11: Điểm nhìn của đàn anh lớp vẽ của Giang Du

Hồi cấp 3 anh có theo học một lớp vẽ gần trường, thầy giáo họ Tạ. Từng giành vài giải thưởng khá có tiếng vang trong giới hội họa, có một viện mỹ thuật nổi danh còn mời thầy Tạ về làm giảng viên, không biết vì lí do gì mà ổng từ chối, quay sang mở một lớp vẽ nhỏ ở khu này, dạy dăm mười đứa học sinh.

Thầy Tạ vẽ tranh xịn, tốt tính, học sinh lớp vẽ không đứa nào không thích ổng. Ổng tầm 28-29 tuổi, nhìn qua là kiểu vui tươi rạng ngời ông mặt trời, còn muốn phơi phới hơn cả đám tuổi teen chân chính như bọn anh. Nghe nói mỗi tuần ổng còn đi cô nhi viện làm tình nguyện, chuẩn người tốt được định nghĩa trong từ điển. Ổng hả, không hề bưng cái giá thầy giáo, hi hi ha ha "mày - tao" thoải mái với học trò như bạn bè chí cốt, đặc biệt là thời điểm sửa tranh cho bọn anh.





Anh chẳng có tí năng khiếu hội họa nào, song mẫu hậu nhà anh kỳ vọng cao ngất, cứ nhất quyết nhét anh vào lâu đài nghệ thuật hun đúc, không bổ dọc cũng bổ ngang. Cho nên trong lớp vẽ anh là đứa vẽ kém nhất. Lần nào sửa tranh cho anh thầy Tạ đều ngồi bên cạnh, ôm vai anh khóc sụt sùi thổn thức. Chỉ có thời điểm này ổng mới nói được mấy lời khuyên thấm thía như một ông lão càu nhàu.

Anh còn nhớ khi đó anh cãi nhau với bố mẹ, giận dỗi bỏ nhà đi bụi —— thanh thiếu niên tuổi dậy thì đều như vậy, mười thì hết chín đứa bỏ nhà đi bụi. Lúc ấy cũng là thầy Tạ chứa chấp anh. Anh còn tưởng rằng ổng sẽ lấy cái mác thầy giáo ra lên lớp một trận, ai ngờ ổng dắt anh thẳng ra tiệm net chơi điện tử thâu đêm, đánh anh thua tơi bời hoa lá.





À, đúng rồi, nguyên nhân cãi nhau với bố mẹ là vì anh không muốn đi học, anh muốn chơi game, sau này làm tuyển thủ e-sport chuyên nghiệp. Sau khi hành anh cả đêm trong game, thầy Tạ vuốt đám râu hơi lún phún ở cằm, bảo anh: "Chú mày đến cả dân nghiệp dư chỉ biết vẽ tranh như tao còn đánh không lại, bớt lo xa đi. Tranh thủ học đại học trước, khi đó có rất nhiều thời gian để chui rèn kĩ năng. Tin người đi trước đi, chẳng thiệt đâu mà sợ."

Tóm lại, khi ở cùng đám học sinh bọn anh thì thầy Tạ chẳng có tí dáng vẻ giáo viên đứng đắn gì sất. Cho đến một ngày, ổng dắt theo một cô bé tới lớp vẽ, độ khoảng 12-13 tuổi, gầy ốm, im như hũ nút. Thầy Tạ cho bé ngồi riêng trong góc lớp, cách bọn anh một khoảng. Ổng còn đóng cả kệ nhỏ cho bé cất bảng vẽ cùng họa cụ, dặn bọn anh không được lấy màu vẽ các thứ của bé. Màu rồi cọ vẽ của mọi người trong lớp đôi khi để lẫn lộn lung tung, bạ đâu xài đấy chả có ai ý kiến, thế mà ổng cứ nhắc mãi bọn anh việc này.





Nhiêu đó còn chưa tính. Thầy Tạ ngày thường đi dạy rất tùy ý, còn sẽ tếu táo kể chuyện giỡn hớt với bọn anh, nhưng từ sau khi bé út thiên tài nhưng im lặng ít lời tới lớp, thầy Tạ giống như biến thành một con người khác. Như thể đóng cả bộ xương vào khung tranh, tổng thể nom đứng đắn đáng tin cậy vô cùng.

Bọn anh buồn bực lén hỏi thầy Tạ, "Bé út là con rơi con rớt của ông đấy phỏng?"

Thầy Tạ dời mắt khỏi bé út, vần vò mái tóc được chải gọn chỉnh tề, có chút sầu muộn hỏi: "Thầy bọn mày nhìn già đến vậy à?"

Đó là lần đầu tiên anh thấy thầy Tạ để ý đến vụ tuổi tác. Anh pha trò an ủi ổng, "Không có không có, là bé nó nhìn nhỏ tuổi quá thôi."

Về sau, bọn anh biết được bé út tên là Giang Du. Bé sống ở cô nhi viện nơi thầy Tạ thường đi làm tình nguyện, bởi vì có năng khiếu nên bị ổng kéo đến lớp vẽ. Những lúc ở riêng với bọn anh, ổng mở miệng ra là khen bé út, tấm tắc bé có linh cảm nghệ thuật, hiểu nhanh trực giác tốt, cảm thụ màu sắc tốt, tóm lại cái gì cũng hay cũng giỏi. Cái điệu bộ ưỡn ngực tự hào quả thực khiến người xem xốn mắt.

"Cái đám da mặt dày bọn mày, cấm ăn hiếp Giang Du, không thì đừng trách thầy đây thẳng tay trừng trị. Đặc biệt là mấy thằng con trai, không có việc gì đừng sớ rớ lại gần, ảnh hưởng em nó vẽ tranh." Thầy Tạ thiên vị không có điểm dừng, thường xuyên phụ đạo riêng cho bé út, hở ra là lại gần nghía xem, chỉ dạy cái nọ cái kia.

Bà chị ngồi cạnh hay rủ rỉ với anh: "Ê, mày nhìn ông Tạ xem, có khác gì mấy ông bố ngốc nghếch cưng con không?"

Anh cũng thấy y hệt.

Ổng thậm chí mua cả đồ ăn sáng cho bé út, bọn anh thì chẳng có phần. Lúc cả bọn kêu gào thảm thiết thầy Tạ bất công, ổng liền đập bàn đúng tình hợp lí nói: "Giang Du là con nít, bọn mày lại đi so bì với em út à?"

"Bọn em cũng là trẻ em mà ạ, là công dân dưới 18 tuổi! Thầy Tạ đã muốn chăm bón mầm non tương lai của Tổ quốc thì phải chăn rau cho đồng đều chứ ạ!" Anh hô to.

Còn chưa dứt câu đã bị thầy Tạ tọng một quả trứng gà luộc chặn họng.

Nhìn bằng mắt thường cũng thấy thầy Tạ thật sự rất quan tâm yêu thương bé út. Ổng thậm chí còn đi họp phụ huynh cho bé, sau đó ôm cả đống sách giáo khoa toán về lớp vẽ. Anh hỏi ổng đang làm gì, ổng nói giáo viên chủ nhiệm nói Giang Du yếu môn toán, ổng chuẩn bị phụ đạo cho bé một ít. Song đã tốt nghiệp cả chục năm, ổng phát hiện bản thân đã hoàn toàn mất gốc toán. Nói xong thầy Tạ cầm sách toán trong tuyệt vọng, hỏi anh: "Điểm toán mày thế nào? Phụ đạo thầy chút đi."

"Tui đội sổ đấy, ông không biết à?"

Thầy Tạ lập tức héo queo, mấy ngày tiếp theo lúc nào anh cũng thấy ổng bí mật vùi đầu nghiên cứu toán cấp 2. Sau đó một ngày nọ, anh bắt gặp ổng đang phụ đạo toán cho Giang Du tại lớp vẽ, vẻ mặt 'Đề nào với thầy cũng dễ như ăn bánh em cứ việc hỏi', xem ra là đã tu thành chính quả. Trong khi đó thì bé út nhìn thầy Tạ bằng cặp mắt sùng bái, vì bé hỏi mấy câu, câu nào ổng cũng có thể nhẹ nhàng đưa ra lời giải.

Lát nữa anh lại thấy thầy Tạ mua một đống lớn sách ôn thi toán về —— tự ổng làm trước, sau đó dạy lại cho bé út.

Bái phục, ông bố ngốc nghếch này thật sự quá đỉnh chóp.

Khi bọn anh lén bàn tán về ông bố ngốc nghếch họ Tạ, một chị gái dày dặn kinh nghiệm tình trường trong lớp vẽ cũng tham gia vào. Người chị lắc đầu trước suy luận của cả bọn: "Mai bọn mày đi khám mắt khám tai giúp chị nhé? Rõ rành rành là ông Tạ có ý đồ với bé nó chứ sao."

"Chênh lệch tuổi thì sao nào, ba tao còn lớn hơn mẹ kế tao tận 20 tuổi. Mấy cái đó chỉ là chuyện râu ria. Bộ bọn mày không nhìn thấy tình yêu lấp la lấp lánh trong mắt bé út lúc bé nhìn ông Tạ à? Chị mày 100% khẳng định cả hai đang yêu thầm đối phương."





Ban đầu bọn anh còn bán tín bán nghi, quan sát lâu ngày thì cũng dần bị tẩy não. Có một hôm anh đi ăn tôm hùm đất với thầy Tạ, lỡ nốc hai ly bia nên buột miệng hỏi ổng. Thầy Tạ giật bắn người, chột dạ đến ho sặc sụa, cuối cùng nghiêm túc cảnh cáo anh: "Không được nhắc lại việc này, rõ chưa! Sẽ ảnh hưởng đến Giang Du!

"Biết mà biết mà, đảm bảo không nói. Cơ mà thầy Tạ ông khai thật với tui đi, trong lòng ông nghĩ thế nào?"

Thầy Tạ nhăn mặt bất đắc dĩ, tỏ vẻ xấu hổ hiếm thấy, "Bọn mày mới bây lớn mà nghĩ cái gì vậy hả, có gì hay ho đâu mà kể."

Anh không để bụng, "Nhiêu đây nhằm nhò gì, bọn tui còn cá cược xem chừng nào hai người cưới nhau."

Ổng giơ tay suỵt bảo anh nhỏ tiếng, ra chiều khó hiểu, "Bậy bạ, bọn mày, lứa trẻ dạo này dễ tiếp nhận cái mới đến thế à?"

"Uầy, tiêu đời, với bọn tui đã có khoảng cách thế hệ, với bé út phải làm sao đây!" Thấy ổng thậm chí còn đỏ mặt anh liền ồn ào nhặng xị lên. Anh của ngày ấy còn quá trẻ, chỉ theo thói quen buông lời trêu chọc thứ tình cảm ngây ngô, mà không thể thấu nỗi sầu lo và gánh nặng bên dưới lớp mặt nạ bông đùa cười mắng của thầy Tạ. Không phải mối tình đơn phương ngọt ngào trong mắt anh, đó là trách nhiệm nặng nề ổng phải gánh trên vai.

Anh của ngày ấy nghĩ, có lẽ chừng vài năm nữa, bé út sẽ biến thành cô Giang. Thật lòng mà nói thì anh ủng hộ cả hai tay, thầy Tạ là một người rất tốt, hoàn toàn có thể chăm lo cho bé út cún con. Còn bé út, bé thích thầy Tạ đến nỗi bọn anh đều nhìn ra được, nếu bé có thể được như ý, bọn anh cũng vui mừng chúc phúc cho bé.

Hai người thích nhau thì nên ở bên nhau, các cô cậu học trò có lẽ đều từng một thời ngây thơ như thế.

Để rồi khi trưởng thành mới hiểu được, rất nhiều chuyện không đơn giản như một cộng một bằng hai.

Dịp đi tảo mộ cho thầy Tạ, anh gặp lại Giang Du. Anh biết bé út năm nào cũng đến, nhưng mấy năm nay đây vẫn là lần đầu tiên cả hai chạm mặt. Anh hơi bối rối không biết nên nói gì với bé, anh có nghe loáng thoáng một vài tin đồn về bé, nhân tình nhân ngãi gì đấy.

"Giang Du, hiện tại bé sống thế nào?" Anh ngập ngừng: "Bé có hạnh phúc không?"

Giang Du gật đầu, "Hạnh phúc ạ, người nhà quan tâm em lắm."

Anh chợt thấy nhẹ lòng, cũng không muốn hỏi thêm gì. Bé út ngốc nghếch nhà mình không biết nói dối, đã trả lời là hạnh phúc thì có lẽ bé thật sự sống vui sống khỏe. Anh lặng nhìn bia mộ, thầm nhủ: "Thầy Tạ, ông nhìn xem, bé út sống rất tốt, ông cũng nên yên nghỉ đi."

Đến tận bây giờ, anh vẫn không quên được đôi mắt của thầy Tạ khi qua đời. Ổng chết mà không nhắm mắt. Hiện tại, phải chăng nỗi vướng bận của ổng đã tan biến?



(hết chương 11)


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top