chương 2

CHƯƠNG 2

Mây chùng thấp bên ngoài cửa kính. Không khí trầm xuống trong cái lạnh buôn buốt đầu mỗi ngón tay ngón chân. Lạnh thấm lan từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài.

Thu lặng nhìn những bóng lá long não quay múa ngoài cửa sổ, rồi như thể không chống chọi nổi với sự tuyệt vọng, nàng chầm chậm quay tia nhìn buồn bã sang Hạo.

Khung kính in đậm gương mặt bất chợt nhòe đi của chàng trai. Những nét quen thuộc cơ hồ xô lệch hẳn, rung động, lung linh sau màn sương ảo dị.

Thu đăm đăm nhìn Hạo. Từ ba ngày nay mỗi lần Hạo đến thăm, nàng thường đăm đăm nhìn và đau ngầm với ý nghĩ, lần sau có thể không bao giờ còn nhìn thấy Hạo nữa.

Lần sau Hạo đến có khi Thu đã là cái xác lạnh giá mất rồi. Ý nghĩ ấy hình như không bao giờ rời. Nó ám ảnh mọi lúc. Nó vây ráp Thu từ mọi phía. Và, mừng xiết bao, cho đến bây giờ, phút này, sự chia lìa chưa tới.

Rời mắt khỏi tờ báo mở rộng trên lòng, Hạo phá vỡ im lặng:

- Bà Bền nhắn chị đừng có bận tâm về số tiền chị nợ bà ấy. Bao giờ chị khỏe rồi hẵng tính.

Thu vẫn không thể rời mắt khỏi chàng trai, thấp giọng gần như thì thầm:

- Có lẽ kiếp sau chị có thể trả nợ cho bà ấy.

Hạo gấp tư tờ báo kẹp giữa hai đùi, cười buồn:

- Có vài ngàn bạc đâu lớn lao gì, mai mốt em sẽ trả cho bà ấy thôi!

- Không, ý chị muốn nói là... chị sắp chết.

Thu đưa bàn tay gầy guộc lên che miệng như vừa lỡ lời, đoạn bật tiếng ho khan. Bao lần trước, mỗi khi cô chị buộc thốt câu ấy ra, cậu em, thường trách nhẹ chị nghĩ quẩn, và khẳng quyết thế nào Thu cũng sẽ lành bệnh. Lần này Hạo im lặng. Cái đầu tóc lòa xòa, khuôn mặt đen đúa lắm góc cạnh cúi xuống trong dáng trầm ngâm già cỗi.

Cô gái khẽ để tuột tấm mền da màu cứt ngựa quấn kín quanh người, kê gương mặt trắng xanh lên cánh tay vắt ngang đầu gối trong dáng ngồi co ro như cố thu nhỏ mình lại trên chiếc giường không rộng. Ðôi mắt trống rỗng hướng về mặt đệm trũng dấu người nằm bỏ trống bên cạnh, tiếp tục giọng yếu mệt:

- Ðừng giấu nữa. Có phải chị sắp chết không? Cách đây ba hôm cô sinh viên ấy chết rồi. Cô Diễm ấy, cậu còn nhớ chứ?

Bắt gặp tia nhìn của Thu chợt ngước lên đau đáu ngắm ngẩn những bóng lá ngoài cửa, Hạo thoáng rùng mình nghe luồng ghê gai thuốn dọc sống lưng, lặng lẽ đứng lên, mở rộng tờ báo, loay hoay lấy vài hạt cơm trong cái gà mên để trên chiếc tủ thấp đầu giường. Hạo dán tờ báo lên khung kính cửa sổ, đoạn quay lại gắt khẽ:

- Chị sẽ không còn thấy những chiếc lá quái quỷ ấy nữa. Cô ấy đã mang cái chết đi theo, sao chị mãi nghĩ về nó thế! Ngủ một giấc có phải hơn không?

Chạm phải tia nhìn trách cứ nóng nảy của Hạo, Thu nín lặng. Ngoan ngoãn nằm xuống, kéo mền lên tận cổ và, riu ríu nhắm mắt lại. Ðôi mắt tựa hai vệt mực tàu kẻ hờ hững trên vuông giấy trắng tinh trái xoan.

Cô ấy đã mang cái chết đi theo! Hạo không trở lại ngồi trên chiếc đẩu cạnh cửa sổ mà ngồi xuống mặt đệm trống trải trên chiếc giường Diễm từng nằm.

Diễm đã mang cái chết đi theo hay thần chết đã mang Diễm đi xa cũng thế thôi! Hơi hướm tan bay hết rồi, có chăng một chút tóc tơ linh hồn còn vương lại trong chiếu chăn chốn này?

Chốn này. Căn phòng hẹp bề dọc lẫn chiều ngang với khoản mươi chiếc giường kê song song trên tầng hai của khu bệnh viện lớn nhiều tầng.

Chốn này. Ðịa chỉ tạm trú của những con bệnh trẻ và già. Chóng, dăm ba tháng. Chầy, có khi non hay quá năm, để rồi trở lại với cuộc đời thường nóng hổi ngoài kia hoặc lên xe tang đi chuyến cuối về đất lặng lẽ.

Chốn này. Ba tháng trước đây Thu được chuyển tới sau hai lần đổi phòng. Ban đầu xa lạ sau quen dần rồi đâm ra thân với người đồng bệnh nằm giường bên cạnh. Hai chiếc giường kê sát chân tường cuối phòng. Biết bao lần Hạo quen nhìn chiếc bóng cô ấy in trên vách, quen thấy cái thân hình mỏng manh tựa chiếc lá lả vắt trên chồng gối kê cao đầu giường. Biết bao lần anh đã không cất nổi cái nhìn nửa chiêm bái nửa xót xa khỏi gương mặt có đôi rèm mi dày rủ bóng xuống cặp má lúc trắng đến mênh mông lúc hồng đến nao lòng người. Gương mặt thanh khiết ấy như thể được sanh ra để mọc cạnh những bông hoa hồng bạch, cúc vàng hay hải đường thường xuyên cắm trong chiếc ly thủy tinh đặt dưới bậu cửa sổ. Gương mặt hòa những nét mong manh cùng những bông hoa chúc phúc, chúc lành và, những trang sách mở im lặng giữa lòng.

Không chỉ yêu hoa, Diễm vốn mê sách. Trừ những lúc bị bệnh hành đến rũ riệt, khoe khỏe một chút là Diễm vớ lấy một cuốn sách nào đó trên chồng sách xếp đầu giường và say mê đọc. Những cuốn sách người nhà hoặc người tình của nàng mang vào từ các hiệu sách hoặc các nơi cho thuê.

Diễm trẻ hơn Thu gần mười tuổi. Hoàn cảnh gia đình, vị trí xã hội họ khác biệt nhau. Thu học hành dở dang, vào đời trước tuổi vào đời, đã từng nếm trải ít ngọt bùi cay đắng từ đời. Diễm còn hồn nhiên tung tăng, dò dẫm từng bước vào đời quanh quẩn trong sân trường đại học. Thế mà Thu vẫn rất thích nghe chuyện của Diễm. Ðúng hơn, nghe cô ấy kể lại những gì đã đọc trong sách.

Từ tiểu thuyết tình cảm, trinh thám, đến võ hiệp kỳ tình... Ðọc xong, Diễm thường nhẩn nha kể lại cốt truyện cho Thu nghe. Ðôi khi gặp cuốn nào hấp dẫn thú vị, nàng lớn tiếng đọc hàng đoạn dài.

Chưa bao giờ bận tâm đến sách vở, thậm chí hoàn toàn xa lạ với sách vở. Ban đầu Thu nghe để cho qua thời gian nhàm chán, tạm nguôi quên ám ảnh bệnh hoạn, riết đâm mê đâm nghiền. Hóa ra - Thu nghĩ - ngoài phim ảnh, cải lương, coi ti-vi v.v... đọc sách cũng là một cái thú. Ðơn giản là cái thú thôi, Diễm bảo là nhã thú thì nhất định Thu không hiểu! Cơ man nào là tình tiết người ta viết trong sách đâu khác gì mấy với ngoài đời thực. Có thiện có ác hẳn hoi. Có người lành, có đứa đểu cáng, đủ cả. Người ta phải đi đây đi đó để viết, mình nằm hay ngồi một chỗ, chỉ cần đọc là biết hết. Có tình tiết éo le bi lụy nghe Diễm kể hay đọc Thu không thể cầm được nước mắt. Có tình tiết tréo ngoe hay hài hước. Thu không thể không mỉm miệng hoặc bật cười thành tiếng. Thu hoàn toàn đồng ý với Diễm, sách cũng là một loại thuốc an thần.

Khoảng một tuần trước ngày “đi xa”, sau một cơn đau kịch liệt Diễm bỗng tỉnh táo lạ lùng, Diễm bảo nàng đặc biệt thích một truyện ngắn trong một tuyển tập truyện nước ngoài. Thu tò mò hỏi:

- Truyện gì?

- Chiếc lá cuối cùng. Hay lắm chị ạ!

Thu háo hức:

- Nào, em kể hoặc đọc cho chị nghe đi.

Diễm chậm rãi kể. Rồi Diễm cao hứng đọc cho Thu nghe vài đoạn nàng thích nhất. Thu chẳng thấy có gì là thú vị. Theo Thu, câu truyện có vẻ đơn giản và tẻ nhạt quá, thua xa những truyện của Khái Hưng, Nhất Linh.

Diễm cười nụ bao dung đằm thắm:

- Chị không quen suy nghĩ nên không cảm được cái hay cái đẹp cuả “Chiếc lá cuối cùng” đấy thôi.

Sợ cô bạn mếch lòng, Thu giả lả:

- Có lẽ vậy thật. Chị vẫn nói với em là cái óc chị như mít đặc ấy.

Diễm mở rộng cuốn sách áp chặt vào ngực như chợt lạnh, đôi má đang trắng xanh bỗng phơn phớt hồng. Nàng thở dài, đoạn đưa tay chỉ cành lá long não lòa xòa, lắt lay ngoài cửa sổ nói tưng tửng, nói như không phải cho Thu nghe mà chỉ cho mình nghe:

- Mấy hôm nay trời trở lạnh. Mùa đông đã gần kề. Sang đông những chiếc la kia sẽ rụng hết thôi. Em sợ khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống đất em cũng sẽ chết thôi chị Thu à!

Âm hao lạnh lẽo phảng phất trong giọng Diễm làm Thu nghe lạnh toát cả người. Thu lạ lùng nhìn cô bạn trẻ, thấy Diễm như vừa bọc trong làn giấy bóng trong suốt, bất động hệt con búp bê âu sầu, xinh đẹp.

Chớp mắt nhiều lần, Thu cố chọn một giọng nói vui để an ủi bạn, nhưng thật ra là để tự trấn tỉnh mình:

- Ðừng nói nhảm. Cô quá lãng mạn nên nghĩ mình giống cô gái trong truyện ấy thôi. Ðược rồi, nếu ngày ấy lá rụng thật, và nếu chị chưa “đi” trước em, chị sẽ nhắc anh chàng của em vẽ lên bức tường bên kia một chiếc lá y như thật. Chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng và em sẽ không chết, như cô gái trong truyện ấy, được chưa?

Diễm hướng tia nhìn mông lung vào khoảng không lẩm bẩm:

- Chàng của em đâu biết vẽ vời gì chị!

Cả hai cùng cười. Thu cười nửa buồn nửa vui, còn Diễm lại quay mặt ra cửa sổ, đăm đăm nhìn những chiếc lá, cười buồn. Buồn đến nẫu lòng.

Thu làm sao biết được, từ khoản khắc ấy, những chiếc lá lắc lay vô tình ngoài khung kính kia trong mắt nhìn của Diễm, trong chính tưởng tượng của Diễm chính là mảnh hồn xanh lướt của nàng đang treo lơ lửng trên miệng vực, cheo leo giữa đôi bờ thăm thẳm tử sinh.

Anh chàng của Diễm rất mực cưng chiều nàng, ngày nào cũng tới, và không bao giờ quên mang cho nàng một món quà, một cuốn sách kèm một bó hoa.

Họ thật đẹp đôi. Mỗi khi chàng tới, Thu nằm tế nhị quay lưng ra ngoài giả vời ngủ để “đôi trẻ” khỏi thấy sự thừa thải của kẻ thứ ba. Dù thế, Thu vẫn hóng chuyện. Thu lắng nghe và uống lấy từng tiếng nói tiếng cười của hai người như uống thứ nước giải khác nào đó rất ngọt ngào. Thu ao ước mình cũng có một mối tình đẹp nồng như thế. Ao ước để rồi hết thở ngắn than dài. Bởi Thu thừa biết không bao giờ có được vài miếng chứ đừng nói là cả một khối tình ngọt bùi như thế. Thu từng nửa đùa nửa thật bảo Diễm là, sự lẻ loi hình như đã đeo bám lấy Thu đâu từ lúc mới sinh ra và, hẳn nó sẽ không từ bỏ cho đến ngày nàng xuôi tay khép mắt.

Hóng chuyện của họ, lắm lúc Thu mường tượng thấy ngày Diễm lành hẳn bệnh, anh chàng của Diễm sẽ đến đón nàng không chỉ với một bó hoa như thường ngày mà cả một chục tràng hoa rực rỡ đủ bảy sắc cầu vòng. Tiếp theo, Diễm sẽ nhí nhảnh, tươi vui, diễm lệ trong trang phục cô dâu yểu điệu bước đi giữa vô vàn xác pháo! Sâu xa tận đáy lòng, Thu chân thành mong cái ngày tươi đẹp đó sẽ tới. Và, dù chỉ mới mường tượng, Thu cũng đã cảm thấy buồn đến thắt ruột bởi e ngày ấy mình vẫn còn nằm ở đây.

Bây giờ cái ngày tươi đẹp ấy đã hóa hư huyền, xa xôi. Không bao giờ có thật nữa rồi.

Mùa đông đã đến. Chiếc lá cuối cùng chưa rụng. Người tình vẫn còn đó. Diễm đã “vội vã” ra đi.

Bây giờ đến lượt Thu nhìn ngắm những chiếc lá bay múa hồn nhiên ngoài cửa sổ, và không khỏi cảm thấy nao lòng, chột dạ.

Từ ngày không còn Diễm, những chiếc lá quái quỷ kia cơ hồ phát ra ma lực quyến rũ cứ bắt Thu chong mắt ngắm chúng. Ðành rằng Thu không hề bị ám ảnh bởi nỗi âu lo đẫm tính siêu hình hay hoang tưởng như Diễm, nhưng mỗi lần nhìn thấy chúng, Thu lại thốt nhớ đến câu chuyện “Chiếc lá cuối cùng”, nhớ cô bạn nhỏ nhắn dễ thương không còn nữa.

Lúc này những chiếc lá lẳng lơ cợt gió đã bị che khuất sau tờ báo Hạo dán chồng lên khung kính, trời ạ, nguy thay, dù nhắm mắt Thu vẫn thấy chúng quay múa ngờm ngợp trong trí tưởng của mình. Muốn chúng bay biến hết đi, Thu bồi hồi mở mắt. Thấy Hạo lặng nhìn mình, nàng hắng giọng:

- Cậu chưa về sao?

Hạo lảng mắt xuống hai bàn tay sạm màu nắng nguội đan nhau ôm đầu gối:

- Chị không ngủ được à?

Thu khẽ lắc đầu, mái tóc xác xơ bung tràn che mửa mặt, nói trang trọng, dè sẻn, chậm rãi như sợ bất thần bị hụt hơi:

- Hạo à! Thật tình lắm lúc chị ao ước ngủ một giấc dài không bao giờ thức dậy nữa. Một giất ngủ không chút đau đớn, khó quá. Người ta mong trúng số lô độc đắc thế nào thì chị thèm được ngủ một giất dài không hề đau đớn thế ấy! Chị hối hận vô cùng là đã quay về để bây giờ làm khổ em. Giá chị chết rấp ở một xó xỉnh nào đó trước đây thì hay biết mấy!

Hạo nhăn mặt:

- Chị lảm nhảm đọc kinh gì thế?

Thu đưa hai bàn tay xương xẩu ôm mặt, nấc nghẹn:

- Kinh xá tội. Chị mong em xá tội cho chị.

Hạo dịu giọng dỗ dành:

- Em chỉ còn có mỗi mình chị. Nhớ lấy điều đó. Ðúng là có lúc em đã buồn chị, nhưng hôm chị cho em chiếc đồng hồ em nhận, tức là em đã xá tội cho chị rồi, không còn buồn chị nữa, nhớ không?

Ắng lặng một lúc, Thu nói tiếp, giọng não nuột:

- Hứa đi Hạo. Nếu chị có chết em đừng bỏ học nhé. Ðừng phụ ơn mẹ!

Hạo thở phào nhẹ nhõm, lảng chuyện:

- Ngày mai học cả hai buổi. Có lẽ đến chiều tối em mới vào với chị được.

- Ngày mai...

Thu đột ngột lật nghiêng người lại, quay mặt vào vách, đôi vai rung khe khẽ. Câu nói bỏ lửng của người bệnh Hạo dễ dàng đọc tiếp là, biết ngày mai chị có còn nữa không!?

Hạo thọc sâu hai tay vào túi quần, mím chặt môi rồi buông thõng:

- Chị nghỉ nhé. Em về!

Ra khỏi bầu không khí ngột ngạt của phòng bệnh, Hạo cảm tưởng mình hệt con cá bị lèn chặt trong chiếc hộp chật chội vừa giẫy thoát. Trong chiếc hộp ấy, thời gian tưởng chừng dừng sững lại, hóa ra trôi khá nhanh làm mình già ngắt, gìa đắng hẳn đi. Bây giờ hít thở không khí lạnh giá ngoài trời, Hạo cảm thấy mình trẻ lại.

Không nhìn xiên ngó xéo. Người thanh niên băng qua đường, cắm cúi bước lên lối mòn khu công viên rợp bóng, lác đác vài đôi cặp lặng lẽ chụm đầu vào nhau thỏ thẻ trên ghế đá, bước lặng lờ dưới bầu trời lắm mây.

Ra đến bờ sông, Hạo dừng lại khum tay che gió đốt điếu thuốc nghe có nỗi gì khô khốc cứ vò cục trong lòng không bay thoát ra nổi theo những cụm khói thuốc thổi liên tục lên những vòm cây.

Người đàn bà đội chiếc nón lá cũ sờn ngồi thu mình sau chiếc tủ kính thuốc lá bên bến đá thấy Hạo lững thững bước tới, mỉm cười thân mật:

- Sao? Thu nó đỡ chưa cậu Hạo?

- Dạ, đỡ lắm rồi chị!

Thấy chàng trai lầm lì bước dài tới, không dừng lại. Chị nói với theo:

- Ngày mai nhớ giao củi cho bà Xinh dưới Ðập Ðá. Bà nói không lấy của người khác, chỉ câu thôi đó.

Hạo “dạ” nhỏ. Ngập ngừng chút đỉnh, quay lui mua một gói thuốc đen. Chị bán thuốc nhỏ giọng:

- Có người đợi cậu dưới đò ấy.

Hạo ngạc nhiên:

- Ai?

Người đàn bà nheo mắt lấp lửng:

- Ðoán coi.

- Chịu.

- Con Nga Mèo Hoang. Bộ hai đứa bây ưng nhau hả?

Hai người cùng cười. Trước khi quay đi Hạo bất thần đưa tay kéo sụp chiếc nón lá úp chụp xuống mặt người đàn bà, chị ta càng cười dữ.

Trên bến. Hai chiếc đò kề mạn sát nhau bập bềnh trên sóng. Ðợt gió từ mặt sông phất lên làm tóc bay xấp xõa khi Hạo nhún chân nhảy xuống chiếc đò bên phải.

Loay hoay tháo dây lòi tói, định nhổ sào đẩy đò ra nhưng rồi Hạo dừng lại. Một cái cùi bắp từ trong mui ném vụt ra trượt qua chân rơi tỏm xuống mặt nước. Một giọng cười con gái khúc khích nổi lên:

- Này, không trả công người ta giữ “nhà” cho, còn muốn chở người ta đi luôn hở?

Hạo bước qua đống củi và than đẩy đệm kỹ càng dưới lớp ny lông màu vàng bẩn, đến đứng chống tay lên vòm mui trông vào nói tưng tửng:

- Ai đấy?

Từ khoảng tối mờ, cô gái chun qua nách anh ra ngoài, ngồi chân co chân duỗi trên đống củi, nói đỏng đảnh:

- Ði đâu cửa nẻo phải khóa cẩn thận chứ. Có ngày trộm vào nó quơ cho không còn một miếng giẻ rách.

Hạo ném mẩu tàn thuốc xuống sông, nửa đùa nửa thật:

- Khóa cửa làm sao chị Nga vào được?

Cô gái lườm:

- Xí, thua người ta có một tuổi rưỡi cũng bày đặt chị chị! Quần áo sách vở nồi niêu soong chảo lung tung in cái ổ chuột, người ta đến dọn dẹp giúp cho không một lời cảm ơn!

Hạo nheo mắt cười:

- Cảm ơn chị Nga lắm lắm!

- Không thèm.

- Thế thì cảm ơn... Nga! Ðược chưa?

Tóc tém cụt ngủn hệt tóc con trai. Chiếc áo len màu hồng phấn rộng thùnh thình không cài cúc để gió đánh phần phật lộ chiếc áo sơ mi phong phanh bên trong. Quần jean đắp hai buông vải bạc phết trên hai đầu gối, sát gấu đính hình một con mèo đen thắt nơ đỏm dáng, Nga Mèo Hoang nom đẹp như con mèo hoang chính cống. Nhìn vẻ mặt phụng phịu rất đáng yêu của cô gái, Hạo lại chỉ cảm thấy buồn cười. Anh lặp lại câu hỏi. Nga chun mũi:

- Tạm được! Sao? Tối nay quay về đây chứ?

Hạo ỡm ờ:

- Không rõ.

Chợt thấy cô kẹp cuộn vải kaki cũ mèm bên nách, Hạo bửng lửng, vờ nạt:

- Này, bộ ăn cắp hả?

Mặt mày đỏ lựng, cố nuốt giận, Nga cầm cuộn vải ra tay:

- Ăn cắp mà cầm khơi khơi trước mặt anh vậy hở con bò? Ngu vừa thôi chứ bạn? Thấy cái quần rách người ta định mang về vá giùm...

Bỏ lửng câu nói, Nga ngước nhìn Hạo. Nhìn gương mặt dầu dãi lắm góc cạnh của gã con trai in trên nền trời thẫm, Nga thoáng băn khoăn như thể đang phân vân không biết có nên ghét gã hay không. Không, ánh mắt chàng âu yếm thế kia thì làm sao nàng ghét gã được!

- Không cần vá đâu. Cảm ơn Nga. Chị... Nga!

Hạo nói bỗ bã, phũ phàng giằng lấy chiếc quần màu nâu cũ mèm ra khỏi tay nàng. Nga ngượng chín, đứng bật dậy co cùi chỏ thúc nhẹ vào bụng Hạo:

- Thấy mồ côi mồ cút người ta không nỡ ghét còn làm bộ!

Vừa kéo dài giọng cô gái vừa nhanh nhẹn tựa con mèo nhảy phóc sang chiếc đò bên cạnh. Hạo bối rối với vát:

- Bộ giận à?

- Còn khuya!

Bứt khỏi cái nguýt nửa nồng nàn nửa sắc lẻm của Nga, Hạo lẹ làng nhổ sào, bước lui đằng lái tra chèo vào cọc, khuấy nước quay mũi đò tách bến.

Ðò lướt êm. Dòng sông phẳng lặng trôi giữa đôi bờ cỏ mượt. Dưới bầu trời nặng mây, ánh nắng bàng bạc xỉn màu như là ánh sáng giả.

Hạo vừa thong thả chèo vừa vẩn vơ nhìn mông lên dãy phố không ngớt rùng rùng chuyển động phía tả ngạn, nhưng thật ra Hạo đang đẩy ngược cái nhìn vào bên trong mình. Lòng dạ Hạo đang cồn cào một mối lo. Chị Thu lên bờ lần này có khi vĩnh viễn không quay về nữa. Chị ấy yếu lắm rồi. Chị Thu sẽ nối bước theo Diễm trước khi chiếc lá cuối cùng của mùa đông chưa kịp rụng?

Qua khỏi chợ Ðông Ba, mây không chùng thấp nữa, cái lạnh buôn buốt đầu mỗi ngón tay ngón chân khuây vợi bớt phần nào. Nắng đẩy bật mây lên. Bầu trời lại cao lồng lộng. Ðò tiếp tục trôi về hía Cồn Hến Vĩ Dạ, thỉnh thoảng tấp ghé vào một cái bến nào đó của dãy nhà san sát mọc ven sông. Hạo đưa củi, than lên theo lời dặn trước của các bà nội trợ hoặc thoạt thấy Hạo ngang qua, người ta ngồi trên bến ngoắc vẫy anh chàng bán than, củi đã quen mặt.

oOo

- Ô, ê! Có ai ở nhà không?

Ðang lúi húi chôn con mèo chết dưới gốc cây cau già nhất vườn, nghe tiếng gọi thông thống từ dưới bến sông đưa lên, Sớm Mai vun vội nắm đất thành cái nấm con con, đoạn tất tả đi xuống bến.

Dưới tán sung cổ thụ xen tre pheo rợp bóng, Hạo ngồi trên mạn đò thòng chân xuống bậc đá lấp xấp nước tréo mảy đu đưa. Thoạt thấy cô gái hiện ra giữa lối mòn, không dưng nghe trái tim phải gió trong ngực bỗng trở chứng đập rộn, Hạo thốt giật mình thả cái chân bắt chéo xuống, đăm đăm nhìn cô.

Sớm Mai cong cớn:

- Ngỡ ai! Làm gì mà anh hét lớn tiếng thế?

Vẻ mặt cau có. Ðôi mắt đỏ hoe. Hai bàn tay lấm đất. Chưa hết, cô tiểu thư con nhà vườn lại “điểm trang” thêm cái áo veston cũ rộng rinh, dài thậm thượt chắc là của ông già, trông chẳng giống ai. Cô nàng đang đóng dở tuồng công chúa lọ lem chăng? Hạo cố nhịn cười, câng câng hất hàm:

- Có ai nhận củi không cô bé?

Mai lắc đầu:

- Chiều hay mai ghé lại đi. Chỉ mình tui ở nhà làm sao chuyển củi được.

Tiếng gọi giật giọng lúc nãy nghe gấp như nhà cháy. Lúc này Hạo lại cố tình nhẫn nha. Ngại hồn sẽ bị xiêu hay vẹo, chẳng dám nhìn lâu gương mặt sáng trăng rằm của cô chủ nhà, Hạo lảng mắt xuống nhìn đôi bàn tay đầy vết chai của mình cho đỡ khớp, thủng thẳng nói:

- Tui là ai?

A! Ăn nói cắc cớ nhỉ? Hình ảnh con mèo dễ thương cóng lạnh trong lòng đất chưa rời khỏi tâm trí, Mai bực bội gắt:

- Tui là tui chứ còn ai nữa!

- Cô tên Buổi Trưa phải không?

Dợm quay bước vào nhà, Sớm Mai lại thấy mình dùng dằn đứng lại, như là có ma quỷ xui khiến gì ấy. Cô đĩnh đạc cải chính:

- Không phải, Sớm...

Phút choáng đầu tiên qua rồi, Hạo anh dũng nhìn thẳng cướp lời:

- Biết rồi, Sớm Mai. Nhưng bây giờ đang là buổi trưa đứng bóng, tôi thích gọi cô là Buổi Trưa được chứ?

Ui, ngày này trong lịch ghi xấu hay tốt, cát hung thế nào mà hết con mèo cưng ngoẻo lại đụng phải tay thích đùa dai, ngang in cua gạch thế này? Sớm Mai kêu thầm, ức thầm, đoạn ức công khai. Cô xẵng giọng:

- Này, ăn nói đàng hoàng nhé. Tui bảo không mua là dứt khoát không mua. Có tức thì chở củi lên rừng lại đi ông Hạo... Trương Chi ạ!

Hình con mèo chết biến mất. Vẻ mặt cô gái tươi lên một chút. Hạo - Trương Chi: Ngày xưa có chàng Trương Chi. Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay! Anh chàng trông tuềnh toàng thật nhưng không xấu chút nào, tay chân mắt mũi miệng nom cũng kha khá, hẳn còn khuya mới hát thật hay giống chàng Trương Chi trong truyện cổ. Mai phục Mai không biết để đâu cho hết. Vào giây phút này sực nhớ rồi bỗng thốt được cái hỗn danh của gã bán than củi trơ tráo này thì hay quá, hay quá! Nghe thấy, hẳn gã phải giận đến đứng tim!

Cô bé quả là khờ khạo, cô đâu biết tim Hạo bằng chì nên đếch đứng. Anh chàng không thèm thót tim mà còn nhếch miệng cười lạnh lùng:

- Mẹ của Buổi Trưa - Hạo vẫn cứ ngoan cố xài cái tên nghe dễ mếch lòng và không êm ái chút nào ấy - dặn mỗi tháng giao củi một lần. Tôi cứ y hẹn. Năm phút nữa tôi sẽ chất củi lên. Ai không mang vào nhà chiều nay mưa uớt thì ráng mà chịu đòn.

Sớm Mai hơi dịu giọng, nhưng nghe vẫn chua lè và rất.. lì:

- Ai chất cứ chất, còn đây không có tiền trả đâu!

- Dở ẹc! Mẹ của Buổi Trưa ở trên chợ hàng ngày, lúc nào ghé lấy chả được!

Bí tịt. Sớm Mai chưa biết phải đối phó với vụ củi ra sao, Hạo bỗng lái ngoặt câu chuyện qua hướng khác. Ðâu phải hướng nào xa lạ. Câu chuyện “đập” ngay vào chính cô. Hạo nói giọng tử tế:

- Bộ bữa nay đẹp trời hay sao mà cả nhà rủ nhau đi chơi cả vậy?

Ngỡ anh chàng bắt đầu biết điều, quay ra nói chuyện đứng đắn. Sớm Mai cười nụ nhỏ:

- Ði ăn đám giỗ bên nhà ngoại.

Giọng thỏ thẻ của cô nàng không dưng phất qua lòng chàng ngọn gió ấm. Hạo cười nửa miệng:

- Trả lời dịu dàng vậy có nghe lọt lỗ tai hay không. Mặt mũi tươi tắn vậy nom đẹp gấp trăm lần lúc nãy cứ chung búng như cái thúng! À à, cả nhà đi ăn đám giỗ, thảo nào ở nhà một mình nên cô làm biếng nấu cơm bèn bốc đất ăn trừ cho bõ ghét phải không?

Trời ạ, đất ơi! Câu khen nghe đã chướng, câu hỏi nghe càng chướng, càng ứa gan hơn. Mắt găm im xuống đôi tay lấm đất, Sớm Mai lặng nghe hàng chục triệu hồng huyết cầu mắc cở mai phục đâu đó trong lục phủ ngũ tạng nhất loạt kéo nhau lên họp mặt... ứng chiến. Môi má nóng ran. Mắc cỡ quá, Mai bèn dằn dỗi gom hết ngôn ngữ trên tái đất thành một câu lí nhí:

- Ông, à, anh là chúa suy diễn bậy. Người ta vừa chôn con mèo chết.

Hạo vờ xoe tròn mắt kinh ngạc:

- Nó bị cô... cắn chết hả? Bộ ngứa răng lắm sao?

Ngữ điệu tỉnh khô. Nói đùa ba lơn ba cợt nhưng vẻ mặt như thể đang biểu trong hội nghị gì đấy. Cái gã bán than củi này ngộ thật, tỉnh thật. Sớm Mai rất muốn làm thinh, không thèm cãi. Nhưng rồi cô bảo mà cô không nghe, cứ ấm a ấm ách thế nào ấy, nên Mai lại nghe Mai thỏ thẻ:

- Hắn ham chơi lang thang ra đường bị xe cán chết chứ bộ!

Hạo đưa mắt nhìn trời như thể đếm coi có bao nhiêu bè mây trôi qua bến nhà nàng, đoạn bất thần níu mắt xuống nhìn cô gái dịu dàng hỏi:

- Còn mắt cô sao đỏ hoe sắp viền vải điều thế kia?

Sớm Mai kêu thầm Huy ơi, Huy à! Anh nết na đằm thắm bao nhiêu thì cái gã bán than này ngang ngược rắn mắt bấy nhiêu. Ðồng thời là con trai cả, là cục đất sét do Chúa nặn ra rồi hà hơi vào cả, sao anh đáng yêu kẻ này đáng ghét quá! Mai đến tựa vào gốc cây sung, nghĩ nên hỗn một chút mới vừa với tay mồm mép này, bèn cao giọng:

- Sao anh ngốc thế! Thì tại khóc. Tui thương con Tam thể lắm, anh biết chưa?

- Nghĩa là thương một đứa lêu lỏng, ham chơi, ham bị xe cán! Thương vậy thì thương ông Ngáo ọp hay thương cái trụ đèn còn hơn. Tôi không thương bậy thương bạ như cô đâu. Sao tôi nghi quá. Chưa chắc cô đã chôn con mèo Tam thể, có khi cô vừa chôn một con bướm hay một cánh hoa gì đó rồi khóc om sòm. Ai mà biết. Các cô là chúa mơ mộng, lãng mạn vớ va vớ vẫn. Tôi ấy à, tôi chẳng thèm mơ mộng cốc gì cả.

Sớm Mai lại réo thầm Huy ơi, Huy à! Anh nói năng từ tốn lịch sự bao nhiêu thì cái gã bán than này bốp chát bấy nhiêu. Ðồng thời là con trai cả... Mai bậm môi rồi bật thốt:

- Anh không thèm thương bậy thương bạ, không có thèm mơ mộng. Anh giỏi vậy nên anh mới đi bán than, bán củi!

Tuyệt vời! Lúc này tung cái hỗn danh ra - Hỗn danh. Chẳng có gì bí mật cả, có lần Mai nghe anh Ðạt gọi Hạo như thết - gã không hề ngán, giờ tung thêm cái nghề mạt hạng của gã ra hẳn gã phải đau lòng! Sớm Mai thấy mình ác quá, nhưng đành vậy thôi. Ai mượn gã trêu người ta!

Hạo giả ngơ như không nghe thấy cô gái vừa “đạp”, âu yếm nhìn chiếc áo rộng dài quá cỡ cô đang khoác:

- Này, bộ sắp đi ăn cỗ cưới hay sao mà diện veston trông oách vậy?

Hạo cười. Nhe răng ra cười. Sớm Mai nghe hàng chục triệu hồng huyết cầu mắc cở vừa nằm im lại rùng rùng vùng dậy. Bối rối chẳng biết làm gì, biết gọi thầm anh Huy suốt bốn mùa cũng chẳng ăn thua, bèn cười theo. Sợ nhe răng giống anh chàng bán than củi, cô ý tứ chỉ cười chúm chím. Gã đúng là tên vô duyên nhất thế giới. Chẳng lẽ bây giờ Mai phải khai huỵch toẹt rằng “gia tài” cô chỉ có bảy cái áo len bảy màu khác nhau... chứ mấy! Mùa lạnh, mỗi ngày trong tuần thay một sắc cho tươi duyên con gái. Ði học hay đi chơi về là treo ngay vào tủ. Ở nhà mặc đỡ cái áo veston màu cháo lòng của ông già để chóng lạnh thì cũng có chết... con kiến nào đâu chứ! Sớm Mai nghinh mặt:

- Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa thấy ai vô duyên như anh.

Hạo xuề xoà:

- Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa thấy ai ăn mặc modern trông đẹp đến nhức răng như cô. Thôi, huề nhé! Nói chuyện với cô riết tôi mệt tim quá!

Bộ tui khỏe lắm hả?

- Khỏe! Nào tiếp một tay mang củi vào nhà đi cô tiểu thư... con nhà vườn.

Sớm Mai lừ mắt:

- Còn anh là công tử con nhà...

- Con nhà... chùa!

Mặc cô gái cứ đứng trơ mắt ngó với vẻ mặt kênh kiệu, khinh khỉnh rất ra dáng tiểu thư con nhà vườn, Hạo lặng lẽ chuyển củi từ đò lên bến, rồi từ bến khệ nệ ôm vác vào nhà bếp. Suốt thời gian ấy Hạo chẳng nói chẳng rằng, vẻ mặt nom xa lạ và phớt tỉnh như vừa rồi hai người chưa từng có một trận đấu bóng chuyền giao hữu bằng miệng.

Trời lạnh. Thấy anh chàng vã mướt mồ hôi, ban đầu Sớm Mai lấy làm thú vị lắm, nhưng rồi thấy anh chàng hơi tội tội, cô vội vào nhà rót một tách trà nóng bưng trang trọng lên hai tay đưa mời. Mủm mỉm cười, cố chọn ngữ điệu hòa bình nhất, Mai nói:

- Anh uống miếng nước cho đỡ khát.

Ngoài dự tưởng của cô chủ nhà, Hạo hắc nước trà xuống sông, đặt tách trà rỗng vào tay Sớm Mai rồi lẳng lặng vào múc một gáo nước mưa ở cái lu dưới bếp. Uống cạn gáo nước, Hạo mỉm cười cay đắng:

- Cái hạn bán than như tôi không xứng uống nước trà ở nhà cô đâu!

Nói xong, nhanh như sóc, Hạo nhảy xuống đò. Sớm Mai giật thót. Cô hoàn toàn không ngờ Hạo còn nhớ cái câu cô nhắc cái nghề mạt hạng của anh lúc nãy. Cô gái sượng tái, xấu hổ giấu mặt sau thân cây sung lạnh giá. Khi cô ngẩng nhìn ra bến, con đò đã khuất bóng từ bao giờ, như là nó chưa hề đến.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: