khi dan ong yeu dan ba_2
"Khi bàn tay cô dính sơn màu, thì hẳn là có thứ thích hợp hơn là tôi chứ". "Phải chi cố giữ đừng biết đến thân thể anh, thì tôi còn chịu được. Tại sao anh lại khởi đầu việc làm tình với tôi chứ?" "Bởi tôi nghĩ yêu thương cần có một điểm khởi đầu mà". Chẳng làm sao hơn, tôi đành rời khỏi giường, trở lại phòng làm việc. Tôi cắn môi, nói thầm rằng hắn nói đến chữ "yêu thương" một cách quá dễ dãi. Vài ngày trôi qua, một buổi chiều, tôi và Willie Roy đang nằm trên giường, chẳng làm gì cả, cũng như những ngày khác, thì đột nhiên, Mike mở cửa bước vào. Trông thấy tụi tôi, nửa người trần, vừa xem TV vừa ăn sữa chua, Mike sửng sốt. Vừa ngượng, lại vừa muốn phó mặc ra sao thì ra, tôi chẳng buồn bước xuống giường, cứ thế mà ngước nhìn Mike. Không chút ngại ngùng đối với Mike đang đứng sững sờ, Willie Roy tự giới thiệu và chìa tay ra. Mike chẳng ngó ngàng gì đến bàn tay ấy, chỉ ngồi xuống chiếc giường khăn trải không có chút lệch lạc nào. "Thế này là thế nào, giải thích cho tôi đi". Anh ta gắng kiềm chế cơn giận, và nhận ra rằng Willie Roy bên cạnh rõ ràng là trẻ tuổi hơn mình nên cố giữ vẻ ôn tồn, bình tĩnh nhìn tôi. "Nói là công việc bận rộn đến không thể gặp ai được, thế mà lôi vào phòng một tên trai trẻ như thế nầy". "Có làm tình gì đâu! À, thì cũng có, một lần thôi". "Làm được một lần thì mấy lần mà chẳng được". "Ðâu có!" Nói xong, tôi rơm rớm nước mắt. Mike tỏ vẻ ngán ngẩm, nhìn tôi đăm đăm. "Nếu anh muốn, thì cứ nằm xuống đây. Bảo đảm là chẳng có chuyện gì cả mà". Nghe Willie Roy nói thế, Mike sửng sốt đến buông rơi điếu thuốc đang định hút. "Cậu... cậu đồng-tính sao chứ?" "Ðâu có! Tôi chỉ thích phái nữ thôi. Mới nói là chẳng có chuyện gì cả đấy". "Thế, tại sao chỉ làm tình với cô ấy một lần thôi? Cô ấy là thứ đàn bà ưa thích chuyện đó lắm mà. Chẳng lẽ, cậu thình lình mất đi khả năng ấy sao?" "Tư thế đã sẵn sàng rồi đấy anh". "Cậu ấy khéo lắm kia". Tôi nói. "Tôi rất thích làm tình, nhưng cũng rất thích chuyện kiềm chế nữa". Mike lộ vẻ bấn loạn. Có lẽ đang nặn óc nghĩ cách làm sao đuổi Willie Roy ra ngoài.Tôi cũng chẳng biết phải làm sao. Lời nói của Willie Roy thật khác xa với suy nghĩ của tôi và Mike. "Này cậu, tôi và cô ấy quen nhau từ lâu rồi, và tôi cho là tôi hiểu rõ về cô ấy. Chúng tôi cần có nhau, cậu nên biết như thế". "Thì tôi có định phá khuấy gì quan hệ của hai người đâu. Tôi chỉ yêu cô ấy, thế thôi". "Yêu cô ấy à!?" "Thế bảo-bối của anh lớn lắm sao chứ?" "Tất nhiên rồi!" "Chứ của tôi cũng đâu kém ai. Không tin thì tôi cho xem ngay bây giờ". Trán Mike lấm tấm mồ hôi lạnh. Tôi vừa muốn bật cười lớn, vừa hoang mang, nên đành bấm bụng mà nhìn không khí bất ổn đang kết tinh giữa hai người đàn ông. Lời nói của Willie Roy phá vỡ không khí ấy: "Nhưng mà, tính dục đâu phải là tình yêu. Làm tình với đàn bà chỉ để chơi đùa, hay để kiếm tiền, cũng được đấy thôi. Cho nên, chuyện tôi chỉ làm tình với cô ấy mỗi một lần thì, Mike à, anh chẳng nên để tâm làm gì. Anh nên thắc mắc về chuyện tại sao chúng tôi gần gũi nhau mà không làm tình, mới đúng". Mike đá tung chiếc ghế, mở mạnh cửa phòng, hét "Mặc xác bây!" rồi giận dữ bước ra ngoài. Tôi và Willie Roy bàng hoàng một lúc, rồi đột nhiên cùng cười phá lên. Cười thỏa thích một hồi, hắn nhìn tôi với vẻ tạ lỗi. "Làm anh ta tức giận lên mất"."Chả sao. Ðâu phải mới quen nhau một hai hôm đâu mà sợ giận". Cười quá đến nỗi nước mắt rịn ra nơi khóe mắt, tôi vừa nhìn hắn vừa chùi nước mắt. Hắn tỏ vẻ vui thích thật tình, cúi hôn lên má tôi. Và nói: "Tôi thật yêu cô quá. Tôi không thiếu đàn bà để làm tình, nhưng thiếu người để yêu, đã lâu rồi". Một hôm, khi tôi cảm thấy có động tĩnh gì đấy mà mở mắt dậy thì thấy Willie Roy đang dọn dẹp vật dụng của hắn lại. Tôi ngạc nhiên, nhỏm dậy. Hắn đã chải tóc, mặc áo khoác ca-sơ-mia xong. Tôi buồn quá, định ngăn hắn lại. "Ðịnh bỏ đi đấy à?" Hắn mỉm cười, ngồi xuống bên tôi. "Ðừng làm mặt như thế. Lúc nào cũng gặp được nhau mà. Ðịnh chỉ mang Thiệp Giáng Sinh đến thôi, thế mà hóa ra đã ở lại lâu thế". Tôi bước theo hắn ra cửa, hoang mang chẳng biết có nên níu kéo hắn lại hay không? Trong trí tôi lẫn lộn ý nghĩ sắp vuột mất đi thì thật tiếc người đàn ông như thế nầy, cùng với cảm giác mình đâu phải là thứ đàn bà mới bén hơi trai mà phải níu kéo như thế, thêm với lòng tin tưởng mơ hồ thế nào cũng gặp lại hắn. Trong lúc tôi đang bần thần như thế, Willie Roy gửi đến tôi nụ hôn gió, rồi qua khe cửa, chỉ ngón tay về phía tôi mà nói: "Lần sau gặp nhau, sẽ làm tình đến phát điên lên đấy, bé ơi". Thế rồi, để lại khuôn mặt tươi cười thấm sâu vào lòng tôi, hắn đóng cửa lại trước mắt tôi. Tôi quay trở lại phòng làm việc, còn lưu luyến thèm muốn ân ái với hắn một lần nữa. Trong phòng, bức tranh đã hoàn thành từ lúc nào rồi, bất giác tôi mỉm cười, mãn nguyện. Phạm Vũ Thịnh dịch Tiểu thuyết gia hiện đại Nhật Bản Phạm Vũ Thịnh Yamada Eimi [a](hay Yamada Amy) sinh năm 1959 tại Tokyo , tên thật là Yamada Futaba. Thuở nhỏ đã dời nhà đi nhiều nơi theo nhu cầu công việc của thân phụ. Thời trung học, cô tham gia nhóm viết văn, qua đó đọc các tác phẩm văn học nước ngoài. Cô vào khoa Văn ở Ðại học Meiji năm 1977, tham gia nhóm nghiên cứu truyện tranh. Rồi bỏ học, làm việc sáng tác truyện tranh một thời gian. Không thỏa mãn với những phương tiện biểu hiện trong truyện tranh, từ năm 1980, cô bắt đầu viết tiểu thuyết. Năm 1985, tác phẩm Beddo taimu aizu (Bedtime Eyes, Những Con Mắt Trong Giờ Ngủ) của cô, với những biểu hiện mới mẻ về quan hệ nam nữ, tình yêu và tính dục, đã đoạt giải Văn Nghệ Kawade, sau đó được đề cử dự giải Akutagawa, giải Văn Học cao quý nhất ở Nhật. Năm 1987, với tập truyện ngắn Soul Music, Lovers Only (Nhạc Soul, Dành Riêng Cho Tình Nhân), cô đoạt giải Naoki [b], là giải Văn Học nổi tiếng thứ hai sau giải Akutagawa, dành cho văn học Nhật Bản nói chung, không cứ phải thuộc loại văn học thuần túy. Ở tuổi 28, cô là một trong những tác gia trẻ tuổi nhất đã đoạt giải Naoki. Cô đã có 3 tác phẩm liên tiếp được đề cử tranh giải Akutagawa: ngoài Beddo taimu aizu (Bedtime Eyes, Những Con Mắt Trong Giờ Ngủ, 1985), còn có Jeshii no sebone (Jessie's Spine, Xương Sống Của Jessie, 1986), Chô-cho no tensoku (Binding the Butterfly's Feet, Bó chân Bướm, 1987). Và đã được 3 giải văn học trong các năm 1986, 87, 88. Gần đây, tác phẩm Trash (Rác Rưởi) của cô đoạt giải Văn Học Nữ Lưu năm 1991, Animal Logic (Luận Lý Của Ðộng Vật) đoạt giải Izumi Kyoka năm 1996, A2Z (Từ A Ðến Z) đoạt giải Văn Học Yomiuri năm 2000. Và tháng 10 năm 2005, cô chính thức nhận giải thưởng Văn Học Tanizaki cho tác phẩm Fumi Zekka (Phong Vị Tuyệt Vời). Tác phẩm đầu tay nổi tiếng của cô, Beddo taimu aizu, thuật chuyện một cô gái Nhật gặp một lính Mỹ là Spoon ở quán rượu và thích anh ta đến nỗi chỉ vài phút sau, đã làm tình với nhau trong phòng để máy đốt sưởi phía sau quán rượu, trong lúc bạn trai của cô còn đợi trong quán. Tình yêu/Tình dục sôi nổi và quan hệ giông bão của hai người dần dần bộc lộ tâm lý sợ hãi và yếu đuối của Spoon, cùng với tâm thức nô lệ vào anh ta của cô gái. Những Con Mắt Trong Giờ Ngủ là một bức tranh táo bạo miêu tả những khía cạnh xấu xa của đời, với tính dục tăng độ nhờ ma túy, bạo lực từ rượu... đồng thời phơi bày sự yếu đuối phổ biến của con người, và cho rằng dù có sa vào quan hệ nam nữ lầm lỗi hay giông bão đến đâu đi nữa, người ta vẫn cố tìm đến "tình yêu" như giá trị cao nhất. Nhiều tác phẩm khác của cô, như Yubi no tawamure (Finger Play, Trò Ðùa Bỡn Của Những Ngón Tay, 1986), Harlem World (Thế Giới Harlem, 1987), Trash (Rác Rưởi, 1991), cũng đặt trọng điểm vào biểu hiện xác thịt của tình yêu nam nữ trong bối cảnh và tập tính xã hội hiện đại. Tuy nhiên, cô vẫn chủ trương rằng yêu đương phải cuồng nhiệt với cả thân xác lẫn tâm hồn, và nhân vật của cô không dừng lại ở những thỏa mãn xác thịt, mà luôn luôn truy cầu sự cộng hưởng trong tâm hồn: - "Thân thể đàn ông thì tôi chỉ đòi hỏi trong nửa năm là đủ, sau đó, tôi thèm muốn tâm hồn của họ", hay - "Anh có biết cách yêu đàn bà không?" - "Tôi biết cách yêu thân thể họ, nhưng tâm hồn họ thì tôi không có tự tín". Ðặc biệt, cô có những truyện dài lẫn tuyển tập truyện ngắn (như Soul Music, Lovers Only - Nhạc Soul, Dành Riêng Cho Tình Nhân, Boku Wa Bi-To - Tôi Là Nhịp Phách...) lấy đề tài tình dục của thanh niên, phụ nữ Mỹ da đen với nhau hoặc với phụ nữ Nhật Bản. Xã hội Nhật vừa có phản-cảm với người da đen: tượng trưng cho sự thô bạo, dơ bẩn... nhưng đồng thời có phần hiếu kỳ lẫn ngưỡng phục cá tính và năng lực xác thịt của người da đen. Nhà nghiên cứu John Russell viết: "Ðàn ông da đen ở Nhật đã trở thành đối tượngcủa những phụ nữ Nhật Bản ham chuộng bản năng, từ những học sinh mười mấy tuổi, những thiếu nữ làm việc văn phòng có tính phóng đãng, cho đến những vợ người trung niên ưa ngoại tình"[c]. Những phụ nữ Nhật Bản này theo đuổi tình nhân da đen của họ như một cách vượt qua biên giới tính dục và chủng tộc để khám phá ra chính mình, trong một xã hội mà họ liên tục bị áp bức và bất mãn. Có thời, ngay dưới cửa sổ phòng trọ của Yamada Eimi là cổng chính của căn cứ quân sự Mỹ ở Yokota. Người ta hay lầm cô là người Phi Luật Tân. Nhưng không, cô có tâm hồn đàn bà Mỹ da đen (sister). Cô nhận mình là người đàn bà Mỹ da đen duy nhất nói giỏi tiếng Nhật. Nhiều tác phẩm khác của Yamada Eimi có đề tài chung là tuổi dậy thì với những cảm nhận mẫn tuệ nhưng mong manh, lắm khi phản kháng lại những trói buộc của luân lý truyền thống hay giá trị quan thông tục của xã hội Nhật Bản. Jeshii no sebone (Jessie's Spine - Xương Sống Của Jessie), Chô-cho no tensoku (Binding the Butterfly's Feet - Bó Chân Bướm) dựa trên thể nghiệm học đường của chính tác giả, và Fusô no kyôshitsu (Classroom for the Abandoned Dead - Lớp Học Cho Những Kẻ Chết Không Mồ, 1988) đề cập đến tệ trạng ức hiếp trong trường học. Truyện dài Boku Wa Benkyô Ga Dekinai (I Cannot Study - Tớ Học Dốt, 1993), tập truyện ngắn Hôkagô No Kiino-to (After School Key Note - Nốt Chủ Âm Sau Buổi Học, 1989)... đề cập đến lứa tuổi trung học cấp ba quan tâm đến tính dục, khổ tâm vì tình yêu, và tâm tình phản kháng đối với gia đình cùng luân lý xã hội. Nhân vật chính trong Boku Wa Benkyô Ga Dekinai (I Cannot Study - Tớ Học Dốt) là một cậu trai 17 tuổi, thích đá banh, có nhiều bạn gái ưa thích cậu, cặp bồ lâu dài với người tình làm việc trong quán rượu, tự cho là mình học dốt, nhưng trên đời nầy, còn có nhiều sự vật đẹp đẽ và quan trọng hơn là chuyện học ở trường. Cậu có được sự thông cảm đồng điệu của gia đình gồm ông ngoại và người mẹ có suy nghĩ tự do phóng túng. Nhân vật nầy được Yamada Eimi đặc biệt yêu thích, một phần vì đã phản ảnh thể nghiệm của chính cô, năm lớp 11, đã hai lần bị điểm 0 vì bài thi môn Vật Lý, khiến thầy dạy môn này đến nhà nói với cha mẹ cô rằng cô đọc tiểu thuyết trong giờ học và hết giờ thì vọt ngay khỏi lớp đi chơi với bạn trai, không chịu nghe lời thầy, mai sau chỉ có nước viết văn mà sống thôi! [d] Cô viết truyện dài này như một lời nhắn ông thầy Vật Lý ngày nào rằng quả thật cô đã trở thành nhà văn, và cô học dốt thật đấy, nhưng dốt môn Vật Lý ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống của cô cả. Yamada Eimi được xem như người chủ trương "tình yêu nam nữ là quan trọng nhất trên đời" và "cứ yêu hết mình đi" đối với giới nữ trẻ tuổi. Cô cổ xướng một thứ mỹ học của sự bôn-phóng trong tình yêu, mỹ học của sự lãng phí về thời gian lẫn tình cảm, trong tình yêu và tình bạn, ở những người trẻ. Với nhiều tác phẩm hàm chứa những thách thức đối với thông niệm và trật tự luân lý trong quan hệ nam nữ, thầy trò, Yamada Eimi là một tiếng nói hiếm hoi của nữ quyền, trong xã hội Nhật Bản vốn trọng luân thường truyền thống, người đàn bà quen lấy sự tùng thuận làm đạo đức, thấy sự nhường nhịn nam giới là vẻ đẹp nữ tính, đàn bà luôn luôn bước sau đàn ông, và bộ áo kimono không cho phép họ bước dài hay mạnh bạo. Tác phẩm của Yamada Eimi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Ý, Tây Ban Nha, Trung, Hàn... Người đọc, nhất là các thanh thiếu nữ Nhật Bản, cộng cảm với lối suy nghĩ "yêu hết mình" của Yamada Eimi. Trong lời bạt của cuốn Soul Music, Lovers Only - Nhạc Soul, Dành Riêng Cho Tình Nhân, cô viết: "Yêu một người đàn ông thì viết được 30 trang truyện ngắn". Tính đến nay, cô đã xuất bản hàng trăm truyện ngắn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top