X30phaluoi11

Chương 31

Lá thư tuyệt mệnh của Vân Anh

"Anh!

Khi nhận được bức thư này chắc em không còn trên cõi đời này nữa. Xin anh đừng hốt hoảng. Anh đừng đến ngăn cản em làm gì. Tất cả đã muộn, đã xong xuôi rồi. Nếu em còn sống lá thư này sẽ không đến tay anh.

Viên thuốc mà người ta trao cho em để từ giả cõi đời này đang ở trước mặt em đây. Viên thuốc nhỏ, xinh xinh, do một xí nghiệp dược phẩm đặc biệt ở Hoa Kỳ chế tạo theo đơn đặt hàng bí mật của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, chỉ cần đưa lên miệng, cắn vỡ ra là chỉ trong mấy giây, hồn em lìa khỏi xác. Hết vui, hết buồn, hết lo nghĩ, hết hận thù, hết yêu thương... hết tất cả. Chẳng còn hôm qua và ngày mai! Mà những ngày gần đây, những tình cảm ấy có khi cùng một lúc đến với em, mâu thuẫn, giằng xé, gây giông bão trong tâm hồn nhiều lúc em đã không thể chịu nổi. Niềm hận thù của em có còn tồn tại hay không? Tình yêu của em có đúng không? Em không thể tự trả lời được nữa.

Đáng lẽ em im lặng. Chẳng cần cho ai biết về cái chết của em cả! Ngày mai, các báo sẽ đưa tin về vụ thiếu nữ tự tử. Mọi người sẽ phỏng đoán nguyên nhân. Vài ba ngày ồn ào qua đi rồi người ta cũng sẽ không nhắc đến nữa, bởi còn bao nhiêu chuyện quan trọng khác lôi cuốn sự chú ý của người ta hơn là việc một người con gái tự tử. Người ta đâu biết rằng mỗi một con người trong thời đại ngày nay đều mang trong mình tất cả bi kịch của thời đại. Nhưng em cũng chẳng cần ai hiểu em. Em không muốn cho ai hiểu cả. Riêng đối với anh, niềm tin yêu đẹp đẽ đầu tiên và cũng là cuối cùng đối với em, em không muốn anh hiểu lầm em, không muốn anh coi khinh em. Tất cả mọi người đều có thể hiểu lầm em được nhưng riêng anh...

Cho nên em muốn nói hết với anh trước khi chết, không phải để cầu mong ở anh một tấm lòng thương xót, cũng không phải để thanh minh, mà chỉ muốn để anh hiểu em, hiểu em một cách đầy đủ hơn.

Anh yêu quý! Cho phép em gọi anh như vậy. Anh có nhớ những ngày chúng ta ở Pháp không? Ôi, những ngày thật vô cùng đẹp đẽ đối với em, chẳng bao giờ em quên được. Trước khi gặp anh, em chỉ là một cô gái mồ côi, anh chị em không có ai cả, bạn bè thân thiết cũng không có. Em chỉ có một người chú mà tình cảm đối với em có mức độ, có một người yêu mà em yêu theo cảm tính của một thiếu nữ mới lớn, người yêu ấy tự nhiên bỏ em đi (người mà sau này càng có ý thức hơn về cuộc sống em càng thấy xa). Em sống gần như cô đơn, xa lánh mọi người, với nỗi buồn u uất về gia đình, về mối tình lãng mạn của mình. Em đắm mình vào sách vở, vào những nỗi niềm riêng tư. Cho đến ngày em gặp anh.

Hầu hết đàn ông khi tiếp xúc với phụ nữ đều có ý đồ riêng. Điều đó làm cho em cảnh giác khi tiếp xúc với họ. Nhưng anh đến với em tự nhiên như người trong gia đình, thân thiết và đáng mến như một người anh. Anh đến với em, em không thấy toát ra một động cơ, ý đồ gì. Em hoàn toàn tin cậy ở anh. Anh đưa em đi thăm các viện bảo tàng là những kho tàng chứa đựng bao nhiêu kỷ vật vô giá của nhân loại, những thư viện sách đựng tầng tầng lớp lớp nói lên kiến thức mênh mông vô biên của con người từ bao thời đại nay, những di tích lịch sử của Pa-ri mà người ta trân trọng từ khẩu đại bác bắn vào ngục Ba-xti đến ngôi nhà Vic-to-Huy-go... Anh đưa em đi thăm Điện Véc-xây lộng lẫy vàng son, rừng Bu-lô-nhơ trầm tĩnh nên thơ, tháp Ép-phen hùng vĩ cao vút, Điện Păng-tê-ông trang nghiêm cổ kính... Những ngày ấy anh đã chấp cánh cho kiến thức của em, cho tâm hồn em, em thấy quan hệ giữa anh và em hoàn toàn trong sáng, hồn nhiên. Em tìm thấy ở anh một người anh, một nguời bạn. Em đã quên đi nỗi cô đơn, buồn tủi vì phải xa nhà, xa quê. Anh đã khôi phục ở em lòng tin vào con người, lòng tin vào những tình cảm chân chính, trong sáng. Những điều ấy cứ lắng đọng mãi trong em (vì càng về sau, càng sống em càng thấy không thể tìm được những tình cảm ấy).

Anh yêu quý! Lúc ấy em chưa hiểu hết được anh. Ở hoàn cảnh em, lứa tuổi em làm sao hiểu được khi anh làm như vô tình kể cho em một vài vị anh hùng dân tộc, khi thấy em trầm trồ thán phục một cách quá đáng cái gì của châu Âu thì anh khẽ nói như nhắc em: "Nhưng đấy là của người ta! Không phải của Việt Nam". (Chao ôi! Giá mà em hiểu được anh như bây giờ em đã hiểu).

Những ngày đẹp đẽ ấy không được lâu. Chú giục em sang Anh học. Em không biết đấy là một sự bố trí bí mật, vâng theo một quyền uy bí mật nào đó đã liên lạc với chú em. Chú em khuyên em sang Anh học, vừa hiểu biết thêm nước "hùng cường" mở rộng thêm tầm nhìn, vừa thông thạo ngoại ngữ, thêm một bằng cấp giá trị nữa, sau này có lợi cho việc vào đời. Em thấy lời khuyên của chú em có lý. Vả lại, ba mẹ em đã chết, chú em là ngừơi đỡ đầu, gây dựng cho em, phải sống phụ thuộc vào chú em, thương em phải nghe lời chú em. Em đã sang xứ sở của Dickens, đồng thời cũng là của Intelligenc Service.

Em đã học ngôn ngữ ở trường Cambridge. Vị giáo sư mà chú em gởi gắm, nhận đỡ đầu cho em, là một người làm việc chi CIA. Chính ở trường đại học đó, với sự đào tạo của vị giáo sư đó mà em... xin anh đừng giận, em biết rằng anh cũng đã biết rồi - em trở thành một điệp viên của CIA. Anh yêu quý! Anh hãy tha thứ cho em, vì nếu "người ta" nói thực những ý đồ của "người ta" khi dùng em, nếu em hiểu được mục đích thực của CIA thì chắn chắn em đã không làm việc cho họ. Nhưng "người ta" nói với em là những cái về "quốc gia Việt Nam" không Cộng sản với sự giúp đỡ của các nước hùng cường Mỹ, Anh... sẽ sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, là những cái về "tự do" bất khả xâm phạm của mỗi con người, nhất là về cái "hận thù" mà bất cứ người con có hiếu nào cũng phải nghĩ đến... Mỗi ngày em nghe một chút và "người ta" đã thành công biến em từ một nữ sinh viên ít lịch lãm thành một công cụ cho họ.

Từ đó, em hết vô tư hồn nhiên, đầu óc em luôn luôn phải suy nghĩ, đối phó, tính toán. Từ đó, em luôn luôn phải sống hai mặt, bên ngoài như một diễn viên đóng kịch, nói năng, hành động tùy theo vai trò mình đóng; bên trong mính sống một cuộc sống nội tâm riêng khác hẳn. Và cũng từ đó, em nhìn quan hệ giữa người và người không còn đẹp đẽ nữa, với bất cứ ai cũng là đối tượng để em nghiên cứu, phân tích, nghi ngờ. Em vừa là một con thú chuyên đi rình mò, săn đuổi một con mồi nào đó, lại vừa mang nỗi sợ của một con mồi bị con thú khác săn đuổi.

... Anh yêu quý! Lúc anh đọc những dòng chữ này thì em không còn sống nữa. Em đã chấm dứt được cuộc sống hai mặt đó. Những kẻ tưởng đã nắm được em thực ra không lúc nào hoàn toàn nắm được em. Họ cũng không hiểu được tâm trạng của em và tại sao em chết. Chỉ có anh, người mà suốt đời em kính trọng. Anh thấy đấy, tâm hồn, tình cảm của em chỉ trong sáng trong thời gian gặp anh. Từ ngày xa anh, từ ngày có quan hệ với CIA tâm hồn, tình cảm em trở nên tăm tối, tăm tối hẳn đi, không thấy có một chút nào được trở lại sự trong sáng đó, sự trong sáng mà đến bây giờ, đến lúc viết những dòng chữ này em vẫn khao khát.

Em đã về nước và gặp Lê Mậu Thành. Em đã thất vọng. Người yêu em không giống như thuở thiếu thời em nghĩ, em yêu không giống như những ngày ở xa em tưởng tượng. Anh ấy không yêu em như em đã yêu anh ấy. Anh ấy có nhiều mưu đồ cá nhân lớn hơn là tình yêu. Anh ấy có những điều lúng túng và không thật. Lúng túng và không thật đối với cả em. Tim em thắt lại.

Em đã gặp lại người chú em, người chú thay cha mẹ em đỡ đầu, săn sóc em. Lại một lần nữa, em thất vọng. Trước đây, còn nhỏ tuổi đi học, em không để ý đến chuyện gì khác, em chỉ thấy chú em trang nghiêm, đạo mạo. Bây giờ, hiểu hết mọi việc, em thấy chú em chỉ tìm hết cách, kể cả nhưng cách nói ra thật đau lòng, để được lên lương, lên chức. Tất cả những điều chú em và những bạn bè của chú em - giữ một chức vụ quan trọng trong chính quyền quốc gia này - thường nói ở miệng "cải cách quốc gia", "xã hội đồng tiến", "thăng tiến cần lao"... thực ra là để che đậy những tính toán vị kỷ, những mưu lợi cá nhân nhỏ nhen ti tiện mà em được biết qua những buổi họ trao đổi ý kiến, bàn bạc mưu kế với nhau ở nhà chú em.

Em đã tiếp xúc với bạn bè cùng học cũ với em. Em thấy họ bừng bừng khí thế, sôi nổi, lúc nào cũng sẵn sàng trổi dậy. Họ chống lại sự xâm lược của Mỹ, chống lại anh em Ngô Đình Diệm, chống lại chính quyền quốc gia mà họ gọi là làm theo lệnh của ngoại bang, chống lại nền độc tài... (than ôi đó lại là những cái mà "người ta" bảo em phải bảo vệ). Họ ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, ca ngợi Điện Biên Phủ, ca ngợi Việt Minh mà họ coi là những người chiến đấu cho độc lập, tự do của đất nước. (Than ôi đó lại là những con người mà "người ta" bảo em phải chống lại). Em tiếp xúc rộng rãi, trừ một số người trong chính quyển quốc gia ra, còn tất cả những người khác đều có thái độ như vậy. Thế là thế nào? Trong người em bắt đầu có sự rạn vỡ. Em cảm thấy như bạn bè em, nhưng người chung quanh em đi một con đường khác mà em đi một con đường khác ngược lại. Con đường nào đúng?

Thế rồi, em thấy những cuộc hành quân của lực lượng cộng hòa, những xóm nhà bốc cháy, những cuộc dồn dân, những ấp chiến lược như những trại giam lớn, những nhà tù chật ních người trong đó, em biết có những người hoàn toàn không dính dáng gì đến Việt Cộng. Em nhìn thấy những cuộc xuống đường sô sục của thanh niên, học sinh, của những người lao động, của Phật giáo, trong đó có những người em biết cũng hoàn toàn không dính dáng gì đến Việt Cộng. Em phải lăn vào những cuộc xuống đường ấy để tìm hiểu, để thăm dò. Nhưng những cuộc tìm hiểu, thăm dò ấy càng làm em hoang mang. Những người xuống đường kia đúng hay em đúng? (Con đường nào đúng? Anh yêu quý ơi! Tại sao lúc ấy em không hỏi anh được. Bởi vì...)

Thế rồi, em được lệnh theo dõi anh. Em ngạc nhiên vô cùng. Tại sao lại phải theo dõi anh? Để làm gì? Không ai được hỏi lại lệnh. Nhưng không ai cấm được ý nghĩ của em. Tại sao lại phải theo dõi anh nhỉ? Họ giải thích với em: "Đối với một người khôn khéo như Phan Thúc Định thì phải một người thông minh như cô mới có thể làm tròn được việc này. Đây không phải là một đối tượng tầm thường. Đây là một đối tượng có học, giữ một chức vị quan trọng, không phải ai cũng nói chuyện được với anh ta. Chỉ có cô. Vì chúng tôi biết cô và anh ta đã từng quen biết nhau tại Pháp. Điều đó rất thuận lợi để cô gần gũi, tìm hiểu Định, để Định tâm sự với cô. Cô là một phụ nữ đẹp. Điều đó càng thuận lợi cho công việc của cô. Hãy tìm hiểu xem Định quan hệ, tiếp xúc với ai? Ngoài những việc làm công khai, anh ta còn có những việc làm bí mật gì? Quan điểm, ý nghĩ của anh ta đối với người Hoa Kỳ nói riêng, đối với thế giới tự do nói chung; đối với Việt Cộng nói riêng, đối với Việt Nam nói chung như thế nào?... Tóm lại, cô phải nắm được ý nghĩ và hành động của anh ta... Nhưng cô phải coi chừng, cô đừng để tình thân thiết làm cô mất tỉnh táo. Không phải chỉ có mình cô theo dõi Định và chúng tôi cũng nắm rất vững những việc làm".

Anh yêu quý! Em đã theo dõi anh cả con đường bí mật lẫn con đường công khai. Hầu như tất cả những người anh tiếp xúc, những việc anh làm thường ngày, em đều nắm được. Chỉ duy có một điều em không nắm được mà thôi: Ý nghĩ của anh. Nhưng anh an tâm. Không phải bất cứ việc gì của anh mà em biết, em cũng đều báo cáo cho họ biết. Nếu thế, em đã không dám ngẩng mặt nhìn anh, không dám viết những dòng chữ này cho anh. Tất nhiên là em phải thường xuyên báo cáo cho họ. Nhưng em biết việc gì nên và việc gì không nên chứ. Bởi vì đối tượng ở đây lại là anh, anh yêu quý! Em xin anh hãy tin những điều em nói và sắp nói đây. Trước mặt Tử thần, không ai lại nói dối. Đây là lời nói của một người đã chết, mà một người đã chết tức là đã thoát khỏi mọi sự rằng buộc của bất cứ một quyền uy nào cả về vật chất lẫn tinh thần thì việc gì còn phải nói dối nữa.

Sự thông minh của em mà họ định dùng để theo dõi, phát hiện về anh, họ không thể ngờ được là dần dần đã dùng ngược lại, để tìm cách báo cáo cho họ phải hiểu thực về anh, để bảo vệ anh.

Bởi vì, từ chỗ chưa hiểu rõ về anh, dần dần qua những sự việc em nắm được, em có thể kết luận: anh là... Việt Cộng. Một điều thật kinh hoàng đối với em. Có thể thế được chăng? Em có thể tin vào những điều em đã phát hiện ra không? "Người ta" vẫn thường nói với em: Việt Cộng là bọn người tàn bạo, vô học, là bọn người không có tình cảm, không có gia đình, là bọn người giết cả đàn bà và trẻ con... Tóm lại tất cả những gì tàn ác nhất, dã man nhất tức là Việt Cộng. Trước đây, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, em ra tìm Lê Mậu Thành, em có tiếp xúc với một số cán bộ kháng chiến. "Người ta" bảo em rằng: trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp có rất nhiều người quốc gia và những người đó đã về phụng sự "chính nghĩa quốc gia" rồi, còn toàn bộ "Cộng sản khát máu" mới chống lại "chính nghĩa quốc gia". Nhưng bây giờ Việt Cộng lại là... anh, người mà em chỉ thấy ngời lên sự tốt đẹp và trong sáng, người đã từng chấp cánh cho tâm hồn và kiến thức của em, người mà bất cứ ai gần gũi cũng thấy yêu mến về cách đối xử, kính trọng về sự hiểu biết. Việt Cộng là anh. Đó là một sự thực. Nếu anh là Việt Cộng thì Việt Cộng là thế nào? Là những người như thế nào? Những người như anh mà lại là kẻ thù của em ư? Tất cả những điều "người ta" nói với em về Việt Cộng đều đổ sụp.

Em giấu kín sự phát hiện và những nỗi suy nghĩ riêng tư của em ở trong lòng. Chính những điều ấy giằn vặc em, gây giông bão trong tâm hồn em.

Em có biết anh quan hệ với Thúy Hằng, cô gái nhảy ở tiệm Liberty, Sài Gòn. Em có tìm hiểu cô ấy cũng như gặp cô ấy mà không cho anh biết. Cô gái thật đáng yêu như một bông hoa sen mọc giữa bùn "mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Anh có biết không, khi anh rời Sài Gòn rồi, em biết, vâng, chỉ mình em biết thôi, cô ấy cũng trở thành một cơ sở bí mật của Việt Cộng. Cô gái nhảy đáng yêu ấy cũng là Việt Cộng ư? Đầu óc em lại xoay tròn bao nhiêu câu hỏi.

Em biết anh tiếp xúc với Rơ-nê. Em biết anh có trong tay bản danh sách "Việt Cộng Sài Gòn - Chợ Lớn nằm vùng". Em đã im lặng.

Có một lần em hối hận, hối hận cho đến bây giờ. Đó là cái lần CIA bố trí em đón anh ở cửa tiệm Liberty để đưa anh vào một cái bẫy: Giả làm các "đồng chí" của anh, truy bức anh. Em không thể không thực hiện lệnh của họ được, vì em đã từng hiểu là đối với CIA, chỉ khác ý một chút, là họ có thể thủ tiêu em ngay. Nhưng thi hành lệnh ấy như thế nào? Tuy phải thi hành lệnh ấy nhưng, anh có nhớ không nhỉ, suốt từ lúc gặp anh ở cửa tiệm Liberty, lúc nào em cũng đi sát anh. Vì ngay từ lúc ấy đã có CIA theo dõi chúng ta. Em sẵn sàng dùng tấm thân yếu đuối của em để che cho anh ngay nếu chúng định ám hại anh. Nếu anh để ý tinh thì thấy ngay trong câu chuyện trao đổi, em đã để lộ cho anh biết rằng em muốn dò hỏi anh để anh đề phòng. Và anh còn nhớ không nhỉ, khi bọn chúng bắt anh rời chiếc xe để vào căn nhà đó, em đã nắm chặt tay anh không muốn rời, em muốn báo cho anh, muốn ra hiệu cho anh, anh đã gỡ tay em ra... Sau đó, em hối hận mãi, hối hận về sự bất lực của em, hối hận về sự yếu hèn của em, hối hận vì nhỡ xảy ra chuyện gì không hay cho anh thì lương tâm em bao giờ có thể tha thứ cho em được!

Em theo anh ra Huế. Em biết anh thường vào hiệu sách không phải để mua sách báo. Em biết anh gặp Tố Loan và sau đó Tố Loan đổi khác. Em cũng biết về mối quan hệ của anh với Mai Lan, và hoàn cảnh đáng thương của chị ấy... Em biết và đã im lặng. Không những im lặng, em lại còn trao cho anh những tấm ảnh và giữ kín những tấm ảnh khác mà đáng lẽ em phải nộp cho CIA. Riêng việc ấy cũng đủ làm cho tính mạng em bị đe dọa. Riêng việc ấy cũng đủ nói lên tấm lòng của em đối với anh.

Anh yêu quý! Ở Huế này, cũng như ở Sài Gòn, em đã tiếp xúc với nhiều hạng người, đã "lăn" vào phòng tranh thanh niên sinh viên, đã gặp gỡ các trí thức, đã nói chuyện với các tín đồ Phật giáo. Ở đâu, em cũng thấy mọi người bất mãn, không công nhận chính quyền quốc gia. Ở đâu, em cũng thấy người ta nói đến truyền thống anh hùng, yêu nước của dân tộc, người ta ca ngợi những người kháng chiến, ca ngợi Cụ Hồ... Ở đâu, người ta cũng nói đến chuyện đấu tranh cho độc lập, tự do, cho một xã hội công bằng và hạnh phúc... Càng tiếp xúc, em càng thấy em lạc lõng, em càng thấy run sợ. Mọi người như làn sóng vĩ đại, đang dâng lên, mạnh mẽ, to lớn, có thể cuốn phăng đi, nhận chìm hết tất cả những trở ngại. Em cảm thấy em bé bỏng quá, yếu ớt quá, chống lại làm sao được cả một sức mạnh phi thường của làn sóng vĩ đại đó.

Chỉ lộ hình tích ra một chút, em cũng sẽ bị cuốn phăng đi, nhận chìm ngay lập tức.

Em thường xuyên phải tiếp xúc với bọn Mỹ, bọn CIA. Chúng chỉ bàn với em những chuyện dò xét, thủ tiêu, giăng bẫy. Chúng chỉ nói đến chuyện tiền bạc, địa vị, lối sống Mỹ để nhử em, chuyện chết chóc để dọa em. Em tiếp xúc với những người trong chính quyền quốc gia. Họ cũng đều như chú em, chỉ bàn chuyện mua nhà, sắm ô-tô, gởi vốn ra nước ngoài, giữ ghế này, tranh ghế kia.

Thì ra tất cả những điều bọn Mỹ nói với em về một "quốc gia hùng cường, tự do", "một chính quyền chống Cộng sản hữu hiệu" là như thế, những điều họ nói với em về việc làm cho thế giới tự do, cho "tương lai của nước Việt Nam tự do"... thực ra chỉ làm chỉ điểm cho họ, giúp họ thực hiện những âm mưu đen tối của họ. Càng ngày em càng hiểu rõ điều đó. Càng hiểu rõ điều đó, em càng thấy những việc em làm là vô nghĩa, là xấu xa. Cả tuổi trẻ đẹp đẽ của em, bao nhiêu công sức ăn học của em không phải để làm những việc như vậy. Càng ngày, em càng ghê sợ những việc em làm.

Anh yêu quý! Bao nhiêu lần em nghĩ về anh, anh có biết không? Giữa một cái xã hội rối ren này, lúc nào em cũng thấy anh trong sáng. Anh không màng đến địa vị, không bị quyến rũ bởi giàu sang, không sợ hiểm nghèo. Không như em, anh đã hiểu rõ con đường anh đi, hay nói một cách khác, anh đã có một lý tưởng để anh theo. Và em cảm thấy con đường anh đi, lý tưởng anh theo ấy là đúng. Bởi vì em thấy tất cả nhân đi theo con đường ấy, lý tưởng ấy đã làm chuyển cả những người như Thúy Hằng, Tố Loan. Bởi vì em tin anh , anh yêu quý, em tin anh không bao giờ làm điều xấu xa, không bao giờ nhầm lẫn trong việc chọn đường đi. Em tin anh như tin ở điều lành, tin ở lương tâm.

Không phải chỉ tin anh. Dần dần, em thấy ngoài anh ra, em không còn nghĩ đến ai nữa. Em đã yêu anh. Vâng, em đã yêu anh, một tình yêu tuyệt vọng vì em biết rằng không bao giờ anh yêu em cả, một tình yêu đầy mâu thuẫn, vì anh và em ở hai trận tuyến khác nhau, đối lập nhau.

Anh yêu quý! Bây giờ thì anh hiểu rồi chứ! Anh đã hiểu nổi đau khổ của em rồi chứ! Em như đứng giữa cơn lốc cuồng bạo, dữ dội mà không tìm thấy đường ra. Tất cả những gì đẹp đẽ của thuở thiếu thời của em đều tan vỡ. Tất cả những gì em nhận ra được thì sức em không thể theo được. Em không thoát khỏi sự khống chế chặt chẽ của CIA được vì biết chúng rất tàn nhẫn, chúng sẽ khử em một cách nhanh chóng, không thương tiếc. Em cũng không thể đi theo cách mạng được vì em biết do hoàn cảnh gia đình, do quá trình sinh trưởng của em, do lối sống và những việc làm của em. Em chỉ còn có anh, nhưng anh thật xa với với em, em biết sẽ chẳng bao giờ anh yêu em cả. Anh yêu quý! Em có gì nữa đâu! Tất cả thế là hết!

Viên thuốc nhỏ xinh xinh em đang cầm trên tay đây sẽ giải quyết tất cả nỗi bế tắc của em. Ngay cả trong lúc này, em cũng chỉ hoàn toàn nghĩ đến anh. Em muốn làm một việc gì để sửa lại một phần lỗi lầm của em để cho cái chết của em được phần nào thanh thản. Em xin gửi theo đấy toàn bộ những cuốn phim, những tài liệu em đã nắm được về anh. Những cuốn phim, những tài liệu ấy chỉ do một mình em thu thập, mình em giữ, không hề một người thứ hai nào có hoặc biết được. Gửi cho anh để làm gì, chắc anh biết cho tấm lòng em.

Chỉ còn một điều em muốn nói thêm với anh nữa, xin anh hãy tin em, hãy tin lời trăn trối cuối cùng của một người chết: bọn CIA đã "đánh hơi" thấy anh ở một vấn đề gì đó. Chúng sắp cử Phu-lít-xtơn ra. Em xin anh hãy giữ mình, xin anh hãy thận trọng. Em chẳng biết nói gì hơn nữa.

Anh yêu quý! "Người ta" trao cho em một khẩu súng lục nhỏ nhắn bắn không có tiếng nổ và một viên thuốc. Khi trao cho em việc theo dõi anh, "người ta" bảo với em khẩu súng ấy không những dùng để tự vệ mà lúc cần, phát hiện ở anh có vấn đề gì nguy hiểm cho người Mỹ, cho "chính quyền quốc gia" thì cứ khử đi. Em chưa dùng khẩu súng ấy một lần nào. Thay bằng viên đạn khẩu súng ấy gửi đến anh, em đã gửi bức thư này. Còn em, phần của em là viên thuốc. Kể cũng đúng thôi!

Anh yêu quý! Em mong anh có nghĩ đến em, hãy nghĩ đến hình ảnh cô gái nhỏ, cô bạn sinh viên hồn nhiên từng sống với anh những ngày đẹp đẽ thuở nào. Một lần nữa xin anh hãy giữ mình, xin anh hãy thận trọng. Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt anh yêu quý!

Vân Anh"

Chương 32

Tấn bi kịch ở ki-lô-mét số 13+500

Lên-sđên đứng dựa lan can, mắt đăm đăm nhìn về phía cổng, nóng ruột, lẩm bẩm một mình: "Quái lạ! Quá nửa giờ rồi mà hắn vẫn chưa vác mặt đến. Lại bị đệ nhất phu nhân níu áo gọi lại rồi chăng?" Hắn trở vào phòng, đi đi lại lại như đếm từng viên gạch. Tiếng gót giày lộp cộp vang lên. Dăm phút sau, hắn lững thững đến tủ sách ngắm nhìn dãy bìa sách bọc da, bọc simili, gáy chữ vàng óng ánh, toàn một loại truyện trinh thám tình báo, án mạng, nhiều nhất của các tác giả Mỹ, Anh trong đó nhiều kẻ là người của FBI, của CIA, của DIA, của Intelligence Service. Có cả những tác phẩm mà "tác giả" là những tù nhân can tội hiếp dâm, giết người, đang ngồi trong nhà lao viết hồi kí về đời mình. Xen vào đó, có một số tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm, một số tiểu thuyết về dục tính. Đọc lướt những tên sách "Vụ bắt cóc Ai-sơ-man", "Tôi giết bốn mươi bảy người", "Tên tướng cướp đáng yêu", "Người đàn bà dâm đãng"... Lên-sđên không thấy hấp dẫn như mọi khi nữa. Hắn quay phắt lại, đến một chiếc ghế bên cạnh cửa sổ, ngồi phịch xuống, dở một cuốn an-bom, dán mắt vào những tấm ảnh phụ nữ khoả thân đủ các kiểu.

Bỗng có tiếng gõ cửa:

- Xin mời vào - Lên-sđên gập vội cuốn an-bom lại, nói.

Cửa phòng mở. Một tên Mỹ mập, cao, vội vã bước vào như bị ma đuổi.

- A, giáo sư Phi-sin! Chào ông bạn quý mến! Tôi đợi ông lâu bằng một thế kỉ đã qua. Xin mời ông bạn ngồi.

- Chào đại tá. Xin thứ lỗi về sự chậm trễ của tôi . Sắp ra xe thì bà cố vấn Nhu lại cho mời đến gặp hỏi ý kiến về một số vấn đề khẩn cấp - Phi-sin buông rơi tấm thân nặng nề xuống chiếc ghế bành, duỗi dài hai chân ra một cách mệt mỏi.

Lên-sđên cười nhếch nửa miệng:

- Rồi rút ra không được nữa phải không? Như thế tuy tốt nhưng mà ông bạn thực hiện quốc sách của ta quá chậm đấy. Đáng lẽ ngay từ những ngày đầu tiên mới đến dinh Gia Long, ông bạn đã phải được "mời đến gặp để hỏi ý kiến riêng về một số vấn đề khẩn cấp" luôn rồi mới phải.

Phi-sin nhún vai:

- Không phải tại tôi. Tại hoàn cảnh có khó khăn. Đại tá còn lạ gì nữa. Thằng chó chết Phan Thúc Định lúc đó ở đấy. Thằng ấy đẹp trai làm cho con đàn bà ấy mê tít.

Lên-sđên mở hộp xì gà, giơ ra mời Phi-sin rồi khề khà:

- Dù sao giáo sư cũng hơi kém đấy! Kém bọn Pháp, kém những thằng Cô-nhi, Sa-lan... Trước đây mấy thằng ấy có "ảnh hưởng" rất lớn trong cái đám quý phu nhân ở nước này lắm đấy...

Rồi hắn nói với vẻ ngẫm nghĩ, suy tư:

- Từ chuyện đó tôi liên hệ sang chuyện khác. Bọn Pháp tuy phải rút lui nhưng nền văn hoá của chúng vẫn còn ảnh hưởng khá sâu sắc trong đám trí thức ở cái xứ sở này. Muốn nắm chắc được bọn bản xứ, chúng ta phải du nhập lối sống Mỹ vào để đánh bại cả ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, cả những nề nếp, thói tục cổ truyền của bon bản xứ đi.

Phi-sin bỏ điếu xì gà xuống bàn, nói:

- Đại tá cho rằng công việc Mỹ hoá ở đây chưa có kết quả chăng? Ông còn nhớ đấy, mỗi năm chúng ta đã du nhập vào miền Nam bé nhỏ này hàng trăm tấn sách báo, tạp chí, phim ảnh Mỹ... Ngoài ra sách báo phim ảnh của các nước đồng minh như Tây Đức, Trung Hoa dân quốc, Nhật Bản... Chúng ta đã đỡ đầu cho hàng vạn đứa sang Hoa Kỳ học. Chúng ta đã đưa sang hàng chục đội kích động nhạc, thoát y vũ... từ Hoa Kỳ sang đây biểu diễn. Chỉ mới dăm năm thôi, đại tá nhìn đường phố Sài Gòn này ngập màu kaki và mũ cát-két Mỹ, các cửa hàng giải khát, tiệm nhảy ngập nhạc Mỹ, rượu Mỹ, nước côcacôla, các rạp chiếu bóng chiếu toàn phim Mỹ. Trí thức bản xứ thì thích nói tiếng Anh, uống rượu uýt-xki. Thanh niên thì thích vào hộp đêm, thích đi Mỹ... Đại tá nghĩ xem, chúng ta có chạy nhanh hơn bọn Pháp trước kia không?

Nghe Phi-sin liên hệ một hồi, Lên-sđên có vẻ khoái chí:

- Đúng! Đúng! Giáo sư nói rất đúng! Tôi nói ở trên có phải để chê trách giáo sư đâu! Trái lại, mọi người Hoa Kỳ, kể cả tổng thống lẫn ngài giám đốc Cục tình báo trung ương đều công nhận công lớn của giáo sư trong việc này. Nhưng chúng ta phải làm mạnh, làm nhanh hơn nữa.

Lên-sđên đứng lên, bước đến gần Phi-sin, thân mật vỗ vai Phi-sin, nói tiếp:

- Thôi, hãy xếp chuyện đó lại. Xin bàn công việc chính của chúng ta hôm nay: việc Phan Thúc Định.

Hắn trở về chỗ ngồi, nốc một hơi cạn cốc uýt-xki, khà một tiếng, lau mép. Nhìn tập hồ sơ trước mặt, hắn nói:

- Thằng Phan Thúc Định là người như thế nào? Tại sao cả Diệm, Nhu, Cẩn đều tin hắn? Trong lúc ấy, hắn vẫn là đối tượng nghi ngờ của ta. Bất cứ ai mà ta không nắm được, ta cũng phải đề phòng hết. Đối với tôi, cái dấu hỏi về thằng Phan Thúc Định bây giờ lại càng rõ rệt. Tôi nghi thực ra nó không phải là người của Pháp như ta vẫn nghĩ...

Lên-sđên ngừng lại, Phi-sin bị trí tò mò kích thích, giương mắt nhìn Lên-sđên, hỏi:

- Thế hắn là người của ai?

Lên-sđên thủng thẳng:

- Dựa trên những sự việc đã xảy ra, theo sự phán đoán của tôi có thể hắn là... Việt Cộng.

Phi-sin kinh hoàng như trước mắt hắn không phải là Lên- sđên mà là một Việt Cộng thực sự bất thần hiện ra. Hắn ồ ồ mấy tiếng ở cổ họng và phải tựa lưng vào ghế, mắt trân trân nhìn Lên-sđên. Lên-sđên vẫn thủng thẳng:

- Tự nhiên Vân Anh tự tử. Tôi xem lại những báo cáo của Vân Anh về thằng Định thì thấy nhiều cái rất chung chung. Cái chết của Vân Anh có nhiều điều bí mật mà chúng ta chưa hiểu rõ hết. Lục soát trên người Vân Anh và toàn bộ chỗ ở, đồ đạc của Vân Anh không thấy một tài liệu gì liên quan đến thằng Định cả. Thế là thế nào? Cái chết của Vân Anh có liên quan đến thằng Định, bởi vì một trong những việc chính chúng ta giao cho Vân Anh là theo dõi Phan Thúc Định. Tại sao Vân Anh chết? Xét kĩ thì đúng là chết vì viên thuốc độc đặc biệt của chúng ta. Nhưng tại sao cô ta chết? Cô ta chết làm chúng ta mất một đầu mối tài liệu về thằng Định. Tôi tiếp tục cho thẩm tra các đường dây, các việc khác về hắn. Kế hoạch "Gió đã xoay chiều" ngoài người của chúng ta, ngoài Ngô Đình Cẩn ra thì chỉ có hắn biết. Thế mà lúc thực hiện kế hoạch đó, tại sao chúng ta bị vấp hết thất bại này đến thất bại khác, cứ y như là bọn Việt Công nắm hoàn toàn được kế hoạch đó và biết trước từng bước đi của ta để mà đánh lại. Chẳng lẽ anh em Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn lộ ra? Chẳng lẽ Tô-ma và Trần Kim Tuyến lộ ra? Vậy là ai lộ ra?

Phi-sin nghe như uống từng lời của Lên-sđên. Hắn chớp chớp mắt như chợt khám phá ra một điều gì nhưng vẫn ngồi im nghe Lên-sđên nói. Lên-sđên rót một cốc uýt-xki nữa, tợp một hơi, rồi tiếp:

- Ngược lên nữa, mấy năm trước đây, bản danh sách Việt Cộng Sài Gòn-Chợ Lớn nằm vùng, ngoài chúng ta thì có Phan Thúc Định cũng có. Tại sao bọn Việt Cộng nằm vùng đó chạy thoát được hết? Chẳng lẽ tôi - Lên-sđên - hay giáo sư Phi-sin báo tin cho Việt Cộng? Chẳng lẽ Ngô Đình Diệm hay ông cố vấn Ngô Đình Nhu báo tin cho Việt Cộng? Vậy ai báo tin cho Việt Cộng thoát?

Phi-sin đứng bật dậy:

- Thế thì đúng thằng Định là Việt Cộng rồi!

Lên-sđên giơ tay ra hiệu cho Phi-sin ngồi xuống:

- Xin giáo sư cứ bình tĩnh. Lúc nãy tôi nói có thể hắn là Việt Cộng, bởi vì tôi còn băn khoăn ở mấy điểm này: ông Ngô Đình Diệm cứ cam đoan hắn là ân nhân đã cứu ông ta thoát khỏi bàn tay của bọn Cộng sản hồi năm 1946. Gia đình hắn ông Diệm biết rất rõ là một gia đình chống Cộng sản từ gốc và bị Cộng sản sát hại; trong một cuộc thử thách, thấy hắn tỏ ra trung thành với ông Diệm và bọn chống Cộng ở xứ này. Vì vậy, gia đình họ Ngô tín nhiệm, bảo vệ hắn.

Phi-sin đã ngồi xuống nhưng vẫn cựa quậy ở trong chiếc ghế bành như cảm thấy không yên ổn.

- Theo ý tôi, cứ cho bắt hắn nhốt vào một chỗ hoặc đánh cho một trận, hoặc cho một liều "Xô-đi-ôm Pen-ta-hôn" rồi đem thử bằng "máy nói sự thật" thì ra hết. Việc gì mà đại tá phải quan tâm nhiều đến hắn thế.

Lên~đên lắc đầu, không tán thành ý kiến của Phi-sin:

- Không được! Bắt nó, tra tấn nó. không phải là điều khó khăn đối với chúng ta. Nhưng bắt nó để mọi người biết là một điều thất sách vì tai tiếng sẽ ầm lên, báo chí sẽ rêu rao là ta bị lừa, là ta để Việt Cộng lọt vào những chức vụ cao cấp mà không biết. Những tin giật gân như vậy loan đi nhanh lắm Như thế chẳng khác nào ta công khai tuyên truyền cho sự hoạt động của Việt Cộng, công khai thừa nhận sự thất bại của ta. Ngài Đa-lét sẽ khiển trách chúng ta. Nguyên tắc của CIA chúng ta là chỗ nào chúng ta cũng phải nhúng tay vào nhưng không chỗ nào chúng ta được để lộ bàn tay chúng ta ra. Vả lại, ông bạn thân mến ạ, Phan Thúc Định đúng là người của Việt Cộng thì dù có trời đánh, hắn cũng không phun ra điều gì đâu. Bắt cóc tra tấn cũng vô ích mà thôi...

Phi-sin gật đầu, tán thành ý kiến của Lên-sđên:

- Đại tá nói rất đúng! Làm như vậy là mình thụ động. Hay nhất là "khử" hắn đi. Đối với chúng ta, tất cả những kẻ nào nghi vấn, chúng ta đều "khử" đi hết. Dùng xong rồi cũng khử đi! Vướng đến công việc của chúng ta, cũng "khử" đi! Trót lộ ra, cũng "khử" đi! Đối với thằng Phan Thúc Định "khử" đi là xong chuyện, khỏi phải bận tâm, đỡ hậu hoạn. Nhưng một mũi tên không nên chỉ hạ một con mồi, tôi nghĩ có một cách như thế này...

Phi-sin ngừng lại, thong thả hít một hơi xì gà như để nhấm nháp, tự thưởng thức cái ý kiến hay ho của mình trước khi nói ra. Lên-sđên vội xua tay nói rất nhanh:

- Khoan! Khoan! Ông bạn thân mến! Đừng nói cái kế ấy ra vội. Tôi cũng vừa có một ý kiến nảy ra trong đầu. Chúng ta hãy viết những ý nghĩ của mình ra một mảnh giấy riêng xem có giống nhau không.

- Ô kê!

Phi-sin reo lên như chấp nhận một trò chơi lí thú. Lên-sđên đưa cho Phi-sin một mảnh giấy trắng. Hai tên cùng rút bút nguyên tử ra, cúi xuống hí hoáy viết. Sau vài phút, hai tên trao đổi mảnh giấy viết với nhau. Đọc xong, cả hai cùng phá ra cười.

Phi-sin tợp một lúc hai cốc uýt-xki, quăng qua cửa sổ điếu xì gà hút gần hết, vội vã bắt tay Lên-sđên:

- Đúng như châm ngôn "những tư tưởng lớn thường gặp nhau". Thôi, cứ thế nhé . Bây giờ, tôi xin phép rút lui, vì... vì...

Hắn nháy một bên mắt:

- "Đệ nhất phu nhân"... còn hẹn gặp để bàn nốt công việc.

Lên-sđên đưa hắn đến cửa, chìa tay ra:

- Chúc ông bạn thân mến gặp nhiều may mắn!

- Rất cảm ơn đại tá! Tôi chỉ là người thực hiện quốc sách...

*

* *

Phòng họp của chỉ huy sở "lực lượng đặc biệt Mỹ" ở Huế hôm nay được trang hoàng lộng lẫy hơn mọi ngày. Hơn bốn chục nhà báo đủ các màu da được mời đến. Đông nhất và nhộn nhất vẫn là các kí giả phương Tây. Người thì đứng ngắm chân dung Tổng thống Ken-nơ-đi được lồng trong chiếc khung gỗ chạm trổ sơn son thếp vàng kiểu Á Đông. Người thì ngồi bắt chân chữ ngũ trên chiếc ghế bành ở góc phòng, miệng phì phèo điếu xì gà rồi ngửa cổ thá khói lên trần, trầm tư mặc tưởng. Người thì đang tán mấy cô chiêu đãi viên mặc áo dài ni-lông trắng toát, đang đi lại mời nước giải khát. Có những người tưởng chừng lâu năm mới gặp nhau, đứng túm tụm lại, cười nói vui vẻ. Ngoài hành lang, một tốp người khác đứng ngắm cảnh sông Hương, nước trong xanh đang lững lờ trôi.

Chủ trì cuộc họp là Xmít. Xmít hớn hở trong bộ quần áo là phẳng nếp, bông mai vàng choé trên cổ, đi lăng xăng từ góc này sang góc khác, bắt tay từng người khách.

Chiếc đồng hồ lớn treo trên tường thong thả điểm 9 tiếng lanh lảnh. Các nhà báo lục tục vào chỗ ngồi. Một trung uý Mỹ tiến lên chiếc micrô, đặt trước một chiếc bản đồ lớn treo choán hết cả bức tường, cúi đầu chào các nhà báo. lấy giọng trịnh trọng nói:

- Thưa quý vị thân mến! Chiều qua nhiều tiếng nổ đã làm chấn động thành phố Huế cổ kính này. Trước đây, mấy phút thôi, nhiều vị có mặt trong phòng này cũng bàn tán và còn thắc mắc về những tiếng nổ đó. Xin tiết lộ với quý vị thân mến điều bí mật: những tiếng nổ đó lúc đầu là của bọn Việt Cộng và lúc sau là của lực lượng đặc biệt chúng tôi. Việt Cộng đã hoạt động như thế nào? Nhằm mục đích gì? Chúng tôi đã hoạt động như thế nào? Nhằm mục đích gì? Chúng ta đã trừng trị bọn chúng ra sao? Quý vị nắm giữ các cơ quan ngôn luận, có nhiệm vụ thông tin cho dân chúng rõ, nên chúng tôi rất hân hạnh được mời quý vị đến đây để trình bày với quý vị chi tiết của sự việc. Xin trân trọng giới thiệu với quý vị: Thiếu tá Xmít của chúng tôi lên nói chuyện với quý vị về một chiến thắng thần kì của chúng tôi. Đó là lí do chúng tôi mời quý vị đến đây ngày hôm nay.

Hắn mỉm cười, nghiêng đầu. Một tràng pháo tay lẹt đẹt. Thiếu tá Xmít đã đứng sẵn phía sau, tiến lên, ngực ưỡn ra để mọi người nhìn thấy hai hàng cuống mề đay sặc sỡ màu sắc trên nắp túi áo ka ki bên trái. Hắn cúi đầu chào mọi người. Mấy tiếng vỗ tay rời rạc, lẹt đẹt. Xmít cố lấy giọng êm dịu, hấp dẫn:

- Thưa quý vị thân mến! Để quý vị khỏi nóng lòng chờ đợi, tôi xin phép quý vị cho đi thẳng vào câu chuyện... Xin trình bày với quý vị về trận chiến thắng của lực lượng đặc biệt Mỹ chiều qua, đã đánh tan một trận phục kích của Việt Cộng và tiêu diệt hoàn toàn hai tiểu đội du kích của Việt Cộng.

Xmít tiến tới bên tường có treo chiếc bản đồ lớn. Tiếng gót giày hắn vang lên trong phòng họp hoàn toàn im lặng. Mọi người như nín thở theo dõi hắn. Xmít cầm lấy chiếc gậy chỉ bản đồ:

- Thưa quý vị, đây là bản đồ vùng chiến thuật 1 (Xmít đưa gậy khoanh tròn chiếc bản đồ và chỉ vào một điểm) và đây là địa điểm đã xảy ra cuộc phục kích của Việt Cộng chiều hôm qua: ki-lô-mét 13+500 đường hàng tỉnh tây bắc thành phố Huế. Để quý vị biết được tường tận hơn, xin mời quý vị xem tấm bảng này...

Tên trung uý Mỹ lúc nãy khiêng ra một tấm bảng nhựa đặt trên một chiếc giá ba chân. Trên bảng có vẽ phấn màu ngang dọc. Chiếc gậy thuyết minh của Xmít chỉ vào tấm bảng đó:

- Trong bản đồ treo tường chỗ ki-lô-mét 13+500 quá bé nhỏ. Chúng tôi cho phóng lớn một trăm phần trên tấm bảng này. Trên đường hàng tỉnh này, đến đây có mấy chỗ ngoặt, có cây cối xum xuê, rậm rạp. Đó là một địa điểm thuận lợi cho bọn du kích Việt Cộng phục kích. Lần này, chúng chủ mưu giết hại một nhân vật trọng yếu của chính quyền quốc gia, một người đã có công lớn với Ngô tổng thống và rất có uy tín trong giới trí thức...

Xmít ngừng lại một chút bắt mọi người chờ đợi để câu chuyện của mình thêm hấp dẫn. Quả nhiên, có mấy tiếng xì xào: "Ai? Ai vậy?". Xmít nói tiếp:

- Chắc quý vị có mặt ở đây không ai là không biết ông... Phan Thúc Định (trong hàng ngũ kí giả có tiếng "ồ", có tiếng hỏi lại kinh ngạc "Phan Thúc Định?"). Vâng, ông Phan Thúc Định là một nhà trí thức yêu nước, cố vấn thân cận của tổng thống Ngô Đình Diệm, đã từng theo tổng thống từ những ngày tổng thống còn phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ, đã từng có nhiều cống hiến lớn lao đối với tổng thống, từ những ngày đầu tiên khi tổng thống mới về nước, người được tổng thống cử ra đây giúp việc lớn của ngài Ngô Đình Cẩn (Cả phòng họp lắng đi, càng thêm im lặng theo dõi từng lời của Xmít). Qua những tin tức tình báo của chúng tôi và qua việc nghiên cứu hiện trường sau khi cuộc đọ súng kết thúc, chúng tôi có thể trình bày với quý vị diễn biến cụ thể như sau: Cố vấn Phan Thúc Định có thói quen cứ chiều thứ bảy đi dạo chơi uých-ken (64) trên phía Kim Long. Vào khoảng 18, 19 giờ, lúc sẩm tối, ông lại trở về nội thành. Nắm được quy luật đó bọn Việt Cộng tìm cách hại ông. Cũng như gần đây, chúng đã giết nhà trí thức quốc gia yêu nước đi theo chúng từ ngày kháng chiến là giáo sư Lê Mậu Thành, bây giờ đến việc ám hại ông Phan Thúc Định, một nhân vật trọng yếu của chính quyền quốc gia, bọn Việt Cộng định khủng bố những trí thức yêu nước, đe doạ những người trung thành với quốc gia và hoạt động cho tình thân hữu Việt - Mỹ. Chúng định đánh một đòn vào chính phủ Việt Nam cộng hoà do tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, kích động những kẻ chống đối lại chính phủ của ngài tổng thống Ngô Đình Diệm, tạo nên một tiếng vang về chiến công của chúng trong đám dân chúng dễ tin, dễ bị lừa gạt. Chúng định đánh một đòn quân sự nhưng có ý nghĩa chính trị lớn.

Chúng khủng bố hai tiểu đội du kích, phục kích ở quãng đường ki-lô-mét 13+500 này. Đúng như chúng đã dò biết, chiều qua ông Phan Thúc Định lại theo thường lệ, sang chơi bên phía Kim Long. Lúc 18 giờ 30, ông Phan Thúc Định lái chiếc Méc-xê-đét trở về thì sa vào bẫy của chúng và bị chúng hạ sát (giọng Xmít rầu rĩ). Chiếc xe Méc-xê-đét của ông Định bị bắn cháy và ông đã bị thiêu chết trong xe. Gây xong tội ác ghê gớm đó, bọn Việt Cộng tìm cách rút lui... (Xmít lại ngừng lại một phút trước khi đổi giọng). Tuy nhiên, chúng không thoát được sự trừng phạt. Chúng tôi có được tin mật báo về cuộc phục kích của bọn Việt Cộng. Lực lượng đặc biệt chúng tôi đã lập tức kịp thời triển khai hai đại đội, theo hai ngả đường, khép vòng cung đến tìm cách cứu ông Định và tiêu diệt bọn Việt Cộng. Nhưng đáng tiếc là chúng tôi được tin mật báo hơi chậm. Chúng tôi hành quân đến nơi thì chúng đã giết mất ông Định rồi. Lực lượng đặc biệt của chúng tôi lập tức bao vây bọn sát nhân. Bị bao vây bất ngờ, rút lui không kịp, mấy ngả đường đều bị chặn, toàn thể tiểu đội du kích Việt Cộng bị chúng tôi tiêu diệt hết.

Tên trung uý Mỹ lúc này lại xuất hiện đưa cho Xmít mấy tấm ảnh chụp phóng to. Xmít giơ từng chiếc ảnh một lên trước mắt các nhà báo:

- Đây là cố vấn Phan Thúc Định với chiếc Méc-xê-đét màu nâu của ông... Đây là bức ảnh chụp chiếc xe đó sau khi bị du kích Việt Cộng bắn cháy... Đây là ảnh xác các du kích Việt Cộng nằm ngổn ngang ngay trên địa điểm chúng gây ra tội ác... Và đây không phải chỉ là những tấm ảnh, mà là những tang chứng cụ thể...

Xmít quay vào phía trong hất hàm. Đã được chuẩn bị sẵn, mấy tên lính Mỹ khệ nệ khiêng ra mấy khẩu tiểu liên, trung liên, một số lựu đạn. Xmít chỉ những thứ đó, nói:

- Những vũ khí đạn dược của bọn Việt Cộng mà chúng tôi bắt được tại trận, đều mang nhãn hiệu Nga Xô và Trung Cộng.

Xmít cao giọng hãnh diện như một diễn viên thấy vai trò mình đóng đã thành công. Một số nhà báo vỗ tay. Những chiếc máy ảnh, máy quay phim giơ lên. Ánh đèn nháy loà mắt. Tiếng máy quay phim sè sè.

Xmít đợi cho căn phòng trở lại im lặng rồi mới nói tiếp giọng bùi ngùi:

- Cố vấn Phan Thúc Định cũng là người bạn thân thiết của cá nhân tôi. Tôi hiểu rõ ông ấy. Đấy là một người tài giỏi, thông minh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá phương Tây, người có tinh thần quốc gia và có lí tưởng chống Cộng cao quý. Ông mất đi là một thiệt thòi lớn cho chính phủ Việt Nam cộng hoà, cho thế giới tự do. Xin quý vị và chúng tôi để một phút mặc niệm tưởng nhớ đến ông, người bạn thân mến của chúng ta, của thế giới tự do, người đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp chống Cộng cao cả...

Mấy chục cái đầu cúi xuống.

Những cái đầu ngửng lên thì cả phòng lại nhộn nhịp với những tên lính Mỹ quân phục chỉnh tề, những nữ chiêu đãi viên Việt Nam ăn mặc diêm dúa thuê của những khách sạn bên ngoài, lăng xăng đi rót rượu từng bàn. Xmít mời mọi người chúc mừng trận chiến thắng vang dội của lực lượng đặc biệt Mỹ.

Cuộc họp báo kết thúc. Một nhà báo bắt tay Xmít, nói:

- Xin chúc mừng thắng lợi của thiếu tá. Mong mỏi trong cuộc họp sau, tôi sẽ có hân hạnh được bắt tay ngài trung tá Xmít...

*

* *

Buổi họp báo của Xmít được báo chí, vô tuyến truyền hình truyền đi rất nhanh với những đầu đề giật gân kiểu Mỹ "Một tội ác của Việt Cộng bị trừng trị", "Cuộc phản công phục kích trên đường 13+500 Huế", "Một nhân tài bị giết"... Ngay trong ngày hôm đó, tin Phan Thúc Định bị giết chết cùng một lúc được tiếp nhận ở mỗi nơi một khác.

... Ở dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đang họp với Trần Kim Tuyến thì cửa phòng bị đột ngột mở tung, không có tiếng gõ báo trước. Ba người giật mình. Trần Kim Tuyến sờ nhanh vào khẩu súng ngắn để trong cặp. Giữa khung cửa mở rộng, hiện ra trước mắt họ là Trần Lệ Xuân mặt mày hớt hải. Ngô Đình Nhu đứng bật dậy:

- Cái gì thế?

- Các anh chưa được tin gì à?

- Sao? - Mấy người cùng lo lắng hỏi lại, óc nghĩ đến một cuộc đảo chính, một cuộc nổi dậy nào đó hoặc một tin tức về người Mỹ thay đổi thái độ với anh em họ Ngô.

Trần Lệ Xuân đưa một tay lên giữ ngực:

- Phan Thúc Định bị chết rồi!

Ngô Đình Diệm sửng sốt:

- Làm sao chết?

- Việt Cộng giết.

- Sao thím bỉết?

- Ti vi vừa truyền tin tại chỗ cuộc họp báo của lực lượng đặc biệt Mỹ ở Huế báo tin ấy xong.

Không khí im lặng nặng nề. Trần Kim Tuyến cố giấu vẻ thản nhiên, tò mò nhìn hai anh em họ Ngô. Ngô Đình Diệm chống tay một bên má, ngồi im. Vẻ buồn bã, choáng váng hiện trên khuôn mặt bừ bự của hắn. Ngô Đình Nhu rít một hơi thuốc lá dài. Hắn từ từ nhả khói ra cả đằng mũi lẫn đằng miệng. Mắt hắn lờ đờ. Nhìn hắn, người ta không biết hắn vui hay hắn buồn khi nhận được tin đó nữa.

Trần Lệ Xuân có ý trách móc:

- Định cứ ở trong này với chúng ta thì đâu đến nỗi !

Ngô Đình Nhu gạt đi :

- Việc cần thiết thì mới để anh ta ra ngoài ấy chứ. Cái anh này cũng hay sơ xuất lắm.

Trần Lệ Xuân nhìn chồng:

- Em ra Huế đưa ma Định nhé! Dù sao anh ta cũng chẳng còn ai thân thích ở đây, chỉ có chúng ta là người nhà.

Ngô Đình Nhu không trả lời thẳng vào lời của vợ.

- Đợi một chút nghe tôi dặn đã.

Trần Lệ Xuân quay ra, khép cửa lại. Ngô Đình Diệm thở dài:

- Cha bị Việt Minh giết, bây giờ đến con bị Việt Cộng giết. Chú Cẩn làm ăn thế nào lại để cho chúng nó hỗn thế? Tụi cảnh sát, tụi mật vụ Trung phần toàn là đồ ăn hại cả sao? Tôi là bạn của thầy anh ấy. Thầy anh ấy đã gửi tôi, tôi để anh ấy chết thế này là tôi có lỗi. Ông Nhu điện ra hỏi trực tiếp chú Cẩn xem tình hình ra sao. Ông Tuyến! (Trần Kim Tuyến "Dạ"). Ông hạ lệnh ngay cho bọn cảnh sát Trung phần phải báo cáo đầy đủ về cái chết của Định cho tôi rõ, đứa nào không làm tròn trách nhiệm, ông tống cổ nó đi. Bắt được thằng nào dính líu đến vụ đón đường phục kích này thì cho xử bắn ngay, không cần xét xử gì cả. Không mạnh tay thì một ngày kia chúng nó sẽ lọt cả vào đây cắt cổ cả chúng ta.

Đôi mắt trắng dã của Ngô Đình Diệm long lên dưới hàng lông mày rậm cau lại. Giọng hắn quả quyết:

- Đồng thời tỏ rõ cho mọi người biết ta rất ưu ái với những người có công với quốc gia: sẽ tổ chức tang lễ thật to cho Định và truy tặng anh ta đệ nhất đẳng Bảo quốc hội tinh.

... Ở Toà đại diện chính phủ lại Trung phần, Ngô Đình Cẩn nói chuyện trực tiếp bằng dây nói với Xmít. Ở cửa ra vào phòng làm việc của Cẩn, Lý Lâm đứng khoanh tay, sừng sững. Gã lúc nào cũng như một con mèo lừ lừ, tất cả sự nhanh nhẹn thu giấu vào bên trong để bất thần có thể tung ra, vươn tới, vật đổ một cái gì đó. Gã đứng đấy, nét mặt hầu như bất động, toàn bộ giác quan của gã hướng ra bên ngoài như một con chó trung thành với chủ, luôn luôn đi bên chủ, cảnh giác, hướng tất cả thị giác, thính giác, khứu giác ra chung quanh. Những tiếng nói của Ngô Đình Cẩn ở trong buồng, do gã không chú ý đến, nên vào tai gã câu được câu chăng. Nhưng bỗng nhiên gã tập trung sự chú ý vào những lời nói của Ngô Đình Cẩn trong khi mắt gã vẫn nhìn ra bên ngoài và mặt gã vẫn không hề thay đổi. Bởi vì, gã nghe thấy những lời bất thường của Cẩn nhắc đến Phan Thúc Định vào dây nói:

- Các ông phải cho chúng tôi biết đầy đủ chi tiết cụ thể... Xác ông Phan Thúc Định, các ông để đâu? Không, chúng tôi không thể đợi một sự trả lời đầy đủ của ông Lên-sđên được, chúng tôi muốn biết ngay bây giờ. Chúng tôi phản kháng các ông vì những hành động đơn phương của các ông, không có sự phối hợp của chúng tôi. Tại sao ngay chiều qua các ông không báo cho chúng tôi biết để chúng tôi cùng phối hợp với các ông? Chúng tôi sẽ phản kháng... về toà đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, sẽ phản kháng với các ông bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng Hoa Kỳ.

Các ông phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của một cố vấn đặc biệt tài năng của chúng tôi... Sao? Ông bảo gì?...

Thấy giọng thất thanh của Ngô Đình Cẩn, Lý Lâm liếc nhanh mắt nhìn chủ. Gã thấy chủ gã như suýt buông rơi ống nghe. Ngô Đình Cẩn sững sờ, để ống nghe xuống ngực như không dám nghe tiếp nữa. Mắt hắn tròn xoe. Mặt hắn ngây ra. Cái gì ở bên kia ống nghe đã làm hắn choáng váng đến thế? Như định thần lại, Ngô Đình Cẩn lại vội vã áp máy nghe vào tai thật chặt để nghe cho rõ hơn. Hắn hỏi dồn:

- ... là Việt Cộng à? Xin lỗi, ông nhắc lại cho. Sao lại có thể thế được ông phải chịu trách nhiệm về lời nói của ông. Ông đừng nên quên rằng đây là người của tổng thống gửi ra, người mà tổng thống hiểu rõ từ gia đình đến bản thân, người đã từng có ơn cứu tổng thống! Sao? Ông Lên-sđên có đầy đủ tài liệu à? Không lẽ nào! Tôi không tin được điều đó. Tôi không tin! Các ông phải trực tiếp trình bày với tổng thống...

Ngô Đình Cẩn buông rơi chiếc ống nghe. Hắn bấm chuông. Một tên thư kí riêng hiện ra trước cửa buồng. Cẩn nói hấp tấp - một gịong nói khác với thường lệ của hắn:

- Gọi cho tôi giám đốc nha cảnh sát đến đây ngay lập tức.

Tên thư kí cúi đầu "Dạ!" một tiếng, vừa quay ra thì Cẩn đã gọi giật lại:

- Này! Thôi... Có lẽ không nên cho ai biết vội... Cho anh lui...

Tên thư kí ngạc nhiên, cúi đầu quay gót.

Bỗng nhiên Cẩn mở ngăn bàn, nhìn vội các giấy má bên trong. Hắn lật từng tờ một xem. Hắn lại vội vã mở cái tủ sắt gắn chìm vào trong tường - cái tủ đựng công văn tài liệu mật riêng của hắn, có hai lần cửa sắt và khoá riêng do hắn giữ - hắn lục lọi bên trong, mở từng cái cặp các-tông, từng cái phong bì đựng giấy má ra xem. Hắn hốt hoảng khoá tủ lại, đi vội như chạy về phòng ngủ của hắn. Lý Lâm im lặng, rảo bước theo sau. Hắn chạy đến chiếc két sắt, cũng được gắn chìm vào trong tường phòng ngủ, cạnh đầu giường. Hắn mở két. Tay hắn run run lần trên những chữ số. Lý Lâm đứng lại ở cửa phòng. Cẩn cấm tuyệt đối không ai được vào phòng ngủ của hắn. Lý Lâm không biết được Cẩn làm gì trong phòng.

Cánh cửa két sắt mở ra. Cái két kiên cố có ba ngăn: ngăn dưới cùng xếp đầy vàng lá, ngăn thứ hai óng ánh kim cương và ngọc đủ màu, ngăn thứ ba xếp giấy má, thư từ riêng. Mắt Cẩn nhìn ngăn vàng và kim cương. Xưa nay, hắn cũng không đếm, cũng không biết hắn có bao nhiêu vàng và kim cương nữa nhưng hắn thấy đống vàng và kim cương ấy không suy suyển. Hắn có vẻ hơi yên tâm. Hắn rút những tập giấy ở ngăn trên cùng ra. Hắn nhìn qua một lượt và bàng hoàng. Hắn đóng sập cánh cửa két sắt lại. Mồ hôi lấm tấm trên trán, hắn lẩm bẩm: "Cái kế hoạch... cái kế hoạch...".

Hắn lật đật chạy ra ngoài hành lang. Hắn bảo Lý Lâm:

- Truyền lấy xe đi ngay. Gọi thêm mấy thằng ở đội vệ sĩ đặc biệt nữa theo tao.

Lý Lâm bật đi như một cái máy được ấn nút. Chiếc xe hơi đen riêng của Cẩn có kính chống đạn ám sát chạy ngay ra giữa sân. Đằng trước và đằng sau nó là hai chiếc Uy-lít chở đầy bọn vệ sĩ. Lý Lâm mở cửa sau chiếc xe đen. Ngô Đình Cẩn bước lên. Lý Lâm đóng sập cửa, mở cửa trước lên ngồi cạnh người lái xe. Ngô Đình Cẩn hạ lệnh:

- Đến nhà Phan Thúc Định.

Ba chiếc xe lao vút ra cổng Toà đại diện. Nghe tiếng còi xe, trông thấy ba chiếc này, các xe hơi khác, các xe gắn máy, xe đạp, người bộ hành, đều tránh rạt sang một bên.

Đến nhà Phan Thúc Định, bọn vệ sĩ ào ào nhảy xuống, đứa đứng gác ở cổng, đứa đứng gác ở sân. Lý Lâm đưa mắt nhìn quanh rồi mở cửa xe đón Ngô Đình Cẩn bước xuống.

Ngô Đình Cẩn hạ lệnh gọi tên vệ sĩ của Phan Thúc Định. Đám gia nhân nhà Định trả lời tên vệ sĩ đó đã đi cùng Định từ chiều hôm trước. Ngô Đình Cẩn vẫy mấy tên vệ sĩ cùng Lý Lâm đi theo mình vào nhà. Hắn hạ lệnh lục soát. Hắn trực tiếp đứng quan sát, bắt mở từng cánh tủ, lật từng tấm thảm trải, dỡ từng cái mặt ghế, giũ từng trang sách. Cửa tủ nào khoá thì hắn bắt phá ngay không thương tiếc. Hắn gõ từng góc tường chú ý từng khe nứt của gạch, cứ lồng lộn như một con thú bị thương.

Chương 33

Thoát hiểm

Buổi trưa đó, ở nhà Lý Lâm. Lý Lâm lừ lừ đi vào nhà. Thấy Lý Lâm về, Mai Lan vẫy gọi bọn trẻ con ăn cơm. Hai người cùng bọn trẻ ngồi vào bàn ăn. Chỉ có bọn trẻ con nói chuyện vài ba câu. Còn giữa Lý Lâm và Mai Lan, bao giờ cũng vậy, thường im lặng, người nào cứ việc người ấy làm. Đôi lúc, cần thiết lắm, hai người mới trao đổi một vài câu cộc lốc, trống không. Sau đó, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, chẳng ai nói với ai câu nào.

Hôm nay, ăn cơm xong, hình như không nén nổi, Lý Lâm bảo vợ:

- Ông Phan Thúc Định ấy mà...

Nói xong, gã ngừng lại. Mai Lan đã quen với lối nói nhấm nhẳng, diễn đạt ý nhiều khi khó khăn ấy của Lý Lâm, hỏi:

-Sao?

Lý Lâm buông một câu nặng nhọc:

- Chết rồi!

Mai Lan giật mình, tái mặt, hỏi dồn gã:

- Sao? Sao lại chết? Chết thực không?

Thấy Mai Lan hỏi dồn, gã bực mình:

- Không biết.

Mai Lan cố trấn tĩnh, hỏi lại với giọng nhẹ nhàng:

- Ông Định chết rồi à? Anh bảo không biết cái gì?

Lý Lâm thủng thẳng:

- Không biết tại sao ông ấy chết. Nghe nói Việt Cộng giết...

Mai Lan chép miệng thở dài . Tự nhiên một nỗi buồn sâu sắc choáng ngập tâm hồn chị. Chị nhớ đến cái buổi chị cho con đi cấp cứu gặp Định. Chị nhớ đến những buổi Định đi lại thăm nom, giúp đỡ chị và các con chị. Ở con người ấy toát lên một phẩm chất tốt đẹp, làm cho người ta có thể tin cậy được. Nhưng tại sao lại làm cố vấn cho anh em họ Ngô được? Tại sao lại có thể giữ một chức vụ cao và tin cẩn đối với bọn "quốc gia" như thế được? Tại sao anh ta lại liên lạc với những thằng phản động ở chiến khu của "ta"? Và nếu mà "ta" giết thì tất phải như thế nào "ta" mới giết? Hay tất cả những cử chỉ tốt đẹp kia của anh ta chỉ là giả tạo, chỉ để che đậy một âm mưu gì đó. Chỉ để nhằm mua chuộc mình? Thế này thì mình còn hiểu thế nào được nữa? Óc mình mụ đi mất rồi! Nhưng tại sao mình vẫn thấy buồn? Anh ta là người tốt hay người xấu?

Lý Lâm lại thủng thẳng:

- Nhưng lạ lắm!

- Lạ cái gì cơ?

- Lạ lắm! Hình như ông ấy là... Việt Cộng.

Mai Lan sững sờ nhìn Lý Lâm, không nói được câu nào nữa. Lý Lâm thấp giọng như nói cho một mình nghe, mắt không nhìn Mai Lan:

- Người Mỹ ghét ông Định. Cậu bắt khám nhà ông Định suốt cả buổi sáng. Hình như cậu mất cái gì quý lắm!

- Khám có thấy gì không?

- Không thấy gì cả!

Mai Lan cũng không hiểu ra làm sao nữa. Chị nhớ đến lời "các anh ấy" dặn, có gì đặc biệt phải báo cáo cho "các anh ấy" biết ngay. Phải báo cho "các anh ấy" ngay!...

*

* *

Chiều hôm đó, tại trụ sở của CIA ở Sài Gòn, Lên-sđên đã có trong tay bản báo cáo tỉ mỉ của Xmít và những bức ảnh, những biên bản làm tại chỗ về vụ "Phan Thúc Định bị Việt Cộng phục kích giết chết".

Đang đọc một cách bình thản bỗng hắn cau mày chú ý theo dõi từng chữ một. Hắn giở chiếc ảnh chụp xác Phan Thúc Định ra ngắm nghía. Hắn lật vội giấy má trong tập báo cáo, tìm cái biên bản khám nghiệm pháp y của bác sĩ khám xét xác Phan Thúc Định. Hắn nắm bàn tay đấm mạnh xuống bàn, la lên:

- Hỏng rồi! Đồ lợn! Làm hỏng hết rồi!

Hắn bấm chuông điện để cạnh bàn giấy như ấn cả bàn tay to lớn, lông lá vào đó. Một tên Mỹ chạy ra, rập gót giày đứng nghiêm người. Lên-sđên nói như thét vào mặt tên Mỹ:

- Gọi ngay cho tôi ông Phu-lít-xtơn.

Tên Mỹ quay gót. Lên-sđên nới nút cà vạt, cởi khuy cổ áo sơmi. Người hắn nóng bừng mặc dầu máy điều hoà nhiệt độ trong phòng chỉ số 18 độ. Hắn đến tủ con góc phòng mở một chai nước hoa quả tươi rót ra cốc, uống ừng ực một hơi hết. Mạch máu ở thái dương hắn căng ra, giần giật. Cơn giận dữ, tức tối cứ cuồn cuộn dồn lên ngực hắn, dồn lên đầu hắn làm hắn không thể ngồi yên được. Hắn lồng lộn như con thú dữ bị nhốt trong chuồng. Hắn muốn đập phá, bóp nát một cái gì. "Thực là xấu hổ! Thực là nhục nhã! Ngài Đa-lét biết thì trả lời ngài ấy sao bây giờ? Bọn Việt Cộng sẽ cười vào mũi . Tại sao? Tại sao? Ở Phi Luật Tân, ở mấy nước Nam Mỹ, mình có bao giờ gặp những chuyện như thế này đâu?..."

Không đập, không phá được cái gì, hắn buông thân mình rơi nặng nề xuống chiếc ghế bành độn lò xo. Mạch máu thái dương hắn vẫn giần giật.

Có tiếng giày đi đến gần. Phu-lít-xtơn bảnh bao, đẹp trai bước vào phòng. Nhìn thấy dáng điệu và nét mặt Lên-sđên, Phu-lít-xtơn biết có điều gì không ổn đã xảy ra cho nên nụ cười duyên dáng trên môi hắn vừa mới hé ra đã vội tắt ngay. Hắn vừa nói, vừa để ý thăm dò Lên-sđên:

- Thưa đại tá, đại tá cho gọi tôi.

Lên-sđên cười gằn:

- Vâng, tôi cho mời ông đến có việc. Tôi muốn ông cho tôi biết: nhiệm vụ của tôi trao cho ông ra Huế phối hợp với ông Xmít để giải quyết thằng Phan Thúc Định vừa rồi, ông có lộ cho ai biết không?

Phu-lít-xtơn lắc đầu, có vẻ ngơ ngác:

- Thưa đại tá, ngoài ông Xmít ra, tôi không hé lộ cho ai biết cả. Có việc gì xảy ra đấy ạ?

Lên-sđên giằn giọng:

- Ông có trao đổi với ông Xmít tất cả những ý kiến, tiến hành công việc như tôi đã dặn ông không?

Phu-lít-xtơn quả quyết:

- Thưa đại tá, bằng trí nhớ của người tình báo, tôi đã nhắc lại đúng nguyên vãn với ông Xmít tất cả những điều đại tá dặn. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên thấy đại tá hỏi tôi như vậy.

Lên-sđên mỉa mai:

- Thưa ông Phu-lít-xtơn, tôi cũng rất lấy làm ngạc nhiên, khi thấy sự việc diễn ra hoàn toàn trái với ý đồ của chúng ta.

- Thưa đại tá, tôi thiết tưởng mọi việc diễn ra như vậy là tuyệt đẹp, chẳng khác gì dưới bàn tay một người đạo diễn tài tình. Người đạo diễn tài tình ấy chính là đại tá. Thiếu tá Xmít đã có báo cáo đầy đủ. Những tình tiết ấy đủ làm tài liệu để sau này tôi có thể viết một kịch bản phim rất hay.

Không nén nổi tức giận, Lên-sđên gầm lên:

- Ném cái kịch bản ấy của ông xuống Thái Bình Dương. Đây là Việt Nam chứ không phải là Hô-ly-út và tôi là Lên-sđên chứ không phải là chủ hãng Mê-tơ-rô. Chúng ta đã bị lừa rồi!

Hắn quăng cái biên bản khám nghiệm pháp y và tập ảnh chụp của Xmít gửi vào ra trước mặt Phu-lít-xtơn, nói:

- Xác chết có hai chiếc răng vàng. Ông đã từng gặp thằng Phan Thúc Định. Ông thấy nó có răng vàng không? Và người có hai răng vàng như biên bản này, theo chỗ tôi biết, thì là vệ sĩ của Định.

Phu-lít-xtơn tái mặt đọc nhanh cái biên bản khám nghiệm pháp y về việc khám xét tử thi Phan Thúc Định. Hắn ngửng lên, ngơ ngác hỏi Lên-sđên:

- Vậy người chết không phải là Phan Thúc Định?

- Thưa "ngài" Phu-lít-xtơn: "Vâng!". Đấy mới là "tuyệt đẹp". Câu hỏi của ngài không xứng đáng là câu hỏi của người tình báo một chút nào!

Rồi Lên-sđên đổi giọng:

- Chiếc Méc-xê-đét đúng là của thằng Phan Thúc Định, nhưng nó đã thoát chết. Đây là một sự thất bại cay đắng cho chúng ta, một điều sỉ nhục đối với tổ chức CIA của chúng ta.

Tại sao nó lại thoát chết? Tại sao nó lại biết trước được mưu kế của chúng ta? "Lỗ hở" ấy ở đâu? Chỉ có ông và ông Xmít chịu trách nhiệm. Thằng Phan Thúc Định bây giờ ở đâu? Đang làm gì? Chúng ta phải biết! Chúng ta phải tìm cho ra! Rất tiếc là tôi vừa mới đề nghị khen thưởng cho Xmít. Và ông, thì tôi rất kính trọng ông cụ thân sinh ra ông là một nhà đại tư bản quyền thế quen biết nhiều nghị sĩ quốc hội, nếu không thì trách nhiệm vụ này ở hai ông, tôi sẽ phải làm đến nơi đến chốn.

Phu-lít-xtơn lắp bắp:

- Thưa đại tá, tôi thực không ngờ tới... tôi chỉ biết điều tra và truyền lệnh của đại tá.

Một tên Mỹ đứng nghiêm ở cửa, tay cầm tờ giấy nhỏ:

- Báo cáo đại tá, có điện khẩn của vùng Chiến thuật 1.

Lên-sđên đưa tay đón tờ giấy. Tên Mỹ rập gót giày chào rồi quay ra. Lên-sđên đọc tờ giấy. Mắt hắn căng ra. Lần này, giọng hắn lạc hẳn đi, hốt hoảng:

- Lạy Chúa! Cẩn để mất cái kế hoạch ấy à? Ông Phu-lít-xtơn, ông hạ lệnh cho Trần Kim Tuyến và tất cả người của ta ở các nơi gặp thằng Phan Thúc Định ở đâu phải bắt cho bằng được. Không bắt được thì phải giết chết ngay. Ai bắt được thằng Định, thưởng năm vạn đôla. Giết chết được nó thưởng một vạn đôla. Cho mời ông Phi-sin và ông Tô-ma đến gặp tôi ngay bây giờ. Báo cho ông Ngô Đình Diệm biết tối nay tôi sẽ đến gặp ông ta có việc khẩn cấp. Bảo chuẩn bị xe chúng tôi đến ngay toà đại sứ. Ông chuẩn bị đi cùng ông Tô-ma ra Huế...

Chưa hình dung được việc gì đã xảy ra nhưng qua giọng nói và thái độ của Lên-sđên, Phu-lít-xtơn biết là tình hình hệ trọng khẩn cấp, hắn "Yét-sơ" một tiếng thật to rồi chạy vội sang phòng bên như ma đuổi.

Chuông điện thoại của cơ quan chỉ huy CIA ở Sài Gòn réo gọi các nơi liên tiếp...

*

* *

Phu-lít-xtơn đã không dám nói thật với Lên-sđên.

Không phải chỉ có một mình hắn và Xmít ở Huế biết âm mưu của CIA định giết Phan Thúc Định. Còn một người nữa biết âm mưu đó: Tố Loan.

Từ Sài Gòn bay ra Huế, ngoài việc công ra, Phu-lít-xtơn tấp tểnh nghĩ đến việc riêng. Hắn mong mỏi gặp Tố Loan. Người con gái Việt Nam xinh đẹp dịu dàng có học thức ấy đã làm hắn say mê. Hắn say mê vì hắn không thể tìm thấy ở những phụ nữ châu Âu, châu Mỹ vẻ dịu dàng, thanh tú riêng biệt của phương Đông như ở Tố Loan.

Hắn say mê vì hắn không thể tìm thấy ở những người phụ nữ khác những cử chỉ, dáng điệu, những lời nói biểu lộ một nếp sống văn hoá, một chiều sâu của học thức như ở Tố Loan. Hắn say mê vì nghĩ nếu đưa được Tố Loan về Mỹ sống với hắn, thì hắn có thể tự hào với bạn bè hắn ở bang Mai-a-mi là đã có "thành tích" chinh phục được một người đẹp châu Á ở cách xa hàng vạn dặm như thế.

Hiện nay, hắn chưa chiếm được tình yêu của Tố Loan, nhưng hắn tin rằng rồi đây hắn sẽ chiếm được. Bởi vì, hắn tin ở ảnh hưởng của hắn đối với Tố Loan. Chẳng phải chính hắn đã là người làm thay đổi được chiều hướng tư tưởng, tình cảm của Tố Loan đấy ư? Chẳng phải chính hắn đã là người làm cho Tố Loan từ một người tham gia các phong trào đấu tranh của cái đám thanh niên học sinh thân Cộng biến thành một người căm thù Cộng sản đấy ư? (Hắn không biết đến sự đổi thay của Tố Loan những ngày gần đây). Chẳng phải chính hắn đã làm cho Tố Loan từ chỗ có ác cảm với người Mỹ đến chỗ làm cộng tác viên của CIA đấy ư? Những việc ấy so với việc chiếm tình yêu của Tố Loan còn khó hơn nhiều mà hắn đã làm được, huống hồ là việc làm cho tình cảm Tố Loan hoàn toàn thuộc về hắn. Cái đó không khó gì, miễn là cần một số thủ đoạn và sự kiên nhẫn.

Hắn tin vì hắn là người Mỹ, một người Mỹ trẻ tuổi, đẹp trai, lịch sự, có học. (Thực là một người đàn ông lí tưởng cho các phụ nữ). Hơn nữa hắn là con một nhà tư bản lớn. Hắn sẽ hứa với Tố Loan một đám cưới chính thức, một cuộc đi chơi trăng mật ở Pa-ri, Rô-mơ hay ở Ha-oai tuỳ theo ý Tố Loan muốn, một cuộc sống giàu có ở Mỹ... Hê-lô! Đô la và cuộc sống Mỹ... ai chẳng thích! Đô la và cuộc sống Mỹ! Không có lời tán tỉnh và hứa hẹn nào hấp dẫn bằng!

Những hình ảnh ấy lại quay lại huyễn hoặc hắn. Hắn tưởng tượng đến cảnh hắn sánh vai với Tố Loan trong một đám cưới linh đình tổ chức ở Sài Gòn. Gia đình hắn sẽ đi máy bay riêng sang. Đám cưới có đại sứ Hoa Kỳ, các quan chức cao cấp Hoa Kỳ và các quan chức cao cấp Sài Gòn đến, Đức Cha tổng giám mục Sài Gòn sẽ làm lễ. Tố Loan sẽ ăn mặc như thế nào? Không, cứ mặc áo dài Việt Nam, choàng voan trắng. Một đám cưới Việt - Mỹ.

Cho nên vừa đến Huế, sau khi gặp Xmít xong hắn tìm gặp ngay Tố Loan. Tố Loan đã nhận được một bức điện của hắn gửi ra trước với những kí hiệu riêng. Từ ngày hắn thuyết phục được Tố Loan làm cộng tác viên của CIA và đưa Tố Loan về Huế thì hắn tránh gặp cô công khai ở Huế với mục đích bảo đảm bí mật cho cô.

Nhận được bức điện của hắn, Tố Loan phân vân không biết đối xử ra sao. Gặp hắn ư? Cô rất khó chịu. Từ ngày được Phan Thúc Định giúp cho hiểu biết sự thực về gia đình mình, về Phạm Xuân Phòng và cái chết của hắn, Tố Loan bần thần như người mất hồn suốt một thời gian. Nhiều tình cảm khác nhau xáo trộn, dằn vặt trong cô. Buồn bã, chán nản, căm giận, hoài nghi. Qua việc bọn Mỹ dùng cái chết của Phạm Xuân Phòng để đánh lừa cô, lợi dụng cô, cô thấy ghê tởm sự xảo quyệt của chúng. Mỗi lần gặp bọn Mỹ, nghe chúng nói, cô cảm thấy tất cả những điều chúng nói đều là dối trá. Bọn Mỹ dối trá, lừa bịp cô. Vân Anh cũng dối trá, lừa bịp với cô. Vậy ai là người trung thực, cô có thể tin được? Người đã làm cho cô hiểu rõ tất cả mọi tự dối trá kia là ai? Phan Thúc Định?

Thế rồi, cô gặp lại một số những người bạn mà cô đã đi cùng hàng với họ trong những buổi "xuống đường" hồi còn đi học. Cô thấy họ vẫn say mê, vẫn hừng hực lửa của tuổi trẻ. Nói chuyện với họ, cô thấy họ nhìn bản chất bọn Mỹ rõ hơn cô.

Cô cảm thấy hối hận và xấu hổ về mấy cái báo cáo tin tức cô gửi cho Phu-lít-xtơn. Những người bạn trẻ kéo cô đi dự những cuộc họp của thanh niên, sinh viên. Trong những cuộc họp ấy, cô nghe mọi người phát biểu ý kiến. Cô so sánh với những lời Phu-lít-xtơn nói với cô. Cô nhìn bọn lính biệt động, bọn cảnh sát ác ôn đàn áp đánh đập man rợ, bỏ tù, giết chết những người thanh niên, sinh viên chỉ vì mỗi một "tội": muốn cho nước Việt Nam độc lập, muốn cho ngoại bang không được xâm lược, không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, muốn nhân phẩm người Việt Nam được tôn trọng. Tất cả những điều nghe được, nhìn thấy, so sánh ấy đặt cho cô một câu hỏi lớn - một câu hỏi vẫn thường được đặt ra trước mặt tất cả những người trí thức sống trong vùng bị tạm chiếm - đi theo con đường nào? Đứng về phía nào?

Mối thù gia đình giả tạo, bịa đặt đẩy cô rời khỏi hàng ngũ bạn bè, bà con đồng bào đã bị gỡ bỏ, lại nhìn thấy thủ đoạn xấu xa, tàn bạo của bọn địch lợi dụng mình, tất nhiên Tố Loan lại trở về với bạn bè, với bà con đồng bào. Cô muốn làm một cái gì để bù đắp lại thời gian vừa qua. Sức sống tuổi trẻ như trở lại với cô. Như mặt trời, sau khi đám mây đen che mình trong một thời gian đã bay đi, lại toả ánh sáng.

Sau lần được Phan Thúc Định giúp cho biết rõ về nguồn gốc gia đình mình, hiểu biết sự thực về cái chết của Phạm Xuân Phòng, Tố Loan tiếp xúc với anh nhiều hơn. Cô ngạc nhiên về sự hiểu biết rộng rãi của anh, về những tin tức anh nắm được. Tuổi trẻ thường tò mò, ham hiểu biết. Cô có thể hỏi anh về những vấn đề gì cô chưa hiểu biết, những tin tức gì cô phân vân không rõ đúng sai. Có vấn đề, anh trả lời cô thẳng thắn "không nói được", nhưng tất cả những vấn đề, những tin tức anh nói với cô, cô thấy hoàn toàn đúng. Chỉ trừ những câu cô hỏi về bản thân anh thì anh lảng tránh, hoặc chỉ đáp một cách chung chung "Tôi học ở Pháp về và cũng như cô thôi - muốn đem những hiểu biết của mình giúp ích cho đất nước".

Hình như lúc đầu, Phan Thúc Định cũng thử xem cô có phải là người kín đáo trung thực không, nên chỉ trao đổi với cô những tin tức bình thường. Sau đó, thấy những điều anh nói cho cô biết, ngay cả việc cô biết sự thực về cái chết của Phạm Xuân Phòng nữa, cô không hé lộ cho ai biết. Phan Thúc Định mới bắt đầu trao đổi với cô những vấn đề rộng rãi hơn, những tin tức mà ở ngoài ít ai biết.

Dần dần, Tố Loan hỏi Phan Thúc Định về cả những vấn đề thuộc cuộc sống của mình. Cô thấy bao giờ anh cũng khuyên cô những điều tốt, điều đúng với những ý kiến phân tích xác đáng, những lời lẽ trung thực. Giữa lúc cô tưởng không còn biết tin vào ai nữa thì niềm tin Phan Thúc Định, ở trong cô, từng bước, từng bước hình thành. Cùng với niềm tin ấy, mối tình cảm rất mơ hồ, rất nhẹ nhàng len lén đến với cô. Hình như mỗi lúc gặp Phan Thúc Định cô thấy vui hơn, yên tâm hơn trên bước đường đi của mình; hình như mỗi lúc nghĩ đến Phan Thúc Định, cô thấy đỡ cô đơn, lẻ loi hơn, như có một người anh tin cậy, một người bạn thân hiểu biết mình. Tình cảm ấy đến từ bao giờ, cô không rõ.

Nghe theo lời của Phan Thúc Định, cô cảm thấy mình gần bạn bè, đồng bào của mình hơn. Cô đã quên mình đã có một thời kì là cộng tác viên của CIA. Bây giờ bức điện của Phu-lít-xtơn mà cô nhận được gọi cô trở về mối quan hệ của cô với bọn Mỹ qua hắn. Cô ân hận, xấu hổ về mối quan hệ ấy, đã muốn quên nó đi, xoá nó đi, dứt nó đi ra khỏi cuộc đời cô mà nó lại hiện về. Cô căm ghét nó như căm ghét bọn Mỹ bịp bợm dối trá. Cô như thấy hiện ra trước mắt cô cái bộ mặt giả dối, cái giọng nói ba hoa cứ lăm le chuyển sang tán tỉnh cợt nhả của Phu-lít-xtơn. Làm thế nào bây giờ? Gặp hắn thì chẳng khác gì phải chịu đựng một cực hình, một sự tra tấn, khi nhìn bộ mặt và nghe những lời nói của hắn. Gặp hắn thì tức là nối chặt thêm mối quan hệ với bọn chúng mà cô đã muốn cắt đứt, xoá đi, quên đi, kể cả trong kí ức của mình. Nhưng nếu không gặp hắn, gây cho hắn một mối nghi ngờ, để cho hắn biết rằng cô đã thay đổi thì chắc chắn bọn CIA sẽ không để cho cô yên. Cái chết của Phạm Xuân Phòng đã dạy cho cô hiểu điều đó.

Làm thế nào bây giờ? Cô nhớ tới Phan Thúc Định. Cô gọi dây nói cho anh, hẹn gặp.

... Hai người bước song song trên đồi thông như một cặp tình nhân đi viếng lăng tẩm. Sau khi nghe Tố Loan nói về việc Phu-lít-xtơn ra Huế, Phan Thúc Định liên hệ tới ngay những lời Vân Anh nói với anh trong bức thư của cô gởi cho anh trước khi tự tử. Thằng CIA đội lốt nhà báo, con chó sói đội lốt cừu ấy, lần này ra Huế có việc gì đây? Nó có âm mưu gì mà Vân Anh, trước khi chết, cũng phải báo cho mình? Anh nói với Tố Loan:

- Cô cứ gặp. Chắc chắn không phải tự nhiên Phu-lít-xtơn ra đây. Chắc chắn ra cũng không phải chỉ để gặp cô. Cô vẫn thường nói cô muốn trở thành một người có ích cho xã hội, cho đất nước. Cô làm thế nào nắm được mục đích của việc hắn ra đây, tức là cô cũng làm được một việc lớn rồi.

Tố Loan cau mày:

- Nhưng tôi không thể chịu được mỗi khi phải nhìn cái bộ mặt thơn thớt đểu cáng của hắn.

Phan Thúc Định nhẹ nhàng:

- Tôi cũng hiểu như thế! Tôi biết đó cũng là điều rất khổ tâm của cô, nhưng cô hãy nghĩ rằng cô gặp hắn không phải là vì hắn, cô gặp hắn vì yêu cầu của công việc. Cô hãy nghĩ đến những điều lớn lao khác mà quên sự khó chịu ấy đi. Cô cố gắng đừng để lộ cho hắn biết một chút gì về sự thay đổi của cô cả. Cô lộ ra, dù chỉ là một tí chút về sự thay đổi của cô thôi, cũng đủ để cho hắn đề phòng cô, hắn sẽ không hở miệng ra điều gì mà lại có thể rất nguy hiểm cho cô.

Gió thổi xào xạc trên những cây thông con. Trong ánh nắng dịu, Tố Loan nhìn nét mặt nghiêm túc của Phan Thúc Định, nghe lời nói rành rẽ của anh. tin rằng những điều anh nói là những điều cần phải theo. Phan Thúc Định nói thêm:

- Đối với Phu-lít-xtơn, cô hãy coi cô như vẫn là cộng tác viên của hắn. "Chúng ta" cần phải biết mọi ý đồ của bọn Mỹ và ngược lại, không được để cho bọn Mỹ biết bất cứ điều gì của "chúng ta" cả.

*

* *

Thấy Tố Loan đến đúng chỗ hẹn theo sự thông báo của bức điện, Phu-lít-xtơn không nghi ngờ gì cả, trước sự khéo léo của Tố Loan và để mua chuộc sự tin cần của cô trong lúc tán tỉnh, Phu-lít-xtơn đã để lộ cho cô biết âm mưu của CIA định giết Phan Thúc Định.

Nhận lệnh của Lên-sđên, hắn đã ra gặp Xmít. Hắn thống nhất với Xmít kế hoạch giết Phan Thúc Định. Hắn được Xmít cho biết cứ vào khoảng 16 giờ ngày thứ bảy mỗi tuần, Phan Thúc Định thường lái xe một mình lên phía bắc thành phố, xa Huế khoảng 15 ki-lô-mét, dạo chơi qua chỗ Tố Loan dạy học.Cách chỗ ấy không xa, nhô lên mấy ngọn đồi cây rậm rạp, chạy dài theo đường cái lớn khoảng hơn một ki-lô-mét.

Có một số tên lính bản xứ trong lực lượng đặc biệt bị Xmít nghi ngờ là tay chân của Ngô Đình Cẩn cài vào, sẽ được lệnh của Xmít mặc giả làm du kích Việt Cộng phục sẵn ở đoạn đường 13+500. Bọn chúng được lệnh khi thấy chiếc Méc-xê-đét sơn màu như thế, mang biển số như thế, có những đặc điểm như thế... chạy qua lúc 18 giờ thì phải bắn chết ngay người lái tại chỗ.

Đồng thời Xmít cũng sẽ cho một đại đội lực lượng đặc biệt Mỹ đến bố trí thành một vòng cung bao bọc lấy bọn lính bản xứ. Nhiệm vụ của đại đội lực lượng đặc biệt Mỹ là giám sát đề phòng Phan Thúc Định chạy thoát. Nếu Phan Thúc Định, vì một lí do nào đó thoát được luồng đạn của bọn lính bản xứ thì bọn lính Mỹ phải giết bằng được anh. Nhiệm vụ nữa của bọn lính Mỹ là, dù bọn lính bản xứ kia có giết được Phan Thúc Định hay không thì cũng phải diệt hết chúng.

Thực hiện kế hoạch đó, bọn Mỹ có nhiều cái lợi. Chúng vừa giết được Phan Thúc Định, người mà chúng không nắm được, vừa phủi trắng tay đổ cho Việt Cộng gây tội ác. Chúng vừa tuyên truyền chiến thắng được một trận phục kích của Việt Cộng, vừa diệt được bọn bản xứ chúng nghi ngờ. Chúng lại tránh cả được một sự căng thẳng giữa chúng với anh em họ Ngô do việc chúng công khai giết Phan Thúc Định gây ra.

Nghe được Phu-lít-xtơn lộ ra việc định giết Phan Thúc Định, Tố Loan bàng hoàng cả người. Cô phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh. Cô làm vẻ ngạc nhiên hỏi hắn:

- Sao lại giết Phan Thúc Định? Anh ta là cố vấn của ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn cơ mà.

Phu-lít-xtơn mỉm cười tinh quái:

- Ông Lên-sđên và ông Phi-sin hiểu rõ điều ấy hơn tôi. Theo ý hai ông, hắn có thể là Việt Cộng.

Tố Loan càng sững sờ:

- Có thể tin được điều ấy không nhỉ? Việt Cộng sao lại làm cố vấn cho Ngô tổng thống? Nếu anh ta là Việt Cộng thì anh ta giết ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn rồi! Người Mỹ các ông giàu óc tưởng tượng quá! Hay các ông bị ảnh hưởng những chuyện tình báo li kì do chính các ông viết ra?

Phu-lít-xtơn đáp:

- Tôi xin miễn tranh luận với cô điều ấy. Người Pháp trước đây đã chẳng để cho một tình báo viên Việt Minh leo lên đến chức Quốc vụ khanh của Bảo Đại là gì! Người Mỹ chúng tôi không muốn mắc sai lầm như người Pháp đã mắc phải. Dù hắn không phải là Việt Cộng một trăm phần trăm thì chúng tôi không nắm được hắn, chúng tôi cũng không thể để như thế được. Bổn phận của chúng ta là phải thi hành lệnh trên.

Rồi Phu-lít-xtơn quay sang câu chuyện hắn nói dở trước đó:

- Nhưng thôi, cô Loan ạ! Chuyện ấy bây giờ là của ông Xmít. Chúng ta chẳng cần quan tâm đến. Cô biết đấy, tôi đã tin cô đến như thế nào, tôi có giấu cô điều gì đâu. Thú thật, tôi không thể tìm thấy trên đời này một người phụ nữ thứ hai nào làm tôi quý... tôi mến... như cô. Tôi vẫn nghĩ rằng thật là diễm phúc cho người nào được làm bạn cuộc đời với cô. Người Mỹ chúng tôi quen nói thẳng những suy nghĩ của mình. Cô cho phép tôi được nói thực với cô: Tôi mơ ước được có diễm phúc ấy. Tôi có một sự nghiệp hàng chục triệu đôla của bố mẹ tôi sẽ để lại cho tôi ở Mai-a-mi, tôi có một ngân khoản riêng ở ngân hàng đứng tên tôi, tôi có một biệt thự và xe hơi riêng... Nếu cô đồng ý...

Nhưng từ đó, Tố Loan không nghe thấy gì nữa. Lời của Phu-lít-xtơn cứ loáng thoáng tiếng được tiếng mất vào tai cô "... trăng mật... Pa-ri... Đài Loan... máy bay... lợi tức... đôla... nước Mỹ". Cô chỉ đáp cho qua chuyện và nghĩ cách gặp ngay Phan Thúc Định. Thế nào cũng phải gặp ngay Phan Thúc Định.

*

* *

Tố Loan đã tìm cách bí mật gặp lại Phan Thúc Định. Cô kể hết những điều Phu-lít-xtơn đã lộ với cô. Cô ngạc nhiên khi thấy nét mặt, thái độ của Phan Thúc Định không có gì thay đổi, rất bình tĩnh khi nghe những điều mà cô tưởng "tày đình" ấy, những điều quan hệ đến sinh mạng của anh ấy.

- Ngày mai, thứ bảy rồi! Ngày mai, chúng sẽ bố trí giết anh. Anh hãy tìm cách trốn ngay hôm nay đi! - Cô nói hầu như khẩn khoản với anh.

Phan Thúc Định im lặng suy nghĩ. Tố Loan càng ngạc nhiên khi thấy anh thản nhiên đáp lại lời khẩn khoản đầy lo lắng của cô:

- Không! Tôi sẽ không trốn đi đâu cả. Ngày mai tôi cũng sẽ đi về phía Kim Long dạo chơi như thường lệ...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top