Tôi đã từng bước tụt lại phía sau người khác như thế nào
Tôi còn nhớ rất rõ, từ năm lớp tám thành tích tiếng Anh của tôi bắt đầu trượt dốc.
Tôi học tiếng Anh rất sớm, từ năm lớp hai, lớp ba đã bắt đầu học rồi. Ngoài học trên lớp, tôi còn đi học thêm ở ngoài. Do vậy, trước năm lớp tám, điểm tiếng Anh của tôi luôn rất tốt. Mặc dù năm lớp bốn chuyển trường, do sách giáo khoa không thống nhất nên tôi thụt lùi một thời gian, nhưng dưới sự giúp đỡ của cô giáo cùng chiếc máy ghi âm hiệu con vẹt thời ấy, điểm tiếng Anh của tôi vẫn đứng đầu lớp.
Lên cấp II, cô giáo yêu cầu chúng tôi học thuộc lòng bài khoá, nhưng lên lớp tám, bài khoá trong sách giáo khoa ngày càng dài, tôi lười học thuộc nên chỉ đọc vài lần. Hồi ấy cô giáo cũng không kiểm tra nghiêm ngặt, trong mắt tôi, việc học thuộc lòng bài khoá vừa vô lý vừa nực cười. Cộng thêm việc tôi ngày càng thích những lớp học ngoại ngữ bên ngoài, tự do, không câu nệ tiểu tiết, không yêu cầu nghiêm khắc về mặt ngữ pháp, nên tôi lại càng không muốn học thuộc lòng bài khoá, cũng chẳng chịu nghe giảng mấy khi đến lớp, thế là tiếng Anh của tôi dần trở nên mất gốc. Tôi hoàn toàn không biết rằng, đối với những đứa trẻ mới học tiếng nước ngoài, học thuộc lòng bài khoá là cách hình thành ngữ cảm tốt nhất, giống như học thuộc thơ Đường, từ Tống vậy, không phải để vận dụng mà là hình thành cảm giác đối với từng con chữ. Giờ nhớ lại, tôi có thể buột miệng nói rất nhiều từ cổ, còn đối với tiếng Anh, bao nhiêu năm cũng chỉ nhớ một câu "lift the basket onto the truck", còn đâu chẳng nhớ bất cứ điều gì.
Dần dần, tiếng Anh của tôi có vấn đề. Tôi không thể phân biệt các dạng ngữ pháp, đọc hiểu thì hỗn loạn, ngay cả chọn từ điền vào chỗ trống cũng bắt đầu cảm thấy hoang mang. Thành tích tuột dốc thê thảm, tôi luyện nhiều đề hơn nhưng vẫn không thể bù đắp lỗ hổng của bản thân. Nói tôi không biết cũng không phải, nói tôi biết cũng chẳng đúng, chỉ là tôi liên tục phạm lỗi, thành tích cũng làng nhàng.
Khi ấy ngồi trước tôi là một bạn nữ rất ngoan ngoãn, ngay từ năm đầu cấp II đã nghiêm túc học thuộc lòng bài khoá, khi thi lên cấp III thì chúng tôi không học cùng nhau nữa. Năm lớp chín mẹ cô ấy từ nước ngoài về, thành tích tiếng Anh của cô ấy đột nhiên tiến bộ vượt bậc, điểm tiếng Anh thi lên cấp III được 150 điểm, còn tôi chỉ được hơn 120 điểm, tôi thậm chí còn viết sai một từ đơn giản.
Về sau, cô bạn ấy vào học một trường cấp III hàng đầu của tỉnh, còn trường tôi học chỉ đứng thứ ba. Hồi đại học, cô ấy ra nước ngoài du học tại một ngôi trường danh tiếng, lên đến bậc thạc sĩ, tiến sĩ còn học ở trường danh tiếng hơn. Lại nói đến tôi, cấp III tiếng Anh càng lúc càng phức tạp, kiến thức của tôi càng lúc càng có nhiều lỗ hổng.
Cấp II lười học thuộc bài khoá, cấp III lại không có thời gian và hứng thú, tiếng Anh bắt đầu trở thành môn học có thành tích hết sức bình thường của tôi. Về sau, tôi đành theo học trường tại chức, học ngày học đêm, mất rất nhiều công sức, nhưng chỉ có thể hơn các bạn cùng lớp một chút, không trở thành môn học thế mạnh được, gọi là đủ để tìm việc làm, phỏng vấn và tham dự một cuộc họp bằng tiếng Anh. Nếu cao cấp hơn như nói chuyện bằng tiếng Anh khoảng hai tiếng đồng hồ tôi sẽ cạn vốn từ.
Khi ấy tôi thường nói, bạn gái ngồi bàn trên học giỏi tiếng Anh là vì có mẹ rất giỏi ngoại ngữ, có thể kèm cặp 24/24. Nhưng tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ, mình đã bắt đầu lười biếng thế nào, buông thả bản thân ra sao, đã mừng thầm trong bụng vì không cần phải khổ sở như những bạn đang ra sức học thuộc bài khoá như thế nào.
Tôi không thể nói sự khác biệt về mặt thành tích và cuộc đời giữa tôi và bạn gái ngồi bàn trên bắt đầu từ việc tôi không học thuộc lòng bài khoá, cũng không thể nói cuộc sống hiện tại của chúng tôi ai tốt hơn. Nhưng chuyện này luôn nhắc nhở tôi, khoảng cách giữa người với người bị kéo giãn ra từ những thói quen nhỏ nhặt nhất.
Ví dụ, ngoài Toán ra thì những môn học khác của tôi đều làng nhàng, không giỏi cũng chẳng kém, những môn xã hội như văn, sử cần học thuộc lòng thì đều học tủ. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn dùng cái thái độ đại khái ấy xử lý mọi việc, dù có khả năng sắp xếp mọi thứ ngăn nắp gọn gàng, nhưng vẫn hấp ta hấp tấp khiến trong nhà rối tung cả lên.
Mỗi khi không bằng người khác, chúng ta thường vô thức tự tìm một cái cớ để an ủi bản thân. Thật ra, chúng ta đều biết rõ thế nào là dần dần thụt lùi, chính là bắt đầu từ những khoảng nhỏ nhất trong cuộc sống.
Trong số bạn bè tôi có những người thuộc trường phái dậy sớm, cứ 5 giờ sáng là dậy chạy bộ, một năm sau đã có thể tham gia cuộc thi marathon và giành được giải nhỏ. Người thuộc trường phái đọc sách, một năm có thể đọc gần trăm cuốn sách. Có người thích viết lách, hằng ngày viết 5.000 chữ, một tháng có thể viết xong cuốn tiểu thuyết đăng lên Douban. Còn buổi tối của tôi trôi qua trong tình trạng tay cầm điện thoại nói chuyện với những người bán hàng online, muốn đọc sách chỉ có thể đọc vào lúc một hai giờ sáng, mệt mỏi bơ phờ nên chẳng bao giờ nghĩ tới việc chạy bộ, viết lách thì một tuần update một bài viết dài 1.500 chữ đã cảm thấy vừa hoàn thành việc lớn rồi.
Đương nhiên, bạn cũng có thể an ủi mình rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng và không cần so bì với người khác. Quan trọng là, khi bạn nhìn thấy một người ưu tú hơn mình, so đi sánh lại thấy mình vẫn thế thì làm sao tốt lên được?
Nghĩ lại, nếu mẹ tôi cũng là một người giỏi tiếng Anh hoặc giỏi bất kỳ một môn học nào khác, liệu tôi có đạt được điểm tuyệt đối ở môn học ấy không? Rõ ràng là không, vì ngay từ đầu tôi đã không phải người chăm chỉ, sự trợ giúp bên ngoài có tốt tới đâu cũng chẳng ích gì! Giống như câu tục ngữ "bùn nhão không thể trát tường" vậy.
Một đàn anh của tôi, có thói quen mỗi sáng 30 phút ngồi đọc báo, như: Nhân dân Nhật báo, Báo Quan sát Kinh tế, Báo Đô thị phía nam... Mỗi ngày đọc một cuốn tạp chí hoặc đọc một cuốn sách trên tàu điện ngầm, chỉ đọc qua loa thôi, không phải đọc kỹ. Khi đó chúng tôi đều chế giễu anh ấy, giờ ai còn đọc báo giấy nữa, anh đúng là vừa có tư tưởng chính trị vừa có nghiệp vụ kỹ thuật. Nhưng khi nghiêm túc làm việc, họp bàn với khách hàng mới biết, người ta có thể nói được bất cứ điều gì, từ Đàng tới chính quyền rồi quản lý kinh tế... Khách hàng tâm phục khẩu phục trước những ý kiến hướng dẫn của anh ấy. Những người hàng ngày chỉ biết lên mạng đọc tin tức giải trí, dạo Weibo hoặc xem những thứ theo trào lưu, đều như một lũ ngốc. Khách hàng nói gì biết nấy, nhiều khi còn tự rơi xuống cái hố do chính mình đào mà mãi về sau mới biết.
Nghĩ kỹ lại, chúng ta đều biết bản thân mình từng bước từng bước thua kém người khác như thế nào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top