Chương 34
Đoạn 34
Ngày hôm sau, tôi lại một mình lái xe đến trại giam. Tháng này đã gặp 2 lần rồi nên không thể đăng ký gặp thêm lần nữa, rút cuộc, tôi chỉ có thể đứng đợi dưới mái hiên suốt bốn tiếng, bên ngoài trời mưa phùn gió bấc, lạnh đến mức răng va lập cập vào nhau. Mãi đến gần 12 giờ mới thấy đoàn lao động ngày hôm qua, lần này, ba tôi không ở giữa hàng nữa mà đi cuối cùng. Quản giáo đi phía sau thỉnh thoảng nhăn mặt mắng:
“Đi nhanh lên. Đến giờ cơm rồi”.
Ba tôi vẫn yếu, đôi chân của ông run rẩy lê từng bước, thỉnh thoảng lại đưa tay che miệng ho như đứt gan đứt ruột. Tôi ở ngoài này nhìn vết thâm trên mặt ba vì lạnh đã trở nên tái đi, thấy ông ấy gầy yếu đau khổ như vậy, lòng cũng khó chịu giống ngày hôm qua. Thậm chí còn đau hơn. Bởi vì hôm nay ba tôi bị thương nặng hơn mà vẫn phải đi làm.
Nhưng trong tù có quy định của tù, phạm lỗi phải trả giá. Tôi hiểu, cũng không thể ngăn cản được, chỉ có thể đứng ngoài tấm meca nhìn vào, môi mấp máy gọi một chữ: “Ba”.
Tiếng của tôi rất nhỏ, nhỏ đến mức ngay cả người canh gác bên kia cũng không nghe được, nhưng hình như ba có linh tính nên lập tức ngẩng đầu lên, khi thấy tôi sau cánh cửa, vành mắt ông lại đỏ hoe.
Dù bị quản giáo giục đi nhanh nhưng ông vẫn đứng lại, cố dồn sức hét to: “Chân Ý, ba không sao đâu. Ba vẫn khỏe. Đừng lo cho ba”.
“Ba ơi”.
“Động viên mẹ con cho tốt, nhắn với bà ấy là ba vẫn tốt. Chân Ý ngoan, hôm nay trời lạnh lắm, đừng đứng bên ngoài nữa, về đi con”.
Miệng tôi mấp máy, muốn nói tôi mặc áo dày vẫn ấm lắm, không sợ lạnh, tôi chỉ sợ ba bị đau như vậy mà vẫn phải chịu lạnh thôi. Nhưng tôi biết càng tỏ ra lo lắng thì ba sẽ càng không yên lòng, thế nên tôi chỉ gật gật, giọng lạc đi:
“Ba, con biết rồi. Con với mẹ ở bên ngoài sẽ tự chăm sóc bản thân. Ba ở trong đó cũng giữ gìn sức khỏe, đau quá phải nói với quản giáo, lạnh thì mặc thêm áo ấm, con có gửi thuốc bổ cho ba rồi, ba phải uống đều nhé. Ba có nhớ không?”.
“Ba biết rồi”.
Vừa dứt lời thì quản giáo lại cáu kỉnh quát ba tôi lần nữa, mấy phạm nhân phía trước bị chậm giờ cơm cũng quay đầu lườm ba tôi. Tôi sợ ông dây dưa thời gian lại bị đánh nên nói:
“Ba, ba vào đi, con về đây”.
Ba tôi không kịp trả lời đã bị kéo đi, trong khoảnh sân trại giam vừa nãy còn có đông người, thoáng chốc đã chẳng còn ai nữa.
Một cơn gió lạnh buốt từ bên ngoài thốc tới, làm lạnh buốt cơ thể tôi, tôi co rụt hai vai vào sâu trong áo, ngước nhìn lên tờ lịch ở bên trong phòng thăm nuôi cũng đã thấy hôm nay là đầu tháng chạp rồi.
Lại một năm nữa lại sắp qua đi, mùa xuân lại đến.
Cây táo ở trước hiên nhà cũ đã khô héo từ lâu, mấy năm nay không đơm hoa kết trái nữa. Ba tôi thì vĩnh viễn sẽ ở nơi này cho đến c.hế.t, cũng chẳng biết ông còn đón được bao nhiêu mùa xuân…
Lúc từ trại giam về bệnh viện, mẹ tôi đang ngồi trong phòng nói chuyện với Đăng Nguyên. Thấy tôi bước vào, anh ấy chỉ mỉm cười chào một câu rồi biết ý đi ra bên ngoài. Đợi khi Đăng Nguyên đi rồi, mẹ tôi lập tức hỏi:
“Chân Ý, thế nào rồi? Ba con có được ra ngoài điều trị không?”.
Tôi khó khăn lắc đầu: “Mẹ, con đến đó hỏi thăm rồi. Mấy vết thương của ba hôm qua không có gì đáng ngại cả. Giám thị nói đến kỳ xạ trị tiếp theo thì sẽ đưa ba đến bệnh viện”.
Mẹ tôi nghe thế mới tức giận đập bàn: “Ba con bị u.ng thư phổi, còn bị dẫm lên ngực, phun cả ra m.áu thế mà bảo vết thương không có gì đáng ngại. Phải c.hế.t người mới đáng ngại à? Mạng con người chứ đâu phải cỏ rác mà đối xử với người ta tàn nhẫn như thế?”.
“Mẹ…”
“Chân Ý, chắc chắn người đứng sau chuyện này là thằng Thành. Nó muốn nhìn thấy ba con sống không tử tế, nó muốn trả thù ba con nên mới sai phạm nhân khác đánh ba con, còn không cho ông ấy ra ngoài chữa bệnh. Nó muốn ba con c.hế.t dần c.hế.t mòn trong tù, c.hế.t khổ c.hế.t sở”.
“Mẹ, không phải như vậy đâu. Anh ấy làm cảnh sát hình sự, không liên quan gì đến trại giam cả”. Tôi chống chế một cách yếu ớt, bởi vì chính bản thân tôi cũng không biết Đặng Khải Thành có nhúng tay vào việc này hay không.
Mẹ tôi đỏ mắt nhìn tôi: “Cảnh sát hình sự? Nó là cục trưởng cả một cục cảnh sát, ai chẳng phải nể mặt nó? Ba con ban đầu không được ra ngoài chữa bệnh, sau này con đến cầu xin nó, chẳng phải nó đồng ý thì ba con mới được đến bệnh viện làm hóa trị đó sao? Chân Ý, chắc chắn là nó, chính nó muốn hại ba con”.
Tôi không biết đáp gì, chỉ mím chặt môi yên lặng. Mẹ tôi không đợi được câu trả lời của tôi lại như hóa đ.iên nói: “Hôm qua mẹ bảo con xin nó, con có làm không? Nó không đồng ý phải không?”.
“Tối qua anh ấy không về nhà”. Tôi chỉ đành nói dối.
“Không về nhà thì không biết đường gọi điện thoại à? Chân Ý, ngay từ lúc đầu nếu con không đến van xin nó thì đã khác. Bây giờ mọi việc đã rồi, con đi theo nó cũng phải hy sinh nhiều như thế, cũng phải đổi lại chuyện gì chứ? Đàn ông ở trên giường dễ nói chuyện nhất, con…”.
Mẹ tôi nói đến đây mới chợt nhận ra bản thân mình đã quá kích động, mấy lời phía sau không thể thốt ra nữa. Tôi hiểu được tâm trạng của bà, một người đã phải chứng kiến chồng mình một thời huy hoàng, lại tận mắt nhìn thấy ông bị cảnh sát bắt giam, sau này khi trải qua 10 năm mưa gió, bà tỉnh dậy lại phát hiện ra ba tôi đã già, suy sụp đến mức chỉ còn da bọc xương, mái tóc bạc trắng, thân thể gầy nhom chịu đủ giày vò đau khổ. Tất nhiên, mẹ tôi sẽ không thể chấp nhận được.
Bà muốn ba tôi sống tốt, tôi hiểu.
Bà vừa hận tôi đi theo Đặng Khải Thành, vừa muốn tôi đánh đổi, tôi cũng hiểu.
Nhưng ba tôi ít nhiều gì cũng vẫn còn sống, ông mới thế này mà tôi và mẹ đã đau lòng tưởng c.hế.t, năm ấy một mình Đặng Khải Thành đã gánh nỗi đau cùng lúc mất cha mẹ ra sao? Điều này, chẳng ai hiểu được ngoài anh cả.
Tôi lẳng lặng hít vào một hơi thật dài, thật dài, mãi sau khi con tim đã vơi bớt đau đớn mới đáp: “Mẹ, con biết phải cứu ba, nhưng thật sự con không có mặt mũi nào cầu xin anh ấy”.
“Chân Ý, con như vậy là sao?”.
“Mẹ, mẹ thương ba, nhưng anh ấy thì sao? Năm đó chỉ trong một đêm ba g.iế.t c.hế.t cả cha lẫn mẹ anh ấy, làm gì có ai thương anh ấy”.
“Chân Ý”. Mẹ tôi quát to: “Mày là con của ai hả? Vì nó phản bội nên ba mẹ nó mới phải c.hế.t. Còn mày, mày là con gái của ai? Mày là con của ai mà đi thương cho cả kẻ thù của mày hả?”.
Tôi thấy mẹ kích động, sợ bà lại không chịu đựng được nên đành vội vàng nói: “Mẹ, ý con không phải thế. Ý con là xảy ra nhiều chuyện như thế, anh ấy để ba đến bệnh viện điều trị ung th.ư đã là giới hạn lớn nhất rồi, bây giờ cho ba ra ngoài lần nữa… sẽ rất khó”.
“Khó cũng phải thử. Mày không thể đi theo nó miễn phí được”.
“Mẹ…”
“Đừng nói nữa, bảo làm gì thì cứ làm đi. Nếu nó không đồng ý thì tìm cách khác”.
Mẹ tôi cứ khăng khăng như vậy, tôi khuyên thế nào cũng không được, rút cuộc chỉ có thể đứng dậy đi về. Đăng Nguyên vẫn chờ tôi ở hành lang như mọi lần, có lẽ anh ấy cũng nghe được cuộc cãi vã của mẹ tôi nên mới nói:
“Em đừng trách cô. Cô chỉ là quá lo lắng cho ba em thôi. Bây giờ ba em bị bệnh như thế, còn bị đánh đập, mẹ em đau lòng cũng là lẽ thường tình mà”.
“Vâng. Em không trách mẹ đâu”. Tôi cười: “Từ trước đến khi Hồng Hưng sụp đổ, ba bảo vệ mẹ em rất tốt. Ông luôn đối xử tốt với mẹ, chưa từng để mẹ phải chịu thiệt thòi gì. Thế nên lúc ba em bị bắt, mẹ em mới không chịu được, bây giờ thấy ba em thế này, mẹ em cũng không chịu được”.
“Ừ, cô không mạnh mẽ bằng em, 10 năm nay cũng không ra ngoài nên không biết rất nhiều thứ. Nhưng Chân Ý này, anh nghĩ có một việc mà cô nói đúng. Đặng Khải Thành không phải người đơn giản đâu, hắn sẽ không dễ dàng tha cho gia đình em”.
“Anh Nguyên, lúc trước em cũng cảm thấy anh ấy làm như vậy là quá tàn nhẫn, nhưng sau này em phát hiện ra, nếu đổi lại là em, có lẽ em cũng hận như vậy”. Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời xám xịt bên ngoài cửa sổ, cổ họng bị gió lạnh thổi đến, có chút đau: “Ba em g.iế.t c.hế.t ba mẹ anh ấy, anh ấy không thể vĩ đại bao dung cho ba em. Điều này là đúng. Ba em làm chuyện phạm pháp, phải đền tội, nhưng dù ông ấy có gây ra bao nhiêu việc ác đi nữa thì ông ấy cũng vĩnh viễn là ba em. Nhìn ông ấy như thế, không chỉ có mẹ em, mà em cũng rất đau lòng”.
“…”
“Nhưng em lại không có cách nào cả”.
“…”
“Anh Nguyên, anh bảo em phải làm sao?”.
Đăng Nguyên đi lại gần tôi, vươn tay như muốn ôm tôi vào lòng, nhưng tôi lại theo phản xạ lùi về một bước. Cánh tay anh ấy khựng lại trên không trung, sau đó ngượng ngập đưa lên mặt tôi, lau nước mắt cho tôi:
“Chân Ý, em đau khổ lắm phải không?”.
Tôi gật đầu: “Có lẽ vậy”.
“Anh cũng muốn giúp em, nhưng anh cũng không biết phải làm sao cả. Chân Ý, em khóc thế này anh cũng rất khó chịu”.
Tôi xấu hổ lấy tay tự quệt nước mắt trên mặt, mấy ngày nay khóc nhiều nên hốc mắt rất đau, động vào sẽ thấy xót: “Em không sao đâu, chỉ buồn vài ngày thôi. Một thời gian nữa ba em khỏe hơn, mọi việc sẽ lại ổn thôi mà”.
Đăng Nguyên nhìn bộ dạng cố chống chọi của tôi, thở dài: “Cố gắng lên nhé”
“Vâng”.
“Anh nghe nói chân em bị thương, đã khỏi hẳn chưa?”.
“Khỏi rồi. Em đi lại được bình thường rồi”.
“Cho anh xem nào”.
“Em khỏi rồi thật mà”.
“Chân Ý, lần trước em giúp chiến dịch marketing thuốc xương khớp của anh thành công như thế, anh chưa trả ơn được thì thôi, giờ em bị thương mà anh coi như không có gì thì lương tâm anh sẽ cắn rứt c.hế.t mất đấy. Bị thương ở đâu đưa anh xem”.
Anh ấy đã nói vậy, tôi không có cách nào, cũng đành ngồi xuống, kéo ống quần lên để Đăng Nguyên kiểm tra vết thương.
Qua hơn 10 ngày, những vết rách hầu như đã liền thịt hẳn, cũng không sưng nhiều nữa, gần như đã bình thường cả rồi. Nhưng Đăng Nguyên xem xong vẫn nói: “Nhiều vết thương như thế, sau này sẽ để lại sẹo đấy”.
“Ở chân, không ai nhìn thấy đâu mà”.
“Để ngày mai anh mang cao thoa liền sẹo cho em. Đông Y Phương Nam có mà. Chân em đang đẹp như thế, để lại sẹo sẽ xấu lắm. Thoa vào sẽ không nhìn thấy sẹo nữa”.
“Vâng”. Tôi miễn cưỡng gật đầu, nhắc đến Đông Y Phương Nam, tôi mới nhớ lâu rồi quá bận, cũng quên mất hỏi anh ấy tình hình gần đây: “Dạo này công ty của anh có tốt không?”.
“Mọi việc tốt hơn rồi. Gần đây bắt đầu có lãi, doanh thu cũng cao hơn nhiều”.
“Vâng, thế là tốt rồi”. Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Anh Nguyên, em thấy Hồng Ý cũng cũ rồi, muốn cải tạo lại nó, anh xem có được không?”.
Nét mặt Đăng Nguyên đang vui vẻ lập tức thay đổi, anh ấy ngước lên nhìn tôi: “Chân Ý, cải tạo lại Hồng Ý tốn rất nhiều tiền, đợi một thời gian nữa được không?”.
“Em có tiền mà. Lúc ở Hồng Kông em có dùng tiền để đầu tư kinh doanh. Vài hôm nữa là đến ngày rút, em định rút hết ra để sửa sang lại Hồng Ý, cải tạo nó thành siêu thị mini
"Siêu thị mini?"
"Vâng. Em không muốn làm quán bar nữa”.
Đăng Nguyên suy nghĩ một
lát rồi nói:
“Chân Ý, lâu nay anh quản lý Hồng Ý thay em, không gom được cho em tiền để sửa sang, lại còn để em phải rút tiền đầu tư về… anh rất ngại”.
“Anh giúp em như thế, em phải là người ngại mới đúng. Vả lại tiền kinh doanh của Hồng Ý anh dùng để trả tiền viện phí cho mẹ em, còn phải lấy tiền túi riêng bù vào. Anh đừng ngại”. Tôi kéo ống quần xuống, xỏ chân lại vào giày rồi nói: “Chuyện cải tạo lại Hồng Ý, em là phụ nữ, có nhiều việc em không nhanh nhẹn bằng đàn ông các anh. Nếu có vấn đề gì thì nhờ anh tư vấn cho em nhé?”.
“Chân Ý, đừng nói mấy lời khách sáo đó”. Đăng Nguyên thở dài đáp: “Đợi vài ngày nữa anh sẽ giao lại toàn bộ Hồng Ý cho em. Lúc đó em cần gì cứ nói anh một tiếng, anh sẽ chạy đến ngay”.
“Cảm ơn anh”.
“Thấy không, em lại khách sáo rồi”.
Thực ra chuyện cải tạo lại Hồng Ý tôi đã nghĩ đến từ lâu rồi, nhưng thời gian trước không thể ra khỏi nhà nên tôi chưa làm được. Giờ mẹ tôi đã tỉnh lại, chi phí nằm viện tuy không nhiều bằng trước nhưng tiền thuốc bổ, thuê điều dưỡng và tập vật lý trị liệu chắc chắn sẽ tốn kém. Tôi không thể để một mình Đăng Nguyên gánh vác Hồng Ý và lo chi phí điều trị cho mẹ tôi mãi được, thế nên mới quyết tâm cải tạo lại nó rồi tự kinh doanh.
Cũng may là Đăng Nguyên không phật lòng khi tôi nói vậy, anh ấy vẫn vui vẻ bảo sẽ giúp tôi cải tạo lại Hồng Ý, còn bây giờ siêu thị mini cũng phát triển, tương lai sẽ tốt hơn.
Tôi nghĩ cũng phải, thật lòng tôi hy vọng tương lai của chúng tôi sẽ tốt hơn, không chỉ có Hồng Ý, dược phẩm Phương Nam, còn có cuộc sống của ba tôi, mẹ tôi, thậm chí là chuyện tình cảm vốn dĩ là ngõ cụt của tôi và Đặng Khải Thành.
Biết là sẽ rất khó, nhưng có thể một ngày nào đó không xa, chúng tôi sẽ đặt được hận thù xuống, sẽ không còn ai đau khổ vì ai nữa, có phải không?
Trên đường về nhà, tôi lái xe qua siêu thị mua ít thực phẩm, bãi đỗ xe vào giờ tan tầm rất đông, tôi không tìm được chỗ ở bên ngoài nên phải lái vào tít gần khu xuất nhập hàng mới đỗ được.
Mua đồ xong, tôi đi ra thì thấy có mấy người công nhân đang bốc từng kiện hàng vào kho. Có một người đi lặc liễng trông có hơi quen mắt, tôi đứng ngẩn ra nhìn vài giây cũng thấy người đàn ông kia ngước lên nhìn tôi.
Là chú Sáu!
Chú Sáu hình như cũng nhận ra tôi nên vội vàng bỏ kiện hàng xuống: “Chân Ý, là Chân Ý phải không?”.
“Chú Sáu đúng không?”.
“Ừ. Chú là chú Sáu đây”.
Chú Sáu không phải đàn em ở Hồng Hưng mà giống người quản lý sổ sách trong nhà hơn. Từ hồi tôi còn nhỏ, chú Sáu đã theo ba tôi, hàng ngày ghi chép tiền chi tiêu từ việc làm ăn của ba tôi, rảnh rỗi hơn nữa sẽ giúp mấy cô chú giúp việc làm vườn. Sau khi Hồng Hưng bị cảnh sát triệt phá, chú Sáu cũng mất tích nhiều năm nay, mãi giờ mới gặp lại.
Chú Sáu khập khiễng bước lại phía tôi: “Chân Ý, đúng là cháu rồi. Cháu có khỏe không?”.
“Cháu khỏe. Chú thì sao? Giờ chú làm ở đây à?”.
“Ừ”. Chú Sáu nói: “Chú đi bốc hàng ở các tỉnh, bảo là làm ở đây thôi nhưng cứ theo xe hàng đi suốt. Về đây cũng chỉ bốc hàng xuống rồi lại đi ngay”. Nói đến đây, chú Sáu nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt: “Chân Ý lớn quá, chú sắp không nhận ra nữa rồi”.
Lúc còn ở Hồng Hưng, chú Sáu là người trung thành, cũng rất tốt bụng, khác hẳn Tư Một Mí. Thế nhưng tôi như chim sợ cành cong, vẫn đề phòng: “Vâng. Chú thế nào rồi? Mấy năm nay có gì thay đổi không?”.
“Chú lấy vợ rồi. Vợ ở miền Tây, đẻ được hai đứa”. Chú ấy hỏi tôi: “Cháu thì sao? Đã lấy chồng chưa?”.
“Chưa ạ. Cháu vẫn thế”.
“Ba mẹ cháu thế nào? Hai người… có còn sống không?”
“Có ạ. Ba cháu vẫn ở trong trại giam, mẹ cháu vẫn sống, nhưng cả hai đã già yếu cả rồi”.
“Ừ, 10 năm trôi qua rồi mà, ai cũng phải già đi thôi”.
Người quen cũ gặp mặt nên hay kéo lại hỏi mấy chuyện linh tinh, chú Sáu hỏi tôi bây giờ đang làm gì, ba tôi ở trong trại có bị bạn tù bắt nạt không, mẹ tôi sống có tốt không.
Tôi cũng không muốn nói đến tình trạng gia đình mình, chỉ bảo mọi người vẫn khỏe. Chú Sáu nghe xong mới gật đầu:
“Khỏe là tốt rồi. Giờ chỉ cần mỗi sức khỏe thôi”.
“Vâng, chú năm nay cũng lớn tuổi rồi, làm mấy năm nữa rồi nghỉ ngơi đi thôi. Già rồi, dành thời gian an dưỡng”.
“Cũng muốn được an dưỡng lắm, nhưng một đứa con của chú bị bệnh m.áu trắng, không có tiền chữa trị thì không sống được”. Chú Sáu đột nhiên thở dài: “Cứ tưởng lấy vợ rồi thì sẽ rũ bỏ được hết chuyện quá khứ, nhưng chắc là ngày trước chú cũng làm nhiều điều ác nên bây giờ mới gặp quả báo. Ông trời có mắt cả mà. Ngày đó chạy trốn được công an, nhưng rồi cũng có được sống yên lành đâu”.
“Chú đừng nói thế, chỉ là không may một chút thôi. Vả lại bệnh còn có thể chữa được mà”.
Chú Sáu gật đầu, sau đó lại như chợt nhớ ra chuyện gì nên hỏi tôi: “Hôm trước chú xem tivi, thấy thằng Thành có bài phát biểu gì gì đó. Bây giờ nó đã là cục trưởng của cục cảnh sát rồi nhỉ?”
“À… vâng”.
“Mười mấy năm trước, nó đã khuyên ba cháu nên dừng tay lại rồi, nhưng ba cháu nhất quyết không nghe, vẫn cứ tiếp tục dấn thân vào con đường buôn m.a t.úy. Sau này khi biết nó là cảnh sát, chú cũng có nói “bây giờ sự đã rồi, tốt nhất là nên đầu thú đi, đầu thú để còn được khoan hồng”, nhưng ba cháu nhất quyết không nghe, còn sai người đi tìm bằng được để g.iế.t nó”.
Chú Sáu nhìn tôi, gương mặt già nua khắc khổ phảng phất rất nhiều điều nặng nề: “Lúc đó, thằng Thành đang ở bên ngoài, hình như cũng biết chuyện nên có gọi điện về. Chú nghe máy, nó bảo chú nhắn với ba cháu, chỉ cần đầu thú thì mấy anh em trong Hồng Hưng vẫn còn cơ hội để làm lại cuộc đời, nó sẽ đứng ra làm chứng, chứng minh Hồng Hưng chỉ tập trung vào việc thu phí bảo kê, việc buôn bán m.a t.úy rất ít. Ngoài ra Hồng Hưng còn làm rất tốt nhiệm vụ kìm hãm các loại m.a t.úy có tác hại lớn từ nước ngoài tuồn vào trong nước. Đó sẽ là tình tiết để giảm nhẹ tội”. Chú Sáu vuốt mồ hôi trên mặt, ngừng một lát rồi nói: “Nhưng ba cháu không tin”.
“…”
“Đêm hôm ấy, sai rất nhiều đàn em đi tìm g.iế.t nó. Lên đến tận nhà nó không tìm được, mấy thằng kia không biết học ai thói đuổi cùng g.iế.t tận, ra tay với cả ba mẹ nó”.
“…”
“Cả đêm đó, chú ngồi nghe điện thoại suốt. Nghe tin mấy thằng đó báo về, bảo là còn đốt sạch nhà nó rồi. Thằng Thành cũng vội vã chạy về đó ngay trong đêm những không kịp, còn bị bao nhiêu anh em trong Hồng Hưng đuổi g.iế.t, cuối cùng rơi xuống núi”.
“…”
“Lúc đó chú cũng nghĩ nó c.hế.t rồi. Nhưng đúng là ông trời vẫn còn thương nó, để nó còn sống, đến hôm nay còn thành công như thế”
Nói tới đây, chú Sáu mới bảo tôi: “Chân Ý, nếu năm xưa ba cháu nghe lời nó, có lẽ Hồng Hưng đã không có ngày hôm nay. Mấy năm nay sống trong cảnh nghèo khó, con cái ốm đau bệnh tật, chú ngẫm ra được rất nhiều điều. Con người ta bắt buộc phải sống tốt, phải sống đàng hoàng thì mới có nhân quả tốt được”.
Có tiếng quản lý í ới gọi sau lưng, chú Sáu quay đầu nói sẽ vào ngay, sau đó mới ngước lên, cố nói với tôi thêm một câu:
“Thế nên Chân Ý, những chuyện ba cháu làm năm đó là không đúng, ba mẹ của thằng Thành vô tội, không có lý do gì để c.hế.t cả. Cùng một lúc g.iế.t hai mạng người chắc chắn sẽ phải gánh nghiệp. Nhiều năm nay chú cứ canh cánh trong lòng mãi, chỉ muốn gặp được cháu để nói một câu nhưng không biết tìm cháu ở đâu”. Chú Sáu nhìn tôi đầy chân thành: “Chân Ý, giờ ba cháu ở trong tù rồi, không đi được, cháu hãy thay ba cháu lên chùa sám hối đi, cứ tin vào Phật pháp, không nhẹ nghiệp cũng nhẹ lòng!”.
***
Lời tác giả: Lâu lâu không câu tương tác, mọi người ơi truyện có hay không? Nếu hay thì like và cmt để bạn Hổ có động lực viết tiếp đi. Hehe.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top