16. VÀO PARIS

Chúng tôi còn cách Paris xa lắm. Chúng tôi phải ra đi trên những con đường phủ tuyết, từ sáng đến tối, gió bấc tạt vào mặt. Những chặng đường dài ấy mới buồn bã làm sao.

Cụ Vitalis đi đâu, tôi theo sau, con Capi nối gót tôi. Chúng tôi đi hàng một như thế, hàng không dài mấy, suốt trong mấy tiếng đồng hồ liền, chẳng ai nói với ai nửa câu, mặt mày tái mét vì gió lạnh, chân ướt đẫm, bụng trống không. Khách đi đường dừng lại nhìn đoàn chúng tôi diễu qua. Chắc chắn là trong đầu họ lại nảy ra những ý nghĩ kỳ quặc. Cái ông già lênh khênh ấy bắt thằng bé con kia và con chó nọ đi đâu thế nhỉ?

Sự im lặng làm cho tôi khổ lắm. Tôi muốn bô bô lên cho choáng người đi. Nhưng mỗi khi tôi hỏi, cụ Vitalis chỉ trả lời nhát gừng, mà cũng chẳng buồn quay đầu lại. Cũng may có con Capi cởi mở hơn. Lắm khi tôi đang đi, bỗng thấy có cái gì ẩm ướt, dính trên bàn tay: Đó là lưỡi con Capi. Nó liếm tay tôi để nói với tôi:

"Cậu bạn ơi! Còn có tôi đây, tôi, Capi, bạn của cậu đây!"

Thế là tôi vừa đi vừa dịu dàng vuốt ve nó. Cử chỉ trìu mến của tôi cũng làm cho nó dễ chịu như cử chỉ trìu mến của nó làm cho tôi dễ chịu. Hai chúng tôi hiểu nhau và yêu nhau. Tình bạn đó là nguồn an ủi cho tôi và tôi tin chắc cũng là nguồn an ủi cho nó. Trái tim của một con chó cũng dễ cảm kích như trái tim của một chú bé con.

Sự ve vuốt của tôi an ủi được con Capi nhiều lắm, cơ hồ làm nó quên cái chết của hai bạn nó. Nhưng đôi lúc thói quen lại mạnh hơn.

Những lúc ấy Capi đột nhiên dừng lại bên dường như để nhìn toán chó của nó đi lên, giống như cái thời nó còn là toán trưởng, cứ phải luôn luôn kiểm tra lại đội ngũ của mình, cảnh ấy chỉ diễn ra một thoáng thôi, rồi ký ức của nó lại thức tỉnh. Nó sực nhớ ra vì sao toán nó không diễu qua nữa. Thế là nó vụt chạy lên vượt chúng tôi và nhìn cụ Vitalis phân trần rằng nó vẫn làm phận sự, còn Dolce và Zerbino không đi theo đoàn là vì chúng không thể theo được nữa. Nó làm cái việc ấy với đôi mắt linh hoạt, thông minh đến nỗi chúng tôi cảm thấy lòng se lại.

Con Capi làm như vậy càng khiến cho cuộc hành trình của chúng tôi buồn thêm. Chúng tôi cần phải giải trí kia, nhất là tôi.

Tuyết như phủ trắng toát khắp đồng quê. Không có mặt trời, chỉ có một thứ ánh sáng màu nâu nâu, nhàn nhạt. Không có hoạt động gì ngoài đồng, không có một nông dân nào làm việc ở ruộng. Không có tiếng ngựa hý, tiếng bò rống, chỉ có tiếng cuốc cuốc của mấy con quạ đậu trên chót vót những ngọn cây trụi lá. Chúng kêu đói. Chúng không tìm thấy một chỗ nào để đỗ xuống bắt vài con bọ, con giun. Đi quanh các xóm làng, không thấy nhà nào mở cửa, chỉ có im lặng và quạnh hiu. Trời rét cắt da như thế này, người ta đành ngồi nhà, chụm quanh bếp lửa hoặc là làm việc trong chuồng bò, trong vựa đóng kín cửa.

Thế mà, trên đường thiên lý khi thì gồ ghề, khi thì trơn như mỡ, chúng tôi cứ phải xăm xăm đi một mạch, không dừng lại, không giờ phút nghỉ ngơi ngoài giấc ngủ đêm đêm trong một chuồng ngựa hay chuồng cừu nào đó. Mỗi buổi chiều chúng tôi ăn một mẩu bánh mì mỏng dính, thay cho cả bữa trưa và bữa tối. Khi được người ta cho ngủ ở chuồng cừu thì chúng tôi cho là may mắn lắm, vì cừu truyền hơi ấm cho chúng tôi. Lại đương mùa cừu nuôi con, những ngươi chăn cừu đôi khi cho tôi uống một ít sữa. Chúng tôi không nói rằng: chúng tôi đói gần chết; nhưng khéo léo như thường lệ, cụ Vitalis nói xa xôi rằng "thằng bé nó ưa sữa cừu lắm, vì lúc nhỏ nó quen uống sữa cừu, cho nên bây giờ ngửi thấy mùi sữa cừu thì nó nhớ tới quê nhà nó". Câu chuyện bịa ấy không phải lúc nào cũng mang lại kết quả. Nhưng khi những người chăn cừu nghe lọt tai thì tối ấy tôi được uống một bữa sữa sung sướng. Vâng đúng thế. Tôi ưa sữa cừu đứt đi rồi!

Tối nào tôi được uống y như rằng sáng hôm sau tôi thấy người khỏe ra và tươi tỉnh lại.

Trên con đường dài, cột số này tiếp cột số kia, đoạn đường này đến đoạn đường nọ, chúng tôi đã đến gần Paris. Giá như cột số bên đường không mách cho tôi biết đi nữa thì tôi vẫn cứ nhận thấy điều đó vì xe cộ người ngựa đi lại nhiều hơn, vì màu tuyết trắng trên mặt đường khác đi, bẩn hơn tuyết trong đồng bằng Champagne nhiều.

Tôi thấy làm lạ rằng thôn quê nơi đây cũng chẳng có gì đẹp hơn, làng mạc cũng chẳng có gì khác những nơi chúng tôi đã đi qua mấy hôm trước. Tôi đã từng nghe nói đến các kỳ quan của thành phố Paris nhiều quá, cho nên tôi ngây thơ tưởng rằng phải có những gì khác thường báo trước những kỳ quan ấy từ xa kia. Nói cho đúng thì tôi không biết tôi chờ đợi cái gì. Tôi cũng không dám hỏi. Nhưng rõ ràng là tôi chờ đợi những cái kỳ diệu: cây vàng lá ngọc, phố xá gồm toàn lâu đài cẩm thạch, dân thành phố đi lại toàn mặc nhung lụa. Tôi cho là tất nhiên phải như vậy.

Dù có chú ý tìm những cây vàng lá ngọc tôi vẫn thấy rằng khách đi đường ở đây không nhìn chúng tôi nữa: họ vội quá đi chăng? Hay là họ đã quen với nhiều cảnh đau thương hơn cảnh chúng tôi?

Nghĩ thế, tôi không yên lòng một chút nào cả.

Chúng tôi đến Paris làm gì, nhất là lại trong tình trạng xác xơ như thế này? Tôi lo lắng tự hỏi. Câu hỏi ấy cứ lớn vởn trong đầu óc tôi suốt chặng đường dài. Tôi muốn hỏi cụ Vitalis xem thế nào, nhưng tôi không dám vì cụ mặt ủ mày chau, khi nói gì thì rất vắn tắt. Nhưng rồi một hôm cụ đi lùi xuống đi kề bên tôi. Trông cách cụ nhìn tôi, tôi biết cụ sắp nói cho tôi cái điều mà tôi mong đợi.

Lúc ấy vào buổi sớm. Thầy trò chúng tôi vừa nghỉ đêm lại ở một trại tá điền gần một xã lớn. Đọc trên mấy tấm biển xanh dọc đường thì biết làng ấy là làng Boissy-Saint-Léger. Chúng tôi lên đường từ lúc tờ mờ sáng. Sau khi men theo bờ tường khu vườn lớn rồi xuyên qua làng Boissy-Saint-Léger theo chiều dọc, thì đến một cái dốc. Từ trên đầu dốc trông ra trước mặt, chúng tôi thấy một luồng khí đen to như một đám mây bay lơ lửng trên một thành phố mênh mông. Phố xá chưa nhìn thấy, chỉ có mấy công trình kiến trúc nhô lên.

Tôi giương to đôi mắt cố nhìn cho rõ trong cảnh hỗn độn những mái nhà, những hình tháp những gác chuông lẫn trong sa mù và hơi khói, thì cụ bước chậm lại để cho tôi đi kề cụ:

- Thế là cuộc sống của chúng ta thay đổi rồi đấy! – Cụ nói câu ấy như nói tiếp một câu chuyện đã trao đổi từ lâu. – Chừng bốn tiếng đồng hồ nữa thì chúng ta vào Paris.

- Ồ! Thế ở đằng kia là Paris đấy ạ?

- Hẳn rồi!

Ngay khi cụ Vitalis nói cho tôi biết thành phố ở trước mặt là Paris thì có ánh nắng ở trên trời lóe xuống và trong chớp mắt, tôi thấy lấp lánh những tia vàng. Đúng rồi! Tôi không lầm đâu! Nhất định tôi sẽ tìm thấy cây vàng lá ngọc. Cụ Vitalis nói tiếp:

- Đến Paris thì ông cháu ta sẽ chia tay nhau.

Trời bỗng dưng tối sầm lại, tôi không trông thấy cành vàng lá ngọc đầu nữa. Tôi quay lại nhìn cụ Vitalis. Cụ cũng nhìn tôi. Thấy mặt tôi tái đi, môi tôi run rẩy, cụ đoán biết tôi xúc động.

- Cháu lo lắm phải không? Và cũng buồn nữa, ông đoán thế?

Tôi trấn tĩnh lại nói:

- Thưa ông, phải chia tay nhau à!

- Tội nghiệp cháu quá!

Câu nói của cụ, nhất là giọng nói của cụ làm cho tôi rớm nước mắt. Đã từ lâu rồi, tôi có được nghe một lời nói âu yếm nào đâu! Tôi kêu:

- Ôi chao ôi! Ông tốt quá.

- Chính cháu mới tốt. Cháu là một cậu bé ngoan, nhỏ người mà tốt bụng. Cháu thấy không, trong đời ta, có những lúc ta dễ thừa nhận những điều như vậy mà cảm kích. Khi mọi việc yên ổn, thì ta cứ cặm cụi đi con đường của ta, không thèm quan tâm đến những kẻ cùng đi với ta. Nhưng khi mọi việc đều chẳng ra gì, khi ta cảm thấy đương gặp bước gian truân, nhất là khi ta đã già nua không tin tưởng ở ngày mai nữa, thì ta cần tựa vào những người chung quanh ta. Ta hết sức sung sướng được nhìn thấy có họ bên cạnh mình. Nói rằng ông tựa vào cháu thì cháu lấy làm lạ lắm có phải không? Ấy mà đúng như thế đấy. Chỉ một việc nhìn cháu nghe lời ông nói mà mắt cháu nhòa lệ, ông cũng đã nhẹ bớt phiền não một phần. Vì bé Rémi ơi, ông cũng khổ tâm như cháu vậy!

Những lời nói của cụ Vitalis sau này, khi tôi cũng có một người để yêu mến, tôi mới nghiệm thấy là đúng. Cụ Vitalis tiếp:

- Cảnh nghịch ở chỗ người ta phải xa nhau ở những giờ phút người ta mong dịch lại gần nhau nhất.

Tôi rụt rè thưa:

- Nhưng ông không nỡ bỏ cháu bơ vơ giữa thành phố Paris này chứ?

- Hẳn là không! Ông có định để cháu bơ vơ đâu, cháu nên yên trí là thế. Tội nghiệp cháu! Cháu của ông biết xoay sở như thế nào chứ? Vả lại ông không có quyền bỏ cháu, cháu phải tự bảo mình như vậy. Cái ngày mà ông không thuận giao cháu cho bà phu nhân phúc hậu định cưu mang cháu và nuôi dạy cháu như con bà thì ông đã tự nhận trách nhiệm nuôi dạy cháu hết sức của ông. Nhưng khổ thay, ông gặp phải toàn nghịch cảnh. Hiện nay ông không làm gì được cho cháu, vì vậy ông mới định chia tay với cháu. Không phải chia tay mãi mãi đâu, chỉ tạm trong ít tháng thôi, để ông cháu ta mỗi người có thể sống đắp đổi qua những ngày cuối đông giá rét này. Mấy tiếng nữa ta sẽ đến Paris. Cả đoàn chúng ta còn lại mỗi con Capi thì cháu nghĩ chúng ta còn làm ăn gì được?

Con Capi nghe nhắc đến tên nó thì chạy lại ngồi thẳng trước mặt chúng tôi. Nó đưa chân lên tai chào theo kiểu nhà binh. Rồi nó lại để chân lên trước ngực như cố ý nói rằng chúng tôi có thể tin ở sự trung thành của nó.

Trong hoàn cảnh bây giờ, cử chỉ của con Capi không làm dịu nỗi xúc động trong lòng chúng tôi.

Cụ Vitalis dừng lại một chốc, đưa tay xoa đầu nó, nói:

- Con cũng thế, con là một con chó tốt Capi ạ. Nhưng ở đời, lòng tốt không nuôi sống được ai! Phải có lòng tốt để giúp cho những người quanh ta sống có hạnh phúc, nhưng cũng cần phải có cái khác nữa, mà cái ấy thì chúng ta không có. Cháu nghĩ chúng ta còn làm gì được với mỗi mình con Capi? Cháu hiểu đấy chứ? Cháu hiểu rằng bây giờ chúng ta không thể nào diễn trò được chứ?

- Thưa ông, đúng như vậy.

Diễn trò thì lũ trẻ ranh sẽ reo hò chế giễu chúng ta, mặc dù vậy mỗi ngày chúng ta không thể kiếm nổi quá hai mươi xu đâu! Với hai mươi xu mỗi ngày chúng ta sẽ sinh sống ra sao? Hơn nữa những ngày mưa, những ngày tuyết, những ngày rét to, mà có vẻn vẹn hai mươi xu thì coi như không có gì!

- Thế cây đàn của cháu không được việc gì ư?

- Giá ông có hai đứa bé như cháu thì có lẽ cũng không đến nỗi nào, như một già một trẻ như hai ông cháu mình thì chả được việc gì. Ông cũng chưa thật già lắm. Nếu ông già lụ khụ hay mù lòa thì... Nhưng khốn nạn thay, ông chỉ mới là ông bây giờ, nghĩa là chưa đủ khiến người ta thương hại. Ở Paris, khách qua đường đều vội vàng đi công việc của họ, muốn cho họ động lòng thương xót thì có lẽ phải có thân hình tả tơi thảm hại. Và phải biết ngửa tay xin không ngượng ngùng xấu hổ. Điều đó thì trọn đời mãn kiếp ông vẫn chịu thôi, không làm được. Chúng ta phải tìm cách khác kia. Bởi vậy ông đã suy nghĩ và quyết định như thế này: Ông sẽ nhường cháu cho một nhà bầu gánh trẻ con cho đến hết mùa đông. Hắn sẽ mướn cháu đánh thụ cầm đồng thời với nhiều trẻ em khác.

Khi nhắc đến cây đàn của tôi, tôi không hề nghĩ đến chuyện như vậy. Cụ Vitalis không để cho tôi nói nốt, cụ nói tiếp:

- Phần ông thì ông sẽ dạy thụ cầm, vĩ cầm, kèn bị... cho lũ trẻ Ý làm việc ở các đường phố Paris.

Ở Paris nhiều người biết ông, ông đã ở đây nhiều lần, ngay lúc ông đến làng cháu, thì cũng từ Paris mà đi đấy. Ông chỉ cần nói dạy đàn là tìm ra thừa chỗ dạy. Chúng ta sẽ sống được chỉ mỗi cái ông một nơi cháu một nơi thôi. Rồi thì trong khi dạy đàn thì ông kiếm hai con chó mà tập để chúng thay thế con Zerbino và con Dolce. Ông tập khẩn trương và đến mùa xuân, ông cháu mình lại lên đường và sẽ không rời nhau nữa, cháu Rémi ạ. Có gan phấn đấu thì rồi thời vận xấu cũng hóa tốt. Có gan phấn đấu, đó chính là cái ông đòi hỏi ở cháu hiện nay, đồng thời phải biết nhẫn nại chịu đựng nữa. Phải chịu thế ít lâu thôi, sau này thì mọi việc sẽ tươi hơn. Sang xuân chúng ta lại sẽ sống cuộc đời tự do của ta. Ông sẽ đưa cháu đi sang Đức, sang Anh. Thế rồi cháu sẽ trưởng thành, đầu óc sẽ mở mang ra. Ông sẽ dạy cháu lắm điều hay và rèn luyện cháu thành con người thực sự. Trước mặt bà Milligan ông đã hứa như vậy. Ông sẽ giữ lời hứa. Ông bắt đầu dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italie cho cháu cũng là để chuẩn bị những cuộc hành trình ấy. Với tuổi cháu mà biết được như vậy cũng đã là khá lắm rồi. Đó là chưa kể cháu đã trở nên vạm vỡ rắn chắc. Rồi cháu xem. Bé Rémi ạ, chưa phải là hỏng cả đâu!

Sắp xếp như vậy có lẽ là thích hợp nhất đối với hoàn cảnh chúng tôi bây giờ. Nhưng mà những phản ứng đầu tiên của tôi đâu có giống những ý nghĩ lúc bình tĩnh về sau. Trong các điều ông cụ nói, tôi chỉ thấy có hai điều:

Một là sự chia ly.

Hai là thằng cha bầu gánh trẻ con.

Trong khi đi qua các làng mạc, các đô thị, tôi đã từng gặp một số những thằng cha bầu đó. Chúng điều khiển lũ trẻ vớ được đây đó bằng gậy, bằng hèo.

Chúng chẳng giống ông cụ Vitalis một chút nào. Chúng độc ác, chúng bất công, chúng khó tính, chúng say rượu lè nhè, mồm cứ luôn luôn văng tục, tay luôn giơ cao chực đánh.

Tôi có thể lọt vào tay một thằng cha gớm ghiếc như thế!

Mà có may mắn gặp một anh chủ tốt đi nữa, thì cũng vẫn là một sự thay đổi. Mẹ nuôi tôi, xong đến cụ Vitalis rồi đến một người khác nữa.

Tôi phải chịu mãi cái số kiếp ấy ư? Tôi không bao giờ giữ được một người thân để yêu thương trọn đời chăng?

Dần dần tôi đã thấy quyến luyến cụ Vitalis như một người cha già, mà nay cũng phải rời cụ.

Thế là tôi sẽ không bao giờ có cha hay sao? Không bao giờ có gia đình hay sao? Tôi phải luôn luôn làm một đứa trẻ côi cút trên đời này ư? Luôn luôn nay đây mai đó trên mặt đất mênh mông, không có chỗ nào dừng chân đỗ bến chăng?

Tôi có nhiều điều muốn nói lại với cụ chủ, bao nhiêu nghẹn ngào uất ức cứ từ tim trào lên miệng. Nhưng tôi nén xuống. Cụ chủ đã bảo tôi là phải có gan, phải nhẫn nại. Tôi muốn vâng lời cụ để cụ khỏi phiền muộn thêm, vả lại, cụ không còn đi bên cạnh tôi nữa. Hình như cụ đoán biết tôi sắp nói gì và sợ nghe những điều ấy nên cụ rảo bước đi lên phía trước.

Tôi theo cụ và giây lát sau thì thầy trò chúng tôi vượt qua một cái cầu đầy bùn bắc qua một con sông nhỏ. Tôi chưa bao giờ thấy có một cái cầu lầy lội đến như thế. Tuyết phủ lên mặt đường thành một lớp bùn sình lội đến mắt cá.

Qua khỏi cầu thì đến một làng có đường sá hẹp lắm; khỏi làng ấy thì lại đồng bằng nữa, nhưng đồng bằng mà ngổn ngang bao nhiêu là nhà cửa tồi tàn nghèo khổ. Trên đường cái, xe cộ nối tiếp nhau ngược xuôi liên miên. Tôi bước lên cho gần cụ Vitalis rồi đi bên phải cụ, còn Capi thì bám sát gót chúng tôi. Lát sau hết cảnh thôn quê, chúng tôi vào phố xá và đi trên một đường phố không nom thấy đằng cuối. Hai bên đường chạy dài những nhà cửa nhưng tồi tàn, dơ bẩn, xấu xí hơn ở Bordeaux, Toulouse và Lyon nhiều.

Người ta cào tuyết dồn lại đây đó thành từng đống và trên mấy đống tuyết đen sì và cứng ngắc ấy họ vứt tro, rau quả ôi và rác rưởi đủ thứ. Không khí sực mùi hôi thối. Những trẻ con chơi ngoài phố trông xanh xao quá. Những chiếc xe nặng nề chạy liên tiếp trên đường, lũ trẻ này đều tránh một cách nhanh nhẹn, tưởng như không cần lưu ý. Tôi hỏi cụ Vitalis:

- Đây là đâu, thưa cụ?

- Paris đấy, cháu ạ!

- Paris...

Có thể như thế được chăng? Paris đấy à?

Thế thì những toà nhà cẩm thạch của tôi đâu? Và đâu là những khách qua đường mặc toàn nhung lụa? Sao mà cảnh thực xấu xí tồi tàn đến thế?

Đây là thành phố Paris bao lâu nay tôi thiết tha mơ ước à?

Chao ôi! Thế mà đúng như vậy đấy. Thế mà ở chốn này tôi sắp phải sống hết mùa đông xa cụ Vitalis... và xa con Capi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top