Bánh trôi nước
Từng dòng từng chữ trong thi phẩm "Bánh trôi nước" của nhà thơ Hồ Xuân Hương đều vô cùng xuất sắc khi sử dụng hình ảnh thân thuộc và gần gũi "bánh trôi nước" để miêu tả người phụ nữ thời phong kiến. Trong đội ngũ nhà thơ nữ của thời văn học trung đại Việt Nam, Hồ Xuân Hương được coi là nhà thơ tài hoa và độc đáo nhất. Tuy cuộc đời của bà gặp phải rất nhiều đớn đau, éo le đường duyên phận, nhưng những tác phẩm của bà vẫn còn thấm đậm tình yêu thương con người, trước hết là đối với người phụ nữ. Hồ Xuân Hương đã để lại cho đời trên dưới 50 bài thơ Đường Luật, chữ Hán và chữ Nôm, nổi tiếng nhất trong các bài thơ của bà chắc có lẽ là những bài thơ Nôm, nên người đời gọi bà là "Bà Chúa Thơ Nôm". Những dòng chữ tưởng như giản đơn, mộc mạc ấy lại đem theo tầng nghĩa sâu xa, như khắc họa hình ảnh xinh đẹp, hiền hậu của nữ nhân xưa kia, nhưng cũng khắc họa hình ảnh bất lực vì chẳng thể làm gì ngoài chịu đựng bất công của họ.
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son."
Bài thơ được chia ra hai tầng nghĩa. Nghĩa đầu tiên, hay còn gọi là nghĩa tả thực, nghĩa nổi: qua lời tâm sự của "bánh trôi", người đọc có thẻ thấy hiển hiện hình ảnh và quá trình sinh thành của chiếc bánh. Bánh trôi mang màu trắng của bột nếp, có hình tròn xinh xẻo. Nếu người làm bánh nhào bột nhiều nước thì bánh "nát" (nhão), ít nước quá thì "rắn" (cứng). Khi cho vào nước nguội, sẽ chìm xuống đáy, khi nước sôi, sẽ dần nổi lên. Nhưng có thể thấy, dù bánh rắn hay nát, chìm hay nổi, tròn hay méo, cái nhân đường mật bên trong vẫn mãi đỏ son, ngọt ngào, và chiếc bánh trôi vẫn mãi đem niềm vui cho mọi người trong ngày lễ, ngày cưới,.. Hồ Xuân Hương quả là một người biết miêu tả sự vật
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Hai tiếng "thân em" đã chẳng còn gì xa lạ trong những áng thơ, áng văn miêu tả về người phụ nữ trong xã hội trung đại. Bài thơ "Bánh trôi nước" cũng bất đầu bằng "thân em" như bao bài ca dao thuộc thể loại than thân khác, gợi lên cho ta biết bao cảm xúc. Chẳng phải là "thân chị, thân cô", mà chỉ là "thân em". Cụm từ "thân em", nhìn vào thì có vẻ bình thường, nhưng khi đọc và cảm nhận thật kỹ, ta mới nhận ra những nỗi niềm sâu xa của tác giả. "Thân em" thể hiện sự khiêm nhường của người phụ nữ, nhưng có lẽ hơn hết đó chính là sự tự ý thức, sự nhận thức rõ ràng của họ về sự nhỏ nhoi, thấp kém của mình trong xã hội lúc bấy giờ. Tác giả đã khéo léo lồng ghép hình ảnh chiếc bánh trôi nước với hình ảnh của người con gái từ ngay câu đầu tiên. Hình ảnh người con gái "vừa trắng lại vừa tròn", một người mang vẻ bề ngoài đầy đặn, trọn trịa. Một nét đẹp vừa tự nhiên, dân dã, chẳng cần chăm chút mà mộc mạc, giản đơn, nhưng cũng không kém phần duyên dáng với làn da trắng hồng, mịn màng. Cũng chính là vẻ đẹp của người con gái chăm chỉ, hiền lành, hay lam hay làm, đầy mạnh mẽ chốn thôn quê.
Bảy nổi ba chìm với nước non
Hồ Xuân Hương vận dụng thành ngữ "ba chìm bảy nổi" và tính chất hụp lên hụp xuống của chiếc bánh trôi để miêu tả về sự long đong lận đận của người phụ nữ thời phong kiến. Buộc phải sống theo khuôn mẫu của người đời mà chẳng thể sống theo cách mình muốn, chìm nổi như chiếc bánh trôi trong nồi nước sôi. Họ đi lạc, lạc lối trong chính cuộc đời của bản thân. Như con thuyền nhỏ giữa đại dương rộng lớn, lênh đênh trôi nổi trên mặt nước chẳng có một lối đi rõ ràng. Xung quanh chỉ còn là đại dương sâu không thấy đáy và tiếng sóng nhè nhẹ. Chẳng có ai bên cạnh chỉ lối, cô đơn lạc lõng giữa dòng đời.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Tựa như chiếc bánh trôi kia, chẳng thể tự quyết định số phận của bản thân, rắn nát hay đẹp đẽ cũng chỉ có thể dựa vào bàn tay của người nặn, người phụ nữ cũng thế, chẳng thể nào tự quyết định được số phận của cuộc đời mình, họ phải phụ thuộc vào người khác. Những lễ nghi, gia giáo mà họ buộc phải làm theo, xã hội phong kiến thối nát với bộ máy quan lại mục ruỗng, chế độ trọng nam khinh nữ vùi dập số phận họ. Đạo lý tam tòng tứ đức mà người đời tung hô hết lời lại như cái lồng chẳng thể thoát ra. Càng xinh đẹp họ lại càng đau khổ, lại càng phải chịu nhiều sự chén ép, bất công. Như một quy luật khắc nghiệt của thời bấy giờ "hồng nhan bạc phận".
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Câu cuối cùng, người nho sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương lại một lần nữa cực kỳ tinh tế so sánh hình ảnh nhân bánh màu đỏ tươi của chiếc bánh trôi và hình ảnh vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ với nhau. Dẫu có rắn hay nát, chìm hay nổi thì sắc đỏ của đường mật cũng chẳng thể nào nhạt nhòa và dẫu hình dáng ra sao thì cũng chẳng thể thay đổi được sự ngọt ngào của chiếc bánh. Hai từ "mặc dầu", "mà" đối lập nhau, như thể khẳng định sự can trường, bất khuất của họ. Người phụ nữ thời phong kiến giống như con bướm, có thể nhỏ bé, có thể yếu ớt, nhưng một khi đã tìm ra chân lý, ánh sáng của cuộc đời mình. Họ sẽ tìm được lối thoát, dương cao đôi cánh vùng dậy đấu tranh, chống lại xã hội đương thời, chống lại một thời kì đen tối. Dù trong cuộc đấu tranh ấy, họ có bị vùi dập, chà đạp bởi hoàn cảnh, bảy nổi ba chìm với nước non, đứng trong vết bùn nhơ của xã hội. Đã có những giọt nước mắt, có những nỗi đau như muốn họ bỏ cuộc. Nhưng, họ vẫn tỏa hương, vẫn đẹp rạng ngời, bất khuất như đóa sen tỏa ngát trong đầm. Bằng sự đấu tranh ấy, họ đã ngẩng cao đầu, bước đi đầy mạnh mẽ, mang sắc thái của những vị nữ tướng, hoàng hậu năm xưa. Đó chính là mốc son, là sự bùng cháy mạnh mẽ của nữ quyền. Họ đứng lên lấy lại quyền bình đẳng, quyền được sống cho mình.
Chỉ có bốn câu thơ ngắn gọn, âm luật chặt chẽ, sử dụng hình ảnh ẩn dụ giản dị, gần gũi, nữ thi sĩ được người đời mệnh danh là "Bà Chúa Thơ Nôm" đã họa lên bức tranh nhân văn tuyệt đẹp trong xã hội phong kiến về cuộc đời và số phận của người phụ nữ. Trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp hình thức cũng như vẻ đẹp tâm hồn. Đồng thời lời thơ tha thiết cũng là tiếng nói cảm thông với số phận chìm nổi, lệ thuộc của người phụ nữ. Qua đó lên tiếng tố cao xã hội phong kiến thối nát, bạc nhược đầy bất công, lạc hậu. Bà đã hóa thân hai lần trong bài thơ này, một là hóa thân làm chiếc bánh trôi nước, hai là nhẫn danh người phụ nữ tâm sự với bạn đọc, truyền tới bạn đọc những tình cảm trong sáng, nhân đạo, nhân văn, ngọt ngào, thắm thiết. Những tư tưởng tiến bộ, sự dũng cảm, nhân văn của Hồ Xuấn Hương đã làm thơ của bà sống mãi trong lòng người
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top