KHI TRỜI ĐỔ LỆ


Vươn vai, tôi nhẹ nhàng bước đến bên cửa sổ, kéo rèm cửa chuẩn bị nói  “Xin chào” với ông mặt trời đáng kính. “Sunday” - Tôi háo hức đón chào một ngày chủ nhật đầy nắng, một chuyến phượt ngắn về vùng ngoại ô cách thành phố hoa lệ này không quá 25km về phía Bắc. Nhưng có vẻ “đời không như là mơ” - ông mặt trời, tia nắng ấm áp của tôi đâu cả rồi!  – sau rèm cửa là một bầu trời đen kịt, những tia chớp “bắt đầu bấm máy, tạo thêm vài bức ảnh nữa cho mình”. Mưa đã rơi và ngày càng nặng hạt hơn. Nhìn màn mưa trắng xóa ngoài kia , tôi lầm bầm: ”Trời lại đổ lệ rồi phải không bà?”.
Tôi - Cô gái 25 tuổi - một mình sống ở thành phố nhộn nhịp này đã 7 năm. Các chuyến về thăm quê thưa dần mà mật độ công việc thì cứ dày lên. Quê tôi thanh bình lắm, mưa cũng ấm hơn chỗ này nhiều, còn ở đây tôi chỉ có một mình - cô độc. Người ta cuối tuần là lại ‘’xách balo lên và đi” về nhà một chuyến, còn tôi cả cái cớ về thăm gia đình giờ cũng không còn nữa. Ba mẹ và em gái tôi sang Úc định cư vào năm ngoái, tôi thì  không nỡ bỏ lại những cơn mưa đỏng đảnh của Sài Gòn...vậy nên tôi ở lại.
Tôi miên man suy nghĩ, nếu hôm nay trời không “mít ướt” chắc giờ này tôi đang tất bật chuẩn bị cho chuyến phượt ngắn của tôi rồi. Thở dài, tôi kéo cái ghế ngồi xuống, chống cằm nhìn màn mưa trắng xóa qua ô cửa sổ khu chung cư. Rồi bỗng như tâm tư hóa bà lão, tôi vuốt ve lại từng “trang” ký ức ngày thơ. Cứ hễ trời mưa, tôi lại nhớ bà nhưng lần này có vẻ da diết hơn. Tôi nhớ:
Khi tôi lên 9 lên 10, mẹ tôi thường bảo tôi qua chơi với bà tư hàng xóm. Vì sao ư? Vì bà chỉ có một mình, không có người thân nào cả. Còn tôi, mỗi lần qua nhà bà, bà sẽ hái cho tôi mấy trái ổi bà trồng, rồi còn kể chuyện cho tôi nghe nữa. Vậy là cứ đều đặn, khi nào muốn ăn trái cây vườn nhà bà, là tôi lại mò sang. Rồi lâu dần thành thói quen, không ăn trái cây tôi vẫn sang cho bà chải tóc, nghe bà kể chuyện cổ tích. Bà tư hiền lành, nhân hậu, nhìn cứ như bà tiên trong truyện mà tôi tưởng tượng ra mỗi khi nghe bà kể. Mẹ tôi từng nói với tôi rằng, bà tư lúc trẻ xinh đẹp lắm, lại hiểu biết rộng, nên giao tiểu quỷ tôi cho bà mẹ rất yên tâm. Tôi thắc mắc sao bà tư không có chồng, giống như mẹ có baba vậy?  Lúc đó mẹ tôi chỉ lắc đầu cười mà không đối hoài gì đến câu hỏi của tôi.
Năm tôi 15 tuổi, bà tư cũng bước sang tuổi 80. Hôm ấy, trời cũng mưa to thế này, tôi đi học về thì thấy mẹ để lại mảnh giấy ghi mấy chữ :” Ba và mẹ dẫn em về nội, con ở nhà đi học ngoan, không được đi chơi, qua nhà bà tư chơi thì được!” Mẹ của tôi là vậy đấy, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Tôi thay quần áo rồi chạy sang nhà bà tư xin ăn “ké”. Bà tư vui vẻ đón tiếp tôi như một tiểu công chúa của riêng bà. Sau khi ăn xong, bà lấy một chiếc lược gỗ chải tóc cho tôi, bên ngoài trời mưa rả rít.Tôi hỏi bà: “Sao trời lại mưa vậy bà?”.Bà cười hiền: “Ông trời đổ lệ đấy con!”.Tôi định cãi: “Là vòng tuần hoàn của nước cơ mà!”. Nhưng lúc ấy không hiểu sao con bé ngang bướng như tôi lại chỉ mỉm cười, rồi gật đầu lẩm nhẩm: “Trời đổ lệ”. Tôi hỏi bà: “Sao bà không có chồng, sống một mình bà không thấy buồn sao?”.Bà tiếp tục chải tóc cho tôi: “Bà có chồng chứ! Nhưng... ông đã mất rồi.”Tôi xoay người lại tròn xoe mắt: “Vậy là có ông tư nữa hả bà? Sao con chưa bao giờ nghe bà kể về ông vậy ạ?”Bà cười, mắt nhìn vào màn mưa trắng xóa. Bà kể với tôi về chuyện tình của ông và bà: Ba mẹ bà mất vào thời loạn lạc, còn ông với bà là hàng xóm của nhau. Ông và bà sinh ra trong lửa loạn và rồi cũng yêu nhau trong nước mắt của chiến tranh. 18 tuổi - Ông đi theo tiếng gọi của đồng bào, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Rồi khi bóng giặc gần tan thì bà nhận được tin, ông không bao giờ về nữa... Nước mắt long lanh tôi lại hỏi:“Sao ông và bà không có con?”Bà cười: “Vì ông và bà chưa cưới nhau mà!”Tôi thắc mắc: “Sao ông bà không cưới trước rồi ông hãy nhập ngũ?”Bà cười buồn: “Vì ông yêu bà!”...”Còn bà không lấy người khác, vì bà chỉ yêu ông!”Tôi đã không hiểu câu trả lời ấy của bà nhưng khi nhìn vào ánh mắt thê lương của bà tôi lại không tài nào hỏi tiếp.
          Năm nhất đại học, tôi trọ học xa nhà, một buổi chiều, mẹ tôi gọi điện báo với tôi bà tư mất rồi. Tôi - tiểu công chúa của bà - lại không thể nhìn mặt bà lần cuối. Hôm ấy trời cũng mưa to, to đến nỗi tôi không thể nhìn thấy những con chữ trong tờ đề cương cuối kỳ đặt ngay trước mắt. Tôi khóc, khóc suốt cả một đêm. Khi tôi về đến nhà, mộ phần của bà đã được ba mẹ tôi chôn cất tử tế. Thấy tôi về, mẹ cười hiền rồi dẫn tôi ra nơi bà an nghỉ. Nhìn di ảnh của bà, thật ngạc nhiên, tôi không hề khóc, thậm chí tôi còn mỉm cười:“Bà đã gặp được ông chưa? Sáu mươi mấy năm cho một cuộc chia ly có phải dài lắm không bà?”.Một bàn tay đặt lên vai tôi, tôi quay người lại. Ba tôi nhìn tôi, ông mỉm cười:“Bảo bối của ba trưởng thành rồi!”Tôi cũng cười: “Ông bà...yên nghỉ nhé!”
          Cho đến tận bây giờ, tôi mới hiểu câu trả lời “súc tích” hôm ấy của bà có ý nghĩa gì! Và cũng thôi thắc mắc: tại sao ông yêu bà mà ông lại nỡ, để cho bà góa bụa một cách danh không chính ngôn không thuận suốt cả quãng đời còn lại như vậy. “Đúng! Vì ông yêu bà nên ông sợ, sợ rằng một khi ông không về nữa, bà sẽ không thể trọn vẹn với một người đàn ông khác. Vì ông yêu bà nên ông lo, ông lo miệng đời cay nghiệt sẽ đặt lên đôi vai nhỏ bé của bà ba tiếng: “gái nạ dòng”. Và vì ông yêu bà, nên ông lại sợ, sợ bà như nàng TôThị hóa đá chờ chồng. Bởi truyền thống ông cha: “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.” Ông sợ, sợ rằng ông sẽ làm lỡ dỡ thanh xuân tươi đẹp của người con gái ông yêu!.          Mẹ dạy tôi rằng: “Nếu con muốn người khác đối xử với con thế nào, thì trước tiên con hãy đối như thế với họ đã.”Cuộc tình của ông và bà đã minh chứng cho tôi thấy rõ, rằng mẹ tôi đã đúng: Bà đã yêu ông như chính cái cách mà ông yêu bà - một tình yêu trọn vẹn thủy chung. Bà đã đợi ông, đợi cả một đời và bà đã sống, chỉ để yêu mỗi một người - là ông.
          “Bà ơi! Trời đổ lệ vào ngày thất tịch, phải chăng chính là vì: Thần Cupid ở phương Tây đang mừng cho cuộc hội ngộ của những đôi uyên ương chung thủy của phương Đông không ạ?”...
                        Hoàng Nguyên

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top