Kich ban truyen hinh VN
Kịch bản phim truyền hình: Lượng nhiều - chất ít
Hiện nay, phim truyện truyền hình Việt Nam đã chiếm sóng với số lượng đáng kể so với phim ngoại vốn tràn ngập trước đây. Cũng vì thế mà một ngày có gần chục phim đang quay ngoài hiện trường để đáp ứng nhu cầu này. Thế nhưng chất lượng kịch bản phim đang là điều đáng quan tâm.
*
Trong nước - nhiều nhưng yếu
"Trung bình một tháng chúng tôi nhận gần chục đề cương kịch bản, nhưng rất ít trong số đó có thể đưa vào sản xuất vì chất lượng yếu" -đại diện của Hãng M&T Pictures nói. Chị Minh Hà - Biên tập Phòng Khai thác phim truyện HTV cũng cho biết: "Kịch bản gửi đến đây thì nhiều vô số, nhưng chọn được kịch bản hay để làm phim thì rất khó".
Hai hãng phim truyền hình lớn là TFS (Đài truyền hình TPHCM) và VFC (Đài truyền hình Việt Nam) cũng trong tình trạng tương tự.
Chính vì tình trạng khan hiếm kịch bản làm phim, các hãng thường tổ chức riêng một vài nhóm viết kịch bản hoặc chuyển thể các tác phẩm văn học. VFC có một đội ngũ các nhà văn tên tuổi như: Trung Trung Đỉnh, Đặng Minh Châu, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Như Phong... Thời gian qua, VFC đã có những bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học tạo tiếng vang như: Mùa lá rụng (Đặng Minh Châu), Ma làng (Phạm Ngọc Tiến - Nguyễn Hữu Phần), Đất và người (Phạm Ngọc Tiến - Khuất Quang Thụy)... Hãng TFS cũng có những nhà văn "ruột" như nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn (phim Người đàn bà yếu đuối, Đồng tiền xương máu, Công nghệ thời trang), nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương (phim Thám tử tư) và đôi khi có cả nhà báo tham gia viết kịch bản.
Mô hình nhóm viết kịch bản này đang rất được ưa chuộng, vì một người không kham nổi một kịch bản phim dài từ vài chục đến cả trăm tập. Hiện có rất nhiều nhóm viết kịch bản như: Hà Nguyên Thủy và nhóm Sói con (phim Đi về phía mặt trời, Vòng nguyệt quế), nhóm Lưỡng Hà Song Thủy (phim Âm tính, Không có kiếp sau), nhóm Thằng Mõ (phim: Sóng gió thương trường, Kính thưa ô sin), nhóm Thiên Thư (phim Gia tài bác sĩ)...
Nhạy bén trước nhu cầu khan hiếm kịch bản phim, nhà văn Nguyễn Quang Lập thành lập hẳn công ty chuyên sáng tác, sửa chữa mua bán kịch bản gồm các học viên trẻ tốt nghiệp lớp biên kịch điện ảnh năm 2006 do Quỹ Ford tài trợ. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ "Lớp trẻ có kỹ năng viết kịch bản, có sự năng động, nhiệt huyết, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, vốn sống nên kịch bản của họ thường "non" và ngày càng đuối ở những tập cuối". Để khắc phục nhược điểm này, khi chọn kịch bản của các nhóm viết trẻ, các hãng thường để một nhà văn kinh nghiệm đi "kèm".
Một thực tế là dù trong tay họ có rất nhiều kịch bản, nhưng những kịch bản này yếu về nội dung, trùng lắp về đề tài hoặc không khả thi. Với hạn chế về chi phí sản xuất từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng/tập, nên những kịch bản có đề tài tâm lý xã hội được chú ý vì ít di chuyển thay đổi bối cảnh; đạo cụ, trang phục không quá cầu kỳ tốn kém luôn được xem là tiêu chí đầu tiên để kịch bản ấy được chọn. "Không phải chúng tôi không muốn làm phim lịch sử, dã sử, phim hành động, nhưng đó là những bộ phim rất tốn kém nên hiếm có hãng nào dám thực hiện ngoại trừ các hãng phim nhà nước" - đại diện của một hãng phim tư nhân thừa nhận.
*
Chuyển thể kịch bản nước ngoài
Bà Lê Thị Phương Thủy - Giám đốc Công ty truyền thông Trí Việt Media khẳng định: "Khi lực lượng viết kịch bản trẻ chưa được đào tạo viết kịch bản chuyên nghiệp, chúng tôi chọn làm phim từ việc chuyển thể kịch bản của nước ngoài và bộ phim đầu tiên của hãng Dù gió có thổi là kịch bản được mua bản quyền từ Hàn Quốc. Tới đây, chúng tôi còn 3, 4 kịch bản cũng mua bản quyền từ Hàn Quốc, sau đó Việt hóa để đưa vào sản xuất. Chi phí mua bản quyền kịch bản nước ngoài đắt hơn 20%, 30% so với kịch bản của các tác giả Việt Nam, nhưng kịch bản của họ rất chuyên nghiệp về bối cảnh, kỹ thuật và nội dung".
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC: "Phải mua bản quyền kịch bản nước ngoài vì chúng ta chưa có nhiều người có kỹ năng viết kịch bản phim dài tập. Kịch bản phim dài tập của nước ngoài rất chuyên nghiệp, họ có bài phân tích nội dung, thuyết trình về câu chuyện phim và có hẳn lý lịch diễn viên". Thời gian qua, đã có nhiều phim được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài, có phim được khán giả chú ý, đón nhận và khen ngợi, nhưng cũng không ít phim bị cho là xa lạ, phi lý, không phù hợp với cuộc sống, văn hóa và phong tục Việt Nam.
Vấn đề là cần phải tìm được kịch bản phù hợp để biến thành câu chuyện của người Việt Nam
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top