KHUNG CỬA HẸP
Kẻ khác có thể đã viết nên một tập sách; nhưng câu chuyện tôi kể ra đây, tôi đã hồi tưởng lại bằng cả tâm hồn, vì thế hiệu năng tinh thần đã mòn mỏi. Vậy tôi sẽ viết lại những kỷ niệm nầy một cách rất đơn sơ : thảng hoặc câu chuyện có rách nát đôi lần, cũng là việc ngoài ý muốn. Bịa đặt, thêm thắt, để vá víu những kỷ niệm, tiếp nối những kỷ niệm lại với nhau làm gì. Sự cố gắng trau chuốt lại câu chuyện sẽ làm hỏng mất nỗi hân hoan cuối cùng mà tôi còn mong được tìm thấy trở lại lúc kể cho bạn nghe.
Năm tôi sắp mười hai tuổi thì cha tôi mất. Không còn gì giữ mẹ tôi ở lại Havre nữa, cha tôi đã từng là một y sĩ nơi đây. Mẹ tôi bèn quyết định đến Paris, ở thủ đô việc học của tôi sẽ được chu đáo hơn. Người mướn một gian nhà nhỏ, gần vườn Luxembourg.
Cô Ashburton cùng đến ở với chúng tôi. Cô Flora Ashburton, không gia đình, họ hàng, vốn từ xưa đến ở với gia đình tôi, ban đầu cô là cô giáo của mẹ tôi, rồi bạn của mẹ tôi, sau cùng hai người trở thành thân thiết. Tôi lớn lên bên cạnh hai người đàn bà dịu dàng cùng mang một vẻ buồn sầu như nhau, mà ngày nay tôi chỉ còn gặp lại trong kỷ niệm màu tang. Ngày nọ, có lẽ sau khi cha tôi mất khá lâu, mẹ tôi đổi miếng tang đen trên chiếc mũ của người, bằng một miếng vải tím nhạt.
Tôi ngạc nhiên : "Ồ, mẹ ạ ! Màu tím coi không hợp với mẹ tí nào cả".
Qua ngày hôm sau, mẹ tôi thay lại màu vải đen cũ.
Ngày nhỏ tôi ốm yếu luôn. Mẹ tôi và cô Ashburton, luôn luôn lo ngừa không cho tôi nhọc mệt, nếu không làm tôi trở thành một thằng lười, ấy quả thật vì tôi vốn ham thích làm việc. Khi trời chói chang bắt đầu vào hạ, cả hai người đàn bà cùng nghĩ rằng nên cho tôi từ giã đô thành, tôi đã quá xanh xao; thế là vào khoảng trung tuần tháng sáu, gia đình tôi thu xếp về miền Fongueusemare gần hải cảng Havre, cậu Bucolin sẽ đón tiếp chúng tôi tại đây hằng năm, khi trời bắt đầu vào hạ.
Trong một khu vườn không rộng, không đẹp lắm, không có gì đặc biệt hơn những khu vườn "normăng" (*) khác, ngôi nhà cậu tôi, màu trắng, hai tầng lầu, kiểu giống những ngôi nhà thôn dã thời trước. Vài chục cánh cửa sổ ở mặt vườn phía trước mở về hướng đông; phía sau cũng chừng ấy cánh; hai bên là vách cao. Những cửa sổ lắp bằng nhiều khuôn kính nhỏ hình vuông, một vài khuôn vừa thay mới, trông tươi thắm quá giữa những tấm cũ, nhạt màu. Đôi tấm xấu có bọt sủi, nhìn qua đó, thì cây bên ngoài xiêu vẹo cả thân... người phát thư đi ngang, thình lình như nổi bướu trên lưng.
Khu vườn hình chữ nhật, chung quanh là tường gạch. Đàng trước là một nội cỏ khá rộng, có bóng cây, lối đi trải sỏi, tường vôi được xây thấp xuống, nhìn qua thấy khu sân thôn trang bao quanh khu vườn; và một con đường đi giữa những hàng cây dẻ gai.
Khu vườn sau nhà có phần rộng rãi hơn. Lối đi đầy hoa nở bên những hàng cây trồng dựa vách tường nam. Hàng cây nguyệt quế rất dày che khuất gió biển về trên đó. Một lối khác, dọc theo tường bắc, mất hút trong cây lá rườm rà. Các cô em họ tôi gọi là "lối âm u". Vào lúc hoàng hôn, ít khi dám lang thang ra đấy. Hai lối đi cùng dẫn tới vườn rau, vườn rau tiếp khu vườn, và thấp hơn vài bệ gạch... Rồi bên kia bức tường cuối vườn rau - bức tường có chừa một cửa kín - là khu rừng nhỏ, hai con đường trồng dẻ gai dọc theo bờ chìm vào, mất hút bên trong. Từ bực thềm phía tây, nhìn qua khu rừng thấp, thấy lại dãy cao nguyên bát ngát và sườn đồi trồng ngũ cốc giăng giăng. Tại chân trời, xa xa, thoáng bóng ngôi nhà thờ của một thôn bản nhỏ. Những chiều về tĩnh mịch, đôi làn khói xám vươn lên.
Mỗi chiều hè, sau những buổi cơm tối, chúng tôi xuống chơi trong "vườn thấp". Chúng tôi lách qua cửa kín, tiến đến một cái ghế đá bên đường dẻ gai; ngồi đây có thể nhìn được cả xứ nầy; cậu tôi, mẹ tôi, và cô Ashburton ngồi xuống ghế đá, bên cạnh mái nhà tranh gần cái hầm đất vôi bỏ hoang đã lâu. Thung lũng nhỏ trước mặt, bàng bạc sương chiều. Nền trời vàng óng trên núi đồi xa xa... Chúng tôi vẫn còn dần dà mãi trong vườn... Trở vào nhà, nơi phòng khách, gặp lại mợ tôi; mợ tôi thường chả bao giờ cùng chúng tôi dạo vườn... Chúng tôi ở phòng riêng chong đèn đọc sách. Một lát khuya, chỉ còn tiếng chân mẹ, cậu, mợ, chậm rãi lên lầu về phòng riêng an giấc.
Ban ngày, không ở vườn, thì chúng tôi ở phòng văn của cậu tôi, có ghế bàn đầy đủ cho chúng tôi. Robert ngồi bên tôi, phía sau là Juliette và Alissa, Alissa lớn hơn tôi hai; Juliette nhỏ hơn tôi một; trong bốn đứa, Robert nhỏ nhất.
Tôi không kể lại nơi đây tất cả những kỷ niệm đầu tiên ngày nhỏ, tôi chỉ kể lại những kỷ niệm nào có liên hệ đến câu chuyện nầy thôi. Câu chuyện có thể nói là khởi đầu vào năm cha tôi mất. Có lẽ tình cảm tôi bị xáo trộn quá nhiều vì cái tang lớn, vì buồn riêng, vì nhìn thấy mẹ buồn, mà tâm hồn tôi dễ bị xúc động qua những niềm cảm mộ mới chăng ? Tuổi còn nhỏ, mà tôi đã sớm hiểu biết quá nhiều; và năm ấy, khi trở lại miền Fongueusemare, tôi thấy Robert và Juliette như càng nhỏ thêm ra, nhưng khi nhìn lại Alissa, đột nhiên tôi chợt hiểu rằng cả hai chúng tôi không còn trẻ con nữa.
Vâng, chính là vào năm cha tôi mất. Điều giúp tôi tin chắc ký ức mình không nhầm lẫn ấy là một mẩu chuyện, một vài lời đối đáp giữa mẹ tôi và cô Ashburton, sau khi chúng tôi tới nhà cậu. Tôi vào phòng riêng giữa lúc mẹ tôi đang nói chuyện với cô Ashburton; hai người đương nói về mợ tôi. Mẹ tôi tức giận tại sao mợ tôi không giữ tang phục, sao lại đoạn tang quá sớm (Riêng với tôi, thì không thể nào tôi hình dung được mợ Bucolin vận tang phục đen, cũng như không thể nào hình dung mẹ tôi vận đồ tươi thắm được). Ngày chúng tôi đến, tôi nhớ rõ là mợ Lucile Bucolin mặc một chiếc áo hàng mỏng rất thưa. Cô Ashburton, tính ưa hòa giải, gắng làm dịu lòng mẹ tôi; bà e dè nói :
- Kể ra màu trắng cũng là màu tang.
Mẹ tôi tức giận nói :
- Thế thì cái khăn quàng vai đỏ rực của nàng, chị cũng gọi là "màu tang" nữa chắc ?
Flora ! Chị làm tôi tức lắm !
Tôi chỉ gặp mợ tôi vào những ngày nghỉ học, chắc hẳn sự oi bức của mùa hè khiến mợ phải mặc hàng thưa, và chính lối ăn vận trống hở ấy càng làm mẹ tôi tức và khó chịu hơn là màu thắm của chiếc khăn quàng.
Lucile Bucolin rất đẹp. Một tấm ảnh của mợ, tôi còn giữ, gương mặt giống nguyên như thuở ấy, có vẻ trẻ đến nỗi ta có thể lầm tưởng mợ là chị cả của hai người con gái, chứ không phải là mẹ. Ảnh chụp Lucile ngồi trong dáng dấp quen thuộc : đầu tì trên tay trái, ngón út mềm mại gập về làn môi. Một chiếc lưới giữ mái tóc cong dầy xõa xuống gáy; một chiếc médaillon (**) khảm lối Ý, thõng buông từ chiếc vòng cổ lỏng bằng nhung đen, chỗ hở của áo cánh. Vòng cổ nhung đen, thắt "nơ" lỏng, chiếc nón rạ rộng vành, mềm dịu, càng làm cho vẻ mặt nàng thơ dại thêm ra. Bàn tay phải, buông xuôi, cầm một tập sách.
Lucile Bucolin vốn sinh ở thuộc địa và mồ côi rất sớm. Sau nầy mẹ tôi cho biết rằng thuở nhỏ Lucile bơ vơ, côi cút, được gia đình mục sư Vautier đem về nuôi. Thuở ấy, mục sư chưa có con, rồi sau nầy, khi rời xứ Martinique, vị mục sư đem nàng về Havre cùng với gia đình. Thế rồi hai gia đình Vautier và Bucolin giao thiệp nhau; cậu tôi thuở ấy đương là một thuộc viên cho một nhà băng ở ngoại quốc, và ba năm sau, khi trở về gia đình, cậu mới gặp Lucile. Cậu yêu ngay, và liền hỏi nàng làm vợ. Điều đó làm cho ông bà và mẹ tôi buồn phiền. Lucile mới mười sáu tuổi. Trong khoảng thời gian đó, bà Vautier hạ sinh được hai con, và bắt đầu lo sợ cho con mình trước cái ảnh hưởng của người chị nuôi, mà tính khí càng ngày càng tỏ ra kỳ quặc. Hơn nữa, của cải vị mục sư cũng chẳng có mấy. Tất cả những điều nầy, mẹ tôi kể lại để cho tôi biết rằng gia đình vị mục sư hân hoan biết mấy trước lời cầu hôn của cậu tôi. Điều tôi đoán biết là cô Lucile đã bắt đầu làm cho ông bà Vautier bối rối. Tôi cũng hiểu rõ đô thị Havre, để có thể tưởng tượng được thái độ của người ta đối với cô gái đầy quyến rũ ấy. Mục sư Vautier (sau nầy tôi được biết), vốn tính cẩn trọng, ôn hòa chơn chất, vốn không phương thế đối phó với những sự rối rắm, với những việc dữ - hẳn mục sư thấy bối rối mà không biết làm sao. Còn bà Vautier, thì tôi không rõ; bà mất đi lúc sinh hạ người con thứ tư, người đó sau nầy sẽ là bạn của tôi.
*
* *
Lucile Bucolin ít khi tham dự vào nếp sống của chúng tôi; nàng ở phòng riêng, chỉ xuống sau buổi cơm trưa; nằm trên một chiếc tràng kỷ, hay trong một chiếc võng đong đưa, nằm mãi cho đến chiều, mới uể oải đứng lên. Đôi lúc nàng đưa khăn lên trán như để lau mồ hôi, chiếc khăn rất mịn, phảng phất mùi hương của một loại quả hơn là hương của một loại hoa, đôi khi nàng lấy trong dải lưng ra một cái gương bé tí có nắp bạc, cột chung với chiếc đồng hồ trái quít và vài vật nhỏ; nàng soi gương, đưa ngón tay sờ môi, lấy tí nước bọt thoa lên cuối mắt. Nàng hay cầm một quyển sách, gấp lại luôn, trong tập sách một miếng ngà đánh dấu chỗ đương xem, ngăn giữa những trang giấy. Đôi mắt mơ màng của nàng chả khi nào rời mộng để nhìn một ai. Có lúc, từ bàn tay uể oải, hoặc từ thành dựa của chiếc tràng kỷ, hoặc từ nếp jupe, chiếc mùi xoa của nàng chợt rơi xuống đất, hoặc quyển sách, hoặc một đóa hoa, hay mảnh ngà trong tập sách. Một ngày nọ, nhặt tập sách lên - đây là một kỷ niệm thuở nhỏ, tôi kể lại bạn nghe - tôi đỏ mặt khi thấy đó là một tập thơ.
Sau buổi cơm chiều, tối lại, Lucile Bucolin không lại bàn ngồi cùng chúng tôi, lặng lẽ đến bên dương cầm, thung dung đánh những bản Mazurkas (***) chậm rãi của Chopin, đôi lúc dứt bỏ nhịp đàn, nàng dừng lại trên một hài âm...
Tôi luôn luôn cảm thấy một sự khó chịu dị thường khi đứng gần người mợ tôi, một niềm gì xen lẫn, như bối rối, như hoang mang, vừa ngợi khen, vừa sợ hãi. Một bản năng sâu kín như bảo tôi phải e dè. Tôi cảm thấy hình như nàng khinh thường Miss Ashburton, khi dể mẹ tôi, và Miss Ashburton như sợ nàng, còn mẹ tôi không ưa gì nàng lắm. Lucile Bucolin ạ, tôi muốn không giận nàng nữa, tôi muốn trong giây lát tạm quên rằng người đã gây quá nhiều tai họa... dù sao tôi cũng sẽ cố gắng điềm tĩnh nói về người, không giữ niềm oán hận chi.
Ngày hè năm ấy - hay là của năm sau, tôi không nhớ rõ, vì trong khung cảnh mãi mãi giống nhau, đôi khi những kỷ niệm của tôi chan hòa nhau lộn xộn - ngày nọ tôi vào sa-lông tìm một quyển sách, Lucile ở trong phòng. Tôi định quay ra ngay; thường ngày nàng chẳng bao giờ nhìn thấy tôi, bỗng nhiên nàng gọi :
- Jérôme, sao lại vội ra ngay thế ! Tôi làm cháu sợ phải không ?
Tôi hồi hộp tiến lại gần nàng, gắng mỉm cười, đưa tay cho nàng bắt. Nàng nắm giữ tay tôi, và vuốt má tôi :
- Sao mẹ cháu lại cho ăn mặc tệ thế nầy ? Tội nghiệp !
Đó là một chiếc áo va-rơ cổ lớn, và mợ tôi bắt đầu vò nhàu nát cả.
- "Cổ va-rơ lính thủy mặc hở hơn kia ! Nàng làm sổ tung một chiếc cúc áo - "Nào, cháu xem có phải như thế nầy trông đẹp hơn không ?". Và nàng lấy chiếc gương nhỏ ra, kéo khuôn mặt tôi sát lại mặt nàng, đưa cánh tay trần quàng qua cổ tôi, đưa tay thò vào phía trong áo sơ mi trắng, vừa cười vừa hỏi tôi có thấy nhột không, đi xa hơn nữa... Tôi hốt hoảng lên... Chiếc áo va-rơ rách toang cả; tôi đỏ mặt tía tai bỏ chạy trốn, trong khi nàng rủa :
- Ồ ! Ngu xuẩn thế là cùng !
Tôi chạy đến cuối vườn; lấy mù- xoa nhúng vào bể nước mưa, đưa lên lau trán, chà xát mặt, má, cổ, tất cả mọi nơi mà người đàn bà quái gở ấy đã sờ mó.
Có đôi ngày, Lucile Bucolin "trở chứng". Cơn bệnh phát thình lình, thế là cả nhà nhộn cả lên. Cô Ashburton vội đem bọn trẻ con đi chăm giữ chúng; nhưng không thể nào làm át được những tiếng kêu ghê sợ từ sa-lông hoặc phòng ngủ vẳng ra. Cậu tôi cuống lên, chạy khắp hành lang, tìm khăn lau, tìm eau de cologne, tìm e-the; buổi cơm tối, không có mặt mợ, trông cậu tôi già đi và lo âu vô hạn.
Khi cơn trở chứng tạm qua, Lucile Bucolin gọi các con lại bên mình, Robert và Juliette. Không bao giờ kêu Alissa. Những ngày u ám ấy, Alissa đóng kín cửa phòng, và đôi khi cậu tôi đến với con; cậu hay nói chuyện với Alissa lắm.
Những cơn bệnh của mợ tôi kích động bọn gia nhân rất nhiều. Một buổi chiều nọ cơn chứng phát lên mãnh liệt khác thường; khi tôi cùng mẹ tôi ở trong phòng, nơi đây người ta ít nghe những chuyện xảy ra ở sa-lông, chúng tôi bỗng nghe chị bếp chạy trong hành lang kêu rối rít :
- Mời ông xuống gấp, bà chết đến nơi !
Cậu tôi đương ở trên phòng Alissa; mẹ tôi cũng đổ xô ra khi cậu tôi xuống. Mười lăm phút sau, hai người đi ngang trở qua cửa sổ mở mà không để ý gì, tôi nghe rõ giọng mẹ tôi :
- Cậu có muốn nghe tôi nói thật không : tất cả đều là đóng trò đấy thôi, cậu nhé - Và nhiều lần, mẹ tôi nhấn mạnh từng lời : đóng-trò-cả-đấy-thôi.
Việc nầy xảy ra khoảng cuối hè, đúng hai năm sau cái tang lớn của tôi. Tôi sẽ không gặp lại mợ tôi một thời gian lâu lắm, nhưng trước khi nói đến biến cố đau buồn xảy đến làm đảo lộn gia đình, và một chút chuyện nhỏ xảy ra không bao lâu trước lúc chung cục đã làm cho niềm phức tạp mơ hồ của tôi đối với Lucile Bucolin trở thành sự oán ghét hoàn toàn - tôi tưởng đã đến lúc phải nói nhiều về cô em họ của tôi.
Alissa Bucolin thật là xinh đẹp, đó là điều thuở ấy tôi chưa biết nhận ra; tôi thấy quyến luyến nàng là do một cái duyên mặn mà nào khác hơn là vì sắc đẹp. Alissa rất giống mẹ; nhưng đôi mắt của nàng có một vẻ nhìn khác hẳn, khác nhiều lắm, cho đến nỗi tôi có nhận ra nàng giống mẹ, là chỉ sau nầy thôi. Tôi không thể tả một gương mặt; bảo tả cho rõ những nét đặc biệt nào của một gương mặt thì tôi xin chịu. Cả đến màu sắc của những đôi mắt cũng thế. Ngày nay nói đến gương mặt nàng thì tôi chỉ hình dung được nụ cười đã sớm mang vẻ buồn sầu trên đôi môi, và hai đường lông mày lá liễu cong vòng cao dị thường trên đôi mắt. Tôi chưa nhìn thấy những đôi mắt như thế bao giờ. Ồ, mà có chứ : trên một chiếc tượng Ý nhỏ thuộc thời đại Dante; và thế là tôi tin rằng chắc hẳn Béatrix thuở bé cũng có những đôi mày cong vòng cao như thế. Và do đó, cái nhìn của nàng có vẻ vừa như hỏi han, vừa như băn khoăn, vừa như tin cậy, một vẻ đợi chờ thắc mắc chất vấn thiết tha. Tôi sẽ có dịp nói cho bạn rõ vì sao cái nhìn ấy sau nầy sẽ chiếm cứ trọn cuộc đời tôi.
Juliette có lẽ đẹp hơn chị; sự vui tươi, khỏe mạnh làm sáng ngời sắc đẹp của nàng; nhưng bên cạnh cái duyên mặn mà của Alissa, thì sắc đẹp cô em có vẻ thiếu phần kín đáo, như phơi mở hết ra ngoài. Còn chú em Robert, thì chả có gì đặc biệt. Đấy là một chú bé gần cùng tuổi tôi. Tôi chơi đùa với Juliette và Robert; với Alissa, tôi trò chuyện; nàng chẳng bao giờ tham dự những cuộc chơi của chúng tôi; dù lùi về xa bao nhiêu trong quá khứ, tôi vẫn nhìn thấy một gương mặt đoan trang, dịu dàng mỉm cười trầm mặc. Chúng tôi nói những chuyện gì ? Hai đứa trẻ con có thể trò chuyện những gì ? Tôi sẽ cố gắng thuật lại, mà trước hết, tôi muốn trở lại câu chuyện mợ tôi một lần nữa cho xong, để từ nay khỏi phải còn bận tâm đến nữa.
Hai năm sau ngày cha tôi mất, tôi cùng mẹ trở về Havre trong dịp lễ Phục sinh. Hai mẹ con không trọ nhà cậu Bucolin, vì nhà ở phố vốn không rộng rãi gì mấy, mà trọ nhà một người chị của mẹ tôi, ở đây nhà cửa, vườn tược rộng rãi hơn. Dì Plantier ít khi tôi gặp; dì góa bụa từ lâu; những người con của dì, tôi không quen biết mấy, họ lớn tuổi hơn tôi nhiều, tính tình cũng khác. Nhà dì Plantier không ở hẳn trong đô thành, mà ở lưng chừng một ngọn đồi khá cao, nơi đây nhìn khắp được đô thị. Cậu Bucolin thì lại ở gần khu náo nhiệt; đi từ nhà cậu sang nhà dì phải theo một con đường dốc; cứ thế mỗi ngày nhiều bận tôi lại leo xuống, leo lên.
Hôm đó, ăn trưa tại nhà cậu xong, tôi đưa cậu đến sở rồi trở về nhà dì Plantier tìm mẹ, thì mẹ cùng dì có việc phải đi, đến tối mới về. Tôi lại xuống phố. Ít khi tôi được đi chơi tự do một mình. Tôi ra bến tàu, lúc bấy giờ sương mù giăng khắp. Cảnh vật hắt hiu buồn. Tôi lang thang một vài giờ trên những bờ ke. Bỗng nhiên tôi nảy ra ý muốn đột ngột trở về nhà cậu làm cho Alissa ngạc nhiên chơi... Tôi chạy bay qua phố, đến nhà, tôi vụt lên cầu thang. Người vú mở cửa, cản đường tôi, rối rít bảo :
- Đừng lên, đừng lên, cậu Jérôme ạ ! Đừng lên : bà đương trở chứng.
Nhưng tôi có kể gì. Tôi có đến tìm mợ đâu.
Phòng Alissa ở tầng thứ ba. Tầng thứ nhất là sa-lông và phòng ăn, tầng thứ nhì là phòng của mợ tôi, phát ra nhiều giọng nói. Cửa phòng mở, ánh sáng chiếu ra; làm sao băng ngang qua bây giờ, lỡ người ta thấy... Tôi lưỡng lự giây lát, lẩn mình vào tường, và sững sờ nhìn thấy một cảnh tượng : giữa phòng có màn rủ xuống, có hai ngọn bạch lạp gieo ánh sáng tươi vui, mợ tôi nằm trên chiếc trường kỷ; dưới chân là Robert và Juliette; phía sau mợ tôi, có một người con trai lạ mặt vận quân phục cấp trung úy. Ngày nay nghĩ lại, tôi thấy sự có mặt Juliette và Robert trong gian phòng lúc ấy là một điều quái gở; nhưng thuở đó còn ngây thơ, lại lấy thế làm an lòng. Chúng vừa cười vừa nhìn người lạ mặt. Hắn lấy giọng du dương nắn nót :
- Bucolin ! Bucolin !... Nếu tôi có một con cừu, ắt là tôi sẽ gọi nó bằng cái tên Bucolin.
Cả mợ tôi cũng cười rộ lên. Bà đưa một điếu thuốc, hắn bật diêm châm rồi đưa cho nàng hít vài hơi. Điếu thuốc rơi xuống đất. Hắn với tay nhặt lên, làm bộ vướng chân té xuống, quỳ gối trước mặt mợ tôi... Nhờ cái trò lố bịch ấy, tôi băng mình qua không ai hay biết.
Tôi đã đến trước cửa phòng Alissa. Tôi dừng lại. Chờ giây lát. Tiếng cười nói vẫn còn vẳng lên tự tầng lầu dưới; có lẽ vì thế tiếng gõ cửa của tôi bị át đi, không nghe được lời đáp. Tôi đẩy cửa bước vào. Gian phòng quá tối, nên tôi không nhận thấy ngay Alissa đương quỳ trên đầu giường, quay lưng về phía cửa. Nàng ngoảnh mặt lại, nhưng vẫn không đứng lên, khi tôi đến gần; nàng âm thầm hỏi nhỏ :
- Ồ, Jérôme anh còn trở lại làm gì ?
Tôi cúi xuống hôn nàng; gương mặt Alissa nhòa cả lệ.
Giây phút ấy định đoạt hết cả đời tôi; ngày nay nhớ lại, tôi còn thảng thốt, bàng hoàng. Thuở ấy tôi đâu hiểu hết được nguyên do nỗi thống khổ của Alissa, nhưng tôi cảm thấy xót xa rằng nỗi đau đớn ấy quá mãnh liệt đối với nàng, một tâm hồn hồi hộp hoang mang, một tấm thân yếu đuối đương run rẩy trước cuộc đời.
Tôi vẫn đứng yên. Alissa vẫn quỳ mãi.
Tôi không thể nói cho nàng hay nỗi rung động của lòng mình khi đó; tôi ôm đầu nàng nép vào ngực tôi, và đặt môi mình lên trán đó. Lòng ngập yêu thương, tôi kêu gọi Thượng Đế chứng tri cho lòng tôi và xin nguyện đem phụng dâng hồn phách, không còn biết đời mình có mục đích nào khác hơn là che chở người em gái trước cuộc đời tàn ác, xấu xa. Tôi quỳ xuống nguyện cầu, bàng hoàng nghe nàng nói :
- Jérôme ! Người ta không thấy anh lên chứ phải không ? Thôi anh đi đi ! Làm sao đừng để cho ai trông thấy anh nhé. Rồi thấp giọng hơn :
- Jérôme, đừng kể lại cho ai nghe hết. Ba em không hay biết gì đâu.
Tôi nghe lời nàng. Tôi không kể lại cho mẹ tôi; nhưng những lời thì thầm bàn tán liên miên giữa dì Plantier và mẹ tôi, vẻ bí mật, lo âu, đau buồn của hai người, và câu "Con ơi đi chơi chỗ khác", mỗi lần tôi tiến lại gần, tất cả cho thấy rằng hai bà không phải hoàn toàn không hay biết gì về sự bí ẩn trong gia đình cậu tôi.
Chúng tôi vừa trở lại Paris, thì một bức điện tín gọi mẹ tôi về lại Havre gấp : mợ Bucolin đã bỏ trốn đi !
- "Trốn đi với một người nào, phải không ?"
Tôi hỏi Miss Ashburton .
- Cậu ạ, cậu sẽ hỏi điều ấy với má cậu; riêng tôi, không thể nói gì cho cậu được; bà buồn rầu trả lời, và chính bà cũng kinh ngạc khi nghe được tin trên.
Hai ngày sau, cô và tôi cùng trở lại Havre vào một ngày thứ bảy. Tôi sẽ gặp lại hai cô em thân mến ở nhà thờ, chỉ một điều ấy thôi là xui tâm trí tôi náo nức. Tôi không bận tâm mấy tí về việc mợ tôi bỏ đi, và quyết không hỏi gì mẹ tôi cả.
Trong ngôi nhà thờ nhỏ sáng hôm ấy, người đi xem lễ lưa thưa. Mục sư Vautier, như có dụng ý, đem những lời sau của Chúa Jésus ra giảng : con hãy cố gắng bước vào, qua khung cửa hẹp.
Alissa ngồi trước, cách vài hàng ghế. Tôi nhìn nàng chăm chăm. Tôi quên hết trời đất, tôi quên hết thân mình, cho đến nỗi những lời mục sư nói, và tôi thiết tha nghe, tưởng chừng như xuyên qua hình hài thịt xương Alissa mà vọng tới.
Mục sư đọc trọn cả đoạn thánh kinh : "Con hãy gắng tiến vào, qua khung cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến nơi tai họa, đễn chỗ trầm luân, có biết bao kẻ đã đi qua rồi, nhưng nhỏ hẹp mới là khung cửa, là con đường dẫn tới Đời Sống, và rất ít kẻ tìm ra". Rồi xác định những đoạn mục của vấn đề, ban đầu mục sư nói đến con đường thênh thang... Tinh thần như chìm trong cơn mộng, tôi hình dung căn phòng của mợ tôi; tôi thấy lại trong tâm trí, mợ tôi nằm dài, cợt cười với người trai trẻ lạ mặt. Chàng ta cũng cười. Và từ đó, ý niệm về tiếng cười, về niềm vui thôi, cũng đã trở thành khó chịu, như có gì xúc phạm tai hại tổn thương, như đó là vô độ tràn bờ của tội lỗi.
"Có biết bao kẻ đã đi qua", vị mục sư lặp lại; đoạn ông mô tả, trong khi tôi như thấy số người đông đảo xa hoa, lòe loẹt, đú đởn, kẻ trước người sau dập dìu tiến thành một đoàn dài liên tiếp, và tôi thấy mình không thể, mình không muốn xen vào với họ mà đi, mỗi bước đi cùng họ sẽ làm tôi cách biệt Alissa lần lần. Rồi vị mục sư trở lại câu đầu của đoạn Thánh kinh. Tôi thấy khung cửa hẹp như hiển hiện trước mắt mình. Trong cơn mộng tê mê, tôi hình dung nó như một thứ máy dát kim loại, mà tôi phải cố gắng lách mình qua với nỗi đau đớn dị thường, chan hòa một niềm vui vô hạn vì tiên cảm sự toàn phúc ở Thiên đường cực lạc mai sau. Thế rồi cái khung cửa hẹp lại trở thành chính khung cửa phòng Alissa; muốn đi vào, tôi phải thu mình lại, trút bỏ hết mọi niềm vị kỷ, cá nhân... "Vì chưng, nhỏ hẹp mới chính là đường dẫn tới Nguồn Sống", vị mục sư vẫn tiếp tục giảng, và tôi thấy ở phía bên kia bao nhiêu khổ hạnh, bao nhiêu đau buồn, còn một niềm vui khác, thuần túy, siêu nhiên, mà cả linh hồn tôi đương bắt đầu chờ mong, khát vọng. Niềm vui ấy như một giọng đàn vừa gắt gay vừa êm dịu, như một ngọn lửa thiêu đốt buồng tim của Alissa và của tôi. Chúng tôi tiến lên vận toàn y phục trắng như lời thiên mặc thị trong Thánh kinh, chúng tôi nắm tay nhau cùng đăm đăm nhìn một đích... Nếu những mộng tưởng đầu tiên ấy có làm bạn buồn cười thì cũng được. Tôi vẫn xin kể lại như thường, không muốn thêm bớt gì cả. Nghe có lẽ mơ hồ hỗn độn, ấy chỉ bởi ngôn từ và hình ảnh không đủ sức phô diễn một xúc cảm xác thực, thiết tha.
- "Và rất ít kẻ tìm ra", vị mục sư kết luận. Ông giải thích kỹ phải làm sao để tìm ra khung cửa hẹp... Rất ít kẻ. Tôi sẽ là một trong những kẻ ấy...
Sau bài thuyết giáo, tâm hồn tôi bị kích thích đến độ nào mà lúc giáo lễ vừa xong tôi chạy biến đi, không muốn gặp Alissa, vì kiêu hãnh, muốn thi hành ngay những điều quyết định (tôi đã quyết định rồi), và nghĩ rằng mình sẽ xứng đáng với nàng hơn nếu biết xa nàng ngay lúc ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top