KHIẾU NẠI TỐ CÁO
c. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
- Khái niệm
Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo cho mọi quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất và giữa những người sử dụng đất với nhau được thực hiện theo đúng chính sách, pháp luật đất đai.
Khiếu nại về đất đai là việc các cơ quan, tổ chức, công dân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xết lại các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trong quản lý đất đai khi có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyết định hành chính bị khiếu nại trong quản lý đất đai bao gồm: quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định ra hạn thời hạn sử dụng đất. Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ công chức nhà nước khi thực hiện công việc liên quan đến các hoạt động nói trên.
Tố cáo về đất đai là sự phát hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cá nhân thuộc các đơn vị đó hoặc của những người khác, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể và lợi ích của người sử dụng đất.
Tóm lại, khiếu nại, tố cáo về đất đai là việc công dân ( cơ quan, tổ chức) đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân, có thẩm quyền xem xét kết luận về nội dung tố cáo hoặc xem xét lại những quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng những hành ví đó là trái pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc khiếu nại, tố cáo về đất đai
a. Quyền khiếu tố của người sử dụng đất
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của người dân được pháp luật ghi nhận.
Điều 74 của Hiến pháp năm 1992 quy định: " Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất kỳ cá nhân nào... Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự...".
Trong quan hệ pháp luật đât đai, người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật đât đai.
- Đối với người khiếu nại:
+ Được quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
+ Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
+ Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Được quyền khiếu nại tiếp hoặc rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết.
- Đối với người tố cáo:
+ Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
+ Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;
+ Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
b. Nghĩa vụ của người sử dụng đất trong quan hệ khiếu nại, tố cáo
Người sử dụng đất phải chịu trách nhiệm về nội dung khiếu - tố của mình.
+Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
+ Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin tài liệu cho người giải quyết khiếu nại;
+ Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
- Đối với người tố cáo:
+ Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;
+ Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
Như vậy, nguyên nhân phát sinh khiếu nại là khi quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân người khiếu nại bị xâm phạm, còn nguyên nhân làm phát sinh tố cáo có nội dung rộng hơn. Hành vi cần phải tố cáo không chỉ xâm phạm đến quyền tố cáo mà còn gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của người khác. Do đó, khiếu nại, tố cáo về đất đai vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người sử dụng đất trước xã hội đối với hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
- Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai
Để đảm bảo cho những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng đất diễn ra phù hợp với ý chí của Nhà nước và nguyện vọng của người sử dụng đất, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đáp ứng kịp thời đầy đủ các yêu cầu của đương sự theo đúng pháp luật. Vì thế, việc giải quyết khiếu tố về đất đai cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Giải quyết khiếu tố về đất đai theo đúng pháp luật. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải căn cứ vào pháp luật mới xác định được đúng, sai tính chất, mức độ vi phạm; giải quyết triệt để, chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo bảo vệ những lợi ích hợp pháp;
- Nguyên tắc dân chủ, công khai. Thực hiện nguyên tắc này, người được giao giải quyết khiếu nại, tố cáo phải lắng nghe ý kiến của các bên, đảm bảo dân chủ, bình đẳng trước pháp luật;
- Phải thật sự khách quan, thận trọng và vô tư. Nguyên tắc này đòi hỏi nhìn nhận sự việc phải trung thực, không phụ thuộc vào ý muốn của các bên đương sự;
- Kết hợp giải quyết khiếu tố về đất đai với việc giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai. Thông qua quá trình này làm cho mọi người hiểu, thừa nhận và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cơ quan đã giải quyết khiếu tố;
- Giải quyết kịp thời, nhanh chóng, ngăn chặn và loại trừ các hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
a. Giải quyết khiếu nại
- Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu và người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại toà án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại đến chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp khiếu nại đến chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định cuối cùng.
- Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại toà án nhân dân.
- Thời hiệu khiếu nại hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính đó. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại toà án nhân dân. Quyết định về việc giải quyết các trường hợp khiếu nại về đất đai nói trên không bao gồm khiếu nại về quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
b. Giải quyết tố cáo
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.
- Trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
a. Tổ chức tiếp dân và nhận đơn khiếu tố
Trong quan hệ pháp luật đất đai, quyền làm chủ của nhân dân thể hiện ở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho người sử dụng đất; thể hiện ở việc giám sát các cơ quan quản lý đất đai, cán bộ quản lý đất đai thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Công tác tiếp dân tạo ra những điều kiện cho nhân dân có thể bày tỏ nguyện vọng, yêu cầu của mình.
Cơ quan quản lý đất đai phải tổ chức bộ phận cán bộ xét giải quyết khiếu tố về đất đai để thực hiện việc tiếp dân và nhận đơn khiếu tố.
Khi tiếp dân, cán bộ tiếp dân phải chủ động lắng nghe những sự việc mà đương sự trình bày với thái độ mềm dẻo, nhã nhặn, thẳng thắn, vô tư và phải ghi chép đầy đủ những thông tin quan trọng vào sổ tiếp dân.
Cuối buổi tiếp dân phải thu nhập đơn và những giấy tờ kèm theo. Nếu không có giấy tờ cần thiết thì phải lập biên bản nghi lời khai, yêu cầu của đương sự có chữ ký xác nhận.
b. Quản lý và xử lý đơn thư khiếu tố
Quản lý đơn là việc theo dõi nắm tình hình đơn, trên cơ sở đó nghiên cứu phát hiện những vấn đề mâu thuẫn, những bất đồng của người sử dụng đất để có biện pháp ngăn ngừa tận gốc nguyên nhân phát sinh khiếu tố. Quản lý chặt chẽ đơn thư khiếu tố, tổ chức tốt công tác xử lý đơn là điều kiện để bảo đảm giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định. Các cơ quan địa chính phải nắm chắc những đơn thuộc trách nhiệm của mình và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Sau đó tiến hành phân loại đơn thư gửi tới để xác định rõ tính chất của đơn và trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các đơn khiếu tố sau khi đã được phân loại phải xử lý kịp thời. Nếu những đơn không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành địa chính thì chuyển đến những cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Đơn do đương sự gửi vượt cấp hoặc do cơ quan khác chuyển đến, nếu huộc nhiệm vụ của cấp nào thì giao cho cấp đó xem xét giải quyết. Người xử lý đơn phải tuyệt đối bí mật về nội dung và tên người tố cáo. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo phải xử lý đơn xong và báo cho đương sự biết.
c. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai
- Nghiên cứu đơn là công việc đầu tiên của nghiệp vụ xét khiếu tố, do đó, phải tập trung vào sự việc tìm ra mâu thuẩn, bản chất của vấn đề, phán đoán nguyên nhân đồng thời chuẩn bị tài liệu, văn bản pháp luật làm cơ sở để giải quyết những vấn đề mà đương sự yêu cầu.
- Gặp đương sự là yêu cầu không thể thiếu được trong việc xét đơn. Khi gặp đương sự cần tạo ra không khí thoải mái giúp đương sự tin tưởng vào chế độ chính sách của Nhà nước. Sau khi gặp đương sự, cần tiến hành tiếp xúc với cơ quan nơi phát sinh sự việc, yếu cầu cơ quan đó báo cáo lại quá trình diễn biến của sự việc, đồng thời thu thập tài liệu để lập hồ sơ đầy đủ, giúp cho việc nghiên cứu, phân tích mọi chi tiết của sự việc trở nên có hệ thống.
- Điều tra xác minh sự việc và tiến hành kiểm tra lại chứng lý trong hồ sơ.
- Viết báo cáo kết quả xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ. Vấn đề chủ yếu của báo cáo là phải nêu rõ những mâu thuẩn của hai bên, những dự kiến và cách giải quyết.
Báo cáo gồm ba phần chính:
+ Phần thứ nhất: Giới thiệu và khái quát sự việc.
+ Phần thứ hai: Nêu kết quả sự việc đã xác minh.
+ Phần thứ ba: Nhận xét, kết luận và kiến nghị biện pháp giải quyết đối với hai bên.
- Mở hội nghị để xét giải quyết vấn đề khiếu tố. Cơ quan địa chính các cấp có trách nhiệm giúp uỷ ban nhân dân cấp mình mở hội nghị xét giải quyết khiếu tố đối với những đơn khiếu tố về đất đai, về thẩm quyền của uỷ ban nhân dân. Nếu đơn khiếu tố thuộc thẩm quyền xét và giải quyết của thủ trưởng cơ quan thì sau khi điều tra xong, cơ quan thanh tra của ngành ở các cấp giúp thủ trưởng mình mở hội nghị xét giải quyết khiếu tố.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top