chương 1

Bài dự thi số 3: #cuocthiviet #dieuochoahuongduong

CẢM ƠN CUỘC ĐỜI, TÔI CẢM NHẬN ĐƯỢC RỒI

Tuổi trẻ có thể nói là mảnh thanh xuân tươi đẹp nhất cũng có thể nói là khoảng thời gian những người trẻ bắt đầu lạc lối, lạc lối trên con đường mình đã chọn, lạc lối trong chính tâm hồn và suy nghĩ. Có lẽ đây là khoảng thời mà tôi mệt mỏi nhất cuộc đời, cái tuổi 23 còn quá mơ hồ với mọi thứ, mơ hồ đến nỗi mất phương hướng lúc nào không hay. Nếu được chọn mất đi một mảng ký ức trong cuộc đời này, tôi sẽ chọn trong chính giai đoạn tuổi 23 chênh vênh này. Tôi không phải là người dễ chia sẽ nhưng lại có tâm hồn cảm thông sâu sắc, chính vì thế tôi thường lạc trong những suy nghĩ tiêu cực mà không biết giãi bày cùng ai. Mang trong mình nỗi niềm không biết bày tỏ, có những đêm tôi khóc đến ướt gối, nhưng sáng hôm sau lại tiếp tục tươi cười làm những điều mình không thích. Khi bế tắc, cách chung mà con người ta chọn là "trốn chạy", đi đâu có thật xa để trở về với một tâm trạng tốt hơn. Nhưng tôi lại có cách suy nghĩ hèn nhát hơn, tôi bắt đầu nhớ về người cố đã mất của mình, tôi mong sao cố có thể mang tôi đi, một cách thoải mái và bình yên nhất. Ở nơi đó tôi sẽ không lạc lối và sẽ luôn giữ mãi những ký ức đẹp hiếm hoi về cuộc đời này. Tôi còn nhớ có người từng nói với tôi rằng "Cuộc sống không mệt mỏi thì không phải là cuộc sống". Nghe có vẻ triết lý và dễ hiểu nhưng tôi lại vẫn giữ nguyên suy nghĩ trốn chạy thực tế bằng việc hèn hạ, là cái chết nhưng tôi lại sợ đau đớn. Trôi nổi mãi trong những mớ suy nghĩ hỗn độn, tình cờ tôi được người bạn rủ rê đi làm phóng sự "Lớp học tình thương" ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Tôi vốn dĩ không phải là người sôi nổi trong những phong trào từ thiện hay đại loại vậy nhưng vì bạn nên tôi đành đi cùng. Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều thứ 6, chúng tôi đến sớm để xin phép được chụp hình và hỏi những thông tin cần thiết cho bài phóng sự. Lớp học là một căn phòng nhỏ, chỉ vỏn vẹn khoảng vài ba mét vuông, nhưng bàn ghế và tập sách lại đầy đủ và tiện nghi. Chúng tôi đang mãi say sưa trò chuyện, thì cũng đến giờ dạy. Các em nhỏ lũ lượt kéo nhau vào ngồi ngăn ngắn, xót xa đến nổi có em phải vừa truyền dịch, mặt mày trắng bệch, mệt mỏi, tóc đã rụng trơ trọi vì hóa chất, nhưng các em vẫn vui cười đến lớp mỗi ngày. Những bàn tay nhỏ xíu nâng niu, nắn nót từng khuôn chữ, các em cần cù chăm chỉ như chính việc làm cuối cùng có thể làm ngay bây giờ. Mỗi buổi học đều kết thúc bằng việc ca múa hát, tôi thì chúa dở trong chuyện này nhưng lại bị đẩy ra múa chung với mấy đứa nhỏ, ngượng chín cả mặt nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng tham gia cùng. Suốt hai mươi phút trôi qua, tôi còn mãi lúng túng với những động tác khó nhằn, thì nhìn sang các em, quả thật là không có gì làm khó được những đứa trẻ ngây thơ này. Tôi ngại ngùng chỉ biết cười trừ, còn thẫm nghĩ "Sao tự nhiên mình lại làm mấy cái trò này? Nhưng đến khi tôi thấy các em chăm chú tập theo những động tác của cô giáo chỉ để rồi nhận được phần thưởng là cô mời lên biểu diễn trước cả lớp rồi nhận được những tràn pháo tay của bạn. Những nụ cười hồn nhiên khiến tôi quên đi những vướng bận của mình. Có lẽ từ đầu đến cuối tiết học, tôi ấn tượng nhất với cậu nhóc nhỏ, đầu đã được cạo sạch sẽ, nhỏ con, môi tím tái, hỏi ra mới biết em đã điều trị ở bệnh viện được 3 năm rồi. Em không hoạt bát như những đứa trẻ khác, em ít nói, tôi hỏi em cũng không trả lời hay nhìn tôi lấy một cái. Em chỉ biết cắm cúi viết bài, đổi lại em giỏi vô cùng, tự mình có thể giải quyết những bài khó nhằn. Nhìn em mà tôi thấy chạnh lòng vô cùng, như thể thân hình nhỏ nhắn đó đã chịu quá nhiều đau đớn rồi nên em cố thu mình lại để tránh bị tổn thương nữa.

Trở về sau chuyến đi đó, vài ngày sau, cô bạn của tôi lại tiếp tục đến để hoàn thành những giai đoạn cuối của bài phóng sự. Trong một lần ngồi nói chuyện với nhau, tôi nói cho cô bạn ấy nghe tôi ấn tượng nhất là thằng nhóc đó, nhìn nó cứ dễ thương, nhưng khó gần quá. Bất chợt tôi nghe tim mình nhói lên khi nghe cô bạn đó nói lớp học mới có một đứa trẻ qua đời. Tôi như chết lặng, cô bạn đó lại nói những cuốn tập cứ mỗi ngày mỗi xếp chồng chất lên cao nhưng mãi mà không có đứa trẻ nào đến nữa, có khi mới gặp nó hôm nay, hôm sau lại nghe tin nó mất. Thằng bé đó cũng không đến lớp, nghe nói là đang hóa trị, không còn sức nữa rồi. Sau câu chuyện đó, tôi cứ canh cánh mãi về sự đời và con người, có những người tha thiết muốn có được một cuộc sống lành lặn và bình an, nhưng lại căn bệnh hiểm nghèo quật ngã không thương tiếc. Trong khi đó, ba mẹ cho tôi một hình hài lành lặn, thì tôi lại muốn tìm đến cái chết khi bế tắc trong cuộc sống. Điều đó quá hèn nhát. Trong cuộc sống này, nếu bạn vướng mắc ở đâu thì gở rối ở chỗ đó rồi tiếp tục đứng dậy sống một cuộc đời đáng sống. Chúng ta sinh ra đã may mắn hơn gấp tỉ lần những đứa trẻ đó rồi. Đừng suy nghĩ tiêu cực nữa.

Tác giả: Lê Thị Thu Thảo

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #ungthu