kiến lộc 3

Chương 21
"Hôm nay là ngày mừng thọ của ai gia, quả thực ai gia không nên thấy những cảnh này." Thái hậu lần chuỗi tràng hạt, miệng niệm: "A di đà phật."

"Tiện nhân! Ngươi quấy nhiễu thánh giá, phá hỏng ngày mừng thọ thái hậu. Ngươi nói xem mình đáng bị phạt tội gì!"

Vãn Thược cuối cùng cũng không im lặng được nữa. Nghe thái hậu nói như vậy, ả ta không nhịn được nhân cơ hội thêm dầu vào lửa.

Hoàng thượng vẫn vậy, trầm ngâm, sau đó dứt khoát phất tay: "Lôi hết xuống đi, trông thêm bực dọc."

Có người sắp đến lôi ta xuống, Cảnh Yến lập tức quỳ xuống: "Hoàng thượng..."

"Không nghe thấy sao? Lôi hết xuống!" Hoàng thượng lướt nhìn Cảnh Yến, nhíu mày: "Tiểu Cửu, đệ đứng lên."

"Thần phụ lòng tin của hoàng thượng, để tiệc mừng thọ xảy ra chuyện là tội của thần"." Cảnh Yến vẫn quỳ, lưng thẳng tắp, không hề nhúc nhích.

Thực lòng, ta không ngờ rằng Cảnh Yến sẽ làm như vậy. Chuyện này không nằm trong tính toán của ta.

Thực ra, giờ phút này ta cũng đến quên mất mình tính toán gì vì chính ta đã gần như phát điên.

Hoàng thượng càng nhíu chặt mày: "Cảnh Yến, đừng có hồ đồ, làm vậy chỉ vì một nữ nhân?"

Ta nhìn ngài ấy, có lẽ đúng là hồ đồ thật, làm vậy chỉ vì một nữ nhân, lại là một nữ nhân như ta.

Vãn Thược càng tức giận, ả không chịu được bèn mở miệng hống hách quát: "Còn đứng đấy làm gì! Lôi tiện nhân này ra ngoài!"

Ta nhất quyết phải lôi được ả ra, tiếp tục chọc tức ả: "Mạc Vãn Thược, sao cô cứ năm lần bảy lượt hãm hại ta! Tại sao không buông tha cho ta! Ta có thành ma cũng không tha cho cô!"

"Hỗn xược!"

Cuối cùng hoàng đế cũng nổi giận, ngài nhìn ta với ánh mắt lạnh lùng: "Ả nữ nhân này vô phép vô tắc, mau lôi xuống dưới!"

"Hoàng thượng!" Cảnh Yến cắn chặt răng, từ từ dập đầu: "Thiếp của thần thiếu phép tắc, mạo phạm người, mạo phạm thái hậu nương nương, mạo phạm Vãn Thược quận chúa, nàng đáng tội chết."

Ngài đứng dậy, bóng lưng thẳng như dáng cây tùng. Ngài cầm vò rượu trên bàn, giọng nói nghiêm nghị: "Thần cũng có tội, theo lý phải phạt ba ly."

Rượu chảy vào chén vang thành tiếng. Cảnh Yến nhấc chén lên, nói rõ mồn một từng chữ: "Chén thứ nhất."

Choang một tiếng, Vãn Thược xông ra hất đổ chén rượu đi. Chén rượu văng xuống đất vỡ thành nhiều mảnh.

"Thược Nhi, con làm gì vậy?" Thái hậu khiển trách ả một câu - là đang trách ả không biết nhẫn nhịn.

"Hoàng tổ mẫu, không được uống rượu này." Vãn Thược nói rồi bật khóc: "Hoàng tổ mẫu, người cứu con với."

Không ai dám chất vấn, nhưng Cảnh Yến dám: "Thược Nhi, sao rượu này lại không uống được."

Ả im bặt, Cảnh Yến lại tiếp tục chất vấn: "Thược Nhi, lần trước nàng xông vào phủ đánh Nguyên Nguyên thừa sống thiếu chết, hôm nay, nàng lại muốn giết cô ấy?"

"Không phải đâu, uống rượu này không chết, chỉ là...chỉ..."

Ả nói ra câu ấy cũng nhận ra mình đã tự vạch áo cho người xem lưng nên ấp úng rồi không nói nữa.

"Thược Nhi, con bé này học được thói ghen khi nào vậy?" Hoàng thượng nhẹ nhàng trách ả một câu.

Vãn Thược khóc không thành tiếng, mãi sau Mạc hầu đứng ra quỳ xuống xin: "Hoàng thượng, thái hậu nương nương, đều tại thần không dạy dỗ con bé cẩn thận."

"Ngày mừng thọ thái hậu mà lại rùm beng không ra thể thống gì!" Đã đến nước này, Vãn Thược cũng đã tự mình thừa nhận rồi, hoàng thượng cũng không thể bao che nữa. Ngài đành phải giả vờ giả vịt hỏi tội cô ả: "Thược Nhi, con làm sai, trẫm sẽ không bao che cho con. Trẫm phạt con bị cấm túc hai tháng, tự mình ngẫm nghĩ."

Hình phạt nặng quá!

"Tiểu Cửu, đệ cũng phụ lòng ta, nhưng niệm tình huynh đệ, trẫm không truy cứu nữa."

"Tạ ơn hoàng thượng, thần hổ thẹn với hoàng thượng." Ngài lại dập đầu. Đây là cái dập đầu thứ ba trong đêm nay, ngài nói tiếp: "Nguyên Nguyên làm sai, thần sẽ phạt nàng đến quỳ ở từ đường và chép phạt Kinh Thư."

Hoàng thượng bày vẽ hỏi ý thái hậu, thái hậu giả đò niệm phật, ừ hử một tiếng không thèm đếm xỉa.

Khi bị đưa đi Vãn Thược vừa khóc vừa hét váng lên, không biết mọi người không nghe thấy thật hay giả không nghe thấy.

Ả hét lên: Cảnh Yến, sao chàng lại bảo vệ ả ta?

Cảnh Yến phạt ta quỳ ở từ đường, phạt cũng như không, phạt mà là bảo vệ.

Nếu như ngài không chịu mạo hiểm, có lẽ ta đã đầu lìa khỏi cổ rồi.

Lúc Cảnh Yến bước vào, hai mắt ngài đỏ lồng, cái mặt viết lên mấy chữ đừng-có-dây-vào. Mặt ngài trắng bệch như quỷ đến đòi mạng.

Ta chưa từng nhìn thấy ngài ấy như thế bao giờ. Ngài ấy thật sự vô cùng tức giận. Lần này, ta bảo vệ được Chức Hoan, nhưng lại liên lụy đến ngài.

Đây là lần thứ hai ta thực sự run rẩy trước mặt ngài.

Ta từng nói Vãn Thược luôn thách thức sức chịu đựng của ngài, nhưng còn ta, ta đã chạm đến giới hạn sâu thẳm trong lòng ngài.

"Nguyên Nguyên, bổn vương không quản nổi nàng nữa rồi, đúng không?"

Tiếng ngài lạnh lùng, mào đầu một câu như vậy, ta im lặng quỳ xuống, hiểu rằng ngài không cần đáp án của ta.

"Bổn vương từng nói, nàng phải biết nghe lời, nàng nghe tai này ra tai nọ sao?" Ngài nâng cằm ta, không phải nhẹ nhàng như thường ngày, mà là bóp chặt: "Tại sao không chịu nghe? Tại sao lại bảo Nghiêm Phong đến chỗ khác? Tại sao không chịu tin bổn vương một lần?"

Ngài nheo mắt, cái nhìn lạnh thấu xương thịt. Ngài nghiến răng nhả ra một chữ: "Nói."

"Nghiêm Phong không đi thì người gặp chuyện sẽ là Chức Hoan." Ta đờ đẫn nhìn ngài, giọng nói yếu ớt.

"Hay lắm Nguyên Nguyên, nàng ngày càng thương người muốn cứu cả thiên hạ rồi!" Hai mắt ngài đỏ ngầu cả lên, tay ngài nắm chặt đến trắng bệch, cả người khẽ run: "Nàng có biết rằng vò rượu của Chức Hoan cũng bị động tay chân, Nghiêm Phong đến muộn một bước nữa, đứa bé đã không giữ được nữa rồi. Cái người ấy sớm đã bị nhắm đến rồi!"

Ta bỗng nhiên cảm thấy như bị ai lấy mất giọng nói, chỉ để lại hai hàng nước mắt lăn dài lăn dài rơi vào tay Cảnh Yến.

Sáng sớm hôm nay ta mới gặp Chức Hoan. Thái hậu còn ôn tồn trò chuyện với nàng, cầm tay nàng, nói rằng sẽ chiều chuộng nàng như con gái mình.

Đến bây giờ thì sao? Bây giờ có phải thái hậu vẫn lần tràng hạt nhưng miệng nam mô còn bụng một bồ dao găm?

Chương 22
Cảnh Yến nói đúng, nơi này chỉ toàn hại chết người. Lòng người độc địa là thế.

"Bổn vương không lo được nhiều người như thế, bổn vương chỉ lo được cho một người!" Ngài không to tiếng nhưng giọng ngài khàn đặc: "Nguyên Nguyên, nàng thông minh quá, nàng thông minh quá đấy! Nàng suýt nữa kéo cả hai người cùng đâm đầu vào rọ."

"Nàng khóc gì nữa? Vô dụng thôi, Nguyên Nguyên." Ánh mắt ngài ghim chặt trên người ta, hai mắt long sòng sọc, vẻ thản nhiên thường ngày đã biến mất không còn dấu vết: "Hay là nàng thấy như vậy còn ít quá, phải kéo thêm ta đi cùng mới vừa lòng?"

"Đúng vậy, không đủ." Giờ khắc này ta chỉ cảm thấy như ai đang dùng búa đập từng nhát từng nhát vào trái tim ta, không thấy máu đâu, chỉ thấy cả cơ thể đều tan nát thành vũng bùn lầy. Ta như đã đánh mất lí trí, ngẩng mặt lên mắt đối mắt với Cảnh Yến, nghiến chặt răng, dùng hết sức hét lên: "Ta phải giết ả! Mạc Vãn Thược, ả phải chết!"

"Câm miệng!" Cảnh Yến bóp cổ ta nhưng không bóp chặt, ngược lại chính ngài đang run. Ta biết, ngài đang cố gắng kiềm chế.

Ta đã không còn tỉnh táo. Rất nhiều những chuyện thường ngày hiểu phải nhẫn nhịn đến lúc này tràn vào xâm chiếm bộ não. Ta như kẻ điên cứ hét lên với Cảnh Yến: "Ả đáng chết! Sao ngài phải bảo vệ ả! Ngài có biết ả ta đối xử với ta như thế nào không! Ngài còn che chở cho ả!"

"Ta đang bảo vệ nàng!" Rõ ràng sự nhẫn nại của Cảnh Yến đã đến giới hạn rồi: "Nguyên Nguyên, nếu như nàng còn không tỉnh lại, có lẽ ta thật sự sẽ phải giết nàng."

"Ta biết ta đã làm liên lụy đến ngài, ngài đừng nương tay. Cảnh Yến, ngài giết ta đi, rồi cầm đầu ta đến gặp hoàng thượng." Toàn thân không kìm được mà run lên, ta cắn môi đến bật máu, bây giờ chính mình cũng không biết mình nói gì nữa: "Ta bảo vệ ngài, ngài hưởng vinh hoa phú quý, ngài đón thê tử mới, ngài giết ta đi! Cảnh Yến, ta không muốn sống trong hiềm nghi với ngài nữa, ta muốn ngài tự tay giết ta!"

Nước mắt lăn qua khóe môi hòa cùng với máu rỏ xuống lại lần nữa làm bẩn tay Cảnh Yến.

"Nàng muốn ta giết nàng sao, Nguyên Nguyên?" Ngài từ từ siết chặt tay: "Nàng đừng nghĩ mình hiểu ta, đừng nghĩ ta nhân từ như vậy."

Cảm giác nghẹt thở đến từng lỗ chân lông lại một lần nữa ập đến. Không như lần trước, lần này không phải là thăm dò nữa. Ta khiến ngài tức giận thật rồi. Ngài thực sự muốn giết ta.

Đầu óc quay cuồng, hai mắt mờ đi, toàn thân dần mất hết sức.

Ta không biết tại sao cuối cùng ngài lại buông tay, rõ ràng chỉ cần thêm chút nữa là sẽ kết thúc được nỗi phiền muộn này.

Ta nằm dưới đất thở hổn hển, ôm cổ không nói được tiếng nào, chỉ trợn mắt nhìn ngài.

Ngài ngồi xuống, gân xanh nổi rõ trên vùng thái dương, ánh mắt sắc nhọn đâm vào người ta.

"Ta không khi dễ nàng, Nguyên Nguyên." Ngài rút ra một con dao găm vứt trước mặt ta, rồi quay người lại nói: "Nàng từng nói, nếu cho nàng một con dao nàng sẽ dám giết ta."

"Bây giờ bổn vương cho nàng, nàng cầm lấy con dao này, chọn một trong hai chúng ta."

Hoặc là giết ngài, hoặc là...tự sát.

"Ngài hà cớ phải mất công như vậy, Cảnh Yến?" Ta vẫn chưa lấy lại được nhịp thở bình thường, giọng nghe hơi kì lạ: "Tự sát thì có gì hay ho. Cảnh Yến, ta muốn chết dưới tay ngài."

Ngài vẫn không ngoảnh lại, quay lưng nói: "Không chết ngoài trận mạc tàn khốc cũng chết trong hoàng cung lạnh lẽo, Nguyên Nguyên, ta muốn chết trong tay nàng."

Đôi mắt ngẩn ngơ nhìn con dao trên đất. Ta nhặt nó lên, lau sạch nước mắt, khẽ thốt lên: "Con dao này, ta từng dùng nó đâm xuyên qua tay tên kia. Nhưng lần đầu tiên ta cầm nó là do Vãn Thược vứt trước mặt ta, muốn ta tự hủy đi dung nhan của chính mình."

Ta bật cười trước nỗi đau ùa về, cúi đầu lẩm bẩm không biết đang thật sự nói với ai: "Cảnh Yến, khi ấy, ta vẫn tin rằng ác giả ác báo... Nhưng bây giờ ta không còn tin nữa rồi. Nếu như ác giả ác báo, vậy thì Cảnh Yến, ngài sẽ chết đầu tiên."

Nắm chặt con dao trong tay, đầu trống rỗng, ta đâm vào người Cảnh Yến.

Khoảnh khắc ấy ta không còn quan tâm sau này có ra sao, ta chỉ muốn chết cùng ngài.

Ngài không tránh.

Ngài xoay người lại nhận nhát dao ấy, mũi dao đâm trúng phần bụng dưới xương sườn.

Dây thần kinh trong đầu căng như dây đàn sắp đứt, có một giọng nói vang vọng "giết hắn đi". Nhưng khi thấy máu ngấm ra y phục, ta khựng lại không làm sao xuống tay được.

Ngài tay không nắm lấy lưỡi dao, ngay lập tức lòng bàn tay chảy đầy máu.

Ta muốn rút ra, nhưng không rút được.

"Nguyên Nguyên, đâm vào đây không chết được đâu." Ngài cầm tay ta, không nói thêm lời nào, ép ta phải đâm vào tim ngài.

Bỗng nhiên ta không còn hơi sức nào nữa, lồng ngực lại không ngừng đau đớn, đau như sắp lịm đi.

"Buông tay, ngài buông tay ra, Cảnh Yến..." Ta dùng tay còn lại ôm ngực từ từ sụp xuống, nhưng tay kia vẫn bị ngài nắm chặt: "Ngài tha cho ta đi, ta không giết nổi ngài."

Ngài không chịu, ngài vẫn đẩy con dao vào người mình, chẳng bao lâu mũi dao đã đâm rách y phục, máu lại chảy ra.

Ta không thốt nên lời, điên cuồng muốn đẩy ngài ra, muốn buông tay ra nhưng không được, chỉ có thể khóc thất thanh.

"Nàng hận ta khi ấy đã bày bàn cờ lợi dụng nàng, hại nàng. Nguyên Nguyên, như vậy đã đủ trả lại nàng chưa?"

Ngài không cho ta cơ hội trốn tránh, ngài nhìn ta ép ta phải trả lời.

"Nàng nói đi, như vậy đã đủ để nàng thôi hận ta chưa?" Ngài nhìn ta, ánh mắt ẩn chứa sự thê lương. "Nguyên Nguyên, ta không mong đợi sẽ đổi được tình yêu của nàng nhưng nàng đừng hận ta."

"Ngài buông ra! Cảnh Yến, ngài buông tay ra ta sẽ không hận ngài, ngài mau buông ra!" Ta thực sự không ổn rồi, cảm giác như sắp ngất đi, phải vịn chặt góc áo ngài mới vững: "Cảnh yến, ngài đừng dọa ta. Ngài đừng dọa ta, đừng nạt ta. Ta, ta thấy đau quá, trái tim cũng đau, ngài buông tay ra! Ngài ôm ta được không? Mau ôm lấy ta."

"Leng keng" Con dao rơi xuống đất. Cuối cùng ngài cũng ngồi xuống, dang rộng vòng tay ôm ta vào lòng.

Chương 23
"Nguyên Nguyên, đừng khóc, nàng hãy dựa vào ta." Ngài nhẹ nhàng vỗ lưng ta: "Đừng sợ, nàng cứ dựa vào ta."

Cuối cùng ta cũng lấy lại được bình tĩnh. Ta tựa vào vai ngài, kì lạ là lúc này nước mắt không còn chảy nữa. Ta bèn khép mắt, giọng nhẹ bẫng: "Cảnh Yến, thực sự thiếp nên giết ngài, nhưng đã lỡ mất thời cơ rồi, giờ thiếp cũng không xuống tay được."

Ngài khẽ cười, giọng nói quanh quẩn bên tai ta: "Nguyên Nguyên, không chỉ mình nàng lỡ làng. Vừa nãy vào phút cuối buông nàng ra, ta cũng không biết sau này mình có hối hận hay không."

"Vương gia, thiếp không cố ý liên lụy đến ngài thật. Là do thiếp hồ đồ, do thiếp điên rồi." Ta vùi mặt vào bờ vai ngài khóc nức nở: "Lần này Nguyên Nguyên khó khăn lắm mới thoát được đại họa, nhưng thiếp vẫn không buông được nỗi hận. Vương gia, thiếp không cam!"

Vãn Thược giết ta một bận, làm nhục ta một lần, đến nay lại tiếp tục hại ta, ta không thể dung thứ.

"Bổn vương không đồng ý nàng chọn một mất một còn với Vãn Thược đâu." Cảnh Yến vuốt nhẹ tóc ta, dịu dàng an ủi ta: "Nhưng bổn vương cũng sẽ không để nàng phải nuốt hận. Nàng tin ta, ta sẽ lật đổ Mạc Hầu, bắt Vãn Thược phải quỳ dưới chân nàng, cầu xin nàng tha thứ."

"Nàng biết không hôm nay suýt chút nữa bổn vương đã không bảo vệ được nàng, Nguyên Nguyên nàng có biết không?"

"Nàng có biết bổn vương đã sợ thế nào khi nhìn thấy nàng ngã gục ở đó, khắp người đầy máu là máu, sợ rằng máu ấy là máu nàng?"

Ngài nhắc đến máu, ta mới nhớ đến máu trên tay ngài, trên người ngài. Ta còn chưa kịp nói, ngài đã đặt tay lên môi ta.

"Đừng nói gì cả Nguyên Nguyên. Hôm nay bổn vương đến đây để nghiêm khắc trừng trị nàng. Máu này đều là máu nàng cả, bổn vương không tổn hại đến một sợi tóc." Ngài cởi bỏ bộ y phục dính máu, bọc con dao lại, khẽ cất tiếng: "Từ đường là nơi an toàn nhất trong phủ, Nghiêm Phong cũng sẽ trông chừng ở bên ngoài. Nguyên Nguyên, nàng bị phạt nên bổn vương sẽ không đến. Nàng hãy cố gắng 3 ngày, 3 ngày thôi."

"Thiếp sợ, vương gia, lần này thiếp sợ thật, sợ thật đấy." Ta nắm tay áo ngài, lần đầu tiên bộc bạch tấm lòng mình, níu kéo không muốn ngài đi: "Qua 3 ngày ngài nhớ đến đón thiếp nhé, hứa đấy?"

Vương gia hứa sẽ đến. Ngài an ủi ta mãi. Nghiêm Phong đứng ngoài cửa phải giục mấy lần ngài mới chịu đi. Ta nhìn bóng lưng ngài khuất sau bậc cửa, bỗng nhiên trong lòng dâng lên niềm cảm thán. Chỉ một cánh cửa mà lại có thể tránh được bao nhiêu chuyện, cũng cách trở bao nhiêu người!

Những chuyện khi nãy, chuyện nào là thật, chuyện nào là giả?

Thật giả nào phải như nước với lửa, không thể nhầm lẫn. Thật giả như tơ với sợi, ta không làm thế nào phân biệt rạch ròi được. Còn Cảnh Yến thì sao? Có phải ngài cũng giống như ta, thật giả lẫn lộn, không biết phải lần từ đâu?

Phải nói lần này ta đúng là không biết tự lượng sức mình, cũng không đoán được lòng người hiểm ác, giả nhân giả nghĩa, mất hết liêm sỉ.

Thực ra cạm bẫy giăng sẵn đợi Cảnh Yến vào tròng nhiều hơn ta tưởng tượng rất nhiều. Suýt chút nữa ta đã hại ngài.

Ta vốn cho rằng lấy mạng mình ra cược ít nhiều cũng sẽ bảo vệ được Chức Hoan. Nhưng mà Chức Hoan...đợi đến khi ta bước ra ngoài bậc cửa này, không biết liệu còn có nhìn thấy cô ấy hay không.

Ba ngày chẳng phải một thoáng, chớp mắt là trôi qua nhưng cũng chẳng đến mức ba thu dồn lại, phải đếm từng phút từng giây. Đèn từ đường hắt bóng leo lét nhưng cũng không làm ta ngủ gục. Cứ hễ chợp mắt những cơn ác mộng lại kéo đến, vậy chi bằng ta gắng thức, ngẫm nghĩ lại mọi chuyện.

Có một chuyện ta biết quá muộn - Đương kim thái hậu là người Mạc thị. Mạc gia là nhà mẹ đẻ của bà ta.

Vãn Thược dám tùy tiện xông vào các phòng, cho truyền thánh chỉ giả, mượn danh nghĩa thái hậu hại nữ nhân Cảnh Yến sủng ái, ắt hẳn vì ả ta cậy có chỗ dựa, tự tin ngút trời.

Mạc hầu là dòng dõi danh môn thế gia, tay nắm giữ binh quyền, lại cưới được trưởng công chúa. Ông ta từng nhiều lần dẫn binh chinh chiến, luôn báo về tin thắng trận, đến nay đã là trụ cột vững chắc nhất triều đình. Vẫn tưởng tất cả hoàn mỹ, nhưng Mạc hầu và trưởng công chúa sinh được đúng một mụn con, lại là con gái, không thể nối dõi tông đường. Đến khi Mạc hầu nhắm mắt xuôi tay, chẳng bao lâu sau, Mạc gia ắt sẽ thất thế.

Cảnh Yến còn trẻ, mấy năm nay cũng không giao du nhiều nhằm náu mình chờ thời. Mặc dù trong tay có quyền lực nhưng lại im hơi lặng tiếng, án binh bất động, nên trong mắt người khác vương gia cũng chỉ là con cọp giấy của hoàng thượng, một hạng thùng rỗng kêu to mà thôi.

Một Cảnh Yến như thế chắc chắn chính là sự lựa chọn tốt nhất đối với Mạc hầu. Bao nhiêu năm nay, Cảnh Yến chịu nhục chịu khổ đợi thời cơ này đến.

Nhưng hoàng thượng lại chịu im lặng trơ mắt nhìn Mạc hầu ngày càng bành trướng thế lực sao?

Tại sao chọn trọng dụng một kẻ bên ngoại nhưng lại đề phòng đứa em cùng máu cùng mủ đến thế?

Lại nói đến Vãn Thược, ai mà không biết ả tâm địa độc ác. Ta và Chức Hoan, ả nào có lọt mắt ai. Nhưng lần này ả hành động vô cùng lỗ mãng, hoàn toàn không hề cân nhắc hậu quả mà hoàng thượng và thái hậu vẫn một mực bao che, ngấm ngầm đồng ý với hành động của ả...

E là như vậy! Giết gà dọa khỉ đây mà! Hại nữ nhân của Cảnh Yến thực chất là cảnh cáo Cảnh Yến - trong phủ này không chào đón nữ nhân như ta, ta phải chết. Chết đi để lại vị trí trong lòng Cảnh Yến ấy cho Vãn Thược.

Áng theo phỏng đoán của ta, không bao lâu sau hoàng thượng sẽ hạ chỉ ban hôn. Tất cả dọn đường cho Mạc Vãn Thược từng bước từng bước vào Vương phủ.

Chắc chắn ả ta không hận Cảnh Yến. Ả chỉ hận ta, hận đến xương tủy.

Ba ngày nay tinh thần ta cũng không quá ổn định, ăn uống thanh đạm, cốt để lót dạ. Khi đứng lên đầu gối càng biểu tình dữ dội nên ta cũng không dám đi nhanh, chỉ chầm chậm từng bước.

Sáng sớm ngày thứ tư, Nghiêm Phong là người đến mở cửa. Ta vẫn đang quỳ dưới từ đường, quay lại nhìn hắn đang đứng ngoài cửa.

Hắn gầy đi khá nhiều, quầng thâm mắt lộ rõ, râu ria lởm chởm, tóc xơ rối như bờ cỏ dại, dáng vẻ nhếch nhác, tả tơi.

"Nghiêm Phong đại nhân, thấy ngài ta chẳng biết phải giấu mặt vào đâu." Ta đứng đối diện với hắn, từ từ cúi người: "Ngài nhận của ta một lạy đi. Ta từng hứa với ngài sẽ bảo vệ cho đứa bé nhưng lại thất hứa. Ta từng hứa với ngài nhất định sẽ không làm hại vương gia, nhưng suýt chút nữa đã đẩy ngài vào chỗ chết. Nghiêm đại nhân, ta không còn mặt mũi nào để gặp ngài."

Chương 24
Nghiêm Phong thả thõng hai tay, mặt không biểu cảm đáp: "Ta không nên tự ý rời đi, không liên quan gì đến cô nương cả."

"Nghiêm đại nhân." Ta đánh tiếng nhưng sau đó lại không biết phải nói thế nào: "Ngài đừng hận ngài ấy. Ngài ấy vì nghĩ cho ta mà thôi. Đứa bé sẽ gánh mọi chuyện thay ta. Ngài có hận hãy hận ta."

Hắn nhìn ta, đoạn lên tiếng, giọng hắn khàn khàn: "Cô nương, khi ta đi theo Vương gia, bấy giờ mới 14 tuổi, không cha không mẹ, sống nhờ nghề khiêng quan tài. Bé con vốn là sự sai lầm, do ta mù quáng, vọng tưởng quá nhiều."

Ta không biết phải nói thế nào, hít một hơi mới dám mở miệng hỏi: "Còn Chức Hoan, nàng ấy vẫn..."

"Người thì vẫn ổn..." Hắn ngừng lại, càng sau tiếng càng nhỏ như đang thì thầm: "Nhưng mà tinh thần thì hơi có vấn đề..."

Máu chảy ruột mềm, chuyện đã như thế khó tránh khỏi đau thương. Nàng vỗ vỗ tay ta nói rằng con gái tốt biết bao, con gái không tranh không giành, không rơi vào cảnh nguy hiểm, cảnh tượng ấy vẫn còn in rõ trong tâm trí ta, tựa như mới ngày hôm qua thôi, mà nay...

Chuyện không theo ý người sao lại nhiều đến thế?

"Còn vương gia đâu?" Ta hỏi.

Nhưng Nghiêm Phong không đáp. Truyện Light Novel

"Nghiêm đại nhân, vương gia đâu?" Giọng ta phảng phất như đang run rẩy, ta cố gắng tỏ ra bình thường, hỏi tiếp.

"Vương gia đã vào cung mấy ngày nay, về rồi người không khỏe lắm." Nghiêm Phong nghiến răng, lời nói toát ra mùi căm hận.

"Ta sẽ qua chỗ ngài, bây giờ đi luôn." Ta định đứng lên, nhưng cái gối bỗng dở chứng làm ta ngã khuỵu xuống, xây xẩm mặt mày.

Nghiêm Phong kéo ta lại, cúi xuống nói với ta: "Cô nương, vương gia nói muốn cô ở yên đây đợi ngài, ngài sẽ đích thân đến đón cô."

Đây là lời ngài đã hứa với ta khi ta nắm chặt tay áo ngài, khẩn khoản cầu xin ngài.

Ngẫm kĩ lại, ta cầu xin ngài điều gì ngài hầu như đều đã làm. Ngoại trừ buổi tối ba hôm trước, ta cầu xin ngài hãy giết ta đi, nhưng ngài không xuống tay được.

Cảnh Yến đến, mặc dù ngài gầy đi không ít nhưng trông vẫn khá phong độ. Ánh mắt ngài dường như ngày càng ẩn nhẫn, ngày càng thâm sâu. Gương mặt nhợt nhạt, đôi môi không còn sắc hồng nhưng vẫn vương ý cười.

Ngài vòng tay ôm ta, nhấc bổng cả ta lên, tuy nhiên ta cảm nhận được tay ngài hơi run. Ngài nhìn ta vừa cười vừa nói: "Nguyên Nguyên, cơm canh không hợp khẩu vị nàng sao, sao nàng lại nhẹ hều như tờ giấy thế này?"

Ta không muốn nói gì cả. Lúc này mặt trời sao mà chói chang, tuyết cũng trắng đến lóa cả mắt, ta chỉ đành nhìn Cảnh Yến, yên lặng ngắm gương mặt người.

Ngài ôm ta vào kiệu, ngồi kề bên. Đến khi kiệu dừng, ngài lại ôm ta vào trong phòng.

Từ đầu đến cuối, cuộc trò chuyện mới chỉ dừng lại ở câu "sao nàng lại nhẹ hều như tờ giấy thế này."

Ta nhẹ như tờ giấy sao? Nên ngài mới phải ôm ta, phải ôm thật chặt, sợ rằng gió vừa thổi sẽ cuốn cả ta đi, ngài không giữ nổi sao?

Đầu gối ta đã tím bầm, bây giờ đi lại vô cùng khó khăn nên đành ngoan ngoãn nằm chườm nóng cho đỡ. Cảnh Yến ra ngoài một lát, về rồi liền nằm xuống bên cạnh ta.

Ta vươn tay cởi y phục ngài ra, ngài lại lật người lại, áp sát tủm tỉm cười, mắt nháy nháy ra hiệu: "Nguyên Nguyên à, nàng đi đâu mà vội mà vàng?"

"Có phải họ làm khó ngài không?" Ta mặc kệ ngài, chỉ lo hỏi: "Vương gia, bọn họ lấy lý do ngài phá hỏng tiệc mừng thọ, lại còn mạo phạm hoàng thượng nên đã dùng hình với ngài đúng không?"

"Nguyên Nguyên, tiên hoàng có tổng cộng 17 người con, trong đó có 10 người là hoàng tử." Ngài nhẹ nhàng vuốt ve tay ta, mở lời như bắt đầu kể một câu chuyện: "Đại hoàng tử thân chinh chết nơi sa trường. Thân mẫu vì đau lòng quá độ mà qua đời, truy phong phu nhân. Nhị hoàng tử mới hai tuổi đã bị bệnh đậu mùa, chẳng gắng gượng được bao lâu. Thân mẫu cũng chẳng còn nơi nương tựa, sau này chết trong thâm cung. Tam hoàng tử và tứ hoàng tử là anh em sinh đôi. Năm 10 tuổi tứ hoàng tử chết vì ngã ngựa. Năm 13 tuổi tam hoàng tử trượt chân ngã xuống núi, cũng mất rồi. Nhưng vị quý phi này cũng mạnh mẽ lắm, hai đứa con qua đời, bà vẫn chịu đựng được, nghiến răng nghiến lợi phải có được đứa con nữa. Bà mang thai, hạ sinh một công chúa, nhưng khó sinh nên còn chưa kịp ôm đứa bé lần nào đã yên nghỉ. Bấy giờ, ngũ hoàng tử được lập thành thái tử, thân mẫu được lập thành hoàng hậu. Ngũ hoàng tử phải đi trên con đường đẫm máu, giẫm lên bao nhiêu xương cốt mới có thể ngồi lên ngôi vị hoàng thượng. Lục hoàng tử chết yểu, lúc mất hãy còn là một đứa bé đỏ hỏn. Nghe bảo là do bà vú đột nhiên lên cơn điên nên đã ra tay khiến đứa bé ngạt thở. Mẫu thân cũng chỉ là một mỹ nhân, chẳng bao lâu sau bà cũng phát điên, bị tống vào lãnh cung. Thất hoàng tử 15 tuổi dấy binh tạo phản, bị thái tử đâm một nhát chí mạng trước điện, máu xối ra bắn lên con rồng khắc trên ngai vàng. Sau khi hoàng thượng lên ngôi, bát hoàng tử được phong làm vương, đến vùng thái ấp. Nơi đó bần hàn cùng cực, huynh ấy cả người bệnh tật, năm thứ tư bệnh nặng qua đời. Thập hoàng tử...đệ ấy nhỏ nhất, gần tuổi với bổn vương nhất, cũng thích nhất là đi theo bổn vương. Nhưng bổn vương vẫn không biết vì sao đệ ấy lại mất, Nguyên Nguyên, nàng có tin không? Bổn vương vừa mới đi từ trong bụi cỏ ra, đệ ấy đã mất rồi..."

"Đến nay, từ mười hoàng tử chỉ còn lại hai. Nguyên Nguyên, bổn vương xuất thân thấp kém, mẫu phi của ta là một cung nữ. Thuở thiếu thời, mẫu phi lúc nào cũng kể với ta hoàng thượng dành rất nhiều tình cảm cho mình, không quan tâm đến xuất thân của mẫu thân, phong mẫu thân thành phi." Cảnh Yến bình lặng kể lại chuyện cũ, như mặt biển không gợn sóng: "Một ngày nọ, mẫu vẫn đang kể những chuyện ấy thì bỗng có một thái giám đến truyền khẩu dụ. Mẫu phi quỳ dưới đất cầu xin hắn, nhưng cũng có ích gì. Bổn vương không bao giờ gặp lại mẫu phi nữa. Bổn vương bị dẫn đi, lúc ấy mới có 4 tuổi, lúc ấy còn nhỏ lắm, nhỏ lắm..."

"Nguyên Nguyên, nàng hay nói nàng không lừa được bổn vương." Ngài khẽ cười, quay sang nhìn ta, nhàn nhạt nói tiếp: "Nơi đây sinh ra trong lừa dối, chết đi trong dối lừa; sủng ái hay chém giết cũng đều là lừa gạt nhau cả. Nguyên Nguyên, ta sống trong sự lừa lọc, nhờ lừa lọc mới sống được 23 năm. Vậy nên làm sao nàng có thể qua mắt được ta?"

Ta nên thương xót ngài sao? Ngài ấy nhất định không cần kẻ khác thương xót mình. Ngài nói với ta những lời này đơn giản là muốn nói bây giờ ngài đã tin tưởng ta.

"Bọn họ đều gọi bổn vương bằng một tiếng Cửu vương gia, Nguyên Nguyên, nàng thấy nực cười không? Có vua Phụ, vua Định, vua Cố nhưng nàng có đếm ra vị thân vương nào lại có phong hào là Cửu không?"

Chương 25
Ngài cười với ta. Nụ cười ấy không hề gượng ép nhưng tiếng cười chỉ nhàn nhạt, lại có phần thê lương.

Chữ ấy (chữ "Cửu"-phong hào của vương gia) thể hiện rõ tâm tư của những kẻ kia - chúng muốn nhục mạ ngài. Không một khắc nào chúng không nhắc nhở Cảnh Yến về xuất thân thấp hèn đã ăn trong máu ngài. Ở bên cạnh vua chúa không khác nào đang vuốt râu hùm, đang xỉa răng cọp, không biết bao năm qua, Cảnh Yến đã phải chịu biết bao nhiêu khổ nhục.

"Nhưng bổn vương nào có phải người lương thiện đâu Nguyên Nguyên." Ngài vuốt hờ mặt ta: "Bổn vương đã làm biết bao chuyện xấu, đã lấy mạng không ít người. Khi chọn nàng bổn vương còn không thèm nhìn kĩ, bởi vì bổn vương chưa từng nghĩ nàng sẽ sống được quá 3 ngày. Nàng còn sống được đến giờ hoàn toàn là tự dựa vào chính nàng."

"Nguyên Nguyên, bổn vương từng cảm thấy hối hận. Càng ăn ở với nàng bổn vương càng ý thức được rằng khó lòng để nàng sống lâu được. Nhiều khi nàng say giấc, bổn vương lại lần tìm con dao, trong đầu văng vẳng câu hỏi có nên giết nàng không. Có lúc sắp chìm vào giấc ngủ, tay ta lại phải giữ chặt con dao vì sợ nàng muốn giết ta." Ngài vỗ nhè nhẹ lên đầu ta, nói: "Nguyên Nguyên, nàng hơn người ở cái thông minh. Lòng nàng vốn không dung chứa cái ác, nàng không thể khoanh tay đứng nhìn mẹ con Chức Hoan nộp mạng thay mình. Nàng hãy còn giữ được thiên lương. Chính bổn vương đã khiến nàng trở thành như thế này."

Hệt như ngài đang thốt ra tiếng lòng thổn thức vốn bị chôn giấu, nhưng ta cũng biết trong đó chắc chắn không thiếu phần "bi kịch". Đầu tiên ngài ra tay giết ta trước, sau đó lại trải lòng với ta, để ta thấy khoảnh khắc yếu lòng của ngài khiến ta đồng cảm, nhờ vậy sẽ xóa tan khoảng cách giữa hai người. Ngài lùi một bước để tiến ba bước.

Nói cách khác, kế hoạch của ngài chưa bao giờ thay đổi, chỉ là vị trí của ta trong lòng ngài đã khác, không còn là vết chân trên cát, cát vùi vết mất như trước nữa.

"Vương gia." Se sẽ đặt tay lên tay ngài, ta nói: "Con dao của ngài không phải ở dưới gối, con dao của ngài ở đây, trong tay ngài.". Truyện Ngược

Ta với ngài chỉ là hai lữ khách cô độc trên cùng một chiếc thuyền. Con thuyền rong giữa vùng biển hiểm, kẻ địch kéo đến như đại hồng thủy. Ngài ấy đứng trên mũi thuyền, ngài hô "giết", nhưng ta vẫn đứng ở đuôi thuyền, gắng kéo căng buồm, nắm chắc tay chèo.

Ánh mắt ngài dừng mãi trên người ra, ngài khẽ thở dài, giọng ngài dịu nhẹ: "Nguyên Nguyên cũng biết "tự vạch áo cho nàng xem lưng" không phải là chuyện dễ dàng mà."

Ngài cho ta xem "lưng", còn ta thì sao? Ngài từng nói ta là một con sói nhỏ nhưng nanh và móng sắc lắm. Dẫu vậy, khi đứng trước mặt ngài, ta không có lựa chọn. Ta chỉ có thể phơi ra phần da thịt mềm yếu.

Nghỉ ngơi đến gần hết ngày ngài mới chịu ra khỏi phòng. Tối đến, ngài cần thoa thuốc, bấy giờ ta mới trông rõ từng vết thương trên người ngài. Tay ngài chi chít những vết bầm, sưng, sát giống vết đánh bằng cây, gậy. Mấy vết trên tay ấy là lành nhanh nhất rồi, hai vết dao đâm trên người nhìn thì không sâu lắm nhưng hễ đụng vào là lại rịn đầy máu.

Dẫu vậy, mấy vết thương ấy cũng không khiếp đảm bằng những vết sẹo hình dáng kì lạ để lại từ những vết thương trước. Ngài chưa từng dẫn binh đánh giặc, bình thường tuy có luyện võ nhưng cũng không dùng đao hay thương thật. Vậy những vết thương nông sâu từng vệt này ở đâu mà ra? Thật sự nghĩ cũng không dám nghĩ.

Ta đưa tay ra, khẽ chạm vào từng vết sẹo, còn ngài thì lại giở trò để lẩn trốn ta: "Nguyên Nguyên, sao đằng ấy lại thừa cơ thế..."

"Đêm xuân phong nguyệt "khó nhọc" lòng ai." Ta cũng bắt chước ngài giở thói trêu hoa ghẹo nguyệt, tiếp ngay lời để không đứt mạch chuyện: "Vương gia không chỉ có gương mặt như hoa còn thân thể cũng tựa ngọc, chẳng trách lại dám giết người bằng nụ cười mỹ nhân."

"Nàng nói gì vậy?" Ngài ngoái lại nguýt ta, ánh mắt đong ý cười: "Nguyên Nguyên, nàng càng ngày càng giỏi rồi."

"Yên nào còn bôi thuốc." Ta vòng ra phía trước, lại đây mới thấy rõ hai vết dao đâm trên người ngài nghiêm trọng hơn ta nghĩ, xung quanh đã hơi lở loét: "Sao lại bị thế này?"

"Không phải nàng làm sao?"

Ta nghẹn họng, mãi mới lí nhí được một câu: "Chắc không đến nỗi loét ra thế này chứ."

"Che giấu thương tích, 3 ngày rồi giờ mới xử lí nên vậy."

"Sao ngài không gọi Nghiêm Phong, lẽ nào ngài không tin cả ngài ấy sao?"

"Ta sợ bôi thuốc thì lành nhanh quá, không còn dịp tỏ vẻ đáng thương trước mặt nàng nữa." Cái khuôn mặt nhìn trông nửa thật nửa đùa, nói xong ngài còn phá cười: "Nguyên Nguyên, khổ nhục kế đấy nàng có biết không?"

Ta hừ một tiếng, cũng học theo thói vương gia, chớp chớp mắt, rót vào tai ngài mấy lời: "Vương gia, e là khổ nhục kế không có tác dụng đâu, biết đâu mỹ nhân kế lại qua được."

Ta hơi lúng túng chưa biết xử lí vết thương ra sao: "Phải làm sao đây vương gia? Thiếp không biết."

"Lấy con dao hơ đỏ lên rồi khoét chỗ thịt thối đi."

Ngài nói cứ như chuyện của ai chứ chẳng phải mình, còn ta chẳng phải vết thương trên người mình thì lại đổ mồ hôi hột: "Vương gia, thiếp không dám làm."

"Nàng lấy dao là được rồi, chỉ rõ chỗ nào cần khoét cho bổn vương còn để bổn vương tự làm." Ngài nói xong nhân lúc ta đi lấy mấy thứ cần thiết lại nhỏ giọng buông thêm một câu: "Đâm tay cắt chân người ta, nàng lại dám?"

Nhưng tai ta thính nên vẫn nghe rõ lời ngài, ta khựng lại, ngài thôi không nói nữa. Sau đó ngài lặp đi lặp lại: Bận sau không nhắc đến nữa.

Ngài cau mày, trán rịn mồ hôi, động tác dứt khoát như đã quen tay. Ngài cố chịu đựng không kêu đau, đôi lúc thở hắt ra một hơi.

Ta ném khăn đã thấm đầy máu vào chậu than. Hai vết thương từ rịn máu chuyển sang đẫm máu, bấy giờ tay ta cầm thuốc mà cũng muốn run lên.

"Nguyên Nguyên, nàng run tay đổ mất nửa lọ thuốc quá. Bổn vương nhà có giàu cũng không dùng thuốc-một-nửa thế được đâu." Ngài còn cười: "Nàng đâm mà nàng sợ gì?"

Ngài dùng khổ nhục kế sớm đã thành thần, cảm tưởng không khác gì ăn cơm uống nước.

"Ngài đừng nhắc đến nữa mà." Ta cố gắng lắm mới rắc được thuốc lên miệng vết thương, khe khẽ thổi: "Vương gia thấy thiếp chưa đủ khổ sao, hay để thiếp phải khóc cho ngài xem?"

Ngài yên lặng nhìn ta, một chặp mới nói: "Nguyên Nguyên, ngày tháng ngậm đắng nuốt cay còn dài rộng, bổn vương muốn đến lúc ấy nàng cũng như bây giờ không được rơi nước mắt."

Ta hiểu ngài muốn nói gì.

Bị thương ở đâu ngài tự biết, thuốc ngài cũng tự bôi được. Cái ngài muốn là muốn ta phải đến, phải nhìn, phải tận mắt thấy ngài đau đớn, thấy máu ngài chảy rồi khắc ghi lần sau không dám phạm sai lầm như thế nữa.

Chương 26
Vãn Thược vẫn đang bị cấm túc nên cuộc sống của ta vẫn còn hãy êm ả. Còn Cảnh Yến trông đã có sức sống hơn rồi, giở trò cũng càng lanh lẹ hơn, hở ra là lại đòi "chiều". Ngài còn đặt tên mỹ miều cho chiêu trò này là "dụng vật kỳ cùng". Ta cũng áy náy với ngài nên mấy tối nay đều chiều theo ý ngài. Nhưng ngài thì hay rồi, được nước lấn tới, được đằng chân lân đằng đầu.

Một hôm kia ngài phiền quá, ta không nhịn nổi nữa bèn giận dỗi mấy câu. Ta nói: "Cảnh Yến, vết thương này là cái giá đổi lấy thiếp không hận ngài, chứ không phải là yêu ngài. Ngài thôi mấy trò này đi được rồi đấy."

Ngài không nói gì cả, còn tí ta tí tửng hùa theo, nhận lỗi với ta. Tẩm ngẩm thế thôi nhưng cũng ra trò lắm, nhìn trông thấy ghét. Lên giường tre chiếu trúc rồi thì vẫn "làm quá" như vậy. Lúc ngài ấy bực tức cũng không đến nỗi ấy, bấy giờ cứ như sóng đánh dập dồn, ta có khóc có kêu cũng chẳng ích gì, ngay cả mấy lời lẽ khó nghe nhất cũng thốt ra rồi mà cũng không làm sóng êm biển lặng.

Khi cơn sóng dịu lại thì ngài cũng đã khá tơi tả, nhìn như mấy tên lưu manh đầu đường xó chợ cười hì hì hỏi: "Nguyên Nguyên, bây giờ nàng phục chưa?"

Ngay tức khắc ta xin ngài bỏ qua cho. Ta nói thiếp phục rồi, ngài đừng làm khổ thiếp nữa, thiếp hết chịu nổi rồi.

Phải làm đến thế ngài mới chịu ngừng. Sau đó, ngài còn tự luyến rằng mình khoan dung độ lượng, còn ta là kẻ không có lương tâm.

Cứng rắn chưa xong, mềm dẻo đã đến, ngài nói với ta: "Nguyên Nguyên, dù là kẻ thù không đội trời chung thì khi bị rơi xuống khe nứt lòng băng, muốn giữ được cái mạng họ cũng phải biết ôm ấp, sưởi ấm lẫn nhau. Nàng nói xem là do khe băng không đủ giá lạnh hay là do bổn vương còn không bằng kẻ thù của nàng?"

Bản thân ngài ấy chính là một cái bẫy mê người. Ta không muốn sa chân, nhưng khó lòng chống lại được từng đợt từng đợt xô đẩy. Phải là không sa không được.

Bất luận có nói thế nào, có ngẫm nghĩ ra sao, trong lòng ta vẫn có vướng mắc như nút thắt chưa cởi ra được. Ta cố lấy hết can đảm đi gặp Chức Hoan.

Bọn họ ai cũng xì xào rằng Chức Hoan sảy thai thành ra điên dở, nhưng ta biết nàng ấy sẽ không điên. Kết cục ngày hôm nay nàng vốn đã từng dự liệu. Nàng chỉ đang tự bảo vệ chính mình mà thôi.

Khi đến nơi, ta thấy trong phòng nàng, trên bàn, trên giường, dưới đất chỗ nào cũng toàn quần áo trẻ con. Những chiếc quần áo đủ kiểu lộn xộn không biết đâu mà lần. Mười ngón tay nàng vừa sưng tấy vừa ửng đỏ, còn móng tay đã hơi ngả sang sắc tím.

Ta cho người trong phòng lui ra ngoài, sau đó ngồi trước mặt nàng thử bắt chuyện. Nhưng nàng chẳng chịu nhìn ta, cũng không đáp lại, chỉ có đôi tay cầm kim khâu thỉnh thoảng dừng lại còn là hiện diện của sự sống.

Ta ngồi trong phòng nàng đến tận lúc trời sẩm tối. Nàng không nói chi, chỉ lắng nghe. Phải đến khi ta đã sắp về, nàng mới nhìn ta với cái nhìn xa xăm, thốt ra một câu khẽ như tiếng muỗi vo ve: "Rõ ràng chỉ là một bé gái..."

Mười ngày sau, thị vệ thân cận của vương gia lấy vợ. Trên phố người ta kháo với nhau rằng, có một vị quý thiếp của vương gia vò võ mấy tháng trời mới được ngài ngó ngàng, vừa có thai đã bị sảy nên cả người phát cuồng, bị vương gia ban cho thuộc hạ.

Năm ngày nữa trôi qua, từ cung truyền đến tin đã tra ra chân tướng sự việc. Chính Lăng Nghi đã hại chết đứa con đỏ hỏn của Chức Hoan. Họ cũng bắt Lăng Nghi phải chọn kết cục đời mình, hoặc rượu độc hoặc lụa trắng.

Khi ý chỉ truyền đến ta cũng có mặt ở chỗ nàng ấy.

Ta chỉ có thể giương mắt nhìn nàng lẩy bẩy đứng dậy, miệng lầm bầm: "Đến rồi, đến rồi, đến không thoát được..."

Khi cả hai quỳ xuống, cô ấy liên tục lặp lại một câu như thể đang niệm thần chú. Ta nghe rõ từng chữ một nhưng phải giả câm giả điếc.

Nàng nói, Nguyên Nguyên, cô biết không phải là ta.

Ta biết. Nhưng ta cũng phận bèo nước chẳng hơn, ta biết thì có thể làm được gì chứ?

Ta không được và cũng không dám làm ra cơ sự gì nữa.

"Chọn đi Lăng Nghi cô nương."

Lăng Nghi nâng chén rượu độc lên, rồi lại run rẩy đặt trở lại. Nàng cầm lấy dây lụa trắng, nghiến chặt trong tay. Đột nhiên, cô ấy xô cái khay đựng đồ ấy đi, vụt dậy chạy, nghiêng nghiêng ngả ngả như con ruồi mất đầu đâm vào bức tường người.

Chưa chạy nổi mấy bước đã bị tóm cổ lại! Dải lụa trắng thít vào cổ nàng, mỗi bên một người ra sức kéo, chả mấy chốc tiếng xương trật khỏi khớp cổ vang lên. Tên công công lên tiếng: "Nguyên Nguyên cô nương, phiền cô nương đi với chúng nô tài một chuyến!"

Tim ta nhói lên. Cảnh Yến chưa về, vậy ai truyền ta vào cung?

"Xin hỏi công công..."

Không cho ta nói hết, tên hoạn quan kia đã ngắt lời. Tay hắn khum khum thành hình hoa lan, cười: "Nguyên Nguyên cô nương, cô đúng là có phúc phận đấy, không phải ai cũng may mắn được gặp hoàng thượng đâu."

Đường không dài nhưng những ý nghĩ cứ miên man mãi trong đầu ta.

Chức Hoan phát điên, Lăng Nghi lại chết một cách chóng vánh, cục diện đã quá rõ! Người của thái hậu không dùng được nữa thì người hoàng đế cài cắm cũng đừng hòng.

Hoàng thượng và thái hậu tuy là mẹ con, nhưng xem ra cũng chẳng dễ chịu hơn là kẻ địch với nhau là mấy.

Tại sao phải trừ khử họ? Đại khái là vì quân cờ hết nước, vô dụng rồi.

Hai người đàn bà không được ngó ngàng, cho dù còn sống ở phủ đi chăng nữa cũng chẳng có tác dụng gì với kẻ giật dây.

Khi Lăng Nghi còn, nàng từng tâm sự với ta một bận. Chính vào lần ấy ta đã hiểu nàng ắt không sống được lâu. Nàng yêu Cảnh Yến.

Nàng biết Cảnh Yến không yêu nàng, dù thi thoảng có ghé phòng nàng thì cũng chỉ là dối lừa mà thôi.

Nhưng nàng yêu sự dối lừa ấy.

Nàng nói cảm ơn ta vì ta chưa từng độc chiếm vương gia, cảm ơn ta vì đã nhường nàng, để nàng có cơ hội lưu giữ những kỉ niệm.

Nàng nói, ngày trước, nàng còn mơ tưởng hão huyền lắm, bây giờ nàng đã ngộ ra rồi, nàng không phải đối thủ của ta.

Không, nàng ấy vẫn chưa hiểu.

Từ trước đến giờ, đối thủ của nàng không phải là ta. Đối thủ của nàng đang ở trong Hầu phủ, đang ở trong cung, đang ngồi trên bảo tọa điện Kim Loan, đang giật dây đằng sau màn trướng.

Nàng đã hết tác dụng nên hoàng thượng tức khắc sẽ bỏ rơi nàng. Bởi lẽ, qua sự việc ồn ào trong bữa tiệc nọ, hắn đã tìm ra người phụ nữ đích thực có thể tiếp cận Cảnh Yến.

Chương 27
Đó là người mà Vãn Thược hận thấu xương còn Cảnh Yến bảo vệ bằng cả tính mạng.

Xe ngựa đã đến nơi. Theo bước của tên công công, ta băng qua các lối trong cung. Trên đường đi, ta tình cờ gặp Cảnh Yến.

Có lẽ ngài ấy cũng vừa gặp hoàng đế. Trông thấy ta, ngài không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên.

Vì có người người khác nên cũng không tiện, ta và ngài chỉ lướt qua, khẽ trao đổi ánh mắt.

Bỗng dưng ta lại nghĩ đến câu nói ngày ấy của ngài: "Nguyên Nguyên, bổn vương đã vạch áo cho nàng xem lưng."

Công công đưa ta đến nơi liền đóng cửa lại và rời đi. Ta hành lễ với hoàng thường. Hắn không miễn lễ, ta cũng không dám nhúc nhích.

"Ngươi có biết kẻ có thân phận thấp kém như ngươi đáng lẽ không xứng được diện kiến trẫm không?"

Hắn không giống Cảnh Yến. Giọng hắn lạnh lùng ẩn chứa ý ác.

Ta càng cúi đầu thấp hơn, siết chặt tay: "Nô tì đáng tội."

"Vậy ngươi có biết tại sao trẫm lại cho gọi ngươi đến không?"

Nhà họ Cảnh ai cũng thích đánh đố người khác lắm à?

"Hoàng thượng thứ tội, nô tì không biết."

"Ngươi không biết hay là không dám nói?"

Ta cắn chặt răng không lên tiếng, một lát sau, ta nghe hắn bảo ta ngẩng đầu lên.

Hơn một lần dò xét, hắn cất tiếng, cái giọng khinh khỉnh: "Cũng chỉ là một ả liễu yếu đào tơ! Tiểu Cửu đúng là bị ma nhập rồi."

Ta vẫn chăm chăm nhìn mặt đất, không hó hé.

"Cũng phải, mẫu phi của đệ ấy cũng xuất thân từ nô tỳ. Trẫm nghe nói, ban đầu ngươi là nha hoàn thông phòng?"

Sự coi rẻ và khinh thường dường như sắp trào ra ngoài tiếng nói lạnh lùng của hắn.

"Vâng ạ. Nô tì thân phận hèn mọn, có được ngày hôm nay quả thật là phúc phận."

"Chẳng qua nhờ Tiểu Cửu chịu đoái hoài thôi." Hắn nói.

"Là nhờ có ơn vua như biển rộng." Ta đáp.

"Ồ? Không ngờ cũng có mồm mép." Hắn mân mê chén trà trên bàn, khẽ đặt xuống làm phát ra tiếng sứ va chạm, tiếng nghe trong trẻo: "Hôm đó ngươi làm càn, vô phép vô tắc nên trẫm cứ nghĩ rằng ngươi cũng chỉ là một ả đàn bà ngoa ngoắt."

"Bẩm hoàng thượng, đến nay vương gia vẫn chưa cưới Vãn Thược quận chúa, người hẳn cũng biết vì vương gia không thích đàn bà chua ngoa."

Qua khóe mắt, ta thấy người hắn hơi chúi về phía trước, hình như hắn có cười.

"Ngươi điên rồi?"

"Hoàng thượng, khi nô tỳ bước vào trong đây đã không thấy còn bất cứ ai khác. Nô tì đánh liều tự suy đoán rằng hoàng thượng muốn nghe những lời không phải bình thường có thể nghe được."

Tay ta bấm hắn cả lòng bàn tay, còn hàm răng nghiến chặt như sắp vượt khỏi sự kiểm soát.

"Ả đàn bà này, ngươi đừng tự nghĩ mình khôn ngoan."

Đã đi đến nước này, ta chẳng còn cách nào khác, buộc phải đánh cược một phen, được ăn cả ngã về không!

"Hoàng thượng, có một câu nô tì biết sẽ mạo phạm nhưng không thể không hỏi."

Trầm ngâm một hồi, hắn không ngồi trên ghế nữa mà chống tay vào cạnh bàn nhìn ta với vẻ mặt ra chiều khó đoán.

Ta hít vào một hơi thật sâu, từ từ thở ra rồi mới hỏi: "Hoàng thượng, giang sơn tươi đẹp này rốt cuộc là thuộc về họ Cảnh hay là họ Mạc?"

"Hỗn xược!"

Chén trà sứ bay về phía ta, vỡ tan trên đất. Nước trà chảy ra, bỏng cả khoảnh đất.

"Hoàng thượng" Chuyện đã vậy rồi, ta cũng không còn con đường nào khác: "Giang sơn tươi đẹp này rốt cuộc là thuộc về ai?"

Từng tiếng bước chân vọng rõ trong căn phòng thênh thang. Hắn đi đến chỗ ta, đứng trước mặt ta, không tức giận cũng không tươi cười. Hắn chỉ nhìn ta, ánh mắt sâu không thấy đáy.

"Bây giờ trẫm đã hiểu ra vài phần vì sao Cảnh Yến lại thích ngươi."

Hắn thong thả dạo quanh người ta, giống như con báo gườm gườm đôi mắt chiếu khắp người con linh dương lạc vào lãnh thổ của nó.

"Được, vậy trẫm cho ngươi một cơ hội, ngươi còn muốn nói điều gì?"

Ta cố gắng ép ngược áp lực đang đè lên chính người mình, mở căng hai mắt nhìn xuống dưới đất, nói tiếp: "Nếu muốn giang sơn này thuộc về họ Cảnh, không phải họ Mạc, vậy thì phải dựa vào Cửu vương gia. Chỉ khi ngài ấy nắm thóp Vãn Thược quận chúa thì mới có thể kiểm soát được Mạc Hầu."

Hắn cười nhàn nhạt lại lạnh như ánh trăng đông, hỏi: "Vậy còn ngươi? Rốt cuộc, ngươi có thể làm điều gì cho trẫm?"

"Hoàng thượng, giang sơn này thuộc về họ Cảnh, nhưng không phải là họ Cảnh trong tên Cảnh Yến."

"Chỉ dựa vào sức ngươi mà đảm bảo được hắn không tạo phản?"

"Vì đại sự, vạn lần chết nô tì cũng không từ!"

Hắn không tỏ rõ thái độ, lại thong thả đi đến ngồi sau bàn: "Ngươi tên là gì?"

"Bẩm hoàng thượng, nô tì tên gọi Nguyên Nguyên."

"Nguyên Nguyên, nói mãi chuyện người ta rồi, giờ đến ngươi, ngươi muốn gì?"

"Nô tì muốn một người, thưa hoàng thượng." Ta thốt ra từng chữ từng chữ trong sự căng thẳng: "Trên thế gian này, nô tì chỉ có mình chàng, người mà nô tì muốn chính là chàng."

Hắn không dò hỏi thêm mà bắt đầu chắp bút viết. Sau đó lại hắn hỏi: "Ngươi có biết chữ không?"

Ta ngẩng lên xem, càng thêm bất an, đọc những chữ hắn viết lên: "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu."

"Hẳn ngươi cũng biết vẫn còn một câu sau nữa?"

Ta cố gắng hít thở bình thường, quỳ xuống: "Thánh, thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu." [1]

Thánh nhân không quản thói yêu ghét, lê dân bách tính chỉ giống như của lễ con dâng trong một nghi thức tế lễ hoành tráng, sinh tử li biệt đều là mệnh.

Huống hồ hắn cũng không phải thánh nhân, hắn là hoàng đế.

[1] Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.

(Tạm dịch: Đức nhân của trời đất đối với vạn vật, là đức vô vi để vạn vật tự hành; đức nhân của thánh nhân đối với trăm họ, là đức vô dục để trăm họ tự hóa. Nguồn: https://quangduc.com/a58091/dao-duc-kinh)

Ý chính: Cảnh Yến đe dọa đến ngôi vua, ắt phải diệt.

Cụ thể: Ở đây có thể hiểu là, trời đất và thánh nhân không vì thói yêu ghét mà đối xử với vật, với người nào khác vật, người nào. Người và vật đều như "chó rơm" (sô cẩu), thuận theo quy luật, đang thời thì dùng, quá thời thì bỏ như cây cối xuân hạ tươi tốt, khi trổ hoa kết trái rồi qua thu đông thì điêu tàn. Trung Quốc xưa, người dân thường dùng chó làm vật tế lễ. Sau này, thời thế thay đổi, người dân dùng chó rơm để tế lễ thay cho chó thật. Những con chó kết bằng rơm khi chưa bầy để cúng thì được cất kỹ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi thì người ta liệng nó ra đường, người đi đường giẫm lên đầu, lên cổ chúng hoặc lượm về để nhóm lửa. "Bách tính" ở đây có thể hiểu là cả quan và dân, trong câu này, hoàng thượng ám chỉ quan Cảnh Yến. Quan nào có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại thì bỏ, diệt, vì vua chúa chỉ nên "yêu quốc gia thôi, chứ không được yêu cá nhân" cũng như trời đất sinh ra, nuôi dưỡng vạn vật chỉ lo cho cái lợi chung của vạn vật chứ không quan tâm tới cái lợi riêng của một vật nào. (Tuy nhiên, câu này của Lão Tử còn có cách hiểu khác, đại ý, trời đất và thánh nhân không vì thói yêu ghét mà đối xử với vật, với người nào khác vật, người nào nên cũng không cầu vật, người dâng cúng vật tế - chó rơm. Tôi thấy cách hiểu trên là hợp lý hơn trong ngữ cảnh này.)

"Hoàng thượng." Ta cắn đôi môi đã khô nứt, giọng trầm hẳn xuống: "Nếu đã muốn giết, đợi đến khi lật đổ được Mạc hầu rồi giết y cũng chưa muộn."

Vừa ra khỏi phòng, ta đã nhìn thấy Cảnh Yến đang đứng đợi bên dưới. Bấy giờ ta cảm thấy như bị ai rút hết sức lực, mặt mày xây xẩm. Nếu không phải Cảnh Yến nhanh tay đỡ, có lẽ ta đã ngã nhào xuống dưới bậc thềm.

"Không sao chứ, Nguyên Nguyên." Ngài vỗ vỗ lưng ta như đang vuốt ve mèo, tiếng ngài thật êm: "Nguyên Nguyên đừng sợ."

Ta kéo người ngài hơi khom xuống, nhón chân ghé vào tai ngài nói: "Vương gia, vị hoàng đế kia đáng sợ thật! Bây giờ ta nhìn ngài bỗng dưng lại thấy sao mà hiền thế."

Ngài thấy ta vẫn còn sức đùa mới thôi nhíu mày, bật cười: "Nguyên Nguyên tiến bộ rồi, thế mà bổn vương còn lo nàng khóc nhè."

Chương 28
Ngài không hỏi hoàng thượng đã nói gì với ta, ta cũng không hỏi hoàng thượng nói gì với ngài. Sống cùng nhau bấy lâu nay, đôi bên đã tự ngầm hiểu.

Hơn nữa, chỉ cần suy đoán thôi là đã có thể biết được bảy, tám phần câu chuyện.

Chính bởi vì vậy nên hôm ấy ta tỉnh giấc giữa đêm, thấy ngài đang đứng trước cửa sổ ngắm trăng, ta bèn tiến đến ôm ngài từ phía sau.

"Vương gia, cưới đi." Ta áp mặt lên lưng ngài, cọ cọ vào tấm lưng dài rộng ấy: "Ngài cưới cô ấy về, thiếp sẽ tự biết ứng phó."

Ngài thở dài thườn thượt, não nề quay lại ôm ta vào lòng: "Nguyên Nguyên, cô ấy sẽ ức hiếp nàng."

"Thiếp không sợ cô ấy."

Cho dù ngài có muốn hay không, có đồng ý hay không, hay là có quan tâm ta thế nào, thực ra ngài đã không còn sự lựa chọn khác. Hoàng thượng muốn ngài cưới Vãn Thược, thái hậu cũng vậy.

Mỗi người có một rắp tâm riêng nhưng chung quy lại gặp nhau ở bước này.

Cảnh Yến không có sự lựa chọn khác, cũng không việc gì phải bất chấp tính mạng để lựa chọn khác.

"Nguyên Nguyên, vì bổn vương hèn hạ nên mới phải đẩy nàng ra xa."

Kẻ địch vây hãm xung quanh, Cảnh Yến có chạy đằng trời. Vì ta mà kháng chỉ, rõ ràng đó là điều không thể. Ta và ngài đều không phải kiểu người sẵn sàng đánh cược với vận mệnh chỉ vì tình yêu. Hơn nữa, nếu như ngài thực sự kháng chỉ, e là ngày ta chết đến càng nhanh hơn.

"Vương gia, đừng nói hèn hạ gì cả, nếu như ngài thực sự là người hành sự chỉ dựa theo cảm tính, Nguyên Nguyên còn không buồn nhìn mặt ngài đấy." Ta vỗ lưng ngài, nhẹ nhàng khuyên giải: "Nếu đã là dao, sao lại không xông vào trận chiến để giết quân thù?"

Mà Vãn Thược còn đang bị cấm túc, nghĩa là ta vẫn còn thời gian, dù không nhiều lắm nhưng cũng đủ dùng.

Chức Hoan chuyển đi, Lăng Nghi qua đời, thoáng chốc cả phủ đều trở nên quạnh quẽ, ai cũng giữ kín kẽ chuyện người ấy, không dám nhiều lời.

Chỉ có một việc mừng duy nhất đó là vào tháng tư này, khi hương hoa ngan ngát khắp nhân gian, ta sẽ trở thành trắc vương phi.

Đây vốn là chuyện riêng tư của Cảnh Yến. Nhưng, với xuất thân của ta nếu hoàng thượng không nhúng tay vào, dĩ nhiên ta sẽ không trèo lên được vị trí này.

Hoàng thượng đưa ta lên vị trí mới, hắn đã đánh dộng, chắc chắn không lâu sau thái hậu cũng sẽ đưa Vãn Thược nhập bàn cờ.

Quả nhiên, sau khi Vãn Thược hết bị cấm túc còn chưa đầy ba tháng, hoàng đế đã ban hôn. Hoàng thượng muốn Cảnh Yến cưới Vãn Thược về, rồi chỉ bảo thêm cho con bé.

Nhưng mà theo ý thái hậu thì Vãn Thược bước vào phủ phải là bước thẳng lên vị trí chính phi. Còn hoàng thượng lại khác. Hắn nói rằng Vãn Thược vừa mới làm ra chuyện không hay, nếu đảm nhiệm vị trí chính thất e rằng mọi người không phục.

Lời qua tiếng lại mãi không ngừng, cuối cùng Vãn Thược xuất giá trở thành trắc vương phi.

Đến năm nay, Cảnh Yến 24 tuổi, còn ta và Vãn Thược vừa tròn 18.

Ta vẫn còn nhớ ngày Cảnh Yến cưới Vãn Thược về. Ngài khoác lên mình bộ hỉ phục hào hoa, cao quý, ngồi trên mình con ngựa đẫy đà. Bông hoa hỉ đỏ rực trước ngực cùng với những dây tua rua đỏ thả từ yên ngựa phất phơ theo làn gió, tất cả càng tôn lên dáng vẻ uy phong của ngài.

Ngài nói Nguyên Nguyên, bổn vương rước nàng nhất định sẽ hoành tráng hơn.

Ta cười nói vương gia, đã giặt sạch rồi đấy, ngài ôm chăn cuốn gói đi đi, thiếp thấy cũng được đấy.

Tân lang tân nương làm lễ bái đường, uống rượu giao bôi như thường lệ. Theo thứ tự vào phủ trước sau, Vãn Thược phải rót trà mời ta.

Vãn Thược vô cùng vui sướng khi đạt được thỏa nguyện. Vừa nhìn đã thấy niềm hân hoan viết hết lên trên mặt nàng ấy, thậm chí khi mời trà còn cười với ta.

Nàng ấy nói, khi ngươi vào phủ có được một phần thanh thế này không?

Ta nhận lấy chén trà, thong thả nhấp một ngụm, nói với nàng ta: "Trần đời mấy ai được yêu chiều như muội muội nên làm sao mà có được đây?"

Làm sao mà cô ta biết được rằng, thứ ta nắm trong tay còn quan trọng hơn việc phô trương thanh thế này nhiều.

Là thứ mà cô ta cầu mà không được, là thứ quan trọng nhất.

Đêm đến, có lẽ nô tì hầu ở trong phòng sợ ta đau lòng nên nhất quyết muốn kể chuyện cười cho ta nghe. Cũng không biết em ấy tìm ở đâu ra những mẩu chuyện ấy.

Nghe em ấy kể ta biết ngay em ấy cũng mới nghe mới học nên khi kể còn đứt đoạn, nhớ nhớ quên quên, ta bèn bảo: "Thôi không nghe nữa đâu, ta mệt rồi muốn đi ngủ."

Nhưng em ấy lại nói: "Chủ tử, người đừng tắt đèn rồi vò võ một mình trốn trong chăn khóc nhé."

Nhìn em ấy, bỗng nhiên kí ức lại ùa về. Trước đây, ta cũng như vậy, vừa lanh lợi, vừa biết quan tâm người khác. Cũng mới hơn một năm trời, nhưng ta đã không còn là cô nha hoàn thông phòng trốn trong chăn khóc nữa rồi.

Đêm ấy ta thảm hại vô cùng, lắp bắp hỏi Cảnh Yến: "Vương gia, đêm nay ta thoát không nổi đúng không?"

Cảnh Yến vuốt ve mặt ta, giọng ngài lãnh cảm: "Nàng nói gì vậy, nói như thể bổn vương đem nàng đi xử tử không bằng."

Mà một năm trôi qua, vẫn là ta, nhưng là ta chủ động ôm ngài từ phía sau, nói với ngài: "Vương gia, chuyện đến thiếp cũng không trốn tránh được, ngài cưới cô ta đi."

Ngài quay lại ôm ta vào lòng, cái ôm của ngài tràn đầy hơi ấm, ngài hỏi lại: "Nguyên Nguyên, không phải là trốn tránh mà là chúng ta phải xông lên. Bổn vương sẽ dẫn nàng theo, chúng ta sẽ xông vào cửa sinh."

Trong những chuyện cũ, có chuyện là nằm trong dự liệu, cũng có chuyện nằm ngoài dự đoán, khó khăn giăng mắc trùng trùng như tơ nhện độc, gỡ mãi cho đến hôm nay.

Mãi không thấy ta nói gì, nô tỳ kia mới hỏi: "Chủ tử, có phải nô tỳ lỡ lời làm người đau lòng không?"

Ta cười với em ấy, vẫn không nói gì. Đêm nay, có ai là không đau lòng chứ?

Thực ra hôm đó, em ấy còn hỏi ta một câu nữa, em ấy hỏi: "Chủ tử, người có thích vương gia không?"

Ta chống cằm, uể oải dựa vào thành bàn nhìn em ấy.

Ta nói, con bé này, em không nên hỏi câu này, ta cũng không thể trả lời.

Thích hay không thích, ta chưa từng tự hỏi chính mình hay sao? Không, ta đã từng tự vấn, cũng từng nghiêm túc suy nghĩ. Nhưng đây vốn là một câu hỏi không có lời đáp.

Khi ấy chưa phải lúc thích hợp, bây giờ cũng thế.

Có một câu Chức Hoan nói đúng, tâm như nước, phản chiếu bóng người ắt sẽ không thể trong. Biết bao nhiêu chuyện rõ ràng đã bày ra trước mắt, nhưng một khi đã thích vào thì bỗng lại không thể nhìn rõ.

Cảnh Yến từng dạy ta, một khi đã thích là sẽ muốn ở bên người ấy ngay tức khắc, không chờ nổi một phút một giây. Một khi đã thích mới nghĩ đến việc người ấy phải rời xa mình, hay phải chia sẻ người ấy với ai khác là lòng lại quặn đau, không thể chịu đựng nổi. Một khi đã thích là sẽ muốn biết hết tất cả những bí mật của người ấy, không muốn người ấy giấu giếm mình bất cứ điều gì.

Chương 29
Đến nay, Cảnh Yến và ta đều không có tư cách ấy.

Nhưng thực ra cả hai đều mong người kia sống tốt. Không biết vì điều gì nhưng chúng ta đều hi vọng người kia có thể sống lâu hơn, mỗi ngày đều bình an, hôm sau có thể tỉnh dậy và nhìn thấy mặt trời mọc.

Có lẽ, đây cũng được gọi là thích chăng? Hoặc là càng đúng hơn nếu coi nó là một kiểu lợi ích giữa những người cùng hội cùng thuyền?

Ta đã bỏ lỡ cơ hội giết chết Cảnh Yến. Thực ra ta sớm hiểu rõ, nếu trong khoảnh khắc ấy, ngài không quay lại, ngài vẫn quay lưng về phía ta, ta có thể sẽ ra tay đến cùng.

Nhưng ngài nhìn ta. Ánh mắt ngài sâu thẳm và bộn bề quá, tưởng như trong khoảnh khắc sẽ nhấn chìm người đối diện.

Nếu như ta thực sự giết ngài, liệu ngài sẽ chịu chết không hề phản kháng? Đến tận bây giờ ta vẫn không dám suy xét kĩ câu hỏi ấy.

Bất luận thế nào, hiện tại Vãn Thược đã vào phủ. Còn ta và Cảnh Yến đã chung một thuyền.

Ta và ngài nắm chặt lấy tay nhau, như người và dao trong cuộc chiến cho dù đầu gối tay ấp bên ai.

Trong kí ức của ta, gương mặt Vãn Thược không khi nào là hết cau có. Bởi vì nàng ta luôn đố kỵ. Đây là lần đầu tiên ta thấy nàng ta chịu giãn cơ mặt, còn lộ ra vẻ yêu kiều như một đóa hoa e ấp dưới nắng ấm.

Không hiểu Cảnh Yến làm thế nào mà Vãn Thược lại thành như vậy, dỗ dành nàng ta, chắc phải dỗ như dỗ trẻ con.

Vãn Thược đã an phận hơn. Nỗi sợ lớn nhất của nàng là bị Cảnh Yến vứt bỏ, nên mấy ngày nay nàng cũng khá im ắng. Ta cũng chẳng có nỗi niềm đớn đau gì. Nàng ta được như ý hay không cũng không liên quan đến ta, chỉ cần không giở trò là được.

Cảnh Yến ghé phòng ta, nhìn ngài có vẻ ngượng ngùng lắm, dù đã viện đến kĩ năng diễn xuất thành thần cũng không che giấu nổi.

Trông ngài như vậy lại làm ta nổi hứng trêu, ta cười chòng ghẹo: "Hừm, vương gia, ngài bị người ta đuổi nên mới đến tìm thiếp phải không?"

Ngài cười bất đắc dĩ, hai tay còn xoa xoa vào nhau trông bứt rứt vô cùng: "Nguyên Nguyên, nàng tha cho ta đi, nửa đời đóng kịch mà chưa bao giờ ta thấy lúng túng như bây giờ."

Đương nhiên ta không cho qua dễ dàng như vậy: "Nào có, vương gia giỏi lắm mà! Nếu không sao nàng ấy lại không hằn học, chịu cho ngài đến đây."

"Thôi mà Nguyên Nguyên! Đừng chọc ta nữa. Ta nhớ nàng quá." Ngài mong đợi ở phía ta nhưng ta lại chẳng nói gì, ngài hỏi tiếp: "Nàng còn định suy nghĩ xem bổn vương nói thật hay không sao?"

Ta không nhịn được bật cười, đành phải dỗ ngài ấy một chút: "Thiếp biết là thật, chỉ là bỗng dưng thiếp không biết phải nói gì thôi."

"Nguyên Nguyên" Ngài thở dài, ôm lấy ta như những ngày trước: "Nàng có nhớ ta đâu, chắc chắn cũng chẳng ghen gì đâu."

Vương gia tủi thân rồi kìa! Ngài ấy cưới vợ mà cứ làm như ta cưới không bằng.

"Ghen chứ ghen chứ, ghen quá chua hết cả người rồi đây này." (Trung Quốc có cách nói "uống giấm" -> chua tức là ghen) Ta thấy cũng vừa vừa phai phải rồi nên chuyển qua dỗ, còn chớp chớp mắt: "Thật đấy, không tin ngài nếm thử!"

Ta không giận dỗi lại khiến ngài thấy chột dạ, chăm chút ý tứ đến từng câu chữ cứ như sợ ta sẽ đuổi ngài đi không bằng.

Đến lúc đã mất hết kiên nhẫn, ta bèn khẽ huých vào người ngài: "Sao vậy không lẽ Cảnh Yến ngài rơi vào bể tình với thiếp rồi sao?"

Ngài đơ người nhìn ta, lúc lâu vẫn không nói được câu gì.

Ta hỏi tiếp với giọng điệu chậm hơn: "Hay là ngài yêu Vãn Thược?"

Ngài lắc đầu nguầy nguậy: "Không hề có chuyện đó."

Ta biết ý kéo ngài lại gần, vòng tay ôm ngài, thỏ thẻ: "Vậy ngài làm gì có lỗi với thiếp sao?"

Ngài bị ta quay mòng mòng, choáng váng không nói nên lời, đến khi bình thường lại mới bẹo má ta cho bõ tức. Thế này mới bình thường.

Không phải bọn ta bình thường đều thế sao? Có lúc cảm thấy mình hiểu người kia nhất, người kia cũng hiểu mình nhất. Có lúc ta không hiểu ngài, ngài cũng không hiểu ta.

Sáng hôm sau, Cảnh Yến ra ngoài, ta chạm mặt Vãn Thược. Cô ấy liếc nhìn ta, ta cũng chẳng có phản ứng gì.

"Tỷ tỷ dậy sớm vậy."

Ta quay lại nhìn nàng, bất chợt thấy hơi buồn cười. Thực sự ta tò mò lắm! Không biết Cảnh Yến đã cho nàng ta uống bùa mê thuốc lú gì mà bỗng từ một mụ điên bây giờ lại biết điều thế này.

"Ừm, muội muội cũng vậy."

Giữ phép lịch sự, thuận theo quy tắc vẫn ổn, ngoài ra, ta không muốn nói thêm với cô ta câu nào.

Vả lại, có thể nhìn ra được nàng ta cũng đang cố nhịn, tiếp xúc nhiều hơn e rằng nàng cũng sẽ không để yên.

Dạo này rất ít khi ta thấy Nghiêm Phong ở phủ. Xem ra, Cảnh Yến cố ý bảo hắn tránh đi. Thực ra ngày ngày hắn đều theo bên Cảnh Yến, nhưng chốn biệt viện dường như đã trở thành cấm địa đối với hắn.

Mỗi lần gặp Vãn Thược, tay hắn nắm chuôi kiếm chặt đến run cả lên.

Thỉnh thoảng ta cũng đến thăm Chức Hoan. Nàng trông đã có da có thịt hơn, nước da cũng hồng hào hơn nhiều. Nàng vẫn ít nói như trước. Giờ nàng không thêu thùa nữa mà có hứng thú trồng hoa cỏ.

Thăm nàng ta cũng tiện lấy mấy cây cẩm tú cầu về trồng trong vườn. Cẩm tú cầu yêu kiều, duyên dáng, càng nhìn càng thấy thích. Được mấy hôm, nô tỳ nói với ta người ta đào mấy gốc cẩm tú cầu vứt đi rồi, giờ ở đó trồng hoa thược dược. Ta bảo em ấy nhặt lại mang về trồng trong phòng vậy.

Em ấy giận lắm cứ đòi ta đi mách Cảnh Yến. Thành thử ta lại phải khuyên giải em ấy. Chúng ta đều sống ở cùng viện không nên chấp nhặt bọn họ làm gì.

Ta biết vì chuyện của ta mà em ấy đã nhiều lần cãi vã với nha hoàn bồi giá của Vãn Thược. Nha hoàn kia tính tình kiêu căng, thích chõ mũi vào chuyện của người khác, hễ gặp ai lại lôi chuyện của ta ra kể, rằng ta ăn may, chim sẻ đòi hóa phượng hoàng. Nô tì của ta kém mồm kém miệng nhưng không phải hạng kém về trí óc nên cũng không dễ bị bắt nạt.

Nhưng hôm nay thì khác. Trước lúc đi ngủ ta có trở ra xem thấy em ấy đang lẩm bẩm một mình.

"Hừ! Cậy chó gần nhà cậy gà gần chuồng à, dám một hai ra lệnh cho mình!"

Ta phì cười, hỏi: "Ai mà làm cho cô nương Giai Thuần nhà ta phát cáu thế này?"

Nghe vậy em ấy quay lại, mặt nhăn mày nhó kể khổ với ta: "Chủ tử vẫn cái đứa nha hoàn bồi giá phòng bên đấy. Hôm nay nó huênh hoang lắm, bảo là Vãn Thược chủ tử hứa hẹn rằng sẽ đem nó cho vương gia, tương lai sẽ được phong làm vương tần nên nó bắt em bóp chân cho nó! Đúng là xui xẻo!"

Chương 30
Ta đùa em ấy rằng: "Người ta trở thành vương tần thật thì em thảm phải biết."

"Tần gì mà tần! Nó còn không tự soi gương tự nhìn lại mình xem, có khác gì con cá mè không." Em ấy đi theo ta đã lâu khi nói chuyện với ta cũng không mấy giữ kẽ: "Em nói á nó còn không xứng làm nha hoàn thông phòng, thế mà cứ tưởng mình là mỹ nhân."

Em ấy tức tối thực ra trông hơi buồn cười. Ta lại hỏi tiếp: "Nha đầu kia không được hay là em thế chỗ đi? Giai Thuần, vương gia vừa hào hoa vừa phong độ. Nếu như em nguyện ý, ta sẽ nói tốt cho?"

"Tha cho em đi mà chủ tử. Não có bị lừa đá mới muốn làm thông phòng cho vương gia." Em ấy nói xong mới chợt nghĩ đến xuất thân của ta, lập tức bụm miệng: "Ôi, chủ tử ơi, em lỡ lời." ("não bị lừa đá" - tương tự như não bị úng nước)

Ta không giận mà chỉ thấy em ấy buồn cười.

"Chủ tử, em đã quan sát từ lâu và đúc rút ra," Em ấy ra chiều thần bí: "Người thông minh sắc sảo nên biết đâu là giới hạn, bằng không... Ôi thôi, những nữ nhân phải lòng vương gia, ai có kết cục tốt?"

Hai người bọn ta đang nói chuyện, vừa dứt lời thì có tiếng ho khe khẽ từ phía sau lưng. Em ấy quay ra sau, sợ hãi quỳ rạp xuống đất.

"Vương, vương gia..." Sợ đến nỗi nói còn không xong, lắp ba lắp bắp: "Nô tỳ, nô tỳ..."

Cảnh Yến chắp tay sau lưng, trưng ra bộ mặt nghiêm túc chuẩn mực, trông đáng sợ vô cùng: "Chủ ngươi không dạy ngươi sao? Nói xấu người khác phải đóng cửa vào."

Nha đầu này từ trước đã vậy. Hễ bị ai xét hỏi là lại dập đầu rõ mạnh, ta nghe mà thấy đau thay em ấy.

"Được rồi, Giai Thuần chỗ này hết việc của em rồi, em lui xuống nghỉ ngơi đi." Ta giải vây, đợi em ấy đi rồi mới kéo Cảnh Yến ngồi kề bên mình: "Vương gia, ngài cứ dọa con bé thế, dọa mình thiếp còn chưa đủ sao."

"Nguyên Nguyên, câu vừa nãy nô tỳ kia nói nàng thấy có đúng không?"

Ta biết ngài muốn nhắc đến câu "ai có kết cục tốt", nhưng vẫn giả đò ngơ ngác, chống cằm hỏi: "Câu nào cơ?"

Ngài ấy cũng biết ta đang giả bộ, búng nhẹ vào trán ta, nhưng cũng chịu mở cho ta đường lui: "Nói là não nàng bị lừa đá ấy."

"Không phải bị lừa đá, mà là bị "lừa" búng."

Ngài ra vẻ định phạt ta, ta lập tức xin tha: "Thôi mà vương gia. Ngài nghe được mỗi câu em ấy chê ngài, còn lúc thiếp khen ngài anh tuấn ngời ngời, phong độ hào hoa mà ngài lại chẳng hay!"

Ở với ngài đã lâu, ta cũng hiểu cơ bản tính khí của ngài, biết ngài ưa nghe gì, không ưa nghe gì. Ngài ấy cũng biết vậy: "Đúng là con sói con, chỉ biết dẻo miệng."

Ta nắm lấy tay ngài, cười tươi rói hôn ngài, tỉ tê: "Vương gia, đi, Nguyên Nguyên nói tiếng dịu dàng ngài nghe."

Khi ta với ngài vừa vào phòng trong, bên ngoài có người gõ cửa. Nói là gõ cửa vẫn là nói tốt quá, chứ phải nói phá cửa mới đúng.

Giai Thuần nghe thấy tiếng động chạy đến, ta xua tay tỏ ý em ấy lui xuống, không sao.

Mở cửa ra, ta thấy có một nha đầu đứng trước đó. Dòm thấy ta, nha đầu độp thẳng một câu: "Chủ tử nhà ta thấy trong người không khỏe, mời vương gia đến thăm."

Ta nghe vậy không nhịn được bật cười, dựa vào cửa dán mắt vào nha hoàn nọ.

Thấy ta cứ nhìn chòng chọc, nha đầu chột dạ mới nói thêm vào một câu: "Nguyên Nguyên chủ tử."

Ta cười giả lả: "Hóa ra ngươi đang nói chuyện với ta à, có chuyện gì?"

"Chủ tử nhà ta thấy trong người không khỏe muốn mời vương gia đến thăm."

"Chủ tử nhà ngươi là ai?"

Nha đầu nhìn ta với ánh mắt hoài nghi: "Là Vãn Thược quận chúa."

Ta hỏi tiếp: "Vãn Thược quận chúa? Là vị Vãn Thược quận chúa của hầu phủ sao?"

"Vâng!"

Ta vẫn cười, hỏi cô ta: "Quận chúa hầu phủ chạy đến vương phủ làm chủ tử gì cơ?"

Bị ta hỏi dồn, nha đầu sững người, mở mồm nhưng mãi không nói được câu nào.

Ta liếc mắt: "Ngươi học ăn học nói trước đi rồi hẵng đến gõ cửa phòng ta!"

Ta chuẩn bị đóng của thì cô ta mở miệng, lần này nói năng có phép tắc hơn nhiều: "Nguyên Nguyên chủ tử, Vãn Thược chủ tử không khỏe, bảo ta, bảo nô tỳ đến mời vương gia đến xem sao."

"Ai nghe được còn tưởng vương gia là lương y cơ đấy, chữa được cả bệnh khó chịu của chủ tử nhà ngươi mà." Ta cười, nói tiếp: "Vương gia có chân ngài ấy không đi ta cũng không lôi ngài ấy đi được. Ngài ấy đến đây ta cũng đâu thể đuổi ngài đi đúng không?"

Nô tỳ kia không biết nói sao nhưng vẫn cắm rễ ở trước cửa không chịu rời. Càng nhìn càng chướng mắt, ta nạt: "Truyền đạt lại thôi mà cũng không biết sao? Ta nói thế nào thì ngươi truyền đạt lại y như vậy cho chủ tử ngươi."

Nói xong ta liền đóng cửa lại, nhưng cửa gần đóng hẳn thì lại nghe thấy cô ta lầm bầm một câu: "Một nha hoàn thông phòng ăn may mà cứ ra vẻ ta đây!"

Tai ta rất thính, nghe rõ từng chữ một. Ta túm cổ nha đầu kia lại, hạ giọng nói với nó một câu.

Nha hoàn kia chạy trối chết về phòng đến nỗi suýt ngã.

Về phòng đã thấy Cảnh Yến đang đứng ngoài cửa, thấy ta về ngài cười tủm tỉm trêu ghẹo ta: "Trắc vương phi của bổn vương học được cách dương oai diễu võ rồi."

Ta cũng tiếp lời: "Thực lòng, vương gia à, nếu mà còn ức hiếp thiếp, thiếp sẽ cho ngài cuốn gói sang phòng cách vách kia mà làm khổ sai."

Hai người câu qua câu lại đùa giỡn một hồi. Sắp ngủ Cảnh Yến hỏi ta: "Nguyên Nguyên, phút cuối nàng nói gì mà nha hoàn kia sợ bạt vía thế?"

Ta cười giòn tan, sau đó ghé vào tai ngài thì thầm lần nữa câu ấy.

"Ngươi chính là nô tỳ muốn làm vương tần kia sao? Có tin ta giết ngươi không?"

Cảnh Yến nghe xong cười nói với ta: "Nguyên Nguyên, bổn vương có dạy nàng vậy đâu, sao động một tí là đòi giết người thế?"

"Vương gia, Nguyên Nguyên phải nói rõ với ngài, như bây giờ là tình thế bắt buộc, một Vãn Thược thiếp còn chấp nhận được. Nhưng nếu mà lại nhét thêm cho thiếp một vương tần, có thế nào thiếp cũng phải khiến cô ta bước vào mà khiêng ra."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #readoff