có một mảnh tình chưa trọn vẹn

ở cái làng này, ai cũng gọi nó là khờ. ờ thì nó cũng có tên, nó tên điền chính quốc, tên nó đẹp đấy chứ. thầy bu sinh nó chỉ mong nó một đời sung túc và bình an. ai mà có ngờ, chưa bao lâu, thầy bu mất đi, bỏ lại quốc côi cút một mình. khi ấy nó mới lên tư.

nó bơ vơ, trơ trọi giữa cuộc đời khi chỉ còn là một đứa trẻ. mặc cho sự đời xô đẩy, nó cứ ngày một lớn dần, không được ai dạy bảo đàng hoàng, thêm cả tính dễ tin người, hễ ai sai gì là nó mần đó. mà quốc khờ lắm, mần cực khổ lấy được vài xu thì bị người ta dụ lấy hết. bởi thế mà riết, chẳng ai còn gọi tên thầy bu đặt cho nó mà thay vào đó họ gọi nó là khờ.

khờ dễ dạy, dễ sai bảo lắm, người ta kêu nó cắt phụ lúa là nó nhảy vào cắt. kêu nó đẩy xe là nó đẩy. kêu nó lợp phụ mái là nó lợp. nó mần mà chẳng kể công, ai thương tình thì cho nó vài hào không thì cho nó cái gì đó để ăn. khờ cứ vậy mà sống qua ngần mười mấy năm. bữa đói thì ra bắt vài con cá, không thì vớt cái gì đó trôi trên sông ăn bỏ bụng. may sao hai năm gần đây, nó làm công cho ông bá trong làng nên cũng đủ có cái lắp bụng. chỉ có mỗi cái tính để bị lừa là không đổi. cái bọn ác nhân kia cứ thấy nó có tiền là lại gạt sạch, chẳng còn đồng xu cắt bạc nào. nhưng ai bảo nó sinh ra lại khờ khạo làm chi.

mấy bữa rày, nó ra ngoài đồng cuốc đất, cuốc hết mấy công đất cho nhà ông bá họ lâm kia, mới lãnh được vài đồng công thì bị gạt mất. Mặt buồn xiu, lững thững men theo con đường nhỏ, nó đi tới một dòng sông. "tủm" một cục đá bị nó chọi thẳng xuống mặt nước. sóng nhỏ gợn lăn tăn rồi lại trở nên êm đềm. gió thổi lên mái tóc đầy khô rối vì mấy bữa rồi nó chưa tắm.

"hức...."

quốc khóc. nó nấc lên từng cú nấc nghẹn. đôi mắt bị bao phủ bởi nước. hai tay bó chặt lấy gối, đầu nó cúi xuống, cả gương mặt bị cánh tay và đầu gối che lấy. cái bụng quốc kêu lên nhưng chẳng che đậy được cái tủi thân đang bao trùm lấy đứa khờ. nó đói lắm. mấy nay nó chẳng có gì ăn chỉ có thể uống nước cầm bụng. nó chỉ muốn có một bữa cơm no và một chỗ để trở về sau những lúc nó làm công mệt nhọc. quốc nhớ bu và thầy, trong khi giờ đây nó còn chẳng thể nào nhớ được mặt của họ. nó sợ nó sẽ chết vì đói mất. cứ thế đứa khờ khóc đến khi hai con mắt sưng đỏ lên nhưng chẳng thấm tháp gì cái nỗi tủi thân của nó.

"em đói à?"

nghe tiếng nói, khờ ngẩng mặt lên, trước mắt nó là một dáng người cao gầy. tay người này còn đang chìa ra một nắm lá bên trong là cơm. anh cười với nó một cái, nắm lấy bàn tay đầy chai sạn, đặt nắm cơm kia vào trong. mắt nó mở to, kinh ngạc. nó không biết người đàn ông này là ai. anh bước đến ngồi bên cạnh, cả người dựa vào gốc cây to ở sau lưng. nó cầm nắm cơm, vẫn chưa hiểu chuyện gì. chẳng lẽ người này cho nó ăn sao? nhưng nó nên ăn hay không? khờ sợ nó ăn xong lại bị đánh như hồi mấy năm trước.

thấy nó cứ cầm mãi mà chẳng dám ăn. người đàn ông kia đưa tay mở phần lá ra, để lộ phần cơm trắng nép mình trong lớp áo xanh.

"em ăn đi. cơm nguội nhưng cũng ngon lắm!" - anh cười nói. nó lại nhìn anh. cái bụng đã kêu lên từng tiếng. khờ nhìn nắm cơm, nó nuốt nước miếng một cái ực, rồi lại nhìn anh. có lẽ là biết nó nghĩ điều gì, anh gật đầu một cái. sau cái gật đầu đó, hai mắt nó sáng lên, lấy tay phủi phủi vô áo rồi bốc một miếng cơm cho vào miệng. phần cơm mềm mềm vị ngọt ngọt cứ len lỏi vào từng ngóc ngách trong miệng, xoa dịu đi cái cơn đói từ nãy đến giờ của nó. khờ nhanh chóng quất sạch nắm cơm, người bên cạnh chỉ nhìn nó ăn, khóe miệng kéo lên nụ cười.

ăn xong nó nhìn người kia. nó nhớ lại trước kia có bà thím bảo với nó "người ta cho gì thì phải cảm ơn". vừa định mở miệng nói lời cảm ơn thì anh lại chỉ tay vào má mình rồi chỉ vô nó. khờ ngơ ra, không hiểu gì. anh lại đưa tay chạm nhẹ lên má nó, lấy ra một hạt cơm nhỏ rồi bỏ vô miệng mình.

"sao lúc nãy em lại ngồi ở đây khóc?"

"đói." - nó trả lời anh một cách cụt ngủn. nó đói thật.

"em tên gì?"

"khờ... à không... bu với thầy đặt là quốc." - người ta gọi nó là khờ riết có lúc nó lại quên cái tên thật của mình. quốc thích cái tên mà thầy bu đặt cho nó lắm cơ, nhưng chẳng ai gọi nó là vậy cả. họ luôn gọi nó bằng cái tên họ tự đặt. hồi đó nó có cãi lại nhưng bị họ đánh. đánh riết nó sợ. nó cũng đành chấp nhận cái tên này.

"anh gọi em là quốc nghen. anh tên hanh, nhà ở gần chỗ này."

nói rồi anh chỉ tay về một hướng, ở tuốt đằng xa có một mái tranh nhỏ kế bên một cây to. nó gật đầu như hiểu ý. hanh hỏi nó nhiều thứ lắm, hỏi nó nhà ở đâu, bao nhiêu tuổi, bu thầy nó đâu... nhưng đáp lại anh chỉ là cái lắc đầu. nó chẳng có nhà, luôn sống nhờ trong cái chòi nhỏ được dựng tạm bằng lá chuối. rồi hanh nắm lấy tay nó.

"anh sống một mình, không có ai bầu bạn. hay là em về sống với anh, anh cũng chẳng có gì, nhưng sẽ cho em no bụng."

nó ngơ ra trước những lời anh nói. chẳng lẽ có người lại muốn sống chung với một đứa khờ như nó sao? quốc không tin được vào tai mình. người ta chỉ hất hủi nó, không muốn dính dáng đến cái thứ khờ khạo như nó, ấy vậy mà giờ đây lại có người ngỏ ý muốn sống cùng. tự nhiên nó thấy bụng mình vui như mở cờ.

"quốc chịu về ở với anh khôn?." - anh đưa tay xoa lấy tóc của nó. đợi tới khi nó gật đầu một cái, anh liền cười tươi, tay đan vào bàn tay nhỏ khô ráp rồi dẫn nó đi.

quốc đâu có biết là anh thương nó lâu rồi! mỗi lần thấy nó ngồi khóc hanh đều muốn đến an ủi nhưng lại chẳng biết mở lời sao. anh cũng nghèo lắm, may ra có cái nhà nhỏ lợp bằng rơm đủ để che mưa che nắng. cái nắm cơm lúc nãy cho nó là cơm nguội để từ hôm qua, lâu lắm anh mới có ít gạo nấu thành cơm, rồi cũng chưa ăn được nhiêu thì đã cho nó hết. bây giờ nó chịu theo anh về nhà ở chung, lòng anh vui lắm. hanh tự hứa với lòng mình, dầu có đói cũng phải cho người anh thương được cái no bụng.

từ cái ngày ấy, trong làng truyền tai nhau cái vụ thằng hanh nhà ở gần bờ sông dẫn thằng quốc khờ khờ khạo khạo về ở chung. người thì suy cái này, kẻ thì nghĩ thứ kia nhưng cũng rất nhanh chẳng còn ai để tâm đến chuyện này. cái họ lo là cái đói cái nghèo bủa vây lấy những con người không có một mảnh đất miếng vườn. rồi bọn giặc lại chặt đứt con đường sống của họ, nạn đói bùng lên, trẻ con trong làng ốm đến còi xương, người lớn có bao nhiêu phần ăn họ đều dành lại cho con em mình. hanh và quốc chẳng thua kém gì, từ cái ngày nó theo anh về ở chung, ngày ngày nó với anh đi làm, tối về anh lại nấu cho nó ít cháo loãng toàn nước, bữa thì là mấy củ khoai. bao nhiêu cái ngon anh đều dành phần cho nó. cháo anh cho nó phần cái, còn mình lấy phần nước. khoai thì cho nó củ ngon, bản thân lại ăn mấy củ bị sùng. thấy vậy chứ anh vui lắm. mỗi ngày về nhà, đều có nó nói chuyện, cùng nó vui đùa, anh thấy mình thật sự có gia đình.

nạn đói hoành hành khiến anh và nó chẳng còn đủ cái ăn như trước. mỗi ngày quốc đều thấy xác người chết, nó cũng sợ mình sẽ chết. dù đói nhưng nó chẳng dám nói bởi nó biết anh cũng đói. sống với anh, lâu dần quốc xem anh là một phần quan trọng trong cuộc đời mình. đêm đêm nó hay nghe anh thủ thỉ anh thương nó lắm. nhưng quốc khờ mà, sao nó biết được cái thương là gì.

ngót nghét đã hơn một năm nó sống cùng anh. nạn đói vẫn còn đeo bám lấy những con người khốn cùng trong nghèo khổ. cả người nó gầy đi, anh cũng thế nhưng cả hai vẫn đủ có cái lót bụng. trong cái ngặt nghèo đó, hanh vẫn không bỏ nó, không hắt hủi nó. cái ấm áp của hạnh phúc cứ thế nhen nhóm trong lòng một đứa khờ khạo. năm nay nó tròn mười bảy tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ người ta đã dựng vợ gả chồng nhưng nó vẫn sống cùng anh. rồi đêm đó, hanh ôm nó vào lòng, hơi ấm từ anh như bao trùm lấy nó. quốc cuộn người lại, tham lam cảm nhận cái ấm áp đó.

"anh thương quốc nhiều lắm!"- anh thủ thỉ vào tai nó.

thấy nó không nói gì, anh lại cúi xuống hôn lên má nó. tay lại ôm chặt lấy người nhỏ vào lòng.

"anh biết thứ tình cảm này rồi sẽ bị người đời dè bỉu, nhưng mà anh thương quốc lắm. anh chẳng còn ai ngoài quốc cả. quốc là người thân duy nhất của anh."

trong cái giọng trầm ấm đó, có lẫn tiếng sụt sùi. nó vẫn không đáp lại nhưng trong đầu nó đã định hình được cái thương của anh là gì. đó là cái hơi ấm anh mang đến cho nó vào những đêm rét lạnh mà chẳng có lấy một tấm chăn đắp. là những bữa cơm thiếu thốn nhưng anh vẫn nhường cho nó phần ngon nhất. và đó còn là hạnh phúc khi nó biết mình có nơi để trở về. nó xoay người, rụt đầu vô ngực anh.

"em cũng thương anh hanh."

hai tai nó đỏ lên, mắt nó không dám nhìn anh. nó làm sao biết được anh vui đến cỡ nào. rồi anh lại hôn lại tóc, hôn lên trán, tay nâng mặt nó lên, hanh hôn môi nó. quốc vụng về đáp trả lại cái hôn nhẹ tênh như cánh chuồn lướt qua mang theo vị ngọt của hạnh phúc. trong cái đêm đó, dưới mái nhà tranh lợp bằng rơm rạ, hai người con trai quấn lấy nhau, trao nhau những tình cảm, chữa lành lấy những chỗ sứt mẻ nơi tâm hồn và trái tim kia.

nạn đói cũng đã qua đi, bỏ lại những mất mát đau thương của những con người đã mất đi người thân. màu sắc đỏ rực của cây gạo nơi đầu làng lại vực dậy sức sống cho xóm nhỏ. họ oằn mình đứng dậy. cuộc sống lại một lần nữa chảy trôi, gió lại mang những nỗi buồn bay về nơi chân trời xa. quốc lại cùng anh trải qua những ngày tháng yên bình nhất. cùng nhau làm lụng, cùng nhau ăn cơm, cùng nhau ngủ trên chiếc chõng tre già.

cứ ngỡ cuộc sống cứ bình bình an an như thế, nhưng rồi cách mạng lại bùng nổ. việt minh ghé làng. vì tổ quốc, hanh xếp gọn đồ cho vào túi vải. nó muốn theo anh lắm, nhưng hanh không cho vì anh biết nơi đó rất nguy hiểm. khẽ hôn lên trán nó, anh nói lời tạm biệt. "ngày đất nước giành được độc lập, anh sẽ về cưới quốc. hai ta lại trồng rau, nuôi thêm gà, cùng nhau sống đến trọn đời quốc nghen." nói rồi anh bước đi, hòa theo dòng người chung màu áo xanh, chung một lý tưởng. nó đứng bơ vơ, nơi mái nhà giờ đã mất đi cái hơi ấm thân quen của người nó thương.

ngày tháng cứ dần trôi qua. những nỗi nhớ mong của nó dành cho hanh cứ ngày một lớn dần rồi khắc khoải không thôi. nó chẳng còn để ý đến cái bụng bị đói, không lo bị cái lạnh bủa vây. điều nó chờ mong chỉ là tin tức về anh. mỗi ngày nó khắc lên cột nhà một dấu nhỏ, dần đà cây cột chi chít những vết gạch của bao nỗi nhớ. nó lại ngẩn ra nhớ lại những đoạn thời gian trước ngày anh đi. nhớ cách anh mang cho nó một nắm cơm nguội được gói gọn trong đám lá. nhớ anh hằng đêm ôm nó vào lòng, vỗ về, thủ thỉ với nó. nhớ cả cái cách anh gọi nó bằng hai tiếng "quốc ơi". rồi nó tự hỏi không biết anh có nhớ nó không, tự dưng tim nó lại quặn thắt lại, đau đớn và buồn tủi. bao nhiêu nhớ thương cứ chực chờ trong lòng một đứa người ta cho là khờ khạo. âm ỉ không nguôi.

"anh đi đường ấy xa xa,

để em ôm bóng trăng tà năm canh.

nước non một gánh chung tình,

nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng ?" *

.

.

.

ngót nghét hơn hai năm kể từ ngày anh ra đi, nó vẫn không có một tin tức nào về anh. trong những đêm nằm trên cái chõng tre già, nó nhớ tới hanh. nó khóc. bu thầy bỏ nó năm nó mới lên tư, nó cũng tự mình sống được trong suốt những năm dài. nhưng nó gặp anh, cứ thế anh trao cho nó những tình cảm mà nó hằng khao khát có được, gieo vào lòng nó những ấp ủ cho cái gọi là tương lai. rồi lại để nó chực chờ nơi đây, ngóng trông tin tức người mình thương. quốc cuộn mình, hai tay bó lấy gối, nó tự nhủ bản thân phải cố gắng, hanh sẽ nhanh về thôi. nó an ủi lấy chính mình. cứ như thế, khờ lại mần công cho nhà ông bá kia, nó cũng không còn để bị người ta lừa nữa, nó phải để dành tiền, khi hanh về, nó sẽ mua quần áo mới cho anh mặc.

một ngày kia, nó đang chơi ô ăn quan với tụi con nít trong làng thì nghe xôn xao tiếng nói phía đầu làng.

"cán bộ về làng mình rồi bà con ơi!"

một người đàn bà tay bồng con nhỏ vừa chạy vừa la lớn, báo cho những người xung quanh. rồi những người trong làng cũng ùa ra xem, có người kiếm tìm hình bóng người thân mình. quốc cũng bỏ lại trò chơi đang dang dở mà chạy ra, mặt nó hớn hở vì sắp được gặp lại người nó thương. chen chút vào đám đông đang bu kín nơi đầu làng, khó khăn lắm nó mới có thể nhìn thấy những người lính áo xanh đang đi đến. quốc dáo dác nhìn quanh. có chừng ba bốn người lính ghé làng, nó nuôi cái hy vọng mong manh về người nó thương. nhanh thôi anh sẽ đến ôm nó. quốc nghĩ thế. nhưng đến khi họ đi qua, nó vẫn chẳng thấy anh đâu. lòng dâng lên bao nỗi hụt hẫng, nó cúi đầu, lủi thủi rời đi.

tiếng khóc của một người đàn bà vang lên, rồi dần đà lại có vài ba người khụy xuống nền đất, họ khóc, có người lại gào lên đầy đau xót. nó đứng đó nhìn họ, quốc chẳng hiểu tại sao họ lại khóc.

"cho hỏi ở đây có ai tên quốc.. à còn được gọi là khờ!" - một người cán bộ trong màu áo xanh nhìn quanh, cất cái chất giọng của người miền nam mà hỏi. nó đứng đó, nghe đến tên khờ nó liền nhìn chăm chăm cái người kia. rồi người cán bộ đi đến, anh ta hỏi nó có phải tên quốc không. nó gật đầu, mắt vẫn nhìn người đàn ông có một vết sẹo dài trên mặt. anh ta lục túi vải, đưa cho nó một cái gì đó.

"đây là thư của đồng chí hanh nhờ tôi gửi cho cậu." - người đàn ông nhìn nó, rồi lại ngập ngừng. "đồng chí hanh đã... hi sinh trên chiến trường. anh ấy đã sống hết mình vì tổ quốc... tôi mong cậu sẽ bớt đau buồn."

"hi sinh là gì?"

quốc ngây ngô hỏi người cán bộ kia. nó chưa từng nghe ai nói đến hai cái từ này. tại sao lại phải bớt đau buồn khi nghe anh hi sinh.

người đàn ông nhìn nó bằng ánh mắt đầy cảm thông bởi không lâu trước đây, đồng đội của anh ta đã nói: "em quốc của tôi ngốc lắm, em ấy dễ bị người khác lừa gạt, thậm chí có những thứ đơn giản nhất em ấy cũng không hiểu đâu." ra vậy, bởi thế mà cậu trai này lại chẳng hề biết hi sinh là gì. đứng trước cái sự ngây ngô của nó, anh ta chẳng nở nói thẳng ra người nó chờ đợi bấy lâu nay đã bỏ nó đi rồi. khẽ kéo cái mũ che đi đôi mắt đầy sự lưỡng lự của mình, người đàn ông thở hắt một hơi.

"đồng chí hanh đã bỏ mạng trên chiến trường, anh ấy đã chết rồi."

"chết? là như cách mà thầy với bu bỏ quốc đúng không? anh hanh... anh cũng bỏ quốc rồi đúng không?" - mắt nó mở to, giọng nó nức nở từng tiếng. lòng ngực nó như bị cái gì đó chèn ép đến khó thở. người nó đổ rạp xuống nền đất. nó đưa đôi mắt ngập nước nhìn người đàn ông, một chút hi vọng len lỏi trong lòng nó. chỉ cần anh ta lắc đầu một cái, nó sẽ lập tức cười thật tươi. nhưng đáp lại nó chỉ là cái gật đầu đầy nặng nề.

"hức... anh hanh nói quốc đợi anh về... hức..hức anh nói anh sẽ cưới quốc.. hức rồi cùng quốc.. sống với nhau suốt đời mà.. hức..."

nó nấc lên từng tiếng nấc nghẹn ngào. nước mắt không ngừng tuôn rơi. cứ như vậy nó khóc, tiếng khóc của nó hòa vào tiếng khóc của những người mất đi người thân. cả xóm làng chìm trong bi thương. người cán bộ lặng lẽ vỗ vai nó nói lời an ủi. nhưng làm sao có thể xoa dịu được cái mất mát to lớn của một đứa khờ. cái ngày nó mất đi bu và thầy, nó không khóc. cái ngày nó bị bọn kia gạt hết tiền, nó không khóc. cái ngày nó bị đánh, nó cũng không khóc. nó chỉ khóc khi bụng đói và những tưởng bản thân sẽ chết. và giờ đây nó lại khóc vì người nó thương đã bỏ nó như cách bu và thầy bỏ một đứa nhóc mới lên tư.

có vài người thấy nó khóc, họ tò mò hỏi người cán bộ. anh ta nói lại việc hanh mất một lần nữa. bỗng chốc ánh mắt của họ khác hẳn, trong đôi ngươi đen ẩn hiện cái nhìn khinh miệt dành cho nó. họ hiểu trong lời nói của người cán bộ lẫn những tiếng nấc nghẹn của nó ẩn chứa điều gì. tình cảm đơn thuần của trai gái giờ đây lại biến thành tình cảm của hai thằng đàn ông. một thứ tình cảm không ai chấp nhận được. vài người lùi lại phía sau bởi họ sợ mình sẽ bị "lây bệnh" từ nó. người mẹ ôm con vào lòng bảo con phải tránh xa cái thằng khờ này. thoáng chốc, cái làng ai cũng biết nó mang cái tình cảm bệnh hoạn, ai cũng xa lánh nó. chỉ còn mỗi người cán bộ vẫn ngồi đấy, vỗ nhẹ vào vai nó nói từng lời an ủi. rồi nó bật dậy, chạy thật nhanh về một hướng, bỏ lại phía sau những lời đàm tiếu về nó, về tình yêu của nó và về người nó thương.

gốc cây năm nào giờ lại to thêm mấy vòng. quốc ngồi đấy, tay bó vô đầu gối, mắt nhìn ra dòng sông. bao nhiêu kí ức ùa về trong đầu nó. gương mặt nó giàn giụa nước. người cán bộ đứng đó nhìn nó, anh ta chẳng thể rời đi được vì vẫn còn một lời hứa chưa thực hiện. không biết sau bao lâu, nó mới đứng dậy, hai con mắt đỏ lên, bụp hết, chân nó lững thững từng bước về nhà. nó bước vô trong, nằm lên cái chõng tre già quen thuộc, tay cầm chặt lá thư .

người cán bộ đứng bên ngoài, chần chừ mãi anh ta mới nói.

"cậu cho tôi xin ở nhờ một đêm được không? mai tôi sẽ rời đi sớm."

đáp lại anh ta là cái im lặng trong căn nhà đầy hiu quạnh. một lúc sau người đàn ông nghe tiếng bước chân, anh ta thấy nó, không nói không rằng nó chỉ tay xuống cái chõng ngay trước nhà rồi lặng lẽ đi vô. bỏ túi vải xuống chõng, anh ta cởi nón ngồi quạt quạt. nó lại đi ra, tay cầm gáo nước đưa cho người đàn ông. như hiểu ý nó, anh ta đưa tay cầm lấy, đầu gật một cái thay lời cảm ơn. đợi người đàn ông uống xong nó chìa lá thư ra trước mặt. hai mắt đều đỏ, sưng húp lên. nó mím môi.

"đọc... đọc thư anh.. hức.. anh hanh.."

"cậu nhờ tôi đọc lá thư của đồng chí hanh cho cậu nghe đúng không?"

nghe anh ta hỏi, nó gật đầu một cái. hai tay nó bấu chặt vào vạt áo nâu. người đàn ông khẽ nhích người, tay vỗ vỗ xuống chõng. "cậu ngồi xuống đi rồi tôi đọc cho cậu nghe." nó lặng lẽ ngồi xuống cạnh anh ta. tuy được bọc trong một lớp giấy cũ nhàu nát nhưng lá thư vẫn vẹn nguyên. giở mấy lần gấp ra, bên trong hiện ra mấy dòng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo. anh ta quay sang nhìn nó, phát hiện ánh mắt của nó vẫn nhìn châm châm vào lá thư. khẽ hắng giọng, người đàn ông bắt đầu đọc.

"gửi quốc

ngày em đọc được lá thư này, chắc đất nước đã giành được độc lập rồi. anh được cán bộ ở đây dạy viết chữ, khi nào về anh sẽ dạy cho em. quốc phải ráng ăn thật nhiều, lạnh thì phải mặc cho ấm, không được để mình bị lạnh nha em. ở đây anh sống tốt lắm, anh còn giết được mấy thằng tây cướp nước nữa đó. mà ở đây không có quốc. anh nhớ quốc nhiều lắm. anh sợ anh chết giữa chiến trường không về được với quốc nên anh gửi cho người đồng đội của anh, nếu có bất trắc gì, lá thư này vẫn gửi được đến tay em. quốc hứa với anh nếu không may, anh không về, em đừng buồn nghen. quốc phải nhớ anh thương quốc nhiều lắm, dù có chuyện gì anh chỉ thương mỗi quốc thôi. quốc phải sống thật tốt sống thay phần của anh nhe quốc. thương quốc nhiều lắm.

thái hanh."

đọc xong lá thư, cổ người đàn ông bỗng chốc nghẹn đắng. nhớ lại cái ngày đồng đội của anh ta nói bản thân thương một người con trai, đã sống chung với người đó. tai anh ta ùng ùng lên, trong đầu cứ nghĩ sao lại có chuyện hai thằng con trai lại có thứ tình cảm đó. nhưng rồi khi bắt gặp ánh mắt sáng rỡ mỗi khi kể chuyện về người con trai kia, cùng tiếng gọi "em quốc của tôi" khiến anh ta phần nào hiểu được. có lẽ tình cảm của họ không bị ràng buộc bởi cái giới hạn gọi là trai gái. giờ đây khi đọc bức thư này, anh ta lại càng cảm phục tình cảm của họ.

bỗng lá thư trên tay người đàn ông bị giật phăng, cái dáng nhỏ cứ thế chạy thẳng vô nhà. Anh ta ngơ ngác định đi theo thì chợt nghĩ lại. thôi thì để nó ở một mình, dù sao anh ta cũng chẳng giúp được gì.

những tia sáng cuối cùng của ngày tắt dần, nhường chỗ lại cho màn đêm tối tâm. trong căn nhà chẳng có lấy một ánh đèn. nó ôm chặt lá thư vào lòng. nhớ lại lời người đàn ông, mắt nó lại nhòe đi. lòng nó quặn thắt lại nó cảm giác bản thân không thể thở nổi. quốc khó khăn nuốt lấy từng ngụm khí. hanh bỏ nó rồi! hanh thất hứa với nó rồi!

ngày đất nước còn chưa giành được độc lập, anh đã chôn vùi một lời hứa trên chiến trường xa.

quốc nằm đó, nó nhắm mắt nhớ lại những kí ức vụn vặt của quá khứ. ôm lấy cái áo đầy vết chắp vá của người thương vào lòng, nó cố tìm chút hơi ấm còn sót lại. nhưng khờ chỉ nhận được cái lạnh lẽo đang bao trùm lấy bản thân. tưởng chừng như bóng tối đã nuốt trọn lấy nó. hay là nó chết? nó chết thì có thể gặp được anh rồi. quốc nghĩ thế. đúng thật giờ nó chẳng còn gì, coi như cái chết sẽ giải thoát cho cuộc đời một đứa khờ với bao đau thương.

tiếng đá va vào nhau. "cạch cạch". âm thanh của đá phá vỡ cả không gian trầm lặng nơi đây.một ánh sáng chập chờn ngoài mé hiên nhà va vào mắt nó. ánh sáng yếu ớt có thể bị ngọn gió thổi tắt bất cứ lúc nào. người cán bộ đã dùng đá để nhóm lửa thắp sáng. chẳng biết anh ta dùng ánh sáng đó để làm gì, mà quốc cũng không còn tâm trạng gì để để ý. nó trở người, xoay mặt vào bên trong mắt nhắm lại, qua đêm nay, ngày mai nó có thể tới gặp hanh rồi. bất chợt nó nghe tiếng "lách tách" của củi bị cháy giòn tan. một lúc sau nó lại ngửi thấy mùi thơm của khoai nướng. tiếng bước chân dần đến gần.

"cậu ăn cái này đi. tôi thấy từ chiều đến giờ cậu chưa ăn gì." người đàn ông ngập ngừng chốc lát rồi nói tiếp. "cậu... đồng chí hanh mong cậu có thể sống thật tốt... mong là cậu sẽ.."

"anh hanh sao lại chết?" - chưa đợi anh ta nói hết câu, nó ngước lên nhìn dáng người kia. trong màn đêm thâm thẩm ấy nó chẳng thấy rõ mặt anh ta.

khẽ lắc đầu, người cán bộ quay sang chỗ khác. chính anh ta khi trở về căn cứ mới biết đồng đội mình đã hi sinh. những người trong căn cứ bảo rằng hanh bị địch bắn rồi chết trôi sông, họ không vớt được xác để mà chôn cất. anh ta không muốn nói cho quốc biết bởi nó đã quá đau khổ trước cái chết của người nó thương. thấy nó không đáp, người đàn ông lặng lẽ đặt củ khoai xuống rồi bước ra ngoài. đám lửa vẫn "lách tách" thiêu đốt mấy que củi khô. nó nhìn ánh lửa cháy bên ngoài. đầu nó nảy ra một ý định liều lĩnh. nó sanh ra đã chẳng thể làm được việc gì tốt đẹp thôi thì chết vì đất nước còn hơn là chết một cách vô nghĩa. nó vùi đầu vào áo của hanh.

ngày mai, khi mặt trời lên, nó sẽ tiếp nối lí tưởng của anh.

sáng hôm đó khi gà vừa gáy canh năm, người đàn ông đeo túi vải lên vai, lẳng lặng rời đi. chưa đi được nhiêu bước, đã nghe thấy tiếng người chạy theo. là quốc. nó đang chạy theo anh ta, trên vai đeo một cái túi nhỏ. trong tia sáng le lói của ngày mới, nó mang theo một ánh mắt kiên định chạy theo người đàn ông. nó không muốn chết một cách vô nghĩa ở nơi đây. hanh của nó đã vì tổ quốc mà hi sinh, nó cũng muốn vì tổ quốc mà cống hiến. nó khờ khạo nhưng nó biết bản thân vẫn giúp ích được cho đất nước. khép lại cánh cửa nơi gian nhà kia, giờ đây dưới mái nhà đó chẳng còn một ai. có chăng chỉ còn lại những miền xa xăm của kí ức. đẹp đẽ và hạnh phúc.

.

năm 1954

trên đại ngàn tây bắc, lá cờ của quân đội nhân dân việt nam tung bay trên nóc hầm tướng de castries. chiến dịch điện biên phủ toàn thắng. pháp buộc phải kí hiệp định genève về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước đông dương. đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân pháp kéo dài hàng thập kỉ. những người lính trở về với quê hương xứ sở, trở về đoàn tụ với người thân. niềm vui chiến thắng rộn ràng nơi nơi. những giọt nước mắt đã rơi sao bao năm xa cách. họ mang trên mình những vết sẹo dài, tay chân không còn lành lặn bởi cái khắc nghiệt của chiến tranh. dẫu vậy trên đôi môi vẫn rạng rỡ nụ cười. nụ cười về một ngày mai tươi sáng.

người cán bộ năm xưa lại trở lại xóm làng này. niềm vui chiến thắng ngập tràng trên từng nẻo đường anh ta đi qua. những đứa nhóc dẫu áo quần đầy vết chắp vá vẫn chạy quanh làng, tiếng cười của bọn nhóc càng khiến nói đây thêm rộn ràng. trên những căn nhà lợp bằng rơm, ai ai cũng treo trên nóc nhà một lá cờ đỏ, tung bay phất phới giữa trời xanh. đâu đâu cũng rộn ràng tiếng nói cười của những người già, những người phụ nữ bồng con ra đón chồng. đoàn tụ. đó là từ ngữ duy nhất có thể diễn tả được niềm hạnh phúc của họ. môi người cán bộ khén cong lên mang theo ý cười. men theo con đường đã mọc đầy cỏ, anh ta đi đến căn nhà của hanh và quốc. mái nhà hơn bốn năm chẳng có ai chăm nom, cột nhà đầy vết gạch đã mục nát, treo đầy mạng nhện. người đàn ông khó khăn mở cánh cửa nhà vào bên trong. đặt lên bàn gỗ một lá thư, sau đó dằn lên trên bằng một hũ đất nhỏ có khắc chữ "quốc".

"tôi đưa cậu về nhà rồi quốc!"

người đàn ông mỉm cười, tâm nguyện của đồng đội, anh ta đều đã thực hiện được. ôm lấy bả vai bên trái đã mất đi cánh tay. nhớ lại ngày đó, khi quốc nằng nặc đòi theo cách mạng. anh ta chẳng thể ngăn cản được. nó được phân cho công việc giao liên, mỗi ngày đều phải băng qua làn mưa bom của bọn giặc tây. nó không sợ, nó vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. vì nó khờ khạo, mấy người trong khu thương nó lắm, họ lại biết vì nó mất đi người thân duy nhất nên nó đã tiếp nối lí tưởng cao đẹp của người ấy, họ lại càng quan tâm, có gì cũng nhường cho nó. nó được dạy chữ, rồi nó cũng tự mình đọc được thư của anh. lần nào đọc nó cũng khóc nhưng quốc kiên cường lắm. nó vẫn lấy lại tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ. rồi một ngày, nó trở về, người đầy máu, bụng nó bị lũ giặc bắn, máu chảy không ngừng. nó nhìn người cán bộ đó, dùng chút sức lực cuối cùng nói từng chữ. "anh... anh đưa em về..về nhà nha anh..hức.. về nhà của em và anh hanh.." nói rồi nó tắt thở. người đàn ông nắm chặt tay nó, nước mắt anh ta rơi, chạy dọc qua những vết thẹo dài. anh ta hứa với nó, nhất định sẽ đưa nó về nhà. khi ấy chỉ còn chưa đầy một năm, miền bắc đã giành được độc lập.

lời hứa năm nào nay anh ta đã thực hiện được. lửng thửng khép lại cánh cửa rồi rời đi. những bông lau nhẹ nhàng đung đưa. nhìn lên trời cao, người đàn ông thầm nhủ. "mong kiếp sau hai người sẽ có một hạnh phúc trọn vẹn."

.

.

.

.

.

.

.

gã đàn ông què quật đi từng bước chậm chạp tiến tới làng. nhìn gã chẳng khác gì là tên ăn mày. quần áo gã rách rưới, đôi chân què quặt phải chống gậy mà đi, gã đội một cái nón lá cũng chẳng tốt hơn là bao. mấy đứa nhỏ thấy lại chạy tới xem, có đứa vừa nhìn đã khóc, kéo theo mấy đứa khác cũng khóc. vừa khóc, chúng nó vừa chạy vừa la "quỷ kìa". gã đàn ông khựng lại, nhưng rồi cũng nhanh tay lấy cái nón kéo xuống che hết mặt. mấy người đàn bà ôm con mình vào lòng, ánh mắt khinh miệt nhìn gã đàn ông kia. dẫu vậy gã cũng chẳng hề để tâm đến, điều gã cần làm ngay bây giờ là gặp lại người đó.

đã gần mười năm gã mới trở về lại nơi đây. những mảnh ký ức vụn vặt hiện về trong tâm trí gã. cái cây già năm nào giờ đã cao lớn, gã què lấy tay vạch hai hàng cỏ lau bên đường. gã thắc mắc vì sao cỏ lại mọc nhiều như vậy. men theo con đường mòn gã trở về lại căn nhà của mình. mười năm rồi, gần mười năm gã mới có thể trở về. nhưng căn nhà nay đã khác xưa trong trí nhớ của gã. xập xệ và hoang tàn đó là những gì đang hiện hữu trước mắt gã. gã què nhanh chóng đi khập khiễng vô trong, bên trong đều mục nát, bám đầy mạng nhện, không khí lạnh lẽ bên trong này bao trùm lấy gã. cái chõng tre ngày xưa gã hay nằm giờ đã mục nát có khi chỉ cần ngồi lên là nó sẽ sập bất cứ lúc nào. đồ em vẫn còn treo ở đó. nhưng tất thảy những điều đó đều không quan trọng. em của gã đâu? người gã thương đâu rồi? gã nhìn quanh, một hũ đất nhỏ trên bàn đã thu hút sự chú ý của gã. nhích từng bước đến bàn, gã cầm cái hũ lên, bên dưới là một lá thư. đặt hũ xuống, gã cầm lá thư lên, giở ra, chữ đã nhòe đi nhưng gã vẫn biết được đây là thư gã gửi cho em. tay gã run lên, gã lại cầm cái hũ kia lên, một chữ "quốc" được in hằn lên nó. mở nắp ra, bên trong là tro. bất chợt một cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng gã. gã liên tục lắc đầu, nhủ thầm không phải như những gì gã nghĩ. đôi chân thôi thúc tên què bước ra khỏi căn nhà, gã lê lết từng bước nặng nhọc rồi gã thấy một mụ đàn bà đang lãi ngô. khó khăn lắm gã mới nói thành câu.

"cho hỏi.. cho tôi hỏi.."

mụ đàn bà nghe tiếng thì ngước lên nhìn gã. đôi mắt nheo lại đầy dấu chân chim. một tên chẳng khác gì ăn mày với gương mặt như một con quỷ, chằng chịt bao nhiêu là vết sẹo đang đứng trước mình. mụ ta nhăn mặt khó chịu nhưng vẫn đợi gã hỏi.

"căn nhà ở.. ở gần bờ sông... nhà của.. của một người tên quốc à còn gọi là khờ... em.. em ấy đâu rồi?"

"giời ạ! nói thì nói cho rõ, già này không nghe." - mụ chỉ chỉ vào tai mình.

"em quốc còn được làng này gọi là khờ em ấy đâu rồi?"

"à là cái thằng khờ bị vong nhập rồi sống chung với một thằng đàn ông đúng không? nó chết rồi! giời ạ! nghe đâu nó đi lính rồi bị giặc bắn chết, người ta có đem cốt của nó về. cái nhà đó đâu ai dám tới ở, sợ vong nó theo. con nít cũng chẳng ai cho tới. bị nhập như hồi nó còn sống chỉ có nước mà chết thôi. mà anh hỏi chi thế?"

từng câu từng chữ của mụ cứ ùng ùng lỗ tai gã. vong nhập? giặc bắn chết? cốt?

chân gã loạng choạng rồi ngã rạp xuống đất. mồ hôi lạnh chạy dọc sống lưng. gã đưa mắt nhìn cái hũ trên tay mình, ra đây là em quốc của gã. em của gã bỏ gã đi rồi. mụ đàn bà thấy gã què như thế liền đứng dậy định đỡ gã. nhưng gã lại gạt tay mụ ra, lững thững đi trên con đường trở về nhà. gã ôm tro cốt người thương vào lòng. gã tự trách bản thân nếu gã nhớ ra em sớm hơn, có chăng là em và gã chẳng rơi vào tình cảnh âm dương cách biệt.

tên què đứng trước dòng sông năm đó, nơi gã và em gặp nhau. dòng nước chảy xiết như năm đó, khi bị bọn giặc bắn vào chân rồi rơi xuống sông, gã đã bị con nước cuốn đến một miền xa lạ, cuốn trôi tất thảy kí ức về em. gã chẳng còn nhớ điều chi. mất gần một thập kỉ gã nhớ đến quốc, người gã thương nhất. nhưng giờ em lại bỏ gã đi. nước mắt lăn dài trên những vết sẹo đáng sợ do chiến tranh để lại. lòng gã quặn thắt lại như có từng nhát dao đang ghim chặt vào tim gã. mất mười năm gã nhớ lại được em. để khi trở lại miền đất năm nào gã và em đã từng có nhau, khi ấy gã què mới biết em đã chết. em bỏ gã rồi. cánh hoa gạo đỏ rực rơi nhẹ lên vai gã, nhẹ nhàng thầm lặng như đang an ủi kẻ mất người thương.

hanh đưa em về lại nhà. dưới mái tranh đó, em cùng hanh vui đùa, cùng anh trồng rau, nuôi gà. cùng nằm trên cái chõng tre nghe em nói:" quốc thương anh hanh lắm!". hạnh phúc giản đơn và đẹp đẽ chỉ còn ấp ủ trong lòng gã què. gã lấy tấm áo em hay mặc, ôm áo lẫn hủ tro vào lòng. nhắm đôi mắt lại, gã thấy em đang cười với gã.

bầu trời nhuốm màu của bóng tối. ấy vậy mà căn nhà bị bỏ hoang năm nào nay lại rực rỡ giữa màn đêm sâu thẳm. những người trong làng đưa mắt nhìn về phía mái nhà đó. ánh lửa đỏ rực làm sáng rực cả một vùng trời. vùng trời riêng của thằng khờ và người nó thương. người ta đâu biết cuối cùng hai người thương nhau sau bao xa cách đã được đoàn tụ nơi chính suối.

hanh nắm tay nó hẹn ước viết nên một chuyện tình cho kiếp sau.

4.12.21

serena












___

* sưu tầm trên mạng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top