Khao cuu triet hoc
Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây
Nguyên Ngọc (Dịch & giới thiệu)
Nhà xuất bản Đà Nẵng
Thay lời giới thiệu
Viết công trình này tác giả qua lại giữa hai bờ của thượng lưu dòng sông tư tưởng nhân loại: tư tưởng Trung Hoa cổ dại (là cơ sở để nghiên cứu minh triết phương Đông) và triết lý Hy Lạp cổ đại (là căn cứ để xác định tư duy triết học phương Tây).
Francois Jullien (F.J) có quan niệm riêng trong sự định nghĩa và phân hoá hai khái niệm: minh triết (sagesse) và triết học (philosophie).
Trong các ngôn ngữ phương Tây những từ để gọi triết học (Pháp: philosophie, Anh: philosophy, Tây Ban Nha: filosofia, Nga: filosofija...) đều có gốc ở từ La Tinh philosophia. Phân tích từ nguyên từ này: Philo là yêu mến, sophia là minh triết, như vậy philosophia (triết học) là yêu mến, quý chuộng minh triết.
Ở buổi bình minh của triết học (phương Tây - những thế kỷ IV, V, VI trước công nguyên) minh triết (sagesse) được tôn vinh và triết học (philosophie) có thái độ hết sức khiêm nhường đối với minh triết. Platon (427? - 347 TCN) - vẫn được xem là triết gia cùng với Socrate (470? - 399 TCN) và Aristote (384 - 322 TCN) đã đặt ra cơ sở luận lý (logos) cho triết học đã từng thú nhận: minh triết là của thần, là bất cập đối với con người, con người nhiều lắm chỉ có thể yêu mến, quý chuộng minh triết, tức là làm triết học. Như vậy, trong quan niệm của Platon, minh triết là trên - triết học và triết gia là người không bao giờ với tới minh triết, nhiều lắm chỉ có thể bày tỏ lòng yêu mến đối với minh triết. Tương quan giữa minh triết (sophia) và triết học (philosophia) trong buổi bình minh của triết học (phương Tây) là như vậy.
Triết học (phương Tây) phát triển qua các thời đại. Đặc biệt đến thế kỷ XVIII, triết luận trở thành một hoạt động bộ môn quy củ chuyên sâu, đã có thể nói đến sự hình thành của giới triết gia chuyên nghiệp. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, những thành tựu rục rỡ của triết học cổ điển Đức phát huy thanh thế của triết học. Có sự thay đổi trong tương quan giữa minh triết và triết học. Nietzsche (1844 - 1900) tố cáo sự vờ vĩnh khiêm nhường của triết học để che đậy những tham vọng của mình. Không ít triết gia phương Tây xem minh triết là người bà con nghèo của triết học. Minh triết bị lép vế, không có sức thuyết phục chứng minh của tri thức khoa học, triết học, cũng không có sự linh diệu thần khải của tín điều tôn giáo. So với tư duy triết học có những bay bổng mê hồn, những lời bàn của minh triết xem ra tẻ nhạt, ỉu sìu, ngán ngẩm, cùn mòn, không có góc cạnh. "Minh triết - Wittgenstein, một triết gia Anh hiện đại viết - là cái gì đó nguội lạnh và do đó lẩn thẩn... Cũng có thể nói như thế này: minh triết chỉ che đạy cuộc sống, làm cho ta không thấy được nó. (Minh triết giống như tro xám, nguội lạnh phủ lên than hồng)". Minh triết có khi bị xem như tư duy của những ham muốn già nua (nó có còn là tư duy nữa không?). Sự phát triển lịch sử làm nổi bật một ưu thế lớn của triết học: triết học có lịch sử, nhiều lịch sử, nhưng chưa bao giờ có lịch sử minh triết. Với sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại, dưới con mắt của nhiều triết gia phương Tây hiện đại, minh triết trở thành cái gì đó dưới - triết học.
Francois Jullien không quan tâm đến trật tự trên dưới giữa minh triết và triết học, ông xem đây là hai phương thức trí năng (mode d'intelligibiltté) khác nhau, có thể bổ sung cho nhau. So sánh tư duy của minh triết phương Đông và tư duy của triết học phương Tây, tác giả không làm công việc suy tư quẩn quanh về những chỗ giống nhau và khác nhau, không dừng lại ở sự đối lập dễ dãi nữa tư duy duy lý phương Tây và tư duy huyền bí phương Đông hoặc năng lực phân tích của tư duy phương Tây và năng lực tổng hợp của tư duy phương Đông. Có một chiều sâu khác thường trong phương pháp luận so sánh văn hoá Đông Tây của tác giả có thể trình bày như sau: "Hiểu lý trí Âu Châu từ lý trí Trung Hoa và ngược lại", "suy tư Trung Hoa bằng Âu Châu và ngược lại". Từ tư duy đối sánh chiều sâu được bộc lộ khá bất ngờ những nhược điểm cơ bản của minh triết phương Đông phải chăng tác giả muốn làm sáng tỏ ngọn nguồn trì trệ của phương thức sản xuất tinh thần?). Mặt khác, cũng nêu lên được những gì minh triết phương Đông ngộ được mà bất cập đối với triết học phương Tây. Tác giả đã nhập được vào phương thức trí năng của minh triết để ngộ và tìm cách trình bày những gì ngộ được bằng ngôn ngữ trí năng của triết học phương Tây. Mục đích của tác giả làtrình dẫn dư duy Trung Hoa... sao cho gây được những hiệu quả vang dội trong tư duy Châu Âu "mà vẫn có mạch lạc" (coherent). Đọc công trình của Francois Jullien những độc giả "Tây giả" (Á và Âu) có thể thấy được rằng người bà con nghèo của triết học có những sở đắc - không lẩn thẩn chút nào - mà triết học bỏ tuột mất.
Nhan đề của tác phẩm Un sage est sans ideé có thể dịch sang tiếng Việt: Minh triết là "vô ý". Vô ý là từ của Khổng Tử được trích từ một câu nói của Khổng Tử: Đức Khổng Tử chẳng hề có bốn điều lỗi này: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã (Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã) [Luận ngữ, IX]. F.J đã hiểu như thế nào là vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã?
Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến mà có nghĩa là: không có ý kiến nào được dành đặc quyền, được tuyệt đối hoá khiến cho ta không nhìn thấy những điều hợp lý, khả thủ của những ý kiến khác, kể cả những ý kiến đối lập.
Vô tất có nghĩa là không định trước những điều thế tất, ắt phải như thế này, ắt phải như thế kia, không áp đặt những mệnh lệnh tất phải thế này, tất phải thế kia.
Vô cố có nghĩa là không cố chấp một quan điểm nào, một lập trường nào.
Vô ngã là muốn nói không có một cái ngã đặc biệt. Khổng Tử không phủ định cái "tôi", chỉ phủ định cái "tôi" đặc biệt.
Có liên quan mật thiết giữa 4 cái vô.
Dành đặc quyền, tuyệt đối hoá một tư tưởng (tức là vi phạm quan điểm vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chảy ngược trở lại, sẽ tháo lui, tư tưởng được tuyệt đối hoá sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái. Để duy trì của vị độc tôn, để đối phó với những tư tưởng khác, nó buộc phải định trước những sự tất yếu (không tránh khỏi phiến diện) và đưa ra những mệnh lệnh chủ quan (vi phạm quan điểm vô tất). Tư tưởng độc tôn dẫn đến sự cố chấp trong quan điểm, lập trường (vi phạm quan điểm vô cố). Tư tưởng độc tôn, cố chấp quan điểm, lập trường cùng với những thành kiến, định kiến cố hữu tạo ra một cái tôi (ngã) đặc biệt (moi particulier). Cái tôi đặc biệt là cái tôi khép kín trong sự phiến diện, bị định hình một cách cứng nhắc, không mở ra được đặng khai thông với những mặt khác của thực tại, của cuộc sống, của nhận thức... bao giờ cũng vô cùng sinh động và phong phú.
Vô ý, với ý nghĩa là không tuyết đối hoá một tư tưởng nào, quan tâm đúng mực mọi tư tưởng (cũng như mọi phương diện, mọi khả năng của thực tại) là một tư trong cơ bản trong minh triết của Khổng Tử Quan tâm đúng mực mọi tư tưởng giống như mở ra mọi cánh cửa, thấy được mọi ngả dường. Còn như tuyệt đối hóa một tư tưởng thì giống như có một cánh cửa được mở toang ra nhưng những cánh cửa khác thì bị khép lại, có thể nhìn xa hơn, thấy rộng hơn theo một ngả đường nhưng trả giá cho lợi thế nào có khi là sự mù trước những ngả đường khác. Vô ý không có nghĩa là không có ý kiến, không có tư tưởng, quan điểm vô ý ngăn ngừa sự độc quyền hoá của một tư tưởng. Câu nói của Khổng Tử: "Quân tử chu nhi bất hỉ, tiểu nhân tỷ nhi bất chu" (Luận ngữ, II, 14) được tác giả hiểu như sau: "Người quân tử bao quát tổng thể, không thiên vị một phía nào, kẻ tiểu nhân thì ngược lại", (bản dịch của Đ.T.C: "Bực quân tử xử được với tất cả mọt người vì chăng có lòng tư vị, ke tiểu nhôn vì tư vị cho nên chẳng xử được với mọi người"). Trong Kinh Dịch về quẻ Càn có câu: "Kiến quần long vô thủ, cát". Dịch: Thấy bầy rồng không có đầu, tốt (6 vạch ngang liền nét đều ngăn ngắt trong hình tượng quẻ Càn được hình dung như một bầy rồng không đầu). Vương Phu Chi (1619 - 1692) đã bình giảng câu này theo quan điểm vô ý của K.T. Bầy rồng không đầu, có nghĩa là không có con rồng nào có đầu nhô ra, thòi ra, nổi hơn những con khác. Những con rồng được coi trọng ngang nhau, có nghĩa là những ý kiến, những tư tưởng, những phương diện khác nhau của thực tại được coi trọng ngang nhau. Như vậy cách nhìn minh triết là cách nhìn bao quát, thấy được và quan tâm mọi mặt, mọi khả năng của thực tại, không vì thiên lệch một phía mà ngoảnh lưng với những phía khác. Nhưng vô ý không có nghĩa là không dấn thân, không đứng về phía nào (trong hành động). Người minh triết quyết định dấn thân, đứng về phía nào, chọn khả năng nào là do đòi hỏi của tình thế, chứ không xuất phát từ những giáo điều có sẵn định trước phải gạt bỏ khả năng này, phải chạy theo khả năng nọ, phải ủng hộ phía nào, phải chống lại phía kia... Để làm sáng tỏ tư tưởng này tác giả dẫn câu nói của Khổng Tử: "Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tỷ" (Luận ngữ, IV, 10) mà Đ.T.C dịch là: "Bực quân tử làm việc cho đời, không có việc gì mà người cố ý làm, không có việc gì người cố ý bỏ, hễ hợp nghĩa thì làm" (tôi tô đậm H.N.H), bình giảng câu này, F. Jullien có nêu lên một nghĩa cổ của chữ nghĩa là: đòi hỏi của tình thế và ông đã giảng hợp nghĩa là hợp với đòi hỏi của tình thế (chúng ta có thêm một cứ liệu ngôn ngữ học để hiểu chữ nghĩa của Không giáo). Như vậy, người minh triết không phải là không có chủ kiến, duy có một điều đây không phải là chủ kiến có sẵn, được định trước cho mọi khả năng, mọi tình thế, mà đây là chủ kiến được đề ra từ những đòi hỏi của tình thế (cụ thể). Có thể hiểu rõ hơn quan điểm vô ý qua lời bàn sau đây của một nho gia: "Khi cần giàu thì giàu và khi cần nghèo thì nghèo, khi cần sống thì sống và khi cần chết thì chết". Như vậy, giàu hay nghèo, sống hay chết là những khả năng được coi trọng ngang nhau, chọn khả năng nào là tuỳ theo đòi hỏi của tình thế, người minh triết không cố chấp hoặc gạt bỏ trước (a priori) bất cứ khả năng nào. Trong Luận ngữ (XVIII, 8) Khổng Tử có phân biệt ba loại thánh nhân. Họ đều bỏ công danh phú quý, đi ở ẩn nhưng họ có những phong độ ứng xử rất khác nhau. Loại thứ nhất như Bá Di, Thúc Tề "chẳng khuất chí mình,chăng nhục thân mình" [bất giáng kỳ chí , bất nhục kỳ thân], không thể chê trách vào đâu cả, loại thứ hai như Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, kém hơn, "phải khuất chí mình, phải nhục thân mình", tuy vậy, lời nói của họ "hợp luân lý" [ngôn trúng luân], việc làm của họ "hợp lòng mong nghĩ của dân" [hành trúng lự], loại thứ ba như Ngu Trọng, Di Dật "ở ẩn nơi xa vắng và ăn nót rất tự do, phóng túng" [ẩn cư, phóng ngôn] nhưng "giữ mình đúng lẽ thanh khiết và biết bỏ phế đúng lẽ quyền biến" [thân trúng thanh, phế trúng quyền] (điều đáng chú ý là ngay ở loại thứ hai và loại thứ ba, trong phong độ có những chỗ có thể chê trách, Khổng Tử vẫn nhận ra ở họ sự chân chính và những phẩm giá đáng trọng, vẫn xem họ là thánh nhân). Sau khi nêu ba loại thánh nhân và không sắp mình vào một loại nào, Khổng Tử hạ một câu: "Còn ta thì khác ở chỗ chẳng có gì là được hoặc không được" - tức là chẳng có gì là thích hợp với ta hoặc không thích hợp với ta [Ngã tắc dị ư thị vô khả, vô bất khả] (tôi tô đậm H.N.H). Trong ba loại người nói trên loại thứ nhất và loại thứ hai là hai thái cực đối lập với nhau, loại thứ ba xem như nửa này, nửa kia. Khổng Tử không thuộc về loại thứ nhất, chẳng thuộc về loại thứ hai, càng không phải là loại thứ ba. Tử có thể là loại người này cũng như có thể là loại người kia, đó là tùy theo tình thế. Tử không phải là người cố chấp, cũng chẳng phải là người không cố chấp. Vì chưng Tử có thể cố chấp như những người cố chấp nhất, khước từ mọi sự nhân nhượng mà cũng có thể thoả hiệp hoàn toàn với người đời, miễn sao có cơ giúp ích cho đời. Người minh triết là người "không định ra được phẩm chất" (sans qualification) với ý nghĩa là không có phẩm chất như là thuộc tính "cố hữu", "bản chất", "bất biến", mà có phẩm chất này hay phẩm chất kia là do đòi hỏi của tình thế. Về đức hạnh của Khổng Tử, Mạnh Tử nói: "Lúc nên (khả dĩ) làm quan thì làm quan. Lúc nên (khả dĩ) bỏ chức thì bỏ chức. Cần (khả dĩ) làm quan lâu thì làm quan lâu. Cần (khả dĩ) ra đi gấp thì ra đi gấp. Đó là cái hạnh của đức Khổng vậy " (Khả dĩ sĩ , tắc sĩ. Khả dĩ chỉ, tắc chỉ. Khả dĩ cửu, tắc cửu. Khả dĩ tốc, tắc tốc. Khổng Tử dã.) (Mạnh Tử, II, A, 2)". Cái khả dĩ gắn với tình thế (cụ thể) và tình thế gắn với thời điểm (moment). Cái khả dĩ (possible) đồng thời là cái chính đáng (légitime) vì phù hợp với tình thế (cụ thể) và thời điểm, tức là phù hợp với thời và thế. Tiêu chuẩn của tính chính đáng cũng như của những phẩm chất đạo đức khác gắn một cách nội tại với tình thế và hoàn cảnh cụ thể. Cái chính đáng (vốn gắn với tình thế cụ thể) được đề lên thành quy tắc khái quát chung cho mọi tình thế không tránh khỏi trở thành vũ đoán. Đã đành người minh triết không chấp nhận những tư tưởng cá biệt quá (gắn với cái ngã đặc biệt) mà những tư tưởng khát quát quá cũng không tin vì loại tư tưởng này không tính đến đặc điểm của mỗi thời, sự khác biệt giữa những thời khác nhau. Minh triết có nhiều phương diện, biểu hiện ở nhiều đức tính. Có người là bậc thánh về phương diện này, có người là bậc thánh về phương diện nọ... Như nhận định của Mạnh Tử "ông Bá Di là bậc Thánh có đức thanh khiết (Bá Di thánh chi thanh giả giã), ông Y Dõan là bậc thánh có đức trọng nhiệm (Y Doãn thánh chi nhiệm giả giã), ông Huệ xứ Liễu là bậc thánh có đức ôn hoà (Liễu hạ Huệ thánh chi hoà giả giã), Đức Khổng Tử có đức thời trung (Khổng tử thánh chi thì giả giã) (tôi tô đậm. H.N.H)" (Mạnh Tử, V, B, l). Đức thời trung (chữ của Đoàn Trung Còn) là cái đức tuỳ theo thời và thế mà thanh khiết như Bá Di hoặc trọng nhiệm như Y Doãn hoặc ôn hoà như Liễu hạ Huệ... Như vậy Khổng Tử không phải là sự hiện thân của một nét "nhất thành bất biến" nào của minh triết mà tuỳ thời, tuỳ tình thế (cụ thể) Khổng Tử thực hành phương diện này hay phương diện nọ của minh triết. Nhấn mạnh sự tập đại thành nhiều đức tính ở Khổng tử có thể che lấp đức thời trung ở Tử. Kết luận rằng Khổng tử có đủ mọi đức tính không quan trọng bằng nhận định Khổng tử đứng thời, đúng lúc (thời trung) thực hiện đức tính này hay đức tính nọ. Ở Khổng Tử đức thời trung là đức hạnh của mọi đức hạnh.
Bản thể là một khái niệm cơ bản của triết học phương Tây. Minh triết phương Đông không phải không biết đến bản thể nhưng mối quan tâm chủ yếu của minh triết là quá trình. Trung dung là tâm pháp để điều tiết các quá trình. Mỗi quá trình trong sự tự tại của nó có sự tự điều tiết Trung dung là sự gia công vào sự tự điều tiết này và phải dựa vào nó. Ý kiến của Mạnh tử phê phán thái độ chấp trung, thái độ chấp nhất hết sức quan trọng để hiểu tinh thần của trung dung.
Mạnh tử nói rằng: "Dương Tư giữ lấy chủ nghĩa vị ngã, tức là chủ nghĩa của kẻ chỉ chuyên lo cho mình mà thôi. Dẫu nhổ một mảy lông trên mình mà lợi ích cho cả thiên hạ ông cũng chẳng chịu làm.
Mặc tử thi hành chủ nghĩa kiêm ái, thương tất cả mọi người như mình. Dẫu mòn nát tấm thân từ đỉnh đầu cho chí gót chân, mà có lợi ích cho cả thiên hạ, ông ấy cũng vui lòng hy sinh.
Tử Mạc bao thủ chủ nghĩa chấp trung, cốt giữ cho vừa vặn phần mình và phần người. Chủ nghĩa chấp trung gần vớt đạo lý. Nhưng nếu chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chăng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời, như vậy cũng như chấp nhất, tức là khư khư câu nệ một bè vậy thôi. Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cố giữ ý kiến làm hại đạo lý. Kẻ cử động theo một bề thì bỏ hỏng cả trăm bề (Mạnh Tử, VII, A, 26).
Như vậy chấp trung là đứng ở giữa hai thái cực đối nghịch (vị ngã cực đoan và kiêm ái tột độ). Hiểu như vậy, chủ nghĩa chấp trung gần với quan niệm của Aristote về đạo đức: đức hạnh là trung độ đúng mực (juste milieu) ở giữa hai tính trái ngược, giữa sự bất cập và sự thái quá, chẳng hạn như can đảm là trung độ đúng mực (Juste milieu) giữa sự nhút nhát (bất cập) và sự táo tợn (thái quá) Mạnh Tử không chê trách chủ nghĩa chấp trung ("chấp trung gần với đạo lý"). Tuy nhiên nếu như chấp trung chỉ thiên về giữ trung đỏ cho đúng mực, loại trừ bất kỳ sự thái quá nào thì như vậy là trái với tinh thần của trung dung. Bởi vì trung dung không có nghĩa là nửa vời, lưng chừng, không nóng không lạnh... Trung dung có khi đòi hỏi sự nỗ lực, sự hy sinh cao nhất, chấp nhận những nỗi đau lớn và những niềm vui tràn trề... Thông thường trung dung là mức độ trong sự nghiêm khắc nhưng cũng có khi trung dung cho phép một sự nghiêm khắc tột độ, nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn. Không chê trách thái độ chấp trung, Mạnh Tử bài bác gay gắt thái độ chấp nhất: Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo giã (Ta sở dĩ chán ghét kẻ chấp nhất, là vì kẻ ấy cổ giữ ý kiến thiên lệch làm hạt đạo lý). Chấp nhất là "chấp trung mà chẳng biết quyền biến, chẳng biết tuỳ nghi mà hành động cho hợp thời", là "khư khư câu nệ một bề vậy thôi". Như vậy chấp nhất là khư khư bám lấy trung điểm, không dám chênh về phía này hoặc lệch về phía kia, có nghĩa là trong xử sự chỉ tính đến một khả năng, tự trói mình vào một khả năng. Và như vậy, nói như Mạnh Tử, là "cử động theo một bề (một khả năng)" mà "bỏ hỏng cả trâm bề (trăm khả năng)". Theo đúng tinh thần của Khổng, Mạnh, trung dung là đứng giữa (chứ không phải là khư khư bám lấy một trung điểm) và tự dành cho mình quyền tính đến và lựa chọn trong cả trăm khả năng, kể cả quyền đi tới cùng phía thái cực này hay phía thái cực kia. Lựa chọn khả năng nào là tuỳ theo thời và thế. Một lần nữa lại phải nói đến đức thời trung của Khổng Tử, nó là đức hạnh của mọi đức hạnh. Trung dung của Khổng Tử có ý nghĩa phổ quát hơn trung dung của Aristote. Trung dung của triết gia Hy Lạp cổ đại dừng lại ở sự chấp trung và giới hạn trong lĩnh vực đạo đức. Trung dung của nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại cao hơn chấp trung và được vận dụng trong nhiều lĩnh vực. Trung dung là tâm pháp để điều tiết mọi quá trình. Bản thân mỗi quá trình có sự tự điều tiết. Do đó, trung dung không bao giờ cố định ở một điểm nào, nó là một sự biến thiên liên tục.
Quan điểm "vô ý" (được phân tích ở trên) cũng như quan điểm trung dung đều không chấp nhận thái độ chấp nhất. Tinh thần nhân chấp nhất là mặt mạnh đồng thời cũng là mặt yếu của minh triết Trung Hoa cổ đại.
Từ sự đối sánh chiều sâu triết học (phương Tây) và minh triết (phương Đông) F. Jullien đưa ra những nhận định sâu sắc, lý thú.
Triết học thiên về sự biết (connaitre), minh triết quan tâm đến sự ngộ (réaliser). Người ta biết những gì chưa biết, đối tượng của ngộ là những gì đã biết (thậm chí biết quá nhiều). Ai cũng biết mình trước sau sẽ chết, mấy ai ngộ được điều này. Ai cũng biết đời mình là như thế, mấy ai ngộ được thân làm tội đời, đời làm tội thân như thế nào... Biết dễ, ngộ rất khó... Cho nên triết gia thích nói, hay nói, lắm lời. Người minh triết ít nói, thường là chăng có gì để nói...
Triết học quan tâm đến chân lý, rành rọt đúng, sai. Minh triết quan tâm đến sự thoả đáng (congruence), đúng sai không quan trọng lắm, miễn là thoả đáng.
Triết học quan tâm đến sự phát hiện (révélation) chân lý, minh triết thiên về sự điều tiết [régulation] sao cho thoả đáng.
Triết học thiên về tính khái quát. Sự khái quát hoá góp phần vào sự tiếp cận bản chất.
Khái quát hoá thường được tiến hành từ một bình diện, như vậy bản chất cũng là được tiếp cận từ một bình diện. Mà một bình diện chưa phải là tổng thể. Một tỷ bình diện cũng chưa phải là tổng thể. Minh triết quan tâm đến tổng thể. Từ cách nhìn này, minh triết nhạy cảm hơn với những sự bất trắc, những sự khôn lường trong tồn tại. Từ cách tiếp cận này, minh triết nhạt] cảm hơn trong sự nhìn thấy cái này trong cái kia, thấy hoạ trong phúc, thấy phúc trong hoạ, thấy cái lợi trong cái hại, thấy cái hại trong cái lợi, thấy vinh trong nhục, thấy nhục trong vinh, thấy cái ác trong cái thiện, thấy cái thiện trong cái ác, thấy sống trong chết, thấy chết trong sống, thấy ngày trong đêm, thấy đêm trong ngày... thấy âm trong dương, thấy dương trong âm.
Đạo là con đường. Con đường của triết học bao giờ cũng dẫn tới đâu đó... tới chân lý, tới cõi chí thiện, tới cõi toàn mỹ tới miền đất hứa , tới thiên đường... tới Thượng đế, Đạo của minh triết không dẫn tới đâu cả... đạo là con đường ở đó... sự sống có thể sống được (viable), mọi sự rồi thì qua được... chỗ đi tới của đạo là ở sự đổi mới của bản thân nó.
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
Dr. Mortimer J. Adler
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn (Dịch và chú giải)
NXB. Văn Hoá Thông Tin - 2004
Dư luận về tác phẩm
Cầm quyển sách Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại (*), có thể người xem sẽ hơi... ngộp, nó bao hàm quá nhiều lĩnh vực, đơn giản vì đó là "sách của sách". Nhưng tác phẩm này xứng đáng được gọi là một cuốn sách hay.
Tác giả, Dr. Mortimer J. Adler là một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây, ông giữ một chuyên mục của một tờ báo ở Mỹ, ông có nhiệm vụ trả lời tất cả những câu hỏi của bạn đọc thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Chủ yếu, bạn đọc muốn biết các nhà tư tưởng phương Tây trong quá khứ đã suy nghĩ và lý giải thế nào về những vấn đề con người hiện thời đang đối mặt. Và tác giả cuốn sách này, làm công việc đọc những tác phẩm bất hủ của họ và hệ thống, nói lại cho độc giả nghe. Thành công của chuyên mục kể trên là lý do cuốn sách này ra đời.
Cấu trúc cuốn sách dọc theo những câu hỏi chia thành từng nhóm đề tài, từ đạo đức, chính trị, xã hội, kinh tế... đến thần học, siêu hình học, triết học, mỹ học, nghệ thuật, quan hệ người và người... Không có tuyệt đối đúng sai, trả lời bằng cách trình bày các ý kiến của các nhà tư tưởng lớn, các ý kiến đưa ra có thể xung khắc nhau, và có thể lỗi thời so với hiện tại... nhưng đó là thành quả của nhiều năm lao động trí óc, từ đó, người đọc có thể học tập phương pháp tư duy của các nhà tư tưởng lớn.
Tác phẩm bổ ích cho tất cả mọi người vì những câu hỏi đặt ra rất gần gũi, là những vấn đề con người hiện đại quan tâm. Một điều thú vị khác, cuối sách có phần phụ lục gồm hình ảnh và tiểu sử tóm tắt của 42 nhà tư tưởng phương Tây tiêu biểu trong lịch sử.
Sách dễ đọc, đọc một mạch để làm giàu lý luận, hay có thể chỉ đọc những gì mình quan tâm nhất, đều thấy thú vị, giống như một cuốn từ điển có thể tra cứu bất kỳ lúc nào.
HƯƠNG YÊN (Báo Tuổi Trẻ, 28/05/2004)
Nội dung tác phẩm
Sách gồm 10 phần:
Phần 1: Những câu hỏi về triết học, khoa học và tôn giáo
Phần 2: Những câu hỏi về chính trị: con người và quốc gia
Phần 3: Những câu hỏi về các vấn đề đạo đức
Phần 4: Những câu hỏi về nền giáo dục khai phóng và những tác phẩm lớn
Phần 5: Những câu hỏi về thần học và siêu hình học
Phần 6: Những câu hỏi về các vấn đề xã hội
Phần 7: Những câu hỏi về các định chế kinh tế
Phần 8: Những câu hỏi về nghệ thuật và cái đẹp
Phần 9: Những câu hỏi về tình yêu và tình bạn
Phần 10: Những câu hỏi về con người và thế giới con người
Phụ lục: Những hình ảnh và tiểu sử tóm tắt của 42 nhà tư tưởng tiêu biểu trong lịch sử
Kể từ hôm nay, TVE sẽ vừa đánh máy vừa post toàn bộ tác phẩm này lên "Phòng đọc trực tuyến". Bạn đọc nào phát hiện lỗi chính tả, lỗi đánh máy... xin giúp chúng thôi chỉnh sửa bằng cách post từ sai và gợi ý sửa đúng.
Ví dụ: "S = Triệt học; Đ = Triết học"
Hoan nghênh góp ý và phê bình của các bạn!
--------------------
GIỚI THIỆU
Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay là một tập hợp những câu hỏi và trả lời. Những câu hỏi này được đặt ra cho tác giả, một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây, từ những độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội Mỹ muốn tìm hiểu về đủ loại vấn đề. Nhìn chung, đông đảo độc giả đều muốn biết các nhà tư tưởng trong quá khứ suy nghĩ và lý giải thế nào về những vấn đề mà con người hôm nay đang phải đối mặt. Họ không mưu tìm một câu trả lời dứt khoát, một giải pháp rốt ráo, mà thường họ muốn hiểu rõ vấn đề và muốn rút được bài học từ các nhà tư tưởng lớn trong truyền thống triết học phương Tây.
Những câu hỏi này được tác giả trả lời trong một chuyên mục của ông, ban đầu chỉ được đăng tải trên tờ Chicago Sun-Times và Chicago Daily News. Trong vòng một năm sau khi ra đời, đã có tới 28 tờ báo mua bản quyền để đăng tải chuyên mục này (trong đó có tờ Kenkyu Sha ởTokyo). Sự thành công của chuyên mục đã đưa tới việc tập hợp những câu hỏi và trả lời thành một cuốn sách.
Đó là hoàn cảnh hình thành tác phẩm này trong lòng xã hội Mỹ.
Dĩ nhiên đối với người Việt, văn minh hương Tây nói chung, và triết học của nó nói riêng, không phải là đề tài học tập bắt buộc, và cũng không phải là nguồn cội tư tưởng giúp chúng ta định hướng cuộc sống và giải quyết những vấn đề của mình. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận sự kiện rằng truyền thống triết học phương Tây đã có ảnh hưởng quyết định đối với nền văn minh phương Tây vốn đã đạt nhiều giá trị mà hiện đã trở thành phổ quát đối với phần còn lại của thế giới nên triết học phương Tây thực sự xứng đáng được chúng ta quan tâm đúng mức.
Như đã nói trên, khi trả lời các câu hỏi, tác giả không đưa ra hay áp đặt, một câu trả lời dứt khoát hay một giải pháp tối hậu. Ông chỉ trình bày các nhà tư tưởng lớn đã nói gì trong các tác phẩm của họ về các vấn đề được độc giả nêu ra. Các nhà tư tưởng này thường có những ý kiến khác nhau, thậm chí xung khắc nhau, tuy họ đều dựa trên cơ sở lý luận nào đó, và ý kiến của họ luôn là thành quả của nhiều năm tháng suy nghĩ và chiêm nghiệm. Cách trình bày này giúp độc giả có cơ hội nhìn và mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, tự rút ra bài học cho mình và đưa ra quyết định cuối cùng. Đây cũng chính là cốt tủy của cái mà tác giả trình bày như một "nền giáo dục khai phóng", một nền giáo dục - hình thành từ thời cổ đại ỏ Hy Lạp và La Mã - nhằm vào việc đào tạo những con người tự do, hiểu theo nghĩa là một con người biết tư duy rốt ráo về từng vấn đề, biết tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Mẫu người tự do này khác hẳn mẫu người nô lệ, chỉ trông cậy vào tư duy và quyết định của người khác, và dĩ nhiên, họ không hề muốn chịu trách nhiệm về những quyết định đó tuy rằng họ đã hành động theo những quyết định đó.
Một quan điểm đáng lưu ý nữa của tác giả là ở chỗ ông luôn trích dẫn ý kiến của những tác gia kinh điển của từng lãnh vực, ngay cả khi lý thuyết của những tác gia này đã bị vượt qua, hay thậm chí bị phỉ bác, bởi những nhà tư tưởng và thành quả khoa học của thời hiện đại. Ông biện minh rằng chúng ta không học tập hay tiếp nhận những tri thức của các nhà tư tường đó vì có thể nó đã bị vượt qua hoặc không còn đúng nữa dưới ánh sáng của khoa học ngay nay mà chúng ta học tập phương pháp tư duy của họ, hiểu ra con đường và cách đi của họ để tiếp cận với chân lý tuy họ sống trong những thời kỳ mà khoa học và kinh tế còn phôi thai, chưa phát triển. Đó mới thực sự là điều mà triết học mang lại cho con ngươi và cũng là điều bổ ích của tác phẩm này.
Như các bạn sẽ thấy, các câu hỏi trong sách này trải rộng trên nhiều lãnh vực, từ đạo đức, chính trị, xã hội đến kinh tế và nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống (như mỹ học, nghệ thuật, giáo dục, quan hệ nhân sinh...). Như thế không có nghĩa rằng các nhà tư tưởng phương Tây chỉ bàn về những chuyện ấy, mà chẳng qua là vì câu hỏi từ các độc giả thường chỉ xoay quanh những vấn đề gần gũi ấy và ít có người quan tâm đến những lý thuyết phức tạp hơn vốn để lý giải bản chất của hữu thể và cấu trúc của thực tại. Chúng tôi muốn nói rõ điều này để các bạn hiểu sách này không bao quát toàn bộ triết học phương Tây, mà chỉ xoay quanh những vấn đề được nhiều con người bình thường quan tâm. Cũng chính vì thế mà chúng tôi tin tác phẩm này bổ ích cho tuyệt đại đa số chúng ta - những người không chuyên nghiên cứu triết học.
Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn thưa cùng bạn đọc là, do tác phẩm này bao trùm nhiều lãnh vực học thuật khác nhau, đòi hỏi người dịch phải có một kiến thức cơ bản nào đó ở mọi lãnh vực, mà điều đó chúng tôi tự xét là mình chưa đạt được, nên việc dịch và chú giải sách này - tuy chúng tôi đã làm hết sức trong khả năng có hạn của mình - chắc chắn vẫn còn nhiều sai sót. Chúng tôi thực sự rất mong nhận được ý kiến chỉ giáo của bạn đọc.
Phần I
NHỮNG CÂU HỎI VỀ TRIẾT HỌC,
KHOA HỌC, VÀ TÔN GIÁO
1. Chân lý là gì?
Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi cảm thấy khó mà định nghĩa được chân lý là gì. Một vài người bạn của tôi nói rằng chân lý là điều mà hầu hết mọi người cùng nghĩ như nhau. Nhưng điều đó đối với tôi thật vô nghĩa, bởi vì đôi khi đa số lại sai lầm. Thậm chí những gì mà mọi người cùng đồng ý có thể không phải là chân lý. Hẳn phải có những định nghĩa tốt hơn về chân lý? Nó là gì
A.N.
A.N. thân mến,
Ông hoàn toàn đúng khi cảm thấy không thỏa mãn. Bạn bè ông đã không đi tới một định nghĩa về chân lý, họ mới đến được một trong những dấu hiệu của chân lý. Tuy nhiên trong một số trường hợp việc đa số người khẳng định điều gì đó về chân lý là một chỉ dẫn cho thấy nó có thể là chân lý. Nhưng đây chỉ là một trong những dấu hiệu của chân lý, và hoàn toàn không phải là dấu hiệu tốt nhất. Nó không trả lời được câu hỏi của ông và của Pilate[1] - "Chân lý là gì?"
Xem xét cái gì dính dáng tới việc nói dối có thể sẽ giúp cho chúng ta hiểu được bản chất của chân lý. Nếu một người đàn ông nói với một người phụ nữ "tôi yêu em"nhưng ông ta không yêu, thì ông ta đang nói dối. Khi một đứa trẻ đã lấy trộm hộp bánh nhưng lại nói với mẹ nó "con không lấy"thì nó đang nói dối. Nói dối là nói trái với những gì bạn biết, bạn nghĩ hoặc cảm nhận.
Nó khác với sự lầm lẫn thành thực, chẳng hạn một trọng tài phạt một cầu thủ phạm lỗi trong khi thực sự cầu thủ ấy không phạm lỗi và ngược lại.
Josiah Royce[2], nhà triết học vĩ đại người Mỹ vào đầu thế kỷ 20 định nghĩa kẻ nói dối là kẻ cố tình đặt không đúng chỗ các thuộc từ; nghĩa là, anh ta nói "có" trong khi muốn nói "không có", hoặc nói "không có"trong khi muốn nói "có". Định nghĩa của Royce về kẻ nói dối nhanh chóng dẫn chúng ta đến một định nghĩa mang tính triết học về chân lý nổi tiếng nhất của Plato[3] và Aristotle[4] cách đây hai mươi lăm thế kỷ; nó được lặp lại theo nhiều cách khác nhau kể từ thời ấy nhưng chưa hề bị vượt qua.
Plato và Aristotle nói rằng những ý kiến được coi là đúng khi nào chúng khẳng định điều gì có, thì có, hoặc điều gì không có, thì không có; ngược lại, những ý kiến của chúng ta là sai khi chúng khẳng định điều gì có thì không có, hoặc điều gì không có, thì có. Một khi cái "có" trong phát biểu của chúng ta phù hợp với phương cách mà sự vật có, lúc đó phát biểu của chúng ta là đúng và chân lý của phát biểu nằm ở chỗ nó tương ứng với những dữ kiện hiện có của giới tự nhiên hay thực tại. Khi chúng ta nghĩ rằng một cái gì hiện hữu hoặc đã xảy ra mà nó lại không hiện hữu hoặc không xảy ra, thì chúng ta mắc sai lầm và do đó điều chúng ta nghĩ là sai.
Vì vậy, như bạn thấy, chân lý rất dễ dàng định nghĩa, và để hiểu định nghĩa ấy cũng không khó lắm. Có lẽ Pilate thiếu kiên nhẫn hẳn đã vui lòng chờ đợi câu trả lời nếu ông ta biết rằng câu trả lời dành cho ông lại ngắn gọn đến thế. Nhưng cũng có thể ông ta đã nghĩ tới một câu hỏi khác, "Làm thế nào chúng ta chỉ ra được một phát biểu là đúng hay sai?" Đây chính là thắc mắc mà ông và các bạn của ông nêu ra và đòi được trả lời.
Đối với thắc mắc này có ba mẫu câu trả lời chính. Mẫu câu thứ nhất khẳng định rằng một vài phát biểu là đúng một cách hiển nhiên, chẳng hạn, "Toàn thể thì lớn hơn thành phần". Những phát biểu như thế hiển lộ chân lý cho ta một cách trực tiếp bởi một điều rõ ràng là ta không thể nào nghĩ trái với chúng được. Khi ta hiểu thế nào là một toàn thể và thế nào là một thành phần, ta không thể nghĩ rằng thành phần lớn hơn toàn thể (mà nó thuộc về) được. Bằng cách đó chúng ta biết được ngay lập tức chân lý của lời phát biểu rằng toàn thể lớn hơn bất cứ thành phần nào của nó.
Một mẫu câu trả lời khác nói rằng chân lý của những lời phát biểu có thể kiểm chứng bằng kinh nghiệm và quan sát. Nếu một người nói rằng trời không mưa ở Chicago vào một ngày nào đó trong tháng qua, ta có thể kiểm chứng chân lý của lời phát biểu đó bằng cách tìm đọc sổ sách ghi chép những bản tin thời tiết. Hay như ta có thể nhúng một bàn chân xuống hồ bơi để xem nước có ấm như lời người bạn nói hay không. Tương tự, một sự tổng quát hóa có tính chất khoa học được coi là đúng chỉ khi nào ta không quan sát thấy những sự kiện trái ngược.
Mẫu câu trả lời thứ ba có liên quan đến những lời phát biểu vừa không đúng một cách hiển nhiên, vừa không thể kiểm chứng bằng các sự kiện quan sát được. Đó có thể là thắc mắc về tính cách của một người, loại sản phẩm gì được ưa thích nhất cho những mục đích nào đó, hoặc con ngựa được ưa chuộng nhất có thắng trong đợt chạy tới hay không. Trường hợp này cho phép tìm kiếm sự nhất trí của một nhóm người nào đó các nhà chuyên môn chẳng hạn. Một ý kiến được đa số đồng thuận có thể được coi như là dấu hiệu cho thấy ý kiến đó có khả năng đúng.
Mẫu câu trả lời thứ ba là mẫu mà bạn ông đã làm. Tuy nhiên việc nó thể hiện sự nhất trí của một nhóm người không làm cho nó trở thành câu trả lời chính xác cho câu hỏi, "Chân lý là gì?" cũng không phải là câu trả lời đầy đủ cho thắc mắc, "Làm thế nào để chỉ ra được một phát biểu đúng hay không đúng?"
Định nghĩa chân lý thì dễ; biết một phát biểu cụ thể nào đó có đúng hay không thì khó hơn nhiều; và theo đuổi chân lý là khó khăn nhất.
------------------------
[1] Pontinus Pilate: Nhà kinh doanh người La Mã. Theo Kinh Thánh, ông làm biệt lý xứ Judaea và kết án tử hình Chúa Jesus
[2] Josiah Royce (1855 - 1916): triết gia Mỹ. Là người ủng hộ thuyết Duy tâm, ông viết nhiều tác phẩm triết học, trong đó có The Religious Aspect of Philosophy ("Khía cạnh tôn giáo của triết học"; 1885)
[3] Plato (428( ?) - 347 tr. CN): Triết gia Hy Lạp. Là học trò của Socrates và là thầy của Aristotle, ông đặt ra trường học đặt tên là Academy (ngày nay có nghĩa là Viện hàn lâm) Athenes. Các tác phẩm của ông, viết theo hình thức đối thoại, gồm có Phaedo, Symposium và Republic.
[4] Aristotle (384 - 322 tr. CN): Triết gia và nhà bách khoa Hy Lạp. Ông là một trong số những triết gia có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử triết học Tây phương.
2. Tri thức và thường kiến
Thưa tiến sĩ Adler,
Có thật là có tri thức không hay tất cả đều là thường kiến? Hình ảnh của thế giới và lối sống của chúng ta đã thay đổi quá nhiều trong năm mươi năm qua khiến tôi băn khoăn không biết chúng ta có thể có được tri thức chắc chắn về một điều gì đó không? Phải chăng hầu hết những gì người ta gọi là tri thức thật ra chỉ là thường kiến?
F.S.
F.S. thân mến,
Hầu hết chúng ta đều biết thế nào là một thường kiến. Chúng ta thấy rằng những ý kiến của chúng ta là niềm tin mà người khác không thể chia sẻ. Chúng ta đã quen nghe những người bất đồng với chúng ta nói, "Đó chỉ là ý kiến của anh" (hoặc "quan điểm của anh"). Ngay cả khi chúng ta đưa ra một ý kiến có căn cứ vững chắc, chúng ta thường vẫn cảm thấy đôi chút hoài nghi về nó. "Tôi có lý do chính đáng để tin như thế," chúng ta nói, "nhưng tôi không thể cam kết là chắc chắn."
Do đó, có ba đặc trưng của thường kiến:
(1) Chúng nói lên những khả hữu hơn là những điều chắc chắn.
(2) Chúng có thể bị nghi ngờ.
(3) Những người thích suy luận vẫn có thể bất đồng trong ủng hộ hai thường kiến đối lập nhau.
Xưa nay chủ nghĩa hoài nghi vẫn cho rằng mọi thứ đều là thường kiến, tất cả đều có thể còn tranh cãi. Thậm chí những kẻ hoài nghi cực đoan còn giảm trừ những thứ như toán học và khoa học thành thường kiến. Ví dụ, họ chỉ ra rằng, hệ thống của khoa hình học hình thành trên những giả thiết, vì vậy những giả thiết khác cũng có thể được thiết lập và những hệ thống hình học khác cỏ thể đã ra đời. Khoa học thực nghiệm, ở đỉnh cao của nó, nhà hoài nghi khăng khăng nói, gồm toàn những khái quát hóa rất có thể đúng, nhưng đó không phải là những điều chắc chắn bất khả nghi.
Đối lập với thuyết hoài nghi như thế là quan điểm của các triết gia cổ Hy Lạp. Plato và Aristotle cho rằng con người có thể có được tri thức thực sự về một số vấn đề nào đó. Trong chính bản chất của chúng, một số sự vật thì tất yếu và không thể nào khác đi được Ví dụ, trong bản chất của những toàn thể và những thành phần, điều tất yếu là toàn thể luôn luôn lớn hơn bất cứ thành phần nào của nó. Đây là điều chúng ta biết chắc chắn. Ngược lại, trong bản chất của những người đàn ông lịch sự và những cô gái tóc vàng không có gì tất yếu làm cho những người đàn ông lịch sự luôn luôn thích những cô tóc vàng, và vì thế đây chỉ là vấn đề thường kiến.
Sự khác nhau giữa tri thức và thường kiến cũng có thể được diễn đạt bằng các thuật ngữ tâm lý học. Khi chúng ta được hỏi, "Những người đàn ông lịch sự có thích các cô tóc vàng không?" hoặc "Đảng Cộng Hòa sẽ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới không?" chúng ta được tự do chọn lựa câu trả lời. Không có gì trong câu hỏi bó buộc chúng ta trả lời Có hoặc Không. Nhưng khi chúng ta được hỏi toàn thể có lớn hơn một thành phần của nó không, chúng ta không có sự lựa chọn về câu trả lời. Nếu chúng ta tập trung tâm trí vào mối quan hệ giữa toàn thể và thành phần, chúng ta chỉ có thể có một cách duy nhất để nghĩ về mối quan hệ đó. Chính đối tượng mà chúng ta đang suy nghĩ tới sẽ quyết định tư duy của chúng ta.
Điều này cung cấp cho chúng ta một chuẩn mực rất rõ ràng để phân biệt điều chúng ta nói ra là tri thức hay thường kiến. Nó là tri thức khi đối tương mà chúng ta đang nghĩ đến buộc chúng ta phải nghĩ về nó theo một cách nào đó. Lúc ấy điều chúng ta nghĩ không phải là ý kiến riêng của chúng ta. Nhưng khi đối tượng của tư duy chúng ta để cho chúng ta tự do đi tới một quyết định về nó bằng cách này hay cách khác, lúc đó điều chúng ta nghĩ chỉ là thường kiến - ý kiến riêng tư của chúng ta, nó được hình thành mà không bị cưỡng bách. Ở đây, có thể có những ý kiến bất đồng với chúng ta.
Khi đã hiểu được sự khác biệt giữa tri thức và thường kiến, chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết những tuyên bố của chúng ta là những thường kiến. Tuy nhiên cần biết rằng những thường kiến cũng khác nhau về độ chắc thực. Một vài tuyên bố dựa trên bằng chứng hoặc những lý lẽ xác đáng, mặc dù không phải chung quyết, nhưng cũng làm cho chúng trở nên khả thủ. Những tuyên bố khác không có căn cứ vững chắc, hoặc không dựa trên nền tảng nào cả mà chỉ là những thành kiến đầy chủ ý của chúng ta.
Vì thế vấn đề còn bỏ ngỏ là lịch sử, toán hoc, khoa học thực nghiệm, và triết lý nên được xếp vào tri thức hay thường kiến. Như chúng ta vừa thấy nhà hoài nghi cực đoan nói rằng cả bốn lĩnh vực ấy đều là thường kiến, mặc dù họ thừa nhận chúng có nhiều trọng lượng hơn là những ý kiến riêng tư hoặc thành kiến cá nhân. Tôi sẽ bảo vệ quan điểm ngược lại, đó là chúng ta có thể có tri thức trong toán học và triết học, và có thường kiến rất có thể đúng trong khoa học thực nghiệm và lịch sử.
3. Triết học là gì?
Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi không hiểu thuật ngữ "triết học" bao hàm nghĩa gì. Hình như nó không có một chủ đề xác định nào như trong các khoa học và các nghiên cứu kinh viện. Phải chăng triết học bao gồm mọi lĩnh vực tri thức? Hay nó chỉ đơn thuần là tư tưởng, không có một đối tượng riêng biệt nào? Triết học có phải là một khoa học mang đến cho ta tri thức chắc chắn và chính xác, hay chỉ là nghệ thuật suy nghĩ? Tại sao chúng ta không thể đồng thuận với nhau về mục đích của một nỗ lực mà nhân loại theo đuổi hàng ngàn năm nay?
J.P.
J.P. thân mến,
Sở dĩ khó định nghĩa triết học là vì có quá nhiều cái nhìn khác nhau về nội dung và sứ mệnh của triết học. Một mặt, nó được trình bày như là tri thức nền tảng về bản chất của vạn vật; mặt khác, như là sự hướng dẫn đến một đời sống tốt đẹp. Thời Trung Cổ triết học bị xem như con sen của thần học; thời nay, nhiều người vẫn xem nó như một trợ thủ cho khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.
Thuật ngữ "triết học" theo nghĩa đen là lòng yêu mến đối với sự minh triết, theo đó, triết học là một tham vọng tìm kiếm hơn là một cái kho chứa đựng tri thức tìm được và có thể truyền giao được. Socrates chỉ rõ rằng triết gia là người yêu mến sự minh triết, chứ không sở hữu nó.
Socrates còn làm cho cung cách của triết gia thêm cụ thể khi nói rằng một đời sống không được khảo chứng thì không đáng sống và chúng ta nên theo đuổi mọi chứng lý đến bất cứ nơi đâu khi chưa ngã ngũ. Luôn luôn tìm kiếm, luôn luôn nghi vấn là thái độ căn bản trong sinh hoạt triết học. Nó cũng cho thấy một ý hướng luân lý của một đời sống tốt đẹp vốn là điều cần nhấn mạnh luôn mãi trong triết học.
Aristotle trình bày nội dung của triết học bằng một khối lượng tác phẩm phong phú đồ sộ. Ông phân chia triết học thành những chuyên ngành khác nhau. Đứng trên tất cả là "đệ nhất triết học", hay Siêu hình học, vốn là tri thức về những nguyên lý và những nguyên nhân tối hậu. Sự nhấn mạnh Siêu hình học như vậy cũng đóng vai trò chính yếu trong triết học.
Vào thời hiện đại, bản chất của tri thức và cơ cấu của tâm trí được coi là quan trọng hàng đầu. Immanuel Kant[5], người đi đầu theo đường hướng này, phân biệt một bên là tri thức thực nghiệm có sẵn đối với khoa học tự nhiên và một bên là tri thức thuần lý chỉ có thể đạt được bằng triết học. Hiện nay người ta bàn cãi rất nhiều về vai trò tương đối của triết học và khoa học. Chính là với khoa học, chứ không phải triết học, mà người ta đi tìm tri thức căn bản. Một trong những trường phái triết học mạnh mẽ nhất, chủ nghĩa Thực chứng, cho rằng chỉ có những khoa học thực nghiệm mới là tri thức thực sự, và rằng triết học chỉ còn đóng vai trò giải nghĩa và phê phán các khoa học này.
Quan điểm của tôi là, triết học là một loại tri thức đặc biệt có tính minh triết. Nó đem đến cho ta minh triết về bản chất con người, về thế giới, về Thượng Đế, về đời sống tốt đẹp và xã hội tốt đẹp. Nó đem ra ánh sáng thắc mắc căn bản về yếu tính của vạn vật và cứu cánh cuộc đời. Do đó, nó đứng trên khoa học, cả về lý thuyết lẫn thực hành, vì khoa học chỉ đề cập đến những vấn đề bên ngoài và kém quan trọng hơn.
Theo quan điểm này, triết học là mối bận tâm của tất cả mọi người. Nó không phải là một ngành học đặc biệt, đòi hỏi phải tinh thông một phương pháp luận phức tạp, toán học cấp cao, hoặc máy móc tinh vi. Triết gia đích thực là một con chim lạ hiếm, đó là vì ông ta đã dâng hiến hết mình và suốt đời cho việc theo đuổi minh triết giữa một thế giới đầy sự xao lãng. Tuy nhiên mọi người có thể đáp lại tiếng gọi này, vì chỉ có hai điều duy nhất mà một người cần có để trở thành triết gia, đó là trí tuệ được Thượng Đế ban cho và một niềm khát khao muốn biết chân lý tối hậu.
Những gì tôi vừa trình bày trên đây gợi lên những giải đáp cho tất cả các câu hỏi của bạn. Triết học không phải là một khoa học thực nghiệm theo nghĩa của Vật lý học, Hóa học, và Sinh lý học; mà nó là một khoa học thuần lý, và như toán học, nó phát triển bằng suy tư và phân tích có hệ thống. Nhà toán học lẫn nhà triết học đều không viện dẫn bất kỳ sự kiện đã quan sát được nào cả, ngoại trừ những sự kiện thuộc kinh nghiệm thông thường của mọi người. Cả hai đều tiến hành những khám phá của mình ngay tại bàn giấy; cả hai đều là những nhà tư tưởng xa-lông.
Triết học không phải là một nghệ thuật, nhưng nó sử dụng các môn học lý thuyết, đặc biệt là nghệ thuật suy luận biện chứng. Nó không phải là thần học, vì trong khi thần học lấy niềm tin tôn giáo làm khởi điểm của mình thì triết học lại bắt đầu bằng sự phán đoán thực tế, nó nỗ lực làm rõ và đào sâu sự hiểu biết về một thế giới còn ẩn tàng trong phán đoán thực tế đó.
Hoàn toàn không đến trước khoa học, triết học đến sau khoa học. Mặc dù, như lịch sử cho thấy, sự tra hỏi triết lý bắt đầu từ rất lâu trước thí nghiệm khoa học, nó cũng sẽ tiếp tục lâu dài sau khi chúng ta đã đạt đến những giới hạn của tri thức thực nghiệm. Các khoa học thực nghiệm đã hoàn thiện rồi, và có những biểu hiện cho thấy ở những thời điểm nào đó chúng đã đi xa đến mức có thể. Nhưng triết học vẫn còn ở tuổi ấu thơ của nó. Sự phát triển đầy đủ của nó nằm ở nhiều thiên niên kỷ phía trước.
---------------------
[5] Immanuel Kant (1724 - 1804): Triết gia Đức, là người làm đảo lộn đường hướng triết học Tây phương với tác phẩm Critique of Pure Reason ("Phê phán Lý tính thuần túy"; 1781)
4. Triết học trong kỷ nguyên khoa học
Thưa tiến sĩ Adler,
Khoa học đã cung cấp tri thức và công cụ để tạo ra một kỷ nguyên công nghiệp hiện đại. Những triết học có thể giúp gì được chúng ta trong thời đại khủng hoảng ngày nay không? Hay triết học đã lỗi thời trong kỷ nguyên khoa học này?
W.L
W L. thân mến,
Trước hết chúng ta hãy xét xem những gì khoa học có thể làm và những gì mà khoa học không thể làm - phạm vi và chức năng đích thực của nó. Khoa học nghiên cứu những hiện tượng xã hội và vật lý nhằm mục đích đạt tới một mô tả chính xác về chúng. Có thể đó là sự vận động của các thiên thể, những cấu trúc bên trong của nguyên tử, những tiến trình tâm sinh lý, những trào lưu xã hội, hoặc hành vi của con người.
Vậy lợi ích của tri thức khoa học là gì? Francis Bacon[1] trả lời câu hỏi đó bằng lời khẳng định: khoa học mang lại cho chúng ta quyền lực. Nó cho phép chúng ta, ở một mức độ nào đó, thực hiện việc kiểm soát và làm chủ những hiện tượng vật lý và xã hội trong thế giới chúng ta đang sống. Một câu trả lời khác nói rằng khoa học cho phép chúng ta tạo ra đủ thứ vật chất. Áp dụng khoa học, người kỹ sư xây dựng những chiếc cầu, vị bác sĩ phục hồi sức khoẻ cho người bệnh. Nhưng một tri thức như thế, như mọi người đều biết, cũng đã được sử dụng để hủy diệt tất cả, để làm tàn tật và giết hại con người.
Nói một cách khác, khoa học mang đến cho chúng ta thứ quyền lực vừa có tính chất kiến tạo vừa có tính chất phá hủy. Nó cung cấp cho chúng ta những phương tiện để theo đuổi những mục đích xấu xa lẫn những cứu cánh tốt đẹp. Tự nó, khoa học không chỉ trung tính về mặt đạo đức, nghĩa là, nó không tốt, không xấu đối với giá trị của những cứu cánh mà vì nó các phương tiện được đem ra sử dụng; nó còn hoàn toàn không thể chỉ cho chúng ta một đường hướng đạo đức nào, vì nó chẳng cung cấp cho chúng ta những tri thức cần thiết về hệ thống những điều thiện và hệ thống những cứu cánh.
Do vậy, bạn rất có lý khí đề xuất ý tưởng rằng khoa học cần có triết học hỗ trợ nếu những phương tiện mà khoa học tạo ra được sử dụng cho những mục đích xứng đáng. Ngày nay nhiều người nghĩ rằng triết học là vô ích khi so sánh với khoa học, bởi vì người ta không thể áp dụng nó để tạo ra mọi thứ hoặc để kiểm soát các phương tiện. Tuy nhiên tri thức triết học, theo tôi lại hữu dụng theo một cách khác, cao quý hơn. Sự hữu dụng và ứng dụng của nó có tính đạo đức và giáo dục, chứ không có tính kỹ thuật và chế tác. Trong khi khoa học trang bị cho chúng ta phương tiện để sử dụng, thì triết học hướng dẫn chúng ta đến những cứu cánh mà chúng ta mong đạt tới.
Tôi xin nói rõ điểm cuối cùng này. Cách xử sự của con người và các thiết chế xã hội tùy thuộc vào những giải đáp của chúng ta trước những câu hỏi như hạnh phúc hệ tại vào cái gì, bổn phận của chúng ta là gì, tổ chức nhà nước nào là công bằng nhất, điều gì làm cho sự thiện phổ quát trong xã hội con người cần có những tự do gì, và vân vân. Bây giờ và mãi mãi, khoa học không thể nào trả lời được bất cứ một câu hỏi nào vừa kể, hoặc bất kỳ câu hỏi nào khác có liên quan đến cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, bây giờ và mãi mãi.
Không trả lời được những câu hỏi này, chúng ta như con thuyền không có la bàn và bánh lái trôi dạt giữa biển sóng cuộc đời. Chừng nào chiếc thuyền cá nhân hoặc con tàu nhà nước còn sử dụng công suất nhỏ, chúng ta có thể không gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng, như bạn đã chỉ ra, trong kỷ nguyên hạt nhân này, khi chúng ta di chuyển với tốc độ lớn và với công suất lớn, tai họa đe dọa chúng ta ở mọi khúc quanh nếu chúng ta không biết định hướng đúng.
Chính là triết học, chứ không phải khoa học sẽ dạy cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai đồng thời hướng dẫn chúng ta đi tới những điều thiện phù hợp với bản chất cua chúng ta. Nếu như lợi ích chế tác của khoa học phát sinh từ sự diễn tả chính xác của nó về cách thức mọi vật vận động theo lợi ích đạo đức của triết học lại có nguồn gốc từ những hiểu biết nền tảng về những thực tại tối hậu đằng sau những hiện tượng mà khoa học nghiên cứu. Mỗi loại tri thức trả lời những câu hỏi mà loại kia không thể, và vì thế mối loại đều hữu ích theo cách riêng của nó.
Theo tôi, chính là triết học, chứ không phải khoa học, là bậc cao nhất trong mọi nền văn hóa và văn minh đơn giản vì những câu hỏi mà nó có thể giải đáp lúc nào cũng khẩn thiết cho nhân sinh. Một điều chắc chắn là, chúng ta càng chiếm lĩnh được khoa học, chúng ta càng cần đến triết học, bởi vì càng có nhiều sức mạnh, chúng ta càng cần đến phương hướng.
5. Mối liên quan của toán học với triết học
Thửa tiến sĩ Adler,
Trong việc giáo dục khoa học ngày nay, người ta đã dành cho toán học nhiều sự chú ý. Tôi cũng đã nhìn thấy các triết gia đã đánh giá cao tư duy toán học. Vậy thực chất của toán học là gì, và tại sao nó đóng một vai trò quan trọng như thế trong khoa học và triết học? Tại sao toán học lại có mặt trong hầu hết các chương trình giáo dục phổ thông?Toán học có giá trị thực tiễn trong đời sống thường ngày không?
G.K.
G.K. thân mến,
Ngay buổi bình minh của tư tường Tây phương, ích lợi thực tiễn của toán học đã được Herodotus[2] ghi nhận; ông cho rằng nguồn gốc của Hình học xuất phát từ những người đo đất ở Ai Cập. Thật vậy, chữ hình học theo nguyên ngữ có nghĩa là "trắc địa". Nhưng các triết gia Hy Lạp, đặc biệt la Plato đã tỏ ý khinh bỉ cái ý tướng coi toán học có giá trị chỉ vì sự hữu dụng của nó trong việc khảo sát đất đai hoặc đo lường sự chuyển động của các thiên thể. Theo Plato, học toán là sự chuẩn bị lý tưởng cho tư tưởng triết lý, bởi vì nó đem trí tuệ vượt xa khỏi những sự vật thấy được và sờ được để chú tâm vào những đối tượng trừu tượng thuần túy - những con số, những hình hình học và những tỉ lệ.
Lập trường của Plato đã dẫn đến một kiểu bất đồng khác về bản chất của toán học, còn mãi cho tới ngày nay. Aristotle đồng ý với Plato rằng toán học có giá trị như một tri thức, hoàn toàn không kể tới những ứng dụng thực tiễn, nhưng ông phản đối mạnh mẽ ý kiến nói toán học được coi là mẫu mực cho tất cả tri thức triết học. Ông lấy làm khó chịu thấy những học trò của Plato đồng nhất hóa toán học với triết học, và các sinh viên khoa triết sẽ không lắng nghe giảng viên nào không trình bày tư tưởng của mình bằng hình thức toán học. Theo Aristotle, mỗi khoa học có một phương pháp riêng thích hợp đối với đối tượng chính yếu của nó, và do đó, phương pháp toán học không nên áp dụng trong các khoa học khác.
Sự bất đồng từ thời thượng cổ Hy Lạp này lại tiếp tục ở thời hiện đại trong các quan điểm đối lập nhau của Descartes[3] và Kant. Là nhà toán học vĩ đại đồng thời là một triết gia, Descartes tuyên bố phương pháp toán học là con đường duy nhất dẫn đến tri thức, kể cả tri thức về vật lý vũ trụ. Đối với ông, cũng như đối với Newton và các nhà khoa học hiện đại vĩ đại khác, thế giới tự nhiên hình thành theo cách có thể được hiểu rõ nhất bằng phân
tích toán học. Từ cái nhìn này, vũ trụ vật chất có một cơ cấu có thể diễn tả được bằng các thuật ngữ toán học.
Kant thừa nhận rằng những nguyên lý toán học có thể áp dụng vào việc nghiên cứu thế giới vật lý, và ông đề cao thiên tài của Newton[4]. Nhưng ông cảnh báo các triết gia coi chừng bị lạc đường vì những thành công sáng chói của toán học trong một lĩnh vực mà ở đó chỉ cần tri thức đích xác về những quan hệ định lượng. Ông nói, chúng ta không thể có được một vài tri thức quan trọng nhất bằng cách đi từ những khái niệm và châm ngôn rõ ràng đến việc chứng minh những kết luận chính xác và chắc chắn. Điều này đặc biệt đúng đối với tri thức, nơi mà những phân biệt minh bạch chỉ đạt được ở cuối quá trình truy vấn, chứ không phải ở bước đầu quá trình này. Hơn nữa phương pháp toán học không đóng một vai trò gì trong đạo đức học, mà đối với Kant thì đạo đức học là khoa học triết lý hoàn thiện nhất.
Trong nhiều thế kỷ qua, toán học đã có những biến đổi to lớn nhưng cuộc tranh luận lâu đời này vẫn chưa ngã ngũ giữa các triết gia. Trong số các tư tưởng gia hiện đại, Bertrand Russell[5], chẳng hạn, tiêu biểu cho chủ trương dùng phương pháp toán học để tiếp cận mọi vấn đề, trong khi đó thì John Dewey[6] thích lối tiếp cận có tính chất thực chứng và sinh vật học hơn. Nhưng cho dù các triết gia có bất đồng thế nào đi nữa về giá trị của toán học như là một hình mẫu cho mọi loại tri thức, họ vẫn phải đồng ý với nhau một điều - toán học đem tới cho con người tri thức chắc chắn và minh xác thông qua sự suy luận nghiêm ngặt mà không cần đến sự hỗ trợ của thí nghiệm và nghiên cứu thực nghiệm.
Tinh chất chính xác, nghiêm ngặt và thuần lý của toán học đã đưa nó lên vị trí cao trong cái nhìn của các nhà giáo dục mọi thời đại. Như Plato khẳng định toán học là môn học hướng dẫn lý trí trong việc nghiên cứu các đối tượng và những mối liên hệ trừu tượng. Nó cung cấp một bằng chứng về suy luận diễn dịch, là thứ suy luận đi từ những tiền đề sáng rõ đến những kết luận tất yếu.
"Giá trị thực hành" cao nhất của toán học là trong việc phát triển trí tuệ con người. Có nhiều ứng dụng hằng ngày của toán học: đo đạc địa hình, thiết kế nhà cửa và quần áo, vạch quỹ đạo súng pháo binh. Nhưng ngay cả khi các máy tính điện tử và các phương tiện tối tân khách thay thế cho mọi tính toán của con người, lý trí chúng ta vẫn phải cần đến nguyên lý toán học để nắm được một phương diện thiết yếu của thế giới chúng ta đang sống.
---------------------
[1] Francis Bacon (1561 - 1626): Triết gia, luật gia, chính khách người Anh. Đi tiên phong trong tư duy khoa học hiện đại, ông viết tác phẩm The Advancement of Learning ("Sự thẳng tiến của kiến thức" - 1605) và Essayes ("Tiểu luận" - 1597 - 1625). Ông là Đại pháp quan (tức chủ tịch Nghị Viện Anh) từ năm 1618 - 1621, nhưng bị bãi chức vì nhận hối lộ.
[2] Herodotus: (484?-425? tr.CN), sử gia Hy Lạp vĩ đại, được coi là cha đẻ của khoa lịch sử.
[3] Rene Descartes (1596 - 1650), triết gia và nhà toán học Pháp, thường được coi là người khai sinh triết học hiện đại. Tác phẩm chính: Discours de la Methode ("Luận về Phương pháp")
[4] Isaac Newton (1642 - 1727): Khoa học gia người Anh, khám phá ra luật hấp dẫn, sáng tạo phép tính (calculus), trình bày những định luật chuyển động. ông nhận thấy rằng ánh sáng trắng là sự pha trộng của nhữngg ánh sáng có màu sắc, và ông viết tác phẩm "Mathematical Principles of Natural Philodophy" ("Những Nguyên lý Toán học của Triết Học Tự Nhiên"; 1687) và Opticks ("Quang học"; 1704)
[5] Bertrand Russell (1872 - 1952), triết gia và nhà toán học Anh. Ông còn là nhà hoạt động cho hoà bình. Đoạt giải Nobel văn chương năm 1950. Ông viết nhiều tác phẩm triết học rất có giá trị.
[6] John Dewey (1859 - 1952), triết gia, nhà tâm lý học, nhà sư phạm Mỹ. Ông đề xướng triết học Thực chứng và là nhà lý luật sư phạm hàng đầu.
6. Sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo
Thưa tiến sĩ Adler,
Có hay không sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo? Tôi không nghĩ rằng văn bản của Thánh Kinh lại có thể hoà giải được với tri thức khoa học hiện đại. Phải chăng những khám phá của vật lý hiện đại, địa chất học, thiên văn học, và sinh vật học mâu thuẫn với câu chuyện được kể trong Sáng Thế Kỷ về sự sáng tạo ra trời đất và con người?
E.V
E. V. thân mến.
Hồng y Barberim, bạn của Galileo[1], một lần gỉai thích với Galileo lý do tại sao không thể xảy ra xung đột giữa khoa học và tôn giáo. Ông nói: "Anh dạy cho mọi người biết bầu trời di chuyển như thế nào; còn chúng tôi dạy cho mọi người biết cách lên trời." Vớinhững sứ mệnh được phân biệt như thế, các nhà thiên văn và các nhà thần học tất không thể có tranh cãi.
Ý tưởng mà Barberini trình bày với Galileo có thể được khái quát hóa. Nếu khoa học và tôn giáo có những mục đích khác nhau nghĩa là, nếu họ cố gắng trả lời những câu hỏi khác nhau, và nếu họ cố gắng làm những việc khác nhau cho con người - thì giữa họ sẽ không có sự xung đột.
Đâu là những câu hỏi mà tôn giáo tìm cách trả lời? Đó là những câu hỏi về hiện hữu và bản chất của Thượng Đế, về sự liên hệ của con người với Thượng Đế, về sự chi phối của Thượng Đế đối với vũ trụ, và đặc biệt là sự quan tâm của Ngài dành cho con người. Tất cả những điều này hoàn toàn vượt quá thẩm quyền giải quyết của khoa học, bây giờ và mãi mãi. Những tôn giáo khác nhau đưa ra những câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi trên đây, nhưng trong khi tìm hiểu để chọn câu trả lời đúng chúng ta không mong gì đến sự trợ giúp của khoa học.
Tôn giáo có làm điều gì thực tế cho con người không? Có, nó đưa con người tiếp xúc trực tiếp với Thượng Đế, nó mang lại cho cuộc sống của con người một ý nghĩa và giá trị đạo đức nền tảng và trên hết nó cung cấp cho con người một phương tiện mà nhờ đó con người tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ của Thương Đế để tuân theo những điều răn dạy cua Ngài. Nếu chúng ta hiểu được chút ít về khoa học, chúng ta sẽ nhận ra rằng khoa học không thể làm được những điều vừa kể. Do vây không có sự cạnh tranh ở đây.
Khoa học trả lời những câu hỏi khác và làm những việc khác cho chúng ta. Nó mô tả cái thế giới chúng ta đang sống. Nó giải thích cơ cấu và cách chuyển động của sự vật - chúng sinh ra và biến dịch như thế nào và do đó chúng ta sử dụng chúng như thế nào nào vào những mục tiêu tốt hoặc xấu. Chúng ta ứng dụng những khám phá của khoa học để sản xuất ra hằng hà sa số sự vật, từ thức ăn cho bé sơ sinh đến bom nguyên tử. Nhưng khoa học không nói cho chúng ta biết căn nguyên và lý do tồn tại của sự vật; nó cũng không ngăn cản chúng ta lạm dụng sức mạnh mà nó mang lại cho chúng ta. Cùng một tri thức khoa học, nó có thể đầu độc hoặc cứu chữa, có thể hủy diệt hoặc xây dựng.
Từ đó chúng ta có thể kết luận rằng không có vấn đề hòa giải khoa học và tôn giáo - rằng lựa chọn giữa kỹ thuật và lời cầu nguyện không còn cần thiết hơn là lựa chọn giữa việc có một thân xác và có một linh hồn. Nhưng thật không may, lúc ấy chắc chúng ta phải bỏ sót một vài điều nan giải thật sự. Câu hỏi của bạn về thuyết tiến hóa của Darwin[2] và câu chuyện sáng thế trong Kinh Thánh là một trong những điều nan giải đó.
Nếu chúng ta đã đọc những chương đầu của Sáng Thế ký[3] cứ như đó là lời diễn tả cụ thể về tiến trình con người và vũ trụ đi vào cuộc hiện hữu, chúng ta sẽ thấy những giải thích ấy hoàn toàn ngược lại với những giải thích về cùng vấn đề được khoa học hiện đại, từ Thiên văn học đến Động vật học, đưa ra. Tuy nhiên, theo Augustine[4] và các nhà thần học khác, đọc sâu hơn Sáng Thế ký sẽ dẫn đến những diễn giải tránh được xung đột với khoa học. Chẳng hạn, Augustine nói với chúng ta rằng "sáu ngày" nói đến ở đây không phải là những đơn vị thời gian. Chúng tượng trưng cho một trật tự của sự diễn biến. Theo Augustine, Thượng Đế tạo ra vạn vật cùng một lúc và đặt ra trật tự để chúng theo đó mà diễn biến cùng với thời gian. Khoa học kể khá tường tận cho chúng ta về lịch sử thật sự của sự diễn biến đó, và hầu như chúng không có gì xung đột với kiểu diễn giải những chương đầu Sáng Thế ký của Augustine.
Nhưng vẫn còn một điểm xung đột nghiêm trọng. Sáng Thế ký nói với chúng ta rằng Thượng Đế tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, và rằng trong tất cả tạo vật trên trái đất này chỉ có con người là được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng Đế. Điều này thường được giải thích để nói lên rằng con người về bản chất khác với muôn vật khác, kể cả những hình thức cao đẳng của đời sống động vật. Chỉ mình anh ta là một con người, là một sinh vật có lý trí và ý chí tự do. Anh ta không chỉ là một sinh vật, chỉ khác biệt nhau với các con vật khác về mức độ. Anh ta hoàn toàn khác biệt về loài.
Theo lý thuyết của Darwin về sự tương cận họ hàng giữa con người và loài khỉ, thì con người khác với con khỉ chỉ ở mức độ, chứ không khác về loài giống. Sự khám phá ra "những mắt xích còn thiếu" này trong chuỗi tiến hóa được cho là thể hiện sự liên tục giữa người và vượn. Trong khi tuyên bố chỉ mình con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng Đế, Sáng Thế ký nhấn mạnh vào một sự bất liên tục giữa người và các hình thức khác của sự sống trên trái đất. Về vấn đề này. Kinh Thánh và Sinh vật học không thể cả hai đều đúng được.
Theo tôi, đây là một xung đột thực sự chứ không chỉ bề ngoài, giữa một bên là khoa học và một bên là tín điều căn bản của tôn giáo. Không có nhiều xung đột loạt này, chắc chắn không nhiều xung đột rõ ràng như vây. Điều đáng chú ý là loại xung đột này lại nói về bản chất của con người. Dù nó có được giải quyết hay không, và, nếu giải quyết được, thì giải quyết như thế nào, thì nó cũng không phải là điều cho tôi phát biểu ở đây.
7. Triết học Hy Lạp và thần học Thiên Chúa giáo
Thưa tiến sĩ Adler,
Nhiều học giả nói với chúng tôi rằng các triết gia ngoại đạo Plato và Aristotle giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thần học Cơ Đốc giáo, Augustine mắc nợ Plato nhiều ý tưởng còn Aquinas tìm thấy cơ sở triết học của mình nơi Aristotle. Điều này nghe thật kỳ quặc. Làm thế nào mà những vị thánh và nhà thần học Cơ Đốc giáo này lại đi tìm nên tảng tư tưởng của họ nơi các triết gia ngoại đạo không hề tin vào Thượng Đế của Cơ Đốc giáo hay những tín lý Cơ Đốc giáo?
S. C
S. C. thân mến,
Chúng ta hãy trở lại với thời khởi nguyên của Cơ Đốc giáo. Nó thoát thai từ Do Thái giáo, và từ nền văn hóa cổ Hy Lạp trong Đế quốc La Mã. Nó đưa ra một đường hướng cứu chuộc và một học thuyết về sự liên hệ đặc biệt giữa con người với Thiên Chúa.
Gắn liền với đường hướng và học thuyết đó, một cách thiết yếu là hành vi tin tưởng vào sự mặc khải thần thánh. Tuy nhiên việc hiểu cho trọn vẹn ý nghĩa niềm tin Cơ Đốc giáo đòi hỏi các nhà tư tưởng kiến tạo của giáo hội sơ kỳ phải liên kết những giáo lý về mặc khải với những ý tưởng và chân lý nền tảng được khai triển thông qua sự thẩm tra triết học hay khoa học. Có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo sơ kỳ sử dụng vốn tri thức Hy Lạp phát triển cao có sẵn và họ biết một cách tường tận? Sự thật, vài người trong số học chăng hạn Justin Martyr[5] và Augustine đã là những triết gia ngoại đạo trước khi cải theo Cơ Đốc giáo.
Nhưng bạn có thể hỏi chẳng phải là Cơ Đốc giáo sơ kỳ chống lại tình trạng ngoại đạo và tất cả trước tác của nó sao? Chẳng phải Cơ Đốc giáo đã tự cho là chỉ mình nó chiếm hữu mọi chân lý và lẽ phải sao? Chẳng phải sự ngoại đạo bị coi là dối trá và không ngay thẳng sao? Việc kết hợp giữa tín ngưỡng Cơ Đốc giáo với triết học Hy Lạp không có vẻ là một nghịch lý lố bịch đối với những người Cơ Đốc giáo sơ kỳ sao?
Không nghi ngờ gì là có một số người hoàn toàn nghĩ như vậy. Tertullian, một trong những người biện hộ xuất sắc nhất cho giáo hội Cơ Đốc giáo sơ kỳ nói:
"Thử hỏi Athens thì có liên quan gì với Jerusalem chứ? Có điều gì đồng thuận giữa trường Academy của Plato và Giáo hội?... Hãy dẹp bỏ đi mọi nỗ lực tạo ra một Cơ Đốc giáo không thuần nhất gồm Thuyết Khắc kỷ, thuyết Plato, và tư tưởng Biện chứng!"
Tertulian đại diện cho trường phải tư tưởng Cơ Đốc giáo vẫn hiện diện cho tới ngày nay.
Tuy nhiên, nhiều nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo sơ kỳ khác khẳng định rằng nền văn hóa ngoại đạo là di sản kế thừa đúng đắn của Cơ Đốc giáo. Augustine so sánh nó với những kho tàng mà những người Do Thái cổ chiếm hữu khi họ rời Ai Cập. Ông nói rằng triết học Hy Lạp chứa đựng
"sự chỉ dẫn rộng rãi đã được thích ứng tốt hơn vào việc sử dụng chân lý, cùng một số châm ngôn đạo đức xuất sắc nhất; và một vài chân lý liên quan ngay cả đến việc thờ phụng một Thiên Chúa cũng được tìm thấy ở đó"
Việc Augustine dùng triết học Plato để diễn giải học thuyết Cơ Đốc giáo là yếu tố quyết định trong công cuộc Cơ Đốc hóa tư tưởng và văn hóa ngoại đạo.
Cống hiến của Thomas Aquinas[6] đến vào lúc những tác phẩm chủ yếu của Aristotle vừa mới được khôi phục và được dịch sang tiếng Latinh. Những tác phẩm này bao gồm toàn bộ các khoa học tự nhiên và sự tìm hiểu có tính chất triết học. Một số quan điểm căn bản được Anstotle khai triển ban đầu có vẻ như bất đồng sâu sắc với những tín điều của Cơ Đốc giáo; và tại nhiều nơi, thuyết Aristotle bị tẩy chay và thậm chí bị kết án chính thức. Nhưng Aquinas vẫn cho rằng không thể có bất đồng giữa chân lý của lý trí và chân lý của niềm tin; và vì thế ông cương quyết đảm trách việc thâu thái cho Cơ Đốc giáo tất cả chân lý mà ông có thể tìm thấy nơi Aristotle.
Quả đúng như bạn nói, nội dung của tư tưởng Hy Lạp và tín ngưỡng Cơ Đốc giáo không đồng nhất Thượng Đế (God) của các triết gia Hy Lạp không phải là Thiên Chúa (God) của Abraham[7], Isaac, và Jacob, cũng không phải là Chúa Cha (God) trong Phúc âm[8]. Thần học vế tự nhiên của Plato và Aristotle không chứa đựng điều gì tương tự như những học thuyết đặc trưng Cơ Đốc giáo về sự sángthế, thiên hựu, và cứu rỗi. Tuy nhiên, nó vẫn chứa đựng một số chân lý căn bản về bản chất của sự tồn tại và biến dịch, vật chất và tinh thần, cõi trần và cõi vĩnh hằng, tất cả đều có ý nghĩa sâu xa trong sự phát triển của tư tưởng Cơ Đốc giáo.
Trong khi sử dụng những chất liệu này, các nhà tư tưởng vĩ đại của Cơ Đốc giáo không mô phỏng Plato và Aristotle. Chỗ xuất phát của họ luôn luôn là những giáo điều của niềm tin Cơ Đốc giáo chứ không phải là những nguyên lý của triết học Hy Lạp. Để tự biết nó một cách đầy đủ, niềm tin cố tìm tri thức; và trong khi làm việc đó, nó tạo ra một cái gì mới mẻ. Augustine không trao Plato cho chúng ta một cách đơn thuần, nhưng là một Plato đã được Cơ Đốc hóa nhằm mục đích soi sáng niềm tin Cơ Đốc giáo. Aquinas cũng làm như thế với Aristotle. Và ở bất cứ chỗ nào những học thuyết chính yếu của Cơ Đốc giáo đòi hỏi, Augustine và Aquinas đều phản bác mạnh mẽ những giáo thuyết của người Hy Lạp.
--------------------------
[1] Galileo (1564 - 1642): Nhà vật lý và thiên văn ngườ Ý, một trong những người đặt nền móng cho cách mạng khoa học ở Âu châu. Cống hiến đặc biệt quan trọng của ông là ứng dụng kính viễn vọng vào khoa Thiên văn, khám phá qui luật của các vật thể rơi và chuyển động của đạn.
[2] Charles Darwin (1809 - 1882): Nhà khoa học người Anh, ông đặt nền móng cho thuyết tiến hoá hiện đại và viết tác phẩm gây nhiều tranh cãi, On the Origin of Species by Means of Natural Selection ("Về nguồn gốc các loài thông qua chọn lọc tự nhiên" - 1859. Ngoài ra, ông còn viết nhiều tác phẩm về khoa học tự nhiên, trong đó có The Valcanic Islands ("Những hòn đảo núi lửa" - 1844) và The Descent od Man ("Dòng dõi con người" - 1871).
[3] Genesis: Sáng Thế ký; cuốn sách đầu tiên trong Cựu Ước mô tả sự hình thành thế giới.
[4] Saint Augustine (354 - 430): Nhà tu và nhà thần học người Algeria. The city of God ("Thành phố của Chúa"), kiệt tác của ông, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Cơ Đốc giáo. Ông làm giám mục địa phận Hippo, Bắc Phi (bây giờ là Annaba, Algeria) từ năm 396 đến cuối đời.
[5] Justin Martyr (100 - 165): một trong những triết gia - nhà biện giải Hy Lạp quan trọng nhất của giáo hội Cơ Đốc giáo sơ kỳ. Các trước tác của ông trình bày sự gặp gỡ tích cực giữa sự mặc khải Cơ Đốc giáo và triết học Hy Lạp. Ông là người đặt nền tảng cho khoa thần học về lịch sử
[6] Saint Thomas D'Aquinas (1225 - 1274): triết gia và nhà thần học người Ý. Ông tìm cách hoà hợp triết học của Aristotle với thần học của St. Augustine.
[7] Abraham: Theo Sáng thế ký ông là tộc trưởng Hebrew, và cả dân tộc Do thái đều là con cháu ông. Ông sinh ra Isaac, Issac sinh ra Jacob.
[8] Phúc Âm: Câu chuyện về cuộc đời và giáo lý của Jesus Christ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top