X30phaluoi8
Chương 22
Mai Lan và Lý Lâm
Cái nét "thiên thần và ác quỷ" của cặp vợ chồng Mai Lan và Lý Lâm này cứ ám ảnh Phan Thúc Định.
Anh đoán có một uẩn khúc bên trong.
Do đó, ít ngày sau, anh đến thăm người đàn bà tại gia đình, mong tìm ra những điều bí mật.
Mai Lan tỏ ra thông minh. Qua ánh mắt nhìn, những lời trao đổi, những ẩn ý thắc mắc, chị đoán được nội tâm của người đối thoại. Lan nói:
- Có lẽ ông ngạc nhiên khi gặp chồng tôi phải không? Vâng, chồng tôi hiện nay đấy? Còn chồng thật của tôi - chồng tôi không còn nữa...
Người đàn bà úp mặt vào hai bàn tay như không ngẩng đầu dậy được nữa. Đôi vai thon nhỏ của chị rung lên. Hai đứa con lớn của chị đã dắt nhau sang nhà bên cạnh chơi. Đứa con nhỏ nằm thiêm thiếp ngủ trên giường, má hãy còn nổi những mạch máu xanh nhỏ li ti. Căn nhà rộng nhưng không có một bức tranh, một chiếc ảnh, gợi lên một không khí lạnh lẽo. Đồ đạc cũng đơn giản: hai chiếc giường, một chiếc tủ đứng, một bộ bàn ghế tiếp khách. Trên bàn, mấy hộp sữa và cân cam của Phan Thúc Định mang đến vẫn để nguyên đó. Lý Lâm không có nhà. Gã vẫn phải có mặt thường xuyên bên cạnh Ngô Đình Cẩn.
Phan Thúc Định im lặng, giữ thái độ kính trọng sự đau khổ của người đàn bà.
- Ông tốt quá! Tôi chẳng biết lấy gì để cảm ơn ông. Nhờ ông giúp đỡ, con tôi đã được cứu sống - chị nói qua hàng nước mắt - Tôi chẳng muốn giấu ông làm gì. Tôi biết ông là ai rồi nhưng cũng chẳng sao, bởi vì chuyện của tôi chung quanh đây ai cũng biết, nhiều người biết. Cuộc đời tôi cũng đã hết từ lâu rồi, từ ngày chồng tôi chết. Từ ngày đó, tôi chỉ sống vì mấy đứa con tôi! Hai đứa con của anh ấy! Giọt máu của anh ấy còn lại... Đứa con này là con của Lý Lâm, nhưng cũng là con tôi, con tôi mang nặng đẻ đau... Lý Lâm hiện nay là chồng tôi nhưng trong trái tim tôi...
Người đàn bà lại úp mặt vào hai bàn tay, nức nở. Dĩ vãng đã hằn lại những vết mà thời gian không thể nào xoá nổi trong mỗi con người...
... Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Mai Lan phải bỏ học, rời Huế theo cha mẹ tản cư lên ở Đình Môn - lúc bấy giờ còn là vùng tự do ở trong tỉnh. Mẹ Lan mở một hàng nước để sinh sống. Nhiều anh Vệ quốc đoàn, nhiều anh cán bộ đi công tác rất thích ghé nghỉ ở hàng nước nhà Lan vì nụ cười duyên dáng, cặp mắt đẹp của cô gái tản cư đó. Có người đã làm thơ. Có người nói khi nào kháng chiến thành công, đánh đuổi xong thực dân Pháp thì thế nào cũng mang trầu cau lại cửa hàng. Lan chỉ cười, cái cười hồn nhiên. Cặp mắt mở to nhìn cuộc đời như những cặp mắt của bất cứ cô gái mới lớn nào chưa hình dung được hết cả cái gì sẽ đến với mình.
Thế rồi Lan yêu. Người yêu của Lan là một cán bộ hoạt động nội thành. Một lần anh ghé quán nước nhà Lan và chỉ qua một buổi nói chuyện với anh, Lan thấy mình không thể để phí hoài tuổi trẻ trong quán nước của cha mẹ khi mọi người đang cầm súng kháng chiến. Anh đã đánh thức trong Lan niềm khát khao một cuộc sống đẹp đẽ, có ý nghĩa. Anh đã dẫn Lan tham gia công tác cùng anh. Tình yêu của hai người bắt nguồn từ đấy. Hai người cưới nhau đơn giản như mọi đám cưới khác trong thời kháng chiến. Cưới xong, anh đưa chị vào nội thành hoạt động cùng với anh. Chị tham gia vào tổ chức phụ nữ kháng chiến ở chợ Đông Ba. Trong gánh vải của chị quẩy đến chợ Đông Ba có cả truyền đơn. Những cuộc đấu tranh chống thuế của chị em tiểu thương trong chợ có chị tham gia. Hạnh phúc của hai người gắn liền với những cuộc đấu tranh. Hai đứa con ra đời, đứa sau cách đứa trước hai năm. Hai đứa con là ánh sáng, là nguồn hi vọng của đôi vợ chồng trẻ.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, mọi người tưởng được sống trong hoà bình, chờ ngày thống nhất đất nước. Nhưng Ngô Đình Diệm đã từ Mỹ về, tiếng súng vẫn nổ. Nhà tù, trạm giam mở rộng, xây thêm. Bắt bớ, tra tấn, tù đày, truy tầm những người kháng chiến cũ diễn ra khắp nơi.
Vợ chồng Mai Lan vẫn ở trong thành. Kháng chiến thành công rồi, hai người trở về với cuộc sống lao động bình thường. Chồng làm thư kí cho một hãng buôn tư. Vợ vẫn ngồi bán vải ở chợ Đông Ba.
Nhưng một hôm, chiếc xe hơi xám bịt kín của bọn mật vụ Ngô Đình Cẩn đã đỗ xịch trước cửa nhà vợ chồng Mai Lan. Chúng đạp hai đứa con nhỏ ra để kéo người cha đi. Chúng tát chị ngã sấp để bàn tay nhỏ yếu của chị phải buông rời người chồng. Nước mắt, đau thương bắt đầu trùm lên cái gia đình đang sống hạnh phúc đó.
Ít lâu sau, Mai Lan ngất đi khi được tin chồng của chị đã bị bọn tay chân của Cẩn giết chết.
Chị ốm liệt giường hàng tháng, khi tỉnh, khi mê. Hai đứa con ngồi đầu giường nước mắt vòng quanh nhìn mẹ. Thân hình chúng hốc hác. Hàng xóm, láng giềng không dám công khai giúp đỡ chị, vì bọn Cẩn khủng bố rất dã man tất cả những ai liên quan đến Việt Cộng. Chúng mở ra những chiến dịch "tố cộng", diệt cộng". Đó là "quốc sách" của Diệm - Nhu đề ra. Chỉ đêm đêm có những người mang cơm đến cho hai đứa nhỏ, mang bánh đến để chúng ăn sáng hôm sau, mang sữa, mang thuốc đến để ở đầu giường chị. Nước mắt xót thương gia đình chị, người ta không dám để cho ai nhìn thấy. Cả miền Nam này có biết bao nhiêu gia đình như vậy. Nước mắt làm tan thế nào được hết đau thương.
Giữa lúc ấy có một người đến với gia đình chị, ngang nhiên mang quà bánh đến cho chị và các con chị. Ngang nhiên đi qua mặt tất cả bọn liên gia trưởng, nhóm trưởng "cần lao" vẫn hàng ngày dòm ngó gia đình chị. Ngang nhiên đưa thầy thuốc đến săn sóc chị. Không những thế, bọn mật vụ và những người chung quanh trông thấy hắn đều phải tránh đi. Hắn cứ lừng lững đi vào nhà chị, chẳng thèm nhìn đến ai. Ở nhà chị một lúc, hắn lại lừng lững đi ra, mặt lầm lì, không ai biết là hắn đang nghĩ gì. Người ta thầm thì nói với nhau về hắn: Lý Lâm, vệ sĩ tin cẩn của Ngô Đình Cẩn.
Chị nhớ lại quãng phim dĩ vãng.
Một lần đi chợ Đông Ba, Lý Lâm đã gặp chị. Hắn bần thần nhìn nụ cười duyên dáng, đôi mắt đẹp và khuôn mặt hiền hậu của chị. Nụ cười ấy, khuôn mặt ấy ám ảnh hắn. Nhìn nụ cười ấy, khuôn mặt ấy, hắn chợt cảm thấy cuộc đời của hắn từ xưa tới nay khô cằn quá, thiếu hẳn một cái gì tươi mát. Hắn cảm thấy từ xưa tới nay hắn sống trơ trọi, cô độc quá, như một con thú hoang thiếu một cái tổ ấm để đi về. Cái phần người trong hắn đông lại. Hắn thèm một căn nhà riêng có nụ cười ấy, khuôn mặt hiền hậu ấy. Nhưng Mai Lan đã có chồng, có con. Hắn hỏi mọi người, được biết rõ điều đó. Hắn không nói gì nữa, chỉ thỉnh thoảng ra chợ, đứng lẳng lặng nhìn chị một lúc rồi lẳng lặng đi.
Mai Lan biết hắn nhìn mình. Lúc đầu, chị nghi hắn theo dõi gì mình. Dần dần hiểu ra thì chị sợ. Những tên như thế này khi chúng muốn thì chúng có thể làm bất cứ việc gì - kể cả dúng tay vào máu - để đạt được sở thích. Nhan sắc, đối với người phụ nữ, nhiều khi chẳng còn là diễm phúc của tạo hoá dành cho, mà lại là tai hoạ. Chị lo lắng nói với chồng. Hai vợ chồng bàn nhau và quyết định chị nghỉ bán hàng một thời gian. Nhưng cách giải quyết đó không ổn. Vì đồng lương thư kí sở tư của chồng chị không đủ nuôi cả gia đình.
Chị nghỉ bán hàng thì sinh hoạt gia đình đổi khác ngay. Vì chỉ ít lâu sau, chị thấy Lý Lâm lầm lũi đi qua trước cửa nhà chị. Hắn dễ dàng hỏi thăm được nhà của chị. Hắn lại lẳng lặng nhìn chị một chút rồi lại lẳng lặng đi...
Chị đánh liều tiếp tục đi bán hàng. Một tháng qua, hai tháng qua, rồi năm sáu tháng qua... Chị thấy không xảy ra chuyện gì, nỗi lo sợ nhạt dần. Lý Lâm vẫn thỉnh thoảng ghé qua chợ lẳng lặng nhìn chị rồi lại lẳng lặng đi. Hắn cũng chẳng tỏ ý gì làm hại ai cả. Thậm chí, có một đôi bạn hàng lại lấy chuyện đó ra đùa cợt.
Bây giờ, chồng chị bị bắt, chị nửa mê, nửa tỉnh trên giường thì hắn lại đến. Ngang nhiên không nhìn đến ai cả. Hắn còn biết sợ ai nữa!
Việc ấy đến tai Ngô Đình Cẩn, không những Cẩn không ngăn Lý Lâm mà còn tỏ ý thông cảm, khuyến khích hắn. Đó cũng là một "quốc sách" của anh em họ Ngô: phá hoại hạnh phúc, tình cảm của những gia đình Cộng sản, những gia đình kháng chiến cũ.
Thường chúng vẫn buộc vợ phải li hôn, dứt khoát với người chồng và lấy bọn nguỵ quân, nguỵ quyền. Ngô Đình Cẩn đưa cho gã vệ sĩ của mình xem một cái trát bắt Mai Lan. Lý Lâm chậm chạp đọc xong tờ giấy đã đóng dấu đỏ choé, vẫn cầm tờ giấy trên tay, ngập ngừng nói:
- Cậu cho con xin.
Ngô Đình Cẩn làm bộ suy nghĩ rồi đáp:
- Được. Nể mi lắm, tao cho mượn cái lệnh đó, mi hãy giữ lấy.
Gã vệ sĩ gấp tờ giấy quyết định sinh mạng một con người ấy, cẩn thận cất vào ví. Lúc Mai Lan hồi phục lại tâm trí thì chị nhận ngay ra Lý Lâm ở trong nhà chị. Chị hét lên kinh hoàng. Lý Lâm luống cuống:
- Tôi... không làm hại chị... Tôi không làm hại anh ấy.
Hắn không nói được hơn nữa. Chị đã gào lên:
- Ông ra ngay! Ông ra khỏi nhà tôi ngay!
Hắn đứng sừng sững giữa nhà chị. Một phút sau, hắn lẩm bẩm:
- Tôi về!
Hắn về thật. Nhưng hôm sau hắn lại đến, mang đường, sữa, bánh trái đặt ở trên bàn, chia cho hai đứa trẻ. Hai đứa trẻ đã quen với hắn từ trước, cầm ăn ngon lành. Đến lúc chị hét lên ngăn chúng thì chúng sợ hãi bỏ bánh xuống, lấm lét nhìn chị ngạc nhiên.
Gã vệ sĩ cũng lẳng lặng nhìn chị nằm trên giường. Chị gầy rộc hẳn đi. Đôi mắt đẹp của chị bây giờ sâu tối dưới làn tóc rối càng làm hắn não nùng. Chị cả quyết bảo hắn:
- Ông ra khỏi nhà tôi ngay! Tôi đã bảo rồi mà! Tôi không muốn ông đặt chân đến nhà này! Các ông đã giết cha chúng nó, bây giờ các ông lại mang bánh cho chúng nó ăn! Các ông "tử tế" quá đấy!
Hắn luýnh quýnh. Mắt hắn cau lại một cách rất khổ sở. Đôi tay thô của hắn như thừa không biết để làm gì. Hắn nói khó khăn:
- Tôi không làm hại anh ấy! Công an bắt chứ tôi không biết gì!
Hắn mở chiếc ví của hắn, lấy ra cái trát bắt Mai Lan đặt trước mặt chị:
- Nếu tôi không đến đây... họ bắt chị. Tôi đã xin cậu.
Mai Lan nhắm mắt lại, không nhìn Lý Lâm, không nhìn tờ giấy. Từ đuôi con mắt chị một giọt nước mắt to dần ra, chảy dài xuống thái dương. Gã vệ sĩ đứng nhìn chị tần ngần rồi thở dài, lầm lũi quay ra.
Lúc mở mắt ra, chị nhìn thấy hai đứa con. Chúng đang ngồi nép vào nhau nhìn chị lo sợ. Chúng gần quá. Qua làn nước mắt, hình ảnh chúng nửa nhoà, nửa tỏ, chị càng thấy chúng run rẩy hơn. Hai đứa con, hai giọt máu của anh ấy. Nếu chị bị bắt nốt thì hai đứa nhỏ sẽ ra sao? Ông, bà bên nội ngoại chẳng còn ai. Quê anh ấy ở miền trong. Anh em anh ấy đều đi tham gia kháng chiến cả. Ai sẽ nuôi chúng? Chúng sẽ chết? Chúng sẽ lang thang cầu bơ cầu bất, đói khát, rách rưới? Chúng sẽ bị bắt vào một trại nuôi trẻ con vô thừa nhận và ở trại đó ra, chúng sẽ lưu manh hoá, sẽ biến thành những công cụ của bộ máy chính quyền miền Nam này dùng để phá tất cả cái gì cha, mẹ, chú, bác chúng đã đổ bao nhiêu xương máu xây dựng nên? Không! Không! Chị muốn gào lên: "Không! Không thể như thế được!". Không bao giờ chị để chúng lang thang! Không bao giờ chị để cho chúng lưu manh hoá! Chúng phải xứng đáng với dòng máu của cha chúng! Chúng phải được ở bên chị để chị chăm sóc, dạy dỗ chúng theo ý chị muốn, theo ý anh ấy lúc sống muốn. Thà chị hi sinh cuộc đời chị...
Nhưng muốn thế thì phải thế nào? Ôi, sao cuộc đời lại cay đắng, xót xa như thế này! Chị có ngờ đâu cuộc đời chị lại đến lúc phải chọn "cuộc sống" cho chị hoặc cho các con chị! Lòng người mẹ tan nát...
Người mẹ có thể làm tất cả vì con. Mai Lan đã hi sinh cả cuộc đời cho các con. Sau những ngày đêm giông bão nổi lên dữ dội trong tâm hồn chị, chị quyết định cắn răng sống với Lý Lâm để bảo vệ hai đứa nhỏ. Lý Lâm đến, tức là xe của bọn mật vụ Cẩn sẽ không đến. Lý Lâm không ở nhà chị. tức là xe của mật vụ Cẩn sẽ đến ngay. Và chị sẽ ở trong nhà tù, các con chị sẽ bơ vơ, tất cả sẽ tan nát hết! Có ai hiểu được lòng chị không nhỉ? Anh ấy có hiểu được lòng chị không nhỉ? Hàng xóm, láng giềng, bà con quen biết có hiểu cho chị không nhỉ?
Lý Lâm lầm lũi, ít nói chuyện nhưng rất chiều vợ, nghe vợ và chịu khó săn sóc những đứa con riêng của vợ. Hắn cũng biết chị phải lấy hắn là một việc rất miễn cưỡng nên hắn muốn làm vừa lòng chị mọi điều để mong chuyển biến được tình cảm của chị. Mặt khác, sống bên cạnh chị, tính tình hiền hậu của chị, cách ăn ở của chị cũng dần dần cảm hoá được hắn phần nào. Trước đây, hắn ít nói bởi vì hắn như một cái máy làm theo lệnh của tên lãnh chúa họ Ngô. Bây giờ, hắn càng ít nói hơn vì hắn đã bắt đầu suy nghĩ. Ở hắn, giữa con người máy chấp hành mệnh lệnh với con người bước đầu suy nghĩ về việc làm của mình đã có lúc đấu tranh với nhau. Nhưng hắn vẫn phải sống bằng đồng lương của Ngô Đình Cẩn, sống dưới sự kiềm chế về một giáo lí của Ngô Đình Cẩn nên con người máy trong hắn thường thắng thế khi Cẩn ra lệnh. Chỉ khi về đến nhà...
*
* *
Phan Thúc Định vẫn ngồi im lặng nghe người đàn bà kể. Câu chuyện thường bị ngắt quãng bởi nước mắt, tiếng nức nở. Khi kể, chị cố dùng những từ không động chạm trực tiếp đến chế độ của anh em họ Ngô. Nhưng qua lời khi ngập ngừng, khi chua xót của chị, qua nét mặt khi rạn vỡ vì đau khổ, khi căm phẫn vì uất ức của chị, Phan Thúc Định hình dung được đầy đủ câu chuyện của chị và tất cả giông bão chị đã trải qua. Thái độ thông cảm và tôn trọng, chú ý lắng nghe lời chị của Định làm chị càng tin cậy anh, nói được nhiều hơn với anh. Chỗ nào chị khó nói, anh lựa lời gợi ý để chị có thể kể được dễ dàng hơn. Đồng thời, qua những lời chị kể, nỗi xót thương cũng tràn ngập tâm hồn anh. Miền Nam này còn biết bao nhiêu cảnh đời oan trái...
Bỗng nhiên, anh hết sức chú ý nghe.
... Mai Lan cũng muốn tìm mọi cách cải hoá Lý Lâm. Bởi vì dù không muốn, chị vẫn phải chung sống với hắn; dù không muốn, chị cũng đã có con với hắn. Nhưng giông bão không bao giờ hết trong cuộc chung sống miễn cưỡng đó. Gần đây, một hôm Lý Lâm mang về đưa chị một số tiền lớn, giục chị mua sắm đồ đạc trong nhà, may đồ cho con. Chị ngạc nhiên hỏi về số tiền đó. Lý Lâm đáp ầm ừ: "Của cậu cho". Tại sao tự nhiên Ngô Đình Cẩn cho một số tiền lớn đó? Cách trả lời ầm ừ có điều gì như không muốn nói thực của Lý Lâm làm chị nghi. Chị nhất định không cầm nếu Lý Lâm không nói rõ. Cuối cùng Lý Lâm phải thú thực với chị là Cẩn sai hắn giết một người và đó là tiền thưởng của Cẩn cho hắn sau khi xong việc.
Chị xây xẩm cả mặt mày. Khắp người chị như nổi gai. Chị rùng mình, nhắm mắt lại. Nhìn chị, Lý Lâm lúng túng rút nắm tiền lại. Hai bàn tay khép chặt giữa hai đầu gối, mắt vẫn không muốn mở ra nhìn mặt gã đàn ông mình phải chung sống, chị nói như hơi thở hắt ra:
- Tôi không muốn sắm cho các con tôi bằng những đồng tiền đẫm máu. Tôi không muốn những đồ đạc trong nhà này vấy máu. Tôi đã nói với anh nhiều lần rồi... Anh có muốn con anh về sau này nghĩ về anh tốt đẹp không? Về sau, con anh biết những chuyện này sẽ nghĩ về anh như thế nào? Trời ơi! Tại sao tôi lại phải sống với anh?
Lý Lâm luống cuống, cố thanh minh:
- Đây là lệnh của cậu, tôi phải làm. Không làm theo lệnh đó thì cậu cũng giết cả tôi.
Và hắn cố nói thêm một lí do mà hắn tin rằng có thể làm chị nguôi lòng:
- Tên bị chết cũng không phải là người tốt.
- Sao anh biết không phải là người tốt?
- Tôi biết... Nó là mật vụ của người Mỹ theo dõi cả công việc làm ăn của cậu. Nhưng tôi cấm... tôi cấm cô không được nói với ai điều đó. Tôi biết rõ.
Mai Lan gạn hỏi thêm thì được biết người bị giết ở biệt thự Bồng Lai.
Phạm Xuân Phòng! Cái tên ấy hiện ngay lên trong óc Phan Thúc Định. Thì ra "cái bọn Việt Cộng giết người" mà báo chí Sài Gòn lu loa lên đây rồi!
Hai đứa trẻ ở nhà bên đã về. Một đứa khoảng lên bảy, một đứa khoảng lên năm. Nhìn khuôn mặt chúng sáng sủa, thông minh, anh vẫy chúng lại, ôm chặt lấy chúng.
Đứa nhỏ trên giường chợt giật mình, nhăn nhó, cựa quậy. Người đàn bà khe khẽ đặt tay lên người nó, ru cho nó ngủ tiếp.
Phan Thúc Định vẫn trìu mến ôm chặt hai đứa con của người đã mất, của "anh ấy" trong tay mình, anh không muốn rời hai đứa nhỏ. Anh nhìn thẳng vào mặt người đàn bà, nói bằng một giọng xúc động, chân thành:
- Chị hãy tin rằng tôi rất hiểu chị, rất hiểu tất cả hoàn cảnh éo le của chị, những nỗi đau khổ ghê gớm chị đã và còn sẽ phải chịu đựng. Chị hãy tin tôi. Tôi không biết nói thế nào hơn bởi vì mới gặp chị nhưng tôi xin nhắc chị: Chị hãy tin tôi. Từ nay, nếu chị cần bất cứ điều gì, xin chị hãy nhớ đến tôi.
Anh đứng dậy, từ biệt người đàn bà:
- Còn vụ giết người ở biệt thự Bồng Lai thì tôi xin nói thực để chị biết: "người ta" đang đổ cho Việt Cộng giết đấy. Theo ý tôi, đến một lúc nào đó cần thiết, chị có thể nói trắng sự thực ra được không? Tất nhiên là đến lúc cần thiết và với những người cần thiết. Tôi nghĩ rằng nếu chị nói được sự thực ra lúc ấy, lương tâm chị sẽ nhẹ đi rất nhiều... Lý Lâm đã làm điều ác nhưng chị là người có lương tâm chắc không muốn để những người lương thiện khác mang tiếng ác, chịu tội oan.
Người đàn bà cúi đầu xuống, mắt chớp mau. Nước mắt lại ứa ra. Chị se sẽ đáp:
- Vâng!
*
* *
Vừa ở hiệu sách quen thuộc bước ra, tay cầm tờ báo hàng ngày mới nhận được của ông hàng sách, Phan Thúc Định gặp ngay Vân Anh đang đứng ngoài cửa nhìn những quyển sách bày trong tủ kính. Sự xuất hiện đột ngột của Vân Anh làm Định thoáng sững người.
Rất nhanh, mấy câu hỏi đến ngay với anh: "Vân Anh đến đây tình cờ hay có dụng ý? Cô ta đã biết gì về hiệu sách này? Mối liên hệ giữa mình với hiệu sách này, cô ta có biết không?..."
Nhưng Phan Thúc Định cười ngay, vẻ tự nhiên:
- Chào Vân Anh!
Vân Anh ngước lên nhìn Định (sau cặp mi dài, Định cảm thấy cái nhìn ấy chứa một vẻ tinh quái riêng):
- Ồ, anh Định! Anh mua báo?
Không trả lời về câu hỏi của Vân Anh, Định hỏi lại:
- Em đi đâu sớm thế?
- Em định ngó xem có quyển tiểu thuyết nào mới thì mua đọc nhưng xem ra chẳng có quyển nào hấp dẫn cả.
Định vừa định cáo từ Vân Anh, thì Vân Anh đã nói:
- Lâu không được gặp anh, em muốn đi nói chuyện với anh một lát, được không anh?
Định không an tâm với tờ báo trên tay mình, thong thả gấp tờ báo cho vào túi áo:
- Xin lỗi em, hôm nay anh hơi bận chút việc. Em cho anh khất đến hôm khác nhé!
Sau cặp mi dài, cái nhìn của Vân Anh vẫn nửa tinh quái, nửa trách móc:
- Em biết hôm nay anh không bận gì. Hàng ngày, anh vẫn mua báo xong rồi ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ngồi đọc cơ mà. Chẳng lẽ hôm nay vì gặp em, anh bỏ mất thói quen thường lệ.
Thấy Phan Thúc Định nhìn lại mình ngạc nhiên, Vân Anh nói một câu nhẹ nhàng đùa cợt:
- Những người đã từng ở Pháp không bao giờ từ chối bất cứ một lời yêu cầu nào của phụ nữ.
"Bao giờ gặp cô ả này cũng gây cho mình những suy nghĩ. Không hiểu những điều cô ta nói thực, hư ra sao? Cô ta vẫn theo dõi mình? Những điều cô ta nói hàm ý gì? Cô ta theo dõi mình để làm gì? Phải nhận rằng cô ta đẹp và thông minh. Vẻ đẹp và sự thông mình ấy nếu ở một người khác... Tại sao lòng mình lại vừa xót xa bâng khuâng thương tiếc lại vừa bực bội thế này nhỉ? Nhưng... hãy trở về công việc! Cô ta đã theo dõi việc mình đến hiệu sách, đã tìm hiểu những thói quen hàng ngày của mình. Cô ta có nắm được vấn đề gì hơn nữa không? Ta phải nói chuyện với cô gái đẹp và thông minh này như thế nào đây! Hãy tỉnh táo nhé!...".
Hai người sánh vai nhau đi thong thả. Những điều Vân Anh vừa hé ra làm Định thấy không thể chia tay cô gái này ngay được trong khi anh chưa hiểu cô ta đã nắm được những gì về anh. Không hiểu rõ đối thủ của mình đã là một điều nguy hiểm. Không hiểu rõ đối thủ của mình đã biết những gì về mình lại càng nguy hiểm hơn. Công việc của anh là phải hiểu rất rõ về người khác mà không được để người khác hiểu rõ về mình bất kì một điều gì. "Nếu để người khác hiểu rõ về mình thì là một điều sai lầm nghiêm trọng". Định vừa đi bên cạnh Vân Anh vừa nghĩ miên man.
Vân Anh thản nhiên nói sang chuyện khác:
- Anh còn nhớ một hôm anh và em đi chơi trong khu rừng Bu-lô-nhơ không? Anh nói anh nhớ những rừng thông ở Huế. Em có so sánh sự sạch sẽ, khô ráo của những khu rừng châu Âu đến nỗi chỗ nào cũng có thể nằm lăn ra nhìn ánh nắng mặt trời với những rừng Việt Nam ẩm thấp, gai góc, bẩn thỉu. Anh có nhắc em rằng: "Dù sao, đấy cũng là rừng của ta". Nghe tiếng "của ta" anh nói đến hôm ấy, sao mà tự hào thế!
Định chưa phán đoán được câu chuyện bâng quơ ấy của Vân Anh sẽ dẫn mình đến đâu, anh đáp thăm dò:
- Bây giờ anh vẫn nghĩ như vậy. Cái gì của ta, ta vẫn phải quý hơn chứ, dù nó không có bằng của người. Nếu không thế, chúng ta đã trở về đất nước để làm gì? Một khu rừng. một con sông, một bến đò, một cảnh chợ, một góc phố, một mái nhà tranh... những cái ấy hồi ở nước ngoài chẳng đã từng làm chúng ta nhớ đến khổ sở là gì.
Vân Anh không nói nữa, có vẻ đang để tâm trí vào suy nghĩ điều gì. Đôi mắt cô như nhìn vào chỗ trống không.
Phan Thúc Định mời cô ta:
- Chúng ta vào một quán nào đó ăn điểm tâm. Em đồng ý chứ?
Vân Anh lắc đầu:
- Không! Anh hãy chiều em, chúng ta ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ngồi ngắm sông Hương một lát...
Thái độ của Vân Anh mỗi lúc một thêm khó hiểu với Định. Hai người ra vườn hoa Nguyễn Hoàng.
Ngồi dựa lưng trên chiếc ghế xi-măng, Vân Anh nhìn Định, chìa tay ra:
- Anh cho em mượn tờ báo, xem có tin tức gì mới không?
Định bị một giây lúng túng. Anh quyết định rút tờ báo trong túi đưa cho Vân Anh. Trước khi đưa, anh mở tờ báo, chủ động lấy ra mảnh giấy gài trong đó, trước mắt Vân Anh. Tay Vân Anh đỡ lấy tờ báo nhưng mắt cô ta nhìn vào tờ giấy:
- Anh có thư riêng gài vào trong báo?
Định mở rộng tờ giấy đưa ngay cho Vân Anh:
- Không phải thư riêng mà là giấy thanh toán tiền sách báo anh còn thiếu của cửa hàng. Lúc nãy nhà hàng đưa, anh tiện tay gấp vào trong tờ báo cho gọn. Anh cứ lấy sách báo rồi nửa tháng hoặc một tháng lại thanh toán một lần.
Vân Anh cầm tờ giấy chăm chú đọc. Tờ giấy ghi rõ ràng tên từng quyển sách với giá tiền ở bên, trong đó có mấy quyển tiểu thuyết, mấy quyển nghiên cứu về lịch sử. Cuối tờ giấy có tổng cộng số tiền. Tờ giấy ngập ngừng trên tay Vân Anh. Cô nói:
- Anh ham đọc sách nhỉ!
Cô trao lại tờ giấy cho Định, Định thờ ơ nhét tờ giấy vào túi áo đáp:
- Đó là thói quen và cũng là ham thích của anh từ hồi còn đi học. Ở Huế này, ngoài thời gian làm việc ra, em bảo còn có thú giải trí nào khác, ngoài việc đọc sách.
Vân Anh mở rộng tờ báo, liếc qua những đầu đề in bằng chữ to. Định hỏi:
- Em có được tin gì về anh Lê Mậu Thành không?
Vân Anh không ngẩng lên:
- Em không nhận được thư từ gì của anh Thành cả nhưng em biết anh Thành vẫn ở với Việt Cộng. Còn anh?
- Sao lại "còn anh"?
- Vì anh và anh Thành là "người bạn cũ bên núi Ngự Bình" với nhau thì chắc anh phải biết tin tức anh Thành hơn em chứ?
Phan Thúc Định thẳng thắn:
- Anh mới trở lại Huế. Chưa có thời gian hỏi thăm đến bạn cũ nhưng rồi chắc anh cũng hỏi được tin anh Thành.
- Khi nào anh hỏi được, anh nhớ báo cho em biết với nhé!
- Tất nhiên rồi!
Vân Anh gấp tờ báo đưa trả Phan Thúc Đinh:
- Anh còn nhớ những ngày ở Pháp không? Thời đó, em sống đời sinh viên thơ ngây, vô tư thật. Người yêu thì em nhớ đến anh Thành. Người anh, người bạn thì em đã có anh. Nghĩ đến anh, em cứ luyến tiếc những ngày đẹp đẽ ấy, những ngày mà em không bao giờ quên được... Những ngày anh phủi tuyết đầu mùa bám trên măng-tô-san cho em ở góc phố Latinh, những ngày anh và em lên tháp Ép-phen ngắm cảnh Pa-ri từ trên cao, những ngày lang thang bới sách trong những hàng sách cũ bên bờ sông Sen...
Mặc dầu đã tự nhủ mình phải hết sức tỉnh táo nhưng những lời Vân Anh nhắc đến những kỉ niệm cũ cũng làm Định bồi hồi. Anh im lặng nhìn dòng sông Hương êm ả trôi trước mắt mình. Dòng sông ấy gợi lên hình ảnh một dòng sông trong dĩ vãng vang lên tiếng còi ca nô khàn khàn, rền rĩ... một chiếc ví xách tay phụ nữ đung đưa bên cạnh anh... một đám mây trắng trôi nhởn nhơ trên nền trời xanh biếc...
Vân Anh đã kéo anh trở về thực tế:
- Bây giờ chúng ta có nhiều điều lo nghĩ quá phải không anh? Chúng ta đã trở nên ưu tư, trở nên khó hiểu? Vâng, đã trở nên khó hiểu. Khó hiểu cả với chung quanh, cả với người ở cạnh ta. Nhiều khi, chúng ta khó hiểu với cả chúng ta nữa.
Giọng nói của Vân Anh chán chường như giọng một triết nhân. Cô mở chiếc ví xách tay của mình:
- Nhưng dù sao mỗi lúc nghĩ đến anh, em vẫn nghĩ đến những ngày đã qua đẹp đẽ, đến một người mà em đã hằng quý mến... Và do nghĩ đến những ngày đẹp đẽ đó, do em vẫn hằng quý mến anh - mặc dầu em chưa hiểu hết anh - xin tặng anh cái này...
Vân Anh lấy ở ví ra mấy chiếc ảnh đưa cho Phan Thúc Định. Anh cầm lấy xem. Lông mày anh nhíu lại. Đó là mấy chiếc ảnh chụp anh khi thì đứng bên trong hiệu sách, khi thì ở hiệu sách quen thuộc bước ra. Vân Anh đã đứng dậy:
- Những bức ảnh này mình em có thôi và em không đưa cho ai cả. Anh hãy tin em điều đó. Bây giờ, chắc anh không khó chịu và tiếc vì đã gặp em, đã bị em làm phiền buổi sáng nay.
Nàng chìa tay ra:
- Xin tạm biệt anh...
*
* *
Trở về nhà, Phan Thúc Định lên ngay phòng riêng của mình. Anh mở cửa sổ nhìn xuống gian nhà ngang dưới sân, ngay cổng vào: gã hộ vệ và gã bồi vẫn ngồi uống nước chè, hút thuốc lá với nhau. Anh đóng cửa lại, rút trong túi ra tờ giấy thanh toán tiền sách báo, đặt trên bàn và vuốt nó phẳng phiu. Anh lấy lọ thuốc hoá học. Dưới làn nước hoá học, mấy hàng chữ hiện ra:
"Đã nhận được tin về vụ giết P.X.P. - Giữ mối liên hệ thường xuyên với vợ L.L. - 12 giờ ngày... đến cây số 12 đường X. gặp một người đội mũ cát trắng, tay đeo băng đen. Hỏi: "Ông có biết vùng này ai bán quế?". Đáp: "Ông mua dùng hay muốn buôn?"
Sông Hương"
Định bật lửa châm vào tờ giấy. Suy nghĩ một chút, anh lấy mấy chiếc ảnh Vân Anh vừa đưa, châm nốt vào lửa. Anh bóp vụn tất cả đám tro đó cho vào chỗ rửa mặt, mở máy nước. Nước dội trôi đám tro vào trong ống, không để lại một vết tích gì. Anh rửa tay.
Vân Anh là một cô gái đáng ghét hay đáng thương? Sẽ còn phải nói chuyện với Vân Anh nữa. Những kỉ niệm đẹp đẽ với Vân Anh cũng không thể phai mờ được. Giờ này, phải làm việc với Ngô Đình Cẩn rồi... Mười hai giờ ngày... cây số 12... Hỏi: "Ông có biết vùng này ai bán quế?". Đáp: "Ông mua dùng hay muốn buôn?"...
Phan Thúc Định xuống nhà xe, lái chiếc xe riêng ra. Tên hộ vệ của anh đứng lên chờ đợi. Anh ra hiệu cho hắn cứ ở nhà, không phải đi theo anh.
Định lái xe đến dinh Ngô Đình Cẩn. Lý Lâm đứng ở ngoài hành lang chào anh. Nét mặt gã vẫn lầm lì nhưng trong cặp mắt xưa nay vẫn lạnh lùng của gã đã ánh lên một tình cảm kính trong đối với Định. Anh giơ tay bắt tay gã:
- Cháu đã khoẻ hẳn rồi chứ?
Gã đưa cả hai bàn tay thô, rắn khoẻ ra đỡ tay Định, nói ấp úng:
- Xin cảm ơn ông... Cháu đỡ nhiều...
Anh lấy máy tờ giấy bạc nhét vào túi gã:
- Tôi gửi anh mua giùm tôi ít quà cho cháu.
Lý Lâm lúng túng. Gã không biết nói gì, đứng ngây người.
Phan Thúc Định bước vào phòng làm việc của Ngô Đình Cẩn. Anh bình thản mở tờ báo ra đọc, ngồi đợi. Chừng mười phút sau tên lãnh chúa miện Trung mới kéo lê hài kinh trong áo gấm, quần lụa bước ra.
Định đứng dậy:
- Kính chào cụ lớn.
- Chào ông Định.
Nhìn nét mặt tươi cười của hắn, Định biết hôm nay hắn có điều gì vui vẻ. Quả như vậy, hắn khoe ngay với Định:
- Ông Định ạ, phương tiện để tiến hành kế hoạch "Gió đã xoay chiều" có rồi. Không ngờ tiếng nói của thằng cha Tô-ma cũng có thế lực gớm. Sau khi ở đây về, nó báo cáo lại với tướng Lên-sđên thì quỹ viện trợ Hoa Kỳ bằng lòng chi ngay. Tổng thống và ngài cố vấn cũng điện giục phải hành động gấp. Ý của ngài là đối với bọn Cộng sản không nên để chậm ngày nào. Để chậm ngày nào, chúng sẽ phát triển rất nhanh như vết dầu loang. Tổng thống có thư riêng cho ông đây này...
Hắn đưa cho Định một cái thư của Ngô Đình Diệm, vỏn vẹn có mấy dòng:
"Cháu Định,
Bác gửi lời thăm sức khoẻ của cháu.
Cháu hãy ráng hết sức giúp chú Cẩn. Kế hoạch ấy thực hiện xong, bác có thể an tâm về miền Trung. Bác ghi nhận trước ở đây công lao của cháu như bác đã từng ghi nhận.
Cháu hãy tìm cách liên lạc với giáo sư Lê Mậu Thành. Giáo sư sẽ giúp cháu hiểu rõ về bọn Cộng sản và sẽ là người cộng sự đắc lực với cháu ở ngoài đó.
Chúc cháu an khang.
Bác"
Ngô Đình Cẩn đợi Định đọc xong thư, nói tiếp:
- Tôi định bàn với ông chúng ta phải hành động trên mấy mặt cùng một lúc, làm thế nào cho bọn Cộng sản không biết đằng nào mà xoay xở... Cho cả bọn Mỹ biết nữa...
Phan Thúc Định thận trọng:
- Tôi xin đề đạt với cụ lớn một ý kiến: trước khi hành động, chúng ta nên có một thời gian duyệt lại các đường dây, các người của chúng ta cho thật chắc chắn. Cụ lớn thấy thế nào?
Ngô Đình Cẩn ngẫm nghĩ:
- Chúng ta thử bàn xem...
Chương 23
Tố Loan trước sự thật phũ phàng
Phan Thúc Định lái xe lên trên nệm cỏ, đỗ sát một gốc cây to dưới vòm lá sum sê, tắt máy rồi cầm cặp bước xuống đi về phía trường học. Tố Loan hôm nay nghỉ dạy, mặc bộ bà ba đen đang ngồi đọc sách dưới giàn thiên lí. Phan Thúc Định thong thả bước vào.
Nghe có tiếng người, Tố Loan ngẩng đầu nhìn ra. Định chào lễ phép:
- Chào cô Tố Loan. Hôm nay thứ năm, chắc cô rỗi, tôi tới thăm cô.
Nhận ra Phan Thúc Định, Tố Loan vội vã đứng dậy:
- Chào ông... Hân hạnh quá! Thực là "rồng đến nhà tôm". Cơn gió nào thổi ông tới đây vậy? Xin mời ông vào...
Cô giơ tay mời Định vào nhà. Căn nhà xinh xắn, giữa là một bộ bàn ghế tiếp khách, góc nhà là một chiếc bàn, trên đặt mấy chồng sách xếp gọn gàng, áp tường là chiếc tủ con, phía trong là chiếc giường ẩn sau bức rèm lụa màu xanh phớt.
Định đưa mắt nhìn quanh một lượt:
- Cô ở một mình?
- Vâng, một mình trong lúc này thôi, vì bà cụ giúp việc tôi vừa đi xuống chợ.
Chưa hiểu Định đến với mục đích gì, Tố Loan nhìn anh bằng cặp mắt dò xét, hỏi lại:
- Tôi tưởng ông bận lắm, không có thời giờ đi chơi?
Định vào ngay vấn đề:
- Thưa cô, đúng thế. Hôm nay đến thăm cô, tôi cũng muốn trình bày với cô một chuyện rất cần.
Tố Loan nhíu lông mày:
- Thưa ông, chẳng hay việc gì vậy? Có liên quan tới tôi không ạ?
- Tất nhiên là có. Câu chuyện khá phức tạp. Tôi xin cô hãy bình tĩnh sáng suốt nghe tôi trình bày hết đầu đuôi.
Tố Loan thản nhiên:
- Ông hãy tin rằng lúc nào tôi cũng bình tĩnh và sáng suốt nghe ông nói.
Phan Thúc Định mở chiếc cặp mang theo, rút ra một tấm phong bì dày bằng bìa cứng đặt lên bàn:
- Để mở đầu câu chuyện, xin cô hãy nhìn qua tập ảnh này.
Tố Loan kéo sát chiếc ghế vào bàn, đón lấy tấm phong bì dày. Khi cô mở tập ảnh trong phong bì ra thì cô choáng váng: Tập ảnh giống tập Phu-lít-xtơn đã đưa cô xem, tập ảnh về cái chết của Phạm Xuân Phòng, tập ảnh mà báo chí đã trích in sau vụ án mạng ở biệt thự Bồng Lai. Những ngón tay thon nhỏ của Tố Loan run run cất tập ảnh vào. Cô nhìn thẳng vào mắt Định, hỏi:
- Xin ông cho biết ông đến đây với mục đích gì?
Phan Thúc Định ôn tồn:
- Thưa cô, như tôi đã nói với cô, mong cô giữ bình tĩnh. Tôi đến đây là vì thiện ý, muốn cô nhìn thấy sự thực trong vấn đề này...
Tố Loan nghĩ ngay đến buổi đầu tiên gặp Phu-lít-xtơn. Phu-lít-xtơn cũng mang tập ảnh tương tự như thế này đến cho cô xem, trong lúc cô chưa biết gì về cái chết của người cha ở Huế, trong lúc cô hãy còn say sưa nhiệt tình lao vào những hoạt động của tuổi trẻ, còn có bao nhiêu ước mơ, hoài bão muốn đóng góp được chút gì cho dân tộc, cho đất nước. Cuộc gặp gỡ với Phu-lít-xtơn, cái chết bi thảm của người cha đã là một tiếng sét đánh vào giữa cuộc đời trẻ trung của cô, thui cháy tất cả hoài bão ước mơ đẹp đẽ của cô, làm đảo lộn tất cả mọi ý nghĩ của cô. Từ đó, mỗi lần gặp gỡ với Phu-lít-xtơn, những lời ngọt ngào của gã người Mỹ trẻ mà giàu sang, lịch thiệp ấy cứ khơi dậy trong đầu óc cô một mối căm thù cá nhân che mờ tất cả những ý nghĩ tình cảm khác. Trong óc cô chỉ còn có ý nghĩ trả thù và qua Phu-lít-xtơn, cô cảm thấy hình như người Mỹ hoàn toàn không phải như cô đã nghĩ. Lính Mỹ xa nhà xa cửa thì có người thế nọ, người thế kia, có hành động thế này, có hành động thế khác. Nhưng vẫn có những người Mỹ như... Phu-lít-xtơn. Đôi lúc, cô gặp bạn bè cũ, gợi lại những ý nghĩ hoài bão tốt đẹp trước đây thì lập tức cái chết thê thảm của cha cô lại hiện ra lấn át tất cả, làm đen tối đi tất cả. Phu-lít-xtơn mỗi lúc gặp cô một nhiều hơn. Rồi cô gặp Vân Anh, một người cũng có học thức, thông minh mà cô coi là "cùng hội, cùng thuyền". Cô thân với hai người đó, sống xa lánh những bạn cũ. Cô nghe theo Phu-lít-xtơn và Vân Anh...
Bây giờ thấy Phan Thúc Định đến, buổi đầu tiên lại cho cô xem tập ảnh về cái chết của cha, cô nghĩ ngay đến buổi đầu tiên gặp gã người Mỹ trẻ tuổi. Cô lo lắng hỏi:
- Phải chăng ông lại mang đến cho tôi một tin gì không may?
Phan Thúc Định mỉm cười, lắc đầu:
- Không, tôi muốn giúp cô một số bằng chứng để cô hiểu rõ vấn đề này.
Tố Loan lại nghĩ đến những lần gặp Phu-lít-xtơn vì qua lời lẽ giới thiệu của Vân Anh, cô biết Định là người rất có thế lực.
- Hay ông định giúp tôi trả mối thù lớn của gia đình?
- Đúng vậy, nhưng trước khi muốn trả thù, tôi thấy cô cần phải biết rõ kẻ thù của mình, của gia đình mình là ai?
Tố Loan nhìn Định, thận trọng:
- Thưa ông, kẻ sát nhân đã sa lưới, ngay sau khi gây ra tội ác. Chúng đang đợi ra toà để nhận sự trừng trị đích đáng.
- Ấy cũng vì biết rằng cô nghĩ như vậy nên tôi mới đến đây. Vì cái kẻ mà cô gọi là sát nhân đó thì lại không phải là sát nhân, còn kẻ sát nhân thực, thì sẽ không bao giờ phải ra toà nhận tội cả.
Tố Loan cau mày:
- Xin lỗi ông, tôi không hiểu ông định nói gì?
Phan Thúc Định nhìn thẳng vào cặp mắt dò hỏi của Tố Loan, nghiêm nghị:
- Tôi muốn giúp cô biết rõ kẻ giết ông Phạm Xuân Phòng thực là ai. Kẻ giết ông Phạm Xuân Phòng ấy không phải như báo chí đã đăng và như cô tưởng. Ở cương vị tôi, chắc cô hiểu rằng tôi biết rõ điều ấy hơn cô và tôi không bao giờ nói dối. Tôi muốn cô nhìn rõ sự thực.
- Tôi chỉ tin vào những bằng chứng cụ thể.
- Cô sẽ được thấy những bằng chứng cụ thế. Tôi biết rằng cô là một nhà luật học và cô sẽ tự rút ra những kết luận thích đáng trên những bằng chứng đó. Bằng chứng và cả nhân chứng nữa. Tôi xin mời cô đi với tôi đến thăm một vài nhân chứng. Chỉ yêu cầu cô một điều kiện: cô hoàn toàn giữ bí mật hộ những điều gì cô được biết.
Trong giọng nói của Định có một vẻ nghiêm trang, thành thực làm Tố Loan phải tin. Đồng thời, những lời nói của Định cũng gợi lên ở cô một sự tò mò, một câu hỏi mà chính cô cũng muốn có giải đáp.
- Nếu để tìm cho ra sự thực, tôi sẵn sàng đi theo ông. Tôi hứa sẽ giữ bí mật những điếu ông cho biết.
Tố Loan đáp và xin lỗi Định, đứng dậy mở tủ lấy chiếc áo dài.
Định đưa Tố Loan ra xe. Anh đã hẹn trước Mai Lan và biết chắc buổi đó Lý Lâm không có nhà. Gã vệ sĩ phải đưa Ngô Đình Cẩn lên Đà Lạt.
*
* *
Ở nhà Mai Lan ra, Tố Loan tưởng chừng không bước nổi. Hai chân cô bước chập choạng trên mặt đất mà đầu óc cô rối bời. Mai Lan đã kể lại tỉ mỉ câu chuyện cho Tố Loan nghe như đã kể với Phan Thúc Định. Người đàn bà đau khổ ấy còn đưa choTố Loan một vật mà Lý Lâm đã trao cho chị giữ, sau khi gã giết Phạm Xuân Phòng: chiếc ghim cài cà vạt bằng vàng thật có nạm một viên kim cương quý mà Phạm Xuân Phòng vẫn thường xuyên mang trên cà vạt của mình. Khi giết Phạm Xuân Phòng, Lý Lâm biết đó là một vật đáng giá, gã đã lấy giấu đi, mang về đưa cho vợ cất. Mai Lan không phải là người ham vàng bạc nên khi Tố Loan hỏi mượn lại chị chiếc ghim đó, chị đưa ngay.
Bây giờ, ngồi trên xe bên cạnh Định, Tố Loan nắm chặt chiếc ghim vàng đó trên tay mà nước mắt ứa ra. Chiếc ghim gợi lại hình ảnh và cái chết thê thảm của người cha. Tiếng Phan Thúc Định khi nhỏ, khi to bên tai cô:
- Cô hẳn đã rõ kẻ giết ông Phòng không phải như báo chí đã đăng. Cô đã biết kẻ giết người đó là ai rồi. Mà thực ra, nghĩ cho sâu thì kẻ giết ông Phòng cũng không phải là Lý Lâm, dầu tay gã nhúng vào máu. Gã chỉ là một kẻ thừa hành lệnh của người khác, chỉ là một công cụ. Không ai trả thù một cái công cụ cả. Kẻ chủ mưu giết ông Phòng cũng như kẻ bố trí cả một vụ án giả mạo sau đó hẳn phải có một động cơ, theo ý tôi, chắc không phải đơn thuần vì động cơ cá nhân. Cô thử suy nghĩ xem...
Tố Loan vẫn nắm chặt chiếc ghim vàng trên tay. Không! Bây giờ cô không suy nghĩ được gì nhiều cả. Tất cả cứ rối bời lên. Hình ảnh cha cô nằm giữa vũng máu. Chiếc ghim vàng quen thuộc này cô đã bao lần nhìn thấy trên cà vạt của cha cô. Hình ảnh Mai Lan đau khổ vừa ôm chặt con trên tay vừa nức nở... Lý Lâm! Không! "Lý Lâm chỉ là một công cụ. Không ai đi trả thù một cái công cụ cả!". Lý Lâm lại là chồng Mai Lan, là cha đứa trẻ con Mai Lan ôm trên tay. Trên Lý Lâm là ai? Kẻ ra lệnh cho Lý Lâm giết cha cô là ai? Ngô Đình Cẩn? Vì lẽ gì tên chúa tể miền Trung này lại giết cha cô? Từ trước tới giờ, cô chưa bao giờ nghe nói có một mối quan hệ nào giữa cha cô với Ngô Đình Cẩn cả. Vậy Ngô Đình Cẩn giết cha cô vì lẽ gì? Cô biết hắn đã giết nhiều người - trực tiếp và gián tiếp - nhưng cô nghĩ đấy là những người Cộng sản, những người chống đối lại hắn.
Nhưng đây người bị giết lại là cha cô. Cha cô chỉ sống như một người ở ẩn, dựa vào số lợi tức của cổ phần ở mấy hãng buôn nước ngoài, tại sao cũng bị hắn giết? Hay cha cô còn làm việc gì nữa mà cô không được biết?...
Chiếc ghim vàng run rẩy trên tay Tố Loan. Phan Thúc Định vòng tay lái hướng xe ra phía ngoại thành:
- Nếu cô cho phép, tôi xin đưa cô đi gặp một nhân chứng nữa.
Tố Loan ỉm lặng. Lúc này, cô chẳng có chủ định gì cả. Cô không nhìn lại Phan Thúc Định. Mắt cô nhìn thẳng ra phía trước mà như nhìn vào chỗ trống không. Cảnh vật, cây cối, con người loang loáng chạy qua trước mắt cô mà không có cái gì đọng lại cả.
Dần dần Tố Loan hồi trí lại. Khi tự bình tĩnh trở lại với cô thì tự nhiên cô khao khát muốn biết rõ sự thực, muốn biết tất cả mọi chi tiết của sự thực. Cô bằng lòng để Phan Thúc Định đưa cô đi đến bất cứ đâu, gặp bất cứ ai, để được biết thêm sự thực. Cô bắt đầu tin Phan Thúc Định có thể giúp được cô điều đó.
Chiếc xe đưa hai người đến một xóm nhà ở vùng Nguyệt Biều. Phan Thúc Định đỗ xe và mời Tố Loan bước xuống:
- Tôi đưa cô gặp một nhân chứng nữa. Gặp một người mà cô không ngờ tới. Chỉ đề nghị với cô, như lúc đầu tôi đã nói, cô hết sức bình tĩnh...
Hai người đi quanh co một quãng rồi Phan Thúc Định dẫn Tố Loan bước vào một ngôi nhà ẩn sau một khu vườn trồng cây ăn quả lưu niên. Một ông cụ già râu tóc bạc phơ, gầy gò đang ngồi chẻ tre làm chân hương ngẩng lên. Nhận ra Phan Thúc Định, ông cụ gật đầu chào, lặng lẽ xếp đám que chân hương lại. Phan Thúc Định cũng lễ phép cúi chào ông cụ và nói:
- Cụ làm ơn cho chúng cháu gặp ông Thọ.
Nghe đến tên "ông Thọ", Tố Loan giật mình. Cô cố gắng trầm tĩnh nhưng tim cứ đập mạnh lên. Cô nhìn theo ông cụ lui vào nhà trong. Mấy phút sau, từ nhà trong bước ra một người. Thoạt trông thấy người đó, Tố Loan bủn rủn cả chân tay. Cô phải chống tay xuống ghế và từ từ ngồi xuống, không nói được một lời nào. Mắt cô trân trân nhìn vào người mới bước ra, không tin vào mắt mình nữa.
Đấy là một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, mang nhiều nét già trước tuổi, mái tóc đã nhiều sợi bạc, trán có vết nhăn, đuôi con mắt nhiều vết rạn chân chim. Ông ta có cái nhìn sâu thẳm và bộ mặt đau khổ. Trông nét mặt ấy, người ta có thể đoán được ông ta là người ít nói, mang nặng một tâm sự gì u uất.
Người đàn ông ấy như không chịu đựng nổi cái nhìn xa lạ khó hiểu của Tố Loan, rùng mình. Sau một phút im lặng, giọng người đàn ông trầm trầm, đau xót, khẩn khoản:
- Cháu Tố Loan! Cháu đừng nhìn cậu như thế mà tội nghiệp. Cậu không phải là... kẻ giết người.
Tố Loan đưa tay bưng lấy mặt, gục xuống:
- Tôi không hiểu ra làm sao nữa! Thế này là thế nào?
Phan Thúc Định kéo ghế mời người đàn ông ngồi và đưa thuốc lá mời. Người đàn ông buồn bã lắc đầu từ chối. Định rút ra một điếu thuốc cho mình và nói với Tố Loan:
- Tôi phải đề nghị với cô phải hết sức bình tĩnh, một lần nữa xin cô hết sức bình tĩnh nghe ông Thọ nói. Đây là một nhân chứng mà cô có thể tin cậy được hơn bất cứ ai hết, vì là một nhân chứng trong gia đình cô...
Người đàn ông ấy đúng là cậu ruột của Tố Loan. Người đàn ông ấy đã sống ở nhà Tố Loan bao nhiêu năm nay. Cũng chính người đàn ông ấy được báo chí chính quyền Sài Gòn đưa tin là tay sai của Việt Cộng đã giết Phạm Xuân Phòng để lầy của, được chụp rõ ràng trong tập ảnh diễn lại vụ ám sát Phạm Xuân Phòng mà Phu-lít-xtơn đã đưa cho Tố Loan xem.
Ngay từ nhỏ, Tố Loan đã thấy cậu Thọ sống chung với gia đình mình. Cậu Thọ ít nói, ham đọc sách. Cả tuổi thơ ấu mình, ngoài mẹ ra, Tố Loan chỉ quấn quýt quanh cậu Thọ. Một phần vì Tố Loan thấy mẹ rất quý cậu, một phần vì cậu rất chiều Tố Loan, hướng dẫn Tố Loan học. Bất cứ điều gì Tố Loan không hiểu, hỏi cậu, cậu đều nhẹ nhàng giảng giải cho Tố Loan hiểu mới thôi.
Thời kì gia đình Tố Loan đi nước ngoài thì cậu Thọ ở lại Huế. Đến khi gia đình Tố Loan về ở biệt thự Bồng Lai thì mẹ Tố Loan lại đón cậu về ở cùng. Cậu vẫn chưa lấy vợ, ở riêng một gian buồng nhà ngang, càng ít nói hơn trước, lúc nào cũng ưu tư.
Mẹ Tố Loan vẫn rất quý cậu Thọ. Hình như mọi việc trong nhà, riêng tư, mẹ đều tâm sự với cậu. Những lúc cha về, Tố Loan thấy mẹ ít nói chuyện với cậu hơn. Cha cũng ít nói chuyện với cậu nhưng có vẻ e nể cậu. Tố Loan cho rằng đó là đặc điểm của gia đình mình: mỗi người có một lối sống riêng, không người nào thích động chạm đến đời sống người khác. Khi mẹ Tố Loan chết, cậu tỏ ra đau xót nặng nề. Cậu không ăn, không ngủ được một thời gian. Tóc cậu bắt đầu chóng có những sợi bạc. Cậu thường đến thăm mộ mẹ Tố Loan và đứng lặng hàng giờ. Cậu định thu xếp ra ngoài ở, nhưng cha Tố Loan giữ cậu lại. Có lần hai cậu cháu ngồi nói chuyện với nhau, cậu buột miệng nói với Tố Loan:
- Vì cháu, cậu ở lại đây. Cháu là con của mẹ cháu. Cháu phải cố gắng học tập.
Tố Loan vẫn giữ nguyên lòng kính trọng, yêu quý cậu như thuở nhỏ, như hồi mẹ còn sống.
Đùng một cái... như tiếng sét dữ dội, những tấm ảnh của Phu-lít-xtơn chụp rõ cậu giết cha Tố Loan, những lời nói của Phu-lít-xtơn và báo chí đưa tên cậu là tay sai Việt Cộng, giết người để cướp của. Tố Loan đã ngất đi khi nhìn những tấm ảnh và được tin ấy. Cô hoang mang cực độ, nhưng những tấm ảnh chụp rõ ràng đây, báo chí đưa tin đây, bằng chứng cụ thể đây... không tin làm sao được?
Cho đến hôm nay...
Phan Thúc Định nhắc người đàn ông:
- Ông Thọ. Xin ông cứ nói thẳng thắn tất cả những điều ông biết cho cô Loan nghe. Ông hãy nói tất cả sự thực dù sự thật ấy phũ phàng nhất, tàn ác nhất.
Người đàn ông vẫn nhìn Tố Loan bằng cặp mắt sâu thẳm, giọng đau xót:
- Đã đến lúc cậu thấy cần phải nói hết sự thực với cháu. Trước hết, cháu không phải là con Phạm Xuân Phòng...
Thế là thế nào nhỉ? Mắt Tố Loan tròn xoe nhìn người cậu ruột mình. Sao cuộc đời lại phức tạp, lạ lùng đến như thế này? Giọng người cậu vừa đau xót vừa căm uất kể lại cả một câu chuyện cay đắng, bi thảm của quá khứ mà thời gian tưởng đã xoá mờ, che kín được. Không! Có những việc mà thời gian không thể xoá mờ, che kín nổi...
Hơn hai mươi năm trước, mẹ Tố Loan là một cô nữ sinh xinh đẹp. Nhiều người gọi cô là hoa hậu của các trường trung học. Trong những chợ phiên, những ngày hội, cô rực rỡ nổi bật hẳn lên giữa đám đông. Cô yêu một anh sinh viên trường thuốc Hà Nội. Hai người nhất định lấy nhau. Thời kì đó cũng là thời kì quyền thế của Phạm Xuân Phòng. Hắn đã tìm cách mượn tay Nhật giết cô vợ cũ của Tsiêng-wa, bắt bố cô nữ sinh đẹp vốn là bạn hắn. Hắn đã làm cho bố cô nữ sinh phải cưỡng ép cô lấy hắn. Như bông hoa đang nở rực rỡ giữa vườn hoa bị một bàn tay tàn bạo ngắt đứt cuống, cô nữ sinh về làm vợ Phạm Xuân Phòng cứ héo hon dần đi, trong khi tâm hồn mình, tình cảm mình vẫn dành trọn cho anh sinh viên trường thuốc. Phạm Xuân Phòng là một tên truỵ lạc, trác táng nên tuyệt đường con cái. Tố Loan là kết quả của một lần gặp gỡ thầm kín giữa người vợ trẻ của Phạm Xuân Phòng với anh sinh viên trường thuốc, người yêu cũ của cô. Điều bí mật này, mẹ Tố Loan chỉ hé riêng cho người em ruột của mình biết.
Người em hiểu nỗi cay đắng, đau khổ của chị, thương nỗi cô đơn của chị, đến ở với chị, mong an ủi, săn sóc chị được phần nào. Cái gia đình ấy sống với nhau mỗi người mang một tâm sự riêng biệt.
Ở trong gia đình đó, Thọ không những hiểu nỗi đau khổ của chị, mà còn dần dần hiểu được phần nào việc làm của Phạm Xuân Phòng. Càng hiểu Phạm Xuân Phòng, Thọ càng thương chị. Càng hiểu Phạm Xuân Phòng, Thọ càng phải câm lặng, càng phải làm như không hiểu gì, không dám hé ra một lời nào.
Hôm vợ Phạm Xuân Phòng tình cờ bắt gặp hắn giữa trời mưa bơi pê-rít-xoa ra gặp lão già Hoa kiều trên dòng sông Hương, về có kể lại cho Thọ nghe. Thọ đã linh cảm thấy có một sự nguy hiểm đe doạ chị khi Phạm Xuân Phòng biết chuyện. Sự linh cảm ấy không cụ thể và mối nguy hiểm đe doạ chị mình Thọ không thể hình dung được nó như thế nào nên không thế nói ra được.
Thế rồi, hai vợ chồng Phạm Xuân Phòng cùng nhau đi bơi thuyền và vợ hắn bị chết. Thọ nằm lặng đi trong phòng riêng của mình mấy ngày liền. Tóc Thọ bạc đi. Vừa căm uất vì cái chết của chị, vừa cảm thấy mối nguy hiểm bắt đầu đe doạ đến mình, Thọ phải cố kìm hãm mình lắm mới giữ được không bộc lộ một lời nói, cử chỉ nào hớ hênh ra ngoài. Ông biết rằng chỉ một lời nói, một cử chỉ hớ hênh là chính ông cũng không giữ được tính mệnh mình tròn vẹn. Ông định thu xếp ra ở ngoài, nhưng Phạm Xuân Phòng giữ ông lại. Ông thừa hiểu hắn giữ ông ở lại trong biệt thự Bồng Lai là có ý đồ riêng: muốn kiểm tra, giám sát thái độ ông trước cái chết của người chị. Về phía Thọ, ông quyết định ở lại biệt thự Bồng Lai vì đã tính toán: một là nếu ông khăng khăng ra ngoài ngay, thì lập tức Phạm Xuân Phòng sẽ không để ông sống an toàn, hai là ông muốn bí mật tìm thêm những bằng chứng về cái chết của chị ông; ba là ông muốn chăm sóc đứa con riêng duy nhất của chị ông và hi vọng sẽ có ngày nói được với nó tất cả sự thật. Nếu không thì oan ức lắm, căm giận lắm!
Giữa lúc đó, Phạm Xuân Phòng bị giết. Bọn mật vụ ập đến bắt ngay Thọ. Chúng tra tấn ông ngày này sang ngày khác, chỉ một câu hỏi bắt ông phải nhận: "Có phải Việt Cộng đã sai mày giết ông Phạm Xuân Phòng để lấy của không?" và một biên bản đã làm sẵn, bắt ông kí. Trong những cuộc tra tấn ấy, ông thấy có một thằng Mỹ ngồi hút thuốc lá, nhai kẹo cao su chứng kiến. Mặc dầu ông không nhận điều gì, chúng cũng lập hồ sơ truy tố ông và bắt ông điền lại "vụ ám sát" theo sự bố trí của chúng để chúng chụp ảnh.
Trong một lần chúng đưa đi lấy cung, ông đã tìm cách trốn được...
Tố Loan ngồi lặng đi nghe người cậu ruột mình kể. Sự việc đến với cô bất ngờ quá. Sao cuộc đời lại éo le, lạ lùng đến thế này? Cô tưởng như không làm chủ được suy nghĩ của cô nữa. Đây là thực hay là mộng? Đây là câu chuyện của gia đình cô hay là câu chuyện của gia đình người khác? Nét mặt, lời nói của người cậu ruột toát lên sự đau khổ, căm uất chân thực mà cô không tin không được. Chưa bao giờ cô thấy thần kinh căng thẳng đến như thế! Cô gục xuống, nấc lên:
- Mẹ ơi!
Tiếng Phan Thúc Định nhẹ nhàng:
- Xin cô hãy bình tĩnh. Vụ án đã rõ ràng. Tôi chỉ muốn nói thêm ít điều hiểu biết của tôi: ngài đại diện giết Phạm Xuân Phòng là vì muốn trừ bỏ một người của Mỹ bí mật theo dõi mọi việc làm của mình. Điều ấy người Mỹ chưa biết. Dù họ có biết, họ cũng sẽ phải câm nín như không biết. Nhưng họ đã nhanh chóng dựng lên thành một tội ác của người khác, làm rầm rĩ lên và đến gặp ngay cô với mục đích gì, cô thử suy nghĩ xem. Trước khi có vụ án này, theo tôi biết, cô là một người khác hẳn bây giờ, phải không cô Tố Loan?...
Cho đến lúc Phan Thúc Định lái xe đưa Tố Loan về nhà, cô vẫn như người mất hồn. Có một lúc, chợt nhớ ra mình vẫn còn nắm chặt cái ghim cà vạt vàng của Phạm Xuân Phòng trên tay, cô từ từ đưa cho Phan Thúc Định:
- Tôi... tôi không cần đến... cái này nữa! Nhưng tại sao ông lại quan tâm đến vụ án này thế?
Phan Thúc Định thản nhiên:
- Thưa cô, tôi cũng là một luật gia, tôi cũng thích tìm hiểu các vụ án li kì... Lúc này, chắc chắn cô có nhiều bối rối. Tôi mong lúc khác sẽ được nói chuyện với cô nhiều hơn.
Chương 24
Con chim mồi trong phong trào sinh viên
Bên trong giảng đường C. người nghe đã ngồi kín các hàng ghế. Không phải chỉ riêng sinh viên khoa Văn mà sinh viên các khoa khác cũng tấp nập rủ nhau đến. Ngoài sinh viên, những buổi nói chuyện ở giảng đường trường đại học còn thu hút nhiều thanh niên trí thức yêu nước ở Huế tham dự. Những buổi nói chuyện thường biến thành những buổi hội thảo. Họ tranh luận, họ phát biểu ý kiến, họ bổ sung vấn đề cho nhau. Tất cả cái sôi nổi nhiệt tình của tuổi trẻ được bộc lộ. Họ nói say sưa, chân thành tất cả những ý nghĩ nóng bỏng, những ước mơ, hoài bão bừng bừng trong họ. Họ coi thường mọi hiểm nguy, mọi đe doạ. Vấn đề nêu ra trong các buổi nói chuyện vô cùng phong phú, nghe tên cũng đủ làm cho nhiệt huyết của thanh niên sôi lên: "Cải tổ chương trình giảng dạy ở các trường đại học để giữ vững được tinh thần dân tộc", "Dùng tiếng Việt thay thế tiếng nước ngoài ở tất cả các khoa trong trường đại học", "Trách nhiệm của thanh niên sinh viên trước sự mất còn của quốc gia, dân tộc", "Bảo vệ nền văn hoá dân tộc chống cự xâm nhập của văn hoá ngoại bang"... Dần dần xen kẽ vào những vấn đề mà nếu bàn tán ở ngoài người ta có thể bị mật thám bắt ngay tại chỗ như: "Bàn về Hiến pháp Cộng hoà", "Bàn về tự do, dân chủ", "Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam là một khối thống nhất"...
Trong những buổi nói chuyện đó, Lý Ngọc Tú nổi bật lên như một ngôi sao sáng... Tú là sinh viên năm thứ ba đại học Văn khoa, vóc người thanh tú. trắng trẻo, có đôi mắt tươi sáng, không những là ước mơ của nhiều thiếu nữ mà còn được anh chị em sinh viên các trường đại học mến phục vì sự can trường và tài hùng biện. Cứ mỗi lần anh bước lên diễn đàn là tiếng vỗ tay hầu như vỡ tung giảng đường. Giọng nói của anh khi uyển chuyển, thiết tha như lời tâm sự, khi mạnh mẽ lôi cuốn như lời kêu gọi, thúc giục hành động. Nội dung câu chuyện của anh vừa có sức hấp dẫn, vừa có sức thuyết phục y như những bài kí tên anh đãng trên nội san của trường đại học.
Người ta chờ đợi để dự những buổi nói chuyện của anh cũng như cầm tờ nội san đại học, người ta giở ngay bài của anh để đọc đầu tiên. Các giáo sư cũng phải tấm tắc khen ngợi anh. Anh đả động cả đến những vấn đề mà anh có thể dễ dàng bị đuổi khỏi trường đại học: vấn đề hoà bình trung lập, vấn đề hiệp thương giữa hai miền Nam Bắc... Sinh viên coi anh như người phát ngôn của họ.
Hôm nay, người nghe cũng chiếm hết chỗ trong giảng đường chờ Lý Ngọc Tú. Đặng Hoàng, người bạn thân của Tú, nắm chặt tay Tú trước khi Tú bước lên diễn đàn:
- Mình vẫn khâm phục khí phách của cậu nhưng mình khuyên cậu nên dè dặt, nói mạnh quá thì chúng nó sẽ không để cho cậu yên đâu!
Lý Ngọc Tú nhìn Hoàng, trả lời:
- Cách mạng là đấu tranh, là phá bỏ cái hiện tại bất công đi để xây dựng một ngày mai tươi đẹp. Đã đấu tranh thì không thể dè dặt được. Sự hèn nhát nhiều khi cũng được nguỵ trang dưới cái vỏ dè dặt...
- Thế cậu không sợ tù đày ư?
- Không! Nếu ai cũng sợ thì ai đứng ra đấu tranh cho độc lập thống nhất? Nếu muốn yên ổn thì đừng bước vào con đường đấu tranh. Đã chọn con đường đấu tranh là phải chuẩn bị tinh thần chịu đựng tra tấn, tù đày, khủng bố. Mình đã tự xác định như vậy...
- Nhưng chúng ta cần phải đấu tranh lâu dài.
Lý Ngọc Tú vẫn cương quyết:
- Mình đồng ý với cậu là phải đấu tranh lâu dài. Muốn đấu tranh lâu dài phải có phong trào. Mình muốn làm hết sức mình thổi bùng phong trào lên. Phong trào lên được thì dù mình có bị làm sao mình cũng không ân hận, người khác sẽ thay thế mình...
Giọng của Tú càng nói, càng trở nên sôi nổi. Hoàng chỉ còn biết bắt tay Tú thật chặt, nhìn bạn bước ra diễn đàn với cặp mắt khâm phục, mến yêu vô hạn. Hoàng thầm nghĩ: "Ít người được như cậu ấy. Nếu ai cũng có tinh thần kiên cường đấu tranh như vậy..."
Tiếng vỗ tay rào rào vang khắp giảng đường đón Lý Ngọc Tú. Nữ phóng viên Vân Anh bấm vội một bức ảnh. Lý Ngọc Tú nở một nụ cười rất tươi và hơi cúi đầu đáp lễ mọi người. Đợi tiếng vỗ tay ngớt, Lý Ngọc Tú bắt đầu nói:
- Thưa các bạn!
Hôm nay tôi xin phép các bạn được trình bày ý kiến của tôi những suy nghĩ của tôi về vấn đề lí tưởng của người thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Thanh niên là trụ cột của quốc gia, là niềm hy vọng, là tương lai của quốc gia. Quốc gia hưng thịnh hay suy vong phần lớn là ở thanh niên. Vì vậy, mỗi người thanh niên chúng ta phải sống có lí tưởng. Nếu chúng ta sống không có lí tưởng thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành hoặc vô nghĩa, mai một trong sự tầm thường chật hẹp hoặc đáng khinh trong sự ích kỉ, cá nhân. Lí tưởng chắp cánh cho cuộc đời chúng ta, cho tâm hồn tình cảm chúng ta bay lên...
Giọng nói của Tú thu hút mọi người. Từng quãng, tiếng vỗ tay đồng tình lại vang lên, xen lẫn tiếng những thanh niên không kìm hãm nổi mình, hét lên "Đúng! Đúng!" "Bra-vô Tú!"... Mắt Tú càng sáng, miệng Tú càng tươi, giọng nói Tú càng hào hứng. Không khí giảng đường càng như có chất men làm mọi người say sưa.
Giữa lúc đó, ngoài cổng giảng đường có tiếng còi rít lên lanh lảnh, tiếng xe xích sắt gầm gừ. Giảng đường nhốn nháo. Người ta chuẩn bị đối phó như vẫn phải đối phó với mọi cuộc bắt bớ, giải tán của chính quyến Diệm diễn ra đối với những cuộc nói chuyện của thanh niên sinh viên. Tiếng Lý Ngọc Tú từ trên diễn đàn, qua máy phóng thanh vẫn sang sảng:
- Các bạn hãy bình tĩnh. Bạo lực không thể thắng nổi sức mạnh tinh thẫn. Chúng ta hãy nắm chặt tay nhau lại, đoàn kết thành một khối. Không có một uy vũ nào có thể khuất phục được chúng ta.
Đặng Hoàng - sinh viên khoa Văn, Trần Minh - sinh viên khoa Y - những người cốt cán của phong trào đã nhanh chóng bố trí những nam sinh viên khoẻ mạnh, dũng cảm đứng ra vòng ngoài, bảo vệ cho những nữ sinh viên đứng lui vào phía trong giảng đường.
Lần này, không phải chỉ là một vụ bắt bớ, giải tán bình thường. Ngô Đình Cẩn đã chính thức phản công vào phong trào thanh niên sinh viên, một phong trào mà hắn coi như cái ung thư đối với hắn, nằm giữa nội thành. Hắn đã huy động hơn hai chục xe bọc thép và một trăm năm mươi tên vừa là bọn cảnh sát dã chiến vừa là bọn "lực lượng đặc biệt" mũ nồi xanh đến bao vây, mở một cuộc khủng bố trắng trợn, dã man.
Bọn cảnh sát dã chiến, súng lục ngang hông, gậy cao su trên tay, bọn lực lượng đặc biệt thì nào là lựu đạn, dao găm, nào súng tiểu liên, xông thẳng vào giảng đường. Sinh viên khoác chặt tay nhau làm thành hàng rào ngăn chúng lại. Chúng hoa gậy cao su, báng súng lên đánh vào đầu, vào ngực, vào mặt mọi người không thương tiếc. Một cuộc ẩu đả dữ dội nhưng không cân sức diễn ra. Những người sinh viên tay không lăn vào cắn, vật lộn giằng co với bọn cảnh sát và bọn lính, không để cho chúng đụng đến bạn mình. Những nữ sinh viên cũng không nghĩ đến mình là phái yếu, xông vào hỗ trợ cho các bạn nam. Bọn lính giơ báng súng nện thẳng tay. Bọn cảnh sát còng ngay tay những người nào kháng cự mà bị chúng đánh gục xuống, lôi ra xe bịt kín đợi sẵn ở cổng trường. Chúng bất một lúc hơn bốn chục người, trong đó có cả Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng.
Có một người đứng cuối giảng đường im lặng chứng kiến từ đầu cuộc khủng bố tàn bạo của bọn cảnh sát và lính lực lượng đặc biệt đối với thanh niên sinh viên. Lúc đầu, người ấy còn ngơ ngác. Nhưng đến những phút cuối, hình như không thể chịu nổi sự tàn bạo dã man đó nữa, người ấy hoà vào khối nữ sinh, vớ được bất cứ cái gì trong tay cũng ném vào bọn cảnh sát và bọn lính. Người ấy là Tố Loan.
*
* *
Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng bị giam chung trong một xà lim chật hẹp, tăm tối, ẩm thấp ở lao Thừa Thiên. Tú chửi ầm ĩ anh em Ngô Đình Diệm:
- Đây là cái "tự do dân chủ", cái "nhân vị" của anh em họ Ngô đây. Bọn phát-xít! Sói đội lốt cừu rồi cuối cùng bao giờ cũng thò cái đuôi sói ra không giấu được! Đồ chó má!
Và Tú nói với Đặng Hoàng:
- Chúng ta sắp bước vào một cuộc đấu tranh mới. Tinh thần của chúng ta được thử thách trong lúc này. Thật giả sẽ được phân biệt rõ ràng. Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ vững tinh thần. Nhất quyết không được lùi bước! Nhất quyết chúng ta phải thắng được mọi sự tra tấn, dụ dỗ, mua chuộc...
Đặng Hoàng cảm động:
- Tôi hứa với anh sẽ giữ vững tinh thần.
Ngay chiều hôm đó, tên trưởng phòng mật vụ gọi Đặng Hoàng và Lý Ngọc Tú lên hỏi cung. Lúc đầu, giọng hắn ngọt ngào:
- Các anh dại dột lắm. Các anh là sinh viên sao không chịu lo ăn học để sau này đỗ đạt có địa vị, có tiền nhiều, nhà lầu, xe hơi sung sướng có hơn không? Tại sao lại dám công khai đả kích chính quyền? Mà chống lại chính quyền quốc gia thì các anh biết đấy, sẽ bị tù tội, sẽ hết cả tương lai, hạnh phúc...
Nhìn thẳng vào mặt chúng, Ngọc Tú dõng dạc trả lời:
- Mỗi người quan niệm tương lai, hạnh phúc một cách khác nhau. Chúng tôi có học cho nên chúng tôi quan niệm tương lai hạnh phúc của chúng tôi nằm trong tương lai hạnh phúc của dân tộc. Chúng tôi không thể ở nhà lầu, đi xe hơi trong lúc người ta xây đầy nhà tù để giam đồng bào chúng tôi, trong lúc người ta dùng súng người nước ngoài bắn vào đồng bào chúng tôi, trong lúc người ta chia cắt đất nước chúng tôi.
Tên ác ôn tím mặt nhưng vẫn cố gượng cười :
- Lời lẽ ấy không phải là lời lẽ một người dân quốc gia. Đã vào đến đây, anh nên biết lựa lời mà nói kẻo ân hận đấy. Tôi không phải đe doạ suông các anh đâu. Tánh mạng các anh đang nằm trong tay chúng tôi. Hoặc là các anh trả lời đầy đủ, thực thà những câu hỏi của chúng tôi, cam đoan từ nay trở đi chỉ biết có ăn học thôi, thì sẽ nhận được sự khoan hồng của Ngô tổng thống hoặc các anh vẫn cứ khăng khăng chống lại thì đừng hòng trở về với gia đình, với trường học. Các anh hãy cho tôi biết: ai xúi giục các anh chống lại chánh quyền quốc gia?
Lý Ngọc Tú rắn rỏi:
- Ông hỏi chúng tôi vô ích! Không ai xúi giục chúng tôi cả. Chỉ có tấm lòng yêu nước của chúng tôi, chỉ có lương tâm của người trí thức xúi giục chúng tôi thôi! Chúng tôi chống lại áp bức bất công, chống lại kẻ bán nước, hại dân...
Không đợi Lý Ngọc Tú nói hết câu, tên trưởng phòng mật vụ đập bàn, trợn mắt:
- À, thằng này láo! Mày ăn phải bả Việt Cộng rồi!
Lý Ngọc Tú cũng không kém:
- Tao không phải là Việt Cộng. Nhưng nếu tao được làm Việt Cộng thì đó cũng là một vinh dự cho tao, vì Việt Cộng là những người yêu nước...
Tên trưởng phòng mật vụ gầm lên, như một con thú dữ bị đòn đau, hắn đứng phắt dậy, mặt tái đi, vớ ngay chiếc ghế đang ngồi ném vào người Tú. Tú lẹ làng tránh khỏi. Hắn nhảy xổ tới đánh Tú. Tú ngồi sụp xuống, co hai tay lên che khắp mặt tránh đòn. Đặng Hoàng lăn vào cản tên ác ôn:
- Ông không được đánh người như vậy.
Tên ác ôn quay ra Đặng Hoàng:
- A, cả thằng này nữa dám chống lại tao.
Mấy tên mật vụ đứng ngoài cũng nhảy vào. Chúng xúm lại đánh Hoàng tơi tả.
Sau trận ra oai, tên trưởng phòng mật vụ vừa thở hổn hển vừa trỏ ngón tay vào hai người sinh viên:
- Tao để cho chúng mày suy nghĩ. Rồi xem chúng mày có thể bướng mãi được với tao không?
Hắn hất hàm cho bọn tay sai:
- Giam chúng nó lại.
Chúng xô đẩy hai người về xà lim. Thái độ dũng cảm của Ngọc Tú trước quân thù khiến cho Đặng Hoàng càng thêm khâm phục.
Những ngày sau bọn mật vụ liên tiếp gọi Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng lên hỏi cung. Có khi chúng hỏi cung cả hai người cùng một lúc. Có khi chúng gọi riêng từng người lên hỏi. Lần nào, Đặng Hoàng cũng thấy Ngọc Tú giữ vững được khí phách của mình. Có lần, chúng gọi một mình Tú lên hỏi. Đặng Hoàng hồi hộp ngồi trong xà lim đợi bạn. Khi cánh cửa xà lim mở, Hoàng thấy hai tên mật vụ khiêng Lý Ngọc Tú ném vào. Tú đã bị ngất đi, quần áo anh rách tả tơi đầy vết máu. Mặt mày anh lấm be bét. Đặng Hoàng sợ hãi lay gọi bạn, Lý Ngọc Tú vẫn không mở mắt, nói trong cơn mê sảng:
- Bọn bán nước! Chúng mày đừng hòng lấy của tao một lời khai.
Vừa xoa bóp, vừa lay gọi hồi lâu, Đặng Hoàng mới thấy Tú hồi tỉnh. Tú mở mắt, nhìn thấy Hoàng, mệt nhọc nói:
- Chúng nó tra tấn mình suốt cả buổi. Mình ngất đi chẳng biết gì cả. Bọn chúng xảo quyệt lắm, độc ác lắm. Cậu nhắn tất cả anh em mình cố gắng giữ vững tinh thần.
Câu chuyện Lý Ngọc Tú hiên ngang, bất khuất bí mật lan khắp nhà lao Thừa Thiên. Từ nhà lao đó, tin ấy theo những học sinh, sinh viên được thả ra trước - do bố mẹ chạy tiền hoặc do thế con ông cháu cha - lan ra bên ngoài. Mọi người trầm trồ trao đổi với nhau. Uy thế của Lý Ngọc Tú trong thanh niên học sinh sinh viên càng lên cao.
Tin ấy đến tai linh mục Cao Vãn Luận - Viện trưởng Viện đại học Huế - ông ta mỉm cười .
Sau ba tháng bị giam giữ, hỏi cung, tra tấn, một hôm Lý Ngọc Tú và Đặng Hoàng được dẫn đến gặp tên trưởng ty công an Thừa Thiên. Hắn nghiêng nghiêng cái bộ mặt béo bự nhìn hai người, lấy giọng nhân nghĩa:
- Ngô tổng thống thương các anh còn trẻ, đang tuổi học hành và cũng xét thấy các anh không có hành động công khai chống đối chính quyền quốc gia nên ban lệnh tha cho các anh, về giao lại cho bố mẹ các anh chịu trách nhiệm cai quản. Các anh phải biết ơn sự khoan hồng của Ngô tổng thống mà cải tà quy chính, chịu khó học hành, không được nghe những kẻ xấu xúi giục, đặng sau này đỗ đạt phụng sự quốc gia nghe không?
Hắn uể oải khoát tay ra hiệu cho hai người đi ra.
Thoát khỏi giam cầm, hai người bước ra khỏi ty công an như hai con chim sổ lồng. Không gian mở rộng mênh mang đón hai người. Trời đất, cỏ cây và nhất là những con người gặp lại đẹp biết bao nhiêu. Trong lúc say sưa, Đặng Hoàng nói nhỏ với Lý Ngọc Tú:
- Cậu thật là một con người kiên định. Mình không biết nói thế nào cho hết lòng mến phục cậu. Mình sẽ giới thiệu cậu với Trần Minh.
Câu nói thu hút sự chú ý của Lý Ngọc Tú. Anh hỏi lại:
- Trần Minh là ai?
- Một trong những người chỉ đạo phong trào.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top