Hồi 1: Những trái bom
Ngồi trên chiếc xe chật chội chứa hơn cả chục người, Tư Ân mệt lả vì đoạn đường đi đã dài lại còn rất xốc và vì cái nắng hanh oi như muốn giết người. Mấy ngày nay đều như vậy. Hôm nay đã là ngày thứ 10, hay 11, anh không nhớ, anh như sống trên chiếc xe này luôn rồi. Chiếc xe vẫn dằn xóc trên con đường Trường Sơn, con đường tương lai của miền Nam phía trước. Và vì yêu nước, mong muốn thống nhất nên dù mệt đến mấy anh vẫn giữ tinh thần lạc quan ấy, nụ cười ấy, vì đồng bào, vì dân tộc.
Trình Tư Ân, hai mươi lăm tuổi, anh vốn là sinh viên trường y, sau này sẽ làm bác sĩ đấy. Nhưng anh lựa chọn ra chiến trường, cũng một ngọn lửa nhiệt huyết, cũng một nhiệm vụ cao cả. Trong đoàn xe số 315, Ân là quân y duy nhất, phụ trách toàn bộ về mặt thuốc men cũng như điều trị vết thương cho 10 đồng chí khác trong đội. Đội anh có 17 người lính. 2 anh phụ trách lái xe, cứ thay nhau mà lái ngày lái đêm, còn lại là những bộ đội đang trên đường vào chiến khu miền nam.
Cùng ăn cùng ngủ với nhau tính ra cũng đã mươi ngày, Ân có dịp được tìm hiểu về những người đồng đội của mình một ít. Đoàn anh toàn những người trẻ cả. Lớn nhất là anh Bình lái xe, cũng chỉ mới có hai mươi bảy thôi. Còn người trẻ nhất, mười bảy tuổi.
"Em khai gian để được đi lính!" Cậu nhóc nói rồi cười hì hì. Anh cũng đáp bằng nụ cười thân thiện lấm đầy bụi đường.
Lý là thằng nhóc lẻm lỉnh và nhanh nhẹn nhất đội, chắc cũng tại còn nhỏ nên hiếu động. Nó cũng yêu nước lắm. Ba mẹ nó mất cả rồi, anh nó thì ra chiến trường đã 2 năm chưa thấy về, nó đi theo anh nó.
Ở đây nhiều người đáng ra đã có cuộc sống rất tốt đẹp.
Nhưng họ chọn lên đường vì tổ quốc
Như Nguyên, cậu nhỏ hơn Ân 2 tuổi. Cậu vừa tốt nghiệp trường Luật đây thôi. Gia đình phản đối kịch liệt việc cậu đòi đi lính. Thế nhưng cậu cũng đi, cũng không biết có cơ hội về không nữa. Cậu luật sư trẻ, chưa bao giờ ra toà, giờ đang trên đường ra mặt trận.
Để lại nhiều dấu ấn nhất với anh có lẽ là Thành Khiêm, một chàng trai trẻ mới hai mươi. Thứ nhất có lẽ là vì cái ấn tượng đầu tiên của em với tất cả mọi người - cao và đẹp trai cực. Tới nỗi khiến anh tự hỏi người đẹp như vậy không lấy làm tiếc khi mang thân mình ra chiến trường hay sao? Em chỉ kể: "Bức hoạ đẹp nhất, đôi khi chỉ cần vẽ độc bằng màu máu của các chiến sĩ anh hùng"
Đẹp vì nó đã để lại trong trái tim người dân những âm vang vô tận.
Không chỉ là một người lính, mà còn là một nhà thơ. Trên khúc Trường Sơn, em cứ ngâm nga mãi những bài thơ kháng chiến hùng hồn: "..Anh với tôi đôi người xa lạ, tự phương trời chẳng hẹn quen nhau, súng bên súng, đầu sát bên đầu, đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.."
Đồng chí!
Mỗi lần như vậy cả xe cùng đọc khúc ca hào hùng, xe vừa đi vừa hát vang những bài ca kháng chiến.
À, để tôi kể em nghe nhé:
Năm nay là năm Tân Hợi 1971, giai đoạn gấp rút lắm rồi! Kháng chiến đang vào những năm cuối cùng, chiến tranh vô cùng tàn khốc. Ở miền Nam ruộng nát đồng hoang, nhưng nhân dân vẫn dốc lòng vẫn kiên cường chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Cả đoàn xe đều là người từ Bắc và Trung vào Nam cùng nhân dân miền Nam chiến đấu. Hải Dương vừa mới được thành lập 3 năm trước là quê hương của anh cả Tư Bình. Thằng Lý là người Thanh Hoá. Chàng luật sư đậm giọng Hà Tĩnh. Nhà thơ trẻ kia từ Hà Nội xuống. Còn anh, chàng quân y, xa về phía đông bắc một chút, ở Thái Bình.
-----------------------------------------------------------
"Ngày 14.3.1971
Tôi về nhà sau khi đi thực tập tại bệnh viện. Mở cánh cửa, bần thần nhìn chiếc đồng hồ nhỏ gắn trên cầu thang, tôi quyết định sẽ phải nói ra điều này thôi. Tôi đã nghĩ rất lâu rất lâu. Hôm nay, nhất định phải nói, nói xong, nhất định phải đi, tôi không chờ được nữa rồi.
Mười giờ mười hai phút tối.
Cốc cốc.
"Mẹ à, mẹ ngủ chưa?" Tôi hé mở cánh cửa gỗ phòng mẹ, nhận ra ánh đèn dầu trên bàn chợt vụt tắt.
".. Mẹ xin lỗi.. Mẹ.."
Bà đặt chiếc áo đang may dở sang một bên, mấp máy môi nói xin lỗi. Khoé mắt tôi cay cay. Lòng nhói.
"Con đã dặn mẹ đừng làm việc quá sức rồi, giờ này mẹ còn may áo à?"
"...Con biết nhà mình nghèo mà con, mẹ xin lỗi"
Tại sao mẹ phải xin lỗi con? Con mới là người có lỗi đây. Con là con trai mẹ mà không thể khiến mẹ an lòng ngon giấc. Con là con trai mẹ mà không biết mẹ ngày nào cũng thức suốt đêm để may thêm vài cái áo nuôi hai chị em con. Tôi ngả đầu vào lòng mẹ, không nén được sự xúc động.
"Mẹ ơi, con ở nhà mà còn chưa thể lắng lo cho mẹ, mai con đi rồi, sao con yên lòng được.."
Mẹ tôi bất ngờ, bật thành từng tiếng:
"Con, con đi đâu con? Ôi mẹ van con, mẹ xin con, con đừng bỏ cha mẹ với chị con mà đi lính.. Mẹ đã nói rồi, cái gì con muốn mẹ cũng cho con, chỉ riêng việc này không được. Mẹ thương con lắm, con đừng bỏ mẹ..."
Tôi ôm mẹ khóc nấc, nghẹn lòng. Trước đây tôi từng nói với mẹ việc có nên đi lính không. Mẹ tôi một mực phản đối. Người ta cũng không bắt tôi đi lính vì tôi làm ngành y. Nhưng nhìn người dân mình dưới xuôi chịu áp bức khổ như thế, làm sao tôi nhắm mắt làm ngơ được! Tôi đã dặn lòng hôm nay dù làm thế nào cũng phải đăng ký ra chiến trường.
"Mẹ ơi, nếu mẹ thương con, thương đồng bào, mẹ cứ để con đi, để con giết hết bọn tiện nhân hại dân mình ấy!"
"Con.. đừng con ơi..! Ngoài chiến trường nào có đơn giản như con nghĩ, con đi rồi nhỡ chẳng bao giờ về bên mẹ nữa.."
"Con xin mẹ! Mẹ thương con thì để con xuống với đồng bào mình cùng chiến đấu!"
Mẹ tôi lắc đầu nghẹn ngào, ôm lấy tôi như không để ai có thể cướp đứa con nhỏ khỏi tay mẹ.
"Anh Sanh ơi! Anh dậy mà xem thằng Ân nó đòi đi lính!" Mẹ tôi gào lên với tông giọng đứt đoạn. Cha tôi nghe thấy chưa? Cha say rồi, sẽ chẳng nghe được gì cả đâu. Mẹ đừng gào nữa mẹ..
Sáng hôm sau tôi qua nhà anh chị hai. Đêm qua tôi không ngủ, mẹ cũng thế.
"Em chào anh hai, chị hai có nhà không ạ?"
"Mày qua kiếm nó làm gì?"
"À, em qua biếu anh chị hai chút quà"
"Thế à, vào đi, chị mày ở trong bếp đó"
Tôi bước vào gian nhà nhỏ của anh chị. Mùi khoai lang bốc lên từ bếp, tôi ngó vào trong. Chị tôi tay phải cầm đũa làm đồ ăn, tay trái ôm đứa con gái nhỏ. Phòng khách lại vang đến mấy tiếng cười đùa vui vẻ của anh rể và các bạn anh, rượu, mồi và bài bày đầy trên sàn nhà. Tôi biết rồi đến tối muộn cái xó ấy mới được dọn dẹp bởi chị hai tôi.
Lát sau, chị ẵm Trà - bé gái con chị đến chỗ tôi.
"Gì, hôm nay lại rảnh rang qua đây ngắm chị mày bị hành hạ à?"
"Chị khổ thì cũng đến thế thôi, chẳng phải lúc đầu em đã khuyên rồi sao"
"Ừ."
"Thôi, hôm nay em đến để gửi chị ít quà, em sắp đi rồi"
"Đi đâu? Mày được cử đi công tác ở đâu à? Giỏi thế, chả như chị mày.."
Tôi vội dúi vào tay chị hộp bánh quy vừa mua tối qua cùng một phong bì.
"Em đi, chị ở lại, ráng giữ gìn sức khoẻ nha chị"
Nói rồi tôi bế xốc đứa cháu đích tôn của tôi lên.
"Cậu đi nhé, nhớ chăm mẹ nhé, đừng để mẹ mệt đấy!"
Trà thích tôi lắm, cứ thấy cậu nó tới chơi là nó cười tít mắt. Trà à, cậu hi vọng sẽ còn nhìn thấy đôi mắt yêu kiều của con nhiều lần nữa, có thể là khi con đã lớn, thành một thiếu nữ. Mong rằng cậu không phải xa con mãi mãi.
Tôi tạm biệt anh chị rồi bước ra khỏi cửa. Vừa đi khỏi tầm mắt, anh rể vội giật lấy phong bì tôi đưa cho chị, "chia đều nhé, tao phong bì này, mày lấy hộp bánh đi".
Tôi lên xã đăng ký đi lính.
Mẹ à, mẹ đừng khóc nhiều nhé.
Cha à, cha hãy lo cho mẹ nhé, mẹ đã lo cho gia đình nhiều lắm rồi.
Chị à, em của chị rồi sẽ được vinh danh. Nhưng không phải trong bệnh viện, mà nơi chiến trường.
Hương Trà, mong rằng con sẽ gặp một chàng trai đối xử với con tốt như cậu đã từng.
20.3.1971, tôi lên xe.."
.
.
.
Thế đấy, giờ đã gần vào hạ rồi. Trời nóng. Anh bỗng nhớ tới cô cháu nhỏ. Lúc này bé con của anh sao rồi? Nụ cười có còn hằn sâu trên môi nó? Mẹ nó thì sao? Cha nó có đánh mẹ nó không? Mẹ nó biết tin anh ra đi lính chưa? Còn mẹ anh thì sao? Hằng đêm có còn thao thức không ngủ? Có vì anh mà khóc đến ngất đi như đêm hôm ấy? Cha anh thế nào? Có còn uống say khướt và về nhà trễ như mọi ngày? Một vạn câu hỏi hiện lên trong đầu anh, không một câu trả lời.
"Nghe gì không?" Một anh hô làm cả xe lặng đi, ai nấy đều tìm kiếm cái âm thanh mà anh đang nói tới.
"Cái gì kia!" Thằng Lý chỉ lên trời.
"Cái gì vậy?"
Lúc này cái xe loạn lên cả. Ai nấy rướn cổ nhìn lên nhưng bầu trời bị mấy tán cây che khuất mất. Chỉ thấy một mảng đen đen xám xám trước những đám mây.
"Ôi! Máy bay! Máy bay!"
"Máy bay của Tây! Khổ rồi! Có khi chôn xác ở đây!"
"Yên nào! Đừng la nữa, để anh Bình lái" Thấy tình hình loạn lên như thế, chàng thi sĩ đành phải cất lời.
Phải nói thật trong cả bọn, nhìn em ra dáng uyên bác hơn cả, dù chỉ mới hai mươi thôi. Nhiều anh gọi đùa em là "ông trời con". Nhưng những lúc thế này, không thể không nể sự bình tĩnh của em được. Máy bay thì cứ ù ù trên trời, xe thì xe cứ chạy băng băng dưới đất. Ai cũng ngước lên nhìn đống sắt thép biết bay, lòng không khỏi sợ hãi. Từ từ tiến lại, không còn ở xa, chiếc phi cơ ở ngay trên đầu các anh lính. Mồ hôi chảy nhễ nhại ướt cả mảng áo, nhưng ai nấy đều thấy lạnh sống lưng. Chúng nó có thấy mình không? Có thả bom không? Liệu có thoát nạn mà tới được miền Nam hay chôn xác ở đoạn Trường Sơn này? Anh Bình vặn hết ga, càng nhanh càng tốt, mau thoát khỏi con diều hâu ôm những trái bom tử thần kia thôi! Nhưng đường dằn xóc quá, lại đang đổ đèo, không dám đi nhanh, xe chỉ chạy được tầm 30 cây số một giờ. Anh em lo sốt vó.
"Sắp đi rồi..! Cố lên!"
Tầm vài phút, chiếc phi cơ kia đã bỏ chiếc xe lại phía sau. Mọi người mới bắt đầu thở lại bình thường được. Ai nấy thở phào, lại quay mặt về phía Nam, xe vẫn chạy.
Bỗng nhiên, một anh ngồi trong xe gào lên thất thanh. Anh Bình đang lái cũng bị hoảng hồn mà lệch tay đôi chút.
"Cái gì thế?" Y không thể quay mặt lại phía sau nhìn, liền phải hỏi ngay mọi người có việc gì. Nhưng có lẽ chẳng ai nghe thấy câu hỏi của y. Khắp xe vang tiếng la hét ầm ĩ.
"Bom! Chúng nó thả bom kìa!"
Ầm!
Thế là chưa kịp nghe câu trả lời, xe bị trái bom nổ đẩy đi xa. Khói mù mịt. Bình đành thắng gấp trước khi tất cả rơi xuống vực.
"Khụ.. khụ.."
"Này, mọi người không sao chứ?" Y quay lại phía sau xe, hỏi.
Ngay lúc đó một trái bom khác đáp xuống mặt đất. Tiếng nổ nghe vang trời. Cát bụi bay đầy lên mặt. Nhưng không sao, chúng ở xa rồi. Anh em trong xe chỉ bị hốt vía.
"Sau xe ta còn xe nào khác không? Có lẽ bị chôn chết ở đấy rồi"
"Lạy trời, phù hộ chúng con.."
Mọi người bàn tán xôn xao chờ bụi lắng xuống mặt đường. Chiếc phi cơ bay khá xa rồi. Thành Khiêm lặng lẽ nhìn về hướng những quả bom đã nổ.
"Chúng thả bom ở chỗ trinh sát đấy, ngay trên cao điểm đằng kia!"
"Bọn trinh sát có sao không nhỉ?" Nguyên hỏi.
"Có lẽ không. Họ có những cái hang sâu. Bom nổ nhiều nhưng chẳng bao giờ họ chết đâu" Như đã từng sống và làm việc trên cao điểm ấy, em trả lời rất dứt khoát. Tất nhiên ai cũng bị thuyết phục. Lời em nói bao giờ cũng đúng cả.
Anh Bình lấy trong túi đeo ra một chiếc bản đồ con cho mọi người cùng xem.
"Mình tới Quảng Nam rồi. Đi thêm một đoạn cỡ nửa ngày có lẽ sẽ đến trạm. Ở đấy qua đêm cũng ổn, nhưng phải nhanh lên mới được, gần chiều rồi, sợ không kịp đâu"
"Thế giờ mình đi luôn anh nhỉ?" Thằng Lý đã hết sợ từ lâu rồi. Có điều giờ mặt nó đen thui không khác gì lọ mực.
"Ừ, thế ta đi, anh em nhé?"
Ráng lên thôi, không chỉ tới nhanh kịp trời tối, mà còn vì đồng bào dưới xuôi đang ngày đêm chờ đợi.
Thế ta lại đi, đồng chí nhé?
Đi thôi.
Cuối tháng 3 năm 1971.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top