Chương 30
Tên truyện: Không Thể Động Lòng.
Tác giả: Phạm Kiều Trang.
Đoạn 30
Sau khi người dân trong thôn phá vườn cây a.nh túc, Đặng Khải Thành giúp bọn họ trồng ngô, sau đó còn cùng mọi người chế tạo ra một dụng cụ lấy nước khá đơn giản. Tìm một cây nứa rồi buộc gàu vào, đầu kia treo một viên đá to, chỉ cần thả gàu xuống nước xong, viên đá ở đầu nặng sẽ tự động kéo gàu lên, đỡ tốn sức người múc nước.
Mấy ngày này, vết thương trên chân tôi cũng đã bắt đầu liền thịt trở lại. Bình thường da tôi rất độc, hồi trước bị đứt tay mà hơn một tháng mới khỏi, vậy mà bây giờ ông cụ mới đắp thuốc một thời gian đã thấy không còn tấy nữa, cử động cũng không đau.
Ông cụ gỡ lớp thuốc lá cũ ra, lau sạch rồi lại nhìn chân tôi, gật gù: “Ổn rồi, thịt lành tốt, xương cũng rất tốt. Chắc là sẽ không có tật đâu”.
Tôi cười cười: “Cháu cũng cảm thấy vậy. Cảm ơn ông rất nhiều ạ”.
“Cảm ơn gì, ông coi hai đứa như người trong nhà. Hơn nữa Thành nó còn giúp ông bà nhiều như thế mà”.
“Việc nên làm thôi mà”.
“Hai đứa có muốn tranh thủ thời gian này uống thêm ít thuốc lá để dễ sinh con không?”. Ông cụ nhìn lông mày tôi, chầm chậm hỏi: “Cưới nhau bao lâu rồi?”.
Tôi lẩm nhẩm tính ngày, lúc đầu không để ý, bây giờ đếm mới biết chúng tôi đã ở bên nhau gần nửa năm, trải qua rất nhiều chuyện, nhưng lại chỉ làm tình đúng một lần.
Tôi đỏ mặt nói: “Ông ơi, bọn cháu không phải là vợ chồng đâu ạ”.
Bà cụ cầm thau nước mới đi vào, nghe thấy vậy mới bảo: “Hai đứa không phải ngại. Bà nhiều tuổi rồi, ở làng này đôi trai gái nào chẳng thấy. Nhìn ai yêu nhau là bà nhận ra ngay đấy. Trông hai đứa thắm thiết sâu nặng lắm, không phải vợ chồng cũng là yêu nhau”. Bà cụ cười: “Thành cũng nhiều tuổi rồi, nếu đang còn yêu thì mau mau cưới rồi sinh con đi thôi”.
Tôi cười, nghĩ đến viễn cảnh bà cụ vừa nói cũng thấy trong lòng xuất hiện một loại cảm xúc ấm áp khó diễn tả. Nhưng Đặng Khải Thành sẽ cưới tôi ư? Tôi sẽ sinh con cho anh ư? Không, viễn cảnh ấy ở thôn làng này tuy rất gần, nhưng quay về với hiện thực thì lại quá xa đối với cả tôi cả anh. Chuyện tương lai, tôi còn chưa dám nghĩ đến.
Nhưng tôi cũng không muốn làm phật lòng bà cụ nên gượng gạo nặn ra một nụ cười:
“Vâng, chắc là cũng phải sớm vậy thôi ạ”.
“Từ lúc hai đứa đến tới giờ quên hỏi, bọn cháu sống ở đâu?”.
“Ở Hà Nội ạ”.
“A, thủ đô Hà Nội ấy à?”
“Vâng, đúng ạ. Thủ đô Hà Nội”.
“Mấy chục năm trước cả thôn có một cái đài FM, mọi người tối nào cũng tập trung ở đó để nghe tin tức, ai cũng ngóng tin miền nam được giải phóng”. Bà cụ cười móm mém: “Hồi đó hễ cứ mở ra là lại nghe câu: Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”.
Thế hệ của tôi sinh ra đã không còn chiến tranh, nhưng những lời này tôi cũng từng được nghe trong rất nhiều tư liệu lịch sử. Tôi cười bảo: “Vâng, đúng rồi, cháu cũng từng nghe câu này. Giờ vẫn còn nhớ”.
“Ừ, hồi đó cả làng ngóng tin lắm, chỉ mong miền nam nhanh nhanh được giải phóng. Mà kể cũng hay, hồi đó nghe được bản tin ngày 30/04/1975 xong thì đài FM mới bị hỏng. Cái đài ấy cũ lắm rồi, nhưng nó vẫn cố chờ đến ngày giải phóng mới hỏng”.
Nói đến đây, bà cụ nhìn ra ngoài sân, trong mắt như chứa một khoảng ký ức huy hoàng, nghĩ đến không khỏi tự hào và xúc động. Bà cụ hỏi tôi bây giờ Hà Nội thế nào rồi, đất nước đã phát triển đến đâu, tôi nói bây giờ ở thủ đô có rất nhiều nhà cao tầng, kinh tế phát triển nhanh như bão, Sài Gòn bây giờ đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, xây được một tòa nhà 81 tầng, từng lọt vào top 10 tòa nhà cao nhất thế giới.
Tôi còn nói Việt Nam bây giờ sắp sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã từng nói rồi, chờ một ngày nào đó mở lại được đường vào đây, tôi sẽ quay lại dẫn ông bà cụ đi xem.
Bà cụ nghe xong thì ngạc nhiên mãi, mỉm cười rất lâu mới nói với tôi: “Tốt quá, tốt quá. Lâu lắm không được ra ngoài, sắp quên hết mọi thứ rồi, nếu ra được khỏi đây bà phải lên thăm lại dinh thự Vua Mèo mới được”.
Tôi cười đáp: “Cháu sẽ mời bà ăn thắng cố”.
“Ừ đúng, cả thắng cố”.
Có lẽ vì câu chuyện ấy mà tối hôm đó tôi không ngủ được, cứ nghĩ mãi về người dân ở nơi này, nghĩ về chuyện chúng tôi sẽ ra đi như thế nào, lòng không khỏi cảm thấy bồi hồi và hụt hẫng.
Đặng Khải Thành có lẽ cũng đoán được tôi không ngủ nên quay lại ôm tôi, hôn lên trán tôi: “Sao lại không ngủ?”.
“Tự nhiên nghĩ không biết chúng ta đã ở đây mấy ngày rồi”.
“Tám ngày”.
Thì ra là tám ngày, không dài lắm, nhưng tôi có cảm giác như đã trải qua cả đời người vậy. Nơi này yên bình đến nỗi tôi chỉ muốn ở lại mãi mãi, c.hế.t già ở đây cũng được, nhưng như thế là không công bằng với anh, có phải không?
Tôi vùi mặt vào áo anh, khẽ hỏi: “Sao anh Quang xuống đây chậm thế nhỉ? Hay là không tìm được chúng ta?”.
“Chân Ý, xuống được vực này dễ dàng thì những người dân trong làng đã không ở nơi đây tận 40 năm”. Đặng Khải Thành cười: “Địa hình phức tạp, cây cối rậm rạp, lại bị ảnh hưởng bởi từ trường nên khó tìm được lắm”.
“Từ trường ấy ạ?”.
“Ừ. Ông cụ có một la bàn cũ, tôi thử một lần nhưng không dò được phương hướng. Ông cụ cũng nói thời còn chiến tranh, máy bay cũng không đến chỗ này để ném b.om. Nên tôi đoán có ngọn núi nào ở đây có từ trường, rada không hoạt động được nên mới không có máy bay bay vào. Quang cũng không điều động được trực thăng đến”.
“Thì ra là vậy”. Tôi gật đầu tỏ vẻ đã hiểu: “Chuyên án chưa hoàn thành, đầu mối Long chín cựa bị đứt đoạn thì phải làm sao?”.
“Tôi sẽ tìm hướng khác”. Ngón tay anh vuốt dọc sống lưng tôi, nhẹ nhàng đáp: “Long chín cựa c.hế.t, nhưng còn đàn em của hắn, bắt được chúng sẽ tìm được thêm đầu mối”.
Tôi ừ một tiếng, cảm thấy làm chuyên án ma túy đúng là vừa nguy hiểm vừa gian nan, có những trận chiến sẽ kết thúc nhanh, cũng có những cuộc đấu tranh kéo dài rất lâu, không thể xong ngày một ngày hai được. Chuyên án m.a t.úy nước từ Kyrzystan này cũng vậy.
“Anh có nghĩ giống tôi không?”. Tôi ngước lên nhìn Đặng Khải Thành: “Nghĩ nếu không ra khỏi được chỗ này cũng không sao. Cứ sống ở đây rồi c.hế.t già cũng được?”.
Trong đêm tối, ánh mắt của anh giống như càng trở nên sâu thẳm. Đặng Khải Thành cũng cúi đầu nhìn tôi, nhìn rất lâu, sau đó anh bỗng dưng cúi xuống hôn tôi. Đầu lưỡi man mát của anh tiến vào miệng tôi, nhẹ nhàng chạm vào đầu lưỡi tôi rồi cứ triền miên quấn lấy, tôi cũng nâng tay lên ôm cổ anh, cho anh lời hồi đáp tốt nhất.
Đợi đến khi thân thể cả hai chúng tôi đều nóng lên, Đặng Khải Thành mới buông môi tôi ra: “Chân Ý, em có biết tại sao từ già đến trẻ ở làng này đều h.ít thuốc phiệ.n không?”.
“Vì cuộc sống ở đây quá yên bình, không có sống gió, tự khắc yên bình sẽ biến thành tẻ nhạt”.
Anh gật đầu: “Đúng thế. Cho nên tôi mới nói, thanh niên trong làng cũng không thể quanh quẩn mãi ở đây, bọn họ phải ra ngoài để xem thế giới này rộng lớn đến bao nhiêu. Có sóng gió trắc trở thì cuộc đời mới đầy đủ màu sắc”. Đặng Khải Thành cụng trán mình vào trán tôi, anh nói: “Chúng ta có thể ở đây một tháng, nhưng không thể sống như vậy một năm. Bây giờ có thể em sẽ thích, muốn ở lại, nhưng trải qua vài tháng nữa em sẽ có cảm giác như thanh niên trong làng này. Cho nên Chân Ý, chúng ta vẫn phải quay lại Hà Nội, sống cuộc sống của chúng ta, làm những việc mà cả em và tôi vẫn đang làm. Đó mới là cuộc đời chúng ta nên sống!”.
Tôi lặng lẽ nhắm mắt, không thể không thừa nhận rằng anh nói rất phải, chẳng qua là tôi đã biết trước nhưng vẫn cố chấp ôm chút hy vọng mà thôi. Tôi không thể ích kỷ chôn vùi cuộc đời của cả anh và tôi ở đây, rồi lại c.hế.t già trong hẻm núi này.
Tôi thở dài một tiếng: “Tôi hiểu rồi”.
Đặng Khải Thành ôm tôi, trái tim anh kề sát trái tim tôi, anh nói: “Hai hôm nữa chúng ta sẽ đi, được không?”.
“Nhưng phải đi đường nào đây?”
“Cứ đi rồi tự khắc sẽ có đường”. Anh nói một câu lời ít ý nhiều, ngay cả tôi cũng không thể hiểu hết được: “Mối quan hệ của chúng ta cũng vậy”.
Tôi rúc vào rực anh, thì thầm nói: “Thành…”.
“Ừ”.
“Tôi hy vọng sẽ có đường thật. Tôi không muốn c.hế.t già ở trong núi nữa”.
“Ừ”. Anh lại hôn tôi lần nữa, nói: “Chân Ý, ngủ đi”.
Hai ngày trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến. Trong hai ngày còn lại này Đặng Khải Thành tranh thủ gánh đầy bể nước cho ông bà cụ, bổ hết củi đủ dùng cho mùa đông, còn làm cho ông cụ một chiếc xe để đẩy thuốc.
Hôm chúng tôi chuẩn bị đi, bà cụ cứ khóc mãi, nói là thôn này làm gì có đường để đi, bảo chúng tôi nếu leo núi thì quá nguy hiểm, tạm thời cứ ở lại rồi tính tiếp. Thế nhưng Đặng Khải Thành nói: “Không sao đâu, cháu không leo núi. Nếu không tìm được đường nào thì cháu sẽ quay lại đây. Khi đó lại đến xin ông bà bữa cơm nhé?”.
Bà cụ lau nước mắt: “Một bữa có là gì, nấu cho hai đứa ăn cả năm cũng được”. Nói rồi, cụ bà lại cầm một túi vải nặng trịch đưa cho tôi: “Đây là đồ ăn bà chuẩn bị. Có bánh bột mì, nước, có cả Chân Ý nữa. Hai đứa đi đường đói thì cứ mở ra ăn, không tìm được đường thì quay về đây, nhớ không?”.
Tôi gật đầu, lòng cũng không nhịn được bịn rịn xúc động, rất muốn khóc: “Vâng ạ, cháu nhớ rồi”.
Ông cụ kéo Đặng Khải Thành ra sân nói gì đó, cũng dúi vào tay anh một túi vải, nhưng nhỏ hơn túi của tôi. Sau khi dặn dò đưa quà xong xuôi, ông bà cụ còn tiễn chúng tôi mãi, tiễn đến tận qua giếng làng phủ đầy rêu phong rồi vẫn chưa có ý định dừng lại. Đặng Khải Thành phải nói mãi, ông bà cụ mới chịu thôi. Nhưng sau đó thì vẫn cứ đứng ở sân giếng ngóng mãi, chúng tôi đi thật xa rồi vẫn thấy hai bóng người già nua liêu xiêu đứng đó.
Nước mắt tôi rút cuộc cũng không kìm được, lã chã rơi xuống vai áo Đặng Khải Thành. Anh biết tôi khóc nhưng không nói gì cả, chỉ yên lặng cõng tôi, mãi đến khi rời khỏi làng rồi, Đặng Khải Thành mới đưa cho tôi một chiếc khăn: “Một ngày nào đó tôi sẽ đưa em quay lại đây thăm hai người họ”.
Tôi càng khóc to hơn: “Ông bà ấy có chờ được không? Hai người già rồi, lại không có con, chờ chúng ta quay lại liệu có kịp không?”.
Anh gật đầu chắc nịch: “Nhất định sẽ kịp”.
Tôi lau nước mắt, gục xuống lưng Đặng Khải Thành, mè nheo bắt anh hứa: “Không được, anh phải hứa với tôi đi. Anh hứa một ngày nào đó sẽ đưa tôi quay lại đây thăm ông bà cụ, gánh nước tưới rau, còn mua cho ông bà một chiếc đài FM mới nữa”.
“Mua cả tivi được không?”.
“Nhưng ở đây không có điện mà”.
Anh khẽ cười: “Sẽ có điện chứ. Có đường rồi thì sẽ có điện thôi”.
Tôi giơ ngón út ra trước mặt anh: “Anh hứa đi”.
Đặng Khải Thành nghĩ ngợi mấy giây rồi đưa một tay lên, ngoắc vào ngón út của tôi, nói: “Tôi hứa với tiến sĩ Chân Ý, một ngày nào đó tôi sẽ đưa em quay lại đây, gánh nước tưới rau, còn mua cho ông bà cụ một chiếc đài FM mới”.
Tôi đang khóc cũng phải phì cười: “Không được thất hứa đâu đấy. Ai thất hứa sẽ phải đền cho người kia 1000 con đom đóm”.
“Hà Nội nhiều nhà cao tầng như thế, tôi tìm được đâu 1000 con đom đóm cho em?”.
“Vậy thì anh đừng thất hứa”.
Đặng Khải Thành bật cười: “Được, tôi sẽ không thất hứa”.
Chân tôi vẫn chưa hoàn toàn đi lại được, mà nơi này là đường núi khó đi, anh vẫn phải cõng tôi. Ban đầu, tôi nghĩ Đặng Khải Thành sẽ đưa tôi men theo con đường chúng tôi đến, quay lại vách đá và hồ nước mà chúng tôi đã rơi xuống, cố làm dấu hiệu gì gì đó cho người bên trên nhìn thấy chúng tôi.
Thế nhưng anh cứ đi mãi, đi mãi, lại đi đến hướng đồng cỏ mà chúng tôi đã ngắm đom đóm. Tôi tưởng anh định đưa tôi tới nhìn lại nơi này một lần nữa, nhưng Đặng Khải Thành lại cõng tôi đi xuống phía nam.
Tôi tròn xoe mắt hỏi anh: “Sao chúng ta lại đến chỗ này?”.
“Hôm trước lúc giặt chăn, tôi có nhìn thấy một vỏ hộp sữa ở bên bờ suối. Ngày sản xuất là 20/08/20xx”.
Vỏ hộp sữa mắc lại bên bờ suối là chuyện rất bình thường, nhưng ở một hẻm núi mấy chục năm không có người nào được ra ngoài thì lại là một chuyện rất lạ. Tôi ngẩn ra mấy giây mới đáp: “Nghĩa là nếu đi theo con suối đó sẽ có đường ra ngoài?”.
“Gần như vậy”. Đặng Khải Thành đáp: “Nhưng rất nhiều người dân trong làng từng đi đến khe suối đó vẫn không tìm thấy đường, nên tôi nghĩ chắc phải có gì chắn mất đường ra ngoài. Hộp sữa nhỏ có thể men từ đầu nguồn suối chảy vào đây được, nhưng người thì không chắc. Chúng ta cứ đến thử xem, không được thì lại tìm cách khác”.
Thực ra, tôi nghĩ nếu không chắc chắn, anh sẽ không chào ông bà cụ và đưa tôi đến đây. Chẳng qua là Đặng Khải Thành chỉ khiêm tốn, không muốn nói trước rồi bước không qua mà thôi. Thế nên tôi cũng không hỏi nữa, chỉ im lặng ngồi sau lưng anh. Lát sau, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy khe suối mà anh nói, còn có hộp sữa kia. Lúc Đặng Khải Thành nhặt lên, đúng là tôi thấy ngày sản xuất chỉ cách đây mấy năm.
Ngẩng đầu nhìn xung quanh chỉ thấy nơi này toàn núi là núi, bốn bề rộng lớn nhưng lại được bao bọc bằng những dãy núi cao chót vót, thậm chí vách núi còn dựng đứng trơn nhẵn, không có chỗ nào gồ ra nên không thể leo được. Chẳng trách mấy chục năm nay không có người nào ra đươc bên ngoài.
Nhưng có sữa của thế giới bên ngoài chảy vào như vậy là chúng tôi vẫn còn hy vọng. Anh cõng tôi ngược chiều nước chảy lên đầu nguồn suối, đi hơn một tiếng cuối cùng cũng thấy nước chảy ra từ một khe đá, khe này nhỏ đến mức một con cún 10kg mới có thể chui lọt, tôi 46kg có chia ra năm phần thì may ra mới nhét vừa.
Tôi hỏi anh: “Khe nhỏ quá, làm sao đây?”.
Đặng Khải Thành đặt tôi xuống một phiến đá bên bờ suối, bảo tôi đợi một chút rồi đi lại gần khe núi. Anh hình như đã chuẩn bị sẵn nên rút ra từ trong túi một chiếc đục trông có vẻ hơi cũ kỹ, nhưng đầu đục đã được mài bóng loáng. Đặng Khải Thành đặt nó vào chỗ nứt của khe núi, sau đó nhặt một viên đá khác đập rầm rầm vào đục.
Ban đầu tảng đá to kia không si nhê gì, nhưng qua vài phút bắt đầu rung lên, sau đó từng mảng, từng mảng bong ra, rơi ầm ầm xuống suối, bọt trắng bắn lên tung tóe.
Chỉ một giây sau khi bọt tan đi, tôi có thể nhìn thấy ở khe núi hiện ra một hang động nhỏ. Bên trong rất tối, không thể nhìn rõ được gì nhưng Đặng Khải Thành lại quay đầu bảo tôi: “Đường ra ở đây rồi”.
Tôi tròn xoe mắt, trong lòng không nhịn được cảm giác kích động, quên cả chân đau mà đứng bật dậy: “Sao anh biết hay vậy?”.
“Bên trong rỗng, gõ vài tiếng dùi đục là biết”. Anh đi lại gần tôi, ngồi xổm xuống rồi đưa lưng về phía tôi: “Trèo lên, tôi cõng em vào hang”.
Thái độ của anh vô cùng bình thản, giống như đã biết từ trước sẽ tìm được đường ra, còn tôi không nhịn được cảm thấy rất bái phục, còn có chút không tin được.
Người dân ở làng mất mấy chục năm cũng không tìm được đường ra khỏi chỗ này, vậy mà Đặng Khải Thành mới đến không lâu đã biết phải ra ở đâu. Mặc dù không rõ bên trong hang động kia là gì nhưng tôi tin anh, tin tưởng tuyệt đối. Đặng Khải Thành không phải công tử bột hay cậu ấm cô chiêu như mấy người chúng tôi, anh phải lăn lộn giữa cuộc đời này để sống, từng đi làm thuê, từng đi vác chì, còn từng tự cai nghi.ện thuốc ph.iện, một người dày dặn kinh nghiệm sống như anh đã nói được thì chắc chắn sẽ là được.
Tôi tin!
Tôi xúc động ôm lấy cổ anh, lần đầu tiên trong đời khen anh một tiếng: “Có ai nói anh rất giỏi chưa?”.
“Chưa, nếu em nói thì em là người đầu tiên”. Anh cười cười, nói nửa đùa nửa thật.
“Thế thì anh nghe cho rõ đây, Đặng Khải Thành là người giỏi nhất trên đời. Anh ấy là cục trưởng cục cảnh sát phòng chống m.a t.úy khu vực tam giác Đông Dương, biết bắ.n sú.ng, biết võ, biết gánh nước, biết làm những việc mà người khác không làm được. Anh ấy còn nhìn ra được trong khe suối có hang, tìm ra đường đưa chúng tôi về nhà. Đặng Khải Thành là người giỏi nhất!”.
Nụ cười của anh càng trở nên sâu hơn, Đặng Khải Thành đưa một cây nến dài cho tôi, anh nói: “Cái miệng này chỉ giỏi nói nhảm”.
“Nói thật”. Tôi chu môi, bật lửa đốt cháy cây nến. Lòng hang động liền hiện ra trước mắt tôi.
Ở đây rất rộng rãi, đường cũng khá bằng phẳng, ở giữa là một con suối nhỏ đang chảy róc rách, đầu ra chắc chắn là ở hang động phía bên kia. Đặng Khải Thành quan sát ánh nến một lúc mới bảo với tôi: “Em để nghiêng nến, đừng để nến chảy vào tay”.
“Vâng”. Tôi gật đầu: “Không biết hang động này có dài không nhỉ?”.
“Đi mới biết được”. Anh xốc lại người tôi lên cao: “Ngồi vững, bước lên đá trơn, nếu tôi nghiêng người thì em phải bám chặt lấy tôi”.
“Hay là để tôi tự đi đi, anh dìu tôi là được”. Thật ra tôi thương anh nên nói vậy thôi, chứ chân tôi thế này, nếu ngâm dưới nước chắc chắn sẽ phiền phức hơn cho Đặng Khải Thành, thế nên anh chắc chắn sẽ từ chối.
Anh nói: “Tôi cõng được. Khi nào mệt thì sẽ dừng lại nghỉ”.
“Vâng”.
Cứ thế, anh cõng tôi đi dưới lòng suối, từng bước từng bước đi sâu vào lòng hang động kia. Tôi sợ anh mệt nên vừa đi đường vừa kiếm đủ chuyện để nói, thỉnh thoảng lấy ống tay áo thấm mồ hôi trên trán anh, hỏi Đặng Khải Thành có mệt không, nhưng anh nói mình không mệt.
Đi suốt mấy tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng thấy được ánh sáng. Nhưng không phải là ánh sáng của đường ra mà là ánh sáng được mặt trời chiếu qua một khoảng hở ở trong lòng núi, vừa vặn rọi vào trong hang.
Ở đây vừa có nước vừa có ánh sáng nên cỏ cây mọc rất tươi tốt, Đặng Khải Thành đặt tôi xuống phiến đá để nghỉ chân. Anh hỏi: “Đói chưa?”.
Tôi gật đầu, mở túi đồ của bà cụ đưa cho, định lấy bánh ra nhưng cùng lúc này lại trông thấy bàn chân ngâm trong nước của Đặng Khải Thành. Ở đó rách rất nhiều chỗ, má.u vẫn chảy đầm đìa.
Tôi hốt hoảng nói: “Chân anh chảy m.áu rồi”.
Anh khua khoắng đôi chân trong nước, bình thản đáp: “Không sao đâu”.
“Đá chọc vào phải không?”. Có ánh sáng mới thấy lòng suối trong hang có rất nhiều đá nhọn, Đặng Khải Thành chỉ đi một đôi dép cũ kỹ của ông cụ, lại còn phải cõng tôi, suốt quá trình anh không hề nghiêng người lần nào nhưng chắc chắn bàn chân đã bị đá đâ.m vào rất nhiều.
Chẳng qua là anh sợ tôi lo lắng, cũng sợ tôi bị ngã nên mới không né tránh đá mà thôi!
Trái tim tôi đột nhiên cảm thấy rất chua xót, tôi cúi xuống kéo chân anh lên, Đặng Khải Thành muốn tránh nhưng tôi cứ khăng khăng kéo, còn nói: “Anh đứng yên”.
Anh kiên nhẫn nhắc lại: “Không sao đâu”.
“Không sao đâu cũng phải để tôi băng lại”. Nói rồi, tôi đặt một chân anh lên đùi mình, lấy chiếc khăn ban nãy Đặng Khải Thành đưa tôi lau nước mắt, dùng nó để buộc lại vết thương cho anh.
Tay tôi rất lóng ngóng, một phần vì chưa chăm sóc cho người khác bao giờ, một phần vì không quen băng lại vết thương, tôi buộc rất rất xấu, không bằng một phần Đặng Khải Thành băng chân mỗi ngày cho tôi. Thế nhưng, lúc tôi ngẩng lên định hỏi anh “Cảm giác thế nào” thì lại bắt gặp một ánh mắt đen thẫm sâu thăm thẳm nhìn tôi, một ánh mắt chất chứa sự nặng tình, một ánh mắt nóng bỏng khiến da thịt tôi râm ran ngưa ngứa.
Tôi rất muốn nhào đến hôn anh, nhưng lúc này có lẽ không thích hợp lắm!
Mà Đặng Khải Thành dường như cũng hiểu được điều đó, tay anh vuốt tóc tôi, nói: “Được rồi, ăn gì đó thôi”.
“Không được, còn một chân nữa”. Tôi cụp mắt xuống, cố che giấu gò má nóng ran, nhỏ giọng cằn nhằn: “Anh dẫm phải đá phải nói cho tôi biết, đừng cố chịu đựng. Rách chân như thế rất đau. Anh mà đau thì một mình tôi không tìm cách thoát được”.
Đặng Khải Thành cười cười: “Có đau cũng không để em một mình”.
Má tôi càng đỏ hơn, kéo chân kia của anh lên: “Ai mà biết được”.
Buộc xong chân, tôi mới rửa tay rồi lấy bánh từ trong túi ra. Bà cụ chuẩn bị rất nhiều đồ ăn cho chúng tôi, có bánh bột mì, bánh ngải cứu, cơm nắm, còn có cả mấy viên kẹo mật ông cụ làm. Tôi sợ Đặng Khải Thành ăn bánh bột mì sẽ bị khô miệng và khát nước, thế nên mới chọn bánh ngải cứu đưa anh.
Anh nhìn nhìn bánh ngải cứu trên tay tôi một hồi, sau đó mới đưa tay nhận lấy. Nhưng Đặng Khải Thành chỉ cắn vài miếng rồi trả lại cho tôi.
Tôi tưởng anh nhường mình nên hỏi: “Sao không ăn nữa?”.
“Tôi no rồi”.
“Buổi sáng anh không ăn gì, lại mất sức cõng tôi như thế, sao mà no nhanh thế được?”. Tôi khẽ cau mày: “Anh không cần nhường đồ ăn cho tôi”.
“Không phải nhường đồ ăn cho em”
“Vậy thì là gì?”
Đặng Khải Thành không nói, chỉ bảo tôi nghỉ ngơi thêm một lát rồi lại cõng tôi tiếp tục đi.
Càng vào sâu bên trong thì hang núi càng rộng, những viên đá lởm chởm bên trong càng nhiều, tôi nhìn thấy rất nhiều nhũ thạch lấp lánh ở dưới đất, ngửi thấy cả mùi m.áu tanh nồng trên chân anh.
Tôi biết Đặng Khải Thành rất đau, muốn trèo xuống để tự đi, nhưng anh cứ khăng khăng muốn cõng tôi, nhất định không cho tôi xuống. Đặng Khải Thành cứ thế dẫm lên đá băng qua từng đoạn đường gập ghềnh trên con suối khúc khuỷu, một lúc lâu sau lại đến một vùng nước sâu. Nước ngập đến bắp đùi trên của anh, cũng ngập qua bàn chân tôi, lạnh đến mức xương cốt chúng tôi đều đau nhói.
Tôi biết anh cũng lạnh, nhưng không nỡ hỏi, chỉ nhắc lại câu chuyện về bánh ngải cứu vừa rồi mà anh chưa trả lời tôi:
“Thành”.
“Ừ”.
“Tôi còn nhớ lúc trước anh thích ăn rau ngải cứu, sau vườn của Hồng Hưng có một bụi, thỉnh thoảng cô đầu bếp chiên ngải cứu với trứng, anh sẽ ăn hai miếng”.
Sống lưng Đặng Khải Thành hơi cứng lại, một câu chuyện mà tôi cố chấp hỏi đến tận bây giờ không thể không trả lời được. Cuối cùng sau một lát trầm mặc, anh mới nói với tôi: “Lúc trước ăn nhiều quá, giờ không ăn nổi nữa”.
“Lúc trước là lúc nào?”.
“Thời gian sau khi ba mẹ tôi mất”. Anh ngẩng đầu, lội bì bõm trên dòng suối lạnh buốt, thanh âm vẫn dõng dạc và dứt khoát, không có một chút run rẩy: “Khi đó tôi bị đuổi g.iế.t, không quay trở về tổng cục được, phải chạy trốn trong rừng ròng rã suốt nửa tháng. Không có cơm để ăn, chỉ có thể ăn rau ngải cứu dại ven đường để sống”.
Tim tôi như bị hàng trăm hàng vạn mũi thương bén nhọn chọc vào, lần này còn đau đớn hơn cả lần trước, rất muốn hỏi “Khi đó khó sống lắm phải không?”, nhưng một Đặng Khải Thành vừa mất đi cha mẹ, tận mắt chứng kiến người sinh ra mình đau đớn c.hế.t đi, lại không thể chôn cất họ, còn bị những anh em trong Hồng Hưng đuổi g.iế.t đến mức phải lưu lạc trong rừng tận nửa tháng, không cần nghe câu trả lời cũng biết lúc đó sống chẳng dễ dàng gì.
Nếu anh đã phải chịu đựng nhiều như thế, tại sao còn luôn nhẫn nại cõng con gái của kẻ thù là tôi? Nếu ba tôi đã tàn nhẫn với anh, tại sao thời gian qua lại luôn chăm sóc tôi dịu dàng đến vậy?
Tôi rất muốn khóc, rất thương anh và cũng giận ba tôi. Nhưng không trút ra được nên chỉ có thể ôm chặt lấy cổ anh, một tay vẫn còn cầm bánh ngải cứu ban nãy anh trả lại, tôi đưa lên miệng cắn mấy miếng thật lớn, ăn đến mức cổ họng nghẹn lại.
Đặng Khải Thành không quay đầu nhưng vẫn biết tôi sắp khóc, anh nói: “Chân Ý, qua rồi, không cần khóc vì những chuyện cũ”.
Miệng tôi nhồm nhoàm nhai ngải cứu, mếu máo đáp: “Tôi có khóc đâu, tại bánh ngải cứu cay đấy chứ”.
Đặng Khải Thành vẫn lội bì bõm dưới nước, dỗ dành tôi: “Được rồi, khóc nhiều mắt sẽ sưng đấy, xấu lắm”.
Tôi nuốt xong một miếng ngải cứu thật to, nhìn dòng nước đen ngòm dưới chân anh, im lặng rất lâu mới hỏi một câu:
“Tôi phiền phức như thế, là gánh nặng của anh phải không?”
Đặng Khải Thành cõng tôi ở trên lưng, hai tay giữ chặt bắp chân tôi, im lặng rất lâu sau mới nói:
“Em không phải là gánh nặng, hai mươi mấy năm qua, em là động lực để tôi tiếp tục sống!”.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top