Cuốn 1: Hoàng hậu Đinh triều

Chương 1: Thế giới chưa tận thế nhưng tôi đã "tận thế"

Năm 2012 đã bước qua tháng 9, thế giới vẫn chưa xảy ra Ngày Tận Thế như bộ phim 2012 của đạo diễn Roland Emmerich. Quả đất này vẫn hết sức vui tươi nhộn nhịp với các cuộc bầu cử của chính phủ Pháp, Nga, Ireland hay sự bình luận xôn xao về khả năng tái đắc cử của ngài Obama.

Còn có kỉ niệm 100 năm con tàu Titanic chìm xuống đáy biển. Thêm vào đó là sự kiện Olympic Luân Đôn khai mạc vào 3h sáng, giờ Việt Nam. Và hiển nhiên, tôi đã bỏ lỡ cho dù có cài đặt báo thức với 3 cái đồng hồ cùng 1 điện thoại di động.

Ôi chao, tóm lại là cuộc sống an nhàn vẫn vậy trôi qua. Sinh nhật thứ 18 của tôi cách đây 6 ngày và cái bánh kem vẫn còn một phần ba để trong tủ lạnh. Tin tốt lành nhất là tôi đã đỗ vào khoa Kinh doanh quốc tế của Đại học Tài Chính-Marketing. Khi tôi sắp sửa trải qua 4 năm của đời sinh viên thì trong gia đình xảy ra một sự kiện trọng đại: bà nội chuẩn bị định cư ở nhà tôi trong ít nhất 20 năm (nếu bà có thể sống lâu thêm ngần ấy).

Mọi người trong nhà đều vui vẻ, hồ hởi "rước bà về dinh". Một chuyến xe tải từ Bến Tre đến Sài Gòn đem theo tất cả tài sản của bà, từ bộ bàn thờ ông nội đến những cái bình sứ quý giá, vài tấm liễn nạm vàng [1], một bộ ghế gỗ và cả tấn "kinh thư". Hai chị em tôi mất hết nửa ngày để xếp sách từ cái rương cũ kỹ lên kệ để rồi bị bà quát một trận, sau đó lại xếp sách trở về rương. Những cuốn sách cổ toàn "Hán tự" luôn được bà yêu quý và tự hào kể với con cháu: "Của hồi môn của bà đó!"

Cuộc sống gia đình có thêm một bà nội và kéo theo sau là một chuỗi những rắc rối. Bà không hài lòng về cách ăn mặc của tôi. Váy quá ngắn, tóc lởm chởm, phòng ốc bừa bộn, nói chuyện không thùy mị, ăn cơm như hổ đói, vân vân và ve ve... Bà là người lớn tuổi, cách tôi 2 thế hệ nên cũng khó trách lối suy nghĩ có nhiều khác biệt. Tôi muốn làm một cô cháu gái ngoan hiền cho nên bắt đầu thích nghi với những đòi hỏi của bà. Tôi cắt lại mái tóc dài đúng kiểu "hai lúa", biết ý tứ trong lời nói, ăn cơm như con mèo và còn vứt hết mấy bộ đồ lót màu rực rỡ mà thay vào đó là style "quý bà tuổi 50". Nói chung, tôi là "gái ngoan" hiếm có của thế kỉ 21, biết nghe lời, biết phục tùng và rất thành thật (ngoại trừ chuyện lén tàng trữ một lô tạp chí người mẫu nam và gia nhập fan hâm mộ Lee Min Ho)

Bầu không khí trong nhà thay đổi rất nhiều, thoang thoảng cái vẻ cổ xưa huyền bí gì đó. Không còn tiếng nhạc Pop của SNSD, không còn tiếng ghi-ta của Taylor Swift mà chỉ có bài "tân cổ giao duyên Lan và Điệp", "Cô gái bán sầu riêng" cùng các vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh", "Bên cầu dệt Lụa", "Thái hậu Dương Vân Nga".

Bà nội là fan ruột của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, chính xác là một fan rất trung thành, dù tôi đã hết lời dụ dỗ bà gia nhập "Hội ái mộ Park Min Young".

Ôi thôi, không có cách nào, tôi đành chấp nhận suốt ngày văng vẳng bên tai những giọng ca oanh vàng của Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thoại Mỹ, Thanh Nga, Thanh Sang,... Buổi tối xem cải lương với nội, từ từ cũng đã chấm được anh Kim Tiểu Long. Dù không quá xuất sắc nhưng dung nhan của anh có thể tạm thời làm "Hotboy" của giới tài từ cải lương.

Là vậy đó!

Tôi thấy cuộc đời mình đang trên đà xuống dốc. Theo định luật "Vạn vật hấp dẫn" của Niu-tơn thì trong vòng một hai năm nữa tôi sẽ trở thành nạn nhân của "Thuyết tiến hóa ngược".

Cuối cùng, xin được kết luận cục diện chính trị của tôi bằng mệnh đề "If...Not": "Nếu bà nội còn tiếp tục an cư tại nhà tôi thì tôi sẽ không có ngày nhìn thấy vầng thái dương chứ đừng nói là xem hết tập cuối phim "Mặt Trăng ôm Mặt Trời"!!!

.

.

[1] tấm liễn: những tấm bảng viết thơ hay câu đối chữ Nôm hoặc Hán treo ở cột lớn trong các ngôi nhà ba gian cổ ngày xưa

Chương 2: Lịch sử cái tên và vụ ám sát nghệ sĩ Thanh Nga

Ngày tôi chào đời, bà nội đã giành được quyền đặt tên trong cuộc PK rất ác liệt với bà ngoại. Theo ý nội, tờ giấy khai sinh của tôi ghi rõ: Trần Thị Vân Nga. Bà còn nói là cái tên này sẽ khiến cuộc đời tôi chói lọi như Dương hậu. Ngày trước tôi không biết Dương hậu là ai. Bây giờ nhờ có em Google tôi mới phát hiện ra 2 chuyện lớn liên quan tới cái tên này:

Thứ nhất, đó là nhân vật chính trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, một nhân vật có thật vào triều Đinh-Tiền Lê.

Thứ hai, Idol Thanh Nga của bà đã bị ám sát sau khi hoàn thành tuồng cải lương này.

Chuyện này xảy ra năm 1978, tại đường Ngô Tùng Châu, quận 1, TP.HCM, tới nay vẫn chưa có kết luận của Cục cảnh sát. Thật ra chuyện này cũng không liên quan tới tôi nhưng vì Kudo Shinichi, tôi đã bỏ 1 giờ xem qua các bài báo cũ. Án mạng kì bí thách thứ thám tử gia không chuyên mới nổi Trần Thị Vân Nga, mật danh là Conan1994 (nickname của tôi trên diễn đàn truyentranh.info).

Kể từ đó tôi bắt đầu ấn tượng với cái tên Dương Vân Nga. Cùng với những nữ anh kiệt thời xưa, Dương thái hậu quả là xuất chúng. Bà chính là cầu nối từ triều Đinh sang triều Lê. Một con người thông minh xinh đẹp lại còn thức thời. Hai lần làm Hoàng hậu, một lần làm Thái hậu, Dương Vân Nga không thua kém gì Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Chiêu Hoàng hay công chúa Huyền Trân. Người là một nữ nhân đầy bản lĩnh, một nhân vật lớn và cũng là người có công lao bảo vệ đất nước trước họa xâm lược của nhà Tống thế kỉ X.

Đó là tất cả những gì tôi biết về Dương hậu cho tới lúc này. Có một chút ngưỡng mộ và một chút hài lòng vì tôi cũng mang tên của bà ấy. Tuồng cải lương Thái hậu Dương Vân Nga cứ vài ba tuần là bà nội lại mở một lần. Chiếc DVD xem nhiều tới nổi chi chít vết xước. Thỉnh thoảng tôi cũng có ngồi lại sofa một lúc để xem cùng bà nhưng chưa bao giờ tôi coi hết cả bộ và cũng không ghi nhớ bao nhiêu tình tiết. Chỉ ấn tượng mỗi cảnh Dương thái hậu khoác long bào lên người Lê Hoàn, tôn ông ta lên làm Hoàng đế. Hóa ra triều Lê bắt đầu như vậy đó! Phải chi tôi coi vở cải lương này sớm hơn một tí thì chắc đã trả lời được câu số 3 trong cuộc thi "Đố vui Lịch sử" ở trường rồi.

Dạo này tôi có sở thích xin bà cho xem đồ kỉ vật. Bà có cả một kho báu khiến tôi ngạc nhiên. Bà là người phụ nữ của thời đại phong kiến. Tóc bà đã bạc trắng nhưng rất dài, dài tới mức nằm la liệt trên đất. Mỗi khi xem phim Tangled tôi lại bật cười nhớ tới mái tóc của bà. Bà nội là phiên bản "old lady" của công chúa tóc rối.

Vì tóc quá dài nên bà luôn bới thành một búi cuộn to sau gáy, cố định bằng một cây trâm. Nội có tất cả 4 chiếc trâm: Một cái bằng gỗ lim bóng loáng chạm trổ công phu, một cái mạ bạc có cẩn hai hạt trai, một cái mạ vàng và trang trí hoa mai mà bà chỉ dùng trong cái sự kiện trọng đại. Cuối cùng là một cái bằng đá đẽo thô sơ y như hiện vật thời đồ đá, bà nội thường dùng chiếc trâm này hàng ngày. Ba chiếc còn lại luôn được bà giữ kỹ trong cái hộp gấm. Tôi đang có âm mưu gạ gẫm để xin bà bộ trâm làm của hồi môn.^^

Sau bộ trâm cài tóc là bộ lọ hoa 10 chiếc bằng sứ quý giá. Mỗi cái một kiểu dáng, một màu sắc. Nhưng vì tôi không có hứng thú với gốm sứ nên cũng chỉ nhìn sơ qua, có vẻ như chúng là bạn bè của những hiện vật trưng bày trong bảo tàng.

Cuối cùng trong cái kho báu ấy chính là sách. Có rất nhiều sách nhưng tôi không tài nào đọc được. Một ít viết bằng chữ Hán, một ít viết bằng chữ Nôm và một ít dùng chữ quốc ngữ bằng kí tự Latinh như thời của Bác Hồ viết "Đường Kách Mệnh".

Về mặt nội dung thì tôi xin chịu. Chúng có vẻ giống như thơ nhưng cũng có cuốn giống tiểu thuyết. Hai chị em tôi lấy làm kinh ngạc lắm khi nghe bà vừa chỉ vừa phát âm những con chữ tượng hình. Có lẽ bà là một trong số ít những người còn lại trên bờ cõi Việt Nam này, biết đọc tiếng Hán và tiếng Nôm. Bà đã cao tuổi rồi mà đầu óc minh mẫn thế? Tuy nhiên tôi không có ý định khai thác trí nhớ của bà, tôi sắp là sinh viên ngành Kinh Tế chứ không phải khoa Đông phương học.

Vốn dĩ mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó nhưng số của tôi là kiểu khác người. Lúc mẹ tôi vừa mang thai 6 tháng, có một bà già ăn xin ghé lại cổng nhà. Sau khi ăn hết tô cơm nguội thịt kho mẹ tôi cho, bà lão nhìn vào cái bụng to của mẹ mà lẩm bẩm: "Con cô là đứa bé thông minh lanh lợi, nếu cẩn thận một chút thì sẽ có cuộc sống suôn sẻ, hưởng đại thọ, an nhàn, nếu không may chỉ tay bị đứt thì sẽ hưởng thêm một kiếp quỷ dị".

Mẹ tôi không phải người mê tín nhưng lại nhạy cảm với những hiện tượng lạ. Mẹ đem câu chuyện kể cho bố. Bố kể cho các bác, các cô. Các bác, các cô kể cho các chú, các thím. Các chú, các thím kể cho các cháu trai, cháu gái nội ngoại. Tóm lại là tôi đã mang tiếng "đứa bé đặc biệt" trước khi chào đời. Khi lớn lên, mọi người trong nhà vẫn thỉnh thoảng nhắc lại "lời tiên tri" của bà lão ăn xin. Tôi cũng vì thế mà đề cao cảnh giác với hai bàn tay.

Năm bước vào lớp 8, tôi tự đi xe đạp tới trường. Có một ngày không may gặp phải một gã say xỉn. Tôi bị tai nạn giao thông phải nằm viện hết một tuần, toàn thân có không ít vết bầm. Nặng nhất là cánh tay phải bị gãy. Lòng bàn tay ma sát xuống lòng đường nên trầy trụa rướm máu. Sau khi kéo da non thì tôi kinh hoàng nhận ra chỉ tay đã thay đổi. Đường sinh mệnh bị đứt mất khúc cuối. Như vậy có phải sẽ chết sớm không? Tôi phập phồng lo sợ nhưng không nói với ai. Tôi cảm thấy mình hơi ngớ ngẩn. Cứ ôm ấp hoài nghi như thế cho tới lên cấp 3 tôi mới an tâm cho rằng đó chỉ là suy nghĩ trẻ con. Chuyện này cũng nhanh chóng bị lãng quên...

Về sau tôi mới hiểu ra, chút tai nạn bất ngờ đó đã thay đổi cả vận mệnh của mình. Cũng không rõ là nên vui hay buồn. Có lẽ ban đầu rất tồi tệ nhưng về sau lại thấy mãn nguyện. Tôi là đứa trẻ đặc biệt và tôi cũng lấy làm tự hào về cái "đặc biệt" của mình.

Chương 3: Một đi không trở lại

Câu chuyện của tôi chính thức bắt đầu vào một ngày nắng nóng.

Tôi về nhà sau buổi đánh cầu lông với cô bạn cũ. Cả người nhễ nhại mồ hôi, tôi quyết định chờ áo khô mới đi tắm. Bà nội thường bảo vừa đi đường về tắm ngay sẽ dễ bị cảm. Tôi thong thả đứng bên cửa sổ ngước nhìn bầu trời bé tí, bị bao bọc bởi những căn nhà cao tầng xung quanh. Gió thổi mát lạnh sau gáy.

Trong lúc mơ màng tôi bị giật mình vì một vật thể không xác định từ đâu rơi xuống. Tôi liền đưa đầu nhìn qua cửa sổ. Bên dưới chính là cuốn sách ngả vàng, các trang giấy xâu vào nhau bằng chùm chỉ mục. Cuốn sách nằm bẹp dí ở dưới đất, các trang giấy bay phất phơ. Tôi lại ngước nhìn lên ô cửa phía trên. Tầng trên là phòng của nội.

-Bà nội ơi! Sách của bà rơi phải không?

Ô cửa vẫn im lặng. Tôi nghĩ nghĩ một lát rồi tự mình đi xuống nhà dưới. Tôi ra phòng khách, đi vòng xuống bếp rồi mở cửa thông với cái sân nhỏ phía sau nhà. Tôi cẩn thận nhặt cuốn sách lên. Chao ôi, nó thật là tả tơi! Giấy có trang bị nhàu, trang bị xé, trang bị thấm nước nhòe chữ, trang bị cháy mất một góc. Tôi lè lưỡi, lật qua lật lại. Tất cả con chữ đều là rồng bay phượng múa. Chữ viết bằng bút lông thời xưa, mực tàu đen đậm.

Tôi chưa nhìn thấy cuốn này bao giờ, hình như nó không giống lắm với những cuốn sách khác của nội. Ngó nghiêng một hồi tôi phát hiện một dòng ghi chú bằng bút chì mờ mờ: "Mậu Thìn 968".

Tôi vô thức đọc nó ra. Chuyện tiếp theo tôi biết là mình bị nhấn chìm trong một thế giới đầy những vòng tròn...

Không biết đã bất tỉnh bao lâu, tôi mơ màng mở mắt. Vẫn là bầu trời xanh lúc nãy nhưng hình như nó vô cùng rộng lớn. Chẳng có căn nhà lầu nào che khuất, bầu trời đạt tới cực độ của tính từ "mênh mông". Tôi chớp chớp mắt một lúc rồi cố gắng ngồi dậy. Trước mặt là con sông xanh biếc, cỏ non mơn mởn đôi bờ.

Phóng tầm mắt ra xa là núi non trùng điệp. Cảnh này chỉ có thể thấy ở các công viên sinh thái quốc gia. Tôi còn chưa hết kinh ngạc thì lại nhìn thấy bộ trang phục kì quặc, ướt nhẹp đang dính vào người. Một cái áo dài tay, ống tay rất rộng, phủ xuống đến chân màu xanh sẫm. Bên trong còn có lớp áo lụa xám, trong nữa là lớp áo yếm nâu. Chân trái còn duy một chiếc giày rơm. A ha! Là giày rơm! Cái mà hãng dép Bitis từng nhắc tới trong mục quảng cáo. Tôi mở to mắt kéo chiếc giày ra khỏi chân, nhìn cho kĩ.

Chuyện gì thế này?

Chắc tôi chưa tỉnh đâu, đang nằm mơ đây mà!

Trạng thái của tôi bây giờ trông giống như vừa bơi từ dòng sông lên. Một chút cỏ rác bẩn còn dính trên váy áo. Khi tôi đang loay hoay xem xét chính mình thì có tiếng chân sột soạt sau lưng. Tôi ngẩng đầu nhìn. Đó là một cô gái trẻ chỉ chừng mười mấy tuổi, tóc đen dài cột lỏng lẻo một bên vai. Chị mặc cùng loại quần áo như tôi, chỉ là màu xanh sáng hơn chút ít. Tôi vô cùng kinh ngạc quan sát khuôn mặt rất triển vọng làm hoa hậu Việt Nam. Người đẹp tôi thấy không ít, Kim Tae Hee nè, Seohyun nè, Hồ ly Shin Min Ah nè, Triệu Vy, Lâm Tâm Như rồi cả Lưu Diệc Phi, Hollywood còn có Kristen Stewart, Katie Holmes, v.v.... Nhưng mà cô gái đứng trước mặt tôi đây thì lại đẹp dịu dàng và giản dị vô cùng, không có son phấn, không mascara, ấy thế mà vẫn lồ lộ một nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. May mắn tôi không phải con trai, nếu không cả đời này sẽ chẳng còn yêu ai nổi.

-Kiều Nga! Muội có sao không?

Chị ấy vừa hoảng sợ, vừa lo lắng ngồi xuống. Tay bóp nắn kiểm tra thân thể tôi.

Ý mà khoan đã, chị ấy không nói tiếng Việt nhưng tôi vẫn nghe hiểu. Cái thứ ngôn ngữ na ná trong phim Tàu, nhưng mang âm điệu Việt, cũng hơi giống Hán Việt (*). Tôi còn đang ngu ngơ chưa hiểu mô tê gì thì chị lại rút vội một chiếc khăn tay từ trong vạt áo ra.

-Thôi chết! Mạng che mặt của muội rơi xuống nước rồi sao? Dùng cái này tạm đi.

Chị xếp khăn hình tam giác rồi bịt lại như cái khẩu trang, cẩn thận cột sau đầu.

-Ơ... chị gì ơiiii!

Tôi cố gắng nói vài chữ, âm thanh thoát ra cũng vẫn là tiếng Hoa. Tôi giật mình đưa tay bưng miệng. Má ơi, mình chỉ có một ngoại ngữ là Anh văn thôi, đã học tiếng Trung bao giờ chứ??? Chị gái lại nhìn tôi, cặp mắt phượng ánh lên tia lo âu.

-Muội bảo sao? Muội làm tỉ sợ quá, tại sao lại rơi xuống nước vậy? Tỉ muội mình lập tức về nhà, lén vào cửa sau thay đồ sạch sẽ không thì kế mẫu sẽ trách phạt.

Chị vừa nói vừa kéo tôi dậy. Tôi ngây ngô làm theo.

Giấc mơ này lạ lùng làm sao. Mọi chuyện cứ sống động như thật.

Chỉ còn một chiếc giày rơm ướt sũng, tôi giẫm lên đất đá đi theo chị gái xinh đẹp.

-Chết rồi, muội bị mất cả giày à?

Chị ấy cuống quít lên rồi lập tức tháo giày của mình đưa cho tôi.

-Mang vào nhanh đi!

Tôi nhìn cái giày lưỡng lự:

-Hay để tỉ tỉ cõng muội về?

Tôi quyết định nhận lấy ý tốt của chị gái xinh đẹp, loay hoay một lát mới mang được đôi giày rơm lạ lùng. Thế rồi tôi cùng chị gái xinh đẹp lội bộ qua một đồng lúa, băng qua mấy rặng tre, cuối cùng dừng lại sau ngôi nhà mái ngói cũ kỹ.

Chị kéo tay tôi, bẽn lẽn mở cửa đi vào. Bên trong hình như là nhà bếp. Tôi trông thấy cái lò củi đầy tro, lu nước mẻ một góc và nồi niêu đen sì treo trên vách. Chị dẫn tôi đi qua tấm phên nứa, vào một buồng kín. Trong khi tôi ngơ ngác nhìn ngó xung quanh thì chị đi tới bên giường tre, mở cái bọc vải màu trắng, lấy ra một mớ vải vóc.

-Nhanh lên, thay ra đi. Coi chừng kế mẫu đi vào!

Tôi nhận lấy đồ, tò mò nhìn trước ngó sau. Phải mặc thế nào nhỉ? Chị nhíu mày nhìn bộ mặt ngáo ộp của tôi rồi đành nhào vô, cởi áo giúp tôi. Tháo hết hai lớp áo ngoài thì còn lại cái đầm cột thắt lưng và áo yếm. Loại áo này tôi nhớ đã từng mặc múa bài Trống Cơm trong Liên hoan thiếu nhi ngày 1/6 năm lớp 3. Thật khó tin là mình lại mặc nó lần nữa. Với sự giúp đỡ của chị gái xinh đẹp, tôi đã mặc xong bộ đồ mới. Chị thu dọn váy áo bẩn, bối rối nhìn quanh rồi quyết định nhét vào cái khạp [1] dưới giường, đậy nắp cẩn thận như không muốn ai phát hiện ra. Lúc này vẻ mặt chị mới giãn ra.

-May quá, hình như kế mẫu chưa về.

Chị vừa dứt lời thì bên ngoài văng vẳng tiếng gọi

-Vân Nga! Kiều Nga! Hai đứa bây ra đây!

Ai đó đang gọi tên tôi. Tôi ngạc nhiên quay đầu nhìn chị gái xinh đẹp. Chị cắn cắn môi dưới rồi kéo tay tôi ra ngoài theo đường cũ. Nhà trước có lẽ là phòng khách, bày một bộ đi văng [2] bằng gỗ, bốn chân chạm trỗ hình chân hổ. Ở giữa còn có bàn ghế đều bằng gỗ và một bàn thờ đồ sộ nghi ngút hương khói. Tôi có cảm tưởng mình đang ở nhà của bá hộ trong truyện cổ tích.

Người phụ nữ cũng ăn mặc màu tối như chúng tôi, tóc bà bới sau đầu, miệng đang nhỏm nhẻm nhai trầu.

-Bảo bây đi hái hạn liên thảo, hái được nhiều chưa?

-Dạ rồi!

Chị gái xinh đẹp đáp ngay, còn giơ ra một thúng lá cây. Tôi ngó sang, hóa ra "hạn liên thảo" là cây cỏ mực, còn gọi là cỏ nhọ nồi. Người phụ nữ nhìn nhìn rồi liếc sang tôi một cái. Rõ ràng ánh mắt bà tỏ vẻ chán ghét. Cuộc đối thoại chuyển chủ đề bất ngờ.

-Ngày mai ăn mặc đẹp một chút, có đám dạm hỏi này được lắm. Bà mối nói họ sẽ sang coi mắt. Vân Nga, phụ thân con cũng gần đất xa trời rồi. Nên sớm sớm yên bề gia thất cho ông bớt lo.

Tôi há mồm, trợn mắt. Ý bà ấy là tôi sắp lấy chồng à? Đột nhiên chị gái xinh đẹp đáp lại:

-Dạ, kế mẫu!

Nói xong chị còn lễ phép khoanh tay cúi đầu rồi kéo tôi lui vào trong. Lúc này tôi mới hiểu một điều: Chị ấy cũng tên là Vân Nga. Quái lạ, sao giấc mơ này dài thế? Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra.

Xế chiều, người gọi là phụ thân về nhà. Ông là một ông già trung niên, râu tóc màu muối tiêu, lời nói nhỏ nhẹ như văn sĩ. Tôi vẫn đeo mạng che mặt cho tới lúc ăn cơm. Khi tôi đưa tay tháo khăn ra, có tiếng kêu ré lên của kế mẫu

-Trời đánh cái con này! Mày tháo ra làm gì? Trù chết tao à?

Chị gái cùng tên vội vàng cột lại cho tôi. Ánh mắt nhìn tôi ngạc nhiên:

-Muội làm gì vậy?

Tôi kinh ngạc nhìn mọi người. Không cho tháo ra làm sao mà ăn cơm?

Chị gái cùng tên vẫn chu đáo hơn hết. Chị nhìn nhìn tôi rồi bắt đầu thao tác vén khăn lên. Như vậy tôi có thể đút cơm vào cái miệng được chừa ra.

Ngôi nhà này thật quái lạ, tôi không quen và cũng không thích. Trời ơi... sao cứ ngủ hoài chưa dậy vậy nè?

Bữa ăn thiệt là sơ sài. Mỗi người một bát lưng, gạo hạt trắng hạt đen vừa khô vừa nhạt không nghe thấy vị ngọt ngào của tinh bột đâu cả. Trên bàn có một đĩa rau lang, một chén muối hột và vài con cá đen đen không rõ là nướng hay chiên. Tôi chỉ nhấm nháp mấy cọng rau cho qua bữa. Trong lúc ăn, phụ thân nhàn nhạt nói chuyện:

-Đó là con ông Đặng Bằng, tên Đặng Chân. Nhà họ Đặng từng phụng sự cho Ngô Xương Xí nhưng không mang chức trách cao. Gia cảnh cũng ổn, biết chữ nghĩa. Ta thấy mối này tốt. Vân Nga, tuổi cũng không còn nhỏ nên sớm tìm trượng phu!

Chị gái Vân Nga ngẩn đầu nhìn cha, dạ một tiếng như muỗi kêu. Tôi thì thấy cái tên Ngô Xương Xí nghe rất quen.

Xong bữa cơm thì trời cũng nhá nhem tối. Tôi và chị gái xinh đẹp đem bát đĩa đi rữa. Ở đây không có Sunlight, chị dùng nước dưới cái ao sau nhà và lấy bó rơm rạ cháy đen cọ cọ. Tôi chợt nhớ mình vừa ăn bằng cái bát đó khi nãy, một cảm giác nhột nhột từ trong bao tử trỗi dậy. Tôi không biết làm gì, ngơ ngơ ngổi xổm nhìn chị cọ rữa.

-Kiều Nga, lúc nãy rơi xuống nước có phải muội đã bị thương không? _ Chị gái xinh đẹp đột nhiên hỏi.

-Dạ không ạ!

Chị liếc sang tôi một cái, ánh mắt sắc sảo.

-Muội lạ lắm, chắc chắn là bị thương rồi.

Tôi nhíu mày suy nghĩ. Cảm giác bây giờ rất lạ. Tôi không nghĩ mình đang nằm mơ vì trước giờ tôi đâu có khả năng tưởng tượng ra những khung cảnh sống động như thế. Vả lại, khi nằm mơ làm sao biết mình đang mơ và còn trông mong sớm tỉnh giấc? Tôi suy nghĩ chầm chậm, nếu thực sự chỉ là giấc mơ thì phải thử khám phá xem sao.

-Chị... à tỉ tỉ, lúc nãy muội bị va vào đầu, hình như đã quên rất nhiều chuyện...

Được rồi, cái lý do củ chuối như vậy mà tôi cũng nói ra, chứng tỏ tôi không có tài năng biên kịch và diễn xuất. Khác với tưởng tượng của tôi, vị "tỉ tỉ" không tỏ ra kinh ngạc hay lo lắng gì. Chị cười buồn.

-Biết ngay mà! Đã 3 tháng rồi bệnh của muội không tái phát, bây giờ tái phát cũng phải. Tỉ đã sớm biết ông lang băm đó chẳng tài cán gì. Chỉ có kế mẫu là tin tưởng vô lý.

Tôi nghe chị nói, phân tích rồi lại hỏi:

-Bệnh của em... của muội nặng lắm à?

Lúc này chị đã xếp bát đĩa vào thúng nứa, chùi tay vào váy một cách bối rối rồi đột nhiên ôm lấy tôi.

-Kiều Nga, tỉ không muốn lấy chồng, tỉ muốn chăm sóc cho muội cả đời. Chúng ta là tỉ muội song sinh, tâm linh nối liền như khúc ruột. Trước lúc lâm chung, mẫu thân đã hết lời dặn dò tỉ tỉ chăm lo cho muội. Khi mới sinh, muội đã yếu ớt, mẫu thân rước đạo sĩ về cúng ma. Ông ta nói kiếp này của muội ngắn ngủi, khi chỉ tay đứt thì mệnh cũng hết. Muội bệnh tật liên miên, lúc nào cũng xanh xao vàng vọt, lại còn chứng mất trí ngày một nặng hơn. Đạo sĩ bảo mẫu thân không để lộ khuôn mặt của muội cho người khác thấy vì sẽ đem tà khí ám hại đến họ. Nhưng mà tỉ tỉ không tin. Muội ở bên cạnh tỉ 16 năm nay, có bao giờ làm hại sinh linh nào đâu?

Tiếng nói trong trẻo dần nức nở, ngắt quãng. Tôi thấy tim mình se lại. Thực ra tôi cũng có một người chị ruột. Khi được 3 tuổi thì chị bị viêm não cấp tính, chỉ 8 tháng đã qua đời. Bố mẹ tôi rất đau buồn, cho tới khi sinh tôi ra mới được an ủi phần nào. Nếu chị tôi còn sống, chắc chắn hai chị em tôi sẽ rất yêu thương nhau...

Trở lại tình hình hiện tại, Vân Nga tỉ tỉ vẫn khóc thổn thức, luôn miệng nói "tỉ không muốn xuất giá, tỉ không muốn lấy trượng phu".

Đêm xuống nhanh, ngôi nhà lập lòe ánh đèn dầu. Trong góc bếp tăm tối, tôi và Vân Nga tỉ ngồi co ro. Chị dằm cỏ mực vắt lấy nước, bảo rằng hạn liên thảo dùng trị bệnh tiêu ra máu cho phụ thân. Tôi vụng về bắt chước làm theo. Vừa làm chị vừa nói chuyện cho tôi nghe, bù đắp những lỗ hổng trong trí nhớ của tôi, đúng hơn là giải đáp những nghi vấn của tôi. Chị nói rất tự nhiên cứ như đã từng kể nhiều lần trước đây. Qua lời kể, tôi đúc kết ngắn gọn như sau:

Chị là Dương Vân Nga , tôi là Dương Kiều Nga (楊矯娥) , chúng tôi là chị em sinh đôi. Phụ thân tên Dương Thế Hiển, thời trẻ là một văn sĩ có tài, từng quen biết Thứ sử Hoan châu [3] Đinh Công Trứ . Mẫu thân đã mất từ khi hai chị em lên 10. Vài năm sau phụ thân cưới vợ mới là kế mẫu bây giờ. Người xưa vẫn nói: "Mấy đời bánh đúc có xương? Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng?" Nhiều năm nay, hai chị em vẫn chịu đựng sự ghẻ lạnh của kế mẫu. Bà ghét nhất là Kiều Nga vì bộ dạng bệnh hoạn của cô. Vân Nga hết lòng bao bọc em gái, thường ra giải vây hay gánh chịu thay sự trừng phạt từ người mẹ ghẻ.

Nơi hiện tại tôi đang ở là vùng Nga My [4], cách kinh đô Hoa Lư hơn 20 dặm. Năm nay là năm Mậu Thìn, Đại Thắng Minh Hoàng đế trị vì năm thứ nhất, lấy quốc hiệu Đại Cồ Việt

Moi móc từ trong não ra một chút kiến thức lịch sử, tôi phát hiện cái vị "Đại Thắng Minh Hoàng đế" kia không ai xa lạ chính là Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh

Tôi vừa chăm chú nghe, vừa ngẫm nghĩ. Càng nghe càng hoảng.

Cái gì năm Mậu Thìn?

Cái gì Đinh Tiên Hoàng?

Cái gì Đại Cồ Việt?

Chị ấy là Dương Vân Nga.

Chẳng lẽ là bà Thái hậu trong tuồng cải lương nội hay xem sao???

Tôi toát cả mồ hôi, căng não ra suy xét. Không thể là mơ được. Mơ đâu có sống động, rõ ràng như thế. Hình như mới vừa rồi tôi còn đang ở nhà, ở thành phố phồn hoa thế kỉ 21 tươi đẹp. Tôi đã bị làm sao nhỉ? Từ từ... nhớ lại xem nào... Ah, tôi đã chạy xuống nhà sau để nhặt hộ bà cuốn sách cũ. Sau đó thì...

Một tiếng vang lớn dội ra trong đầu tôi. Từ nãy giờ tôi luôn cho rằng mình nằm mơ nên cũng không thiết nghĩ ngợi, cứ xem như một mẫu chuyện ngớ ngẩn nào đó mà bộ não thần kì của tôi sản sinh ra trong lúc ngủ. Nhưng tới bây giờ thì tôi thấy mình đang hiện hữu, cơ thể ý thức được sự tồn tại và thế giới quanh tôi không hề là ảo ảnh.

Kết luận ngắn gọn là: Tôi đã xuyên không rồi, cái kiểu "bay" giống như trong ngôn tình đang thịnh hành trên Internet.

Sao có thể?

Sao lại là tôi?

Lẽ nào là một đi không trở lại???

Huhuhuhu....

(*) Vào thế kỉ 10, cộng đồng người Việt sử dụng ngôn ngữ Việt-Mường trong giao tiếp hàng ngày và tiếng Hán trong việc quản lý hành chính. Nói nôm na là "ngôn ngữ dân gian" và "ngôn ngữ bác học". Đây cũng là thời kì hình thành bộ phận từ Hán-Việt. Để dễ hiểu và giảm bớt rắc rối trong quá trình viết, Hoa Ban xin sử dụng từ Hán Việt trong giao tiếp, cách xưng hô. Nhưng các bạn đọc phải nhớ là thế kỉ 10 này chúng ta đã có ngôn ngữ riêng, là tiếng Việt-Mường, một ngôn ngữ tổ tiên của tiếng Nôm, tiếng Việt hiện đại sau này.

—————————————-***—————————————–

[1] cái khạp: vật bằng gốm, hình dáng như cái chum nhỏ

[2] đi văng: bộ sàn cao bằng gỗ, thường thấy ở các gia đình Việt Nam thời xưa, là nơi dùng nghỉ ngơi, có thể dùng đàm đạo, uống trà...

[3] Hoan châu: tức là châu tên Hoan, một đơn vị hành chính thông dụng thời phong kiến, Hoan châu là Nghệ An ngày nay

[4] Nga My: nay là xã Nha Thủy, Nho Quan, Ninh Bình

—————— ♫ ——————-

-Nhân vật Dương Kiều Nga, Đặng Bằng, Đặng Chân không có thật

-Xuất thân của Dương Vân Nga kể trên là một trong nhiều giả thiết được lịch sử ghi chép. Bà có thể là con của Dương Thế Hiển. Gỉa thiết khác, bà là con của Bình vương Dương Tam Kha , hoặc con của Dương Nhị Kha (tức đều là cháu của Dương Đình Nghệ ()-cha vợ Ngô Quyền). Còn có tài liệu cho rằng bà là mẹ của quân sứ Ngô Nhật Khánh, tức là vợ của Nam Tấn Vương Ngô Văn Xương, cũng là con dâu của Ngô Quyền (giả thiết này có nhiều lỗ hổng nên bị phủ nhận nhiều nhất). Tóm lại, thân thế của Dương Vân Nga đến nay vẫn còn là nghi vấn của các nhà sử học.

-Ngoài ra tất cả năm tháng, địa danh, nhân danh đều có dựa trên ghi chép của Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ cùng các nhà chép sử đương thời.


Chương 4: Tình yêu dành cho Đinh Tiên Hoàng

Khi mở mắt thức dậy, tôi trông thấy ánh sáng buổi sớm mờ mờ. Nóc nhà lợp ngói đỏ, những thanh gỗ ngang dọc, mạng nhện giăng mắc vài nơi. Bên tai có tiếng chim hót líu lo, có giọng hát du dương của ai đó...

"... Này thì rừng thở nguyệt xanhLụa là thêu dệt trải quanh chân trờiSấu lên bãi cạn nằm dàiHổ leo đồi nọ, trăn choài đồi kiaÐêm thâu trăng gác ngoài hèRồng vàng ngũ sắc, mây che giữa trời..." [1]

Đêm qua tôi đã trằn trọc rất lâu. Cuối cùng thì thiếp đi trong làn nước mắt. Tôi phải thừa nhận sự thật mình đã quay về thế kỉ thứ X. Ở nơi xa lạ này, tôi mang thân phận Dương Kiều Nga. Nếu đúng như tôi suy đoán thì người chị song sinh của tôi tương lai chính là Dương hậu hiển hách. Hiện tại tôi mang hình hài của thiếu nữ 16 và sắp đối mặt với rất nhiều biến cố của xã hội thời nhà Đinh.

Nước mưa trong lu có vị ngọt mát dễ chịu. Thứ nước này ở thời đại của tôi chỉ chứa toàn axit. Vân Nga tỉ đang phơi quần áo, miệng khe khẽ hát. Giọng hát của chị hay quá nhưng mà sao buồn quá.

-Muội dậy rồi? Đêm qua không ngủ được, sáng nay cứ nằm thêm tí nữa...

Chị ấy quả thật thương tôi nhất. Con gái ngày xưa mà ngủ nướng thì bị gọi "không ngoan". Có vẻ Vân Nga tỉ đã dung túng cho em gái quá nhiều. Tôi cũng cầm lấy quần áo, bắt chước chị vắt lên thanh sào.

-Phụ thân nói trưa nay họ sẽ đến. Tỉ chưa gặp Đặng Chân, nhưng nghe bá bá nhà bên nói y là người đầy đặn, mặt mày xem cũng được... chỉ là... có thói trăng hoa. Bá bá kể y hay đi trêu ghẹo gái làng bên. Hình như có lần trông thấy tỉ nên mới để mắt tới... Muội nghĩ người như vậy có phải phu quân tốt hay không?

Tôi nhìn phong cảnh đồi núi, ruộng đồng bao la. Thấp thoáng có mấy đứa trẻ cạo đầu ba vá, thân đóng khố, người để trần, đang hỳ hục kéo trâu ra đồng ăn cỏ. Thì ra nước mình ngày xưa là như thế. Thời đại của tôi làm gì có cơ hội nhìn ngắm khung cảnh thế này.

Dù là đang ngắm cảnh nhưng tôi vẫn nghe tỉ tỉ nói.

-Muội thấy, chuyện này không thành đâu. Tỉ tỉ sau này sẽ lấy một đại nhân vật!

Lời tôi nói hoàn toàn đúng, tôi đã biết hết về tương lai của chị rồi. Vân Nga tỉ ngừng động tác, quay sang nhìn tôi. Hai gò má trắng hồng đỏ ửng lên. Chị thẹn thùng nói lắp:

-Thì ra muội còn nhớ. Muội đừng trêu tỉ tỉ. Đó chỉ là ảo mộng viễn vong thôi.

-Ảo mộng gì ạ?

Vân Nga phơi chiếc khăn tay thêu hoa cuối cùng lên rồi thở dài thườn thượt

-Đó chỉ là sự ái mộ. Đời nào Hoàng đế lại để ý tới thôn nữ quê mùa dốt nát như tỉ. Năm đó tình cờ trông thấy người cưỡi ngựa chiến, đem tướng lĩnh hành quân về Hoa Lư, tỉ mới nảy sinh chút rung động. Ngày đó Hoàng thượng rất oai phong lẫm liệt, toàn thân chiến bào lộng lẫy. Ánh mắt chúa thượng sáng như sao, khuôn trang kiên nghị. Một mình chúa thượng đem binh dẹp loạn 12 sứ quân. Đến Cổ Loa dụ hàng Ngô Nhật Khánh (), Ngô Xương Xí (). Phạm Bạch Hổ () cũng theo đó quy phục. Bao vây chiếm thành lũy của Đỗ Cảnh Thạc (). Đánh tan quân sứ Nguyễn Siêu (). Kiều Công Hãn () bỏ chạy mất mạng. Nguyễn Thủ Tiệp () sức yếu sớm tàn. Theo sau cả quân sứ Lý Khuê (), Lã Đường (), Nguyễn Khoan () đều chiến bại. Muội xem, chúa thượng cường uy như thế, 12 sứ quân đã hợp thành một. Đại Cồ Việt nay thờ một vua. Ngày trước Dương Đình Nghệ () làm Tiết độ sứ, đến Ngô Quyền chỉ tự xưng vương. Đại Thắng Minh Hoàng đế là người bản lĩnh không e dè nhà Hán, bàn tay chống cả đất trời lên làm Hoàng Đế. [2] Người như vậy ai mà không yêu, không ái mộ? Khi ngài chinh chiến liên miên, mỗi ngày tỉ đều lén nghe các bô lão tán chuyện chính sự, thầm cầu nguyện cho chúa thượng bình an, tất chiến tất thắng. Nay người đã là hoàng đế, tỉ thấy rất mãn nguyện...

Tôi mở to mắt nghe Vân Nga bày tỏ. Thì ra Hoàng hậu yêu nhà vua như vậy đó. Từ sự ái mộ chiến công của ngài mà nên nghĩa vợ chồng. Tỉ tỉ theo dõi sát sao chuyện binh biến. Tuy tôi không biết nhiều về sử học nhưng nghe qua cũng có thể hình dung. Như vậy thời này chính là một năm sau sự kiện "Loạn 12 sứ quân". Đại Thắng Minh Hoàng đế này là Đinh Bộ Lĩnh, con người được biết tới với cái tích "Cầm cờ lau đánh giặc". Ở nhà tôi có quyển truyện tranh tựa đề "Cờ lau Vạn Thắng Vương" kể chuyện nhà vua khi nhỏ thích chơi đánh trận giả với trẻ con trong làng. Mỗi ngày chăn trâu đều bày trận đánh nhau. Khi lớn lên người thân chinh dẹp loạn, thống nhất giang sơn. Thật không ngờ tôi lại có ngày sống trong cùng thời đại với Đinh Bộ Lĩnh!

Nhìn vẻ mặt say sưa mê đắm của Vân Nga, tôi hiểu ra người chị ấy yêu là Đinh Bộ Lĩnh chứ không phải Lê Hoàn (). Vì biết trước vận mệnh nên tôi thấy đau lòng cho chị. Lúc xem cải lương tôi cứ tự thắc mắc rốt cuộc trong hai vị vua, Dương hậu thật lòng yêu ai. Xem ra tương lai chị sẽ chịu nhiều đau khổ.

Người thương chết đi, còn phải đem thân trao cho một ngươi đàn ông khác. Dương hậu tủi nhục bao nhiêu?

Bây giờ tỉ tỉ mới 16 tuổi nhưng khí chất đã phi thường hơn người. Chị ấy đúng là Thái hậu Dương Vân Nga vì nước quên mình. Sử sách và thế hệ tương lai ca ngợi con người này quả nhiên xứng đáng!

[1] trích Hoàn Vương ca thích
[2] trong tiếng Hán, "vương" và "đế" có nghĩa khác nhau. Đế là vua một nước lớn có quyền tự chủ. Vương là vua một nước chư hầu

——————- ♫ ——————–

là một tập thơ nhiều tác giả, ra đời sau khi Lê Đại Hành lên ngôi. Như vậy, việc sử dụng bài thơ trong Hoàn Vương ca tích là sai lệch niên đại. Tác phẩm mang chất hư cấu nên Hoa Ban chấp nhận một số chi tiết trái sự thật. Đoạn trích trên là bài thơ mô tả vùng đất Hoa Lư thời huy hoàng của thế kỉ 10.

Chương 5: Tiểu muội cứu nguy cho đại tỉ

Dương Vân Nga là cô gái đẹp. Tôi xin mô tả nét đẹp của nàng như sau: Nếu trong Truyện Kiều, nàng sẽ là Thúy Vân. Nếu trong Thần thoại Hy Lạp, nàng là nữ thần Athena [1]. Nếu trong Harry Potter, nàng là Hermione. Nếu trong hoạt hình Disney, nàng là Công chúa hạt đậu.

Tóm lại, Dương Vân Nga mang nét đẹp dịu dàng như nước. Không quá mặn mà sắc sảo nhưng ôn hòa đáng yêu. Đường nét không hoành tráng nổi bật nhưng hài hòa hiếm có. Mái tóc nàng đen mềm như con suối giữa đêm. Đôi môi đỏ hồng làm người ta muốn cắn một cái. Sóng mắt tươi tắn và ngập tràn ý xuân. Chân mày uốn lượn như rồng bay phượng múa.

Tôi đang tả chị gái của mình, cũng chính là tả bản thân. Vì chị em tôi giống nhau như hai giọt nước. Khuôn mặt này khiến tôi vừa mừng vừa lo mỗi khi soi mình xuống mặt ao. Bộ dạng tôi ngày trước cũng tạm được nhưng chẳng có gì là xuất sắc. Tôi bây giờ có lẽ sẽ khiến chúng bạn trong lớp đau tim. Nếu tôi mang bộ dạng này về thời đại của mình, tôi sẽ lập tức đăng ký thi Hoa hậu. Không đoạt chức Hoa hậu thì chắc chắn là Á hậu 1. (tự tin =))

Nhưng mà đẹp đẽ cỡ nào cũng phải suốt ngày bịt mặt. Lâu rồi chẳng ai còn nhớ tôi cũng đẹp như tỉ tỉ của mình. Người trong làng thường khen ngợi Vân Nga mà không nhắc gì tới Kiều Nga. Thôi được, tôi không ghen tị, tôi chỉ may mắn hưởng một tí nhan sắc từ tỉ tỉ mà thôi. Lịch sử cũng đâu có nhắc ai tên là Dương Kiều Nga, chứng tỏ tôi không làm nên công trạng gì ở cái xứ này. Chỉ có tỉ tỉ là đại nhân vật lừng lẫy non sông thôi. Tôi chỉ việc an phận đi theo tỉ ấy, có lẽ sẽ được nhìn thấy Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, ở trong cung điện nguy nga và ăn sơn hào hải vị.

Ái chà, cuộc sống như vậy đúng là mơ!

Nghe có vẻ tôi đang vui mừng vì cuộc sống mới nhưng thật ra tôi đang ủ dột đau buồn đây! Hai tháng rồi, không biết cha mẹ có nhớ tôi không? Họ sẽ đi báo cảnh sát và cái mặt mốc của tôi sẽ xuất hiện trên trang đầu mỗi tờ báo, từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật tới báo Phụ Nữ, Tiếp Thị và Gia Đình, không chừng có cả Mực Tím và Hoa Học Trò... Ây da, tôi đang rất nổi tiếng nha!

Cả ngày đi theo Vân Nga tỉ, làm vườn, cắt cỏ, phơi thuốc, nấu cơm... mọi chuyện tôi phải học làm quen. Dưới cái nắng gây gắt, tôi nhớ những trưa hè cuộn mình trên giường, máy lạnh chạy mát rượi. Nghe kế mẫu la mắng, tôi nhớ mẹ mình hay cằn nhằn chuyện nọ chuyện kia, nhớ dáng mẹ đeo tạp dề loay hoay trong bếp, nhớ bóng hình ngồi dưới gốc cây chờ đón con tan học về. Phụ thân ít khi nói chuyện, mà mỗi lần mở miệng đều là dạy chị em tôi đạo làm vợ, làm mẹ. Ông có nét mặt hiền từ giống cha tôi. Khi ông cặm cụi viết chữ, tôi nhớ cha mình ngồi ở sân nhà chăm chú đánh cờ với các bác. Tôi nhớ cặp mắt đen híp híp sau tròng kính, nhớ khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khi cha ôm con gấu bông về nhà trong sinh nhật 17 của tôi.

Tất cả chỉ có nỗi nhớ nhà da diết.

Tôi bắt đầu nghĩ ngợi tìm cách trở về. Mặc kệ thời buổi loạn lạc như thế nào, tôi đâu có hứng thú tìm hiểu lịch sử. Mặc kệ tỉ tỉ sẽ thành Hoàng hậu hay Thái hậu, người nổi tiếng đó đâu phải là tôi. Chẳng qua tôi chỉ là một nhân vật dư thừa, không đáng để Ngô Sĩ Liên chép vào sử sách. Nếu đã thế, vì sao ông trời lại kéo tôi đến đây?

Mỗi ngày tôi đều tới chỗ bờ sông, nơi mình "đáp xuống" trong chuyến du hành thời gian. Tôi từng nghe các bạn nói về lỗ hổng không gian, một hiện tượng chưa được khoa học chứng minh. Rất có thể tôi xui xẻo đi vào cái lỗ hổng đó, như vậy thì chỉ còn cách tìm nó để đi trở ra.

Tất cả chỉ là những giả thiết được suy luận từ cái đầu củ chuối của tôi. Nhưng dần dần tôi đã nhận ra mình là một thành phần trong câu chuyện này.

Lịch sử mà tôi được học đã xảy ra trước khi tôi đến đây hay là vì tôi đến đây nên nó như thế?

Tôi chỉ biết rằng mọi chuyện vẫn có kết quả như những gì sách viết, tỉ tỉ vẫn làm Hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, các sự kiện vẫn xảy ra đúng thứ tự nhưng nguyên nhân và quá trình thì không như dự đoán của tôi chút nào.

Đầu tiên là vụ xem mắt của cha con nhà họ Đặng.

Ngày hôm đó, họ đem theo 9 xấp lụa thượng hạng, 9 quan tiền, 9 con trâu tốt, để làm lễ vật. Vân Nga tỉ mặc đẹp hơn ngày thường, áo màu lam tươi, giày thêu hoa, đeo một cái kiềng bạc. Mái tóc dài xõa ra, tết một đường chéo công phu trên đầu. Chị bảo mình không muốn lấy phu quân nhưng vẫn ăn mặc tươm tất để phụ thân nở mày nở mặt.

Trong lúc người lớn nói chuyện, ánh mắt của Đặng Chân liếc nhìn tỉ tỉ một cách thèm thuồng. Bộ dạng của y không giống như bá bá nhà bên miêu tả chút nào. Người mập mạp, bụng phệ, mắt một mí ti hí. Khuôn mặt tròn bè nhìn ngu ngốc và háo sắc.

Cái gì? Loại người như vậy mà dám hỏi cưới Vân Nga tỉ tỉ sao?

Tôi hơi bực nhưng cũng không lo vì chắc chắn chuyện này sẽ chẳng thành. Chị ấy cuối cùng sẽ làm vợ hoàng đế!

Thế nhưng từ đầu đến cuối vẫn thuận buồm xuôi gió. Tới lúc người lớn bàn đến ngày tháng tổ chức rước dâu, mắt chị tôi đỏ hoe, tôi mới bắt đầu sốt ruột. Sao lại như vậy? Nói chuyện cả một canh giờ, sau đó Đặng lão gia đứng dậy cáo từ ra về. Hai ông bố tay bắt mặt mừng, xem như chuyện tốt đã bàn xong. Tên Đặng Chân còn cả gan gọi Dương Thế Hiển là "nhạc phụ". Nhìn dáng họ chuẩn đi ra cửa tôi mới tá hỏa nhận ra mọi chuyện không đúng tí nào. Lễ vật nếu đã nhận rồi thì không thể trả lại. Phụ thân đã hứa gả thì chắc chắn tỉ tỉ sẽ thành con dâu nhà họ Đặng. Vào lúc sự tình rối ren như thế, tôi đột nhiên nảy ra ý tưởng: phải ngăn chặn hôn sự này.

Tôi vô thức rời vị trí nép sau cánh cửa, đi thẳng tới trước, chặn đứng hai cha con Đặng Bằng, Đặng Chân.

-Chuyện này không được!

Mọi người nhìn tôi kinh ngạc. Phụ thân giận tím mặt liền quát

-Kiều Nga, đi vào nhà sau ngay! Chuyện người lớn trẻ con biết gì má nói!

-Nhưng tỉ tỉ không ưng! Tỉ tỉ và công tử đây không xứng!

Phụ thân đập mạnh tay xuống bàn

-Hỗn láo! Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy. Xứng hay không phụ mẫu tự quyết, trẻ dại không biết điều lập tức lui xuống!

-Nhưng...

Tôi chưa kịp cãi thì tỉ tỉ đã chạy tới kéo tôi ra.

– Muội muội... đi ra sau kẻo phụ thân trách phạt!

Lúc này thật là nguy nan. Cha con nhà họ mà bước ra khỏi cửa thì mọi chuyện hỏng bét. Tôi bí đường liền chọn cách làm liều. Tôi vùng khỏi tay chị, nhảy ra trước mặt ông Đặng, trợn trừng hai mắt, giả giọng quỷ quyệt:

-Tên họ Đặng nghe đây! Tỉ tỉ nhà tôi được phượng hoàng bảo hộ. Muốn cưới gả chỉ có thiên long, hạng cóc nhái nhà người dám ăn thịt thiên nga thì trời đánh! Cưới về rồi tan gia bại sản, tận tiệt dòng dõi!

Lời tôi nói quả nhiên làm mọi người đứng hình. Ngày xưa người ta rất tin quỷ thần, một lời nói bóng gió cũng khiến họ nghĩ là lời nguyền. Nay tôi nói rõ ràng như vậy, chị Vân Nga là phượng hoàng tức sẽ làm Hoàng Hậu. Gả cho thiên long chỉ có thể là Hoàng đế.

Thử hỏi nhà họ làm sao dám rước con dâu này về?

Kết quả của vụ việc là cha con nhà kia vội vàng ôm sính lễ chạy mất dép, phụ thân nộ khí xung thiên kéo tôi ra đánh mấy chục roi, tỉ tỉ vừa khóc vừa van xin, còn đỡ giúp mấy đòn đau buốt, kế mẫu ở bên thêm dầu vào lửa, nào là "đứa con trời đánh", nào là "đứa con quỷ ám", nào là "gái ế chồng, gái sát chồng". Cả nhà ngày hôm đó rất tưng bừng. Tôi bị đòn đau nhưng chẳng thể báo công an hay liên lạc với Hội phụ nữ.

Tối đó, Vân Nga tỉ luộc trứng gà lăn vết bầm cho tôi, chị trách tôi quá tùy hứng, ăn nói thiếu suy nghĩ nhưng trong ánh mắt, tôi nhận ra sự cảm ơn và vui mừng của chị.

Kể từ đó không ai đề cập tới chuyện cưới hỏi với chị em nhà tôi nữa.

[1] Athena: con gái thần Zeus, nữ thần trí tuệ


Chương 6: Hai năm dài sống yên ổn

Từ sau vụ xem mắt thất bại đó, tôi luôn tự hỏi về vai trò của mình trong cuộc đời tỉ tỉ. Nếu không có tôi thì chị ấy đã đi lấy chồng, làm sao đợi đến ngày cùng Hoàng đế gặp gỡ? Nếu không là tôi thì cô em song sinh trước kia chắc chắn không có dũng khí làm như vậy.

Nhưng có lẽ, sẽ xuất hiện một yếu tố khác nào đó. Tóm lại là có tôi hay không, thì chắc chắn tỉ tỉ cũng không gả vào nhà họ Đặng. Có thể là phụ thân một trong hai nhà đột nhiên qua đời, con cái phải chịu tang 3 năm. Hoặc là chú rể ăn cá mắc xương chết tức tưởi, chưa kịp lấy vợ. Có khi do chính Vân Nga tỉ đổi ý, quyết tâm không chịu gả.

Hài lòng với những giả thiết của mình, tôi nhanh chóng quên đi chuyện đã qua, cứ sống bên cạnh Vân Nga chờ ngày nàng gặp được Đinh Tiên Hoàng. Trong đầu tôi vẽ ra một cuộc hội ngộ như trong cổ tích.

"Ngựa ngang qua chốn cầu mây
Đột nhiên Tấm bị rơi giày một bên
Nàng vội xuống ngựa mò liền
Tìm mãi không thấy Tấm bèn đi luôn
Mất một giày ngỡ chuyện buồn
Ai ngờ trong đó lại luồn điềm vui
Voi của vua chẳng ai xui
Ngang qua chỗ lội giật lùi chẳng đi
Lại còn gầm lên ầm ì
Vua sai lính xuống mò thì được ngay
Văn hài xinh xẻo chiếc giày
Vua cầm ngắm nghía trên tay chẳng rời
Rồi vua truyền lệnh một lời
Hễ trong đám hội có người quần thoa
Nghĩa là con gái, đàn bà
Đi vừa giày quý sẽ là vợ vua"

Không thì là kiểu như phim Hoàn Châu công chúa, nhà vua đi săn bắn không may cung tên đâm trúng một thôn nữ. Vua thấy nàng xinh đẹp như tiên liền rước về cung.

Ôm một đống tưởng tượng viễn vong tôi ngày càng hồi hộp chờ mong tin tốt. Năm nay chị 16, tuổi này thời xưa là đã trưởng thành. Chỉ không biết năm Dương Văn Nga làm Hoàng hậu là bao nhiêu tuổi. Có lẽ còn phải chờ 1-2 năm gì đó...

Thời gian nhanh như thoi đưa.

Chưa gì lại hết một kỳ xuân hạ thu đông. Tôi lại lần nữa vào tuổi 17.

Sáng dậy từ tờ mờ ăn vội chén cháo hành rồi ra vườn chăm rau. Nhà có đất nhưng không làm ruộng mà chuyên trồng rau xanh, từ rau muống, rau thơm, quế hương, đến rau ngỗ, giá đỗ, nấm các loại, còn có cả những thửa toàn cây thuốc nam. Hai chị em sớm chiều cứ lập đi lập lại vài việc: xới đất, gieo hạt, tưới nước, bón phân, bắt sâu, thu hoạch. May một điều là rau thường tươi tốt, ít khi nào dịch bệnh hay thất thu như trồng lúa. Mỗi lần hái là được cả xe bò đủ loại rau củ. Kế mẫu mỗi tuần đều chở rau lên kinh đô, bán cho các sạp ở chợ. Thỉnh thoảng cũng có đợt quan phủ ở Nga My cho thu mua số lượng lớn ở nhiều hộ gia đình, nghe nói là chở thẳng vào cung phục vụ yến tiệc gì đó. Phụ thân cũng tham gia việc làm vườn nhưng chủ yếu vẫn làm thầy đồ và hành nghề đại phu. Trong làng cũng có vài người giỏi chữ nhưng phụ thân là thông tuệ hơn cả. Ông có thể làm thơ, sáng tác câu đối và có lượng từ vựng dồi dào. Dân chúng đa số theo nghiệp nghề nông nên chuyện chữ nghĩa cũng không chú trọng, chỉ có số ít các gia đình phú hộ, nho sĩ là có mong muốn cho con học chữ để thi khoa cử. Tiền kiếm từ nghề đồ cũng không là bao. Về nghề y, ông chỉ biết vừa đủ qua vài cuốn sách thuốc nam phổ biến, chữa được thương hàn, cảm cúm, đau bụng, nhức đầu, ho hen. Nếu bệnh nặng hoặc phức tạp hơn thì ông đành chịu. Cứ như thế, gia đình 4 người làm lụng không dư dả nhiều nhưng thảnh thơi.

Nhiều lúc tôi còn quên mất mình là ai. Khả năng thích nghi của tôi thực quá tốt. Chỉ hơn 1 năm, tôi đã biến thành con người của thế kỉ X, đi đứng, ăn nói, lao động thành thục như bao người khác. Tôi đã biết kéo sợi, biết tính toán thiên văn cơ bản qua các chòm sao, biết tính năm dựa trên hệ can chi [1], thông thạo các đơn vị đo lường và quan trọng là học thuộc hơn 100 chữ Hán.

Mỗi khi giật mình nhớ lại, tôi phải tự nhắc nhở: Mình tên là Trần Thị Vân Nga, đã 18 tuổi, đến từ thế kỉ 21. Mỗi ngày qua đi, tôi luôn nghĩ xem hôm nay phải quay thêm bao nhiêu sợi, trồng thêm cây gì, thu hoạch cây gì, học thêm chữ nào. Nhiều lúc tôi sợ hãi thấy mình đã quên nhiều chuyện của thế giới nơi tôi từng sống. Để hạn chế điều này, tôi luôn dành một canh giờ trước khi ngủ để ôn lại chuyện cũ. Tôi hay hát bằng âm điệu "la lá la" những bài hát nhạc Pop yêu thích. Tỉ tỉ nghe, cứ ngỡ là tôi tự sáng tác ra, nên khen tôi có năng khiếu, còn bắt đầu viết lời cho những giai điệu đó. May là ở đây không có luật sở hữu trí tuệ nếu không tôi sẽ bị kết tội đạo nhạc mất!

Tôi còn có sở thích kể chuyện cho chị nghe. Những bộ phim cổ trang Hàn Quốc, Trung Quốc đều được tôi chế tác lại cho phù hợp rồi hiển nhiên biến thành các thiên tình sử lãng mạn. Tỉ tỉ lại bảo tôi có tài viết truyện thiếu nữ, giàu óc sáng tạo, có thể viết sách bán lấy tiền. Kiến thức từ thế giới hiện đại giúp tôi khôn lõi trong vài việc nhưng cũng đôi lúc đem tới rắc rối. Chẳng hạn như vô tình đọc một bài thơ từng học trong sách giáo khoa của Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hải Thượng lãng ông. Những người mà thời đại này còn chưa được sinh ra. Hậu quả là khiến phụ thân kinh ngạc rồi chuyển sang hoài nghi. Tôi phải giải thích lấp liếm là mình từng nghe từ ai đó. Cũng có lúc tôi để lộ thông tin về tương lai, nhưng may là tôi không giỏi sử, chẳng biết bao nhiêu nên lời nói cũng mơ hồ. Người nghe hoặc không hiểu hoặc cho rằng tôi nói xằng bậy. Những tình huống như vậy khiến tôi phải cẩn thận hơn.

Lâu dần tôi cũng học được cách sống lạc quan. Tôi tự thuyết phục mình rằng nhất định một thời gian nữa sẽ có thể về nhà. Biết đâu ông trời đem tôi về đây là có dụng ý nào đó, khi tôi hoàn thành sứ mệnh thì sẽ quay về như trong bộ phim Hoàng tử phòng gác mái.

Điều thú vị nhất trong cuộc sống này chính là người chị Dương Vân Nga. Được sống bên một nhân vật lịch sử lớn, tôi có điều kiện nghiên cứu tính tình, chờ đợi từng ngày chị trở thành Hoàng hậu. Thỉnh thoảng các lão nho sĩ trong làng lại tụ tập ở nhà chúng tôi. Họ cùng phụ thân uống rượu, ngâm thơ, xem trăng và nói về chuyện chính sự. Qua đó, tôi và tỉ tỉ biết được kinh đô Hoa Lư đã xây xong tường thành nào, tòa tháp nào, cung điện nào. Đinh Tiên Hoàng gần đây có duyệt binh hay không, có tuyển phi hay không, có ban hành luật lệ nào mới. Còn biết cả chuyện con trưởng Đinh Liễn của hoàng đế vừa được phong làm Nam Việt Vương vào tháng năm nhuận vừa rồi. Chuyện Đinh Tiên Hoàng cho để vạc dầu sôi trước sân triều, nuôi hổ trong củi sắt để răng đe thần dân sai phạm phép nước.

Các ông còn bàn tán về tình hình chính trị bên nhà Hán. Nghe nói quân Tống ở phía bắc đang ngày càng bành trướng, từng bước đánh chiếm đất đai, còn đe dọa cả nhà Nam Hán sát biên giới với Đại Cồ Việt. Nam Hán không còn mạnh như trước, nước ta không cần quan tâm đến việc ngoại giao hay cống phẩm nhưng chỉ lo một khi Nam Hán bị Tống thu chiếm thì quốc gia có nguy cơ giặc ngoại xâm.

Tôi luôn luôn chú ý nghe ngóng tình hình, tìm cách gắn ghép với lượng kiến thức ít ỏi, hy vọng về sau sẽ có ích.

Haizzz... tóm lại là tôi vừa nghe ngóng chuyện nhà nước, vừa tự lo cho cuộc sống của mình như thế cho tới khi tuối 17 trôi qua. Thiệt là không ngờ số mệnh xuyên không lại chán phèo như vậy, chẳng gây cấn như trong ngôn tình gì hết. Tôi lại hóa thân làm em gái Dương Vân Nga chứ không phải hoàng phi, hoàng hậu để được "mỹ nam hoàng đế" sủng ái. Kì quá đi! Không phải truyện xuyên không đều viết như thế sao??? Ai là người viết cái truyện lịch sử nhảm nhí này? Chết tiệt, tôi muốn "oánh" tên đầu xỏ tác giả!

[1] hệ can chi: gồm 10 thiên can (giáp 甲, ất 乙. bính 丙, đinh 丁, mậu 戊, kỷ 己, canh 庚, tân 辛, nhâm 壬, quý 癸.) và 12 địa chi (tý 子, sửu 丑, dần 寅, mão 卯, thìn 辰, tỵ 巳, ngọ 午, mùi 未, thân 申, dậu 酉, tuất 戌, hợi 亥.)

Chương 7: Thời khắc đổi đời cuối cùng đã tới!

Chị Vân Nga hát rất hay, những bài hát có ca từ ngọt ngào và đậm chất văn thơ, dù là chị viết lại lời từ nhạc trẻ thế kỉ 21. Ngày hôm đó bầu trời cao xanh vời vợi, tôi ôm thúng đi ra bờ sông cắt măng tre về nấu canh. Ở đó có một lũy tre xanh tốt, mọc um tùm rậm rạp. Vừa khứa dao vào chiếc măng nhọn hoắt tôi vừa ngâm nga hát:

"Anh đi tán tía tàn vàng

Ðể em cắt cỏ bên đàng sao đang.

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Trăm ngàn ngọn cỏ lai hàng tay ta." [1]

Cắt đầy thúng măng tôi nhanh chóng trở về nhà. Như mọi ngày, hai chị em phân công nhau làm việc. Tôi ở trong bếp thái măng, chị gánh nước tưới vườn rau xanh bên hong nhà. Chị lại vừa làm vừa hát bài hát lúc nãy. Tôi ngồi trong này cười cười và nhẫm theo. Chợt nghe một giọng nói xa lạ:

"Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn

Mắt kia sao mọc cờn cờn

Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân".[2]

Đây là một bài thơ tùy hứng. Nghe như là tả ai đó. Ý thơ vừa khen ngợi vừa thưởng thức. Ái chà, kiểu này rất giống như công tử đào hoa nhà nào dùng văn chương để tán gái. Tôi nghe giọng nói kinh hỉ của chị

-Người là...? Ôi! Hoàng thượng vạn tuế!

Con dao tôi cầm trên tay rơi xuống đất. Hoàng thượng? Đinh Tiên Hoàng? Đinh Bộ Lĩnh? Tôi như cái lò xo bật dậy, lập tức chạy tới vách nứa, nhìn qua khe hở giữa hai lát tre. Phụ thân, kế mẫu cũng từ trong nhà ào ra, cùng quỳ lạy hết sức trịnh trọng.

Lúc đó tôi không có ý thức cùng ra quỳ như họ, chỉ say sưa quan sát nhà vua. Làm sao nhỉ? Thất vọng quá đi...

Hình tượng mỹ nam cổ đại nhanh chóng sụp đỗ. Đinh Tiên Hoàng già như vậy sao? Cũng đáng tuổi cha tuổi chú rồi. Dáng người ông cao to lực lưỡng, cởi áo chắc sẽ có bụng 6 múi. Làn da màu đồng rắn chắc, khuôn mặt cương nghị vừa nhìn đã thấy sự uy nghiêm. Ánh mắt ông nhìn tỉ tỉ mang nhiều ý cười. Giọng nói của ông trầm và vọng ồm ồm như tiếng gầm của hổ

-Nhà ngươi là Dương Thế Hiến, từng phụng sự cho Hoan châu Thứ sử ngày xưa đúng không?

Phụ thân cúi đầu sát đất đáp giọng run run

-Dạ bẩm chúa thượng, đúng như vậy.

Vua gật gật đầu

-Phụ thân trẫm từng nhắc tới ông. Không cần lớn tiếng ồn ào, trẫm đang trên đường thăm lại Thung Lau. Cả nhà ông miễn lễ!

Ba người sợ sệt đứng lên, nhưng không ai dám đứng thẳng. Vua mà, oách như thế đó! Sau đó vua bước vào nhà. Phụ thân dùng ống tay áo phủi bụi trên ghế, kính cẩn mời ngài ngồi. Đi theo Đinh Tiên Hoàng còn có hai người đàn ông trạc tuổi nhà vua. Xa xa bên ngoài có thể thấy 3 con ngựa và một viên lính mặc đồ thường dân đứng giữ dây cương. Bộ dạng này xem ra nhà vua cùng cận thần đang vi hành đây mà! Vân Nga tỉ tỉ lập tức đi pha trà, trông thấy tôi chị mới giật mình. Do quá bất ngờ nên cả nhà quên bén tôi mất. Chị cầm phích trà nắm tay tôi kéo ra ngoài quỳ lạy. Thiệt là, thế nào cũng không tránh khỏi kiếp khom lưng cúi đầu. Đối diện mới một nhân vật lịch sử như thế tôi cũng có chút hồi hộp, may sao Đinh Tiên Hoàng không chú ý tới, cũng chẳng hỏi tôi là ai. Thấy vậy tôi lập tức chuồn trở ra sau. Lại tiếp tục sự nghiêp rình mò, tôi theo dõi từng biểu cảm trên nét mặt nhà vua.

Vân Nga tỉ rót xong trà, chưa kịp rời đi thì Hoàng đế đã hỏi

-Đây là tiểu nữ của Dương gia?

Phụ thân ôm quyền, vội đáp:

-Bẩm, đúng ạ!

-Tên nàng là gì?

Lần này tỉ tỉ tự trả lời:

-Bẩm, nô tì là Dương Vân Nga.

Đinh Tiên Hoàng hứng thú hỏi tiếp:

-Vân Nga? Vì sao là Vân Nga?

Quái lạ cái ông vua này, tên cha mẹ người ta đặt, còn bày đặt hỏi lý do. Tỉ tỉ không hề nao núng đáp lại:

-Quê ngoại của nô tì ở Vân Long [3], quê nội ở Nga My cho nên phụ mẫu đặt là Vân Nga.

Uả? Thì ra tên tỉ tỉ cũng có ý nghĩa như vậy. Thế thì chữ "Kiều" của tôi ở đâu ra? Đinh Tiên Hoàng gật gù

-Vân Long là mây rồng, Nga My là mày ngài... tên rất hay!

Nhà vua nhìn vào khuôn mặt tỉ tỉ mà nói như thế. Vân Nga lập tức ngượng nghịu đỏ mặt. Chị cúi đầu e ấp lui vào trong, vừa thấy tôi núp nghe chuyện thì trừng mắt. Tôi ra hiệu im lặng, kéo chị cùng nhau nhìn ra bên ngoài từ sau tấm rèm. Ngoài Đinh Tiên Hoàng, hai vị cận thần và phụ mẫu đều đứng. Ngài nhấp một ngụm trà, khen trà ngon rồi ung dung hỏi về đôi câu đối mà phụ thân treo trên cột. Dương Thế Hiển nhờ đó có cơ hội tỏ rõ tài năng văn chương của mình. Khi ông nói, một người đi theo hoàng đế cũng góp lời. Nghe có vẻ là một quan văn nên chữ nghĩa dồi dào

-Đó là Độ hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ (), cũng là người động Hoa Lư, năm xưa cùng chơi đánh trận cờ lau với hoàng đế, về sau tham gia dẹp loạn 12 sứ quân, trở thành một trong bốn công thần trụ cột của triều đình.

Vân Nga tỉ vốn theo dõi chính sự, có lẽ chị đoán ra người kia là ai liền giải thích với tôi. Lưu Cơ, hình như trong vở cải lương không nhắc đến người này, tôi thì không rành lịch sử đành chịu. Đằng nào cũng đã xuyên không trở về thời đại này, biết nhiều một chút cũng không phải không tốt, tôi liền quay sang hỏi tỉ tỉ

-Ai là bốn trụ cột của triều Đinh?

Vân Nga mỉm cười:

-Đó là "Tứ cột Bặc, Điền, Cơ, Tú". Nếu tỉ đoán không lầm vị mặc áo xanh kia chính là quan ngoại giáp Đinh Điền. Bốn người Nguyễn Bặc (), Đinh Điền (), Lưu Cơ và Trịnh Tú () đều thân thiết với Hoàng thượng từ thuở cầm cờ lau. Về sau họ lại theo người đi dẹp loạn, lập nhiều chiến công, luôn được chúa thượng hết lòng tin tưởng.

Lúc này tôi mới chợt nhớ ra. Về sau bốn người bọn họ đều một phòng phò tá ấu chúa là con trai của tỉ tỉ với Đinh Bộ Lĩnh. Vì lo sợ Lê Hoàn nhiếp chính thừa cơ cướp ngôi vua mà bốn người câu kết đem quân đi đánh. Lê Hoàn một tay dẹp sạch. Không rõ về sau họ tử mệnh thế nào nhưng xem ra thê thảm lắm! Vũ đài chính trị xưa nay kẻ thua mất đầu là chuyện rất thường.

Trong lúc mãi nghĩ ngợi, tôi nghe tiếng Đinh Tiên Hoàng nói:

-Thứ sử Đinh Công Trứ () năm xưa vẫn hay nhắc đến một nho sĩ là Dương Thế Hiển. Phụ thân trẫm khen nhà ngươi văn chương không bám bụi trần. Nay trẫm có dịp đến Thung Lau, trên đường nghỉ chân giây lát dưới bóng lũy tre làng, tình cờ nghe được một tiếng hát như chim sơn ca, trong lòng quả thực cảm phục. Tiếc là khi sai người tìm thì cô nương kia đã đi mất. Trẫm bỗng chợt nhớ Dương gia nhiều năm đã định cư ở đây, hỏi thăm một lát thì tìm được nhà. Vừa vào cổng đã nghe được giọng hát lúc nãy. Âu cũng là số trời! Không biết Vân Nga năm nay đã tuổi đời bao nhiêu? Chờ trẫm hồi kinh sai pháp sư chọn ngày lành, sẽ cho kiệu rước nàng về điện Hoa Lư!

Vua nói xong, phụ mẫu đều cả kinh, tỉ tỉ nhũn người ngồi bệch xuống đất. Tôi phải cố gắng đỡ lấy, chị mới không ngã lần nữa. Phụ thân sau giây lát kinh ngạc thì vui mừng chấp tay cúi lạy

-Hoàng thượng vạn tuế, tạ ơn người đã ban ân. Đây là phúc phần của tiểu nữ Vân Nga. Mọi chuyện xin được nghe chúa thượng an bài.

Nhà vua gật đầu hài lòng rồi dứt khoát đứng dậy, đỡ lấy phụ thân

-Là nhờ Dương gia nuôi dạy được một nữ tử xuất chúng. Khanh cứ an lòng chờ đợi, trẫm sẽ sớm cho người về báo tin.

Sau đó Đinh Tiên Hoàng và Lưu Cơ, Đinh Điền từ giã ra về. Ba bóng ngựa đã khuất sau rặng tre mà phụ thân và kế mẫu còn hớn hở trông theo. Vân Nga tỉ ở bên cạnh tôi vừa bàng hoàng, lo lắng lại vừa vui mừng không dám tin.

-Là muội phải không? Muội đã hát bài hát đó. Chúa thượng nghe được lại tưởng là tỉ tỉ... Chuyện này làm sao bây giờ?

Tôi sững người. Không lẽ đúng là như thế? Hóa ra tôi đã đem nhân duyên về cho Dương hậu. Đinh Tiên Hoàng cảm mến Dương Vân Nga từ giọng hát, không biết các sử gia có biết hay không?

Tỉ tỉ vẫn không hết kinh ngạc, chị bóp chặt tay tôi, ánh mắt hoang mang

-Như vậy là sai rồi! Người đó là muội chứ không phải tỉ. Chúa thượng nghe được giọng hát của muội, tiểu muội mới là người hoàng thượng muốn rước về kinh.

Tôi mỉm cười lắc đầu

-Tỉ tỉ đừng nói thế. Sự nhầm lẫn này cũng là ý trời. Khi nãy hoàng thượng chỉ để ý tới tỉ, không có nhìn muội. Vả lại tỉ tỉ giỏi giang như vậy, còn thông minh sáng lạng, tỉ mới đúng là nữ nhân xuất chúng, xứng đáng làm Hoàng hậu. Tiểu muội ngu dốt, cũng không muốn ngồi vào vị trí quan trọng đó!

Mọi chuyện là như vậy. Ai có ngờ rằng nhân duyên giữa Đinh Tiên Hoàng và Hoàng hậu Dương Vân Nga lại từ tôi mà ra. Sao không thấy nhà sử gia nào ghi chép chuyện này? Có khi về sau đây mãi mãi là một bí mật. Lịch sử mà tôi biết diễn biến như vậy càng khiến tôi có cảm giác mình là một phần của nó. Liệu tôi sẽ là ai, sẽ đóng vai trò gì cho chặn đường dài giang truân trước mặt của vị Hoàng hậu-Thái hậu nổi tiếng này?

[1] bài hát ca dao xưa

[2] Thơ tả Dương Vân Nga trong "Hoàn Vương ca tích"

[3] Vân Long: nay là xã Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình

———————- ♫ ———————-

-Sự kiện Đinh Tiên Hoàng nghe thấy tiếng hát và đem lòng yêu Dương Vân Nga đã được sử thoại nhân gian lưu truyền lại. Hoa Ban chỉ thêm thắt một chút để câu chuyện ly kỳ hơn.

-Theo Ngô Sĩ Liên thì Đinh Tiên Hoàng sinh năm 924, làm vua năm 968 tức là khi 44 tuổi. Ông gặp Dương Vân Nga năm 970, tức là 46 tuổi. Nhưng cũng có tài liệu viết ông cưới Dương hậu khi vừa lên ngôi. Không rõ cái nào đúng nên Hoa Ban dùng phép tương đối, cho hoàng đế 44 tuổi, hoàng hậu 18 thì gặp nhau.

Chương 8: Đường về Hoa Lư

Tin con gái nhà họ Dương sắp làm hoàng phi chẳng mấy chốc lan truyền khắp vùng Nga My. Tỉ tỉ trở thành tâm điểm chú ý của dân làng. Các thôn nữ khác thì thầm bàn tán, nhìn tỉ tỉ với ánh mắt ngưỡng mộ cùng đố kị. Vui nhất là phụ thân và kế mẫu. Họ hối hả sửa sang cửa nhà, mua thêm vài bộ đồ đẹp để chị ăn mặc tươm tất hơn. Vân Nga tỉ cho lại tôi gần một nửa chỗ váy áo đó.

Lúc này mọi người lại nhắc đến "lời tiên tri" mà tôi đã phán khi cha con họ Đặng muốn sang hỏi cưới. Đứa con gái thứ 2 nhà họ Dương là tôi tự nhiên khoát lên mình cái vẻ thần kì. Phụ mẫu không còn nhìn tôi bằng con mắt chán ghét như trước. Vân Nga tỉ thì xem tôi là vị thần hộ mệnh.

-Vài ngày nữa tỉ được rước vào cung, muội nhất định phải đi theo. Tỉ muội mình dù ở đâu cũng không thể rời. Ở trong cung, chúng ta dựa vào nhau mà sống. Muội muội chính là lá bùa bình an của tỉ!

Đúng một tuần sau, quân binh kinh thành nô nức đem kiệu hoa đến đón. Tôi lấy danh nghĩa là tiểu muội, cũng là nha hoàn hầu hạ mà đi bên cạnh kiệu hoa. Sính lễ của Hoàng đế nhiều không kể hết. Nào là 10 hòm vải vóc, 10 rương đồng vàng, 10 đàn trâu tốt, 10 mẫu ruộng màu mỡ. Bên cạnh đó, Dương Thế Hiển còn được ban cho "thực ấp" Nga My. Mỗi năm tô thuế lợi tức trong vùng đều vào tay nhà họ Dương. Cuộc đời của Dương Thế Hiển nhờ vào con gái mà phất lên từ đó. Về sau tôi cũng không bao giờ gặp lại ông và kế mẫu chỉ nghe nói ông sống rất sung túc, cưới thêm nhiều vợ và có thêm con trai nối dõi.

Đoạn đường từ Nga My về kinh thành Hoa Lư dài hơn nửa ngày. Sau vài giờ đi bộ bên kiệu hoa, chân tôi đã rã rời. Hầu quanh kiệu còn có ba a hoàn trạc tuổi tôi. Tên họ là Tiểu An, Tiểu Bình, Tiểu Phúc. Khi được hỏi tên, tôi cũng tự giới thiệu mình là "Tiểu Nga". Đây là ba a hoàn mà nhà vua ban cho tân nương tử. Đoàn người có hai vị tướng cưỡi ngựa đi trước kiệu hoa, gần 50 lính tốt trật tự đi sau kiệu hoa. Có lẽ đây là sự bảo vệ và nghênh đón trang trọng của Đinh Tiên Hoàng.

Chúng tôi đi qua bạt ngàn các cánh đồng. Qua nhiều thôn xóm với những mái nhà lúp xúp, khói bếp mơ màng. Bọn trẻ mục đồng ngồi trên lưng trâu khe khẽ thổi sáo khi nhìn thấy đoàn người. Đi ngang các thôn xóm thì dân làng đổ xô ra đứng bên đường, có kẻ khoanh tay cúi đầu, có kẻ cung kính quỳ gối. Trẻ con ngây thơ thì lẻo đẽo đi theo, chỉ trỏ, bàn tán, nói cười.

Đây là lần đầu tôi ra khỏi Nga My. Việt Nam hơn 1000 năm trước hóa ra là như vậy. Con người vẫn hiền hòa như vậy, phong cảnh cũng thơ mộng như vậy. Có nụ cười của các ông bà lão nhuộm răng đen, những đứa bé cạo đầu ba vá mặt lấm lem bùn, những thiếu nữ tóc đen dài, đầu chiết khăn, những chàng trai đóng khố lưng trần và những người bộ hành khoát trên mình áo choàng rơm, đội mũ rơm.

Tôi bất giác khẽ cười, ước gì có máy ảnh ở đây tôi sẽ chụp lại từng khoảnh khắc để người thế kỉ 21 nhìn thấy ông cha ta đã sống như thế đó, cây cối và thiên nhiên hùng vĩ như vậy đó. Bộ ảnh sẽ lấy tên "Qúa khứ-lời nhắc nhở" để kêu gọi gìn giữ truyền thống và bảo vệ môi trường.

Lúc đang đưa đầu óc bay tận đâu đâu tôi vô ý vấp phải một mô đất cao, ngã cái rầm. Giày vải vì đi đường dài mà trở nên bẩn thỉu và rách mấy chỗ. Chất liệu vải vóc ngày xưa đúng là không tốt bằng bây giờ.

-Dừng kiệu!

Có tiếng Vân Nga tỉ tỉ thốt lên. Bốn gã khiêng kiệu dừng lại. Nhóm lính tráng phía sau dừng lại. Hai vị tướng đi trước hãm ngựa, quay đầu nhìn

-Có chuyện gì?

Một người trong số họ hỏi.

-Bẩm vương, nương nương ra lệnh dừng kiệu!

Vân Nga tỉ vén rèm cửa ngoái đầu nhìn tôi

-Muội muội có sao không? Lên đây ngồi với tỉ!

Tôi đứng dậy, phủi sạch váy, gật gật đầu. Mừng chết được, nếu còn đi nữa tôi sẽ tiếp tục ngã cho xem! Trong lúc chuẩn bị trèo lên thì một bàn tay đưa ra ngăn cản

-Không thể! Kiệu hoa chỉ dành cho tân nương. Người khác ngồi vào là điềm gỡ!

Đó là một trong hai vị cưỡi ngựa. Người này có khuôn mặt tròn, lông mày rất đậm, toàn thân mặt giáp, chân đi hài đỏ. Trong có vẻ khoảng 25-26 tuổi. Vân Nga tỉ từ sau rèm đỏ nói vọng ra

-Đây là vị muội muội quan trọng của bổn cung, xin ngài cho phép vì muội ấy sức khỏe rất kém, e là không đi theo nổi!

Người kia nhìn tôi một lượt.

-Có thật là muội muội của nương nương? Vì sao nàng ta phải che mặt?

-Muội muội bổn cung từ nhỏ đã được đạo sĩ xem tướng. Đạo sĩ bảo cần che mặt để giảm bớt tà khí. Tuy nhiên đối với bổn cung thì muội ấy vô hại, còn là lá bùa bình an nữa!

Đôi mắt đen kia híp lại dường như không mấy tin.

-Cho dù là thế cũng thể cùng nương nương ngồi một kiệu!

Vân Nga tỉ vẫn một mực muốn thuyết phục. Trong lúc hai ngươi đôi co thì vị cưỡi ngựa thứ hai thong dong đến gần.

-Chi bằng để nàng ấy đi ngựa?

Đó là một giọng nói trầm ấm nghe thật êm tai. Tôi ngẩn đầu nhìn ngược ánh mặt trời. Người đàn ông trên lưng ngựa như cao chót vót, tóc mái lòa xòa phủ trên trán. Anh ta không đeo mũ sắt như vị kia mà chỉ quấn băng vải đỏ, có thêu hình vuông vuông giống lá cờ ở giữa trán, nút thắt một bên đầu. Tóc dài sau lưng cột đuôi ngựa nhỏng cao. Cả phần vải thừa của dãi lụa và đuôi tóc dài đều tung bay trong gió.

Được rồi, cuối cùng cũng gặp được rồi. Mỹ nam cổ đại trong ngôn tình tiểu thuyết đây mà. Từ khi xuyên không đến đây, người đàn ông này là có khuôn mặt ưa nhìn nhất mà tôi gặp. Không thể nào đẹp như tượng khắc nhưng chí ít là có vầng trán thông minh, đôi mắt hai mí đàng hoàng và nhất là cái mũi cao cao chứ không bẹp dí như hầu hết dân Việt ở đây.

Con lai à? Hay đi phẫu thuật thẩm mỹ?

Tôi không ý thức được là mình đang ngắm trai với những suy nghĩ ngu ngốc hết sức.

Người trên ngựa nhảy xuống bằng một động tác thành thục và khỏe khoắn. Anh ôm quyền kính cẩn nói với vị kia

-Nam Việt Vương, nương nương đã có lòng coi trọng tiểu muội như vậy, chúng ta cũng nên nể mặt.

Rồi anh lại cúi người về phía chiếc kiệu

-Nếu nương nương tin tưởng, xin để mạc tướng đem Dương tiểu thư về cung.

Sau một lúc im lặng, tỉ tỉ mới miễn cưỡng đáp

-Thôi được, bổn cung nhờ cậy ngươi!

Việc tiếp theo đó làm tôi hết sức khoái chí. Anh ta dắt ngựa đến gần bảo tôi trèo lên. Tôi loay hoay không biết làm thế nào. Thật ra có một lần du lịch Đà Lạt, cả nhóm đua nhau cưỡi ngựa chụp hình còn tôi thì ngồi một góc gặm bánh mì. Sớm biết thế này đã học cưỡi ngựa lấy chút kinh nghiệm.

Thấy tôi bối rối sờ sờ yên ngựa, mỹ nam kia nghiêm giọng:

-Xin đắc tội!

Sau đó anh ta xốc tôi lên. Chẳng biết anh ta làm thế nào vì động tác rất nhanh, tôi chỉ thấy mình đã ngồi an vị trên lưng ngựa. Mỹ nam cũng trèo lên, ngồi phía sau. Đoàn người lại tiếp tục đi. Giữa đi bộ với đi ngựa thật ra cái nào cũng tệ. Ngựa đi đường mòn, vừa dằn vừa giật. Nhưng tôi vẫn thích đi ngựa vì sau lưng có một anh đẹp trai. Chí ít là khi mỏi có thể mượn tạm lòng ngực xài vài phút.

Hai con ngựa đi song song. Cảnh làng quê vẫn trôi êm đềm về phía sau...

-Này, có phải nhà ngươi trách bổn vương đã lôi kéo ngươi đi rước Hoàng hậu không?

Người ngồi ngựa bên kia hỏi. Giọng nói trầm ấm đáp lại

-Bẩm vương, mạc tướng không dám. Hiếm khi thấy Nam Việt Vương có hứng thú như vậy!

-Haizz... hy vọng phụ hoàng không trách bổn vương phá luật làm bậy.

-Không đâu, hoàng thượng có lẽ sẽ ban thưởng!

Giọng nói sau lưng có ý bông đùa. Người kia gọi là Nam Việt Vương, chắc chắn là Đinh Liễn (), con trai trưởng Đinh Tiên Hoàng. Quái lạ, một vương gia sao lại đi chơi trò rước kiệu hoa thế này? Con đi rước vợ cho cha, người này đúng là có óc hài hước!

Mà thôi, anh ta là Nam Việt Vương hay Bắc Việt Vương không quan trọng, tôi đang vô cùng hồi hộp chờ nhìn thấy kinh đô Hoa Lư. Đây là kinh thành đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam. Ngô Quyền sau khi đại phá quân Nam Hán đã lập triều Ngô, đóng đô ở Cổ Loa. Đến Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, ông không chọn Cổ Loa vì vùng đất đó là đồng bằng, phòng thủ khó khăn và không ổn định. Ngài cũng dự tính đóng đô ở quê cha Đàm Thôn nhưng địa hình lại hạn hẹp. Cuối cùng thì vua quyết chọn căn cứ cũ là Hoa Lư. Vùng đồi núi hiểm trở có thể phòng thù kiên cố.

Ngày trước học bài sử về kinh đô Hoa Lư, cô giáo đã nhắc đi nhắc lại: Kinh thành nằm giữa địa hình núi đồi, bao quanh bởi các ngọn núi cao thấp, triều đình dựa vào thế núi mà xây tường thành, vừa tiết kiệm, vừa kiên cố, vừa tạo chiến lũy hiểm trở trước quân thù.

Các nhà sử gia hiện đại sẽ thèm chảy nước miếng được tận mắt chứng kiến kinh đô Hoa Lư đương thời. Ngày nay, di tích Hoa Lư chỉ còn lại nền đá cổ, vài đền thờ, bậc thang. Thật khó mà ước lượng khi mới xây dựng nó sẽ hoành tráng thế nào. Vào thế kỉ X này, kinh đô Hoa Lư là công trình kiến trúc hiếm hoi không theo phong cách nhà Hán, là đại biểu cho kiểu xây dựng dựa vào lợi thế tự nhiên. Nó là một pháo đài đẳng cấp trên khắp khu vực Châu Á.

Càng nghĩ, càng thấy phấn khích lẫn tự hào. Có thể nói là: Hoa Kỳ có Nhà Trắng, Việt Nam thế kỉ X có kinh thành Hoa Lư =))

Chương 9: Kinh đô đầu tiên, hùng kỳ kiến trúc

Dù đã chuẩn bị tinh thần rất kĩ, tôi vẫn bị shock khi nhìn thấy kinh thành.

Đông vui làm sao, náo nhiệt làm sao, rộng lớn làm sao, hoành tráng làm sao, (n+1) làm sao,...

Đây đâu chỉ là một công trình kiến trúc mà là sự vĩ đại của tạo hóa. Thiên nhiên, sông núi hòa quyện vào mỗi nếp nhà, tạo ne6n vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa có sức đe dọa.

Dân chúng tấp nập qua lại, mua bán. Mọi người đều mặc quần áo dài khá giống trong phim cổ trang Trung Quốc. Hình như thời này đang thịnh hàng mode đầu trọc. Đàn ông phần lớn cạo đầu láng o, số còn lại thì búi tóc củ tỏi, cột lại bằng vải nâu. Phụ nữ tóc dài thường chỉ cột túm sau ót, có người vấn tóc thành búi và cài trâm, mấy thiếu nữ trong bộ dáng nhà giàu thì kiểu cọ một chút. Họ tết bím hoặc tạo hình cánh hoa. Phụ nữ mặc váy tối màu, phần lớn đều là màu nâu. Các cô gái trẻ thì hay mặc váy lam sẫm, áo yếm màu tía.

Tôi thấy trong những buổi biểu diễn ca múa ở thế kỉ 21, vũ công hay sử dụng áo yếm cho những bài hát ca dao, dân ca. Họ chỉ mặc độc một chiếc áo yếm cột dây qua cổ và dưới eo, phần lưng để trần, nhìn rất ư sexy! Nhưng mà phụ nữ Việt Nam ngày xưa thật ra đâu lộ liễu như thế! Các cô, các bà đều mặc thêm áo ngoài, chưa bao giờ khoe lưng, khoe vai. Ước gì thời nay người làm nghệ thuật có ý tứ một chút thì mới diễn tả chính xác hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Kiệu hoa đi tới đâu, dân bên đường đổ xô ra nghênh đón. Tôi thấy ánh mắt các cô gái trẻ lấp lánh như sao. Ban đầu ngỡ rằng họ đang nhìn tỉ tỉ phía sau rèm vải the nhưng mà quan sát kĩ một chút thì thấy mắt đều hướng lên trên. Vẻ mặt e ấp thẹn thùng này không hợp với phong cách lễ cưới nhà vua cho lắm. Sử dụng phép chiếu tọa độ để xác định tầm nhìn của các cô, tôi mới thấy họ đang nhìn Nam Việt Vương và cái vị tướng quân sau lưng tôi đây. Ôi trời, không phải đóng phim BOF đó chứ!? Con gái ngày xưa cũng có thần tượng à?

Xui cho các cô rồi! Tôi còn trông thấy hàng trăm anh còn "hotter" so với hai gã này nhiều. Mới có như thế mà đã ái mộ, quả là mắt thẩm mĩ chưa cao.

Họ nhìn hai người cưỡi ngựa rồi còn nhìn cả tôi. Ây da, ngồi chung ngựa được hưởng hơi lay mà!

Đi qua khu dân cư tập trung đông đúc đó là tới một cái cổng uy nghiêm. Đây là cổng thành vào cung rồi. Phía trên có một bảng chữ to tiếng Hán nhưng tôi đọc không ra. Tỉ tỉ có chỉ dạy nhiều nhưng lượng từ vựng của tôi chưa đủ để đọc thông thạo.

-Xin hỏi ngài, chữ kia viết gì?

Tôi chỉ tay về phía cái bảng. Người ngồi sau ôn hòa đáp

-Là "Kỳ Trụ Môn". Bên kia chính là núi Cột Cờ, nơi treo lá kỳ lớn nhất. Cổng này là cổng lớn để vào Đông Thành.

Không chỉ trả lời mà còn giải thích thêm, xem ra người này khá tốt tính. Tôi nhìn sang ngọn núi gần đấy, quả là trông thấy một lá cờ vuông có nhiều màu viền, xung quanh còn có tua rua đang bay phất phơ phía xa.

Bốn lính gác hỳ hục đẩy cổng đón đoàn người. Tôi ngửa đầu tỉ mỉ nhìn ngó kiến trúc. Phía trên cổng thành có treo một bộ chông nhọn, chỉ cần rớt xuống thì nát thây, cái này chắc là sẽ dùng khi có giặc muốn công thành. Vách tường cao ít nhất cũng 6-7 mét, rất dày và chạy tít ra xa, ôm lấy chân núi. Bên trong thành lót đá viên sạch sẽ, dọc vách tường đều có lính canh. Dường như kinh thành vẫn còn trong giai đoạn thi công, có những cái tháp đang xây dỡ, vài nơi chất gạch đá thành cái gò cao cao

Đi một lát thì gặp được một nhóm người trông khá giống chúng tôi. Có một tốp binh lính theo sau chiếc kiệu hoa và một người cưỡi ngựa đi đầu. Họ đi chậm hơn nên sau một lúc thì hai bên đi song song. Khi đi ngang qua đoàn người, tôi thoáng thấy vị cô nương ngồi trong kiệu. Là một thiếu nữ trẻ đẹp trong bộ hỉ phục. Không phải chứ? Chẵng lẽ lão Hoàng đế cưới một lúc 2 bà vợ? Ngựa của tôi và Nam Việt Vương đi ngang qua người cưỡi ngựa dẫn đầu của nhóm kia. Đó là một viên tướng võ mình đồng da sắt, có khuôn mặt hầm hầm trông đáng sợ. Người đó ôm quyền từ trên lưng ngựa cúi chào

-Nam Việt Vương thiên tuế!

Đinh Liễn khiển ngựa đi sát bên, một tay đặt lên vai viên tướng, cười vô tư

– tướng quân hôm nay trong thật bảnh bao. Kia có phải Phạm tiểu thư xinh đẹp khuynh thành mà bổn vương vẫn nghe nhắc tới?

-Bẩm vương, chính là tiểu muội của mạc tướng!

Nam Việt Vương gật gật đầu, kề vai nói khẽ nhưng tôi vẫn nghe thấy

-Hôm nay là ngày đại hỷ, tiểu muội phong Hậu, huynh trưởng tiến chức có phải không?

Nghe thấy thế, vị tên Phạm Hạp cười hô hô, mắt sáng quắc lên

-Bẩm vương, mạc tướng không dám. Chỉ có lòng trung thành phò tá chúa thượng và vương gia. Nếu chúa thượng ban ân thì mạc tướng nhận, chứ nào dám đòi hỏi?

Hai người bọn họ cứ lời qua tiếng lại rất khách sáo, cho tới khi vị ngồi sau lưng tôi lịch sự nhắc nhở:

-Vương, đại tướng, hình như chúng ta đang làm chậm tiến độ của kiệu hoa rồi!

Phạm Hạp lúc này mới nhìn người ngồi sau tôi, ánh mắt rõ ràng có chút chán ghét và khinh thường

-Thập đạo tướng quân nói phải, không ngờ ngài cũng có nhã hứng đi đón kiệu hoa... và...

Ánh mắt khó ưa nhìn về phía tôi, Phạm Hạp nhếch mép cười:

-Và còn đem về thêm một bông hoa vùng sơn dã...

-Đây là muội muội của vị nương nương kia, xin tướng quân đừng hiểu lầm!

Lúc này Nam Việt Vương xen vào

-À... là bổn vương dùng vương quyền ép hắn đi theo. Thôi thôi, sắp đến giờ lành, chúng tôi đi trước một bước!

Nói rồi Nam Việt Vương thúc ngựa đi nhanh hơn. Ngựa của tôi cũng theo sát bên, chẳng bao lâu đã cách nhóm người kia một quãng. Lúc này Nam Việt Vương mới quay sang hỏi

-Bổn vương thắc mắc không biết phụ hoàng định phong chức gì cho gã họ Phạm kia? Làm đến Ngoại giáp thành chỉ huy sứ rồi còn phong cái gì nữa?

Giọng nói kia vẫn cứ ôn tồn như trước:

-Bẩm vương, mạc tướng thấy Phạm tướng quân tuổi trẻ tài cao, được chúa thượng trọng dụng là rất phải!

Nam Việt Vương xùy một tiếng, cười cợt:

-"tuổi trẻ tài cao" dùng cho Thập đạo tướng quân nhà ngươi thì đúng hơn. Mà lão phụ hoàng của ta cũng thật biết dọa người. Cái gì mà "Thập đạo tướng quân"? Thần dân cả nước còn chưa tới hàng triệu! [2]

Phía sau lưng tôi vang lên tiếng cười nhẹ như gió

-Là ý kiến của Đinh Quốc Công [1], gọi Thập đạo để ra uy với các nước lân bang.

Nam Việt Vương cười xòa

-Lão già Nguyễn Bặc nhiều lúc khôn lõi!

Hai người đàn ông này đúng là thích nói chuyện phiếm, thêm một con vịt nữa có thể nhóm thành cái chợ. Qua những gì họ nói, tôi biết được một số thông tin. Cái vị ngồi sau tôi đây làm chức "Thập đạo tướng quân", là một viên tướng thân quen với Nam Việt Vương. Cái người mặt mày đáng sợ hồi nãy là tướng Phạm Hạp, hiện làm chức "Ngoại giáp thành chỉ huy sứ" (tướng lãnh đạo các binh sĩ bảo vệ ngoài thành). Em gái ông ta cũng như tỉ tỉ Vân Nga, sắp được vào hậu cung, bản thân ông ta có lẽ cũng được thăng quan tiến chức gì đó ngày hôm nay.

Chẳng bao lâu thì hội "ông tám" cũng đến trước một tòa cung điện sang trọng. Bên dưới bậc thang cao còn có thêm 3 chiếc kiệu hoa đỏ chói, bắt mắt. Chúng tôi cùng gia nhập vào hội kiệu hoa. Nam Việt Vương và Thập đạo tướng quân xuống ngựa. Nhìn thấy vị tướng quân chuẩn bị đỡ tôi xuống, tôi liền xua tay:

-Không cần không cần, bổn cô nương có thể tự xuống!

Xuống ngựa dễ hơn lên ngựa nhiều, chỉ cần đạp vào thanh gác chân dưới yên là có thể trèo xuống. Tôi kính cẩn cúi đầu nói đa tạ rồi đi tới kiệu hoa của tỉ tỉ. Đi qua một chiếc kiệu khác, tôi nghe thấy người ngồi trong kiệu hỏi a hoàn của mình:

-Rốt cuộc là ai mà có mặt mũi để cả Nam Việt Vương và Thập đạo tướng quân rước về?

A hoàn cúi đầu thưa:

-Bẩm nương nương, nô tì không rõ chỉ nghe nói là một vị họ Dương ở vùng Nga Mi.

Tôi có cảm giác các bà vợ còn lại đều có xuất thân danh giá, chắc chỉ có Dương Vân Nga là một thôn nữ bình thường. Tôi đi tới nói chuyện với tỉ tỉ. Xem ra Đinh Tiên Hoàng cưới một lúc 5 mỹ nữ rồi, chỉ không biết sẽ phong ai làm Hoàng Hậu, ai làm Hoàng Phi

Chờ một lúc thì có viên thái giám tới, giọng ông ta eo éo nói lớn:

-Các vị nương nương, xin mời đi theo nô tài. A hoàn theo hầu đều ở lại đây chờ!

Thế là tôi ủ dột nhìn theo bóng tỉ tỉ bước vào trong điện. Cánh cổng đồ sộ khép chặt lại, bao lấy bầu không khí oai nghiêm bên trong. Điện xây khá cao, đứng dưới này ngoài mấy bậc thang thì chẳng nhìn được gì. Không biết là chờ được bao lâu thì bắt đầu buồn ngủ. Thật là hành xác mà, ít ra cũng cho người ta cái ghế ngồi chứ! May là hôm nay mặt trời đã bị đám mây lớn che lấp cả, nếu không chắc tôi sẽ thành con heo quay mất!

Lúc tôi sắp ngủ gục thì có tiếng mở cửa. Năm vị nương nương theo đường cũ trở về, ngồi vào kiệu. Sau tiếng hô khởi kiệu, thì cả 5 chiếc đồng loạt rời đi về một hướng. Chúng tôi đi qua rất nhiều ngôi nhà lớn, kiến trúc đẹp đẽ, nghiêm trang. Có những vị quan mặc đồ xám xanh, đội mũ vải vuông, ôm theo các pho kinh thư chạy qua chạy lại. Tôi đoán nơi này là khu hành chính nhà vua thiết triều, quan lại làm việc. Thành Đông thật là rộng, đi mãi mới tới một con đường rợp bóng cây. Nhìn qua thì như một thung lũng vì hai bên là núi. Dọc đường quan lính đứng nghiêm trang.

Lúc này tôi mới ý thức được là mình đã ra khỏi tòa thành và sắp đi vào một tòa thành khác. Thì ra kinh thành Hoa Lư có hai vòng thành nằm cạnh nhau như hình số 8. Đi qua một con đường hẹp sẽ tới được thành bên kia. Năm chiếc kiệu lần lượt vượt qua "Tây thành đại môn" (cổng lớn thành Tây) thì bắt đầu rẽ. Ba chiếc kia rẽ trái, kiệu của tỉ tỉ và một chiếc khác rẽ phải. Nhóm binh lính hộ giá cũng chia hai phía như vậy.

Vì chân đi lâu nên đã mỏi, tôi bước chậm dần rồi lùi về chiếc kiệu sau lúc nào không hay. Tôi tình cờ nghe được một cuộc hội thoại như sau:

-Liên Tâm, ngươi nói xem huynh trưởng của bổn cung có giận quá hóa liều không?

-Bẩm hoàng hậu, Phạm Hạp đại tướng tuy tính tình nóng vội nhưng cũng rất lý trí, xin hoàng hậu chớ lo!

-Bổn cung vẫn không an lòng. Hay là lát nữa đến Nguyệt Yên cung, người đi cho mời Ngoại giáp thành tiết độ sứ đến đây. Bổn cung muốn an ủi vài lời.

-Bẩm hoàng hậu, nô tì sẽ làm như vậy!

Tới đây thì kiệu của Vân Nga tỉ lại rẽ hướng khác, tôi nhanh chân rời đi theo. Qua cuộc nói chuyện này, tôi vô cùng thông minh rút ra hai điều:

Thứ nhất, vị kia đã được làm Hoàng hậu, Đinh Tiên Hoàng ban cho cung điện Nguyệt Yên.

Thứ hai, huynh trưởng Phạm Hạp của Phạm Hoàng hậu đã không được thăng tiến như dự tính, vẫn giữ chức Ngoại giáp thành tiết độ sứ.

[1] Đinh Quốc Công: ý nói Đinh Điền

[2] Thập Ðạo Tướng Quân: Quân đội của nhà Ðinh thời bấy giờ phân ra: Ðạo, quân, lữ, tốt, ngũ.

– Một đạo có 10 quân

– Một quân có 10 lữ

– Một lữ có 10 tốt

– Một Tốt có 10 ngũ

– Một ngũ có 10 người.

Như vậy Thập Ðạo tướng quân chỉ huy 1 triệu lính


Chương 10: Ai là Lê Hoàn?

Nơi tôi và tỉ tỉ ở gọi là Điện Vân Sàng. Đây là một tòa cung điện tráng lệ, các cây cột chạm khắc hình chim phượng ngồi trên đám mây. Cửa gỗ trang trí họa tiết hoa huệ. Nhìn thẳng vào sẽ thấy một tấm bình phong vẽ cảnh non nước và một thiếu nữ đang ngồi chải tóc, bên trên đề một bài thơ câu chữ bay bướm:

"Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm".
[*]

Dưới bài thơ là bút kí và con dấu đỏ. Tỉ tỉ xuống kiệu, được ba a hoàn chạy tới đỡ đi vào trong cung. Ở tiền sảnh lại có ba nô tài khoanh tay chờ sẵn. Vân Nga tỉ đi tới, họ liền quỳ lạy, miệng hô đồng loạt:

-Hoàng hậu nương nương thiên tuế!
Tỉ tỉ nhìn lướt qua, hiền hòa hỏi:

-Các ngươi tên gì?

-Nô tài là A Bách, cung nghênh hoàng hậu đến điện Vân Sàng

-Nô tài là A Mẫn, cung nghênh hoàng hậu đến điện Vân Sàng

-Nô tài là A Quân, cung nghênh hoàng hậu đến điện Vân Sàng

Tôi rút ra kết luận: Hễ là hầu nữ thì tên gọi có cấu trúc Tiểu + .... . Còn hầu nam thì là: A +...

Nhưng mà sao tỉ tỉ cũng là hoàng hậu nhỉ? Vân Nga tỉ cho ba nô tài đứng dậy rồi phân phó họ vài việc. Sau đó bảo a hoàn chuẩn bị nước tắm. Khi đại sảnh chỉ còn lại hai chị em, Vân Nga mới thở phào ngồi xuống bàn. Thời cơ đã tới, tôi không e dè hỏi thăm sự tình:

-Tỉ tỉ, Đại Thắng Minh hoàng đế phong người là Hoàng hậu sao? Nghe nói vị họ Phạm kia cũng làm Hoàng hậu...

Tỉ tỉ rút từ ống tay áo ra một cuộn vải vàng

-Ừ, đây là chiếu chỉ của chúa thượng. Người phong tỉ là Trinh Minh hoàng hậu, còn có bốn vị là Đan Gia hoàng hậu, Ca Ông hoàng hậu, Cồ Quốc hoàng hậu và Kiểu Quốc hoàng hậu.

Lạ chưa! Hóa ra triều Đinh có cùng lúc 5 hoàng hậu, về sau các triều đại khác mới thay đổi chỉ có một vị hoàng hậu, những người khác là hoàng phi, quý nhân, phu nhân hoặc mỹ nhân. Tôi ghi nhớ điều này vào trong đầu

-Thế đã có chuyện gì xảy ra ở trong đấy? Muội tò mò quá, tiếc là không được chứng kiến.

Tỉ tỉ mỉm cười, rất vui vẻ kể lại

-Hôm nay là ngày hoàng đạo rất tốt, mười năm mới có một lần nên chúa thượng chọn thay đổi niên hiệu là Thái Bình, phong Hậu và bổ nhiệm, thay thế một vài phẩm hàm cho các quan, các tướng. Trong triều không khí rất uy nghiêm. Chúa thượng mặc áo Long Cổn [1], đội Mũ Miện [2] ngồi trên ngai vàng rất oai phong. Dưới sân điện, quan văn bên phải, quan võ bên trái, cấm vệ quân hai hàng. Ngai vàng ở trên đài cao, có bậc thang lên bên phải, thang xuống bên trái, giữa là khối vàng đúc hình rồng. Tất cả quan tướng đều cúi đầu cung kính. Chúa thượng cho đọc thánh chí rồi ban thánh chỉ đến tay từng vị Hoàng hậu. Mỗi hoàng hậu đều được thưởng một cung, ba a hoàn, ba nô tài và 15 lính vệ. Hôm nay còn là ngày tuyên bố hôn sự của công chúa Minh Châu, gả cho Trần Thăng [3] làm phò mã đô úy. Về chính sự, Tăng Thông Ngô Chân Lưu () được ban Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi và còn có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn kiêm nhiệm thêm chức "Điện tiền đô chỉ huy sứ" và cả...

Tôi nhanh chóng ngắt lời chị

-Chờ đã, tỉ tỉ. Tỉ nói Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân?

-Ừ, chính là cái vị đã đưa muội đi hôm nay đó!

Tôi há hốc mồm, mắt trợn ngược. CÁI GÌ CHỨ??? Người đàn ông kia là Lê Hoàn? Lê Đại Hành? Là vua đầu tiên nhà Tiền Lê? Là trượng phu thứ hai của Dương Vân Nga?

I'M SO SHOCK!

Lê Hoàn thời này còn trẻ vậy sao? Tôi nghĩ ông ta phải già ngang ngửa Đinh Bộ Lĩnh chứ! [4]

Còn nữa, cái người ôn hòa trầm tính đó về sau lại đánh Tống, phạt Chiêm, giết hết thân tính của Đinh Tiên Hoàng, chiếm ngôi của Đinh Phế Đế ().... Cha mẹ ơi, đúng là "tri nhân tri diện bất tri tâm"!

Thấy tôi biểu cảm khác thường, Vân Nga tỉ lo lắng

-Muội muội, làm sao vậy? Không lẽ vị Điện tiền chỉ huy sứ đó đã hành xử không phải với muội?

Tôi liền xua tay, lắc đầu

-Dạ không, muội chỉ là hơi ngạc nhiên, nhưng mà "Điện tiền chỉ huy sứ" là thế nào?

-Là vị trí cao nhất trong quân đội, có thể điều động tất cả các binh chủng, nắm toàn binh quyền trong tay.

-Ghê gớm thế sao? Giao cả binh quyền cho một người, hình như hoàng thượng đã mạo hiểm rồi!

Thảo nào về sau bị Lê Hoàn nắm hết quyền hành, tôi nghĩ thầm trong đầu. Tỉ tỉ cười nhẹ, nắm tay tôi

-Đó là do chúa thượng có niềm tin ở Lê tướng quân. Muội hãy tin vào mắt nhìn người của chúa thượng, chắc chắn ngài không sai!

À ra là niềm tin hử? Cứ tin như vậy đi rồi sẽ thấy Lê Hoàn hiển nhiên lên làm hoàng đế! Thật ra ban đầu tôi có chút cảm tình với người đàn ông đó, ngoại hình anh ta không tồi, tính tình lại thu hút nhưng bây giờ biết gã chính là Lê Đại Hành của triều Tiền Lê, tất cả niềm mến mộ đã không cánh mà bay. Có lẽ tôi đã định kiến từ trước với con người này. Lịch sử về sau khen Lê Đại Hành là một trong 10 vị tướng tài ba nhất, có thể sánh với Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Công trạng mà vua Lê lập được quả là đáng phục nhưng về mặt cá nhân, tôi vẫn không thích ông ta vì Vân Nga tỉ không yêu ông ta nhưng phải làm hoàng hậu.

Những sự kiện lịch sử qua nhiều thời đại có cách nhận định khác nhau. Ví như khi sử gia Ngô Sĩ Liên viết quyển Đại Việt sử ký toàn thư đã cho rằng Lê Hoàn mang tội trạng "hiếp mẹ góa, ép con côi", chê cười ông lấy hoàng hậu của vua tiền nhiệm, nhuốm máu cung đình để được lên làm vua. Đến thời đại ngày nay, thì người ta có cái nhìn thoáng hơn. Họ cho rằng Lê Hoàn đáng tôn trọng vì ông có công đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng vương triều hùng mạnh. Vào tình thế lúc đó, Lê Đại Hành lên làm vua là chính đáng và phù hợp, Dương Vân Nga cũng thức thời, biết phân biệt nặng nhẹ, giữa ngai vàng cho con và hòa bình dân tộc bà đã chọn giữ lấy đất nước.

Nhưng cho dù sự thật là thế nào thì cũng phải chờ xem mới biết. Tôi có linh cảm con người Lê Hoàn không đơn giản, cái chết của Đinh Bộ Lĩnh có thể là một sự sắp đặt, việc Dương Vân Nga tôn ông làm vua cũng có khi là ép buộc. Dù là thế nào thì tôi vẫn sẽ ở bên cạnh tỉ tỉ, bảo vệ chị ấy hết sức có thể. Ở nơi xa lạ đất khách quê người này, tôi chỉ có mỗi người chị Vân Nga thôi. Cho dù chị là vị Hoàng hậu cao cao tại thượng thì tình yêu của chị dành cho tiểu muội là không bao giờ giả tạo.

Lê Hoàn, hãy chờ đấy! Dám ức hiếp tỉ tỉ của bổn cô nương, ta sẽ cho ông biết tay!

[*] đoạn thơ ta vẻ đẹp Dương Vân Nga, nàng đi tới đâu là ở đó bừng bừng sức sống. (Hoàn Vương ca tích)

[1] Long Cổn: áo được trang trí cầu kì dệt hình rồng cuộn và là loại quý giá nhất trong hàng Long Bào

[2] Mũ Miện: Sách Chu Lễ viết về quy chế mũ Miện: "phía trên chụp kín đầu, đằng trước tròn, đằng sau vuông, phía trước sa xuống 4 tấc, đằng sau hớt lên 3 tấc (dài 1 thước 6 tấc, rộng 8 tấc)".

[3] Trần Thăng: em ruột sứ quân Trần Lãm – người đã trao nhường toàn bộ binh quyền Bố Hải Khẩu cho Đinh Bộ Lĩnh

[4] Lê Hoàn năm 968 khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi chỉ mới 27 tuổi. Vì đã kéo tuổi nhà vua xuống 2 năm nên cả Lê Hoàn cũng là 27 tuổi vào năm 970 khi gặp Dương Vân Nga.

—————————- ♫ ————————-

-Cho đến nay cái chết của Đinh Bộ Lĩnh vẫn còn nhiều nghi vấn. Các sử gia hiện đại đã có người cho rằng: Đinh Tiên Hoàng bị giết không phải do Đỗ Thích muốn đoạt ngôi mà có bàn tay của Lê Hoàng và Dương Vân Nga cấu kết.

-Những nhân vật được nhắc tới trong chương này: công chúa Minh Châu, Tăng Thông Ngô Chân Lưu, Trương Ma Ni, Huyền Quang,... là có thật nhưng không chú thích vì sẽ viết kĩ hơn ở phần sau

-Sự kiện phong chức phẩm cho quan lại triều Đinh kể trên thực chất diễn ra vào năm 971, lập Hậu năm 970 nhưng để đơn giản hóa, Hoa Ban để hai sự kiện chung một điểm thời gian.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top