1. Ở làng

Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.

Tuy vậy, cho đến năm lên tám, tôi vẫn tưởng tôi có mẹ cũng như mọi đứa trẻ khác, vì mỗi khi tôi khóc thì luôn luôn có một người đàn bà dịu dàng ôm tôi vào lòng, âu yếm ru, khiến cho nước mắt tôi ngừng chảy.

Mỗi khi tôi lên giường ngủ, cũng có một người đàn bà đến hôn tôi. Và khi gió rét tháng chạp trát những bông tuyết vào cửa kính trắng xóa, bà ấy vừa ấp ủ chân tôi trong đôi bàn tay trìu mến của bà, vừa hát cho tôi nghe một bài hát mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ điệu và lõm bõm vài lời ca.

Khi tôi chăm con bò sữa ở ven đường đầy cỏ, hoặc ở những đám cây hoang, lá dại mà gặp một trận mưa dông bất ngờ đổ xuống, thì bà chạy đến đón tôi, bắt tôi núp trong chiếc váy len của bà và túm váy lên che đầu che vai cho tôi cẩn thận.

Mỗi lần tôi có chuyện gây gổ với bạn bè thì bà dỗ tôi, bảo tôi kể cho bà nghe những nỗi bực bội chất chứa trong lòng và hầu như lúc nào bà cũng tìm được những lời thích hợp để an ủi tôi, hoặc tỏ ra đồng tình với tôi.

Qua những việc ấy, và bao nhiêu việc khác nữa, từ giọng nói cách nhìn, cái vuốt ve cho đến những lời trách mắng ôn tồn, tôi yên trí bà là mẹ tôi.

Tôi được biết bà không phải là mẹ đẻ, mà chỉ là mẹ nuôi, như thế này đây.

Làng tôi gọi là làng Savanông. Nói cho đúng thì đó là cái làng ở đấy tôi lớn lên, tôi sống thời thơ ấu, chứ tôi làm gì có quê hương, có nơi chôn rau cắt rốn, cũng như tôi không có cha mẹ gì cả. Làng Savanông là một trong những làng nghèo nàn nhất ở miền Trung nước Pháp.

Không phải nghèo vì dân làng chây lười, mà chính vì nó ở vào một vùng đất đai cằn cỗi. Đất mặt rất mỏng, muốn mùa màng tốt, phải có phân, vôi, mà những thứ này trong vùng quá hiếm. Vì thế, người ta thấy ít những cánh đồng trồng trọt mà nhan nhản những đám cỏ hôi cây dại. Hết những đám ấy thì là địa hạt của những lăngdơ*. Trên các lăngdơ cao ấy, gió lạnh thổi rát làm táp những lùm cây thưa thớt cành nhánh vặn vẹo quay cuồng.

(Lăngdơ, phiên âm từ Landes: vùng đồng lầy, hoang vu ở miền Tây Nam nước Pháp.)

Muốn thấy cây cối xanh tốt thì phải rời bỏ cao nguyên, xuống các thung lũng cạnh sông, ở đấy có những cây dẻ cao to và những cây sồi vạm vỡ.

Cái nhà tôi sống những năm đầu của tuổi thơ ấu, dựng trong một thung lũng như thế, trên bờ con suối nước chảy xiết đổ vào một phụ lưu của sông Loa.

Cho đến năm lên tám, tôi chưa hề thấy đàn ông trong nhà, tuy má tôi không phải góa phụ. Chồng bà vốn là thợ đá đi làm ăn ở Pari như phần đông những người thợ khác trong vùng. Từ ngày tôi bắt đầu hiểu biết sự việc chung quanh mình thì tôi chưa thấy ông ta về làng lần nào. Thỉnh thoảng có bạn bè về quê, ông ta mới nhắn tin về:

"Này, bác Bácbơranh, bác giai vẫn được mạnh khỏe đấy! Bác ấy nhờ tôi tin cho bác biết là công việc làm ăn khá lắm và bác ấy gửi cho bác số tiền này đây. Bác đếm đi chứ!"

Chỉ có thế thôi. Chừng ấy tin tức, má Bácbơranh cũng cho là đủ rồi: ông chồng mạnh khỏe; ông làm ra tiền, kiếm ăn được, còn gì nữa! Đừng tưởng ông Bácbơranh ở Pari lâu thế là vì có điều bất hòa với vợ. Không hề có chuyện như thế. Ông ta ở lại Pari là do công việc làm ăn bắt buộc, thế thôi. Lúc già, ông sẽ trở về ở với vợ. Với số tiền dành dụm được, đến ngày tuổi già sức yếu, vợ chồng không lo lâm vào cảnh cơ hàn.

Một chiều tháng mười một, có một người lạ mặt dừng lại trước cổng vườn nhà. Tôi đang bẻ củi chà ở bục cửa. Người ấy không mở cổng mà chỉ nghểnh đầu nhòm vào, nhìn tôi mà hỏi có phải nhà bà Bácbơranh ở đây không.

Tôi mời ông ta vào. Ông ta đẩy cửa, làm cho sợi dây buộc kêu cót két, rồi bước chậm rãi qua sân.

Tôi chưa bao giờ thấy ai lấm bùn bê bết như ông này. Những mảng bùn, mảng còn ướt, mảng đã khô, trát khắp người ông từ đầu tới chân. Chỉ nhìn cũng đủ biết ông ta đã đi rất lâu trên những con đường lấy lội. Nghe tiếng chúng tôi, má Bácbơranh chạy ra. Khi khách bước qua bậc cửa thì má cũng vừa chạy tới, hai người gặp mặt nhau. Khách nói:

- Tôi đem tin từ Pari về đây!

Đó là những lời nói giản dị tai chúng tôi nghe đã quen. Nhưng mà giọng nói lần này không giống như mọi lần, không giống như những khi người khách nói: "Bác giai bình yên. Công việc làm ăn tốt". Má Bácbơranh chập hai tay vào nhau, kêu:

- Ôi trời ơi! Chắc có tai họa gì xảy đến cho ông Giêrôm nhà tôi rồi!

- Vâng, quả có thế. Nhưng bà cũng không nên quá hốt hoảng! Ông nhà bị thương, đúng đấy, nhưng ông ấy không chết. Có điều chắc là sẽ bị què. Hiện giờ ông ấy còn nằm ở bệnh viện. Tôi nằm giường bên cạnh, nên nhân tiện tôi về quê, ông ấy nhờ tôi tạt qua đưa tin cho bà biết. Tôi không dừng lại đây lâu vì còn phải đi ba dặm đường nữa, mà trời thì sắp tối rồi.

Má Bácbơranh muốn biết tường tận hơn, nên mời khách ở lại ăn cơm tối. Má nói đường xấu lắm và người ta đồn ở trong rừng có chó sói, chi bằng để sáng mai hãy đi.

Khách ngồi vào bên cạnh bếp lò, vừa ăn vừa kể cho chúng tôi nghe tai nạn xảy ra như thế nào: - Ông Bácbơranh bị một giàn giáo đổ xuống đè xuýt bẹp người. Người chủ thầu viện lẽ ông ta không có nhiệm vụ gì phải đứng chỗ ấy, nên không trả cho ông một khoản bồi thường nào cả. - Ông khách nói:

- Thật không may cho ông Bácbơranh, tội nghiệp ông ấy! Thật không may! Có những tên láu cá, nhân cơ hội tương tự lại vớ được một khoản lợi đồng niên*. Còn ông nhà thì lại không được gì sất!

( Đồng niên: tiền lời thu hàng năm do gửi một số vốn ở ngân hàng, hay mua phiếu quốc trái, trong xã hội tư sản. Đây muốn nói đến khoản tiền lãi hàng năm so món tiền bồi thường gửi ngân hàng đem lại.)

Ông khách vừa hơ đôi ống quần cứng cộp bùn khô, vừa luôn mồm nhắc đi nhắc lại mấy tiếng "thật không may" với một vẻ thương cảm chân thành. Sự xuýt xoa của ông chứng tỏ ông sẵn lòng chịu tàn tật để vớ một món thực lợi. Ông kết thúc câu chuyện:

- Tuy thế, tôi cũng khuyên ông nhà cứ đệ đơn kiện lão chủ thầu.

- Kiện tụng thì tốn kém chết đi!

- Tốn đấy, nhưng được kiện thì cũng phải bõ chứ!

Má Bácbơranh muốn đi Pari, nhưng chuyện đó đâu có phải dễ: đường sá xa xôi tốn kém quá.

Sáng sớm hôm sau má con tôi xuống dưới làng tìm cha xứ để hỏi ý kiến. Cha xứ chưa muốn để cho má đi, trước khi biết chắc đi như thế có giúp ích gì cho chồng không. Cha viết thư cho ông giáo sĩ ở bệnh viện nơi ông Bácbơranh đương nằm điều trị. Vài ngày sau, có thư trả lời nói rằng má Bácbơranh không cần đi, chỉ cần gửi một số tiền lên Pari để cho chồng kiện người chủ thầu.

Ngày tháng trôi qua. Thỉnh thoảng lại có thư gửi về, thư nào cũng thúc giục gửi thêm tiền lên. Bức thư cuối cùng thúc bách hơn cả, nhắn rằng nếu hết tiền thì bán con bò sữa đi mà gửi.

Những ai đã sống ở nông thôn cùng với bà con nông dân đều hiểu nỗi đau khổ hãi hùng chứa trong mấy tiếng: bán con bò sữa. Đối với nhà sinh vật học, con bò là một con vật thuộc loài nhai lại. Dưới con mắt của khách du ngoạn, nó là con vật làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp khi trên thảm cỏ xanh nó ngẩng cái mõm đen nhánh đẫm hơi sương của nó lên. Với trẻ em thành thị, nó là nguồn cung cấp cà phê sữa và pho mát đánh kem. Nhưng đối với người nông dân, nó còn quý báu hơn nhiều. Dù cho nghèo xác nghèo xơ, dù gia đình con cái có dông đến đâu, có một con bò sữa trong chuồng cũng không sợ đói. Chỉ có một cái thừng hay một sợi dây quấn trên sừng thôi cũng đủ để cho một em bé chăn dắt nó ăn dọc các con đường phủ đầy cỏ, ở những nơi không thuộc về ai. Và thế là chiều đến, cả nhà có bơ nấu xúp, có sữa để ăn với khoai tây. Bố mẹ, con cái, lớn nhỏ đều sống nhờ vào con bò sữa.

Cũng nhờ có con bò sữa mà má con tôi sống đầy đủ đến nỗi tôi không cần ăn thịt. Không những nó là vú nuôi của chúng tôi, nó còn là bầu bạn, là chỗ thân tình.

Thật vậy, đừng tưởng bò là một còn vật ngu ngốc. Trái lại, nó rất thông minh, nó có những đức tính mà biết cách rèn luyện thì còn phát triển nhiều. Chúng tôi vỗ về nó, với đôi mắt to, tròn, hiền dịu, nó biết cách làm cho chúng tôi hiểu nó muốn gì, nó cảm thấy thế nào . Nói tóm lại, chúng tôi rất yêu thương nó và nó cũng yêu thương chúng tôi.

Ấy thế mà phải lìa bỏ nó đấy! Vì rằng chỉ có cách "bán con bò sữa đi" thì mới làm cho ông Bácbơranh thỏa dạ.

Một bác lái tới nhà chúng tôi. Bác ta xem xét con Rútxét rất kỹ, sờ nắn nó mãi, vừa sờ vừa lắc đầu ra vẻ không ưng ý. Bác ta nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần rằng con bò không vừa ý bác ta chút nào. Bác chê là bò nhà nghèo, khó bán lại lắm. Không có sữa, bơ lại rất kém chất. Chê nhún chán, rút cục bác cũng đồng ý mua, nhưng bảo mua là vì lòng tốt, muốn giúp má Bácbơranh thôi, và cũng thấy má là người trung hậu.

Tội nghiệp con Rútxét. Hình như nó hiểu cả nên nó nhất định không chịu ra khỏi chuồng và kêu rống lên. Bác lái đưa chiếc roi da quấn ở cổ bác cho tôi và bảo:

- Này chú bé, luồn ra phía sau mà đuổi nó ra.

- Ấy chớ, cái đó không được.

Má Bácbơranh nói thế rồi cầm lấy chiếc dây dắt và dịu dàng dỗ nó: "Nào cô gái, đi ra đây, ra đây nào!" Thế là con Rútxét nghe theo không cưỡng lại nữa. Ra tới đường, bác lái cột nó vào sau xe. Nó đành phải bước líu ríu theo con ngựa. Chúng tôi trở vào nhà rồi, nhưng mãi một lúc lâu vẫn nghe thấy tiếng nó rống.

Thế là chẳng còn sữa, chẳng còn bơ. Buổi sáng một mẩu bánh mì suông, buổi chiều khoai tây chấm muối.

Bán con Rútxét được ít hôm thì tới ngày thứ ba ngả mặn theo tuần chay*. Năm trước, nhân dịp này má Bácbơranh đã thết tôi một bữa bánh kẹp và bánh rán ra trò. Tôi ăn nhiều, rất nhiều, khiến má hết sức vui thích. Nhưng mà hồi đó còn con Rútxét nên còn sữa để nhào bột và có bơ để rán. Bây giờ không còn con Rútxét thì cũng chẳng có sữa, chẳng có bơ, chẳng có ngày thứ ba ngả mặn nữa rồi! Tôi buồn rầu nghĩ bụng thế. Nhưng má Bácbơranh đã dành cho tôi một sự bất ngờ. Xưa nay má vốn không quen vay mượn, nhưng lần này má cũng cố vay của bà hàng xóm này một chén sữa, của bà kia một ít bơ. Vì thế, đến trưa tôi về nhà thì thấy má đang trút bột vào một nồi đất lớn.

- Ơ này, bột mì!

Tôi vừa nói thế, vừa lại gần má. Má mỉm cười trả lời:

- Phải rồi, đúng lá bột mì đấy, Rêmi ạ! Bột mì trắng hảo hạng. Này con xem, mùi thơm phức!

Tôi không có gan hỏi má lấy bột ra làm gì. Chính vì tôi nóng muốn biết quá nên tôi lại càng không dám hỏi? Vả lại tôi đã định giả vờ như không biết hôm nay là ngày thứ ba ăn mặn để khỏi tủi lòng má. Má nhìn tôi, hỏi:

- Người ta dùng bột mì làm gì nào?

- Làm bánh mì.

- Còn làm gì nữa?

- Khuấy cháo.

- Rồi còn làm gì nữa?

- Chà! Con không biết.

- Có, con biết đấy. Nhưng con là một đứa trẻ ngoan, nên con không nói ra đấy thôi. Con biết hôm nay là ngày thứ ba ăn mặn, tức là ngày bánh kẹp, bánh rán. Nhưng con thấy nhà không có sữa, có bơ nên con không nỡ nhắc đến, có phải không, con?

- Ôi, má ơi!

- Má đã đoán trước nên má xoay xở để cho ngày thứ ba ăn mặn của con không đến nỗi xám ngắt. Này con nhìn vào trong cái thùng gỗ kia mà xem.

Tôi nhanh nhảu mở nắp thùng lên thì quả thấy nào bơ, nào sữa, nào trứng, có cả ba quả táo nữa. Má nói:

- Đưa trứng đây cho má. Trong lúc má đập trứng, con gọt táo đi.

Tôi cắt táo ra từng khoanh. Má đập trứng vào bột và đánh lên, thỉnh thoảng lại đổ một thìa sữa. Khi bột đã quấy đều, má Bácbơranh vần cái nồi lên trên tro nóng. Thế là chỉ còn đợi đến chiều thôi, vì đến bữa tối chúng tôi mới được ăn bánh kẹp và bánh rán.

Thú thật, cái ngày hôm đó, tôi thấy nó dài làm sao và đã đôi ba lần tôi chạy tới nhấc chiếc khăn phủ trên nồi bột để dòm thử. Má bảo:

- Con làm thế lạnh bột mất, rồi nó không dậy men tốt đâu!

Nhưng bột dậy rất tốt, trên mặt bột, có những bong bóng phồng lên, vỡ lỗ chỗ. Từ cái nồi bột lên men ấy tỏa ra mộ mùi trứng và sữa ngon lành. Má bảo:

- Con bẻ cho má một mớ cửi vụn. Phải đốt lửa cho đượm, đừng có khói.

Rồi má thắp nến lên:

- Con cho thêm củi vào lò đi.

Tôi làm ngay không đợi nói hai lần, và ngay sau đó, một ngọn lửa cao bốc cháy trong lò, ánh sáng chập chờn tỏa ra khắp bếp. Má Bácbơranh lấy cái chảo treo ở khắp tường đặt lên lò.

- Đưa bơ đây cho má!

Má lấy mũi dao xén một cục bơ bằng quả hồ đào ho vào chảo. Bơ chảy ra, reo xèo xèo. Ôi! Cái mùi thơm làm rỏ dãi, cái mùi thơm vì đã vắng lâu ngày nên càng kích thích miệng lưỡi ta! Ôi! Khúc nhạc vui vẻ của chảo bơ liu diu tí tách trên lò!

Tôi chăm chú theo dõi bản nhạc ấy, nhưng vẫn nghe như ở ngoài sân có tiếng chân người. Ai đến ám chúng tôi vào giờ này nhỉ? Hẳn lại một bà hàng xóm sang xin lửa đây.

Tôi không thèm chú ý, vì má Bácbơranh vừa vục môi vào nồi đất, múc đổ vào lòng chảo một mẻ bột trắng tinh. Quả không phải lúc nghĩ vớ vẩn đến chuyện khác!

Nhưng chính vào lúc bấy giờ thì có tiếng gậy lạch cạch trên bục cửa, rồi cánh cửa thình lình mở toang. Không ngoảnh cổ ra má Bácbơranh hỏi:

- Ai đấy?

Một người đàn ông bước vào. Dưới ánh lửa chiếu táp vào người ông ta, tôi thấy ông mặc áo bờlu trắng, tay cầm cái gậy lớn. Ông nói, giọng cục cằn:

- Ở đây người ta tiệc tùng đấy à? Xin cứ tự nhiên.

Má Bácbơranh vội vàng đặt chảo xuống đất kêu lên:

- Chao, trời ơi! Ông Giêrôm đấy ư?

Rồi má cầm tay tôi, đẩy tôi ra trước mặt người đó. Ông ta vẫn đứng ở bậc cửa. Má nói:

- Ba con đấy!


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top