Oneshot
Xóm nhỏ.
Ở đây chả có cái gì, từ cái cầu tre đến cái gốc đa, chỗ nào cũng chỉ ngan ngát vị làng quê.
Đầu xóm với cuối xóm đi 3 bước là tới, ngày nào cũng thấy tụi nhóc nô đùa nghênh ngang.
Xóm này phần nhiều là đẻ toàn con trai, chỉ có 3 đứa con gái, Ly, Na, và Nguyệt.
Ly và Na nhà 2 đầu xóm. Nhưng chúng nó dính chặt nhau như chị với em. Không khi nào thấy 1 đứa mà không có đứa còn lại.
Chúng nó cứ qua nhà nhau ăn ở miết thành quen, chẳng ai lạ gì cảnh 2 đứa tung tẩy dắt tay nhau đi học hằng ngày.
Thế mà hai đứa trái tính trái nết như nước với lửa.
Na tên đầy đủ là Nam Phương, hiền như cục đất, ai nói gì cũng dạ, ai nhờ gì cũng vâng. Thành ra dễ bắt nạt.
Ly thì khác hẳn, mắt nó xếch ngược lên, ánh nhìn mà chiếu vào ai cũng thấy rờn rợn. Tính nó phải nói là ương ngạnh, không giống ai, và nó cũng hay lườm. Ly xinh, xinh từ bé, nét nào ra nét ấy, càng lớn càng xinh, nhưng tính rất cục, con trai mà chọc là nó đánh, không cần nhìn mặt. Ai trêu Na nó cũng không tha. Nhưng Na thì sợ nó bị mắng, nên lúc nào cũng can và kêu như vậy không sao.
Gia đình 2 đứa cũng khác nhau, bố mẹ Ly thì đi làm trên thành phố, để mặc nó ở nhà với bà ngoại. Thấy bảo trước có bà giúp việc, mà hay tắt mắt, lại còn bắt nạt bà cụ, Ly bé tí đã ghê gớm đuổi thẳng cổ đi. Bố mẹ Na thì bán tạp hoá nhỏ, cả gia đình ai nấy hiền khô.
Năm hai đứa vào cấp 2 thì bố mẹ Ly ly hôn. Tin này nhanh chóng thành chủ đề xì xào của xóm, bởi lẽ cả xóm chỉ có mẹ Ly là lấy chồng thành phố.
"Sướng thế mà không biết đường!"
Họ nói thế.
May cho họ là cái Ly không ở đấy, Na biết thế nào cũng có người bàn ra tán vào, nên ngày nào cũng kéo Ly ra trường ở lì trong thư viện.
Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến.
Mấy đứa trong trường biết chuyện, vốn trẻ con và không ưa Ly sẵn, chúng nó viết đầy ra bàn và vở hai chữ "Ly hôn", rồi còn len lén canh lúc Ly không để ý chạy qua hét lên "Ly hôn! Ly hôn!"
Quá xui, nó không ngờ con Ly vùng dậy đuổi theo rồi đánh nó thừa sống thiếu chết.
Lần này Na không cản được.
Ly đánh từng đứa một bày trò, đánh đến bật khóc đe doạ gọi phụ huynh cũng không bỏ qua, cuộc hỗn chiến chỉ kết thúc khi giáo viên và ban giám hiệu đến giải quyết.
Tất cả lên phòng hiệu trưởng uống trà.
Cô giáo chủ nhiệm rất khổ sở, học sinh mới vào trường mà đã thế, học 4 năm thì cô chắc chẳng bao giờ được tăng lương. Khốn nạn thay, cái nghề của cô lại có lương cứng đến là mạt hạng.
Cô hết xoa dịu phụ huynh lại đến hiệu trưởng, nào có phải lỗi của cô đâu mà ai cũng trách móc, ai cũng đòi chịu trách nhiệm.
Cô bảo Ly, em xin lỗi các bạn đi.
Cô bảo phụ huynh các cháu đều còn nhỏ, kiểu gì chả có lúc quấy phá.
Ly thản nhiên nói, "Chúng nó sai trước. Ai sai trước thì phải xin lỗi trước."
Cô giáo nụ cười như đông cứng, cô lại quay sang các em kia, cố gắng thuyết phục chúng xin lỗi.
Nhưng chúng nó xem chừng còn chưa biết điều, không đứa nào nói gì, hồi lâu, có 1 đứa la lên: "Đồ không cha không mẹ, vô giáo dục. Mắc gì mà phải xin lỗi."
Ly cười khẩy, "Mày có cha có mẹ mà cũng có giáo dục đâu."
Một vị phụ huynh đáng kính nghe thấy động chạm lập tức điên lên, rú như lợn bị chọc tiết, "Cái loại con hoang như mày mà cũng dám đánh con tao, cái loại mẹ làm gái bỏ quê ăn bám vài thằng ranh non thành phố…"
Ánh sáng loé lên phản quang trên bề mặt kim loại, sắc lạnh. Nó áp sát bà từ bao giờ, con dao rọc giấy được kéo lưỡi ra không xa không gần nhưng dường như chỉ trong chớp mắt có thể cứa lên cả chục đường ngang dọc.
"Lần tiếp theo bà nói xấu bố mẹ tôi sẽ là lần cuối cùng bà được nói chuyện."
Điên loạn.
Điên thật rồi.
Con ranh này điên rồi.
Nhưng bà cũng phải im lặng vì bà biết con điên ấy, nói là làm.
Trước giờ vẫn vậy, nó không hay nói, ít cả chửi mắng, nhưng nó nói là làm.
Không cha mẹ quản thúc, bà ngoại già yếu, lại tháng nào cũng dư dả tiền mà bố mẹ gửi về. Nó chẳng sợ gì, nó chẳng có gì để mà mất hết.
Người khác mỗi khi đứng trước ván cược của vận mệnh đều phải run sợ vì trên lưng là gia đình, là xã hội, là tương lai.
Nhưng nó không có tất cả, nó vốn không có gì.
"Ở lại đây thật phí thời gian.", Ly ngúng nguẩy đi về, "À, quên, chào thầy cô."
Cô giáo không biết phải làm sao với đứa trẻ này nữa, thầy hiệu trưởng chắc chán ngán đến hết nói nổi.
Khi con bé đứng nghiêm chào cô, cô bỗng thấy nó chỉ như những đứa trẻ khác, nghiêm chỉnh, trong đầu cô thoáng nhớ về những tiết học chẳng được bao nhiêu nhưng con bé luôn ghi chép tử tế và không nói chuyện riêng.
Nhưng trước khi bước ra khỏi cửa, Ly không quên để lại lời chào thân ái, "Chừng nào chúng mày còn không xin lỗi, chừng đó tao còn đánh đến chết, cả gia đình bạn bè của chúng mày, tao không tha cho một ai."
Có thù tất báo, nhổ cỏ tận gốc, đây là điều mà cuộc sống dạy nó.
Bởi vì có thù không báo, lần sau vẫn bị làm phiền, nếu nhổ cỏ không sạch rễ, chẳng mấy chốc lại mọc lên.
Ly bị đuổi học thật, và ngày hôm sau, Ly đến trường lần cuối trước khi theo mẹ chuyển lên thành phố.
Na khóc mãi không thôi.
Mấy đứa bày trò kéo nhau đến xin lỗi, cô giáo nhìn chúng thở phào, cô cũng không dám nghĩ nếu con bé thực hiện cái lời nói kia thật thì thế nào. Sau khi chúng nó nói hết, Ly cũng cúi đầu xin lỗi.
Mẹ của Ly cũng đến. Bà chào cô giáo rồi chỉ lẳng lặng đứng nhìn.
Mẹ của Ly đẹp, đẹp lắm, lại ăn vận sang trọng, nhìn là biết vừa đẹp vừa giàu.
"Xin lỗi, cháu nhà tôi làm phiền cô nhiều rồi."
"Không… đều là trách nhiệm của tôi. Với lại bình thường con bé rất ngoan."
Cô nhìn con bé đang thu dọn những đồ đạc của mình, ngoại trừ Na đang vừa xếp vừa khóc, những đứa trẻ khác đều sợ hãi tránh xa và không dám hó hé gì.
Con bé trông thật bình thường, giống như mọi khi nó vẫn lên lớp đúng giờ, học bài chăm chỉ, và luôn dọn dẹp lại lớp trước khi tiết học bắt đầu.
***
Có một con mèo hoang.
Nó thường ghé tiệm tạp hoá, và bố Na luôn để sẵn 1 đĩa ăn cho nó.
Nó đen tuyền, đi khập khiễng.
Ly tìm thấy nó và mang về trong một chiều mưa, máu chảy toe toét, Na phát hoảng lên.
Bọn trẻ con đánh nó dập xương, không có bác sĩ thú y, bố Na đành băng bó cho nó như băng cho người.
Dần dần nó khỏi và quen với cả nhà, nhưng đi lại vẫn tập tễnh.
"Thú vật là thứ trời sinh, mình chăm nó thì cũng đừng nhốt trong lồng. Con người cũng không thể nhốt trong lồng."
Bố bảo thế rồi thả nó đi, nó đi rong rong chán lại về.
Lần này nó đang ở nhà.
Nó quý Ly nhất, nó luôn chạy đến dụi vào chân Ly đầu tiên.
Chắc nó cũng biết lần gặp này là lần gặp cuối, nó không đụng đến đồ ăn, chỉ quấn lấy Ly.
"Cháu phải đi. Cảm ơn cô chú và Na luôn giúp đỡ."
"Nhớ về đây chơi nha con!"
Mẹ Na sụt sùi, còn Na thì chỉ lẳng lặng đưa cho Ly một chậu cây nhỏ.
Đó là cây hoa quỳnh. Đỏ chót, đỏ như máu. Hoa vừa nở đêm qua.
Na thì thầm với cái cây: "Chăm sóc Ly nhé."
Còn Ly thì nghĩ thầm: Không phải ngược lại sao?
Đóng sập lại cánh cửa xe, đóng lại cả những hồi ức không vui.
Ly vẫy tay chào, Na và bố mẹ vẫn đứng lại nhìn theo mãi, còn con mèo chạy theo 1 đoạn đến tận cửa ngõ rồi kiệt sức đứng lại, cái đuôi cứ vẫy vẫy.
Ly ghét gần như tất cả mọi thứ, từ những thằng ranh không hiểu chuyện, đến những "người lớn" vô tích sự không biết dạy con. Đợi đi ra khỏi làng nó mới nhìn ra cửa sổ.
Nhưng trong đầu con bé cũng sớm vẽ nên cái ngày về.
Bởi vì có cô ấy ở đây. Bởi vì cả nhà đó đều rất tốt.
Bởi vì con mèo nhỏ chưa đặt tên ấy đợi cô bé trở về.
Đường lớn rờm rợp xe, cây vỉa hè lẫn quy hoạch làn đều cắt tỉa gọn gàng, vài cái biển quảng cáo có chữ tiếng Anh gì đó.
"Mẹ không trách con à?"
"Sao mẹ phải trách? Con của mẹ không biết đúng sai đến thế ư?"
"..."
"Con hiểu mình đã làm gì rồi chứ?"
"Con hối hận không?"
"Không."
Người mẹ cười phá lên. 12 năm trước, bà lên thành phố rồi có thai, chưa cưới, Tết về cả xóm dè bỉu, mẹ hỏi: Con hối hận không?
Bà 20 tuổi chưa tốt nghiệp đại học, chưa công ăn việc làm, chưa chồng mà có con, thẳng thắn nói "Không" rồi tiếp tục chuẩn bị vàng mã cúng gia tiên.
Bố bà chỉ cười. "Không chồng thì về bố mẹ nuôi!"
"Đúng là con gái của mẹ." Bà thở phào.
"Nhưng con đánh người là không được."
"Chúng nó đáng bị đánh. Chúng nó làm sai thì bố mẹ chúng nó đánh, nếu bố mẹ chúng nó không đánh, thì con sẽ đánh.", Ly cứng đầu cứng cổ nói.
Bà lắc đầu.
"Giáo dục không phải là đánh đập, con ạ."
"Mẹ và bà chưa bao giờ đánh con."
"Chính vì bố mẹ các bạn ấy dạy các bạn ấy như thế, nên các bạn ấy học được rằng mình được phép làm tổn thương người khác."
"Con của mẹ không như thế, đúng không?"
Ly im lặng.
"Đừng tổn thương người khác, con ạ. Con gái của mẹ lẽ nào cũng giống họ hay sao?"
Sự im lặng vẫn diễn ra hồi lâu, cho đến khi Ly hỏi bao giờ mẹ mới về đón bà ngoại lên.
"Đồ đạc của ngoại nhiều, ngoại ở lại thu dọn thêm." Bà ngoại bảo thế.
"Mai mẹ về đón ngoại, con đi học làm quen với trường mới."
Lại im lặng.
Ly ôm khư khư cái chậu cây, nhìn vào màu đỏ chót rực rỡ ấy.
Na là người thích hoa, bố mẹ Na cũng mua cho cô bé khá nhiều chậu cây nhỏ. Na chăm chúng nhiệt tình lắm, nhớ rõ đặc điểm từng tí một. Mà nhà Na rất mát tay, cây to cây bé gì cũng tươi tốt. Ngôi nhà như có mùa xuân về, khác hẳn không khí của cái xóm nhỏ. Nhà Na cũng là nơi hiếm hoi luôn chào đón Ly, bất kể là trước hay sau vụ xô xát. Bố mẹ Na nghe kể chuyện, chỉ xoa đầu và nói rằng đánh người là không đúng, thấy Ly khó chịu nên cũng không nhắc đến nữa.
Sau khi Ly chuyển đi rồi, lớp học trở lại guồng quay vốn có của nó, nhưng chuyện về Ly vẫn luôn gây nhiều điều tiếng.
Có lần đám con gái hỏi Na, sao cậu lại chơi với Ly? Cậu ấy không tốt.
Na lắc đầu, "Không ai là tốt hoàn toàn. Bố mẹ tớ dạy thế."
"Nhưng có đầy người tốt hơn để chơi mà!"
Na không nói thêm gì nữa, nhưng trong lòng cô bé đã thoáng nghĩ về ngày còn nhỏ, nhỏ hơn nữa, từ lúc còn tập nói tập đi, Na đã ít bạn. Tính Na không giống ai, con trai thì chê bánh bèo quá, con gái thì chê nhạt nhẽo quá, vì Na cứ ngơ ngơ, đùa gì cũng không hiểu. Lại không thích chơi mấy trò giống trẻ con bình thường.
Na thích vẽ, mà cái xóm huyện nghèo chẳng có lớp vẽ thiếu nhi nào cả.
Các bạn kiếm đâu ra phấn màu, vẽ khắp nơi, vẽ cả lên tường ngõ, rồi còn định vẽ lên tượng đình, Na nói làm thế là không được, lần sau không ai muốn chơi với Na nữa.
Na về hỏi bố mẹ, con làm sai ư?
Bố mẹ lắc đầu, bảo Na rất ngoan, không được phá phách tài sản chung, làm như các bạn mới là không đúng.
"Nếu con không sai, tại sao con lại không có bạn?"
Na ngước mắt hỏi, còn bố mẹ lại không trả lời.
Lúc đó Ly qua tạp hoá để mua ít gia vị nấu cháo cho bà, Na nhìn thấy nên chạy lại hỏi Ly không đi với các bạn sao.
Ly nhăn nhó, "Ai thèm chơi với lũ phá hoại. Chỉ biết gây phiền phức cho người khác dọn là nhanh."
Na thấy thế mừng lắm, "Ly cũng nghĩ thế là sai đúng không? Đúng không?"
“Ừ, sai rõ rành rành còn gì.”
Lần đầu tiên đi học, nghe tên của Na, cả lớp đều cười, "con gái gì mà tên có chữ Nam!", chỉ có mình Ly im lặng và ánh mắt vẫn như thế.
Bố mẹ dạy Na không hơn thua với người khác. Nghe con kể chuyện bị bạn trêu, họ buồn buồn, rồi mẹ Na bảo, "Kệ họ, con ạ."
"Con ra sao cũng là con gái của bố mẹ."
Qua ngày hôm sau, Na thử nấn ná làm quen hơn với các bạn, nhưng không mấy khả quan, vì từ ngày hôm trước nhóm nào đã vào nhóm ấy. Đến tiết học nhóm, Na và Ly đều ngồi một mình. Na quên mang giấy màu, nhưng xin ai các bạn cũng bảo các bạn có ít lắm. Tủi thân, Na chực khóc.
Tiết học nhóm bắt đầu, các bạn đã bắt đầu di chuyển bàn để ngồi tụ lại với nhau, chỉ có Na vẫn ngồi rưng rưng mà không dám khóc, vì khóc thì lại bị trêu là hay khóc nhè.
Ly đặt xuống bàn của Na một tập giấy màu mới tinh, rồi lại quay người bỏ đi.
“Bọn mình làm chung nhé!”
Na kéo áo Ly lại.
Kể từ ngày đó, hai đứa bắt đầu quấn lấy nhau.
Ly có lẽ không phải người tốt, nhưng Ly là bạn của Na, và cũng chỉ có Ly mới đúng là bạn của Na.
Ly và Na thường trao đổi thư, kể về những chuyện thường ngày.
Dù ở xa nhau, Na vẫn luôn thấy chỉ có Ly mới là bạn mình.
Trong những bài văn non dại, 10 đề “Kể/tả về người bạn của em” thì cả 10 bài đều là viết về Ly.
Hôm nay, bài tập văn là hãy kể về ước mơ của em. Na bối rối, Na trước giờ chưa bao giờ thấy mình có ước mơ gì cả. Na có một vài sở thích, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc thích mà thôi.
Hỏi bố mẹ, bố mẹ chỉ bảo ước mơ của bố mẹ là thấy con nên người.
Na lại viết thư.
Bài tập tuần sau mới nộp, vì thế nên vẫn kịp trao đổi. Thư gửi thì chỉ 2 ngày là nhận được rồi.
Na hỏi, ước mơ của cậu là gì?
Ly bảo Ly muốn đi khắp thế gian, đến tận cùng chân trời bao la. Ly bảo, thế giới này rộng lắm. Đi bao giờ bằng hết những vì sao thì thôi.
“Na có thể đi cùng tôi không?”
Có thể không nhỉ? Na không đọc nhiều sách, không biết thế giới rộng lớn cỡ nào.
Na lại hỏi bố mẹ, bố mẹ chỉ cười, con muốn thế nào bố mẹ ủng hộ thế ấy.
“Con thích vẽ mà, nếu đi cùng Ly thì con sẽ thấy vô vàn thứ đẹp đẽ để khám phá.”
Lần đó Na đính vào thư 1 bức vẽ nhỏ. Nhưng Na vẫn chưa trả lời câu hỏi của Ly.
“Nhìn này, đây là mình, đây là cậu, đây là thế giới.”
Ly nhìn bức vẽ ấy rồi bỗng nhiên bật cười.
Mẹ của Ly vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, bà rất ít khi thấy con bé cười.
“Nghỉ hè thử rủ bé Na lên đây chơi xem.”
Mùa hè năm đó, hoa phượng nở đỏ lắm. Những cánh hoa rơi phủ đầy những con đường.
Ở quê cũng có hoa phượng, nhưng chỉ có một cây trong sân trường. Con đường đang quy hoạch lại nên rất vắng, không có người qua lại, hoa cứ nở, cứ rơi, thời gian như hoá thành vô tận.
“Đẹp quá!”
Na thích thú đi rón rén trên đường như sợ làm đau những cánh hoa.
“Ở đây đẹp quá, Ly ơi!”
“Ừ…”
Na ở lại nhà Ly, được dẫn đi chơi khắp nơi, mẹ Ly còn chở đến thuỷ cung, ở thuỷ cung cứ như dưới lòng biển.
“Ở đây cũng đẹp nữa.”
Na sắp phải về.
Mùa hè, đang băng qua.
“Cậu thích… Ở đây không?”
“Có!”
“Cậu thích nơi nào nhất?”
“Con đường hoa phượng!”
Kì thực đường đó cũng có tên, mà thôi, cứ gọi là con đường hoa phượng đi.
“Màu đỏ… Rất giống Ly…”
“Gì cơ?”
“Không, không có, mình về thôi.”
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hoa phượng nở rồi tàn năm nào cũng thế.
Ly càng lớn càng giống mẹ, xinh đẹp, được nhiều người để mắt đến. Lên cấp 3, Ly bắt đầu có nhiều bạn hơn, học cũng bận rộn hơn.
Na thi đỗ vào cùng trường cấp 3 với Ly, nhưng khác lớp. Bố mẹ Na cho lên thành phố thuê phòng trọ, sống tự lập, cho phép cả đi làm thêm nữa, nhưng không được để chểnh mảng học hành.
Tuy bây giờ ở gần hơn mà tự nhiên lại ít thân hơn khi xưa.
Na cũng có bạn. Bạn cùng trong lớp, có người ngày ngày đi về cùng, có người chỉ bài, có người nhắn tin.
Một ngày Na thức muộn làm đề cương, chợt thấy một cái dấu xanh đã trôi xuống tận cùng của danh sách.
Đó là Ly.
***
Trong cái xóm nhỏ ấy, chỉ có Nguyệt là thi vào trường công lập gần nhà.
Trường cũng chẳng phải kém cỏi gì, nhưng bố mẹ Nguyệt không ưng, bà mẹ đi lên 1 câu đi xuống 1 câu, sao tao vất vả nuôi mày mà mày thua kém con nhà người ta nhiều thế. Bố Nguyệt thì không nói, chỉ thở ngắn than dài.
“Đã nói đẻ thêm đứa con trai thì không nghe. Con gái rồi cũng đi lấy chồng thôi, mà cái ngữ học dốt thì lấy được ai tử tế.”
Họ bảo thế, nhưng hồi Nguyệt còn bé hay được giải nhất giải nhì thì chẳng thấy nói vậy, chỉ thấy bảo “con gái học giỏi có ích gì đâu”.
Nguyệt chán học. Học thì mệt, học giỏi không được, học kém cũng không xong, Nguyệt bắt đầu thích thú kể từ khi được dì cho cái điện thoại, mỗi ngày quay video nhảy, được bao nhiêu người khen.
Họ bảo Nguyệt xinh. Ừ đúng rồi, người xinh thì cần son phấn lụa là.
Chuyện chẳng được bao lâu, thi học kì 2 lớp 10 Nguyệt dưới trung bình. Bố mẹ Nguyệt điên lên, đập vỡ điện thoại, cắt nát quần áo, bố Nguyệt còn túm tóc vả mấy cái, khuôn mặt xinh đẹp của thiếu nữ 16 sưng phồng lên.
Ầm ĩ cả một ngày.
Rồi bố mẹ Nguyệt cãi nhau, người thì chỉ tay nó ngu như vậy giống bà, cái loại đẹp mã mà ngu thì chỉ có đi làm gái. À hay bà ngủ với ai, chứ con tôi sao dốt nát thế được.
Mẹ Nguyệt cũng chẳng vừa, đốp chát lại bằng được.
Nguyệt không nói gì, cảnh này cũng không có xa lạ, thực ra trong cái xóm này bình yên thì ít mà cãi nhau thì nhiều. Mấy nhà có con trai, hôm trước cũng ỏm tỏi chuyện chúng nó đến tuổi choai choai được mua cho cái xe máy thì học đòi đua nhau, bị cảnh sát tóm cả lũ.
Ngày hôm ấy, Nguyệt tự sát.
Tiếc cho cái số của Nguyệt, tự sát không thành, lúc mở mắt ra ở bệnh viện của xã sau khi rửa ruột, đầu óc vẫn còn choáng váng, đã phải tiếp tục nghe chửi bới.
Hôm Nguyệt tỉnh cũng là ngày Ly và Na về thăm bố mẹ Na. Nghe kể chuyện, cả bốn người kéo nhau đi thăm.
“Con mèo qua đời rồi cháu ạ.”
Mẹ Na thở dài. “Nó cũng già rồi…”
“Vâng…” Ly đáp, xịu mặt xuống, tay vò vò lọn tóc.
Tóc Ly dài đến ngang eo, mà Ly đẹp, đẹp lắm. Trong 3 đứa con gái, có lẽ Na là bình thường nhất.
Khi Na mới bắt đầu lên thành phố, cái gì cũng không biết, nhiều khi bị trêu là nhà quê.
Số đời, cứ đứa nào hiền hiền thì lại hay thành đối tượng trêu chọc. Chẳng qua mọi thứ chưa đi quá xa, với lại cũng có vài người tốt, nên có bị trêu Na cũng làm thinh.
Im lặng. Lâu ngày không gặp, không còn chung môi trường sống, không còn là mối quan hệ duy nhất, bỗng nhiên, chỉ cần một lần im lặng, lần sau bắt chuyện đã giống như thành người dưng.
Nguyệt nằm ở phòng 312, giường cạnh cửa sổ, các giường khác trống, cả căn phòng ngập tràn tiếng rủa xả.
Dường như phát hiện có người đến thăm, họ điều chỉnh lại hành vi một chút rồi sau cùng, họ rời đi ăn trưa.
Na xót xa nhìn những vết bầm tím rải rác trên người Nguyệt, đó chắc chắn không thể là hậu quả của việc uống thuốc độc tự sát.
Ngoài vết sưng phồng trên má, những nốt đen tím ẩn hiện trên làn da trắng vàng, mắt Nguyệt trống rỗng, một bên hơi đỏ lên, ngồi mà đầu cúi gục như hoa loa kèn.
Những lọn tóc loà xoà ngắn dài khác nhau rủ loạn xạ che khuất tầm mắt, Nguyệt cũng không hề có ý định chỉnh lại nó, cứ như đã quá chán ghét việc phải nhìn vào thế gian này.
Hộp cơm nguội ngắt bên trong vung vãi, đặt xiên vẹo ở tủ đầu giường, một chiếc đũa đã rơi xuống, trên thân vẫn dính vài hạt cơm.
Im lặng.
Na cố hỏi thăm, Ly đứng nhìn, Nguyệt vẫn ngồi đó, trơ như tượng đá.
Chừng như hồi lâu, Nguyệt đột nhiên ngẩng lên, nhìn Na, ánh mắt vẫn như cũ thất thần, rồi Nguyệt thì thào, “Cậu về nhà đi, chừng nào cậu vẫn còn có nhà.”
Đúng thế, Na có một căn nhà, Nguyệt cũng có một căn nhà. Khi Nguyệt còn bé, Nguyệt được 9 điểm Văn, mang về mẹ hỏi, không phải 10 à?
Còn Na được 6 điểm, cô giáo phê là con gái chữ như gà bới vậy không được, bố mẹ Na chỉ cười rồi bảo nếu lần sau con cố gắng hơn thì chữ sẽ đẹp lên. Rồi bố mẹ Na còn nhờ Ly rèn Na viết cho nắn nót. Sau đó, tới bữa tối, cả 4 người ngồi xem phim hoạt hình mà Na thích, mặc dù Ly kêu rằng chỉ có trẻ con mới xem phim ấy.
Na có một căn nhà, Nguyệt cũng có một căn nhà.
Mà tại sao khi về nhà, Na cười, còn Nguyệt thì khóc.
Trời đổ mưa.
Trong căn phòng chỉ có một mình, Nguyệt mở cửa sổ, nhìn ra ngoài. Mưa lúc to lúc bé, tiếng nước chảy lách tách dưới mái tôn.
Tai Nguyệt ù đi, văng vẳng nơi xa, như nghe thấy bài hát xưa cũ.
Ngày đó, bố mẹ không hay cãi nhau.
Ngày đó, bà nội thường hát bài hát ấy.
Ông nội muốn có cháu đích tôn, nhưng Nguyệt là con gái. Bà thương Nguyệt lắm.
Ở nhà nội, phụ nữ ở chiếu dưới, không được ngồi mâm trên. Bà ẵm Nguyệt bé xíu trong lòng rồi hát.
Con ơi, ước gì con là con trai. Bà vuốt tóc Nguyệt thủ thỉ.
Ngày đó Nguyệt không hiểu được.
Ông nội viết di chúc để lại hết tài sản cho chú của Nguyệt vì chú ấy có con trai.
Nhà Nguyệt trở nên khánh kiệt. Từ ngày ông mất, di chúc được công bố, bố Nguyệt bắt đầu uống rượu nhiều hơn, ít đi làm hơn, mẹ Nguyệt bắt đầu thở dài nhiều hơn.
Bà mất, không còn ai hát cho Nguyệt nghe nữa.
“Con cò… Mà đi ăn đêm…”
Mình sẽ chết. Nguyệt nghĩ.
Bây giờ, Nguyệt không buồn. Nguyệt không hận, không thấy đau, và cũng không nuối tiếc.
Nguyệt đi ra khỏi phòng, đi tìm cái cầu ao mà hồi nhỏ từng câu cá với ông bà.
“Con ơi, ước gì con là con trai.”
Nguyệt lẩm bẩm.
Mưa vẫn rơi.
Trên mặt nước, vô số giọt rơi xuống và lan ra gợn sóng.
Lục bình trôi thành mảng lớn, xanh ngát. Nguyệt nhìn xuống mặt hồ. Nguyệt thấy ông bà, bà đang ôm Nguyệt, ông đang câu cá.
Con ơi, ước gì con là con trai. Bà nói, ông gật gù.
Tại sao vậy bà ơi? Con trai của chú học dốt. Con trai của chú lớp 2 đã táy máy ăn trộm, bị đình chỉ học. Con trai của chú trốn bố mẹ còn bán cả cái bình quý mà gia tiên để lại để có tiền chơi điện tử.
Bà ơi, con gái thì bà không thương sao?
Bà không trả lời.
Bà ơi, bà không thương con sao? Vì con là con gái sao?
Bà không trả lời, sao bà không trả lời, bà ơi?
Nước của ao sao mà buốt lạnh.
***
“Không tìm thấy con ranh ấy đâu cả.”
Bố Nguyệt nói thế, khi sang nhà Na hỏi.
Sau cùng, cả Ly và Na cũng đi tìm.
“Chẳng thấy đâu hết.” Ly nhắn cho Na. “Mọi người đã tìm khắp xóm rồi.”
“Vậy phải ra ngoài xóm tìm thôi.”
Na nói, quay đầu xe đạp, toan ra khỏi xóm.
Đã lâu không về nhà, Na không biết rằng đường đã quy hoạch lại, bây giờ còn có cả ô tô.
Nhưng chất lượng thi công kém, nhiều ổ gà ổ voi, đường lũng trũng khắp đoạn.
Đường nửa bùn đất, mưa làm cho mọi thứ trơn trượt, khoảnh khắc mà đèn pha sáng chói chiếu vào mắt Na, Na đã lạc tay lái rồi bị ngã.
Một thứ âm thanh khó nghe vang lên. Na nằm bất động.
Sao thế này? Đau quá. Phải dậy thôi, phải dậy, dắt xe, còn đi tìm Nguyệt nữa.
Cơn đau này khác hẳn cảm giác khi nhìn thấy dấu chấm xanh sáng trên nick của Ly.
Cơn đau này không nhói lên từ ngực, mà dội về từ tứ phía.
Mắt Na mờ đi, có lẽ vì mưa, hoặc cũng có thể, là lý do hoàn toàn khác.
À phải rồi, Ly…
Na đã nói chuyện lại với Ly, một cách tự nhiên, Na lại thấy mình và Ly vẫn gần gũi như lúc nhỏ. Phải cảm ơn Nguyệt, nhờ có chuyện của Nguyệt…
Nguyệt có ổn không nhỉ… Hy vọng Nguyệt không sao…
“Na sẽ đi cùng tôi chứ?”
Hồi âm chưa được gửi đó…
Có chứ. Đến tận cùng thế gian. Mình sẽ đi cùng cậu mãi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top