25. LỤT MỎ
Sáng hôm say, chúng tôi lại gặp nhau trong mỏ.
Này cụ giáo! – Chú Gaspard nói. – Cụ có hài lòng về thằng bé không đấy?
- Có chứ! Nó biết lắng tai nghe và tôi tưởng rồi đây nó cũng sẽ biết mở mắt nhìn.
- Trong khi chờ đợi, nó phải biết vung tay làm cái đã!
Chú Gaspard đùa thế, rồi đưa cho tôi một cái nêm để giúp chú cậy một tảng than đã đục xoi ở dưới. Những người thợ cuốc thường bảo thợ đun xe giúp mình như vậy.
Tôi đẩy xe goòng của tôi đến giếng xúc lần ấy là lần thứ ba. Thình lình tôi nghe từ phía giếng vang lại một tiếng động dữ dội, một tiếng rền kinh khủng. Tôi chưa bao giờ nghe một tiếng như thế từ khi tôi vào làm trong mỏ. Một vụ sạt hầm chăng, hay là tất cả mỏ sụp đổ? Tôi lắng nghe. Tiếng ầm ầm kéo dài và dội đi tứ phía. Cái gì thế này nhỉ? Thoạt tiên tôi hoảng sợ, và tôi toan chạy lại thang bắc để thoát thân. Nhưng người ta đã nhiều lần chế nhạo tôi về những chuyện sợ sệt hão huyền, nên lúc ấy tôi thấy xấu hổ và dừng lại. Chắc là vụ nổ mìn, hoặc là một cái thùng xúc rơi xuống giếng mà thôi; hoặc có lẽ chỉ là tiếng đất đá vữa vụn đổ xuống theo các hành lang.
Bỗng một đàn chuột cống chạy đâm sầm qua chân tôi, y như một đội kị binh rút chạy thoát thân. Rồi tôi nghe như có tiếng cọ xát vào nền đất và tường hầm, một thứ tiếng cọ xát lạ lùng, trong ấy có tiếng nước vỗ. Chỗ tôi đứng hoàn toàn khô ráo, cái tiếng ấy từ đâu mà ra không thể hiểu được.
Tôi cầm đèn để soi thử và hạ xuống gần mặt đất: đúng là có nước. Nước về từ giếng và đi ngược đường hầm. Cái tiếng ầm ầm dữ dội, cái tiếng rền đó là tiếng nước đổ vào mỏ. Tôi bỏ xe lại, chạy về công trường.
- Chú Gaspard ơi, nước đổ vào mỏ!
- Lại chuyện vớ vẩn!
- Đáy sông Divonne bị thủng, ta chạy trốn đi thôi!
- Đừng quấy chú mà!
- Chú nghe thử coi!
Giọng của tôi xúc động quá nên chú Gaspard ngừng tay cuốc để nghe ngóng. Vẫn cái tiếng ấy tiếp tục, càng to hơn, càng khủng khiếp hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là tiếng nước xô đến. Chú Gaspard thét:
- Chạy nhanh đi, nước vào mỏ rồi!
Vừa thét "nước vào mỏ rồi" chú vừa vớ chiếc đèn vì đó là cử chỉ đầu tiên của người thợ mỏ, và chui tuột xuống đường hầm. Tôi đi chưa được mười bước thì trông thấy cụ giáo cũng xuống đường hầm để tìm hiểu cái tiếng động đã làm cụ chú ý. Chú Gaspard kêu:
- Nước ở trong mỏ!
- Sông Divonne thủng đáy! – Tôi nói.
- Mày cứ nói nhảm!
- Chạy đi cháu! – Cụ giáo thét.
Mực nước trong hầm lên rất mau, lúc đó đã đến đầu gối chúng tôi, cho nên không chạy nhanh được. Cụ giáo cũng chạy theo chúng tôi và cả ba chúng tôi mỗi khi chạy qua một hốc lấy than đều gọi chõ vào:
- Chạy đi các anh! Nước vào mỏ rồi!
Nước dâng lên với tốc độ điên cuồng. May sao, chúng tôi ở gần chân thang, nếu không thì không tài nào tới kịp. Cụ giáo đến chân thang trước, nhưng cụ dừng lại và nói:
- Lên trước đi! Tôi là người già nhất, vả lại tôi không có gì ân hận.
Ở trong hoàn cảnh đó, nhường nhịn lễ nghĩa lại là không phải lúc, cho nên chú Gaspard lên trước, thứ đến tôi, rồi đến cụ giáo và đằng sau cụ cách một quãng khá xa, có mấy người thợ chạy theo chúng tôi. Không bao giờ người ta vượt cái quãng bốn mươi mét giữa tầng hai và tầng một nhanh như vậy. Nhưng trước khi lên đến nấc cuối cùng thì một mảng nước đổ ập xuống đầu chúng tôi và dội tắt mấy cái đèn. Quả là một cái thác lũ.
Chú Gaspard thét:
- Cố bám nhé!
Chú ấy, cụ giáo và tôi bám riết vào mấy nấc thang và chống giữ được. Nhưng những người lên sau bị cuốn đi hết. Nếu chúng tôi cũng còn mươi bậc thang nữa mới lên tới thì chắc chắn cũng đã bị xô xuống như họ, bởi vì cái thác nước trong nháy mắt đã trở thành như một cơn lũ.
Đến tầng một cũng không phải là đã thoát nạn vì còn phải leo những năm chục mét nữa mới thoát ra khỏi mỏ, mà ở tầng ấy cũng có nước, đèn chúng tôi lại tắt hết, chẳng còn nhìn thấy gì. Giọng cụ giáo nói, khá bình tĩnh:
- Nguy mất rồi!
Vừa lúc ấy thì bảy tám ngọn đèn hiện ra trong đường hầm, đi về phía chúng tôi. Nước đã đến gối, không cần cúi xuống, bàn tay chúng tôi cũng mó phải. Không phải thứ nước lặng mà là một dòng thác lũ gặp vật gì cũng cuốn đi cả và làm cho những thớt gỗ quay cuồng như những chiếc lồng chim. Những người xách đèn đi ngược phía chúng tôi đi theo đường hầm để đến thang gần đấy. Nhưng trước một dòng thác lũ như thế thì không thể được: làm sao đẩy nó lùi, làm sao chống lại sức cuốn của nó, làm sao chống lại được những thớt gỗ nó lùa đi?
Cái câu cụ giáo buột miệng kêu, những người này cũng buột miệng kêu: "Nguy mất rồi!"
Họ đã đến chỗ chúng tôi. Cụ giáo là người duy nhất còn ít nhiều tỉnh táo. Cụ thét:
- Đi tới chỗ đó, ở chỗ công trình cũ là nơi duy nhất có thể tránh nạn được.
Khu công trình cũ là một khu vực mỏ đã bỏ từ lâu, không ai tới đó, trừ cụ giáo, cụ thường lui tới để tìm tòi những vật quý lạ. Cụ nói lớn:
- Hãy quay trở lại ngay! Cho tôi một cái đèn, tôi sẽ đưa các người đi.
Ngày thường, khi cụ nói người ta cười phì hoặc nhún vai mà quay lưng lại. Nhưng bây giờ thì những tay khỏe nhất và tự phụ nhất vào sức khỏe của mình cũng đã bủn rủn tay chân. Và tất cả đều răm rắp theo lời cái ông già ngây ngô mà năm phút trước họ còn chế giễu. Tự nhiên cả mấy chiếc đèn đều chìa lại phía cụ. Cụ vội vàng xách một chiếc, còn tay kia thì kéo tôi, cụ dẫn đầu đoàn chúng tôi đi lên. Vì xuôi chiều nước nên chúng tôi đi được khá nhanh. Tôi không biết là đi đâu, nhưng tôi đã có hy vọng. Chúng tôi đi dọc theo đường hầm một lúc, trong mấy phút hay mấy giây không biết, vì chúng tôi chẳng có ý niệm gì về thời gian nữa. Rồi cụ giáo dừng lại. Cụ kêu lên:
- Không kịp rồi, nước lên mau quá!
Quả thật nước lên nhanh như vọt, từ đầu gối nó lên hông, rồi đến ngực tôi.
- Chúng ta phải chui vào một ngách ngược. – Cụ giáo nói.
- Rồi sau đó?
- Ngách ngược không có lối thoát.
Chui vào một cái ngách ngược thì đúng là chui vào một cái ngõ cụt. Nhưng không phải lúc chờ đợi hay kén chọn: một là phải chui vào ngách ngược và như thế là còn lợi được dăm ba phút nghĩa là còn hy vọng thoát nạn, hay là phải tiếp tục đi dọc theo đường hầm để chắc chắn bị ngập đầu chìm nghỉm trong mấy giây nữa.
Vậy nên theo sau cụ giáo, chúng tôi chui vào ngách ngược. Có hai người khác cứ thế tiếp tục đi sâu vào ngách hầm, hai người này về sau không bao giờ chúng tôi gặp lại. Vào đây, hoàn hồn, chúng tôi mới nghe rõ cái tiếng ầm ầm làm choáng tai chúng tôi từ khi bắt đầu chạy trốn. Đó là tiếng đất lở, tiếng nước xoáy, nước đổ, tiếng gỗ chống gãy, tiếng nổ của không khí bị ép. Tất cả làm thành một tiếng náo động khủng khiếp khiến chúng tôi mất vía mất hồn.
- Đúng là cơn hồng thủy.
- Tận thế đến nơi!
- Lạy chúa! Hãy thương lấy chúng con!
Từ khi vào ngách ngược, cụ giáo không nói gì cả, cụ không thèm than thở vô ích. Bây giờ cụ nói:
- Các chú ạ, các chú đừng phí sức. Nếu chúng ta cứ dùng tay chân mà bấu víu thế này thì chả bao lâu chúng ta sẽ mệt lả đi. Phải khoét đá làm chỗ tựa mới được.
Lời khuyên đúng, nhưng khó thực hiện, vì không ai mang cuốc chim theo cả. Ai cũng có đèn, không ai có dụng cụ. Cụ giáo tiếp:
- Dùng cái móc đèn mà đào.
Thế là người nào cũng lấy móc đèn mà moi đất. Công việc khó khăn lắm, vì ngách dốc quá và trơn, nhưng biết rằng hễ trượt chân một cái là tụt thẳng đến chỗ chết, nên người ta khỏe ra và khéo tay khéo chân hơn. Chỉ trong mấy phút, mỗi chúng tôi đã khoét được một cái hốc để đặt bàn chân. Xong việc đó, chúng tôi nghỉ một chút và nhận mặt nhau. Có bảy người: cụ giáo, đến tôi ở cạnh cụ, rồi chú Gaspard, tiếp đó ba người thợ cuốc là Pagès, Compayrou, Bergounhoux và một thợ đun xe là Carrory. Những người khác đã mất tích trong đường hầm.
Tiếng động trong hầm mỏ vẫn vang lên dữ dội chứ không giảm đi chút nào. Âm vang của sự náo động ghê rợn ấy mãnh liệt như thế nào, quả không có chữ gì diễn tả được. Đại bác bắn, sét nổ, núi sạt cùng một lúc e cũng không gây tiếng động lớn như vậy. Đờ đẫn, hoảng hồn vì khiếp sợ, chúng tôi nhìn nhau, mỗi người cố tìm trong mắt người bạn bên cạnh sự giải thích mà mình không tìm ra được. Người này nói:
- Nạn hồng thủy.
Người kia:
- Ngày tận thế.
Rồi:
- Động đất.
- Lụt do nước đọng ở khu công trình cũ.
- Chắc là sông Divonne bị thủng đáy.
Lời ước đoán sau cùng này là của tôi. Tôi không thể từ bỏ ý nghĩ đáy sông Divonne bị thẩm lậu một chỗ. Cụ giáo không nói gì cả. Cụ nhìn hết người này đến người khác, nhún vai, bình tĩnh y như là đang thảo luận ở giữa trời, dưới bóng một cây dâu, trong lúc ăn một củ hành. Cuối cùng, khi mỗi người đã phát biểu ý kiến của mình, cụ nói:
- Lụt thì đây hẳn là một trận lụt...
- Do động đất mà ra.
- Ở khu công trình cũ tràn đến.
- Qua một lỗ thủng ở đáy sông Divonne.
Mỗi người nhắc lại một điều mình đã nói. Cụ giáo vẫn lặp lại:
- Đây là một trận lụt.
- Rồi sao nữa? Lụt ở đâu đến? – Nhiều người nổi lên hỏi cùng một lúc.
- Tôi không biết. Nếu chỉ riêng có tầng ba bị lụt mà bảo là lụt từ công trình cũ thì còn có thể tin, đằng này cả tầng hai và tầng một cũng bị. Các anh biết rằng nước chảy xuống mãi chứ không bao giờ chảy lên mà!
- Cái lỗ thủng?
- Tự nhiên thì không thể sinh ra những lỗ thủng như vậy!
- Chắc là động đất.
- Tôi không biết.
- Không biết thì đừng nói!
- Tôi biết là lụt, và thế là có biết ít nhiều rồi, lụt từ trên xuống.
- Gớm chửa! Cái đó ai không thấy, nước đuổi theo ta mà!
Từ khi vào chỗ khô ráo, người ta cảm thấy an toàn nên không cần nghe cụ giáo nữa.
- Thôi, đừng có làm bộ thông thái nữa, anh có biết gì hơn chúng tôi đâu!
Trong lúc nguy nan, sự quyết đoán của cụ giáo đã gây nên uy tín cho cụ. Uy tín ấy bây giờ mất rồi. Cụ lặng yên, không cãi lại.
Để cho át tiếng động, chúng tôi nói như gào thét, thế nhưng tiếng chúng tôi cứ như thì thầm. Cụ giáo bảo tôi:
- Cháu thử nói lên xem.
- Nói gì bây giờ?
- Nói gì cũng được, miễn là có nói, nói những tiếng thoạt tiên cháu nghĩ đến.
Tôi nói một vài câu.
- Được. Bây giờ nói khẽ hơn. Được rồi. Tốt.
- Này cụ giáo, cụ loạn óc rồi đấy à? – Pagès nói.
- Cụ sợ quá mà hóa điên rồi chăng?
- Cụ tưởng cụ đã chết rồi phỏng?
- Tôi tưởng rằng nước sẽ không lên đến chỗ chúng ta và nếu phải chết thì chúng ta sẽ không chết đuối.
- Thế nghĩa là thế nào, cụ giáo?
- Anh nhìn đèn của anh xem.
- Thì nó vẫn cháy.
- Có giống như thường ngày không?
- Ngọn đèn sáng chói hơn nhưng ngắn hơn.
- Có Gờridu à?
- Không. – Cụ giáo nói. – Cả cái đó cũng không đáng sợ. Sự nguy hiểm không ở khí Gờridu, cũng không ở nước; nước từ bây giờ sẽ không dâng lên tấc nào nữa.
- Thôi đừng có bí mật như làm trò phù thủy.
- Tôi không làm trò phù thủy, chúng ta đang như ở trong một cái chuông không khí, và chính không khí bị ép cản nước lại không cho lên. Cái ngách này bịt bùng ở trên có tác dụng như cái chuông của người thợ lặn. Không khí bị nước dồn lại đã tụ cả ở đây và bây giờ nó chống lại nước, ngăn nước không cho lên thêm nữa.
Nghe cụ giáo giải thích rằng chúng tôi đang ở trong một thứ chuông thợ lặn, ở đó nước không lên tới chúng tôi, có người bàn tán, không tin.
- Nhảm chưa, không phải nước mạnh hơn tất cả à?
- Đúng thế, khi nó tự do ở ngoài trời. Nhưng khi anh áp cái cốc xuống thùng nước, nước có lên đến đáy cốc không? Không chứ? Cứ còn một khoảng trống. Ấy đấy! Có khoảng trống ấy là vì có không khí. Ở đây cũng thế; chúng ta đang ở trong đáy cốc, nước có luôn luôn lên tới chúng ta đâu!
- Cái đó tôi hiểu. – Chú Gaspard nói. – Và bây giờ, các bác ạ, tôi thiết tưởng các bác hay chế nhạo cụ giáo là không đúng. Cụ biết những cái chúng ta không biết.
- Thế là chúng ta thoát nạn. – Carrory kêu.
- Thoát nạn? Tôi không nói vậy. Ta không chết đuối, đó là điều tôi bảo đảm. Cái nó cứu chúng ta là ở chỗ ngách này bịt bùng, không khí không thoát ra được. Nhưng chính cái cứu ta cũng là cái hại ta. Không khí không thoát ra được, nó bị giam hãm, nhưng chúng ta cũng bị giam hãm, chúng ta không thoát ra được.
- Khi nước xuống...
- Nó có xuống không? Cái đó tôi không biết. Muốn biết cái đó phải biết do đâu mà nó lên, và ai trả lời được?
- Cụ đã bảo là lụt mà?
- Ừ, rồi sao nữa? Lụt thì chắc chắn là lụt rồi. Nhưng do đâu mà lụt? Sông Divonne đã dâng tràn đến giếng mỏ chăng? Mưa dông chăng? Một con suối lở bờ? Hay là một trận động đất? Phải ở ngoài mới nói được, khốn thay chúng ta lại ở trong.
- Có lẽ thành phố bị cuốn đi rồi?
- Có lẽ...
Một phút yên lặng và hãi hùng.
Nước không đổ ầm ầm nữa, duy thỉnh thoảng từ trong lòng đất dội tới những tiếng nổ không âm vang, và người ta cảm thấy hình như đất rung chuyển. Cụ giáo bảo:
- Cả hầm mỏ này chắc là đầy ắp rồi, bởi vì nước không lên nữa.
- Ôi thằng Pierre! – Bác Pagès kêu thất vọng.
Pierre là con bác ấy, cũng là thợ cuốc như bác. Pierre làm việc ở tầng ba. Nãy giờ bản năng sinh tồn quá mạnh át đi tất cả, khiến bác không nhớ đến con. Nhưng cái câu "mỏ này đầy ắp rồi" của cụ giáo đã lôi bác tỉnh dậy. Bác kêu lên những tiếng xé ruột: "Pierre! Pierre! Pierre!" Không ai đáp, cả tiếng dội lại cũng không có: tiếng gọi trầm đi và tắc lại trong cái chuông kín. Cụ giáo nói:
- Nó cũng tìm được một ngách ngược thôi! Không có lý do nào mà đến trăm rưởi con người chết đuối một lần! Như thế thì gớm ghiếc quá!
Cụ giáo nói thế, nhưng qua giọng nói cụ tôi thấy hình như cụ cũng không tin tưởng cho lắm. Sớm nay ít ra là một trăm năm mươi người xuống mỏ. Trong số đó có bao nhiêu đã leo giếng lên khỏi mỏ, bao nhiêu đã tìm được chỗ lánh nạn như chúng tôi? Tất cả những người bạn thợ mỏ của chúng tôi nguy rồi, chìm rồi, chết rồi! Không ai nỡ mở miệng nói một tiếng.
Tuy nhiên trong tình huống bấy giờ, lòng thương cảm không điều khiển con người. Sau mấy phút im lặng, Bergounhoux hỏi:
- Này! Thế chúng ta phải làm gì bây giờ?
- Làm gì?
- Chỉ có việc chờ. – Cụ giáo nói.
- Chờ gì?
- Chờ thôi. Hay là anh muốn xoi thông cái khoảng cách bốn năm chục mét giữa mặt đất với chúng ta bằng cái móc đèn của anh?
- Thế thì chúng ta đến chết đói mất!
- Đó không phải là một đe dọa lớn nhất!
- Nào nào, cụ giáo, cụ nói đi. Cụ làm chúng tôi sợ quá! Mối họa ở đâu, mối họa lớn nhất ở đâu mà ra nào?
- Đói còn có thể chịu được. Tôi đã xem sách thấy có những người thợ cũng bị bí trong mỏ vì nước lụt như chúng ta đây, họ nhịn đói đến hai mươi bốn ngày đêm mà không chết. Việc này xảy ra đã lâu lắm, mà dù có xảy ra hôm qua cũng chỉ thế thôi! Không, cái đói thì ta không sợ lắm!
- Thế cái gì làm cụ lo ngại nào? Cụ đã nói rằng nước không dễ dâng lên thêm nữa mà?
- Các anh có thấy váng đầu, ù tai không? Các anh thấy có dễ thở không? Tôi thì không!
- Tôi ấy à, tôi đau đầu.
- Tôi thì thấy người xao xuyến, buồn nôn.
- Thái dương tôi giật giật.
- Tôi thì tôi đờ đẫn cả người đi.
- Ấy đấy! Cái nguy cơ lúc này là ở chỗ đó! Ở trong bầu không khí này, chúng ta có thể sống được bao lâu? Tôi không biết. Vì tôi dốt nát, chứ nếu tôi là một nhà bác học thì tôi đã nói được rồi. Ta ở cách mặt đất khoảng bốn chục mét và ở bên dưới có lẽ độ ba mươi lăm hoặc bốn mươi mét nước. Thế có nghĩa là không khí ở đây bị một sức ép khoảng từ bốn đến năm átmốtphe. Trong không khí bị ép đó, con người sống như thế nào? Đó là điều cần biết, và chúng ta sắp biết đây, duy phải đánh đổi sự hiểu biết ấy bằng những tổn thương, có lẽ thế!
Tôi không hiểu không khí bị ép là như thế nào hết, chính vì đó mà những lời cụ giáo nói khiến tôi rất đỗi kinh hãi. Những người bạn thợ khác cũng xúc động không kém: họ có hiểu biết gì hơn tôi đâu! Cái điều mình không hiểu là điều làm mình hãi hùng. Còn cụ giáo thì cũng không phút nào quên hoàn cảnh tuyệt vọng của anh em, và tuy nhìn thấy rất rõ cả sự rùng rợn của nó, cụ chỉ nghĩ đến những việc cần làm để chống với tai ương. Cụ bảo:
- Bây giờ thì hãy xếp đặt thế nào cho khỏi lăn tõm xuống nước.
- Có hốc rồi mà.
- Các anh tưởng cứ đứng mãi một điệu như thế này mà không mỏi rã ra à?
- Thế cụ cho rằng chúng mình còn phải ở đây lâu lắm ư?
- Nào tôi có biết!
- Người ta sẽ đến cứu chúng mình.
- Cái đó đã hẳn, nhưng khi nào cứu được mới cứu chứ? Còn bao nhiêu lâu nữa người ta mới bắt đầu tổ chức cứu ta? Chỉ có những người ở trên kia mới nói được, còn chúng ta ở dưới này thì phải thu xếp thế nào cho đỡ khốn khổ nhất, bởi vì người nào trượt chân là người ấy đi đứt!
- Chúng mình phải buộc nhau lại làm một khối.
- Dây đâu?
- Hay là nắm chặt tay nhau?
- Tôi nghĩ rằng chúng ta đào thành những bậc như ở một cầu thang là tốt nhất. Chúng ta có bảy người, đào hai bậc là đủ: bốn sẽ ngồi ở bậc trên, ba ở bậc dưới.
- Đào bằng gì?
- Chúng ta không có cuốc chim.
- Ở chỗ đất bở thì lấy móc đèn mà đào, ở chỗ cứng thì dùng dao.
- Không thể nào làm được!
- Đừng nói thế, bác Pagès! Ở cảnh ngộ chúng ta, gì mà chúng ta không làm được để thoát chết. Đứng như thế này, ai ngủ gà ngủ gật thì chết toi!
Nhờ bình tĩnh và quyết đoán, uy tín của cụ giáo càng lâu càng lớn lên trước mắt chúng tôi. Cái lớn lao, cái đẹp đẽ của sự dũng cảm là ở đó: nó chinh phục người ta. Tự nhiên tôi cảm thấy cụ đang đem nghị lực của cụ chống chọi với cái tai họa đã làm tinh thần chúng tôi sụp đổ, và chúng tôi trông chờ cái sức mạnh đó giải thoát cho chúng tôi. Việc phải làm trước hết hiển nhiên là khoét hai bậc thang đó, cho nên chúng tôi bắt tay vào việc. Phải cho có chỗ ngồi, nếu không được thoải mái thì ít nhất cũng phải vững vàng, để đừng lăn tõm xuống cái vực thẳm ở dưới chân. Chúng tôi thắp bốn cây đèn, đủ để ánh sáng làm việc. Cụ giáo bảo:
- Hãy chọn chỗ để đào.
- Này các bạn. – Chú Gaspard lên tiếng. – Tôi có đề nghị này. Giữa chúng ta, chỉ có một người không quẫn trí là cụ giáo. Khi chúng ta cuống cuồng thì cụ vẫn tỉnh táo. Thế mới là một con người. Mà tâm địa cụ cũng tốt nữa. Cụ cũng đã từng là thợ cuốc như chúng ta, và về nhiều mặt, cụ hiểu biết hơn chúng ta nhiều. Tôi đề nghị ta cử cụ làm chỉ huy và nhờ cụ điều khiển công việc.
- Cụ giáo à? – Thằng Carrory ngắt lời, thằng này là một thằng ngu độn, chỉ có trí khôn vừa đủ để đẩy chiếc goòng. – Sao lại không cử tôi? Nếu lấy một tay đẩy goòng thì tôi cũng là tay đẩy goòng như cụ ấy.
- Con bò! Người ta đâu có cần người đẩy goòng, người ta cần một con người, mà giữa chúng ta thì cụ ấy là con người trọn vẹn hơn cả.
- Mấy hôm trước tao cũng ngu như mày và tao cũng nhạo báng cụ giáo như những người khác, nhạo báng để đánh trống lảng cái việc mình dốt hơn người ta. Nào cụ giáo, cụ cắt cho tôi công việc gì đây? Hai tay tôi chắc, cái đó cụ biết rồi. Còn các anh kia, ý kiến các anh như thế nào?
- Ấy, cụ giáo, chúng tôi tuân lệnh cụ.
- Và sẽ còn tuân lệnh cụ.
Cụ giáo nói:
- Này, các bạn đã muốn tôi chỉ huy thì tôi cũng sẵn lòng làm, nhưng với điều kiện là tôi nói gì thì làm nấy. Có thể chúng ta sẽ phải ở đây lâu, nhiều ngày đấy. Tôi không biết rồi sẽ ra sao. Chúng ta rồi cũng như những hành khách đắm tàu ở trên một cái bè giữa biển khơi. Hơn thế, tình cảnh chúng ta sẽ còn ghê gớm hơn nhiều, bởi vì ở trên bè, người ta còn có khí trời và ánh sáng, người ta thở được và trông nhìn được. Ở đây, nếu tôi là chỉ huy thì bất kỳ trường hợp nào, các anh cũng phải tuân lời tôi.
- Chúng tôi tuân lệnh cụ. – Tất cả đều nói một lượt.
- Khi các anh cho cái điều tôi bảo là đúng thì các anh vâng lời đấy, nhưng khi các anh không tin là đúng thì sao?
- Chúng tôi sẽ tin.
- Ai cũng biết cụ là người trung hậu, cụ giáo ạ!
- Và là người dũng cảm.
- Lại là người hiểu biết nhiều.
- Cụ giáo nên bỏ qua những lời chế nhạo xưa kia cho chúng tôi.
Lúc bấy giờ tôi chưa từng trải việc đời. Trông thấy những người buổi trước đây vừa tuôn lên đầu cụ giáo không biết cơ man nào là câu giễu cợt, đến bây giờ lại thừa nhận cụ có những đức tính đáng quý, tôi lấy làm lạ lùng hết sức. Tôi có biết đâu là có một số người hễ hoàn cảnh thay đổi thì ý kiến, cảm tình cũng thay đổi. Cụ giáo hỏi:
- Các anh có thề là sẽ vâng lời tôi không?
- Xin thề. – Chúng tôi đồng thanh đáp.
Thế rồi chúng tôi bắt tay vào việc. Mọi người đều có dao trong túi áo, những con dao tốt, cán chắc, lưỡi cứng. Cụ giáo ra lệnh:
- Ba người đào đất, ba người khỏe nhất. Những người yếu hơn: Rémi, Carrory, Pagès và tôi thì chúng ta dọn đất vụn đã được đào bới ra.
Compayrou cao to như một người khổng lồ, nói:
- Cụ đừng. Cụ không nên làm, cụ không đủ sức đâu!
Người ta nhận thấy vai trò điều khiển của cụ giáo rất cần thiết, đến mức sẵn sàng ủ cụ vào chăn bông để tránh cho cụ mọi tai nạn và nguy hiểm. Cụ là người hoa tiêu của chúng tôi.
Giá như có công cụ thì công việc của chúng tôi dễ như bỡn, nhưng chỉ có dao không thôi nên vất vả quá và cố nhiên là phải lâu. Cần phải khoét đá "sít" làm thành hai bậc thang để tránh nguy cơ rơi xuống vực, và bậc thang đó phải đủ rộng để đủ chỗ, một bậc cho bốn người, một bậc cho ba người ngồi. Chúng tôi tiến hành công việc đào bới để đạt kết quả đó. Ở mỗi nơi làm việc, có hai người chuyên đào và một người lo đưa những mảnh đá "sít" xuống. Cụ giáo xách đèn đi lại giữa hai "công trường". Trong khi đào, chúng tôi tìm thấy một đôi khúc gỗ chống bị vùi lấp dưới đất, những khúc gỗ ấy rất có ích vì chúng giữ đất đá vụn không cho chảy xuống dưới. Sau ba tiếng đồng hồ làm liên miên không nghỉ tay, chúng tôi đã đào được những bậc vừa ngồi. Cụ giáo ra lệnh:
- Trước mắt, thế cũng đủ rồi. Sau này chúng ta sẽ mở rộng để có đủ chỗ nằm được. Không nên phí sức một cách vô ích vì chúng ta sẽ còn cần sức khỏe đấy!
Chúng tôi xếp chỗ ngồi: cụ giáo, chú Gaspard, Carrory và tôi ngồi ở bậc dưới, ba người thợ cuốc ở bậc trên.
- Phải tiết kiệm đèn dầu. – Cụ giáo nói. – Các anh tắt hết đi, chỉ để đỏ một ngọn thôi.
Mệnh lệnh truyền ra được thi hành ngay. Anh em sắp tắt hết những cây đèn không cần thiết thì cụ giáo ra hiệu cho họ ngừng tay. Cụ nói:
- Hượm tí đã! Một luồng gió có thể làm tắt chiếc đèn mà chúng ta chong. Điều này có lẽ cũng không xảy ra, nhưng biết đâu đấy, phải đề phòng cả những cái vô lý. Lúc đó thì ai có diêm để thắp lại nào?
Mặc dầu người ta nghiêm cấm việc đánh lửa trong mỏ, hầu hết anh em thợ đều mang diêm trong túi áo. Vì ở đây không có kỹ sư để bắt những sự vi phạm nội quy, cho nên khi nghe hỏi: "Ai có diêm?" thì bốn người trả lời: "Tôi!" Cụ giáo nói tiếp:
- Tôi cũng có nhưng nó ngấm nước hết.
Những người khác cũng bị như thế vì người nào cũng bỏ diêm ở túi quần mà trót dầm nước đến ngực hoặc đến tận vai. Thằng Carrory hiểu chậm, trả lời càng chậm, đến lúc ấy mới nói:
- Tôi cũng có diêm đây!
- Ướt!
- Không biết! Tôi để trong mũ.
- Thế thì đưa cái mũ đây!
Cái mũ không vành của Carrory là một cái mũ da rái, to như cái khăn xếp của một anh Thổ Nhĩ Kỳ ở chợ phiên. Đáng lẽ đưa mũ như người ta bảo thì nó lại đưa bao diêm. Bao diêm không ngấm nước nhờ ở vị trí đặc biệt của nó trong lúc người chúng tôi ngâm dưới nước.
- Bây giờ thì thổi đèn đi. – Cụ giáo ra lệnh.
Thế là chỉ có ngọn đèn le lói, rọi mờ mờ cái chuồng nhốt chúng tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top