CHƯƠNG I NGÀY GIÓ ĐÔNG - SÀI GÒN 2006
Định mệnh đã sắp bày cho chúng ta gặp nhau đúng vào khoảnh khắc mà đôi khi ta đánh rơi chính mình vào thế giới của một ai đó, để rồi nó viết nên cuộc đời của mỗi chúng ta.
Vô tình hữu tình
1.
Kỳ Thư ngồi im bặt trong cánh gà, đôi chân co víu sắp cứng lại. Thật khó hình dung một cô bé mỗi khi thầy cô gọi thì mặt mũi tái mét có lúc cúi gằm mặt khóc, giờ sắp sửa ra sân khấu. Ban cán sự lớp đã âm thầm đăng ký tiết mục văn nghệ cho cô, giăng băng rôn, đèn flash hò reo khắp hội trường. Chị dẫn chương trình giục thí sinh thứ hai chuẩn bị mở màn vì người thi đầu tiên vắng mặt. Phút chốc đầu óc Kỳ Thư trống rỗng, ước có thể chui rúc vào cái lỗ nào đó. Cô run lập cập nép sau rèm cánh gà thì một thanh niên mặc áo sơ mi trắng đóng thùng hối hả chạy về phía cô, phấp phỏng ra sân khấu đúng lúc MC kịp giới thiệu. Kỳ Thư thở phào trấn an rồi lỏn lẻn cười:
- Chúc anh bình tĩnh thi tốt nhé!
Người thanh niên sững sờ kinh ngạc. Vài giai điệu trôi qua anh không nhớ lời, tâm trí choáng ngợp nụ cười rạng rỡ đó. Anh lúng túng hoàn thành bài hát với những khoảng trống bỏ quên. Anh lui xuống hội trường, ngập ngừng quay đi để kịp giờ dạy kèm thì bất giác khựng lại: "Chính là cô bé ấy". Kỳ Thư rụt rè cúi đầu, cả hội trường vỗ tay rần rần rồi im phăng phắc khi giọng hát da diết của cô cất lên. Anh ngây người nhìn lên sân khấu, lồng ngực như trống đánh liên hồi không hay đã chắn tầm nhìn của mọi người, cho đến khi bạn bên cạnh lay mạnh cánh tay anh. Cả khán phòng vỡ òa xuýt xoa với những tràng pháo tay liên thanh. Kỳ Thư khuất vào sau hậu trường thì anh sực tỉnh, chạy ù ra bãi giữ xe. Anh lục tung ngăn cặp, túi quần áo rồi đập tay thật mạnh, thì ra chìa khóa xe anh vẫn cầm trên tay. Anh thắng rầm lại trước mũi xe của người đi đường, giật mình mới hay đã vượt đèn đỏ.
Tiếng sáo văng vẳng khắp con ngỏ nhỏ quanh co nơi cuối hẻm, Trọng biết ngay là thằng bạn. Sân thượng là một gác gỗ cũ kĩ ngổn ngang những vật dụng bám đầy bụi bẩn, mối mọt. Trọng hỏi vọng ra, không thấy thằng bạn phản ứng gì, anh cười hề hề nói tiếp:
- Ê, Nam Phong. Mày có nghe tao nói gì không đấy? Mày bị phụ huynh cho nghỉ dạy hả? Hay nhà mày có chuyện gì? Có khi nào thấy mày lên đây đâu chứ?
Nam Phong lơ đễnh nén tiếng thở tự thán nhè nhẹ. Thoáng một dòng suy nghĩ chạy qua đầu, Trọng quay sang chỉ tay vào Nam Phong:
- Thằng này, mày thất tình hả?
- Thất tình? – Nam Phong giật thột, thảng thốt nhìn Trọng tự vấn.
Vẻ mặt lơ ngơ không phải lo lắng không phải tỉnh táo của anh càng khiến Trọng tin chắc vào điều mình suy đoán. Trọng ồ lên sửng sốt:
- Trời ơi! Điệu bộ ngẩn ngơ lơ mơ hồn phách của mày không phải thất tình thì còn gì nữa? Ê. Ai mà có thể lấy mất hồn vía của mày vậy hả?
- Cô ấy là ai? Tao... tao cũng không biết. – Nam Phong bất giác phản xạ vô thức.
- Cái gì? Mày bị tiếng sét ái tình đánh rơi cả não luôn rồi hả? – Trọng hét toáng.
- Tao mới gặp cô bé tối nay. Chỉ... gặp... thoáng qua.
Giọng Nam Phong bỗng trầm ấm, mơ màng. Nụ cười rạng ngời của một người xa lạ quẩn quanh riết lấy anh trong chấn động thẳm sâu. Anh dõi mắt lên nền trời xa xăm không biết đâu là chân trời và người kia đang ở đâu đó trong khoảng không ấy. Cơn gió se se lạnh của những ngày đầu tháng mười hai thổi đùa mái tóc anh sóng sánh nhưng lòng anh như có ngọn lửa nhen nhóm. Anh tự hỏi lòng cô bé ấy là ai? Tại sao anh bấn loạn thế này? Anh có còn gặp lại cô ấy nữa không? Anh không thể dừng được những suy nghĩ vướng vất đó.
Kỳ Thư lâng lâng vui sướng giữa vòng vây bạn bè. Cảnh Lam là người bạn thân cạnh nhà cô dưới quê, hớn hở tặng cô món quà khích lệ. Phòng Kỳ Thư nằm ở tầng hai Ký túc xá trong trường, gồm sáu người từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và đều lớn tuổi hơn cô nên cô quen gọi bằng chị. Đêm về muộn nhưng phòng cô vẫn cười ríu rít. Nhắm mắt lại, ánh đèn sân khấu và những lời khen ngợi chúc tụng tựa như ánh hào quang nâng bổng cô. Cô thầm ước gia đình biết được sẽ vui mừng xiết bao. Năm tháng tuổi thơ chợt ùa về tơi tả. Nước mắt cô lặng thầm rơi trong miền ký ức tủi buồn đơn độc.
2.
Chiếc máy photo cũ chạy lạch cạch, lâu lâu lại vướng giấy khiến chủ tiệm cáu kỉnh văng mấy lời khiếm nhã. Bụng đói cồn cào, dòng xe cộ tấp nập khiến Kỳ Thư loáng choáng. Chú chủ tiệm kêu lớn khiến cô giật mình. Cô đón lấy chồng sách, lòng sực nức vui mừng: "Dù sao cũng bớt ít tiền mua sách rồi". Cô lóng ngóng một lúc mới có người sang đường, cô vội bước theo. Cô khấp khởi chạy vào cổng trường, trong đầu chỉ có tô cháo bốc khói.
- Kịt...
Mấy đầu ngón chân cô bị kẹt chặt vào chiếc cổng sắt đang khép lại tự động. Cô chới với ngã nhào thì có bàn tay nóng hổi kéo giữ lại. Cô loạng choạng rút chân ra vừa lúi cúi xin lỗi. Chú bảo vệ già khệnh khạng chạy ra mắng oang oang, người thanh niên điềm tĩnh đỡ lời. Kỳ Thư co chân, vịn vào thân cây xù xì bên cạnh, mặt đỏ bừng, nhăn lên vì đau và hoảng hốt.
- Em có sao không? - Người thanh niên trầm ấm nói.
- Dạ em không sao, đứng một chút là đỡ thôi ạ. - Kỳ Thư gượng cười đáp.
- Em ở trong Ký túc xá phải không? Hôm trước kết quả thi của em tốt chứ?
Kỳ Thư ngơ ngác vài giây rồi ngờ ngợ hỏi:
- Có phải anh là người thi đầu tiên hôm đó không ạ?
Anh mím môi cười, bối rối gật đầu rồi chuyện trò hỏi han làm quen. Cô mới biết anh tên Nam Phong và học trên cô hai khóa.
- Vừa rồi cảm ơn anh ạ! - Kỳ Thư cúi đầu nhã nhặn.
- Cũng đúng lúc anh tình cờ đi ngang qua... – Anh ngập ngừng nói tiếp:
- Hôm nào đó... anh qua Ký túc xá gặp em có được không?
- Dạ?... À, được ạ. Tụi em cũng có nhiều điều muốn học hỏi từ tiền bối lắm. Vậy giờ em đi trước nhé. Em chào anh! – Kỳ Thư tần ngần rồi hồn nhiên đáp.
Ánh mắt cô trong ngần khiến lồng ngực Nam Phong đập rộn rã. Cánh hoàng điệp vàng rơi xuống vai làm anh bừng tỉnh nhận ra hai lòng bàn tay rỉ ướt mồ hôi. Con tim anh đã run lên bần bật lúc vừa nhìn thấy cô ở tiệm photo. Lạ thay, anh thấy mình như đang bay giữa đất trời thênh thang rực rỡ.
3.
- Chị không biết đâu, anh Đạt là bạn thân của anh trai chị. Em không chịu gặp thì chị áy náy lắm. Mọi người nói với em Thư vài câu giúp Hân với. – Hân nheo nhẻo nói.
- Thế anh Đạt là người thế nào? - Trúc ti toe hỏi.
- Anh Đạt là đồng hương với Thư đấy, học sĩ quan sắp ra trường rồi. Gia đình anh khá giả lắm, cha mẹ là giảng viên, nhà chỉ có đứa em gái nữa thôi.
- Chà, nghe cũng hay đó ha. – Trúc gật gật đầu đáp.
- Thế ngoại hình, tính cách thì sao? – Hoa hơn hớn hỏi.
- Cao ráo, dễ nhìn, thân thiện lắm. Tuy em Thư khó tính nhưng đổi lại anh Đạt rất thoải mái, coi như là bù trừ. – Hân sốt sắng đáp.
- Mấy chuyện mai mối là em ghét nhất đó. – Thư nhíu mày nói.
- Nhưng chị lỡ hẹn anh Đạt rồi. Không ấy em cứ đi gặp như anh em bình thường cũng được mà. - Hân nằn nì.
- Thế nếu Thư ngại thì cả phòng đi chung luôn được không Hân? – Trúc gợi ý.
- Được chứ, anh Đạt muốn mời cả phòng luôn đó. – Hân hớn hở đáp.
- Chà, tế nhị thế nhỉ! – Hoa với Thảo đồng thanh nói.
- Phúc thấy trải đời thì có. – Phúc cục súc phán làm Kỳ Thư bật cười khanh khách còn mấy chị chưng hửng.
- Thôi thế này Thư ạ. Dù gì người ta cũng cất công lặn lội lên đây, chị nghĩ mình cũng nên lịch sự. Chúng ta sáu đứa đi cùng nhau, không lẽ em còn sợ sao? – Trúc ra vẻ người lớn tuổi nhất phòng, chững chạc nói.
- Em đừng suy nghĩ gì cả. Đâu phải em đi hẹn hò. Đi đi, mọi chuyện để chị lo. – Hoa nhắng nhít chêm vào.
- Nhưng mà, không có lần sau đâu đó. - Kỳ Thư cau mày hờn mát.
- Tốt quá ... lần này thôi là chị sợ lắm rồi! – Hân hí hước làm cả phòng bật cười.
Sau giờ học, chị em thay nhau canh giữ phòng tắm. Kỳ Thư vô tình nghe các chị khóa trên nói về môn thi tiếp theo. Cô chợt nhớ hình như đã có hẹn với Nam Phong. Cô băn khoăn khó nghĩ: "Ngày mai anh ấy thi mà tối nay lại hẹn mình ư? Chắc anh ấy nhầm lẫn nhỉ!". Thế nên cô cùng các chị đi gặp Đạt, chỉ có Thảo đột ngột đau bụng không đi được. Gặp nhau mọi người chào hỏi vui vẻ. Hân nhanh nhảu nói:
- Đố anh trong đây ai là người anh muốn gặp đấy?
Đạt cười đáp bằng chất giọng miền Tây đặc sệt:
- Anh muốn gặp tất cả các em luôn. Còn Thư, anh biết là em rồi.
Ánh mắt Đạt si dại khiến Kỳ Thư sượng sốt. Các chị tủm tỉm cười như vừa bắt được tim đen của anh chàng. Mấy chị em được đi taxi đến quán ăn khang trang và tha hồ chọn những món ăn ngon vốn là xa xỉ với sinh viên. Đạt ân cần chăm chút thức ăn và nhiệt tình chuyện trò suốt vài giờ. Trời mưa lớt phớt, mọi người chào tạm biệt. Vừa vào khỏi cổng trường đột nhiên Đạt chạy theo, lấp vấp nói với Kỳ Thư:
- Đây là món quà anh đã chuẩn bị sẵn, em nhận nó dùm anh nhé!
- Dạ không, em không nhận đâu. - Kỳ Thư đẩy hộp quà lại phía Đạt.
- Em không nhận anh sẽ đứng đây mãi!
Kỳ Thư nhăn mặt cầu cứu các chị. Đạt lấn bấn dúi món quà vào tay cô rồi vội vàng chạy đi cho kịp chuyến xe, đoạn nghoảnh lại nhìn cô. Các chị ồ lên phấn khích, cười nói tíu tít từ ngoài cổng vào tận Ký túc xá. Họ xúm lại mở quà, ai nấy đều xúc động trước tâm tình của Đạt khi nhìn chiếc quân hàm đỏ kiêu hãnh đặt dưới cùng hộp quà. Thảo sực nhớ ra việc gì đó rồi tỏ vẻ bí ẩn trêu Kỳ Thư, có anh chàng cao ráo, đẹp trai nho nhã đến tìm cô. Kỳ Thư ngơ ngáo ngẫm nghĩ: "Anh ấy có cao không nhỉ? Có đẹp trai không? Ngày mai thi nên chắc anh ấy không qua đâu?". Các chị ồ lên gạn hỏi còn cô chỉ ngắc ngứ lắc đầu.
- Ôi! Phòng sáu đứa, hai đứa có bồ rồi, ba đứa vẫn ở không, còn một đứa nhỏ nhất thì bướm ong tấn công dồn dập, tủi thân quá đi mất. – Hoa than thở khiến cả phòng chỉ biết cười trừ.
Kỳ Thư gói món quà để một góc trong gầm tủ nhỏ dưới giường tầng và suy nghĩ vẩn vơ. Với cô, tình yêu chỉ có trên phim ảnh. Nỗi ám ảnh những trận cải vã thậm chí là đánh đập của cha mẹ lẩn quẩn mãi trong cô từ bé đến tận bây giờ. Tình yêu lứa đôi là điều gì đó xa vời đến nỗi không có thực với cô.
Cách đó không xa, một tinh cầu đang trôi dạt khỏi quỹ đạo, lênh đênh trong bóng tối mênh mông lạnh lẽo của vũ trụ. Trọng về đã lâu, nhà trọ đóng cửa vẫn không thấy Nam Phong đâu. Trọng hoài nghi, bước lên sân thượng sửng sốt thấy Nam Phong thực sự đang ngồi dưới màn mưa đêm lất phất.
- Gì thế này? Trời ơi, mày uống rượu hả? - Trọng hoáng lên.
Nam Phong lặng thinh không nói năn gì, nuốt ực một hớp rượu rồi dõi mắt vô định. Trọng thoáng thấy sầu não trùng trùng của Nam Phong liền phanh lại:
- Chắc chắn có chuyện gì rồi phải không? Bạn bè với nhau nói ra cho khuây khỏa. Ê, sao mày uống một mình thế, cho bạn uống với chứ?
Trọng giật chai rượu trên tay Nam Phong nhấm nháp. Nam Phong im lặng một hồi rồi nhìn Trọng chằm chằm, hai mắt đỏ hoe ầng ậng nước, cả quyết nói:
- Nếu như cuộc đời này tao không yêu được cô ấy thì tao sẽ không bao giờ yêu bất kỳ người con gái nào khác.
- Mày... mày đang nói gì thế? Là cô bé hôm trước hả? - Trọng sảng sốt nói.
Nam Phong cũng không hiểu rõ bản thân mình nữa. Hình ảnh người con gái đó quanh quất chiếm hết mọi khoảng trống trong anh. Từ trước đến nay anh chưa bao giờ mất kiểm soát như thế. Anh một lòng chuyên tâm vào việc học và đi làm thêm để san sẻ gánh nặng cho gia đình khốn nhọc. Nhưng giờ đây anh như không còn là chính mình nữa. Anh chợt lo sợ anh đã là sinh viên năm ba, anh sớm sẽ ra trường không còn nhiều thời gian để ở bên cô ấy nữa? Gia cảnh anh khó nghèo xa xôi liệu có xứng với cô ấy hay không?... Hơn bất cứ điều gì anh không thể nào dừng những suy nghĩ rối loạn không đầu không đuôi đó...
4.
Mỗi tối sau khi đi dạy về, Nam Phong ngập ngừng qua lại trước cổng Ký túc xá rồi tha thẩn quay về. Nỗi vấn vương, tơ tưởng không ngừng quấy loạn trong anh. Một hôm anh lấy hết can đảm vào Ký túc xá thì thất thểu khi Ban Quản lý báo cô đi vắng. Anh tự hỏi là anh với cô không có duyên hay vì cô không muốn gặp anh? Anh có quá đường đột hay không? Mỗi ngày trôi qua, trái tim anh không còn bằng an nữa. Anh lại đến Ký túc xá, trùng hợp gặp Trúc.
- Dạ, hôm nay Thư đi thăm người họ hàng không biết có về không? Hôm khác anh qua cho chắc ạ. Anh tên gì để em nhắn lại cho Thư dùm anh. – Trúc múm mím cười đáp.
- Không cần đâu em. Anh cảm ơn em nhé!
Nam Phong hẫng đi một lúc. Vừa xoay người lại thì toàn thân anh bỗng run lên, Kỳ Thư đang thong thả bước về hướng Ký túc xá, mái tóc dài xõa bay trong gió nhẹ, vai khoác balo con mèo nhỏ nhắn. Cô gật đầu chào anh rồi cười lúng liếng:
- Hôm trước có phải anh đến Ký túc xá tìm em không ạ?
Nam Phong bồi hồi gật đầu. Kỳ Thư áy náy nói:
- Dạ, em xin lỗi anh nhé! Hôm đó em có việc ... Anh đến đây lâu chưa ạ?
- Anh cũng mới đến một chút thôi. À... Chúng ta nói chuyện một lúc được không em? – Nam Phong ấp úng nói.
- Dạ, được ạ! – Kỳ Thư vui vẻ đáp.
Họ ngồi dưới quán cóc đơn sơ vài chiếc ghế nhựa tơ hơ vắng vẻ. Những chiếc lá vàng úa của cây hoàng điệp rơi tản mạn trong đêm gió lành lạnh dưới ánh đèn vàng vọt. Thi thoảng Kỳ Thư xòe tay bắt lấy chúng. Mái tóc họ cũng được điểm những chiếc lá tựa như hoa li ti. Họ say sưa nói với nhau về quê hương tuổi thơ, về bạn bè, học hành. Cô ngạc nhiên khi biết anh là người miền Trung nhưng hát được vọng cổ. Còn cô từ nhỏ đã yêu tiếng sáo và luôn khao khát gặp được người thổi sáo ngoài đời. Lồng ngực Nam Phong đập dồn dã như thể vừa bắt được phép màu. Kỳ Thư nhìn xa xăm, ưu tư nói:
- Em chưa bao giờ rời khỏi huyện cho đến khi vào đại học. Dưới quê em, đi lại bằng xuồng ghe còn lên đây xe cộ nhiều quá, đường xá chỗ nào cũng giống nhau nên em rất sợ. Thành phố đông đúc phức tạp nên ...
- Vậy từ giờ anh sẽ đưa em đi nhiều nơi để em quen dần nhé!
Nam Phong không biết từ đâu anh có thể nói ra những lời đó? Anh vụng về vơ đổ ly nước bắn vào người cô.
- Anh xin lỗi, em có sao không? Em ... lau đi kẻo lạnh em nhé!
Anh luống cuống đưa cô chiếc khăn tay màu xám gấp ngay thẳng. Cô liền đưa tay phủi những giọt nước trên áo và mỉm cười:
- Dạ, không cần đâu anh. Chỉ ướt một chút thôi mà.
- Trời lạnh thấm nước vào người dễ bị cảm lắm. Em cầm lấy cho anh yên lòng được không? - Nam Phong bồn chồn nói.
Chiếc khăn tay mềm mại, lâu lắm rồi cô mới thấy. Ngày xưa mỗi lần cha cô đi dạy đều để một chiếc khăn vào túi áo như thế.
- Vậy hôm sau em gửi lại anh nhé!
Ánh mắt Nam Phong bừng sáng. Họ ngồi bên nhau thêm một lúc rồi chợt ái ngại vì có vẻ đã lâu. Cả hai dạo quanh ngoài trường, Kỳ Thư cười ngây ngô để lộ hàm răng trắng đều khi thấy hàng kem khuất sau tấm bạt che:
- Trời lạnh thế này ăn kem là thích nhất!
Cô hăm hở chọn que kem bảy màu. Nét dung dị thơ ngây của cô khiến anh ngỡ như đang lạc trong mộng tưởng. Còn Kỳ Thư cảm thấy như thể được nuông chiều, cảm giác mà cô luôn khao khát từ bé. Anh thân thuộc tựa như một người anh trai mà cô hằng ao ước. Từ trước đến nay cô rất ít nói, rụt rè và không bao giờ trò chuyện riêng với bất kỳ một bạn nam nào, thậm chí cô không mở lòng hỏi chuyện người khác hay tâm sự với ai.
- Ký túc xá sắp đóng cửa rồi. Anh về đi, em vào trước nhé!
- [Hôm nay cảm ơn em!
- Hôm nay, cảm ơn anh nhé!] – Cả hai đồng thanh nói rồi cùng bật cười.
Kỳ Thư vừa quay đi thì Nam Phong lúng túng vội nói:
- Thứ bảy, anh có thể đưa em đến chỗ này được không? À... em có bận gì không?
- Dạ, đi đâu vậy anh? – Kỳ Thư bỡ ngỡ hỏi rồi chợt gật đầu:
- Dạ... vậy thứ bảy anh nhé!
Ánh cười xôn xang của Nam Phong không hiểu sao khiến cô cảm thấy không cần phải nói thêm điều gì nữa. Cô chạy vội vào Ký túc xá cho kịp giờ. Nam Phong trở về nhà trọ, môi không sao khép được nụ cười, lòng yêu đời chất ngất như một ngọn gió nhẹ thoảng qua cũng cồn cào vạn dặm.
Kẻ tình si
1.
Nam Phong bồi hồi đợi Kỳ Thư ở cổng Ký túc xá từ rất sớm. Các chị tra hỏi trêu ghẹo còn Kỳ Thư mặt đỏ bừng chạy một mạch ra khỏi Ký túc xá, bất ngờ khi thấy Nam Phong ăn vận lịch thiệp, gương mặt rạng ngời nhìn cô. Cô rón rén ngồi sau yên xe khiến lòng anh xuyến xao khó tả. Hai bên đường trang trí đèn, hang đá sáng bừng lấp lánh cùng bài hát mừng giáng sinh ngân vang, người người xúng xính chụp hình lưu niệm. Cô không giấu nổi phấn khích:
- Đẹp quá anh nhỉ! Lần đầu tiên em biết đến ngày Noel đó. Năm nào anh cũng đi chơi Noel như vậy hả?
- Ở thành phố mùa này là mùa đẹp nhất trong năm em à. Thật ra đây cũng là lần đầu tiên anh đi chơi Noel. – Nam Phong xốn xang đáp.
- Thật hả? Vậy những năm trước anh làm gì?
- Anh đi dạy rồi về nhà thôi, ngày nào cũng giống như nhau cả.
- Anh đi dạy kèm hả? Anh dạy lớp mấy? Đi dạy như vậy có thời gian học không? – Kỳ Thư hỏi dồn khiến Nam Phong bật cười:
- Dạy thêm là việc phù hợp nhất với sinh viên em à. Nhưng em phải biết đi xe và đường xá một chút.
- Ờ... - Kỳ Thư gật gù.
- Em đừng vội, từ từ em sẽ làm được thôi. – Nam Phong điềm đạm nói.
Anh dừng xe ở công viên, hàng cây cổ thụ thẳng tắp xòe tán cao chót vót, những vòm hoa dây leo kiêu kỳ, đài phun nước rực rỡ khác hẳn xe cộ nghìn nghịt bên ngoài. Trẻ con tinh nghịch nô đùa. Bạn trẻ từng nhóm tụ lại nhảy múa, chơi trò chơi, có cả hội khiêu vũ, ca hát và khu vui chơi thể thao. Cứ đi qua mỗi nơi Kỳ Thư lại trầm trồ còn anh bồi hồi giải đáp cho những thắc mắc liên tiếp của cô. Họ ngồi dưới cội cây hoa kèn hồng sặc sỡ. Anh từ tốn mở gói báo, cô kinh ngạc reo lên:
- Sáo! Anh biết thổi sáo hả?
- Anh chơi sáo từ nhỏ nhưng chỉ là tự mày mò nên còn nhiều thiếu sót lắm. Em thích bài gì, anh thổi cho em nghe nhé! - Nam Phong mím cười khiêm tốn đáp.
Chưa bao giờ thổi sáo mà anh hồi hộp đến vậy. Kỳ Thư thầm nghĩ anh chưa rành nên còn vụng về. Phải đến lần thứ ba, anh mới dạo đầu vài điệu sáo ngẫu hứng. Mỗi nốt phát ra rất tròn trĩnh, thanh âm trong trẻo không bị vỡ đục. Những âm giai dìu dặt rung ngân hay những nốt cao thấp réo rắt nhặt khoan khiến cô sững sờ. Cô nhìn anh ngỡ như ảo ảnh. Rồi cô bỗng thẹn thùng khi tất cả ánh nhìn của người xung quanh chăm chú hướng về hai người. Đêm về muộn càng se lạnh, Nam Phong ngượng ngập ngỏ ý xin cô một buổi gặp vào ngày mai. Trên chiếc giường tầng nghe hơi gió len qua khe cửa, cô nhắm mắt lại rồi trở mình liên tục, tiếng sáo và hình ảnh đó cứ lãng đãng ngân vương trong cô.
2.
Buổi sớm mai trong trẻo, hoa cỏ ngậm vành những hạt sương thanh khiết. Nam Phong cùng Kỳ Thư hòa vào dòng người tham quan Thảo Cầm Viên, vừa luận bàn về các loại hoa cỏ, cây kiểng và thế giới động vật mãi đến khi nắng lên cao. Cô rảo bước tung tăng vừa háo hức hỏi:
- Đó là hoa gì mà lạ vậy anh? Em mới thấy lần đầu đó.
- Đó là cây Đầu Lân. Mình đến đó ngồi nghỉ em nhé! - Nam Phong nao nao đáp.
- Lạ quá... - Kỳ Thư ngô nghê cảm thán.
Nam Phong rạo rực bước bên cô, để bàn tay hững hờ chạm vào tay cô. Kỳ Thư không biết anh vô tình hay cố ý nhưng mặt cô nóng bừng. Chưa kịp định thần thì một bàn tay nóng ấm run run đan những ngón tay vào tay cô lành lạnh. Đầu óc cô trống rỗng: "Phải làm sao đây? Rút tay lại có phải kỳ quặc quá không? Chắc anh ấy xem mình như em gái? Nhưng mà...". Tâm trí cô đang bấn loạn thì đôi tay rắn rỏi ấy khẽ nắm trọn bàn tay cô dịu dàng. Họ lặng thinh đi bên nhau, không dám nhìn nhưng không thể che giấu tiếng con tim loạn nhịp hòa tiếng tâm hồn xao động. Ngồi dưới gốc cây Đầu Sư, tiếng chim hót lảnh lót trên cành cao yên ã, giọng Nam Phong trầm ấm nhưng vẫn nghe rõ sự run rẩy:
- Anh có chuyện muốn nói với em. Mấy ngày nay anh đã suy nghĩ rất nhiều. Anh không biết lúc này nói ra có sớm quá không nhưng anh sợ nếu muộn hơn anh sẽ mất em.
Cô cúi mặt nhìn xa xa che giấu sự non nớt run sợ. Nam Phong cảm nhận vầng trán anh toát mồ hôi, tim đập thình thịch, từng mạch máu trong anh cuộn trào. Anh xoay người đối diện với cô, giọng mê sảng nói:
- Em nhìn vào mắt anh được không?!
Từng khoảnh khắc chờ đợi thổn thức của anh khiến cô ngạt thở. Cô thu hết mọi can đảm ngước nhìn anh một thoáng ngắn ngủi rồi cúi mặt. Gương mặt trong ngần vương nét e thẹn của cô làm tim anh si dại.
- Anh yêu em. Anh đã yêu em mất rồi Thư à!
Bàn tay anh lẩy bẩy siết chặt tay cô, hơi thở như nén lại rồi vụn ra, giọng thiết tha hơn bất kỳ thanh âm nào mà cô từng nghe thấy. Khóe mắt cô rưng rưng. Một điều gì đó chấn động và đột ngột khiến cô choáng ngợp và hoảng sợ, mặc dù dư vị của nó đã khiến con tim cô rung cảm.
- Anh xin lỗi! Anh xin lỗi! Có phải anh đã làm em sợ không?
Kỳ Thư vẫn im lặng khiến lòng dạ anh rối bời rồi cô vụng về lau nước mắt:
- Anh Phong ơi, anh đừng làm em sợ! Anh hiểu gì về em mà nói những lời đó chứ?
- Thư ơi! Có thể lúc này anh chưa hiểu hết về em. Nhưng em biết không, từ khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy nụ cười của em ở đêm văn nghệ anh đã không có cách nào xua tan hình bóng em. Lúc đó, anh không biết em là ai và anh biết chắc rằng em cũng không có ấn tượng gì về anh, thậm chí là chưa từng biết đến sự hiện hữu của anh. - Nam Phong ngổn ngang đáp. Anh nén hơi thở vụng dại, tỉ tê nói tiếp:
- Thư ơi, anh sợ thời gian vô tình chia rẽ những kẻ có tình để cả cuộc đời ôm sầu hận, tiếc nuối. Anh chưa từng nghĩ rằng mình sẽ yêu ai cũng không biết thế nào là yêu một người cho đến khi định mệnh sắp đặt cho anh gặp em, chỉ khoảnh khắc ngắn ngủi đó anh đã không còn là mình nữa nhưng cũng chính lúc đó anh mới thảng thốt nhận ra đâu là chính mình một cách rõ ràng và đầy đủ nhất.
Những giải bày của anh xoa dịu phần nào sợ hãi rối loạn trong cô. Họ lặng nghe bao xao động và xáo trộn trong lòng. Khi nắng chiều nhấp nhánh xuyên qua những rặng cây, Nam Phong khắc khoải nói:
- Cho anh cơ hội em nhé! Hãy cho anh cơ hội được yêu thương và chăm sóc em!
Kỳ Thư bối rối thoáng nhìn anh.
- Em không cần trả lời anh ngay bây giờ. Em hãy để cảm xúc tự nhiên nhưng hãy cho anh được gặp em mỗi ngày có được không?
Ánh mắt anh chan chứa khát khao. Kỳ Thư vẫn không nói lời nào, bình tâm nhìn xa xa e ấp. Về đến trường, Kỳ Thư không gật đầu chào anh mà len lén như thể vừa làm điều gì đó sợ bị phát hiện, mà có lẽ ai cũng sẽ phát hiện ra ngay chỉ có cô là không biết. Nam Phong mím môi cười khấp khởi hy vọng. Khi đối diện với tình yêu thực sự, chúng ta mới khám phá ra được những sâu kín trong tận cùng ngỏ ngách của tâm hồn. Lúc ấy, chúng ta mới thấy ta là chính ta khi có Người và sự tồn tại của mỗi người chỉ là một nửa khiếm khuyết khập khiễng cho đến ngày gặp được một nửa chỉnh thể còn lại.
3.
Cây si góc hành lang Ký túc xá nữ
Thảo vừa mở cửa thì giật thót mình, lấp bấp nói:
- Sao anh... đứng đây giờ này ạ? Anh đợi Thư phải không ạ?
Nam Phong quay lại, mặt đỏ bừng sượng sùng mỉm cười khiến Thảo suýt đánh rơi chậu đồ.
- Ở đây là tầng nữ. Giờ này các bạn vừa thức dậy sẽ đi qua đi lại để ra khu vực vệ sinh. Anh đứng ở đây sợ là không tiện đó ạ.
Nam Phong đã từng ở Ký túc xá nên biết rõ điều đó. Anh tế nhị đứng sát song sắt hàng rào nhìn ra ngoài đường, quay lưng lại hành lang. Thảo thấy anh tội nghiệp quá bèn nói:
- Anh có cần em gọi Thư không?
- Anh đợi được, em đừng đánh thức Thư nhé! - Nam Phong kiên quyết nói.
- Dạ. Vậy ... anh cứ tự nhiên ạ.
Các bạn nữ cùng tầng thấy anh liền hớt hải đóng cửa phòng, chỉnh sửa lại quần áo. Trong khu vệ sinh, mọi người bàn tán xôn xao còn kéo Thảo lại gạn hỏi. Thảo chuồn nhanh về phòng đóng sầm cửa khiến cả phòng giật mình.
- Làm gì mà như động đất vậy Thảo? - Phúc làu bàu.
- Còn sớm mà, để mọi người ngủ với mi? – Hoa ngái ngủ càm ràm.
- Cả phòng dậy đi, có chuyện kinh động rồi. – Thảo nghiêm trọng nói.
- Chuyện gì thế? Có chuyện gì? – Hân bật dậy hỏi.
Thảo kéo Hân đến cửa sổ rồi mở he hé. Hân luấn quấn tung màn của Kỳ Thư vừa lay mạnh giục:
- Thư ơi. Em dậy coi anh Nam Phong trồng cây si trước phòng mình rồi kìa.
- Cái gì?
Trúc, Phúc và Hoa hoáng lên, tung chăn bước xuống giường, lẻn nhìn qua khe cửa sổ. Kỳ Thư nằm im bất động, đầu óc hoảng loạn, kéo riết chăn phủ kín mặt. Các chị lao nhao nhào tới kéo chăn cô:
- Hai người có chuyện gì phải không? Nay anh ấy công khai trồng cây si luôn rồi.
- Trời ơi, ông này mặt dày thật đó. Đường đường cao ráo đẹp trai, trông đứng đắn ra phết, vậy mà phải chai mặt như thế. – Phúc ngỡ ngàng nói.
- Ừm, thực sự không thể ngờ được đó. Thấy ảnh đạo mạo, nghiêm nghị thế mà không ngờ si tình dữ vậy chứ. – Trúc sững sờ họa theo.
- Ấy chết rồi. Thư ơi, giờ này em còn ngủ được nữa hả? – Hân xoắn xuýt giục.
- Chứ em nên làm gì bây giờ? - Kỳ Thư phấp phỏng lí rí đáp.
- Hoa có cách này. Phòng mình cứ dậy sinh hoạt bình thường còn Thư cứ giả vờ ngủ thêm đi em, xem ảnh có thể đợi đến khi nào?
- Thảo thấy như vậy ác quá.
- Thì cũng phải thử mới biết tình cảm người ta thế nào chứ? – Hoa ngấm ngầm nói.
- Hoa nói cũng có lý. Cứ thử xem ảnh kiên trì được bao lâu? – Trúc ngẫm ngợi nói.
- Quan trọng là Thư, em thấy sao? – Hân rối rít giục còn Kỳ Thư kín rịt thin thít.
- Dáng vẻ này là động lòng rồi phải không? Khai mau! Không thì tụi chị ra mắng ảnh liền đấy nha. - Hoa hom hem dọa dẫm.
- Em không có mà... cứ làm như mấy chị nói đi. - Kỳ Thư chột dạ đáp.
Cô phủ chăn kín mít, lồng ngực đập liên hồi: "Tại sao anh ấy dám làm vậy chứ? Đây là điều anh ấy nói để cho anh ấy gặp mình mỗi ngày đó sao? Làm sao bây giờ?". Nam Phong vẫn đứng đợi mặc cho các bạn nữ đi qua xì xào cố nhìn mặt. Các chị trong phòng cố tình pha đủ trò nào là phơi quần áo, để quên bàn chải chỗ hành lang, quét dọn... Kỳ Thư giả vờ nằm đến gần giờ trưa, không chịu nổi phải vào nhà vệ sinh nên đành tỏ ra như vừa thức dậy. Nam Phong mím môi cười thầm, hai chiếc bánh mì cũng mềm nhũng đi.
Chiều đi học về, các chị phòng bên học cùng lớp với Nam Phong ùa qua phòng Kỳ Thư sửng sốt gạn gùng. Cả phòng đổ dồn về Kỳ Thư khiến mặt cô đỏ au. Linh phấn khích luyên thuyên kể về Nam Phong. Trước nay anh không bao giờ để ý đến con gái, lạnh lùng gai góc nhưng rất đứng đắn và tài hoa, là mơ ước của biết bao cô gái. Các chị hùa nhau thúc cô cho anh một cơ hội. Cô phập phồng không biết ngày mai Nam Phong có lại đến?
Sáng mai cả phòng dậy từ sớm, rón rén nhìn qua khe cửa sổ đã thấy Nam Phong đứng đó từ bao giờ. Vẫn trên tay cầm hai chiếc bánh mì, vững chãi đứng đợi. Anh chờ cô hai tiếng đồng hồ chỉ để gặp mặt vài phút ngắn ngủi. Tin tức lan truyền khắp trường, một số bạn còn thập thò đến Ký túc xá nữ xem tận mắt. Ký túc xá ngày nào cũng náo nhiệt. Từ dạo đó, Kỳ Thư cảm thấy bao ánh mắt dòm ngó mỗi lần cô ra ngoài.
Mười ba ngày trôi qua, sáng nào anh cũng kiên trì đứng đó với hai ổ bánh mì trên tay...
Đến một ngày Kỳ Thư quyết định gặp Nam Phong từ sớm. Cô ấp úng nói:
- Từ giờ anh đừng... đứng trước cửa phòng em nữa nhé.
- Anh làm em khó xử phải không? – Nam Phong chành chạnh lòng tự trách.
- À... Chỉ là em thấy có chút bất tiện thôi. Với lại, anh không... ngại sao?
- Em lo cho anh hả? – Mắt Nam Phong sáng rỡ làm má cô ửng đỏ ngượng ngập:
- Mặc kệ anh, em không thèm quan tâm đâu.
Vẻ mặt của cô khiến Nam Phong như được chấp thêm đôi cánh. Đúng lúc đó, Cảnh Lam từ xa gọi cô ra chiều rất hứng khởi. Cô liền bật dậy chào Nam Phong rồi luống cuống chạy đi. Lòng Nam Phong như có mùa xuân nở rộ.
4.
Kỳ Thư và Cảnh Lam vui mừng gặp lại Yến trong buổi họp mặt đồng hương. Yến là người chị đã gắn bó với Kỳ Thư từ thời cấp ba. Yến có vẻ đẹp sắc sảo và vóc dáng cao đầy đặn. Gia đình Yến giàu có nhưng cô rất hòa đồng và đã luôn giúp đỡ Kỳ Thư từ sách vở đến quần áo mặc. Hội đồng hương rất thân thiện ngay lần gặp đầu tiên. Các anh chị căn dặn đàn em khóa mới đừng vội vàng yêu đương rồi tiện thể hào hứng bàn tán chuyện Nam Phong trồng cây si khiến Kỳ Thư chột dạ. May là cả hội ngoài Cảnh Lam ra không ai biết cô gái đó là cô. Cô lấp vấp quay sang Yến định nói gì đó nào ngờ sắc mặt Yến tái nhợt lảng sang chỗ khác như không muốn ai trông thấy.
Tối muộn, Cảnh Lam vẫn lẻo đẻo theo Kỳ Thư dạo quanh khuôn viên trường. Cô viện cớ vào nhà vệ sinh công cộng để cắt đuôi anh. Cô đứng nép trong cánh cửa, đoán Cảnh Lam đã đi rồi liền lò dò bước ra. Lòng cô chộn rộn nghĩ về Yến, tay vô thức bứt những ngọn cỏ dưới chân thì tiếng nói trầm ấm vang lên bên tai:
- Em ngồi yên như thế muỗi đốt đó cô bé à!
Nam Phong vẫn dáng vẻ nghiêm nghị thư sinh như thầy đồ.
- Anh đi dạy về muộn vậy? – Kỳ Thư nhoẻn cười nói.
- Do học trò sắp thi nên anh dạy tăng cường. Với lại anh dạy hai lớp nên có lớp tan học muộn hơn anh phải về trễ. – Nam Phong điềm đạm đáp.
Kỳ Thư gật gù thầm nghĩ anh chắc chắn là một người thầy tốt. Cô ngần ngừ muốn hỏi điều gì đó rồi lại thôi. Hàng cau kiểng lua khua xào xạc khiến cô rùng mình.
- Em vào Ký túc xá đi, đêm khuya sương xuống lạnh dễ bị cảm lắm. Em cầm mấy gói kẹo này, ngậm một viên trước khi ngủ nhé. - Nam Phong ôn tồn nói.
Kỳ Thư ngại ngần do dự nhưng không sao từ chối. Cô đứng dậy chào anh, đột nhiên cổ chân trật xuống đau buốt làm cô lảo đảo. Nam Phong vội đỡ lấy cô.
- Em có sao không? - Giọng Nam Phong trầm ấm đến mị hồn.
- Em hơi đau chút thôi. Chắc tại em đứng dậy nhanh quá nên bị trật chân. - Kỳ Thư bối rối đáp.
- Để anh giúp em. Em cứ vịn vào anh cho vững nhé!
- Không cần đâu, không...
Kỳ Thư luống cuống chưa kịp nói xong thì Nam Phong đã cúi xuống, từ từ tháo quai dép và nhẹ nâng bàn chân cô. Bất ngờ mất thăng bằng, cô vơ nắm vào mái tóc anh rồi rối rít xin lỗi. Anh cẩn mẩn nắn cổ chân cô rồi khua qua khua lại rất khẽ. Bàn chân nhỏ bé trắng trẻo của cô khiến tim anh hẫng nhịp. Nam Phong không rõ vì sao mình làm thế? Anh chưa từng gần gũi ai như thế, có điều gì đó cứ thúc giục anh đến bên cô? Anh đã thầm đợi cô và dõi trông khi cô một mình chạy vào nhà vệ sinh công cộng vắng vẻ. Anh nhớ tỉ mỉ cô đã bao nhiêu lần ngước nhìn bầu trời đêm, bao nhiêu lần thở dài...
5.
Học kỳ đầu tiên kết thúc sau những buổi thi căng thẳng. Sinh viên năm nhất được nghỉ một tuần trước khi vào trường quân sự học một tháng rồi về quê nghỉ Tết. Từng nhóm rủ nhau về chơi nhà các bạn gần thành phố. Cảnh Lam và các chị tíu tít bàn nhau đi Bình Phước. Kỳ Thư xộn rộn muốn báo cho Nam Phong biết để anh không phải tìm kiếm nhưng bị mọi người thúc hối nên đành xếp vài bộ quần áo đi ngay.
Cánh rừng xanh ngát dưới chân đất đỏ bazan, vách núi đá sừng sững lôm nhôm bên vệ đường. Nhóm thăm thú nơi sầm uất nhất của tỉnh, một thị xã nằm im nghiêng giữa núi rừng sơn cước. Về đến nhà Tài, trời sắp tắt nắng. Kỳ Thư cùng Trúc và Hoa tham quan vườn sau nhà. Xung quanh là rừng điều, rừng cao su và một bên xen kẽ giữa mía và sắn. Tia nắng nhấp nhánh trên lá đung đưa trong gió vu vu. Cả bọn ngồi vắt vẻo trên những cành cây to già cỗi tán gẫu một lúc lâu rồi kéo nhau vào nhà. Kỳ Thư nán lại tận hưởng không khí yên lành. Cô nhắm mắt lim dim. Trận gió thổi bay lớp lá dưới chân sột soạt đánh thức cô. Cô hít một hơi thật sâu thư thái. Cô mãi đi và hái vu vơ vài cành hoa dại. Đôi chân cô chựng lại khi chạm vào mép vực. Cô dõi mắt ra xa, thấp thoáng những ngôi nhà dưới chân thung lũng um tùm, làn khói trắng bốc lên không rõ là sương mù hay khói bếp nhà ai. Rồi cô chợt rùng mình nhận ra trời đã tối. Cô như chú ngựa chồn chân, lấy hết can đảm quay lưng lại. Trước mặt cô là một rừng điều bịt bùng không lối ra còn sau lưng là vực thẳm. Cô nhấc bàn chân cuống víu cố bước đi vừa nhẩm thầm bài hát. Cô vấp vào rễ cây nhằng nhịt rơi xuống hố, đầu ngập ngụa lá khô và bụi đất. Cô quờ quạng bám víu tứ phía, ngoi ngóp trèo lên. Tay cô nắm vào mô đất có chiếc ly hương cặm những cây nhang còn dang dở. Cô cố không khóc nhưng cô cảm thấy mình sắp chết vì sợ hãi. Cô bò dậy, gượng bước tiếp rồi lại vấp ngã và bò dậy không biết bao nhiêu lần. Cô không biết được sẽ đi đâu nhưng dù sao vẫn hơn đứng chờ sự kết thúc. Những chiếc áo mưa vắt trên cành cây phơ phất trong bóng tối mù mịt càng thêm ma mị. Gió rít đập vào cành lá phần phật. Cô bỗng nghe vọng vẳng tiếng hô gọi. Cô cố sức hét lên nhưng thanh âm tắt ngúm vào cánh rừng bạt ngàn. Một lúc sau, tiếng gọi tắt dần.
Kỳ Thư lầm lũi bước đi chệnh choạng, nhớ đến người thân trong tuyệt vọng và bóng tối dày đặc. Đi mãi, đi mãi rồi cô chợt nghe vọng lại tiếng còi xe, cô cuống cuồng bước thêm vài bước thì thấy nhấp nhoáng hai người đàn ông bên ánh đèn dầu leo lét. Một nỗi sợ hãi khác chạy qua, cô lùi lại, thậm thụt nấp sau bụi cây. Một lúc sau cô sung sướng vỡ òa khi thấy nhập nhoạng bóng một người phụ nữ. Cô tiến đến gần, bà vừa nhìn thấy cô liền giật bắn người, đánh rơi ống nước.
- Cô... cô ở đâu ra vậy? - Bà lắp ba lắp bắp hỏi.
- Con... con đi lạc. - Kỳ Thư cũng hoảng hồn đáp.
Bà hớt hải gọi chồng và người con trai đến. Họ sửng sốt nhấc ghế cho cô ngồi. Bà mang cho cô ly nước nhỏ nhẹ nói:
- Cô đi đâu mà bị lạc tới đây? Gia đình nhà ai? Cô biết số điện thoại nhà không?
Kỳ Thư lắc đầu. Cô chỉ mơ hồ nhớ lại chiếc áo đồng phục của tụi học sinh khi đi lướt qua ban chiều. Người phụ nữ hét toáng lên:
- Vậy là cô đã đi lạc qua hai xã rồi. Có phải lạc trong rừng mấy tiếng rồi không?
Kỳ Thư gật gật đầu, không dám khóc chỉ ngồi lịm chân. Cái lạnh mùa đông về đêm nơi núi rừng kèm thêm những hạt mưa lâm thâm khiến cô run bần bật. Cô ngồi thất thần dưới mưa gió lạnh. Bỗng có tiếng hô hoán từ xa vang dội. Người phụ nữ vồn vã hỏi:
- Có phải họ gọi cô không? Chắc là bạn cô phải không?
- Dạ. - Kỳ Thư nghèn nghẹn đáp.
Bà cùng chồng con liền hô lại thật to. Người con trai leo lên cành cây cao, khua gõ vật dụng inh ỏi và bên kia cũng đáp lại thứ âm thanh không rõ lời nhưng ngày càng rõ rệt. Cảnh Lam và mọi người băng qua đường rừng kéo tới còn cô ngồi bất động thất kinh quên cả lời cảm ơn. Suốt đêm, tai cô vo vo tiếng kêu của côn trùng hay rừng rú thâm u. Mọi người thay phiên nhau ngồi bên cạnh rủ rỉ đến khi cô chìm vào giấc ngủ mệt nhoài.
Ngày sau cả nhóm vẫn vui vẻ leo núi và tắm thác. Chiều xuống nhanh cùng cơn mưa như trút nước. Cả bọn dầm mưa quanh cung đường đất đỏ lầy lội, vừa ca hát âm vang dưới mưa, tiếng cười giòn tan hòa vọng khắp núi rừng. Tối đến, cả bọn túm tụm kể chuyện, chơi bài bên bếp lửa phù phù lách tách. Ngoài hiên mưa tuôn rả rích...
Chút gió lạnh cắt cứa ngày Đông
1.
Mỗi ngày Nam Phong đều thấp thỏm đến Ký túc xá hỏi tin của Kỳ Thư nhưng mãi chưa thấy cô về. Anh thần thừ ở khuôn viên trường, tình cờ Yến đi tới. Từ sau hôm họp đồng hương cô đã thầm tìm hiểu về tin đồn của mọi người. Cô ngậm ngùi hờn trách anh vô tâm vô tình. Nam Phong hững hờ chào rời đi thì Yến lật đật đề cập đến Kỳ Thư khiến anh chựng lại. Anh biết Yến là đồng hương với Kỳ Thư nhưng không ngờ trước đây giữa hai người khắn khít như vậy. Yến thẳng thắn thuật lại hoàn cảnh của Thư theo những gì cô biết, có thể vì thế Nam Phong thấy khó mà lui.
Cha Kỳ Thư là người miền Trung trôi dạt vào Nam trong thời chiến tranh rồi lập gia đình. Ông bà nội và mẹ cô không hòa hợp còn cha mẹ cô cũng xung khắc. Đến khi người anh trai đầu của cô qua đời do tai nạn từ đó những mâu thuẫn càng lớn. Ông của cô đau lòng mà qua đời, bà nội khóc quá nhiều dẫn đến mắt mờ nay không còn đi lại được. Bốn năm sau mẹ cô sinh em trai. Cũng năm đó em gái cô bị bệnh, nhà không có xuồng ghe lại quá nghèo chỉ đưa ra trạm y tế xã. Họ không chẩn đoán đúng bệnh nên đến khi lên thành phố đã biến chứng teo não và bị điên loạn từ đó. Vì để chữa trị cho em gái cô, gia đình phải bán đất đai còn phải đi vay vàng của hàng xóm và bỏ bê đứa em trai mới sinh ở quê. Vuông tôm không có, vàng tăng giá, lãi chồng lãi. Em trai cô suy dinh dưỡng trầm trọng và có vấn đề nhẹ về tâm lý. Còn ba mẹ cô ngày càng căng thẳng, cũng từng ly thân một thời gian. Sau đó, tuy về ở với nhau nhưng cũng không còn một ngày nào yên ổn, chỉ có tiếng cãi vã, đôi khi là đánh đập nhau. Có lúc cha cô đã khủng hoảng tinh thần mà loạn trí gần cả tháng trời, may sau ông tỉnh lại. Từ nhỏ, cô cả ngày trầm mình dưới sông mò cá bắt ba khía kiếm ăn còn đi bộ hơn hai tiếng đến trường một mình. Khi cô vào cấp ba, hai chị gái phải nghỉ học, làm công nhân ở tỉnh để phụ giúp gia đình. Cha cô cũng bị thôi việc theo chính sách mới của Chính phủ. Cô là niềm hy vọng duy nhất của người thân. Những hằn học, đỗ vỡ trong cuộc sống gia đình đã thấm thía vào tâm hồn vốn nhạy cảm của cô nên dần dà cô khép kín đời sống nội tâm với tất cả mọi người. Cảnh Lam là người bạn thanh mai trúc mã với Thư, kinh tế gia đình khá giả và có mối thân tình hứa hẹn kết thông gia với nhà Thư...
Nam Phong lê bước chân nặng trĩu, thả mình xuống sàn nhà, gục đầu vô thần. Cổ họng anh nghẹn lại, rấm rứt khóc như một đứa trẻ... Anh không nghĩ ngợi được gì, chỉ muốn bước đến trước mặt người con gái trong lòng anh và ôm chặt cô vào lòng, để xoa dịu những thương tâm của đời cô bằng những nát tan dằm trong anh. Không biết tại sao anh lại đau như thế!
2.
Ngày về từ Bình Phước, Kỳ Thư vô tình thấy Nam Phong với Yến ở khuôn viên trường cũng từ hôm đó anh không đến tìm cô nữa. Lòng cô thoáng chênh vênh muộn phiền. Cô lang thang một mình trên con đường chấp chới lá vàng trong gió đông quạnh vắng. Đột nhiên chiếc xe khách tấp vào, hai tên thanh niên phóng xuống, lôi kéo cánh tay cô bỡn cợt:
- Đi không em ơi, anh đưa đi Đà Lạt chơi một chuyến nhé.
Kỳ Thư cố nắm vào nhành cây kháng cự. Chúng sộc tới lôi mạnh khiến cô va đập cánh tay vào cành cây gãy, xoạc một đường dài. Chúng định đẩy cô vào xe thì có một lực từ phía sau giật mạnh. Chúng xắn tay áo, phun lời côn đồ. Trong hoảng sợ tột cùng, cô nhận ra Nam Phong. Cô nhìn quanh không thấy ai trên đường để cầu cứu thì chúng đã hung hăng nhào tới. Nam Phong kéo Kỳ Thư lùi lại phía sau rồi gan góc nói:
- Nếu các anh còn không đi tôi sẽ báo công an.
Kỳ Thư chợt nhớ đến chốt cơ động cách đó không xa cô vừa đi qua. Cô cuống cuồng chạy, bước thấp bước cao sợ hãi. Chúng sấn sổ, xô đẩy văng lời tục tĩu. Vừa thấy bóng dáng cơ động chúng liền lên xe bỏ chạy. Kỳ Thư ngồi sụp xuống, hổn hển nói:
- Cảm ơn anh!
Nam Phong bước đến nắm lấy cổ tay cô, lạnh nhạt dứt khoát nói:
- Đi theo anh.
Bàn tay anh rắn rỏi lãnh đạm nắm chặt lấy tay cô nhưng lại vô cùng dịu dàng ấm áp. Anh không nói gì nhưng xót xa của anh không có lạnh lùng nào che khuất nổi. Giữa đêm gió vẫn đùa ngoài song cửa xạc xào, Kỳ Thư trăn trở không sao chợp mắt được. Nhìn vết băng bó tỉ mỉ, ánh mắt hao hác của Nam Phong siết lấy lòng cô trong trường tơ tưởng.
********
Nam Phong đi dạy về đến cổng trường thì bị Cảnh Lam hùng hổ chặn lại:
- Anh đã đưa Thư đi đâu để Thư bị thương hả? Từ đây về sau anh nên giữ khoảng cách với Thư. Nếu không có gì tốt nhất anh đừng tìm Thư nữa.
Trông sắc thái đó, Nam Phong nhận ra Cảnh Lam, cẩn nhẫn đáp:
- Chúng ta không thể nói chuyện một cách đàng hoàng với nhau được sao?
- Anh không cần dạy bảo tôi. Tôi chỉ yêu cầu anh đừng xen vào giữa chúng tôi. Nghe nói anh kiêu ngạo lạnh lùng lắm, anh cũng nên biết tự trọng chứ? – Cảnh Lam lấc xấc nói.
- Nếu cậu thực sự quan tâm Thư thì đừng làm cô ấy khó xử. Còn tình cảm là của tôi, tôi không cần cậu cho phép.
Nam Phong đanh thép nói rồi lập tức bỏ đi. Cảnh Lam tức tưởi đuổi theo thì Yến chạy đến can ngăn. Nước mắt cô lả chả, đó là dấu chấm hết cho niềm hy vọng mà cô luôn ấp ủ.
Nam Phong tựa lưng vào vách gỗ vô tri, dằn vặt tự hỏi bản thân có thể làm được gì cho Kỳ Thư? Anh nghĩ về ngôi nhà mái lá xập xệ bên cánh đồng lúa và triền núi khô cằn đá sỏi, nơi cha mẹ và đàn em tần tảo nắng mưa đang ngày đêm mong đợi ở anh. Nhưng so với anh, tuy chỉ là một cô gái yếu ớt nhưng cô lại gồng gánh trên vai tất cả hy vọng của gia đình, mỗi bước chân bé nhỏ va vấp nhưng mang theo cả tương lai của người thân. Anh siết chặt lòng bàn tay nghĩ đến hôn ước của cô và Cảnh Lam, đâu đó trong anh thực sự không cam lòng, dẫu có phải quỳ mấy ngày mấy đêm hay bị cha cô đánh đến chết anh cũng không cam lòng. Nhưng hơn ai hết, anh thấu hiểu những vất vả mưu sinh chốn thị thành. Nếu anh cố chấp theo đuổi tình yêu phải chăng anh lại đẩy cô vào con đường khó khăn nữa. Tâm tư anh rát buốt. Chỉ nghĩ thôi, tim anh đã rệu rã như chiếc lá đêm mưa vô tình bị giẫm đạp.
3.
Các phòng náo nức thu xếp đồ đạc, gấp gọn vật dụng cuộn lại cẩn thận để sáng mai vào Quân Đoàn. Còn lại bốn gói mì, Thảo bèn cho vào cái thau to, chế nước sôi vô rồi sáu đứa hí hoáy chụm lại xì xụp húp. Tối đến, Kỳ Thư cùng Thảo dạo quanh khuôn viên trường. Thoáng chốc cô lại nhìn vào khoảng không đã từng có Nam Phong ở đó nhưng đây đẩy chối quanh khi bị Thảo bắt bài. Cô chỉ biết rằng lòng cô trống trếnh, chênh vênh khi không gặp anh. Nhưng phải chăng đó là thói quen thôi hay đó cũng có thể là nỗi nhớ? Nỗi nhớ là cội rễ của tình yêu, không rõ nó từ đâu đến và đến tự bao giờ nhưng nó đã ở lại trong cô, bén rễ nảy mầm? Cô luôn muốn biết những thông tin về anh hay chỉ đơn thuần là cô tò mò? Cô tự hỏi giữa anh và Yến là mối quan hệ gì? Cô không biết mình lấy tư cách gì để hỏi nhưng lòng cô lại muốn nghe anh giải đáp.
Kỳ Thư miên man suy nghĩ thì Thảo lay mạnh tay cô. Cô ngẩng lên, thấy Nam Phong đang bước đến rất gần. Họ lặng nhìn nhau, mắt trong đáy mắt sâu dâng trào. Những cảm xúc dồn nén sắt lạnh cứ như mềm ruỗng tan chảy. Những gập ghềnh, chông chênh phút chốc trở nên bằng phẳng, êm ái. Bước vào tình yêu như sa vào ma trận không lối thoát, dù biết có thể mãi quẩn quanh với nỗi đau nhưng không mấy ai đủ tỉnh táo để quay lưng đi. Thảo thầm cười chào Nam Phong rồi tế nhị rời đi. Nam Phong khẽ chợt giật mình, gật đầu chào Thảo còn Kỳ Thư nghe nóng bừng hai má. Họ thầm bước bên nhau dưới tiết đông hiu hắt sương đêm. Nam Phong khắc khoải nói:
- Thời tiết ở quân đoàn về đêm rất lạnh lẽo, em nhớ mang thêm áo ấm và chăn. Ban ngày nắng hanh khô nứt nẻ, em nhớ uống thêm nhiều nước. Thức ăn và giờ giấc sinh hoạt theo chế độ quân đội, lúc đầu chưa quen có hơi khó khăn. Em cố gắng đừng bỏ bữa và đi ngủ sớm, những buổi học ngoài rừng nhớ cẩn thận côn trùng cắn. Trong đó rộng lớn, địa hình phức tạp đừng đi đâu một mình rất nguy hiểm.
Anh đưa cho cô lọ thuốc bôi ngoài da để phòng côn trùng và muỗi đốt. Những ngọn cỏ lạnh hơi sương, cơn gió lùa heo hắt cũng hiểu rõ xôn xang trong họ, chỉ có thinh lặng ủi an ngụy trang cho những ngổn ngang trong lòng.
Sáng sớm mai, thầy cô đã làm lễ và phổ biến quy định ở quân đoàn. Kỳ Thư băn khoăn tìm kiếm rồi bơ thờ tự hỏi mình đang trông ngóng điều gì, chỉ có những vòng xe mỗi lúc một xa. Nam Phong đứng lặng nơi góc khuất dõi trông theo cho đến khi xe mất hút. Anh biết mình phải lý trí. Lý trí tuy không phải là vật thể có hình thù rõ ràng và cầm nắm được nhưng nó rất dễ bị đánh lừa và lấy cắp. Từ khoảnh khắc đầu tiên rung động thì lý trí của anh chính là cô rồi. Thế giới trong anh bỗng chật chội nhỏ bé đến nỗi nhìn đâu đâu cũng chỉ là cô.
4.
Những dãy phòng màu vàng sẫm nằm thâm nghiêm giữa hàng cây xanh cao vút được bao quanh bởi lớp tường rào kín cẩn. Từng dãy giường tầng sắp xếp ngăn nắp. Khu vực nam và nữ cách nhau một khoảng sân rất rộng, trước phòng sum sê những cây xoài say trái. Doanh trại quân đội rất quy cũ. Mọi thứ ở đây đều nhuốm màu thời gian và nền nếp.
Năm giờ sáng, tiếng còi báo hiệu vang lên, loa thời sự đánh thức giấc mộng của cây cối và chim chóc. Tất cả ra sân tập thể dục mà run bần bật. Sáu giờ từng nhóm quét dọn hành lang, sân chung và phòng ốc. Sáu giờ ba mươi, cứ mỗi sáu người cầm chén đũa của mình xếp thành một hàng lần lượt vào bàn ăn. Ăn cơm trong im lặng, ăn và dọn rửa chén bát tất thảy trong mười lăm phút. Sau đó, bảy giờ bắt đầu tập trung tiết học. Có hôm học lý thuyết trong tán rừng, hôm thì ngồi trên bãi đất cát dưới hàng cây rợp bóng râm thi thoảng nghe mùi chuồng lợn, lúc lúc lại có ánh nắng gay gắt rọi trúng đứa nào đó rồi lớp học di chuyển chỗ khác. Mấy chiếc lá vô tình rớt xuống bỗng biến thành lá thư mà cả lũ thập thò truyền cho nhau. Một giờ, lúc một số bạn đang phiêu bồng trong giấc mơ trưa thì tiếng còi lại vang lên. Ôi cái nắng khô rát nứt nẻ da thịt, có bạn ngất xỉu. Một hôm đang ngồi học thì ngọn lốc xoáy cao ba bốn mét cuồn cuộn cuốn bụi cát và lá cây vào vòng xoáy mù mịt khiến đứa nào cũng hoảng hốt. Năm giờ chiều là thời gian dành cho tăng gia sản xuất. Các nhóm thay phiên nhau quét sân, nhặt cỏ, tưới cây, trồng rau, bắt sâu, bón phân. Các bạn nam tắm cho lợn. Nghe đâu còn có bạn té nhào xuống chuồng lợn mà những đứa bên ngoài bận cười quên cả việc giúp bạn mình leo lên. Nhà tắm chỉ có một hồ nước ở giữa, các bạn nữ dùng gáo múc tắm chung. Bảy giờ tối, tất cả tập trung ngồi bệt dưới nền hành lang xem thời sự và đọc báo. Muỗi vo ve kéo đến, gió lùa lạo xạo và giấc ngủ ngoắc ngoẻo gọi tên ai đó. Tám giờ là giờ được tự do, đi dạo, chơi đùa nhưng không được ra đến cổng. Đúng chín giờ, hiệu lệnh vang lên báo đến giờ có giấc mơ đẹp. Các Giám quản rà soát một vòng, tất cả đều nằm yên vị trên giường. Chốc chốc có đứa không ngủ được rồi cả đám tụ lại xì xào. Nửa đêm, có ai mắc vệ sinh thì kéo theo cả đám năm sáu đứa. Mỗi đêm sẽ có một nhóm canh trước dãy phòng. Trong bóng đêm dày đặc và hơi sương xuống đậm khiến da thịt rét run. Tiếng chó sủa hay tiếng lá rơi mạnh cũng khiến cả lũ rùng mình căng đét. Vui nhất và sợ nhất là những buổi hành quân trên thao trường. Vác súng và vòng ngụy trang trên vai băng qua những cánh rừng, chui qua hàng rào dây thép gai nếu không khéo léo sẽ bị cứa vào da thịt. Những hố hào cao hơn một mét, tất cả nhảy xuống trèo lên theo hiệu lệnh dưới cái nắng rát bỏng. Lúc lăn lê bò trườn bắn súng căng thẳng mà cả lớp bật cười vì một bạn nào đó tạo dáng bá đạo. Chiều xuống, toàn khóa hành quân lũ lượt trở về. Bạn nam chia nhau bê những thùng nước lớn về khu vực nhà ở. Cuối tuần rầm rộ những trận cầu nảy lửa và các buổi văn nghệ hoành tráng. Có đêm đang say giấc thì tiếng còi báo động inh ỏi, tất cả bật dậy như chiếc lò xò, vơ lấy quần áo đầu giường, tập trung theo hàng ngũ, hành quân đến bãi rừng rồi thầy hiệu lệnh hành quân trở vào. Mỗi ngày còn có nhóm luân phiên nấu nướng cho toàn quân đoàn. Đứa nào cũng ngơ ngác lần đầu thấy những chiếc xoong, nồi, vá, đũa to đùng. Con đường nội bộ nối những khu nhà ở với nhau thênh thang, sạch sẽ, hàng cây hai bên xòe tán lá rộng từng tầng trên cao. Những chiếc lá xoay xoay trong gió đẹp mơ màng đến nao lòng. Một số bạn đã kết đôi với nhau còn một lũ loi choi khác thì rình rập hóng hớt. Những buổi được tự do, Cảnh Lam rối rít chạy qua thăm Kỳ Thư, cùng các bạn đi dạo và bày đủ trò tinh nghịch.
Một tuần trôi qua, cô chủ nhiệm vào thăm. Kỳ Thư nhận bức thư với nét chữ lạ lẫm và gói quà. Bức thư bày tỏ ấn tượng sâu sắc kèm theo chiếc áo lính để cô mặc choàng bên ngoài tránh sây sát và nắng gió mỗi khi học trên thao trường. Các chị hết lời khen ngợi sự chu đáo và si tình của Đạt. Mỗi đêm nghe gió ràn rạt ngoài thềm, lòng cô mênh mang điều gì không rõ.
********
Vừa được nghỉ trưa, cả bọn xúm xít rửa mặt thì loa thông báo vang lên. Đã đến lần thứ ba nhưng Kỳ Thư vẫn đứng trân trân đến khi các chị giục cô nhanh lên kẻo hết giờ. Cô hồi hộp phập phồng: "Ai đến gặp mình chứ? Làm sao vào được Quân đoàn?", bước chân cuống quýt chạy ra cổng quên cả cái nắng chói chang. Bóng dáng cao ráo đĩnh đạc dưới ánh nắng trưa lấp loáng nhân ảnh làm khóe mắt cô mờ nhòe lóng lánh. Họ đứng lặng nhìn nhau. Anh lính gác tằng hắng, tủm tỉm cười nhắc Nam Phong khu vực được đi vào và khẽ giục thời gian không còn dài. Cả hai chợt thẹn thùng. Bước bên nhau không ai nói lời nào chỉ vẳng tiếng gió, tiếng cỏ cây và tiếng lòng xáo động. Họ ngồi dưới tán cây bên vệ đường, từ trong khu nhà ở và cổng gác có thể nhìn rõ.
- Em có khỏe không? - Anh thổn thức nói. Cô khẽ gật đầu.
- Em đừng chạy nhanh như vậy, lỡ té ngã thì sao!
Lời lẻ đong đầy tình si của anh khiến cô bối rối dõi mắt xa xăm che giấu rối loạn trong lòng. Anh đã năm lần bảy lượt xin nhà trường giấy giới thiệu mới có thể vào đây gặp cô một lúc ngắn ngủi. Anh không thể hiểu thế nào là nhớ nhung quay quắt một người cho đến khi anh nhớ cô như thế. Tuần rồi anh tổ chức đưa lớp đi tham quan Đà Lạt. Nơi đó rất đẹp, các bạn rất vui nhưng lòng anh thì kiệt quệ nỗi nhớ thương một người. Những chiếc lá bảng lảng trong không trung theo làn gió rơi xuống lòng đường trơ nóng. Nam Phong bất chợt nắm lấy tay cô, đáy mắt anh thẳm sâu đỏ hoe khiến trái tim cô hẫng nhịp. Cô khẽ rịn bàn tay, anh lại càng siết chặt nó trong lòng tay anh bi hoan:
- Dù phải gánh lấy trăm ngàn cay đắng anh cũng không thể nào ngừng yêu em. Anh biết lúc này anh chưa xứng đáng nhưng xin em hãy cho anh một cơ hội. Anh luôn chờ câu trả lời của em, dù bao lâu anh vẫn chờ!
Nam Phong dịu dàng cúi xuống hôn lên bàn tay nhỏ nhắn của cô. Kỳ Thư bấm chặt đầu ngón tay, thinh lặng. Tất cả khuất khúc chẳng còn quan trọng nữa. Bất chợt hồi còi vang lên làm họ đánh rơi quyến luyến dở dang vào lòng nhau. Anh đặt vào tay cô gói đồ được bọc cẩn thận. Kỳ Thư vội vã chạy đi, được vài bước cô quay lại nhìn Nam Phong với ngu ngơ cõi lòng. Cái nắng ánh ỏi lấp loá bóng hình anh, gió bụi cuốn lá cây tao tác. Từ xa, anh mỉm cười ra hiệu cho cô. Đôi chân run hối hả, giọt nước mắt rơi xuống lòng đường rát bỏng, cô len lén lau đi. Nam Phong vẫn đứng đó, nhìn theo.
Đêm muộn, trong khoảng sáng len lỏi, Kỳ Thư vân vê từng nét chữ trong quyển nhật ký của Nam Phong. Những yêu đương thắm thiết ngây dại, những khát khao khắc khoải trên từng câu chữ, vần thơ và lời hát. Cô chợt hiểu vì sao mọi người nói rằng anh tài hoa. Cô cầm chiếc lược nhỏ xinh với vài nét khắc dung dị chải lên mái tóc. Nam Phong lặng lẽ ngồi ở góc khuôn viên trường quen thuộc, lòng nhớ ai ngơ ngác xác xơ.
Xuân 2007
1.
Ngày cuối cùng ở Quân Đoàn, đứa nào cũng nước mắt ngắn dài nhưng nếu được ở lại thêm thì đều nguây nguẩy lắc đầu. Cái Tết đến gần khiến lòng ai cũng lao xao nỗi nhớ nhà. Nam Phong đã về quê theo chuyến xe của Đoàn trường.
Cảnh Lam cùng Kỳ Thư ngồi trên chiếc xuồng con dập dềnh ngắm vạt đước hai bên sông, xuồng ghe tấp nập rộn rịp mua sắm trên chợ nổi, vài chiếc xuồng chở khẩm ngấp nghía mặt nước cuộn đục phù sa. Những ngả ba, đầu doi dường như vì xói lở mà rộng trơ ra. Vài cành cây mục gãy bập bềnh trôi nổi trên sông. Những mái nhà lưa thưa lẩn khuất trong khóm cây. Căn nhà mái lá liêu xiêu nằm sâu bên trong con đường mòn khiến mắt cô nằng nặng nước. Cô chạy vào ôm bà nội, cha mẹ cô nghe tiếng cũng bước vô hỏi han. Cô mở cửa phòng của em gái, con bé vùng chạy ra khiến cô bật ngả. Thằng út vẫn đang mê mải đâu đó trong xóm. Cô đi quanh một vòng. Tất cả không có gì thay đổi, chỉ có xờ xạc đi nhiều. Chiếc xuồng bé xíu vẫn nằm lặng lờ ở chân cầu sàn lảng, mặt nước gợn những làn sóng ngăn ngắt. Đêm đầu tiên cô trăn trở mãi không sao ngủ được, như một kẻ lạ xa nơi chốn quen thuộc. Gió đập vào vách nhà rào rạc, tiếng lá khua lạo xạo và tiếng gây gổ của cha mẹ về nợ nần, xích mích. Những thanh âm đó... tựa hồ đong đầy tuổi thơ cô!
Sáng hôm sau Cảnh Lam mang quà sang biếu nội. Thằng út líu ríu mừng rỡ, Cảnh Lam cho nó chiếc rubik. Nó nhảy cỡn sung sướng rồi cả buổi bám riết anh như cái đuôi. Cảnh Lam phụ cha cô bê đống đất đắp lên bờ đê bị sạt lở và bón phân tỉa tót cho vài ụ cây, rau trái quanh nhà.
Trưa ba mươi Tết, hai chị gái cô mới về đến nhà với những món đồ lỉnh kỉnh. Đó là những vật dụng trong nhà từ cái ly, thao chậu, xoong nồi, chén đĩa và ít bánh mứt. Chưa kịp vui đoàn tụ thì có hai người đến đòi nợ. Hai chị dốc hết túi, đếm đi đếm lại số tiền cũng chỉ trả được một phần lãi cho mỗi người. Cha mẹ cô hạ mình xin khất rồi nghe những lời nặng nhẹ. Cô cặm cụi nấu nướng phụ mẹ cho buổi cúng ba mươi tết. Tối đến, khi cả nhà đã ngủ, Kỳ Thư vẫn lặng ngồi trước hiên nhà nhìn vào bóng đêm u tịch nghe trận gió rít qua hoang hoải cõi lòng.
********
Ngày Tết, trẻ con chạy tung tăng ngoài bờ đê. Xóm giềng, họ hàng xúng xính cười vui. Họ hỏi han cô chuyện học hành nhưng dường như không mấy bận tâm câu trả lời.
Chiều xao xác lạnh, Kỳ Thư đang hái me sau hè thì mẹ Cảnh Lam chạy sang báo cô có điện thoại. Kỳ Thư ngẩn ngơ chợt nhớ lúc ở Quân Đoàn, cô đã cho Nam Phong số điện thoại nhà Cảnh Lam vì lúc này cả xóm không nhà nào có. Cô chạy thật nhanh, bồn chồn nhấc máy lên thì đầu dây bên kia đã ngắt. Cô hụt hẫng đứng lặng, thắc thỏm chờ đợi nhưng một hồi lâu vẫn không thấy tín hiệu. Cảm giác ngóng trông hoài mong rồi thất vọng khiến trái tim bé nhỏ chợt sợ hãi. Cô cùng mẹ Cảnh Lam trò chuyện một lúc rồi xin phép ra về. Cảnh Lam ngoài vuông vừa vào, mẹ anh liền kể lại sự việc. Anh đi ra đi vào lóng ngóng, cả buổi tối chỉ chèo queo nằm thừ.
Sáng mùng ba Tết, Cảnh Lam ăn vận tươm tất rủ Kỳ Thư đi chúc tết thầy cô. Qua mỗi đoạn đường anh nhắc nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa. Bất chợt hai mắt cô nhòe đi, chiếc áo trắng tinh khôi Cảnh Lam đang mặc gợi lên hình ảnh quá đỗi quen thuộc. Cảnh Lam không thấy cô phản ứng gì, thoáng chạnh lòng.
Đêm về khuya, Kỳ Thư úp mặt xuống gối, nước mắt rơi tự vấn: "Có phải mình đã yêu anh ấy rồi không? Mình phải làm sao?". Những lời nói thiết tha, những quan tâm xót xa, ánh mắt say đắm tình si của Nam Phong vương vất chiếm ngự trái tim cô. Cô chợt sợ hãi khi cảm thấy mình không còn là riêng mình nữa. Mỗi hơi thở của cô lúc này đều là Nam Phong, tràn ngập hình ảnh anh trong chỉnh thể của cô.
2.
Sáng sớm tinh mơ, Kỳ Thư vừa về đến nhà ngạc nhiên thấy chiếc xe máy trước cửa.
- Ai tới nhà mình mà đi xe vậy cha?
- Con vô đi sẽ rõ, nó là bạn con đó.
Giọng cha cô lạnh tanh không nhìn lấy cô một cái. Ngày hôm qua Kỳ Thư ở lại nhà cô tư nên không rõ đã có chuyện gì. Cô đi thẳng ra sau nhà, thấy hai thanh niên đang hí húi nhặt rau, nhìn cô cười tở mở. Mất một hồi cô mới nhận ra:
- Sao anh đến đây được? Anh xuống khi nào ạ? Còn đây là...
- Nếu anh muốn thì ở đâu anh không đến được chứ. Đêm qua, anh đã uống bia trò chuyện với chú và ngủ lại nhà để đợi em đó. Còn đây là Thành bạn anh.
Đạt sấn rấn bước vội đến. Cảm giác bất tiện khiến Kỳ Thư lúng túng. Cô hiểu tại sao cha cô khó chịu ra mặt như vậy. Cô chưa biết làm thế nào thì chợt nghe tiếng Cảnh Lam từ ngoài sân. Cô thoăn thoắt đáp lời như thể được viện binh. Anh đưa cô hai con cá nâu to đùng mới đánh lưới để kịp nấu bữa sáng. Cô reo lên thích thú rồi rù rì:
- Ở lại nhà mình ăn cơm rồi hãy về nhé.
Cảnh Lam hiểu ngay sự việc. Anh gật gật lém lỉnh rồi bước tới chỗ Đạt xởi lởi nói:
- A, thì ra hai anh là người hôm qua suýt rớt xuống cống đây phải không? Chào nhé, em là Lam, hàng xóm bên cạnh.
- Ồ, trùng hợp quá. - Đạt sường sượng nói.
Cảnh Lam sởi lởi tiếp chuyện rồi phụ Kỳ Thư dọn cơm lên bàn. Kỳ Thư tỉ mẩn gỡ xương cá cho bà nội ở giường bên. Cô bước sang thì Đạt vội chỉ tay vào ghế bên cạnh. Thằng út vô tư chạy ù ra lấp chỗ. Đạt nheo mày gượng cười nói:
- Sẵn nhà mình đông đủ chúng ta uống vài lon bia cho vui bác nhỉ?
- Lam, con vào trong buồng lấy thùng bia hôm qua hai cháu đem xuống, uống với các anh đi con. – Cha cô đằng hắng nói. Kỳ Thư tái mét mặt mũi.
- Dạ, để con tiếp hai anh được rồi. Hai anh không biết chứ chú nào giờ không uống bia rượu, ở đây ai cũng biết cả. – Cảnh Lam hợm hỉnh nói.
Đạt mãi nhìn đăm đắm Kỳ Thư khiến cha cô khó chịu. Ông im im bỏ ra sau nhà...
Một đêm dài tịch mịch ưu phiền, căn nhà lá im phăng phắc giữa sông nước cô liêu. Cha cô giận dữ gọi cô lại rồi nghiêm khắc nói:
- Con chỉ mới đi học có vài tháng đã đua đòi chuyện tình cảm rồi hả? Cha mẹ nghèo khổ, nợ nần gần hết cuộc đời, ăn không dám ăn, mặc không có mặc. Hai chị con phải nghỉ học đi làm công nhân cả ngày đêm được vài đồng bạc, tết cũng chỉ được nghỉ hai ngày. Con Ni ốm đau triền miên, bà nội già yếu bệnh tật, thằng út bị còi xương nặng lại không được sáng sủa như con. Tương lai của gia đình phụ thuộc vào con đó. Việc học của con là quan trọng nhất với cả nhà. Con coi làm sao để xứng đáng với những hy sinh và kỳ vọng mà gia đình dành cho con. Còn nữa, con đừng làm cho gia đình phải mang tai tiếng vì những chuyện trai gái trăng hoa.
Kỳ Thư chết lặng, cổ họng nghẹn cứng, nước mắt trực trào cố nén vào trong. Cô không thiết tha giải thích. Cô chạy ra sau hè, dòng sông nằm im trong bóng đêm cùng những cơn gió đùa lạnh buốt. Có những điều tưởng chừng như hiển nhiên đời thường nhưng đôi lúc lại quá cao xa vời vợi...
Mấy ngày Tết qua nhanh, Kỳ Thư khăn gói lên thành phố. Nước mắt của bà nội như những giọt nước rỉ ra từ con suối khô cằn. Cô không dám ngoảnh đầu lại nhưng cô biết cả nhà đang ngồi trước cửa dõi theo. Kỳ Thư và Cảnh Lam ghé phòng trọ hai chị đợi chuyến xe lên thành phố. Căn phòng nhỏ xíu ẩm ương mùi mốc do mương nước phía sau thấm vào tường loang lổ. Toilet dùng chung cho tất cả công nhân thuê trọ đóng một màu đen hoắc kinh dị. Trong phòng chỉ toàn những bộ đồ bảo hộ lao động ám mùi tanh tôm cá nồng nặc. Ngồi trong phòng cũng ngửi được mùi hôi từ trong nhà máy sộc vào mũi tanh tưởi. Hai chị gói ghém chiếc quần jean và áo thun mua được ở chợ xổ bỏ vào cặp đồ xẹp lép của cô. Mười một giờ đêm xe đến cũng là lúc các chị vào ca hai. Khi xe lăn bánh, hai chị vẫn đứng trông theo vừa quệt nước mắt.
Ký túc xá nhộn nhịp không khí Tết. Cả phòng quây quần bên những món quà quê, kể nhau nghe về cái tết của gia đình rồi ngủ mê man vì thấm mệt sau chặng đường dài. Kỳ Thư ngồi tựa lưng vào tường, nhìn vào mông lung nghe gió xuân hây hẩy rít qua khe cửa. Cô nhớ đến phòng trọ của hai chị như chiếc hộp bẩn thỉu, nhớ đến mái lá lụp xụp nơi che chắn cho người thân đã qua tuổi xế chiều và trong cơn bệnh tật. Cô nén tiếng thở buôn buốt. Lồng ngực cô nhói lên khi nghĩ đến một ảnh hình viễn mộng nào đó. Mộng đẹp đến mấy rồi cũng sẽ tan nhưng cớ sao tim cô ngụt ngạt chân thực đến vậy!
Hằng Nga tìm về Hậu Nghệ
1.
Mấy ngày qua ngày nào Nam Phong cũng thờ thẫn ngóng đợi trước cổng Ký túc xá nhưng không gặp được Kỳ Thư. Một hôm, anh đến tận phòng cô. Các chị nhiệt tình mời anh vào trò chuyện vì cô đi vắng. Càng về khuya anh càng áy náy. Mãi đến khi cánh cửa đẩy vào, không hiểu sao toàn thân anh run lên, lặng lẽ nhìn cô.
- Thư đã về rồi nè. Đi đâu mà lâu vậy em? Anh Nam Phong đợi em từ đầu tối tới giờ rồi đó. – Hoa gợi mở nói.
- Mình ra ngoài nói chuyện một lát được không em? - Nam Phong khẩn thiết nói.
Kỳ Thư lạnh nhạt gật đầu rồi bước ra. Nam Phong lịch sự cảm ơn thì các chị liền giục anh đi đi kẻo muộn. Ngồi ở góc khuôn viên, trầm mặc lẳng lặng một hồi lâu, những rung cảm ẩn sâu cùng mâu thuẩn dồn nén siết lấy họ, lá cau kiểng lạo xạo càng khiến lòng héo hon.
- Em có chuyện muốn nói với anh phải không? Dù có thế nào anh cũng muốn nghe!
Giọng Nam Phong nhỏ dần nhưng đủ để Kỳ Thư nghe rõ từng tiếng lòng ai hoài của anh. Cô không nhìn anh, chỉ gật nhẹ mái đầu. Đôi lần cô cố mở lời nhưng cổ họng cứng lại, nghèn nghẹn nên đành im bặt. Nam Phong cảm nhận sóng gió bủa vây lòng cô, sự đấu tranh gay gắt trong lý trí và sự gắng gượng lạnh lùng của cô. Anh mở lời thay cô bằng tiếng lòng quay quắt và khát khao thúc bách trong anh đêm ngày. Năm nay là cái Tết có ý nghĩa nhất với anh bởi vì anh đã được gặp cô. Anh thầm cảm ơn tạo hóa đã cho anh gặp cô. Nhưng anh cũng oán trách tạo hóa sao không cho anh và cô gặp nhau sớm hơn và trong hoàn cảnh khoan từ hơn một chút. Giọng anh chùng xuống tựa tâm tư trĩu nặng bời bời. Mấy ngày qua anh đã rất sợ hãi. Anh cảm giác chuyện không tốt đẹp sẽ đến. Anh tự hỏi có phải gia đình khuyên ngăn, cắm đoán nên cô đã cố tình lẫn tránh anh. Dù vậy anh vẫn không thể buộc mình dừng lại. Nếu cô càng lẫn tránh anh sẽ mãi tìm kiếm cô. Nếu cô đẩy anh ra xa anh sẽ kéo cô lại gần. Nếu cô chưa yêu anh, anh sẽ yêu cô gấp nhiều lần hơn để tình yêu của anh lấp đầy trong cô. Nếu cô muốn lừa dối bản thân, anh không có cách nào là đau khổ tiếc nuối một đời. Cổ họng anh đắng nghét khô rát. Sự im lặng của Kỳ Thư càng làm anh sợ hãi. Chưa bao giờ anh biết được cảm giác tất cả sự tốt đẹp hay bi ai nhất trong cuộc đời mình lại do người khác định đoạt.
- Thư ơi, dù thế nào anh vẫn tha thiết mong em cho anh một cơ hội! Em hãy nhìn thẳng vào mắt anh, thật sự trong lòng em không có một chút tình cảm nào dành cho anh sao em?
Giọng Nam Phong ngùi ngùi đứt quãng. Kỳ Thư oằn mình trong cơn đau thét của trái tim không nghe lời. Cô nghĩ đến người thân rồi gắng gượng nhìn anh với ánh mắt trống rỗng:
- Nam Phong, em thực sự không yêu anh. Tình cảm với anh chỉ là anh em bạn bè thôi.
Đất trời như đổ sụp, anh cúi gục đầu không kiểm soát, giọt sầu cay xé khóe mắt. Anh vụng về lau đi, giọng lạc lõng tủi hờn nói:
- Vì anh không xứng đáng phải không em? Anh không có tài cán gì cũng không có gì trong tay...
- Em chỉ có thể nói với anh như vậy thôi. Em vào Ký túc xá trước. - Kỳ Thư hẫng giọng cắt ngang.
Cô không biết mình đang chạy cũng không nhận thấy bất kỳ ai trên đường. Chân cô sắp khuỵu xuống, mồ hôi lạnh toát ra. Cô úp mặt vào song sắt hành lang nơi Nam Phong vẫn hay đợi cô mỗi sáng. Nước mắt cô tuôn rơi không ngớt. Cô uất nghẹn trong tim non nớt, đau cả tâm hồn trẻ dại và lý trí cố rắn rỏi. Có phải cô quá bất công với tình cảm của bản thân không? Hay cô quá cố chấp với lý trí hạn hẹp? Những hình ảnh khốn nghèo rạc rài của người thân yêu cùng những lời răn dạy của cha cô lắng đắng trong tâm trí...
********
Vừa đi học về, Linh kéo Kỳ Thư qua thẳng phòng mình. Các chị lo lắng chạy theo không rõ chuyện gì. Linh giận dữ, ỉ ôi nói:
- Em biết không, chị như vừa gây ra tội ác vậy. Em có biết Nam Phong suy sụp thế nào khi thấy gói đồ em gửi không? Có phải em đã quá tàn nhẫn không vậy?
- Chị thấy Nam Phong bị sao ấy chứ? Biết bao đứa thích mà có đoái hoài tới ai đâu. Người như Nam Phong thiếu gì sự lựa chọn sao cứ phải thế chứ? – Hải cay cú nói.
- Hải, đó là chuyện của Nam Phong. Mày đừng vì Nam Phong không thèm để mắt tới mày mà xiên xỏ. - Linh quát ngang.
- Ơ. Mày hay nhỉ? Mày làm gì mà bênh vực con Thư dữ vậy? – Hải gay gắt nói.
- Tao không bênh vực ai hết. – Linh gạt phăng rồi quay sang Kỳ Thư nói:
- Trên đời này, tìm được một người con trai tốt như Nam Phong khó lắm em à! Em hãy suy nghĩ kĩ lại mà cho nó cơ hội cũng là để em không nuối tiếc về sau nhé.
Các chị đều khuyên cô đối diện với lòng mình và tạo cơ hội cho chính hai người. Tất cả đều lên tiếng ủng hộ Nam Phong, kể cả Hiền, người em họ của cô học cùng khóa với Nam Phong cũng thế. Cô chợt nghĩ: "Trong mắt mọi người, anh ấy ưu tú như vậy thì chắc chắn sẽ tìm được một người phù hợp dễ dàng thôi".
Tối đó, cô lang thang ở khuôn viên trường thì gặp Yến. Yến mỉm cười hỏi han rồi ưu tư nói:
- Chắc Nam Phong đã nói với em chuyện của chị phải không?
Kỳ Thư bần thần lắc đầu.
- Chị rất thích Nam Phong nhưng hai năm qua Nam Phong không ngó ngàng gì đến chị cả. Con người có lúc quá vô tâm và tàn nhẫn phải không em!
Yến cúi mặt thoáng buồn rồi ân hận nói:
- Nhưng với em thì khác. Chị chưa bao giờ biết Nam Phong cũng si tình đến vậy. Khi chị kể với Nam Phong về gia đình em và Lam, chị đã có chút ích kĩ. Chị xin lỗi, em gái!
Yến nhìn Kỳ Thư với ánh mắt vừa ngưỡng mộ vừa thương cảm. Tình yêu trong trắc trở giống như cơn gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn. Mọi việc đều không thể lường trước nhưng đến đâu sẽ có cách của nó. Kỳ Thư không ngờ Nam Phong đã biết mọi việc nhưng cô tự hỏi: "Nếu sau này cả hai không vượt qua được nghịch cảnh, lúc đó đau khổ chắc hẳn sẽ hơn gấp nhiều lần. Vậy bây giờ bắt đầu để làm gì? "
2.
Một tuần qua Kỳ Thư giam mình trong phòng, khó khăn lắm Cảnh Lam mới kéo được cô đến công viên dạo chơi. Anh trầm ngâm nói:
- Đừng làm khổ bản thân vì những trói buộc của tương lai Thư à. Nếu Thư thật lòng yêu anh ta thì hãy nhắm mắt yêu đi, rồi sẽ có con đường cho hai người.
- Lam không trách mình sao? - Kỳ Thư đượm buồn hỏi.
- Dù có hứa hẹn giữa hai nhà nhưng quyết định là của mình mà đúng không? Thư cũng đâu nhớ đến điều đó. Lam không muốn cố giữ thứ không phải của mình để luôn nơm nớp lo sợ bị lấy đi.
Nói ra điều này dù có chạnh lòng nhưng anh nhẹ nhõm lạ lùng. Buông bỏ là chân phúc của đời người mà không phải ai cũng đủ tĩnh tâm làm được. Chứng kiến chặng đường khó nhọc của Kỳ Thư từ bé đến nay, chứng kiến những đau khổ dày vò của cô khi phải từ bỏ Nam Phong ... đã khiến anh thấy mình thực sự không có tư cách để cưỡng cầu. Kỳ Thư nhoẻn cười lòng đầy cảm kích, mặc dù điều đó không làm thay đổi hiện tại nhưng ít ra có người hiểu được lòng cô và trân trọng những cảm xúc của cô. Từ xa có tiếng hét thất thanh vang lên, Kỳ Thư chếnh choáng khi thoáng thấy người thanh niên trông giống Nam Phong và một cô gái đang bám siết cánh tay anh. Nam Phong bất chợt quay sang, ánh mắt họ chạm vào nhau ngỡ ngàng. Không đủ tỉnh táo và kiên nhẫn, Kỳ Thư quay đầu bỏ chạy, nước mắt đầm đìa trên gương mặt hốc hác. Nam Phong lập tức đuổi theo. Anh níu lấy tay cô, cô giằng mạnh anh càng giữ chặt.
- Anh làm gì vậy? Anh đừng bắt nạt em như thế. - Kỳ Thư òa khóc.
- Anh xin lỗi, em đau lắm phải không? - Nam Phong rối bời nói.
- Bây giờ anh lại đang bắt nạt em nữa đó. Anh trêu đùa với em như vậy đủ chưa? Một mặt anh ngọt ngào với em, một mặt anh hẹn hò với cô gái khác.
Nam Phong nhanh như cơn lốc ôm lấy cô. Cô giãy giụa xô ra, anh càng siết chặt. Nước mắt cô thấm ướt ngực áo trắng của anh. Sự chống cự yếu ớt của cô khiến anh chấn động. Con tim anh tan chảy ấm áp, dịu dàng xoa dịu những dồn nén kích động trong lòng cô. Trớ trêu thay, cô chỉ đứng ngang tầm vai của anh nên tai cô áp đúng vào lồng ngực anh, nghe rõ nhịp tim anh như vỡ tung. Gương mặt cô phừng phừng nóng.
- Chuyện không giống như em nghĩ đâu. Đó là bạn cùng quê với anh. Cô ấy bị cướp túi xách, anh phản xạ giật lại không ngờ ông ta phản kháng mạnh quá nên mới...
- Em không nghe đâu. Lửa mau cháy thì nhanh tàn phải không?
Kỳ Thư cúi đầu lảng tránh. Nam Phong khẽ nâng gương mặt cô hướng trọn vào ánh mắt anh khắc khoải:
- Khi thấy em vùng chạy, trái tim anh như được sống lại. Nếu có ai đó thay thế được em trong lòng anh thì anh đã không khổ sầu như vậy em biết không! Anh đã cố dặn lòng kìm nén để không đi tìm em nhưng anh... anh muốn được nhìn thấy em nên anh đã âm thầm theo đến đây.
Ngôn từ thấm đẵm tình si của anh khiến tim cô run lên, nước mắt rơi bay trong gió thủ thỉ:
- Em đã yêu anh rồi!
Nam Phong chấn động tâm can, niềm hạnh phúc như đôi cánh nâng anh bay bỗng, anh đã nghĩ rằng chẳng bao giờ có được cô đâu. Giây phút này đây anh thấy mình thật sự đã trưởng thành, anh muốn che chở cho người anh yêu qua mưa nắng cuộc đời.
- Nín đi em, anh yêu em tha thiết! - Anh ôm chặt cô dỗ dành.
Gió xuân man mác thoảng mùi hương hoa nhài thanh thái. Anh nắm tay cô đi dưới hàng cây xanh đã bao lâu tuổi trời, tay trong tay chung một tiếng lòng. Từ nay mỗi trang nhật ký của cô đều có anh trong đó, rực rỡ, ấm áp và bình yên! Nhưng dòng đầu tiên là lời xin lỗi thành tâm của cô đến người thân, khẩn thiết xin được yêu anh cho dù không biết sẽ đi đến đâu và sẽ đau thương thế nào cô cũng cam tâm tình nguyện!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top