khi cong
Lục diệu pháp môn và Thiền định
Lục diệu pháp môn và Thiền định
Viết theo lời giảng và tài liệu của Bác sỹ, Đại sư Nguyễn Văn Thắng
Lục diệu pháp môn và Thiền định
Viết theo lời giảng và tài liệu của Bác sỹ, Đại sư Nguyễn Văn Thắng
Thiền định
Thực chất của thiền định theo tôn chỉ là bất hành văn, bất dụng ngôn, chỉ ấn tâm truyền giáo, giáo ngoại biệt truyền với một vài quyết pháp, để đạt trực chỉ minh tâm, kiến tính như Phật.
Chính lẽ đó càng viết về thiền, càng nói về thiền, càng bàn về thiền thì càng sai biệt, vì thiền là tìm sự giác ngộ (chứng ngộ bên trong bản thể của mình).
Với hiểu biết có hạn, sự chứng ngộ chẳng là bao, chắc chắn bài viết này sẽ còn nhiều thiếu sót. Mong các vị cao minh, thiện tri thức thực sự cảm thông và có những chỉ giáo, để bài viết nhỏ này phần nào đóng góp vào sự phong phú của rừng thiền Việt Nam.
Tôi không dám định nghĩa, mà chỉ nêu khái niệm đơn giản về thiền như sau:
Thiền định: Theo đạo Phật thì Thiền là tịnh (thanh tịnh để tâm được yên lắng), không có tán loạn, chất dứt các vọng tưởng, thoát được mê lầm.
Định: Là suy nghĩ, quán sát đúng đắn, có tác dụng phát ra trí tuệ. Vậy Thiền Định là nhiếp (giới) tâm yên lắng, để suy nghĩ, quán sát đúng đắn, có tác dụng phát sinh ra trí tuệ (giới, định, tuệ).
Thiền là sự buông bỏ trong tỉnh thức, để cơ thể đạt công năng tối đa. Thiền là đưa tinh thần hướng nội để điều phục tâm thông qua nhịp thở. Từ từ buông bỏ những tác động bên ngoài, tiến tới buông bỏ những giao động bên trong để cho ý trống tâm trong (vì thông thường tâm trí chúng ta thường loạn động, từ “ý biến thì tâm động” nên cổ nhân vẫn thường nói “ý mã, tâm viên” là vậy).
Tóm lại, tu thiền là phải loại bỏ trần cảnh hư vọng, bế nhiếp năm căn và đưa tinh thần hướng nội để điều phục tâm thông qua nhịp thở.
Các bước thực hành Thiền
Các phương pháp thực hành Thiền đều phải qua: Điều thân, điều tức, điều tâm và xả Thiền.
1. Điều Thân: là phải thực hiện tốt các khâu:
1.1. Vị trí ngồi Thiền:
Phải chọn nơi yên tĩnh (đặc biệt trong giai đoạn đầu vì công năng chưa cao). Nơi ngồi phải khô ráo, thoáng mát, tránh nóng và gió lùa.
1.2. Phải tắt đèn để bế thị giác, giảm tiếng động để bế thính giác.
1.3. Thời điểm ngồi Thiền:
Tốt nhất là sau 21 giờ (vì từ đây đến nửa đêm yên tĩnh, khí bẩn đã trầm lắng, khí sạch đang hình thành. Tuy nhiên ngồi thiền vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày đều tốt, nhưng công năng không cao bằng thời điểm trên.)
1.4. Tư thế ngồi Thiền:
Tốt nhất là ngồi kiết già trên Bồ đoàn, hoặc ngồi trên mặt phẳng có lót là được. Khi ngồi thì bắt tréo chân trái lên trước, chân phải lên sau, bàn chân ở giữa vế đùi. Không ngồi được kiết già thì ngồi bán già cũng được (không nên gượng ép, sẽ rất đau chân, nên khó nhập định).
Ngồi quay mặt về hướng Nam hoặc Đông Nam (hỏa – dương lực) để từ trường Bắc – Nam của trái đất phân cực mạnh với điện từ trường trong cơ thể. Để khí hải ở mạch Nhâm trước bụng là bể khí (âm khí – âm lực) sẽ hút dương hỏa ở phương Nam. Và như vậy, mạch Đốc thuộc dương ở phía sau sẽ hướng về phương Bắc. Ngồi thẳng cột sống, cằm hơi thu vào, để Bách hội – Thiên đột – Hội âm thẳng hàng cho khí vận dễ dàng.
Hai tay ôm ấn Kim cương tam muội, nam đặt bàn tay trái ở trên, nữ thì ngược lại. Hai ngón cái chạm nhau. Nách để hở một khoảng. Hai mắt nhắm hờ và nhìn vào đỉnh mũi để tinh thần dễ tập trung (không nên nhắm kín mắt vì dễ động nhãn cầu và gây ảo giác). Hai môi khép lại, hàm răng chạm nhẹ tự nhiên, đầu lưỡi đặt vào chân răng hàm trên. Nét mặt tươi tự nhiên như gương mặt Đức Phật.
2. Điều Tức:
Tập trung tinh thần để kiểm soát hơi thở, loại bỏ dần tạp niệm, cắt dứt dần các tín hiệu bên ngoài, trả lại nhịp thở về với tự tính. Ta phải xa rời ngoại cảnh, bế nhiếp năm căn, xoay tinh thần hướng nội để kiểm soát tâm thông qua nhịp thở. Khi nhịp thở thanh nhẹ ra vào như có như không, thì đó tâm thật sự an tịnh, như rỗng ra và sáng suốt. Khi đó năng lượng sẽ tỏa ra vô cùng và cũng hút vào vô cùng, sẽ kết nối cao nhất với đại tự nhiên, vũ trụ. Đạo dẫn và khai mở các tâm lực trong cơ thể, làm cho năng lượng sinh học của chúng ta được điều chỉnh ở mức phù hợp nhất, sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới siêu việt hơn.
3. Điều Tâm:
Đây là khâu quan trọng nhất trong cả quá trình hành Thiền và cũng là đích cuối cùng của tu Thiền.
Khi ngồi Thiền tâm phải thanh thản, không bức xúc, không buồn phiền lo lắng, không suy nghĩ liên miên, tản mạn. Vì mục đích của thiền là hướng nội để điều phục tâm.
4. Xả Thiền.
Trong tất cả các phương pháp tu Thiền đều có xả Thiền, là khâu cuối cùng trong quá trình hành Thiền.
Mục đích của xả Thiền là để cơ thể chuyển dần từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Nguyên tắc chung thì trước tiên phải khởi động lại các khớp của cơ thể lần lượt từ trên xuống dưới bằng một số động tác cơ bản.
Tiếp theo xoa bóp toàn thân từ trên xuống dưới. Đặc biệt là vùng mặt, đan điền, mệnh môn và tứ chi. Sau đó đi bộ tại chỗ hoặc tản bộ bên ngoài thiên nhiên càng tốt.
Một số lưu ý khi tu Thiền.
- Mỗi chúng ta phải mở rộng tâm hồn mình. Vì mở rộng tâm hồn mình sẽ xả bỏ được mọi chất chứa, bức xúc và đón nhận được mọi tinh hoa của cuộc đời. Phải sống tràn đầy tình thương yêu, từ bi, vị tha và vô ngã. Vì “tình thương là một năng lực vĩ đại nhất để liên kết vũ trụ, liên kết loài người, đó là thông điệp của đất trời”.
- Chúng ta phải biết ơn tất cả con người, tự nhiên, xã hội. Luôn làm phước và giúp đỡ mọi người. Đây cũng chính là chúng ta đang xây dựng một nền tảng vững chắc để bước vào hành Thiền.
- Khi có các vấn đề bức xúc, nhức nhối, hay sức khỏe đột ngột sa sút nghiêm trọng, ta nên nghỉ ngơi hoặc bồi dưỡng hay đi dã ngoại kết hợp với thở sâu sẽ tốt hơn. Cơ thể luôn thả lỏng, tinh thần luôn thanh thản thì khí thăng giáng sẽ tốt hơn.
- Về ăn uống sinh hoạt:
+ Khi ngồi Thiền, người sạch sẽ, da thoáng, mặc quần áo rộng và phù hợp với thời tiết.
+ Nên ăn ít đạm, chất béo, chất tanh, đường, sữa. Chỉ nên ăn vừa đủ để hỗ trợ sinh lực khi luyện công. Nên ăn nhiều hoa quả tươi, rau củ tươi giàu chất vi lượng và vitamin. Thêm đỗ, vừng, lạc trong khẩu phần ăn và nên ăn gạo mới.
+ Nên uống nước khoáng hoặc nước lọc đun sôi để nguội. Có thể uống thêm trà xanh hoặc nước vối. Nên hạn chế uống các loại nước có ga hoặc chất màu.
+ Sinh hoạt hợp với tự nhiên và xã hội, vô tư, yêu đời.
+ Về ăn cũng có ba góc độ khác nhau: ăn chay, ăn điều chỉnh chế độ hợp lý và ăn tự do.
-> Ăn chay chỉ nên dành cho những người xuất gia. Còn tại gia thì vẫn còn tính dục, chưa nên ăn chay vì dễ mất năng lượng và loạn động, khó tu Thiền.
-> Tốt nhất là khi tại gia nên điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để năng lượng kết nối trên dưới, vừa đảm bảo cuộc sống bình thường, vừa đủ năng lượng thanh nhẹ để tu Thiền.
-> Còn ăn tự do dành cho những người phàm tục, không thể tu Thiền.
Thực tiễn thực hành Thiền ở các nước cũng như ở Việt Nam. Phương pháp Thiền được nhiều Quý Thầy sử dụng và học viên đón nhận vẫn là phương pháp quán tức (tức là dùng ý thức để điều phục tâm thông qua nhịp thở.). Ngay cả Đức Phật Thích – ca – mâu – ni trước khi đắc đạo cũng dùng phương pháp này.
Tuy nhiên phương pháp quán tức cũng có nhiều pháp: như quán niệm hơi thở của Đức Phật Thích – ca – mâu – ni. Chỉ quán thiền môn tứ pháp của Đức Đạt – ma sư tổ. Lục diệu pháp môn của Đại sư Chí Nghĩ thiên đài tông Phật giáo sáng lập. Với khuôn khổ bài viết này, tôi xin giới thiệu phương pháp Thiền theo “Lục diệu pháp môn”.
Lục diệu pháp môn
Là công pháp cơ bản của Phật gia tọa đan. Dựa vào Lục diệu pháp môn của Đại sư Trí Nghĩ: người tu theo công pháp Lục diệu pháp môn chủ yếu căn bản là nội hành, tam thừa đắc đạo kinh Phật. Ngồi trên thảm cỏ dưới bóng cây hay ngồi nơi thoáng mát, nội tư yên tĩnh, một số, hai tùy, ba chỉ, bốn quán, năm hoàn, sáu tịnh. Cứ thế tiến hành chắc sẽ đắc đạo. Công pháp này mang sắc thái Phật giáo tự nhiên, dễ luyện. Cụ thể chia làm sáu bước như sau:
1. Phép số tức:
Sau khi làm tốt công tác chuẩn bị luyện công, hai mắt hơi nhắm, không suy nghĩ lung tung, tập trung ngồi yên tĩnh môt lát, giúp hô hấp bình hòa. Sau đó thở bằng mũi, đầu tiên đếm hơi thở hoặc đếm hít vào hoặc đếm thở ra hay ngược lại. Đếm một vòng là 10 nhịp, hết vòng đếm lại, và tiếp tục đếm cho đến khi hết tạp niệm, tự nhiên nhập tĩnh.
Thông thường đếm 3 – 5 vòng là vừa, trường hợp bị lẫn số đếm thì có thể lặp lại từ đầu. Nếu sau 3 lượt làm lại tâm vẫn không an, vẫn bị lẫn số đếm thì tạm nghỉ tu thiền và chuyển sang tập động công.
2. Phép tùy tức:
Trên cơ sở của số tức, ta cho ý niệm dựa theo hơi thở mà tiến lui, mà không hao tổn lực. Khi thở ra khí xuống dưới, khi hít vào khí xông lên. Dùng hô hấp thuận hoặc nghịch đều được.
2.1. Hơi thở số 1: Hít vào quán tưởng chân khí tràn ngập châu thân, thở ra quán tưởng toàn thân thư giãn, tự tâm thấy vui vẻ, tự mỉm cười (nghĩ đến 1 câu chuyện hoặc 1 kỷ niệm vui). Khi cảm thấy toàn thân giãn mở, các nét nhăn trên da mặt như không còn thì chuyển pháp.
2.2. Hơi thở số 2: Hít vào quán tưởng chân khí như đi vào cơ thể chậm dần, lắng dịu dần, thở ra quán tưởng tâm buông xả, xa dần thế giới và các vấn đề thực tại hàng ngày. Khi cảm thấy hơi thở đều, nhẹ và không còn vướng trên đường ra/ vào thì chuyển pháp.
2.3. Hơi thở số 3: Hít vào cũng như khi thở ra quán tưởng chân khí như ngày càng đi vào/ đi ra ngày càng nhẹ nhàng, chậm và sâu hơn. Khi cảm thấy hơi thở không còn dài ngắn, sâu nông ... thì chuyển pháp.
2.4. Hơi thở số 4: Hít vào thấy tâm yên tĩnh, thở ra thấy mát toàn thân. Khi cảm thấy toàn thân mát đều, mồ hôi khô dần thì chuyển pháp.
2.5. Hơi thở số 5: Hít vào mà chẳng nhận biết chân khí đi đến đâu (như khí đi vào căn nhà trống), thở ra không nhận biết được chân khí ra thế nào (chân khí như tan vào hư không). Khi không còn phân biệt rõ rệt hơi thở vào hay ra thì chuyển pháp.
2.6. Hơi thở số 6: Không để ý tới việc hít vào và thở ra nữa mà chỉ cảm thấy tâm xác khỏe mạnh, nhẹ nhàng; tâm an lắng và trong sáng.
2.7. Hơi thở số 7: Vẫn biết mình đang hít vào, thở ra nhưng không còn để ý đến việc thở nữa. Lúc này chỉ còn nhận biết thân thể khỏe mạnh, thông suốt/ tâm an lạc, vui vẻ hoàn toàn, không còn vướng bận điều gì nữa. Giữa hơi thở số 6 và số 7 không phân biệt rõ ràng gianh giới hoặc có sự chuyển pháp.
3. Phép chỉ tức:
- Lúc này ý niệm không tiến lui theo tùy tức mà chỉ do đan điền hoặc một phần của cơ thể như ấn đường hoặc đầu mũi, tốt nhất là tại đan điền cho đỡ mất khí lực, hô hấp tựa hồ đã ngừng, sự nhập tĩnh đã ở mức cao hơn.
- Người tập nên đậu tâm ở đầu mũi, tu tập lâu ngày khi hành thiền đến giai đoạn này sẽ chỉ còn thấy khí vào ra qua đầu mũi thoảng vào ra như làn khói mỏng.
4. Phép quán tức:
Từ chỉ tức, trong trạng thái nhập tĩnh cao độ, dùng ý niệm quan sát trạng thái hô hấp của mình (nội thị hô hấp) khi đó thở nhẹ, sâu, như ở đâu đó và phảng phất tựa sợi tơ lơ lửng trong không trung, hiểu thực tế trời đất, người tu luyện thấy hơi thở cùng lông mao trên người phập phồng.
5. Phép hoàn tức:
Từ quán tức lại hoàn khí về đan điền, hô hấp hoàn toàn không do ý thức (thực chất là không còn cảm nhận thấy mình thở nữa), lúc này tâm đã đi vào ranh giới nhập tĩnh cao hơn nữa, đạt được hoàn nguyên. Khi đó ý niệm như có như không, nhưng sự tự chủ lại rất cao.
6. Phép tịnh tức:
Trên cơ sở của hoàn tức, đã đạt tới ranh giới hoàn không, thanh tịnh, sáng suốt, tâm địa thuần tĩnh, ý niệm không tồn tại… Đây là giai đoạn cao nhất của luyện công, tâm như nước trong, hiện rõ, quên cả mình và vật. Trong Lục diệu pháp môn thì “số” với “tùy” là tu hành trước tiên, “chỉ” với “quán” là chánh tu. “Hoàn” và “tịnh” là kết quả của tu hành (giác ngộ, đạt đạo).
Trong Lục diệu pháp môn thì “chỉ tức” là tâm của pháp, “quán tức” để làm cho “chỉ tức” thêm rõ ràng, sáng suốt, để đi tới tâm định kiên cố, thanh tịnh, trong sáng và trí huệ. Ở “hoàn tức” và “tịnh tức”, tức là đã thấy được thân tâm thường trụ của mình.
Các bậc của thiền.
1. Sự chứng ngộ:
Khi quyết tâm cố gắng, tâm Thiền định, một ngày nào đó chúng ta sẽ ngạc nhiên, nơi chính mình phát ra hào quang (obhasa). Lúc đó, chúng ta cảm thấy một cảm giác dâng trào, thỏa thích, an tịnh và vắng lặng. Tâm như rỗng ra và trong sáng, sức tự chủ cao. Từ đó, chúng ta càng quyết tâm tu tập để củng cố tâm tịnh. Đạo tâm tăng trưởng, trí huệ sáng suốt và suy niệm rõ ràng hơn. Nhưng đừng lầm đó là đã đắc đạo quả Thánh, nhất là thấy có hào quang, nếu chúng ta để tâm ưa thích trạng thái tinh thần đó. Như vậy sẽ trở ngại cho tiến bộ tinh thần và đạo đức. Nên chúng ta không được gia tâm truy cầu mà phải tri kiến trong sạch, gom tâm quán tưởng để tìm ra con đường chân chính.
Theo Phật giáo, những người đã đắc ngũ Thiền mới có thể phát triển được các loại năng lực thần thông, đó là:
1.1. Thiên nhãn (hay còn gọi là huệ nhãn): Dibbacakkhu.
Thấy được những cảnh trời hay cảnh người, vượt thời gian vô tận, không gian bao la.
1.2. Tri kiến: Catupapa tanana.
Có liên quan đến cái chết và xuất hiện trở lại của chúng sinh, cũng đồng nghĩa với thiên nhãn hoặc nhãn thông, có liên quan đến tương lai xa gần.
1.3. Thiên nhĩ: Dibbasota.
Còn gọi là nhĩ thông hay huệ nhĩ, là khả năng nghe được những âm thanh vi tế hay thô kệch, xa hay gần.
1.4. Luân hồi kiếp: Pubbnenivasanussatinana.
Là khả năng hồi nhớ các tiền kiếp của mình và người khác. Về điểm này, năng lực của Đức Phật là không có giới hạn. Phật có thể nhớ vô lượng kiếp.
1.5. Tha tâm thông: Paracittavifanana.
Là năng lực đọc được tư tưởng, ý nghĩ, tâm trạng của người khác.
1.6. Biến hóa: Iddhividlia.
Là những năng lực như bay trên không, đi trên mặt nước, chui dưới đất, tạo thành những hình thể mới.
2. Các bậc thiền cụ thể
2.1. Sơ thiền:
Loại bỏ trần cảnh và giữ thân, khẩu, ý luôn thanh tịnh, làm tâm an, vui vẻ trong yên lặng, trí thêm sáng suốt. Nhưng trong thâm sâu vẫn còn những tự hào bí mật.
2.2. Nhị Thiền:
Sự thanh tịnh viên mãn, định tâm kiên cố, trí tuệ sáng suốt tỏ rõ. Tiến lên định lực ngày càng tăng, trí sáng ngày càng phát triển, tự tại vô cùng, thấy khắp pháp giới đều trong sáng, thanh tịnh. Có thể dùng hòa quan, trí sáng để làm phương tiện giáo hóa, tu hành thanh tịnh, cùng khắp. Có một số thần thông. Các bậc nhị Thiền thoát ly được các ưu thụ, nên tâm thanh tịnh, thoát được các lầm lạc thô thiển. (Không được lầm là đắc Thánh quả)
2.3. Tam Thiền:
Rời bỏ được hỷ thụ, tinh tấn tu hành, được cái vui nhẹ nhàng yên lắng. Định lực càng cao, sự thanh tịnh không có bờ bến, thân tâm được cái vui khinh an vô lượng, khí trong và ngoài đều yên lắng, dồn về cái vui khinh an cùng khắp, chứng ngộ được khắp pháp giới tính và tỏng tâm đã hiện rõ ngoài cảnh giới hiện hữu, còn có các cảnh giới siêu nhiên khác, như: địa ngục, ngạ quỷ hay các cảnh trời, chư thiên, phạm thiên. Tức là đã vào được vùng vô thức bí mật, mà lâu nay chỉ nghe qua kinh sách hoặc huyền thoại, mà nay được chứng ngộ trong tâm.
Tóm lại tam Thiền bỏ được cái hỉ thụ ở nhị Thiền, được cái vui khinh an vô lượng, nên thân tâm cảnh giới hết thẩy đều thanh tịnh.
2.4. Tứ Thiền:
Các vị tứ Thiền nhận thấy cái vui khinh an không phải là thường trụ, tu tập chính quán, rời bỏ cái vui và cái khổ, trong tâm chỉ có xả thụ, nên càng được thanh tịnh, thì được bản tính không có vui khổ, cùng tột vị lai của cõi mình, đắc A-la-hán, đầy đủ tam minh, lục thông.
3. Ý nghĩ và công năng của thiền
3.1. Thiền sẽ làm cho công năng bên ngoài (thể vật lý) và công năng bên trong (thể năng lượng) được cân bằng. Bên ngoài thì cân cơ xương giãn mở, bên trong thì nội dịch được điều chỉnh. Các bệnh cân cơ xương, rối loạn tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, cao huyết áp, đái đường… dễ hồi phục. Thiền là cho tinh thần được nghỉ ngơi, căng thẳng tan biến, tránh được hội chứng Stress, suy nhược, thêm phúc lạc, trẻ trung, yêu đời, ăn ngủ tốt.
3.2. Thiền làm cho tâm hồn rộng mở, khoáng đạt, hệ thần kinh trung ương đạt công năng cao nhất. Sau khi Thiền sẽ trả lại tầm nhìn, ta sẽ thông minh hơn, có cái nhìn khoa học và minh triết hơn. Trong Phật học nói rằng: “Nhân định sinh tuệ” là vậy. Vì vậy các vị lãnh tụ, các nhà khoa học giỏi thường có công năng của Thiền (mặc dù họ không tập Thiền nhưng họ có khả năng thiền định do lòng say mê nghề nghiệp ở mức cao độ, liên tục tạo ra).
3.3. Tất cả các phương pháp Thiền đều hướng về bản thể để hòa hợp tự tính, đó là sự: “Rỗng lặng, thanh tịnh, trong sáng và xuyên suốt”. Khi vào định, chúng ta thấy xúc cảm tròa dâng rất thật, tập Thiền sẽ biến phàm ra Thánh. Khi chứng ngộ một lần, chúng ta sẽ trở thành con người mới siêu việt hơn, từ đó ta sẽ có cảm ứng tự chủ và tự tại. Khi đó già yếu, bệnh tật và cái chết không còn chi phối. Ý chí, niềm tin và bản lĩnh của chúng ta sẽ mạnh lên.
3.4. Thiền là làm cho ta trở thành cái toàn thể, thấy lại tính linh của mình, thành nguồn năng lượng không cạn kiệt.
3.5. Thiền là trở về cái bản thể của ta, với “trung tâm” của mình, cái toàn diện, toàn thể, toàn mỹ về tâm linh. Lúc đó sẽ không còn chỗ cho mê tín dị đoan xân lấn, ta sẽ thấy được thực tướng của vạn pháp.
3.6. Thiền là cách đưa chúng ta trở về cội nguồn của cuộc sống. Cội nguồn của Thiền là vốn có trong ta, một năng lượng vô tận.
3.7. Thiền sẽ làm cho mỗi chúng ta tươi trẻ, sống động và yêu đời.
3.8. Ta tìm Thiền trong ta, để thấy Thiền trong thiên hạ.
3.9. Ta thấy được tâm ta, là thấy được tâm thiên hạ, thấy được vũ trụ vô biên.
3.10. Ta đến được bản thể của ta là đến được pháp giới bao la.
4. Một vài chứng minh khoa học để thêm sáng tỏ về Thiền
4.1. Cấu trúc giải phẫu cơ bản của não:
- Có vỏ não, chất xám và chất trắng.
- Có não trái não phải.
- Có cầu não, các thùy não, hành não.
- Các buồng não (khoang não thất).
- Có nhiều lớp tế bào thần kinh và hệ thống noron thần kinh cao cấp, với đa chức năng.
- Não được nối với tủy sống (hệ thống não tủy).
- Hệ thống não tủy và hệ thống thần kinh trung ương quyết định toàn bộ tư duy, ý thức của con người, các trạng thái tâm lý, cảm xúc và điều chỉnh, kiểm soát toàn bộ hệ thống thần kinh thực vật của cân, cơ, xương và lục phủ ngũ tạng.
4.2. Não bộ của con người được chia làm hai bán cầu não.
- Bán cầu não trái có chức năng hướng con người đến danh vọng, tiền bạc, làm cho con người có xu hướng phàm tục, sa đọa. Bán cầu não phải có xu hướng thánh thiện, thích tâm linh, bản thể bên trong của mình, làm cho con người tinh tấn và hòa mình với tự nhiên, xã hội. Chính chức năng của 2 bán cầu não như vậy nên con người luôn có bản ngã, nửa hướng thiện, nửa bất thiện; xã hội vật chất càng phát triển lại càng làm cho chúng ta luôn có xu hướng chìm đắm vô minh.
- Việc ngồi Thiền sẽ làm cho bán cầu não trái yên lắng, sự đối nghịch bị xóa bỏ, làm cho 2 bán cầu của não trở nên hợp nhất, từ đó sẽ phát huy tính năng tối đa, làm cho não chúng ta khỏe lên và thông minh hơn.
4.3. Thùy trán của não thể hiện sự sáng suốt của con người, hòa đồng với sự sáng suốt của càn khôn vũ trụ. Khi vào định thì thùy trán sẽ được kiểm soát, từ đó sẽ kiểm soát được thùy chẩm phía sau (thường sinh vọng tưởng), từ đó sẽ kiểm soát và nhận thức toàn thân.
4.4. Khi hành Thiền, ta đã nhiếp tâm vào định, thì lớp võ não được ngưng lại, năng lượng tiếp tục thẩm thấu sâu vào bên trong, làm cho lớp não sâu hơn được kích hoạt, sống dậy. Do đó bộ não chúng ta sẽ mạnh lên, sự nhận biết từ đó sẽ sáng suốt hơn, tinh tế hơn, phát huy thêm tiềm năng của bộ não chúng ta. Chính vì vậy, Đức Phật, các vị Bồ tát và A-la-hán luôn ở trong định, nên sức tự chủ vô cùng, sáng suất vô cùng (vô lượng thọ, vô lượng quang).
Xin kết thúc bằng vài vần thơ:
Câu 1:
“Trôi lặn bể khổ bao giờ tỉnh
Sóng lòng yên tịnh, rõ đáy sâu
Mau mau phản tỉnh, hồi quang lại
Phật giác ngay đây khỏi kiếp sau”.
Câu 2:
“Chư hạnh vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịnh diệt vi nạp”
Câu 3:
“Sa bà duyên nghiệp sinh thành
Trăm năm trụ thế tu hành không ngơi
Sắc thân tuy đã hoại rồi
Chân không ta sẽ phản hồi chân không”.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top