Cậu đan cô lỡ - plot
Tên nhân vật: Hạ Truân Kiệt (Dư ? Kiệt) - Ngũ Điều Ngộ (đợi chế tên sau - tên giả Ngô Quản Huyền).
Bối cảnh: Giả tưởng (Triều Nguyễn nhưng kinh đô ở Thăng Long (Đông Kinh), triều đình không phải nhà Nguyễn, chỉ lấy ý tưởng).
Thể loại hát xướng được dùng trong truyện là ca hạc (tự bịa, lấy ý tưởng từ hát ả đào).
Giới thiệu qua về thể loại này. Kết hợp hát theo lối kể chuyện, thêm nhạc cụ và hát thơ. Người hát bao gồm cả nam và nữ. Nam được gọi là cậu đan, nữ được gọi là cô lỡ. Những kép hát, ca nương nổi tiếng sẽ được người yêu mến gọi bằng những danh xưng truyền thống trong ngành. Nam thì bao gồm họ, thêm từ đầu tiên của tên phường hát (nếu không có thì để là Văn) đằng sau và cuối cùng là danh xưng "công"; ví như Kiều Văn công, tức là đào kép này họ Kiều, không thuộc giáo phường nào khác. Còn nữ thì thêm từ cô vào trước tên mình, theo sau lại cùng là từ đầu tiên trong tên của giáo phường.
Địa vị của các giáo phường rất quan trọng trong nghệ thật hát hạc, nếu một kép hát hay ca nương may mắn vào một giáo phường tốt thì chỉ mất một thời gian là được "vào chiếu".
Thuật ngữ hát hạc:
- Vào chiếu: được lên hát trên chiếu, được ghi thẻ tên vào giáo phường và được nhận lương.
- Chiếu: là nơi mà các cậu đan, cô lỡ và kép hát biểu diễn.
- Chiếu dưới: là nơi xa chỗ ngồi của khán giả, thường chỉ có các cậu đan cô lỡ kém tiếng, ít tài hoặc người mới đến mới ngồi ở đây.
- Chiếu trên: chỗ gần khán giả, thường chỉ những cậu đan cô lỡ được giỏi nhất của mỗi giáo phường mới được ngồi. Trong những việc quan trọng mà có tụ tập nhiều giáo phường tham gia thì chỉ có người giỏi nhất mới được ngồi trên đây (có nơi thì ngồi luân phiên nhau).
- Hội đồng kỷ (ỷ): Trên chốn kinh kỳ có một con đường toàn là các giáo phường hát hạc, và những cậu đan cô lỡ giỏi nhất trong số đó sẽ được xếp vào Hội đồng kỷ (ỷ), lúc này uy quyền của họ trong giáo phường không hề kém gì ông chủ, bà chủ (có bảy vị trí).
- Ghế trên: Trong các dịp tụ hội hàng năm của các giáo phường hát hạc hàng ghế sẽ được đánh dấu ba màu khác nhau và chia thành: ghế dưới, ghế giữa và ghế trên. Ghế dưới là dành cho người mới, hoặc người hết thời (chẳng ai bỏ tiền ra mời mà cũng chẳng giải nghệ được); ghế giữa cho các cô các cậu vào nghề độ dưới mười năm và trên hai năm; còn ghế trên là của những cô cậu nổi tiếng và những người vào nghề trên mười năm (nếu được cả hai cái trên thì đúng là quý hoá bậc nhất).
- Nhạc cụ: đàn hạc (không phải đàn hạc mà mọi người thường thấy, một loại đàn trùng tên tự bịa), đàn bầu, phách, đàn nguyệt (sau thêm).
- Mời trà: Quan khách nghe hát thấy hay sẽ nói khéo với người chủ là muốn mời trà ai đó (tức là thưởng tiền), tuỳ vào loại trà (có nơi là màu chén) mà còn được nói chuyện đôi câu.
Sau khi giáo phường Hạng Đẩu nổi danh với anh em cậu đan có ngón giọng rất tài làm nực lòng người đến nghe hát thì các giáo phương khác cũng tập tành học theo, họ cũng bỏ tiền thuê các cậu đan, riêng giáo phường Thuỵ Khải thì lạ tính hơn, họ đi về tận làng Thạc (một làng quê cách xa kinh kỳ) chỉ để mời về một cậu đan và bỏ nhiều tiền để cho cậu này chóng được hầu trên chiếu. Ai ngờ, cậu ta mới chỉ hầu trên chiếu vài tháng mà đã phạm huý của nghề nên bị Hội đồng kỷ (ỷ) trục xuất khỏi nghề, thế là ông chủ của đoàn hát coi như mất tiền oan. Có đòi lại được tiền thì cũng chẳng thể bù lại cái lỗ của giáo phường.
May sao mà một năm rưỡi sau thì ông chủ gặp được quý nhân và cũng tạo cơ hội để mình làm quý nhân cho người.
Trong lúc ông chủ - ông Mẫn về quê ăn đám giỗ trong họ thì nghe được tin là nhà ông đồ (1) Hạ Xuân Kiển chẳng may gặp nạn, cụ ông thì bệnh nặng còn cụ bà thì như cũng muốn bệnh. Cậu con trai đang bận chuyện học hành cũng phải chạy từ trên tỉnh về để nuôi cho bố mẹ, mấy bữa nay cũng đang dạy tiếp cái lớp học của ông cụ nhà nhưng xem chừng thu vào còn khó khăn, chẳng biết có chữa cho ông cụ và trả cái món nợ nhà được hay không. Còn cô con gái cũng ngày ngày đi chợ bán đồ, cố gom góp tiền phụ cho gia đình.
(1): Người đã đỗ qua 3 kỳ thi tú tài, tên dân gian là ông đồ.
Vì ngày xưa từng nhận ơn của ông đồ Hạ Xuân Kiển (nhờ ông đặt tên cho giáo phường) nên ông Mẫn mua quà qua thăm. Nói chuyện một hồi thì khi về ngỏ ý nhờ người nhà hỏi dò cậu Kiệt con ông đồ, người làng bảo tính cậu này tốt tính, học hành cũng giỏi, lại thêm sức khoẻ không kém mấy ông võ sư, võ sĩ và còn thêm thú cái ngâm thơ lúc rảnh rỗi rất được lòng người nghe.
Thế là ông Mẫn tìm lúc có mỗi cậu Kiệt một mình rồi hỏi dò chuyện sau này, ngỏ ý muốn mời cậu ra kinh thành giúp sức. Lần đầu nghe vậy cậu Kiệt giận nhưng vẫn giữ lễ phép, khéo léo ra ý đuổi khách. Nhưng sau đấy mấy tuần, nghỉ cảnh gia đình của mình và vì người chị đã đến tuổi cập kê mà vẫn chưa có mối nào (sau này còn khó kiếm mối vừa ý hơn) thì cũng gật đầu đồng ý. Song vẫn dặn trước với ông Mẫn là nói dối mẹ cha, hòng để không bôi bác gia đình.
Qua ngày hôm sau, ông Mẫn nói khéo với cụ ông cụ bà là nhờ cậu Mẫn lên giúp, công việc không có gì nặng nhọc, chỉ là thi thoảng để ý cho mấy người khách và trông nhà, vì là người cùng làng nên mới tin tưởng giao cho việc ấy. Nói hồi lâu ông bà cũng mủi lòng, ít ra thì trên ấy cũng là chốn kinh kỳ, làm việc gì cũng tiện, lại thêm cũng có tiền lương, và con mình cũng nhiều lần thủ thỉ bên tai nên ông bà cũng chịu.
Trước khi đi ông Mẫn có ứng trước ít tiền cho cậu Kiệt, số ấy đủ mua thêm thuốc và ít đồ bồi bổ trong nhà, trước khi đi cậu Kiệt dặn chị chăm sóc thầy mẹ và giữ gìn sức khoẻ, không phải bận tâm chuyện tiền nong. Cậu sẽ cố tiết kiệm tiền rồi kiếm mối tốt cho chị, để chị có của mang đi không kém người nào, và cũng xin lỗi chị gái vì để việc nhà cho chị lo.
Tới kinh kỳ thì cậu Kiệt mất một năm để học các ngón nghề trước khi "lên chiếu", cậu học và tính cũng rất tốt, rất được lòng các ca nương trong giáo phường. Khi rảnh rỗi cậu cũng làm việc của người học việc và người canh cửa giáo phường (dù ông Mẫn không bắt) như việc đưa các ca nương đi hát vào buổi tối, khi được gọi thì cậu bảo là tiện đi học nghề.
Lúc cậu Kiệt "lên chiếu", ông Mẫn biết tính cậu nên không làm lễ to, chỉ mời những khách quan trọng nhất của giáo phường rồi mở tiệc nhỏ và kín tiếng. Ai ngờ chỉ mới buổi đầu mà tiếng cậu Kiệt đã được nhiều người biết đến. Ông chủ thấy thế là biết mình đã đi đúng hướng nên mỗi tuần chỉ cho cậu Kiệt "lên chiếu" vài buổi, cốt để giữ cái mới và cho cậu học thêm các ngón nghề.
Chỉ mất một năm rưỡi nữa là cậu Kiệt đã lên chiếu trên và trở thành biển hiệu của giáo phường Thuỵ Khải. Lúc này cậu năm, con trai cả và đứa cháu vàng, cháu bạc của nhà họ Ngũ được thả ra ngoài. Vì bấy lâu nay nhà cậu lo cho cậu dữ lắm nên nhốt quanh trong phủ, trong nhà. Vừa ra ngoài là cậu đã nghe bè bạn (đấy là họ nhận thế) nói về phố hát hạc và những cậu đan cô lỡ nổi tiếng trong ấy, đặc biệt là một cậu đan tên Kiệt hay được gọi là Dư Thuỵ công, hay còn được gọi là cậu Kiệt.
Nhân lúc nhà cửa và đám người hầu kẻ ở không chú ý, cậu lẻn đến chỗ giáo phường ngay. Nhưng muốn gặp cậu Kiệt giờ không dễ, lại thêm đang là ban sáng và cậu Năm nhà ta thì chẳng mang gì thể hiện thân phận nên không được cho vào. Cậu thấy không vào được bèn đi về, ai ngờ đang đi thì nghe thấy tiếng ngâm thơ, thấy thú vị nên trèo tường vào nhìn và thấy cậu Kiệt đang cầm sách ngâm thử mấy bài.
Hai người nhìn nhau, rồi cậu Năm mới khen cậu Kiệt mấy câu trước khi không quên khịa cái người trước mặt mà không biết đấy là người cậu muốn gặp. Rồi cả hai đánh nhau một trận, đương lúc ông Mẫn đến, cậu Năm đang đè người cậu Kiệt xuống đất, quần áo cả hai xộc xệch và nom như vừa đánh một trận to chứ không chỉ là khua tay múa chân. Đương lúc bàn nhau đưa cậu Năm lên quan thì người nhà họ Ngũ tìm đến cửa, họ nói chuyện một lúc với ông chủ giáo phường, nói chuyện với cậu Kiệt ý để chuyện nhỏ hoá chuyện không có. Sau khi bồi thường cho rạp hát, cậu Năm theo đoàn tuỳ tùng về nhà.
Được ít hôm sau cậu Năm lại đến nghe hát, lần này là đi cùng với một nhóm các cậu con quan và vài người trẻ có học (nhà cũng có điều kiện) khác. Lúc này cậu thấy cậu Kiệt nom thú vị và vui mắt, vì dù không thích chuyện đàn hát xong vẫn làm và cố tỏ ra tươi tỉnh. Nghĩ thế chứ cậu cũng vẫn mời cậu Kiệt một ly trà.
Cuối buổi tiệc, cậu Năm ở lại trò chuyện mấy câu với cậu Kiệt, chẳng biết hai người nói chuyện gì mà cậu Kiệt phải kiềm chế lắm mới không hất luôn chén trà vào mặt cậu Năm. Nhưng thôi cũng may vì ít ra cậu Kiệt mà còn kiềm được lòng mình thì lời cậu Năm nói chưa tới mức là nhục nhã thân phận một người có học không may gặp vận rủi của đời.
Qua lại nghe hát ít lâu, hai người đâm thành bạn tri kỷ, nhiều khi cậu Năm đến vào buổi sáng vẫn được mời vào giáo phường qua lối cửa sau, hai người vừa trò chuyện vừa nói đến việc học hành thi cử. Cậu Năm vốn tính ngông nhưng cũng biết một vừa hai phải, cũng biết cảnh triều đình hiện thời, vả lại, cậu ngông là vì cậu có tài, lại thêm gia cảnh thuộc dạng con quan. Còn cậu Kiệt thì có phần hơi khác, cậu có ngông nhưng phải ép cái tánh này của bản thân. Vì cậu sợ liên luỵ cha mẹ, rồi chị gái, lắm khi còn tới cả thầy cậu. Nên nhiều khi cậu cũng khổ tâm về tình cảnh đời mình.
Lâu dần hai người có tình cảm với nhau, cậu Năm chưa nhận ra cái khác trong tình cảm của mình, còn cậu Kiệt biết lại giả vờ như không có chuyện gì xảy, cốt để giữ cái tình bạn của hai người và giữ thanh danh cho người bạn tâm giao của mình.
Nhưng cái kim trong bọc còn có ngày bị lòi ra nữa là chuyện lớn như thế này, cậu Năm đã nhận ra được cái mảnh vải phất phơ giữa hai người, cậu muốn giằng nó ra để tình cảm của cậu được giãi bày. Mấy hôm đầu cậu Kiệt cứ cố làm bộ như thường, ra vẻ không có chuyện gì xảy ra. Lâu dần cũng bị tình cảm của cậu Năm đả động, vả lại cậu Kiệt cũng hay tuổi còn trẻ, chuyện đôi lứa dù có gắng suy nghĩ sâu xa bao nhiêu, vẫn phải mủi lòng trước tấm chân tình của người mình thương.
Lại độ nửa năm sau, lúc này cậu Kiệt đã là cậu đan có tiếng trong phố, cũng đã ngấp nghé một chân trong hội đồng, còn cậu Năm thì cũng đã nở rộ tài năng trong chốn đèn sách, cũng gọi là có chức có danh. Ấy vậy mà ngày vui ngắn ngủi, chưa gì đã tới lúc giông tố.
Cậu Kiệt ngày một nổi thì cái tiếng của cậu cũng lan xa hơn, chẳng biết là do ghen ăn tức ở hay cơn giận vì một người bạn chữ ngày xưa nay đã khác xa, có một cậu học trò đưa tin cậu Kiệt ở chốn kinh kỳ tới tai ông đồ Hạ Xuân Kiền. Cụ ông nghe tin chưa biết thật giả đã phát bệnh, mấy hôm sau lại thêm vài tin đồn nữa về chuyện này tới làng. Người không tin thì hết lòng bênh vực cậu Kiệt và tỏ rõ rằng cậu ta không phải là dạng người như vậy, còn bên không tin, được nước đục cá, lại loan thêm mấy tin không hay nữa. Chả biết thật thật giả giả thế nào chứ thanh danh của nhà ông đồ Hạ Xuân Kiền lần này coi như bỏ.
Được những khi khoẻ mạnh, ông cụ viết cho con bức thư, ý ngoài là để hỏi thăm còn ý trong là để con có dịp về nhà thăm cha đang bệnh. Cậu Kiệt nhận được tin bèn xin ông chủ giáo phường cho về nhà mấy hôm (vì trong thư có viết là bố ốm nặng sắp không qua khỏi). Về đến nhà ông đồ Hạ Xuân Kiền mới cho gọi con vào phòng để trò chuyện đôi câu, cậu Kiệt vốn không phải dạng nói dối như cuội nên qua mấy câu là đã lộ chuyện. Bố cậu nghe tin thì từ trên giường bật hẳn dậy, vớ lấy ngay cái gậy kê cạnh rồi quật cậu túi bụi, vừa quật vừa khóc, vừa khóc vừa nói.
Ở gian ngoài, cụ bà và cô chị gái nghe tiếng vội vàng chạy vào can, cả hai ôm vội lấy cụ ông, vừa khuyên cụ ông đang bệnh chớ có tức giận, kẻo lại bệnh nặng và cũng xin tha cho cậu Kiệt. Cậu Kiệt vốn tính quật lại thêm biết việc này mình làm sai nên cũng chẳng trốn đi đâu cứ mặc ông bố đẻ ra mình quất, rồi đánh đến khi nào ông cụ hả giận rồi thôi. Vì thú thực cả ruột gan, cậu cũng chẳng biết phải làm gì.
Chuyện là đầu năm nay cậu cũng đã tính đến chuyện nghỉ hưu ở giáo phương vì nợ nhà đã trả xong từ lâu, cái nợ với ông Mẫn cuối năm nay cũng sẽ được hoàn lại và của nải cho chị Tố Tâm lấy chồng cũng cậu chuẩn bị đâu vào đấy. Chỉ còn cái tình với lại bạn tâm giao là chưa biết giao phó như thế nào. Càng lớn, cậu lại thấy sợ cái mối tình vụng trộm của hai người và lo cho tương lai của cả hai. Đường học hành của cậu tới đây coi như đã kiệt, cùng lắm là thi mấy bận để không phụ lòng thầy mẹ. Sau lại cũng mở lớp và làm một ông thầy đồ nhỏ, sống sao cho một kiếp người cứ thế yên ả mà hết.
Mấy hôm sau cụ ông vẫn không đoái hoài gì đến cậu con trai và bệnh tình của ông xem chừng lại nặng thêm. Mấy năm nay gia cảnh cũng đỡ hơn trước vả lại có thuốc thang và thầy lang giỏi bắt bệnh, nên ông đồ Hạ Xuân Kiền cũng khoẻ lại nhiều, tuy bệnh cũ lâu lâu vẫn tái phát nhưng hàng ngày cụ vẫn mở lớp và dạy học trò được. Ngờ đâu sau cái tin sét đánh ngang tai của cậu Kiệt, cụ ông sốc quá nên đổ bệnh nặng thêm, và nhất quyết không uống lấy một giọt thuốc nào từ tiền của cậu Kiệt, đến cả thầy lang tới xem bệnh cũng bị cụ đuổi đi.
Cô con gái gả, cô Tố Tâm đã phải khóc lóc và cầu xin cha uống thuốc, cô bảo đấy là tiền mình dành dụm mua thuốc chứ không đụng đến một xu, một hào nào của em trai. Nếu bố không uống thuốc mà cứ để bệnh nặng thì phận làm con mà không lo được cho đấng sinh thành thì để cô cũng đổ bệnh mà đi theo. Ông cụ nghe vậy đành phải uống vài hớp song vẫn không nguôi ngoai cơn giận với cậu Kiệt.
Thấy cậu Kiệt ở quê lâu ngày, lại thêm đang có dịp quan trọng trong phố và trong kinh thành cần nhiều cậu đan cô lỡ nên ông Mẫn sốt ruột mới nhờ người về quê thăm hỏi tình hình để mời cậu lên lại. Cùng đi còn có người của cậu Năm.
Thực tình là cậu Năm cũng muốn cùng đi về quê với cậu Kiệt nhưng trước là bị cậu Kiệt ngăn lại, sau là do kinh kỳ có chuyện nên không thể rút thời gian ra được. Vậy nên chỉ có thể gửi người thăm hỏi tình hình của bạn tâm giao.
Độ tầm chục ngày, lúc này lời đồn dưới quê cũng yên dần vì người ta thấy vóc dáng và cái đức độ cùng tài trí của cậu Kiệt (cậu thay bố dạy đám trò nhỏ trong lớp của ông cụ) không thể nào là của những người mặt hoa da phấn đàn hát mua vui được. Mà cái tin của những người khoe mình được tận mắt chứng kiến cậu Kiệt ngồi "chiếu" cũng chẳng thể đem ra cái chứng cứ nào xác đáng hơn nên dần dà, cái tiếng xấu ấy cũng lắng xuống. Và cậu cũng được ông cụ gọi vào hỏi chuyện lần nữa.
Mấy bữa này cậu Kiệt không ăn cũng chẳng ngủ được nên gầy dọc cả người, ông cụ giận con nhưng thấy con như vậy nên cũng mủi lòng, và lại mấy ngày rồi nghe cụ bà và con gái thủ thỉ bên tai những chuyện đứa con giai làm cho mình, ông cũng hiểu đôi chuyện. Song, ông vẫn không thể chấp nhận hoàn toàn.
Sau một hồi nói chuyện, ông cụ muốn cậu Kiệt nghỉ ở trên kinh đô rồi về quê, đi học, đi thi, lấy một cái chức danh nào đó, có bé thì vẫn chứng tỏ mình là người có học. Cậu Kiệt nghe vậy thì im lặng, rồi cậu thưa chuyện luôn với bố
Một lần thất tín là vạn lần thất tin, nữa là mình là người có học. Ông Mẫn có ơn với con mà nhờ vậy con mới vun vén được đôi phần cho chị Tố Tâm đi lấy chồng. Thầy cũng biết cái chữ tín ấy nó nặng ra sao. Nên con xin thấy, cho con nốt năm nay để con trả nợ cho ông ấy. Chứ con mà thất hứa thì cái danh cũng chẳng con thơm, nhơ nhuốc và bỉ bôi lắm thầy ạ.
Lại độ mấy hôm nữa, khi người ông Mẫn cử đi đến nhà cậu Kiệt, ngay sáng sớm ngày hôm sau là cậu đã đi mất. Và người nhà cậu có được hỏi cậu đi đâu thì chỉ bảo là do trên kia có việc gấp nên cậu phải về, đợi cuối năm xong việc lại về thăm nhà.
Từ ngày ấy cho tới cuối năm, chả biết có phải do được ai mách lối chỉ đường hay không mà cụ ông rồi cụ bà cũng tìm được một mối cho cô Tố Tâm, anh này thì nhà đơn nẻo, chỉ có một mình, mấy năm trước nhà còn có ông cụ cũng là bạn vọng niên với ông đồ Hạ Xuân Kiền, nhưng cũng phải cái đợt gió độc của trời, lại thêm tuổi cao nên giá hạc quy tiên trước.
Chỉ duy có cái ấy là khiến người ta e ngại, chứ đức độ và tài trí của người này đã được cái thầy dạy gật gù tán dương. Tuổi của anh chàng vừa hay hơn cô Tố Tâm đôi tuổi, cũng có nhà cửa đàng hoàng, và chỉ độ một hai năm nữa thôi là cũng có công danh sự nghiệp. Mà cho dù không có cái danh ông Cử (*), ông nghè (**) rồi đủ các loại ông đi nữa, thì cũng được làm ông đồ dạy chữ, không sợ không có cái ăn nuôi thân và nuôi vợ con.
(*): Người đỗ kỳ thi hương, cử nhân.
(**): Người đỗ kỳ thi Hội, tiến sĩ.
Chuyện này cũng được gửi thư lên báo cho cậu Kiệt, hoá ra là cậu học trò kìa lại là bạn cùng trường của cậu Kiệt, theo vai vế cậu phải gọi người này một tiếng anh Thái Cát. Về người nay cậu cũng gọi là hiểu rõ đôi điều, và nhất là chị Tố Tâm đã ưng nên chọn ngày lành tháng tốt là cả hai đã lấy nhau.
Đám này làm nhỏ, gọi là có mặt, vì họ hàng nhà đằng trai thì ở xa, vả lại, cái quan trọng nhất là ông đồ Hạ Xuân Kiền cũng sức cùng lực yếu, mấy năm nay lại hay đổ bệnh rồi suy tư nhiều, qua chuyện của cậu Kiệt, tuy ông vẫn còn sống thêm mấy năm nữa nhưng cái lớp học của mình đã phải gửi sang chỗ các thầy khác để học. Âu cũng là do tuổi gia sức yếu, lại thêm phải lo nghĩ nhiều. Tuy không còn con gái ở lại đỡ đần thầy mẹ nhưng lo xong một đứa thì hai ông bà cũng thấy nhẹ lòng.
Đám cưới của cô Tố Tâm qua độ vài tháng thì cậu Kiệt lại gặp chuyện. Hoá ra là trên kinh kỳ tổ chức hội cuối năm lớn nên rất đông các cậu đan cô lỡ được tập trung lại để sửa soạn và phân công cho hôm ấy, còn có tin là người nào thể hiện tốt sẽ được chọn vào hát riêng cho vua nghe. Chẳng biết tin thật hay giả nhưng ngay cả hai anh em Hạng, Đẩu và mấy người khác trong hội đồng Kỷ (ỷ) lâu nay ít khi "lên chiếu", giờ cũng bắt đầu tập luyện dần.
Những khi buổi sáng hay khi không phải biểu diễn, từ trong các giáo phường lại tràn ra biết bao nhiêu là tiếng đàn, tiếng hát. Mấy ngày này thì cậu Năm cũng ít ghé qua được giáo phường Thuỵ Khải thăm người thương, cậu chỉ đành nhờ kẻ ở trong nhà gửi cho cậu Kiệt chút đồ và chút thư để bày tỏ tâm tình.
Cuối năm, kinh thanh đông đúc và náo nhiệt vô cùng, tưởng như bao nhiêu cái tươi vui và hớn hở của cả một năm dài được nén lại chỉ trong những ngày lễ tết ấy. Lần này cậu Kiệt không những được chọn vào chiếu trên mà còn được mời vào trong cung hát cho vua nghe. Lần này có hơn chục người của phố được mời vào cung, trong đấy đa phần toàn là cậu đan cô lỡ học nghề hơn cậu Kiệt cả chục năm, bởi vậy chuyến này vào hầu thánh giá, cậu cũng chẳng suy nghĩ nhiều, chỉ cho là mình đi theo phụ giúp các bậc anh chị trong phố.
Ngờ đâu qua mấy lần ở bên phụ việc và hát đệm ở chiếu dưới lại được lòng thánh nhan, rồi cậu Kiệt cũng được vua cho lên hát chiếu đấy, trước mặt vua quan và cận thần của ngài. Không dám trái lệnh vua nên cậu cũng gõ phách, vẫn hát và vẫn ngâm thơ những lòng cậu đã như cái món củ cái khô nức danh kia, quắt queo lại rồi. Mà như vậy hãy còn chưa hết, cái cao ngạo của kẻ sĩ mà cậu ngỡ mình đã mất hết kia, vậy mà lại sống lại khi cậu thấy người mình thương, cái người mà cậu cho là tài hoa và cũng không muốn mình thua kém; lại đang ngồi trên cao nghe cậu hát.
Trời ơi, tủi hổ quá.
Vào trong cung độ một tháng, cậu Kiệt bệnh nặng, bệnh về bên trong chứ không phải bên ngoài, thế là thánh giá thương tình, trả cậu về giáo phường và cũng thưởng cho cậu rất hậu. Nhưng cậu Kiệt không dám nhận thưởng vua ban, cậu gửi chỗ đồ ấy cho ông Mẫn, nói là trả ơn ông rồi xin về quê.
Bấy giờ ở dưới quê nhà lại có tin dữ. Đúng dịp cuối năm nhà nhà người người xum họp nên những người đi làm ăn xa hay đi học ở tỉnh xa cũng về quê ăn tết. Mà số trời run rủi thế nào lại về một người quen. Đấy là cậu Khoá (2) Văn Minh, cậu này đã quá hai mươi và ngót nghét ba chục mà chưa đỗ đạt gì, thi cử mấy lần mà lần nào cũng trật nên theo người trong họ lên kinh thành để mong được học thầy giỏi. Thầy mẹ của Văn Minh cũng hết long chu cấp cho việc học của cậu mà ngờ đâu cậu ở trên đấy mới ít lâu đã học được thói hư hỏng và cái bợ đỡ.
(2): Khoá sinh là người thi qua được Khảo hạnh, được dự kỳ thi Hương.
Có một lần khi cùng một người anh họ đi theo hầu mấy cậu con quan và mấy cậu thiếu gia, cậu Văn Minh đã may mắn được vào giáo phường Thuỵ Khải và được nghe một cậu đan trong Hội đồng Kỷ (ỷ) hát. Cái giọng hát mới hay và da diết làm sao, tới cả chén trà trước mặt đã nguội từ khi nào mà cậu Khoá ta vẫn chẳng hề hay biết. Nhưng khi kịp hoàn hồn, cậu mới thấy người trước mặt ngờ ngợ, đến khi về nhà mới nhớ ra đấy là người quen. Cả hai cùng là học trò ở trường của cụ Bảng (3) Vân Giao, tuy cách nhau mấy tuổi nhưng vì cái tài của cậu Kiệt nên tên cậu vẫn nhiều lần được nhắc bên tai cậu Khoá Văn Minh.
(3): Đỗ Tiến sĩ Đệ Nhất Giáp (người đỗ hạng nhì - Bảng Nhãn trong kỳ thi Đình).
Cậu nhớ lại cảnh bạn đồng song hát xướng trên chiếu, cậu vui và cười tủm tỉm. Nghĩ bụng hoá ra còn có người kém cỏi hơn mình, rồi lại đâm giận, mình biết tài mình kém mà vẫn cố tìm được thi cử, người kia có tài cớ sao lại trò bôi tro trát trấu vào mặt thế này.
Vậy là nhân lúc về quê thăm gia đình, cậu bèn thưa chuyện này với thầy mình là cụ Bảng Nam Giao, cụ Bảng nghe xong có ý chưa tin, chỉ bảo cậu Khoá về trước, ít ngày sau lại gọi sang. Lúc về, cậu bấm bụng cơn tức, nghĩ thầy nói thế là vì thấy tài mình không bằng người kia nên mới không tin, nên lại nhân lúc trên tiệc, giả bộ ngà ngà say để kể cho các bạn đồng song khác.
Cậu Khoá Văn Minh còn cẩn thận kể lại từng chi tiết một mình được thấy, được nghe để cho câu chuyện thêm phần sinh động, lúc kể xong cậu còn làm bộ nấc một cái, nói lầm bầm.
Các anh đừng để ý, hấc...ực, có khi t..ôi say, hấc...ực, nên mới nhìn nhầm. Hấc...ức, chứ người như Truân Kiệt sao lại làm vậy.
Lời đồn lần đầu còn bảo là người ta nói bậy, chứ tới lần thứ hai, lại thêm cả nhân chứng miêu tả như tận mắt chứng kiến thế này thì khó mà khiến dân làng sinh nghi. Thế là trong cái lúc chuẩn bị năm mới với nhau, họ đem chuyện cậu con trai nhà cụ Đồ Hạ Xuân Kiền ra bàn tán như một cái thú vui giải khuây. Và rồi chuyện cũng đến tai các bạn của cụ Đồ, rồi cả thầy dạy cậu Kiệt. Các ông đến thăm cụ Đồ và cũng đem chuyện này ra hỏi vờ, tính cụ Đồ vốn không thích nói dối, nghe vậy cũng đành im thin thít, suốt cuộc cũng chỉ thấy cụ nâng chén, hạ chén trà chứ không hé miệng nửa lời về việc của cậu con thứ.
Bạn đồng song của cụ thấy vậy, biết ý, nên len lén ra hiệu cho những người khác. Rồi cả bọn cố tảng lờ chuyện kia để tiếp tục chuyện văn thờ và thăm hỏi sức khoẻ nhau. Còn trong bụng thì các ông cũng đoán được tám chín phần câu chuyện, họ lắc đầu, có người thở dài và cảm thán cho tài hoa của cậu Khoá Hạ Truân Kiệt, mà nay đã là cậu đan Hạ Thuỵ công.
Giữa tháng mười hai âm năm ấy, làng Trúc Tuy được nhiều tin vui, đấy là cái làng tuy ở xa chốn kinh kì nhưng sớm nổi danh bốn phương tám hướng vì cái sự học của mình. Cái danh Thủ khoa tuy không phải mỗi năm đều có song trong sách văn chỉ của làng, cũng coi không kém anh kém chị. Năm nay cũng lại được ông Thủ Khoa (4) , ấy là ông anh rể của chàng Kiệt. Và ngoài cái ông đỗ cao nhất kia ra thì cả làng cũng cũng có cả cử nhân lẫn tú tài, và học nhị trường rồi tam trường thì đúng không thiếu.
(4): Người đỗ đầu trong kỳ thi Hương, gọi là thủ khoa hay còn gọi là đỗ Giải Nguyên, được dự tiếp kỳ thi Hội, thuộc hàng cử nhân.
Nói vậy chứ cậu Khoá Văn Minh cũng không đỗ, phải mà cậu đỗ thì làm gì sớm thế đã về phải, đã ở trên tỉnh ăn chơi cho thoả sức mới hả lòng hả dạ kia chưa. Và tin này cũng đến tai cậu Kiệt đương về quê. Phần cậu vui cho chị mình và cho người anh rể có tài, phần còn lại thì thương xót mình.
Cậu nhìn bạn đồng song không người nào mà không đi thi lấy dăm bận, ngay cả cái người bay mất kinh nghĩa thì cũng đỡ hơn cậu. Vì ít ra người ta còn đi thi, chứ cậu đã có lần nào bén mảng vào trường thi đâu. Số là đúng cái năm thầy cậu gật gù, đồng ý cho cậu đi thi vì đã thấy văn cậu đủ sức ganh đua một phen thì cũng là năm nhà cậu gặp nạn. Cậu nói vậy cũng chẳng phải để biện giải gì cho vận số đời cậu bây giờ, vì đời cậu thế này là do cậu chọn.
Mấy ngày cậu Kiệt cậu ở nhà, nếu có họ hàng và người quen đến chúc mừng ông thủ khoa mới thì cậu đều lảng vào trong nhà, và nếu phải gặp ông đồ Hạ Xuân Kiền thì cậu cũng cúi gằm người và lại cũng lảng đi. Ông đồ thì đang lúc nhà có tin mừng, vả lại cũng biết cậu con thứ đã bỏ phắt đời phấn son đàn hát cũ và quyết ý rùi mài kinh sử một phen, nên ông cụ cũng không trách mắng gì con thêm. Mà chỉ cần ông cụ không cố làm khó xử cậu Kiệt thì người nhà cũng chẳng phải tránh cậu như tránh tà. Bà cụ và cô Tố Tâm đã nhiều lần tìm cậu tâm sự, cũng hỏi han cuộc sống của cậu trên kinh đô, và thỉnh thoảng, lại dấm dúi cho cậu chút quà quê mà ngày xưa cậu thích.
Còn cậu con rể, ông thủ khoa Nguyễn Thái Cát, cũng rất yêu mến cậu Kiệt. Hai người là bạn đồng song với nhau, tuy tuổi tác cách xa song cũng là bậc tài hoa. Vì đều học cùng một thầy nên lắm khi cũng được nghe tên nhau và được đọc văn nhau. Tuy chưa gặp mặt nhưng cả hai đối với nhau cũng đã có mối hảo cảm, họ nể nhau và kính yêu nhau vì cái tài văn chương ít người có của đối phương. Nay được dịp gặp mặt và chuyện trò nên ông Giải Nguyên cũng rất vui lòng dốc hết tài học để bàn chuyện văn thơ. Lắm khi đương vui, Thái Cát phải bấm bụng tiếc rẻ cho tài năng của người bạn học kém tuổi mình.
Đến mùa xuân năm sau, khi sự trong nhà đã phần nào yên ổn thì cũng là lúc Thái Cát phải ra Kinh kỳ thi cử. Vì là lần đầu đỗ đạt nên người nhà lo sợ một mình chàng ra đấy gặp lạ nước lạ cái hay không may phạm phải người nào nên có ý cử người đi cùng. Đến ngày gần đi, cô Tố Tâm và bà cử nhìn mãi người trong nhà mà chẳng biết nhờ vả ý, ý trong đầu thì họ cũng nghĩ đến cậu Kiệt, nhưng hai người đều biết cậu không mấy mặn mà và cũng chẳng ưa gì nới đấy nên mới tìm người khác. Tối đấy, cậu Kiệt có nói chuyện đôi câu với chị, ngỏ ý sẽ theo anh rể cùng lên kinh, trên ấy cậu có chút mối quen và có người đi cùng bầu bạn cho đỡ buồn bực khó chịu trong người.
Lên Kinh độ mấy hôm mấy rồi cậu Kiệt cũng về lại nhà, theo cùng còn có bức thư của cậu Năm. Số là khi dẫn người anh rể đi quanh Kinh kỳ ngắm cảnh một phen, thì lại đúng lúc bị người của cậu Năm nhìn thấy nên hôm sau đã thấy cậu Năm tới trước cửa nhà trọ của cả hai. Cậu Kiệt đành phải giới thiệu đây là bạn cũ của mình, ba người trò chuyện một phen, uống đôi bà chén trà thì cậu Năm xin trò chuyện riêng với cậu Kiệt, vì hai người lâu ngày không gặp. Lúc này cậu Kiệt đang có chút lung lay, cậu đã quyết cắt đứt mối duyên này nhưng khi gặp lại người cũ thì vẫn thấy xao xuyến bồi hồi. Trong mấy ngày ở Kinh thành, nhân lúc giới thiệu trên này, và cũng là bạn cùng thi Hội với nhau, cậu Năm theo suốt cậu Kiệt và cậu thủ khoa.
Tới khi cậu Kiệt, cậu Năm cũng gửi theo ít quà, ấy là một quyển chép mấy lời văn, lời thơ của cậu Năm, bên trong không chỉ các những bài cậu Năm làm mà còn có cả những lời làm văn ẩn tình của cậu bên trong. Lúc mở quyển ra xem, cậu Kiệt xúc động lắm song vẫn chưa dám nói gì thêm. Nhưng cả hai cũng rõ mỗi quan hệ của hai người có phần nhẹ nhàng hơn trước.
Cái đời cậu Kiệt cũng như cái tên cậu, yên lành khó được lâu dài. Và như lời ông thầy bói phán cho cha mẹ cậu: Số này là số khó yên, phải sống lâu thì đời mới bớt long đong lận đận. Qua kỳ thi Hội, cậu thủ được xếp hạng khá cao và lại thi tiếp kì thi Đình. Bấy giờ Hội Nguyên (5), khi ấy là cậu Năm và mấy cống sĩ nữa cũng là người của các nhà quyền quý. Mấy người này không chỉ con quan hay nhà giàu mà còn có họ hàng với thánh nhan nên đương lúc trong sân thi cũng rất làm kiêu căng và ngạo nghễ, chỉ có lúc nào có cái gì liên quan đến nhà vua là họ mới chịu làm bộ giống dân thường.
(5): Người đỗ đầu kì thi Hội.
Lắm khi còn nhân lúc không ai để ý, bày trò này trò kia với các cống sĩ khác. Nếu là thời khác thì cái bọn này phải bị tội nặng vì dám làm bậy trên phép vua, chứ ở thời này thì khó nói lắm. Riêng có cái cậu Năm thì các ông cống sĩ thường không mấy ghét và khinh như cái bọn kia, vì lúc bàn chuyện văn thơ và đọc bản giáp của người này, họ đã phục và tôn làm bậc đại tài, tuy tánh người này có hơi khác người nhưng ở đời mấy ai tài giỏi mà không có chút lạ thường, nên người ta cũng bấm bụng cho qua. Và so thử với đám con công cháu phượng kia thì anh chàng này vẫn còn tốt chán.
Trong lúc ở Kinh thành, cậu Hội Nguyên có ý che chở cho cậu Thái Cát mấy khi thi cử để cậu này được yên thân qua mấy trò mèo của đám học trò giàu có và quyền thế, và cũng nhờ cái sự che chắn ấy mà cậu thủ khoa đỗ cao trong kì thi Hội, và được dự tiếp kỳ thi Đình. Thế là cái sự ấy lại càng khiến bọn người kia ghen ghét, chúng nhân lúc cậu Năm không để ý, nghĩ ra kế làm cho cậu Thái Cát phải tù tội.
Được tin từ người đầy tớ được thuê để hầu chồng báo về, cô Tô Tâm đã mấy suýt thì ngất đi, và cho tới mấy ngày này thì mặt mũi vẫn còn buồn rười rượi, cũng chẳng còn tâm trạng gì mà đi chợ bán hàng. Từ lúc nghe tin thì cậu Kiệt đã khăn gói lên kinh ngay, giữa đường thì cậu gặp người cậu Hội Nguyên cử đi, ấy là một người thân tín và thân cận với cậu Năm nên có thể đặt lòng tin. Người này cắt nghĩa và giải thích mọi chuyện cặn kẽ cho cậu Kiệt và cũng cho cậu Kiệt biết về tình hình của anh rể mình.
Số là vừa thì kì thi Đình thì cậu thủ khoa được vài người bạn quen trên Kinh kỳ mời đi dạo một vòng các phố, tới chiều tối thì họ về đến nhà, đương lúc nhà trọ chuẩn bị tiệc rượu cho mấy cậu thì có hai người lính ở đâu xông vào, họ hỏi tên cậu rồi điệu đi. Cậu bị giam một ngày thì cậu Năm đình - lúc ấy đang có việc đi nơi khác nhưng nghe tin nên quay về Kinh đô ngay, đã giúp cho nên được thả. Tuy vậy nhưng Thái Cát vẫn phải chịu tiếng gièm pha, cậu chán chường và nghĩ đến cảnh vợ và ông bà nhạc, rồi còn anh em và họ hàng nhà mình, những người này đã rất có lòng giúp sức và hết mức quan tâm khi cậu lên đường vào Kinh thi cử. Nay chuyện học hành chưa biết có đỗ đạt tiếp không thì lại phải chịu điều tiếng trên người. Vậy nên từ lúc được thả, cậu ở lại nhà trọ suất cả ngày đêm, chẳng thì đến chuyện chơi bời. Ngay cả mấy người bạn rủ đi nghe hát cho đỡ cơn buồn, cậu cũng từ chối và lại nhốt mình một xó.
Lúc này việc thi cử đã xong xuôi, các cống sĩ cũng chỉ còn chờ tin truyền lô (6), vậy nên các ông cũng đi dạo khắp thành và đi nghe hát luôn luôn, lắm khi ngẫu hứng lại bày một bữa trong nhà trọ và thi nhau trổ tài làm thơ. Lúc này Thái Cát đương lo lắng, cậu chẳng biết cái việc mình bị bắt vì sự nhơ nhuốc kia có tới tai nhà vua, và Người lại cho cậu tiệt đường thi cử hay đánh hỏng luôn bài thi Đình hay không, rồi nếu chẳng may có chuyện như vậy thì liệu rằng vợ mình ở quê có thấy nhục nhã vì cái tội của chồng hay không. Và dẫu là chàng hiểu mình bị gài tội thật, nhưng người ta cứ đồn như tận mắt thấy, tận tai nghe vậy thì liệu rằng, hỡi ôi, còn có ai chịu tin chàng hay không. Vậy nên dù đã đinh ninh là mình khó lòng đỗ đạt, chàng vẫn bấm bụng ở lại trên này, sợ về quê không biết giấu mặt đi đâu.
(6): Lễ truyền lô là lễ xướng danh người đỗ kỳ thi Đình.
May thay tới ngày truyền lô, chàng đỗ ông Hoàng (7) và nỗi oan của chàng cũng được rửa sạch. Lúc này Thái Cát nóng lòng được về quê thăm vợ và thăm người thân nhưng vì còn việc trong người nên đành gửi lời cho cậu em rể, còn mình thì tiếp tục ở lại trên Kinh thành. Lúc về, cậu Kiệt có cho một người đầy tớ theo hầu Truân Kiệt, rồi cũng ở lại trên này chứ chưa về thăm quê bạn tâm giao được.
(7): Đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp, đỗ ông Hoàng, Hoàng Bảng, tiến sĩ xuất thân.
Giữa đường đi, cả hai gặp mặt người cháu họ Truân Kiệt - Trường An, và hay tin dữ. Chuyện là thế này, lúc này ông đồ Hạ Xuân Kiền đã tuổi cao, sức lực qua mấy năm đổ bệnh cũng yếu dần. Lại thêm trong lòng vốn không được nhẹ nhàng nên lúc hay tin dữ của cậu con rể, ông nằm vật ra giữa nhà, vợ con và họ hàng phải vội sang giúp, người mời thầy lang, người mời thấy thuốc, nhà cửa cuống cuồng hết cả lên. Suốt mấy hôm trời, ngày nào trong nhà cũng có rất đông người qua kẻ lại, họ hàng và làng xóm thì tới hỏi thăm, mấy người anh em của Thái Cát cũng tới để trò chuyện. Cụ Bảng Nam Giao hay tin cũng tới thăm hỏi, và mấy cụ khác cũng quen biệt với cụ nhà, rồi quen biết với cậu thủ khoa cũng tới.
Đương lúc ấy thì Văn Minh lại đến quạt gió thêm lửa, chẳng biết nói gì, rồi nói với ai mà tới tai ông cụ.
Nguyên ý của cậu này tôi xin viết văn tắt mấy ý như sau: Cái tình của cậu Kiệt và cậu Năm, người thông tuệ chỉ nhìn qua cũng đoán được mươi phần. Nhưng vì họ biết ý và vì cái chuyện này lắm khi cũng khó lòng tránh khỏi nên thường thì các cậu học trò sẽ giả vờ tảng lờ đi, coi như là cái tình bạn đẹp. Chứ ai lại dở người như cậu Văn Minh, đương lúc nhà đang có chuyện không ha, lại bép xa bép xép về cái chuyện tình của cậu thứ. Rồi vờ như là lo nghĩ cho bạn đồng song, nói bóng nói gió về cái quyền cao chức trọng và cái bế thế của họ nhà Ngũ Điều ở chốn Kẻ Chợ (tên dân gian chỉ Kinh thành), biết đấu với tình giữa hai người bạn thân mật, thì cậu Kiệt sẽ nhờ được bạn mình giúp đỡ một hai.
Nghe lời ấy, không chỉ là các bậc lão niên phải nhăn mày, nhăm mũi mà ngay cả các cậu học trò cũng lấy làm tức giận. Nếu không phải trước mặt các thầy và đang lúc gia chủ không yên thì khéo khi cậu Văn Minh đây đã phải một trận no đòn vì cái nói ăn nói bỗ bã. Dẫu vậy thì cậu cũng bị cô Tố Tâm nửa mời nửa nói giận, đuổi ra khỏi nhà. Cái người đàn bà ý mà, bình thường thì ta thấy họ hiện lành dễ bảo thật, chứ khi mà họ đã lên cơn tức thật, thì người biết ý là cứ phải chạy trước, chứ dây vào thì phải vạ. Vì các bà các cô nhà mình không chỉ giỏi chuyện buôn bán, chuyện nhà chuyện cửa, mà còn rất là tài trong những khi nhà nước có giặc.
Nửa đêm hôm ấy thì ông cụ lên cơn sốt mê mang, tới sáng thì cắt cơn nhưng lúc thầy lang xem bệnh cho thì lắc đầu, bảo là bệnh cũ với lại cái tâm bệnh của ông cụ trộn lẫn vào nhau nên người cụ yếu lắm. Không khéo thì nay mai là đi. Cụ Bảng Nam Giao hay tin cho mời người bạn đồng niên với mình là cụ Cử Bích Lâm, tới xem bệnh thử cho cụ đồ, vì cụ Cử rất khá về cái món bệnh bên trong, vả lại, cả ba cũng là bạn cùng thầy với nhau ngày trước.
Cụ Cử tới xem cũng lắc đầu, thấy vậy cả nhà lại càng âu sầu hơn. Và vì nhà cửa thiếu đứa con trai đứng ra gánh vác công chuyện nên cụ Bảng và cụ Cử thay phiên nhau giúp đỡ việc chuẩn bị, họ cử cháu họ của nhà ông cụ, cậu này cũng là người có học, tuy lận đận đường thi cử nhưng biết ăn nói và sức khoẻ tốt nên được cho đi lên Kinh hỏi chuyện cậu thủ khoa. Còn những người ở lại thì chuẩn bị vị tang ma cho ông cụ. Nói là chuẩn bị thì cũng chỉ là quét dọn lấy căn nhà và đón những lượt khách luôn luôn tới thăm. Hay tin thầy ốm nặng, các cậu học trò từ các làng khác cũng kéo nhau về thăm cụ đồ. Và mỗi ngày hơi thở của cụ lại yếu dần, hôm đầu cụ còn dặn dò con cháu được mấy câu chứ sang tới hôm nay thì cụ đã lịm hẳn.
Lúc cậu Kiệt về đến nhà thì ông cụ đã đi, nhà cửa bấy giờ im phăng phắc, chỉ còn thi thoảng vang lên mấy tiếng khóc nấc và tiếng thút thít của người trong nhà. Cậu như chết đứng giữa sân, người ngợm chân tay lạnh ngắt.
Sau khi ông cụ mất ít lâu, cậu Kiệt bèn bàn chuyện với mẹ, cậu tự thấy mình có lỗi trong cả chuyện ông cụ thân sinh mất và việc tai bay vạ gió của người anh rể, nên bây giờ thấy mình cũng chẳng còn mặt mũi nào. Nên nào xin mẹ cho mình đi xa xứ ít lâu, phần để khuây khoẻ đầu óc, phần vì giữ lề lối cho nhà. Vì nếu mà cậu cứ ở cái làng, ê mặt ra đấy cho thiên hạ thấy và chửi thì đến cả họ hàng trong nhà, nhất là mẹ, chị Tố Tâm và chồng chị ấy cũng phải chịu điều ra tiếng vào.
Bà cụ nghe vậy, biết là con đã quyết ý. Bà khóc suốt một đêm rồi sáng hôm sau cũng đồng ý cho con đi. Bà thấy thương cho thân mình khi sinh ba đứa con mà hai đứa đã phải thân khốn khổ, còn đứa con gái, cũng lắm khi không được yên thân, nhưng nay may mắn, đã có được tấm chồng tốt thì thôi cũng tạm yên lòng. Ngày đi, cậu Kiệt không nói với ai, lựa lúc trời con tối, cậu xếp rồi đi ngày, vừa ra khỏi buồng thì thấy chị Tố Tâm đứng ngoài cửa với một túi đồ.
- Cậu định đi đấy à? Vậy bao giờ cậu về? À thôi, chuyện ấy tôi không hỏi được. Đây, trong này có ít đồ ăn và ít tiền. Cậu cầm đi.
- Tiền này em không dám này, chị cất cho anh nhà. Em còn tiền của mình, cũng gọi là đủ xài, trong kia có ít thứ, em để cho nhà, chị cứ lấy mà dùng, bỏ đấy cũng chẳng để làm gì.
- Của cậu cho thì tốt phải nhận, vì tôi với cậu là chỗ người nhà chứ không phải người lạ. Nên cậu cũng phải nhận thứ này. Đây, cầm lấy. Tôi không giúp cậu được đồng nào lúc thi cử, còn cậu thì luôn luôn giúp tôi. Nên cậu nhận túi này là cậu giúp tôi rồi.
- Vậy em xin nhận, chuyện trong nhà và chăm sóc cho mẹ, em xin nhờ chị.
Thế là cậu Kiệt lại một thân một mình. Cậu đi mỗi nơi một thời gian, lúc dừng lại thì mở lớp mấy tháng, dạy học, rồi khi đủ tiền lại đi tiếp. Hồi đầu các lớp còn ít người, nhiều khi gom mãi mới chỉ đủ tiền ăn chứ tiền ở thì chẳng đủ. Lâu dần các lớp mở ra của cậu dần có tiếng, nên đi tới đâu cũng có người theo học. Nhưng vẫn chẳng có lớp nào cậu mở quá mấy tháng, vì cứ ở lại một thời gian là cậu lại đi luôn. Người làng có ngăn thì cũng chẳng được, vì ngăn là cậu lại lén bỏ đi, nhiều khi bỏ luôn cả tiền học.
Có một năm nọ, đương lúc cậu Kiệt sửa soạn đồ đạc để gửi về quê thì ngoài cửa ông chủ trọ báo có khách. Cậu ra gặp thì hoá ra ấy là ông anh trai cậu, ông Nghè Hạ Duật Vân. Cái tên ông anh cậu đẹp bao nhiêu thì vận đời ông ấy truân chuyên bấy nhiêu. Trước đấy khi đỗ đạt thì là người có tài học nhưng chưa hết nợ trường ốc, thi đến mấy bận mà toàn hỏng, cứ vào trường thi là bao nhiêu cái đen đủi ập đến. Lắm người còn hỏi dò xem trong nhà có ai gây ra oan trái gì không mà cứ như bị người dưới kia báo oán vậy.
Rồi tới năm đường công danh sự nghiệp lên hương, anh cậu đỗ liền từ thi Hương đến luôn thi Hội, được cái danh ông Nghè. Bấy giờ họ hàng và làng xóm những tưởng đời ông nghè Duật Vân tới đây là được yên ổn, ấy thế mà nửa năm qua đi, người ta truyền đến cái tin ông Nghè bị bắt nhốt lại, chức tri huyện được giao cho người khác.
Đấy là cái năm mà nhà ông đồ phải mang hết tiền của để tìm cách cứu giúp đứa con trai cả. Và lúc ấy cậu Kiệt đã phải thay cha lặn lội đường xa lên thăm hỏi tình hình của anh rồi đưa về thưa với cha mẹ và họ hàng, để người ở làng còn biết đường mà tính. Số tiền mấy năm đi hát, phần lớn đều được cậu Kiệt đổ vào cho người anh trai, vì cậu cũng đã nghe nhiều chuyện không hay trong ấy, vả lại, người khoẻ mạnh còn đang thừa sống thiếu chết trong ấy, nữa là một anh học trò như ông nghè.
Tới đầu năm ngoái, có tin báo về nhà là ông nghè được thả, họ hàng đã sắm sửa nhắn đồ đạc rồi khăn gói lên tận nơi để đón. Ai ngờ chỉ thấy bức thư tay và ít đồ xưa được Duật Vân gửi lại, còn anh đã kịp đi xa. Cái giống nhà họ Hạ chẳng biết là giống ai, hết anh rồi lại đến em, cũng đều bỏ xứ mà đi. May mà trong bụng vẫn còn một hồ chữ nghĩa, gặp may thì còn có miếng cơm bỏ bụng, manh áo che thân.
Hai anh em gặp nhau cũng chẳng có cảnh tay bắt mặt mừng, chỉ lặng lẽ dắt nhau vào trong buồng, nhờ người sửa soạn một mâm cơm tươm tất với ít nước chè (vốn Truân Kiệt định mang rượu cho anh nhưng nghe đến cái thứ là mặt mày Duật Vân tái mét cả đi, anh lắc đầu rồi bảo hai anh em ta hãy uống trà để mà còn tỉnh, còn trò chuyện suốt cả đêm dài được). Bữa ăn diễn ra trong cái sự im ắng lạ thường, chỉ có tiếng đũa bát và tiếng chén trà hạ lên hạ xuống, ăn độ lưng lưng bụng, Duật Vân mới mở đầu câu chuyện.
Rồi suốt cả đêm, hai anh em kể nhau nghe tình cảnh của mình. Cùng là kẻ mang mối nhơ nhuốc, cũng chẳng thể chê trách được gì nhau nên câu chuyện hồi lâu cũng tuôn ra hết. Duật Vân thương em và tự trách vì mình mà gây hoạ cho đời em, anh lặng đi một lúc rồi ôm mặt khóc. Truân Kiệt cũng thương anh trai mình, dù ngày trước khi chưa tỏ tường mọi chuyện, cũng nhiều khi cậu thấy ấm ức, nhưng vì là anh em với nhau, lại cũng rõ tính nhau. Cậu đã thấy nghi nghi cái tội của anh, giờ này khi được nghe đầu cua tai nhau, cậu lại càng căm hơn cái thời cuộc đảo đen này. Nhưng sức của riêng cả hai thì yếu lắm, lại thêm những cái nhơ nhuốc họ phải đeo sau lưng. Nên một hồi sau, cậu cũng khóc theo anh. Thế là cả bữa ăn gặp mặt đoàn tụ, lại như một bữa tang ma.
Từ độ ấy, Duật Vân ở lại cùng em, cả hai cùng mở một lớp. Cậu em thì dạy học trò lớp bé, cậu anh thì dạy học trò lớp lớn. Tuy văn chương cả hai chẳng bằng ai nhưng Truân Kiệt cũng đã đủ tài dự thi, còn Duật Vân thì cũng đã là ông nghè. Tuy năm xưa từng bị tù tội nhưng chỉ bị đánh hỏng kỳ ấy và mất cái danh ông nghe chứ chàng cũng vẫn được đi thi. Nên cả hai quyết tâm dành dụm tiền một năm, để năm sau đi thi.
Năm sau cả hai cùng đi thi Hương, và cũng đều chứng tỏ được tài hoa của mình. Bấy giờ trường thi của họ ở xa quê nhà nên cả hai mặc sức thi thố, không sợ gặp lại người quen. Cuối năm, họ đều đỗ tam trường (8), nhưng tới đệ tứ trường thì hai anh em đều bỏ. Vì họ đi thi không phải vì mong công danh đỗ đạt. Thứ nhất là Duật Vân, anh này đã từng làm ông nghè, giờ có thi tiếp thì chắc cũng chẳng được cất đặt chức nào quan trọng, vả lại làm quan một lần cũng đã đủ cái lo, anh cũng chẳng ham. Thứ hai là Truân Kiệt, tuy vận nước đã suy tới độ các giáo phường còn sinh ra được cái nghề như cậu đan, nhưng còn lâu triều đình mới chấp nhận một cậu đan được làm quan, hay là được đỗ to.
(8): Kỳ thi Hương có bốn trường thi, đổ cả bốn trường thì được danh cử nhân, còn đỗ tam trường thì được danh Sinh Đồ hoặc Tú Tài, năm hai anh em thi thì số lượng Tú Tài thiếu, họ lấy cả những người đỗ tam trường mà Duật Vân và Truân Kiệt lần lượt được điểm cao hai kỳ nên được danh ông Tú.
Lúc nghe tin hai anh em ở làng Cổ Liên bỏ thi, dân mấy làng và mấy cậu học trò quanh đấy cũng tiếc lắm, họ đã được đọc qua bản giáp (9) các kỳ của cả hai, và rất phục hai người. Họ nghĩ nếu có ai đỗ thủ khoa với á khoa của kỳ này, thì định chỉ có hai anh em Duật Vân và Truân Kiệt chứ chẳng còn ai khác sánh được.
(9): Bản nháp thi.
Hai anh em định cư ở làng Cổ Niên độ hai ba năm thì ngày nọ trước cửa nhà cậu Kiệt lại có người cũ đến tìm, ấy là cậu Năm, bấy giờ cậu này đã làm quan trong triều, và đường làm quan của cậu xem chừng rất hanh thông.
Năm nay cậu có người bạn đồng niên làm quan Sơ Khảo (10) ở trường này, người này cũng từng gặp Hạ Truân Kiệt mấy lần, và biết cái tình thâm giao giữa hai người nên khi nghe mấy cậu học trò và quan đốc học của tỉnh nhắc đến hai anh em tài học sâu rộng từng bỏ thi mấy năm trước, cậu này đinh ninh và khi viết thư gửi bạn cũng nhắc qua chuyện này. Ai ngờ lại là người quen thật.
(10): Ban giám khảo phụ trách việc chấm thi kỳ thi Hương, quan Sơ khảo là người chấm thi đầu tiên (Nội trường).
Truân Kiệt mời cậu Năm vào nhà rồi cả hai trò chuyện đôi câu, cũng gọi là câu được câu không vì lúc này cậu Kiệt đương thì dạy học. Lâu ngày không gặp mà cái tình của cậu Kiệt với người kia vẫn còn, nhưng cậu cũng chẳng dám thể hiện điều gì, vẫn đối đãi người thương cũ của mình cái cung cách ứng xử với những ông khách quý, điềm đạm và xa lạ. Cậu Năm nhận thấy cái xa cách trong lời nói của cậu Kiệt mà vẫn giả bộ như không biết gì. Trong lúc cậu Kiệt kiểm tra lũ học trò, cậu cũng phụ một tay.
Từ lần ấy thi thoảng cả hai lại gặp nhau, mỗi năm cũng được chục lần và từ năm thứ hai là bắt đầu có thư tay. Dẫu vậy, trong thư và ngoài lời, cậu cũng nói rõ tình thế với cậu Năm, rằng mối duyên này sẽ chẳng lâu dài, cái lỗi bất hiếu của cậu với cha mình đã quá rõ ràng nên sợ đến với người thương sẽ chỉ làm cho nhang khói tổ tiên thêm phần ảm đạm. Vậy là đã quyết xong cái mối tình son sắt của cả hai, chuyện nên duyên với nhau như lời hứa ngày trước vậy đứt hẳn, cậu Kiệt muốn người thương dứt hẳn tình xưa nên khuyên cậu Năm coi đây là giấc mộng hoang đường của thủa chưa hiểu chuyện, để mà còn tìm được mối tốt, nên duyên vợ chồng với người ta.
Bức thư vừa tới tay cậu Năm là ngày trong đêm cậu cưỡi ngựa tới làng Cổ Liên, cả đi cả về và khoảng thời gian ở lại mất độ hơn chục ngày, xong chuyện riêng cậu Năm lại về làm nốt bổn phận của mình.
Chẳng ai biết mấy ngày đấy cả hai nói chuyện gì, nhưng hai ngày đầu mặt người nào người nấy đều hằm hằm, như thể trước mặt là kẻ thù giết cha, tới hôm thứ ba mới chịu hoà hoãn và cậu Kiệt phải giục thì cậu Năm mới chịu về. Vậy là cả hai đã nói thoả.
Cậu Năm từ lâu đã rõ cái tính lo toan và nhận phần thiệt về phía mình của người bạn tâm giao, ấy mà khi nhận tin người thương giục mình kết tóc xe duyên với người khác, cậu vẫn nổi trận lôi đình. Nếu không phải còn ở lại sắp xếp công chuyện cho mấy ngày mình vắng thì cái lúc nhận thư là cậu đã đi ngay rồi. Hai hôm đâu cậu cố nói lời đả động Truân Kiệt tính cả hai ngang bướng, không ai chịu ai, tới tối đêm thứ hai, Duật Vân mới trò chuyện to nhỏ với hai người, thì cậu quan lớn và cậu tam trường mới chịu nhường nhau một xíu.
Cuối năm, đương lúc đi chợ sắm đồ, Duật Vân có phải lòng một cô gái, nhưng thấy mình chưa có gì trong người nên bấm bụng, chẳng dám xin hỏi cưới. Ai ngờ sang năm mới, cụ Xuân Kiều - một bậc có học trong làng và rất ưa hai anh em, sang nhà để bàn về chuyện cô gái chàng gặp ở chợ xuân. Tên cô ấy là Chi Lan, tuy nhà hẻo người và cũng đã lớn tuổi nhưng rất chịu khó làm ăn, vả lại cũng có ý với chàng từ trước.
Hỏi ra thì mới biết Chi Lan cũng là con của một ông đồ, cụ đồ này là bạn đồng niên với cụ Xuân Kiều, tuy không đỗ đạc những cũng biết cách dạy con và là nhà có chữ nghĩa. Năm xưa khi hai ông bà còn sống cũng tính gả con gái đi mà cô gái không chịu, vì khi ấy cụ đồ đã sắp mất, còn cụ bà cũng ốm đau liên miên suốt, nên Chi Lan thương cha mẹ, ở nhà phụ giúp cụ ông cụ bà tới lúc hai người giá hạc quy tiên mới thôi. Đến năm nay cũng là lúc vừa hết tang bà cụ, cụ Xuân Kiều lại cũng thương con gái của bạn mình thân con gái mà lùi lũi mãi như thế nên thử sang hỏi chuyện cậu.
Cậu Duật Vân ưng lắm nhưng lại nghĩ đến số cậu, thế là cậu mới kể hết chuyện mình cho ông cụ nghe và nói thực lòng.
- Thưa cụ, con cũng có lòng với cô Chi Lan, nhưng số cô ấy vốn đã chông chênh, nay nếu lại thêm số con gấp ghềnh thì quả là khó nói.
- Cậu cứ yên chí đã. Trước khi đi tôi đã hỏi ý con Lan, và nó cũng đã chịu, bởi thế nên tôi mới sang đây nói chuyện. Giờ cha mẹ nó mất, tôi thay thầy nó, giúp nó xe mối duyên này. Giờ tôi về, kể chuyện của cậu với nó, xem ý nó như nào rồi ta sẽ bàn tiếp.
Mấy hôm sau có cậu học sang gọi Duật Vân sang nhà cụ Xuân Kiều nói chuyện. Hoá ra là khi nghe chuyện đời cậu Duật Vân, cô Chi Lan vừa thấy thương cho cậu lại cũng thấy đây là con người tài hoa và có chí nên cô vẫn đồng ý mối này. Bấy giờ là tới lúc thưa chuyện với hai bên. Cậu Duật Vân đã tính đến chuyện dấu nhẹm cái gia cảnh nhà mình để đỡ nhơ nhuốc cho họ hàng, nhưng con gái người ta đã chịu khổ để lấy cậu. Vả lại chuyện xấu chuyện xa gì của mình cậu cũng đã kể cho người ta nghe, nên ngay chiều hôm ấy, cậu bàn chuyện với em và định bụng là sẽ về quê thưa chuyện với mẹ.
Cụ bà lâu ngày không gặp con, nhất là cậu con trai cả nên vừa mừng vừa tủi, cụ sai người trong nhà chuẩn bị đồ để mấy ngày sang làng Cổ Liên gặp mắt nhà bên. Mấy năm trước cậu con rể được cắt cử làm quan trên kinh và cũng cũng đón bà nhạc lên chung vui, nhưng độ được mấy tháng cụ bà lại xin về quê, Kinh kỳ náo nhiệt và toàn người lạ, cụ lớn tuổi, ở không quen. Không chỉ có cụ bà mà cả cô Tố Tâm cũng chẳng quen cuộc sống trên này, nhưng chẳng lẽ lại để mỗi mình chồng chị ở trên này một mình. Thôi thì chị lại phải cố gắng gượng. Thái Cát cũng đoán được suy nghĩ của vợ, và chị cũng có phần không mấy thích thú cái cuộc trên chốn Kinh Kỳ.
Thật lòng là chàng đã không thích nó kể từ lúc lên kinh đi thi nên qua mấy năm, nhân lúc chức tri huyện huyện Thường Lâm - quê nhà của chàng và vợ, còn trống, chàng đã xin về ấy. Tuy chức quan có thấp hơn lúc trước nhưng được gần gũi với quê mình, vẫn là việc vui. Dù sao thì tánh chàng cũng ghét việc tranh đấu trên Kinh đô.
Lấy nhau xong được một năm, sau nhiều lần cụ bà gửi thư thăm hỏi, Duật Vân và vợ đã quê ở làng Trúc Tuy sinh sống, còn cậu Kiệt thì nhất định ở lại làng Cổ Liên. Nhưng mỗi năm ngày lễ ngày tết hay khi được rảnh người, cậu cũng về chơi với mẹ và anh chị, thi thoảng cậu cũng sẽ tham gia mấy buổi bình văn với bạn đồng song. Và thầy cậu - cụ Bảng Nam Giao, cũng nguôi ngoai câu chuyện cũ, lắm khi hay tin cậu về, cũng vẫn cho người sang gọi qua nhà để hai thầy trò nói chuyện đôi câu.
Lại thêm mấy năm nữa, lúc này nhà cửa của cụ bà đã đông con đông cháu, chị Tố Tâm và anh Duật Vân đã bà cụ có cháu bồng bế, thì có tin vui từ trên Kinh truyền xuống. Số là năm ấy là lúc vua mới lên ngôi, nhân dịp này ngài cho người xét lại các cũ, và nhận thấy được cái oan của cậu Duật Vân nên gửi lời về tỉnh cậu và cho người đến báo tin. Năm ấy không chỉ có cậu Duật Vân mà nhiều những cậu học trò đỗ đạt khác bị án oan cũng được đem ra xử lại. Vậy là cái danh ông nghè của cậu con cả nhà cụ đồ quá cố (Duật Vân không ra làm quan nưa, tiếp tục nghiệp dạy học của cha. Phần này liên quan đến thời cục truyện đương thời nên sẽ giải thích ở phần sau. Vì là giả tưởng nên còn nhiều sai sót, hy vọng được mọi người bổ sung).
Đoạn kết: Cậu Kiệt tiếp tục làm thầy đồ, cậu Năm càng ngày càng làm quan to trong triều, cậu dùng thế lực để phù trợ cho vua mới, đấy là thái tử, con một người em họ của cậu (vai vế của Năm trong nhà khá lớn vì nhánh của Năm thường sinh đẻ muộn). Sau này, khi thời cục đã ổn định và thế lực của những nhà quyền thế trong triều bị hạn chế thì cậu cáo lão về quê, tới làng Cổ Liên sinh sống với cậu Kiệt. Hai người coi nhau là bạn tâm giao. Thái Cát trong lúc làm quan tri huyện có công giúp huyện mình phát triển nhưng nhất định cắm rễ chỉ làm một ông tri huyện chứ không chịu thăng quan, cũng được Năm để ý cho việc này. Duật Vân thì noi theo nếp thầy mình là cụ đồ quá cố Hạ Xuân Kiền và cụ Bảng Nam Giao, trở thành một thầy dạy có tiếng trong vùng. Học trò theo học đỗ đạt cao và nhiều.
8.2023
Không thể tin được là mình đã viết hơn mười nghìn từ cho cốt truyện này. Vậy là mục tiêu năm 2023 viết được năm mươi nghìn từ có thể thành công rồi ha.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top