Chương 3

Tên truyện: Không Thể Động Lòng.
Tác giả: Phạm Kiều Trang.
Lời tác giả: Đây là tiểu thuyết, tất cả những tình tiết và nhân vật đều là hư cấu, không nhằm bôi nhọ hay xúc phạm tổ chức và cá nhân nào. Đa tạ!

Đoạn 3

Mấy ngày tiếp theo, mặc dù Đăng Nguyên có nói đã lo xong thủ tục để mở lại quán Bar, nhưng lệnh niêm phong vẫn còn đó, hàng đêm phố xá lên đèn nhộn nhịp, chỉ có trước cửa Hồng Ý lạc lõng đìu hiu.

Tôi cũng không có thời gian bận tâm đến Hồng Ý, ngày nào cũng chạy đôn chạy đáo từ bệnh viện đến trại giam, gặp bác sĩ rồi lại gặp giám thị, câu trả lời mãi vẫn chỉ như một: Bác sĩ nói thời gian còn lại của mẹ tôi còn rất ít, giám thị cũng nói phạm nhân thụ lý án như ba tôi cũng không thể được ra ngoài điều trị trong một sớm một chiều.

Mà bệnh của ông ấy lại không chờ đợi được, tôi hiểu!

Tôi bất lực tìm đến một quán Bar khác uống rượu, chẳng biết sao Đăng Nguyên lại tìm ra được tôi. Mới hết nửa chai, anh ấy đã ngồi xuống bên cạnh: "Chân Ý...".

Tôi xoay xoay ly rượu trong tay, nhìn anh ấy: "Anh siêu thật đấy, sao lại tìm được em thế?".

"Anh qua nhà nhưng không thấy em, đoán em sẽ đi uống rượu nên anh đi mấy quán Bar tìm". Đăng Nguyên định lấy ly rượu từ tôi, nhưng thấy sắc mặt tôi lạnh tanh, đành đổi hướng lấy nửa chai rượu còn lại, tự rót một ly: "Em đúng là chẳng thay đổi gì cả, hễ có chuyện gì không giải quyết được là lại đi uống rượu".

Tôi cười: "Tỉnh táo cũng không giải quyết được, thì tỉnh táo làm gì? Uống say rồi về ngủ một giấc, có khi lại dễ ngủ hơn đấy".

"Chân Ý, bây giờ Việt Nam khác lắm, không còn như trước đây đâu".

Tôi gật đầu, nói Phải. Đúng là bây giờ đất nước đã khác trước, không còn xã hội đen tung hoành, nhưng đàn ông cặn bã ở những nơi thế này vẫn nhiều vô kể. Đặng Khải Thành cũng không còn ở bên tôi, chẳng có ai cõng một kẻ say xỉn như tôi đi bộ 4km về nhà, cũng chẳng có ba mẹ ở nơi đó chờ tôi.

Tôi uống cạn ly rượu trong tay, nói: "Anh biết không? Lúc trước 19 tuổi, em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bố mẹ em sẽ già đi. Sau năm 19 tuổi, trong nhà gặp nhiều biến cố, 10 năm qua ở Hồng Kông cũng có lần em nghĩ mẹ sẽ bỏ bố con em để đi trước. Nhưng bố em...".

Rượu chảy vào cổ họng, hơi cay, tôi dừng lại vài giây rồi mỉm cười tiếp tục: "Em cứ nghĩ ít nhất ông ấy sẽ đi sau mẹ em, mẹ em nằm 10 năm như thế còn chưa đi được, thế mà giờ ông ấy bị bệnh rồi. Nếu không đưa được ba em ra bên ngoài điều trị, chắc là ông ấy không chờ nổi mẹ em mà đi trước nhỉ?".

Gương mặt Đăng Nguyên thoáng ngây ra, đèn chùm từ trên cao chiếu xuống, ánh sáng vàng vọt đong đầy trong mắt anh ấy, tôi đọc được trong đó có rất nhiều bi thương, đau lòng lẫn bất lực. Nhưng có lẽ Đăng Nguyên cũng như tôi, đều chỉ là con kiến nằm trong lòng bàn tay vận mệnh, dù vẫy vùng đến đâu cũng không thể thoát được.

"Chân Ý...". Qua hồi lâu, Đăng Nguyên mới gọi tên tôi: "Em buồn lắm phải không?".

Tôi không đáp, lại rót ra thêm ly rượu khác, uống cạn: "Chuyện em muốn làm, đơn giản chỉ là làm hết sức để ba mẹ em được sống tiếp. Nhưng 10 năm trước em không làm được, 10 năm sau em cũng không làm được. Đúng là sang Hồng Kông thời gian dài như vậy, uổng phí rồi".

"Thật ra mỗi người đều có một số mệnh khác nhau, không ai giống cuộc đời của ai cả. Anh nghĩ bố mẹ em đều nhìn thấy sự kiên cường của em, Chân Ý, không ai trải qua biến cố mà mạnh mẽ được như em. Em một thân một mình ở Hồng Kông vẫn cố gắng sống tốt, còn thành tài, trở thành tiến sĩ, anh nghĩ ba mẹ em chắc chắn sẽ rất tự hào về em. 10 năm qua em sống không uổng phí đâu".

Tôi cười: "Thật sao?"

"Thật".

Tôi giơ ly rượu lên cao: "Lâu rồi mới có dịp ngồi cạnh anh uống rượu, cạn ly".

"Cạn ly".

Rượu vào lời ra, tôi bắt đầu luyên thuyên tâm sự với Đăng Nguyên những chuyện hồi còn nhỏ. Anh ấy ở căn nhà ngay đầu đường nhà tôi, bố có một cửa tiệm thuốc Đông Y rất đông khách, ba tôi lại mê tín, mỗi lần đau ốm gì đều bảo đàn em ra đó lấy thuốc, dần dần, mùi thuốc đông y bay từ đầu đường đến tận khu biệt thự của Hồng Hưng.

Tôi và Đăng Nguyên dần trở nên thân thiết, anh ấy dạy tôi tập xe đạp, tặng mấy đồ vật nho nhỏ xinh xinh cho tôi. Hồi bé đã có lần tôi thầm nghĩ, sau này mình lớn lên sẽ cưới cậu nhóc của cửa tiệm Đông Y ở đầu đường, nhưng khi tôi bắt đầu trưởng thành thì Đăng Nguyên lại đi du học. Bố anh ấy nói sau này tiệm thuốc Đông Y sẽ giao cho anh ấy, Đăng Nguyên phải học cách quản lý và kinh doanh.

Vì thế, quãng thời gian nổi loạn của tôi không có Đăng Nguyên ở bên, lúc tôi dậy thì, bắt đầu biết thầm thương trộm nhớ, Đăng Nguyên cũng không ở bên. Người cõng tôi về nhà mỗi lần gây chuyện làm loạn chỉ có Đặng Khải Thành, cho nên sau này tôi mới thay đổi ước mơ, năm ấy, tôi có một lòng hư vinh được làm vợ của Đặng Khải Thành.

Nhưng ngày Hồng Hưng sụp đổ, ước mơ ấy c.hế.t rồi. Đoàn Chân Ý không sợ trời, không sợ đất trước kia, cũng c.hế.t rồi...

Giữa lúc tôi đau đớn kiệt quệ ấy, rút cuộc vẫn chỉ có một Đăng Nguyên quay về, đến bây giờ đã trôi qua 10 năm, cũng chỉ có anh ấy ở bên tôi.

Tôi rất muốn làm theo lời ba, thử mở lòng yêu đương với anh ấy, nhưng khi uống rượu say rồi, nằm trên lưng Đăng Nguyên, thật kỳ lạ, tôi lại không còn cảm giác rung động như lúc xưa.

Có tiếng bước chân khẽ đạp lên lá rụng, mùi mồ hôi lẫn nước hoa đàn ông quyện vào không khí, nhàn nhạt, có chút gay mũi. Tôi mơ màng hỏi anh ấy: "Anh để xe có xa không?".

Đăng Nguyên cười: "Một đoạn thôi, sắp đến rồi".

"À...". Tôi lại lẩm bẩm: "Em có nặng không?".

"Không nặng, gầy lắm. Gầy trơ xương, xương sườn em cọ đau hết lưng anh rồi đây này". Đăng Nguyên nắm chặt bắp chân tôi, nói đùa: "Đừng giảm béo nữa, ăn nhiều vào nhé".

"Ừm...". Tôi định nói "Em biết rồi", nhưng bỗng nhiên lại thấy một bóng người đứng bên kia đường. Một thân hình rất cao, bờ vai rộng lớn, gấu quần phẳng phiu, dù ở rất xa nhưng vẫn có cảm giác uy nghiêm chính trực cùng lạnh lùng, khiến tôi bất giác rùng mình.

Trong phút chốc, tôi thoáng ngẩn ra. Đăng Nguyên gọi lần nữa: "Chân Ý".

"Hả? À...". Tôi vội vàng quay về phía trước, trả lời Đăng Nguyên.

"Em có nghe anh nói không đấy".
"Có, em đang nghe mà".
"Say lắm rồi à? Có muốn nôn ra cho dễ chịu không?".
"Không cần đâu".
"Ừ, thế thì nhắm mắt ngủ đi, một đoạn nữa mới ra đến bãi đỗ xe".
"Vâng".

Lúc này, tôi mới quay sang nhìn bên kia đường lần nữa, ở đó chỉ có một chiếc cột điện phất phơ mấy tờ rơi quảng cáo, từng dòng người vụt qua trên đường, vội vã hối hả, chẳng còn bóng dáng trầm lặng ban nãy.

Tôi chớp chớp mắt mấy lần, nghĩ mình say đến hoa mắt rồi, nhiều năm như thế, Đặng Khải Thành bây giờ oai phong như thế, có còn đứng bên kia đường chờ tôi về như hồi 17 tuổi nữa đâu.

Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm, đầu đau như búa bổ. Nhưng có lẽ từ khi về Việt Nam đã hình thành thói quen, cứ đúng 6h là tôi dậy pha một tách cafe, ngồi bên cửa sổ nghe bản tin.

Đang loay hoay pha cafe thì có tiếng chuông điện thoại vang lên, Đăng Nguyên nằm ngủ ở sofa, mò mẫm tìm điện thoại một lúc rồi áp lên tai: "Tôi đây".

"Anh Nguyên, tối qua mấy nhân viên ở quán Bar gọi cho em để hỏi tiền lương. Nợ lương họ nửa năm rồi, giờ Hồng Ý bị niêm phong, bọn họ chắc không chờ được nữa, muốn đòi hết để còn xin việc khác".

Sáng sớm, không khí yên tĩnh, tôi có thể nghe rõ mồn một giọng trợ lý của Đăng Nguyên. Anh không biết tôi đang ở phòng khách, giơ tay bóp trán một lúc rồi mới đáp: "Quỹ công ty còn bao nhiêu?".

"Còn hơn 40 triệu, nhưng hôm nay đến ngày trả lương cho nhân viên rồi, 40 triệu này không đủ nên em mới gọi điện thoại sớm cho anh thế này". Giọng trợ lý của Đăng Nguyên có vẻ áy náy: "Anh xem nên thế nào. Hai năm nay cứ dùng tiền quỹ công ty để bù lỗ cho quán Bar, thành ra không có tiền vốn nhập hàng, không có tiền mở rộng kinh doanh. Công ty Đông Y Phương Nam của chúng ta chắc cũng sắp phá sản theo Hồng Ý mất thôi".

"Cậu đừng nói bậy". Đầu mày Đăng Nguyên nhăn lại: "Cậu thông báo thủ tục chi trả lương tháng này đang lỗi ngân hàng, tạm thời 3 ngày sau mới chuyển được lương. Tiền lương tôi sẽ lo sau".

"Vâng, em biết rồi. Sáng nay anh có đến công ty không?".
"Tôi có việc, khoảng 9h mới đến".
"Vâng".
"À đúng rồi, cậu đặt lịch với chú Tiến giám đốc ngân hàng cho tôi đi, thời gian sớm nhất nhé".
"Anh Nguyên, anh định cầm cố giấy tờ nhà đất thật đấy à?".

Đăng Nguyên thở dài: "Đợi qua đợt khó khăn lần này, công ty sẽ khởi sắc thôi. Hồng Ý cũng thế".

"Anh Nguyên, anh biết thừa Hồng Ý...".
"Được rồi, tôi cúp máy đây".

Nói xong, Đăng Nguyên lập tức ngắt máy, vứt điện thoại sang một bên rồi nằm vật xuống sofa. Tôi không muốn anh ấy khó xử nên im lặng đứng trong bếp, đến khi loa phường đã phát xong bản tin mới giả vờ vừa từ phòng ngủ đi ra.

Thấy tôi, Đăng Nguyên vẫn cười tươi: "Ngủ có ngon không?".

Tôi cũng giả vờ đáp: "Ngủ ngon lắm, có rượu vào có khác. Anh thì sao?".

"Anh cũng thế".
"Anh muốn ăn gì không? Em pha mì tôm ăn sáng nhé?".
"Thôi, hôm qua mới uống rượu, sáng sớm nay đừng ăn mì tôm. Để anh đưa em đi ăn cháo cho ấm bụng".
"Thế cũng được".

Ăn sáng xong, tôi nói muốn đến bệnh viện thăm mẹ, Đăng Nguyên đưa tôi tới đó xong lại vội vã đến công ty làm việc.

Sau khi đi du học trở về, Đăng Nguyên cảm thấy nếu chỉ duy trì việc bốc thuốc bằng một tiệm Đông Y nho nhỏ thì khó mà phát triển, thế nên mới đứng ra thành lập một công ty Đông Y, chuyên điều chế các sản phẩm bằng cây cỏ. Thời gian đầu, nhờ danh tiếng của bố anh ấy mà công ty có rất nhiều hợp đồng, dần dần, do không có vốn đầu tư nên Đông Y Phương Nam càng ngày càng sa sút. Mà nguyên nhân chính, chắc hẳn là do phải nuôi cái động không đáy là Hồng Ý và chi trả tiền chữa bệnh cho mẹ tôi.

Tôi hiểu điều đó, cho nên mới muốn bán Hồng Ý đi, dùng khoản tiền đó để trả lại cho anh ấy.

Tuy nhiên, bởi vì Hồng Ý là món quà của ba tôi, nên hôm ấy tôi lại đến trại giam lần nữa, năn nỉ gãy lưỡi, cuối cùng mới được gặp ba tôi.

Ông còn yếu hơn cả một tuần trước, đi một bước mà ho không ngừng, ngay cả mở miệng nói chuyện cũng thều thào khó nhọc.

Tôi bình tĩnh hơn hẳn lúc mới biết ba bị bệnh, chỉ mỉm cười hỏi: "Ba, hôm nay con đến gặp ba là vì một chuyện. Con muốn xin ý kiến của ba".

"Chân Ý". Ba tôi lại ho khù khụ: "Sao thế con?".

"Con định bán Hồng Ý đi. Mấy năm nay nhiều quán Bar mở ra lắm, Hồng Ý giờ cũ rồi, kinh doanh không có lãi nữa. Con định bán đi rồi dùng tiền đó kinh doanh, ba thấy có được không?".

"Chân Ý, mấy năm nay... Nguyên nó... quản lý giúp con. Mặc dù Hồng Ý... là quán Bar của con... nhưng con cũng nên... hỏi ý kiến nó". Ba tôi liên tục ôm ngực, xoa tới xoa lui cũng không thể dịu cơn ho đứt gan đứt ruột: "Nhưng ba thấy, con kinh doanh việc khác... thì cũng tốt".

"Hồng Ý bị niêm phong, ba biết không?".

Thực ra, tôi rất phân vân khi nói chuyện này, nhưng bởi vì muốn xác thực lại một chuyện nên mới quyết tâm hỏi ba tôi. Không ngờ, ông không hề ngạc nhiên, chỉ yếu ớt nói: "Bị... niêm phong... à? Thế... cũng tốt. Càng có lý do để thanh lý... nó đi".

"Ba, có nhiều quán Bar bị kiểm tra cùng đợt, bọn họ cũng bị niêm phong cấm hoạt động, nhưng qua ba ngày đã được mở lại hết rồi, chỉ có Hồng Ý đến bây giờ vẫn chưa được hoạt động thôi".

Ba tôi gật gật, há miệng muốn nói, nhưng bởi vì ông ho quá nhiều nên bỗng dưng phun ra cả một ngụm m.áu. Tôi lập tức đứng bật dậy gọi quản giáo, anh ta đứng cách đó vài mét nhìn thấy nhưng vẫn ung dung bình thản như không, thậm chí còn cáu tôi:

"Ngày nào ông ấy chẳng nôn ra m.áu. Nhưng c.hế.t được đâu mà cuống lên".

"Anh nói gì?". Mặt tôi đanh lại: "Phạm nhân không phải là người à? Ba tôi bị bệnh, các người là quản giáo phải có trách nhiệm với phạm nhân. Bệnh của ba tôi chưa đến mức c.hế.t mà các người tắc trách để ông ấy c.hế.t, tôi sẽ kiện các người đến cùng mới thôi".

"Giỏi. Có giỏi thì kiện đi. Ông đây nói cho mà biết, mày có giỏi thì kiện ông trời ấy. Bố mày là phạm nhân, không có lệnh của cấp trên thì bố mày có c.hế.t ở đây cũng chẳng ai cứu chữa. Muốn được đối đãi tử tế sao lúc đầu không sống đàng hoàng đi, làm việc phạm pháp còn đòi người khác đối xử tốt với mình à?". Gã giám thị mặt vênh váo nhổ nước bọt xuống người ba tôi: "Tao sợ quái gì bố con mày, kiện đi".

"Anh đừng tưởng làm quản giáo thì một tay che trời, tôi nói cho anh biết, trên anh còn có phó giám thị, rồi giám thị, còn có cả cấp cao hơn. Tôi nhiều thời gian lắm, kiện đến đâu tôi cũng kiện đấy".

"Tưởng dọa mà ông đây sợ chắc? Cấp cao hơn ấy à? Ông nói cho mày nghe, bố mày là người mà cục....".

Hắn nói đến đây thì phó giám thị đi vào, lập tức quắc mắt lườm hắn một cái. Phó giám thị trại giam này đã nhận rất nhiều tiền từ tôi, cũng nể mặt tôi một phần, cho nên nói: "Phạm nhân nôn ra m.áu thế này sao không đưa đến phòng y tế đi, đứng đó làm gì?".

Tên quản giáo kia lườm tôi, rồi vâng vâng dạ dạ, quay vào gọi mấy phạm nhân nữa đỡ bố tôi ra phòng y tế. Tôi đứng sau tấm kính meca chắn với khu thăm nuôi dành cho phạm nhân bên trong, cố nghển cổ nhìn theo từng bước chân của ba tôi, thấy m.áu rớt theo dưới sàn, lòng cuồn cuộn dậy sóng.

Phó giám thị gọi riêng tôi vào phòng nói chuyện, tôi cũng hỏi thẳng: "Việc thủ tục xin ra ngoài điều trị của ba cháu đã có tin tức gì chưa ạ?".

"Vẫn chưa". Phó giám thị ngao ngán lắc đầu, đáp một cách chống chế: "Ở đây bác sĩ vẫn đang điều trị cho bố cô, cô đừng lo lắng quá rồi làm loạn lên. Đây là trại giam, không phải chỗ cho cô ầm ỹ. Nếu còn xảy ra chuyện như ngày hôm nay nữa, tôi sẽ cấm thăm nuôi nửa năm".

Nửa năm? Chẳng biết nửa năm nữa ba tôi còn sống hay không, đám người này đúng là tàn nhẫn hết phần kẻ khác. Tôi khó chịu muốn nổi đ.iên, nhưng biết mình không thể chống đối nên vẫn nhẫn nhịn hỏi: "Về vấn đề cấp trên mà chú nói, chú có thể cho cháu biết nên gặp ai để xin cho ba cháu ra ngoài điều trị không ạ?".

Phó giám thị hơi ngập ngừng, nửa muốn nói nửa không. Mà thực ra, từ lúc nói về Hồng Ý với ba tôi, thấy thái độ của ông ấy, tôi cũng đã đoán ra rồi. Gã quản giáo kia lỡ miệng nói ra câu vừa rồi, tôi dường như cũng hiểu ra được, ý hắn muốn nói hai từ: Cục trưởng.

Tôi cười bảo: "Có phải cục trưởng Đặng Khải Thành không ạ?".

Mặt phó giám thị biến sắc, ông ta đăm chiêu nhìn tôi: "Sao tự nhiên hỏi vậy?".

"Cháu có thử tìm hiểu rồi. Lãnh đạo năm nay đã phê duyệt cho 5 phạm nhân chung thân được ra ngoài điều trị bệnh nan y, chỉ trường hợp của ba cháu là không được. Gia đình cháu và lãnh đạo của chú không quen biết, nhưng với cục trưởng Đặng Khải Thành thì có chút ít. Mà hình như lành đạo ở đây lại là bạn của cục trưởng Đặng Khải Thành, có đúng không ạ?".

Ánh mắt phó giám thị sắc bén đảo qua tôi một vòng, thấy vẻ mặt tôi bình thản, trên môi vẫn treo nụ cười như có như không, ông ta cũng không dài dòng nữa, nói thẳng: "Tôi không biết tại sao cô có ý nghĩ như vậy, nhưng nếu đã tìm hiểu thì cũng nên thử xem sao. Tôi chỉ là cấp dưới, không rõ chuyện cấp trên, chuyện của gia đình cô thì cô tự lo đi".

Lòng tôi cuối cùng cũng đã rõ mười mươi, nhưng không phẫn nộ, chỉ cười nhạt: "Vâng, cháu biết rồi. Cảm ơn chú. Trong thời gian cháu lo thủ tục, nhờ chú và mọi người trong này quan tâm đến ba cháu".

Nói rồi, tôi lại đẩy thêm một tập tiền về phía phó giám thị, nhưng ông ta không nhận, chỉ bảo tôi mau đi lo thủ tục đi.

Tôi cũng muốn vậy, nhưng thực sự trong lòng vẫn chưa hạ nổi quyết tâm tìm Đặng Khải Thành. Tôi quyết định rao bán Hồng Ý đi, nhưng một nơi đang phải chịu lệnh cấm hoạt động không thời hạn của công an như vậy, tuyệt nhiên sẽ không ai dám bỏ tiền ra mua cả.

Đông Y Nam Phương không thể kinh doanh, Hồng Ý cũng không thể bán, chi phí nằm viện cho mẹ tôi đã không còn đủ khả năng chi trả, một hôm tôi còn nhận được điện thoại của trại giam, quản giáo nói rằng tình trạng của ba tôi đã rất nguy kịch, ông ấy ho ra m.áu thường xuyên, đã ba hôm không ăn nổi cơm.

Tôi biết, ông chưa đến lúc suy tàn, nhưng nếu không điều trị ngay, khó lòng chịu nổi được nửa tháng hay một tháng.

Cho nên sau một đêm suy nghĩ, tôi rút cuộc cũng đã thông suốt. Tôi nghĩ sau nhiều năm như thế, có lẽ cũng đến lúc tôi nên đối diện với Đặng Khải Thành một lần.

Anh ta hận gia đình tôi như thế, căm thù tôi như thế, tôi lại trốn chạy tận 10 năm, anh ta có thù mà không trả được, tất nhiên sẽ không khoanh tay chịu ngồi yên như vậy.

Thế nên vào một buổi chiều muộn, bản tin thời tiết báo có áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thành phố A, tôi đếm thời gian đến khi quá giờ tan tầm mới lững thững đi bộ đến gặp Đặng Khải Thành.

Mưa gió giăng đầy con phố nhỏ, sấm chớp trắng trời, bước chân tôi liêu xiêu men qua từng đoạn đường gập ghềnh, điện thoại trong túi không ngừng rung lên.

Đến một mái hiên trước một tiệm tạp hoá cũ kỹ, tôi mới dừng lại trú mưa, run rẩy thò tay vào trong túi áo lấy điện thoại ra. Trên màn hình là 25 cuộc gọi nhỡ và một vài tin nhắn khác từ Đăng Nguyên. Tôi không gọi lại, nhưng ngón tay lại vô tình ấn mở tin nhắn ra, chỉ thấy mấy dòng:

"Em không thể đến đó tìm hắn được. Em có nói gì thì hắn cũng vẫn không tha chúng ta đâu, đi cầu xin cũng không có ích gì cả. Chân Ý, em nghe anh một lần đi. Coi như anh xin em".
"Chân Ý, em đang ở đâu, anh tới đón em"
"Chân Ý, đừng làm bừa được không, nghĩ đến bố mẹ em, nghĩ đến anh một lần được không?"
"Hắn hận chúng ta còn không hết, sao tha cho chúng ta được chứ?"
"Chân Ý, em đừng quên hắn là..."

Ba chữ phía sau đập vào mắt, khiến đồng tử tôi đau nhói. Chẳng rõ vì nước mưa làm mí mắt bỏng rát, hay là vì cái tên Đặng Khải Thành đã là một cái gai đâm quá sâu trong lòng tôi.

Tôi nhắm mắt rồi mở mắt ra, lẳng lặng hít vào một hơi thật dài, bỏ lại điện thoại vào trong túi rồi tiếp tục đội mưa đi về phía trước.

Không lâu sau, toà nhà màu vàng của Cục cảnh sát X hiện ra trước mắt tôi. Bảo vệ thấy đầu tóc tôi ướt sũng, da mặt nhợt nhạt trắng bệch như quỷ liền vội vàng chạy ra đuổi. Tôi mệt mỏi chỉ nói một câu:

"Cho tôi gặp cục trưởng, tôi có hẹn trước. Báo với cục trưởng, tên của tôi là Đoàn Chân Ý".

Người bảo vệ không tin, trừng mắt định đuổi tôi đi, nhưng ngay sau đó có một người mặc áo cảnh phục khác vội vàng chạy ra, nói với bảo vệ mấy câu gì đó rồi dẫn tôi vào.

Lúc đến trước cánh cửa phòng to lớn bằng gỗ chạm khắc, bên trên có tấm biển ghi rõ ràng: Cục trưởng Đặng Khải Thành, người mặc cảnh phục kia mới nhìn tôi nói:

"Cục trưởng đang ở trong phòng, cô vào đi".

Tôi gật đầu, đẩy cửa vào bên trong. Trong phòng không bật điện, chỉ có ánh sáng từ màn hình máy tính nhàn nhạt hắt ra, nhìn không rõ ràng.

Tôi lờ mờ trong thấy có bóng người đang ngồi trên ghế da, xoay lưng lại phía này. Mười năm rồi không gặp, tôi đã sớm quên dáng vẻ của Đặng Khải Thành, nhưng giây phút gặp lại, tôi mới phát hiện ra, hoá ra mình vẫn chẳng hề quên gì cả, chỉ một bóng lưng vẫn có thể nhận ra người từng quen biết trước kia.

Tôi mỉm cười, tiến lên một bước rồi vứt sạch toàn bộ tự tôn của đời mình, chậm chạp quỳ xuống dưới sàn:

"Anh Thành, mười năm nay anh vẫn đang chờ tôi đến phải không?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thựctế