Khóc nữa đi sớm mai [C4]

KHÓC NỮA ĐI SỚM MAI - CHƯƠNG 4

Không cô đã thất bại! Cô Hài xoay ba vòng trên đôi giày cao gót lặp đi lặp lại ba lần không, cô đã thất bại! Loanh quanh lá hoa chim bướm xoay theo, cuốn thành những vòng lốc trăm hồng nghìn tía ngoạn mục.

Và, cô thoắt trẻ trung hệt cô bé mười bảy tuổi khi dừng lại.

Lạ lùng quá. Sớm Mai cứ xoe tròn mắt đứng ngắm. Cô giáo ôm vai cô học trò chầm bước trên lối mòn không phải ở sân trường mà ở giữa một cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ. Tiếng nói cô Hài bay liệng trong không nghe êm hơn tiếng suối reo:

Vâng, cô đã thất bại và nói chung, ai cũng phải chào thua tình yêu thôi. Nhà thơ Huy Cận từng than thở: Vậy đó, bỗng dưng mà họ lớn. Tuổi hai mươi đến có ai ngờ. Một hôm trận gió tình yêu lại. Ðứng ngẩn trông vời áo tiểu thư! Tình yêu, thoạt tiên nó chỉ là một trận gió nhè nhẹ chiếm hồn ta thoang thoảng in làn hương, rồi thình lình thành trận gió kinh thiên thổi hồn ta xiêu, phách ta tán.

Thưa cô, em hiểu rồi. Nhưng em chưa tới hai mươi mà! Ông Huy Cận trông vời áo tiểu thư, còn em trông vời áo gì nhỉ? Lạ quá, chắc không đúng trường hợp của em đâu!

Ðúng!, ngay chóc em ạ! Rồi em cũng sẽ tới tuổi hai mươi thôi. Ông Huy Cận trông vời áo tiểu thư, còn em, em trông vời cái... áo sơ mi của người ấy, được chứ? Ngó nước da em, ngó cái tịch lúng túng hệt gà mắc tóc của em, khỏi cần bắt mạch hay nghe tim cô cũng biết ngay rằng em đã bị gió tình yêu thổi cho ngất nga ngất ngư rồi đấy tiểu thư của cô ạ!

Em sẽ dùng tay xua trận gió ác ôn côn đồ ấy đi.

Tay em yếu làm sao xua, có mở quạt máy hết ga cũng không xua nổi. Nếu không lầm thì gió đã lậm vào tim vào phổi em lâu rồi, muộn rồi em ạ!

Chưa lâu đâu thưa cô. Em mới bị "cảm" từ mùa hè vừa rồi thôi.

Giống hệt Sớm Mai, trong cô Hài cũng có con ma tò mò mai phục. Nó bỗng thức dậy bắt cô tò mò.

Nếu không quá e lệ, không quá bí mật, em có thể cho biết trường hợp nào bên A gặp bên B không?

Mai cười nụ thẹn thùng:

Ðơn giản lắm, thưa cô. Hè vừa rồi em về biển Thuận An. Em và mấy nhỏ bạn bơi ra khá xa bờ. Anh ấy muốn làm quen nên liều lĩnh bơi phao ra theo. Giữa chừng gặp sóng lớn phao lật úp và cu cậu chìm nghỉm. Hóa ra cu cậu không biết bơi. Em bơi khá giỏi nên nhào đến túm tóc anh chàng lôi lên phao. Thế là sau đó về phố anh chàng cứ đeo theo xin đền ơn cứu tử riết. Anh ấy tuy chân yếu tay mềm nhưng tính tình rất mực điềm đạm nên dần dần lòng em hơi xiêu xiêu.

Em bơi giỏi lắm à?

Dạ, ở Vỹ Dạ nhà nào cũng có bến, đứa nào bơi cũng giỏi vì quanh năm tắm sông mà cô!

Ậm à, thế là từ mùa hè. Từ mùa hè sang đông, thời gian không ngắn lắm, nhưng hẳng tình yêu cũng bắt em lắm lúc phải thở ngắn than dài?

Dạ!

Bắt em vô ra tha thẩn bao nhiêu lần!

Sớm Mai mím môi, định đưa tay bóp trán, nắn cằm, vuốt chót mũi suy nghĩ, nhưng rồi cảm thấy ngượng quá nên cứ xua hai bàn tay trước mặt tựa... đuổi ruồi. Cô Hài kiên trì lặp lại câu hỏi như nhà báo phỏng vấn gặp phải tay đại lãn. Bị dồn vào phút nói thật khẩn cấp quá, Mai thật thà buông thõng:

Dạ, em quên đếm.

Hẹn hò mấy buổi, giận hờn mấy phen rồi?

Em có ghi trong sổ tay, tiếc quá bữa nay chả mang theo.

Thế em đã trao tay cho tình yêu nắm chưa?

Mai đỏ mặt:

Dạ chưa!

Ðã trao môi trao trán cho tình yêu cụng chưa?

Mai tía tai:

Dạ chưa ạ!

Cô Hài mủm mỉm cười lăn tia nhìn soi mói vào đôi mắt trong veo của cô học trò như để đo lường xem những câu trả lời vừa rồi có mấy phần trăm sự thật, đoạn khẽ gật đầu hài lòng cho rằng Sớm Mai không hề nói dối. Cuộc phỏng vấn tiếp tục:

Em đã viết cho tình yêu lời nồng ý thắm nào chưa?

Sớm Mai nghe nóng ran đôi má:

Dạ có nhưng chưa viết xong. Lần đầu viết thư tình nên em lúng túng quá. Nói cô đừng la đừng giận em, có lúc bí tịt không biết viết gì em đã mạo muội nghĩ, nhân loại quả rất đáng kính, gặt hái cơ man nào là thành tựu khoa kỹ thuật, riêng nghành giáo dục lại cố tình bỏ quên môn dạy viết thư tình cho các cô cậu mới lớn! Thiếu sót quá!

Cô Hài cười nụ nhỏ kèm hai nụ to:

Em có ý nghĩ ngộ thật đấy. Các ông giáo dục nghe hẳn cũng chỉ lắc đầu cười trừ, bởi vì nghĩ cho cùng chẳng ai dạy ai viết thư tình đượd đâu. Theo cô, khi viết thư cho người mình cưng quý, người viết là nhà văn riêng của một độc giả. Lá thư ấy, tác phẩm ấy là duy nhất, không có bản thứ hai.

Sớm Mai nửa đùa nửa thật:

Ðúng vậy. Khi yêu người ta có thể trở thành nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, thậm chí có thể trở thành cả tu sĩ hay thượng đế của chỉ riêng và duy nhất một người thôi!

Mai lắc đầu, lè lưỡi nói vui:

Tình yêu khiếp thật!

Cô Hài đính chính:

Không, phải nói là tình yêu rất diệu kỳ. Em hãy nhìn xem, tình yêu đang đưa ta lên tới chín tần mây.

Sớm Mai ngó quanh, nửa sợ nửa thích thú khi bỗng nhận ra cánh đồng hoa thơm cỏ lạ đã biến đâu mất. Hai người không bước trên lối mòn mà đang thả bộ trên chiếc cầu vòng bảy sắc lơ lửng giữa thinh không. Dòm xuống, một vùng sương khói mênh mang. Trông lên, bên phải là mặt trời, bên trái là mặt trăng. Ðôi vầng nhật nguyệt tựa hai trái cây tròn vành vạnh thi nhau tỏa sáng. Lạ quá, đẹp quá! Cô Hài nắm tay Mai lắc khẽ:

Nãy giờ vòng vo dài rồi, bây giờ cô yêu cầu em hãy hỏi kỹ lòng mình, có thật em muốn đưổi tình yêu đi chỗ khác chơi không?

Sớm Mai gật đầu không quả quyết lắm:

Dạ!

Thật nhé?

Dạ, thưa vâng.

Em dạ yếu, hẳn còn lưỡng lự chăng?

Dạ, dạ, dạ, dạ........

Nếu cô Hài không đưa bàn tay đẹp áp lên môi Mai hẳn Mai đã "dạ" đúng một trăm tiếng cho cô tin. Cô cười buồn:

Ôi, em ngoan cường biết bao? Cô luôn luôn thất bại. Mong em sẽ thành công. Nếu muốn thế thì em hãy nhắm mắt lại.

Mai ngoan ngoãn nhắm mắt và, cô Hài nhẹ nhàng đưa tay xô kẻ muốn khước từ tình yêu rớt khỏi cầu vồng.

Mai quay mòng trong cơn lốc, và bàng hoàng thức dậy.

Cô gái thức dậy, mừng muốn mếu máo, muốn bật khóc khi thấy mình vẫn nguyên lành, chưa tan xương nát thịt. Ui, giấc mơ đẹp quá nhưng khủng khiếp quá. Phải chi mơ dài hơn chút nữa, Mai đã có dịp phỏng vấn ngược lại bao giờ cô Hài mới chịu lên xe hoa về nhà chồng? Rằng hồi bằng tuổi Mai, cô có chào thua tình yêu rồi bị nó dẫn dắt đến tận cõi nào, bị hành hạ ra sao? Nó đã biến cô thành kịch sĩ, ca sĩ hay tu sĩ? Cô đã trao tay cho tình nắm thế nào? Ðã trao môi trao trán cho tình cụng mấy lần? Ðã viết cho tình bao nhiêu lời nồng ý thắm v.v... và v.v...?

Chiều sẫm màu. Cơn mưa không biết đến tự bao giờ đang nhẹ nhàng dệt sợi đan mành ngoài cửa sổ. Căn nhà chìm trong yên lặng gợi nhớ không khí chùa bà Ðanh.

Cuốn sách lúc ngủ quên vẫn còn úp trên ngực, Mai cầm nó lên tay với lòng tin mới là, dù chỉ bị xô khỏi cầu vồng - Chiếc cầu tình quyến rũ cũng đã bị đuổi đi chỗ khác chơi, lúc này mà học bài chắc mau thuộc lắm! Và trời ạ, đúng thế thật, bài sử thế giới mới đọc lại vài lần Mai đã thuộc ro ro, có thể đọc ngược đọc xuôi không hề vấp.

Sớm Mai hài lòng quá, suy nghĩ đến vưng váng cả óc chẳng biết nên tự thưởng cho mình cái gì. Một tô cháo lòng hay ba dĩa bánh bèo chăng? Ðội mưa ra quán lúc này chẳng khác nào tự hành mình chứ đâu phải thưởng? Ngẩn người ba mươi giây, chớp mắt khoảng mười cái, sau cùng Sớm Mai vui vẻ tốc mền bật dậy đến trước tấm gương lớn, áp môi hôn lấy hôn để cặp môi giá lạnh trong gương. Mình hôn mình cứ ngỡ bị ai hôn, mắt cở đến đỏ mặt và buồn cười hết biết! Có ai bất chợt dòm vão sẽ tưởng mi sắp hóa dại. Mai bẽn lẽn cười nụ chữa thẹn, quơ vội cây lược vừa chải gỡ đầu tóc rối vừa mắng thầm, ui con gái ngủ ngày là con gái hư! Ngủ rồi còn bày trò mình tự hôn mình in mèo giỡn bóng là con gái lãng mạn ba xu, thậm xưng mình là đào cải lương, đào hát bội.

Chun mũi, lè lưỡi, chế giễu chiếc bóng trong gương. Mai lặng ngắm chiếc áo veston rộng dài quá cỡ, thốt nhớ câu Hạo chọc quê hôm nào. "Này, bộ sắp đi ăn cỗ cưới hay sao mà diện veston trông oách vậy"? Ngắm đôi mắt dài có đuôi, đôi mắt từng phát hàng trăm cái nguýt và lườm làm tội làm tình anh chàng Huy điềm đạm, Mai thốt nhớ cơn giận còn nguyên, chưa sứt mẻ một ly ông cụ nào bởi anh chàng dám sợ mẹ hơn sợ "bé của Huy". Hai gương mặt vụt thoáng qua trí hệt tia chớp, Mai nhún vai kênh kiệu phủi hình ảnh hai chàng khỏi trí như phủi hai hạt bụi.

Lắng nghe âm thanh mưa rả rích không xua tan nổi khối câm lặng lớn trong ngôi nhà đang ngậm kín, khi không Sớm Mai bỗng cảm tưởng có đôi mắt nào đang trộm nhìn mình, cô quay ngoắt ra phía cánh cửa phòng đóng chặt. Không, chẳng có ma nào cả. Nhưng rồi, Mai chợt "đắm đuối" nhìn như thôi miên cái thư màu xanh da trời lặng lẽ nằm trên sàn chẳng biết từ lúc nào. Nó - cái thư - đã đến trước hay trong cơn mưa?

Hẳn nó đã được ông phát thư mang đến khi Mai còng yểu điệu cùng cô Hài vừa đi vừa "nói chuyện tình" trong mơ. Anh Ðạt hay bé Châu đã nhận giùm rồi "lịch sự" ném qua cửa sổ!

Ngạc nhiên pha bối rói, Mai cầm thư lên tay. Góc bên trái và cả mặt sau bì thư không thấy đề tên người gởi. Góc bên phải, con tem nằm chết dí dưới dấu nhật ấn còn tươi rói. Tên và địa chỉ Mai được viết bởi lối chữ không đẹp không xấu, rõ nét và nom lạ hoắc lạ huơ.

Rón rén bước lùi, ngả người tựa vào chồng mền gối kê cao đầu giường, nén hồi hộp đến tức thở. Mai run tay bóc thư và đọc:

Sớm Mai nửa quen nửa lạ!

Rất vui nhận được thư em. Những trang thư đã đến với tôi như thể tôi chẳng mua vé số nhưng đã tình cờ lượm được vé của người khác và, trúng lô an ủi.

Chắc ngỡ ngàng lắm phải không, thưa cô Sớm Mai - người dưng thương mến?

Mấy trang thư rời chẳng biết cô định gởi ai. Từ đầu đến cuối em chỉ gọi người ấy bằng tiếng "anh" chung chung. Tôi mạo muội nghĩ "anh" rất có thể là tôi, bèn hồi âm, để lâu sợ nguội.

Tác giả bức thư thì đã rõ rồi. Trong thư lúc thì Mai, lúc thì Sớm Mai, em xưng hô nghe ngọt ngào, bùi và dẻo quẹo còn hơn kẹo mè xửng. Ở Vỹ Dạ theo tôi biết chỉ có một cô gái tên gọi Sớm Mai, nên thư này đến địa chỉ em chẳng có gì là đường đột phải không?

Không dưng nhận được hồ âm có vẻ như đến từ hư không thế này em cảm thấy thú vị chứ? Tôi chỉ ngại em mừng quá rồi đứng tim mất. Có mừng cũng chỉ nên mừng vừa vừa thôi. Mai nhé, em nhé, người dưng nhé!

Chết rồi! Hóa ra cái thư mất tích đâu có tàng hình hay bốc hơi thành mây bay đi. Nó đã được gửi chẳng biết theo đường ma lối quỷ nào, và có người đã nhận được. Ai nhỉ? Tuồng chữ lạ quá, chưa từng thấy bao giờ. Là ai đi nữa thì kẻ ấy cũng hiện ở trên mặt đất này, không phải là người hành tinh khác. Dấu nhật ấn chỉ rõ anh ta ở Huế, chẳng đâu xa. Tai hại thay cái tật lật đật ra khỏi nhà mà quên đóng cửa phòng khuê lại.

Rất vui khi nhận được thư em! Anh ta ba hoa vậy nhưng có khi không phải vậy. Ai gửi đâu mà nhận cơ chứ? Hay anh ta là kẻ trộm chăng? Hôm ấy mãi theo mấy cái thuyền giấy phải gió ngoài mương vườn, nhóc tì Châu cóc thèm ngó ngàng đến nhà cửa và, thế là anh ta đã lẻn vào định trộm gà, dòm qua cửa sổ thấy mấy trang thư hay ho quá nên quơ đại về làm kỷ niệm chơi? Sớm Mai ngẩn người suy nghĩ nửa phút, định vò nát cái gọi là "hồi âm, để lâu sợ nguội" ném vàp sọt rát, nhưng rồi con ma tò mò trong cô bao giờ cũng thức dậy khá đúng lúc, bắt Mai đọc tiếp:

Cô bảo cô không còn bé nữa. Tôi gọi cô là em cho ra vẻ người lớn. Ðồng ý chứ? Không đồng ý cũng ráng chịu, bởi tôi lỡ gọi ngay từ đầu, và không chừng tôi đã gọi ròng rã suốt bao xuân hạ thu đông, mùa tiếp mùa rồi, nhưng em đâu có hay!

Em thắc mắc lúc viết thư không biết nên quay về hướng nào. Từ nay em cứ quay mặt về hướng tôi cho chắc ăn. Tôi ở khắp bốn phương tám hướng. Buổi sáng tôi ở hướng Ðông, chiều ở hướng Tây, đêm không trăng tôi ở hướng Nam, đêm có trăng tôi ở hướng Bắc, vân vân. Tôi lang thang khắp chốn như là gió ấy.

Tôi hoàn toàn đồng ý với em, trong mỗi người chúng ta đều có lắm con ma nhỏ. Con ma nhớ trong em chắc chắn có họ hàng, thậm chí là anh em sinh đôi của con ma nhớ hiện cư ngụ trong tôi. Từ lúc nhận thư em, tôi đâm ra nhớ em da diết, dù suốt bao mùa rồi tôi đã nhớ em da diết mà em không thèm hay.

Em lo sợ anh ấy hút thuốc nhiều có ngày trùng ung thư đục thủng tim không còn chỗ để đựng hình ảnh em nữa. Tôi long trọng tuyên bố, sẵn sàng dành trái tim rất mực phiêu bồng của tôi để lộng hình ảnh em vô điều kiện.

Em ghét và ghen với họ hàng, bè lũ, bộ tộc thuốc lá vì thuốc lá hình như đã "gọt" anh ấy thành một người ốm yếu ho hen. Tôi âu sầu khẳng quyết, em ghen với thuốc lá bao nhiêu, tôi ghen với anh ấy bấy nhiêu. Em sợ một ngày đẹp trời nào đó sẽ biến thành cái trái cây chín háp mất bởi hết lo gần rồi lại lo xa cho người ấy. Cách duy nhất để hết lo là em quên phứt người ấy đi. Ðuổi hắn ra khỏi đền thiêng trong trái tim khờ khạo của em. Tôi sẵn sàng làm ông từ giữ đền cho em đế chín kiếp. Và mãi mãi em vẫn là trái cây xanh tươi trong ngôi vườn cô độc của tôi.

Em ao ước được đi rong trong thành nội vừa ngửa tay ngửa lòng hứng mưa vừa nhai đậu phọng rang cùng người ấy. Sao lại cùng người ấy mà không phải là tôi? Nếu cần, tôi sẵn sàng đến vào một chiều mưa, vác theo cả tạ đậu phọng rang để đôi ta cùng đi rong và ăn đến lúc... mệt xỉu!

Ui, trơ trẽn đến thế là cùng. Hàm hồ hàm chứa đến vậy là hết ý! Ðọc thư không phải người ta gửi mình dã là quá ư tồi tệ, còn dám muối mặt cao giọng đòi "rẽ thúy chia uyên" để mình chen vào. Trong số đông người thích trò mua gian bán lận tình cảm trên thế gian này chắc chắn có anh chàng này. Trong số ít người không tin kiếp sau phải đền tội ăn lơ nói láo ở kiếp này, chắc hẳn cũng có anh chàng mất! Sớm Mai kêu thầm, cố mường tượng ra một gương mặt vô cùng xấu xí, đoạn bực bội đọc tiếp:

Sớm Mai - người dưng thương mến!

Ðầu thư tôi đã bảo rất vui nhận được thư em. Bây giờ lại cảm thấy vui hết nổi.

Sau đây là những cảm tưởng thật thà khi tôi đọc xong cái thư đi lạc của em mà số mệnh không oái oăm chút nào đã đưa đến tận tay tôi:

Cảm tưởng một: cái thư, có vẻ dở dang - Trang thứ ba còn trống một khoảng dài. Hẳn lúc đang viết em ngủ gục? Hay đang viết thấy mẹ đi chợ về bèn quẳn bút, ra giành giựt quà bánh với cậu em trai? Ôi, có cả một nghìn lẻ hai lý do vớ vẩn nhẹ hoặc vớ vẩn nặng để các cô bỏ dở những cái thư đang viết, bỏ dở những cuộc chơi trốn tìm tình yêu và các thứ vân vân.

Ngủ gục, giành giựt quà bánh? Tay này quả có óc siêu tưởng tượng! Thế có lần nào mi giành quà với nhóc Châu không? Có, vài chục lần, hồi còn nhỏ! Mai mỉm cười suýt đỏ mặt ngượng. Nhìn lui tới chỉ có một mình trong phòng bèn không thèm ngượng nữa. Nào, để xem anh ta còn vẽ rồng họa rắn thêm gì nữa?

Cảm tưởng hai: Tôi khá buồn lòng thấy em rời bỏ hàng ngũ "nữ thực như miêu" và có vẻ sẵn sàng nhập phe "nữ thực như hổ" - Các món ăn luôn được em nhắc tới rất thiết tha. Chưa đầy ba trang thư em đã nhắc đến ba món. Này nhé, em viết: Hai mùa thu đông trộn lại như cơm chiên trộn với hột gà vừa ngon, vừa bùi, vừa thơm thơm, vừa ... Con Cẩm Hương hứa cho em mượn cuốn "Những Bức Thư Tình Hay Nhất Thế Giới" rồi hắn nuốt lời hứa ngon ơ như nuốt kem ba màu. Ðậu phọng rang béo ngậy thơm tho, kỷ niệm mang về giấu kỹ trong ký ức hai đứa cũng sẽ thơm tho béo ngậy.

Thực phẩm là những dưỡng chất của trần gian. Nó đến với ta dưới trăm hình nghìn vẻ. Rất phong phú và rất quý. Nhưng than ôi, không nên bao giờ cũng nhắc đến chúng. Viết thư cho anh ấy, Mai cứ gọi tên thực phẩm bốn mùa như vậy, chàng dễ nghĩ em là người ham ăn ham uống. Không nên, rất chi không nên. Xin can em nhé!

Cảm tưởng thứ ba: Em nói trạng một cây xanh rờn. Nếu có cuộc thi nói trạng chắc em sẽ đoạt giải xuất sắc đấy - Rằng, mỗi lần lòng anh đổi màu Sớm Mai đều thấy cả. Nếu có quyền hành em sẽ ra lệnh cho thế gian diệt trừ thuốc lá. Hốt thuốc lá đổ xuống biển hết, hoặc tập trung tất thảy mọi kẻ ghiền khói lại, bắt mỗi người hút một điếu thuốc dài cả ngàn cây số...

Nói trạng là biểu hiện cao nhất của những tâm trạng thích cường điệu. Tật này các ngài trạng sư ưa dùng khi ra trước tòa binh vực, cởi trói cho thân chủ của mình ra khỏi những lời cáo buộc. Viết thư tình mà nói trạng, người nhận sẽ nghi ngờ em muốn chạy tội gì chăng? Không nên. Xin can nhé Mai!

Cảm tưởng thứ bốn: ở đoạn trên suy nghĩ chưa thật chín chắn tôi đã vội vã đồng ý với em là trong mỗi chúng ta đều có lắm con ma nhỏ. Giờ nghĩ kỷ lại tôi không thèm đồng ý với em nữa rằng thì là, em quả có óc tưởng tượng mê tín khi viết: lúc đói bụng là bị con ma đói nó hành, khi khát nước bị con ma khát hành... Bây giờ em mới biết ngoài những con ma kia còn có con ma nhớ nữa!

Tưởng tượng dễ đi đôi với mê tín lắm. Nếu cứ tưởng tượng riết sẽ thấy chẳng có gì thực nữa hết. Tất thảy đều là ma quỷ cả. Thư cho chàng, em tưởng tượng kiểu đó có khi chàng sẽ nghĩ mình cũng là một con ma. Ma cà bông chẳng hạn. Thôi chớ nên. Xin can em nhé!

Sớm Mai nắm bàn tay nhỏ nhắn thành quả đấm nhỏ nhắn đập xuống chiếu khe khẽ. Hết ham ăn đến nói trạng rồi thì mê tín. Lếu láo thật. Anh ta chắc thuộc loại hẹp bụng, bụng lép in con tép, suốt đời không thèm khen ai lấy một tiếng? Ai mượn đọc thư của người ta cơ chứ! Ðọc rồi phân tích, bình luận quàng xiên, méo mó quá thể. Ui, ước chi nhà ngươi hiện ra cho ta bợp tai vài cái cho đỡ ức! Ám ức là vậy, nhưng Mai không thể không tiếp tục cúi xuống trang thư với nỗi tò mò còn rất đầy đặn:

Với bốn cảm tưởng trên, tôi có thể tạm kết luận rằng, Sớm Mai rất đáng yêu nếu bớt ham ăn một chút, bớt nói trạng một chút, và bớt mê tín một chút.

Chúc vui. Chào tạm biệt!

Trời đất! Không vĩnh biệt luôn cho rồi còn tạm! Cả nhập đề, thân bài, kết luận đều ba trợn. Lá thư là sự tổng hợp ồn ào của giọng điệu vu khống, sự phóng đại tô màu, bóp méo sự thật, cố tình châm chọc trắng trợn. Anh ta có mối thù gì với mình chăng?

Không cần soi gương Sớm Mai cũng thừa thấy dung nhan mình đang rầu héo pha phẫn nộ ra sao. Chưa biết nên thở dài hay thở ngắn, bất giác Mai bỗng nhoẻn miệng cười một nụ cười tươi hết cỡ khi đọc thấy chũ ký ngoằn ngoèo - Chữ ký thôi, chẳng thấy tên - thêm dòng tái bút:

Ðừng tin những gì đã đọc ở trên. Thỉnh thoảng tôi thích nói ngược lại những gì mình nghĩ cho... đỡ buồn. Tôi đang buồn. Buồn rất thật tình và rất hết mình. Vì, nhân vật mà em âu yếm gọi là anh trong thư không phải tôi! Bức thư dù hãy còn dang dở của em thuộc loại dễ thương nhất thế giới! Sao, phổng mũi chứ?

Phổng mũi? Không, chưa đến nỗi phổng mũi lắm. Nhưng Sớm Mai cảm tưởng đang khát cháy cổ bỗng được uống ly nướt mát rượi. Ỡm ờ thật. Nói xấu, chê ỏng ẹo người ta, lên mặt thầy đời dạy dỗ, can ngăn người ta đủ điều rồi đính chính tỉnh queo! Hóa ra anh ta cũng không đến nỗi hồ đồ, bất lịch sự lắm.

Có thật anh ta đang buồn? Có trời hoặc đất họa may biết anh ta buồn thật hay buồn giả. Nhưng anh ta là ai? Quen hay lạ nhỉ. Có khi nào anh Ðạt bày ra cái trò hồi âm quỷ quái này để trêu mi không?

Ví dụ, hôm ấy tình cờ thấy cửa phòng mi bỏ ngõ, anh ấy bước vào, thấy mi viết thư cho bồ, anh ấy bèn tịch thu, đọc rồi phịa ra một "bài" trả lời viết bằng tay trái để mi không nhận ra tuồng chữ? Không, có lẽ không phải. Bởi vì, chẳng hiểu sao dạo này nom anh Ðạt lạ lạ, kỳ kỳ sao ấy. Suốt ngày không tìm thấy một nụ cười trên vẻ mặt trầm tư, làm sao anh ấy còn hứng để đùa!

Hễ đi thì thôi, về đến nhà là Ðạt rút vào phòng im lìm hệt một nhà tu kín. Bé Châu hoặc Sớm Mai lỡ làm ồn chút xíu, Ðạt lại gắt ôm lên. Có hôm Mai ái ngại bảo mẹ:

Mẹ thấy anh Ðạt dạo này có cái gì khác thường không? Con thấy anh buồn buồn sao ấy!

Mẹ cười:

Hắn buồn à, đâm ra ít nót à? Thì nhà đỡ ồn chứ sao! Nội mi và thằng Châu họp lại đã thành cái chợ nhỏ.

Hơn nữa kia. Có hôm con thấy anh ấy ra bến ngồi chóc ngóc, cú rũ, bất động in pho tượng. Ngồi và cứ đăm đăm nhìn xuống mặt sông như chờ con rồng hay con thuồng luồng gì nổi lên để rước anh đi du lịch ấy.

Mẹ dí ngón tay trỏ vào trán Mai nạt khẽ:

Mi ăn nói chi giống ma nhập thế?

Chưa hết. Ai đời anh mang võng ra mắc giữa hai cây cau, không phải ngủ mà nằm lẩm bẩm nói huyên thuyên như đang trò chuyện với ai. Mùa đông ai lại ra nằm ngoài vườn, có họa là điên! Nhóc Châu còn mét với con có đêm hắn thức dậy đi tiểu...

Mẹ đổ quạu, ngắt lời:

Lại nói bậy nói bạ, tao hớt cái mỏ mi bây giờ.

Mai cười, không buồn câu đe của mẹ bằng ngán vẻ lầm lì của anh Ðạt.

Hết chín mươi chín phần trăm cái gọi là "hồi âm, để lâu sợ nguội" không phải trò đùa của anh Ðạt. Vậy của ai? Sớm Mai suýt đưa tay bóp trán, nắn cằm, vuốt chót mũi tiếp tục suy nghĩ, thốt nhớ mẹ sắp về, cơm chưa nấu, đành vui vẻ buông tiếng thở ngắn, giấu kỹ cái thư dưới gối, mở cửa, tất bật đi như chạy ra nhà sau.

oOo

Bảo là lần thứ một trăm thì hơi quá. Chừng chín chục lần Huy toan đi vào nhà Sớm Mai rồi cứ ngập ngừng dừng lại, cứ nghe tim đập dồn, chân nặng nề không cất bước nổi.

Dưới tán dừa lả ngọn sát hàng rào khu vườn bên kia đường xéo cổng nhà nàng, chàng đứng chôn chân bên chiếc xe đạp lòng dạ bồn chồn như thể có bàn tay phải gió nào chốc túm lấy ruột vò từng khúc.

Mưa tha hồ lất phất bay xiên bay xéo. Lá tha hồ rụng ngả nghiêng. Cổng nhà nàng cứ đóng im ru bà rù. Chàng hết hy vọng nàng sẽ từ ngõ bước ra, đến ngong ngóng ngó xuôi trông ngược thắc thỏm mong nàng đi đâu đó về bất thần xuất hiện.

Cái lạnh ngoàin trời chẳng thấm tháp gì với cái lạnh trong tưởng tượng. Nếu bây giờ vào nhà, nàng ngoảnh mặt làm ngơ hoặc không gặp được nàng mà đụng phải một ai đó trong nhà hẳn chàng sẽ lạnh đến ná thở mất!

Những mẫu thuốc tàn ném dưới chân rã dần theo nước mưa, trên môi lại nối tiếp những điếu khác đốt liên tục. Hút một chặp, Huy cảm tưởng mình là ống khói của con tàu đang mắc kẹt ở sân ga, chờ giờ khởi hành chưa biết bao giờ mới tới. Con tàu với mỗi cái toa duy nhất chở nỗi bâng khuâng chẳng rõ màu xanh lơ hay ngã xám. Toa tàu chính là tâm hồn Huy đang để ngỏ cho thênh thang gió lùa.

Thỉnh thoảng vài người bộ hành ngang qua. Người mà Huy cho có duyên là nghững người nhìn thẳng bước đều. Kể vô duyên cứ soi mói nhìn chàng làm Huy bối rối, cúi xuống vờ săm soi chiếc xe đạp như thể nó bị tuột sên hay xẹp lốp gì ấy.

Nhớ gần rồi hóa nhớ xa. Một lúc nào đó Huy thốt nhớ câu ca dao: Thương em chẳng dám vô nhà. Ði ngang trước ngõ hỏi gà bán không! Huy phân vân tự hỏi cónên làm theo câu ca dao nghịch ngợm này không nhỉ?

Ngập ngừng nửa muốn bước, nửa chôn chân. Phân vân cới câu ca hỏi gà hỏi vịt. Cứ thế, có lẽ anh chàng âm thầm "mọc" bên đường cho đến tận sáng đêm nếu không tình cờ gặp nhóc tì Châu.

Khúc đường đang yên ả bỗng náo động cả lên. Từ hướng chợ, bầy trẻ tan học về tung tăng đứa chạy đi men theo vệ cỏ, cười nói, chòng ghẹo nhau ỏm tỏi. Ðang héo rũ tựa cái cây khô nước, Huy chợt sáng mắt sáng lòng ngay khi thấy một bé trai rẽ bầy xăm xăm bước vào nhà Sớm Mai. Huy cười xởi lởi:

Em là em của chị Sớm Mai hở?

Châu nghiêng đầu vuốt cái nhìn chầm chậm từ đầu đến chân Huy, nhã nhặn:

Ðúng rồi. Là em, chứ sức mấy là anh của chị ấy.

Giọng nói không giốnglắm, còn đôi mắt - Trời ạ, đất ơi! - Giống mắt nàng đến nỗi chạm phải cái nhìn đầu tiên của thằng nhóc, Huy lập tức nghe lòng mất thăng bằng.

Sớm Mai có nhà không em?

Buột miệng rồi thấy mình ngốc quá. Thằng nhỏ đi học làm sao biết được chị nó còn ở hành tinh này hay có khi đã dời sang hành tinh khác? Châu lắc đầu:

Không biết. Trước lúc em đi học chị ấy còn ngủ.

Lạy Phật, thế thì nàng chưa đến nỗi mất tăm tích. Huy run giọng:

Chắc chứ?

Châu nheo mắt dí dỏm:

Chắc mà. Lúc ông phát thư đến đưa cái thư em ném thư vào cửa sổ cho chị ấy, chị vẫn còn ngáy o, o, ò mờ!

Huy bật cười thành tiếng rồi bất giác ngậm miệng mím môi, bất giác ngây người tựa vừa nuốt phải cái đòn gánh. Cái thư! Huy chợt nghe có nỗi gì thuốn dọc sống lưng, nghe khí hậu trong người không dưng đổi khác, oi không oi, nồng chẳng ra nồng, lạnh cũng cóc phải lạnh. Ai gửi thư cho Mai nhỉ? Huy thầm mong mình vừa nghe lầm:

Có đúng là thư của Mai không em?

Bé Châu lạ lùng nhìn gã trai cao lênh khênh, gầy guộc như cây sậy, xa lạ vì mới gặp lần đầu, thầm hỏi anh ta là ai mà thích gạn hỏi kỹ thế. Cậu bé cười mĩm:

Tên chị ấy viết rõ ràng trên bì thư.

Huy cố nén hồi hộp:

Và tên người gửi?

Không thấy ghi.

Thôi đủ rồi! Thết là rõ rồi. Huy thở liền một lúc hai cái thở dài kèm ba cái thở ngắn. Chắc cả tuần nay mãi chơi trò thư đi tin lại, tìm bạn bốn phường, tham gia câu lạc bộ làm quen khỉ gió gì đấy với ai, nên đi học Sớm Mai cứ căng một đường ngắm thẳng băng từ nhà đến trường, từ trường về nhà, mình có kêu đến khản cổ cô nàng cũng cóc thèm liếc mắt hay quay đầu ngó lại. Mùa đông lạnh một, "bé của Huy" lạnh mười.

Thấy mặt chàng trai lúc đỏ lúc trắng bệch nom kỳ quá, Châu e dè hỏi:

Thế còn anh, anh...

À, anh là bạn của chị Sớm Mai!

Cậu bé nghinh mặt ra vẻ sành sỏi:

Bạn sao anh không vào nhà chơi lại đứng đây?

Huy lúng túng đáp lại:

Anh sợ bị chó cắn.

Con chó nhà em hiền lắm. Con mèo Tam thể cưng của chị Mai mới dữ nhưng hắn bị xe cán chết rồi, chị khóc sưng cả mắt. Anh vào nhà nhé?

Huy xoắn mười ngón tay vào nhau như muốn bóp nát sự e dè chết tiệt lúc nào cũng đeo bám lấy mình in chiếc bóng.

Phiền em vào nhắn Sớm Mai ra cho anh gặp một chút, có chuyện gấp lắm.

Châu tròn xoe mắt tò mò:

Gấp à?

Huy sốt ruột:

Ờ thì ... cũng không gấp lắm đâu. Bảo Mai ra liền nhé.

Cậu bé khẽ tung tẩy chiếc cặp sách trên tay như muốn bảo chẳng có gì phải gấp vội cả.

Anh tên là gì nhỉ?

Huy!

Anh ở đâu?

Qua khỏi Ðập Ðá một đoạn.

Châu quay nhìn chiếc xe đạp Peugeot mới cáu cạnh:

Chà, anh có cái xe đạp hết sẩy.

Ờ, ờ...

Anh đến đây lâu chưa?

Hơi lâu rồi!

Châu ngước nhìn cái mũ bêrê:

Mũ anh ướt rồi kia, lấy xuống vắt bớt nước đi cho đỡ lạnh.

Huy kiên nhẫn lấy cái mũ xuống vặn xoắn rồi giũ giũ đội lên đầu. Nóng lòng muốn chết, nhưng tính vốn điềm đạm, Huy không dám thúc giục thằng nhỏ, Châu tiếp tục nhởn nha:

Anh học trường nào?

Anh học mỹ thuật, học vẽ ấy!

Mai mốt anh vẽ cho em một tấm tranh để treo trên bàn học được không?

Ðược, dư sức, nhưng bây giờ em vào nhắn giùm Sớm Mai cái đã, anh hứa, một chục bức anh cũng vẽ.

Ðủng đỉnh mở chốt gài cổng. Châu vào khuất sau bức bình phong đắp nổi hình con hổ xanh xỉn màu rêu phong cổ kính, dưới chân bình phong hàng chuối tây trổ hoa đỏ chói. Huy kêu thầm, đúng là chị nào em nấy! Thằng nhóc cũng lắm chuyện y như Sớm Mai. Cà rà chút xíu nữa hắn dám hỏi tới mình bao nhiêu tuổi, nặng mấy ký, con ai, mỗi bữa ăn mấy chén cơm lắm!

Năm phút rồi mười phút dài đăng đẳng trôi qua mới thấy Châu quay ra thủng thẳng bảo:

Chị Mai bảo anh nói xạo. Chị không có bạn nào tên là Huy cả. Chị mắc bận nấu cơm không ra được.

Ðất dưới chân cơ hồ sụt lở. Trái tim trong ngực chàng trai cơ hồ là cái trái chín cây chỉ dính với cành có mỗi chiếc cuống nhỏ xíu. Trái tim đong đưa tưởng chừng sắp rụng, sắp chui tọt qua hoành cách mô xuống ở chung với bộ tiêu hoá! Tráo trở đến vậy là cùng, bạn thân bạn thương không biết để đâu cho hết giờ bảo là người dưng. Quá quắt đến thế là hết ý. Người ta đã cất công đến tận cổng nhà như Lưu Bị đến xin bái kiến Khổng Minh thế này cũng chẳng thèm ra. Chuyến này nên giận đúng ba tháng cho bõ ghét chẳng? Ui, cái món võ giận võ lẫy thi triển hoài có lẽ đã đến lúc nhàm rồi. Dạo này không biết cô bé uống phải thuốc Mường thuốc Mán gì mà gồng mình quá! Lỳ quá! Huy nhăn mặt:

Mai đùa đó, đừng tin, đúng anh là bạn của chị em mà.

Nhìn vẻ buồn rất tàn thu của chàng trai, Châu áy náy gắt khẽ:

Anh kỳ ghê, đã là bạn thì cứ vào nhà gặp chị ấy đi. Em ấy à, đến nhà bạn là chạy ào vào, khỏi cần nhắn gửi ai hết. Không vào hả? Thì anh cứ đứng cho tới tối, em phải vào kiếm cái gì bỏ bụng mới được, giờ này mà cơm chưa chín, rõ chán!

Thấy cậu bé dợm quay lưng bước đi, tựa người sắp chết đuối trên cạn. Huy chụp vội tay Châu níu lại, thoáng ngẫm nghĩ, đoạn nói giọng dụ khi:

Anh tính rủ Mai đi ăn bánh bèo bánh nậm. Cô ấy làm phách không đi, thôi bây giờ mời em nhé. Em tên gì nhi?

Châu! "Bà" Mai chuyên môn gọi em là nhóc tì Châu, thấy ghét!

Hình ảnh những chiếc bánh nậm nóng hổi vừa thổi vừa ăn bật sáng trong trí. Châu thèm muống chết còn làm bộ từ chối:

Thôi, ăn bánh rồi bỏ cơm chị Mai la chết!

Thì ăn in ít thôi. Ăn nửa bụng thôi. Ði nhé!

Chẳng xa xôi gì. Huy đèo Châu đi một quãng ngắn bằng khoảng cách từ cùi chỏ tới bàn tay là tới cái quán ẩn mình sau tàn trứng cá sum suê.

Quán đông khách. Nhìn những đôi cặp âu yếm bóc lá, chia bánh mời nhau ăn, Huy nghe tủi thân như vừa bị tước quyền được bóc lá mời bánh. Không Sớm Mai, Huy đành âu sầu thực thi cái quyền ấy với nhóc Châu vậy.

Bánh nậm, trước hết phải ăn bằng mắt. Lớp lá nóng hổi vừa bóc ra lồ lộ miếng bột trắng nõn mỏng dính quyện lấy giải tôm chấy lấm tấm màu hồng điểm lơ thơ vài miếng hành lá tươm mỡ béo ngậy. Chén nước mắm chanh tỏi cồm cộm những miếng ớt xanh xé nhỏ ngửi thấy tức khắc nghe nước bọt tươm ứa ra chân răng.

Trong khi Huy bận thưởng thức bánh bằng mắt trước khi ăn bằng miệng thì Châu chẳng thèm khách khí đã "hóa kiếp" gần sạch nữa dĩa bánh. Nhìn Châu ăn ngon lành Huy phát thèm. Huy nhỏ nhẽ nhai nuốt bởi cảm thấy có cái gì cứ nghèn nghẹn trong cổ.

Sau một tá bánh nậm, hai dĩa bánh bèo. Châu vừa hít hà vì ớt cay vừa nói vui:

Ý chết! Bánh ngon quá em quên chừa bụng để ăn cơm. Còn anh sao ăn nhin nhín như con gái thế?

Huy nói mà như đùa:

Không có Sớm Mai anh ăn không ngon.

Thật à? Còn em, có chị ấy em ăn càng lẹ, vì chậm là thua chị mất.

Cả hai cùng cười. Giọng cười Châu trong veo. Giọng cười Huy đùng đục. Ngập ngừng chút đỉnh, đoạn Huy "móc" lá thư nãy giờ cứ trôi lui tới, làng đãng hoài trong trí ra:

Này, chiều nay Mai mới nhận được thư à?

Lại thư! Quanh đi quẩn lại cũng chỉ mỗi chuyện cái thư. Mình quên mất tiêu rồi, sao anh Huy nhớ dai quá nhỉ? Thư với từ đâu có ngon như bánh nậm bánh bèo mà hỏi hoài hỏi hủy thế? Anh Huy bị ma nhập rồi chăng? Châu khẽ chun mũi:

Thật chứ! Bộ cái thư ấy do anh gửi à?

Huy định lắc đầu rồi bỗng gật đại:

Ờ, thế Châu thấy Mai có hay nhận thư không?

Cảm thấy không còn hứng thú lắm để tiếp tục trò chuyện với nhóc tì Châu, nhưng Huy cũng chưa muốn chia tay vội. Không gặp được nàng, nhìn cặp mắt sóng mũi, cái miệng chum chúm của cậu em hao hao giống, từa tựa in nàng, chàng cũng thấy đỡ nhớ phần nào. Châu không hiểu ẩn ý ấy, mỗi lần thấy Huy đau đáu nhìn mình, thằng nhóc cứ lảng mắt ra chổ khác.

Bụng gần căng cứng, cậu bé còn thòm thèm, bèn gắp cái bánh bèo mem múp chấm nước mắm cho vào miệng nhai từ tốn. Thấy anh Huy chợt buồn thiu buồn chảy, Châu muốn buồn theo, nhưng không quen buồn nên không buồn nổi. Châu nghĩ nên nói chuyện cho anh Huy... đỡ buồn.

Nói chuyện thư em bỗng sực nhớ. Một hôm không biết chị Mai viết thư cho ai rồi để lạc đâu mất, cứ khư khư bảo em "thộp cổ" chúng xếp làm thuyền giấy.

Giọng cậu bé thỏ thẻ nghe khá êm tai, êm tim, Huy lại nghe có cây kim nào vụt châm chích trên da mặt. Hôm nay xuất hành không coi giờ, bị sao quả tạ chiếu ngay cung "thê thiếp" hay sao ấy! Vừa được tin cô bé nhận thư của tay cha căng chú kiết nào đó nửa hồn Huy đã hóa dại hóa khờ, giờ thêm tin cô bé viết thư cho tay chú kiết cha căng nào nữa, phần hồn còn lại của Huy e xiêu vẹo hay đổ sụp!

Mai viết thư cho ai nhỉ! Trong khi mình mong dài cổ không có lấy nửa chữ. Xấp giấy, xấp bì thư, xấp tem đưa cho cô bé thế là tiêu diêu sang hướng khác, lạc sang địa chỉ khác mất rồi! Thèm hút thuốc nhưng Huy không dám hút, ngại bật quẹt châm thuốc mình sẽ bắt lửa và nổ tung mất. Cả người Huy giờ nén chặt nỗi ghen tương giống chất nổ dồn nén trong quả mìn vậy. Vờ tỉnh như không, Huy hờ hững góp chuyện:

Sớm Mai lẩm cẩm quá nhỉ? Thư để lạc mất lại đổ thừa cho người ta.

Châu thấp giọng:

Em nói nhưng anh để bụng đừng kể cho chị Mai nghe nhé. Hôm ấy thấy mấy tờ giấy rơi giữa sàn, em tưởng giấy bỏ bèn lấy xếp thuyền chơi. Lúc chị ấy hỏi, sợ quá em chối biến. Nào, ngoéo tay đi, anh hứa đừng kể lại nhé!

Huy uể oải đưa ngón trỏ ngoéo lấy ngón tay nhóc tì Châu vừa đưa ra:

Bộ Châu sợ Mai lắm hả?

Không sợ bằng sợ anh Ðạt.

Anh Ðạt thì sao?

Anh Ðạt là ông tướng trong nhà. Nghiêm lắm. Cả chị Mai và em đều ngán. Có chuyện bực mình hả, anh Ðạt không chỉ bợp tai mà còn tặng thêm cái đá đít nữa cho đủ cặp.

Huy thở phào nhẹ nhõm. Mình thật có lý. Lúc nãy nếu đường đột vào nhà cô nàng, xớ rớ gặp phải tay Ðạt không chừng đã nhận đủ một "cặp". Bữa nay ngỡ xui hóa ra cũng còn hên! Thấy Huy không dưng mỉm cười, vẻ mặt bỗng tươi tỉnh, nhóc Châu thấy hơi mên mến anh chàng chị mình không muốn nhận là bạn. Nhìn mông lên tàng cây trứng cá lại ngắm dĩa bánh bèo còn vài va cái thưa thới. Châu kể tiếp:

Anh Ðạt thường ngày đã nghiêm, lúc này càng nghiêm hơn. Tối ngày em chẳng nghe anh ấy nói tiếng nào. Có đêm nửa khuya thức dậy ra vườn đi tiểu, tình cờ ngang qua phòng anh ấy còng sáng đèn, em tò mò nhìn qua khe cửa và, sợ muốn chết luôn...

Cậu bé bỏ lửng câu nói, thích thú nhìn vẻ chăm chú bất chợt của Huy, Huy bỏ nhỏ:

Bộ em thấy cái gì ghê lắm sao?

Châu gần như thì thầm:

Em thấy anh ấy ngồi trước một bát hương cắm cây hương tỏa khói và hai ngọn nến, sau hai ngọn nến là tấm ảnh của ai đó lồng trong khung kính em không nhìn rõ. Anh Ðạt lầm thầm nói như là đang đọc kinh hoặc trò chuyện với ai. Em định vào kêu chị Mai dậy cùng xem nhưhng vì hồi hộp và sợ quá, lật đật vấp nhằm cục gạch ngã dúi. Nghe tiếng động, đèn trong phòng tăt phụt và anh Ðạt đóng chặt hai cánh cửa sổ lại.

Huy nghe ơn ớn dọc sống lưng:

Thật chứ? Không lẽ anh ấy luyện bùa ngải. À, à, phải rồi, chắc là luyện võ thần quyền.

Có bao giờ em thấy ánh ấy múa võ hay đi quyền gì đâu?

Thôi, bỏ chuyện anh Ðạt đi, nói chuyện Mai hay hơn. Thế dạo này em thấy Sớm Mai thế nào? Vui hay buồn?

Châu trả lời thật thà quá làm Huy thất vọng:

Vui! Chị ấy hát tối ngày. Bài nọ xọ bài kia, có khi làm anh Ðạt gắt om lên.

Con gái là vậy đấy! Chẳng thèm buồn một chút cho người ta yên lòng, mát dạ. Nhận thư. Viết thư. Hát tối ngày. Thế mà suốt tuần nay mi cứ ngỡ cô nàng âu sầu đến tàn tạ nhan sắc, khô héo dung nhan, sụt ít nhất vài ba ký.

Suốt tuần, mi - cái thằng khờ khạo khù khờ khật khùng khốn khổ - cứ loay hoay tưởng tượng rồi soạn ra giấy, học thuộc lòng cơ man nào lời hay ý đẹp để hễ gặp là điềm đạm "mở máy" vuốt giận làm lành.

Rằng từ nay nếu có đang đi với bất cứ ai, kể cả ông nội lẫn bà ngoại chết rồi thình lình sống dậy, thấy bé đi ngang qua anh sẽ ba chân bốn cẳng chạy ra níu xe lại, gọi tên Mai đến lúc Mai can mới hết gọi.

Rằng mỗi tuần hẹn gặp mặt một lần anh thấy lâu lắc quá. Từ nay gặp nhau hàng ngày đi. Anh thề sẽ thôi mắc cở, tự thắng e dè, siêng năng in con ong đưa đón bé hàng ngày, để bé không còn lẻ loi giữa bao đôi cặp dập dìu đi đi về về nhởn nhơ dòng áo trôi theo nắng, lướt theo mưa.

Rằng bé biết không? Mấy hôm nay anh ít ăn ít uống làm mẹ ít ăn theo. Anh buồn làm mẹ buồn lây. Mẹ buồn anh chừng nào anh nhớ Sớm Mai chừng nấy. Anh phác thảo nỗi nhớ ra giấy và, bé hiện ra trong cả chục bức chân dung. Cái nào mẹ cũng khen con bé trong tranh đẹp hơn mẹ thời con con gái. Mẹ luôn cưng chiều, nâng anh như nâng trứng, hứng anh như hứng hoa. Mẹ luông coi anh là kim cương, bảo ngọc, là "thiên tài" của bà. Còn em, em thấy anh ra sao?

Rằng vân vân và vân vân. Huy buồn bã cắt ngang dòng hồi tưởng:

Vậy mà anh cứ ngỡ Mai buồn lắm chứ!

Cứ thế, câu chuyện lan man nối dài từ giờ hợi sang giờ tý, nhóc tì Châu uống hết nửa bình chè xanh vì ăn bánh lỡ húp nhiều nước mắm quá. Lúc chia tay Châu không quên nhắc anh Huy về vẽ cho hắn ta một bức tranh tuyệt đẹp để treo trên bàn học, Huy điềm đạm hỏi:

Em muốn anh vẽ tranh gì nào? Cảnh, người, hay chim hoa bướm chuột?

Thằng nhóc ngớ ra đúng một phút rưỡi rồi chật lưỡi:

Chậc! Tranh gì cũng được, miễn đẹp thôi anh Huy!

Chân dung chị Mai của Châu nhé?

Chấu rối rít xua hai tay:

Thôi, thôi, treo "bà" Mai trước mặt em học bài lâu thuộc lắm.

Sao vậy?

Vì cứ nhìn chị ấy em sẽ tự hỏi chị Mai nấu cơm chưa, đói bụng thấy mồ rồi đây nè!

Cả hai cùng cười. Giọng cười nhóc tì Châu đầy đặn. Giọng cười Huy meo méo. Huy thèm sự hồn nhiên của cậu bé ham ăn này quá. Ước chi thằng nhóc xuất kho hồn nhiên của hắn chia cho Huy chừng một phần trăm!

Châu vào khuất trong nhà rồi, Huy còn đốt thuốc đứng trước cổng nhà nàng. Hơn mười lăm phút con tàu mới rời khỏi sân ga. Con tàu chỉ có mỗi toa duy nhất chở nỗi bâng khuâng còn nguyên như lúc đến.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top