khoang lang tren pho hang ma

Khoảng lặng trên phố Hàng Mã

(Bài đã đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần)

Những chiếc tàu sắt tây sơn xanh cắm cờ đỏ đổ dầu vào là chạy được dưới nước ấy đã trở đi trở lại trong giấc mơ của bao chú bé (và cả cô bé) lứa tuổi 7x, 8x mỗi dịp Rằm tháng Tám. Hồi đó các thứ đồ chơi tân kỳ chạy pin sạc điện lấp lánh hào nhoáng từ bên kia biên giới chưa "xâm lược" nước ta, người mình hẵng nghèo, trẻ con hẵng suy dinh dưỡng, vậy nên món đồ chơi ấy là một thứ gì xa xỉ diệu kỳ lắm. Giờ thì khác lắm rồi...

Mùa Trung Thu 2006, phố Hàng Mã - Hà Nội ngợp trong ánh rực rỡ đèn lồng Trung Quốc, trong nhạc rộn rã đồ chơi Trung Quốc. Cùng là đèn có hình ngôi sao nhưng ngôi sao Trung Quốc năm sau đẹp hơn năm trước, còn sao Việt dù có được cung kính gọi là ông thì mấy chục năm nay vẫn chừng ấy màu xanh đỏ hồng, chừng ấy giấy bóng kính và que tre. Cùng là thứ đội lên đầu nhưng năm ngoái mũ miện Trung Quốc hình tai thỏ, năm nay lại là hình sừng quỷ Satan, mũ miện Việt Nam thì vẫn chừng ấy cườm, chừng ấy sắt uốn theo kiểu vương miện hoa hậu một nghìn chín trăm tám mấy.

Trong cái khung cảnh ngoại quốc hoá đó, hàng bán tàu thuỷ sắt tây cắm toàn cờ đỏ một sao vàng nhuốm vẻ lặng lẽ quá chừng. Một cái thùng các-tông úp, một chậu nước để thi thoảng thả tàu xuống biểu diễn, tất cả được đặt thẳng xuống lòng đường. Người bán ngồi bệt âm thầm, người mua nếu không phải trẻ con thì phải ngồi xổm hoặc ít nhất là cúi lom khom. Chắc tiền thuê chỗ ở Hàng Mã trong ngày này không rẻ nên cái gọi là "quầy hàng" mới cơ động và tí hon thế. Tất nhiên cũng có người mua, tàu nhỏ đâu mươi ngàn một chiếc, rẻ ngang những con bọ hung bọ dừa, bóng nhẫy và thời thượng, bé tí cắm trên que. Một cặp bố con dừng lại, ông bố mặc áo bộ đội có vẻ lam lũ quáng quàng xem chạy thử rồi trả tiền đi ngay (chắc để đứa con không kịp nhìn những thứ long lanh khác mà vòi vĩnh). Thêm một vài ánh flash máy ảnh của một khách qua đường, rồi "quầy hàng" lại chìm vào bóng tối im lìm.

Tại sao người bán hàng không nhờ đứa cháu trẻ dại táo tợn nào đó đứng bên cạnh vỗ tay hô rằng: "Tàu vừa thoát nạn bão số 5 về đây", tuy có vẻ ăn theo thời sự một cách vô tâm vô tình nhưng cũng là một kiểu rao hàng? Tại sao họ không thay cái chậu nhựa để chạy thử bằng một cái bể cá thuỷ tinh có đèn nhấp nháy? Có lẽ họ không có đứa cháu và cái bể cá nào cả, hoặc họ không nghĩ ra. Họ chỉ biết bán hàng cho những gia đình nghèo, âm thầm đến và âm thầm đi, nhanh như chạy trốn khỏi phố Hàng Mã đêm tháng Tám ồn ào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top