Chương 28
Đoạn 28
Mưa rả rích bên ngoài cánh đồng cỏ trong thung lũng, đom đóm bay vào trốn sau mấy phiến lá, thỉnh thoảng còn nghe được tiếng sấm rền vang.
Ở bên trong lều cỏ, chiếc chõng tre cũng không ngừng vang lên những âm thanh kẽo kẹt, mười đầu ngón tay tôi đan vào ngón tay vững chãi của Đặng Khải Thành, hơi rượu chưa tan hết, triền miên không cách nào dứt được.
Trong lúc đầu óc lâng lâng hỗn loạn, tôi loáng thoáng nghe anh hỏi: “Có làm đau em không?”.
Tôi há miệng, nói không đau, nhưng lần đầu tiên không thể nào không đau được, nước mắt vẫn chầm chậm lăn xuống. Trong đêm tối, Đặng Khải Thành rõ ràng không thể thấy được lệ trên khóe mi tôi, thế nhưng dường như anh có thể nghe được tiếng nức nở trong lòng tôi, động tác khẽ dừng lại.
Anh cúi xuống, dịu dàng hôn từng giọt nước đọng trên khóe mi tôi, lại hôn mũi tôi, trán tôi, cuối cùng lại quay về môi tôi, thì thầm nói mấy câu gì đó mà tôi nghe không rõ. Sau cùng tôi không còn khóc nữa, cánh tay chầm chậm vắt lên cổ anh, dịu dàng đáp trả lại nụ hôn của anh, không lâu sau đó thì chõng tre lại tiếp tục vang lên những âm thanh kẽo kẹt.
Thân thể tôi lắc lư như cánh hoa dại gặp mưa bên ngoài đồng cỏ, run rẩy yếu ớt, mềm mại như sắp vỡ tan. Nhưng nước mưa kia lại hết mực dịu dàng tưới tắm gốc cây, từ rễ đến ngọn đều như được rót vào muôn vàn tầng sinh khí, chẳng những hoa không tàn được mà còn từ từ nở bung, ngẩng đầu ngênh đón từng hạt mưa rơi xuống.
Khi bụng dưới kịch liệt co rút, tôi bắt đầu trông thấy xung quanh lều cỏ xuất hiện rất nhiều đom đóm. Đom đóm đậu vào khóm hoa, vây quanh Đặng Khải Thành, đậu cả trên vai anh, tóc anh, tản ra rất nhiều vầng hào quang sáng chói, tươi đẹp đến mức giờ phút huy hoàng này cảm thấy không chân thật.
Tôi chớp chớp mắt, ôm chặt lấy thắt lưng Đặng Khải Thành, lúc này đã hiểu thứ gì mắt thấy mới là thứ đẹp nhất, thứ gì tim cảm nhận được mới là thứ tuyệt vời nhất. Lúc đạt đến đỉnh cao, cổ họng tôi cuối cùng cũng bật ra một chữ: “Thành”.
Tiếng anh thở gấp bên tai tôi: “Chân Ý, anh ở đây”.
***
Buổi sáng, cơn mưa trong núi cuối cùng cũng ngừng lại, mây đen tan đi, nhường chỗ cho ánh mặt trời dịu dàng soi xuống đồng cỏ xanh mướt.
Tôi uể oải nằm lì không muốn dậy, nhưng lại sợ cứ trốn mãi ở đây thì ông bà cụ thầy lang ở nhà sẽ lo lắng nên vẫn phải mở mắt. Đúng như tôi dự đoán, chỉ cần mở mắt ra đã thấy Đặng Khải Thành đang nhìn tôi.
Má tôi nóng ran lên, theo phản xạ muốn chạy trốn, nhưng chõng tre quá nhỏ để chạy trốn, cuối cùng đành mặt dày nặn ra một nụ cười: “Chào buổi sáng”.
“Chào buổi sáng”. Anh mỉm cười, hôn lên trán tôi, sắc mặt vô cùng tốt: “Ngủ ngon không?”.
“Ừ… cũng tàm tạm”. Tôi xấu hổ đáp: “Anh thì sao?”.
“Rất ngon”.
Hai kẻ khùng đ.iên có giường tử tế không ngủ, lại chạy đến lều cỏ này ngủ trên chõng tre, đắp một chiếc chăn vương mùi ẩm mốc mà vẫn ngủ ngon được, đúng là quái gở.
Tôi cố kiếm chuyện để nói: “Không biết bây giờ là mấy giờ rồi”.
“Hơn năm giờ”. Đặng Khải Thành liếc ra bên ngoài, ở đó mấy nụ hoa trên dây leo đã nở thành bông, điểm xuyết cho ‘chiếc rèm’ tự nhiên thêm phần sinh động. Ánh sáng bên ngoài hắt qua kẽ ‘tấm rèm’, dìu dịu mềm mại: “Vẫn còn sớm, em ngủ thêm một lúc nữa đi”.
“Không được, ông bà cụ dậy mà không thấy chúng ta sẽ đi tìm đấy”. Tôi vỗ vỗ vai anh, có cảm giác như chúng tôi là một đôi nam nữ yêu nhau trốn gia đình đi chơi cả đêm không về vậy: “Mau dậy về thôi”.
Đặng Khải Thành đành phải chiều theo ý tôi, ngồi dậy trước, sau đó đưa tay ra định đỡ tôi cùng dậy. Tuy nhiên lúc này anh đã mặc chỉnh tề quần áo, còn tôi từ đầu đến chân vẫn không một mảnh vải, tôi xấu hổ nên không nắm tay anh, chỉ nói: “Không cần đâu. Anh ra ngoài trước đi, tôi… mặc đồ xong sẽ ra ngay”.
“Còn sức nữa không?”.
Mặt tôi đỏ bừng như cà chua chín, cúi đầu đáp: “Được mà”.
“Nếu không được thì gọi tôi”.
“Tôi biết rồi”.
Đặng Khải Thành xoa đầu tôi, vén chăn lại rồi đi ra ngoài. Đợi anh khép tấm rèm lại rồi, tôi lập tức cuống lên mặc quần áo, khi định gấp lại chăn mới thấy ở trên đó có một vệt màu đỏ rất chói mắt, minh chứng cho lần đầu tiên của tôi trao cho Đặng Khải Thành.
Thực lòng, tôi không ân hận vì những chuyện đã xảy ra, nhưng sau khi lên giường cùng kẻ thù của mình, nói không cảm thấy tội lỗi đều là nói dối!
Tôi hiểu rõ Đặng Khải Thành là người năm lần bảy lượt cứu sống tôi, nhưng anh cũng là người còng tay ba tôi, hủy hoại đi Hồng Hưng, khiến mẹ tôi phải nhảy từ tầng cao xuống, làm tôi phải tha hương 10 năm. Tôi yêu một người như vậy không sai với bản thân, nhưng là sai với gia đình. Sau một đêm huy hoàng, thức giấc nghĩ đến cha mẹ, không thể không cảm thấy day dứt.
Nhưng một bên là gia đình, bên còn lại là người mà tôi thương, lựa chọn bên nào và từ bỏ bên nào tôi cũng không thể làm được. Đứng ở giữa chịu co kéo là điều rất mệt mỏi, tôi cũng chẳng biết mình nên làm sao…
Tôi đứng ngẩn ra bên chõng tre một lúc, mãi sau mới lẳng lặng gấp lại chiếc chăn kia rồi định mang ra khe suối giặt. Nhưng lúc ra ngoài, Đặng Khải Thành vừa liếc thấy tay tôi đã biết tôi muốn làm gì, anh nói: “Để tôi giặt”.
“Không cần”. Tôi ngại ngùng giấu chăn ra phía sau: “Giặt đồ là chuyện phụ nữ làm. Anh chờ tôi một lát”.
“Chân em thế không xuống suối được”. Anh đi đến, cầm lấy chăn sau lưng tôi, vẻ mặt rất bình thản và ôn hòa: “Giặt đồ là chuyện của phụ nữ, nhưng có trách nhiệm với em là việc của tôi. Em cứ ngồi đây đợi một lát, tôi giặt xong sẽ quay lại ngay”.
Nói rồi, Đặng Khải Thành không đợi tôi trả lời đã cầm chăn đi thẳng xuống khe suối, lúc này gió đã đổi chiều, từ phương nam thổi tới làm đồng cỏ dưới chân ngả nghiêng, mái tóc ngắn của anh cũng khẽ lay động theo chiều gió. Tôi ngồi ngây ngốc ở trước cửa túp lều cỏ, trong đầu cứ văng vẳng mãi một câu: Giặt đồ là chuyện của phụ nữ, nhưng có trách nhiệm với em là việc của tôi.
Đặng Khải Thành, anh có thể bớt đàn ông một chút để tôi có thể bớt si mê anh đi một chút được không?
Buổi sáng không khí trên đồng cỏ mát mẻ, đom đóm chẳng biết đã biến đi đâu hết, chỉ có những con bướm đủ màu sắc đang lượn quanh những khóm hoa dại xinh tươi. Tôi rảnh rỗi nên bứt mấy cọng cỏ chờ đợi, bứt đến trụi hai bụi cỏ cũng thấy Đặng Khải Thành quay lại, một tay cầm chiếc chăn đã bị vắt kiệt nước, tay còn lại cầm một nắm quả nhỏ màu tim tím.
Tôi thấy loại quả ấy giống việt quất, lại cũng không giống việt quất, nên mới tròn mắt hỏi: “Quả gì vậy?”.
“Em đoán xem”.
“Quả việt quất dại à?”.
Đặng Khải Thành cười cười: “Không phải”. Anh đặt nó vào tay tôi: “Quả sim”.
Tôi kinh ngạc “Ồ” một tiếng: “Có phải quả sim mà mọi người hay hát không? Những đồi sim tím gì gì đó”.
“Ừ. Ở những chỗ này mới có, thành phố không có, mà giờ đồng bằng cũng không tìm được nữa. Lúc nãy tôi đi giặt chăn thấy có mấy bụi dưới kia nên hái cho em”.
“Anh ăn thử chưa?”.
“Lúc trước có ăn rồi”.
“Lúc nào vậy?”.
“Năm 7, 8 tuổi gì đó. Sau nhà tôi có một ngọn đồi, buổi chiều mấy đứa trẻ trong làng hay chạy lên đó hái quả sim ăn”.
Tôi gật gật đầu, tiện tay bóc vỏ một quả sim: “Nhà anh ở Hồ Cảnh Vân phải không?”.
“Em biết à?”. Đặng Khải Thành định nói thêm gì đó, nhưng tôi chưa kịp nghe đã bỏ một quả sim vào miệng, một cảm giác chua chua chát chát lập tức xộc vào đầu lưỡi khiến tôi nhăn mặt: “Aaaa, sao chua thế?”.
Đặng Khải Thành nhìn bộ dạng nhăn nhó của tôi, hơi buồn cười: “Miệng em biến thành màu tím hết rồi”.
Tôi không tin, nhưng xòe tay ra mới thấy mấy đầu ngón tay vừa bóc sim cũng đã tím hết, chắc giờ miệng tôi cũng nhem nhuốc hết thật. Tôi hậm hực chà chà miệng mình: “Sao anh không nói trước với tôi?”.
“Tại em tham ăn, tôi chưa kịp nói thì em đã ăn rồi”.
“Tại anh không nói trước”.
“Tại em tham ăn”. Ngừng một lát, anh lại nói: “Mặt giống như con mèo ngao”.
“Anh giống như mèo ngao thì có”.
Đặng Khải Thành không thèm chấp tôi, chỉ lặng lẽ vắt chăn lên nóc lều. Lúc quay lại thấy tôi vẫn chà đến đỏ cả miệng mới ngồi xổm xuống, lấy tay mình lau giúp tôi: “Chà như thế không sạch được”.
“Tại anh đấy”.
“Ừ, tại tôi”.
Anh cười cười, ngón cái to lớn có vết chai miết trên môi tôi, làm tôi có cảm giác ngưa ngứa. Lúc này, ánh nắng ban mai từ trên cao chiếu xuống gương mặt anh, ở đó vừa sạch sẽ vừa sáng sủa, đẹp trai đến mức người ta muốn phạm tội.
Nhưng tôi không cam tâm mình giống mèo ngao còn Đặng Khải Thành thì vẫn quyến rũ như vậy, cuối cùng trong đầu chợt xẹt qua một ý nghĩ vô cùng đồi bại. Tôi vò nát mấy quả sim trong tay, nhân lúc anh đang lau miệng cho tôi thì giơ lên, bôi đầy lên mặt Đặng Khải Thành.
Anh cau mày định tránh đi, nhưng tôi ôm rất chặt, vừa bôi vừa hét: “Ai giống như mèo ngao? Anh hả? Anh giống như mèo ngao thì có. Anh tham ăn thì có”.
Đặng Khải Thành bảo tôi đừng nghịch, nhưng tôi vẫn cứ liên tục trét đầy nước sim lên mặt anh. Hai người giằng co mấy giây rồi cùng lăn xuống bãi cỏ, Đặng Khải Thành đè lên người tôi, giữ chặt hai tay tôi: “Lì lợm hả?”.
Tôi giãy dụa muốn đẩy anh, nhưng sức lực trói gà không chặt của tôi không bì được với Đặng Khải Thành, chỉ có thể vùng vằng hét: “Ai bảo anh nói tôi như mèo ngao”.
“Không giống mèo ngao thì là gì?”.
Tôi mở mắt, định nói tôi là công chúa nằm trên bãi cỏ. Nhưng thấy Đặng Khải Thành mặt đầy nước sim tím, sau lưng là cả một bầu trời xanh ngát, tự nhiên tôi lại phì cười: “Anh là mèo ngao thì có. Ông chú già gia trưởng, trông anh còn thảm hơn tôi. Anh giống mèo ngao”.
Gió trên đồng cỏ lại thổi tới, hương nắng và cây cỏ thổi qua mái tóc tôi. Đặng Khải Thành không thèm lau mặt, cũng không chẳng buồn cãi cọ, anh chỉ lặng lẽ nhìn tôi, nhìn sâu nặng, nhìn đến nóng cả mắt. Tôi bị ánh nhìn này làm cho chột dạ, luống cuống định quay đi thì đột nhiên anh lại ôm lấy mặt tôi rồi hôn xuống, vị sim tím ngay lập tức tan ra dưới đầu lưỡi, không còn chua và chát mà chỉ đọng lại một cảm giác ngọt đến ngất ngây.
Trong vi vu của gió mát, tôi nghe tiếng anh nói: “Sim có ba vị, vị đầu là chua, vị thứ hai là chát, vị thứ ba là ngọt. Em đã nếm được chưa?”.
Tôi đỏ mặt nhìn anh, rất lâu sau mới nói: “Nếm được rồi”.
Anh cười, cụng trán mình vào trán tôi: “Nếm được rồi thì về thôi”.
Cuối cùng, tôi vẫn trèo lên lưng anh, để anh cõng về theo con đường nhỏ. Chúng tôi băng qua những đồng ruộng đang vào mùa lúa chín, băng qua những cánh đồng ngô tươi tốt, băng qua cây đa lớn bên giếng làng phủ đầy rêu phong, đi mãi đi mãi, tôi ngồi trên lưng anh, đột nhiên cảm thấy đời này nếu cứ bình yên như vậy thì thật tốt.
Chúng tôi sẽ không quay về nữa, cũng không cần nhắc đến chuyện trả thù gì đó, cứ thế sống ở hẻm núi nghèo khổ này rồi cùng nhau già đi ở nơi đây, trải qua năm năm tháng tháng, yên bình không đổi thay.
Đặng Khải Thành, không còn ân oán mà chỉ còn mỗi tình yêu thôi thì tốt biết mấy!
Lúc chúng tôi về tới nhà thì ông bà cụ đã dậy rồi, giờ ấy hai người đang quanh quẩn với sạp thuốc lá trong sân. Thấy Đặng Khải Thành cõng tôi về, ông cụ mới ngước lên hỏi: “Hai người đi ra ngoài sớm thế?”.
Tôi giống như con gái lớn đi chơi đêm với bạn trai về, xấu hổ vùi mặt vào lưng anh. Tôi nghe Đặng Khải Thành nói: “Cháu cõng cô ấy đi đón bình minh”.
“Ồ. Bình minh ở trong khe núi này đẹp lắm đấy. Ở trên đồng cỏ ngắm bình minh là đẹp nhất”.
“Vâng ạ. Còn hái được một nắm quả sim”.
“Mùa này vẫn còn sim à?”.
“Có mấy cây vẫn có quả, hơi nhỏ nhưng vẫn ăn được”.
Ông cụ quay sang nhìn bà cụ, nghĩ nghĩ một hồi mới nói: “Hôm nào tôi phải hái cho bà ấy mới được”.
Tôi định đưa hết chỗ sim cho bà cụ, nhưng thấy vẻ mặt bẽn lẽn của bà mới hiểu, có lẽ thứ bà thích không hẳn là sim mà là người có tấm lòng hái nó, thế nên cũng không lên tiếng nữa, chỉ tủm tỉm cười rồi cùng Đặng Khải Thành vào nhà.
Lúc anh đặt tôi lên giường, tôi mới nói: “Vừa rồi anh nói dối ông bà cụ”.
Đặng Khải Thành hiểu ý tôi muốn nói đến việc gì, anh bình thản cúi người lấy một miếng vải sạch, sau đó ngồi xổm xuống dưới chân tôi: “Đó không phải là nói dối”.
“Vậy thì là gì?”.
Bàn tay anh chầm chậm tháo vải cũ băng bó bàn chân tôi ra, giọng nói rất bình thản: “Ông cụ không hỏi tôi cõng em đi từ khi nào. Tôi cũng không nói cõng em đi từ khi nào. Tôi cõng em là thật, đón bình minh cũng là thật”.
“Vậy có phải những chuyện khác, anh cũng chỉ nói một phần sự thật như thế không?”.
“Không phải”. Anh ngước lên nhìn tôi, ánh mắt vô cùng kiên định: “Tôi có thể nói với ông bà cụ chúng ta đi từ đêm qua, nhưng nói như vậy em sẽ xấu hổ nên tôi chỉ nói một phần sự thật. Còn những chuyện khác, tôi không có lý do gì để nói dối em”.
Tôi hỏi anh: “Trước đây anh từng yêu ai chưa?”.
“Có rồi”.
Tôi không hỏi nữa, chỉ nhìn anh, Đặng Khải Thành có lẽ cũng hiểu trong lòng tôi muốn biết điều gì nên nói: “Trước giờ chỉ có một người”. Ngừng một lát, anh lại bổ sung thêm: “Vẫn còn sống, đang ở trước mặt tôi”.
Đây là câu trả lời mà tôi vẫn hy vọng, nhưng nghe xong lòng vẫn cảm thấy bối rối như có nai con chạy loạn bên trong, hai má nóng bừng bừng. Tôi xấu hổ cụp mi mắt, nói: “Vậy… cô ấy thì sao?”.
Ý của tôi là Như Ngọc! Nhưng lại không dám nói ra hai chữ ấy trước mặt anh. Đặng Khải Thành vẫn hiểu, nhưng anh không giải thích, chỉ bảo: “Sau này có thời gian sẽ nói cho em biết”.
Tôi tin anh, cũng không thắc mắc nữa nên gật đầu: “Được”.
Đặng Khải Thành mỉm cười, đi tìm đôi nạng đặt ở đuôi giường cho tôi, sau đó mới nói: “Mệt thì nằm ngủ thêm một lát. Tôi ra ngoài làm việc giúp ông bà cụ”.
“Ừ”.
Nói là nói vậy nhưng tôi không ngủ được, nằm một lát lại dậy xuống bếp nấu cơm với bà cụ. Ăn trưa xong, mấy người hàng xóm lại chạy sang í ới nhờ Đặng Khải Thành làm cái này cái kia, đến tối mịt mới thấy người anh đầy mồ hôi trở về.
Tối hôm đó, chúng tôi không làm thêm gì cả, chỉ nằm ôm nhau ngủ một giấc thật ngon. Ngày hôm sau, mấy cô thiếu nữ trong xóm lại nườm nượp sang nhà biếu khoai tây, trứng gà, có người còn hào phóng mang cả một cái đùi dê thật to sang biếu Đặng Khải Thành.
Bà cụ thở dài bảo tôi: “Cháu phải giữ chồng cho chắc đấy. Ở đây quanh năm chỉ có mấy thằng con trai lêu lổng, đứa ngoan ngoãn thì mặt mũi không đẹp trai, đứa trông dễ nhìn thì lại hít thuốc ph.iện. Con gái ở làng này chọn chồng khó lắm, giờ thấy chồng cháu từ ngoài vào, còn đẹp trai siêng năng như thế, không bám theo làm sao được”.
Tôi cười cười: “Bọn họ biết anh ấy có vợ rồi mà”.
“Làng này quanh quẩn chỉ có gần một trăm nhà, con gái thì nhiều con trai thì ít, hầu như đàn ông toàn lấy năm bảy vợ cả. Có thiếu người muốn làm vợ hai của chồng cháu đâu”. Bà cụ liếc gương mặt tôi, nói: “Chồng cháu là người đàng hoàng, nhưng con gái 16, 17 tuổi cứ quanh quẩn mãi ở trước mặt, mấy nhà hàng xóm thì hay mời rượu, ai mà biết lúc say xảy ra chuyện gì. Tóm lại cứ phải giữ chồng cho chắc”.
Tôi nói vâng, nhưng lòng lại nóng ran, nghĩ bà cụ mà biết tôi mới chính là người uống rượu say rồi dụ dỗ Đặng Khải Thành, chắc là sẽ sốc lắm nhỉ?
Mới nói đến đó thì có tiếng người đi vào nhà, cả tôi và bà cụ đều nghĩ lại có cô gái nào sang biếu quà, nhưng bước chân rầm rập, hình như có tận mấy người. Gã đi đầu vừa vào đến sân đã oang oang mắng: “Thằng k.hốn rơi từ trên núi xuống kia đâu, ra đây ông bảo”.
Bà cụ lật đật chạy ra ngoài, vừa nhìn rõ người kia thì vẻ mặt lập tức trở nên hốt hoảng: “Cậu Ba đến làm gì thế?”.
“Bà không nghe à? Cậu đến tìm cái thằng rơi từ trên núi xuống, nó ở nhà bà đấy”. Hắn vừa dứt lời thì thấy tôi chống nạng đi ra từ trong bếp, nhìn thấy tôi, ánh mắt ‘cậu Ba’ lập tức sáng lên như đèn pha: “Ai đây?”.
“Vợ của Thành. Hai người họ rơi từ trên núi xuống, bị thương tá túc ở nhà tôi”. Bà cụ vừa nói vừa đưa tay ra phía sau phẩy phẩy, ý muốn đuổi tôi vào trong nhà. Nhưng chân tôi thế này không đi nhanh được, mới bước được mấy bước đã bị người cậu Ba bắt lại:
“Định đi đâu thế? Thấy cậu mà không chào à?”.
“Tôi không quen biết anh”.
“Haha”. Người làm châm cho hắn một điếu thuốc quấn từ lá, cậu Ba rít xong một hơi mới bảo tôi: “Không biết thì để cậu nói cho người đẹp biết nhé. Cậu chính là con trai của trưởng làng này, mấy năm nữa cũng là trưởng làng này. Ai gặp cậu cũng phải chào một tiếng ‘Cậu Ba’, mày thấy cậu không chào còn muốn chạy đi đâu?”.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top