X30phaluoi4

Chương 10

"Phương án Việt Mỹ I"

Sài Gòn lại một phen nhốn nháo, hỗn loạn.

Những chiếc xe bọc sắt, xe GMC chở đầy lính nguỵ thuộc đủ mọi binh chủng, quần áo dã chiến, "võ trang tận răng", ầm ầm di chuyển trên các phố. Cần ăng-ten trên xe bọc sắt rung lên bên cạnh nòng những đại bác, đại liên lăm lăm chỉ chực nhả đạn. Bọn lính ngồi trên đoàn xe này nhìn bọn ngồi trên đoàn xe kia, giữa đơn vị này nhìn đơn vị kia, giữa binh chủng này nhìn binh chủng kia, tất cả gờm gờm như đề phòng lẫn nhau. Chúng di chuyển đi đâu, làm gì? Không ai biết! Ai ra lệnh cho chúng? Không ai biết! Chúng cũng không cần đặt ra những câu hỏi ấy vì từ khi khoác quần áo lính nguỵ, người ta đã biến chúng thành người máy chỉ biết phục tùng và bắn giết để tháng tháng được lĩnh một số lương ít ỏi và đẫm máu. Chúng đi và bắn vào bất cứ ai, kề cả họ hàng thân thích chúng, nếu kẻ trả lương chúng ra lệnh.

Thỉnh thoảng có một đoàn xe vận tải, vải bạt che kín mít, ầm ầm chạy ra ngoại thành. Đoàn xe chở gì? Đi đâu? Cũng không ai biết.

Có những đoàn người lạ mặt, bí mật vào các đồn cảnh sát, vào "Nha Tổng giám đốc Cảnh sát và Công an". Lực lượng cảnh sát và công an nguỵ quanh khu Sài Gòn-Chợ Lớn tăng lên rất nhanh, trong đó có nhiều tên mới xuất hiện lần đầu, vũ khí kè kè toả ra các ngả đường. Các trụ sở Cảnh sát quận thấy xuất hiện cả trung liên, đại liên và súng cối. Những vũ khí ấy ở đâu ra? Chúng định làm gì? Cũng không ai biết.

Bởi vì Sài Gòn hồi này hầu như vô chủ. Hay nói đúng hơn đang có cuộc thay đổi chủ. Giữa bọn tay sai Pháp và bọn tay sai Mỹ diễn ra cuộc tranh ăn quyết liệt. Đằng sau chúng, bọn thực dân mới và bọn thực dân cũ giấu mặt đấu nhau. Đài phát thanh Sài Gòn uốn lưỡi ca ngợi Ngô thủ tướng "bao năm lê gót nơi quê người"... còn đài phát thanh riêng của quân đội nguỵ lại bóng gió đả kích Ngô Đình Diệm âm mưu chia rẽ quốc gia, thủ tiêu tự do dân chủ.

Tướng li khai Hoà Hảo Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) đem bốn nghìn quân cuồng tín phong toả Sài Gòn. Bên kia cầu chữ Y đài phát thanh của Bình Xuyên cả ngày chửi rủa Ngô Đình Diệm và thôi thúc nhân dân tản cư ra khỏi Sài Gòn. Các cửa tiệm đóng cửa. Một tiếng nổ to làm người ta giật mình, hốt hoảng. Giá thực phẩm, lương thực lên vùn vụt. Ai có việc gì cần thiết ra đường đều vội vã, mắt sau, mắt trước. Thỉnh thoảng vài chiếc máy bay bay thấp gầm rú trên bầu trời Sài Gòn. Một chiếc xe díp không mang biển số, gắn loa phóng thanh, chạy trên các đường phố vừa rải truyền đơn vừa kêu gọi "triệt để ủng hộ Ngô thủ tướng". Nó bị cảnh sát của Lại Hữu Sang - người của Bình Xuyên - bắt giữ.

Báo chí Sài Gòn đã nhao nhao nói đến chuyện Mỹ có thể "thay ngựa giữa dòng". Có tin đồn đại sứ Mỹ Cô-lin cũng muốn thay Diệm.

Sài Gòn như nằm trên một kho thuốc súng, có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Dinh Gia Long của Ngô Đình Diệm có lúc hầu như bị cô lập hoàn toàn. Chỉ có bọn lính trong tiểu đoàn đặc biệt do tên đại tá Phi Luật Tân Na-pô-lê-ông Va-lê-ri-a-nô và ba tên sĩ quan Phi Luật Tân khác tổ chức, huấn luyện, trực tiếp chỉ huy là ở lại với Diệm.

Những tên lính khác rời bỏ dinh Gia Long. Diệm ngồi lì trong dinh. Cạnh Diêm, Ngô Đình Nhu rít thuốc lá liên tục bàn mưu, tính kế, bài binh bố trận. Hắn luôn luôn quay điện thoại liên lạc với các tướng lĩnh trong quân đội nguỵ mà hắn nắm được, các thủ lĩnh quân sự các giáo phái mà hắn mua được bằng tiền của Mỹ. Bọn này do sự nhạy bén của kinh nghiệm làm tay sai, biết rằng chủ Pháp đã hết thời trên đất Việt Nam nên chạy theo chủ mới qua quyền điều khiển của anh em Diệm - Nhu. Hơn nữa, ông chủ mới này trong túi loảng xoảng những đồng tiền vàng chạm nhau.

Có hai người nữa thường xuyên ở bên cạnh Ngô Đình Diệm: đại tá tình báo Mỹ Lên-sđên và... Phan Thúc Định. Ngô Đình Diệm đứng được trong lúc gay go này là nhờ ở sự ủng hộ của tên đại tá tình báo Mỹ cáo già. Hắn muốn dựng cốt, phết hồ, dán giấy cho một tên Mắc-say-say nữa ở Việt Nam như hắn đã làm ở Phi Luật Tân.

Tối nay, tại dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, bí mật. Buổi họp có tính chất quyết định chỗ đứng của anh em họ Ngô, quyết định những biện pháp của anh em họ Ngô đối với các lực lượng chống đối.

Lúc Phan Thúc Định bước vào phòng làm việc riêng thì thấy hai anh em họ Ngô đang đọc mấy tờ giấy, nét mặt rất bực tức. Diệm chỉ mấy tờ giấy nói với Phan Thúc Định:

- Cháu xem, bọn chúng định dùng sức ép với bác. Đây là thư từ chức của bốn nhân viên Cao Đài trong nội các. Đây là thư từ chức của bốn nhân viên Hoà Hảo cũng có chân trong nội các. Bác đã dành cho chúng tám ghế trong nội các, để cho Trần Văn Soái cả chức quốc vụ khanh kiêm uỷ viên quốc phòng trong quân đội, để cho bọn Bình Xuyên nắm công an, cảnh sát mà chúng vẫn chưa thoả mãn. Sáng nay, tên Lại Hữu Sang đã công khai không phục tùng lệnh của thủ tướng. Còn tên Hộ pháp Phạm Công Tắc thì đánh điện cho Bảo Đại yêu cầu phải thay đổi nội các để "tránh cuộc đổ máu trong nội bộ những người quốc gia". Chúng muốn gì? Chúng muốn lật ra. Chúng muốn nắm lấy tất cả mọi quyền hành. Nhưng chúng không biết rằng thời của chúng hết rồi. Người Mỹ nhất định sẽ không để cho người Pháp ở lại trên mảnh đất này. Người Mỹ sẽ quyết định chứ không phải là người Pháp! Chúng muốn nói đến chuyện đổ máu! Được! Bác sẽ cho chúng đổ máu. Bác chỉ còn đợi một ý kiến quyết định...

Hắn nhìn Phan Thúc Định trìu mến:

- Trong lúc khó khăn mới đánh giá được hết con người. Bác rất cảm động thấy trong lúc này, cháu vẫn luôn luôn ở bên cạnh bác. Cháu thực không phụ lòng tin của bác.

Phan Thúc Định hơi cúi đầu:

- Con vẫn nghĩ rằng: Chỉ theo cụ lớn mới có thể trả được thù và mới có thể làm nên sự nghiệp, giúp ích cho đất nước.

- Bác cảm ơn tấm lòng trung thành của cháu. Ngoài những người trong gia đình bác ra, bác chỉ còn mấy người thân cận như cháu.

Lên-sđên và Phi-sin bước vào. Diệm, Nhu niềm nở bắt tay và ân cần mời ngồi. Cuộc họp bắt đầu. Trước khi vào cuộc họp, Diệm quay sang hỏi Nhu:

- Chú có cần ra xem lại tình hình bọn lính canh gác ở ngoài cổng dinh không?

Nhu chưa kịp trả lời thì Lên-sđên đã gạt đi:

- Không cần! Theo chỗ tôi biết, bọn lính này là bọn rất trung thành với các ông. Đại tá Va-lê-ri-a-nô đã theo dõi thái độ từng thằng một. Bọn chống đối cũng không dám tấn công khi chúng tôi có mặt ở đây.

Hắn hỏi Ngô Đình Diệm:

- Sáng nay, tướng cao uỷ Pháp Ê-ly (40) đến gặp ngài thủ tướng phải không?

- Đúng. Tướng Ê-ly vừa từ Ba Lê đến Sài Gòn hôm qua. Sáng nay ông ta có đến hộ kiến với tôi. Ông ta có khuyên tôi nên thương thuyết với các lãnh tụ giáo phái để cứu vãn tình hình...

Lên-sđên ngắt lời Diệm:

- Xin lỗi ông, ông có thể nhắc lại nguyên văn lời ông ta nói không?

- Ông ta nói rằng: "Phải nhìn nhận tất cả rối rắm sẽ đưa lại một sự đổ vỡ tức thời. Phải tìm mọi cách để tránh hành động chiến tranh, những hành động sẽ đưa lại nhiều hậu quả không thể lường được và chỉ có lợi cho Việt Minh Cộng sản". Để cứu vãn tình hình hiện nay, ông ta đề nghị tôi và các lãnh tụ giáo phái phải mở lại các cuộc thương thuyết ngay lập tức. Ông ta có ý khuyên tôi nhượng bộ.

Phi-sin mỉm cười với Lên-sđên, nhận xét:

- Người Pháp vẫn muốn quay lại.

Lên-sđên tiếp tục hỏi Diệm:

- Vậy ông đã trả lời như thế nào trước sự gợi ý đó?

- Tôi không nói rõ cho ông ta biết ý đồ cụ thể của tôi, bởi vì tôi phải đợi tham khảo ý kiến các ông. Tôi chỉ nói: tôi sẽ cứu xét tất cả các ý kiến và sẽ tiếp xúc với những nhân vật cần thiết. Chừng như ông Ê-ly không được hài lòng với câu trả lời của tôi nên ông ta lại lưu ý tôi cứu xét tình hình mau lẹ, nếu chậm sẽ dẫn đến một sự đổ vỡ mà tai hại không thể lường được.

Phi-sin lại có nhận xét:

- Người Pháp doạ ông đấy.

Ngô Đình Diệm trịnh trọng:

- Tình hình rất khẩn trương, không cho phép chúng ta chậm chạp, do dự. Tôi mời các ông đến để bàn cách giải quyết. Chúng ta hãy xem xét lại tình hình, những âm mưu và hoạt động của bọn chúng. Tôi đã uỷ cho anh Phan Thúc Định theo dõi tình hình hoạt động của bọn chúng. Anh Định đã làm tốt việc đó. Anh có thể trình bày tổng quát lại cho tôi và các vị đây cùng nghe.

Phan Thúc Định rút trong cặp da ra một tập hồ sơ. Qua Hai Pôn - con trai Bảy Viễn, qua tên thư ký riêng của Trần Văn Soái, Phan Thúc Định đã nhanh chóng tổ chức được những "nguồn" riêng trong hàng ngũ các giáo phái chống đối Ngô Đình Diệm, thu thập được khá nhiều tin tức. Khi Phan Thúc Định trình bày thì Lên-sđên cũng mở cái cặp da của hắn, rút một tập hồ sơ ra. Định hiểu ngay tên đại tá tình báo này muốn thẩm tra những tin tức anh trình bày có đúng với những tin tức của màng lưới tình báo Mỹ nắm được không. Anh liếc mắt nhanh nhìn tập hồ sơ của hắn, thấy có cả những chiếc ảnh chụp kèm theo. Anh biết rằng những hoạt động của các giáo phái chống Ngô Đình Diệm mà anh trình bày đây, ngoài anh nắm được ra, không những nó đã được cơ quan CIA theo dõi đầy đủ mà còn được những màng lưới riêng của Trần Kim Tuyến, của Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục tốn công, tốn của tìm hiểu nữa. Bởi vì những hoạt động ấy có ảnh hưởng tới sự sống còn của anh em họ Ngô. Bởi vì cả mấy thằng trùm tình báo Mỹ lẫn anh em họ Ngô cũng muốn nhân dịp này, im lặng đo sự thành thực của Phan Thúc Định đối với bọn chúng.

Phan Thúc Định nói:

- Bẩm cụ lớn, con vẫn hằng trình bày thường xuyên những tin tức con nắm được với cụ lớn. Hôm nay, con xin trình bày những nét tổng quát theo lời cụ lớn dạy với các vị đây...

Như các vị đã biết, việc cụ Ngô về nắm chính quyền, cựu hoàng Bảo Đại không bằng lòng một chút nào. Dưới sự thuyết phục của đại sứ Mỹ và không thể làm trái với lời khuyên bảo của chính phủ Pháp, Bảo Đại bắt buộc phải nhận để cụ Ngô tổ chức nội các. Nhưng ngay từ đầu, Bảo Đại đã ra điều kiện: trong nội các phải để từ tám đến mười hai ghế quan trọng cho những người thân Pháp, tay chân của ông ta. Ông ta muốn rằng dù đứng đầu nội các là cụ Ngô nhưng người của ông ta vẫn lũng đoạn nội các; nội các vẫn là một nội các hoàn toàn trung thành với ông ta. Sự việc diễn ra không đúng như ý ông ta muốn. Mới chỉ một vài tháng cầm quyền thôi, cụ Ngô đã chứng tỏ cho Bảo Đại biết cụ là người cương quyết có đường lối riêng của mình.

Bên ngoài, Bảo Đại phải im lặng. nhưng bên trong ông ta tìm mọi cách để lật cụ Ngô. Vào cuối tháng chín năm 1954, đã có một cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Bảy Viễn tại thị trấn Can-nơ trên đất Pháp. Trong cuộc gặp gỡ này, Bảo Đại phàn nàn với Viễn rằng cụ Ngô đã ra mặt chống ông ta bằng cách gạt những người thân cận của ông ta ra khỏi nội các. Bảo Đại hứa nếu Bảy Viễn lật được cụ Ngô, lập được chính phủ "Liên hiệp quốc gia" thì sẽ tấn phong Viễn làm thủ tướng.

Trở về Sài Gòn, Viễn hoạt động ráo riết vận động các lãnh tụ của hai giáo phái lớn có quân đội riêng của Cao Đài và Hoà Hảo, liên kết thành một lực lượng thống nhất, âm mưu lật đổ cụ Ngô. Cố vấn chính trị của Viễn là Lại Hữu Tài liên tiếp gặp Hộ pháp Phạm Công Tắc và tướng Trần Văn Soái, tướng Lê Quang Vinh. Ngoài ra, Bảy Viễn thường bí mật gặp tướng Nguyễn Văn Hinh. Sự hoạt động của Bảy Viễn và Lại Hữu Tài có sự khuyến khích nâng đỡ ngầm của Bảo Đại, Nguyễn Văn Hinh, đã dẫn tới việc thành lập một cái gọi là "Mặt trận Thống nhất toàn lực quốc gia" vào giữa tháng ba 1955 vừa qua.

Cái mặt trận này ra một thông cáo báo tin tám tổng trưởng, bộ trưởng Cao Đài, Hoà Hảo trong nội các từ chức để làm cho nội các do cụ Ngô lãnh đạo tan rã. Bản thông cáo này do Bình Xuyên thảo ra và cho phổ biến, chỉ lấy ý kiến của Phạm Công Tắc, Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh. Một số tưởng lĩnh khác của Cao Đài, Hoà Hảo không được hỏi ý kiến trước. Vì thế, hai tướng Trịnh Minh Thế và Nguyễn Thành Phương của Cao Đài có chân trong nội các, đã phản đối kịch liệt và tuyên bố không từ chức, tỏ ý vẫn tiếp tục hợp tác với cụ Ngô.

Ngày 28 tháng 3, chủ tịch đoàn "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" do tướng Lê Văn Viễn triệu thỉnh, họp phiên đặc biệt. Dự phiên họp có tướng Lê Văn Viễn đại diện nhóm Bình Xuyên; Hộ pháp Phạm Công Tắc đại diện nhóm Cao Đài; tướng Trần Văn Soái đại diện nhóm Hoà Hảo; tướng Lâm Thành Nguyên đại diện tướng Hoà Hảo Lê Quang Vinh. Họ đã quyết định:

1) Yêu sách thủ tướng Ngô Đình Diệm phải thương nghị với "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia". Địa điểm họp phải do Mặt trận định, không đồng ý thương nghị tại dinh Gia Long vì sợ đại diện của Mặt trận bị bắt hoặc bị ám sát.

2) Khai trừ tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài vì tướng Phương không chịu rút khỏi nội các của cụ Ngô. Giáo chủ Cao Đài cử tướng Lê Văn Tất thay thế tướng Phương làm đại diện quân đội Cao Đài trong Mặt trận. Tướng Trịnh Minh Thế của Cao Đài rút ra ngoài Mặt trận được ghi vào biên bản và cũng sẽ có chủ trương xử lí sau.

3) Bắt buộc các quốc vụ khanh, tổng bộ trưởng Cao Đài và Hoà Hảo phải từ chức, bất hợp tác với nội các của cụ Ngô, gây một sự rối loạn nghiêm trọng dẫn đến sự tan vỡ của nội các đó.

4) Cấp tốc chấn chỉnh lại các lực lượng võ trang của các giáo phái. Giao trách nhiệm cho Hoà Hảo phong toả kinh tế trong đô thành. Dùng lực lượng võ trang của ba giới phái nắm trong tay, có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát, công an của Lại Hữu Sang, với sự ủng hộ ngầm của tướng Nguyễn Văn Hinh, cướp lấy chính quyền trong tay cụ Ngô, thành lập một nội các thân Pháp.

Các vị cũng đã biết: ngay sau đó một "Uỷ ban phong toả kinh tế đô thành" được thành lập do tướng Hoà Hảo Ba Cụt chỉ huy.

Quân Hoà Hảo đã chặn các đường vào Sài Gòn-Chợ Lớn. Tướng Lê Văn Viễn rút về phía bên kia cầu chữ Y, đặt đại bản doanh Bình Xuyên tại đó. Tướng Nguyễn Văn Hinh đã bí mật chuyển một số lớn vũ khí, đạn dược của quân đội Liên hiệp Pháp cho bọn Bình Xuyên từ Rừng Sác kéo về. Rất nhiều quân của Bình Xuyên đã được bí mật bổ sung vào các đơn vị cảnh sát thuộc quận 6, quận 7 và quận 8 ở Chợ Lớn. Trụ sở cảnh sát trung ương ở đại lộ Trần Hưng Đạo được tăng cường lên đến 3 tiểu đoàn. Họ đã chuẩn bị xong tất cả. Theo tin tức tôi được biết, chắc chắn ngày mai họ sẽ nổ súng...

Phan Thúc Định vừa trình bày, vừa quan sát thái độ của những người ngồi nghe. Mỗi lần nghe thấy nhắc đến những hành động, âm mưu chống đối mình, Ngô Đình Diệm không giấu nổi vẻ căm tức, bực bội. Bàn tay to bè, ngắn ngủn của hắn để trên bàn nắm chặt lại. Ngô Đình Nhu không tỏ thái độ gì, im lặng rít thuốc lá, mắt ngước lên trần nhà như đã có chủ định sẵn. Lên-sđên ra vẻ mải đọc tập hồ sơ riêng của hắn, nhưng Phan Thúc Định biết hắn đang theo dõi từng lời nói của anh. Phi-sin thỉnh thoảng gật đầu như chợt nảy ra một ý kiến gì đó qua lời trình bày của Phan Thúc Định. Khi Định trình bày xong. Phi-sin buông một câu:

- Bọn chúng quên rằng người Pháp đã thất bại rồi.

Lên-sđên không nói gì, đưa cho Ngô Đình Diệm và Phan Thúc Định xem mấy cái ảnh, vẻ tự đắc. Đó là ảnh cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Bảy Viễn ở Can-nơ, ảnh cuộc họp giữa Bảy Viễn và các tướng lãnh trùm giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo, ảnh nhũng chiếc xe vận tải GMC bịt kín của quân đội Liên hiệp Pháp đi qua cầu chữ Y, ảnh một đồn cảnh sát ở Chợ Lớn đang bố trí chuẩn bị chiến đấu...

Tên trùm CIA muốn tỏ cho mọi người biết bọn CIA, chỗ nào cũng có mặt, những tin tức mà Phan Thúc Định vừa nói, bọn chúng cũng biết hết cả rồi và hơn nữa lại có tài liệu cụ thể rõ ràng bằng những bức ảnh chụp. Thái độ của Lên-sđên như ngầm nói: tất cả mọi việc đều không thể lọt qua được mắt CIA.

Trong khi Phan Thúc Định nhìn bức ảnh, đoán xem chúng được chụp bằng loại máy gì và người chụp đứng ở góc độ nào thì Ngô Đình Diệm trầm trồ:

- Tôi có cảm tưởng cả thế giới ở trong tay các ông.

Lên-sđên nhếch một nụ cười tự mãn. Ngô Đình Diệm quay về phía Nhu:

- Chú có ý kiến gì không?

Thường thường Nhu ít nói, nhưng khi hắn nói thì giọng hắn đanh lại, quỷ quái, thâm độc, tàn nhẫn như những ý nghĩ hắn vẫn nung nấu trong đầu:

-... Thưa thủ tướng và các vị. Theo ý tôi, chúng ta đã nhượng bộ nhiều rồi. Trước khi về nước chấp chính, trong cuộc gặp gỡ với Bảo Đại ở Pháp, thủ tướng đã thoả thuận với Bảo Đại để dành từ 8 đến 12 ghế tổng, bộ trưởng, thứ trưởng cho các phe phái ủng hộ hắn trong nội các của thủ tướng. Bởi vì lúc ấy chúng ta nghĩ rằng: chúng ta chỉ có một kẻ thù là Cộng sản; chúng ta chỉ có một nhiệm vụ là chống Cộng sản. Chúng ta có thể bắt tay và thoả hiệp bất cứ ai chống Cộng như chúng ta. Chúng ta nhượng bộ Bảo Đại và những người của hắn với mục đích làm cho công cuộc chống Cộng có hiệu lực, kết quả nhất, chớ không để đi đến chỗ thất bại như người Pháp đã làm.

(Lên-sđên và Phi-sin gật đầu tán thưởng).

Chứ đối với chúng ta, Bảo Đại có nghĩa lí gì. Một đứa con hoang được dựng lên làm vua, chẳng có quyền hành gì, thấy ai mạnh thì theo để tìm cách hưởng lạc. Đã đầu hàng Cộng sản năm 1 945 rồi lại quay sang theo Pháp. Cuộc đời của hắn chỉ có tiền và gái. Hắn còn đòi hỏi cái gì nữa, khi ta vẫn để nguyên cho hắn hưởng tiền và gái. Hắn và lũ người theo hắn không hiểu thiện chí của chúng ta, không như chúng ta: phục vụ sứ mệnh cao cả thiêng liêng mà Chúa đã trao cho chúng ta như một thiên mệnh, là chống Cộng và chăn dắt dân lành.

(Ngô Đình Diệm gật đầu hể hả).

Bây giờ mới bộc lộ rõ: họ chỉ mượn nhãn hiệu chống Cộng để kiếm ăn, để làm giàu, để đòi chia quyền hành. Đã đến lúc họ chỉ làm cản trở công việc chống Cộng của chúng ta. Nay, họ đòi hỏi chúng ta điều này; mai, họ đòi hỏi chúng ta điều khác. Họ không hiểu mình, hiểu người một chút nào. Họ tưởng với mười ngàn khẩu súng trong tay, họ có thể làm chúng ta phải khuất phục. Nhưng họ muốn là một việc, thực tế lại là một việc khác. Sẽ có nhiều cái bất ngờ xảy ra đối với họ và những cái bất ngờ ấy sẽ dẫn họ đến chỗ... chết. Tôi xin phân tích để thủ tướng và các vị thấy rõ.

(Càng nói, giọng Ngô Đình Nhu càng trở nên hùng hồn khi thấy thái độ Phi-sin và Lên-sđên tán thưởng, chăm chú theo dõi).

Đầu tiên. đúng như ngài giáo sư Phi-sin vừa có nhận xét mỉa mai về bọn họ: họ quên rằng người Pháp, chỗ dựa của bọn họ, đã bại trận rồi. Người Pháp khuyến khích ngầm họ, nhưng sẽ không dám công khai giúp đỡ họ. Lời tuyên bố của tướng Ê-ly là một chứng cớ. Ông ta muốn xoa dịu tình hình nhưng không dám nói một câu nào cụ thể ủng hộ Bảo Đại và những người của hắn. Các quan chức người Mỹ đã hứa hẹn với chúng ta chắc chắn người Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Người Pháp rút khỏi, sẽ không có chỗ đứng cho bọn họ.

Việc chống Cộng ở Việt Nam đã do người Mỹ chính thức giúp đỡ. Các quan chức Mỹ đã tỏ ý không muốn Bảo Đại và những người của hắn có mặt trong hàng ngũ những người chống Cộng mới và thực sự chống Cộng như chúng ta.

(Ngô Đình Nhu nhìn Lên-sđên và Phi-sin để xem phản ứng của hai tên này. Lên-sđên gật đầu. thêm vào: - Trước hết là cơ quan CIA chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết sự bất lực của họ).

Thứ hai là: bề ngoài tuy họ có vẻ thống nhứt đứng sau Bảo Đại nhưng bên trong họ năm bè bảy mối. Trong quân đội, trừ tướng Nguyễn Văn Hinh và một số người thân cận của Hinh ra thì tuyệt đại đa số đã chán ghét người Pháp sau kì bại trận và phải rút khỏi miền Bắc. Tâm lí họ đang háo hức đón chờ người Mỹ, chờ đợi sự giúp đỡ giàu có của nước Mỹ. Họ đang ao ước được Mỹ hoá. Họ cũng biết người Mỹ chỉ ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Tôi có liên lạc với nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội. Họ không trung thành với tướng Hinh nữa, nhất là những sĩ quan trẻ. Họ đang muốn có sự thay đổi. Họ sẵn sàng chờ lệnh chúng ta. Họ sẵn sàng bày tỏ lòng trung thành với thủ tướng. Lính tráng thì ai chỉ huy cũng được, đánh ai cũng được, miễn là trả họ nhiều tiền. Họ cũng đang hi vọng người Mỹ trực tiếp viện trợ, họ sẽ được mặc quần áo đẹp, lương được tăng, có nhiều tàu bay và ô tô đi.

Về các giáo phái thì nhờ có sự giúp đỡ của ngài đại tá Lên- sđên đây, chúng ta đã "mua" được tướng Nguyễn Giác Ngộ của Hoà Hảo, tướng Nguyễn Thành Phương của Cao Đài... các tướng tá đó đã ra tuyên bố chống lại Phạm Công Tắc và Trần Văn Soái, trung thành với thủ tướng Ngô Đình Diệm. Nếu có nổ súng, họ sẽ đem quân bản bộ theo chúng ta đánh lại những thủ lĩnh của họ trước đây. Do đó ta thấy thực lực của Cao Đài, Hoà Hảo suy yếu nhiều. Còn Bình Xuyên thì là một bọn đầu trộm đuôi cướp ô hợp, lúc dựa dẫm vào nhau đắc thế thì hò hét nhặng xị, lúc một hai đứa bị đánh đau thì sẽ bỏ chạy như vịt.

Tóm lại, bọn họ cả về thế lẫn lực đều suy yếu, không có gì đe doạ nổi chúng ta.

Ngô Đình Diệm mỉm cười như đã nhìn thấy sự thất bại của bọn chống đối. Lên-sđên nghiêm trang hỏi Ngô Đình Nhu:

- Các ông cho biết kế hoạch hành động của các ông?

Nhà "chiến lược gia" kiêm "lí luận gia" của gia đình họ Ngô không cần mở một quyển sổ, một tờ giấy ra xem. Tất cả mọi kế hoạch như đã sắp sẵn trong đầu hắn. Hắn nói ngay, rành mạch từng điểm một, theo sự rõ ràng rành mạch của nghề thư mục cũ của hắn:

-... Tôi cho rằng muốn tập trung lực lượng để diệt trừ Cộng sản thì trước hết phải gạt bỏ hết những kẻ chống đối chúng ta ở miền Nam này. Quân đội cộng hoà và cảnh sát công an phải ở trong tay chúng ta, ở trong tay những người tuyệt đối trung thành với chúng ta. Lúc này, Việt Minh đã tập kết ra Bắc, là cơ hội tốt nhất để chúng ta rảnh tay thanh toán bọn chống đối. Tôi đề nghị:

1. Cải tổ lại quân đội cộng hoà và lực lượng cảnh sát công an. Cấp tốc bố trí những người trung thành với chúng ta vào các cấp chì huy. Sử dụng viện trợ trong việc "mua" các tướng cũ trong quân đội Liên hiệp Pháp. Mời thêm các cố vấn Hoa Kỳ thay thế cố vấn Pháp, tiến tới hoàn toàn nhờ chánh phủ Hoa Kỳ giúp đỡ việc tổ chức, huấn luyện, trang bị... Gạt Nguyễn Văn Hinh và những người của hắn ra khỏi bộ quốc phòng, gạt nhóm Bình Xuyên ra khỏi lực lượng cảnh sát, công an. Về việc gạt Nguyễn Vãn Hinh và nhờ chính phủ Hoa Kỳ giúp thêm cố vấn, tổ chức, huấn luyện, trang bị lại cho quân đội cộng hoà, lực lượng công an cảnh sát, chúng tôi nhờ đại tá Lên-sđên và giáo sư Phi-sin có mặt ở đây chuyển giùm ý kiến của chúng tôi tới đại tá Cô-lin và chánh phủ Hoa Kỳ.

2. Thanh toán lực lượng võ trang của các giáo phái, các đoàn thể chính trị đối lập bằng hai cách:

a. Thuyết phục các lãnh tụ đối lập đem lực lượng quân sự họ sáp nhập vào quân đội cộng hoà gọi là "quốc gia hoá" như trường hợp đối với tướng Trịnh Minh Thế và tướng Nguyễn Thành Phương. Trước mắt, thực hiện ngay việc phân tán năm nghìn quân Cao Đài của tướng Nguyễn Thành Phương và cũng làm như thế đối với quân Hoà Hảo của Nguyễn Giác Ngộ.

Tôi xin có ý kiến thêm: bọn này dù đã đầu hàng ta, chúng ta cũng không thể tin chúng, không thể nuôi ong tay áo để rồi có ngày chúng có thể hại ta. Quân thì chúng ta phân tán, tướng thì chúng ta cũng phải trị bằng... "một viên đạn đằng sau" - tất nhiên không phải là ngay bây giờ - để khỏi lo hậu hoạn. (Cả Ngô Đình Diệm, cả Lên-sđên và Phi-sin đều gật đầu).

b. Dùng võ trang đè bẹp ngay các cuộc nổi loạn chống đối hiện nay của các tướng Bảy Viễn, Năm Lửa và Ba Cụt. Ở miền Trung, thì quét sạch bọn Đại Việt. Chúng ta sẽ tiêu diệt chúng một cách không thương tiếc. Chúng ta sẽ nổ súng trước khi chúng hành động.

3. Phải sớm chấm dứt chế độ quốc trưởng với vai trò của Bảo Đại. Chỉ có một người lãnh đạo ở miền Nam này là Ngô thủ tướng, tiến tới một chế độ chính trị như ở Hoa Kỳ và thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ làm tổng thống. Phải xây dựng hậu thuẫn vững mạnh cho thủ tướng Ngô Đình Diệm ngay từ bây giờ.

Hiện nay, ảnh hưởng của Pháp còn khá mạnh trong các từng lớp thượng lưu và trung lưu, ảnh hưởng của Cộng sản còn mạnh trong các tầng lớp lao động. Truất phế Bảo Đại là một cách loại trừ ảnh hưởng của Pháp. Đồng thời, chúng ta gấp rút phát triển đảng Cần lao nhân vị và phong trào cần lao trong các giới, các ngành để thu hút quần chúng, loại trừ ảnh hưởng của Cộng sản.

Sau khi đã thanh toán các phe đối lập, củng cố vững vàng sự chấp chính của Ngô thủ tướng rồi chúng ta sẽ dốc toàn tâm, toàn lực vào tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản trên mảnh đất Việt Nam này...

Nghe Nhu nói đến đâu, các thớ thịt trên bộ mặt thiết bì, thô bỉ của Ngô Đình Diệm nở giãn ra đến đó. Lên-sđên và Phi-sin cúi xuống trao đổi nhỏ với nhau. Sau khi trao đổi, Lên-sđên nói với Diệm và Nhu:

- Chúng tôi tán thành ý kiến của ông cố vấn vừa trình bày. Kế hoạch hành động ông phác ra phù hợp với việc thực hiện kế hoạch của CIA chúng tôi đã thống nhất với ngài thủ tướng trước khi ngài về nước. Tại sao các ông chưa hành động cương quyết?

Ngô Đình Diệm nhìn hai tên Mỹ, chậm chạp vừa nói, vừa thăm dò:

- Chúng tôi còn đợi... thái độ của... người Hoa Kỳ. Không kể dư luận một số báo chí Mỹ gần đây, nhưng theo tin tức riêng và sứ quán của chúng tôi ở Hoa Thịnh Đốn cũng điện về cho biết, có thể các ông sắp sửa thôi ủng hộ tôi. Chúng tôi muốn được biết rõ điều đó!

Lên-sđên ngửa mặt lên cười lấp câu hỏi của Diệm:

- Chúng tôi đã nói với ông là ai cũng thấy Việt Nam cần có một người lãnh đạo... Ông vẫn là thủ tướng. Chứng tôi vẫn ủng hộ ông. Tôi xin nhắc lại: Chúng tôi vẫn ủng hộ ông. Riêng cá nhân tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ ông ở cương vị hiện nay.

Ngô Đình Nhu phấn khởi cương quyết:

- Thế thì chúng tôi có thể hành động ngay được.

Lên-sđên trở lại thái độ nghiêm trang ngay:

- Tôi xin nói rõ thêm: để bảo đảm được sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ, các ông cần cam kết sẽ đè bẹp được hoàn toàn các lực lượng thân Pháp chống đối và phải dốc hết mọi cố gắng vào việc chống Cộng.

Không cần suy nghĩ, Ngô Đình Diệm gật đầu:

- Tôi xin cam kết thực hiện điều đó. Các ông đồng ý chứ?

- Tốt. Các ông coi tất cả những điều gì không phải chúng tôi nói với các ông đều là những tin đồn không căn cứ.

Ngô Đình Diệm nhìn hai tên Mỹ, trịnh trọng:

- Nếu các ông đã nhất trí, không có gì bàn thêm, cho phép tôi tuyên bố: phương án chính trị do ông cố vấn vừa trình bày được mệnh danh là "Phương án Việt Mỹ I" có hiệu lực từ giờ phút này...

Nhìn đồng hồ, hắn nói:

- Không giờ ba mươi lăm phút.

Hắn quay lại phía Ngô Đình Nhu:

- Chú ban lệnh phản công và ngay buổi sáng phải nổ súng, nổ hết cỡ. Tung hết lực lượng ra, không ngại gì nữa. Bảo viết sẵn cho tôi một bản hiệu triệu dân chúng, lời lẽ thật thống thiết vào.

*

* *

Gần sáng, từng đoàn xe thiết giáp rầm rộ từ trung tâm Sài Gòn theo đại lộ Trần Hưng Đạo tiến vào Chợ Lớn. Lính bộ được lịnh báo động lên xe cơ giới chuyển đi các ngả. Lính dù, quần áo loang lổ chẽn lấy người, hung hãn vác tiểu liên chặn các đường phố, vây các đồn cảnh sát; xe tăng xe bọc sắt lù lù chặn các ngã tư giao thông.

Chín giờ sáng, súng nổ dữ dội vào quân Bình Xuyên và các giáo phái.

Trong dinh Gia Long, Diệm xoa hai bàn tay vào nhau, hể hả.

Ở cơ quan kỹ thuật số 5 của phân bộ CIA Sài Gòn, tên đại tá Lên-sđên vừa chỉ thị cho Tô-ma theo dõi tình hình cuộc tranh chấp, vừa điện về cho tên trùm CIA A-len Đa-lớt:

"Diệm là người tuyệt đối trung thành với Mỹ, là người triệt để chống Cộng sản. Đề nghị ngài báo cáo lại với ngài ngoại trưởng Phô-stơ Đa-lớt giữ lại Diệm và huỷ bỏ bức điện vừa qua của ngài ngoại trưởng gửi đại sứ Cô-lin ở Sài Gòn tìm người thay thế Diệm".

Hôm đó là ngày hai mươi tám tháng tư năm một ngàn chín trăm năm mươi lăm.

Chương 11

Nỗi lo sợ của Thuý Hằng

Phan Thúc Định vừa đỗ xe ở cửa Liberty Palace thì trông thấy Thuý Hằng từ trong tiệm đi ra. Thuý Hằng nhớn nhác nhìn trước nhìn sau như tìm gì. Định mở cửa bước xuống. Mọi khi, Thuý Hằng đã trông thấy anh ngay và mỉm cười chào anh. Lần này, Định rất ngạc nhiên khi thấy tâm trí Hằng như không để ý gì đến chung quanh cả. Anh lạ lùng tiến lại phía Thuý Hằng gọi:

- Thuý Hằng!

Thuý Hằng giật mình nhận ra anh:

- Chào anh!

Định thấy nụ cười trên môi cô rất gượng gạo. Anh hỏi:

- Cô làm sao mà mặt tái đi thế? Hình như cô đang tìm gì thì phải: Cô có mất cái gì không?

Thuý Hằng nói vội vã, tiếng nói cũng không bình thường:

- Xin lỗi anh, hôm nay em không đi làm được. Em đang tìm một chiếc tắc xi để về.

- Cô bị mệt ư? Xe máy của cô đâu?

Thuý Hằng lắc đầu:

- Không! Không! Em không bị mệt! Em chỉ thấy người nôn nao khó chịu. Xe máy em để nhà. Lúc chiều. Rơ-nê đến đón em đi.

- Rơ-nê ở Huế mới đến đây?

- Vâng!

Phan Thúc Định hơi bậm môi lại, nhưng anh trở lại thái độ lịch sự hằng ngày rất nhanh. Anh chỉ về phía chiếc xe của mình:

- Nếu không có gì phiền, cô đừng gọi tắc xi nữa. Mời cô lên xe tôi, tôi xin phép được đưa cô về nhà...

Thuý Hằng bối rối ngập ngừng:

- Nhưng... em chưa về nhà. Em muốn đi một vài nơi nữa.

Phan Thúc Định nhã nhặn:

- Tối hôm nay tôi cũng không bận gì. Tôi có thể đưa cô đi được.

Sau khi suy nghĩ, Thuý Hằng gật đầu:

- Vâng, nhờ anh đưa em đi vậy.

Thuý Hằng đi theo Phan Thúc Định ra xe. Nàng nói một câu như nói với chính mình:

- Lúc này, em cũng thấy cần có một người bên cạnh em.

Định vờ như không nghe thấy. Anh đang đặt câu hỏi về thái độ hoảng hốt của Thuý Hằng. Tại sao cô lại bỏ dở buổi làm? Tại sao cô lại lúng túng, bối rối, có những nét sợ hãi hiện trên nét mặt. Tất cả thái độ không bình thường của cô ấy có hên quan gì đến cuộc gặp gỡ giữa cô với Rơ-nê vừa rồi? Từ lâu, Định biết Rơ-nê - người Pháp kiều phụ trách chi nhánh hãng "Pháp quốc hàng không" ở Huế, đồng thời là một nhân viên quan trọng của SEDCE - rất mê Thuý Hằng. Mỗi lần về đến Sài Gòn, bao giờ hắn cũng phải có mặt ở Liberty Palace. Hắn mang đến cho Thuý Hằng rất nhiều thứ, từ lọ nước hoa đắt tiền ở Pa-ri đến những thước tơ lụa đẹp đẽ ở Bông-bay, từ con búp bê sặc sỡ bộ quần áo dân tộc đóng trong hòm kính của Nhật Bản đến chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn của Thuỵ Sĩ. Những thứ ấy, hoặc hắn gởi mua, hoặc những nhân viên hàng không khi ghé qua thủ đô các nước, mua làm quà cho hắn. Thuý Hằng từ chối nhiều lần không được, vì với phong cách lịch sự rất "Pháp", hắn lại gửi qua bưu điện kèm theo tấm danh thiếp với những lời lẽ vừa văn hoa, vừa trân trọng. Những thứ quà ấy không làm thay đổi được Thuý Hằng. Mặc dù nghề nghiệp bắt buộc cô phải tiếp chuyện, phải khiêu vũ, nhưng đối với những người nước ngoài, bao giờ Thuý Hằng cũng dè dặt. Cô rất nhã nhặn nhưng không bao giờ để họ suồng sã. tự nhiên nhưng không quá trớn. Đối với Rơ-nê, thái độ của Thuý Hằng cũng vậy. Có lẽ một phần vì thái độ ấy mà Rơ-nê càng say mê Thuý Hằng hơn, trong sự say mê có pha chút vị nể.

Phan Thúc Định mở máy xe và nhìn Thuý Hằng chờ đợi. Thuý Hằng nói:

- Anh cho em xuống Gia Định.

Chiếc xe chuyển bánh, sang số. Những cửa hàng nhấp nháy ánh đèn, những xe cộ, những bóng người loáng thoáng ngoài cửa kính. Thỉnh thoảng xe dừng lại trước ngã tư khi có hiệu đèn đỏ. Khung kính phía trước xe hiện ra bóng mấy tên cảnh sát mặc quần áo trắng hoặc một chiếc xe của bọn quân cảnh đi nghênh ngang. Xe chạy lẫn vào dòng xe cộ tấp nập xuôi ngược, nhiều nhất là xe nhà binh. Những chiếc xe nhà binh sơn màu đất với biển số màu vàng, vùn vụt đi lại, tương phản với vẻ hoa lệ bề ngoài của thành phố, như những vết bùn trên một chiếc áo hoa sặc sỡ.

Phan Thúc Định và Thuý Hằng ngồi trong xe, cùng im lặng. Vẳng vào trong xe tiếng động cơ lộn xộn, tiếng loa phóng thanh rao hàng, tiếng nhạc, tiếng còi rít của cảnh sát. Chiếc xe rời phố lớn đi về phía Gia Định. Tay lái của Phan Thúc Định hoàn toàn dưới sự điều khiển của Thuý Hằng. Mắt Thuý Hằng đăm đăm nhìn về phía trước, nôn nóng như cảm thấy chiếc xe chạy quá chậm. Cô nói từng câu "Rẽ trái, anh", "Anh cứ đi thẳng", "Quành tay mặt, anh"...

Đến một phố ở Gia Định, cô bảo Định đỗ xe lại:

- Anh ngồi đợi em ở ngoài này nhé!

Cô mở cửa xe, bước xuống. Cô quay trở lại giữa phố, rẽ vào một ngõ nhỏ. Dáng cô đi vội vã gần như muốn chạy. Bóng cô thoáng hiện ra, thoáng bị lấp đi giữa những người đi chơi tối đầy hè đường, rồi biến mất vào trong ngõ. Phan Thúc Định nhìn theo, ngồi yên trên xe, rút thuốc lá hút.

Mười phút sau, Thuý Hằng chạy ra. Mặt cô xanh hơn trước. Cô mở cửa xe, bước vội lên:

- Anh cho em quay về Sài Gòn.

Tuy ngạc nhiên trước sự biến đổi mỗi lúc một khác của Thuý Hằng nhưng Phan Thúc Định cũng giữ thái độ tôn trọng, không hỏi gì cô. Anh lẳng lặng lái xe quay về. Gần đến Sài Gòn anh quay sang nhìn Thuý Hằng chờ đợi. Tiếng Thuý Hằng hơi run run:

- Anh cho em đến đường Võ Tánh.

Đến đầu đường Võ Tánh, Thuý Hằng lại bảo Phan Thúc Định ngồi trên xe đợi cô. Một lúc sau, cô quay lại, vẻ thờ thẫn, bối rối khác hẳn trước. Lúc Định với tay mở cửa xe đón cô, cô bước vào xe, ngả người trên nệm một cách nặng nề. Cô không nói gì cả, mắt rơm rớm như muốn khóc. Đợi một chút không thấy cô nói gì, Định hỏi:

- Bây giờ, cô cần đi đâu nữa?

Thuý Hằng giật mình. Cô chớp mau mắt:

- Em không biết đi đâu bây giờ nữa.

- Tôi đưa cô về tiệm.

- Em không thể đi làm được buổi hôm nay.

- Hay tôi đưa cô về nhà?

- Về nhà lúc này, em không thể ngồi yên được.

Phan Thúc Định dè dặt:

- Xin lỗi cô, cô đang có điều gì hoảng hốt, lo sợ thì phải. Nếu cô tin tôi. tôi có thể giúp cô được phần nào chăng?

Thuý Hằng nhìn Phan Thúc Định. Không, cô không nghi ngờ gì người thanh niên trí thức ở Pháp về này cả. Qua những lần tiếp xúc, qua nhiều buổi chuyện trò với anh, Thuý Hằng thấy Phan Thúc Định là một con người thật đáng kính mến, quý trọng, vì thái độ lịch sự bao giờ cũng tôn trọng cô của anh, vì sự hiểu biết sâu sắc mọi vấn đề của anh. Cô tin anh vì thái độ trước sau như một, lúc nào cũng hết sức chân thành, thẳng thắn của anh. Đôi lúc cô hỏi ý kiến anh về vấn đề này, vấn đề nọ, thấy anh góp những ý kiến rất đúng đắn, hợp tình hợp lí, giúp cô giải quyết vấn đề đó tốt đẹp. Trong cuộc sống phải tiếp xúc khá phức tạp của cô, nếu tin được một người nào đó ngoài những người ruột thịt của cô ra, thì người ấy chỉ có thể là Phan Thúc Định.

Phan Thúc Định gợi ý:

- Hình như nỗi lo sợ, hoảng hốt của cô có liên quan đến việc cô gặp Rơ-nê vừa rồi?

Thuý Hằng ngập ngừng:

- Anh đoán không nhầm. Buổi gặp gỡ vừa rồi, Rơ-nê đã làm em rất lo sợ. Bây giờ đầu óc em rối loạn, em chẳng còn suy nghĩ được gì nữa.

- Hắn doạ dẫm cô? Cưỡng bức cô làm một điều gì trái với lương tâm?

Thuý Hằng lắc đầu:

- Không phải thế. Không ai có thể doạ dẫm, cưỡng bức em được. Em khòng giấu gì anh cả, em sẽ nói anh nghe. Anh cho xe chạy đi, ra phố nào vắng, ra bờ sông, ra ngoại thành cũng được. Em thèm một sự yên tĩnh. Làm thế nào bây giờ được nhỉ?...

Phan Thúc Định mở máy xe. Chiếc xe từ từ quay bánh. Anh chọn những phố vắng và nghe Thuý Hằng kể.

... Mọi người đều biết mẹ Thuý Hằng đã chết, ba cô gửi cô cho một người trong họ nuôi và ra bưng ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không một ai được biết ba cô đã trở về nội thành hoạt động từ lâu. Hoạt động của ba cô rất bí mật. Cô hoàn toàn không được biết tí gì về ba cô ở đâu, đang làm gì. Chỉ thỉnh thoảng, một năm vài lần, cô nhận được một lá thư dán kín của ba đến tay cô rất đột ngột. Trong thư, chỉ có mấy dòng chữ ngắn ngủi vừa hỏi thăm vừa khuyên nhủ với một chữ kí không rõ tên. Chỉ có thế thôi, chỉ có mấy dòng chữ ngắn ngủi đó thôi đủ đem lại cho cô một sức sống kì lạ. Mặc dù hoàn cảnh xô đẩy cô phải đi làm ở tiệm nhảy để sinh sống nhưng mấy dòng chữ ngắn ngủi của người cha tham gia kháng chiến ấy đã đem lại cho cô một niềm tự hào lớn lao. và đó cũng là nguyên nhân chính làm cô có thể giữ được nhân phẩm, khác với một số các bạn của cô, tránh được mọi cám dỗ xấu xa trong cái xã hội tạm bị địch chiếm đầy tội lỗi này. Bao nhiêu lần cô tưởng tượng ra sự sung sướng vô hạn của cô khi cô gặp được ba. Có lẽ cô sẽ không cầm được nước mắt. Cô sẽ giụi vào vai ba cô như một đứa trẻ nhỏ. Bàn tay chai sạn vì nghề thợ trước đây của ba cô sẽ vuốt tóc cô. Ba cô chắc cũng sẽ rưng rưng nước mắt. Cô sẽ kể cho ba cô nghe lòng nhớ mong, niềm tự hào về ba của cô. Cô sẽ kể cho ba cô nghe biết bao nhiêu là chuyện, biết bao nhiêu là chuyện...

Khi hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được kí kết hoà bình lập lại, cô đã mừng rỡ, tin chắc thế nào cũng được gặp ba. Cô chờ đợi, cô đếm từng ngày. Thế rồi từng ngày qua đi, cô vẫn chưa được gặp mặt ba. Chỉ có một lá thư kín đến với cô. Lần này, lá thư dài hơn trước. Lá thư dặn dò cô như lời dặn dò của những người đi xa. Đọc thư, cô thấy tất cả tình cảm sâu sắc của ba đối với cô. Cô ôm lá thư vào ngực mà nước mắt trào ra lúc nào không biết. Thế là lại không biết đến bao giờ cô mới được gặp ba. Chắc ba cô đã đi xa lắm rồi. Lúc ấy, cô không thể nào hiểu được tại sao hoà bình rồi mà ba cô vẫn không về gặp cô.

Sau này, khi thấy chính quyền ở Sài Gòn do Ngô Đình Diệm cầm đầu ra sức lùng bắt, bắn giết, bỏ tù những người tham gia kháng chiến cũ thì cô dần dần hiểu ra. Bóng những người lính viễn chinh Pháp vắng dần, nhưng bóng những "cố vấn Mỹ" xuất hiện ngày một nhiều trên đường Ca-ti-na (Tự Do) thì cô càng rõ hơn sự vắng mặt của ba cô. Niềm tự hào về người cha trong cô càng lớn hơn.

Trong khi cô yên trí là ba cô đang ở tận đâu rất xa thì có người biết ba cô vẫn ở ngay Sài Gòn. Rơ-nê, tên nhân viên tình báo Pháp này, nhờ một số tay chân đắc lực của hắn, nhờ sự cung khai của một số tên phản bội, đã lập được một bản danh sách địa chỉ cơ sở của một số người còn hoạt động bí mật ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong bản danh sách ấy, có cả ba Thuý Hằng.

Ro-nê được lệnh trở về Pháp. Trước khi về Pháp, vì say mê Thuý Hằng, vì muốn làm một cái ơn đối với Thuý Hằng, chiều nay Rơ-nê đã tiết lộ cho Thuý Hằng biết tin của ba cô, bảo riêng cô đến hai địa chỉ ở Gia Định và ở đường Võ Tánh tìm cách báo tin cho ba, giục ba trốn đi. Rơ-nê nói với Thúc Hằng trên đường đưa cô về đến tiệm:

- Tôi sẽ nộp bản danh sách này cho cấp trên của tôi. Cấp trên tôi sẽ sử dụng để làm gì, tôi không rõ. Đối với tôi, bản danh sách này đã trở nên vô ích, vì tôi sẽ về Pháp nhận một nhiệm vụ khác. Trước khi về Pháp, tôi chỉ muốn cô hiểu rõ cho tấm lòng tôi yêu cô. Tình yêu ấy dù không được cô đáp lại nhưng tôi muốn có một hành động gì để chứng tỏ tình yêu ấy, muốn có một kỉ niệm để lại đối với cô để mong cô không bao giờ quên tôi. Trong phạm vi tôi có thể làm được, một kỉ niệm đẹp đẽ nhất trong hai chúng ta, tôi nghĩ rằng không gì bằng giúp cho ba người mình yêu thoát khỏi tai nạn. Nhưng xin cô hãy bình tĩnh, cô hãy bình tĩnh...

Thuý Hằng bàng hoàng cả người. Bản thân cô gặp tai nạn gì cô cũng không đến nỗi lo sợ, hoảng hốt như thế. Đây là sinh mệnh của người cha kính yêu. Từ lúc được Rơ-nê báo cho biết, Thuý Hằng sợ mình chậm trễ, sợ một chiếc xe hơi sơn xám nào đó đã đến hai địa chỉ trước cô, mặc dù Rơ-nê đã lấy lời nói danh dự ra hứa với cô rằng hắn sẽ không chuyển bản danh sách ấy cho ai trước khi cô báo cho ba cô biết. Đến trước cửa tiệm, cô nắm chặt tay Rơ-nê nói qua giọng run run:

- Xin cảm ơn ông... Tôi sẽ không bao giờ quên ơn ông!

Anh chàng tình báo ngoại kiều si tình cảm động, không nói được câu nào.

Thuý Hằng như người mất hồn. Cô chạy vội vào báo cho chủ tiệm biết không làm việc được tối nay, rồi ra tìm tắc xi. Giữa lúc đó, cô gặp Phan Thúc Định đến tiệm.

Cô đưa khăn mùi-soa lên miệng, cắn chặt lấy, nước mắt muốn trào ra.

- Em tìm cả hai địa chỉ ấy hỏi mà chẳng ai biết ba em cả. Chẳng lẽ Rơ-nê hắn nói dối em? Hay hắn nhầm địa chỉ. Không. Tên ba em, hắn nói đúng lắm mà! Em biết tìm ba ở đâu bây giờ? Nếu chẳng may ba em làm sao, em sống thế nào được! Bọn cảnh sát, mật thám chúng nó ác lắm!...

Phan Thúc Định cầm tay lái chăm chú và bình tĩnh nghe Thuý Hằng nói. Trong lúc Thuý Hằng nói, anh hoàn toàn im lặng, không chêm vào một câu nào, cả những lúc cô xúc động phải ngừng lại. Khi nghe Thuý Hằng kể xong, trong lúc cô hoang mang muốn khóc thì anh mỉm cười. Thuý Hằng ngạc nhiên hỏi:

- Sao anh lại mỉm cười? Anh hãy nói đi để em yên tâm, có phải Rơ-nê nói dối em không? Đến em cũng không biết được ba em nay ở đâu nữa là hắn!...Nhưng em vẫn thấy lo sợ cho ba em lắm! Làm thế nào bây giờ?

Phan Thúc Định vẫn giữ nụ cười bình thản trên môi:

- Cô hãy yên tâm. Có thể Rơ-nê không nói dối cô đâu. Nếu hắn nói thực về tin tức của ba cô như vậy, tôi xin mừng. Vừa rồi, cô đã báo tin được cho ba cô biết rồi đấy!

Thuý Hằng càng ngạc nhiên:

- Nhưng em đã gặp ba em đâu? Chỗ nào người ta cũng bảo người ta không biết gì cả, em nhầm nhà...

- Cô mải lo cho ba cô nên cô không kịp nghĩ ra hết mọi khía cạnh của vấn đề đấy thôi. Tôi hỏi cô nhé: giả thử cô là những người ấy, trong nhà có chứa ba cô, thấy một người lạ hỏi về ba cô, không đúng những mật hiệu đã quy định, liệu cô có nhận không?

Mắt Thuý Hằng sáng lên. Phan Thúc Định nói tiếp:

- Tất nhiên cô sẽ không bao giờ dại dột như vậy. Tôi lại xin đặt một giả thuyết thứ hai: nếu cô ở địa vị ba cô, thấy hai nhà ấy báo cho mình biết có một người lạ mặt, không phải ở trong tổ chức mình, tự nhiên biết địa chỉ liên lạc của mình đến tìm mình (dù ba cô có biết người ấy là con gái mình chăng nữa), thì liệu ba cô có còn ở nguyên địa chỉ ấy nữa hay không? Hay ba cô sẽ biết ngay mình lộ rồi và phải tìm cách chuyển ngay nơi khác?

Thuý Hằng thở mạnh ra, suýt kêu lên một tiếng. "Ôi đúng như vậy! Có thế thôi mà mình không nghĩ ra. Đầu óc mình mụ cả đi. Ba ơi! Ba có biết con lo quá không?". Nàng vò chiếc khăn trong tay và cảm thấy máu mình dần dần chạy trở lại bình thường. Phay Thúc Định quay tay lái, lượn vòng chiếc xe, vẫn giọng nói bình tĩnh làm dịu đi bao nhiêu nỗi lo sợ của Thuý Hằng:

- Vậy tôi mới nói cho cô: cô đã báo tin cho ba cô được rồi đấy. Rơ-nê cũng biết chỉ cần cô đánh động thế thôi, ba cô cũng sẽ tìm cách thoát ngay. Bây giờ cô có thể yên tâm quay về nhà nằm nghỉ cho đỡ mệt. Đừng lo nghĩ gì nữa.

Chiếc xe bon về phía đường Võ Di Nguy. Thuý Hằng vẫn còn cảm giác vừa hồi hộp, vừa mừng rỡ như người trải qua một cơn ác mộng. Phan Thúc Định hỏi như nói chuyện bình thường:

- Rơ-nê có nói với cô bao giờ hắn về Pháp không?

- Có, hắn bảo chừng hơn mười ngày nữa hắn về.

- Hắn về Sài Gòn vẫn ở địa chỉ cũ đấy chứ?

- Không, hắn ở khách sạn Ma-giết-tích, phòng 28.

Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà Thuý Hằng. Phan Thúc Định nhanh nhẹn ra trước, mở cửa xe. Thuý Hằng bước ra:

- Mời anh vào chơi.

- Xin lỗi, cô để cho lúc khác. Bây giờ, cô cần nghỉ ngơi. Xin chúc cô ngủ ngon. Ngày mai xin gặp cô.

Thuý Hằng nhìn anh trìu mến:

- Xin cảm ơn anh. Không có anh, đêm hôm nay đã là đêm đáng sợ nhất trong cuộc đời em.

*

* *

Lúc Thuý Hằng đã quay vào nhà, Phan Thúc Định mất vẻ bình thản. Cử chỉ anh nhanh nhẹn khác hẳn. Anh rú ga xe, phóng nhanh về khách sạn Ma-giết-tích.

Để xe trước cửa khách sạn, anh bước nhanh qua chiếc cửa ra vào che kính xoay tự động. Anh lướt qua chỗ cô gái thường trực khách sạn đang ngồi sau một cái quầy lớn. Đằng sau cô, có một cái bảng với từng hàng con số bằng đồng và dưới những con số bằng đồng là những cái đanh, cái treo chìa khoá, cái không. Định liếc nhìn chiếc đanh dưới con số 28: Trống không. "Rơ-nê có ở đây".

- Tôi hỏi ông Rơ-nê ở phòng 28. - Định hỏi.

Cô gái thường trực khách sạn nở một nụ cười duyên dáng nhà nghề:

- Xin mời ông lên lầu một, bên trái.

Anh lướt qua vòm cầu thang máy, đi lối cầu thang thường. "Nếu hắn chưa ngủ, đi xuống nhà chơi, thì hắn sẽ đi cầu thang thường". Một cô gái phấn son đầy mặt, đi từ trên gác xuống, nhìn anh trơ trẽn.

Anh dừng lại ở trước cửa phòng 28, cử chỉ anh trở lại khoan thai, ung dung. Một giọng Pháp làu bàu gì đó rồi cánh cửa hé mở. Một người Pháp khoảng hơn ba mươi tuổi, mặc quần áo ngủ đứng sau cánh cửa. Phan Thúc Định nghiêng đầu:

- Chào ông Rơ-nê. Xin lỗi ông vì đã đến thăm ông giờ này. Ông có bận gì không?

Nhận ra Phan Thúc Định, Rơ-nê mở rộng cửa:

- A, chào ông Định. Không, tôi không bận gì cả. Cơn gió nào đã may mắn đưa ông đến đây vậy? Xin mời ông vào!

Căn phòng khách sạn rộng và sang trọng. Rơ-nê giơ tay mời Định ngồi xuống ghế tiếp khách, lấy ra hai chiếc cốc pha lê xinh xắn:

- Một chút Mác-ten nhé!

- Rất sung sướng được tiếp ông!

Rơ-nê vừa rót rượu, vừa nói:

- Ông cố vấn có bận không? Ô... mới ngày nào, gặp nhau ở Pa-ri ông hãy còn là một sinh viên nghèo. Bây giờ, ông đã là một cố vấn, người tin cẩn của một tổng thống. Ông làm cho những người quen biết cũ của ông như tôi cũng được hãnh diện.

Hai người chạm cốc:

- Xin chúc sức khỏe ông!

- Xin chúc sự thành công trên đường đời của ông! - Rơ-nê nói.

Hắn ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Phan Thúc Định, đặt cốc xuống bàn:

- Ông tìm tôi lúc này chắc có việc gì cần đến tôi?

Phan Thúc Định thẳng thắn:

- Vâng! Cũng như trước đây ở Pa-ri, có những lúc ông tìm tôi đột ngột. Và tôi cũng rất thích lối nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn như ông.

Rơ-nê mỉm cười, thăm dò:

- Hồi đó là tôi cần đến ông và bây giờ chắc là ông cần đến tôi. Xin ông cho biết tôi có thể giúp ông được gì? Chắc ông cần lấy một chuyến máy bay đặc biệt của hãng tôi?

Phan Thúc Định cũng cười:

- Người ta bảo người Pháp hay bông lơn. Đúng thực! Bây giờ, ông đã biết rõ tôi có thể lấy bao nhiêu chuyến máy bay cũng dễ dàng như không. Không, ông Rơ-nê ạ, tôi cần cái khác.

Rồi anh nhìn thẳng vào mặt Rơ-nê, nói:

- Xin ông cho tôi được nói thẳng giữa chúng ta với nhau: tôi muốn mua của ông bản danh sách những cán bộ Việt Cộng còn lại ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn này.

Mặt Rơ-nê hơi biến sắc:

- Sao ông biết tôi có?

- Điều đó ông không cần biết. Ông chỉ nên biết, chúng tôi sẽ mua của ông với giá cao, sòng phẳng.

Rơ-nê im lặng. Phan Thúc Định nói tiếp:

- Hiện nay bản danh sách ấy đối với các ông vô ích, vì người Pháp không còn ở đây nữa. Ông lại sắp về Pháp, tôi nghĩ rằng: ông nên có một số tiền xây dựng một cơ nghiệp ở Pháp để dành cho tương lai sau này. Ông nộp bản danh sách ấy cho cấp trên, ông được hơn cái gì? Ông không nộp nó cho cấp trên, ông cũng chẳng mất đi một chút nào sự tín nhiệm của cấp trên đối với ông. Trong lúc chúng tôi cần bản danh sách đó và ông cũng cần có một cổ phần ở một hãng buôn nào đó ở Pháp...

Rơ-nê rót thêm rượu vào cốc, tợp một ngụm hết. Hắn vẫn im lặng, Phan Thúc Định rút một điếu thuốc lá trong bao đặt trên bàn, châm lửa:

- Tôi tưởng việc đó ông chẳng cần phải suy nghĩ nhiều. Tôi có khuyên ông làm điều gì hại cho nước Pháp đâu? Nếu ông không bán cho chúng tôi, chúng tôi cũng buộc phải tìm cách làm cho cái bí mật ông nắm được sẽ trở thành vô giá trị. Riêng việc chúng tôi biết ông có bản danh sách ấy, thì cái bí mật của ông đã giảm giá rồi. Ông Rơ-nê ạ, tôi chắc ông sẽ còn đi về nhiều lần trên đất Việt Nam này và một lúc nào đó, ông sẽ cần đến chúng tôi...

Rơ-nê nhún vai, ngẩng lên hỏi:

- Ông mua bản ấy cho ai? Để làm gì?

Phan Thúc Định cười lớn:

- Ông bạn thân mến của tôi! Về nguyên tắc, ông không nên hỏi tôi câu ấy mới phải! Nhưng ông đã muốn biết, để tỏ tình thực của tôi đối với ông, tôi cũng xin nói ông rõ: tổng thống Ngô Đình Diệm uỷ quyền cho tôi. Chúng tôi sẽ dùng nó để tiếp tục những công việc các ông đã làm và định làm trên đất này.

- Nếu cấp trên tôi hỏi tôi về bản danh sách ấy?

- Ông yên tâm, ông vẫn giữ bản lưu của ông. Chúng tôi hoàn toàn giữ bí mật cho ông và về phía chúng tôi, chúng tôi chỉ yêu cầu ông một điều: một tuần lễ sau khi trao cho tôi rồi, ông mới được trao nó cho người khác - nếu như ông muốn trao. Chúng ta là những người đứng đắn, chúng ta phải giữ lời hứa đối với nhau.

Rơ-nê chìa bàn tay ra trước mặt Phan Thúc Định. Phan Thúc Định cũng giơ tay ra, nắm lấy bàn tay Rơ-nê. Hắn hỏi:

- Ông có thể trả tôi được bao nhiêu?

Chương 12

Bản Danh sách Việt Cộng nằm vùng

Một chiếc xe gíp chở trung tá chỉ huy phó cảnh sát đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn và hai tên mật vụ trong Sở nghiên cứu chính trị xã hội trung ương (41) đi trước, tiếp theo là hai chiếc xe hơi sáu bánh, một chiếc "đốt" chở một tiểu đội cảnh sát vũ trang và một chiếc Rơ-nôn mũi thụt đóng kín bưng chung quanh như một gian nhà tù lưu động chạy sau. Chúng chạy nhanh trên các phố Sài Gòn... Nhìn chúng, những người dân thành phố biết ngay có vụ bắt bớ nghiêm trọng. Nghiêm trọng thật cho nên tên trung tá chỉ huy phó cảnh sát Sài Gòn-Chợ Lớn phải thân chinh đi. Ở nhà, từ Nguyễn Ngọc Lễ, chỉ huy trưởng cảnh sát, đến Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị xã hội trung ương, từ "cố vấn" Ngô Đình Nhu đến đại tá tình báo Lên-sđên đều chờ kết quả.

Chúng đỗ xịch trước một căn nhà ở đường Phan Thanh Giản. Hai tên mật vụ mặc thường phục nhảy xuống xe, mấy tên cảnh sát vũ trang nhảy xuống theo. Chúng ập vào trong nhà, súng ống giơ ra tua tủa như định tàn sát cả nhà người ta. Một người phụ nữ và ba đứa trẻ trên dưới mười tuổi sợ hãi nhìn chúng.

Tên mật vụ quắc mắt hỏi người phụ nữ:

- Tên Nguyễn Long đâu rồi?

Trong khi tên này hỏi chủ nhà thì tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát vũ trang đã sục ngay vào nhà trong, vào bếp, vào cả nhà xí.

Người phụ nữ trả lời:

- Nhà tôi đi suốt cả bảy, tám năm nay có về đâu.

Tên mật vụ lăm lăm chĩa khẩu súng ngắn vào chị. Người phụ nữ vẫn khăng khăng:

- Các ông biết rõ thì các ông đã đến bắt ngay rồi.

Đuối lí tên mật vụ trấn áp chị:

- À, chị còn bướng phải không? Đợi đấy.

Tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát vũ trang, sau khi sục sạo khắp nhà không thấy gì, bước ra:

- Nó trốn mất rồi.

- Ra báo cáo với trung tá - tên mật vụ thứ nhất nói.

Một phút sau, tên mật vụ thứ hai chạy vào:

- Lệnh cho khám nhà và bắt vợ tên Long.

Người phụ nữ muốn ngăn chúng lại:

- Các ông muốn khám nhà phải có lệnh của toà án.

Tên mật vụ thứ nhất đổi giọng:

- Không nói lôi thôi. Lệnh của chúng tao. Luật cũng là ở chúng tao.

Tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát lục lọi khắp nhà. Chúng bắt mở từng ngăn tủ, rũ từng cái quần, cái áo rồi vứt bừa ra giữa nhà. Chúng lục từng ngăn bàn, moi từng khe ghế. Không có gì cả.

Chúng kéo người phụ nữ ra xe, mặc chị hết sức chống đỡ và gạt bắn ba đứa trẻ kêu khóc lăn vào giữ lấy mẹ. Chúng đẩy người phụ nữ lên chiếc xe Rơ-nôn mũi thụt, đóng sầm cửa lại, khoá bên ngoài. Ba đứa trẻ lăn lộn giữa cảnh nhà cửa bị đập phá tan hoang. Hàng phố nhìn theo chúng căm giận.

Mấy chiếc xe rú máy chạy về phía Vĩnh Hội.

Đến phố khác, chứng đỗ xịch trước cửa một hiệu may. Mấy người khách đang đứng trong cửa hàng vội vã lảng ra ngoài. Chúng xộc vào, quát hỏi người chủ hiệu may đang ngơ ngác:

- Tên Trần Thế Tường đâu?

Trong khi đó, một tên mật vụ và lũ cảnh sát vũ trang lại lục khắp nhà Người chủ hiệu đáp:

- Anh ta nghỉ việc đã hai ngày nay.

- Tại sao nó nghỉ việc?

- Tôi không biết. Nhà tôi có mấy người thợ làm. Anh ta mới đến xin việc, tôi cũng không rõ lắm.

- Ông nói dối, ông che giấu cho Việt Cộng nằm vùng, ông có biết sẽ bị xử ra sao không?

- Tôi có biết gì đâu, anh ta đến làm, tôi trả lương như những người khác.

Chúng gọi từng người thợ ra xem thẻ căn cước, đối chiếu với ảnh, khám từng người một. Người tên là Trần Thế Tường mà chúng định tìm không có đây. Chúng hậm hực quay ra, sau khi đã ném ra những lời đe doạ hung hãn với chủ hiệu.

Mấy chiếc xe rú máy chạy.

Chúng đỗ trước cửa một nhà khác. Đây là nhà của một công chức dân thường. Chủ nhà đi vắng, chỉ có bà vợ và mấy đứa con ở nhà.

Vẫn những câu hỏi hỗn xược:

- Tên Nguyễn Mạnh đâu?

Bà chủ nhà đáp:

- Anh ấy đi cách đây mấy ngày rồi.

- Đi đâu, bà có biết không?

- Anh ấy nói nhận được tin ở quê nhà, hoà bình rồi, bố mẹ anh ấy nhắn anh ấy về.

- Quê nó ở đâu? Bố mẹ nó là ai?

- Tôi không biết. Nghe đâu ở Thủ Dầu Một.

- Bà có biết nó là Việt Cộng không?

- Ôi chao! Thế ư? Tôi làm sao biết được!

- Thế tại sao gia đình bà quen biết nó.

- Tôi có mấy cháu đi học. Chúng tôi có đăng báo cần người đến kèm riêng các cháu tại nhà. Anh ấy là một trong những người đến xin dạy thêm các cháu. Thấy anh ta vẻ người đứng đắn, hiền lành, gia đình chúng tôi ưng nhờ anh ấy. Lúc đầu, mỗi tuần anh ấy đến dạy các cháu ba buổi. Sau thấy anh ấy tốt, các cháu cũng quý mến, chúng tôi mời anh ấy ở đây với chúng tôi cho vui.

Tên mật vụ có vẻ khó chịu:

- Việt Cộng mà tốt à? Bà có biết nó dạy con bà những gì không?

- Dạy toán, dạy lí.

- Không không, tôi không hỏi thế. Nó có tuyên truyền gì con bà và gia đình bà không?

Bà chủ không cần suy nghĩ:

- Không! Không! Tôi chỉ thấy anh ấy bảo các cháu phải ngoan, nghe lời ba má, không được xem những phim ảnh, truyện bậy bạ...

Tên mật vụ ngắt lời bà:

- Ấy! Ấy! Nó tuyên truyền đấy!

Bà chủ nhà lặng im không hiểu gì cả.

- Hàng ngày, nó làm những gì?

- Tôi chỉ thấy anh ấy học. Hàng ngày, anh ấy bảo đến thư viện và nhận thêm việc làm sổ sách cho mấy hãng buôn để lấy tiền học thêm.

- Những hãng buôn nào?

- Tôi không biết, vì anh ấy đến tận cửa hàng người ta nhận.

- Nó có bạn bè nào không? Có ai hay đến thăm nó không?

- Thỉnh thoảng có một vài người đến chơi với anh ấy, anh ấy giới thiệu là bạn học.

- Những người ấy là ai, bà có biết không? Hình dáng họ như thế nào?

- Tôi không biết, cũng không nhớ nữa. vì đó là bạn riêng của anh ấy, tôi không muốn tò mò. Khi người này đến, khi người kia đến, ngồi chốc lát rồi đi, tôi làm sao nhớ xuể!

- Chúng tôi sẽ hỏi ông nhà. Nếu ông bà không nói thực, ông sẽ bị đuổi khỏi sở làm.

- Quả thực chúng tôi biết thế nào chúng tôi nói thế.

- Đồ đạc nó còn để lại cái gì không?

- Dạ không, anh ấy chỉ có một vali đựng quần áo và sách vở. Khi đến anh ấy mang vali đó đến. Khi đi, anh ấy cũng chỉ xách vali đó đi là hết! Anh ấy chẳng có gì để lại cả.

Tên mật vụ thứ hai và lũ cảnh sát vũ trang lại lục lọi khắp nhà không thấy gì hơn. Chúng hậm hực rút lui, sau khi hẹn chủ nhà sáng hôm sau phải ra Sở nghiên cứu chính trị xã hội Trung ương trình diện.

Mấy chiếc xe rú máy chạy lồng lên như những con thú bị thương. Chúng đỗ ở đầu một xóm lao động và ập vào một căn nhà. Gia đình chỉ có ông già ngoài sáu mươi, gầy gò và cô gái ngoài hai mươi tuổi, trông có vẻ lam lũ của người công nhân.

Lại câu quát hỏi:

- Tên Huỳnh Văn Sinh đâu?

Ông già ngước mắt nhìn bọn mật vụ, cảnh sát, không ngạc nhiên và cũng không sợ sệt:

- Nó đi tập kết rồi.

Tên mật vụ như bị trêu tức, hỏi dồn:

- Sao? Sao?

Ông già thủng thẳng nhắc lại:

- Tôi bảo: nó đi tập kết rồi.

- Không phải! Nó vẫn ở đây, chúng tôi biết.

- Các anh biết hơn tôi thì các anh còn hỏi tôi làm gì?

Tên mật vụ đuối lí:

- Hỏi để xem ông có nói thật không?

Tên mật vụ thứ hai và mấy tên cảnh sát vũ trang lại làm cái việc sục sạo khắp nhà. Chúng sục cả sang những nhà hàng xóm, hỏi giấy tờ từng người. Tên mật vụ thứ nhất nhìn quanh, thấy ảnh một thanh niên treo trên tường, hỏi ông già:

- Ảnh ai đó?

Ông già vẫn thủng thỉnh:

- Ảnh thằng Sinh đó.

Tên mật vụ như chạm phải lửa:

- À, à... vẫn ngang nhiên treo ảnh Việt Cộng hả?

Ông già nhìn thẳng vào mắt nó:

- Nó là con tôi, tôi không có quyền treo ảnh nó à? Ở nhà các anh, các anh có treo ảnh bố mẹ, vợ con các anh không?

Tên mật vụ hậm hè:

- Bố mẹ, vơ con tôi là Việt Cộng, tôi cũng xử trí.

Ông già nhìn nó như nhìn một con quái vật:

- Thế là loài vật chớ không phải là loài người nữa.

Cái nhìn của ông già làm tên mật vụ phải quay đi, nhưng lời nói của ông làm nó lồng lộn:

- À... à... ông dám lăng mạ người chính phủ quốc gia, ông muốn về với ông bà, ông vải hả?

Ông già lạnh lùng:

- Này, mày đừng hỗn. Tao đáng tuổi cha mày, mày phải ăn nói cho lễ độ.

Tên mật vụ thứ hai đã ra:

- Nó cũng trốn mất trước khi chúng ta đến rồi!

Chúng tháo bức ảnh thanh niên treo trên tường, bắt cả ông già và cô gái ra xe.

Tên trung tá ở ngoài xe gíp cúi xuống nhìn bảng danh sách mà hắn có trên tay. Hắn ra lệnh lùng sục thêm hàng chục địa chỉ khác, trong đó có hai nơi mà trước đây Rơ-nê đã bảo cho Thuý Hằng biết để đến tìm ba. Suốt cả buổi sáng chạy ngang dọc khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, chúng không tìm thấy một người nào để bắt. Những dòng chữ tên người, tên đường phố lúc này như nhảy múa trước mắt tên trung tá chỉ huy phó cảnh sát đô thành. Hắn cảm thấy không còn đọc được chữ gì nữa. Những dòng chữ ấy nhảy múa trước mắt hắn, và hắn cảm thấy không còn đọc được gì nữa.

Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị xã hội trung ương Trần Kim Tuyến lồng lộn như một con thú dữ mất mồi. Hắn vừa muốn ra oai với hai tên giám đốc và phó giám đốc Nha cảnh sát và công an đô thành trút tất cả nỗi bực tức cáu giận lên đầu hai gã, vừa muốn chữa nỗi xấu hổ, bất lực trước ngài "cố vấn" Ngô Đình Nhu cũng có mặt ở đó.

Thực ra, bản thân hắn cũng không giữ nổi bình tĩnh nữa, cho nên bộ mặt hắn mất cái vẻ lạnh lùng thâm hiểm mọi khi và cặp mắt của hắn càng lộ sự tàn nhẫn gian ác hơn. Mẻ lưới đầu tiên định bắt những tên Việt Cộng nằm vùng quan trọng ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn đã thất bại. Tên học trò của trường đại học Mi-si-găng nhìn chòng chọc vào đại tá giám đốc và trung tá phó giám đốc Nha cảnh sát đô thành.

- Có danh sách, địa chỉ rõ ràng, có phương tiện đầy đủ trong tay mà các ông không bắt được đứa nào? Không hiểu các ông làm ăn ra sao?

Tên trung tá khó chịu:

- Thưa ngài, chính tôi đã điều khiển cuộc lùng bắt theo đúng kế hoạch. Chúng tôi đã hoàn toàn giữ bí mật. Bản danh sách trên trao cho do chúng tôi cầm, không hề một người nào biết ngoài chúng tôi. Các nhân viên thuộc quyền chúng tôi tham dự cuộc lùng bắt chỉ được biết mục đích cuộc lùng bắt trước khi bước lên ô tô. Không hiểu vì sao, bọn Cộng sản ấy không đứa nào có ở nhà cả. Hình như chúng đã biết trước mà trốn thoát hết.

- Tại sao ông biết chúng đã biết trước ta định bắt chúng?

- Tôi đoán như vậy, vì đứa nào cũng chỉ vừa mới trốn thoát, có đứa mới chỉ đi cách đây vài ngày.

Trần Kim Tuyến sầm mặt lại:

- Không có lẽ chúng biết trước? Ai đã bảo cho chúng biết trước? Ai?

Không ai trả lời hắn. Hai tên sĩ quan cảnh sát cao cấp phân vân ngồi thừ ra và trong lúc này, trông mặt chúng thật ngây độn. Ngô Đình Nhu, theo thói quen của hắn, chỉ ngồi im lặng rít hết điếu thuốc lá này đến điếu thuốc lá khác. Hầu như không lúc nào giữa hai kẽ tay đã ám vàng vì khói thuốc của hắn, không có điếu thuốc lá cháy dở.

Không khí nặng nề. Trần Kim Tuyến hỏi tên trung tá:

- Cuộc lùng bắt không đem lại kết quả gì?

- Chúng tôi bắt một số thân nhân của chúng và thu được một số ảnh.

Trần Kim Tuyến thất vọng:

- Lại một lũ đàn bà, trẻ con, ông già chứ gì? Các ông làm ăn như thế, Hoa Kỳ người ta cười cho thối mũi. Bắt chúng để làm gì? Nuôi chúng tốn cơm rồi lại phải thả chúng ra...

Ngô Đì nh Nhu ấn mẩu thuốc lá đang hút dở vào cái gạt tàn, đứng dậy:

- Không thả đứa nào cả. Bắt đứa nào cũng là có ích. Thà bắt oan chín mươi chín đứa, còn hơn để sổng một đứa. Những đứa thân thích với Cộng sản đều bị ảnh hưởng của bọn Cộng sản cả. Tôi đề nghị với các ông hai việc: một, cứ lôi bọn thân thích của những đứa đã trốn thoát kia mà tra hỏi, chúng nó khai ra bất cứ ai là bắt luôn người ấy. Bắt liên tiếp, tra hỏi liên tiếp như thế, tôi tin chắc thế nào cũng bật ra những cái bất ngờ, có lợi cho chúng ta. Hai là, bọn đã trốn thoát ấy chưa chắc đã đi đâu xa, các ông phải lập ngay được hồ sơ toàn bộ ảnh và nhận dạng của chúng, rồi tung người đứng ở các ngã tư đường phố mà nhận dạng, tôi tin rằng nếu không bắt được nhiều thì thế nào cũng bắt được một vài đứa. Từ một vài đứa ấy, chúng ta có thể gỡ được những đầu mối bí mật mà ta muốn tìm hiểu...

Mấy tên kia im lặng tỏ vẻ thán phục ý kiến "sâu sắc" của "ngài cố vấn". Trong óc Trần Kim Tuyến nảy ra một câu hỏi "Có phải chất heroin đã giúp cho thằng cha này nảy ra lắm mưu nhiều kế quỷ quái không?". Và hắn cũng đứng dậy:

- Tôi phải báo cáo ngay cho ngài Lên-sđên biết.

*

* *

Nỗi tức giận của Lên-sđên khi được Trần Kim Tuyến báo cho biết đã không bắt được những cán bộ kháng chiến cũ còn lại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, bốc lên mạnh hơn cả nỗi tức giận của Trần Kim Tuyến khi nghe tên trung tá cảnh sát báo cáo. Hắn đổ ngay cho tụi tay sai bất lực, phí công giúp đỡ của hắn. Hắn đập bàn, nói như mắng vào mặt Trần Kim Tuyến:

- Thất bại! Thất bại! Thế là chúng ta đã thất bại nhục nhã. Nói một cách khác, chúng ta đã bị Cộng sản cho một vố. Ồ...người Việt Nam các ông bao giờ mới hết cái thói làm việc chậm chạp như rùa. Các ông làm hỏng cả kế hoạch của chúng tôi. Thế là thất bại... Chúng nó thoát hết rồi, chúng nó thoát hết thì Sài Gòn-Chợ Lớn vẫn là một điều hoàn toàn bí mật đối với chúng ta, mặc dầu chúng ta kiểm soát được đất đai. Chúng nó thoát được thì mỗi đứa sau này sẽ thành một đội quân phá hoại chúng ta, tấn công và tiêu diệt chúng ta.

Hắn chắp tay sau lưng, bước những bước dài trong phòng, hậm hực tức tối:

- Ở Hoa Kỳ, những tên găng-xtơ nổi tiếng, trốn đâu cảnh sát Mỹ cũng bắt được. Mà ở đây, mấy tên Cộng sản ranh cũng làm các ông bất lực.

Trần Kim Tuyến thanh minh:

- Chính chúng tôi trực tiếp chỉ đạo cuộc lùng bắt. Trung tá phó giám đốc Nha cảnh sát đô thành trực tiếp dẫn nhân viên đi lùng bắt. Nhưng bọn chúng đã biết trước và cùng một lúc biến mất.

Lên-sđên ngừng lại, hỏi:

- Làm thế nào chúng biết trước được?

Trần Kim Tuyến ngửa hai bàn tay ra phía trước:

- Tôi không biết.

Lên-sđên lặp lại có vẻ giễu cợt:

- Tôi không biết! Tôi không biết! Cái gì các ông cũng không biết!

"Bọn chúng đã biết trước và biến mất" - Một ý nghĩ nảy ra trong óc tên đại tá tình báo. Hắn bỏ Trần Kim Tuyến đấy, đến thẳng phòng làm việc của Ngô Đình Diệm. Hắn hỏi Diệm:

- Ông Diêm! ông có biết tất cả những cán bộ Việt Minh cũ trong bản danh sách đã trốn thoát khỏi tay chúng ta rồi không?

Ngô Đình Diệm ngẩng bộ mặt bừ bự lên:

- Có, tôi có biết. Chú Nhu vừa cho tôi biết.

- Ý kiến của ông về việc đó thế nào?

Ngô Đình Diệm nhún vai, đáp:

- Tôi cũng chưa rõ vì sao... Nhưng, chúng ta đành phải làm lại thôi. Chúng ta vẫn còn có thời gian để nói chuyện với chúng...

Thấy Diệm chưa hiểu ý câu hỏi của mình, Lên-sđên ngắt lời hắn:

- Không phải! Tôi muốn hỏi ông: Tại sao bọn Vi-xi biết trước và trốn thoát hết được? Bản danh sách ấy Phan Thúc Định và chúng ta biết, chúng ta giao ngay cho Trần Kim Tuyến đi lùng bắt... Tuyến thì do chúng tôi đào tạo ở Mi-si-găng rồi. Ngoài ông và tôi ra, chỉ còn Phan Thúc Định...

Ngô Đình Diệm hỏi ngay:

- Ông nghi ngờ Phan Thúc Định?

Lên-sđên im lặng, sự im lặng thay cho lời nói, trong khi hắn biết hắn nói chưa có đủ chứng cớ. Ngô Đình Diệm lắc đầu:

- Ông không nên nghi cho Phan Thúc Định. Một người có bố bị Cộng sản giết chết. Một người cả gia đình bị tan nát vì Cộng sản. Một người đã cứu tôi ra khỏi nanh vuốt của Cộng sản trong những ngày tôi gặp nguy hiểm, khó khăn nhất. Người ấy không có lí nào đi cứu bọn Cộng sản. Ông thử nghĩ xem?

Lên-sđên hậm hực:

- Nhưng tại sao bọn chúng lại biết trước và thoát khỏi được tay chúng ta?

Ngô Đình Diệm tỏ vẻ hiểu biết đối thủ của mình hơn Lên-sđên:

- Bọn Cộng sản hoạt động bí mật thường thay đổi chỗ ở luôn. Chúng có năm, bảy địa chỉ khác nhau. Vả lại, ai dám quả quyết rằng trước khi bản danh sách ấy đến tay Phan Thúc Định, hoàn toàn chưa đến tay người khác. Tên nhân viên tình báo Pháp kia biết đâu cùng một lúc bán cho Phan Thúc Định, lại chẳng bán cho một người nào đó nữa, mà người đó lại là một tên Việt Cộng. Nhiều trường hợp tài liệu mật của Phòng Nhì Pháp đã chẳng bị lộ ra ngoài là gì?

Ngô Đình Diệm nói thêm ý đồ của mình:

- Mấy tên Cộng sản đó trốn thoát, trừ khi chúng ra khỏi cái miến Nam Việt Nam này thì thôi, chớ còn ở lại đây, thế nào cũng có ngày chúng sa lưới. Trước khi tập trung tất cả lực lượng để chống bọn Cộng sản, tôi muốn lúc này hãy tập trung thanh toán bọn giáo phái và bọn chống đối chúng ta ở ngay trong hàng ngũ chúng ta đã. Phan Thúc Định đã giúp tôi nắm được tình hình nội bộ bọn giáo phái rất tốt. Trái lại với những ý nghĩ của ông, tôi muốn ghi công anh ta.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top