn những đô vật chọn lọc kĩ càng có tài, có sức cả.

Đức Thái Tông Trần Cảnh cũng ngự xem, và có cả quan Thái sư Trần Thủ Độ cầm chầu cho thêm phần long trọng. 

Cờ xí, tàn quạt rợp trời. Nam phụ lão ấu đứng vây quanh xem đông như kiến cỏ. Đô vật các lộ ngồi hai bên trên ghế chờ xướng đến tên là ra thi sức. (Những đô này được nhà nước nuôi cho ăn từ hôm vào kinh). Cứ lần lượt hết cặp này đến cặp khác ra vật.

Trong những đô vật có Trạng Sặt và Trạng Kế (một đô vật khác) vật trội nhất.

Cái mạnh của Trạng Sặt rõ rệt trong các trận đánh loại, không một đô vật nào chịu được một nhịp trống. Còn cái tài của đô Kế biểu lộ ra sự lanh lẹ, có miếng hiểm độc của Trạng Kế, miếng "móc quai xanh". Cứ hễ đô Kế dùng đến miếng hiểm độc kia thì kẻ thù khỏe mạnh đến bậc nào cũng phải ngã, mà nếu cưỡng lại là gãy xương quai xanh ngay. Người ta đoán thế nào hai ông Trạng Vật ấy cũng phải gặp nhau. Cuộc gặp gỡ đó hứa hẹn một trận tranh hùng quyết liệt.

Cả hai cùng gờm nhau. Chưa biết chắc phần thắng sẽ về ai. Một đằng mạnh, một đằng tài.

Những lúc Trạng Kế vật với đô khác, Trạng Sặt để ý xem xét từng li, từng tí xem đánh nhau như thế nào để tìm cách phá. Và tối tối về công quán lại cùng mấy anh em luyện tập cho chắc chắn.

Sau ba ngày đánh khảo, Trạng Kế gặp Trạng Sặt. Hai đô này đã biết tài nhau, nên cùng thận trọng từng miếng. Có lúc hai bên cứ "bá tay tư" ghé đầu vào nhau nghĩ ngợi cách hàng phục kẻ địch. Có lúc dồn dập, xô đẩy cả sới. Trạng Kế đem hết tài ba, nhanh nhẹn với những miếng bí truyền ra hại Trạng Sặt. Nhưng không sao lại với sức mạnh kinh hồn của Sặt. Có miếng "móc quai xanh" thì bị Sặt hết sức giữ gìn, hễ giở ra là bị phá. Người quanh sới reo hò cổ vũ. Quan Thái sư Trần Thủ Độ có vẻ khoái trí được xem một cặp kì phùng địch thủ, tương ngộ tương tài. Tiếng trống ngũ lôi thúc dồn dập trợ uy.

Ba ngày trời ròng rã, vẫn chưa phân thắng bại. Mặt sới lồi lõm những vết chân của hai ông Trạng Vật giày xéo.

Sang đến ngày thứ tư, ngày chót. Trạng Kế đánh có vẻ quyết liệt lắm. Mà Trạng Sặt cũng không kém phần dũng mãnh. Đến quá ngọ bỗng đổi chiến lược. Nhanh nhẹn lạ thường, chập chờn hư thực, khi bên tả, khi bên hữu, lúc đằng trước, lúc đằng sau, không biết thế nào mà lường.

Trạng Sặt lúng túng xoay xỏa. Chỉ một chốc đã thấy ù tai hoa mắt. Mồ hôi đổ ra như tắm. Chân tay cuống quýt líu ríu, đánh, gỡ lạo chạo, Trạng Kế nhân cơ hội nhanh như cắt đưa tay phải lên bấu lấy quai xanh, còn tay trái vít gáy kẻ địch ghìm xuống. Trạng Sặt vùng vẫy cố gỡ nhưng không sao thoát được năm ngón tay như thép nguội kẹp chặt lấy xương quai xanh. Da dẻ Trạng Sặt tái dần, tái dần và toàn thân run lên bần bật. Họ há mồm, trố mắt hồi hộp đợi chờ. Có tiếng người cùng sân Trạng Sặt thét:

- Thôi chịu thua đi, Sặt ơi, không chết mất.

Sặt không trả lời, vẫn mắm môi cố thu tàn lực gỡ miếng hiểm nghèo. Giờ khắc nặng nề qua. Bỗng Trạng Kế hét lớn một tiếng. Trạng Sặt xám mặt lại và người co dúm vào. Há hốc mồm, mắt mở trừng trừng, mất tinh lạc. Trạng Sặt cố vùng vằng một lần nữa... Chợt chiếc khăn võ sinh bịt đầu bị xổ, một chiếc khăn vàng khác nữa bên trong rơi theo. Mớ tóc dài đen nhánh xổ ra rũ rượi.

Đức Thái Tông Trần Cảnh thoáng trông thấy. Ngài tái hẳn mặt đi, vội vàng xuống lệnh hoãn cuộc thi sức lại.

Mọi người đều kinh ngạc không hiểu vì lẽ gì.

*

Mảnh áo vàng cũ đã bạc màu của người mẹ thân yêu trao cho lúc lâm chung mà người căn dặn cặn kẽ, lúc nào cũng phải đem theo bên mình một cách sùng kính, vô tình rơi, đã cứu Sặt thoát chết trong khi Trạng Kế đánh một miếng bí truyền. Và cũng vì thế mà hai cha con Đức vua mới nhận được nhau.

Đức vua ôm ghì Sặt trong lòng. Hai mắt đẫm lệ. Ngài thủ thỉ nói với con như nói với người xưa:

- Cha có ngờ đâu. Con ơi! Cha có ngờ đâu. Bao năm chinh chiến và bận việc triều chính, cha đã quên mất mẹ con, để mẹ con phải sống bao năm trơ trọi ở một nơi thôn dã hẻo lánh. Cha đã phá tan hết hạnh phúc đòi mẹ con... Tần ơi! Tần ơi! Ở nơi suối vàng, chắc em hờn oán ta lắm... Thôi Tần ơi! Em tha lỗi cho ta...

Đức vua gục xuống đầu con khóc nức nở, Sặt cũng òa khóc theo.

Từ đó Sặt ở lại kinh sư và đổi tên họ ra Trần Quang Khải.

Khải ngày đêm chăm chỉ rèn văn luyện võ mỗi ngày một tinh thông thao lược. Năm Đinh Tị Nguyên Phong thứ bảy (1257), giặc Nguyên sang xâm lấn nước ta, Trần Quang Khải làm chức Thượng tướng, đồng tâm hiệp lực cùng các danh tướng nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên ra khỏi bờ cõi.

Tuy ông làm đến chức Tể tướng, nhưng tính tình vẫn giản dị như ngày còn ở chốn thôn quê, ưa cùng bạn bè ngâm vịnh. Và vẫn thích vật lắm. Ông mời Trạng Kế về nhà tôn làm thầy để rèn luyện. Đôi khi buồn nhớ thời xưa, ông lại giả làm thường dân đến những hội hè, đình đám có treo giải vật thi tài.

1944


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top