Hôn nhân hay tử hình?
Khi còn bé, việc bố mẹ tranh luận, hay thậm chí đôi khi thành tranh cãi luôn đồng nghĩa với việc rồi thế nào bố mẹ tôi cũng li dị.
Cái nỗi lo sợ mơ hồ ấy cứ dấy lên mà thậm chí khi tôi còn chẳng rõ mặt ngang mũi dọc nó ra sao. Chỉ nhớ rằng cái nỗi sợ ấy có thể khiến trẻ con khóc nghẹn lên được, rồi nước mũi nước dãi tùm lum, trông đáng sợ và phiền phức đến mức làm người ta mệt mỏi.
Phải chăng rồi sẽ đúng như lời các bà, các bác từng dọa tôi rằng, "Rồi bố mẹ mày chúng nó bỏ nhau, rồi mày có dì ghẻ, nó sẽ hành hạ mày nhé, rồi mẹ mày lấy chồng mới, 2 chúng nó sẽ không quan tâm tới mày nữa".
Cái nỗi lo việc bố mẹ sẽ không còn lo cho mình, với một đứa trẻ được cưng chiều tới tận răng thì hẳn ý nghĩ tới việc bị bỏ rơi đã đủ đáng sợ nhất quãng thời gian tuổi thơ của nó.
Chưa kể đến việc, mẹ nó cũng khóc, và mặt bố nó đỏ gay đỏ gắt.
Tôi đương nhiên chẳng thể nào hiểu nổi, và sợ phải quan tâm đến cái lí do mà hai người bắt đầu cuộc la hét này, tôi chỉ thấy sợ, sợ bố và mẹ, những người mà bình thường có quát khản cả giọng bắt tôi nuốt thìa cơm đã ngậm lúng búng mãi trong mồm, tôi cũng chỉ thèm nhượng bộ mà nuốt cho yên cái thân, chứ nào sợ hãi nỗi gì.
Nhưng khi họ quát tháo nhau, tôi lại sợ những người, hàng ngày luôn là những chỗ dựa "mềm mại" cho những lúc tôi kinh hãi Thế Giới bên ngoài.
Tôi sợ, và thương mẹ, vì mẹ tôi đang khóc.
Và hồi ấy, tôi luôn mặc định rằng, cứ ai khóc là người ấy phải được thương yêu và cần sự dỗ dành, như tôi, như mẹ.
Nhưng tôi cứ nhớ mãi, câu nói của mẹ , dẫu tôi đã tự an ủi cả vài tuần sau này rằng, mẹ nói thế vì mẹ đang rất giận.
Và khi tôi lớn dần và nhận ra rằng, trong mọi mối quan hệ, lúc thăng lúc trầm chỉ là quá trình mà cuộc sống tạo ra để thêm kỉ niệm, thêm nút thắt, thêm cái để mà nhớ, mà kể cho câu chuyện của những người trong cuộc.
Tôi nhận ra rằng, bố mẹ tôi được quyền bất đồng quan điểm.
Tôi nhận ra rằng, tôi đủ lớn để can ngăn khi bố mẹ tôi hơi ngã chệch ra khỏi hướng đi của sự bình tĩnh.
Tôi cũng từng tự cười và nhủ, rằng những lúc như vậy, như thể tôi và anh trai là 2 người trưởng thành nhất trong nhà, vì to tiếng chỉ dành cho ai không chín chắn.
Giờ tôi đã có thể hiểu rằng, tại sao ngày đó khi con bé ấy từng ôm đầu gối cố nén từng tiếng nấc nức nở sau cơn hoảng loạn, cố tỏ ra chẳng sợ gì sất trên đời này với đôi mắt sưng húp như 2 con ốc nhồi và cả mấy sợi tóc tơ dính bết vào bên cái má đỏ hồng bởi mồ hôi, cố giấu mặt đi để không ai thấy, anh nó lại chỉ quay ra hỏi một câu bình tĩnh
"Đang cãi nhau đấy à? "
Tôi đã hiểu rằng, hơn tôi của thời ấy, anh tôi biết rõ rằng, rồi mọi chuyện sẽ ổn.
Và tôi nhận ra, bố mẹ chỉ là bố mẹ, là những người bình thường, không phải là Bố và Mẹ - 2 Đấng Toàn Năng mang đầy khả năng siêu nhiên có thể làm đủ mọi việc mà không gì có thể gây khó khăn cho họ, như trong suy nghĩ tôi từng có.
Và cứ thế, như nhiều chuyện khác, sự việc có thể khiến tôi bị ám ảnh hàng tuần liền trong tuổi thơ, không còn đáng sợ như một thế lực vô hình có thể tước đi mọi hạnh phúc của tôi nữa, mà chỉ còn là những kí ức khó khăn, đôi khi là kinh sợ, và thỉnh thoảng là đau đến nghẹn ứ.
Thế nhưng rồi, lại một vài năm sau này nữa, tôi cảm thấy kinh sợ hôn nhân.
Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều người, họ thay đổi, đổi khác hoàn toàn so với con người mà họ từng là, từng muốn trở thành sau cuộc hôn nhân.
Nhỡ đâu, sau này tôi cũng sẽ như họ? Già cả, nuối tiếc, tức giận, mang đầy tính cách mà tôi ghét cay ghét đắng ở 1 con người ?
Có lẽ là vì áp lực và trách nhiệm - 2 thứ tôi ghét nhất trần đời, mà con người trong các cuộc hôn nhân phải hi sinh và thay đổi nhiều thứ.
Tôi không biết nữa, vì tôi chưa trong tình cảnh này bao giờ, và cũng sợ cái ý nghĩ ấy.
Dù có hay không , mọi người xung quanh hẳn cũng sẽ muốn hôn nhân là 1 bước tôi cần hoàn thành trong tương lai.
Chẳng đáng sợ sao, khi 1 người phụ nữ từng vui vẻ, hòa đồng, say này lại trở nên cáu gắt, nhỏ mọn, soi xét và đưa ra những nhận xét ác ý?
Tôi đã từng chứng kiến.
Rồi 1 người đàn ông hào hoa, về già vẫn phải vất vả ngược xuôi kiếm tiền nuôi gia đình chứa đầy những mâu thuẫn và bất đồng. Chịu đựng hàng ngày những lời trách móc, dù trong âm thầm hay thành tiếng của những người con ông ta từng chẳng có điều kiện để chăm sóc thường xuyên. Để dăm bữa nửa tháng lại tìm đến nhà cậu em trai, mượn hơi men trong những buổi trưa yên lặng để tâm sự, để thở hắt ra nỗi lòng mà ông chẳng từng dám nói với ai. Thỉnh thoảng quay đi lén gạt giọt nước mắt của số phận khổ hạnh ấy rơi xuống quá sâu. Rồi cuối mỗi buổi, vẫn thường thở dài rồi đưa tay lên vuốt mái tóc bạc trắng từ trước ra sau - thói quen từ thủa còn thanh niên - lâu chẳng buồn nhuộm, mà có ai nhuộm cho, để rồi đứng dậy ra về còn dặn rằng:
"Chú đừng nói cho 2 đứa với bà nhà tôi nhé."
Cái dáng còm cõi ấy bước lếch thếch ra cửa, xách theo chiếc mũ bảo hiểm còn chần chừ chưa muốn đội lên đầu, chưa sẵn sàng để trở về nhà, nơi ông ta còn chẳng dám, cũng chẳng có chỗ mà thở mạnh, mà được sống thoải mái.
Đâu còn con người từng huy hoàng của những tháng năm xưa......
Tôi rối loạn quá.
Có lẽ tôi sai, có lẽ tôi chưa đúng. Nhưng đối với tôi, hôn nhân là thứ gì đó mệt mỏi quá. Và nặng nề, nặng nề kinh khủng luôn ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top