melody đằng sau diary

'nhật kí đứa trẻ không được ban lời ca,

kim sunoo của ngày 30 tháng 3 năm 2015,

"Ryeongju là một thành phố ven biển nằm ở góc tây đông của tỉnh Ryeongsang tại đất Hàn, được mệnh danh là thành phố di sản, với những nét đẹp kiến trúc đến phong cảnh"

đó là những gì tôi đọc được trên tờ báo mỗi 7 giờ sáng. tôi còn nhớ như in tiếng xe đạp kêu lách cách phát ra từ đầu con hẻm chạy qua nhà tôi rồi mất hút khi người giao báo lách qua ngã tư nhà bà byeolsang. dân trong làng ai tôi cũng biết tên, đa số là từ những câu chuyện thời thơ ấu hay còn thiếu nữ của ngoại tôi tường tận kể lại bất cứ khi nào hai bà cháu có dịp. khổ nỗi người giao báo là tập hợp những cái tên duy nhất tôi không thể nhớ được, nên chỉ có thể gọi là "người giao báo". họ luôn là những cá thể gió bay của làng tôi, ý nói "gió bay" ở đây chỉ rằng không chỉ tốc độ đưa thư của họ lướt qua nhanh tựa gió mùa hạ mà còn có ý nói rằng họ chỉ được nhận diện qua tà áo sơ mi nhạt màu, khuôn mặt lấp sau chiếc mũ beret trông còn cũ kĩ hơn tập truyện doraemon bấy lâu chẳng đoái hoài động đến ở góc bàn đầy bụi trong phòng khách nhà tôi, ngoài ra, chẳng ai biết thân phận thực sự của họ.

nghe thì kì lạ, thậm chí là ngược đời, căn bản làng tôi vốn cũng chẳng "bình thường" là bao, nên sự tích người giao báo giấu mặt cũng không có gì bất ngờ là bao.

luyên thuyên đủ rồi, quay về với vấn đề chính, những dòng văn thơ lai láng mà báo chí viết về nơi tôi sinh sống đều sai bét. nhiều khách du lịch còn đến nhầm nơi này vì tưởng đây là Gyeongju – nơi mới xứng đáng được gọi là thành phố di sản. còn Ryeongju chỉ là bãi hoang bên bờ biển vịnh tây đông nơi các công trình triều đại của hàng ti tỉ ông vua rảnh rỗi cao sang gì đó từ thời người ta hay gọi là xa lắc xa lơ, công trình hầu hết đều là thành phẩm của sự thất bại trong sự cố nghề nghiệp thời đó. nhiều khách du lịch phải gọi là bất đắc dĩ đến thăm nơi này đã hoàn toàn thất vọng, kết cục là họ phải trú tạm ở chòi trọ đổ nát do ông donghyun để lại do không bán được cái chòi đó bao đời nay. thi thoảng tôi có nghe loáng thoáng tiếng chửi rủa thề non hẹn biển của khách du lịch, cũng có khi gặp được mấy người lạc quan, họ còn chủ động tham gia hoạt động đánh bắt chài lưới của làng tôi và cười đùa đích danh đặt cho cái tên "trải nghiệm ngày hè đáng nhớ".

nói đi cũng phải nói lại, làng tôi cũng không đến nỗi tệ. ngoài khu hoang sơ của tập hợp di tích chất thành đống ở rừng phía nam thì còn lại tạm chấp nhận được, có những góc nhỏ thậm chí rất đẹp và thơ mộng. điển hình là khúc sông ngập hoa anh đào, một trong số những gốc cây còn là nơi đặc biệt yêu thích của tôi để vẽ tranh hay đơn giản là thơ thẩn một mình. tôi thích biển làng tôi hơn bất kì những nơi nào khác, sóng cuộn nuốt chửng lấp lánh ngàn sao, trong lòng biển tựa có đom đóm lượn lờ tìm khóm hoa thơm, biển trong tới độ khi ngâm chân mình lún sâu dưới cát, nói phóng đại có thể đếm được số hạt cát đang mân mê kẽ chân.

tôi yêu Ryeongju.

tái bút: tôi yêu Ryeongju nhưng có lẽ đây là thể loại tình đơn phương trên kênh truyền hình mà tôi thường xem, là tình cảm không được đáp lại, thậm chí là bị phản bội. lí do vì sao hãy đón xem tập tiếp theo do tác giả kim sunoo sáng tác.'

-

"sunoo, bà về rồi đây"

sunoo đứng bật dậy như đứa trẻ nghe thấy tiếng chuông leng keng của mấy ông chú bán kem đóng túi, vô tình gạt đống giấy tờ loằng ngoằng nét vẽ rơi tứ tung xuống sàn gỗ ẩm ướt. mắt em ngoái lại nhìn có ý định sắp xếp gọn ghẽ bản vẽ, giây sau ngoái ra thấy bà đang khó khăn với chốt khóa cửa bởi đống giấy bạc hẳn là tỏa ra mùi thơm nức mũi bọc trong túi ni lông nặng nề xách trên đôi bàn tay nhăn nheo, thi thoảng lại run lên vài đợt do bệnh tuổi già. nhận thức mức độ quan trọng hơn của tình huống còn lại, mặc cho tập phác thảo bị bào mòn mởi mặt đất mùi nồm ẩm ướt, em nhanh chân chạy ra đỡ bà xách cặp túi ni lông dày uỵch. giây phút ngắn ngủi bà mày mò tìm cho đúng đầu chìa khóa cửa, em nhấc lên nhấc xuống cặp túi đồ ăn nóng hổi như người tập tạ, căn bản vì túi nặng trịch hơn nhiều so với sức của em, tranh thủ hít lấy hít để mùi hương trong bọc rồi em bắt đầu đoán mò bao nhiêu là đáp án rằng bữa trưa hôm nay sẽ là món gì.

"canh kim chi và bánh gạo cay" – em thầm nghĩ, màu nâu trong tròng mắt sáng rực hơn cả ánh nắng lớt phớt ngả nghiêng trên thềm cỏ. mùi đồ ăn sộc lên mũi làm toàn thân em bừng tỉnh, lưng dựng thẳng ngờ rằng có thể mường tượng đuôi cún đang hào hứng quẫy ngay sau

sunoo nhanh chân chạy ngay phía trước bà, việc đầu tiên em làm khi đặt chân trái lên bậc cửa là hạ cặp ni lông xuống sàn, với tay xếp lại tập giấy vẽ lên bàn học ngăn nắp đến độ phần gáy tập giấy đi theo một đường thẳng góc 90 độ. quay lại với cặp ni lông nức mũi toàn món ăn yêu thích của em, nó sau khi bị bỏ rơi trên sàn nhà trơn tru thì được đặt lên bàn bếp ngay cạnh phòng khách. bà vẫn dậm những bước chân dề dà, còn chưa kịp nghiêng người vào nhà thì em đã nhanh tay lấy đủ bộ bát đũa.

bữa trưa diễn ra ngay tức thì xoay quanh cuộc trò chuyện giữa hai bà cháu và tiếng cười khúc khích đậm nhạc điệu tựa bài hát trong đĩa CD ngày hè. nói chán chê câu chuyện bóc mẽ nói xấu của bà về tính ích kỉ tham ô cực độ của ông jaehuyn rao bán thịt ngưỡng cửa chợ hay cô hyemin mới sinh đứa thứ tư dù ba đứa con còn lại của cô còn chưa kịp lớn vì thằng chồng vũ phu với tư tưởng trọng nam khinh nữ của hắn hành hạ cô bần tiện suốt mấy năm thanh xuân đời người. đa số mẩu chuyện phiếm của bà đều không nằm ngoài khu vực làng Ryeongju nhưng lại đa dạng đến bất ngờ, thể như chẳng bao giờ hết chuyện để bàn tán. sunoo cũng kể cho bà nghe những mẩu chuyện nhỏ khi bà vắng nhà, khác với ngoại em, sunoo và những diễn biến của em không bao quát như của bà mà chỉ loanh quanh trong nhà hoặc từ đầu ngõ nhà em đến ngã tư nhà bà byeolsang, vì sau ngã tư của ngôi nhà sập xệ đó thì mọi sự trên đời đến khuất tầm mắt em.

em chẳng mấy khi ra ngoài, tách biệt mình với xã hội bằng một thế giới riêng kì ảo. hôm nay có hội chợ lớn số một tính từ trước đến nay, em đặc biệt thích ngắm dàn hoa đủ loại đủ màu cao thấp không đồng đều, có bông ngả về hướng nắng, có bông dựng thẳng tắp, có bông lại nấp về phía bóng râm ngại ngùng khuất đi dáng vẻ xinh xắn, điểm chung là nhành hoa nào ở hội chợ cũng thắm tươi nhưng thành thật mà nói, để xô lấn nhau trong hội chợ ngợp tiếng ồn ấy thì em thà buông bỏ sở thích của mình để ở nhà còn hơn.

bà cặm cụi cắt tỉa cỏ dại ngoài sân vườn, bà biết em thích ngắm hoa nhưng lại không thể ra ngoài nên mấy năm gần đây số lượng giống hoa trong vườn cứ đột ngột tăng lên, không chừng có thể gọi nó là một khu rừng nhỏ.

em nằm oài trên hai chiếc ghế xếp cạnh nhau, tay em vươn cao chắn làn nắng được gió ẵm vào phòng bếp tựa dải kim tuyến quấn lấy lòng bàn tay mà chập chờn vẻ lấp lánh. sunoo đột nhiên bật dậy như thể vừa sực nhớ ra điều gì mà em quên chưa làm, em đã bỏ quên những lời văn sướt mướt tấm tắc khen căn bếp nhỏ nhà em mà đáng ra phải viết vào nhật kí nhưng rồi em lại buông thả mình nằm oài trở lại sau một tiếng thở dài vì ngẫm nghĩ lại, em chỉ nên viết vào nhật kí những biến số kì thú vào trong sổ. còn tình yêu của em với vạn vật, em sẽ dùng những đường nét chạm khắc lên tập giấy trắng hay đơn thuần mà nói, em vẽ tranh.

-

'nhật kí đứa trẻ không được ban lời ca,

kim sunoo của ngày 2 tháng 4 năm 2015,

tôi sẽ nói tiếp về cuộc tình đơn phương trải dài 20 năm dài đằng đẵng của tôi với Ryeongju,

chứng rối loạn lo âu xã hội, tiếng anh đọc là social anxiety disorder, là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường.

theo chuẩn đoán của bác sĩ và các sách y khoa thì chuyên nghiệp mà nói, tôi bị mắc chứng rối loạn lo âu xã hội nhưng theo một cách dân giã hay cơ bản là thiếu kiến thức của một số người nhiều chuyện trong làng thì tôi bị tự kỉ, trầm cảm, chống đối xã hội, vân vân mây mây hay có người còn đưa tin đồn rằng thực chất tôi bị câm, có kẻ mê tín dị đoan lại cho rằng tôi bị thế lực ma thần quỷ dại trừng phạt. dân trong làng chẳng mấy ai thích tôi, số người yêu quý và giúp đỡ tôi có thể đếm trên đầu ngón tay, thậm chí còn không đủ để đếm hết mười ngón tay không chừng. làng tôi là làng chài có truyền thống đánh bắt được ông cha để lại, những nơi như vậy thường được người từ thành thị đến nông thôn nói rằng trai trẻ trong làng đều là những người hoạt boát, da bánh mật, cơ tay cơ múi săn chắc. tôi đương nhiên hoàn toàn không có tất cả những đặc điểm đó và còn trái ngược lại với những thông tin trên.

còn nhớ ở tập trước trong nhật kí tôi có nói rằng làng tôi vốn không "bình thường" và đầy ắp những sự tích kì quặc chứ. đúng vậy, tôi nằm trong diện "những sự tích kì quặc" của làng Ryeongju này đây. mà nói đến sự tích thì đứa trẻ con nào trong làng chả bị thu hút, nên cứ vào ba đợt mỗi ngày, một là vào lúc 6 giờ 30 phút sáng khi tụi trẻ con dắt tay nhau dung dăng đi học, hai là vào lúc 12 giờ đúng khi chúng tan học, đứa nào đứa nấy quần áo xộc xệch tranh nhau xem ai về trước, ba là vào lúc 3 giờ 45 phút chiều khi bọn con nít đàn đúm rủ nhau ra ngoài chơi, cứ mỗi lần đám bọn chúng đi ngang qua nhà tôi liền cười khanh khách rồi hết lớn "đồ bị quỷ giấu mất miệng" sau đó là cuộc rượt chạy tăm tắp khi thấy bóng lưng còng của bà tôi chửi bới rõ dần tiến đến trước cửa nhà. tôi còn nhớ chúng có một trò chơi nhỏ như này, thi nhau oẳn tù xì để xem hôm nay ai là người hét lớn câu "đồ bị quỷ giấu mất miệng", đứa nào thua mà không dám làm thì phải về nhà dâng hiến hai ba cục kẹo cho những đứa còn lại. trong đó đã có cô bé manchae lỗ hẳn nửa bịch kẹo dừa vì ba lần tù xì thua đều không đủ can đảm để hét lớn, dù lần nào tôi đi qua cũng chẳng chào lấy một câu nhưng đủ để tôi biết con bé thương tôi nhất đám.

trái tim đặt ở đâu, tình cảm nặng bao nhiêu nhưng không phải lúc nào cũng được đáp lại. tôi yêu làng Ryeongju, thích thú để gió che lấp âm thanh chui lọt vào tai tôi cựa quậy, thương nắng trườn trên mái tóc đen tuyền của tôi rồi tan biến tựa bọt biển nhưng cái cách dân làng Ryeongju hắt hủi tôi thì tôi không nghĩ tình yêu quê hương của mình đã được đáp trả thỏa đáng.

tái bút: mặc cho bao điều là vậy, tôi vẫn yêu Ryeongju'

tập sau park sunghoon của chúng ta sẽ được lộ diện nkaaa

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top