Chương 3:
Đi, ta đi để vứt bỏ quá khứ
Đi, ta đi để bắt đầu tương lai.
Đi...
Biết đâu phía trước u mê
Chẳng phải vực thẳm giết hại thân ta
Mà là một con đường mới
Con đường dẫn ta đi về một tương lai sáng.
Đi, ta đi.
Đây là lần đầu tiên cái Tý đi xa như vậy. Nó nằm yên trong hòm đến tận khi nóng quá chịu không nổi mới chui ra. Chiếc xe thì vẫn chạy, tiếng nổ cứ ù ù bên tai, thành ra người lái xe cũng chẳng biết gì ở đằng sau, thỉnh thoảng nhìn qua cái gương đồng, thấy hàng hóa không bị rơi là đủ rồi, hơi đâu mà xuống kiểm tra này nọ.
Thật ra cái thời này hãy còn nghèo lắm, kiếm được cái xe hàng như thế này, chắc chắn phải là chủ tiệm lớn lắm, chứ nhỏ thì đâu ra có cửa?
Cái Tý chui ra khỏi hòm, ngồi xuống dưới đuôi xe, ngó mãi đầu về phía sau. Không thấy nữa, không thấy xóm nhà nó nữa, không thấy cái bụi tre mà nó với thằng Dần hay chơi nữa, không nhìn thấy cái nương khoai mà nhà nó ngày đêm mò mẫm nữa, không nhìn thấy gì nữa, nó đi đủ xa rồi. Nhưng cái xe thì vẫn đi mãi, không chịu dừng lại. Nhảy xuống thì không dám, nó đành ngồi yên vào một phía.
Xe đi từ lúc trưa cho đến tận đêm. Lúc cái xe phanh gấp, cái Tý đang ngủ gật, giật mình ngã cắm đầu xuống đất. Sợ người ta chửi, nó vừa đứng dậy liền đi mất.
Đêm tối chập chùng ,đường lớn thênh thang. Nơi đất khách quê người này, nó biết phải đi đâu bây giờ? Nó không biết bây giờ đã là canh mấy, nhưng mà đã buồn ngủ lắm rồi. Xung quanh đèn điện cứ sáng như ban ngày, tiếng nhạc nó chưa bao giờ được nghe, tiếng gõ phách, tiếng hát, tiếng cười, tất cả đối với nó lúc này chính là một mớ hỗn loạn. Xung quanh chẳng có mấy nhà đã tắt đèn, nơi cái nhà to nhất mà nó nhìn thấy, người ra kẻ vào cứ đông như trẩy hội. Người nào người nấy nói cười giả lả. Mấy ả đào váy áo xinh đẹp õng ẹo qua lại, cái miệng tô son đỏ như cánh hoa cứ đon đả mời chào, ả nào ả nấy đều mặt hoa da phấn.
Cái Tý nép vào một góc, đôi mắt tròn to của nó nhìn hết những gì đang diễn ra. Ánh mắt vốn dĩ sắc và đậm nét bây giờ lại có thêm chút gì đó ngây ngô. Vì nó lạ, lạ với tất cả mọi thứ.
Đằng nào cũng chẳng biết đi đâu, nó ngồi luôn xuống chân cửa nhà nào đó ngủ thiếp đi, bên tai hãy còn văng vẳng tiếng cười nói xa lạ, tiếng gõ phách, tiếng đàn, và tiếng hát.
Đêm đầu tiên ở nơi xa xứ, cứ thế mà trôi qua. Cái nhà lớn ấy thì vẫn cứ tấp nập, chẳng ai để ý xa xa một chút, có một con bé áo quần rách rưới đang co ro nằm ngủ dưới đêm sương. Mà không để ý cũng đúng thôi, nơi này những đứa như nó đâu có thiếu?
Canh tư.
Không có tiếng gà gáy, không có tiếng chó sủa. Chỉ nghe thấy tiếng lạch cạch mở cửa, cùng với cái giọng đây đẩy :
- Ơ, cái con dở hơi này, mày làm gì ở trước nhà bà hả? Cút! Cút ngay.
Thì ra, là ở đâu, thì nó cũng bị xua đuổi. Cho dù đi đâu, sự thật đó cũng không thể thay đổi.
Nó lang thang khắp nơi, nhìn bên nọ, ngó bên lia, lạ lẫm với tất cả.
Ở đây không có những ngôi nhà nhỏ thưa thưa, mà chi chít toàn nhà là nhà cái to cái bé lẫn lộn. Ở đây không có mấy ông bác sáng sớm dắt trâu ra đồng, mà là một đoàn xe kéo chờ khách ven đường. Căn nhà lớn nhộn nhịp hồi đêm qua bây giờ đóng cửa im lìm. Nó lang thang nơi các vệ đường, nó cũng chẳng biết là nó đi đâu.
Quầy hàng chỉ có hai cái ghế dài, một đám người cắm đầu vào ăn, nào cơm, nào rau, nào thịt. Cái Tý đứng ngay cạnh, bỗng chốc thất thần.
Không biết thầy u ở nhà có được ăn cơm hay không ? Thằng Dần, cái Tỉu nữa,có bị đói bữa nào hay không?
Bà chủ hàng cơm nhìn thấy nó thì đuổi đi, nó cũng biết, nó không có tiền, làm gì được ăn cơm? Người ta có biết mình đâu mà đem đi bố thí?
Nó lại ôm cái bụng đói tiếp tục đi, đi qua một khu phố, sự hào nhoáng khiến nó quên cả cơn đói.
Đây bên này hàng vải, bên kia hàng giấy, hàng trang sức, hàng phấn son, mấy cô thiếu nữ thướt tha váy áo cười cười nói nói, xem bên này một chút, lại vòng sang bên kia.
Nó thững thờ bước đi. Từ nhỏ đến lớn, ngoài hội làng hàng năm, nó chưa từng thấy nhiều người mặc áo quần đẹp như vậy. Nghĩ đến người mẹ chưa được ba chục tuổi đầu ở nhà lúc nào cũng chỉ được mặc bộ quần áo màu nâu sờn vai, nó lại thấy thật thương lắm cái đời của mẹ nó.
- Ôi!
Đi không nhìn đường,nó va vào một chị gái xinh xinh, chị ấy giật mình, túi đồ trên tay rơi xuống đất. Cái Tý nhanh nhảu nhặt hết đồ rơi ra vào túi, hai tay giơ lên ngoan ngoãn trả lại cho người ta . Chị gái ấy đón lấy túi đồ bị rơi, một cô ả khác bên cạnh lại đanh đảnh kêu:
- Đi với chả đứng. Chị Miên, kệ nó đi.
Cô gái tên là Miên ấy ngồi xuống, đưa tay xoa má cái Tý :
- Em tên là gì?
- Em tên là Tý.
- Em mấy tuổi rồi?
- Em tám tuổi.
- Nhà em ở đâu?
Cái Tý không đáp, chỉ lắc đầu. Miên nhìn cái Tý một lúc, rồi kéo nó đứng dậy :
- Em có chỗ để ở không?
Cái Tý cúi gằm mặt, lại lắc đầu. Miên vuốt nhẹ mái tóc xơ xác của nó, khẽ thở dài :
- Tội nghiệp, hay thôi, em về với chị, chị sẽ nuôi em.
- Ơ! Chị Miên, chị điên à? Bà Xuân mà biết thì có mà chết.
Miên lúc này đã tỏ rõ nét mặt không vui, nói với cô ả đi cùng :
- Bao nhiêu trách nhiệm, chị chịu.
Cái Tý cứ như thế mà được cô gái tên là Miên ấy đưa đi, nó không phải không đề phòng, mà là chỉ có con đường đó mà thôi. Nếu như chị Miên là người xấu, vậy ở ngoài này cũng có khác gì? Lang thang chẳng biết được mấy mấy ngày nữa ,nó cũng chết đói mà thôi.
Miên dẫn nó đến căn nhà lớn đàn nhạc tấp nập hôm qua, thấy nó hơi bất ngờ, Miên chỉ cười :
- Chị sống ở đây.
Miên dẫn nó đi qua cửa lớn , đó là một căn nhà rất to, có tới ba dãy. Nó để mặc chị gái đó muốn dẫn nó đi đâu thì đi, chỉ mải nhìn xung quanh.
- Miên! Đứa nào đấy?
Cái Tý thấy Miên dừng lại, nó cũng dừng lại, len lén quan sát người đang đến gần. Đó là một người đàn bà già hơn mẹ nó một tý, chắc cũng chỉ ba chục tuổi, mình mặc áo gấm, chân đi giày thêu, vòng tay màu xanh biếc rất đẹp mắt, tóc vấn cao, trên cổ còn đeo một sợi dây đầy những hạt to bằng hai ngón tay, giống hệt cái vòng quý của bà Nghị, gương mặt sắc xảo hơi có phần dữ dằn,da dẻ trắng muốt,nom vẫn còn đẹp chán.
- Chị Xuân, em đưa con bé này về ở với em.
- Cô nghĩ đây là nhà cô đấy à ? Thích tha ai về thì tha, cô nghĩ đây là cái hố rác à?
- Thì chị cứ để em giữ nó lại, nó còn bé, đáng mấy đồng cơm?
Người đàn bà tên Xuân ấy hừ một cái, đủng đỉnh rời đi, miệng còn lẩm bẩm : ỷ có ông Phán chống đỡ, thì thích làm gì thì làm à?
Miên dẫn nó đến phòng của mình, cho ăn uống đầy đủ. Cái Tý nhìn ra được, người này rất tốt với nó.
- Không ai thích em cả, tại sao chị không ghét em?
- Em chỉ là trẻ con, sao lại có thể ghét cơ chứ?
Miên nhìn nó, rồi lại thở dài, nhìn xa xôi, như đang nhớ về một câu chuyện cũ.
- Ngày xưa, chị cũng giống như em, lang thang khắp nơi, bữa no bữa đói, rồi, khi chị mười lăm tuổi, thì bị người khác lừa bán vào đây. Em có thể có cuộc sống tốt hơn mà, nên chị mới giúp em.
- Đây là đâu hả chị?
- Nơi đây là phố Chân Cầm, còn đây là nhà trò Hà Nhiên, nhà trò lớn nhất ở cái phố Chân Cầm này đấy!
- Nhà trò là gì hả chị?
- Là nơi múa hát mua vui cho những kẻ có tiền ...
...
Cái Tý ở lại nhà trò Hà Nhiên, được ăn được ngủ đàng hoàng ,thỉnh thoảng cũng làm mấy việc lặt vặt, chị Miên cũng may cho nó mấy bộ cánh mới, mặc vào đâu cũng ra đấy lắm. Ở đây ít lâu, nó cũng biết, chị Miên là đào hát chính ở đây, lại được ông Thông Phán gì gì đó thích, nên chẳng ai dám gây chuyện, nên nó mới được ở lại đây. Những lúc Miên tiếp khách, nó lại trốn xuống dưới bếp.
Nó cũng biết, ở đây chẳng có ai để nó vào mắt, tuy là không ai đuổi nó đi, nhưng...
Nó không thể dựa vào chị Miên mà sống mãi được.
Thế là, nó bắt đầu làm mọi việc, từ quét nhà đến giặt đồ, rửa bát, tất cả đều làm. Lúc đầu Miên còn không cho nó làm, sau dần cũng cười xòa để mặc nó. Mấy ả đào trong nhà trò cũng không mấy thích nó, song nó nhanh nhẹn, lại đáng yêu, lâu dần cũng coi nó như con sen, thỉnh thoảng vui lên sẽ còn cho nó vài đồng.
Nhưng rồi, nó có hỏi mãi, cũng không ai biết cái thôn Đoài quê nó.
Rồi sau này, nó biết về nhà bằng cách nào?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top