Một cách yêu, hai lựa chọn, hai kết cục.
Ngày trước mình nhớ một người bạn từng bảo so ra thì Nhiếp Cảnh và Lâm Nguyên đâu có kém cạnh nhau, toàn kẻ tám lạng người nửa cân cả. Lúc đấy mình cũng bối rối, bạn ấy nói đúng, chẳng lẽ khi đấy bởi vì Nhiếp Cảnh là thụ chính tác giả xoáy sâu hơn nên mình sinh lòng đồng cảm thương xót hơn. Còn Lâm Nguyên là nhân vật xây dựng lên để ghét, tác giả không nói kỹ về nó nên mình bị chi phối nghĩ theo đúng hướng tác giả muốn: ghét nó? Mặc dù đọc vài chương đầu chưa hiểu rõ, sau đấy lại nghe kể sơ lược vài chi tiết, trong lòng thấy rõ Lâm Nguyên và Nhiếp Cảnh là cùng một loại người.
Ảnh mình chụp là cảm nghĩ riêng của bạn editor thích Nhiếp Cảnh. Mình thấy phần đầu bạn ấy nói chưa hợp lý lắm. Mọi chuyện đổ hết lên đầu Nhiếp Cảnh cũng chẳng sai, suy cho cùng thì từ cái ích kỷ tham lam chiếm hữu với đệ đệ Nhiếp Hi mới ra cớ sự như thế. Cơ mà đến phần sau lại thấy bạn ấy nói rất đúng, cũng làm mình chợt ngộ ra. Tuy Nhiếp Cảnh và Lâm Nguyên đều là hạng tiểu nhân không từ thủ đoạn như nhau, nhưng đến cuối cùng khi bước tới cuối sợi chỉ sinh mệnh ý, có một điểm mấu chốt đã... tách rời, phân loại hai con người này. Khi Nhiếp Cảnh cận kề cái chết, y suy nghĩ thông suốt, quyết định buông tay, buông bỏ tình yêu vô vọng này để Nhiếp Hi về với người Nhiếp Hi yêu (không biết mọi người có nhớ Lâm Nguyên chưa chết không, lúc tưởng sắp đi gặp Phật tổ thì Nhiếp Cảnh cứu nó, che giấu tung tích để nó sống ở biệt trang ngoài kinh thành đó) Lúc ấy Nhiếp Hi định mở miệng dối lòng nói yêu Nhiếp Cảnh cho y an lòng nhằm kéo dài thời gian sống một chút, Nhiếp Cảnh cự tuyệt ngay. Dù y yêu Nhiếp Hi cuồng si, không từ mọi thủ đoạn, nhưng sau cùng nó ngộ ra nhân tâm không phải là cái có thể cưỡng cầu o ép. Dù y mong Nhiếp Hi có thể để ý, yêu mình dù chỉ một chút, mặc dù có thể đây là những giây phút cuối đời, sau này có thể chẳng còn cơ hội tận hưởng cái ngọt ngào thỏa nguyện (dẫu chỉ là ảo vọng giả dối) ấy nữa, y vẫn kiên quyết khước từ, ngạo nghễ từ bỏ. Mình thấy riêng tình tiết này, ngay thời điểm ấy mình nghĩ y xứng với danh xưng tinh thần hoa mai, thiết cốt quân tử. Hình ảnh ví von từ đầu truyện này có lẽ khó lồng vào Nhiếp Cảnh, bởi vì cả truyện y quá mưu mô thủ đoạn độc ác, ngoại trừ mùi hương hoa mai thanh tao phong nhã đặc trưng trên người thì chẳng có gì liên hệ y với hình ảnh so sánh đẹp đẽ ở trên cả. Chỉ riêng khoảnh khắc y còn chút hơi tàn ấy mình mới hiểu tại sao tác giả khăng khăng dùng hình tượng ấy để khắc họa Nhiếp Cảnh. Tại sao mọi người, tại sao Nhiếp Hi luôn hoài niệm, lưu luyến si mê hình ảnh ấy như thế.
Còn thì về Lâm Nguyên, đây là một nhân vật đáng thương hơn đáng trách, xét cho cùng Lâm Nguyên cũng chỉ là một người bị hại bởi lòng vị kỷ chiếm hữu, si tâm vọng tưởng của Nhiếp Cảnh. Dù không ưa đến mấy cũng phải nói rằng tình yêu không có lỗi, đặc biệt là một mảnh tình si không đổi như thế, tất cả đều do con người làm những chuyện có lỗi nhân danh tình yêu mà thôi. Tấm chân tình nồng nàn thật tâm đến vậy bị chà đạp giày xéo, hèn chi vị trạng nguyên tiền đồ vô lượng ngày ấy bi phẫn đau khổ thống hận để rồi làm chuyện đáng khinh tương tự như những gì con người vô tình kia đối xử với mình. Mới đầu cứ tưởng vào lúc sắp chết Lâm Nguyên dụ dỗ Nhiếp Hi chung đụng là do mặc cảm tội lỗi vì đã lừa dối, muốn bồi thường bù đắp (bằng cách hết sức ấu trĩ) cho những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần của Nhiếp Hi, nhưng không mọi chuyện làm gì đơn giản như thế. Hóa ra Lâm Nguyên làm vậy là muốn đảm bảo Nhiếp Hi cả đời khổ sở vĩnh viễn không thể quên. Đóng một dấu nung đỏ rực vĩnh cửu vào cả trái tim lẫn linh hồn Nhiếp Hi, khiến trái tim mang dấu nung ấy không bao giờ rung động bồi hồi với bất cứ ai, khiến linh hồn hằn in dấu nung không bao giờ đồng điệu dung hòa với người nào nữa. Nếu không thể có được tình yêu của Nhiếp Cảnh, vậy thì cũng phải khiến bệ hạ mãi mãi chẳng bao giờ có được trái tim người mình yêu. Cố chấp si mê cả đời, cận kề cái chết vẫn không chịu buông tay, quyết không để cho người mình yêu có cơ hội hạnh phúc, dùng thủ đoạn đê tiện sâu xa nhất dằn vặt người yêu mình (Nhiếp Hi), giày vò hành hạ người mình yêu (Nhiếp Cảnh). Mãi chấp mê bất ngộ, không buông tha cả hai huynh đệ Nhiếp gia, cũng không buông tha mối tình thống khổ tuyệt vọng này cũng như chính bản hân mình. Quả đúng là lòng dạ rắn rết, đến chết vẫn không thôi tính toán, bụng dạ nham hiểm mưu mô khó lường tới tận giây phút cuối đời.
Đến cuối cùng Nhiếp Cảnh còn biết hối hận, nói xin lỗi Lâm Nguyên vì ngày xưa đã làm khổ nó như thế, mong nó từ nay vê sau sống cho tốt. Nhưng Lâm Nguyên đây này, chưa từng mủi lòng, chưa từng mảy may hối hận ăn năn gì về những việc đã làm với Nhiếp Hi. Hai con người tuy giống nhau, cùng đi trên một đoạn đường rải bằng âm mưu, lát bằng thủ đoạn, vậy mà đến cuối đoạn đường lựa chọn rẽ sang hai hướng thôi kết cục đã khác hẳn nhau rồi. 🙂 Người khôn ngoan biết giác ngộ buông bỏ cuối cùng có được người mình yêu, người kia cũng thật lòng thật dạ trao cả tâm can đáp lại. Kẻ tiểu nhân bỉ ổi đến chết không chịu tỉnh kết cục là chẳng có được gì hết. Người mình yêu, kể cả khi người ấy (Nhiếp Cảnh) sắp chết vẫn không chịu đáp lại dù chỉ một chút. Người từng yêu mình say đắm chân thành (Nhiếp Hi) cuối cùng cũng lạnh lòng quay lưng ngoảnh bước 🙂
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top