CHƯƠNG X: CÁC CÁCH LUYỆN TẬP GIẢI BÀI TỪ CƠ BẢN ĐẾN NÂNG CAO (2)

8. Chuyển hóa ngôn ngữ lý thuyết thành thực tế

Hãy luôn chú ý rằng, thứ bạn học được là lý thuyết, có thể hàm chứa một vài kinh nghiệm nhưng không quá nhiều. Việc học và xem bài là hai điều hoàn toàn khác nhau. Học 10 điểm và xem bài 10 điểm là hai đẳng cấp hoàn toàn khác biệt. Vậy nên lý thuyết chỉ chiếm 40% là nhiều, còn lại còn phụ thuộc vào khả năng diễn giải cũng như sự thực tế của bạn trong ngôn ngữ để người xem có thể cảm thấy hay hơn.

Vậy nên những người dưới 18 tuổi thì chưa nên học bởi vì họ chưa thật sự đủ trải nghiệm để hiểu mọi lá bài cũng như giải bài, và vốn từ đủ nhiều (đối với đại đa số).

Kiến thức học được là một khối kim loại thô sơ, việc xem bài chính là quá trình bạn mài giũa cục kim loại đó cho tới khi hình thành được vật dụng bạn yêu thích. Lúc đó bạn sẽ giải bài hay hơn, có cá tính hơn và có hồn hơn.

Mỗi người học đều sẽ có một lối trải bài riêng, việc bạn học và trải bài khác những người khác thì đó chưa bao giờ là vấn đề, mỗi ngừoi đều có chất riêng. Nhưng nếu bạn trải bài khác biệt hoàn toàn so với người khác, không có một điểm chung nhất định thì khả năng là bạn hoặc người kia đang sai hoàn toàn. Vì dù có khác biệt tới đâu thì vẫn sẽ luôn có điểm chung cơ bản giữa những người giải bài với nhau (xét cùng trên một trải bài và những người cùng trình độ với nhau).

Vậy làm sao để chuyển hoá ngôn ngữ từ lý thuyết đã học thành những ngôn ngữ thực tế, dễ hiểu. cách duy nhất để làm chính là bạn phải trải bài thật nhiều, thật nhiều và thật nhiều. có thể là sau một vài tháng, một vài năm là sẽ được đối với tuỳ từng người. nhưng thường là khoảng 2 năm là bạn sẽ đạt tới trình độ khá ổn.

Lưu ý số lượng ẩn chính ẩn phụ

Trong một trải bài bất kì, khi số lá ẩn phụ nhiều hơn lá ẩn chính thì kết quả hay diễn biến của trải bài này vẫn có thể thay đổi. Khi số lá ẩn chính nhiều hơn lá ẩn phụ thì kết quả hay diễn biến của trải bài là không thể thay đổi hoặc rất khó thay đổi. (xét theo lý thuyết)

Kinh nghiệm thực tế: trên thực tế, đối với tất cả các trải bài, dù ẩn chính hay ẩn phụ nhiều hơn thì đều có thể thay đổi hoặc không. Đa phần tỉ lệ không thể thay đổi là khoảng 80%, tức là cứ 10 người xem bài thì chỉ có khoảng 1-2 người là có thể thay đổi tình huống dựa trên các lời khuyên mà Reader đưa ra. Còn lại thì gần như là không thay đổi được. Việc có thể thay đổi được hay không thường dựa trên 2 yếu tố:

- 1 là người đó có muốn thay đổi hay không, có thật sự cố gắng hết mình để thay đổi hay không

- 2 là việc đó có nằm trong tầm kiểm soát của người này hay không, có liên quan đến duyên nợ hay người khác hay không.

9. Cách đặt câu hỏi trong quá trình xem

Đừng hỏi nếu như bạn không thực sự muốn biết. Suy nghĩ vấn đề này một cách nghiêm túc. Hãy tưởng tượng tất cả các câu trả lời có thể xảy ra với câu hỏi của bạn, điều tốt, điều xấu và trung lập. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào với các câu trả lời? Nếu bạn sẵn sàng để biết và không vấn đề gì vướng bận thì mới tiến hành đặt câu hỏi. Nếu chưa sẵn sàng thì hãy đặt bộ bài xuống và chờ đợi đến khi sẵn sàng.

Bạn có tin vào tương lai đã được định trước không? Nếu bạn muốn hỏi một bộ bài điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, sau đó có thể bạn suy nghĩ rằng tương lai đã được sắp đặt hoặc định trước. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không có sự tự do hoặc không thể tác động vào kết quả - trong chốc lát, bạn tin vào điều này sẽ xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Niềm tin này có thể ảnh hưởng tới cách bạn diễn đạt câu hỏi. Bạn có thể hỏi "Bao giờ tôi kết hôn?" trái ngược với câu hỏi "Làm thế nào để tôi có thể tạo dựng một mối quan hệ vững chắc để tiến tới hôn nhân?".

Bạn tin vào việc bạn có thể kiểm soát tương lai hay không? Đây chỉ là sự đối lập niềm tin được nêu ra ở trên. Trong trường hợp này, câu hỏi của bạn về tương lai tập trung vào việc bạn có thể tạo ra điều mình muốn. Bạn có thể hỏi "Tôi cần phải làm gì để có công việc theo mơ ước của mình?" trái ngược với câu hỏi "Tôi có thể tìm được một công việc không?"

Bạn có tin rằng bạn có thể kiểm soát nhưng có một số việc vượt ngoài tầm khả năng của mình? Đây là một phương pháp hỏi kết hợp khá là phổ biến. Khi bạn vừa tin rằng bạn có thể kiểm soát cuộc sống của mình và đồng thời bạn cũng tin có những điều nằm ngoài khả năng của bạn. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi khác nhau. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi bài khác nhau. Bạn cần phải đặt một câu hỏi mang nhiều lớp nghĩa, ví dụ như "Tôi cần biết điều gì về thị trường việc làm, và làm thế nào để tôi tìm được một công việc tốt nhất cho mình?".

Đặt câu hỏi là một việc rất quan trọng. Nó không những phản ánh niềm tin và định hình câu trả lời của bạn mà còn ảnh hưởng việc bạn giải thích ý nghĩa các lá bài. Ví dụ một người tin rằng The Death trong trải bài tình cảm như là một sự kết thúc mối quan hệ này. Một người khác suy nghĩ một cách ngắn gọn như là một cơ hội để thay đổi cho tình trạng trì trệ đang diễn ra trong mối quan hệ. Mỗi lần đọc bài, mỗi người sẽ tự rút ra những kinh nghiệm, để áp dụng vào những tình huống khác nhau.

Cách đặt câu hỏi:

Bước 1: Phân tích vấn đề. Xem có những chủ thể nào có liên quan và những yếu tố nào tác động (Ví dụ: coi chuyện tình cảm của người đã có người yêu thì ở đây chỉ có 2 chủ thể)

Bước 2: Tư vấn cho khách hàng câu hỏi.

Chỉ có một vài loại câu hỏi cụ thể như là:

- Câu hỏi như thế nào?

- Câu hỏi thời gian tới?

- Câu hỏi có không?

- Câu hỏi suy nghĩ của người khác về chủ thể, mối quan hệ hay sự việc?

- Câu hỏi lời khuyên?

- Câu hỏi miêu tả người, miêu tả sự việc?

Bước 3: Vận dụng những câu hỏi vào để trải bài. Tôi tin chắc chỉ với 6 câu hỏi mẫu kia thì bạn sẽ có thể giải quyết đa phần mọi vấn đề.

10. Những đầu tránh hỏi khi xem bài

- Tránh hỏi những câu mà không giới hạn về mặt thời gian hoặc quá xa. Ví dụ: Khi nào tôi giàu, Khi nào tôi có thể mua được nhà, Khi nào tôi có thể mua được xe (nếu vượt qua 2 năm thì không nên hỏi)

- Không nên xem về bệnh tật, sức khoẻ, cái chết. Mặc dù Tarot có thể xem về sức khoẻ nhưng tôi khuyên bạn không nên xem bởi vì đi khám bác sĩ vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.

- Không nên hỏi về những điều không tốt. Ví dụ: Khi nào chia tay?

- Không nên hỏi về người khác, những người không liên quan hoặc chưa được cho phép, không được xen vào quyền riêng tư, mối quan hệ của họ. Việc này là do Reader quyết định và từ chối. Đương nhiên hoàn toàn có thể xem được, chỉ là không nên xâm phạm vào quyền riêng tư của người khác bởi nó sẽ tạo ra nghiệp, cả 2 người là người xem và người đọc bài đều phải gánh nghiệp. (theo quan điểm cá nhân)

- Không nên hỏi bài về các định hướng như: tôi nên làm gì, tôi nên học đại học gì mà hãy có quan điểm trước khi hỏi bài, rồi xem và nhìn nhận, cân nhắc vấn đề. Không nên xem bài khi chưa có định hướng vì Reader không chịu trách nhiệm cho quyết định hay cuộc đời của bạn nên hãy suy nghĩ kĩ.

11. Quy trình trải bài nên diễn ra như thế nào

- Bước 1: Nói chuyện sơ qua về vấn đề khách gặp phải, xin thông tin về người xem và những đối tượng có liên quan

- Bước 2: Liệt kê và tư vấn những câu hỏi cho khách

- Bước 3: Trải bài toàn diện - trải hết tất cả các câu hỏi cùng một lúc (với điều kiện là cùng một vấn đề, chủ đề) để có thể nhìn thấy rõ các mặt của vấn đề, từ đó giải bài dễ hơn. Nếu chỉ trải một trải xong giải rồi lại trải xong giải thì rất dễ có sự mâu thuẫn, đối lập trong lúc trải bài

- Bước 4: Kết luận vấn đề và đưa ra lời khuyên

- Bước 5: Nói chuyện nhẹ nhàng và chữa lành cho khách sau buổi xem (nên)

12. Bài xuôi và bài ngược khác nhau như thế nào?

Đối với những bạn học và xem bài Tarot thì không xa lạ gì với bài ngược. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu về ý nghĩa của bài ngược cũng như bài ngược và bài xuôi khác nhau như thế nào? Cách xem ra sao và có những lưu ý gì chưa? Qua đây tôi sẽ chia sẻ để bạn có cái nhìn khách quan hơn về bài xuôi và ngược.

- Bài xuôi là khi ta trải bài sẽ sắp xếp sao cho các lá bài cùng chiều.

- Bài ngược là khi ta trải bài sẽ sắp xếp đúng chiều của các lá bài, quá trình xào bài cũng phải tạo ra sự ngẫu nhiên cho các lá bài xuôi ngược.

Vậy có phải bài xuôi sẽ ít ý nghĩa hơn bài ngược? Câu trả lời là không, bài xuôi thực chất bao hàm tất cả mọi ý nghĩa, khi trải bài xuôi ta vẫn có thể kết hợp các ý nghĩa của bài ngược hoặc không để giải bài. Việc bạn trải bài xuôi nhưng nếu có linh cảm lá đó mang ý nghĩa của bài ngược thì vẫn dùng ý nghĩa ngược bình thường.

Việc trải bài ngược là cách giúp bạn nhìn rõ hơn rằng lá bài này khi ra sẽ mang ý nghĩa nào, xuôi hay ngược, từ đó giải bài sẽ hay hơn và chính xác hơn. Trải bài ngược mang tính phân tách lá bài thành 2 chiều, từ đó dễ nhìn thấy ý nghĩa lá bài đó muốn nói tới trong vấn đề là gì chứ không phải là sinh ra 1 tầng ý nghĩa mới. Ý nghĩa ngược vốn đã nằm trong lá bài từ lâu, chẳng qua là bạn chưa học tới hoặc chưa đủ khả năng để học! Vậy nên hãy nhìn nhận và hiểu về nghĩa ngược để có cái hiểu đúng nhất về bài ngược. Bài ngược không quá thần thánh nhưng nó là phương pháp xem giúp bạn cải thiện tỉ lệ chính xác cũng như sự chi tiết của trải bài mà không nhiều Reader bật mí về điều này.

Tuy nhiên đối với những người mới học thì chỉ nên học ý nghĩa của bài xuôi, loại bỏ ý nghĩa ngược để có thể dễ hiểu hơn, dễ học hơn. Nếu bạn học tất cả, thêm nghĩa ngược thì rất dễ tẩu hoả nhập ma, dễ gây ra nhầm lẫn và mất phương hướng. Chỉ nên học thêm nghĩa ngược khi đã có kinh nghiệm từ 1, 2 năm trải bài trở lên hoặc bạn phải là người cực kì thông minh, có khả năng suy luận logic cao cũng như có duyên với tâm linh!

Các bước trải bài ngược

- Bước 1: Xào bài (xào bài ngẫu nhiên để các lá có thể đảo chiều)

Ví dụ: Trộn bộ bài 3 lần rồi nhấc một nửa bộ bài lên, xoay ngược chiều lại. Rồi tiếp tục trộn bộ bài 3 lần, rồi lại nhấc một nửa lên xoay ngược lại. Làm một vài lần là bộ bài sẽ có sự ngẫu nhiên

- Bước 2: Rút bài. Nhớ phải để đúng chiều lá bài và phải có sự quy ước giống nhau khi rút những lá bài sao cho mỗi lá bài đều được rút giống nhau và không có sự sai lệch

- Bước 3: Giải bài

13. Những lỗi gặp phải khi xem bài

Dù bạn là reader hay newbie thì cũng sẽ có lúc gặp phải những lỗi khi xem Tarot, hay còn gọi là sự cố ngoài ý muốn trong quá trình trải bài.

Xem bài khi có tâm trạng và sức khỏe không ổn định hoặc thiếu niềm tin vào bản thân!

Khi bạn có sức khoẻ hoặc tâm trạng không tốt thì nhất định là không nên xem bài bởi năng lượng của bản thân bạn sẽ bị ảnh hưởng tới trài bài. Ví dụ nếu bạn đang rất tiêu cực mà trải về chuyện vui, thì khi bạn giải bài, ngôn ngữ của bạn sẽ mang hơi hướng tiêu cực mà bạn truyền vào trong đó, làm người xem cảm thấy hoang mang, lo lắng. Điều này là không nên và không được xảy ra nếu không bạn sẽ làm hỏng buổi xem hoặc sai kết quả xem.

Khi bạn thiếu niềm tin vào bản thân, tâm lí không tốt, tôi tin chắc rằng bạn sẽ xem sai tới 90%. Xem 10 người thì phải sai 9 người. Cho dù bạn có là newbie hay reader chuyên nghiệp thì cũng không tránh khỏi trường hợp này, kể cả tôi cũng đã trải qua tình huống này nên tổi hiểu rất rõ. Vậy nên hãy có niềm tin vào bản thân!

Để tâm lý người xem ảnh hưởng mạnh lên Reader

Bản thân Reader xem bài phải có khả năng độc lập nhất định trong tâm lý và tư tưởng để không bị năng lượng của người xem cũng như sự tiêu cực trong câu chuyện ảnh hưởng. Nếu không sau khi trải bài xong, thứ bạn nhận lại sẽ là một đống cảm xúc hỗn độn khó tả và bạn sẽ lại đi tìm cách giải toả nó ra. Đây là tình trạng không tốt, ai xem Tarot cũng bị nhưng sau một vài năm trải bài thì tôi tin chắc là tâm lý bạn sẽ đủ vững để không bị ảnh hưởng tới bản thân từ câu chuyện của người xem.

Hỏi cùng một câu hỏi hay cùng đề tài 2-3 lần

Điều này tối kỵ, chứng tỏ bạn không tin Reader hay Reader không tin tưởng khả năng của họ hay Reader không tin tưởng bộ bài. Nên kết quả thu được sẽ làm chúng ta loạn não, một câu hỏi chỉ nên hỏi m lần mà thôi, vì khi xáo bài bạn đã đặt lòng tin và thầm cầu nguyện về kết quả sẽ có thể xảy ra cho dù tốt hay xấu bạn phải chuẩn bị tinh thần. Tránh những câu hỏi quá dài dòng luộm thuộm, Reader có thể giúp khách đặt câu hỏi sao cho đúng cách, hay là chia câu hỏi ra thành nhiều câu nhỏ để dễ trả lời

Đọc bài dựa trên quan điểm của mình hay thúc đẩy khách làm theo suy luận của mình

Điều này là không nên bởi khi xem bài, bạn nên giải bài một cách khách quan để người xem nhìn nhận. Tránh việc áp đặt lên người xem. Ví dụ: xem bài rồi bảo khách phải chia tay người này người kia, phải yêu người này yêu người kia. Bạn không chịu trách nhiệm cho quyết định của khách hàng nên vì vậy đừng áp đặt quan điểm của bạn lên họ cho dù nó có đúng. Hãy xem bài một cách khách quan, đưa ra những lời khuyên theo ý bạn còn việc quyết định phải là của khách hàng. Tôi đã từng xem nhiều Reader trải bài và thấy họ bày tỏ quan điểm quá mạnh và gây ảnh hưởng lên khách hàng, bắt khách hàng làm theo hoặc thúc đẩy khách hàng một cách mãnh liệt là phải như thế này như thế kia. Cảm giác họ thật thiếu chuyên nghiệp!

Khi nào thì phải rút lại bài, trải lại một trải mới?

Có nhiều bạn newbie thắc mắc rằng khi nào thì mình cần thu bài lại để trải một trải mới. Khi nào có thể rút bài tiếp mà không cần xào lại.

Việc này khá đơn giản. Khi trải một vấn đề thì bạn không nhất thiết phải thu bài lại, cứ rút tiếp mà không cần phải lo lắng nhưng nếu bạn đã rút hết nửa bộ bài hoặc rút hết nhiều lá bài rồi thì nên trải lại. Việc thu bài để trộn rồi trải tiếp không ảnh hưởng tới kết quả đúng sai của trải bài. Chỉ là nếu có lá đã ra rồi thì nó sẽ không ra thêm một lần nữa nếu bạn không thu bài lại. Và vấn đề phụ thuộc vào người xem và sự chủ động của họ chứ không có quy tắc nào quy định.

Nhưng nếu bạn đang trải vấn đề A mà lại chuyển sang vấn đề B không liên quan thì bắt buộc phải thu hết những lá bài lại, xào bài và trải một trải mới. Không được rút tiếp khi khác vấn đề!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top