X30phaluoi3
Chương 7
Chiến trường mở rộng
Cảng Sài Gòn tấp nập, ồn ào. Những chiếc tàu há mồm LCT, LCM của bọn nhà binh Pháp nằm cạnh các tàu buôn, những chiếc tàu vận tải, tàu chở hành khách nằm bên chiến hạm của hải quân Mỹ đã ngang nhiên, công khai kéo cờ sòng sọc xanh trắng trên đỉnh cột tàu. Hầu hết các tàu đều toàn là người bị cưỡng ép di cư từ Bắc vào và hàng hoá Mỹ. Những người bị cưỡng ép di cư - đa số là người công giáo vùng Bùi Chu, Phát Diệm, Xã Đoài - sau mấy ngày nằm chồng chất trên tàu Mỹ ăn những bữa cơm phát chẩn của Mỹ, bây giờ được đổ lên bến Sài Gòn. Nét mặt người nào cũng ngao ngán, mệt mỏi, đầy lo lắng. Bỏ tất cả nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông cha, nghe theo bọn chiến tranh tâm lí, bọn đội lốt thầy tu, họ vào đây bơ vơ không biết ngày mai của mình sẽ ra sao. Nhiều ông già, em nhỏ đi biển xa không chịu được, chết trên tàu. Không có chuyến tàu nào mà không có người chết. Mỗi chuyến tàu cập bến, mấy cái cáng khiêng xuống trước. Rồi mẹ bồng con, chồng kéo áo vợ chen chúc nhau ra cầu tàu. Đồ đạc vứt lỏng chỏng. Có người nhặt nhạnh tất cả gia tài mồ hôi nước mắt suốt mấy đời lao động mang đi theo, phút chốc bị mất sạch. Mấy thằng Mỹ đứng trên boong tàu lúc thì nheo mắt bĩu môi nhìn đám người di cư gồng gánh, khổ sở, nheo nhóc, lúc thì chúng há miệng hô hố cười cảnh vợ lạc chồng, con lạc cha chạy nháo nhác, tìm gọi nhau thất thanh.
Tiếng loa phóng thanh nheo nhéo như chọc thủng màng tai, cứ nhại đi nhại lại mấy câu sỉ nhục:
- Đồng bào lưu ý. Khi xuống khỏi tàu, mỗi đồng bào sẽ được lãnh một tấm thẻ xanh. Tấm thẻ xanh sẽ đổi lấy 100đ do Mỹ quốc tặng. Ai lấy tiền rồi, lấy nữa "dô" tù nghe.
Mấy thằng phóng viên Mỹ vác máy quay phim chạy đến quay cảnh người di cư nhận tiền bố thí của Mỹ.
Một anh lái tắc xi người miền Nam ngạc nhiên hỏi một đồng bào miền Bắc di cư:
- Ngoài đó độc lập rồi. Thầy Hai còn vô đây mần chi?
Người di cư bị hỏi, mặt hơi cúi xuống, sượng sùng:
- Có lẽ tôi lại tìm đường ra thôi.
Xe vận tải nhà binh tám bánh to lớn đã đứng đón sẵn đám người di cư. Đứng đón đám người này còn có bọn chủ đồn điền cao su, hau háu nhìn họ như nhìn những món hàng nhập kho của chúng. Mấy tên mật vụ nguỵ mắt lừ lừ xoi mói sau cặp kính mát, bọn đội lốt thầy tu thì mặt hồng hào hớn hở đếm từng đầu người lên ô tô giao cho bọn chủ đồn điền. Những chiếc xe vận tải sẽ đưa thẳng đám người di cư đến một trại tập trung hoặc một đồn điền nào đó và những con người đang tự do đã biến thành nô lệ.
Phu khuân vác chạy đi chạy lại, mồ hôi ướt đẫm áo.
Giữa sự hỗn độn nhốn nháo, ầm ĩ ấy, không ai để ý đến một chiếc hạm thuyền nhỏ của Mỹ đậu ở gần cuối cảng. Nó cũng đậu neo vào giữa các tàu khác. Nhìn bề ngoài, nó cũng không khác gì các tàu bè, các hạm thuyền xung quanh; cũng có những người phu khuân vác chạy lên, chạy xuống vác những hòm sữa ế, vải thừa đóng dấu "viện trợ Mỹ". Trên tàu, ngoài bọn thuỷ thủ Mỹ, có mấy thuỷ thủ Phi Luật Tân đi lại.
Chiếc hạm thuyền đã bốc hết hàng. Những người phu khuân vác Việt Nam và Hoa kiều đã xuống hết, chuyển sang bốc dỡ hàng ở tàu khác. Trên hạm thuyền, bọn thuỷ thủ đang phun nước rửa boong. Một chiếc xe hơi đến đậu ở cảng. Cánh cửa xe mở, hai tên Mỹ bước xuống, cả hai tên cùng mặc thường phục: một tên mặc sơ mi trắng, quần trắng, mặt lạnh lùng, khắc khổ: đại tá Lên-sđên; một tên mặc sơmi chim cò, quần tếch-gan sẫm, tay luôn luôn như muốn sờ mó vào mọi vật chung quanh: trung tá Tô-ma. Hai tên đi về phía chiếc hạm thuyền Mỹ. Trên tàu, tên thuyền trưởng và một tên trung uý lục quân đã đứng đợi. Lên-sđên và Tô-ma bước lên. Tên thuyền trưởng và tên trung uý lục quân đứng nghiêm, giơ tay lên ngang mặt chào. Lên-sđên, Tô-ma giơ tay chào lại. Tô-ma giới thiệu:
- Đây là đại tá Lên-sđên, người chỉ huy tất cả mọi hoạt động an ninh của chúng ta ở đây. Xin giới thiệu với đại tá đây là thiếu tá hải quân A-lan (24), chỉ huy trưởng của tàu, đây là trung uý En-đru (25), người nổi tiếng về tổ chức những hoạt động bí mật đặc biệt mà tôi vẫn thường nói chuyện với đại tá.
Mấy tên bắt tay nhau. Lên-sđên hỏi:
- Xong rồi chứ?
En-đru đáp:
- Thưa đại tá xong rồi!
- Bao nhiêu tên?
- Báo cáo, hai mươi mốt tên và hai tên đi theo làm bếp.
- Đưa xuống có ai biết không?
Mặt En-đru ánh lên nét tự mãn:
- Thưa đại tá, không ai có thể biết được. Tôi đã tổ chức cho chúng giả làm đám phu khuân vác, trà trộn lẫn với đám phu, rồi từng đứa một lần xuống tầng dưới tàu.
- Chúng nó trung thành cả chứ?
- Thưa đại tá, trung tá Tô-ma và tôi đã tuyển lựa rất kĩ trong đám di cư. Chúng đều rất thích làm việc cho chúng ta.
- Ở căn cứ Clác (26) đã chuẩn bị xong hết cả chưa?
- Thưa đại tá, đã dành một khu riêng ở cạnh căn cứ để huấn luyện chúng. Mấy chuyên viên của ta về ám sát, phá hoại bằng mìn, thu thập tin tức tình báo, điện đài... đã sang đầy đủ và đang đợi chúng. Chương trình huấn luyện bọn chúng, chắc trung tá Tô-ma đã trình bày để đại tá duyệt.
- Có, tôi đã nắm được rồi, chúng tôi đề nghị rút ngắn thời gian huấn luyện lại. Trước định hai tháng rưỡi, bây giờ chỉ nên huấn luyện chúng trong một tháng rưỡi thôi, vì thời gian gấp lắm. Chúng ta phải lợi dụng khi người Pháp chưa rút hết miền Bắc mà tung chúng ra hoạt động ngay, phối hợp với bọn của thiếu tá Cô-nên (27) ngoài đó. Thời gian huấn luyện bọn chúng càng ngắn thì chúng ta càng huấn luyện được nhiều toán. Lúc này, ta chỉ cần số lượng, chưa cần chất lượng vội. Một toán, chỉ cần chúng phá hoại một vài công trình của bọn Cộng sản rồi chúng đi cũng chẳng sao.
- Xin chấp hành ý kiến của đại tá.
- Cho tôi xem qua bọn chúng.
En-đru và A-lan đi trước dẫn đường, Lên-sđên và Tô-ma đi theo. Chúng bước về phía cuối tàu, xuống một khoang riêng. Ở đó, có hai mươi ba tên người Việt mặc quần áo lấm láp như những người phu khuân vác, đang nằm ngồi ngổn ngang.
Thấy bọn chủ Mỹ xuống, lũ tay sai như là lò xo bật cả dậy, đứng cứng người. Tên En-đru chỉ từng tên một báo cáo với Lên-sđên:
- Đây là tên Bình, đảng viên đảng Đại Việt, đã từng đi lính cho Nhật. Đây là tên Hảo, vệ sĩ công giáo ở Phát Diêm, sau vào lính nhảy dù Pháp, bỏ trốn khỏi lính nhảy dù vì cướp của, tống tiền. Đây là tên Phay bị toà án Việt Minh truy tố về tội giết người. Đây là tên Đính làm cho Phòng nhì Pháp từ năm 1946...
Tên En-đru đọc vanh vách tên và lí lịch từng thằng tay sai một. Đứa nào cũng có một quá khứ lưu manh và làm tay sai cho giặc. Lên-sđên nhìn mặt bọn chúng, mỗi thằng một khuôn mặt khác nhau, đứa thì hàm bạnh mũi hếch, đứa thì trán ngắn, lông mày rậm, đứa thì tóc đít vịt, răng vàng, nhưng chúng đều có những cái nhìn giống nhau: gian giảo xảo quyệt, lại rất quỵ luỵ, khúm núm trước mặt chủ - những cái nhìn của giống chó săn.
Lên-sđên gật đầu bằng lòng, hỏi:
- Chúng nó có nói được tiếng Anh không?
- Thưa đại tá không, có mấy thằng nói được tiếng Pháp.
- Chúng nó có yêu cầu gì không?
- Chúng chỉ xin được đưa tiền trước. Có đứa thì xin sau được đi Phi Luật Tân hoặc Nhật Bản chơi bời.
- Trung uý hãy cho chúng tiền, hứa với chúng muốn đi đâu cũng được, nếu chúng làm được việc. Thôi trung uý đưa bọn chúng đi. Thiếu tá A-len có thể chuẩn bị cho tàu nhổ neo.
Lên-sđên và Tô-ma quay lên, A-len và En-đru tiễn hai tên lên tàu. Chúng chào và bắt tay nhau.
Hai tên sĩ quan CIA không mặc quân phục đó, đi dọc cảng, giữa những đám người di cư hỗn độn, đau khổ, ngơ ngác. Đàng sau chúng, chiếc hạm thuyền Mỹ kéo một hồi còi.
Bỗng Lên-sđên hích khẽ Tô-ma, mặt hơi cau lại, hất hàm ra phía trước, Tô-ma nhìn theo cái hất hàm của Lên-sđên: Phan Thúc Định đang đứng trên bờ cảng, đeo chiếc máy ảnh cạnh sườn ngắm nhìn đồng bào di cư và những chiếc tàu đậu dài bến cảng. Giữa đám người bận bịu tấp nập, anh có thái độ ung dung của một người đi dạo. Đúng lúc ấy Phan Thúc Định cũng nhìn thấy hai tên Mỹ. Anh mỉm cười, gật đầu chào chúng. Lúc đến gần Định, Lên-sđên hỏi:
- Ông Định có việc gì mà lại ra đây vậy?
Định vẫn mỉm cười đáp:
- Cũng như các ông thôi.
Lên-sđên nghiêm nét mặt:
- Chúng tôi ra xem cảnh đón tiếp người Bắc Việt di cư.
Phan Thúc Định vẫn lịch sự:
- Tôi cũng vậy.
Lên-sđên hỏi:
- Ông thấy người Mỹ chúng tôi tổ chức giúp dân các ông tị nạn Cộng sản chu đáo không?
- Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ cảm ơn các ông.
Câu chuyện rời rạc và hai tên Mỹ cũng không muốn kéo dài, chìa tay bắt tay Phan Thúc Định.
Lúc đã ngồi vào xe ô tô, Tô-ma vừa mở máy vừa hỏi Lên-sđên:
- Bản danh sách bọn nhân viên SEDCE của Định cung cấp cho Ngô Đình Diệm thế nào?
- Một bản danh sách có đầy đủ tên người nhưng vô ích.
- Tại sao?
- Trong đó có ghi một số tên quan trọng có thành tích chống Cộng, nắm được nhiều tin, ta có thể dùng được, nhưng khi người của ta tìm đến thì những tên đó mất tích không hiểu vì sao. Còn lại một số tên không quan trọng, chỉ thích có tiền, tham lam và đần độn - đối với những thằng tham tiền, đần độn như vậy, chúng ta không thiếu gì, và cũng chỉ dùng được chúng trong một việc nào đó thôi. Muốn chống lại Công sản một cách có hiệu lực, chúng ta cần phải có những tên có lí tưởng chống Cộng, có tử thù với Cộng sản... Bản danh sách của Phan Thúc Định cung cấp cho Ngô Đình Diệm có thể nói là vô ích! Tôi đang đánh dấu hỏi vào số người mất tích kia. Chúng còn sống hay đã chết?
Nếu chúng bị thủ tiêu hay bị Việt Minh bắt đi thì thật là một thiệt hại lớn cho chúng ta vi chúng am hiểu tình hình ở đây, chúng ta đã mất một số tên giúp việc có khả năng. Nếu chúng ta không có một số tên bản xứ trung thành với chúng ta thì trong công việc sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.
- Chúng ta có thể dùng Phan Thúc Định được không, thưa đại tá?
- Đây là điều chúng ta phải cân nhắc.
- Vì sao?
- Vì nhiều lẽ: Định là người tin cẩn của Ngô Đình Diệm, có học thức, có trình độ, có khả năng, ta không thể dùng vào những việc nhỏ, những việc nhất thời, những việc liều lĩnh chỉ cần gây một chấn động như dùng bọn "Bình", bọn "Hảo" (28) vừa rồi được. Có dùng Định, phải dùng vào những việc lớn, vào những kế hoạch lâu dài của chúng ta trên mảnh đất này. Nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn chưa nắm được Định, nếu Định là người của SEDCE, nếu Định chỉ trung thành với Diệm thôi mà không trung thành với chúng ta, nếu Định bị một lực lượng thứ ba nào đó lôi kéo như bọn trí thức ở Sài Gòn này vẫn có phong trào đó, thì ta vẫn không thể nào dùng được. Chúng ta cần tìm hiểu kĩ về Định hơn nữa. Và còn điều này mới quan trọng, một nhân viên của ta, phục vụ tại khách sạn Ma-giết-tíc cho tôi biết Định vừa có một bản danh sách cán bộ Việt Minh cũ ở Sài Gòn-Chợ Lớn còn nằm lại. Một nhân viên tình báo Pháp của SEDCE đã bán bản danh sách đó cho Phan Thúc Định.
Tô-ma nhổm người lên như ngồi phải lửa:
- Chúng ta cần phải có ngay bản danh sách đó.
Một nụ cười nhạt nhẽo hiện ra trên bộ mặt lạnh lùng của Lên-sđên:
- Đúng. Nhưng vấn đề là làm thế nào...
Chiếc xe của hai tên Mỹ phóng nhanh quá suýt đâm vào một cụ già đi ngang đường. Tô-ma hãm phanh, vòng tay trái, miệng bật ra một tiếng chửi. Tiếng còi của tên cảnh sát nguỵ đứng đầu đường rít lên. Tô-ma không thèm để ý, vẫn rú thêm ga, vượt một chiếc tắc xi chạy phía trước.
Chiếc xe lao nhanh qua các phố xá tấp nập xe cộ của Sài Gòn, bất chấp luật lệ giao thông, chạy về phía vườn ông Thượng (29).
Đến cổng dinh Gia Long, chúng bấm còi. Trông thấy chiếc xe quen thuộc, tên lính gác mở chiếc cổng sắt. Chiếc xe chạy thẳng vào phía trong. Hai tên Mỹ mở cửa xe, bước xuống. Những tên bảo vệ, công chức trong dinh đã quen mặt. đứng nghiêm chào. Chúng lạnh lùng gật đầu đáp lại và đi thẳng đến một chiếc phòng lớn: phòng làm việc của Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm đang ngồi với Ngô Đình Nhu và mấy tên tay chân cao cấp khác. Thấy hai tên Mỹ vào, mấy tên tay chân đứng dậy cáo từ sang phòng bên, riêng Ngô Đình Nhu vẫn ngồi lại. Nhìn hình dáng bên ngoài Ngô Đình Nhu có đôi nét không giống hẳn Ngô Đình Diệm: Hắn gầy hơn và cao hơn ông anh ruột hắn, mặt hắn không thô bỉ như mặt Diệm nhưng trông gian hiểm, tàn nhẫn hơn. Điếu thuốc lá thường xuyên trên môi và ngón tay ám vàng khói thuốc. Hắn lừ đừ như một con thú đang tập trung tất cả sự hoạt động của mình vào bên trong đế rình mồi và hình như bất cứ lúc nào hắn cũng đang dự định làm một việc gì to lớn.
Lên-sđên với giọng đùa cợt, chào hai anh em Diệm:
- Kính chào ngài thủ tướng và ngài cố vấn chính trị. Hình như hai ngài đang nghị bàn đại sự. Chúng tôi đến lúc này có gì phiền cho các ngài không?
Ngô Đình Diệm đưa tay mời hai tên Mỹ ngồi xuống ghế, đáp:
- Chúng tôi đang mong gặp các ông để báo ngay tin việc chúng tôi vừa cho bắt hai tên: trung tá Lan và đại uý Giai vì bọn này đã công khai phát thanh trên đài Sài Gòn chống đối chúng tôi và hô hào lật đổ chúng tôi.
Ngô Đình Nhu tiếp lời anh:
- Chúng tôi thấy cần phải bóp chết bọn chống đối chúng tôi - bất kì chúng là ai - ngay trong trứng nước.
Giọng Lên-sđên hết đùa cợt:
- Tôi đề nghị các ông thả chúng ra. Không phải tôi bênh gì chúng. Lúc nào chúng tôi cũng đứng về phía ông, ông Diệm ạ. Nhưng lúc này, chưa phải lúc chúng ta diệt bọn chúng. Lúc này chúng ta phải tập họp được nhiều người để chống Cộng.
Ngô Đình Nhu đáp:
- Tôi tổ chức đảng Cần lao nhân vị.
Lên-sđên lắc đầu:
- Chưa đủ, các ông không thả chúng ra thì chỉ làm cho hàng ngũ chống đối các ông thêm đông đảo, trong lúc các ông chưa yên chỗ đứng, chỉ làm cho những người trước đây đã làm việc cho Pháp nghi kị, oán ghét các ông, trong lúc các ông vẫn cần đến họ. Vả lại, chúng dám làm như vậy vì đằng sau chúng có những thế lực mà lúc này các ông không làm gì nổi, đang đe doạ hất đổ các ông lúc nào không biết. Tôi xin báo riêng để ông rõ: tướng Nguyễn Văn Hinh đang xúc tiến một cuộc đảo chính lật các ông. Họ sẽ đem xe bọc thép tấn công vào dinh này.
Ngô Đình Diệm bật lên:
- Quân phản bội!
Ngô Đình Nhu mím chặt môi rít thuốc lá.
Lên-sđên tiếp:
- Còn nữa: Vừa rồi ở Can-nơ, Bảo Đại đã gặp Bảy Viễn. Bảo Đại đã biết các ông định gạt Bảo Đại bằng cách loại bỏ hết người thân cận của hắn trong nội các. Hắn đã khuyến khích Bảy Viễn tập hợp lực lượng lật các ông, nếu lật được các ông thì hắn sẽ phong cho Viễn làm thủ tướng. Tôi tự hỏi: Các ông đã thấy hết mối nguy cơ của các ông chưa?
Ngô Đình Diệm ngồi im. Ngô Đình Nhu vẫn mím chặt môi rít những hơi thuốc lá dài, mặt càng đanh ác, thâm hiểm.
Lên-sđên và Tô-ma có vẻ thích thú nhìn hai anh em Ngô Đình Diệm bối rối, khuất phục trước cặp mắt mình, cái thích thú của những người chủ nhìn những con vật mình nuôi, sau khi đã cho mấy ngọn roi, mất hết tính hung hăng khó bảo, đã trở lại nem nép quỳ mọp dưới chân mình.
Một lát sau, Ngô Đình Diệm ngẩng lên hỏi Lên-sđên:
- Tôi chỉ cần biết thái độ của chính phủ Hoa Kỳ. Xin các ông cho biết.
- Tôi với ông là bạn thân - Lên-sđên đáp úp mở, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Diệm. - Tôi sẽ giúp ông, ông Diệm ạ. Như đã nói với ông, chúng tôi đã đưa ông về nước. chúng tôi có trách nhiệm với ông. Các ông nên nghe chúng tôi.
- Chúng tôi sẵn sàng nghe các ông.
Lên-sđên tự phụ:
- Chưa cần các ông đề nghị, chúng tôi đã có kế hoạch hành động đầy đủ rồi. Trước hết, chúng tôi sẽ phá âm mưu đảo chính của tướng Hinh. Tướng Hinh đang định dựa vào tên trung tá Lan và tên đại uý Giai để tiến hành đảo chính. Chúng tôi sẽ điều tra xem ngày nào bọn họ định tiến hành đảo chính. Gần đến ngày đó, tôi sẽ đề nghị tướng Ô Đa-nien (30) mời bọn họ đi một nước nào đó tham quan - chẳng hạn như sang Phi Luật Tân - Chúng ta làm nhẹ nhàng thể thôi, không gây một chút ồn ào nào. Mặt khác, ông Diệm cần phải có một lực lượng quân sự tin cậy làm chỗ dựa. Đại sứ Cô-lin đã thoả thuận với tôi, giúp ông một số tiền để ông "mua" một số tướng tá, một số thủ lĩnh giáo phái có quân trong tay. Ngay bọn bảo vệ ông ở cái dinh này cũng không tin được. Tôi đã đề nghị với một người bạn thân tôi ở Phi Luật Tân: đại tá Na-pô-lê-ông Va-lê-ri-a-nô (31) - vừa là cánh tay phải vừa làm người tổ chức đội quân bảo vệ cho tổng thống Mắc-xay-xay (32) sang đây tổ chức và huấn luyện một tiểu đoàn riêng để bảo vệ dinh của ông, chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra... Các ông bằng lòng chứ?
Ngô Đình Diệm không giấu nổi sung sướng:
- Các ông chu toàn quá. Một lần nữa, xin tri ân các ông.
Ngô Đình Nhu không nói gì, vẫn im lặng hút thuốc lá nhưng nét mặt hắn đã giãn ra và hơi thuốc hắn rít không kéo dài như trước.
Lên-sđên tiếp tục nói:
- Chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền ra để đưa người Bắc Việt di cư vào đây. Chúng ta sẽ tuyển lựa trong đó nhiều người dùng được. Đó là nguồn nhân lực để ông lôi kéo vào quân đội của ông, cũng là nguồn nhân lực để giúp các công ty Hoa Kỳ khai thác sau này.
Lúc ấy, Ngô Đình Nhu mới nói:
- Chúng tôi sẽ cố gắng nắm những người di cư đó.
Lên-sđên gật đầu:
- Đúng! Còn một vấn đề nữa: việc phá hoại miền Bắc và những vùng Việt Minh còn kiểm soát ở miền Nam, chúng tôi sẽ làm thay các ông trong giai đoạn này. Các ông sẽ thấy những vụ nổ lớn, có những sự tàn phá, gây hoang mang trong các vùng đó. Bây giờ các ông hãy làm thế nào đối phó các lực lượng chống đối các ông ở đây để giữ vững chỗ đứng của các ông đã.
Trong các lực lượng chống đối đó có bọn Bình Xuyên và các giáo phái... Bọn ấy chúng tôi chưa nắm được mọi hoạt động của chúng, ông có người nào làm được việc đó không?
Ngô Đình Diệm ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Tôi thấy có một người làm được: Phan Thúc Định.
Nghe đến tên Phan Thúc Định, Lên-sđên ngần ngại:
- Tại sao Định có thể làm được?
- Vì bọn ấy trước đây là người của Pháp chi phối. Phan Thúc Định biết nhiều nhân viên SEDCE chắc chắn sẽ có cách tìm hiểu được mọi hoạt đông của chúng. Chúng lại rất thích tìm những người trí thức làm quân sư, cố vấn. Chắc chúng không thể nghi ngờ một người trí thức như Định. Tôi tin rằng tôi giao việc gì Định sẽ làm hết sức.
Lên-sđên cau mày suy nghĩ một chút, gật đầu:
- Cũng được!
Như chợt nhớ ra, Lên-sđên hỏi Ngô Đình Diệm:
- Phan Thúc Định đang có trong tay một bản danh sách các cán bộ kháng chiến cũ ở lại Sài Gòn-Chợ Lớn. Vậy anh ta có cho ông biết chưa?
Ngô Đình Diệm ngạc nhiên:
- Quái thật! Việc gì đại tá cũng biết cả! Anh ta đã đưa cho chú Nhu bản danh sách đó.
- Phải, chúng tôi đã có bản danh sách đó. - Ngô Đình Nhu tiếp lời anh - Phan Thúc Định đã trao cho tôi cách đây ba hôm. Tôi đã bàn với ông Trần Kim Tuyến kế hoạch làm ngay một mẻ lưới. Ông Tuyến sẽ trình với ông kế hoạch đó.
Lên-sđên gật đầu.
Hỏi tên Mỹ bước ra xe. Tô-ma mở máy và nhìn Lên-sđên có ý hỏi - Lên-sđên xem đồng hồ nói:
- Chúng ta đi ăn một chút, xong tôi phải đến lớp dạy tiếng Anh riêng cho các quý phu nhân đây!
Rồi hắn nói với một giọng thích thú:
- Trong đó có cả Nguyễn Văn Hinh phu nhân và cô con gái yêu của bà... những người phụ nữ Pháp mới lịch sự, duyên dáng làm sao!...
Chương 8
Những đòn đầu tiên của miền Bắc giáng xuống CIA
Vũ Long chăm chú ngắm tập ảnh... Xem xong mỗi chiếc, anh lại chuyển cho Trần Mai. Nhìn tấm ảnh chụp hai tên Mỹ đi giữa cảnh hoạt động của bến tàu Sài Gòn, Vũ Long nói:
- Đây là đối thủ của chúng ta. Cái tên cao là Lên-sđên. Tên mập hơn mặc sơ mi hoa này là Tô-ma. Chúng ta đã thắng bọn tình báo Pháp trong cuộc chiến tranh vừa qua. Bây giờ, đối với những đối thủ này, chúng ta còn ít hiểu biết về chúng quá. Bổn phận chúng ta là tìm hiểu kĩ về chúng, không thể chủ quan với bọn này được. Chúng có nhiều tiền, có phương tiên kĩ thuật tối tân, tiến hành phá hoại trên phạm vi toàn thế giới và đem những kinh nghiệm ấy áp dụng vào nước ta. Cuộc đấu trí, đấu sức giữa ta và chúng chắc chắn sẽ gay go, khó khăn và quyết liệt lắm đấy.
Có tấm ảnh chụp một chiếc tàu biển. Cái tài của người chụp là ở chỗ lấy được toàn bộ hình dáng con tàu lẫn số hiệu tàu rõ rệt vào ảnh. Vũ Long chỉ vào con tàu bảo Trần Mai:
- Theo báo cáo của X.30 gửi kèm cuốn phim về thì đồng chí đó muốn ta đặc biệt chú ý đến con tàu này. Tại sao hai tên trùm CIA lại xuống thăm con tàu này?
Vũ Long ngừng lại suy nghĩ. Theo thói quen, sự suy nghĩ ấy dẫn anh từ chi tiết nọ đến chi tiết kia của sự việc, bật ra sự liên hệ giữa các chi tiết đó. Anh vừa thủng thẳng nói, vừa cân nhắc:
- Theo điều tra của đồng chí X.30 thì hành trình của con tàu này là Sài Gòn - Hải Phòng và Sài Gòn - Phi Luật Tân. Hải Phòng thì hãy còn là khu vực tập kết của quân đội Liên hiệp Pháp, đang là chỗ đón những người dao động, lạc hậu, những kẻ chạy trốn cách mạng muốn bám theo địch đến cùng, đồng thời cũng đang là cái bàn đạp để kẻ địch tung bọn gián điệp thâm nhập vào miền Bắc vừa được giải phóng, tiến hành chiến tranh tâm lí, chiến tranh phá hoại. Phi Luật Tân là một căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đồng thời cũng là nơi bọn Mỹ dùng để huấn luyện những thứ binh chủng đặc biệt của chúng. Sài Gòn - Hải Phòng, Sài Gòn - Phi Luật Tân, hai tên trùm CIA và một chiếc tàu... tất cả những điều ấy phải liên quan gì với nhau? Đồng chí có thấy những điều ấy liên quan với nhau không? Ý đồng chí thế nào?
Trần Mai không đáp ngay câu hỏi của Vũ Long mà hỏi lại anh:
- Anh đã đọc cái báo cáo của cơ sở chúng ta ở cảng Sài Gòn chưa?
Vũ Long gật đầu:
- Có, tôi đọc rồi. Cái báo cáo ấy cũng liên quan đến một con tàu. Cơ sở ta ở cảng phát hiện có một số tên khuân vác đáng nghi, ngày thường không thấy xuất hiện ở cảng, đã xuống một con tàu. Anh em theo dõi thì không thấy chúng lên nữa. Ấy đấy, nếu tổng hợp các chi tiết tưởng chừng rời rạc ấy lại với nhau thì sự việc đã tương đối rõ đấy nhỉ. Chúng ta có thể sơ bộ nhận định thế này: bọn CIA đang bí mật tung người ra tiến hành những âm mưu thâm hiểm đối với miền Bắc vừa được giải phóng. Đồng chí hãy gởi gấp phiên bản cuốn phim của đồng chí X.30, những báo cáo của cơ sở ta ở cảng Sài Gòn... lên cấp trên ngay. Đồng chí ghi rõ nhận định của chúng ta nữa.
Khi Trần Mai quay ra. Vũ Long tiếp tục xem lại từng bức ảnh, mong tìm ra thêm được những chi tiết đáng chú ý nữa. Kinh nghiệm cho anh thấy rằng có những bức ảnh, bức thư... chỉ xem, chỉ đọc một lần thường không phát hiện hết những điều đáng chú ý. Nhưng nếu ta xem, ta đọc thêm mấy lần sau nữa, có khi tìm ra được những điều rất thú vị. Anh nheo mắt ngắm bức ảnh chụp hai thằng trùm tình báo Mỹ mặc thường phục đi giữa những người Việt ở cảng Sài Gòn. Những ý nghĩ lúc nãy lại quay trở về với anh: "Đây là những đối thủ mới. Bọn này ghê gớm hơn bọn cũ rất nhiều. Tất nhiên ta chưa hiểu hết về chúng nhưng ta tin ở sức mạnh của nhân dân, tin ở sự sáng suốt của cấp trên. Nhân dân thuộc về ta. Chúng có nhiều tiền bạc, nhiều phương tiện tối tân, nhiều mánh khoé, thủ đoạn thâm hiểm, nhưng sang đây, chúng không thể sống riêng biệt chỉ có chúng nó với nhau được, chúng không thể vác cái mũi lõ, mắt xanh thâm nhập vào hàng ngũ của ta được. Chúng sẽ cần những người Việt Nam, cần những người thông ngôn, cần những cô thơ kí, cần những ông già quét dọn nhà cửa, cần những anh lái xe, cần những em nhỏ đánh giày... giúp việc cho chúng. Và những người ấy sẽ là tai mắt cho ta, sẽ là những người góp phần thầm lặng vào việc tống cổ chúng ra khỏi đất nước này. Tiền bạc của chúng có thể mua được một số tay sai nhưng chắc chắn không thể mua được tâm hồn, tấm lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Phương tiện tối tân của chúng có thể gây nhiều khó khán cho ta nhưng chắc chắn không thể giúp chúng kiểm soát được những người ngay bên cạnh chúng, không thể giúp hiểu được mỗi người dân Việt Nam nghĩ gì. Mà người dân Việt Nam thì ai cũng yêu nước, ghét bọn ngoại bang xâm lược. Không thể chủ quan với chúng được, nhưng chắc chắn chúng cũng sẽ thất bại như bọn trước thôi, có khi còn thất bại đau hơn!".
Vũ Long mỉm cười, cái cười của người bước vào trận đánh biết trước sẽ gay go, căng thẳng, đầy nguy hiểm nhưng tin ở sức mình. Anh tin ở ngày mai miền Nam cũng sẽ được hoàn toàn giải phóng như miền Bắc...
*
* *
Miền Bắc đã được giải phóng chỉ còn khu vực Hải Phòng ở trong thời hạn ba trăm ngày quy định theo hiệp định Giơ-ne-vơ cho các lực lượng vũ trang Liên hiệp Pháp tập kết rút đi. Chưa bao giờ người ta thấy được sự tương phản của hai chế độ đến như thế. Đường phố Hải Phòng đầy rẫy bọn tàn binh đủ các màu da. Chúng ở các trại lính. Chúng chiếm các nhà tư để đóng quân. Chúng căng lều ra khắp các vườn hoa, bãi đá bóng để trú trong lúc chờ đợi xuống tàu. Bao nhiêu thú tính của chúng trước đây tung ra ở khắp đồn bót chúng đóng trên miền Bắc, thì bây giờ thu lại, phá phách trên một cái thành phố nhỏ. Không thể kể hết được sự hỗn loạn, bẩn thỉu, mất dạy của đám bại binh đó gây ra. Nhiều người dân lương thiện Hải Phòng phải đưa con cái tránh lên Hà Nội.
Cùng với bọn bại binh đó là tất cả bọn lưu manh, bọn mất gốc, bọn đĩ bợm, bọn có nợ máu với nhân dân... xưa nay sống bám vào gót giày quân xâm lược từ khắp miền Bắc cũng theo thầy đổ dồn về như những rác rưởi bị dòng thác lũ cuốn trôi, dồn vào một góc, trước khi bị tống ra biển. Chúng ăn uống vội vã, trác táng vội vã, vơ vét vội vã như đã nhìn thấy thần chết bay trên đầu chúng bấy giờ. Những chiếc tàu há mồm, những chiếc máy bay vận tải cỡ lớn sơn màu tam sắc, cờ sao vạch trắng ùn ùn đến hốt chúng. Cho đến giờ phút chót ấy, chúng vẫn chưa li khai với tội ác. Chúng cưỡng bức, dụ dỗ, bắt cóc người khác đi theo chúng. Chúng như những con rắn độc thỉnh thoảng luồn lên Hà Nội.
Trong khi đó, Hà Nội nhộn nhịp, tươi vui cuộc sống mới, cuộc sống của những người dân làm chủ đất nước mình, làm chủ cuộc đời mình. Không ai quên được cái ngày cả Hà Nội tưng bừng đón Đảng và Chính phủ về thủ đô. Không ai quên được những buổi đại hội văn công đầy màu sắc mà nhiều người thủ đô xem muốn ứa nước mắt vì xúc động dậy lên tình cảm dân tộc, đất nước. Không ai quên được những buổi họp bàn việc quản lí các nhà máy, các trường học, các công sở, các bệnh viện... ngày nay đã thuộc về mình.
Ga Hà Nội như sống lại. Các chuyến xe lửa hừng hực chạy đi các ngả và từ các ngả chạy về giúp việc lưu thông các mạch máu trên một cơ thể hồi sinh, cường tráng, mạnh mẽ hơn trước. Hành khách lên xuống tấp nập. Những người công nhân quần áo xanh chạy đi chạy lại. Những cô gái đường sắt giữ trật tự đeo băng đỏ trên tay hướng dẫn khách đi về.
Trong một đầu máy xe lực lưỡng như toát ra sức mạnh, hai đồng chí công nhân lái tàu, một già một trẻ đang chuẩn bị cho đoàn xe chạy. Các toa xe đã nối vào đầu máy. Trong toa xe, các bà mẹ có con mọn vừa nựng con vừa chỉ trỏ ra ngoài cửa sổ, nói chuyện với con, các thanh niên nam nữ sôi nổi bàn về nhà máy mới mà mình sắp đi xây dựng, các ông già trầm ngâm ngồi đọc số báo mới phát hành, các bà phụ nữ lao động sắp xếp lại quang gánh sao cho gọn gàng. Chiếc đầu máy sung sức sẵn sàng vượt quãng đường dài. Khoang lò đầu máy lửa than cháy rừng rực. Khoang sau đầu máy chứa đầy than, những miếng than hình chữ nhật dẹp, to hơn viên gạch nằm dự trữ. Bác công nhân già xem lại các đồng hồ của đầu máy, quệt mồ hôi đẫm trán, bảo anh công nhân trẻ:
- Cho thêm than vào lò, chuẩn bị.
Anh công nhân trẻ cầm từng miếng than trên tay ném mạnh vào lò. Một miếng... hai miếng... ba miếng... bốn miếng... Đến miếng thứ năm, đang dang tay định ném vào lò, anh công nhân trẻ bỗng rụt tay lại. Anh ngắm nghía miếng than. Nó cũng một màu đen, cũng kích thước như mọi miếng than khác. Anh định ném tiếp nhưng nghĩ thế nào, anh lại tung thử nó trên tay. Bác công nhân già giục giã:
- Khẩn trương lên chứ. Sắp đến giờ rồi.
Anh công nhân trẻ rụt rè:
- Bác ạ, miếng than này cháu thấy nó khang khác.
Bác công nhân già cau mày:
- Nó làm sao? Nó bé hơn à?
Anh công nhân trẻ lắc đầu:
- Không phải, cháu thấy kích thước nó cũng bằng những miếng khác, nhưng tại sao nó nhẹ hơn và cầm không thật tay.
Bác công nhân già quệt mồ hôi trán, bước gần lại chỗ người đồng nghiệp trẻ:
- Cậu đưa tôi xem nào?
Bác cầm miếng than trên tay, cũng tung thử trên bàn tay chai sạn, đầy dầu mỡ của mình.
Bác đưa lên tai lắc thử nghe ngóng rồi chuyển sang lòng bàn tay trái và dùng ngón tay phải gõ thử. Vẻ mặt trầm hẳn xuống, bác gật đầu nói với anh công nhân trẻ:
- Nó khác thật. Cái này là phải cảnh giác đây.
Bác nhớ đến lời các đồng chí lãnh đạo luôn luôn dặn dò: "Phải hết sức cảnh giác. Bọn địch đã phải rút đi, nhưng chúng không muốn nhân dân ta được sống trong hoà bình. Chúng luôn luôn tìm cách phá hoại cuộc sống hoà bình và công cuộc xây dựng của chúng ta". Bác nhớ mới tuần trước đây thôi, nhân dân gần kho xăng Gia Lâm đã phát hiện giúp công an hai kẻ lạ mặt lảng vảng quanh kho xăng. Đúng là hai tên mà công an đang theo dõi. Công an đã bố trí bắt được quả tang chúng định mang chất nổ vào phá kho xăng. Nghe nói chúng đã được đào tạo từ một đảo xa xôi nào của Mỹ trên Thái Bình Dương. Ngẫm nghĩ, bác bảo anh công nhân trẻ:
- Tàu khởi hành chậm lại một chút cũng được, tính mạng hàng trăm hành khách ở trong tay chúng ta. Cậu mang ngay miếng than này lên báo cáo với trưởng ga để điện sang bên công an ngay...
Anh công nhân trẻ với cái khăn, lau qua đôi tay lem luốc, cầm miếng than, nhanh nhẹn đi ra. Bác công nhân già băn khoăn nhìn từng bộ phận của đầu máy, chiếc đầu máy mà bác đã góp phần đấu tranh giữ nó lại không cho bọn địch cướp đi, để trao nó vào tay chính quyền cách mạng, vào tay nhân dân, chiếc đầu máy mà bác coi như cơ thể của bác. Bọn địch định giơ bàn tay gớm ghiếc, bẩn thỉu, đẫm máu đụng vào nó chăng? Bất cứ chúng là đứa nào, bác cũng đập cho vỡ sọ...
Anh công nhân trẻ đã quay về cùng với mấy đồng chí công an. Miếng than khác thường kia đã được xét nghiệm: đó là một quả mìn có sức công phá mạnh, làm giả dạng giống miếng than như thật. Các đồng chí công an phối hợp cùng hai đồng chí công nhân kiểm tra lại toàn bộ đống than dự trữ trên đầu máy, kiểm tra lại từng bộ phận máy móc. Cả đoàn xe cũng được kiểm tra lại. Hành khách trên xe vui vẻ xem lại chung quanh chỗ ngồi của mình theo sự hướng dẫn của các đồng chí công an.
Một lát sau, đoàn xe kéo một hồi còi dài đắc thắng, từ từ chuyển bánh, tốc độ mỗi lúc một nhanh, băng băng suốt quãng đường dài.
Anh công nhân trẻ ném thêm than vào lò. Bác công nhân già hất cao chiếc mũ công nhân, chăm chú nhìn quãng đường sắt phía trước, nhìn phố xá đang nhộn nhịp xe cộ, nhìn chiếc cầu vươn mình qua dòng sông và những bè gỗ nứa lững lờ trôi trên mặt sông từ miền ngược về giúp miền xuôi xây dựng, nhìn những cánh đồng mênh mông một màu xanh lúa chín, nhìn mây trắng đang nhởn nhơ bay trên nền trời xanh bao la, mỉm cười...
Tiếng nổ mà bọn địch mong đợi nghe thấy ấy, chỉ nổ ra sau này ở miền Nam vào bất cứ chỗ nào có bọn xâm lược Mỹ...
Chương 9
Từ Đại thế giới đến Liberty Palace...
Phan Thúc Định đứng trước gương thắt cà vạt. Nam - gã giúp việc - hỏi anh:
- Ngài có lấy áo không ạ?
Trong bụng, Định rất khó chịu với gã giúp việc này, nhưng nét mặt và lời nói anh vẫn thản nhiên:
- Cảm ơn bác, hôm nay tôi đi chơi mát thôi.
Gã giúp việc lặng lẽ lui ra. Đó là một gã đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, mặt vuông, môi dày, trán ngắn, lông mày rậm, có vẻ đần độn. Dáng điệu gã chậm chạp. Lời ăn tiếng nói xem chừng thật thà. Riêng đôi mắt gã thật kì lạ: bình thường thì lờ đờ nhưng đôi lúc nhanh như mắt mật thám. Phan Thúc Định biết gã đã từng hầu hạ gia đình Ngô Đình Nhu trên hai mươi năm, từ hồi Ngô Đình Diệm còn mũ áo dài giữa triều đình Huế. Gã được liệt vào hạng tôi tớ trung thành của gia đình họ Ngô.
Phan Thúc Định biết là Ngô Đình Nhu đưa gã Nam đến giúp việc anh, không phải là không có lí do. Vì có lần về, nhìn lại ngăn kéo bàn giấy, Định thấy vẫn khoá nhưng sợi tóc nhỏ anh đánh dấu rơi ra ngoài.
Anh được Ngô Đình Diệm cho ở hẳn trong dinh Gia Long và được dùng hai phòng thoải mái: một phòng ngủ và một phòng làm việc. Anh có riêng một chiếc xe hơi kiểu Rơ-nôn bốn mã lực khi chạy ra đường, lẫn với hàng nghìn chiếc tắc xi đang được dùng phổ biến ở Sài Gòn lúc đó.
Thắt cà vạt xong, Định đóng cửa buồng và bảo gã giúp việc lúc nào cũng ở quanh quẩn chỗ anh:
- Bác ở nhà nhé, nếu cụ Ngô gọi, bác thưa với cụ hộ là tôi ra phố.
Anh đi qua sân, về phía nhà xe. Một tiếng gọi thỏ thẻ làm anh đứng lại:
- Anh Định.
Trần Lệ Xuân - vợ Ngô Đình Nhu - đang ngồi trên một chiếc ghế đá, khuất sau lùm cây, nhìn anh đăm đăm.
Định lịch sự, hơi cúi đầu:
- Chào bà.
Trần Lệ Xuân khoảng ngoài ba mươi tuổi, từ vẻ mặt đến thân hình đều lộ ra những nét của một người còn tiếc rẻ tuổi xuân và để nhiều thời gian vào các mĩ viện. Bà ta mặc chiếc áo dài trắng "kiểu Trần Lệ Xuân" hở cổ và khoảng vai trắng ngần, quần trắng, đi dép đầm cũng màu trắng. Tay bà ta đeo đầy vàng và kim cương. Từng cái cau mày, từng cử chỉ, từng lời nói đều lấy điệu như một diễn viên kịch, như có máy ảnh đặt trước mặt. Bà ta nhìn Phan Thúc Định, trách móc:
- Tôi đã nhiều lần bảo anh đừng gọi tôi như thế. Tôi hãy còn trẻ.
Định vẫn lịch sự:
- Vâng... nhưng xin lỗi bà, bà là bà cố vấn. Tôi muốn tỏ sự kính trọng của tôi.
Lệ Xuân lắc đầu:
- Không. Nhà tôi với tôi, tuy thế, cũng có những điểm khác nhau chứ. Công việc làm tính nết nhà tôi già đi nhiều. Còn tôi, tâm hồn lúc nào cũng trẻ. Nhà tôi ít nói, tôi thì thích nói chuyện với mọi người. Nhà tôi hầu như chỉ biết có công việc, sống cô độc. Còn tôi, tôi muốn tiếp xúc với mọi người...
Rồi hắn nhìn Định thăm dò:
- Lúc nào có mặt nhà tôi, có mặt mọi người anh gọi thế cũng không sao, nhưng những lúc chỉ có riêng tôi với anh, tôi thấy anh xưng hô như vậy là kém sự thân mật đi.
- Vâng...
- Tôi rất quý anh. anh có biết không?
- Dạ, cảm ơn... bà.
- Đấy lại thế rồi. Tôi rất quý anh cho nên tôi muốn mách riêng anh điều này: giáo sư Phi-sin không ưa anh và để ý anh. Anh có hiểu tại sao không?
- Tôi cũng không hiểu tại sao ông ta lại quá quan tâm đến tôi như vậy.
Phan Thúc Định trả lời Lệ Xuân và nhìn hắn bằng một cái nhìn ý nhị. Lệ Xuân mỉm cười:
- Chẳng lẽ do tôi.
Bởi vì Phi-sin - tên giáo sư Mỹ cố vấn chính trị đặc biệt của Ngô Đình Diệm, được ở liền trong dinh Gia Long ấy - luôn luôn bám sát Lệ Xuân. Hắn săn đón, chiều chuộng Lệ Xuân với một thái độ quá nồng nhiệt đến nỗi chính Ngô Đình Nhu cũng phải khó chịu. Trong khi đó thì Lệ Xuân...
Lệ Xuân vẫn nhìn Phan Thúc Định đăm đăm:
- Anh hiểu cho. Tôi hoàn toàn không muốn thế.
- Thưa... tôi không bao giờ nghĩ như vậy.
Phan Thúc Định thừa biết Phi-sin để ý đến mình, nhưng không phải đơn thuần vì Lệ Xuân. Trước khi là một kẻ si tình, bao giờ tên CIA cũng vẫn là tên CIA.
- Nghe nói anh có ý định ra ở ngoài phải không? - Lệ Xuân hỏi.
- Vâng, tôi định thế.
- Tại sao vậy? Gia đình tôi có điều gì làm anh không vừa ý? Hay tại thủ tướng chưa kịp giao cho anh một chức vụ gì trong nội các? Anh nhớ rằng có những người không giữ chức vụ gì công khai nhưng lại quan trọng hơn những người giữ chức vụ công khai đấy nhé. Vợ chồng tôi có giữ chức vụ gì công khai đâu.
- Không phải thế đâu. Mong... bà, xin lỗi tôi quen miệng, đừng hiểu lầm. Tôi rất biết ơn thủ tướng và gia đình nhà ta đã dành nhiều ưu ái cho tôi, coi tôi như người thân. Tôi mong ra ở ngoài vì, xin lỗi bà, muốn bảo vệ bà.
Lệ Xuân cau đôi lông mày được tô chì rất cẩn thận:
- Tôi chưa hiểu anh định nói gì.
- Tôi tránh việc ông Phi-sin có thể tung ra những dư luận không hay.
Đôi lông mày tô chì giãn ra:
- Không. Anh đừng ngại. Đối với tôi, dư luận không có nghĩa gì hết. Nhưng nếu anh rời khỏi dinh Gia Long này, anh bị hại ngay. Tôi không phải kể công với anh đâu, anh ở đây, tôi có thể bảo vệ được anh. Chính tôi mới là người bảo vệ anh. Ngoài thủ tướng ra, anh có một vị thần hộ mệnh nữa mà anh không biết.
Lệ Xuân ngả đầu vào thành ghế đá cười, cố tình phơi cái cổ trắng ngần, Phan Thúc Định vẫn lễ độ:
- Xin cảm ơn bà.
Lệ Xuân ngồi tránh sang một bên ghế đá:
- Anh có bận gì không, ngồi xuống đây nói chuyện đã. Ai lại người ngồi, người đứng thế không tiện.
- Xin lỗi bà, tôi có việc phải ra phố bây giờ.
Đôi lông mày tô chì lại cau lại nhìn Phan Thúc Định như trách móc:
- Tôi nghe nói dạo này anh hay đến các phòng trà, tiệm nhảy lắm phải không?
- Thưa bà, tôi muốn giải trí.
- Thế ở dinh Gia Long này anh không tìm thấy nguồn vui ư?
- Ấy chết, bà đừng hiểu lầm như vậy. Sự ưu ái của thủ tướng và gia đình nhà ta đã là nguồn vui lớn cho tôi rồi...
Thấy đứng lại thêm thì sẽ rất khó xử, Phan Thúc Định lễ phép kiếu từ. Trần Lệ Xuân nhìn theo hút anh ra phía nhà chứa xe, bất giác khẽ thở dài. Trời đã ngả sang màu tím. Bóng tối lẩn quất ở dưới các vòm cây.
Chiếc xe con của Phan Thúc Định bon ra cổng. Bao giờ anh cũng cầm lái lấy. Tên lính mở cổng. Chiếc xe ra đến đường hoà vào dòng xe hơi cuồn cuộn chảy trên đường phố Sài Gòn.
Sài Gòn đã lên đèn. Buổi tối đến, khi hơi nóng ban ngày đã dịu đi và gió mát từ sông thổi vào. Sài Gòn tấp nập khác thường.
Người ta đổ ra đường. Xe tắc xi, xe hơi, xe buýt, xe máy, xe xích lô gắn máy đan nhau như mắc cửi. Các cửa hàng rực rỡ ánh đèn nê-ông. Tiếng nhạc, tiếng rao hàng, tiếng động cơ ồn ào. Người ta ra phố uống "lave" nhắm với củ kiệu hoặc trứng vịt lộn, sò huyết. Người ta ra trước cửa chợ Bến Thành ăn "chả giò". Người ta lăn vào các đại hí trường "Kim Chung", "Đại thế giới". Người ta vào các tiệm nhảy, các phòng chiếu bóng có ca nhạc. Người ta vào Chợ Lớn tìm thú vui hương sắc. Người ta "xả hơi" - nói theo tiếng lúc đó - sau một ngày vật lộn mưu sinh căng thẳng.
Những tên lính viễn chinh đủ các màu da của quân đội Liên hiệp Pháp, trắng có, đen có, nhờ nhờ có, với nhiều kiểu quần áo lon mũ khác nhau, dồn từ khắp các nẻo Đông Dương về đi lại đầy đường, sắm sửa, mua bán để chuẩn bị hồi hương. Dáng điệu chúng lành hơn từ sau trận Điện Biên Phủ.
Tất cả những cảnh ấy chạy qua khung cửa kính xe hơi của Phan Thúc Định. Anh cho xe chạy dọc đường Ga-li-ê-ni (33) vào Chợ Lớn, xe đổ trước cổng hí trường Đại thế giới.
Tên là hí trường nhưng thực chất đó là một sòng bạc lớn, do bọn nguỵ quyền mở và cho bọn du côn đầu trộm đuôi cướp mang tên Bình Xuyên của Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn bao thầu. Mỗi ngày bọn Bình Xuyên thu hồ rồi đóng thuế cho quỹ của nguỵ quyền Sài Gòn một triệu đồng. Chỉ riêng con số một triệu đồng đó cũng đủ nói lên bao nhiêu người bị chúng bóc lột cho khánh kiệt, bao nhiêu gia đình tan nát, mẹ bỏ con, vợ lừa dối chồng, bố tự tử...
Ngoài cửa hí trường, có hai tên Bình Xuyên mặc quần áo bà ba đen, đứng khám tất cả khách vào. Chúng sợ người ta mang chất nổ, mang súng vào phá sòng bạc.
Phan Thúc Định xuống xe, đến trước mặt hai tên Bình Xuyên hỏi:
- Cậu Hai Pôn (34) có đây không?
Hai Pôn là con trai Bảy Viễn. Tuy mới ngoài hai mươi tuổi đầu nhưng dựa vào thế bố, hắn đã nổi tiếng ăn chơi, du côn khắp Sài Gòn, Chợ Lớn. Phan Thúc Định bắt quen với hắn trong một tiệm nhảy. Thấy phong cách "pa-ri-diêng" (35) của Phan Thúc Định trong cách đối xử với các cô gái nhảy, trong các điệu nhảy, hắn rất phục, muốn học đòi và định tôn Định làm ông anh nữa. Định đã nhanh chóng chinh phục được hắn, biến hắn thành một "hạt nhân" của mình trong bọn Bình Xuyên nói riêng, các giáo phái nói chung. Vì bố hắn là Bảy Viễn, nên hắn hiểu biết tất cả chuyện nội bộ của Bình Xuyên như là chuyện nội bộ gia đình hắn. Vì bố hắn là Bảy Viễn nên một số bọn trẻ trong nhóm phản động theo Pháp đội lốt giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo thích kết thân với hắn để sống phóng túng càn rỡ mà bọn cảnh sát mật thám nguỵ quyền không dám làm gì. Cũng vì bố hắn là Bảy Viễn, nên hắn quen mặt, đi lại thân thuộc với bọn cầm đầu cảnh sát mật thám nguỵ quyền Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều sĩ quan trẻ trong quân đội nguỵ. Còn Phan Thúc Định đối với hắn, hắn chỉ biết là "anh Phan" du học sinh ở Pháp về chơi một thời gian, quen nếp ở kinh thành Ba Lê hoa lệ, hiểu biết các cách sống hào hoa phong nhã, cư xử rộng rãi, lịch sự, thế thôi.
Hai tên Bình Xuyên gác cổng hí trường thấy Phan Thúc Định ăn mặc lịch sự lại hỏi con trai thủ lãnh trùm sỏ của mình, không dám khám anh, vội vã nói:
- Dạ, dạ... có. Có lẽ cậu Hai ở phòng lớn.
Phan Thúc Định thản nhiên đi vào. Hí trường chia ra làm nhiều khu vực. Khu vực nào cũng có những bàn đánh bạc kê dài nối tiếp nhau. Khu vực nào cũng có những tên Bình Xuyên lảng vảng đi lại.
Ở đây người ta thấy đủ các lối cờ bạc: từ đánh đề đến quay ru-lô, từ tài xỉu đến xóc đĩa; đủ các cách bóc lột con bạc: từ chỗ đánh cò con một hai đồng đến chỗ đánh bạc không đặt tiền, chỉ nói bằng lời và viết trả bằng thẻ tiền (36). Để giải trí cho con bạc sau mỗi một canh bạc căng thẳng, cũng như để mồi chài được đông khách đến, bọn chủ sòng gian giảo, lắm mưu nhiều kế, còn tổ chức trong hí trường chỗ này tiệm ăn, tiệm uống, chỗ kia ca nhạc, khiêu vũ, chỗ này diễn tuồng cải lương, hát bội, chỗ kia chiếu bóng xem không mất tiền, chỗ này sân chơi đi những chiếc ô tô con có bọc cao su dày chung quanh, chỗ kia vòng quay trai gái ngồi có máy chạy dềnh lên, thụt xuống như ngồi trên sóng.
Sống lúc nhúc trong đó có hàng nghìn những tên cò mồi ma cô. Chúng vui sướng khi nhìn thấy những cặp mắt dại đi, tuyệt vọng đến liều lĩnh, những nét mặt ngơ ngác bần thần đến mất hết trí khôn của người thua bạc. Chúng sán ngay đến, xoè tiền ra trước mặt họ với những lời thì thầm, đường mật, gạ gẫm cầm đồng hồ, cầm nhẫn vàng hoặc nếu người thua bạc là một phụ nữ không có cái gì để cầm cố nữa thì chúng tìm cách làm cho người ấy tặc lưỡi nhắm mắt đến một phòng ngủ có sẵn trong hí trường.
Phan Thúc Định đi qua những đám người chen chúc quanh bàn tài xỉu có các cô gái Trung Hoa mặc áo kiểu Thượng Hải để lộ đôi tay trắng ngần, đang cất tiếng rao trong lanh lảnh; đi qua những bàn ru-lô quay tít có hàng trăm cặp mắt chăm chú nhìn như dán chặt vào cái mặt bàn tròn đang mờ ảo xao động. Anh đến chỗ "phòng lớn". Đây là một ngôi nhà dành riêng cho những con bạc giàu kếch xù. Ngoài cửa, có treo cái biển gỗ với mấy dòng chữ kẻ kiểu chữ in "Cấm những người ăn mặc tồi và đi guốc vào đây". Trái với không khí ồn ào chung của hí trường, căn nhà này rất tĩnh lặng. Các con bạc, có rất nhiều người nước ngoài quay quanh bàn bạc, im lặng đặt từng đống "sầu" và im lặng thu những thẻ tiền đó về. Thỉnh thoảng mới có tiếng trao đổi, tiếng thở dài, tiếng chép miệng rất khẽ.
Phan Thúc Định nhìn thấy Hai Pôn đang đứng cạnh một cô gái bên bàn bạc. Hai Pôn hai mươi lăm tuổi, người tầm thước, to ngang, đầu để tóc dài chải mượt úp ra đàng sau kiểu đít vịt, mặt vuông, lông mày rậm, da hơi đen, mặc quần áo ka ki Mỹ bó chẽn lấy người, tay áo xắn lên quá khuỷu. Cô gái chừng mười chín đôi mươi, có dáng của một cô gái Bắc di cư, người nhỏ nhắn, mặc áo dài màu xanh nhạt. Hai Pôn lấy trong túi áo ra từng nắm "sầu" đưa cho cô gái để cô ta đặt lên bàn bạc.
Phan Thúc Định tới gần Hai Pôn. Hắn nhận ngay ra anh, nhăn nhở cười và bắt tay anh rồi giới thiệu:
- Đây là Cẩm Nhung (37) - và quay sang cô gái - Đây là anh Phan, anh kết nghĩa của anh vừa ở Balê về chơi.
Cô gái nghiêng đầu chào Định. Anh đáp lại với cử chỉ lịch thiệp, rồi quay sang phía Hai Pôn:
- Ba ở nhà vẫn mạnh chứ chú?
Hai Pôn nói nhỏ với Định, nhưng cũng đủ để cô gái nghe thấy, giọng khoe khoang:
- Ba em vừa sang Pháp để gặp quốc trưởng Bảo Đại.
- Có việc gì quan trọng thế? Ba đi một mình à?
- Điện của Quốc trưởng mời sang ngay. Em chưa rõ việc gì.
- Anh đang tìm chú, nhưng chắc hôm nay chú mắc bận?
Hắn toét mồm cười:
- Vâng, hôm nay em mắc bận phải đưa Nhung đi giới thiệu cho Nhung biết thế nào là Hòn ngọc Viễn Đông. Có việc chi cần không anh?
- Không cần lắm. Tôi định rủ chú đi Mỹ Cảnh. Hôm nay ở đó có dàn nhạc Phi Luật Tân mới sang, chơi những bản nhạc jazz mới nhất.
Cô gái thấy hai người nói chuyện không dính líu gì đến mình thì quay sang theo dõi bàn bạc. Phan Thúc Định như vô tình chợt nhớ ra hỏi Hai Pôn:
- À, chú định đưa anh đến chơi nhà thư kí riêng của tướng Năm Lửa (38). Bao giờ anh em ta đi nhỉ? Biết thêm một người bạn là một điều đáng quý.
- Tối mai anh nhé!
Phan Thúc Định chìa tay bắt tay Hai Pôn:
- Được rồi. Hẹn trước với chú một chầu say tuý luý.
Anh quay sang gật đầu chào cô gái. Hai Pôn và cô gái lại chúi đầu vào bàn bạc. Định rời khỏi hí trường Đại thế giới, lái xe quay về Sài Gòn. Chiếc xe chạy vào đường Catinat (39) - khu phố ăn chơi, mua bán của người Âu ở Sài Gòn - đến trước cửa tiệm nhảy "Liberty Palace", một tiệm nhảy lớn, lộng lẫy nhất Sài Gòn dành riêng cho các sĩ quan Pháp, cố vấn Mỹ và giới thượng lưu của thành phố. Anh lái xe vào dãy xe của khách đến tiệm, rồi mở cửa xe bước xuống, đứng bên xe, thong thả mở hộp thuốc lá, lấy một điếu châm lửa, ngắm nhìn hàng chữ "Liberty Palace" nhấp nháy rực rỡ bằng ống đèn huỳnh quang xanh đỏ. Tiếng nhạc văng vẳng vọng ra với tiếng trống giần giật, tiếng kèn "trom-pét" kêu gọi.
Anh bước vào tiệm. Tiệm nhảy là một căn nhà lớn hai tầng. Tầng dưới là gian bán cơm Âu với những dãy bàn phủ khăn trắng toát, những người bồi quần đen áo Spencer trắng. Tầng trên là phòng nhảy sàn gỗ bóng loáng với ban nhạc "sống", và những cô gái nhảy trẻ đẹp, duyên dáng được kén chọn và trả lương hậu nhất trong các tiệm nhảy ở Sài Gòn. Định bước qua cửa kính quay tự động của tiệm, đi lối cầu thang dành riêng cho khách lên tầng trên.
Lúc Phan Thúc Định đã khuất vào trong tiệm, một em bé đánh giày khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, nhìn trước, nhìn sau thấy không ai để ý đến mình, xách hòm đi ra phía sau dãy xe hơi đó. Đến bên chiếc Rơ-nôn của Phan Thúc Định, em cúi xuống, rất nhanh, lấy ở phía gầm xe sau ra một vật gì. Sau đó, em thản nhiên bước đi, miệng huýt sáo vang. Phan Thúc Định bước vào trong phòng nhảy. Trên bục, một dàn nhạc người Phi Luật Tân đang biểu diễn. Những nhạc sĩ Phi Luật Tân da nâu, mặc áo cộc tay hoa sặc sỡ chơi một bản nhạc jazz với âm thanh hỗn loạn. Thỉnh thoảng, cái anh đánh trống đầu múp tròn và cái anh cầm hai quả lắc cao lênh khênh lại hú hét như hai thằng điên. Trên sàn nhảy, các cặp trai gái đang uốn éo, chân tay như đang lên cơn sài giật trong một điệu "u-ghi bu-ghi".
Phan Thúc Định tìm một bàn ở góc ngồi. Người bồi đến bên, anh lấy "tích kê" nhảy và gọi một cốc uýt-xki.
Bản nhạc chấm dứt. Đèn chuyển ánh sáng. Các cặp trai gái đưa nhau về bàn ngồi. Một cô gái nhảy, sau khi xin lỗi người khách vừa nhảy với mình, đến bàn Định.
- Anh mới đến?
- Chào em. Em uống gì để anh lấy?
- Cảm ơn anh. Cho em một cốc "Suze".
Cô gái tuy trang điểm phấn son nhưng vẻ mặt vẫn bộc lộ những nét chân thực. Chiếc áo dài màu trắng, cổ cao, bó sát lấy dáng người thon mảnh. Đã quen với tính nết của Phan Thúc Định, Thuý Hằng - tên cô gái - biết rằng anh chỉ mời mình nhảy những điệu êm, lịch sự như van-xơ, tăng-gô, bô-xtông, slô... và anh nhảy rất đẹp, còn những điệu nhảy cuồng loạn thịnh hành đối với đám trẻ háo hức văn minh Mỹ lúc đó như cha-cha-cha, măm-bô, u-ghi bu-ghi... thì anh không ưa. Thảng hoặc, lúc nào vui anh cũng nhảy tuýp, săm-ba, rum-ba... nhưng anh đi những bước rất nhẹ, rất kiểu cách. Thỉnh thoảng hai người mới nhảy một vài bài, còn thì họ ngồi nói chuyện rất vui nhưng không bao giờ chớt nhả. Thuý Hằng vừa mến, vừa trọng người thanh niên lịch sự và hiểu biết này.
Mười một giờ khuya, Phan Thúc Định đứng dậy. Sau khi thanh toán tiền rượu và tích kê nhảy, anh không lấy lại tiền lẻ mà để "puốc boa" cho người bồi.
Thuý Hằng tiễn anh ra đến cửa tiệm. Như thường lệ, anh cầm năm trăm "bắt tay" Thuý Hằng, chào ra về.
Phố xá Sài Gòn đã đóng cửa, nhưng đường vẫn còn đầy xe cộ đi lại. Chiếc xe Rơ-nôn con quay về dinh Gia Long.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top