Chương 4: Vùng đất Tổ
Hai võng mạc nhỏ bé của Âu Kiêu tràn ngập hình ảnh choáng ngợp của căn phòng khổng lồ. Chín trượng chín thước, vừa đủ để đặt một bức tượng vào trong. Giếng trời rộng, những tia nắng chói chang, rực rỡ thắp sáng cả căn phòng đầy những màu đỏ, vàng, xanh sặc sỡ. Những họa tiết hoa, sóng nước, dương xỉ xếp thành những hàng song song trên các bức tường đỏ đồ sộ và mái vòm khổng lồ. Tấm thảm đỏ Âu Kiêu và Bách Sá đang đứng được trang trí bằng hình một cái cây trọi lá. Ngược lại với nó, nổi bật trên những lá cờ treo dọc sáu cây cột chống đỡ căn phòng là hình cây đa vàng xum xuê. Ở cuối điện là một bậc cao có cầu thang đi lên dẫn tới mộc bục có ba ngai. Ngai ở giữa to và cao hơn cả. Những người mặc giáp đồng thủ ở hai bên căn phòng nâng giáo lên khi phù thủy và kẻ lạ mặt xuất hiện từ hư không.
"Dừng!" Một chữ dứt khoát, ngắn gọn vang vọng khắp căn phòng. Tiếng ấy mặc dù rất ấm và êm những khiến người ta giật mình bởi nội lực đặt vào đó. Một giọng nói trẻ trung, nhưng lại thấm đượm sự tự tin. Người đàn ông trên ngai cao nhất đứng lên, anh ta dang hay tay ra và bước xuống.
"Bách Sá, con sóng nào đem ngươi đến đây?"
Đương khi người đàn ông đi xuống, Âu Kiêu cảm nhận thấy từng bước nhanh nhẹn. Một người đàn ông tóc đen mượt, đầu đội mũ lông chim hạc màu đỏ, người diện lối tả nhậm áo lông hổ vàng, đeo trên cổ những chuỗi hạt ngọc trai trắng tinh. Quả thực là một quân vương quyền lực và tự tin.
"Ôi vua Tụ Pán xứ Âu Liên (甌联), Kẻ khôn ngoan thành Bàn Phủ (蟠府)! Không ngờ Tảng Đá lại đem chúng tôi tới đây."
Bách Sá mừng rỡ ra mặt, lão chực quỳ xuống như đáp lễ với vị vua trẻ của Âu Liên nhưng cái đỡ của Tụ Pán lại kéo lão vào mà ôm chầm lấy vui sướng, hoan hỉ. "Đã rất lâu rồi Bách Sá tiên sinh; đã rất lâu rồi con mới được gặp lại thầy."
"Ta vui mừng vì được gặp lại trò. Quả thực cuộc đời đã tạc nên con người con, quá đỗi ưu tú, thực sự ưu việt! Nhưng ta có chuyện gấp phải thông báo với con. Đây là Âu Kiêu, Quan Lang Lạc Thị."
Anh ta nhìn Âu Kiêu, nụ cười trên môi anh ta tắt lịm.
"Ta đã nghe về Lạc Thị, chuyện của hai năm về trước." Anh ta dơ tay ra hiệu quân lính lui vào, "Khi thành Bàn Phủ biết tin lũ man di Taipasak tấn công Lạc Thị, ta lập tức cho sứ giả qua Chiêm Xích (占赤) hỏi thăm nhưng không một ai có thông tin gì về Bồng Vang gia và tàn dư của họ. Điệt và Quan Lang đã phiêu dạt về phương nao?"
Những cử chỉ thân mật giữa Bách Sá và Tụ Pán khiến Âu Kiêu nảy sinh nhiều thắc mắc. Giữa hai đất nước chắc chắn có mối liên kết nào đó mà thằng bé chưa kịp biết. Nó một mặt nôn nóng được hỏi, một mặt lại thuận theo Bách Sá mà hành xử. Lão đặt tay lên vai thằng bé rồi nắm chặt lấy không rời.
"Chúng ta lui về Phồn Chân, vương quốc của những kẻ đi biển. Potapadesa có lẽ là nơi thích hợp nhất để trốn một kẻ chỉ trực nhắm vào Đồng Bào. Ta chỉ sợ liên lụy đến anh em mà khiến dân đen bỏ mạng oan uổng."
Tụ Pán thở buồn. "Các vị thần có bao giờ để một Kurungir yên bình mà hưởng thụ cuộc sống tự do." Nhìn lên giếng trời, anh ta đăm chiêu, hai cánh tay đan lại vào nhau, khiến những cơ bắp rắn chắc hiện ra, khi nổi lên, lúc chìm xuống theo từng cử chỉ. Làn da anh ta như đồng thau, những con ruồi trâu khỏe nhất cũng khó lòng xuyên thủng được. Đôi mắt sắc lẹm như phóng ra những mũi tên rẽ ngang không khí và sẵn sàng đâm thủng bụng những kẻ nói năng xằng bậy và toan tính mưu mô. Âu Kiêu trông Tụ Pán mà ngưỡng mộ. Có lẽ nó sẽ trở thành một thanh niên như vậy khi lớn lên, một Quân Vương sắc sảo như chim ưng và dũng mãnh như hùm.
"Thật may mắn làm sao, Tảng Đá Đen xuất hiện đúng lúc chúng ta cần nó nhất." Tụ Pán cười tươi để lộ hàm răng đen bóng chắc khỏe, "Chắc Quan Lang và Bách Sá đây đã mệt rồi, hãy đi theo nữ tỳ kia đến nơi đặt lưng."
Những hành lang cổ đại, tràn ngập ánh nắng và gió làm nổi bật những bức tranh tường. Những tranh người chọi gà, vật trâu, và cả Sjokchei lúc lên Trời nữa. Sjokchei là người nước Âu Liên, Thánh núi Sjok, Thánh nước Âu, đứa con của Thần, cha của Trời Đất, với một người trần mắt thịt. Ngài cũng là một á thần giống như y. Âu Kiêu không biết tường tận cuộc đời sử thi của cố nhân, thế nhưng nó biết rằng nhân sinh ngắn ngủi khiến Ngài không được sống ủy mị như người thường. Có khi nào Sjokchei rất muốn nói lời thương với mẫu thân nhưng không thể? Có khi nào Ngài muốn chăm sóc cho mẹ già đến cuối đời? Thằng bé chỉ thắc mắc trong đầu mà không dám nói ra. Mặc dù vậy, nó vẫn muốn nói gì đó để phá tan sự tẻ nhạt lặng yên lúc chiều tà trên hành lang ngoằn nghèo của thành Bàn Phủ.
"Điệt kể cho con về những Tảng Đá Đen được không?"
"À, chúng là những tảng đá của ông nội con." Mắt Bách Sá sáng lên như sao trời.
"Ngài Lạc Tục sao điệt?"
"Phải, phải. Nhưng trước hết ta sẽ kể cho con nghe câu chuyện còn xa xưa hơn những tảng đá đó kia. Một câu chuyện tưởng chừng như hoang đường với một người chẳng bao giờ tin vào thần thánh, bất khả thi với kể cả kẻ luôn phục tùng họ, một câu chuyện xưa hơn cả những ngọn núi già nhất, sâu trong đường hầm thời gian hơn bất cứ một vùng đất nào, già đến nỗi nó trở thành truyền thuyết, trở thành huyền thoại. Con, có muốn nghe không?"
Âu Kiêu hiếu kỳ gật đầu trong im lặng. Kẻ nữ tỳ cũng thích thú mong đợi.
"Ngày trước Bloi có xuống làm vua đất này để dạy loài người cách làm ăn sinh sống. Ngài sinh ra ba người con trai là Luật Lai (嵂騋), Lạc Tục (雒續) và Luật Long (嵂朧). Lạc Tục, gặp con gái của thần hồ Bontiena xứ Âu Liên mà sinh yêu mến, có ý muốn ở lại lâu dài. Lạc Tục lấy cớ rằng, sở dĩ vùng này đất rộng, phía Nam có dãy Khaupha (Sừng Trời) che chở, phía Tây Bắc có Panpổl (Thằn Lằn), lại có sông Daisjong màu mỡ chảy qua nên xin Bloi cho đóng đô ở đây. Bloi lấy dãy Tedin và sông Đại Giang làm cơ sở, lấy đất Bắc trao cho Luật Lai, gọi là nước Xích Nghiên (赤妍), lấy đất Nam trao cho Lạc Tục, gọi là nước Xích Thuấn.
"Sau thiên uyên niên tại vị, Lạc Tục vi hành khắp nơi trong thiên hạ, từ các xứ giáp Biển Đông, đến cả các xứ màu mỡ ở phương Nam. Lạc Tục đã dựng nên một hệ thống các Tảng Đá Đen làm cổng tẩu thoát cho bất cứ người con nào của Ngài cần trợ giúp."
Lão tiếp tục: "Lạc Tục và con gái thần hồ Bontiena là Mrongdae sinh hạ hai người con trai. Con cả là Lãm Sát." Bách Sá nhìn về phía thằng bé " Người con thứ là Dương Tục. Cha con đã nhường ngôi báu cho người em trai để chu du thiên hạ. Và Âu Kiêu của ta có biết không, Dương Tục chính là tổ tiên nhiều đời của Tụ Pán thành Bàn Phủ này. Nên kể ra, con và hắn chính là máu thịt của nhau đó."
Không biết từ lúc nào thằng bé đã đứng trước cửa phòng mình. Nó không để ý thấy căn phòng có cửa sổ hướng ra sông Daisjong sáng sủa và mát mẻ ra sao. Nó bị cuốn thật sâu vào câu chuyện của Bách Sá. Mrong-kurung đã sống lâu như vậy rồi sao? Còn y, một nửa dòng máu của y là thuộc về các vị thần trên trời cao ư? Y có quyền được tự hào về bản thân. Y mỉm cười và đắm mình vào những suy tưởng và giọng nói của Bách Sá.
"Còn Luật Long thì sao hở điệt? Ngài ấy có được phân cho một xứ riêng để cai trị không?"
Bách Sá nghiêm mặt, nhưng không kịp để Âu Kiêu để ý. Căn phòng lặng đi trong phút chốc, chỉ còn tiếng chim hót ngoài cửa sổ và tiếng lá cây xào xạc chơi đùa với gió. Lão già nhìn trân trối vào bức tường khoe mẽ của căn phòng nghĩ về thần linh và con người, sự bất tử và cái chết. Lão đã quên mất Luật Long, người con út mờ nhạt. Cái tên ấy khiến lão phút chốc cảm nhận được ớn lạnh chạy dọc sống lưng; lão đã nhận ra được điều gì đó.
"Điệt ổn không?"
Lão giật mình quay sang Âu Kiêu rồi nhìn nó chằm chằm.
"Hình như điệt hơi mệt rồi phỏng? Con nghĩ điệt nên vung tay mà mang ít nước sông Daisjong lên rửa mặt cho tỉnh."
Lão cười, "Ta có thể điều khiển bất kỳ chất lỏng nào, kể cả máu đấy."
Thằng bé lăn quay xuống giường cười khà khà. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong nhiều năm nó được nghỉ ngơi trên một chiếc giường êm, trong một căn nhà đúng nghĩa và được cười đùa thoải mái như hiện tại. Lúc ấy, trông nó rực rỡ như ngôi sao sáng nhất bầu trời mùa Đông: Xích Thuấn.
10. Cây đa vàng: Chính là cây Câl mà Klaung trồng bên sông Daisjong được nhắc tới trong lời tiên tri.
11. Bon hay bưng là vùng đất bị ngập, tiena là tiên. Bontiena là Hồ của Tiên.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top