Khoa học căm thù M.Sô-lô-khốp

Trong chiến tranh, cây cối cũng như con người, mỗi cây có một số phận riêng. Tôi đã nhìn thấy một mảnh rừng lớn bị lửa đạn đại bác của ta thiêu trụi. Cách đây ít lâu, bọn Đức vừa bị đánh bật ra khỏi thôn X, đã cố thủ khu rừng này; chúng nghĩ rằng chúng có thể trụ được ở đây, nhưng thần chết đã hái tất cả bọn chúng cùng với cây cối. Dưới những thân cây thông bị đổ là xác bọn lính Đức; trong những bụi cây dương xỉ xanh non, rải rác những mảng thịt tả tơi của chúng đang thối rữa; và mùi nhựa thông thơm ngát từ những thân cây thông bị phạt ngang toả ra cũng không thể nào át nổi mùi hôi thối sặc sụa, ngột ngạt, gay gắt xông lên từ những chiếc thây rữa nát. Dường như ngay cả đất ở những miệng hố đại bác tàn khốc màu nâu bị cháy xém cũng xông lên mùi mồ mả.

Cái chết ngự trị một cách oai nghiêm và thầm lặng trong khu rừng bị thưa đi và xới tung lên vì đạn đại bác của ta; chỉ có điều kỳ lạ là ở chính giữa khu rừng thưa, còn sót lại một cây bạch dương, và gió vẫn đung đưa những cành cây đã bị thương vì mảnh đạn, vẫn rì rào trong những khóm lá bóng láng non tơ.

Chúng tôi đi xuyên qua khu rừng thưa. Một chiến sĩ hồng quân làm liên lạc đi trước tôi lấy tay khẽ xoa lên thân cây bạch dương, hỏi với một vẻ ngạc nhiên âu yếm và chân thành:

- Này anh bạn thân mến, làm sao mà chú mình lại toàn vẹn được thế này nhỉ ?...

Nhưng nếu cây thông bị chết vì mảnh đại bác, gục xuống như bị xén ngang và ở chỗ bị cắt lủng lẳng các ngọn cây dính đầy nhựa, thì cây sồi lại chết theo cách khác.

Mùa xuân năm trước, đạn đại bác của quân Đức đã rơi trúng chân một cây sồi già mọc bên bờ một dòng suối vô danh. Một lỗ thủng toang hoác đã làm khô cứng mất nửa thân cây, nhưng còn nửa kia, vì chỗ toác mà bị gục xuống mặt nước, thì đến mùa xuân đã sống lại một cách kỳ lạ và lại phủ đầy những lá non. Cho đến ngày hôm nay, thì có lẽ những cành thấp của cây sồi tàn phế đang tắm mình trong dòng nước chảy, còn những cành cao thì vẫn khao khát vươn lên mặt trời với những chiếc lá thanh thanh căng nhựa.

Dáng người cao, lưng hơi gù, đôi vai rộng nhô lên như cánh diều hâu, trung uý Ghêraximốp ngồi trước của hầm công sự và kể tỉ mỉ về trận đánh hôm nay, về đợt tấn công bằng xe tăng của đối phương đã bị tiểu đoàn đánh trả thắng lợi.

Khuôn mặt gày gò của trung uý bình thản, gần như là lãnh đạm, đôi mắt sưng húp nheo lại một cách mệt mỏi. Anh nói giọng trầm, hơi rè rè, thỉnh thoảng lại đan những ngón tay to, gân guốc với nhau, và cử chỉ này tương phản lạ lùng với dáng người lực lưỡng, với khuôn mặt dũng cảm đầy nghị lực của anh, nhưng nó lại thể hiện rất rõ nỗi đau đớn thầm lặng hoặc những suy nghĩ sâu sắc, nặng nề của anh.

Nhưng bỗng nhiên anh im lặng, và khuôn mặt thoắt biến sắc, đôi má xạm đen bỗng nhợt nhạt, dưới lưỡng quyền, gân nổi lên từng cục; trong đôi mắt đăm đăm nhìn về phía trước, rực lên một nỗi căm hờn mạnh liệt và hung bạo đến nỗi tôi bất giác quay nhìn theo hướng mắt anh và thấy trong rừng, từ tuyến trước trận địa phòng ngự của ta, ba tên tù binh Đức đang đi tới, phía sau, một đồng chí hồng quân đi áp giải, bộ quân phục mùa hẽ dãi nắng bạc phếch, mũ ca lô hất ngược sau gáy.

Anh chiến sĩ hồng quân bước đi chậm rãi. Khẩu súng trường trong tay anh đung đưa nhịp nhàng, lưỡi lê lấp loáng dưới ánh nắng. Mấy tên tù binh Đức cũng lê bước chậm rãi, miễn cưỡng nhấc những cặp chân đi ủng thấp cổ, bê bết bùn đất sét vàng.

Tên Đức đi đầu đã có tuổi, má hõm sâu, râu rậm màu hạt dẻ, khi đi ngang qua hầm công sự gườm gườm nhìn chúng tôi bằng cặp mắt chó sói, rồi hắn xoay người lại, vừa đi vừa sửa lại chiếc mũ sắt buộc ở thắt lưng. Và, thế là, trung uý Ghêraximốp nhảy chồm lên, quát người chiến sĩ hồng quân bằng một giọng gay gắt như chó_sủa:

- Sao thế hả, cậu đi dạo mát với chúng đấy à ? Bước mau lên nào! Đã bảo là dẫn chúng đi nhanh lên!...

Rõ ràng là anh còn muốn quát thêm một câu gì nữa, nhưng ngẹn đi vì xúc động, anh quay phắt người và chạy nhanh xuống bậc tam cấp bước vào hầm công sự. Đông chí chính trị viên đại đội chứng kiến câu chuyện này; để đáp lại cái nhìn ngạc nhiên của tôi, anh nói nhỏ:

- Biết làm thế nào được, thần kinh đấy! Cậu ấy bị bọn Đức bắt làm tù binh, chắc anh chưa biết nhỉ? Có dịp nào đó, anh hãy bắt chuyện với cậu ấy. Hồi ấy cậu ta đã phải chịu đựng ghê gớm và sau này thì không tài nào nhìn nổi bọn lính Hitler đang còn sống. Phải, không tài nào nhìn nổi chính những đứa còn sống ấy! Nhìn bọn đã chết rồi thì không sao, và có thể nói rằng cậu ấy hài lòng nữa kia, nhưng hễ cứ nhìn bọn tù binh thì cậu ấy hoặc là nhắm mắt lại, mặt nhợt nhạt và toát mồ hôi, hoặc là quay ngoắt rồi đi biến.

Đồng chí chính trị viên đại đội dịch lại gần bên tôi, thầm thì:

- Tôi đã hai lần cùng cậu ấy xung phong: thật là như mãnh hổ. Giá mà anh được tận mắt trông thấy cậu ấy xông lên như thế nào. Tôi cũng đã được thấy nhiều, nhưng đâm lê và đánh bằng báng súng như cậu ấy thì thật là khủng khiếp.

Ban đêm, trọng pháo của Đức hoạt động mạnh. Từ phía xa vọng lại tiếng đại bác nổ, vài giây sau, trên bầu trời đầy sao, vút qua đầu chúng tôi có tiếng đạn thép rít lên nghe to dần rồi xa dần, và tiếp theo ở đâu đó phía sau chúng tôi, nơi con đường ban ngày nghìn nghịt những ô tô chở đạn dược ra tiền tuyến, bừng lên một ánh chớp lửa màu vàng kèm theo một tiếng nổ rền.

Chen giữa những loạt súng, lúc khu rừng trở lại im ắng, tiếng muỗi kêu vo ve, tiếng những con ếch hoảng sợ trước cuộc bắn phá rụt rè gọi nhau trong đầm lầy gấn đó nghe đã rõ.

Chúng tôi nằm dưới một bụi phỉ tử, và trung uý Ghêraximốp vừa phe phẩy một cành cây nhỏ đuổi muỗi vừa chậm rãi kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Câu chuyện này tôi nhớ được như thế nào, xin kể lại như thế ấy.

- Trước chiến tranh, tôi làm thợ máy trong một nhà máy ở miền tây Xibia. Tôi được gọi nhập ngũ ngày mồng chín tháng Bảy năm ngoái. Gia đình tôi gồm có vợ, hai con nhỏ và ông bố tàn tật. Tiễn đưa, thì tất nhiên là vợ tôi có khóc, nhưng lúc lên đường, cô ấy lại nói: "Anh cứ kiên quyết bảo vệ Tổ quốc và gia đình. Nếu cần thì hãy hiến dâng cả cuộc đời để giành lấy thắng lợi cho chúng ta". Tôi nhớ rằng khi đó tôi đã cười và nói với cô ấy rằng: "Này, thế em là cái gì đối với anh, là vợ hay là tuyên truyền viên trong gia đình đấy? Anh là người lớn, còn thắng lợi thì bọn anh sẽ móc họng bọn phát xít ra mà giành lấy, em đừng lo!".

Bố tôi tất nhiên là cứng rắn hơn, nhưng cũng không tránh được những lời huấn thị. Ông cụ bảo: "Víchto này, gia đình Ghêraximốp đâu phải là một gia đình bình thường. Con là công nhân nhà nòi đấy; cụ nội con dã làm việc cho hãng Xtôrôgarốp, dòng họ nhà ta hằng trăm năm nay đã làm ra sắt thép cho đất nước, và vì thế, trong cuộc chiến tranh này con cũng phải là sắt thép. Chính quyền là của con, chính quyền đã giữ con làm sĩ quan dự bị cho chiến tranh, con cần phải nện cho kẻ thù nên thân mới được!".

- Con sẽ làm những điều bố dặn, bố ạ!

Trên đường ra ga, tôi tạt vào quận uỷ Đảng. Đồng chí bí thư quận uỷ vốn là một người rất khô khan và chín chắn... Tôi nghĩ bụng, nếu trong lúc lên đường, vợ và bố tôi đã làm công tác tuyên truyền đối với tôi như vậy, thì con người này ắt chẳng tha, thế nào cũng hô hào đến nửa tiếng đồng hồ cho mà xem, nhất định thế! Nhưng sự thể lại hoàn toàn ngược lại.

" Nào, ngồi xuống Ghêraximốp - Đồng chí bí thư của chúng tôi nói - Theo tục lệ cổ, trước lúc lên đường, chúng ta hãy ngồi với nhau một lát".

Chúng tôi cùng ngồi, cùng im lặng một lúc, sau đó đồng chí ấy đứng lên và tôi thấy hình như mắt kính của đồng chí ấy đổ mồ hôi... Tôi nghĩ thầm: Ngày hôm nay thật lắm điều kỳ lạ! Còn đồng chí bí thư thì nói: "Mọi chuyện đều rõ ràng và dễ hiểu, đồng chí Ghêraximốp ạ, tôi còn nhớ cầu từ ngày cậu bé tẹo thế này, tai thì vểnh lên, lúc ấy cậu còn quàng khăn đỏ, tôi nhớ cả lúc cậu trở thành đoàn viên Thanh niên cộng_sản và tôi biết trong mười năm nay cậu đã là một người cộng_sản như thế nào. Hẫy đi đi và thẳng tay nện lũ khốn khiếp đó. Tổ chức Đảng tin ở cậu!". Lần đầu tiên trong đời, tôi và đồng chí bí thư ôm hôn nhau thắm thiết và có trời biết tại sao hôm đó đồng chí ấy hoàn toàn không khô khan đối với tôi như trước kia...

Sự thân tình ấy đã sưởi ấm lòng tôi đến mức bước ra khỏi văn phòng quận uỷ, tôi thấy vô cùng hân hoan và xúc động.

Ngay lúc đó, vợ tôi cũng làm cho tôi vui. Ạnh cũng hiểu rằng tiễn chồng ra mặt trận thì chẳng có người vợ nào lại không buồn, tất nhiên vợ tôi cũng đau khổ, cô ấy muốn nói một điều gì quan trọng, nhưng đầu óc cứ rối tung lên, mọi ý nghĩ biến đâu mất hết. Mãi đến lúc tầu đã chuyển bánh, cô ấy đi bên toa tầu tay cứ nắm chặt lấy tay tôi không chịu buông và nói nhanh:

- Vichia coi chừng nhé, anh cố giữ mình kẻo mà bị cảm lạnh ở ngoài mặt trận đấy!

Tôi bảo vợ tôi: "Em nói gì vậy, Nađia, anh thì bị cảm lạnh làm sao được. Ở đó khí hậu tốt lắm, thậm chí còn rất ôn hoà nữa ấy!".

Càng cảm thấy cay đắng vì cảnh chia ly, vui vui vì câu nói ngớ ngẩn và dễ thương của vợ, tôi càng căm thù quân Đức. Tôi nghĩ bụng, chà, cái bọn láng giềng phản trắc này, bay đã động chạm đến chúng tao, giờ hãy liệu hồn! Chúng tao sẽ xiên táo chúng mày!.

Ghêraximốp yên lặng vài phút, lắng nghe tiếng súng máy nổ ran phía trước tiền duyên, rồi sau đó, khi tiếng súng ngừng bặt, cũng đột nhiên như khi nó bắt đầu, anh nói tiếp:

- Trước chiến tranh, người ta đem đến nhà máy chúng tôi những cỗ máy chế tạo từ nước Đức. Mỗi khi lắp máy, tôi thường sờ mó các chi tiết và ngắm nghĩa hết bên này sang bên khác đến năm sau lần. Thật không thể chê vào đâu được! Đúng là những bàn tay thông minh đã làm ra các cỗ máy này. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn Đức, tôi yêu mến và đã quen kính trọng nhân dân Đức. Thật ra, cũng có lúc tôi cảm thấy ức, là vì sao một dân tộc yêu lao động và đầy tài năng như vậy mà lại chịu đựng được một chế độ tồi tệ như chế độ Hitler, nhưng nghĩ cho cùgn thì đó là việc của họ. Sau đó nổ ra cuộc chiến tranh ở Tây Âu...

Thế là tôi ra mặt trận và tự nghĩ: Kỹ thuật của bọn Đức mạnh, quân đội cũng khá. Mẹ kiếp, đánh nhau và bẻ gãy được xương sườn của một kẻ địch như vậy kể cũng thú vị. Mà chúng ta trước năm Bốn mốt cũng chẳng kém cạnh gì. Phải thừa nhận rằng tôi cũng chẳng mong đợi gì một lòng trung thực đặc biệt gì ở thằng địch này, làm sao lại có thể trông mong vào lòng trung thực của bọn phát xít được, nhưng cũng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình phải đánh nhau với bọn khốn nạn vô lương tâm như quân đội Hitler.

Thôi, về chuyện này sau ta sẽ nói...

Cuối tháng Bảy, đơn vị chúng tôi ra đến mặt trận. Sớm ngày 27 thì bước vào trận đánh. Lúc đầu, đối với lính mới như tôi kể cũng hơi chợn. Súng cối của chúng giã bọn mình rất ác, nhưng đến chiều, chúng tôi đã quen dần, sửa cho chúng nên thân và tống ra khỏi một làng nhỏ. Ngay trong trận này, chúng tôi đã tóm được một tốp tù binh khoảng mười lăm tên. Tôi còn nhớ rõ như in trước mắt: chúng bị dẫn đi, khiếp đảm, nhợt nhạt; và đến lúc này, sau cuộc chiến đấu, các chiến sĩ của ta đã nguôi nguôi, nên mỗi người đều dúi cho bọn tù binh tất cả những gì có thể cho: người thì một cà mèn xúp bắp cải. Người thì một dúm thuốc rời hoặc điếu thuốc quấn, người thì cho chúng uống trà. Mọi người vỗ vai chúng và gọi chúng là "camarát": thế nào, người đồng chí, sao lại đánh nhau với chúng tôi?...

Nhưng có một chiến sĩ đã từng trải trong chiến đấu thì cứ nhìn mãi quang cảnh cảm động đó và nói: "Các đồng chí cứ việc mà tỏ tình cảm với những "ông bạn" này đi. Ở đây thì tất cả bọn chúng đều là "camarát" nhưng nếu các đồng chí được nhìn thấy những "camarát" này hành động như thế nào ở bên kia trận tuyến, cách chúng đối xử với thương binh của ta và với dân lành, các đồng chí mới biết". Đồng chí đó nói, như giội một thùng nước lạnh lên đầu chúng tôi, rồi bỏ đi.

Ít lâu sau, chúng tôi chuyển sang tấn công, và đã được thấy đủ thứ... Những làng xóm bị đốt trụi hoàn toàn, hàng trăm đàn bà, trẻ em, người già bị bắn chết, những chiếc thây bất thành nhân dạng của các chiến sĩ hồng quân bị bắt làm tù binh, những phụ nữ, thiếu nữ, em gái nhỏ bị chúng hãm hiếp và giết hại một cách dã man...

Đặc biệt hình ảnh một em gái nhỏ còn in mãi trong đầu óc tôi: em độ mười một tuổi, có lẽ đang đi đến trường. Bọn Đức bắt được em lôi vào vườn rau hãm hiếp, rồi giết chết. Em nằm giữa những cây khoai tây nát bét, một cô gái bé bỏng hãy còn hoàn toàn là một đứa trẻ con, còn xung quanh là những quyển vở và sách giáo khoa đẫm mau vương vãi... Mặt em bị lưỡi lê băm vằm trong rất khủng khiếp, tay em còn nắm chặt chiếc cặp học sinh mở tung. Chúng tôi phủ lên mình em chiếc áo mưa vải bạt và đứng lặng yên. Sau đó các chiến sĩ lặng lẽ tản đi, còn tôi thì tôi nhớ là vẫn đứng đấy như người hoá dại, miệng lẩm bẩm: "Báckốp. Pôlôvinkin. Địa lý tự nhiên. Sách giáo khoa cho trường trung học và phổ thông bảy năm". Đó là tôi đọc ở một trong những quyển sách giáo khoa vương vãi trên cỏ gần đấy, còn cuốn sách giáo khoa đó thì tôi biết rõ lắm. Con gái tôi cũng đang học lớp năm.

Còn đây là chuyện xảy ra ở cách Rugin không xa. Trogn một cáci khe gần Xcơvira, chúng tôi đã thấy một địa điểm hành hình, ở đó chúng hành hạ những chiến sĩ hông quân bị bắt làm tù binh. Đồng chí đã có dịp đến các cửa hàng bán thịt chưa? Quang cảnh nơi đó cũng gần giống như thế đấy... Trên những cành cây mọc ở bờ khe, treo lủng lẳng những thân hình đẫm mãu không chân không tay bị lột gần hết da... Ở dưới đáy khe có tám người bị giết chất thành một đống. Không thể biết tay nào chân nào của nạn nhân nào nữa, tất cả chỉ là một đống thịt lớn bị chặt vụn, còn bên trên xếp tám cái mũ calô của Hồng quân thành chồng như xếp đĩa...

Anh thử nghĩ xem, liệu có thể dùng lời mà kể lại được tất cả những gì tôi đã nhìn thấy không? Không thể! Không có lời nào hết! Cảnh dó cần phải nhìn tận mắt. Nhưng thôi, nói về chuyện này thế là đủ rồi! Trung uý Ghêraximốp yên lặng hồi lâu. Tôi hỏi anh:

- Ở đây hút thuốc được chứ?

- Được. Lấy tay che đi mà hút - Anh trả lời giọng khàn khàn.

Rồi vừa hút, anh vừa kể tiếp:

- Anh có hiểu được rằng sau khi nhìn thấy tất cả những gì mà bọn phát xít gây ra cho ta, chúng tôi đã trở nên hung hãn như thú rừng và không thể nào khác được. Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng chúng tôi đánh nhau không phải với người mà với một lũ quái thai chó má khát máu. Dường như bây giờ chúng tàn sát, hãm hiếp, hành tội dân ta cũng tỉ mỉ, cẩn thận như khi chúng chế tạo những cỗ máy vậy. Sau đó chúng tôi lại phải rút lui, nhưng chúng tôi đã chiến đấu như quỷ dữ! Trong đại đội chúng tôi, hầu hết các chiến sĩ đều là người Xibia. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chiến đấu quyết liệt để bảo vệ đất Ukraina. Rất nhiều đồng hương của tôi đã ngã xuống trên mảnh đất Ukraina, nhưng cũng trên mảnh đất này, bọn phát xít đã phải chết nhiều hơn chúng tôi. Phải, chúng tôi đã rút lui, nhưng cũng đã nên cho chúng nên thân.

Trung uý Ghêraximốp hút một hơi thuốc thật dài rồi nói bằng giọng khác, dịu dàng hơn:

- Đất đai miền Ukraina thật là tốt, còn thiên nhiên ở đó thì tuyệt! Mỗi một làng, một xóm nhỏ đối với chúng tôi đều thân thiết, có lẽ vì chúng tôi đã đổ máu mình xuống đó không tiếc, mà như người ta thường nói, máu kết chặt tình thân.... Cứ mỗi khi phải bỏ một làng nào, là trái tim chúng tôi cứ nhói lên, nhói lên không chịu nổi. Thật là tiếc, tiếc đến đứt ruột! Chúng tôi ra đi mà chẳng dám nhìn vào mắt nhau.

... Khi đó, tôi không nghĩ rằng mình có thể bị bọn phát xít bắt làm tù binh, thế mà việc đó đã xảy ra. Vào quãng tháng Chín, tôi bị thương lần đầu nhưng vẫn ở lại đội ngũ. Đến ngày hai mươi mốt, trong một trận đánh ở Đênixốpka thuộc tỉnh Pôntava, tôi bị thương lần thứ hai và bị bắt làm tù binh.

Xe tăng Đức chọc thủng sườn trái của chúng tôi, theo sau chúng là bộ binh đổ vào. Chúng tôi đã chiến đấu, phá được vòng vây. Trong ngày hôm đó, đơn vị tôi bị tổn thất rất nặng. Hai lần, chúng tôi đẩy lui cuộc tấn công bằng xe tăng của quân địch, bắn cháy và bắn bị thương sau chiếc xe tăng và một chiếc xe bọc thép, quật ngã khoảng một trăm hai mươi tên lính Hitler trên cánh đồng ngô, rồi sau đó chúng đưa các đại đội súng cối đến, chúng tôi đành phải bỏ điểm cao mà chúng tôi đã giữ suốt từ lúc giữa trưa đến bốn giờ chiều. Từ sáng, trời đã nóng nực. Trên bầu trời không một gợn mây, mặt trời hun nóng như thiêu như đốt, nóng đến không thở được. Đạn súng cối rơi dày đặc đến kinh khủng và tôi còn nhớ là khát nước đến nỗi môi ai cũng đen sì, còn tôi thì ra lệnh bằng giọng khản đặc, cứ như không phải giọng của mình. Chúng tôi vừa chạy đến một chỗ trũng thì một quả đạn cối nổ ngay trước mặt. Hình như là tôi chỉ kịp nhìn thấy một cột đất và bụi đen sì và thế là hết. Một mảnh đạn súng cối bắn thủng các mũ sắt của tôi, mảnh thứ hai trúng vào vai phải.

Tôi không nhớ mình đã nằm bất tỉnh bao lâu, nhưng tiếng bước chân người thình thịch làm tôi tỉnh lại. Cất đầu lên thì thấy đang nằm không phải ở chỗ mình ngã xuống. Bộ quân phục trên người không còn nữa, vai đã được ai đó băng bó vội vã. Không có cả chiếc mũ sắt trên đầu. Đầu cũng đã được ai đó baưng cho, nhưng băng buộc không chặt, một đầu băng buông thõng xuống ngực. Trong khoảnh khắc, tôi đã nghĩ rằng anh em chiến sĩ của tôi đã mang tôi theo và trên đường đã băng cho tôi; và khi cố gắng nhấc đầu lên để nhìn quanh tôi hy vọng sẽ nhìn thấy anh em mình. Nhưng chạy lại với tôi không phải là anh em mình, mà là bọn Đức. Chính tiếng bước chân của bọn chúng đã làm tôi tỉnh lại. Tôi nhìn thấy chúng rõ mồn một như xem một cuốn phim tốt. Tôi quờ tay tìm xung quanh. Bên tôi không còn một thứ vũ khí nào cả: không có súng ngắn, không có súng trường và ngay cả lựu đạn cũng không nốt. Một đồng chí nào đã lấy bản đồ và vũ khí của tôi đi rồi.

Tôi nghĩ thầm: "Đã đến lúc chết rồi đây!". Tôi còn nghĩ gì trong lúc này nữa nhỉ? Nếu anh muốn viết một cuốn tiểu thuyết sau này, thì cứ nghĩ ra mà viết, còn tôi khi đó tôi chẳng kịp nghĩ gì cả. Bọn Đức đang ở rất gần, còn tôi thì không muốn nừam như vậy mà chết. Đơn giản là tôi không muốn, tôi không thể nằm như vậy mà chết, hiểu không? Tôi thu hết sức lực chống hai tay xuốgn đất quỳ lên. Khi chúng chạy đến gần thì tôi đã đứng lên được. Tôi đứng dậy, lảo đảo, chỉ sợ lại ngã xuống và chúng sẽ đâm cho một lưỡi lê khi tôi đang nằm. Tôi không còn nhớ một khuôn mặt nào cả. Chúng vây quanh tôi vừa cười vừa nói điều gì đó. Tôi bảo: "Nào, hãy giết tao đi, bọn khốn kiếp! Giết ngay tao đi kẻo tao lại ngã xuống bây giờ". Một đứa trong bọn chúng đập cho tôi một báng súng vào gáy, tôi ngã xuống nhưng lại vùng dậy ngay. Chúng cười phá lên và một đứa trong bọn vẫy tay ra hiêu bảo: đi, đi về phía trước. Tôi bước đi. Khắp mặt tôi máu đọng cứng lại; từ vết thương trên đầu, dòng máu rất ấm và nhơm nhớp vẫn rỉ ral vai rất đau và tôi không thể nhấc tay phải lên được. Tôi nhớ lúc đó tôi chỉ muốn nằm xuống, không đi đâu nữa, thế mà chân tôi vẫn cứ bước...

Không, tôi hoàn toàn không muốn chết và lại còn không muốn bị bắt làm tù binh. Phải tốn bao nihêu sức lực mới dẹp được cơn nhức đầu và buồn nôn, tôi vẫn bước đi, và như thế có nghĩa là tôi vẫn đang còn sống và còn có thể hành động được. Chao ôi, cơn khát dày vò tôi mới ghê chứ! Miệng thì nóng bỏng và suốt thời gian chân bước đi, trước mắt tôi lúc nào cũng như có một tấm rèm đen lay động. Tôi gần như mê man, nhưng vẫn vừa đi vừa nghĩ: "Kiếm được ngụm nước uống, nghỉ một lát, rồi lập tức chạy trốn!".

Ở một chố trống trong khu rừng, chúng tập trung tất cả anh em tù binh, bắt xếp hàng lại. Tất cả đều là các chiến sĩ thuộc đơn vị bên cạnh. Tôi chỉ nhận ra có hai chiến sĩ đại đội 3 thuộc trung đoàn mình. Phần lớn tù binh đều bị thương. Tên trung uý Đức, bằng thứ tiếng Nga rất tồi, hỏi xe trong chúng tôi có ai là chính trị viên hay đại đội trưởng không. Tất cả đều im lặng. Nó hỏi lại lần nữa: "Chính trị viên và sĩ quan tiến lên hai bước!". Không ai bước ra khỏi hàng.

Tên trung uý chậm rãi bước đi trước hàng và chọn ra khoảng mười sau người, trông có vẻ giống người Do Thái. Hắn hỏi từng người một: "Do Thái phải không?" rồi không đợi trả lời, hắn ra lệnh bước ra khỏi hàng. Trong số những người hắn chọn ra có người Do Thái, người Acmêni, và có những người chỉ là người Nga, nhưng đều da ngăm ngăm và tóc đen. Chúng đẩy họ đứng sang một bên rồi dùng tiểu liên bắn ngay trước mắt chúng tôi. Sau đó, chúng khám xét qua loa rôìo tịch thu hết ví tiền và mọi vật dụng cá nhân. Tôi không bao giờ bỏ thẻ Đảng vào trong ví tiền vì sợ đánh mất; tôi thường cất nó trong túi quần trong và vì thế chúng không tìm thấy. Con người thật là một sinh vật kỳ lạ: tôi biết một cách chắc chắn rằng sinh mệnh của tôi đang treo trên sợi tóc, và nếu chúng không giết tôi khi tôi tìm cách chạy trốn, thì đằng nào chúng cũng giết tôi trên đường, vì tôi bị mất quá nihều máu, khó mà theo kịp được anh em; nhưng khi bị khám xong, chiếc thẻ Đảng vẫn còn trong người, tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng, đến mức quên cả khát!

Bọn địch xếp chúng tôi theo đội hình hành quân rồi dồn về phía tây. Một đội áp giải khá đông đi hai bên đường và khoảng mười chiếc môtô đi kèm. Chúng thúc chúng tôi phải đi nhanh, nhưng sức tôi đã kiệt. Đã hai lần tôi ngã xuống, nhưng lại đứng và đi tiếp, vì tôi biết rằng chỉ cần nằm lại một phút, mọi người sẽ đi qua và chúng sẽ bắn tôi chết ngay trên đường. Có một đồng chí thượng sĩ đi trước tôi đã bị như vậy. Đồng chí ấy bị thương ở chân, đi rất khó khăn, vừa đi vừa rên rỉ, đôi khi đau quá phải kêu lên. Chúng tôi đi được khoảng một cây số thì đồng chí ấy kêu to lên:

- "Không, tôi không thể đi được nữa. Vĩnh biệt các đồng chí!". Và ngồi lại ngay giữa đường.

Anh em vừa đi vừa cố xốc đồng chí đó đứng lên, nhưng đồng chí ấy lại tuột ngay xuống đất. Như trong giấc mơ, tôi còn nhớ khuôn mặt rất trẻ của đồng chí ấy, nhợt nhạt, đôi mày nhíu lại, đôi mắt ướt đẫm lệ... Đoàn người đi qua. Đồng chí ấy ngồi lại ở phía sau. Tôi quay nhìn lại và thấy một tên lái môtô đến sát gần và cứ ngồi trên xe rút súng lục ra khỏi bao, dí vào tai đồng chí thượng sĩ đó mà bóp cò. Tới khi đi đến bờ sông, bọn phát xít đã bắn chết thêm vài chiến sĩ Hồng quân tụt lại phía sau nữa.

Tôi đã trong thấy con sông, chiếc cầu bị phá và một chiếc xe vận tải bị sa lầy ở chỗ lội, tại đó tôi đã ngã sấp mặt xuống. Tôi có ngất đi không? Không, tôi không ngất. Tôi nằm sõng soài, bụi cát vào đầy miệng, tôi điên tiết nghiến răng lại, cát xào xạo trong miệng tôi, nhưng tôi không thể nào đứng lên được. Các đồng chí bước ngang qua chỗ tôi. Một người nói nhỏ: "Đứng dậy ngay không chúng nó giết đấy!". Tôi lấy ngon tay cào vào miệng, ấn vào mắt, mong rằng cơn đau sẽ giúp tôi đứng lên được.

Cả đoàn người đã đi qua, tôi đã nghe thấy tiếng bánh xe của tên lính đi môtô xành xạch tiến lại gần. Và dù sao tôi cũng đã đứng dậy được! Không nhìn tên lính đi môtô, tôi bước lảo đảo như người say rượu, buộc mình phải đuổi kịp đoàn người và sóng vào hàng cuối cùng. Nước sông bị xe tăng và ôtô Đức lội qua đã khuấy cho đục ngầu, thế mà chúng tôi vẫn uống, uống cái thứ nước nâu nâu âm ấm đó, và cảm thấy nó còn ngọt hơn thứ nước suối khoáng tốt nhất. Tôi nhúng cả đầu và vai xuống nước. Tôi tỉnh cả người và thấy mình khoẻ lại. Bây giờ thì tôi có thể bước đi với hy vọng là sẽ không bị ngã và không bị nằm lại trên đường.

Chúng tôi vừa đi khỏi bờ sông lên đường cái, thì gặp một đoàn xe tăng hạng trung của bọn Đức. Chúng đi ngược lại phía chúng tôi. Tên lái chiếc xe tăng đi đầu, nhìn thấy chúng tôi là tù binh, bèn dận hết ga cho xe xông thẳng vào đoàn chúng tôi. Những hàng đầu bị xích xe nghiến nát. Bọn lính áp giải đi bộ và bọn lính đi môtô đứng nhìn cảnh đó cười ầm ĩ, chúng lấy tay vẫy vẫy nói gì đó với bọn lính tăng đang thò đầu ra ngoài tháp xe. Sau đó chúng lại xếp chúng tôi thành hàng ngũ và dồn sang một bên đường.

Bọn chúng đùa cợt như thế đó, còn biết nói gì nữa bây giờ....

Buổi chiều và đêm hôm đó, tôi không tìm cách chạy trốn, tôi hiểu rằng mình không thể nào đi thoát được vì tôi còn rất yếu do bị mất quá nhiều máu, vả lại chúng canh gác rất nghiêm ngặt và mọi cố gắng để chạy trốn sẽ chỉ gặp thất bại. Nhưng sau này, tôi cứ rủa thầm mình không biết bao nhiêu lần là tại sao không thử xem! Buổi sáng, chúng lùa chúng tôi qua một thôn có một đơn vị Đức chiếm giữ. Bọn bộ binh Đức chạy ra phố xem chúng tôi. Bọn áp giải bắt chúng tôi phải chạy nước kiệu qua suốt làng. Chúng cần phải làm nhục chúng tôi trước mặt các đơn vị Đức sắp ra mặt trận. Thế là chúng tôi phải chạy. Người nào ngã hoặc tụt lại lập tức bị bắn chết. Đến chiều thì chúng tôi đến trại tù binh.

Đó là sân của một trạm máy kéo, chung quanh chăng giây thép gai rất dầy. Trong sân tù binh đứng chen chúc. Chúng tôi bị giao cho bọn quản trại và bọn này dùng báng súng lùa chúng tôi vào bên trong hàng rào giây thép gai. Nếu nói rằng cái trại tù binh này là địa ngục, thì nghĩa là chẳng nói được gì cả. Không có cả chỗ đi vệ sinh. Mọi người đại tiểu tiện ngay tại chỗ đứng, nằm ngay trên phân và nước bẩn. Những người yếu nhất không đứng được nữa. Mỗi ngày chúng phát thức ăn và nước uống một lần. Một ca nước, một nhúm kê sống hoặc hạt hướng dương thối, ngoài ra chẳng có gì. Đôi khi chúng quên chẳng phát gì cả....

Hai ngày sau, trời mưa rất to. Bùn bẩn trong trại ngập lên đến đầu gối. Buổi sáng, thân thể ẩm ướt của chúng tôi bốc hơi như ngựa, mà mưa vẫn như trút, không ngớt... Mỗi đêm, chết đến mấy chục người. Tất cả chúng tôi đều mỗi ngày một yếu đi do đói ăn. Thêm vào đó, tôi còn bị những vết thương dày vò khổ sở.

Đến ngày thứ sáu, tôi thấy vai và vết thương trên đầu đau quá. Bắt đầu mưng mủ. Sau đó có mùi thối. Bên cạnh trại có mấy cái chuồng ngựa của nông trường, là chỗ để các chiến sĩ Hồng quân bị thương nặng. Buổi sáng, tôi xin phép tên hạ sĩ quan canh giữ chúng tôi để đến tìm bác sĩ mà tôi nghe nói là đang chăm sóc thương binh. Tên hạ sĩ nói tiếng Nga rất thạo. Hắn nói: "Đi đi, thằng Nga, đi mà tìm bác sĩ của chúng mày. Nó sẽ giúp mày ngay đấy!".

Lúc đó tôi không hiểu là hắn nói giễu, liền vui mừng đi đến chỗ chuồng ngựa.

Đồng chí bác sĩ quân y hạng ba đón tôi ở cửa. Anh thật đã thân tàn ma dại. Anh chỉ còn da bọc xương, kiệt sức và cũng hoá ra dở điên dở dại vì những điều đã phải trải qua. Thương binh nằm trên những ổ phân, bị ngạt thở vì mùi hôi thối ghê gớm ngập ngụa trong chuồng ngựa. Phần lớn các vết thương đã lúc nhúc ròi bọ, ai còn sức thì lấy tay hoặc lấy que mà gẩy ra khổi vết thương !!!. Ngay đó, bên cạnh cửa, có một đống xác tù binh chết chưua kịp đem đi.

Đồng chí bác sĩ hỏi tôi: "Đồng chí đã trông thấy chưa? Tôi lấy gì mà giúp đồng chí bây giờ? Tôi không có lấy một mảu băng, không có chút gì hết! Tôi van đồng chí, đồng chí hãy đi khỏi đây, đi đi! Đồng chí hãy tháo băng ra rồi lấy tro mà rắc vào. Ở bên cạnh cửa có tro mới đấy!".

Tôi làm theo lời đồng chí ấy. Tên hạ sĩ gặp tôi ở cửa ngoác mồm cười: "Thế nào? Lính các ông có một vị bác sĩ tuyệt vời phải không? Ngài đã chăm sóc ông rồi chứ?". Tôi muốn lặng thinh đi qua nhưng nó đấm vào giữa mặt tôi và thét lên: "Mày không muốn trả lời à, đồ súc vật?". Tôi ngã xuống và hắn lấy chân đá mãi vào ngực, vào đầu tôi. Hắn đánh cho đến lúc thấm mệt. Cho đến chết, tôi cũng không quên tên phát xít này, không, tôi không bao giờ quên nó! Sau đó, hắn còn đánh tôi nhiều lần. Cứ thoáng thấy bóng tôi qua hàng rào giây thép gai là hắn gọi tôi ra và đánh tôi lặng lẽ, chăm chú đánh...

Anh hỏi làm sao tôi còn sống sót được ư?

Trước chiến tranh, khi chưa làm thợ máy, tôi khuân vác trên bờ sông Cama, mỗi lúc dỡ hàng, tôi vác đến hai bao muối, mỗi bao một tạ. Sức của tôi như vâm, không có gì đáng phàn nàn, hơn nữa cơ thể tôi khoẻ mạnh, nhưng điều chủ yếu là tôi không muốn chết, ý chí đề kháng của tôi rất mãnh liệt. Tôi cần phải trở lại đội ngũ những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, và tôi đã trở về để trả thù kẻ địch cho đến cùng!

Trại tập trung này gần như là một trung tâm phân phối và bọn chúng tôi bị đưa sang trại khác cách đó khoảng một trăm cây số. Ở đây cũng giống hệt như ở trại trung tâm phân phối: vẫn những cột cao mắc giây thép gai, trên đầu chẳng có chút mái che, chẳng có gì sất. Thức ăn vẫn như cũ, nhưng thỉnh thoảng thay cho kê sống, chúng cho một ca lúa mí thối đã nấu chín, hoặc chúng lôi vào trong trại những thây ngựa chết, mặc cho tù binh chia nhau. Để khỏi bị chết đói, chúng tôi đành phải ăn và rồi cả trăm người chết... Thêm vào đó, đến tháng Mười một trời bắt đầu lạnh, mưa triền miên không ngớt, buổi sáng lại có sương muối giá rét. Chúng tôi đứng vì rét. Tôi lấy được một bộ quân phục và chiếc áo capốt của một đồng chí Hồng quân đã chết. Nhưng vẫn chẳng chống được rét, còn cái đói thì đã quen rồi...

Bọn lính canh gác chúng tôi đều phát phì ra nhờ cướp bóc. Tính nết chúng giống nhau như rập khuôn. Bọn lính canh đều được lựa chọn từ những tên đê tiện nhất. Chúng giải trí theo kiểu thế này, buổi sáng, một tên cai ngục đến bên hàng rào dây thép gai và nói qua phiên dịch:

- "Sắp phát thức ăn. Bắt đầu từ bên trái".

Tên cai bỏ đi. Tất cả những ai còn đứng được đèu tập trung ở phía trái vòng đai. Chúng tôi đợi một, hai, ba giờ đồng hồ. Hàng trăm bộ xương người sống run rảy đứng trước gió buốt... Đứng và chờ đợi.

Đột nhiên bọn lính gác xuất hiện rất nhanh ở phía bên kia hàng rào. Chúng ném qua giây thép gai vài miếng thịt ngựa. Tất cả mọi người bị các đói thôi thúc đổ xô cả về phía đó và một cuộc xâu xé đã xảy ra quanh những miếng thịt ngựa nhầy nhụa bùn đất.

Bọn lính canh cười phá lên và sau đó là một tràng liên thanh dài vang lên giòn giã. Tiếng kêu, tiếng rên rỉ. Tù binh chạy dạt sang phía bên trái hàng rào, còn lại trên mặt đất là những người bị chết và bị thương... Tên đại uý cao lớn - trưởng trại - cùng với tên phiên dịch đi đến gần hàng rào giây thép gai. Tên đại uý cố nhịn cười nói:

- "Trong khi phân phát thức ăn, đã xảy ra chuyện lộn xộn bỉ ổi! Nếu điều này còn tái diễn, ta sẽ hạ lệnh bắn không thương tiếc lũ lợn Nga chúng mày! Dọn xác bọn đã chết và bị thương đi!". Bọn lính Hitler chen chúc sau lưng tên trưởng trại được một trân cười thoả thuê. Chúng rất thích kiểu phai trò "hóm hỉnh" của thủ trưởng.

Chúng tôi lặng lẽ khiêng những anh em bị giết ra khỏi trại, chôn ở một nơi gấn đấy, dưới khe... Trong trại này, chúng đánh người bằng nắm đấm, bằng gậy gộc, bằng báng súng. Đánh người chỉ đơn giản vì buồn chán và để giải trí. Những vết thương của tôi đã kín mương, nhưng có lẽ vì luôn luôn bị ướt và bị đòn nên lại toác ra, đau không chịu nổi. Nhưng tôi vẫn sống và vẫn không mất hy vọng sẽ được thoát... Chúng tôi nằm ngủ ngay trên vũng bùn, chẳng có lấy một lớp rơm lót. Mọi người nằm túm tụm lại với nhau, chất thành đống. Suốt đêm, có những tiếng ồn ào nho nhỏ, những người nằm dưới, trong vũng bùn bị lạnh cóng, còn những người nằm ở phía trên cũng bị lạnh cóng. Đó không phải là giấc ngủ nữa mà là một cực hình.

Ngày tháng cứ trôi đi, như trong cơn ác mông. Tôi cứ mỗi ngày một yếu đi. Bây giờ thì ngay đến một đứa trẻ con cũng có thể quật ngã tôi được. Đôi khi tôi kinh hoàng nhìn hai cánh tay chỉ có da bọc xương của mình mà nghĩ rằng: "Làm thế nào mà thoát khỏi được nơi này đây?". Và thế là tôi lại tự nguyền rủa mình đã không cố tìm cách chạy trốn ngay trong những ngày đầu. Nếu như chúng giết chết tôi ngay khi đó thì bây giờ tôi đã chẳng bị đày đoạ đến khủng khiếp thế này.

Mùa đông đã đến. Chúng tôi dọn tuyết và nằm ngủ ngay trên mặt đất giá băng. Số anh em chúgn tôi trong trại ngày một ít đi... Cuối cùgn chúng tuyên bố là vài ngày nữa sẽ phái chúng tôi đi làm việc. Mọi người như sống lại. Ở mỗi người đều nảy ra hy vọng, dù là rất mong manh, nhưng vẫn hy vọng rằng có thể có cơ hội chạy trốn.

Đêm đó trời lặng gió nhưng giá buốt. Trước lúc bình minh, tôi nghe thấy tiếng đại bác gầm. Xung quanh tôi nháo nhác hẳn lên. Đến khi nghe tiếng đại bác nổ tiếp thì bỗng nhiên có một người nào đó nói to:

- "Các đồng chí, quân ta tấn công rồi!".

Và thế là diễn ra một cảnh tượng không sao tả nổi: toàn trại đều đứng cả dậy như theo một hiệu lệnh. Cả đến những người những người suốt mấy ngày hôm nay không ngóc dậy, bây giờ cũng đứng được lên. Xung quanh tôi là những tiếng thì thầm sôi nổi, những tiếng nức nở nghẹn ngào cố nén... Có ai đó cạnh tôi khóc, rưng rức như đàn bà... cả tôi cũng thế... cả tôi cũng vậy... Trung uý Ghêraximốp nói nhanh, đứt quãng, rồi lặng thinh trong giây lát, nhưng sau đó trấn tĩnh lại được, anh kể tiếp, giọng đã bình thản hơn: Nước mắt chảy ròng ròng trên má tôi và đông cứng lại dưới làn gió... Ai đó hát bài "Quốc tế ca" bằng giọng yếu ớt. Chúng tôi hát thoe, giọng nhỏ nhẹ, khàn khàn. Bọn lính gác xả đại liên và tiểu liên vào chúng tôi rồi có tiếng ra lệnh: "Nằm xuống!". Tôi nằm ngập mình trong tuyết và khóc như một đứa trẻ con. Nhưng đó không chỉ là những giọt nước mắt vui sướng, mà còn là những giọt nước mắt tự hào vì dân tộc ta. Bọn phát xít có thể giết chết chúng tôi, những người không có vũ khí trong tay, những người bại hoại vì đói, chúng có thể hành hạ chúng tôi, nhưng chúng không thể bẻ gẫy được tinh thần của chúng tôi, không bao giờ bẻ gẫy được. Tôi có thể nói thẳng rằng chúng đã chọn nhầm đối tượng để tấn công.

Đêm hôm đó, tôi không được nghe hết câu chuyện của trung uý Ghêraximốp. Anh được cấp tốc gọi lên ban tham mưu đơn vị. Nhưng chỉ vài hôm sau, chúng tôi lại gặp nhau. Trong căn hầm, mùi mốc và mùi nhựa thông xông lên. Trung uý ngồi trên chiếc ghế dài, lưng còng xuống, hai bàn tay bè bè đặt lên đầu gối, những ngón tay đan vào nhau. Nhìn anh, bất giác tôi nghĩ rằng ở đó, ở trong trại tù binh, anh đã quen ngồi như thế, yên lặng hàng giờ, những ngón tay đan vào nhau, đầu óc chìm đắm trong những suy nghĩ nặng nề, vô vọng...

- Anh hỏi tôi làm thế nào mà chạy thoát được à? Tôi sẽ kể anh nghe đây. Chẳng bao lâu, sau cái đêm nghe thấy tiếng đại bác nổ, chúng phái chúng tôi đi đào công sự. Mùa băng giá đã chuyển sang mùa tuyết tan. Trời mưa tầm tã. Chúng lùa chúng tôi lên phía bắc trại. Những cảnh ban đầu lại tái diễn. Những người bị kiệt sức ngã xuống, bị chúng bắn vứt xác trên đường...

Tên hạ sĩ Đức đã bắn chết một người, chỉ vì trên đường đi, anh ta nhặt một củ khoai tây lạnh cóng. Chúng tôi đi qua cánh đồng khoai tây. Trưởng nhóm chúng tôi tên là Gôntra người Ukraina nhặt lấy củ khoai tây đáng nguyền rủa đó định giấu đi. Tên hạ sĩ trông thấy. Hắn chẳng nói chẳng rằng bước lại gần Gôntra và bắn một phát vào gáy anh. Đoàn người dừng lại chỉnh đốn hàng ngũ. Tên hạ sĩ khoát rộng cánh tay nói: "Tất cả những thứ này đều là tài sản quốc gia Đức. Bất cứ đứa nào trong bọn chúng mày tự ý lấy cái gì cũng đều bị bắn chết!".

Trong thôn mà chúng tôi đi qua, chị em phụ nữ trong thấy chúng tôi liền ném cho những mấu bánh mỳ, những củ khoai tây nướng. Có người trong số chúng tôi kịp nhặt lên, còn những người khác thì không kịp: bọn lính áp giải xả súng bắn vào các cửa sổ và ra lệnh cho chúng tôi đi nhanh lên. Nhưng Trong tay tôi đã có một khẩu tiểu liên và ba băng đạn. Tôi cắm cổ chạy. Và ngay khi đó, tôi cảm thấy mình không thể nào chạy được nữa. Thế là thôi, kiệt sức mất rồi! Tôi dừng lại, thở lấy hơi rồi lạy từ từ chạy. Bên kia khe, khu rừng rậm hơn, và tôi chạy về hướng đó. Cũng không nhớ tôi đã ngã bao nhiêu lần, đứng dậy và lại ngã... Nhưng cứ mỗi phút, tôi lại đi được xa hơn. Nấc lên và nghẹt thở vì mệt, dần dần, tôi sang được đến bên kia ngọn đồi, trong khi đó, xa xa phía sau tôi, vang lên hàng loạt liên thanh và tiếng la hét. Bây giờ thì bắt được tôi đâu phải dễ.

Đêm tối dần buông xuống. Mà nếu bọn Đức có lần được theo dấu vết tôi và đến được gần, thì tôi sẽ chỉ dành lại cho mình viên đạn cuối cùng thôi. Ý nghĩ đó làm cho tôi thêm can đảm, tôi bước đi khẽ khàng hơn, thận trọng hơn.

Đêm đó, tôi ngủ trong rừng. Có một làng xóm cách đây chừng nửa cây số, nhưng tôi không dám đến sợ chạm trán quân Đức.

Ngày hôm sau, anh em du kích nhặt được tôi. Hai tuần lễ liền tôi nằm trong hầm của họ và lấy lại được sức khoẻ. Lúc đầu họ cũng hơi nghi kỵ, mặc dầu tôi đã lấy chiếc thẻ Đảng viên trong lần lót áo capốt, mà hồi trong trại tù binh tôi có khâu lại qua loa, để đưa cho họ xem. Sau đó, khi tôi tham gia vào các trận đánh, thì quan hệ của họ đối với tôi lập tức thay đổi hẳn. Từ đó, tôi đã mở sổ tính đầu những tên phát xít bị tôi giết và ghi cẩn thận; cho đến nay, con số đó đã lên tới cả trăm.

Đến tháng giêng, anh em du kích dẫn tôi vượt mặt trận. Tôi nằm trong quân y viện gần một tháng. Người ta lấy mảnh đạn súng cối ở vai tôi ra, còn bệnh phong thấp và các thứ bệnh khác mắc ở trại tù binh thì để đến sau chiến tranh sẽ chữa. Từ quân y viện, người ta cho phép tôi về nhà để dưỡng sức. Tôi ở nhà được đúng một tuần, không thể nào hơn được nữa. Tôi cảm thấy buồn, chỉ có vậy thôi. Muốn nói gì thì nói, vị trí của tôi là ở đây cho đến cùng.

Chúng tôi chia tay nhau ngoài của hầm. Trung uý Ghêraximốp mơ màng nhìn ra con đường rừng tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ, nói:

- ... Thế là chúng tôi đã học được cách chiến đấu thực sự, học được cả cách căm thù và cách yêu thương. Chiến tranh là một hòn đá mài, trong đó mọi thứ tình cảm đều được mài sắc. Tưởng chừng như tình yêu và lòng căm thù không thể nào đặt cạnh nhau được; anh cũng biết người ta thường nói: "Không thể thắng một con ngựa với một con nai run sợ vào cùng một chiếc xe - ấy thế mà chúng ta đã thắng cả hai vào một xe và chúng đã kéo rất khoẻ! Tôi căm ghét khôn cùng bọn phát xít và tất cả những điều chúng đã gây ra trên Tổ quốc tôi và cho cá nhân tôi, nhưng đồng thời tôi cũng có một lòng têu nhân dân tha thiết, và tôi không muốn nhân dân phải chịu đau khổ dưới gông xiềng bọn phát xít. Đó chính là điều đã khiến tôi, cũng như tất cả chúng ta chiến đấu kịch liệt như vậy. Chính hai tình cảm đó sau khi chuyển hoá thành hành động sẽ đưa chúng ta đến thắng lợi. Nếu tình yêu Tổ quốc được ấp ủ trong tim chúng tôi và sẽ được áp ủ đén khi nào trái tim ngừng đập, thì lòng căm thù đối với quân giặc luôn luôn được chúng tôi mang trên đầu lưỡi lê. Nếu những điều tôi vừa nói ra có hơi khó hiểu một chút, mong anh thứ lỗi cho, nhưng mà đúng là tôi nghĩ như thế đó". Trung uý Ghêraximốp kết luận như vậy và trong suốt thời gian chúng tôi quen nhau, lần đầu tiên anh mỉm cười, một nụ cười bình dị, dễ thương như nụ cười trẻ thơ.

Và cũng là lần đầu tiên tôi nhận thấy mái tóc người trung uý mới ba mươi hai tuổi đã bạc trắng ở gần thái dương. Con người này đã bị bao nhiêu thiếu thốn dày vò, nhưng vẫn khoẻ mạnh, tráng kiện như một cây sồi. Mái tóc bạc vốn là kết quả của những nỗi đau khổ khôn cùgn ấy nom trong trắng đến nỗi một sợi tơ nhện trắng vương trên chiếc mũ calô của anh, khi buông tới thái dương liền biến ngay mất, và tôi cố nhìn mãi mà không tài nào thấy được.


1942.

Конец

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: