Ngắm Trăng (Vọng Nguyệt)

"Một tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng", nhà văn Aitmatov đã từng cho hay. Và có lẽ là thật vậy, đôi khi ta bất chợt dùng lại ở một áng văn, hay một trang chữ mà chưa muốn lướt; đó là những thông điệp tác giả gửi gmws đến chính mình, đến thế hệ hiện tại hoặc mai này, cũng có thể là những rung cảm lạ kỳ trong một tâm hồn lãng mạn. Nếu như trong thơ của Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy được ánh trăng đượm buồn của câu chuyện tình yêu, thì qua "Vọng nguyệt" của Bác, ta lại một lần nữa bắt gặp và ngỡ ngàng trước một hình ảnh ánh trăng dường như quá đỗi quen thuộc, thế nhưng lại khác biệt vô cùng khi trong đôi mắt của người tù cách mạng.
"Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia"
Tác giả của bài thơ, Bác Hồ, là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc việt nam, người đã đưa đất nước ta thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân tàn ác. Bác không chỉ là một vị chiến sĩ cách mạng kiệt xuất, mà còn là một thi sĩ mang trong mình tấm lòng đầy nghệ thuật với những bài thơ bất hủ, xứng danh với thời đại. Những tác phẩm nổi tiếng khác của Bác còn có: Rằm tháng giêng, Cảnh khuya, Tức cảnh Pác Bó,...Mỗi áng văn của Bác đều vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc, giàu tình người, tình đời, giản đơn nhưng cũng quá dỗi lộng lẫy.
Dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm đi chăng nữa, thì đến tận bây giờ, những câu văn, những vần thơ mà Bác gieo vẫn luôn in sâu vào trong tâm trí những người thưởng thức:
"Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà"
(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)
Chỉ mới đọc câu thơ đầu tiên thôi, Người cũng đã khiến ta phải suy nghĩ, hơn thế là nhói ở trong tim, bởi lẽ chúng ta dễ dàng hiểu hoàn cảnh hiện tại của chàng thi sĩ mang tâm hồn cách mạng ấy. Trong tù, tại sao lại là trong tù? Trích tập thơ "Nhật ký trong tù", bài thơ này được Bác viết trong khoảng năm 1942-1943, khi Người bị tình nghi là gián điệp và bị giam cầm tại bốn bức tường Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc. Trong khung cảnh tù đầy, không rượu cũng chẳng hoa, khắp xung quanh chỉ là một màu đen u tối, Bác Hồ của chúng ta đã phải trải qua một khoảng thời gian gian khổ như vậy đấy. Rượu và hoa, liệu có thích hợp với nơi góc khuất ngục tù ẩm ướt ngột ngạt này hay không? Hay đây là dụng ý của Bác, để thể hiện sự khác biệt giữa tự do và gông xiềng. Tất nhiên, ta không thể hiểu được việc nêu lên hoàn cảnh đầu bài thơ là để phàn nàn hay than phiền, sắp xếp như vậy chỉ là tiền đề cho những muộn phiền sau cuối của người chiến sĩ mà thôi. Thực tại thiếu thốn quá nhiều thứ, phải chăng là những điều kiện tất yếu để một người người có thể tồn tại, chứ huống gì mà kể đến thứ cao sang như rượu và hoa. Với cương vị của Người lúc bấy giờ, chúng ta lại càng thêm thương xót cho một tâm hồn cao cả sẵn sàng hy sinh, vì nước, cũng là vì dân.
Câu tiếp theo, một bước ngoặt lớn, và có lẽ cũng là một góc nhìn khác qua khung cửa phòng giam. Đêm nay, trăng đẹp thật. Đẹp đến mê đắm, và thật khó để có thể hững hờ, hay bỏ lỡ. Nhưng mà, người buồn thì cảnh có vui bao giờ, ta nhìn nhận thiên nhiên và quang cảnh bằng một đôi mắt trĩu nặng uất ức như thế, làm sao có thể thấy được sự tuyệt mĩ của trăng cơ chứ? Nhưng có lẽ với Bác Hồ thì khái niệm ấy chẳng thể sử dụng được. Ở miền xa lạ nơi đất khách quê người này, và dù chân tay đang mang xiềng xích, chịu cảnh tù đày thì Người vẫn luôn lạc quan, dành thời gian không phí hoài để thưởng thức cảnh đẹp, "khó hững hờ" là như thế. Có bao giờ ta đặt câu hỏi, rằng tại sao Người lại có thể lạc quan được như vậy, trong một hoàn cảnh khắc nghiệt, và sự nghiệt ngã của cuộc sống? Phải chăng là vì Người yêu trăng, yêu cái mảnh trăng bình dị mà nghĩa tình, yêu luôn cả khung cảnh đẹp đẽ mà đất mẹ thiêng liêng đã rũ lòng ban tặng. Cảnh đẹp, ngục tù, hai hình ảnh mà nếu chỉ lướt qua, ta sẽ không thể nào hiểu được nó sâu xa đến nhường nào.
"Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia"
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)
Dịu dàng, thanh khiết và tự do, chẳng biết tự bao giờ trăng đã trở thành ngọn đèn soi đường dẫn lối cho bao đời nghệ sĩ. Lý Bạch, Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, các nhà thơ lớn đã bao lần ngỏ ý mời trăng như đón cố nhân, và giờ đây Bác Hồ cũng như thế. Thi tiên Lý Bạch lúc thì "Nâng chén mời trăng sáng", lúc thì lại xem nó như nguồn động lực để về vui với bầu rượu túi thơ. Các thi nhân viết về trăng như khơi nguồn cảm xúc của chính mình, và đối với Người thì trăng là một vị tri kỷ, là một hình tượng vĩnh hằng mà tự do, như con đường cách mạng xa xôi trước mắt, là lý tưởng và khác vọng của người chiến sĩ yêu nước. Qua khung cửa sở chật hẹp đóng đầy song sắt, Bác lặng mình đứng ngắm trăng xanh, cái vầng trăng tình nghĩa sáng soi đã biết bao bầu trời độc lập. Vị lãnh tụ ấy đang hướng về trăng, về những ngôi sao mịt mờ trên khung nền bom khói, hay là về màu cờ nuốm sắc đỏ tươi của dân tộc. Chao ơi, có thể là tất cả những cái ấy, những cái đang ở một nơi thật xa, xa hệt như vầng trăng cao vời vợi trước mắt, tưởng như có thể tự tay nắm lấy, nhưng với lên rồi mới rõ nỗi hụt hẫng bi thương. Bác thưởng trăng chẳng phải thú vui tao nhã, mà là một cách tự an ủi bản thân trước nỗi đau quê nhà. Trăng đi với rượu với hoa, như Nguyễn Trãi đã từng uống "giọt" trăng ngọt lịm:
"Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén"
Hay Nguyễn Du đã từng si mê cái thú:
"Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên"
Nhưng trong thơ Bác, nào có chén rượu cay nồng bầu bạn thưởng trăng, thứ duy nhật hiện hữu là gì? Rốt cuộc cũng chỉ đơn thuần là đôi bàn tay trân trọng, một tấm lòng say mê với sắc cảnh thiên nhiên ấy, hoặc là một cuộc gặp gỡ tình cỡ giữa thi sĩ-trăng xanh. Và tất nhiên rồi, ấy cũng chính là chất thơ, rất hư cũng rất thực, tồn tại song song trong tâm hồn Người. Rào cửa sắt lao nào có thể chia cắt được những tâm hồn cao cả, trăng và người ngắm nhau qua một khoảng không tối hẹp, tuyệt nhiên không gợi lên chút gì tù túng ngột ngạt. Người ung dung "khán minh nguyệt", như Đỗ Phủ vừa "Cử đầu vọng minh nguyệt" đã "Đê đầu nhớ cố hương". Bác nhớ chứ, nhớ cái hào khí đất việt đang ngày đêm chống chọi với mua bom bão đạn. Nhớ chứ, cái miền trời miền Nam yêu thương chưa thể đặt chân đến, nhớ cả nắm đất quê hương mà Người đã hôn xuống khi về với quê mẹ. Nhớ biết bao, nhớ đến da diết mà chỉ biết giãi bày với trăng, chỉ có thể đếm từng ngày để thoát khỏi chốn lao tù địa ngục. Vị cha già dân tộc ấy nhìn trăng, như một khát khao cháy bỏng luôn hiện hữu trong trái tim, không phải cho bản thân, mà là cho quê nhà hằng yêu mến, hằng thương nhớ. Thiếu vài ba chén rượu, một chút tự do đối với Người có là chi đâu, Người chỉ lo cho đất nước, cho những chiến sĩ vô danh danh gồng mình chống chọi với vận mệnh đất nước:
"Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu"
Tâm hồn Bác mênh mông đến nhường nào, Bác sống mãi như một vì sao sáng dù trong chốn ngục tù, trái tim Bác vẫn mong chờ từng tiếng súng mừng, từng tiếng bước chân bộ đội trên tiền tuyến. Có lẽ vì thấu được tư tưởng cao quý ấy, vầng trăng như chững lại, qua khung cửa sắt "khán thi gia". Còn đâu thân phận một người tù, Bác giờ đây là một vị thi sĩ đang bầu bạn cùng trăng, là một ngòi bút trữ tình lên mực để viết lại thứ xúc cảm rung động bất chợt ấy. Như một lẽ thường tình, "nhân" ở câu thứ ba đã chuyến thành "thi gia" ở câu kết bài. Đây chính là chất "thép" trong thơ Hồ Chí Minh. Ánh nguyệt ở đây đâu chỉ đơn giản là cái đẹp, mà là hiện thân cho tự do, cho vĩnh hằng, cho cả khát vọng, và cũng là cho sự thuần khiết và mọi thi nhân đều hướng tới, như giáo sư Hà Minh Đức đã chiêm nghiệm: "Trăng là biểu tượng cho cái đẹp, cho sự tự do trái ngược với cảnh tù đày tăm tối". Dù là ở bất cứ đầu, trăng vẫn thế, vẫn sáng mãi thôi dù cho đời có đổi thay. Đứng trước trăng là đối mặt với cả chặng đường cuộc sống, là đối mặt với tất thảy những xúc cảm hồn nhiên thanh khiết, trần trụi nhất sâu bên trong chính mình. Thực chẳng sai khi nói, trăng và thi ca là hai đường tròn đồng tâm, mà khỏi nguồn lại là tâm hồn mỗi con người.
"Vẫn biết trăng xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Đóng lại những câu thơ đầy xúc cảm trong "Vọng Nguyệt", ta vẫn không, vã sẽ mãi mãi không thể nào quên được những thứ xúc cảm khó diễn tả khi đọc tuyệt tác này. Có lẽ chính là vì, những dòng suy nghĩ ấy đã chạm đến và neo đậu lại trong trái tim chúng ta những giá trị khôn xiết, về bóng dáng của vị lãnh tụ kính yêu, về một thời kỳ đã từng là đau thương và mất mát của dân tộc. Và cho đến sau cuối, "Vọng Nguyệt" sẽ còn mãi trong chúng ta, những đứa con của đất nam anh hùng, gợi về một con người vĩ đại trong những trang lịch sử hào hùng.
"Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, trọn kiếp người
..."
     (Bác ơi - Tố Hữu).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #học#vân