Khóc một mình

Khóc một mình

TRẦN ANH ĐÀO

Nàng ra khỏi lớp học ban đêm sớm hơn một tiếng đồng hồ bởi nàng đói; tan sở làm nàng phải chạy ngay vào lớp, không kịp ăn gì cả. Nàng định rủ ai đó đi cùng với nàng, nhưng lại nghĩ nếu bây giờ mà gọi đứa bạn nào thì ít nhất 30 phút nữa mới gặp nhau và thêm 30 phút nữa mới có thể bắt đầu ăn, nàng không thể chờ được nữa.

Nàng chạy xe về hướng trung tâm Sài Gòn theo thói quen và chợt nhận ra mình đang thả dốc đường Đồng Khởi. Dọc con đường này không có quán ăn bình dân mà nàng lại đang sợ một mình bước vào quán bình dân, sợ sự xô bồ, náo nhiệt nơi đó sẽ không có chỗ yên ổn cho cái tật vừa ăn vừa đọc sách hoặc suy nghĩ của nàng. Nàng nghĩ đến số tiền trong túi và tự tin có thể vào bất cứ nhà hàng sang trọng nào trên con đường này, vì nàng chỉ có một mình, lại ăn ít mà hôm nay nàng vừa lãnh lương.

Nàng dừng xe trước nhà hàng B. Nhà hàng này không xa lạ với nàng vì khi chưa có chồng nàng vẫn thường vào quán này, lúc nó chưa sang trọng như bây giờ nhưng đồ ăn Tây thì ngon tuyệt. Nàng gọi cho mình món súp kem gà và món salad trộn mà nàng thích.

Trong khi chờ dọn món, nàng quan sát những thực khách xung quanh. Chiếc bàn trước mặt nàng có hai mẹ con ngồi, cô con gái nhỏ còn mặc bộ đồ đồng phục đi học, qua câu chuyện loáng thoáng của họ nàng biết hai mẹ con ghé vào đây ăn, chờ đến giờ để đi đón anh của cô bé. Nàng nhớ đến đứa con trai.

Hôm nay là ngày nàng đi học, nó đang ở với ba. Nàng ước gì có nó ở đây để nàng sẽ cho nó ăn bất cứ món gì nó thích. Nhưng thằng bé giống nàng, cái ăn đối với nó hình như không quan trọng, chẳng bao giờ thấy nó bảo thèm gì.

Nàng tìm kiếm một tờ báo hay tạp chí nào đó để đọc trong khi ăn nhưng không thấy, rồi ánh mắt nàng dừng lại ở chiếc bàn đối diện, bắt gặp người mẹ đang chăm chút đút muỗng thức ăn cho con gái. Động tác của chị thật trìu mến. Đến lượt đứa bé lại múc một muỗng thức ăn của mình cho mẹ ăn. Nàng thấy nhớ con đến quặn lòng vì hai mẹ con nàng cũng thường chơi trò chơi này.

Một giọt nước mắt của nàng rơi xuống đĩa súp sánh đặc như bột em bé, tạo ra một vết lõm giống như một vết rỗ trên một làn da mịn màng, rồi hai giọt, ba giọt... Nàng lén chùi nước mắt và nhìn lên xem có ai bắt gặp nàng đang khóc hay không. Trời ơi, giá như có gì để đọc nàng sẽ không rơi vào tình trạng này.

Cuối cùng nàng cảm thấy no dù mới chỉ ăn được mỗi thứ một nửa. Nàng không muốn cố vì sợ vô cùng cái cảm giác phải cố ăn một thứ gì. Nàng nhớ đến những lần đi ăn chung với chồng, lúc gọi món ăn bao giờ nàng cũng được chồng nhắc nhở: "Em ăn hết không đó?".

Nàng khựng lại, rồi bảo chồng: "Vậy thôi, anh cứ gọi món anh thích đi, em ăn phụ với anh". Chồng nàng hài lòng vì điều đó, anh vui vẻ gọi vài món mà anh khoái khẩu, yên tâm nó sẽ không thừa vì đã có nàng ăn phụ, nhưng khốn nỗi những món đó nàng lại không thích. Mặc kệ, nàng ăn cho qua cơn đói, bữa ăn đối với nàng thế cũng xong.

Nhiều lần như vậy, nàng chợt nghĩ sao mình không chọn món mình thích và bảo chồng ăn chung với mình. Một lần nàng bảo: "Em gọi món này nhé?", "Ừ, em thích gì cứ gọi!", "Anh ăn chung với em nhé?", "Không! Em gọi thì ráng ăn cho hết, anh không thích món đó!". Nàng phân vân định thôi, nhưng hôm đó nàng muốn nổi loạn, cứ gọi món mình thích. Nàng biết anh không vui nhưng giả vờ không nhận ra.

Nàng thích thú được ăn món mình thèm, bất kể sự không hài lòng của chồng. Nhưng nàng ăn mới phân nửa đã cảm thấy quá no, dù rất ngon miệng. Nàng định uống nước, kết thúc bữa ăn nhưng khi bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của chồng lướt nhanh qua đĩa thức ăn thừa, nàng đâm chột dạ. Nếu hôm nay nàng ăn không hết thì những lần sau khi đi ăn với chồng, nàng sẽ không còn tự tin để gọi cho mình món nàng ưa thích.

Thế là nàng quyết định ăn tiếp, cố nhồi nhét, cố ém chặt thức ăn vào cái bao tử bé xíu bệnh hoạn của nàng. Cuối cùng nàng cũng giải quyết xong cái đĩa của mình, cố không chừa chút gì dù là một cọng rau trang trí. Chồng nàng lại liếc qua đĩa của nàng, gương mặt anh đã giãn ra chút xíu. Nhưng trên đĩa của chồng nàng, thức ăn vẫn còn dư vì không có nàng ăn phụ. Anh có vẻ sượng sùng. Chỉ cần vậy nàng đã đủ hả hê vì chiến thắng. Nàng cười khoái trá trong bụng.

Tối hôm đó về nhà, nàng cảm thấy khó chịu đến mức không chịu nổi. Nàng vào toilet, móc họng nôn ra bằng hết không chừa lại một thứ gì. Nàng vừa ói, vừa khóc nhưng cố nén tiếng khóc. Nước mắt là vũ khí lợi hại của đàn bà khi muốn làm mềm lòng đàn ông nhưng điều đó không đúng với trường hợp của nàng.

Chồng nàng không thích thấy nàng khóc, vì điều đó chứng tỏ nàng buồn chán điều gì hoặc nàng không hài lòng điều gì ở anh, trong khi theo anh thì nàng đang có những thứ mà bao nhiêu người đàn bà khác ao ước; và luôn cho rằng nàng thật may mắn khi có một người chồng như anh. Từ khi sống với chồng, nàng tập cho mình thói quen khóc thật ít và cố nén chặt vào lòng nỗi thống khổ của mình.

Nàng từng tự hỏi mình có phải là một kẻ nhu nhược không, có quá lệ thuộc vào chồng không? Không! Nàng có công việc làm tốt ở một công ty nước ngoài, mức lương còn cao gấp mấy lương chồng, kiến thức của nàng đủ để tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội, ngoại hình của nàng đủ để bất kỳ người đàn ông nào cũng tự tin đi bên cạnh nàng.

Vậy nàng chẳng có lý do gì để sống nhu nhược như vậy, nàng có thể làm theo ý thích của nàng, ít nhất là chuyện ăn uống. Nhưng nàng đã xử sự nhẫn nhịn như vậy để mong được chồng đối xử với nàng theo cách mà nàng đối xử với anh. Nàng hi vọng một lúc nào đó chồng nàng sẽ thay đổi cách đối xử với nàng. Nàng đang tự cho mình một cơ hội để tình yêu của nàng đối với chồng còn ở lại trong tim mình.

Những lần sau khi đi ăn cùng chồng, nàng không chọn thức ăn nữa, để chồng tùy thích gọi món, xem ra chồng nàng hài lòng vì nàng đã học được bài học tiết kiệm và bài học phải biết làm theo ý anh, biết ăn đúng món anh thích. Suốt từ đó đến khi nàng và chồng ly dị, chưa bao giờ nàng có được những giây phút thoải mái khi đi ăn với chồng.

Vậy mà càng ngày anh càng nghiệt ngã với nàng hơn, có lần nàng gọi một món rau, chưa kịp ăn nàng đã nghe giọng nói vừa khinh khỉnh vừa hằn học của chồng: "Em khùng hả, vô nhà hàng sang trọng như vầy mà kêu rau xào, muốn người ta cười cho à? Sao ở nhà em không đi chợ mua chục bó rau về xào ăn cho đã!".

Nàng bỏ đũa xuống, nghiến răng để đừng bật khóc ở chỗ đông người và chỉ muốn hất đĩa rau vào cái gương mặt lịch lãm mà chỉ có nàng mới thấy sự giả dối, khắc nghiệt đến tàn nhẫn ẩn chứa phía sau. Nàng nhìn thẳng vào gương mặt ấy, chậm rãi nhả từng chữ một vừa đủ để chồng nàng nghe : "Anh thích ăn món khác còn em chỉ thích ăn món này, sao anh không cho em cái quyền được ăn món mình thích, trong khi em chưa bao giờ có ý kiến khi anh thích món gì?...".

Rồi nàng nghẹn lời, không nói nổi nữa khi đứa con ba tuổi của nàng gọi mẹ: "Mẹ ơi, đút cho con ăn đi mẹ!". Nàng quay sang cho con ăn để lấy lại bình tĩnh, cũng để ngăn dòng nước mắt sắp trào ra.

Từ hôm đó, nàng tìm cách từ chối đi ăn với chồng, thoái thác những buổi tiệc mời và cũng tìm cách tránh gần gũi với chồng. Những đêm buộc phải làm bổn phận người vợ nàng cảm thấy khủng khiếp vô cùng. Thấy nàng ngày càng lạnh nhạt chuyện chăn gối, chồng nàng càng ngày càng hằn học với nàng hơn cho đến lúc cuộc sống chung giữa anh và nàng chấm dứt.

Lý do tan vỡ của gia đình trẻ trong câu chuyện này hoàn toàn không hề nhỏ như những chi tiết được thể hiện. Sự độc đoán, ích kỷ, thói không quan tâm đến người thân cùng tính ti tiện... - những điều mà sẽ rất khó có người đàn bà nào chịu đựng nổi ở chồng mình - được diễn đạt quá hay trong từng chi tiết nhỏ, mới chính là các nguyên nhân quyết định, cứ thế chất chứa từng ngày để rồi bùng vỡ...

Truyện ngắn đầu tay của một cô thư ký giám đốc đang làm việc ở một công ty liên doanh nước ngoài tại TP.HCM này cho thấy nhiều tiềm năng trong tương lai. Chỉ cầu mong đây không phải là câu chuyện của chính cô...

N.Đ.T.

Nàng đã ngồi hơn hai tiếng đồng hồ trong nhà hàng chỉ để ăn một đĩa súp và một ít rau, trong khi quá khứ với nỗi ám ảnh trong những bữa ăn cứ hiện về không dừng lại được. Hôm nay nàng không còn cảm giác sợ hãi và do dự khi cầm cái thực đơn để chọn thức ăn cho mình, không còn cái cảm giác đau đớn, uất ức khi phải móc họng cho ói hết những thức ăn quá tải trong dạ dày hôm nào.

Lúc này nàng mới cảm nhận được sự tự do mà nàng đang có, dù để đổi được nó nàng đã phải trả giá quá đắt, phải xa đứa con yêu của nàng. Cái tự do mà hôm nay nàng có không phải là mục đích của đời nàng, nhưng nàng không thể chịu đựng nổi cuộc sống đã trải qua.

Nàng và chồng nàng ly dị nhanh đến nỗi những người thân thiết nhất của họ cũng không hề hay biết. Dĩ nhiên không phải chỉ vì chuyện ăn uống mà đem nhau ra tòa ly dị. Nàng không ân hận, không tiếc nuối, nàng cũng chưa bao giờ nghĩ là tình yêu của nàng và cuộc hôn nhân đó là sai lầm, sai lầm sao được khi nàng đã yêu người đó gần năm năm trời - suốt cả thời thiếu nữ của nàng - rồi mới đi đến hôn nhân, và nàng đã sống cùng người ấy thêm tám năm nữa. Mười ba năm không phải là mười ba ngày hay mười ba tháng để bảo rằng nàng vội vã hay nhầm lẫn trong tình yêu...

Giọng nói dịu dàng của người phụ nữ ở bàn đối diện đã kéo nàng về thực tại: "Con ăn nữa không?", "Dạ không, con no rồi mẹ!", "Thức ăn không ngon hả con, thôi bỏ đi đừng ráng. Bây giờ mình đi đón anh hai nghe?", " Dạ, đi mẹ".

Nàng chợt nghĩ giả sử người mẹ đó lại bảo con gái: "Nè, con đòi ăn thì phải ăn cho hết nghe, nếu không mai mốt đừng đòi nữa nhé!", không biết cô bé kia sẽ phản ứng như thế nào nhỉ? Nó có khóc như nàng hay không, hay trên đời này chỉ có nàng khóc vì điều đó?

Nàng nhớ con trai nàng quá, nàng thèm có nó bên cạnh để được nhìn ngắm nó ăn, nghe nó kể chuyện, hạnh phúc làm sao khi được nói những lời âu yếm với người mình thương yêu, nàng cũng thèm có ai đó nói với nàng những lời ngọt ngào như thế.

Ra khỏi quán, nàng chạy xe mà nước mắt tuôn không ngừng. May quá trời mưa lất phất, đường phố khuya vắng người, không ai nhìn thấy nàng khóc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top