Khoa Yoga Thắng Đoạt Tử Thần.
<>Khoa Yoga Thắng Đoạt Tử Thần.
Brama mời tôi lại nhà y chơi. Y ở riêng một cái chòi tranh mà y tự cất lấy ở một góc cuối vườn nhà của bà lão già để được tự do hơn. Tôi đến chơi vào một buổi chiều. Nhà này ở chỗ tận cùng của một con đường đầy bụi bặm và có vẻ nghèo nàn. Tôi ngừng một lúc trước cửa, tường nhà cũ kỹ quét vôi trắng, với một cái gác bằng cây có cửa sổ. Tôi đẩy cánh cửa lớn, tiếng động làm vang khắp nhà. Một bà già vẻ mặt hiền lành vui vẻ bước ra và nghiêng đầu chào tôi nhiều lần. Bà ấy dắt tôi đi qua một hành lang tối tăm đưa đến nhà bếp, thông ra sau vườn.
Trong vườn có một cây cổ thụ cành lá xum xuê, che dưới bóng mát của nó một cái giếng cũ. Phía bên kia giếng có một chòi tranh, một phần ẩn khuất dưới bóng cây mát rượi. Chòi này làm bằng vật liệu nhẹ, cột tre, lợp tranh.
Bà lão chủ nhà da mặt cũng sậm đen như màu da của Brama, có vẻ bận rộn nói một tràng dài tiếng Tamoul với người trong chòi. Một tiếng nói thanh như chuông mà tôi đã quen tai từ bên trong vọng ra, cánh cửa chòi từ từ hé mở, người đạo sĩ hiện ra trước cửa và vui vẻ mời tôi bước vào. Y vẫn để cửa mở, bà già đứng trước cửa độ vài phút, mắt nhìn tôi một cách chăm chú và nét mặt lộ vẻ hân hoan sung sướng.
Trong chòi không có bàn ghế chi cả, ngoại trừ một chiếc giường thấp không có nệm, đặt sát vào vách phía trong, và một tấm gỗ lớn đặt trong góc, trên đó có bày sách vở và giấy tờ. Một bình đựng nước bằng đồng treo bằng một sợi dây từ trên trần nhà thòng xuống, và một chiếc chiếu lớn trải dưới đất.
Brama chỉ chiếc chiếu mời tôi ngồi, và xin lỗi vì nhà không có ghế. Chúng tôi cả ba người đều ngồi xếp bằng, Brama, tôi và một thanh niên Ấn đi theo tôi để làm thông ngôn. Trong vài phút, bà lão bước ra ngoài và trở lại với một bình trà nóng mà bà ấy đặt trên một tấm khăn trắng trải trên chiếc chiếu, cùng với bánh ngọt, cam, chuối đựng trên những chiếc mâm nhỏ bằng đồng. Trước khi mời tôi dùng trà, người đạo sĩ hai tay cầm một tràng hoa kết thành vòng đặt lên cổ tôi. Tôi tỏ ý khiêm nhường, tôi biết rằng phong tục Ấn Độ dành cái danh dự này cho những vị quý khách, mà tôi thì không dám tự liệt mình vào hạng khách đặc biệt đó. Brama mỉm cười và nói:
- Bạn ơi! Bạn là người Âu đầu tiên đến nhà tôi và cũng là người Ân đầu tiên làm bạn với tôi. Bà dì tôi với tôi cùng lấy làm vui mừng mà đón tiếp cái danh dự này.
Tôi đành phải nhận lấy vòng hoa trên cổ. Cũng may mà các bạn tôi ở Âu Châu không nhìn thấy tôi ăn vận lố lăng như hôm ấy.
Chúng tôi vừa uống trà, ăn bánh trái và vừa nói chuyện. Brama cho biết rằng chòi tranh và đồ vật dụng bằng gỗ trong nhà đều do tự tay y cất lên và đóng lấy.
Những giấy tờ để trên chiếc ghế dài bằng gỗ khêu gợi sự tò mò của tôi. Đó là những tờ giấy màu hường, trên đó có viết chữ bằng mực xanh. Brama đưa cho tôi xem vài tờ và giải thích rằng đó là thứ chữ Tamoul cổ xưa, thông dụng trong văn chương cách đây đã nhiều thế kỷ nhưng ngày nay ít có người hiểu, trừ ra một vài người học giả lỗi lạc. Brama nói thêm:
- Tôi viết cái này đêm hôm qua. Đó là những câu tóm tắt những kinh nghiệm của tôi về pháp môn Yoga, hoặc những bài thơ của tôi làm trong những lúc cảm hứng tâm linh. Một vài thanh niên trẻ tuổi tự cho là những đệ tử của tôi, thường đến đây để xem những bài thi đó.
Nói xong, Brama lấy một bản văn kiện tô điểm một cách ngây thơ, gồm có vài tờ giấy màu hường, viết chữ bằng mực đỏ và xanh, và cột chung lại bằng một sợi chỉ màu xanh. Y vừa mỉm cười vừa đưa cho tôi và nói:
- Tôi viết cái này để tặng riêng cho bạn.
Người thông ngôn cho biết rằng đó là một bài thi trường thiên dài tám mươi bốn câu, nhưng vì viết bằng chữ cổ tự nên y không thể dịch được. Dầu sao, món quà này cũng làm tôi vui lòng, vì nó tiêu biểu cho cái cảm tình đặc biệt của một người Yogi chân chính đối với tôi.
Sau những câu chào hỏi đầu tiên, bà lão lui ra ngoài và chúng tôi mới bước qua những câu chuyện sâu xa hơn. Tôi trở lại vấn đề luyện phép khí công, tức phép luyện hơi thở, mà những nhà đạo sĩ coi như là một điều rất quan trọng và giữ gìn rất bí mật. Brama liền chận tôi lại và nói rằng y không được phép tiết lộ cho tôi biết nhiều hơn những điều y đã nói, nhưng y có thể nói vài chi tiết về phần lý thuyết của pháp môn Yoga về điểm này.
- Luật tự nhiên đã định cho con người thở với một số nhịp độ là 21, 600 lần trong một ngày và đêm. Một sự hô hấp quá mau và hấp tấp làm tăng cái nhịp độ nói trên và thâu ngắn sự sống. Một sự hô hấp chậm rãi, dài và đều đặn làm tiết kiệm số nhịp độ đó và kéo dài sự sống. Mỗi hơi thở tiết kiệm được sẽ tích tụ lại thành một số dự trữ để giúp cho con người có thể kéo dài sự sống thêm nhiều năm. Bởi đó, người Yogi thở chậm hơn người thường và vẫn khỏe mạnh. Nhưng tôi không thể nói nhiều hơn, vì tôi đã có lời thệ nguyện.
Sự dè dặt này làm tôi thất vọng. Một khoa pháp môn mà người ta giữ bí mật một cách chặt chẽ như vậy hẳn là phải có một giá trị rất lớn. Và người ta sẽ hiểu rằng tại sao những nhà đạo sĩ gìn giữ cái kho tàng quý báu đó mà không chịu tiết lộ cho những kẻ phàm tục tò mò, và những người không xứng đáng, hoặc chưa chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng nếu tôi cũng bị liệt vào hạng người này thì, thôi hỏi nữa làm gì tốn công vô ích?
Brama nói tiếp:
- Những bậc danh sư của chúng tôi nắm được cái chìa khóa của phép hô hấp này. Họ biết rằng hai bộ máy hô hấp và tuần hoàn đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Họ cũng biết rằng tinh thần có liên hệ trực tiếp đến hai bộ máy nói trên, và nắm được cái bí quyết làm kích động ý thức tâm linh bằng cách kiểm soát hơi thở. Ta nên biết rằng hơi thở chỉ là sự biểu lộ trên địa hạt vật chất của một sức mạnh tế nhị hơn, sức mạnh này mới là cái trụ cột sinh hoạt của xác thể: Chính cái sức mạnh đó ẩn tàng, vô hình, vô ảnh, trong tất cả những bộ phận cơ thể của chúng ta. Khi nó rời khỏi xác thân, thì hơi thở sẽ ngưng lại, và đó là điều mà ta gọi là sự chết. Sự kiểm soát hơi thở sẽ giúp cho ta làm chủ được phần nào cái luồng sinh lực đó. Và khi mà sự chủ trị xác thân được thực hiện đến mức triệt để, để có thể kiểm soát được cả sự vận động của quả tim, thì bạn đừng tưởng rằng những nhà hiền triết thời cổ của chúng tôi chỉ nghĩ đến phần hình hài thể xác mà thôi khi các Ngài bắt đầu truyền thụ pháp môn Hatha Yoga này!
Các nhà Hiền Triết thời xưa có muốn gì thì muốn, trong lúc hiện tại, tôi chỉ nghĩ đến câu y vừa nói; tôi liền hỏi:
- Phải chăng bạn vừa nói rằng người ta có thể làm chủ được sự vận động của quả tim?
- Thật vậy, những bộ phận chánh, tức ngũ tạng trong châu thân là tim, gan, bao tử, phổi, thận, chúng tôi đều có thể chế ngự được một phần nào tùy theo ý muốn.
- Bằng cách nào?
- Bằng sức mạnh của ý chí phối hợp với những phép luyện thích nghi. Phép luyện này tự nhiên là thuộc về trình độ cao đẳng của pháp môn Yoga. Phép ấy rất khó và ít người hành giả có thể luyện đúng phép. Nhờ nó mà tôi có thể chủ trị được phần nào những thớ thịt của quả tim, và nhờ sai khiến được quả tim nên tôi có thể chế ngự được những bộ phận khác.
- Điều ấy thật lạ lùng.
- Vậy sao? Đây này, bạn hãy để bàn tay trên ngực tôi, ở ngay chỗ quả tim.
Brama vừa nói vừa giữ một thế ngồi lạ lùng và nhắm mắt lại. Tôi làm theo và đợi thử vài phút, trong khi đó tôi không thấy có điều gì lạ. Lần lần, tôi nhận thấy quả tim đập chậm lại. Những tiếng đập mỗi lúc càng đập chậm thêm, chậm thêm nữa, và tôi bỗng rùng mình kinh ngạc khi tôi nhận thấy tiếng đập của quả tim ngưng lại. Tôi đếm: Hiện tượng đó kéo dài trên bảy giây đồng hồ. Phải chăng đây là một ảo tưởng? Nhưng không, tôi thử sờ mó, bóp nắn da thịt tôi, tôi vẫn tỉnh táo chứ không mê sảng. Tôi cảm thấy đỡ lo khi quả tim y bắt đầu đập trở lại, dường như nó đã sống lại, đập mau hơn và trở lại bình thường. Vài phút sau, người Yogi mới tỉnh lại và mở mắt ra. Y hỏi:
- Bạn có nhận thấy gì không? .
- Có, tôi nhận thấy rõ lắm.
Y lại sắp phát minh thêm điều gì lạ nữa chăng? Dường như y đọc được tư tưởng tôi, và y lại nói tiếp:
- Đó là chưa thấm vào đâu so với những điều mà thầy tôi làm. Người có thể cô lập một huyết quản, và điều hành hoặc ngăn chận sự lưu thông máy huyết trong đó. Tôi cũng làm như vậy được một phần nào, nhưng không bằng Thầy tôi.
- Bạn làm thử tôi xem.
Brama đưa cườm tay cho tôi và bảo tôi bắt mạch. Tôi nhận thấy mạch máu đập chậm lại rõ rệt, rồi ngưng hẳn. Tôi băn khoăn ngồi đợi. Một phút, hai phút ... Trôi qua trong khi đó tôi đếm được từng giây đồng hồ. Ba phút ... đến ba phút rưỡi, tôi thấy mạch máu lại bắt đầu chuyển động, lúc đầu còn hơi chậm, kế đó nó đập lại như thường. Tôi bất giác nói:
- Thật lạ quá!
- Ấy là chưa có gì! Y đáp một cách tự nhiên.
- Bạn muốn cho tôi xem điều gì nữa chăng?
Lần này, Brama hơi do dự:
- Được, nhưng đây là lần cuối cùng, và bạn hãy bằng lòng với bấy nhiêu đó. Bây giờ tôi sẽ ngưng hơi thở.
- Nhưng bạn có thể chết! Tôi nói một cách băn khoăn lo lắng, nhưng câu nói của tôi không làm cho y nản lòng. Y bèn bảo tôi:
- Bạn hãy để bàn tay dưới hai lỗ mũi của tôi thử xem.
Tôi làm y theo lời. Tôi cảm thấy rõ rệt trên bàn tay hơi thở ấm của y. Brama nhắm mắt lại và ngồi yên không cử động như một pho tượng đá. Y sắp nhập định chăng? Tôi không dám nhúc nhích bàn tay, lần lần hơi thở của y chậm lại rồi ngưng hẳn. Tôi nhìn kỹ hai lỗ mũi, cặp môi, hai vai, bộ ngực của y, nhưng không có gì cử động, không có dấu hiệu gì chỉ rằng có hơi thở. Nhưng đó không phải là những bằng chứng tuyệt đối, tôi cũng biết như vậy, nên tôi tìm những bằng chứng khác. Trong nhà không có một mảnh gương nào, nhưng tôi thấy một bên có một cái dĩa đựng tro thuốc lá bằng đồng đánh bóng. Tôi bèn dừng thử, và đặt nó dưới hai lỗ mũi và trước miệng của người Yogi. Không có một hơi thở nào làm mờ cái mặt dĩa bằng đồng bóng loáng. Thật là kỳ lạ! Trong cái chòi tranh này, hiện giờ tôi đang chứng kiến một sự kiện lạ lùng, một hiện tượng mà ngày kia các nhà bác học Âu Tây phải tìm tòi khảo cứu! Sự thật rõ ràng ngay trước mắt tôi, với một bằng chứng hiển nhiên: Pháp môn Yoga không phải là điều mộng ảo!
Khi Brama tỉnh dậy và trở lại trạng thái bình thường, y có vẻ mệt mỏi. Y hỏi, nhưng lần này với một nụ cười hơi mệt nhọc:
- Bạn có hài lòng chăng?
- Rất hài lòng, nhưng tôi chẳng hiểu chi cả.
- Tôi không có quyền giải thích cho bạn nghe. Phép ngưng thở này chỉ dành cho những bậc hành giả đã tiến nhiều trên đường tu luyện về pháp môn Yoga. Đối với một người Âu, nó có thể là một sự điên rồ, nhưng đối với người phương Đông chúng tôi, nó có một tầm quan trọng rất lớn.
- Tuy thế, khi chúng ta học ở trường thì vẫn nghe thấy dạy rằng người ta không thể sống được nếu không có sự hô hấp. Điều đó không phải là điên rồ, phải chăng?
- Không, nhưng nói như thế không đúng. Tôi có thể ngưng hơi thở suốt hai giờ đồng hồ nếu tôi muốn. Tôi vẫn thường làm như thế, nhưng tôi vẫn chưa chết, như bạn đã thấy. Y vừa nói vừa mỉm cười.
- Tôi không muốn hỏi nhiều vì bạn phải giữ bí mật, nhưng bạn có thể nói cho biết sơ qua vài điều về phần lý thuyết chứ?
- Điều đó thì được. Chúng ta có thể lấy vài thí dụ trong loài cầm thú. Đó là một phương pháp giảng dạy đặc biệt của thầy tôi, con voi thở chậm hơn con khỉ rất nhiều, bởi đó nó cũng sống lâu hơn. Một thí dụ khác là vài loại bò sát như con trăn chẳng hạn so với con chó. Bạn sẽ thấy cách thở của hai giống này mau chậm khác nhau rất xa, và tự nhiên là con trăn sống lâu hơn. Như vậy, chúng ta thấy hình như có một sự tương quan giữa sự hô hấp và sự sống lâu.
Bây giờ, chúng ta hãy đi xa hơn. Người ta thấy trên núi Hi Mã Lạp Sơn có những con dơi nằm ngủ suốt mùa đông. Những con dơi đó tự treo cẳng suốt nhiều tháng trên vách những hang núi và ngưng thở hoàn toàn cho đến khi chúng tỉnh giấc vào mùa xuân. Loài gấu trên dãy Hi Mã Lạp Sơn có đôi khi nằm cứng đơ cả thân mình trọn suốt mùa đông giá lạnh, coi dường như không còn sinh hoạt gì nữa. Cũng trên dãy Hi Mã Lạp Sơn là nơi khó tìm ra vật thực vào những tháng mùa Đông đầy tuyết phủ, người ta thấy trong những hang hố dưới đất có những con nhím ngủ một giấc dài nhiều tháng, và mọi sự hô hấp đều ngưng bặt. Như vậy, tại sao con người lại không thể làm được điều mà loài vật vẫn thường làm một cách tự nhiên?
Những điều kể trên cũng thật là lạ lùng, nhưng ít làm cho tôi tin tưởng bằng những sự biễu diễn của y hồi lúc nãy. Chúng ta vẫn quen cho rằng hơi thở là cần thiết cho sự sống, đến nỗi không dễ gì mà bỏ hẳn cái quan niệm đó. Tôi nói:
- Người Âu chúng tôi chắc không bao giờ nhìn nhận rằng sự sống có thể tiếp tục nếu người ta ngừng thở.
- Nhưng sự sống vẫn tiếp tục luôn luôn. Sự chết chẳng qua chỉ là một hình thức sinh hoạt khác thường mà thôi.
- Bạn có cho rằng người Yogi tu luyện theo pháp môn này hẳn có thể thắng được Tử Thần hay chăng?
- Hẳn là như vậy rồi.
Brama nhìn tôi một cách lạ lùng và nói tiếp theo:
- Tôi thấy bạn có nhiều triển vọng, vì thế nên tôi chịu tiết lộ cho bạn một điều bí mật, nhưng với điều kiện là ...
- Bạn hãy nói luôn.
- Bạn hứa sẽ không tập luyện những gì khác hơn là những điều tôi có thể nói bạn biết.
- Tôi xin hứa.
- Phải chăng từ trước đến giờ, bạn vẫn tưởng rằng nếu ta cầm lại hơi thở trong mình, thì ta cũng bảo tồn được sự sống trong cơ thể?
- Dường như thế.
- Chúng tôi cũng không nói gì khác hơn. Chúng tôi chỉ nói rằng người hành giả nào có thể cầm lại hơi thở trong mình tùy theo ý muốn, sẽ nhờ đó mà giữ lại nguồn sinh lực trong cơ thể y. Bạn hiểu rõ chăng?
- Tôi cũng ráng hiểu.
- Bạn hãy tưởng tượng rằng người Yogi có thể cầm lại hơi thở không những chỉ trong vài phút, mà trong nhiều tuần, nhiều tháng hay nhiều năm. Vì bạn đã nhìn nhận rằng hơi thở ở đâu tức là sự sống ở đó, thì phải chăng đây là triển vọng để con người có thể kéo dài sự sống tùy theo ý muốn?
Tôi không còn biết nói sao. Làm sao có thể bảo rằng điều đó là vô lý? Nhưng làm sao tôi có thể chấp nhận điều ấy mà không có sự kiểm điểm lại một cách chặt chẽ? Những nhà thuật sĩ của phái Luyện Kim (Alchimistes) hồi thời Trung cổ cũng đã từng nuôi cái mộng trường sinh bất tử, nhưng dưới ngọn lưỡi hái của Thần Chết, họ vẫn ngã quỵ hết người nọ đến người kia ngay bên cạnh những lò luyện Kim Đơn để tìm ra thuốc phản lão hoàn đồng! Có lẽ Brama tự dối lấy mình, nhưng có điều chắc chắn là y không có ý định lừa dối tôi. Y không hề có ý đến tìm kiếm tôi hay tìm kiếm một người đệ tử nào cả. Y điên chăng? Không phải vì y lý luận mọi sự một cách hoàn toàn sáng suốt. Hay là y chỉ tự dối lấy mình? Một cái gì bảo cho tôi biết là không. Tôi không biết nghĩ sao.
- Bạn không tin à? Bạn có nghe nói về một người thuật sĩ chịu để cho vua Ranjit Singh chôn sống trong một huyệt xây bằng đá ở Lonhorw chăng? Khi đem chôn sống có cả sự hiện diện của những viên sĩ quan Anh và nhà vua Singh. Ngôi mộ được giao cho quân sĩ canh gác suốt ngày đêm trong sáu tuần lễ, đúng ngày, người ta mới cậy nắp quan tài thì người thuật sĩ Ấn Độ ở trong chui ra vẫn còn sống nhăn, không sao cả! Bạn hãy điều tra lại xem, tôi nghe nói rằng việc này đã được phúc trình cẩn thận và tờ biên bản vẫn còn được lưu trữ trong văn khố của chánh phủ Anh.
Như vậy, người thuật sĩ đã hoàn toàn chủ trị được phép hô hấp và có thể ngưng thở tùy ý muốn mà không sợ chết. Tuy thế, y cũng chưa phải là một môn đồ chân chính của pháp môn Yoga, vì tôi có nghe nói rằng đời tư của y chẳng có gì đáng ca tụng. Y tên là Haridas và sống ở miền Bắc Ấn. Nếu người ấy có thể ngừng thở mà vẫn sống trong một thời gian lâu như thế ở một chỗ bít bùng không có không khí, thì thử hỏi: Các bậc danh sư của môn phái chúng tôi, là những người không thích quảng cáo và không hề vụ lợi, còn có thể làm được tới những điều gì nữa?
Sau một lúc im lặng, Brama tiếp:
- Pháp môn Yoga còn đem lại cho ta nhiều quyền năng khác nữa. Nhưng trong thời buổi suy đồi hiện nay, có mấy ai là người chịu công phu cố gắng tu luyện?
- Làm sao bây giờ, khi người ta còn phải lăn lộn trong đời sống hàng ngày, thì không còn thời giờ để nghĩ đến những hoạt động cho một lý tưởng nữa.
- Đúng vậy, những phép tu luyện này chỉ để dành cho một số ít người. Như thế, bạn sẽ hiểu tại sao nó được các bậc danh sư giữ gìn trong im lặng và bí mật hoàn toàn. Những bậc danh sư ấy không bao giờ đi tìm đệ tử, mà chính các đệ tử phải đi tìm các Ngài.
Lần sau, Brama đến dùng cơm tại nhà tôi. Cơm nước xong chúng tôi ra ngồi ngoài hàng ba dưới ánh trăng sáng. Tôi ngồi trên ghế còn Brama thích ngồi trên chiếu trải sàn gạch. Chúng tôi ngồi im lặng trong vài phút để thưởng thức cái đẹp của đêm trăng. Nhưng nhớ lại câu chuyện lần trước, tôi vẫn còn tò mò muốn biết thêm về vấn đề kỳ quái là có những người có thể lường gạt được Tử Thần!
Brama nói:
- Một trong những vị danh sư của môn phái chúng tôi sống trong vùng hẻo lánh trên dãy núi Nilgiri, và không hề bước ra khỏi am. Một vị khác sống trong động đá trên dãy Hi Mã Lạp Sơn. Những người ấy bạn không bao giờ gặp được vì họ lánh xa cõi thế tục. Tuy thế, theo truyền thuyết của người trong xứ thì các vị ấy đã từng sống đến vài trăm năm nay.
- Bạn có tin như vậy chăng?
- Lẽ dĩ nhiên, vì chính Thầy tôi cũng là một người trong số đó.
Thầy của y! Vì bây giờ chúng tôi đã quen nhau như thế này và giữa chúng tôi không còn sự lạnh lùng cách biệt nữa, nên tôi đánh liều hỏi một câu:
- Brama, Thầy của anh là ai?
Y còn do dự trong một lúc, nhưng liền nói với một giọng trang nghiêm:
- Thầy tôi danh hiệu là Yetrumbu Swami. Ở dưới miền Nam, đệ tử của Người cũng đông, nhưng Người thường đi lên miền Bắc và ở trên dãy Hi Mã Lạp Sơn.
- Tôn Sư đã đạt tới mức tối thượng của pháp môn Yoga chưa?
- Điều đó hẳn là dĩ nhiên rồi.
- Và bạn tin rằng lệnh Tôn Sư đã sống đến ...
- Trên bốn trăm năm.
Brama nói câu đó với một giọng vô cùng tự nhiên, và y nhìn thấy sự ngạc nhiên trong cặp mắt của tôi. Y nói tiếp:
- Tôn Sư thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện mà người đã từng chứng kiến và đã xảy ra dưới triều đại các vua Hồi. Người cũng thuật cho tôi nghe những chuyện xảy ra từ hồi Công Ty Ấn Độ của người Anh mới bắt đầu thành lập tại Madras.
Điều này thật khó mà tin được, đối với một kẻ đa nghi như tôi. Tôi nói:
- Nhưng bất cứ một đứa học trò nào đã học lịch sử cũng nói được những điều đó.
Brama làm như không nghe và nói tiếp:
- Thầy tôi còn nhớ rõ trận Panipat và có nói với tôi rằng Người không bao giờ quên những ngày kỷ niệm đầu tiên của trận Plassey. Tôi còn nhớ có lần nghe người nói chuyện về một đệ tử tên là Beahudananda, như là nói một đứa trẻ con. Người đệ tử này hồi đó đã được tám mươi tuổi.
Dưới ánh trăng, tôi nhìn thấy rõ vẻ mặt bình thản tự nhiên của người Yogi khi y nói những chuyện lạ lùng trên đây. Một người Âu đã từng quen suy luận với những phương pháp sưu tầm của khoa học tiên tiến, làm sao có thể chấp nhận những điều này mà không có sự điều tra chắc chắn? Dầu sao, Brama là người Ấn Độ, chắc y cũng vẫn còn cái thói quen hay tin tưởng những chuyện hoang đường. Tôi vẫn lẳng lặng ngồi nghe, để cho y nói:
- Tôn Sư đã từng làm cố vấn cho một vị Quốc Vương xứ Nepal trên mười một năm. Dân chúng xứ này quý mến người như Thần Thánh. Người cũng đối với họ như cha đối với con. Người gạt bỏ mọi sự thành kiến về giai cấp và coi mọi người cùng bình đẳng như nhau.
- Nhưng làm sao một người có thể sống lâu như thế?
Brama mơ màng nhìn về cõi xa xăm, dường như quên cả sự có mặt của tôi; y đáp:
- Có ba phương pháp để kéo dài sự sống. Phương pháp thứ nhất là tập hết tất cả những tư thế (Asana), và tất cả các phép luyện khí công, gồm cả những phép luyện bí mật của pháp môn Hatha Yoga. Những phép tập luyện này lẽ tự nhiên là phải được thực hành cho đến mức toàn hảo, điều này chỉ có thể thực hiện được dưới sự dìu dắt của một bậc danh sư đã có nhiều kinh nghiệm.
Phương pháp thứ hai là thường dùng một vài loại cỏ thuốc rất quý và rất hiếm, mà chỉ có một vài vị danh sư của môn phái chúng tôi biết được. Những vị ấy đi tìm những loại cỏ này trong vòng bí mật và dấu trong mình mỗi khi đi đâu xa. Khi đến lúc một vị phải từ giã cõi đời, thì người chọn trong số các đệ tử một người xứng đáng nhất và tiết lộ cho y biết sự bí mật về loại cỏ quý đó. Người này từ nay sẽ là người duy nhất được biết sự bí mật ấy mà thôi. Còn phương pháp thứ ba thì hơi khó nói một chút.
- Bạn cứ nói luôn.
- Tôi nói ra chắc là bạn sẽ bật cười!
Tôi cam đoan với y rằng trái lại, tôi rất quý trọng những điều tiết lộ của y. Y nói:
- Vậy thì đây: Trong bộ óc con người có một lỗ trống nhỏ, là chỗ của linh hồn, nó có một thứ nắp che đậy phía ngoài. Nơi dưới đốt tận cùng của xương sống, là chỗ xuất phát luồng sinh lực mà chúng ta đã có dịp nói đến. Sự tiêu hao luồng sinh lực đó gây nên sự già nua, trái lại, kiểm soát được nó sẽ giúp cho ta được sống lâu.
Khi một người đã hoàn toàn làm chủ được thể xác, y có thể bắt đầu tập kiểm soát luồng sinh lực này bằng những phép luyện bí mật mà chỉ có những người Yogi thượng đẳng của môn phái chúng tôi mới biết được mà thôi. Nếu y làm cho luồng sinh lực vô hình đó đi ngược lên đến tận phần trên của tủy xương sống, y sẽ cố gắng gom nó lại trong chỗ lỗ trống trong bộ óc mà tôi vừa nói ở trên. Nhưng phải có một vị danh sư giúp y mở cái nắp che đậy ở phía ngoài. Nếu y tìm được một người Thầy bằng lòng giúp y việc đó, thì luồng sinh lực nói trên sẽ lọt vào chỗ lỗ trống và sẽ có cái tác dụng của một thứ nước Cam lồ trường sinh như chúng ta thường nghe nói.
Đó không phải là chuyện dễ làm. Kẻ táo bạo dám luyện thử một mình chắc chắn sẽ chết toi mạng! Trái lại người luyện được thành công có thể đánh lừa được Thần Chết. Người Yogi nào thực hành đủ ba phương pháp nói trên có thể sống đến vài trăm năm, nếu y muốn. Y có thể chọn ngày giờ chết của mình, và chừng đó sự khám nghiệm tử thi sẽ kết luận rằng y chết một cách tự nhiên. Khi y chết, loài sâu bọ sẽ không phạm đến thể xác của y, xác y sẽ tươi như hồi sống và sẽ không hề hư hại trải qua nhiều thế kỷ.
Tôi tỏ lời cám ơn Brama, và mặc dù tôi rất thích thú, nhưng tôi cũng vẫn chưa chịu tin. Khoa Sinh Lý Học không hề biết đến luồng sinh lực đó, và tôi e rằng những chuyện lạ kỳ trên đây chỉ có trong óc của những người chất phác và hồn nhiên ở xứ này. Tuy nhiên, sự kiểm soát hơi thở và mạch máu mà tôi đã chứng kiến, cũng đủ chứng minh rằng quyền năng của các nhà đạo sĩ không phải là những điều viễn vông, và những quyền năng đó có thể làm nhiều việc phi thường. Theo ý tôi, thì đó là tất cả những gì mà người ta có thể nói về vấn đề này. Tôi vẫn giữ im lặng và không muốn thổ lộ những ý tưởng riêng của mình. Brama lại nói tiếp:
- Tất cả mọi người ai cũng muốn thắng sự chết, nhưng bạn đừng quên rằng áp dụng phương pháp này rất nguy hiểm. Bởi đó, không ai ngạc nhiên mà thấy rằng những vị danh sư của chúng tôi giữ gìn những phép luyện đó trong vòng bí mật, chẳng khác nào người ta giữ vật báu.
- Bạn có thể cho tôi biết phương pháp đó được chăng?
- Người ta phải tập đi cho vững trước khi tập chạy mau.
Tôi xin hỏi bạn một câu cuối cùng:
- Thầy bạn hiện nay ở đâu?
- Người ở ẩn trong một ngôi đền hẻo lánh ở vùng núi non xứ Nepal.
- Bạn có nghĩ rằng một ngày kia, Tôn Sư sẽ trở xuống đồng bằng hay chăng?
- Làm sao tôi biết được ý nghĩ của Tôn Sư? Người có thể ở lại xứ Nepal thêm nhiều năm nữa trước khi xuống núi để đi ta bà khắp nơi. Người thích ở Nepal hơn ở Ấn Độ bởi vì ở xứ đó, môn phái của chúng tôi thịnh hành hơn. Pháp môn Hatha Yoga có những cách dạy khác nhau tùy theo môn phái, và môn phái của chúng tôi gọi là Tantra, được người Nepal thông hiểu dễ dàng hơn là người Ấn.
Brama trở lại với sự im lặng. Chắc y để tư tưởng đi xa lắm và nhớ đến hình ảnh của vị Tôn Sư quý mến. Ôi! Nếu những điều tôi vừa nghe không phải là một ảo tưởng, thì thật là một triển vọng đáng mừng cho những ai là người nuôi cái mộng trường sinh bất tử.
Đêm Ấn Độ đến rất mau chóng, chứ không có một hoàng hôn kéo dài như ở trời Âu. Khi bóng tối bao phủ cái chòi tranh của y, Brama thắp một ngọn đèn dầu treo lủng lẳng trên xà nhà bằng một sợi dây, và chúng tôi ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét. Bà lão bước ra ngoài một cách kín đáo để cho chúng tôi tự do nói chuyện, với một người thông ngôn trẻ tuổi của tôi đem theo. Khói nhang tỏa khắp gian phòng một mùi hương huyền bí. Ý nghĩ về sự chia ly sắp đến làm cho tôi buồn man mác, tôi cố gắng vượt qua cơn buồn ám ảnh, nhưng vô hiệu.
Vấn đề bất đồng ngôn ngữ, và phải nói chuyện qua một người thứ ba là một sự chướng ngại, vì tôi không thể bày tỏ tâm sự đang tràn ngập cõi lòng tôi theo như ý tôi muốn. Trong giờ phút này, những lý thuyết lạ lùng kia có thật hay không, điều đó không quan hệ lắm. Điều đáng kể, là người đạo sĩ đã vui vẻ sốt sắng để cho tôi bước vào cuộc đời cô độc đơn chiếc của y. Tôi đã nhận thấy có sự thông cảm giữa hai tâm hồn chúng tôi, và bây giờ tôi đã hiểu rằng đối với một người như vậy, thật là một sự hy sinh lớn lao mà dẹp bỏ sự dè dặt kín đáo của mình để thổ lộ tâm sự với một người lạ mặt. Nhưng lúc này lòng mong muốn hiểu biết thêm của tôi lại thắng thế. Tôi viện cớ sắp từ biệt y trong nay mai để cố gắng thuyết phục y tiết lộ cho tôi một vài điều bí mật cuối cùng. Nhưng y đã giữ thế thủ:
- Anh có sẵn sàng từ bỏ chốn phồn hoa náo nhiệt của thị thành và ẩn mình nơi thanh vắng của chốn núi rừng tịch mịch chăng?
- Điều đó cần phải được suy nghĩ kỹ, Brama.
- Anh có sẵn sàng từ bỏ mọi hoạt động, mọi công việc làm ăn, mọi thú vui trần tục, và để trọn thời giờ thực hành pháp môn Yoga, không phải chỉ trong một lúc, mà trong nhiều năm liên tiếp chăng?
- Chắc là không, tôi chưa đủ chuẩn bị sẵn sàng. Một ngày kia, có lẽ ...
- Nếu vậy, tôi không thể nào dìu dắt bạn đi xa hơn. Pháp môn Yoga không phải là một môn tiêu khiển trong những giờ nhàn rỗi.
Thế là tôi sẽ không bao giờ trở nên Đạo sĩ! Phải thành thực mà nhìn nhận như vậy. Một môn tu luyện khó khăn như thế, với một kỷ luật gắt gao khổ hạnh, không phải để dành cho một kẻ hoài nghi như tôi! Tuy nhiên, có một cái gì nó hấp dẫn tôi hơn là những quyền năng của xác thể. Tôi bèn bày tỏ tâm sự với người đạo sĩ:
- Brama, những quyền năng đó hẳn là một điều huyền diệu và hấp dẫn vô cùng. Tôi mong ước có ngày tôi sẽ được thụ giáo theo pháp môn Yoga của bạn. Nhưng rốt cuộc, nó có thể đem đến cho ta một sự hạnh phúc lâu bền nào chăng? Trong khoa Yoga, còn có một mục đích nào cao hơn nữa chăng? Tôi không biết bạn có hiểu ý tôi không?
Brama mỉm cười và nói:
- Tôi hiểu. Những Thánh Kinh của Ấn Độ nói rằng pháp môn Hatha Yoga (luyện xác thân) phải đi đôi với pháp môn Raja Yoga (luyện tinh thần). Sự thật, pháp môn trên chỉ là dọn đường cho pháp môn Hatha Yoga, các Ngài biết rằng đó không phải chỉ ngắm vào mục đích tinh luyện cái thể xác vật chất mà thôi ... Các Ngài hiểu rằng sự chinh phục thể xác chỉ là một bước đầu tiên đưa đến sự rèn luyện tinh thần, và điều sau này cũng chỉ là một giai đoạn đưa con người đến một mục đích Toàn Thiện.
- Như thế, chắc là còn có một pháp môn chuyên về việc rèn luyện tinh thần?
- Đúng vậy, và mục đích của pháp môn đó là dùng lý trí con người như một ngọn đèn pha để chiếu thẳng vào địa hạt tâm linh thuần túy.
- Muốn bắt đầu học pháp môn này, phải làm sao?
- Tự nhiên là phải có Thầy.
- Phải có Thầy, nhưng tìm Thầy ở đâu ra?
Brama hơi nhún vai:
- Bạn ơi! Kẻ đói bụng thì đi tìm món ăn, nhưng còn người sắp chết đói thì quên hết tất cả mọi sự để kiếm cho được đồ ăn mà thôi. Nếu bạn ước vọng tìm Thầy cũng như người chết đói ước được món ăn thì bạn sẽ tìm thấy. Bạn hãy tìm Thầy với một đức tin, rồi định mệnh sẽ dìu dắt bạn đến với Người vào đúng ngày giờ mà Người chọn lựa.
- Bạn tin rằng định mệnh cũng có dính dáng đến việc này à?
- Ấy là bạn nói như thế.
- Tôi thấy trong sách có nói ...
- Không có Thầy, thì sách vở chỉ là nắm giấy lộn. Danh từ Guru của chúng tôi có nghĩa là Người dẹp tan sự tối tăm u ám. Người nào nhờ sự gắng công tìm tòi và nhờ sự dìu dắt của định mệnh mà tìm ra được một vị danh sư, sẽ đi thẳng đường đến sự giác ngộ vì người đệ tử cùng chia sớt những khả năng huyền dịu của người Tôn Sư.
Nói đến đây, Brama tiến gần đến chiếc ghế dài đựng giấy tờ và cầm đưa cho tôi một đạo linh phù đầy những dấu hiệu thần bí, những hình biểu tượng và chữ Tamoul vẽ bằng mực đỏ, xanh và đen. Trên hết có vẽ một hình tròn khu ốc, hẳn là biểu tượng của ngôi Mặt Trời, hình mặt trăng và một con mắt, còn khoảng giữa thì để trống. Y nói:
- Tôi vẽ lá bùa này cho bạn trong đêm qua. Khi bạn ra đi, bạn hãy dán một tấm ảnh của tôi ở khoảng trống ngay chính giữa.
Brama cho biết rằng tôi chỉ cần tập trung tư tưởng trong năm phút vào lá bùa lạ lùng này trước khi đi ngủ, thì tôi sẽ nằm mộng thấy y một cách hoàn toàn rõ rệt. Y nói:
- Dầu cho chúng ta có cách xa nhau hàng ngàn dặm, chúng ta sẽ gặp nhau bằng linh hồn nếu bạn tập trung tư tưởng vào lá bùa này. Những cuộc gặp gỡ trong giấc mộng sẽ có thật cũng như những cuộc thăm viếng mà chúng ta đã trao đổi lẫn nhau.
Câu nói đó làm cho tôi nghĩ rằng ngày từ biệt của chúng tôi đã sắp đến và tôi tỏ ý băn khoăn không biết ngày nào chúng tôi mới gặp nhau trở lại. Brama bèn an ủi tôi:
- Chúng ta hãy phó mặc cho định mệnh, nó không bao giờ lỗi hẹn. Còn về phần tôi, tôi cũng sẽ ra đi vào mùa xuân đến địa phận tỉnh Tanjore, tại đây có hai người đệ tử đang chờ đợi tôi. Còn tương lai về sau ra thế nào, tôi không thể nói trước, vì như bạn đã biết, tôi vẫn luôn luôn chờ đợi lời kêu gọi của Tôn Sư.
Brama im lặng một lúc, và nói tiếp bằng một giọng rất thấp mà tôi nghe như tiếng thì thầm. Tôi đoán chừng hay là y lại tiết lộ thêm điều gì bí mật nữa chăng? Tôi quay lại người thông ngôn thì nghe nói rằng:
- Tôn Sư đã hiện ra với tôi trong đêm vừa qua. Người có nói chuyện về anh. Người nói với tôi rằng "Vị Shahib bạn con đang khao khát sự hiểu biết. Y vốn là người đồng môn với chúng ta trong một kiếp trước. Y đã tu luyện theo phép môn Yoga, nhưng thuộc về một môn phái khác. Ngày nay, y đã trở lại Ấn Độ trong bộ da của một người Anh. Y đã quên những gì y đã học với chúng ta, nhưng sẽ không lâu. Ngày nào mà y chưa gặp được Thầy để ban ân huệ cho y, thì y vẫn sẽ không phục hồi lại được trí nhớ của dĩ vãng. Tuy nhiên, cái ký ức vẫn còn tiềm tàng, Thầy y chỉ cần khơi động một chút cũng đủ làm cho nó bừng tỉnh dậy. Vị Tôn Sư đó, con hãy cho y biết, y sẽ gặp Người. Điều đó sẽ đến chắc chắn, y hãy đừng băn khoăn gì nữa. Y sẽ được như ý nguyện trước khi rời khỏi xứ này, vì định mệnh đã đặt để rằng y sẽ không trở về tay không."
Nghe đến đây, sự ngạc nhiên của tôi quả là vô hạn. Dưới ánh đèn dầu leo lét, gương mặt của người bạn tôi dường như biến đổi một cách khác thường.
- Phải chăng bạn đã nói lệnh Tôn Sư đang ở xa lắm, tận trên xứ Nepal? Tôi hỏi y với một giọng mà tôi lấy làm hối tiếc là đã lộ vẻ nghi ngờ.
- Phải, Tôn Sư vẫn ở trên đó.
- Tức là cách đây 1, 200 dặm, làm sao Tôn Sư có thể nói chuyện với bạn trên một quãng đường dài như vậy?
- Tôn Sư luôn luôn có mặt khi tôi kêu gọi đến Người, dầu cho chúng tôi ở cách xa nhau muôn dặm. Tôi không cần đến thơ từ chi cả để nhận được thông điệp của Tôn Sư. Tư tưởng của Người đến với tôi xuyên qua không gian và biểu hiện rõ ràng trước mắt tôi.
- Phải chăng đó là thần giao cách cảm?
- Đúng như vậy.
Tôi đứng dậy, vì đã đến lúc kiếu từ. Chúng tôi còn đi dạo một lần cuối cùng dưới ánh trăng khuya, dọc theo những vách tường cũ của ngôi đền bên cạnh nhà của Brama. Chúng tôi dừng bước dưới một hàng dừa mà cành lá xum xuê để cho ánh sáng rọi xuyên qua in bóng dưới đất. Trước khi từ giã, Brama thì thầm:
- Bạn thấy rằng tôi không gì nhiều. Đây là một vật quý nhất của tôi, bạn hãy cầm lấy.
Nói xong, y rút chiếc nhẫn mà y đeo ở ngón áp út bên trái và đặt vào lòng bàn tay lật ngửa của y. Dưới ánh trăng, tôi thấy chiếu sáng ngời một viên ngọc bích màu xanh có gân màu nâu sậm, lồng trong khung nhẫn bằng vàng. Brama đeo chiếc nhẫn vào ngón tay tôi và siết bàn tay tôi để từ giã. Tôi vừa tỏ ý không dám nhận món quà tặng quý giá này thì Brama đã ngăn chận lời từ chối của tôi bằng cách siết bàn tay chật hơn nữa. Y nói:
- Tôi thọ lãnh chiếc nhẫn này của một người hiền giả có tiếng. Người đã tặng cho tôi khi tôi bắt đầu bước chân lên đường Đạo. Bây giờ, đến lượt bạn hãy đeo nó.
- Không hẳn như vậy, nhưng viên ngọc thạch này là một linh vật rất hiệu nghiệm. Nó sẽ giúp cho bạn có duyên may hội ngộ với các bậc Hiền Giả, nó sẽ kích động những tư tưởng kỳ lạ xâm chiếm lấy khối óc huyên náo của bạn.
Lời nhắn nhủ lạ lùng của vị Tôn Sư ở cách xa ngàn dặm, điều đó vốn thật lạ quá đối với tôi, nên xin miễn luận bàn. Một cơn chiến đấu mãnh liệt đang diễn ra trong tâm hồn tôi giữa sự ngờ vực và đức tin. Còn chiếc nhẫn này? Làm sao mà tin được rằng một chiếc nhẫn lại có thể xui khiến được định mệnh, và gây cho tôi một ảnh hưởng bí mật về phương diện tâm linh? Phải chăng đó là một điều dị đoan? Nhưng Brama tin tưởng ở điều đó. Tôi phải tự nhủ rằng việc gì cũng có thể được cả ở cái xứ lạ lùng huyền bí này.
Tôi vẫn vơ suy nghĩ và lo ra đến nỗi tôi quên đường và đụng đầu vào một gốc dừa. Dưới nhành lá dịu dàng phất phơ của nó, chiếu những điểm ánh sáng do những con đom đóm bay lượn thành những vòng tròn. Nền trời trong vắt một màu xanh thẳm. Sao Kim Tinh chói rạng tỏa ra một ánh sáng rực rỡ coi dường như rất gần. Cảnh vật thiên nhiên đắm chìm trong bầu không khí hoàn toàn yên lặng. Không ai nghe tiếng động của những con dơi lớn bay ngang trên đỉnh đầu chúng tôi. Tôi tự thả trôi một lúc theo cái thú vị triền miên của giờ phút thần tiên này.
Về đến nhà, tôi trằn trọc suốt đêm không tìm thấy giấc ngủ. Mãi đến gần sáng, giấc ngủ mới đến và làm lắng dịu những ý nghĩ vẫn vơ trong đầu óc của tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top